(url) TÁC GIẢ VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG
Vương Trùng Dương Tiểu Sử
Tác giả: Vương Trùng Dương 1. Tiểu Sử Vương Trùng Dương
Ông sinh năm 1946, tên thật Trần Ngọc Dưỡng. Quê Quảng Nam - Đà Nẳng.
Ông viết văn dưới các bút hiệu: Vương Trùng Dương, Trần Lư Nguyễn Khanh, Hoàng Bích Yên, Vương Chân Nhân. . . và nhiều bút hiệu khác để viết phiếm luận.
Tổng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút Nam Cali. Trưởng Khối Báo Chí của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali. Hiện nay đảm nhận Trang Tiếng Việt Mến Yêu của BDDCTTVNNC trên nhật báo Người Việt tại quận Cam. Tổng Thư Ký tạp chí Thế Giới Nghệ Thuật. Biên tập trên nhiều tờ báo như Saigon Times - Trẻ Magazine - Mẹ Việt Nam - Dân Quyền...
2003-07-14 07:37:34
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.06.2008 03:55:14 bởi Viet duong nhan >
DANH NHÂN NƯỚC VIỆT
Vương Trùng Dương biên soạn Loạt bài viết về Danh Nhân Nước Việt cho trang Tiếng Việt Mên Yêu và trên trang web xuquang cách đây 5 năm để con em và giới trẻ hải ngoại biết thêm về tinh thần bất khuất của tiền nhân đã dũng cảm, bất khuất để bảo vệ nền tự chủ đất nước trước sự xâm lăng của các triều đại bên Tàu. Nay tìm lại được một số bài để đăng tải lại trên trang web của Cali Weekly, hình minh họa của ViVi – VTrD 2008 TRƯNG NỮ VƯƠNG (40-43)
Anh Thư Khởi Nghĩa Mở Ðường...
Vào đầu thế kỷ thứ I, nước ta còn bị lệ thuộc nhà Ðông Hán (25-220) bên Tàu, Thái thú Giao Chỉ là Tô Ðịnh vô cùng bạo ngược, làm lắm điều tàn ác, người người oán hận. Chính sách ngoại biên của nhà Hán với nhiều luật lệ ngặt nghèo, khắt khe đã khơi dậy ngọn lửa oán hờn trong lòng dân nước Việt. Trưng Trắc sinh năm Giáp Tuất (năm 14 sau Tây Lịch), quê ở Mê Linh (Yên Lãng, Phúc Yên nay thuộc vùng Hạ Lôi, Yên Lãng, Vĩnh Phú). Cha là Trưng Ðịnh, làm quan Lạc Tướng ở huyện Mê Linh. Mẹ là bà Man Thiên, tức Trần Thị Ðoan, dòng dõi Hùng Vương. Gia đình ông Ðặng Tập ở Chu Diên thuộc dòng dõi Lạc Tướng, con trai ông là Ðặng Thi Sách, khôi ngô, giỏi võ nghệ, có tinh thần yêu nước. Ðược tin ở Mê Linh có hai nữ lưu có ý chí kiên cường, dám chém đầu Tích Lâm khi buông lời khả ố, chọc ghẹo nên tìm đến kết thân. Thi Sách và Trưng Trắc cùng chung chí hướng, tài giỏi võ nghệ, tâm đầu ý hợp nên kết nghĩa phu thê.
Năm 39, Tô Ðịnh giết Thi Sách. Vừa giận thù nhà, vừa hận nợ nước, nên Trưng Trắc cùng với em là Trưng Nhị chiêu binh mãi mã phất cờ khởi nghĩa đánh quân nhà Hán. Sau khi làm lễ để tang chồng, Trưng Trắc thảo tờ hịch kể tội ác của quân nhà Hán và kêu gọi dân chúng đứng dậy chống giặc thù để phổ biến khắp nơi Dưới bóng cờ nương tử, nghĩa binh Mê Linh phá quận trị Giao Chỉ của nhà Hán, ngày càng có thêm nhiều đoàn quân từ các nơi đổ về dưới bóng cờ khởi nghĩa nhằm tiêu diệt quân xâm lăng. Chẳng bao lâu, quân của Hai Bà Trưng đã đánh hạ được tất cả 65 thành, Tô Ðịnh khiếp sợ, chạy về Nam Hải chịu tội với vua Hán. Tin thắng trận bay đi, nhân dân các quận Hợp Phố (Quảng Ðông ngày nay), Cửu Chân và Nhật Nam (Bắc Việt và Bắc Trung Việt ngày nay) hưởng ứng rất đông theo tiếng gọi của hai vị nữ anh thư. Thanh thế của lực lượng khởi nghĩa thật lừng lẫy. Trưng Trắc lên ngôi vua, tự xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh chấm dứt 150 năm Bắc thuộc lần thứ nhất (111 trước Tây Lịch đến 39 sau Tây Lịch). Trưng Trắc lên ngôi vua, phong cho Trưng Nhị làm Bình Khôi Tướng Quân, nắm giữ toàn thể quân lực. Tháng Chạp, năm 41, vua Hán Quang Võ phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, mang 20 vạn quân sang đánh. Trận kịch chiến dữ dội giữa đại quân của Mã Viện với dân binh do Trưng Nữ Vương thống lĩnh đã diễn ra ở Lăng Bạc (Ðông Triều - Yên Phong, Hà Bắc). Quân Mã Viện mai phục trên các triền đất cao giữa vùng Lăng Bạc bị Trưng Nữ Vương đem quân tới chận đánh. Trận chiến đầu tiên với đạo quân của Mã Viện đã mang lại thắng lợi nhưng quân sĩ đã hy sinh quá nhiều; trước tình thế đó, Trưng Nữ Vương thu quân về giữ Cấm Khê (Hà Nội - Quốc Oai - Hà Tây). Mã Viện xin tang cường thêm quân rồi tiếp tục kéo binh xâm lược, trận huyết chiến lại xảy ra, máu chảy đỏ sông Hồng, sông Ðáy. Qua bốn trận thư hùng với quân địch, hàng vạn quân dân Việt đã bị giết và bị bắt. Quyết chống trả với quân giặc đến cùng, Trưng Nữ Vương phải bỏ Cấm Khê lui quân về đến Hát Giang, nơi đây vì quân ít, thế cô và cùng đường, hai vị anh thư không muốn rơi vào tay quân địch bèn gieo mình xuống sông tự vận để bảo toàn danh tiết. Ðó là ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43). Theo Nam Sử, Trưng Trắc hưởng hương 29 tuổi. Mã Viện đem phủ trị về đóng ở Mê Linh, dựng trụ đồng nơi phân chia địa giới, khắc sáu chữ: “Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nhằm đe dọa, người dân cam phận sống trong cảnh lầm than! Ngày nay, ngoài quê hương Mê Linh, tại bãi Ðồng Nhân ở vùng ngoại ô thành phố Hà Nội có ngôi đền cất từ năm Nhâm Tuất (1142) thờ Hai Bà Trưng rất lớn. Tại Hát Môn, Sơn Tây có Miếu Hát thờ Hai Bà Trưng, theo dân gian, nơi nầy rất linh thiêng... Ðể tỏ lòng tôn kính, hàng năm vẫn tổ chức lễ kỷợ niệm hai vị anh thư Trưng Trắc và Trưng Nhị vào ngày mùng 6 tháng 2 Âm lịch. Trong “Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca” có bốn câu: “Bà Trưng quê ở Châu Phong Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên Chị em nạng một lời nguyền phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân...” Sách “Hồng Ðức Quốc Âm Thi Tập” có những vần thơ vịnh Hai Bà Trưng: “Giúp dân dẹp loạn trả thù mình Chị rủ cùng em kết nghĩa binh Tô Ðịnh bay hồn vang một trận Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành. Mới dày bảo vị gia ơn trọng Ðã đội hoa quan xuống phúc lành Còn nước, còn non, còn miếu mạo Nữ trung đệ nhất đấng tài danh”. Vua Tự Ðức đã đề cập về hai vị nữ anh thư: “Hai Bà Trưng là khách quần thoa, thế mà lóng hăng việc nghĩa, còn làm rung động được triều đình nhà Hán! Dẫu thế lực yếu, thời vận ngửa nghiêng, cũng đủ dấy dức lòng người, rỡ ràng sử sách...” Ðây là hại vị nữ lưu đầu tiên trong lịch sử nước nhà đã dấy lên ngọn cờ khởi nghĩa, chống trả ách xâm lược của Bắc Phương. Sau ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đất nước lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai kéo dài đến 5 thế kỷ (43-544). Vương Trùng Dương
DANH NHÂN NƯỚC VIỆT Vương Trùng Dương biên soạn TRIỆU NỮ VƯƠNG (248) Nhụy Kiều Tử Chiến Ðông Ngô Sau ngọn cờ khởi nghĩa của Trung Nữ Vương (40-43), trải qua hai thế kỷ nước ta bị chìm đắm trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai, từ Ðông Hán đến thời kỳ Tam Quốc ở Trung Hoa có Ngụy (220-265), Thục Hán (221-263) và Ðông Ngô (222-280); nước ta lệ thuộc dưới sự thống trị của Ðông Ngô, dân tình vô cùng khổ sở, lầm than.
