Chương 4: Cuộc chiến bẩn thỉu
Từ trước đến nay, cuộc nội chiến của nước Nga thường được phân tích và đánh giá như là cuộc chiến giữa hồng quân Bolsevik và quân bạch vệ bảo hoàng; nhưng thực ra những sự kiện diễn ra đằng sau cuộc đối đầu quân sự còn quan trọng hơn nhiều. Đó là mặt trận trong lòng cuộc nội chiến. Một cuộc nội chiến được đánh dấu trên hết là những cuộc đàn áp tàn bạo và đa dạng của các bên – mà trong đó khủng bố của phe đỏ được xem là có hệ thống hơn - đối với quân nhân, chính trị gia của đảng hay phe phái đối lập, đối với các cuộc đình công của công nhân, những kẻ đào ngũ hay chốn quân dịch, hoặc đơn giản là đàn áp nhằm vào những công dân thuộc các tầng lớp xã hội “thù nghịch” hay “tình nghi” mà tội duy nhất của họ là đã trót sống trong vùng mà quyền kiểm soát rơi vào tay của đối phương. Cuộc chiến trong lòng cuộc nội chiến được thực hiện bởi những cuộc nổi dậy của nông dân, những cuộc phản kháng của những người bỏ ngũ mà cả hai bên hồng quân và bạch vệ thường gọi là quân xanh. Đôi khi quân xanh (Greens) đóng vai trò quyết định trong việc thắng lợi hay thất bại của hai bên trắng và đỏ.
Ví dụ năm 1919, những cuộc nổi dậy với quy mô lớn của nông dân các vùng Ukraina và trung sông Volga chống lại chính quyền Bolsevik đã giúp cho các cánh quân bạch vệ của đô đốc Kolchak và tướng Denikin tiến sâu vào chiến tuyến của hồng quân hàng trăm dặm . Ngược lại, chỉ vài tháng sau đó, cuộc nổi dậy của những người nông dân Siberi chống lại việc áp đặt chở lại chính sách nông nô của chế độ Sa hoàng đã làm cho quân của Kolchak phải triệt thoái nhanh chóng trước đà tiến quân của hồng quân.
Những trận chiến chủ yếu giữa hồng quân và quân bạch vệ chỉ diễn ra trong khoảng hơn một năm từ cuối năm 1918 đến năm 1920, còn lại phần lớn cuộc chiến mà người ta hay gọi là cuộc “nội chiến” đó là một cuộc chiến bẩn thỉu (dirty war) được thực hiện bởi chính quyền và quân đội của cả hai bên, trắng và đỏ, nhằm quét sạch đối thủ thực sự cũng như tiềm tàng của mình trong những vùng đất tranh chấp hay đổi chủ. Trong những vùng do những người Bolsevik làm chủ đó là những cuộc “đấu tranh giai cấp” nhắm vào “bọn quý tộc”, tư sản, những phần tử thuộc các tầng lớp xã hội thù nghịch, những phần tử có vũ trang phi Bolsevik, những cuộc đình công của công nhân, những mưu đồ ‘phản loạn’ trong đội ngũ hồng quân, những cuộc nổi dậy của nông dân. Trong những vùng do quân bạch vệ chiếm đóng thì đó là những kẻ ủng hộ “Bolsevik-do thái” (do rất nhiều những người lãnh đạo Bolsevik có nguồn gốc do thái – ND).
Tất nhiên những người Bolsevik không đơn độc trong việc đàn áp và khủng bố. Có cả khủng bố trắng nữa. Một trong những cuộc khủng bố thảm khốc của quân bạch vệ chính là làn sóng tàn sát người do thái ở Ukraina vào mùa hè và mùa thu năm 1919 được thực hiện bởi các đơn vị của Simon Petlyura trong cánh quân bạch vệ của tướng Denikin đã mang đến cái chết cho khoảng 150 nghìn nạn nhân. Tuy nhiên phần lớn các nhà sử học đã từng nghiên cứu về khủng bố đỏ và khủng bố trắng đều nhất trí rằng hai loại khủng bố này (của Hồng quân và của quân Bạch vệ –ND) không cùng một hệ quy chiếu. Chính sách và phương pháp khủng bố của những người Bolsevik có hệ thống và có tổ chức hơn nhiều so với khủng bố của bạch quân và nó nhắm đến toàn bộ các tầng lớp xã hội. Hơn nữa khủng bố đỏ đã được tính toán và lên kế hoạch cẩn thận, được đưa vào thực hành ngay cả trước khi cuộc nội chiến xảy ra. Khủng bố trắng chưa bao giờ có được sự hệ thống hoá và tính tổ chức cao như khủng bố đỏ. Trong phần lớn các trường hợp, khủng bố trắng là hệ quả của các đơn vị bạch quân hành động tự phát không theo lệnh của cấp trên. Trừ cuộc tàn sát người do thái, mà chính bản thân Denikin cũng lên án, những hành động khủng bố của bạch quân thường dưới dạng các đơn vị quân đội làm công việc của cảnh sát trong việc tiễu trừ các lực lượng mà họ cho là gián điệp của đối phương. Cheka và lực lượng của bộ nội vụ của chính quyền Bolsevik được tổ chức tốt và là công cụ đàn áp mạnh hơn nhiều, hơn thế nữa chúng còn được sự ủng hộ từ những lãnh đạo chóp bu của chính quyền.
Giống như trong bất cứ cuộc nội chiến nào, rất khó có thể có một bức tranh hoàn chỉnh về các dạng khủng bố và đàn áp của các bên tham chiến. Tuy nhiên khủng bố đối với những người Bolsevik là một phương pháp luận rõ ràng, cụ thể, là phương tiện được lựa chọn cẩn thận đã được thực hiện trước khi cuộc chiến thực sự xảy ra vào cuối mùa hè năm 1918. Danh sách sau đây liệt kê theo trình tự thời gian các dạng khủng bố khác nhau và các đích của các cuộc khủng bố của chính quyền Bolsevik từ những ngày đầu tồn tại:
+ Khủng bố và đàn áp những người có vũ trang phi Bolsevik thuộc phe vô chính phủ hay phe bảo hoàng.
+ Khủng bố và đàn áp những cuộc đấu tranh của công nhân nhằm đòi những quyền con người căn bản như có bánh mì, có việc làm, có chút tự do và phẩm giá.
+ Khủng bố và đàn áp nông dân – nhất là những người đào ngũ từ hồng quân.
+ Khủng bố và đàn áp những người Cossack bằng những cuộc đuổi lưu đày toàn bộ dân tộc Cossack ra khỏi quê hương họ. Cuộc “diệt Cossack” là tiền đề cho cuộc “diệt Kulak” những năm 1930s (cũng với việc đuổi lưu đầy một loạt các dân tộc thiểu số) và cho thấy sự kế tục trong chính sách đàn áp chính trị từ Lenin đến Stalin.
+ Khủng bố và đàn áp “những phần tử có hại cho xã hội” và những “kẻ thù của nhân dân’, những “phần tử khả nghi”, hay các cuộc thảm sát con tin theo kiểu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” (ND) nhất là mỗi khi những người Bolsevik bị buộc phải rút lui khỏi những làng mạc, thị trấn, lãnh thổ đang sắp rơi vào tay của quân bạch vệ.
Dạng khủng bố được biết đến nhiều nhất chính là khủng bố đối với những người có vũ trang thuộc các đảng phái đối lập với những người Bolsevik. Rất nhiều các tuyên bố, các con số đã được đưa ra bởi những nhà lãnh đạo của các đảng này, những người mà cuộc sống của họ dưới chính quyền Bolsevik là ở trong tù hoặc lưu vong ở nước ngoài. Dẫu sao họ vẫn còn giữ được mạng sống của mình chứ không như những công nhân và nông dân có vũ trang là đảng viên của họ, những người thường bị bắn mà không qua xét xử trong các chiến dịch tiễu phạt của Cheka.
Một trong những hành động khủng bố đầu tiên dạng này là cuộc tấn công ngày 11 tháng 4 năm 1918 nhắm vào những người thuộc phái vô chính phủ ở Maxcova, hàng chục người đã bị hành hình tại chỗ. Cuộc đàn áp nhắm vào những người thuộc phái này còn kéo dài nhiều năm sau dù có một số trong phái vô chính phủ cuối cùng cũng hợp tác với chính quyền Bolsevik và thậm chí còn trở thành thành viên lãnh đạo cao cấp của Cheka như Aleksandr Goldberg, Mikhail Brener, và Timofei Samsonov. Nghịch lý trong lòng những người thuộc phái vô chính phủ, những người chống lại nền chuyên chính độc tài của chính quyền Bolsevik và chống lại cả sự thiết lập chở lại chế độ bảo hoàng cũ có lẽ được thể hiện rõ nhất trong sự thay đổi của nhà lãnh đạo nông dân theo phái này Nesto Makhno, người ban đầu đã liên minh với Hồng quân để chống lại quân bạch vệ, và khi quân bạch vệ bị tiêu diệt ông quay lại đối đầu với chính quyền Bolsevik. Hàng ngàn những nghĩa quân theo phe vô chính phủ trong cánh quân nông dân của Makhno đã bị hành hình như những “tên phỉ” và cuộc nổi dậy bị chính quyền Bolsevik dìm trong bể máu. Có thể nói phần lớn những nạn nhân thuộc phái vô chính phủ là những người nông dân đã theo họ, ít nhất là theo các con số đưa ra bởi những nhà lãnh đạo lưu vong của phái này. Con số không đầy đủ được đưa ra là 138 thành viên có vũ trang bị hành hình từ năm 1919 đến 1921, 281 bị đuổi lưu vong ra nước ngoài, và 608 vẫn ở trong tù vào thời điểm 1/1/1922 (1).
Những người thuộc cánh tả của đảng cách mạng xã hội, cho đến tháng 2 năm 1919 vẫn còn được những người Bolsevik đối xử nhẹ nhàng, bởi chính họ đã tham gia chính quyền liên minh với những người Bolsevik cho đến tận màu hè năm 1918. Đến tháng 12 năm 1918 họ vẫn tổ chức được đại hội đảng của mình, dưới sự cho phép của những người Bolsevik, cùng với nhà lãnh đạo nổi tiếng Maria Spiridonova. Tuy nhiên vào tháng 2 năm 1919, sau khi Maria lên án những cuộc khủng bố đẫm máu cho lực lượng Cheka thực hiện diễn ra hàng ngày, bà đã bị bắt cùng với 210 đảng viên có vũ trang khác và bị “toà án cách mạng” kết tội “giam giữ trong bệnh viện tâm thần do thần kinh không ổn định”. Đây là hành động đầu tiên của một kiểu hành xử mà sau này trở nên rất phổ biến trong chế độ Xôviết đó là giam giữ các nhà bất đồng chính kiến trong các nhà thương điên. Spiridonova cuối cùng cũng tìm cách chốn thoát khỏi bệnh viện và tiếp tục lãnh đạo đảng cách mạng xã hội trong vòng bí mật bởi đến lúc đó đảng này đã bị chính quyền Bolsevik đặt ra ngoài vòng pháp luật. Theo những con số của Cheka đưa ra, 58 tổ chức cơ sở của đảng cách mạng xã hội đã bị giải tán bằng bạo lực năm 1919, và con số này trong năm 1920 là 45. Chỉ trong hai ngày 1875 đảng viên có vũ trang đã bị bắt làm con tin và giam trong các nhà tù theo lệnh của Dzerzhinsky. Ngày 18 tháng 3 năm 1919, Dzerzhinsky tuyên bố:”Từ bây giờ trở đi lực lượng Cheka sẽ đánh đồng bọn bạch vệ Krasnov và bọn bạch vệ của các đảng dân chủ xã hội...bọn cách mạng xã hội và bọn Menshevik phải bị giam giữ làm con tin và mạng sống của chúng tuỳ thuộc vào thái độ của các đảng của chúng” (2).
Đối với những người Bolsevik, đảng cách mạng xã hội cánh hữu luôn là một trong những đối thủ chính trị nguy hiểm nhất. Không ai có thể quên rằng chính họ là đảng đã thắng cử với tuyệt đại đa số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội lập hiến được tiến hành tự do và dân chủ vào tháng 11 năm 1917. Sau khi quốc hội lập hiến bị những người Bolsevik giải tán, họ vẫn tiếp tục làm việc trong các soviet cho đến tận mùa hè năm 1918 khi họ và những người Menshevik bị những người Bolsevik trục xuất khỏi chính quyền. Một số người thuộc đảng này liên minh với những người Menshevik và dân chủ lập hiến đã lập ra được một chính quyền tại Omsk, tuy nhiên chính quyền này nhanh chóng bị cánh quân của tướng bạch vệ - đô đốc Kolchak lật đổ. Bị kẹt giữa hai bên của cuộc chiến, những người cách mạng xã hội và Melshevik đã rất khó khăn để có được một tập hợp các sách lược hoàn chỉnh nhằm đối đầu với chính quyền Bolsevik. Trong khi đó những người Bolsevik lại là những chính trị gia có khả năng, họ biết cách kết hợp giữa cài người thâm nhập và phá hoại từ bên trong với đàn áp từ bên ngoài để đối phó với cách đảng dân chủ xã hội đối lập trung hoà này.
Ngay sau khi tờ báo delo naroda đuợc cho phép hoạt động trở lại (từ ngày 20 đến 30 tháng 3), khi cuộc tấn công của cánh quân bạch vệ Kolchak đang diễn ra quyết liệt, lực lượng Cheka đã bao vây và bắt những thành viên của đảng cách mạng xã hội cánh hữu và những người Menshevik, nên nhớ tại thời điểm đó chưa có luật cấm gia nhập hai đảng trên. Hơn 1900 đảng viên hai đảng đã bị bắt ở Maxcova, Tula, Smolensk, Voronezh, Penza, Samara, và Costroma (3). Khó có ai có thể nói chính xác số lượng những người công nhân và nông dân đã bị hành hình tại chỗ trong những cuộc đình công hay phản kháng chống chính quyền Bolsevik được tổ chức bởi những người cách mạng xã hội và Menshevik. Rất ít các con số thống kê, và nếu có thì cũng rất khó có thể biết trong số những người bị hành hình thực sự có bao nhiêu phần trăm là những nhà hoạt động chính trị thuộc hai đảng trên.
