Gửi đăng bài mới
Nguyên Bình 30.05.2008 09:23:01 (permalink)
Cánh chim
(Tác phẩm đạt giải B  Cuộc thi sáng tác đề tài "Trẻ em có hoàn cảnh
đặc biệt" toàn quốc năm 2006 do Cục văn hoá - Thông tin cơ sở, Bộ văn
hoá - Thông tin tổ chức)




Mua Mí Sùng đứng một mình nơi sườn núi đá tai mèo lởm chởm sắc nhọn
như trăm ngàn mũi chông lao lên trời. Gió thổi từng cơn dữ dội quất
vào mặt đau rát. Mây đen sà xuống như muốn úp cái chảo cháy đen lên
đầu...
Nó không hiểu tại sao lại có mặt tại nơi này, mấy hôm trước nó đã đến
đây, phải mất đúng nửa ngày leo mỏi gối qua bao dốc đá dựng đứng và
khe núi nhỏ hẹp.
Trong thung sâu sương đang dềnh lên từ dòng suối phía xa, các khe núi
nhanh chóng bị sương lấp đầy, ánh mắt của nó chỉ còn nhìn được khoảng
hẹp gần chỗ đứng. Sương vẫn đang đùn lên, và nó thấy sợ, nó sẽ không
còn tìm được đường về nhà, nó sẽ lạc, nó sẽ bị sương nuốt vào cái bụng
khổng lồ chứa được cả trăm ngàn ngọn núi, trong đó có những con thú
đói, con ma khát đi tìm mồi, Mí Sùng sẽ bị bị nó cắn xé ra hàng trăm
mảnh... Càng nghĩ nỗi sợ càng tăng lên, Mí Sùng mở thật to đôi mắt vốn
đã trố nhìn thật kỹ xung quanh. Sương đã bao phủ trắng xoá khắp mọi
nơi, chỉ còn duy nhất một khoảng núi nhỏ phía sau Mí Sùng là còn nhìn
được cây cỏ. Nó lùi lại lên chỗ cao hơn và nhận ra ngay dưới chân có
hai cái mộ nằm cạnh nhau. Nó nhìn kỹ và nhận ra đó là mộ cha mẹ nó, mộ
cha được xếp bảy bậc đá, mộ mẹ được xếp chín bậc đá. Ngôi mộ vừa mới
đắp, màu đất đá đào ra vẫn còn tươi, cỏ cây xung quanh chưa bò đến. Nó
ngồi xuống tìm sự chở che như hàng ngày nó sà vào lòng mẹ cha mỗi khi
sợ hãi điều gì. Gió vẫn ào tới, sương vẫn đang vi vút bay, sự lạnh lẽo
vẫn ngập tràn khắp nơi...
Mẹ nó đã bỏ bố con nó ra đi sau hơn ba tháng nằm liệt trên giường. Cha
nó cũng đột ngột ra đi sau đó hai tháng. Ngày tang mẹ nó gục mặt vào
vai bố mà khóc. Ngày tang bố nó tựa người vào tảng đá đầu nhà lạnh