Về quốc hiệu, theo dòng thời gian, nước ta về đời Hồng Bàng gọi là Văn Lang, đời Thục An Dương Vương gọi là Âu Lạc. Vào giai đoạn Tiền Hán và Hậu Hán ở Trung Hoa thì đời Triệu Vũ Vương (207-137 trước Tây Lịch) đến năm 111 trước Tây Lịch gọi là Nam Việt, năm 111 trước Tây Lịch đến năm 203 sau Tây Lịch gọi là Giao Chỉ. Năm Quý Mùi (203) Thái Thú Sỹ Nhiếp và Thứ Sử Trương Tân dâng sớ xin vua Hiến Ðế đổi tên Giao Chỉ thành Giao Châu và kéo dài cho đến đời Lý Nam Ðế (544-548)... Về đất đai, bởi sự thay đổi liên tục do việc phân chia và sát nhập của Trung Hoa. Khi Triệu Ðà được Lưu Bang (Hán Cao Tổ 206-194 trước Tây Lịch) phong làm Nam Việt Vương, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Ðông), chia nước Âu Lạc ra làm hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân. Vào thời Hán Vũ Ðế (140-87 trước Tây Lịch), Nam Việt bị nhà Hán chiếm luôn, đổi thành Giao Chỉ bộ. Giao Chỉ bộ gồm chín quận, có sáu quận thuộc vùng Quảng Ðông, Quảng Tây và ba quận thuộc về nước ta hiện nay là quận Giao Chỉ (Bắc Việt), quận Cửu Chân (Thanh hóa, Nghệ An) và quận Nhật Nam (từ Hoành Sơn đến đèo Hải Vân). Giao Chỉ bộ đặt dưới quyền cai trị của quan Thứ Sử, mỗi quận dưới quyền cai trị của quan Thái Thú... tất cả đều do triều đình ở Trung Hoa bổ nhậm. Năm 226 Sỹ Nhíp qua đời, lợi dụng thời kỳ còn tranh giành quyền thế ở Trung Hoa, con trai Sỹ Nhíp là Sỹ Huy lộng hành, tự động lên thay quyền Thái Thú. Ngô Ðại Ðế ổn định xong tình thế, chia đất Giao Châu từ Hợp Phố về Bắc đặt tên là Quảng Châu, cử Lữ Ðại làm Thứ Sử; từ Hợp Phố vào Nam gọi là Giao Châu, cử Ðái Lương làm Thứ Sử. Riêng đất Giao Chỉ về miền Bắc Việt bấy cử Trần Thì thay Sỹ Huy làm Thái Thú. Trong giai đoạn đó còn có sự sát nhập, thay đổi đất đai nên danh xưng dễ bị nhầm lẫn. Sỹ Huy chống lại việc bổ nhiệm của triều đình Ðông Ngô nhưng trước thế mạnh của binh lực nên quy thuận, Sỹ Huy bị bắt và chém đầu với tội nghịch thần. Ðông Ngô áp dụng chế độ trực trị như Ðông Hán nên quan quân ác độc hoành hành. Dưới chính sách cai trị thật hà khắc, người dân phải gánh chịu bao cảnh điêu linh, khốn khổ. Bấy giờ, ở quận Cửu Chân (vùng Nông Cống, Thanh Hóa hiện nay) có vị nữ lưu tên là Triệu Thị Trinh, còn gọi là Triệu Nguyên, sinh ngày 2 tháng 10 năm Ất Tỵ (225), cha mẹ mất sớm nên ở với người anh là Triệu Quốc Ðạt, một hào trưởng ở miền núi Quảng Yên, Cửu Chân. Dù mồ côi cha mẹ nhưng ảnh hưởng hình ảnh vị hào trưởng tiếng tăm lừng lẫy trong vùng nên anh em được luyện tập các môn võ nghệ của nhiều võ sư chân truyền. Triệu Thị Trinh thể hiện thiên tướng con nhà võ, tinh thông cách bày binh bố trận và tài sử dụng cung kiếm, làm cho đấng mày râu cũng phải kính nể. Vào tuổi đôi mươi, Triệu Thị Trinh là người có sức khỏe, giỏi võ nghệ, tính cương cường, gan dạ và mưu trí. Triệu Quốc Ðạt rất hào khí, có đức độ và có tài thao lược, được mọi người nể trọng. Ông có tinh thần yêu nước và có ý chí khôi phục giang sơn, được bốn người bạn tâm phúc là Vương Thiện, Lãnh Long, Bao Thúc và Tốn Thận, có tài đức vẹn toàn nên muốn phất cờ chống trả ngoại xâm. Triệu Quốc Ðạt bất mãn chính sách cai trị bạo tàn của nhà Ðông Ngô nên âm thầm tập hợp nghĩa quân, lập căn cứ Phú Ðiền (Hậu Lộc - Thanh Hóa). Ðấy là một thung lũng giữa hai núi đá vôi, vừa gần biển lại vừa là cửa ngõ từ đồng bằng phía bắc vào. Triệu Thị Trinh muốn tham gia dưới bóng cờ của anh nhưng người anh có ý can ngăn, lo phận gái khó đảm đương trọng trách. Thời gian anh em ở với nhau, gặp người chị dâu là Giang Thị vô cùng cay nghiệt, luôn luôn bất hòa với Triệu Thị Trinh. Thấy em gái đã trưởng thành, người anh muốn cho em lập gia đình để có đời sống riêng tư nhưng bà không muốn bị ràng buộc trong cuộc sống khi mọi người trong nỗi thống khổ. Bà trả lời: - Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Ðông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm cúi đầu, còng lưng để làm tì thiếp người ta. Khi Triệu Thị Trinh phát hiện được Giang Thị gởi thư cho Thứ Sử Cửu Chân báo rằng anh em Triệu Quốc Ðạt có âm mưu triệu tập lực lượng khởi loạn. Giang Thị muốn lập công và xin tha thứ cho chồng... Triệu Thị Trinh giết người chị dâu nối giáo cho giặc, phản chồng, hại em, rồi vào ở trong núi, chiêu mộ hơn một nghìn nghĩa binh, tạo được uy danh, lấy đồi An Phổ để phất cờ khởi binh. Năm Mậu Thìn (248), Triệu Quốc Ðạt cùng Triệu Thị Trinh, mỗi người một nơi, đồng lúc khởi binh đánh quân Ðông Ngô. Thể hiện tính quật cường của bậc nữ lưu, bà tỏ ra can đảm phi thường, cầm quân thật tài giỏi nên tôn bà làm chủ tướng. Bà xuất quân đánh thành Nông Cống, hình ảnh Triệu Thị Trinh “Ðầu chít khăn lam, mình mặc áo võ trang màu biếc, tay cầm bảo kiếm, tay cầm cờ lệnh, hùng dũng lạ thường...” ngồi trên mình voi, xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân, thống lĩnh quân sĩ xông pha chiến trận. Trong thời điểm chiến trận sôi sục, Triệu Quốc Ðạt hy sinh đền nợ nước; thay Triệu Quốc Ðạt, bà tập hợp quần hùng, tiếp tục chiến đấu với quân Ðông Ngô. Từ đó, đánh