Làn sóng khủng bố và đàn áp thứ hai được kích hoạt bằng bài báo của Lenin trên Pravda vào ngày 28 tháng 8 năm 1919, trong đó Lenin tiếp tục lên án những người cách mạng xã hội và Melshevik, buộc tội họ là “những tên liếm gót của bọn bạch vệ, địa chủ và bọn tư bản”. Theo con số ghi nhận của Cheka, 2380 người thuộc đảng cách mạng xã hội và Meshevik đã bị bắt chỉ trong vòng 4 tháng cuối năm 1919 (4). Cuộc đàn áp và khủng bố được đẩy mạnh hơn sau cuộc mít ting của công đoàn ngành in, với sự tham gia của đoàn đại biểu công nhân Anh, vào ngày 23 tháng 5 năm 1920. Tại cuộc mít ting này lãnh đạo đảng cách mạng xã hội Viktor Chernov, từng là chủ tịch quốc hội lập hiến trong một ngày, cải trang và dùng tên giả tham gia đã phát biểu và châm chích Cheka và chính quyền Bolsevik. Ngay lập tức toàn bộ gia đình của Chernov bị bắt làm con tin, tất cả các lãnh tụ của đảng này còn đang tự do cũng bị ném vào tù (5). Một bản thông tin nội bộ (memo) của Cheka đề ngày 1 tháng 7 năm 1919 đã cho thấy kế hoạch rất tinh vi để đối phó với các đảng xã hội dân chủ đối lập của chính quyền Bolsevik:
“Nếu ta cứ đơn giản đặt chúng ra khỏi vòng pháp luật chúng sẽ hoạt động ngầm và như thế sẽ khó có thể kiểm soát chúng hơn. Do đó ta nên cho chúng hoạt động dưới dạng bán công khai. Làm như thế chúng ta dễ bề kiểm soát và bắt chúng hơn hoặc khi chúng ta cần chúng ta có thể cài vào các tổ chức của chúng người của chúng ta để gây rối nội bộ, và thông báo các tin tức và chỉ điểm cho chúng ta... Đối với các đảng phái chống chính quyền Soviet chúng ta cần phải lợi dụng cuộc chiến để kết tội các thành viên của chúng, như là hãy gán cho chúng và các hoạt động của chúng là “hoạt động phản cách mạng”,”phản bội tổ quốc”,”hoạt động phi pháp”,”làm gián điệp cho ngoại bang”, vân, vân,...” (6)
Trong tất cả những cuộc đàn áp được thực hiện bởi chính thể Bolsevik, đàn áp được nguỵ trang cẩn thận nhất là những cuộc đàn áp đối với tầng lớp công nhân, nơi có nguồn gốc của đảng Bolsevik trước khi họ lên nắm quyền. Những cuộc đàn áp kiểu này bắt đầu từ đầu năm 1918 liên tục tăng lên trong hai năm sau đó với đỉnh điểm là vụ Kronstadt. Từ đầu năm 1918, công nhân Petrograd đã bày tỏ sự phản kháng đối với chính quyền Bolsevik. Sau khi cuộc tổng đình công ngày 2 tháng 7 năm 1918 bị dập tắt, những vụ lộn xộn mới trong tầng lớp công nhân lại nổ ra tại cựu đô vào tháng 3 năm 1919, sau khi những người Bolsevik tiến hành bắt bớ hàng loạt những nhà lãnh đạo của đảng cách mạng xã hội bao gồm cả Maria Spiridonova, người mới thực hiện một chuyến đi thăm bình thường các nhà máy ở Petrograd và được công nhân các nhà máy hoan nghênh và nhiệt liệt chào đón. Thời điểm đó cũng là thời điểm rất nhạy cảm do tình hình thiếu thốn lương thực gây ra. Những cuộc bắt bớ trên đã khơi mào cho những cuộc đình công và các phong trào chống đối mạnh mẽ chính quyền Bolsevik. Vào ngày 10 tháng 3 tổng đại diện công nhân của các nhà máy ở Pulitov trong cuộc miting với hơn 10 nghìn người tham gia đã ra bản thông cáo lên án những hành động bắt bớ và khủng bố của những người Bolsevik:” Chính quyền này chỉ là chính quyền độc tài của trung ương đảng cộng sản được bảo vệ và duy trì bởi Cheka và các toà án cách mạng” (7).
Thông cáo cũng kêu gọi giao quyền lực về tay các soviet và tổ chức bầu cử tự do để lập ra các soviet và hội đồng nhà máy, kêu gọi chấm dứt quy định cấm công nhân không đuợc phép mang quá 1.5 puddy (55 lạng Anh) lương thực từ nông thôn vào thành phố, đòi thả các tù nhân chính trị, những người thuộc các đảng phái “thực sự cách mạng” đang bị những người Bolsevik giam cầm mà trên hết trả tự do cho Maria Spiridonova. Trong nỗ lực nhằm dập tắt các cuộc biểu tình và đình công diễn ra hàng ngày ở Petrograd, đích thân Lenin đã đến đó vào ngày 12 và 13 tháng 3 năm 1919. Nhưng khi Lenin chuẩn bị phát biểu trước công nhân đang đình công trong các nhà máy thì ông cùng với Zinoviev (lúc này là bí thư đảng tại Petrograd – ND) bị đám đông công nhân la ó và tẩy chay, họ hét vang “hãy cút đi những tên do thái và uỷ viên Bolsevik!” (8). Sự ganh ghét của người Nga đối với người do thái đã nhanh chóng được gán ghép với những người Bolsevik, và họ đã nhanh chóng mất đi niềm tin của quần chúng lao động mà họ đã có được sau cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917. Việc rất nhiều những nhà lãnh đạo hàng đầu của những người Bolsevik đều là người gốc do thái (như Trotsky, Zinoviev, Kamenev, Aleksei Rykov, Karl Radek,....) càng làm cho sự gán ghép này có cơ sở.
Vào ngày 16 tháng 3 năm 1919 các đơn vị Cheka tấn công vào nhà máy Pulitov lúc đó đang được bảo vệ bởi các công nhân có vũ trang. Khoảng 900 công nhân bị bắt. Trong vài ngày sau đó hơn 200 người đã bị hành hình mà không qua một xét sử nào tại pháo đài Schussekburg cách Petrograd khoảng 35 dặm. Một luật tái tuyển dụng mới được lập ra đối với những công nhân thuộc các nhà máy có đình công là họ bị buộc phải ký vào một bản tuyên bố trong đó nói rằng họ tham gia đình công là do “bị bọn lãnh đạo các đảng phản cách mạng lừa phỉnh và xúi dục” (9). Kể từ đó tất cả các công nhân đều bị theo dõi chặt chẽ. Kể từ mùa xuân năm 1919 tại một loạt các trung tâm công nghiệp, các mạng lưới điệp viên và chỉ điểm được Cheka thiết lập với nhiệm vụ theo dõi và báo cáo thường xuyên về những “tâm tư” của công nhân tại những nhà máy thuộc dạng “tình nghi”. Các tầng lớp lao động rõ ràng đã được coi như những phần tử nguy hiểm đối với chế độ Bolsevik.
Mùa xuân năm 1919 được đánh dấu bởi vô số những cuộc đình công bị chính quyền Bolseviks dìm trong bể máu tại các trung tâm công nghiệp của nước Nga như Tula, Sormovo, Orel, Bryansk, Tver, Ivanovo Voznesensk, và Astrakhan (10). Sự bất bình và phản kháng của công nhân khắp mọi nơi đều giống nhau. Bị dồn vào cái đói với những đồng lương rẻ mạt đến cùng cực chỉ đủ mua phiếu thực phẩm cho nửa lạng Anh bánh mỳ một ngày, những người công nhân tham gia đình công đòi tăng lương và khẩu phần lương thực ít ra là bằng với những người lính trong lực lượng Hồng quân. Nhưng những đòi hỏi nóng bỏng và cấp thiết nhất của họ đều là những đòi hỏi mang tính chính trị: đòi loại bỏ ngay lập tức những đặc quyền, đặc lợi của những quan chức cộng sản, thả tự do cho các tù nhân chính trị, bầu cử tự do vào các soviet và hội đồng nhà máy, chấm dứt việc bắt lính vào Hồng quân, tự do lập hội đoàn, tự do ngôn luận, và tự do báo chí.
Sự giác ngộ và gia nhập đình công, đấu tranh của các phong trào công nhân trên của các đơn vị quân đội đóng tại các thành phố công nghiệp càng làm cho những phong trào này trở nên nguy hiểm trong mắt của những người Bolsevik. Tại Orel, Bryansk, Gomel, và Astrakhan những người lính bỏ ngũ đã gia nhập những đoàn công nhân biểu tình và hô vang khẩu hiệu “Giết hết bọn do thái! Hãy tống cổ bọn uỷ viên Bolsevik!” họ tham ra phá phách các thành phố. Chỉ sau vài ngày các thành phố trên đã bị các đơn vị Cheka trung thành với chế độ đánh chiếm chở lại (11). Những cuộc đàn áp những cuộc đình công và binh lính nổi loạn gồm cả việc khoá toàn bộ nhà máy nhốt những người công nhân đình công, tịch thu các phiếu thực phẩm của họ – cái đói luôn là một vũ khí lợi hại của những người Bolsevik dùng để chống lại các lực lượng chống đối – và những cuộc hành hình hàng trăm công nhân và binh lính tham gia biểu tình và đình công.
Những cuộc đàn áp đáng kể nhất diễn ra tại Tula và Astrakhan vào tháng 3 và tháng 4 năm 1919. Ngày 3 tháng 4 năm 1919, Dzerzhinsky đến Tula, thủ đô lịch sử của nước Nga, để dập tắt một cuộc đình công của công nhân các nhà máy sản xuất vũ khí tại đây. Ngay từ mùa đông năm 1918 –1919, một loạt các cuộc đình công của công nhân đã diễn ra. Nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị vũ khí cho Hồng quân, nơi sản xuất 80% súng trường của nước Nga. Những người Menshevik và cách mạng xã hội chiếm đa số những nhà hoạt động chính trị trong tập thể công nhân có trình độ cao ở các nhà máy này. Những cuộc bắt bớ vào đầu tháng 3 năm 1919 đối với hàng trăm nhà hoạt động xã hội của các đảng này đã làm bùng lên làn sóng phản kháng trong công nhân mà đỉnh điểm là vào ngày 27 tháng 3 với cuộc tuần hành khổng lồ “tuần hành vì tự do và chống nạn đói” với sự tham gia của hàng ngàn công nhân tại các nhà máy và công nhân hoả xa. Vào ngày 4 tháng 4 Derzhinsky ra lệnh bắt 80 “lãnh đạo” của các cuộc đình công và biểu tình, cho quân đuổi các công nhân đình công ra khỏi các nhà máy, tất cả họ đều bị đuổi việc. Sự phản kháng của họ bị bẻ gãy bằng cái đói. Trong nhiều tuần liên tiếp họ không được cấp mới các phiếu thực phẩm. Để có những phiếu thực phẩm mới để nhận được nửa lạng Anh bánh mỳ mỗi ngày và quyền được làm việc sau khi các nhà máy hoạt động trở lại, những người công nhân bị buộc phải điền vào những đơn xin việc mà trong đó ghi rõ chấp nhận rằng mọi hành động biểu tình hay đình công trong tương lai sẽ bị xem như là phản quốc và bị xử bắn. Những nhà máy hoạt động trở lại vào ngày 10 tháng 4. Một đêm trước đó 26 người “lãnh đạo đình công” bị hành hình. (12)
Astrakhan, gần cửa sông Volga, là một vị trí rất quan trọng về mặt quân sự đối với những người Bolsevik, đó là điểm chiếm giữ quan trọng của họ nhằm ngăn cản sự hợp quân của cánh quân Bạch vệ do đô đốc Kolchak chỉ huy tiến từ hướng Tây Bắc và cánh quân Bạch vệ của tướng Denikin tiến từ hướng Tây nam. Có lẽ vì thế mà những cuộc đàn áp của chính quyền Bolsevik đối với các cuộc đình công và biểu tình của công nhân trong tháng 3 diễn ra khốc liệt và tàn bạo hơn nhiều nơi khác. Với những nguyên nhân kinh tế (khẩu phần lương thực thấp tồi tệ) và chính trị (các cuộc bắt bớ các nhà hoạt động chính trị đối lập), cuộc đình công lan rộng và quy mô lớn nhất diễn ra vào ngày 10 tháng 3 khi trung đoàn bộ binh số 45 Hồng quân đã từ chối không chịu bắn vào những người biểu tình đang tuần hành trong thành phố. Không những vậy những người lính của trung đoàn còn gia nhập đoàn người biểu tình tấn công trụ sở đảng Bolsevik và giết một số thành viên Bolsevik đang làm việc tại đó. Chủ tịch hội đồng quân sự cách mạng Sergei Kirov ngay lập tức ra lệnh “trừ khử thẳng tay bọn chấy dận Bạch vệ bằng mọi cách”. Các đơn vị quân đội trung thành với chế độ và Cheka ngay lập tức chặn tất cả các đường ra vào thành phố tiến hành đánh chiếm lại thành phố. Khi nhà tù đã chật cứng người, những người công nhân và binh sĩ tham gia đình công và biểu tình bị dồn lên các xà lan, sau đó hàng trăm người trong số họ bị quẳng xuống sông Volga với những hòn đá nặng treo trên cổ. Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 3 khoảng từ 2000 đến 4000 người tham gia đình công đã bị bắn hoặc ném xuống sông cho chết đuối. Sau ngày 15 tháng 3 các cuộc đàn áp tập trung vào tầng lớp tư sản trong thành phố với cái cớ là họ đã “đứng sau giật dây cuộc nổi loạn của bọn Bạch vệ”. Trong hai ngày liên tiếp các cửa hàng, hiệu buôn bị cướp phá và chủ nhân của chúng bị bắt hay bị bắn. Con số ước lượng cho các nạn nhân thuộc tầng lớp tư sản ở Astrakhan là khoảng từ 600 đến 1000. Chỉ trong vòng một tuần khoảng từ 3000 đến 5000 người đã bị bắn hay dìm chết dưới sông Volga. Để so sánh, trong sự kiện “18 tháng 3”, dịp kỷ niệm công xã Paris, số người cộng sản bị chính quyền cũ giết là 47. Từ lâu người ta vẫn cho rằng vụ thảm sát Astrakhan là một sự kiện nhỏ trong cuộc nội chiến giưã Hồng quân và Bạch quân. Mức độ của cuộc thảm sát chỉ thực sự được hé mở do sự bạch hoá các tài liệu trong tàng thư mật trong thời gian gần đây (13). Nó cho thấy đây là một trong những vụ đàn áp công nhân quy mô nhất của những người Bolsevik xảy ra trước vụ Kronstadt.
