Những phá cách tài tình trong thơ

Tác giả Bài
trieuam
  • Số bài : 566
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 17.12.2007
Những phá cách tài tình trong thơ - 21.06.2008 02:31:35
NHỮNG PHÁ CÁCH TÀI TÌNH TRONG THƠ

Bài Viết Huệ Thu

Thuở Sơ Ðường người ta làm thơ không chú trọng nhiều về luật. Thật ra luật chỉ làm cho người thơ dễ đạt được ý thơ. Thơ hay không hẳn vì niêm luật. Những bài thơ của các vị Tam Khôi (Tam Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa) hẳn là rất đúng niêm luật. Nhưng những bài thơ ấy vị tất là những bài thơ hay ! Chứng cớ là sau những lần yết bảng, vua thường thiết yến đãi các quan tân khoa. các vị tam khôi đều có làm thơ lưu niệm. Nhưng cho đến nay thứ thơ lưu niệm ấy ít ai còn nhớ lấy dù chỉ một bài ! Vậy thì thơ hay không phải vì đúng luật. Chẳng qua chỉ là một lối thơ trong trường ốc thì phải câu nệ vào luật . Không thế thì làm sao mà chấm ? Luật để làm tiêu chuẩn cho mọi sự phê phán. Nhưng những người làm thơ hẳn là phải đồng ý với nhau rằng thơ muốn hay trước hết phải có hồn. Hồn thơ là cái duyên của thơ. Thơ không có hồn như người không có duyên. Vô duyên thì đẹp mấy cũng không ai chuộng ! Hồn thơ xuất phát từ sự chân thành, sự giản dị. Hít thở làm nên sự sống, nhưng hít thở phải không cầu kỳ, phải thật tự nhiên thật giản dị. Nằm có cách hít thở của lúc nằm, ngồi có cách hít thở của ngồi, đứng cũng thế. Ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, cho đến lục bát, song thất... mỗi thứ đều có một lối luật riêng... Lối thở của lúc đứng khác lối thở của lúc nằm. Luật thơ Lục Bát khác xa luật thơ Ðường. Nhưng vẫn là luật nghĩa là những phép tắc riêng giúp cho người thơ đạt được ý thơ. Cho nên cái tài tình của người thơ là biết phối hợp các thể thơ. Tôi xin mượn một bài thơ của Tản Ðà làm ví dụ. Tôi nghĩ Tản Ðà là một thi sĩ thượng thặng của Việt Nam. Ông là người thông thạo thập bát ban võ nghệ. Có nghĩa là lối thơ nào ông cũng rành cả. Cho nên trong một bài thơ ông phối hợp nhiều thể thơ, phối hợp một cánh rất tài tình, rất tự nhiên, đó là bài Cảm Thu, Tiễn Thu, Ông mở đầu bằng:

Từ vào thu đến nay:
Gió thu hiu hắt,
Sương thu lạnh
Trăng thu bạnh
Khói thu xây thành.
Lá thu rơi tụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.
Nhạn về én lại bay đi,
Ðêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm.
Lá sen tàn tạ trong đầm,
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.
Sắc đậu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương.
Nào người cố lí tha phương,
Cảm thu ai có tư lường hỡi ai?

Nào những ai:
Bảy thước thân nam tử,
Bốn bể chí tang bồng
Ðường mây chưa bổng cánh hồng,
Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu mi.

Nào những ai:
Sinh trưởng nơi khuê các,
Khuya sớm phận nữ nhi,
Song the ngày tháng thoi đi,
Vương tơ ngắm nhện nhỡ thì thương hoa.

Nào những ai:
Tha phương khách thổ
Hải giác thiên nha,
Ruột tằm héo, tóc sương pha,
Góc phần trạnh tưởng quê nhà đòi cơn.

Nào những ai:
Cù lao báo đức
Sinh dưỡng đền ơn
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn,
Giàu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!

Nào những ai:
Tóc xanh mây cuốn
Má đỏ hoa ghen
Làng chơi duyên đã hết duyên
Khúc sông trăng dãi con thuyền chơi vơi!

Nào những ai:
Dọc ngang trời rộng,
Vùng vẫy bể khơi
Ðội trời đạp đất ở đời
Sa cơ thất thế quê người chiếc thân.

Nào những ai:
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi.

Thôi nghĩ cho:
Thu tự trời,
Cảm tự người.
Người đời ai cảm ta không biết!
Ta cảm thay ai viết mấy lời.

Thôi thời:
Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui,
Chỉ để khách đa tình đa cảm,
Một mình thay cảm những ai ai!