tới đâu quân giặc tan tành tới đó, nhiều thành trì bị hạ. Trong thời gian ngắn đã chiếm giữ được quân Cửu Chân, quân Ðông Ngô khiếp sợ, tôn xưng là Lệ Hải Bà Vương. Thứ Sử Châu Giao hoảng sợ bỏ chạy mất tích. Sử sách của nhà Ngô phải thú nhận: “Toàn thể Châu Giao chấn động”. Quân Ðông Ngô kiếp đởm, kinh hồn, bạt vía đã phải thốt lên: Hoành qua đương hổ dị Ðối diện Bà Vương nan Nghĩa là: Vung giáo chống hổ dễ Giáp mặt Bà Vua khó Truyền thuyết cho rằng Bà Triệu thu phục con voi trắng một ngà với lời rao truyền trên núi Quan Yên để thu phục mọi người: “Có Bà Triệu tướng Vâng lệnh trời ra Trị voi một ngà Dựng cờ mở nước Lệnh truyền sau trước Theo gót Trưng Vương.... Hay tin cuộc khởi nghĩa ở Cửu Chân và Thứ Sử Châu Giao mất tích, vua Ðông Ngô tức giận phái ngay Lục Dận, Ðốc quân Ðô úy Hành Dương là sang làm Thứ Sử Giao Châu, kiêm chức Hiệu Úy. Tăng cường binh mã tiếp viện ùn ùn kéo sang. Một tướng từng trải với trận mạc, lại rất quỷ quyệt sang làm Thứ Sử. Lục Dận đem 8.000 quân tinh nhuệ sang đàn áp. Lục Dận vừa đánh vừa đem của cải, chức tước ra dụ dỗ mua chuộc phần tử ham danh ham lợi. Triệu Thị Trinh vẫn kiên cường đánh nhau với giặc không hề nao núng. Sau 6 tháng chống chọi, vì quân ít thế cô, có kẻ phản bội thông báo tin tức cho quân Ngô, Triệu Nữ Vương đem quân về Bồ Ðiền (nay là Mỹ Ðiếng, Mỹ Hóa, Thanh Hóa) rồi tự sát trên núi Tùng ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Bấy giờ bà mới 23 tuổi. Bậc Nữ Vương hy sinh lúc còn trinh trắng nên còn gọi là Triệu Trinh Vương. Sau khi Triệu Nữ Vương mất, năm Giáp Thân (264) vua nhà Ngô lấy đất Hợp Phố, Cửu Chân và Nhật Nam làm Giao Châu, đóng đô ở Long Biên. Triệu Nữ Vương mất đi, để lại tấm gương rạng rỡ bậc anh thư kiệt liệt, tiếng thơm còn mãi muôn đời. Về sau, vua Lý Nam Ðế khen ngợi bà là ngời trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là: “Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân”. Trong “Hồng Ðức Quốc Âm Thi Tập” có bài thơ ca ngợi công lao của Triệu Nữ Vương: “Cao một trượng, cả mười vừng Bỏ tóc ngang lưng, vú chấm sừng Họp chứng rừng xanh, oai náo nức Cưỡi đầu voi trắng, tiếng vang lừng Mác dài trỏ vảy, tan tành giặc Ngôi cả lăm le, học họ Trưng. Ví có anh duyên định mấy Thời chi Ðông Hán dám lung lăng”. Trong “Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca” có những dòng thơ đề cập đến hình ảnh của bà: “Ðầu voi phất ngọn cờ vàng Sơn thôn mấy cõi, chiến trường xông pha Chông gai một cuộc quan hà Dù khi chiến tử còn là hiển linh Nay ở Phú Ðiền còn có đền thờ bà. Cũng như Mã Viện áp dụng chính sách bạo tàn sau cuộc khởi nghĩa của Trưng Nữ Vương, lập trụ đồng để đe dọa; Lục Dận nham hiểm, sai người trừ yểm để tránh hậu họa xảy ra. Người Tàu căm giận nên đặt tên là Triệu Ẩu, chữ Ẩu có nghĩa là mụ nhưng sử sách vẫn đề cập tính gan lì của bậc nữ lưu. Hình ảnh bậc nữ lưu “vú dài ba thước” đều do sử sách Trung Hoa dựng nên để phác họa chân dung dị tướng và hoang đường... vô hình trung lại ghi vào trang sử nước ta. Nhìn lại trang sử nước nhà, từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ ba, đất nước có các bậc nữ lưu nổi dậy, phất cao ngọn cờ chính nghĩa, xưng Vương, kiên cường chống trả quân xâm lược đang thống trị với chính sách bạo tàn. Khởi đầu cho kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam với hình ảnh bậc anh thư liệt nữ phất cờ khởi nghĩa, cầm gươm xông pha nơi chiến trận, tuy ngắn ngủi nhưng để lại trang sử hào hùng cho dân tộc. Vương Trùng Dương
DANH NHÂN NƯỚC VIỆT
Vương Trùng Dương biên soạn
Lý Nam Ðế (544-548)
Vạn Xuân Lưu Sử Anh Hùng
Trong thời kỳ Nam Bắc Triều ở Trung Hoa (420-589), Bắc Triều có năm triều đại: Bắc Ngụy (386-534), Ðông Ngụy ( 534-550), Tây Ngụy (535-557), Bắc Tề (550-577) và Bắc Chu (557-581); Nam Triều gồm bốn triều đại: Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557) và Trần (557-589) đều đóng đô tại Kiến Khang (Nam Kinh) thống trị toàn miền Nam Trung Hoa. Sau khi loại Tề, lập nên triều đại nhà Lương, Vũ Ðế (520-550) muốn tạo dựng thế lực hùng hậu nên âm mưu, tranh giành quyền lợi ở biên cương và tiếp tục con đường thôn tính ở phương Nam. Nhà Lương cử “Tiêu Tư sang làm Thứ Sử đất Giao Châu. Tiêu Tư là một người tàn bạo, làm cho lòng người ai cũng oán giận” (Trần Trọng Kim - Việt Nam Sử Lược). “Bấy giờ Thứ Sử Tiêu Tư cai trị đất Giao Châu cũng đi theo vết xe đổ của bọn Tô Ðịnh, Lục Dận, Lữ Ðại; nhân dân đất Giao Châu thấy ngột ngạt vì cái không khí nội chiến, ngoại xâm...” (Phạm Van Sơn ố Việt Sử Toàn Thư). Lợi dụng tình thế tranh giành ảnh hưởng triều đại ở Trung Hoa, nước Lâm Ấp cho quân sĩ tràn sang Giao Chau để cướp phá và quấy nhiễu. Theo “Việt Sử Tiêu Án” của Ngô Thời Sỹ (1726-1780): “Nước Lâm Ấp vốn là đất Tượng Quận của Tần, phái Ðông là Biển, phía Tây giáp nước Qua Oa, phía Nam thông với nước Chân Lạp, phía Bắc tiếp giáp Hoan Châu nước ta”. Trong giai đoạn đó, người dân Giao Châu vừa chịu sự lệ thuộc của phương Bắc vừa bị bất an ở phương Nam nên dân tình vô cùng khốn