Vào thời điểm cuối năm 1919 đầu năm 1920, quan hệ giữa chính quyền Bolseviks với những người công nhân càng trở nên tồi tệ do việc quân sự hoá hơn 2000 công ty và nhà máy. Trotsky, tổng công trình sư của cuộc quân sự hoá môi trường lao động, đã đưa ra những ý tưởng này tại đại hội đảng lần thứ 9 diễn ra trong tháng 3 năm 1920. Trotsky lập luận rằng bản chất của con người là lười biếng. Dưới chế độ tư bản, con người bị buộc phải tìm kiếm việc làm để tồn tại. Thị trường tư bản kích thích con người tự tìm việc làm, nhưng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa “quá trình sử dụng các nguồn lực lao động thay thế thị trường ”. Do đó chỉ nhà nước có quyền phân công công tác và giao nhiệm vụ cho công nhân và những người công nhân phải tuân theo mệnh lệnh của nhà nước như những người lính trong quân đội phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên tất cả cũng bởi nhà nước là nhà nước của giai cấp vô sản. Việc quân sự hoá môi trường lao động vấp phải sự phản đối từ phía lãnh đạo công đoàn và một số giám đốc xí nghiệp bởi sự quân sự hoá này đồng nghĩa với việc xem các hoạt động đình công của công nhân như là những hành động trái pháp luật, xem như hành động đào ngũ trong chiến tranh; tăng quyền hạn áp đặt kỷ luật cho chủ lao động (là nhà nước Bolsevik – ND); buộc tất cả các tổ chức công đoàn và hội đồng nhà máy phải chịu sự kiểm soát của nhà nước, và do đó chỉ có thể ủng hộ các chế độ chính sách do nhà nước đặt ra đối với người lao động; nghiêm cấm công nhân dời bỏ vị trí sản xuất, phạt nặng những công nhân vắng mặt và đi làm muộn, những chuyện này rất hay xảy ra vào thời điểm đó do phần lớn công nhân đều phải trốn nhà máy đi kiếm thức ăn chống nạn đói.
Sự bất bình của các tầng lớp lao động bởi chính sách quân sự hoá môi trường lao động nói trên còn được làm tăng lên bởi những khó khăn trong cuộc sống thường ngày dưới chế độ mới. Điều đó cũng được nhìn nhận trong bản báo cáo của Cheka với chính phủ đề ngày 16 tháng 12 năm 1919:
“Tình trạng kham hiếm lương thực ngày càng trở nên rất tồi tệ, nhân dân lao động đang chết đói. Họ không còn đủ sức khoẻ cần thiết để tiếp tục làm công việc của mình, trong rất nhiều trường hợp là do đói và rét. Trong nhiều nhà máy luyện kim ở Maxcova, những người công nhân tuyệt vọng đã sẵn sàng làm mọi thứ có thể như đình công, nổi loạn, khởi nghĩa trừ phi chúng ta phải có giải pháp hữu hiệu và thật cấp thiết.” (14)
Vào đầu năm 1920 mức lương hàng tháng của một công nhân ở Petrograd là khoảng từ 7000 đến 12000 rúp. Tại chợ đen một lạng Anh bơ có giá là 5000 rúp, một lạng thịt giá 3000 còn một panh (0.58 lít) sữa giá 500. Mỗi một người công nhân được nhận phần thực phẩm tuỳ thuộc vào nhóm mà anh ta được phân loại (giống chế độ tem phiếu thời bao cấp ở VN –ND). Ví dụ ở Petrograd vào cuối năm 1919, một người công nhân làm việc trong ngành công nghiệp nặng được nửa lạng Anh (pound) bánh mì một ngày, một lạng đường một tháng, nửa lạng mỡ, và bốn lạng cá trích.
Về mặt lý thuyết mà nói, chế độ Bolsevik chia những công dân của mình làm 5 nhóm “dạ dày”, nhóm được phiếu thực phẩm cao nhất là những công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp nặng và binh lính Hồng quân; thấp nhất là nhóm “ngồi bàn giấy” bao gồm cả tầng lớp trí thức. Vì nhóm “ngồi bàn giấy”, bao gồm trí thức và quý tộc ở chế độ cũ, thường được phục vụ sau cùng nên thông thường đến lượt họ thì chẳng còn gì cả. Những người “công nhân” được chia theo các nhóm có phiếu thực phẩm khác nhau tuỳ theo mức độ quan trọng đối với chế độ của ngành họ đang làm việc. Ví dụ vào mùa đông năm 1919-1920 ở Petrograd có đến 33 nhóm phiếu thực phẩm cho công nhân, dù chế độ chia 33 nhóm này chỉ tồn tại trong vòng một tháng. Việc thiết lập hệ thống phân phối lương thực tập trung và phân nhóm các tầng lớp xã hội tương ứng với nhóm phiếu thực phẩm giúp cho chính quyền Bolsevik có thể sử dụng thực phẩm như một thứ vũ khí lợi hại để tượng thưởng hay trừng phạt cả một nhóm công dân trong xã hội. Lenin vào ngày 1 tháng 2 năm 1920 đã viết cho Trotsky:”Cần phải giảm ngay khẩu phần bánh mỳ những ai không làm việc trong ngành giao thông công chính, còn những ai làm việc trong đó cần phải được tăng khẩu phần bánh mỳ bởi ngành đó rất quan trọng. Cần phải làm như thế cho dù nó có làm cả ngàn người chết đói nhưng nó giúp giữ vững được đất nước”. (15)
Khi chính sách tem phiếu lương thực kiểu trên được đưa ra, rất nhiều những người công nhân vẫn còn có liên hệ với quê hương của họ ở các vùng nông thôn đã phải bằng mọi giá trở về làng cũ và tìm kiếm lương thực để mang ra thành phố.
Chính sách quân sự hoá môi trường lao động được đưa ra nhằm “lập lại trật tự” trong các nhà máy đã trở nên phản tác dụng. Hàng loạt những cuộc đình công, ngưng trệ sản xuất, nổi loạn của công nhân diễn ra trên khắp nước Nga và tất cả đều bị đàn áp thẳng tay. Báo Pravda (sự thật) số ra ngày 12 tháng 2 năm 1920 đã viết:”Chỗ thích hợp nhất cho những kẻ tham gia đình công, những con ký sinh trùng độc hại, là ở trong các tại tập trung”. Theo những con số được đưa ra bởi uỷ ban lao động nhân dân, 77% các xí nghiệp loại vừa ở Nga bị ảnh hưởng bởi đình công trong nửa đầu năm 1920. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nền nhất như luyện kim, hầm mỏ, giao thông là những nơi quá trình quân sự hoá môi trường lao động diễn ra gay gắt nhất. Những báo cáo mật của Cheka tới những nhà lãnh đạo Bolsevik cho thấy tình hình khó khăn và mức độ đàn áp của chính quyền đối với những nhà máy, công nhân dám chống lại quá trình quân sự hoá nói trên. Khi bị bắt những người công nhân này thường bị đưa ra các toà án cách mạng và bị kết án “phá hoại” hay “đào ngũ”. Lấy một ví dụ, tại Simbirsk, 12 công nhân đã bị tống vào trại tập trung trong tháng 4 năm 1920 vì đã “can tội tiến hành các hoạt động phá hoại bằng cách tham gia đình công kiểu như bên Italia...tuyên truyền các khẩu hiệu chống Soviet, lợi dụng sự cuồng tín và thiếu hiểu biết chính trị của quần chúng...phao những tin sai lạc về chính sách tiền lương của chính quyền Soviet” (16). Dễ thấy đằng sau những ngôn từ buộc tội rối rắm này là khả năng họ bị xử đơn thuần vì nghỉ giải lao mà chưa được cấp trên cho phép, chống lại việc phải đi làm vào chủ nhật, phê phán những người cộng sản, và kêu ca phàn nàn về những đồng lương khốn khổ mà họ phải nhận.
Những lãnh đạo Bolsevik chóp bu, bao gồm cả Lenin, kêu gọi phải trừng trị thẳng tay những người tham gia đình công, biểu tình. Ví dụ vào ngày 29 tháng 1 năm 1920, lo lắng trước tình trang công nhân đình công ở Ural, Lenin đã gửi một bức điện tín cho Vladimir Smirnov, chủ tịch hội đồng quân sự cách mạng của cánh quân số năm:”P. đã báo cho tôi biết công nhân đường sắt rõ ràng đã tham gia các hoạt động phá hoại (đình công – ND)... Tôi cũng được thông báo rằng công nhân ở Izhevsk cũng tham gia. Tôi rất ngạc nhiên là đồng chí lại coi nhẹ chuyện này, và tại sao đồng chí không cho hành hình ngay lập tức một số lớn những kẻ tham gia đình công vì tội phá hoại” (17). Rất nhiều cuộc đình công nổ ra vào đầu năm 1920 là hệ quả của chính sách quân sự hoá môi trường lao động: ở Ekaterinburg vào tháng 3 năm 1920, 80 công nhân bị tống vào trại tập trung; Trên tuyến đường sắt Ryazan-Ural, 100 công nhân đường sắt chịu hình phạt tương tự trong tháng 4; 160 công nhân trên tuyến đường sắt Matxcova-Kursk chịu trung số phận trong tháng 5; và tương tự như vậy đối với 152 công nhân trong một nhà máy luyện kim ở Bryansk vào tháng 6. Rất nhiều các cuộc đình công khác nhằm chống lại chính sách quân sự hoá đều bị đàn áp một cách tàn bạo. (18)
Một trong những cuộc đình công đáng kể nhất là ở các nhà máy sản xuất vũ khí ở Tula, trung tâm chống đối chính quyền Bolsevik, nơi đã từng chịu những sự đàn áp và trừng phạt nặng nề vì những hành động đấu tranh chống chính quyền Bolsevik trong tháng 4 năm 1919. Vào ngày chủ nhật, 6 tháng 6 năm 1920, một lượng lớn các công nhân luyện kim đã từ chối làm việc thêm giờ. Những nữ công nhân từ chối làm việc vào ngày chủ nhật với lý do đó là ngày nghỉ duy nhất mà họ có thể tận dụng để đi kiếm lương thực cho gia đình ở những vùng nông thôn lân cận. Ngay sau khi có thông báo từ các giám đốc của các nhà máy, một lực lượng lớn Cheka đã được gửi đến và tiến hành bắt bớ những người tham gia đình công. Lệnh giới nghiêm được ban hành, tổ lãnh đạo ba người (troika) với đại diện của đảng và đại diện của Cheka được thành lập và được chỉ thị ra tuyên cáo về “âm mưu phản cách mạng do bọn gián điệp Balan và bọn hắc bách (black hundreds) xúi dục nhằm làm giảm sức chiến đấu của Hồng quân”.
Cuộc đình công càng lan rộng số lượng người “lãnh đạo” của nó bị bắt càng lớn; Hàng trăm sau đó là hàng ngàn người bao gồm cả công nhân nữ, những bà nội trợ cũng đứng ra và thách thức lực lượng Cheka bắt giam cả họ nữa. Phong trào đấu tranh lan rộng làm số lượng người bị bắt tăng lên con số khổng lồ càng làm cho luận điệu “gián điệp Balan” trở nên rất lố bịch. Chỉ trong vòng 4 ngày hơn 10 nghìn người bị giam giữ trong những bãi tập trung khổng lồ ngoài trời dưới sự canh gác cẩn thận của Cheka. Ban đầu Cheka bị choáng ngợp bởi số lượng người khổng lồ bị bắt giữ và lúng túng trong việc báo cáo lên cấp trên. Nhưng cuối cùng họ cũng thuyết phục được chính quyền trung ương Bolsevik tin rằng đúng là có một âm mưu phản cách mạng rất lớn đang xảy ra ở Tula. Hội đồng giải trừ âm mưu phản cách mạng Tula đã tiến hành hỏi cung hàng ngàn tù nhân với hy vọng tìm ra một số “kẻ đầu sỏ”. Điều kiện để những người công nhân được trả tự do, được đi làm trở lại, được cấp mới cuốn sổ tem phiếu là họ buộc phải ký vào bản tuyên bố như sau:”Tôi, một con chó tội phạm nhơ bẩn, xin bày tỏ sự ăn năn hối cải trước toà án cách mạng và Hồng quân, xin thú nhận tội lỗi của mình, và xin hứa sẽ làm việc liên tục không mệt mỏi trong tương lai”.
Trái ngược với những cuộc đình công khác, cuộc đình công ở Tula vào mùa hè năm 1920 được chính quyền xử lý nhẹ tay hơn: chỉ có 28 người bị tống vào trại tập trung, 200 người bị trục xuất khỏi đất nước (19). Tại thời điểm đó những công nhân lành nghề bậc cao trong ngành sản xuất vũ khí rất hiếm hoi mà chính quyền Bolsevik không thể tồn tại nếu thiếu những nhà máy sản xuất vũ khí. Khủng bố cũng được chính quyền phân phát như lương thực, với mức độ ít hay nhiều tuỳ thuộc vào việc những nơi chịu khủng bố có ý nghĩa như thế nào đối với sự tồn tại của chính quyền.
Cho dù cuộc đối đầu giữa công nhân và chính quyền Bolsevik rất nghiêm trọng, nó dẫu sao vẫn chỉ là một mặt trận trong lòng cuộc nội chiến. Cuộc chiến chống lại quân Xanh, gồm nông dân chống lại chính sách trưng thu lương thực và bắt lính của chính quyền Bolsevik còn ác liệt hơn nhiều. Những tài liệu, bản báo cáo mới đuợc cho bạch hoá gần đây của các đơn vị đặc biệt của Cheka và lực lượng quân thuộc bộ nội vụ, những nơi có nhiệm vụ xử lý các vụ đào ngũ, nổi loạn của nông dân, đã cho thấy mức độ bạo lực ghê gớm của “cuộc chiến bẩn thỉu” này; một mức độ bạo lực vượt xa cuộc đối đầu giữa Hồng quân và quân bạch vệ. Chính cuộc chiến giữa một bên là chính quyền Bolsevik và một bên là nông dân cho thấy rõ hơn cả chính sách khủng bố của những người Bolsevik dựa vào quan điểm cực đoan về quần chúng như Dzerzhinsky đã từng viết:”Quần chúng rất thờ ơ, họ thậm chí chẳng biết họ muốn cái gì nữa”. Do đó đối với những người Bolsevik, quần chúng chỉ có thể thuần phục bằng bạo lực, trong ngôn ngữ của Trotsky là bằng cái “chổi sắt” mà ông đã dùng để “dọn dẹp” Ukraina và “quét sạch đám phỉ Nesto Makhno “(20).