Bài thơ bắt đầu bằng câu ngũ ngôn, rồi xuống câu tam ngôn, tứ ngôn, rồi tiếp theo là lục bát. Không ai băn khoăn hỏi đây là thể thơ gì ? Bởi nó rất thơ, ngũ ngôn thì ra ngũ ngôn, rồi chuyển đến tam tứ ngôn, đều tự nhiên như thế cả.

Bài Tống Biệt :

Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một phút trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Ðá mòn rêu nhạt
Nước chảy huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động
Ðầu non
Ðường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...

Bài này không thể nói là thể thơ gì nhưng có ai bảo nó không phải là thơ ?

Tôi nhớ đến một bài thơ khác của ông Hà Thượng Nhân trên báo Tựợ Do viết gởi ông Kémoularia đạii diện liên Hiệp Quốc. Vào ngày 27 tháng 8 năm 1959, Ủy ban Quốc Gia Việt Nam trước sự hiện diện của ông Kémoularia, đại diện đặc biệt của ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về năm những người tỵ nạn trên thế giới đã nhóm họp tại Sài Gòn.
Bài thơ dưới đây mà ông HTN đã viết để chào mừng vị sứ giả của tình thương ấy. Bài thơ tuy dài nhưng vẫn có tính chất thời sự, vì thế tôi xin chép lại nguyên văn:

Kính chào Kémoularia

Kính chào Kémoularia
Sứ giả tự do
Tiếng nói của con người đau khổ.
Chúng tôi ra đi
Vượt Trường Sơn hiểm trở,
Lấy tay yếu cản đè sóng dữ,
Không cần sống, chỉ cần dân chủ,
Tìm về thế giới tự do
Ở đâu áo ấm cơm no ?
Trăng Thu rung mãi tiếng hò nhặt khoan.
Chúng tôi khinh nguy nan,
Tìm tấm lòng cởi mở.
Lúc gặp nhau vui mừng hớn hở,
Dù mới quen như biết từ lâu.
Mời nhau này một miếng trầu,
Chuyền tay vê điếu thuốc lào cũng vui.
Chúng tôi đổ mồ hôi,
Nâng niu từng tấc đất,
Mỗi tấc đất là tấc lòng tấc ruột,
Là máu xương, là sự nghiệp ông cha.
Mà nay lìa cửa, lìa nhà,
Bởi say ánh sáng, chẳng thà thiêu thân.
Năm châu triệu triệu bước chân,
Của chúng tôi : Những người dân cần cù.
Ơi Tây Ðức mịt mù thăm thẳm,
Ơi Nam Dương ngàn dặm, héo hon !
Bốn phương giang mắc núi non,
Lưới nào bủa được cánh con chim trời ?
Ơi Tây Tạng, những lời nói ngọt,
Tại làm sao chẳng lọt vào tai ?
Ơi Hung Gia Lợi anh tài,
Nắm tay thành bức tường dài : chúng ta,
Kính chào Kémoularia,
Kính chào Liên Hiệp Quốc.
Phẩm giá con người từ lâu nhơ nhuốc,
Chúng tôi đi để chuộc lấy linh hồn.
Rồi những bình minh, rồi những hoàng hôn,
Chợt tỉnh lại ngoảnh về đất Bắc,
Thương cha mẹ đày trong gót giặc,
Nhớ từng lối cỏ bờ tre,
Mùa nào lúa chín đỏ hoe,
Mùa nào gió trở se se, hỡi mình ?
Nếu lấy sống làm vinh,
Chúng tôi không sống nhục.
Chỉ có một cực hình,
Là cúi đầu gục mặt.
Chúng tôi đi, bởi không cam què quặt,
Không học theo lang sói sủa quân thù,
Rạch Cái Sắn thành khoai, thành đỗ,
Rừng cao nguyên thành lúa, thành cơm,
Ðánh tranh gìn giữ cọng rơm,
Ở đây tưởng thấy mùi thơm quê nhà.
Ơi Kémoularia !
Biết lấy chi làm quà,
Trao vào tay sứ giả ?
Xin cho gửi niềm thống khổ,
Mồ hôi nước mắt tin yêu.
Xin cho gửi lời chào,
Những ai cùng cảnh ngộ,
Tiếng nói chúng tôi dù rằng bé nhỏ
Nhưng là tiếng nói can trường.
Nhờ tình yêu dẫn lối đưa đường
Hòa trong tiếng những người “đồng chí”.
Chúng tôi viết giữa không gian hùng vĩ,
Giữa lòng thế kỷ hai mươi :
“Chúng tôi là người,
Chúng tôi muốn làm người.”
Hỡi Kémoularia,
(trích trong tập thơ CHÂN TÂM do Ðỗ Kế Hoàn sưu tập trang 23)