buốt đến tận tim. Ai sẽ trả lời cho nó biết tại sao bố nó lại không
dậy được nữa, không cầm tay nó dắt đi chơi được nữa. Nó đã từng hỏi bố
như thế về mẹ. Bố ôm nó vào lòng vỗ về: "Mẹ con đang ngủ!" Nó hỏi
tiếp: "Mẹ ngủ sao không để nằm trên giường mà lại cho mẹ nằm trong hộp
gỗ!" Bố vỗ vào lưng nó không nói gì. Nay bố lại ngủ như mẹ, nó không
biết hỏi ai, nước mắt chảy ra rồi vón lại, những gì nhìn thấy làm nó
chưa hết bàng hoàng. Lời thầy cúng làm nó như thấy chính nỗi lòng của
mình: "Cha chết nằm trong săng gan con cắt từng khúc. Cha chết nằm
trong ván ruột con đứt từng đoạn..."
Mặt trời đã đi gần hết một ngày, bóng tối đang thập thò nơi khe núi,
tự dưng nó thấy đói và hình như từ sáng tới giờ nó chưa được ăn gì.
Mọi người vẫn cứ tất bật đi qua đi lại trước mặt nó, lấy cơm ăn trước
mặt nó mà không ai nhìn đến nó, hỏi han nó một lời.
Rồi cũng có một người đến bên nó, ông ta đi cà nhắc, trên tay cầm một
bát mèn mén, trong bát có một ít rau và hai miếng thịt mỡ. Ông đưa cho
nó cùng lời hỏi:
- Cháu có đói không, ăn tạm rồi bác lấy nữa nhé!
Nó vồ lấy bát mèn mén múc từng muỗng thật to nhét đầy vào mồm nhai
ngấu nghiến. Mèn mén bứ đầy trong cổ, nuốt mãi không được, nó ho rũ ra
một chặp. Người đàn ông vỗ vào lưng nó nhè nhẹ rồi vội đi lấy nước. Nó
uống hết nửa gáo bầu nước mới thấy đỡ.
- Cháu ăn từ từ thôi!
Lúc sau ông ta nói:
- Bác ra ngoài kia một lát rồi quay lại.
Nó gật đầu nhè nhẹ.
Người đàn ông vừa mang mèn mén cho nó là Mua Dũng Thào, người họ hàng
xa với gia đình nó. Bác Thào mồ côi mẹ từ lúc năm tuổi, mồ côi cha lúc
sáu tuổi, nó bây giờ vẫn còn lớn hơn bác lúc ấy một tuổi. Bác không
được đi học và phải đi chăn trâu, chăn bò thuê cho người ta để có cái
ăn qua ngày.
Cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước bác tham gia quân ngũ, hậu
chiến tranh biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bác được điều về Đại đội


rà phá bom mìn khu vực Lũng Cú. Bãi mìn đã được rà phá gần hết, quả
K58 cuối cùng đã phát nổ trước khi dây kíp được lấy ra, bác đã vội nằm
đè lên nó để tránh thương vong cho đồng đội. Ai cũng nghĩ bác sẽ ra đi
nhưng bác không chết dễ như thế, bác chỉ bị thương và mất tám mươi mốt
phần trăm sức khoẻ. Sau thời gian dài điều trị bác xin về địa phương
tham gia sản xuất để đỡ gánh nặng cho Nhà nước.
Bác lấy vợ, cuộc sống nhọc nhằn đói khổ, nỗi đau nhức xương long khớp
thỉnh thoảng lại tìm về. Bác chắt chiu vay mượn mua được cái xe máy
đưa đón bà con đi chợ, đi huyện. Đường núi quanh co đèo dốc, đất đá
lởm chởm trơn trượt, với người bình thường đi được xe đã là một điều
khó, đằng này bác lại là thương binh. Thế mà bác vẫn dẻo tay lái chưa
hề để xảy ra một tai nạn nào dù là nhỏ nhất. Bác mua bò về chăn, mua
lợn về nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật và giống mới vào sản xuất,...
cuộc sống gia đình đã dần được cải thiện và khá lên. Hai người con của
bác đều được đi học và học rất giỏi, anh Mua Mí Mua bốn năm liền được
nhận học bổng Vừ A Dính...
- Bác lấy nữa cho cháu nhé!
Nó ăn gần hết bát mèn mén thì bác Thào quay lại.
- Cháu ăn không được nữa đâu.
Nó cười và nói với bác.
Mấy ngày tiếp sau đó bác Thào là người duy nhất gần gũi chăm lo cho nó
như một người cha.
Sau đám tang bác đón nó về nhà ở cùng.