Những cuộc nổi dậy của nông dân chống chính quyền Bolsevik đã bắt đầu nổ ra từ mùa hè năm 1918 và lan rộng trong năm 1919 và 1920, lên đến đỉnh điểm vào thời kỳ 1920-1921, lúc họ buộc lực lượng Bolsevik phải chịu những thoái lui tạm thời.
Có hai lý do rõ ràng cho những cuộc nổi dậy này đó là việc trưng thu lương thực và bắt lính vào Hồng quân diễn ra thường xuyên. Vào tháng 1 năm 1919, những đội trưng thu lương thực lộn xộn của mùa hè năm 1918 đã được thay bằng một hệ thống trưng thu kế hoạch hoá tập trung. Mọi tỉnh, huyện, xã, và làng đều phải chịu một quota cố định cho việc nộp lại các sản phẩm lương thực cho nhà nước được tính trước theo ước đoán của mùa màng. Ngoài ngũ cốc họ còn phải giao nộp những nông sản khác như khoai tây, mật, trứng, bơ, dầu ăn, thịt, kem, và sữa. Mỗi một cộng đồng xã hội tự chịu trách nhiệm về quá trình trưng thu và giao nộp. Chỉ khi nào cả làng giao nộp đủ các sản phẩm nông sản cho chính quyền họ mới được phát những hoá đơn để mua các sản phẩm hàng hoá từ sản xuất trong các nhà máy, mà ngay cả thế thường cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu thiết yếu của họ. Việc thanh toán cho các sản phẩm nông sản lúc đó chỉ mang tính tượng trưng. Vào cuối năm 1920 đồng rúp đã mất giá đến 96% so với thời kỳ trước cuộc chiến. Từ năm 1918 đến năm 1920 số lượng lương thực bị trưng thu tăng khoảng 3 ba lần và dù chưa có con số chính xác cuối cùng, con số các cuộc nổi dậy của nông dân cũng tăng tương ứng. (21)
Chống đối lại chính sách bắt lính vào hồng quân sau “ba năm ngụp lặn trong cuộc chiến đế quốc” là lý do quan trọng thứ hai cho các cuộc nổi dậy của nông dân được lãnh đạo bởi quân Xanh. Bao gồm trong đó cả những lực lượng bỏ ngũ sống trong các khu rừng. Con số hiện nay cho thấy từ năm 1919 đến năm 1920 đã có đến hơn 3 triệu lính Hồng quân đào ngũ. Trong năm 1919, khoảng 500 nghìn quân đào ngũ đã bị các đơn vị Cheka và các đơn vị chống đào ngũ đặc biệt của Hồng quân bắt. Con số của năm sau là khoảng từ 700 nghìn đến 800 nghìn. Ngoài ra có khoảng từ 1.5 đến 2 triệu những người nông dân bỏ ngũ đã trốn được chính quyền do họ thông thạo thông thổ, địa bàn nơi họ sống. (22)
Đối mặt với vấn đề ngày càng nghiêm trọng này, chính quyền Bolsevik tăng cường sự đàn áp và khủng bố. Không phải chỉ có hàng ngàn người đào ngũ bị bắn mà cả gia đình của họ cũng bị bắt làm con tin. Sau mùa hè năm 1918, chiến lược bắt giữ con tin còn lan sang cả những tình huống thông thường. Ví dụ một sắc lệnh của chính phủ do Lenin ký đề ngày 15 tháng 2 năm 1919 khuyến khích các lực lượng Cheka tại địa phương bắt con tin trong tầng lớp nông dân tại những vùng có đường tầu hoả đi qua mà vẫn chưa được thông như tiêu chuẩn đề ra của chính phủ “và nếu đường ray tầu không được dọn dẹp và thông đầy đủ, những con tin phải bị xử bắn” (23). Vào ngày 12 tháng 5 nă 1920, Lenin gửi chỉ thị đến các hội đồng và đơn vị chịu trách nhiệm truy nã những người đào ngũ ở các tỉnh:” Sau bảy ngày đặc ân nếu những kẻ đào ngũ không đến trình diện thì phải xử phạt thật nặng tăng lên thành tội phản quốc, phản bội nhân dân. Gia đình của những kẻ đào ngũ hay bất cứ ai mà giúp đỡ những kẻ đó đều phải bị bắt làm con tin và xử lý thích đáng” (24). Trên thực tế sắc lệnh này của Lenin chỉ là sự hợp pháp hoá một kiểu hành xử diễn ra thường ngày của chính quyền Bolsevik. Mặc dù vậy làn sóng bỏ ngũ vẫn tăng mạnh. Trong những năm 1920 và 1921, số người bỏ ngũ đã chiếm số lớn trong lực lượng quân xanh, họ là mục tiêu đàn áp và khủng bố cực kỳ khủng khiếp của những người Bolsevik trong vòng 3 hay 4 (thậm chí một số vùng là 5) năm sau đó.
Bên cạnh việc chống trưng thu lương thực và bắt lính, những người nông dân còn chống lại tất cả những dạng can thiệp vào đời sống mà họ cho là ngoại lai, trong trường hợp này là sự can thiệp của những người cộng sản ở thành phố. Trong mắt họ những người Bolsevik đang tiến hành việc trưng thu lương thực bắt buộc này không còn là những người Bolsevik đã từng tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất năm 1917. Những vùng chịu sự đàn áp và bạo lực cao nhất chính là những vùng thường xảy ra sự đổi chủ giữa quân đỏ và quân trắng.
Những bản báo cáo từ các đơn vị của Cheka chính là nguồn thông tin vô cùng giá trị cho phép chúng ta hiểu thêm nhiều mặt về cuộc chiến du kích (của quân xanh –ND) này. Những người Bolsevik cẩn thận chia những cuộc nổi dậy của nông dân này làm hai loại: bunt – là những cuộc nổi dậy với quy mô nhỏ mang tính tự phát cao với bạo lực diễn ra trong thời gian ngắn với số lượng “phiến loạn” ít, khoảng vài chục đến một trăm; loại thứ hai là vosstanie, là những cuộc nổi dậy có quy mô có tổ chức với sự tham gia của hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn nông dân, có quân đội được tổ chức với khả năng tấn công vào các thành phố và thị trấn, có chương trình chính trị rõ ràng– thường là mang hơi hướng của các phái vô chính phủ hay cách mạng xã hội. Hãy xem một số dụ trích dẫn từ các bản báo cáo như vậy của Cheka:
“Ngày 30 tháng 4 năm 1919. Tỉnh Tambov. Ngay từ đầu tháng 4 ở huyện Lebyadinsky đã nổ ra cuộc nổi loạn của bọn Kulak và những tên đào ngũ chống lại việc huy động người và ngựa và việc trưng thu lương thực. Với khẩu hiệu hô vang “Hãy đánh đổ bọn cộng sản và các soviet” bọn phiến loạn đã tấn công và đốt một số trụ sở uỷ ban tại địa phương và giết 7 chiến sĩ cộng sản một cách dã man – cưa đôi người họ. Sau khi nhận được điện báo của đội trưng thu, tiểu đoàn 212 của Cheka đã đến kịp thời và dập tắt cuộc nổi loạn của bọn Kulak. Đã bắt 60 tên, 50 tên đã bị hành quyết ngay lập tức, ngôi làng nơi cuộc nổi loạn nổ ra đầu tiên đã bị san phẳng.
Tỉnh Voronezh, ngày 11 tháng 6 năm 1919. Điện tín lúc 16:15. Tình hình đã khá hơn. Cuộc nổi loạn ở vùng Novokhopersk đã gần như bị dập tắt. Máy bay của chúng ta đã oanh tạc thị trấn Tretyaki, một trong những căn cứ của bọn phỉ. Các hoạt động càn quét vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Tỉnh Yaroslavl, ngày 23 tháng 6 năm 1919. Cuộc nổi loạn của bọn đào ngũ ở Petropavlovskaya đã bị dập tắt. Gia đình của bọn chúng đã bị bắt làm con tin. Khi chúng tôi tiến hành bắn từng người trong gia đình của bọn chúng, những tên quân xanh này đã phải ra khỏi những cánh rừng trú ẩn để đầu hàng. Chúng tôi đã xử bắn ngay tại chỗ 34 tên để làm gương.” (25)
Hàng ngàn những bản báo cáo kiểu như trên cho thấy mức độ bạo lực ghê gớm của cuộc chiến giữ chính quyền Bolsevik và những người du kích phản kháng nông dân, những người bỏ ngũ hay chống lại chính sách trưng thu lương thực – tất cả đều được gán trong các bản báo cáo là những cuộc nổi loạn của bọn “Kulak (phú nông) và phỉ” (26). Ba mẩu trích dẫn trong các báo cáo của Cheka nêu trên cho thấy sự đa dạng của cách thức và mức độ bạo lực trong sự đàn áp của chính quyền Bolsevik: từ việc bắt làm con tin và hành quyết những người thân trong gia đình của những “kẻ đào ngũ” và “bọn phỉ” cho đến việc ném bom và đốt phá các làng mạc. Sự trả đũa khốc liệt gập nhiều lần và mù quáng từ phía chính quyền đối với bạo lực từ những cuộc nổi dậy của những người nông dân dựa trên ý niệm trách nhiệm liên đới tập thể của toàn bộ làng xã hay cộng đồng. Chính quyền ra giới hạn tự giao nộp cho những người bỏ ngũ, sau thời gian đó tất cả họ bị xem là “phỉ” và có thể bị bắn ngay khi bị bắt. Hơn thế nữa chính sách mà chính quyền Bolsevik thực hiện ở đây là “Bất cứ ai giúp đỡ bất cứ như thế nào đối với bọn phỉ trong rừng thì cả làng của họ bị san phẳng”.
Một số bản báo cáo tổng thể hơn của Cheka cũng cho chúng ta thấy được phần nào mức độ của cuộc chiến này ở các vùng nông thôn. Ví dụ trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 10 năm 1918, chỉ trong 12 tỉnh của Nga đã có 44 cuộc nổi dậy kiểu bunt, trong đó 2320 người bị bắt, 620 người bị giết trong quá trình giao chiến, 982 người bị hành quyết sau đó. Trong khoảng thời gian này 480 viên chức của các Soviet bị giết, và con số đối với các đội trưng thu lương thực, Hồng quân, Cheka là 112. Trong tháng 9 năm 1919, các bản báo cáo của Chaka từ 10 tỉnh cho biết 48735 tên “đào ngũ” và 7325 “tên phỉ” đã bị bắt, 1826 bị giết, 2230 bị hành hình, con số nạn nhân của phái chính quyền soviet và quân đội là 430. Những bản báo cáo đó không chứa những thông tin về những vosstanie.
Những cuộc nổi dậy của những người nông dân có thể chia làm nhiều thời kỳ với mức độ và quy mô tăng dần: tháng 3 và tháng 4 năm 1919 ở vùng trung Volga và Ukraina; khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1920 ở các tỉnh Samara, Ufa, Kazan, Tambov, và ở Ukraina (lúc này đã bị chiếm lại bởi những người Bolsevik nhưng nhiều vùng chính vẫn nằm trong tay quân nông dân nổi dậy). Từ cuối năm 1920 đến giữa năm 1921 những người nông dân nổi dậy lâm vào thế phải phòng ngự trước chính quyền Bolsevik ở Ukraina, Don, Kuban và những cuộc nổi dậy khổng lồ lên đến đỉnh điểm ở các tỉnh Tambov, Penza, Samara, Saratov, Simbirsk, và Tsaritsyn (27). Những cuộc nổi dậy quy mô kể trên chỉ bị dập tắt bởi một yếu tố quan trọng đó là một trong những trận đói khủng khiếp nhất trong thế kỷ 20.
Đầu tiên là ở những tỉnh giầu có như Samara và Simbirsk, những tỉnh mà vào năm 1919 là nguồn cung cấp 1/5 lượng ngũ cốc cho toàn nước Nga, những cuộc phản kháng tự phát của những người nông dân đã biến thành những cuộc khởi nghĩa quy mô vào tháng 3 năm 1919. Quân khởi nghĩa nông dân với số lượng lên đến 30 nghìn đã đánh chiếm hàng chục thị trấn. Chính quyền Bolsevik đã mất quyền kiểm soát tỉnh Samara vào tay quân khởi nghĩa trong vòng hơn một tháng. Cuộc nổi dậy đã làm cho các đơn vị quân bạch vệ của đô đốc Kolchak tiến đến Volga dễ dàng hơn, cho chính quyền Bolsevik buộc phải điều hàng chục ngàn quân đến để đàn áp cuộc khởi nghĩa với đội quân nông dân có tổ chức với một chương trình chính trị nghiêm chỉnh, kêu gọi tự do thương mại, tự do bầu cử vào các soviet, chấm dứt việc trưng thu lương thực bắt buộc, và loại trừ những “tên uỷ viên quý tộc Bolsevik” (Bolsevik commissarocracy). Tóm tắt tình hình vào tháng 4 năm 1919, chỉ huy Cheka tại tỉnh Samara đã đưa ra con số 4240 “quân phiến loạn” đã bị giết trong giao tranh, 625 bị hành hình sau khi bị bắt, 6210 “tên đào ngũ” và “phỉ” bị bắt.