đốn. Trước nỗi thống khổ của dân tộc dưới ách thống trị hà khắc, năm Tân Dậu (541), có bậc anh hùng, tài kiêm văn võ tên là Lý Bôn, nổi dậy chống trả ngoại xâm. Lý Bôn, còn có tên gọi là Lý Bí, tổ tiên người Trung Hoa, chạy sang Giao Châu lánh nạn đã bảy đời, trở thành người bản xứ ở Thái Bình (nay thuộc vùng tiếp giáp giữa huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây). Lý Bôn sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503), thân phụ là Lý Toản, trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh, người Ái Châu (Thanh Hóa). Mồ côi cha mẹ sớm, được vị thiền sư đem về chùa Linh Bảo nuôi dạy cho đến khi trưởng thành. Rời chốn thiền môn, lý Bôn đảm nhận chức Giám Quân (trông coi quân sĩ) ở Cửu Ðức, Ðức Châu ( nay là Ðức Thọ, Hà Tĩnh); vì thấm nhuần lòng từ bi của Phật Giáo, thấy chính sách cai trị đầy tham ô, tàn ác nên từ chức về quê ở huyện Thái bình, Phong Châu chiêu tập anh hùng hào kiệt, nghĩa binh để nổi dậy chống ách thống trị của quân Lương. Lý Bôn kết hợp cùng tù trưởng Châu Diên là Triệu Túc, cùng với Tinh Thiều, Phạm Tu, Trương Húc, Trương Hán... Võ sư Phạm Tu, tuổi đã gần thất thập liền hưởng ứng, kêu gọi dân làng, chiêu tập nghĩa quân theo ngọn cờ khởi nghĩa của Lý Bôn. Tinh Triều, gia đình giàu có, giỏi văn chương, làm chức quan Lang ở Quảng Dương môn, bất bình với chế độ, lui về quê, được tin khởi nghĩa, liền tham gia. Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (542), Lý Bôn khởi binh chống quân nhà Lương. Trong thời gian ngắn, chiếm giữ được thành Long Biên, Thứ Sử Giao Châu là Tiêu Tư trốn chạy về nước. Ðầu năm Quý Hợi (543), vua nhà Lương cử tướng Lư Tử Hùng đem quân sang trấn áp; được tin, Lý Bôn đem quân sang nghinh chiến đấu ở Hợp Phố (Quảng Ðông), quân Lương bại trận, rút lui về nước. Trong khi đó, quân Lâm Ấp lợi dụng loạn lạc, lại tràn sang quấy phá, Lý Bôn cử tướng Phạm Tu đem quân tiêu diệt ở Nhật Nam và Cửu Ðức, quân Lâm Ấp thua trận, mang tàn binh bỏ chạy. Vào dịp Nguyên Ðán năm Giáp Tý (Tháng 2-544), sau khi loại trừ được ngoại xâm, Lý Bôn lên ngôi, xưng là Nam Việt Ðế, niên hiệu Thiên Ðức, lấy quốc hiệu là Vạn Xuân, đặt kinh đô ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Lý Nam Ðế thiết lập triều chính, Phạm Tu coi về võ quan, Tinh Thiều đứng đầu quan văn, Triệu Túc làm Thái Phó; đó là ba chức quan đứng đầu trong triều đình. Con trai của Triệu Túc là Triệu Quang Phục, được xem là tướng trẻ, tài ba và dũng lược. Lý Nam Ðế cho xây dựng chùa Khai Quốc ở Yên Hoa, Yên Phụ (nay là chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây, Hà Nội) Nam Ất Sửu (545), vua nhà Lương cử Dương Phiên sang làm Thứ Sử Giao Châu rồi sai Trần Bá Tiên làm Tư Mã, phối hợp Tiêu Bột và Dương Siêu, thống lĩnh đạo quân sang đánh nước ta. Lý Nam Ðế đem ba vạn quân đương đầu với đại quân nhà Lương ở Chu Diên (Hải Hưng), thua trận, lui về cửa sông Tô Lịch cầm cự, nơi đây lão tướng Phạm Tu đã hy sinh, Lý Nam Ðế đem quân về giữ thành thành Gia Ninh (nay là Việt Trì, Phú Thọ), đại quân Trần Bá Tiên đem quân tiến đánh, Lý Nam Ðế phải lui về giữ thành Tân Xương ở Phong Châu. Sau đó, Lý Nam Ðế rút quân về đóng ở động Khuất Liêu (Phú Thọ), nơi đây, nhà vua khôi phục lại binh mã để cầm cự với quân của Trần Bá Tiên. Sau thời gian chiến đấu, xông pha chiến trận, vì sức khỏe Lý Nam Ðế bị yếu kém nên giao quyền bính lại cho Tả tướng quân là Triệu Quang Phục để điều binh khiển tướng. Lý Nam Ðế mất ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (13-4-548). Hưởng dương 46 tuổi. Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương. Trong thời gian Lý Nam Ðế thất thế lui quân về Khuất Lão thì người anh họ là Lý Thiên Bảo cùng với người cháu họ là Lý Phật tử đem quân chạy vào Cửu Chân, bị quân nhà Lương đánh đuổi chạy sang Lào, đầu nguồn sông Ðào Giang, có động Dã Năng, đóng ở đó xưng là Ðào Lang Vương, lấy quốc hiệu là Dã Năng. Năm Ất Hợi (555) Lý Thiên Bảo mất, không có con nên nên quyền bính về Lý Phật Tử. Sau nầy Lý Phật Tử dùng thủ đoạn để lật Triệu Quang Phục, dựng lại cơ nghiệp Hậu Lý Nam Ðế (571-602) nhưng rồi thần phục nhà Tùy ở Trung Hoa. Nước ta rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba (603-939)! Sách “Việt Sử Tiêu Án” luận rằng: “Có ba vạn quân đều sức nhau, thiên hạ khó ai địch được. Nay Lý Bảo, Lý Bí có có quân đến năm vạn người mà không giữ được nước, có phải kém tài đâu, không may gặp phải Bá Tiên là người khéo dụng binh...” Và đây cũng là bài học quý giá cho lịch sử cho hậu thế bởi sự thiếu đoàn kết với nhau, Lý Thiên Bảo muốn tạo dựng cơ nghiệp riêng, không chung vai sát cánh với người em để tiêu trừ quân thù nên thế lực bị suy yếu trước sức mạnh của đối phương. Lý Nam Ðế nổi dậy chống ách thống trị của nhà Lương, dựng nên cơ nghiệp nhà Tiền Lý, tuy chỉ trong thời gian ngắn nhưng đã thể hiện chí khí quật cường, nổi dậy đánh đuổi quân giặc. Ðể tưởng nhớ bậc tiền nhân, có hàng trăm ngôi đền, miếu thờ Lý Nam Ðế và các tướng quân ở miền Bắc. Ghi lại hình ảnh của