RE: Cảm nhận thơ hay cùng với lời bình
26.05.2008 02:48:35
(
permalink)
Tống Biệt Hành
Tg: Thâm Tâm
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Môt giã gia đình, môt dửng dưng.
Ly khách! Ly khách! Con tàu nhỏ
Chí lớn chưa về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ muà hạ sen nở nốt
Môt chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai giòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa vào thu tươi lắm thay
Em nhỏ thơ ngây đôi mắt ướt
Gói tròn thương nhớ chiếc khăn tay..
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thật
Mẹ! thà coi như chiếc lá bay
Chị! thà coi như là hạt bụi
Em! thà xem như hơi rượu cay
lời bình:
Trong bầu trời thơ Việt Nam, những bài viết về chia ly lúc nào cũng nhiều hơn đoàn tụ. Điều này chắc không chỉ xảy ra trong cảm xúc của các nhà thơ Việt. Thế giới cũng thế cả thôi. Chắc hẳn, khi trái tim tràn ngập yêu thương, sung sướng, người ta không có nhiều thời giờ để dành cho thi ca.
Lấp lánh như một viên ngọc giữa bao la đất cát bùn lầy, bài thơ dưới đây có vẻ như chễm chệ một mình một chiếu trong vô vàn bài thơ khác của cả một chiều dài văn học. Như đã nói ở trên, cảm xúc biệt ly được ghi thành thơ thì hằng hà sa số, nhưng cái cách mà bài thơ này bật lên như con chim phượng giữa bầy gà là một điều rất đỗi tự nhiên.
Ngay cả đối với tác giả - người khai sinh ra nó – cũng lâm vào một tình thế chẳng lấy gì làm dễ chịu. Người ta, thay vì nhắc tới anh, làm luận đề về toàn bộ tác phẩm của anh, đã chỉ nói về nó. Làm như thể, cả đời anh chỉ có làm được một bài thơ. Điều này, dẫu vinh dự tới đâu, cũng chẳng phải là điều bất cứ người làm thơ nào ham muốn. Thiên hạ đã thế, kẻ viết bài tùy bút này cũng không là ngoại lệ.
Tôi muốn nói với các bạn về bài Tống Biệt Hành của nhà thơ Thâm Tâm.
Bài này đã được biết bao nhiêu ngòi bút thiên tài lẫn không thiên tài bàn tới. Trong đó, ấn tượng nhất đối với tôi là bài của Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam. Mà không phải toàn bài, chỉ một câu, một câu để đời : Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc.
Ý nghĩa của bài Tống Biệt Hành không nhiều hơn những gì ta nhìn thấy ban đầu. Hầu như không có cái gọi là ý tại ngôn ngoại nơi đây. Có chăng, một ẩn khuất (có lẽ cũng chẳng quan trọng gì lắm nếu ta chỉ để ý tới bài thơ mà không cần tìm hiểu về tác giả). Nhiều người thắc mắc bài này Thâm Tâm viết cho mình hay về một người bạn khác. Theo tôi, điều này không làm tăng hay giảm giá trị của bài thơ. Ai, Thâm Tâm hay một người khác, cũng thế thôi, bởi vì, bài thơ không đưa ra một cảm xúc gì mới mẻ lắm so với những bài thơ khác, cũng diễn tả một cuộc chia tay trên sân ga, với nhiều hệ lụy, bi, tráng…
Có chăng, ở đây, chất tráng có phần mạnh mẽ lấn át chất bi.
Điều tôi muốn nói, là hình thức của bài thơ. Chính cái bộ dạng bên ngoài của TBH đã đưa nó vào lòng độc giả bằng những bước chân gắt, gấp, gân guốc và rắn rỏi.
Thâm Tâm khôn ngoan chọn cho mình thể loại hành để diễn tả. Hành là một thể thơ cổ, khi mà mớ rắc rối của Đường thi chưa thò bàn tay uy lực vào để áp chế nàng thơ, bắt nàng vào khuôn, vào phép, đi thưa về trình, vào ra khép nép…Thể loại cổ phong hào sảng, tự do hơn nhiều.
Trong cái không khí ồn ào của sân ga, rền rĩ những tấm tức, buồn bã, TBH của Thâm Tâm như một bộ phận lọc âm, tiêu trừ những âm thanh thừa mứa. Chúng ta, người đọc, chỉ nghe mồn một cái tiếng lòng của người ra đi, dứt khoát mạnh mẽ với sự lưu luyến dây dưa…
Bóng chiều không thắm / không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
Câu trước đưa người đọc tới một tâm trạng quân bình bởi phân đoạn trước kết thúc với một âm trắc, và phân đoạn sau cũng thế. Nhưng, từ vọt là một âm khép, lại dấu nặng, nó buông xuống đanh, gọn như một nhát búa vào khối kim loại đặc, nặng và đục. Có lẽ để bù lại cái miên man dàn trải ở câu sau, những thanh bằng nối nhau là đà trôi vào cặp mắt của nhân vật, vào lòng của người đọc bài thơ.