Khi ngọn lửa phản kháng tưởng như đã bị dập tắt hoàn toàn ở Samara, thì các cuộc nổi dậy lớn và nhỏ lại đồng loạt nổ ra ở Ukraina. Sau khi quân Đức và Ao-Hung rút khỏi vào cuối năm 1918, chính quyền Bolsevik đã quyết định đánh chiếm lại Ukraina. Đã từng được xem là cái thùng bánh mỳ của Sa Hoàng, Ukraina được kỳ vọng sẽ là nơi cung cấp lương thực chính cho chính quyền vô sản ở Maxcơva và Petrograd. Quota trưng thu lương thực do chính quyền Bolsevik áp đặt ở Ukrana cao hơn bất cứ đâu trong đế chế Soviết. Để đạt được quota đó của chính quyền Bolsevik, chỉ còn có cách đẩy hàng ngàn làng mạc Ukraina, những nơi đã bị phá huỷ rất nhiều dưới sự chiếm đóng của quân đội ngoại bang, vào chỗ chết đói. Hơn nữa không giống với chính sách phân phát đất đai về cộng đồng nông dân mà những người Bolsevik thực hiện vào cuối năm 1917 ở những vùng nông thôn nước Nga, ý định của họ đối với Ukraina ngay từ đầu đã là quốc hữu hoá toàn bộ đất đai và của cải có giá trị. Chính sách này nhằm biến những vùng sản xuất ngũ cốc và đường ở Ukraina trở thành những nông trang khổng lồ trong đó những người nông dân đang từ những chủ đất trở thành những người lao động nông nghiệp thuần tuý cho nhà nước. Chính việc đó đã khởi nguồn cho những cuộc phản kháng từ nông dân Ukraina, những người đã được trang bị vũ trang trong những cuộc kháng chiến chống ách chiếm đóng của quân Đức và Ao-Hung. Đến năm 1919 , đã xuất hiện những đội quân khởi nghĩa nông dân với số lượng hàng chục ngàn được chỉ huy bởi những sỹ quan quân đội hay chính trị gia Ukraina như Simon Petluyra, Nesto Makhno, Mykola Hryhoryiv, và Zeleny. Mục đích của những đội quân nông dân này là thực hiện cuộc cải cách ruộng đất theo kiểu của họ: đất đai giành cho nông dân, tự do thương mại, bầu cử tự do vào các Soviet, loại bỏ những tên “Musvovite và Do thái”. Đối với những người nông dân Ukraina, sinh ra và lớn lên trong sự tương phản giữa nông thôn và các thành phố của Nga và những người do thái, đẳng thức Muscovite=Bolsevik=Do thái được dễ dàng đưa ra. Đối với họ tất cả đều phải bị trục xuất khỏi Ukraina.
(from here)
Trường hợp Ukraina cho thấy sự tàn bạo và đối đầu dai dẳng giữa chính quyền Bolsevik và những người nông dân. Sự có mặt của thế lực thứ 3 - quân bạch vệ, lực lượng thường bị cả phía Bolsevik lẫn những đội quân nông dân Ukraina tấn công nhằm chống lại việc áp đặt trở lại chế độ nông nô cũ, càng làm tình hình chính trị và quân sự ở đây thêm phức tạp; một số thành phố ở Ukraina như Kiev thường bị đổi chủ nhiều lần (với Kiev số lần đổi chủ là 14 chỉ trong vòng 2 năm).
Cuộc nổi dậy quy mô đầu tiên của nông dân Ukraina chống lại những đội trưng thu lương thực của chính quyền Bolsevik bắt đầu nổ ra từ tháng 4 năm 1919. Chỉ trong vòng 1 tháng, đã có đến 93 cuổi nổi dậy của nông dân ở các tỉnh Kyiv, Chernihiv, Poltava, và Odessa. Con số của Cheka cho thấy chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7 năm 1919 số lượng những cuộc nổi dậy của nông dân Ukraina là 210 với sự tham gia của hơn 100 ngàn chiến binh có vũ trang và hàng trăm ngàn nông dân. Đội quân nông dân của Hryhoryiv có số lượng 20 ngàn người bao gồm cả một số đơn vị Hồng quân đảo ngũ, với 50 súng canon và 700 súng máy, đã đánh chiếm một loạt thành phố phía nam Ukraina vào tháng 4 và tháng 5 năm 1919, bao gồm Cherkassy, Kherson, Nikolaev, và Odessa. Họ lập ra một chính quyền lâm thời với khẩu hiệu nêu rõ:”Tất cả quyền lực về tay các Soviet của nhân dân Ukraina”, “Ukraina là của người Ukraina, hãy đánh đổ bọn Bolsevik và Do thái”, “Phân phối đất đai đến mọi người”,”Tự do sản xuất và buôn bán” (28). Cánh quân khởi nghĩa nông dân của Zeleny có khoảng 20 ngàn người đánh chiếm hầu như toàn bộ tỉnh Kyiv, chỉ trừ mấy thành phố lớn. Dưới khẩu hiệu “sức mạnh Soviết muôn năm, đánh đổ bọn Bolsevik và Do thái”, họ đã tiến hành những cuộc tàn sát cộng đồng dân Do thái ở các thành phố và làng mạc của Kyiv và Chernihiv. Những hoạt động của đội quân nông dân do Nesto Makhno lãnh đạo có lẽ là được biết đến nhiều nhất. Với tư cách lãnh đạo một đội quân nông dân lên đến vài chục ngàn người, Makhno cho thực hiện ngay chương trình chính trị của những người theo phái vô chính phủ (cả phía dân tộc và cả phía xã hội), những chính sách và chương trình chính trị xã hội đã được thông qua trong nhiều đại hội của nông dân như đại hội các đoàn đại diện nông dân, công nhân, và các lực lượng nổi dậy của Gylyai-Pole được tổ chức vào tháng 4 năm 1919 trong thời điểm cuộc nổi dậy của Makhno đang nổ ra. Những người theo phái Makhno chống lại tất cả những sự can thiệp từ phía chính quyền vào đời sống của các cộng đồng nông dân, họ muốn có một kiểu chính quyền tự trị dựa trên những soviet được lập ra thông qua bầu cử tự do. Mặc dù có những đòi hỏi khác nhau, nhưng tất cả các phong trào đấu tranh của nông dân Ukraina đều có chung một số yêu sách như đòi chấm dứt ngau chế độ trưng thu lương thực, bỏ thuế, tự do hoạt động cho các đảng dân chủ xã hội và vô chính phủ, phân phối lại đất đai, chấm dứt ngay những đặc quyền đặc lợi của những uỷ viên quý tộc Bolsevik, chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng đặc biệt và Cheka (29).
Hàng trăm cuộc nổi dậy của nông dân Ukraina trong vùng kiểm soát của Hồng quân vào mùa hè năm 1919 đóng vai trò quan trọng cho những thắng lợi tạm thời của cánh quân bạch vệ do tướng Denikin chỉ huy. Xuất phát từ miền nam Ukraina vào ngày 19 tháng 5 năm 1919, quân bạch vệ đã tiến rất nhanh vì lúc đó Hồng quân đang phải bận rộn với việc đàn áp nhằm dập tắt những cuộc nổi dậy của nông dân. Quân của Denikin chiếm Kharkiv vào ngày 12 tháng 6, Kyiv vào ngày 28 tháng 8, và Voronezh vào 30 tháng 9. Bị buộc phải rút khỏi những thành phố lớn (những vùng nông thôn lúc đó đang nằm trong tầm kiểm soát của các đội quân khởi nghĩa nông dân), quân Bolsevik đã tiến hành những cuộc thảm sát quy mô lớn những tù nhân và con tin trong tay họ. Trên đường rút quân vội vã, Hồng quân và các đơn vị Cheka đã làm cỏ hoàn toàn những làng mạc trong tay quân nông dân khởi nghĩa mà họ đi qua. Họ đốt trụi hàng trăm làng mạc, thực hiện những cuộc thảm sát hàng loạt đối với những “tên phỉ”, “đào ngũ”, và con tin. Cuộc thoái lui vào cuối năm 1919 và tái chiếm đầu năm 1920 đối với Ukraina của những người Bolsevik đã tạo ra những vụ bạo lực khủng khiếp đối với dân thường và đã được ghi nhận và đi vào kiệt tác của Babel - cuốn ” Đội kỵ binh đỏ” (30).
Vào đầu năm 1920 quân bạch vệ về cơ bản bị đánh bại, chỉ trừ một số đơn vị lẻ tẻ ở Crimea do Baron Pyotr, người kế nhiệm của Denikin, chỉ huy. Cuộc đối đầu chỉ còn là giữa những lực lượng của chính quyền Bolsevik và nông dân. Khoảng thời gian từ thời điểm đó đến tận năm 1922 được đánh dấu bởi những cuộc đàn áp cực kỳ đẫm máu của chính quyền Bolsevik đối với những phong trào khởi nghĩa của nông dân. Vào tháng 2 và 3 năm 1920 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân khổng lồ kéo từ Volga đến Ural trong các tỉnh Kazan, Simbirsk, và Ufa, mà các nhà sử học gọi là cuộc khởi nghĩa “Cào cỏ” (do vũ khí của quân khởi nghĩa nông dân chủ yếu là cào cỏ. Điều này cũng giống như cuộc khởi nghĩa của Đoàn Hữu Trưng chống bạo chúa Tự Đức với sự tham gia của đông đảo những người phu đang xây lăng Vạn Niên, với vũ khí chủ yếu là các chày giã vôi, do đó cuộc khởi nghĩa thường được biết đến với cái tên: cuộc khởi nghĩa “chày vôi” – ND). Vùng đất nổ ra cuộc khởi nghĩa không chỉ có người Nga mà còn có cả người Tarta và Bashkir, cũng là vùng bị trưng thu lương thực rất nặng bởi chính quyền Bolsevik. Chỉ trong vài tuần, cuộc khởi nghĩa đã lan ra nhiều huyện lỵ. Đội quân khởi nghĩa nông dân với cái tên “Đại bàng đen” này tại thời kỳ đỉnh điểm đã có đến 50 ngàn quân. Được trang bị vũ khí đầy đủ với cả canon và súng máy, các đơn vị của bộ nội vụ liên bang đã áp đảo hoàn toàn quân khởi nghĩa, những người mà vũ khí trên tay chủ yếu là cào cỏ và rìu. Chỉ trong vài ngày ngàn quân khởi nghĩa đã bị tàn sát và hàng trăm làng mạc đã bị đốt trụi (31).
Mặc dù cuộc khởi nghĩa “cào cỏ” bị dập tắt nhanh chóng, những cuộc nổi dậy của nông dân vẫn lan rộng ở các tỉnh vùng trung Volga bao gồm Tambov, Penza, Samara, Saratov, và Tsaritsyn, những nơi chịu mức trưng thu lương thực nặng từ chính quyền Bolsevik. Lãnh đạo Bolsevik Antonov-Oseenko , người đã cầm đầu những cuộc đàn áp những cuộc nổi dậy của nông dân ở Tambov, sau này đã thú nhận rằng kế hoạch phân bổ trưng thu lương thực của chính quyền trung ương vào những năm 1920-1921 nếu được thực hiện thì đồng nghĩa với việc mang cái chết đối với những người nông dân. Trung bình mỗi nông dân chỉ được nhà nước Bolsevik cho phép giữ lại 1 pud (35 pounds) ngũ cốc và 1.5 puđy (khoảng 55 pounds) khoai tây mỗi năm – bằng 1/10 lượng thực phẩm để duy trì cuộc sống của một con người. Chính vì vậy những người nông dân ở các tỉnh trên không còn con đường nào khác là đứng lên chống lại chính quyền Bolsevik vào mùa hè năm 1920 để giành lại sự sống cho bản thân. Những cuộc nổi dậy tồn tại trong hai năm nữa và cuối cùng đã bị đánh bại bởi một trận đói khủng khiếp.
Trung tâm xung đột thứ ba giữa những người nông dân và chính quyền Bolsevik chính là ở Ukraina, sau khi những người Bolsevik đánh chiếm trở lại Ukraina từ tay của quân bạch vệ dưới quyền chỉ huy của tướng Denikin trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 1919 đến tháng 2 năm 1920; nhưng trong những vùng nông thôn, quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay các đội quân Xanh, rất nhiều trong số đó tựu đặt mình dưới quyền chỉ huy của Makhno. Không giống như quân “đại bàng đen” trong cuộc khởi nghĩa “cào cỏ”, quân khởi nghĩa ở Ukraina được trang bị tốt hơn vì trong số đó có rất nhiều hồng quân đào ngũ. Vào mùa hè năm 1920, đội quân của Makhno có 15 ngàn quân, 2500 kỵ binh, gần 100 súng máy hạng nặng, 20 pháo, hai xe vũ trang. Hàng trăm những nhóm nhỏ hơn với con số từ vài chục đến vài trăm cũng thực hiện những cuộc chiến tranh du kích chống sự chiếm đóng của quân Bolsevik. Để chống lại những cuộc chiến tranh du kích của nông dân, chính quyền Bolsevik vào ngày 20 tháng 5 năm 1920 phải dùng đến Feliks Derzhinsky, phong cho ông chức “Tổng chỉ huy mặt trận phía sau ở vùng Tây Nam”. Derzhinsky đến Kharkiv hai tháng, thiết lập 24 đơn vị quân đặc biệt của bộ nội vụ liên bang, những lực lượng đặc biệt tinh nhuệ với những đơn vị kỵ binh được huấn luyện kỹ càng để truy kích quân khởi nghĩa và máy bay để ném bom vào những nơi do quân khởi nghĩa chiếm đóng (32). Nhiệm vụ của lực lượng này là dập tắt hoàn toàn những cuộc chiến du kích của nông dân trong vòng 3 tháng. Thực tế chiến dịch đó đã phải kéo dài trong hơn hai năm từ mùa hè năm 1920 đến mùa thu năm 1922, trong đó hàng chục ngàn người phải bỏ mạng.
Trong câu chuyện đối đầu giữa nông dân với chính quyền Bolsevik, vụ “diệt Cossack” chiếm một vị trí quan trọng, nó là vụ diệt trừ một cách có hệ thống những người Cossack ở vùng Don và Kuban. Lần đầu tiên chính quyền Bolsevik đưa ra cái gọi là “trách nhiệm tập thể” để nhằm tiêu diệt và đuổi lưu đầy cả một dân tộc ra khỏi quê hương của họ, một vụ việc mà chính những người lãnh đạo Bolsevik đã gọi là “Soviet Vendéer” (33) (Vendée là nơi xảy ra những cuộc khởi nghĩa chống chính quyền của Jacobin và là nơi xảy ra vụ thảm sát của chính quyền đối với dân lành trong cách mạng Pháp làm hàng ngàn người dân bỏ mạng – ND). Vụ diệt Cossack này không phải là kết quả của việc “quá tay” trong một cuộc chiến mà là một vụ đã được tính toán kỹ lưỡng từ trước dưới sự chỉ đạo của những chính trị gia cap cấp của những người Bolsevik bao gồm cả Lenin, Sergo Orđzhonikige, Sergei Syrtsov, Grigory Solonikov, và Isaac Reingold. Mặc dù bị tạm hoãn lại trong mùa xuân năm 1919 do những thất bại quân sự của Hồng quân, quá trình “diệt Cossack” được tiến hành trở lại vào năm 1920, sau những chiến thắng của Hồng quân ở vùng Don và Kuban, với mức độ tàn bạo ghê gớm hơn nhiều lần so với trước đó.