Lý Nam Ðế, sách “Khâm Ðịnh Việt Sư“Ư nhận xét: “Tuy Lý Nam Ðế không đủ sức chống chọi với giặc mạnh, việc lớn không thành, nhưng thừa thế dấy binh, tự xưng làm vua, mở đường tự chủ cho nhà Ðinh, nhà Hậu Lý về sau nầy, há chẳng phải là vẻ vang to tát lắm sao”. Trong “Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca” đã ghi: “Kể từ Ngô Tấn lại đây Hai trăm mười bốn nam chày cát phân Cỏ cây han chứa bụi trần, Thái bình mới có Lý Phần hưng vương, Vốn xưa nhập sĩ nước Lương, Binh qua gặp lúc phân vương lại về Cừu dân đã quyết lời thề Văn thần, võ tướng ứng kỳ đều ra Tiêu Tư nghe gió chạy xa Ðông Tây muôn dặm quan hà quét thanh Vạn Xuân mới đặt quốc danh Cải nguyên Thiên Ðức, đô thành Long Biên...” Trải qua năm thế kỷ đất nước bị lệ thuộc, từ Trưng Nữ Vương, Triệu Nữ Vương đến Lý Nam Ðế có nhiều cuộc nổi dậy nhưng chỉ thu hẹp địa phương, chưa tạo dựng được ảnh hưởng rộng lớn, chưa đánh bật được thế mạnh của ngoại xâm nên suốt thời gian dài đó, trang sử nước nhà chỉ để lại ít hình ảnh tiêu biểu nêu trên. VươngTrùng Dương
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.06.2008 07:31:08 bởi phamnguyennhung >
DANH NHÂN NƯỚC VIỆT
Vương Trùng Dương biên soạn
Triệu Việt Vương (548-571)
Anh Tài Dạ Trạch Lưu Danh
Sau khi Lý Nam Ðế mất, tất cả quyền bính được giao phó cho Tả Tướng Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục và thân phụ là Thái Phó Triệu Túc (quê ở Châu Diên, nay thuộc Vĩnh Tường, Vĩnh Yên) vừa là tướng tài vừa là công thần đã theo chân Lý Nam Ðế từ khi phất cờ khởi binh.
Triệu Quang Phục nhận thấy quân nhà Lương còn hùng mạnh, khó đương đầu trong lúc thế lực còn yếu kém nên đem một vạn quân kéo về vùng đầm lầy Dạ Trạch (địa danh bãi Màn Trò, Hưng Yên). Nơi đây, địa thế vô cùng hiểm trở, chung quanh là vùng đầm lầy rộng mênh mông, lau sậy bao phủ, ở giữa có bãi cồn đất khô ráo vừa làm doanh trại vừa canh tác, trở thành sào huyệt an toàn. Nam Mậu thìn (548), Triệu Quang Phục xưng vương là Triệu Việt Vương, còn gọi là Dạ Trạch Vương.
Vốn quen thuộc với địa hình và sông hồ, Triệu Việt Vương áp dụng chiến thuật đánh lẻ tẻ, đêm đêm cho quân lính dùng thuyền độc mộc ra đột kích quân nhà Lương để thu nạp vũ khí là lương thực, ban ngày cho quân sĩ thao dượt và canh tác. Quân Lương muốn dùng đại binh để xâm nhập nhưng không thể thực hiện được, trong thế lưỡng nan dù cho quân sĩ đóng bao bọc Dạ Trạch, mỗi ngày thêm hao hụt nên đành án binh bất động. Năm Canh Ngọ (550) “Gặp lúc nhà Lương có việc loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Thiên phải mang quân về, chỉ lưu Tỳ Tướng là Dương Sàn ở lại. giữ nhau với Triệu Việt Vương. Việt Vương tung quân đánh giết được Dương Sàn, quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Việt Vương tiến về ở trong thành Long Biên” (Ngô Thời Sỹ - Việt Sử Tiêu Án). Sau khi ổn định được tình thế, Triệu Việt Vương cho thiết lập triều chính, khôi phục lại giang sơn mà Lý Nam Ðế rút lui trước sự xâm lăng của quân nhà Lương. Trong khi đó, như đã đề cập, “Lý Nam Ðế thất thế lui quân về Khuất Lão thì người anh họ là Lý Thiên Bảo cùng với người cháu họ là Lý Phật Tử đem quân chạy vào Cửu Chân, bị quân nhà Lương đánh đuổi chạy sang Lào, đầu nguồn sông Ðào Giang, có động Dã Năng, đóng ở đó xưng là Ðào Lang Vương, lấy quốc hiệu là Dã Năng. Năm Ất Hợi (555) Lý Thiên Bảo mất, không có con nên nên quyền bính về Lý Phật Tử”.
Năm Ðinh Sửu (557), Lý Phật Tử thấy vắng bóng quân Lương bèn đem quân về đánh với Triệu Việt Vương nhằm khôi phục lại nhà Lý. Sau năm lần giáp chiến với quân của Triệu Việt Vương ở Thái Bình đều thất bại, Lý Phật Tử xin cầu hòa; Triệu việt Vương thấy Lý Phật Tử thuộc con cháu của nhà Tiền Lý nên đành thuận ý. Ðịa giới hai miền được phân chia ở Quần Thần (Thượng Cát, Từ Liêm). Triệu Việt Vương đóng ở Quần Thần (Thượng Cát, Từ Liêm) và Lý Phật Tử đóng đô ở Ô Diên (Ðại Mộ, Từ Liêm). Lý Phật Tử muốn thể hiện tấm lòng giao hảo với tình thông gia với nhau nên đem con gái là Cảo Nương gả cho con trai của Lý Phật Tử là Nhã Lang. Lịch sử lại tái diễn như năm 208 trước Tây Lịch, Triệu Ðà cho con là Trọng Thủy gả cho con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu, trong âm mưu thôn tính, Triệu Ðà cướp nước Âu Lạc. An Dương Vương đem Mỵ Châu chạy đến Mộ Dạ (Ðông Thành, Nghệ An), rút gươm chém đầu Mỵ Châu rồi nhảy xuống bể tự tận.
Trong khi Triệu Việt Vương chăm lo đời sống của dân chúng thì Lý Phật Tử đã nuôi ý đồ thôn tính nên trang bị quân sĩ để tạo thế lực hùng mạnh. “Năm Tân Mão (571), Lý Phật Tử bất thình lình đem quân đánh Triệu Việt Vương, Triệu Việt Vương thua chạy đến sông Ðại Nha (nay thuộc Ðại An, Nam Ðịnh), nhảy xuống sông tư tận. Người ở đấy cảm nhớ Triệu Việt Vương, mới lập đền thờ ở chỗ sông Ðại Nha. Nay còn có đền thờ ở làng Ðại Hộ, gần huyện Ðại An” (Trần Trọng Kim ố Việt Nam Sử Lược). Trải qua bảy thế kỷ, hình ảnh dùng tình cảm thông gia để mưu toan ý đồ thôn tính đất nước, trước kia kẻ chủ mưu là Triệu Ðà, sau nầy nạn nhân là Triệu Việt Vương!