*
Con chim chào mào thằng Chơ tặng nó không hiểu sao chui khỏi lồng bay
qua trước mặt nó. Con chim còn chưa mọc đủ lông đuôi, cứ bay được một
đoạn lại rơi xuống đất.
Nó đã nuôi con chim từ lúc chưa mọc cái lông nào đến bây giờ, những
ngày đầu phải bón cho nó từng miếng chuối nhỏ, rồi những cái lông tơ,
lông ống trồi ra từ lớp da hồng đỏ, rồi con chim tự mổ được để ăn.
Con chim nhảy ra khoảng sân trước cửa nhà, lò cò rồi nhặt được một quả
ớt màu đỏ nhỏ xíu nằm dưới đất. Ngay phía gốc cây đào con mèo đang
trườn mình thật nhẹ chuẩn bị vồ con chim. Sùng vội lao ra đuổi con mèo


và bắt con chim cho vào trong lồng. Sùng chưa kịp lên tiếng thì con
mèo đã tung ra một cú nhảy tuyệt đẹp về phía con chim, con chim đã
tránh được làm móng vuốt con mèo cào thành vết trên mặt đất. Con chim
cất cánh bay lên hè, con mèo đuổi lên hè. Con chim cất cánh bay lên
sườn núi, con mèo đuổi lên sườn núi. Con chim bay về trái nhà, con mèo
đuổi tới trái nhà. Đến cái khung dệt vải thì con mèo vồ được con chim
và tha đi. Sùng vừa gào vừa khóc vừa đuổi đánh con mèo. Sùng cố gào
thật to, nhưng càng cố thì âm thanh càng nhỏ và rè gần giống với con
ve đã khô hết phần bụng cất lên những tiếng cuối cùng trước khi bị gió
cuốn đi. Sùng đã vớ được một cành que trên đường đuổi và ném về phía
con mèo, Sùng nhặt tiếp hòn đá ném về phía con mèo, Sùng túm cả nắm lá
cây ném về phía con mèo,... ấy vậy mà nó vẫn không hề nhả con chim ra
và tiếp tục chạy lên núi.
- Sao vậy, cháu?... Có chuyện gì vậy, cháu?...
Sùng tỉnh dậy sau cái vỗ mạnh vào người của bác Thào. Vừa mở mắt nó
vội lao ra cửa nơi treo con chim chào mào. Con chim vẫn ở trong lồng,
thấy Sùng đến bên nó kêu lêu những tiếng lích chích mừng vui. Sùng lấy
một quả chuối mới bỏ vào trong lồng thay cho quả chuối cũ. Sùng nhìn
ra trước cửa, khoảng sân đã chan đầy nắng. Sau một phút ngỡ ngàng Sùng
nhận ra là đang ở nhà bác Thào chứ không phải nhà nó.


       Nguyên Bình
Toà án nhân dân huyện Đồng Văn
Tỉnh Hà Giang
ĐT: 0219 856 120 - 0975727506









Cây bút chì màu đỏ
(Tác phẩm đạt giải nhì  Cuộc thi sáng tác, thơ, truyện ngắn, ca khúc,
ảnh nghệ thuật cho trẻ em Hà Giang lần thứ tư 2003 - 2005)




Những tia nắng sớm thật đẹp, vàng óng và sáng láng.
Sau cơn mưa bầu trời xanh thăm thẳm, cây rừng vừa được tắm gội sạch
sẽ, một màu xanh trải dài trên khắp sườn núi và thung lũng.