Từ tháng 12 năm 1917, những người Cossack đã bị tước đoạt hết những đặc ân mà họ được hưởng dưới chế độ Sa Hoàng, bị những người Bolsevik liệt vào dạng “Kulak” (phú nông) và là “kẻ thù giai cấp”; do đó họ đã gia nhập quân bạch vệ dưới ngọn cờ của Ataman Krasnov. Vào tháng 2 năm 1919, khi những cánh quân Bolsevik tiến vào miền nam nước Nga và Ukraina, thì những đơn vị hồng quân đầu tiên đã thâm nhập vào lãnh địa của những người Cossack vùng Don và Kuban. Ngay từ đầu những người Bolsevik đã cố gắng để tiêu diệt đến mức tối đa sự tồn tại của những cộng đồng người Cossack, đất đai của họ bị tịch thu đem phân phối lại cho những người Nga di cư đến đó hoặc cho những nông dân tại địa phương không có nguồn gốc Cossack, họ bị buộc giao nộp toàn bộ vũ khí đang sở hữu (vì lý do lịch sử những người Cossack luôn là những chiến binh thiện chiến trong chế độ cũ do đó họ được quyền mang vũ khí) nếu không sẽ bị hành hình, toàn bộ những hội đồng tự quản của người Cossack đều bị giải tán.
Thật ra những biện pháp mạnh kể trên chỉ là thực hiên một phần trong nghị quyết bí mật nhằm đối phó với những người Cossack của trung ương đảng cộng sản Bolsevik thông qua vào ngày 24 tháng 1 năm 1919:”Kinh nghiệm của cuộc đối đầu với bon Cossạk trong cuộc nổi chiến chỉ ra rằng chúng ta phải dùng đến khủng bố tập thể rộng lớn và mạnh mẽ, phải đấu tranh không khoan nhượng với bọn nhà giầu Cossack, phải huỷ diệt, đuổi lưu đầy, đến những tên Cossack cuối cùng” (34).
Điều xảy ra rrong thực tế, như Reigold chủ tịch hội đồng cách mạng vùng Don, người chịu trách nhiệm áp đặt luật cai trị của chính quyền Bolsevik trên lãnh thổ của người Cossack, là:”Huỷ diệt trên diện rộng toàn bộ bọn Cossack” (35) Từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 năm 1919, các đơn vị Bolseviks đã hành quyết hơn 8000 người Cossack (36). Tại mỗi stanitsa (làng của người Cossack), các toà án cách mạng chỉ cần vài phút để xử và tuyên án tử hình cả loạt người Cossack thường là với tội danh “có biểu hiện phản cách mạng”. Đứng trước sự đán áp tàn bạo không khoan thứ của những người Bolsevik, dân Cossack không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đứng lên khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa nổ ra từ huyện Veshenskaya vào ngày 11 tháng 3 năm 1919. Đội quân khởi nghĩa có tổ chức tốt đã huy động được phần lớn đàn ông từ lứa tuổi 16 đến 55 và gửi đi những bức điẹn tín kêu gọi nhân dân khắp vùng Don đến tận tỉnh Voronezh cùng đứng lên chống lại chính quyền Bolsevik.
Họ giải thích:”Chúng tôi – những người Cossack – chúng tôi không chống lại Soviet. Chúng tôi ủng hộ bầu cử tự do. Chúng tôi chống lại bọn cộng sản, chống dồn dân vào các nông trang (hợp tác xã - ND), chống bọn Do thái. Chúng tôi phản đối chính sách trưng thu lương thực bắt buộc, phản đối những tên trộm nhơ bẩn, phản đối những hành động giết người dã man diễn ra hàng ngày của Cheka” (37). Vào đầu tháng tư lực lượng quân nổi dậy đã có một đội quân lên đến 30 ngàn người được tổ chức tốt và thiện chiến. Hoạt động trong lòng giới tuyến của hồng quân, lúc này đang bận bịu để đối phó với cánh quân bạch vệ của Denikin ở sâu phía nam và quân Cossack vùng Kuban, quân Cossack vùng Don đã đóng vai trò không nhỏ trong những thành công của quân bạch vệ vào tháng 5 và tháng 6 năm 1919. Vào đầu tháng 6 năm 1919, quân Cossack vùng Don đã sát nhập với quân Cossack Kuban và quân bạch vệ. Toàn bộ “Soviet Vandéer” đã được giải phóng khỏi “Mutscovites, Do thái, và Bolsevik”.
Nhưng quân Bolseviks đã trở lại vào tháng 2 năm 1920. Lần chiếm đóng thứ hai này tàn bạo hơn lần thứ nhất. Toàn bộ vùng Don bị buộc phải giao nộp cho chính quyền Bólevik lượng ngũ cốc lên đến 36 triệu puddy một lượng lớn hơn cả khả năng sản xuất của toàn vùng trong một năm; và toàn bộ những cư dân của vùng bị lột sạch không chủ những lượng lương thực trong những bữa ăn hết sức đạm bạc, những lượng ngũ cố dự trữ mà the như những bản báo cáo của Cheka họ còn bị lột tất cả những đồ dùng có trong nhà như “Giầy dép, quần áo, giường tủ, và đến cả những cái ấm samova” (38). Tất cả những người đàn ông trong vùng còn đủ sức chiến đầu đều gia nhập những toán quân Xanh khởi nghĩa, với con số lên đến 35 ngàn ở Kuban và Don. Để thoát khỏi thế bị giam hãm ở Crimea từ tháng hai, tướng Bạch vệ Wrangel quyết định phá vòng vây quân của Hồng quân bằng cách sát nhập lực lượng cùng quân Cossack và quân Xanh vùng Kuban. Vào ngày 17 tháng 8 năm 1920, đội quân gồm 5000 người tiến tới Novorossiisk. Đối mặt với lực lượng liên quân bao gồm quân bạch vệ, quân Cossack và quân Xanh, những người Bolsevik buộc phải dời bỏ thành phố Ekaterinodar thành phố chính của vùng Kuban. Mặc dù quân của Wrangel tiến được vào miền nam Ukraina, những thành công của quân bạch vệ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Phải đối mặt với lực lượng quân Bolsevik đông hơn bội phần và bị níu kéo bởi một lượng lớn thường dân đi cùng, quân của Wrangel cuối cùng phải rút chạy tán loạn về Crimea vào cuối tháng 10. Cuộc tái chiếm Crimea của những người Bolsevik, cuộc đối đầu quân sự cuối cùng giữa Hồng quân và Bạch quân, là một trong những cuộc thảm sát đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến. Có ít nhất 50 ngàn thường dân đã bị những người Bolsevik giết chỉ riêng trong tháng 11 và tháng 12 năm 1920. (39)
Đứng về phía thất bại của cuộc chiến, những người Cossack một lần nữa lại là nạn nhân của khủng bố đỏ. Một trong những yếu nhân của Cheka, Karl Lander người Latvia, được phong “toàn quyền vùng bắc Capcatdơ và Don”. Hành động đầu tiên của Lander là cho thành lập những tổ ba người (troiki), những hội đồng đặc biệt để thi hành việc “diệt Cossack”. Chỉ trong tháng 10 năm 1920 những tổ ba người này đã tuyên án tử hình 6000 người và buộc họ bị hành hình ngay lập tức (40). Gia đình, đôi khi cả hàng xóm, của những người tham gia quân Xanh hay quân Cossack chống lại chính quyền Bolsevik mà đã chốn thoát, đều bị bắt làm con tin và tống vào các trại tập trung, những nơi mà như lời của Martin Latsis – chùm Cheka ở Ukraina trong một bản báo cáo, thực sụ là những trại tập trung chết người:”Bị nhốt ở trại tập trung gần Maikov là những con tin, phụ nữ, trẻ em, những người già đã sống sót qua những điều kiện khắc nghiệt nhất, trong cái lạnh và bùn đất của tháng 10... Họ đang chết như ruồi bọ. Những người đàn bà sắn sàng làm tất cả để thoát chết. Những người lính canh trại đã lợi dụng việc đó để dùng họ như những con điếm” (41)
Tất cả những phản kháng đều bị trừng trị thẳng tay không thương tiếc. Khi người chỉ huy của Cheka ở Pyatigorsk bị phục kích, họ đã trả đũa bằng cách tổ chức “ngày khủng bố đỏ” mà mức độ đàn áp thậm chí còn đi quá cả chỉ thị của Lander, người đã tuyên bố rằng:” hành động khủng bố này (phục kích lãnh đạo Cheka –ND) cần phải được chúng ta sử dụng làm tiền đề cho việc bắt và hành quyết những con tin quan trọng, là lý do để đẩy mạnh việc hành hình những tên gián điệp của bạch vệ và bọn phản cách mạng nói chung”. Vụ việc xảy ra theo lời của Lander:” Lực lượng Cheka ở Pyatigorsk quyết định mỗi ngày hành quyết 300 người. Họ chia thành phố ra làm nhiều khu và đặt một quota cố định về số người cần bị hành quyết ở mỗi khu sau đó yêu cầu đảng bộ tại khu tương ứng đưa danh sách những kẻ cần bị hành quyết... biện pháp không thoả đáng này dẫn đến việc lợi dụng để trả thù cá nhân... ở Kislovodsk, vì không nghĩ được cách nào tốt hơn, nên họ đã quyết định giết những bệnh nhân đang nằm viện cho đủ số quota.” (42)
Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để diệt trừ người Cossack mà những người Bolsevik thực hiện là phá huỷ hoàn toàn những thị trấn làng mạc của người Cossack sau đó đuổi toàn bộ những người còn sống khỏi quê hương họ. Những hồ sơ do Sergo Ordzhonikidze lúc đó là chủ tịch hội đồng cách mạng bắc cápcátdơ lưu giữu những tài liệu về những hành động kiểu như vậy trong tháng 10 và đầu tháng 11 năm 1920. Ví dụ, vào ngày 23 tháng 10, Ordzhonikidze ra lệnh:
“1. Toàn bộ thị trấn Kalinovskaia phải bị đốt trụi.
2. Tất cả cư dân ở Ermolovskaya, Romanovskaya, Samachinsnaya, và Mikhailovskaya phải bị đuổi ra khỏi nhà, nhà cửa, đất đai của họ được phân phát lại cho bần cố nông, đặcu biệt là những người Chechen do họ biết tôn trọng chính quyền Soviet.
3. Tất cả đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 40 ở các vùng trên phải bị bắt và lưu đầy lên phái bắc dưới sự canh gác và hộ tống có vũ trang. Tại đó buộc chúng phải lao động khổ sai.
4. Đàn bà, trẻ em, người gia cũng phải bị đuổi khỏi nhà nhưng cho định cư lại ở phái cực bắc.
5. Tất cả gia xúc, thực phẩm, hàng hoá ở các vùng trên phải bị tịch thu” (43)
Ba tuần sau Ordzhonikidze nhận được báo cáo về tình hình tiến triển của việc thực thi mệnh lệnh nói trên:
“Kalinovsskaya: toàn bộ thị trấn đã phị đốt trụi, toàn bộ cư dân gồm 4200 người đã bị đuổi khỏi thành phố.
Ermolovskaya: Đã dọn sạch cư dân (tổng số 3218)
Romanovskaya: 1600 đã bị đuổi, 1661 nữa đang chờ bị trục xuất.
Samachinskaya: 1018 đã bị đuổi, 1900 đang chờ bị trục xuất.
Mikhailovskaya: 600 đã bị đuổi, 2200 đang chờ bị trục xuất.
150 xe chở thực phẩm tịch thu được đã lên đường đến Grozny. Trong 3 thị trấn vẫn chưa dọn sạch được dân, những người bị dọn đầu tiên là các gia đình của bọn bạch vệ và quân Xanh và những kẻ đã tham gia cuộc nổi loạn vừa rồi. Trong số những người đang chờ bị trục xuất có cả những người ủng hộ chính quyền Bolsevik, gia đình của một số hồng quân, viên chức soviet, và một số đảng viên cộng sản. Sự chậm chễ là do không có đủ toa xe hoả để chở. Trung bình một ngày chỉ có được một chuyến. Để hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi cần gấp khoảng 306 toa xe hoả” (44)
Những nhiệm vụ kiểu trên thường kết thúc như thế nào? hiện chưa có những tài liệu cung cấp câu trả lời cho câu hỏi này. Rõ ràng những hoạt động như vậy tiếp tục xảy ra trong một khoảng thời gian khá dài sau đó, phần lớn trong số đó không phải là đẩy đi lưu đầy ở miền cực bắc, như sẽ xảy ra những năm sau đó (dưới thời Stalin – ND), mà đến những mỏ than ở Donetsk, nơi gần hơn rất nhiều. Với điều kiện của giao thông đường sắt vào những năm 20, chắc hẳn những hoạt động lưu đầy người kiểu trên diễn ra rất hỗn độn. Tuy vậy có thể nói hành động diệt Cossack trong những năm 20s là tiền đề cho hành động diệt Kulak trên diện rộng diễn ra 10 năm sau đó. Chúng cùng mang đậm tư duy về “chịu trách nhiệm tập thể”, cũng những đoàn người bị lưu đầy với những đội quan có vũ trang hộ tống, cũng những tâm trạng hoang mang của những kẻ bị lưu đầy khi họ không được chuẩn bị trước và không hề biết đích đến sẽ là đâu, cũng là những lao động khổ sai mà những kẻ lưu đầy bị buộc phải gánh chịu. Những người Cossack vùng Don và Kuban đã phải trả một cái giá rất đắt cho việc dám đứng lên chống lại chính quyền Bolsevik. Theo những con số tin cậy có khoảng 300 đến 500 ngàn người Cossack đã bị giết và đuổi lưu đầy trong năm 1919 và 1920 trong tổng số dân gần 3 triệu.