Tại Trịnh Hà, Mỹ Hóa, Thanh Hóa, trước kia, Triệu Quang Phục đóng mạc phủ, dân chúng lập đền thờ tưởng niệm. Lý Phật Tử chiếm được thành Long Biên, xưng đế hiệu (Hậu Lý Nam Ðế), đóng đô ở Phong Châu, cử Lý Ðại Quyền giữ Long biên và Lý Phổ Ðịnh giữ Ô Diên. Bấy giờ ở Trung Hoa, nhà Tùy đánh dẹp được nhà Lương, năm 581, Dương Kiên lên ngôi Hoàng đế, tức Tùy Văn Ðế, đem quân đánh xuống phía Nam, kết thúc thời kỳ Nam Bắc Triều, lập nên cơ nghiệp nhà Tùy (581-618).
Năm Nhâm Tuất (602), vua nhà Tùy sai Lưu Phương đem đại binh sang uy hiếp, Lưu Phương vừa dàn binh vừa cho người chiêu dụ Lý Phật Tử, Lý Phật Tử khiếp sợ nên xin hàng. Từ đấy đất nước bị rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba kéo dài đến 336 năm (603-939).
Với hình ảnh Triệu Việt Vương, Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh đã ghi: “Dạ Trạch Vương, Dạ Trạch Vương, uyển tại thủy trung ương. Ðịa lợi hề khả cứ, đạo trở hề nan tường. Vi lô hề thương thương, nê náo hề uông uông. Ðộc mộc thuyền hề nhiệm xuất một Bá Tiên quy hề thùy năng đương Bỉ kỳ chi tử hề vọng Thục Dưỡng hổ hề di ương, Ðại Nha hải hề thùy diếu diếu. Trường An thành hề sa bường bường” Bản dịch của Lam Giang: “Giữa đầm Dạ Trạch xưng vương Ba quân cứ hiểm, một phương tranh hùng Bớ lau xanh ngát trùng trùng Ðường quanh nẻo tắt, nước bùn gần xa. Cỡi thuyền độc mộc xông pha Mặc lòng quân Việt, vào ra đêm ngày. Bá Tiên cao chạy xa bay Ngọn cờ chiến thắng từ rày ai đương? Gã kia lai lịch chưa tường Mến ơn vua Lý nên thương một cành Quân thần bên nước xanh xanh, Cắt cho phần đất, gã tranh nỗi gì! Ai ngờ nuôi cọp thì nguy, Lòng tham Lũng Thục kể gì nhân luân Ðại Nha gặp bước phong trần, Ðìu hiu sóng nước gởi thân tang bồng. Cơ đồ một phút như không, Trường An đá nát, bụi hồng vấn vương” Trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca ghi rằng: “Triệu Vương giáp trận Thái Bình Lý thua rồi mới thu binh xin hòa Triệu về Long Ðỗ, Nhị Ha, Lý về Hạ Mỗ, ấy là Ô Diên... ... Trở về giả chước vấn yên Giáp binh đâu đã băng miền kéo sang Triệu Vương đến bước vội vàng Tình riêng còn chửa dứt đường cho qua, Ðem con chạy đến Ðại Nha Than thân bách chiến phải ra đường cùng”!. Sách xưa luận rằng vì Triệu Việt Vương không muốn mang tiếng soán đoạt ngôi báu của nhà Tiền Lý nên khi Lý Phật Tử ngỏ lời giao hảo, Triệu Việt Vương thuận tình cho tròn đạo nghĩa công thần với Lý Nam Ðế. Lý Phật Tử đánh thắng Triệu Việt Vương không phải vì tài ba dũng lược mà vì âm mưu với người thân để nắm cơ hội thuận lợi. Khi nghe quân nhà Tùy hùng mạnh xâm lăng, bán đứng đất nước để yên thân nên cam chịu ách thống trị của Bắc phương mà tiền nhân đã dày công khôi phục. Vương Trùng Dương
DANH NHÂN NƯỚC VIỆT
Vương Trùng Dương biên soạn
Mai Hắc Ðế (722)
Khơi Nguồn Khởi Nghĩa Ðường Lâm
Sau khi Lý Phật Tử xin thần phục nhà Tùy ở Trung Hoa để chịu ách Bắc thuộc lần thứ ba, đất nước Giao Châu lệ thuộc vào nhà Tùy (589-617) vào năm 603. Khi Ðường Thái Tông lập nên triều đại nhà Ðường (618-907), trong thì dùng Phòng Huyền Linh, Ðỗ Như Hối, Ngụy Trưng; ngoài thì dùng Lý Tính, Lý Tích để thu tóm bốn phương vào một mối. Vào đầu thế kỷ thứ VIII, sau thời gian Võ Tắc Thiên giữ ngôi Nữ Vương, lấy quốc hiệu là Chu, Lý Long Cơ lập lại vương triều nhà Ðường, đưa thân phụ lên ngôi Hoàng Ðế là Ðường Duệ Tông, vài năm sau ngôi báu được nhường cho Lý Long Cơ là Ðường Huyền Tông, thời Trung Ðường.