Bài thơ này không viết theo một thể thơ nhất định nào. Nó là phối hợp nhiều thể thơ nhưng là một bài thơ.
Và sau đây là một bài Thất ngôn bát cú :

NGÔNG
Quay ngựa xích thố buộc khóm trúc
Ném gươm long tuyền về non Tây
Chí thôi đã lỡ, kệ binh lửa,
Danh vốn không màng, mặc cỏ cây.
Gà chó đôi con năm tháng rộng
Ruộng vườn dăm khoảnh gió trăng đầy
Buông câu, xốc áo quay nhìn vợ:
Trời đã chiều chưa? Ta đã say!

H TN

Câu đầu toàn vần trắc đến câu hai toàn vần bằng, bài thơ thật hay phá cách thật tài tình. Ông cũng đáng danh là một “đại gia thơ” trong làng thơ Việt Nam.

Như vậy thì thể thơ là một cách nói. Gần đây Bà Vi Khuê có viết một bài thơ. Mới đọc qua tưởng là luật Ðường. Nhưng theo tôi, đó là bài thơ “có vẻ” là luật thế thôi. Bài thơ như sau :

Bà Huyện Thanh Quan

Một tấm lòng hoa nặng nỗi niềm
Niềm non nỗi nước, mảnh tình riêng
Trong cơn gió bụi chìm hương lửa
Giữa cảnh phong ba lạnh mối giềng
Cung báo quốc não nùng điệu quốc
Giọng thuyền quyên khắc khoải lời quyên
Dừng chân đứng lại, ngùi trông lại
Ðể lại lời thơ vạn cổ truyền

Câu 5 có vẻ không đúng luật, nhưng nhịp của hai câu thơ ấy rõ ràng không còn là nhịp thơ của luật thơ nữa. Cho nên ta vẫn thấy thuận tai. Câu thơ vẫn đứng vững bởi nó đã chuyển qua nhịp thơ Song Thất (nhịp ba).Muốn phá được như thế, trước hết phải nắm vững luật thơ nói chung và dĩ nhiên tài năng phải vào bậc thượng thừa.
Lý Bạch, Thôi Hiệu, Ðỗ Phủ, Nguyễn Du... là những thi sĩ thượng đẳng, những đại gia trong làng thơ. Nhưng bài Anh Vũ Châu của Lý bạch, bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, bài Khúc Giang của Ðỗ Phủ thất niêm và Ðộc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du cũng thất niêm :
Chưa ai làm thơ nhiều bằng Lý bạch, Thơ đối với ông là không khí. Ông xử dụng nó tự nhiên như hít thở khí trời.
Lý Bạch, tổ sư của thơ, người đời thường gọi ông là Trích Tiên, ông cũng có những bài thơ không chú trọng tới niêm luật :

Anh Vũ Châu

Anh Vũ lai quá Ngô giang thủy
Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh
Anh Vũ tây phi lũng sơn khứ
Phương châu chi thụ hà thanh thanh
Yên khai lan điệp hương phong noãn
Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh
Thiên khách thử thời đồ cực mục
Trường châu cô nguyệt hướng thùy minh

Dịch Nghĩa:

Chim Anh vũ xưa bay đến sông Ngô
Bãi trên sông mới truyền lại tên Anh Vũ
Chim anh vũ đã bay về Tây qua núi Lũng
Bãi thơm cây xanh biếc làm sao !
Khói toả ra từ lá cây lan làm gió thơm nổi dậy
Bờ liền với hoa đào, sóng gấm sinh
Lúc ấy người đi đày trông hoài cõi xa
Trên bãi dài mảnh trăng cô đơn còn soi sáng cho ai

Dịch Thơ:

Bãi Anh Vũ

Sông Ngô anh vũ xưa qua đó
Anh vũ thành tên gọi đến giờ
Anh vũ về đây qua núi Lũng
Bãi thơm cây cối những xanh mờ !
Mùi hương lan diệp lừng trong khói
Sóng gấm đào hoa gợn sát bờ
Thiên khách trông vời thôi cũng uổng
Ðợi ai trăng bãi luống bơ vơ !...