Các vụ thảm sát do những người Bolsevik thực hiện có mức độ khó xác định nhất là những vụ thảm sát nhằm vào những tù nhân và con tin những kẻ bị bắt giữ đơn giản chỉ vì họ thuộc vào “giai cấp thù địch” hoặc “thành phần cặn bã của xã hội”. Những cuộc thảm sát này có cùng logic với Khủng bố đỏ (xem chương 3 –ND) trong nửa cuối năm 1918, nhưng ở mức độ lớn hơn rất nhiều. Những cuộc khủng bố và thảm sát dựa trên xuất thân giai cấp thường được biện hộ bởi lý lẽ rằng một thế giới mới (do những người Bolsevik dựng nên –ND) đã ra đời và do đó mọi thứ phải phục vụ sự ra đời của “thế giới mới” này giống như lời giải thích trong bài xã luận trong số đầu tiên của tờ Krasnyi Mech (Lưỡi Gươm Đỏ), một tờ báo của Cheka Kyiv:
“Chúng ta không chấp nhận hệ thống chuẩn mực đạo đức và “nhân đạo” cũ do bọn tư sản đưa ra để đàn áp và bóc lột những giai cấp dưới. Nền đạo đức của chúng ta xưa nay chưa từng có trong lịch sử loài người, các giá trị nhân đạo của chúng ta là tuyệt đối vì nó dựa trên những chuẩn mực mới. Mục đích của chúng ta là phá huỷ hoàn toàn mọi dạng áp bức và bạo lực. Đối với chúng ta, mọi thứ đều có thể làm được, bởi chúng ta là những người đi tiên phong, những người đầu tiên dùng lưỡi gươm không phải để biến nhân loại thành nô lệ mà để giải phóng họ khỏi những gông xiềng... Đổ máu ư? hãy cứ để máu đổ thành sông! hãy cứ để máu làm hoen ố lá cờ đen của bọn tư bản ăn cướp, hãy để lá cờ của chúng ta mãi đỏ tươi mầu máu! Bởi chỉ có thể bằng sự tiêu diệt hoàn toàn thế giới cũ chúng ta mới có thể tự giải phóng mình khỏi sự thống trị của lũ chó má! (45)”
Những lời kêu gọi khát máu kiểu trên luôn có được sự nhiệt tình hưởng ứng từ chính quyền mới, những sự hưởng ứng từ các cấp của Cheka nơi luôn có đầy ắp những con người với khát vọng trả thù cao độ mà đó cũng là lý do cho việc tuyển dụng họ, cho dù xuất thân của họ, như chính một số những nhà lãnh đạo Bolsevik thừa nhận, từ những tầng lớp “lưu manh và cặn bã trong xã hội”. Trong bức thư đề ngày 22 tháng 3 gửi cho Lenin, nhà lãnh đạo Bolsevik Serafina Gopner đã mô tả những hành động của Cheka tại Ekaterinoslav như sau:”Tổ chức này đã thối nát đến tận gốc rễ, một thứ thối nát tội phạm và bạo tàn với những quyết định ra hoàn toàn tuỳ tiện. Nó gồm toàn những tên tội phạm, những thành phần cặn bã của xã hội, những kẻ được trang bị đến tận răng giết tất cả những người mà đơn giản vì chúng không thích họ. Chúng ăn cắp, ăn cướp, hiếp dâm, và ném người vào tù tuỳ tiện; chúng giả mạo giấy tờ, tra tấn, tống tiền và chỉ thả người khi chúng nhận được những khoản tiền chuộc khổng lồ” (46).
Những hồ sơ mật thuộc ban chấp hành trung ương Đảng CS, ví dụ như những hồ sơ của Felix Dzerzhinsky, hiện còn lưu giữ vô số những bảo báo cáo tương tự như trên của những lãnh đạo Đảng, của các thanh tra, và công an mật về những “hành động phản động” của Cheka khi đã “nổi điên bởi máu và bạo lực”. Sự thiếu hụt các thủ tục pháp lý và chuẩn mực đạo đức dẫn đến sự tự do, toàn quyền không thể kiểm soát của các đơn vị Cheka địa phương. Do không thể biện hộ cho những hành động của mình trước cấp trên, chúng đã tự biến mình thành một chính thể cực kỳ tàn bạo và khát máu, không bị kiểm soát và không thể bị kiểm soát. Chúng ta hãy thử cùng xem ba mẩu trích các bản báo cáo trong vô vần những bản báo cáo kiểu này để thấy được sự trượt dần vào sự tự do hoàn toàn vô tổ chức của Cheka địa phương.
Đầu tiên là bản báo cáo của Smirnov, một sỹ quan huấn luyện Cheka ở Syzran thuộc tỉnh Tambov, gửi Derzinsky, đề ngày 22 tháng 3 năm 1919:
“Tôi đã tiến hành điều tra những vụ việc liên quan đến vụ nổi loạn của bọn Kulak ở làng Novo-Matryonskaya. Quá trình hỏi cung diễn ra cực kỳ lộn xộn. 75 người đã bị tra tấn, ấy vậy mà chẳng có bản báo cáo dưới dạng văn bản nào....5 người bị hành hình vào ngày 16 tháng 2, hôm sau là 13 người. Thế mà biên bản về án tử hình và việc hành quyết lại đề ngày 28 tháng 2. Khi tôi đề nghị lãnh đạo Cheka giải thích thì anh ta trả lời rằng:”Chúng tôi không có thời gian để viết biên bản vào lúc ấy. Mà cái đó có quan trọng khỉ gì nhỉ chúng ta đang cố gắng để tiêu diệt toàn bộ giai cấp tư sản và Kulak cơ mà?” (47)
Tiếp theo là bản báo cáo của Bí thư chi bộ đảng Bolsevik tại Yaroslav đề ngày 26 tháng 9 năm 1919:”Lực lượng Cheka đang tiến hành cướp bóc và bắt bớ hết sức tuỳ tiện. Họ cho rằng họ an toàn vì không thể bị trừng phạt, nên họ đã biến những trụ sở của mình thành những nhà thổ khổng lồ nơi họ giam giữ những phụ nữ thuộc tầng lớp tư sản. Nạn nhậu nhẹt, say xỉn tràn lan. Cocain được dùng rộng rãi trong các tầng lớp lãnh đạo của Cheka.” (48)
Cuối cùng là bản báo cáo của N. Rosental, thanh tra các lãnh đạo của các đơn vị đặc biệt, đề ngày 16 tháng 10 năm 1919:
“Atarbekov, chỉ huy các đơn vị đặc biệt của cánh quân 11 đang tự tung tự tác không theo mệnh lệnh của tổng hành dinh. Ngày 30 tháng 7 khi đồng chí [Andrei] Zakovsky, người được tổng hành dinh ở Maxcơva gửi đến để thanh tra các đơn vị đặc biệt, đến gặp [Georgy] Atarbekov, hắn đã nói thẳng:”Nói với Derzinsky rằng, tôi không chịu sự điều khiển của ông ta”. Những kẻ này không tôn trọng một chút gì các chính quyền địa phương, chúng có bộ dạng khả nghi nếu không muốn nói là trông như những tên tội phạm thứ thiệt. Ban hành động chẳng lưu giữ bất cứ văn bản hay giấy tờ gì. Đối với những án tử hình và việc thực thi án, tôi chẳng tìm thấy ý kiến hay xác nhận của cá nhân nào cả chỉ thấy các danh sách những người bị giết mà phần lớn là các danh sách không đầy đủ, và với những câu thế này “Bắn theo chỉ thị của đồng chí Atarbekov”. Đối với những sự kiện diễn ra trong tháng 3, cực kỳ khó có thể biết những ai đã bị bắn và vì sao... Những bữa nhậu nhẹt say xỉn, những cuộc truy hoan trác táng diễn ra hàng ngày. Tuyệt đại đa số Cheka ở đây là những con nghiện Cocain. Họ nói rằng Cocain giúp họ giữ vững tâm trí khi phải đối mặt với những cảnh máu me diễn ra hàng ngày. Say sưa với máu và bạo lực, những người Cheka ở đây đang làm nhiệm vụ của mình, nhưng lại tạo ra những phần tử không thể kiểm soát nổi cần phải được canh trừng cẩn thận” (49)
Những báo cáo nội bộ trond Đảng và Cheka kiểu trên giúp khẳng định thêm tính chính xác của vô vàn những tài liệu do những kẻ thù của những người Bolsevik đã cóp nhặt và lưu trữ từ năm 1919 đến năm 1920, trong đó đặc biệt phải kể đến những tàng thư tài liệu của “Uỷ ban đặc biệt về điều tra những tội ác của những người Bolsevik” do tướng bạch vệ Denikin thành lập. Tàng thư tài liệu này sau khi bị chuyển từ Praha về Maxcơva vào năm 1945 đã bị đưa vào mục tuyệt mật không cho phép ai được đọc nhưng hiện nay đã mở cửa đón mọi người. Vào năm 1926, nhà sử học thuộc Đảng cách mạng xã hội Nga, Sergei Melgunov, trong cuốn “khủng bố đỏ ở nuớc Nga” của mình, đã cố gắng phân loại những vụ tàn sát tù nhân, con tin, dân thường do nhưng người Bolsevik thực hiện trên cơ sở đấu tranh giai cấp. Mặc dù còn chưa đầy đủ, những danh sách của những vụ việc thảm khốc nêu trong tác phẩm tiên phong đó hiện đã được khẳng định bởi vô số các tài liệu của tất cả các bên tham chiến. Do sự lộn xộn trong chính tổ chức Cheka mà vẫn có một khoảng cách thông tin liên quan đến số lượng chính xác các nạn nhân, mặc dù số vụ việc thì tài liệu của cả hai phía đều đã khẳng định. Sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau, chúng tôi xin liệt kê ra đây theo thứ tự phụ thuộc vào kích cỡ của các vụ thảm sát.
Những vụ tàn sát “những phần tử tình nghi”, “con tin” và “kẻ thù của nhân dân” đang bị giam giữ để phòng ngừa tại các trại giam và trại tập trung bắt đầu từ tháng 9 năm 1918, trong làn sóng đầu tiên của khủng bố đỏ. Một khi những “kẻ tình nghi”,”con tin” và “kẻ thù của nhân dân” đã được xác lập thì ngay lập tức cửa của những nhà giam, trại tạp chung rộng mở, những bộ máy đàn áp khổng lồ bắt đầu hoạt động. Sự xác định các nạn nhân của các cuộc thảm sát kiểu này thường diễn ra ngay sau khi những người Bolsevik chiếm được một làng mạc nào đó mà trước đó thuộc quyền kiểm soát của đối phương trong một cuộc nội chiến mà quyền kiểm soát các làng mạc diễn ra hàng tuần hàng tháng.
Sự áp đặt “nền chuyên chính vô sản” lên các thành phố mới được đánh chiếm trở lại luôn diễn ra với trình tự giống nhau: giải tán các chính quyền hay hội đồng do dân bầu ra, cấm tất cả các hoạt động thương mại - đồng nghĩa với việc dẫn đến thiếu hụt và tăng cao giá lương thực – quốc hữu hoá tất cả các nhà xưởng, và đánh thuế thật nặng vào các tầng lớp tư sản – ví dụ như 600 triệu rúp ở Kharkiv vào tháng 2 năm 1919, và 500 triệu rúp ở Odessa vào tháng 4 năm 1919. Để đảm bảo những khoản thuế khổng lồ này được trả đến từng xu, hàng trăm nàh tư sản bị bắt và giam trong trại tập trung làm con tin. Về mặt bản chất nó là hành động cướp bóc, tước đoạt, hăm doạ được hiến pháp hoá, là bước mở đầu để “tiêu diệt hoàn toàn giai cấp tư sản”.
Tờ Izvestiya của đoàn đại diện của “hội đồng công nhân” Odessa ra ngày 13 tháng 5 năm 1919 viết:”Theo nghị quyết của Soviet của công nhân, ngày 13 tháng năm là ngày tiến hành tước đoạt toàn bộ tài sản của bọn tư sản. Những kẻ hữu sản sẽ phải điền vào những form khai báo về những gì mà chúng đang sở hữu như lượng thực phẩm, giầy dép, quần áo, nữ trang, xe cộ, giường tủ, thảm, đồ bạc, dao kéo, và tất cả những thứ có thể dùng để phân phát lại cho nhân dân lao động....Nhiệm vụ của tất cả mọi người là phải tham gia giúp sức cho hội đồng trưng thu thực hiện công việc cao cả này. Những ai không trọ giúp sẽ bị bắt ngay lập tức. Những ai chống lại sẽ bị xử tử tức thì.”
Latsis, trùm Cheka ở Ukraina, trong một thông báo về Cheka địa phương đã thú nhận, phần lớn những gì tước đoạt được từ “giai cấp tư sản” đều chảy vào túi của Cheka hoặc các đội trưởng các đội trưng thu hay đội Hồng vệ binh.
Giai đoạn thứ hai của cuộc tước đoạt này là tịch thu nhà cửa của tư sản. Trong “cuộc đấu tranh giai cấp” này, làm nhục kẻ thù là một yếu tố quan trọng. Tờ báo nói trên ở Odessa ra ngày 26 tháng 4 năm 1919 viết:”Chúng ta phải đối xử với chúng theo cái cách mà chúng xứng đáng được hưởng đó là sự trừng phạt và cái chết. Nếu chúng ta hành hình vài trục tên khát máu ngu dốt này, nếu chúng ta buộc chúng phải đi quét đường phố, buộc vợ và con gái chúng phải đi quét dọn các doanh trại của Hồng quân (mà như thế đã là vinh dự cho chúng lắm rồi), chúng sẽ hiểu được rằng ở đây chỉ có quyền lực của chúng ta, chẳng có ai cả cho dù có là bọn Anh quy tộc hay bọn Hốt ten tô (những người Hốt ten tô là bộ lạc lạc hậu ở nam phi, ở đây ý muốn nói chẳng ai cứu được những người tư sản Nga – ND) cũng chẳng thế đến mà cứu chúng cho được” (50)
Một chủ đề thường thấy trên các tờ báo Bolsevik từ Odessa đến Kyiv, Kharkiv, Ekaterinoslav, cũng như ở Pem, Ural, và Nizhni Novgorod, là thực hiện việc sỉ nhục những phụ nữ thuộc tầng lớp tư sản, những người bị buộc phải đi vệ sinh cọ rửa toilet trong các doanh trại của Hồng quân hay Cheka. Nhưng đó chỉ là cách nói che đậy cho một sự thực bên trong đó là những cuộc hiếp dâm tàn bạo và quy mô, mà nhiều nguồn tài liệu đã cho thấy tỷ lệ những người này bị hiếp dâm là rất cao đặc biệt là trong cuộc tái chiếm Ukraina lần thứ hai và ở các vùng người Kossac ở Crimea vào năm 1920.
Đỉnh cao tất yếu của “công cuộc tiêu diệt giai cấp tư sản” này là những cuộc hành quyết tù nhân, con tin, những người bị tình nghi, những người bị giam giữ chỉ đơn giản là vì họ thuộc vào “những giai cấp đang được xủ lý”. Những con số vụ việc như bậy được ghi lại nhiều vô vàn trong các thành phố mà những người Bolsevik giành được quyền kiểm soát. ở Kharkiv có từ 2000 đến 3000 người bị hành quyết trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1919, khoảng 1000 đến 2000 nữa trong tháng 12 khi những người Bolsevik tái chiếm thành phố; ở Rostov-on-Don khoảng 1000 nạn nhân chỉ riêng trong tháng giêng năm 1920; ở Odessa là 2200 vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1919, và sau đó là từ 1500 đến 3000 trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 1920 đến tháng 2 năm 1921; ở Kyiv chỉ riêng trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1919 đã có ít nhất 3000 nạn nhân; ở Ekaterinodar con số là khoảng 3000 trong khoảng thời gian giữa tháng 8 năm 1920 và tháng 2 năm 1921; ở Armavir, một thành phố nhỏ ở Kuban, con số là khoảng từ 2000 đến 3000 trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1920; danh sách này còn kéo dài mãi.