Ðời Ðường Huyền Tông (713-756), nền văn học nghệ thuật của Trung Hoa được đánh dấu thời kỳ cực thịnh, thi ca thời Sơ Ðường (618-713) và Thịnh Ðường (713-776) rất lẫy lừng bởi những nhân tài xuất hiện như Vương Xương Linh, Vương Duy, Thôi Hiệu, Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Trương Kế... để lại biết bao áng thơ trác tuyệt cho hậu thế, tạo niềm hãnh diện trong văn học với ánh hào quang trên văn đàn quốc tế. Thế nhưng, từ Ðường Thái Tông đến Ðường Huyền Tông vẫn áp dụng con đường bành trướng của các triều đại cũ, cố mở rộng chính sách chinh phục từ Tây Vực đến Triều Tiên sang phía Nam bờ cõi, duy trì chính sách cai trị bằng vũ lực vì vậy quan lại ở biên cương có cơ hội trấn lột . Năm Kỷ Mão (679) Giao Châu đổi thành An Nam Ðô Hộ Phủ, đóng đô ở Giao Châu, thay đổi khu vực, chia ra 12 châu và 59 huyện. Nước ta gọi là An Nam khởi nguồn từ đó. Trong 12 châu đó gồm: Giao Châu, Lục Châu, Phúc Lộc Châu, Phong Châu, Thang Châu, Trường Châu, Chi Châu, Võ Nga Châu, Võ An Châu, Ái Châu, Hoan Châu và Diễn Châu. Vì vậy, danh xưng địa danh Giao Châu kể từ đó gồm 8 huyện chung quanh khu vực Hà Nội ngày nay. Ðất nước An Nam trong thời gian đó luôn luôn bị loạn lạc giữa nội tình và ngoại xâm. Có nhiều cuộc nổi dậy để chống lại ách thống trị của nhà Ðường, trong đó có Mai Thúc Loan, huyện Thiên Lộc, Hoan Châu (nay thuộc Thạch Hà, Hà Tĩnh). Quê hương của Mai Thúc Loan nổi tiếng với quả vải, người dân phải thu hoạch rất nhiều rồi chọn lọc ra loại tuyệt hảo để cống phẩm cho quan chức hưởng thụ và mang về dâng cho triều đình. Nạn cống triều với quả vải, còn gọi là lệ chi được gọi là “cống lệ chi” làm cho dân tình điêu linh, khốn khổ. Sống trong cảnh lầm than đó, dòng họ Mai đã cam chịu từ đời nầy sang đời khác trong mảnh đất được gọi là gò họ Mai. Thế rồi, người đàn bà bất hạnh với cảnh đói rách phải đi làm thuê quần quật để lo cho miếng cơm manh áo, mang lấy bào thai, đẻ ra dứa con đen thui, đặt họ mẹ tên là Thúc Loan ở làng Ngọc Trừng. Theo sách Thiên Nam Ngữ Lục thì người đàn bà nghèo khó nầy đến xem nấu muối, bị một làn khói muối ngũ sắc bao lấy mình rồi mang thai. Tuy đen đủi, xấu xí nhưng Mai Thúc Loan thông minh, lanh lợi, có sức khỏe lạ thường và vô cùng gan dạ. Là người con chí hiếu, Mai Thúc Loan phụ giúp cho thân mẫu làm lụng, vào rừng kiếm củi. Thế rồi, cuộc đời bất hạnh lại ập đến cho cuộc đời cậu bé khi thân mẫu bị cọp vồ chết để cam phận trong cảnh đời mồ côi. Mai Thúc Loan sớm sống cuộc đời tự lập, đi làm thuê cho gia đình làm lò đúc đồng, được thời gian rồi không chịu cảnh bị ức hiếp của bọn quan lại, hào phú nên theo phường săn bắn cho thỏa nguyện với cuộc sống. Nhờ có sức khỏe và nhanh nhẹn nên Mai Thúc Loan trở thành tay đô vật và giỏi cung tên, được dân địa phương bầu làm thủ lĩnh. Người thợ săn Mai Thúc Loan có mồi thủ truyền kiếp với thù dữ nên bất chấp hiểm nguy, nghe nơi nào có bóng dáng thú dữ lai vãng liền tìm đến để diệt trừ. Tính gan dạ, cang cường ỳ đó đã tạo niềm tin với mọi người nên khi có giạc Chà Và và Côn Lôn cướp bóc, dân làng tôn Mai Thúc Loan lãnh nhiệm vai trò “Ðầu Phu” để chống trả với giặc cướp. Rồi mùa vải lại đến, quan quân nhà Ðường bắt dân chúng phải thu hoạch và cống nạp, Mai Thúc Loan lãnh trách nhiệm cầm đầu nhóm dân phu, băng rừng lội suối để mang cống phẩm về châu, huyện. Hận thù trước ách thống trị đó, Mai Thúc Loan liền hô hào dân chúng nổi dậy, năm Nhâm Tuất (722), năm Khai Nguyên thứ mười đời Ðường Huyền Tông ở Trung Hoa, cuộc phất cờ khởi nghĩa của Mai Thúc Loan được thành công khi chiếm được Hoan Châu, lập căn cứ cho công cuộc nổi dậy chống Bắc phương. Mai Thúc Loan chọn căn cứ Hùng Sơn, Ðại Sơn đề xây hào,đắp lũy và xây thành Vạn An, tự xưng là Hoàng đế và được mệnh danh là Mai Hắc Ðế. “Ðường đi cống vải từ đây dứt
Dân nước đời đời hưởng phúc chung”. Cuộc khởi binh của Mai Thúc Loan được tiến hành chớp nhoáng nhờ sự hưởng ứng của dân làng, nghĩa binh từ vùng nầy lan rộng sang làng khác, có được đạo quân đông đảo , tuy chưa được huấn luyện thuần thục nhưng cũng áp đảo được quân giặc. Ðể tạo uy thế mạnh mẽ, Mai Hắc Ðế cho sứ giả vượt đèo Ngang vào Nam, qua Vụ Ôn sang Tàu, liên kết với Chân Lạp và Lâm Ấp để chống cự với quan quân nhà Ðường; và được sự hỗ trợ của hai nước láng giềng nầy. Mai Hắc Ðế chiếm được phủ thành Tổng Bình (Hà Nội), quan Ðô Hộ Quang Sở Khách hoảng sợ phải tháo chạy về nước xin cầu viện binh. Nhà Ðường phái quan Nội Thị là Dương Tư Húc cùng Quang Sở Khách đem đại quân trở lại xung trận với Mai Hắc Ðế. Trước vũ lực hùng mạnh quả quân Bắc phương, Mai Hắc Ðế khó chống cự nổi nên rút vào vùng núi Hùng Sơn, còn gọi là Rú Ðụn, bên bờ sông Lam, cầm cự được thời gian ngắn, lâm bệnh nặng rồi mất. Ngày nay ở núi Vệ Sơn, Nghệ Tĩnh còn có vết tích di tích thành cũ của Mai Hắc Ðế và còn đền thờ ở Nam Ðàn, Nghệ Tĩnh. Tuy cuộc nổi dậy để khôi phục lại giang sơn đất nước chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng đã nói lên ý chí quật cường của con người bất khuất trước ách thống trị của bạo lực. Người dân nhớ ơn Mai Hắc Ðế , lập đền, ghi lại ánh thơ: “Hùng cứ Hoan Châu đất một vùng Vạn An thành lũy khói hương xông Bốn phương Mai Ðế lừng uy đức Trăm trận Lý Ðường phục võ công...”. Trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca đã ghi lại hình ảnh của Mai Hắc Ðế: “Quan Ðường lắm kẻ tham tài, Bình dân hàm oán, trong ngoài họp mưu. Mai Thúc Loan ở Hoan Châu Quân ba mươi vạn ruổi vào ải xa. Hiệu cờ Hắc Ðế mở ra, Cũng toan quét dẹp sơn hà một phương. Ðường sai Tư Húc tiếp sang, Hợp cùng Sở Khách, hai đàng giáp công, Vận đời còn chửa hanh thông, Nước non để giận anh hùng nghìn thu Lam thủy trăng in tăm ngạc lặn Hùng Sơn gió lặng khói lang không...””. Mai Hắc Ðế mất đi, An Nam chìm đắm lại trong thời kỳ Bắc thuộc. Và, trong thời gian sau đó, triều chính nhà Ðường rơi vào tình trạng bất an bởi Ðường Huyền Tông say mê Dương Quý Phi, An Lộc Sơn làm chức Tiết Ðộ Sứ kiêm cả khu vực Bình Lư, Phạm Dương và Hà Ðông (nay là Sơn Tây) để rồi làm cuộc tạo phản năm 755, Ðường Huyền Tông phải bỏ ngôi vua, lánh nạn ở đất Ba Thục. Mai Thúc Loan khởi nghĩa với địa lợi, nhân hòa nhưng chưa gặp thiên thời, nếu đúng vào giai đoạn tranh quyền ở Trung Hoa thì công cuộc quang phục quê hương sẽ được lâu dài. Gần bảy mươi năm sau, mới có ngọn cờ khởi nghĩa được tiếp nối với hình ảnh Phùng Hưng. Vương Trùng Dương
DANH NHÂN NƯỚC VIỆT
Vương Trùng Dương biên soạn
Bố Cái Ðại Vương (791) Tấm Lòng Phụ Mẫu Chi Dân
Sau khi dẹp được cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn và thanh trừng đồng giảng kéo dài suốt mười năm (755-765), kế thừa Ðường Huyền Tông là Ðường Túc Tông (756-762), Ðường Ðại Tông (762-778), Ðường Ðức Tông (780-805)... chính sách cai trị của nhà Ðường càng thêm khắt khe để ngăn chận sự tạo phản và vơ vét tài sản, của cải dân chúng nhằm đền bù vào thiệt hại bị đổ vỡ trong thời tao loạn. Vai trò Tiết Ðộ Sứ càng ngày càng đầy uy quyền và tệ trạng cường hào ác bá được bảo vệ bởi quan chức chính quyền làm cho dân tình khốn đốn. Tình trạng đất nước An Nam, sau hai thập niên Mai Hắc Ðế qua đời, năm 742 bị rơi vào Bắc thuộc lần thứ tư, ách thống trị lại đè đầu trên người dân An Nam. Ðầu năm 783, nhà Ðường áp dụng chính sách thuế má nhằm thu vén lợi tức của người dân gây nên tình trạng khốn khổ.