Gió. Chị gió dịu dàng, yểu điệu, đa tình. Chị cù vào nách lá, chị cù
vào cây rừng, tiếng cười rộ lên từng chặp. Chị thơm vào má Mí Dình rồi
chị vội chạy đi làm đám cây bụi gần đó rạp xuống. Con đường đến trường
hôm nay có vài vũng nước nhỏ trên bề mặt, những hạt bụi của hôm trước
đã bị ai quét đi trơ ra tầng đá sít màu nâu. Mí Dình vừa đi vừa nghe
chim rừng hót líu lo. Trên tay cậu có cây bút chì màu đỏ, cái màu dễ
nhận thấy khi ở dưới nắng. Bàn tay cậu nắm thật chặt, từng ngón tay
giữ lấy khoảng giữa của cây bút chì.
Đi qua rừng cây, tiếng chim hót nghe xa hơn và cậu hình như vừa sực
nhớ ra điều gì vội giơ bàn tay lên nhìn. Cây bút chì vẫn còn nơi đó và
nó lung linh thật đẹp. Đẹp đến độ cậu không muốn cất trong cặp mà cầm
trên tay để thỉnh thoảng đưa lên ngắm. Cậu quý nó lắm, cậu thích nó
lắm, cây bút chì của cậu. Lần đầu tiên cậu có cây bút chì đẹp đến thế.
Bố tặng cậu tối hôm qua, bố đi mấy ngày mua tận chợ xa về. Lần đầu
tiên cậu được cầm cây bút chì, bố hướng dẫn cậu cách gọt, bố lấy miếng
nhựa có hình con công, có một cái lỗ và có một con dao nhỏ gắn ở đó.
Bố bảo cho bút chì vào đó và xoay đều tay đến khi chì dài ra là được.
Bố gọt cho Mí Dình nhìn, từng lớp gỗ mỏng cuộn lên từ lưỡi dao, ruột
chì đồng thời lộ dần ra. Bố đưa cho Mí Dình, bố mói:
- Con gọt thử bố xem nào.
Mí Dình cầm lấy cái gọt và cây bút chì bố trao. Mí Dình làm giống hệt
như bố, từng lát gỗ mỏng được lưỡi dao gọt đi hình cong cong trông
thật đẹp. Phần chì lộ ra dài hơn.
- Con thích phần chì ngắn hay dài? - Bố hỏi.
Mí Dình dừng lại và thử cầm cây bút như lúc viết.
- Thế này là được rồi bố ạ!

*
Cô giáo dặn từ tuần trước, hôm nay có tiết ngoại khoá, các bạn về bảo
bố mẹ mua bút chì.
Tối hôm qua Mí Dình cố tình để cây bút chì gần cái cặp sách, lại sợ
sáng mai vội đi chỉ lấy cái cặp mà quên bút chì nên Mí Dình đã lấy cái
dây treo bút chì lên trên cái cặp, chỗ dễ nhìn thấy nhất để khi lấy


cái cặp không thể quên cây bút chì. Sáng dậy vừa rời khỏi giường Mí
Dình đã đến nơi có cây bút chì xem nó còn ở đó không.
Sau khi mặc quần áo mới chuẩn bị đi học Mí Dình đã cố tình không cất
cây bút chì vào cặp mà cầm ở trên tay.
Đêm hôm qua trời đổ cơn mưa. Buổi sáng xanh trong, ánh nắng vừa lên đã
chói chang óng ả.
Mí Dình đã nhìn thấy ngôi trường, trước sân có một lá cờ màu đỏ, nằm
chênh vênh trên sườn núi. Từ chỗ này nhìn thấy ngôi trường khá rõ
nhưng đến nơi phải qua một đoạn đường khá dài. Bắt đầu là xuống dốc,
con đường nhỏ như sợi chỉ xen giữa đám cây bụi rậm rạp. Qua dòng suối
cạn, mùa khô không có lấy một giọt nước, đất đá trơ ra trắng xoá, rồi
lại lên dốc. Con đường lên cũng bé không kém con đường xuống, có những
đoạn phải lách người mới qua được khe hai hòn đá nằm cạnh nhau.
Ngôi trường Mí Dình học vừa mới được xây dựng lại, công sức của cả xóm
góp lại, mái ngói âm dương, vách thưng bằng gỗ, dài gấp bốn lần nhà
trưởng xóm. Phía trước có khoảng sân nhỏ, các bạn bầy trò chơi ra tận
đường đi.
Ngôi trường cũ trình tường và có đúng một phòng, hai lớp phải tráo đầu
đuôi để học. Người học lớp một nghe được nghe giảng bài về lớp bốn;
người học lớp bốn ôn lại ài từ lớp một... Những hôm trời kém sáng hoặc
đổ mưa thì không nhìn thấy trên bảng cô giáo viết gì, ánh sáng không
đến được với cái chữ. Tường đất có mấy chỗ bị mối ăn vỡ ra từng mảng
lớn, có chỗ bị mưa mòn đi thành rãnh, phía trên mái gianh lỗ chỗ
thủng. Hôm nào trời nắng ánh sáng loang lỗ trong lớp học, hôm nào trời
mưa trong lớp lõng bõng nước.
Mí Dình đã đến trường, các bạn đang vui đùa ở sân rất đông. Mí Dình đi
thẳng vào lớp của mình, cùng lúc đó cô giáo và các bạn cùng ùa vào
lớp.
- Hôm nay chúng ta có giờ ngoại khoá.
Cô giáo nói và phát cho mỗi bạn một quyển vở mỏng.
- Có bạn nào chưa có quyển vở này không?
Cô giáo giơ quyển vở lên cho cả lớp nhìn thấy.
- Không ạ! - Cả lớp đồng thanh.