Thật ra còn có nhiều những vụ tàn sát kiểu này ở những nơi khác những không được điều tra và thông kê ngay sau khi nó xảy ra. Do đó những gì xảy ra ở Ukraina và miền nam nước Nga được biết rõ hơn so với những chuyện tương tự diễn ra ở những vùng khác như Capcadơ, Trung á, Ural. Tốc độ hành quyết thường được đẩy lên rất cao khi những kẻ thù của những người Bolsevik đang tiến lại gần, hay khi những người Bolsevik bỏ những vùng đất đai đang chiếm đóng và muốn “dọn sạch” các nhà tù. Ví dụ ở Kharkiv, trong những ngày ngay trước khi quân bạch vệ tiến đến, hàng trăm con tin đã bị hành hình. Tại Kyiv, hơn 1800 người bị hành quyết chỉ trong một tuần từ ngày 22 đến ngày 28 tháng 8, ngay trước khi quân bạch vệ đánh chiếm thành phố vào ngày 30. Tương tự như vậy ở Ekaterinodar, khi phải đối mặt với quân Cossac đang tiến đến, Artarbekov chỉ huy Cheka tại đó đã ra lệnh hành quyết 1600 “tên tư sản” chỉ trong 3 ngày từ 17 đến 19 tháng 8, trong một thành phố nhỏ mà dân số tổng cộng chỉ có khoảng 30000 dân cư (51).
Rất nhiều các tài liệu của các hội đồng điều tra của quân bạch vệ, những người thường có mặt tại những địa điểm xảy ra các cuộc thảm sát vài ngày thậm chí vài giờ sau khi chúng xảy ra, lưu giữ vô số những bản khai, lời chứng, khám nghiệm tử thu, ảnh của những cuộc thảm sát đó và thông tin cá nhân của các nạn nhân. Đối với những người bị hành quyết tại phút trót trước khi những người Bolsevik thoái lui thì thường có ít vết tích của sự tra tấn mà đơn giản thường là một viên đạn găm ở gáy. Nhưng đối với những thi thể nạn nhân được đào lên từ các mộ chôn tập thể thì sự tình lại không như thế. Những bản khám nghiệm tử thi, những bằng chứng cụ thể và lời khai của các nhân chứng cho thấy có vô vàn các loại tra tấn cực kỳ dã man đối với những nạn nhân này. Chi tiết về những kiểu tra tấn này được ghi nhận lại trong cuốn “khủng bố đỏ ở nước Nga” của Sergei Melgunov lẫn bản báo cáo lên trung ương đảng cách mạng xã hội mang tên “Cheka” in tại Berlin năm 1922 (52).
Tại Crimea, nơi những đơn vị cuối cùng của quân bạch vệ dưới quyền chỉ huy của tướng Wrangel và dân thường tìm cách chốn chạy trước đà tiến của quân Bolsevik, những cuộc thảm sát diễn ra với quy mô lớn nhất. Từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12 năm 1920, hơn 50 000 người đã bị bắn hoặc treo cổ (53). Một lượng lớn những vụ hành quyết diễn ra sau khi quân bạch vệ của Wrangel chốn thoát. Tại Sevastopol, hàng trăm công nhân kéo tầu đã bị bắn vào ngày 26 tháng 11 vì tội “đã giúp bọn bạch vệ tẩu thoát”. Ngày 28 và 30 tháng 11 tờ Izvestyia của hội đồng cách mạng Sevastopol in hai danh sách các nạn nhân; danh sách thứ nhất có 1634 cái tên và danh sách thứ hai có 1202. Khi làn sóng thảm sát thứ nhất đã dịu đi, nàh cầm quyền Bolsevik lại cố gắng đưa ra danh sách đầy đủ của hàng ngàn, hàng chục ngàn những “tên tư sản” mà họ tin rằng đang lẩn chốn ở Crimea. Ngày 6 tháng 12, Lenin phát biểu trước một hội đồng tại Matxcơva rằng có 300000 tên tư sản đang chốn ở Crimea. Ông phán rằng trong tương lai gần những “phần tử” này sẽ trở thành “những tên gián điệp sẵn lòng bảo vệ chủ nghĩa tư bản” và rằng chúng cần phải bị “trừng trị”.
Hàng rào quân sự khép kín eo đất Perekop nơi có thể chạy thoát duy nhất trong đất liền được tăng cường; Và khi cái bẫy đã được đặt ra tất cả cư dân đều bik buộc phải trình diện Cheka và phải điền vào bản khai với 50 câu hỏi liên quan đến nguồn gốc xuất thân, những hoạt động trong quá khứ của bản thân, thu nhập, và một số thứ khác, đặc biệt là họ đã ở đâu vào tháng 11 năm 1920 ý kiến của họ về Balan, Wrangel, về những người Bolsevik. Dựa vào những bản khai này họ bị chia làm ba nhóm: Nhóm bị bắn, nhóm bị tống vào trại tập trung, và nhóm không bị sao. Những lời khai, lời chứng của những người chạy thoát đăng trên những tờ báo của những người di cư miêu ta Sevastopol, thành phố chịu sự đàn áp nặng nề nhất là “thành phố của những người bị treo cổ”. “Tại Nakhimovsky, ai ai cũng thấy nhan nhản khắp nơi những thi thể bị treo cổ của sĩ quan, binh lính, dân thường bị bắt trên đường phố. Thành phố tràn ngập chết chóc, những người còn sống sót đang ngoi ngóp lẩn chốn trong những gác xép, những tầng hầm. Tất cả các bức tường, những cánh cửa của các cửa hiệu, những trạm điện tín đều dán đầy những khẩu hiệu “Giết hết bọn phản quốc”. Họ đang treo cổ người để mua vui.” (53)
Cuộc đụng đầu cuối cùng trong cuộc xung đột quân sự giữa hai bên trắng và đỏ (ở Crimea cuối năm 1920 đầu năm 1921 – ND) không phải là chương cuối của khủng bố trong cuộc nội chiến. Mặt trân quân sự trong cuộc nội chiến không còn tồn tại nữa (do quân Bạch vệ đã bị tiêu diệt hoàn toàn – ND), những cuộc chiến của những người Bolsevik nhằm tiêu diệt những “kẻ thù” của họ còn kéo dài thêm hai năm nữa.
_____________________________
Danh mục tài liệu tham khảo của chương 4 1. L.G. Gorelik, ed., Goneniya anarkhism v Sovietskoi Rossii (Sự khủng bố đối với những người theo phái vô chính phủ ở nước Nga sô viết) (Berlin 1922) trang 27-63.
2. Izvestiya, 18 tháng 3 năm 1919; L.D. Gerson, Lực lượng cảnh sát mật trong nước Nga của Lenin (Philadelphia: Tample University Press, 1976) trang 151-152; G. Leggett, Cheka: lực lượng cảnh sát chính trị của Lenin (New York: Oxford University Press, 1981) trang 311-316.
3. V.I. Brovkin, Đằng sau chiến tuyến của cuộc nội chiến: các đảng phái chính trị và các phong trào xã hội ở nước Nga trong các năm 1918-1920 (Princeton: Princeton University Press, 1994) trang 54.
4. G.A. Belov, Iz istorii Vserossiiskoi Chrezvchainoi Komissii, 1917-1921: Sbornik documentov (Từ lịch sử các hội đồng đặc biệt toàn Nga: Tuyển tập tài liệu 1917-1921) (Moscow: Gos. izd-vo polit. lit-ry, 1958) trang 354; CRCEDHC 5/1/2615.
5. Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 252-257.
6. Tsirkulyarnoe pis’mo VChK (thông tin nội bộ Cheka) trang 267-268, Tàng thư B.I. Nikolaesky, Hoover Institution, Stanford, Calif.
7. RTsKhIDNI 17/84/43/2-4.
8. Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 69; RTsKhIDNI,17/84/43.
9. Leggett, Cheka..., trang 313; Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 71, Petrogradskaya pravda, 13 tháng 4 năm 1919, trang 3.
10. RTsKhIDNI,17/66/68/2-5; 17/6/351.
11. RTsKhIDNI, 17/6/197/105; 17/66/68.
12. RTsKhIDNI, 17/6/351; Izvestyia TsKa RKP (b) (Tin tức từ ban chấp hành trưng ương đảng cộng sản Nga), số 3 (4 tháng 7 năm 1919); RTsKhIDNI, 2/1/24095; GARF 130/3/363.
13. Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 82-85; S.P. Melgunov, Khủng bố đỏ ở nước Nga (London: Dent 1925), trang 58-60; P. Silin, “Astrakhanskie rasstrely” (Những vụ xử bắn ở Astrakhan), trong Cheka: Materialy po deyatelnosti Chrezvichainoi Komissii (Cheka: Tư liệu về các hoạt động của các hội đồng đặc biệt) ed. V. Chernov (Berlin: Izd. TSentr. biuro Partii sotsialistov-revoliutsionerov, 1922) trang 248-255.
14. RTsKhIDNI, 2/1/1957.
15. Những bài viết của Trotsky, 1917-1922, ed. Jan M. Meijer (The Hague: Mounton. 1964-1971), 2:22.
16. Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 297.
17. Những bài viết của Trotsky, 2:20.
18. Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 297 ff.
19. Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 292-296.
20. Andrea Graziosi, Cuộc chiến nông dân Soviêt vĩ đại: Những người Bolsevik và nông dân, 1917-1933 (Cambridge, Mass: Harvard University, Ukrainian Research Institute, 1996).
21. S.A. Pavlyuchenkov, Krestyanskii Brest (Hiệp ước Brest của những người nông dân) (Moscow: Russkoe knigoizd. tov., 1996) trang 188-240.
22. Orlando Figes, “Hồng quân và sự huy động quần chúng trong cuộc nội chiến ở nước Nga 1918-1920”, Past and Present, no. 129 (11/1990), trang 199-200.
23. Dekrety soviétkoi vlasti (Các sắc lệnh của chính quyền Soviết) (Moscow: Gos, izd-vo polit. lit-ry, 1957-), 4: 167.
24. Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 318.
25. Tàng thư quân đội quốc gia Nga, Moscow, 33987/3/32.
26. Tập hợp của những bản báo cáo này được tổng hợp bởi một nhóm các nhà sử học Nga, Pháp, Italia đứng đầu là V.P. Danilov, sẽ được in ở Nga cuối năm 1997.
27. M.S. Frenkin, Tragedia krestyanskikh vosstaniy v Rossii, 1918-1921 (Bi kịch của những cuộc nổi dậy của nông dân ở nước Nga, năm 1918-1921) (Jerusalem: Lesikon, 1987); Orlando Figes, Nông dân nước Nga, cuộc nội chiến: Vùng nông thôn Volga trong cuộc cách mạng (New York: Oxford University Press, 1989); Brovkin, Đằng sau chiến tuyến...
28. Taros Hunczak,ed., Nghiên cứu về cuộc cách mạng ở Ukraina 1917-1921, (Cambridge, Mass.: Harvard Ukrainian Research Institute and Harvard University Press, 1977).
29. Volin (V.M. Eikhenbaum), Những cuộc cách mạng không đuợc biết đến, 1917-1921 dịch bởi Holley Cantine (New York Free Leaf Editions, 1974) trang 509-626; Alexandre Skirda, Les Cossaques de la Liberté (Paris: J.C. Lattes, 1985); Richard Pipes, Nước Nga dưới chế độ Bolsevik, 1919-1924 (London: HarperCollins, 1994), trang 106-108.
30. Pipes, Nước Nga dưới chế độ Bolsevik, trang 105-131.
31. Figes, Nông dân nước Nga, cuộc nội chiến..., trang 333 ff.; Brovkin, đằng sau chiến tuyến..., trang 323-325.
32. RTsKhIDNI, 76/3/109.
33. V.L. Genis, “Raskazachivanie v Sovietskoi Rossii” (Diệt Cossack ở nước Nga soviết), Voprosy istorii (những vấn đề lịch sử), no. 1 (1994), trang 42-55.
34. Izvestiya TsKPSS, no.6 (1989), 177-178.
35. RTsKhIDNI, 5/2/106/7.
36. Genis, “Raskazachivanie v Sovietskoi Rossii”, trang 42-55.
37. RTsKhIDNI, 17/6/83.
38. Genis, “Raskazachivanie v Sovietskoi Rossii”, trang 50; RTsKhIDNI, 17/84/75.
39. Melgunov, Khủng bố đỏ ở nước Nga, trang 77; Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 346.
40. RTsKhIDNI, 17/84/75/28.
41. RTsKhIDNI, 17/84/75/59.
42. Trích trực tiếp từ Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 353.
43. RTsKhIDNI, 85/11/131/11.
44. RTsKhIDNI, 85/11/123/15.
45. Krasnyi mech (Thanh gươm đỏ), no. 1(18 tháng 8 năm 1919), trang 1.
46. RTsKhIDNI, 5/1/2159/35-38.
47. RTsKhIDNI, 76/3/70/20.
48. RTsKhIDNI, 17/6/384/62.
49. RTsKhIDNI, 17/66/66.
50. Izvestriya Odesskogo Sovieta rabochikh deputatov, no. 36, p. 1, trích lại trong Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang121.
51. Melgunov, Khủng bố đỏ ở nước Nga, trang 61-77; Leggett, The Cheka, trang 199-200; Brovkin, Đằng sau chiến tuyến..., trang 122-125; GARF, Hồ sơ của uỷ ban Denikin, nos. 134 (kharkiv), 157 (Odessa), 194, 195 (Kyiv).
52. Chernov, Cheka: tư liệu...
53. Các con số ước định lấy từ Melgunov, Khủng bố đỏ ở nước Nga, trang 77; và các nguồn của đảng cách mạng xã hội ở Kharkiv trong tháng 5 năm 1921.
54. V.I. Lenin, Polnoe sobranie sochinenii (Lênin: Toàn tập) (Moscow: Gos, izd-vo polit. lit-ry, 1958-1966), 42:74.
55. Melgunov, Khủng bố đỏ ở nước Nga, trang 81.