Nhân cơ hội đem quân sang cai trị ở Cửu Chân, quan Ðô Úy Cao Chính Bình giữ vai trò đô hộ An Nam, hùng cứ một phương, tung hoành, tác quái, quân lính được thể, lộng hành, cướp bóc. Chính sách sưu cao, thuế nặng do Cao Chính Bình áp dụng làm cho người dân An Nam điêu đứng, đói rách! Ở Ðường Lâm, Phong Châu (nay là Ba Vì, Hà Tây) có gia đình họ Phùng, trước kia đã theo ngọn cờ khởi nghĩa của Mai Hắc Ðế. Ông bà Phùng Hạp Khanh có ba anh em là Phùng Hưng, tự là Công Phấn, Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Cả ba anh em đều có sức khỏe phi thường, gan dạ, lanh lẹ, mưu chước, nổi tiếng với tài săn bắt thú dữ, mọi người đều thán phục. Tiếp nối dòng máu quật cường của thân phụ nên khi cha mẹ qua đời, Phùng Hưng giữ vai trò thủ lĩnh ở Ðường Lâm. Trước nỗi thống khổ của người dân, Phùng Hưng chiêu tập nghĩa binh, dân làng, khởi điểm từ Ðường Lâm, nổi dậy chống với quan quân nhà Ðường. Cuộc khởi nghĩa từ làng, xã đã mang mạng thắng lợi, theo lời kêu gọi, dân quân các vùng lân cận đồng lòng hưởng ứng công cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Cao Chính Bình đem quân đàn áp nhưng bị thất bại, kéo dài từ năm nầy sang năm khác cũng không dẹp được thế lực vừa hư vừa thực, lúc ẩn lúc hiện của nghĩa binh Phùng Hưng. Năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão, xưng là Ðô Quân, Phùng Hải là Ðô Bảo, cùng hai tướng là Phùng Dĩnh và Bồ Phá Lặc cùng quân sư mưu lược là Ðỗ Anh Hàn đem năm đạo quân đến đánh thành Ðại La, còn gọi là Tổng Bình (nay là Hà Nội). Cao Chính Bình đem bốn vạn quân dàn trận để nghinh chiến, sau vài ngày giao tranh, quân Cao Chính Bình nao núng nên rút vào trấn thủ thành. Chiếm được thượng phong, Phùng Hưng cho nghĩa binh vây kín để cô lập, Cao Chính Bình hoàng sợ, phát bệnh rồi chết, Phùng Hưng chiếm được thành trì, phong cho Phùng Hải làm Thái Úy, con của Phùng Hưng là Phùng An làm Ðô Phủ Quân. Giữ được thành một thời gian ngắn, lo chỉnh đốn công việc triều chính cho giai đoạn quang phục, chẳng may, Phùng hưng bị bệnh, qua đời. Dân chúng thương tiếc, lập đền thờ ở vùng Thịnh Hào (nay là Ðống Ða, Hà Nội), tôn xưng là Bố Cái Ðại Vương (bố là cha, cái là mẹ, xem như bậc phụ mẫu). Dân chúng và quân sĩ muốn lập Phùng Hải nhưng nội bộ lủng củng, Bồ Phá Lặc lập con của Bố Cái Ðại Vương là Phùng An lên nối nghiệp để tiếp tục vai trò của thân phụ đang còn dang dở. Theo mưu kế của Bồ Phá Lặc, Phùng Hải bị lưu đầy ra ở động Chu Nhan. Phùng An cầm quyền được hai năm nhưng không gầy dựng được thế lực hùng mạnh để đương đầu với quân nhà Ðường. Nhà Ðường phong Lý Phục làm Tiết Ðộ Sứ và Triệu Xương làm Ðô Hộ đem đại quân sang uy hiếp. Lão tướng Triệu Xương dùng phương kế vừa đe dọa vừa cho người chiêu dụ, nhận thấy khó đương cự nên Phùng An xin đầu hàng. Ðất An Nam lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư. Theo lời truyền, Bố Cái Ðại Vương rất hiển linh, giúp dân chúng mỗi khi hoạn nạn. Sau nầy sự hiển linh đó giúp cho Ngô Quyền khôi phục được sơn hà, lập đền thờ Bố Cái Ðại Vương ở Quảng Bá (Hà Nội), Triều Khúc (Hà Tây), ở Ðại Ứng, Phương Trung, Hoạch An (Hà Tây)... lưu truyền cho hậu thế. Các triều đại sau đều phong tặng danh thần, gọi Bố Cái Ðại Vương là Phu Hựu Vương Tín Sùng Nghĩa Ðại Vương. Trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca tóm lược cuộc đời Phùng Hưng qua các dòng thơ: “Ðường Lâm mới có Phùng Hưng Ðã tài kiêu dũng, lại lưng phú hào Cõi Tây nổi việc cung đao, Ðô Quân tôn hiệu, Tảo Thao hiệp tình Ðem quân thẳng đến vây thành Ðại La thế bức, Chính bình hồn tiêu Nhân phủ trị, mở ngôi triều Phong châu một giải nhiếp điều mấy niên Ðế hương phút trở xe biền Ðại Vương Bố Cái, tiếng truyền muôn thu Phùng An con nối thơ ngu Nghe quan nhu viễn, bày mưu hàng Ðường” Sau khi thống trị đất An Nam, nhà Ðường tạo được thế mạnh nên đem quân trấn áp nước Lâm Ấp. Riêng đất An Nam, nhà Ðường vẫn lo mối nguy cơ cho cuộc nổi dậy nên vào giữ thế kỷ thứ IX, nhà Ðường sai Cao Biền, vừa là tướng giỏi, vừa là nhà địa lý, phù thủy cao tay ấn, sang làm Tiết Ðộ Sứ. Vua nhà Ðường đổi An Thanh làm Tỉnh Hải, Cao Biền trấn ém nhân tài đất Nam và áp dụng việc cai trị có phép tắc, ít tàn bạo hơn những quan chức trước kia. Sau khi Cao Biền trở về làm Tiết Ðộ Sứ ở Tứ Xuyên, người cháu là Cao Tầm được thay thế. Bước sang đầu thế kỷ thứ X, lá bùa của Cao Biền trấn ém “Lĩnh khí ở phương Nam” không còn hiệu nghiệm?. Vẫn có ngọn cờ làm rạng danh trang sử với hình ảnh Ngô Quyền cùng quê cha đất tổ ở Ðường Lâm. Vương Trùng Dương