- Nào, bây giờ chúng ta giở trang đầu tiên của quyển vở.
Mí Dình mở trang đầu tiên.
- Các em có thấy nhiều hình đẹp không?
- Có ạ! - Cả lớp đồng thanh.
- Các em hãy lấy bút chì ra, tô và vẽ lại các hình trong sách theo nét
mờ mờ sẵn có.
Mí Dình lấy cây bút chì của mình ra và tô lên đường chấm nhỏ in hình
con bướm. Mí Dình tô thật đậm để đường tô thật rõ ràng và đẹp. Lát sau
con bướm hiện lên trang giấy thật rõ nét, Mí Dình có cảm tưởng con
bướm đang muốn đập cánh bay đi. Tiếp đến là con gà trống có cái lông
đuôi khá dài. Mí Dình cũng tô thật chậm, thật rõ từng đường nét làm
hình con gà nổi bật hẳn lên. Mí Dình dừng tay bút khi nét vẽ cái chỏm
đuôi cuối cùng của con gà hoàn tất. Mí Dình ngẩng lên nhìn xem các bạn
vẽ như thế nào. Mọi người đều đang cặm cụi trên trang vở chỉ có duy
nhất Mí Lầu ở bên cạnh là ngồi yên, hai tay đặt lên bàn, quyển vở vẫn
chưa được mở ra.
- Sao cậu không vẽ đi? - Mí Dình hỏi bạn.
- Tớ không có bút chì. - Mí Lầu đáp.
- Sao không bảo bố mẹ mua cho?
- Tớ đã bảo rồi, bố tớ đi chợ chỉ mua được một gói muối, một ít dầu
thắp đã hết tiền, bố hẹn lần sau đi chợ sẽ mua bút chì cho tớ.
Mí Dình đưa cây bút chì của mình lên ngang ngực, xoè bàn tay nhìn lại
nó một lần nữa, rồi quyết định, hai tay cầm hai đầu bút bẻ quặt xuống,
cây bút chì màu đỏ bị gãy làm đôi. Mí Dình lấy trong cặp ra cái gọt
bút chì gọt nửa bên kia cho có đầu nhọn như nửa bên này. Mí Dình đưa
cho bạn nửa cái bút chì vừa mới gọt.
- Tớ tặng cậu một nửa, của tớ còn dài lắm, viết còn lâu mới hết.
Mí Lầu còn đang ngập ngừng nửa muốn nhận, nửa lại thôi.
- Cậu cầm lấy, khi nào tớ thiếu bút cậu lại tặng tớ một nửa cây chì
như thế này. Cậu vẽ đi xem có đẹp không!
Mí Lầu đưa tay ra nhận lấy nửa cây bút chì từ tay Mí Dình.
- Cậu vẽ đi! - Mí Dình giục.
Mí Lầu bắt đầu từng nét vẽ đầu tiên lên trang giấy, nó vẽ rất nhanh và đẹp.
Hai đứa cùng nhau vẽ, chả mấy mà trang đầu của cuốn vở những hình ảnh
đã được nét chì làm cho sống động hẳn lên.
Sau giờ ra chơi cô giáo chấm bài ngoại khoá, Mí Dình và Mí Lầu đều
được điểm mười.
Tan học, trên con đường mòn có đôi bạn đi bên nhau, mỗi người nắm
trong tay mình một nửa cây bút chì màu đỏ...


       Nguyên Bình
Toà án nhân dân huyện Đồng Văn
Tỉnh Hà Giang
ĐT: 0219 856 120 - 0975727506

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9