Ly khách / Ly khách / con tàu nhỏ
Chí lớn chưa về / bàn tay không
Nhịp đôi tiếp nhịp đôi ở câu trên gợi âm thanh một chuyến xe lửa đang chầm chậm trôi vào ga. Chậm và lừ lừ với hình khối to lớn, lãnh đạm mà đe dọa, dù chỉ là con tàu nhỏ…Cuộc chia ly đã đến, đã cận kề. Ba tiếng cuối câu dưới, bàn tay không, buông ra như một cái phủi tay…Chính vì cái không này, phải cất bước mà đi…trong bi có tráng, trong âm thanh đều đều buồn tẻ của tiếng con tàu nhỏ, như vọng lên tiếng gươm khua của khách giang hồ…
Không biết, khổ thơ trên có phải đã được Thâm Tâm cố ý đẩy lên thành sáu câu. Du người đọc tới tâm trạng khắc khoải chờ đợi một cái gì đang sẵn sàng bùng phát, vỡ ra…Lúc nhỏ, đọc bài thơ này, tôi chê ý tứ trong đoạn sáu câu lếnh loãng, không rõ ràng, minh bạch. Bước chân ra đi mà còn phải dặn lòng không đạt được cái này cái kia thì không trở về, đã vô tình hiện rõ sự yếu thế. Thuở xưa, Trần Hưng Đạo sở dĩ phải chỉ tay trước dòng sông : Không thắng giặc thề không trở về sông này nữa, cốt để ổn định lòng quân đang dao động. Trường hợp kẻ chinh phu trong TBH cũng vậy.
Sau này, khi lớn lên, tôi mới mơ hồ cảm thấy một điều, Thâm Tâm đã cố ý đưa vào bài hành của mình nỗi dao động của kẻ lên đường rắp tâm chí lớn, là có nguyên do của nó. Thành, bại, được, thua trong cõi nhân sinh, có khi chẳng khác gì nhau, chỉ là những thứ sắc, không huyễn ảo. Như Thanh Tâm Tuyền đã thốt lên run rẩy : Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới…nhiều thi nhân đã dự cảm về một tương lai bất định của mình, của dân tộc mình. (Thâm Tâm mất đi trong màu áo Vệ Quốc Quân ngày 18 tháng 8 năm 1950, thọ 33 tuổi, một cái chết trẻ, rất trẻ)
Khổ thơ kế tiếp, Thâm Tâm chuyển qua sử dụng vần trắc. Âm điệu bài thơ xoay chuyển theo hướng gần như dằn dỗi với người, với chính mình.
Ta biết / người buồn / chiều hôm trước
Bây giờ muà hạ / sen nở nốt
Môt chị / hai chị / cũng như sen
Khuyên nốt em trai / giòng lệ sót
Mỗi ngắt quãng giống như một tiếng nấc. Và bực dọc với sự ủy mị của mình, nhà thơ quăng ra những âm vận cộc lốc một cách cố ý.
Sau đó, giống như một người chuộc lỗi, giọng điệu khổ thơ kế tiếp mềm hẳn đi. Những âm nay, thay, tay như vỗ về, như an ủy người đưa tiễn. Những hình ảnh sáng hôm nay, trời chưa là thu, đôi mắt ướt, chiếc khăn tay…từ thời gian, không gian to rộng bao dung thu lại một cách hiền hòa khép nép với một chiếc khăn tay trong đôi mắt ướt. Kỹ thuật sử dụng hình ảnh này, có lẽ một đạo diễn điện ảnh của Việt Nam bây giờ, cần phải học rất nhiều.
Khổ cuối, nhà thơ sử dụng cách gieo cước vận khác hẳn các khổ thơ trên, vận cách.
Người đi / Ừ nhỉ / người đi thật
Mẹ / thà coi / như chiếc lá bay
Chị / thà coi như / là hạt bụi
Em / thà xem như / hơi rượu cay
Ngữ điệu gấp gáp đến giật cục. Giờ chia tay điểm từng tiếng cuối cùng. Lúc này, cái tráng át hẳn cái bi. Không còn chút gì bi lụy dằn kéo, đã là sự dứt khoát của kẻ khẳng khái bước vào chốn mịt mù vô định. Cuộc chia ly, trên một sân ga lẻ, đĩnh đạc bước vào lòng độc giả dưới ngòi viết của Thâm Tâm, một nhà thơ chưa bao giờ được coi là một nhà thơ lớn của Văn học sử.
Thâm Tâm một thời được nhắc nhở tới với sự xuất hiện ì xèo của một nàng thơ bí ẩn, TTKH. Nhưng gẫm lại, những thứ đó không làm cái bóng của ông lớn hơn, có khi còn có tác dụng ngược. Theo thiển ý, chỉ với một Tống Biệt Hành, Thâm Tâm đã đủ tầm cỡ sánh vai đồng hành với những thi gia lớn nhất của Việt Nam. Đại đa số độc giả đã tự trong tiềm thức, khẳng định điều này, mà không cần bất cứ một sự bảo chứng nào từ những nhà phê bình cổ thụ.
Sức sống của Tống Biệt Hành, trong đó tiềm ẩn sức sống của thể loại hành, bất kể những cơn sóng thơ Đa-Đa, thơ Tự-Do, thơ Hũ-Nút, thơ Tân-Hình-Thức, thơ Hậu-Hiện-Đại, hay thơ gì gì nữa trong tương lai tràn ngập.
Trong khu vườn muôn sắc của thi ca, Tống Biệt Hành là một bông hoa chưa thấy nguy cơ tàn héo.
Cung Trăng cắt đất phân lô
Đừng tưởng chỉ đám điên rồ mới mua
Bao người lắm của tiền thừa
Cũng tậu vài thửa dẫu chưa được dùng!