Thổ dân Ainu * Nhật Bản
HongYen 08.06.2008 20:40:28 (permalink)








06 Tháng 6 2008 - Cập nhật 13h55 GMT




Nhật Bản công nhận thổ dân Ainu
 






Phillippa Fogarty
BBC News
 



 







Người Ainu sống ở Hokkaido từ hàng trăm năm trước
Hồi thế kỷ 19, người Nhật Bản gọi tên hòn đảo Hokkaido ở phía bắc là Ezochi.
Tên đó dịch ra có nghĩa là Đất của người Ainu, một giống người da khá trắng, tóc dài, sống ở đó hàng trăm năm nay.
Họ sống bằng săn bắt và đánh cá, tin vào vạn vật.
Nhưng cuộc sống của họ ngày càng bị xâm phạm bởi các khu định cư của người Nhật và chính sách đồng hóa.
Hôm nay chỉ còn một số ít người Ainu sống sót, là một trong số các nhóm bên lề nhất trong xã hội Nhật Bản.
Lần đầu tiên quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật công nhận người Ainu là "thổ dân với ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa riêng".
Trong một xã hội mà định nghĩa về bản sắc luôn được xây dựng trên một cơ sở chủng tộc đồng nhất, đây là điều vô cùng đặc biệt.
Giám đốc hiệp hội người Ainu ở Hokkaido, Tadashi Kato, nhận xét: "Điều luật này có ý nghĩa rất lớn".
"Chính phủ Nhật Bản phải mất đến 140 năm để công nhận chúng tôi là thổ dân".
Cấm ngôn ngữ Ainu
Người ta không có giả thiết nào được chứng minh rõ ràng về nguồn gốc của người Ainu.
Chỉ có bằng chứng về việc họ sống hàng trăm năm nay ở Hokkaido cùng một số vùng viễn đông Nga như các hòn đảo đang tranh chấp ở Kurile và nam Sakhalin.
Họ thường ra khơi đánh cá, thờ các loại thần tự nhiên cùng thú vật, đặc biệt là thờ gấu.
Từ thế kỷ 15 các cộng đồng cư dân Nhật Bản bắt đầu chuyển tới sống ở Hokkaido và từng bước đẩy người Ainu lên phía bắc.








Người Ainu sống chủ yếu bằng nghề săn bắt và đánh cá
Họ cũng đem theo các loại dịch bệnh làm dân số của người Ainu giảm, và thời Minh Trị (1868) tiếp tục có thêm nhiều biện pháp bất lợi cho người Ainu.
Đất của họ bị đem chia cho nông dân Nhật, ngôn ngữ riêng bị cấm và trẻ em bị bắt vào học trường Nhật, phải lấy tên Nhật.
Đến năm 1899 chính phủ Nhật thông qua một đạo luật coi người Ainu là "cựu thổ dân", buộc họ phải đồng hóa.
Luật đó được sử dụng suốt một thế kỷ qua, các chính phủ theo nguyên tắc "không nhắc chuyện Ainu" và khẳng định Nhật Bản không hề có sắc dân thiểu số nào cả.
Văn hóa Ainu không được coi là thứ cần được bảo tồn và tổ chức lễ hội, cho nên nhiều người lớn lên mà không quan tâm tới nó, hoặc thấy ngượng về di sản văn hóa của mình.
Hiện vẫn còn vấn đề phân biệt đối xử ở trường học, ở nơi làm việc, và ngay cả trong hôn nhân, cho nên một số người Ainu không dám để lộ thân phận.
Hôm nay vẫn còn khoảng cách về tiêu chuẩn sống và trình độ giáo dục giữa người Ainu và những người Nhật khác.
Cử chỉ mang tính biểu tượng
Bắt đầu từ năm 1997 thì có sự chuyển đổi về nhận thức.
Phiên tòa ở quận Sapporo ra phán quyết cho rằng chính phủ đã sai trong khi lấy đất của người Ainu để xây đập, và không tôn trọng "văn hóa riêng biệt của người thiểu số Ainu".








Hoạt động văn hóa của người Ainu ngày càng tích cực hơn
Đây là lần đầu tiên có văn bản chính thức nhắc đến bản sắc riêng của người Ainu.
Sau đó bốn tháng, chính phủ thay luật năm 1899 bằng một luật cấp ngân sách để quảng bá văn hóa Ainu.
Những cố gắng cứu sống ngôn ngữ, các điệu múa lời ca truyền thống đã dần lớn mạnh, tạo ra một không khí tích cực về văn hóa Ainu.
Nhưng chính phủ vẫn chưa công nhận họ là thổ dân, chưa có biện pháp giúp đỡ thiết thực hơn dành cho họ.
Bây giờ mới là bước kế tiếp, dự luật của chính phủ sẽ chính thức công nhận thân phận của họ, cũng sẽ mở đường cho một ủy ban cố vấn về các vấn đề Ainu.
Teruki Tsunemoto, giám đốc trung tâm người Ainu và các nghiên cứu thổ dân của đại học Hokkaido nói dự luật của chính phủ sẽ đưa vấn đề này lên thành tầm quốc gia.
"Nó giúp chính phủ soạn thảo chính sách phù hợp cho người Ainu, cải thiện địa vị trong xã hội và khả năng kinh tế của họ".
Ông Tsunemoto tin rằng luật đó sẽ làm gia tăng lòng tự hào của người Ainu về sắc tộc của mình, về lâu về dài.
"Người ta cảm thấy bị phân biệt đối xử vì bị coi là người Ainu, cho nên trong quá khứ đó là điều xấu, nhưng nay luật mới có thể giúp người ta tự hào", ông nói.
Tuy vậy, chưa có gì rõ ràng về các lợi ích cụ thể.









Tiến sĩ Richard Siddle, tác giả quyển sách về người Ainu, cho rằng dự luật này quan trọng là mang tính biểu tượng hàng đầu.
"Việc công nhận họ không kèm theo bất kỳ trách nhiệm gì từ phía chính phủ", ông nói. "Cuộc sống của người Ainu hầu như không thay đổi gì sau ngày thông qua luật này. Đây là bước tiến về phía trước, nhưng không đến mức quá kinh khủng như có người khen ngợi".
Cần phải xét đến một số yếu tố xung quanh trong bối cảnh hiện nay.
Quốc tế đang quan tâm hơn đến quyền của người thiểu số, gây sức ép nhiều hơn lên các chính phủ.
Về quần đảo Kurile, cả Nhật Bản lẫn Nga đều tuyên bố chủ quyền nhưng cư dân nguyên thủy ở đây là người Ainu.
Vì vậy theo nhận định của tiến sĩ Siddle, chính phủ Nhật Bản có thể dùng lá bài 'người Ainu' làm thế mạnh trên bàn đàm phán.
Cũng cần phải xét đến yếu tớ thứ ba, là hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ tổ chức ở Hokkaido vào tháng Bảy tới đây.
Tiến sĩ Siddle giải thích: "Người Ainu muốn tham gia phiên thượng đỉnh và tổ chức lễ khai mạc, vì như vậy sẽ giúp họ nâng cao vị trí".
Bất kể vì lý do nào tác động, thì Nhật Bản cuối cùng cũng đã công nhận địa vị của họ.
Sau hơn một thế kỳ không hề tồn tại trong bất kỳ câu chuyện chính thức nào, sự kiện này chắc chắn là một ngày rất trọng đại cho người Ainu.
 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/06/080606_ainu.shtml
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9