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Hay :

Nhãn tiền hữu ảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu

Hay là :

Ðộng Ðình Hồ tây thu nguyệt huy
Tiêu tương giang bắc tải hồng phi
Túy khách mãn tiền ca Bạch Tử
Bất tri sương lệ nhạn thu y

Và :

Cố nhân tây hồ Hoàng Hạc lâu
Yên ba tam nguyệt há Dương Châu

Những câu trích ra trên đây, thất niêm, thất luật lung tung ! Lý Bạch lại không biết luật ư ? Biết mà vẫn không sửa, không cần sửa, bởi nếu ông ta sửa, câu thơ sẽ mất hay !
Những câu thơ hay của Hàn Mặc Tử, của Quang Dũng của Thâm Tâm cũng cần có luật đâu ? Vậy thì niêm luật không cần thiết ư ? ố Không cần thiết thì đặt ra làm gì, nghiên cứu làm gì ?
Xin thưa : niêm luật cần lắm chứ ! Nó giúp người ta rất nhiều để làm những bài thơ “khả thủ”, những tay đại bút thì không cần. Họ chính là luật, họ tạo ra luật. Muốn sáng tạo đương nhiên phải thông thạo nó. Chưa biết mà tấp tểnh phá luật là một điều buồn cười. Người phá luật phải rất thông thạo luật, cũng như người giỏi võ phải thông thạo mọi thế võ, khi đã thạo võ, xuất chiêu là thành võ đâu cần phải câu nệ ? Không một võ sĩ nào khi lên đấu mới nghĩ đến những miếng võ mình cần xử dụng. Lầu thông rồi, nó biến thành những cử chỉ tự nhiên như hơi thở , đi đứng.

Bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, là một trong những bài thơ hay trong hàng trăm hàng vạn bài thơ Ðường . Hoàng Hạc lâu, hay đến nỗi nhà thơ như Lý Bạch, bước đến Lầu Hoàng Hạc thấy thơ của Thôi Hiệu đề trên vách, liền quăng bút, không dám đề thơ nữa . Giai thoại là thế, Lý Bạch là thi tiên của đời Ðường, là người uống một đấu rượu làm một nghìn bài thơ (Lý Bạch, đấu tửu thi bách thiên). Theo giáo sư Nguyễn Xuân Vinh thì ông làm gần hai vạn bài thơ.

Hồng H?c Lạu c?a Thơi Hi?u nguyằn v?n nh? sau :


Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Tản Ðà đã dịch và cho đến nay vẫn được coi là bài dịợch hay nhất :

Lầu Hoàng Hạc

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Tản Ðà

Huệ Thu cũng có bài dịch :
(trong tập SCTÐ)

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?
Biết chăng Hoàng Hạc đây lầu trống trơn
Hạc bay rồi, đã bay luôn
Tầng cao mây trắng cứ vờn thiên thu
Hán Dương cây đứng gục đầu
Châu Anh bờ cỏ xanh màu nhớ thương
Sớm chiều nhắc mãi quê hương
Trên sông khói sóng giăng buồn trời ơi !




Và bài Khúc Giang của Ðỗ Phủ:

Triều hồi nhật nhật điển xuân y
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện
Ðiểm thủy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
Tạm thời tương tống mạc tương vi

Tản Ðà Dịch :

Sông Khúc

Khỏi bệ vua ra cố áo hoài
Bến sông say khướt, tối lần mai
Nợ tiền mua rượu đâu không thế ?
Sống bảy mươi năm đã mấy người ?
Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn
Chuồn chuồn rỡn nước lửng lơ chơi
Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi
Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.

Bản dịch của Tản Ðà

Câu thứ bảy thất niêm, chữ lưu phải là chữ trắc. Dĩ nhiên Ðỗ Phủ thừa biết như vậy. Ông thất niêm cố ý ! Hỏi tại sao ông lại cố ý thì lại là vấn đề khác.

Bài Ðộc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du cũng vậy :

Tây Hồ mai uyển tẩn thành khư
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần lân tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

Bài thơ viết theo luật bằng :

Tây Hồ mai uyển tẩn thành khư

Ðến câu thứ 7 tự nhiên tác giả chuyển qua luật trắc :
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

Trong làng thơ Quốc Âm, thơ thất niêm còn để lại cũng khá nhiều, thí dụ bài Vịnh Dế Duỗi của Tú Qui:

Kiến chẳng kiến voi chẳng voi
Ðời sanh dế duỗi cũng loi choi
Ngắn cánh lên trời không đủ sức
Có tay vạch đất cũng khoe tài
Mưa tuôn gió tạt lên cao ở
Lửa bỏng dầu sôi nhảy đến chơi
Quân tử có thương thời chớ phụ
Ðể cho bay nhảy thử mà coi

Bà Hồ Xuân Hương trong bài Ðèo Ba Dội câu đầu Hồ nữ sĩ đã phá luật:

Một đèo, một đèo, lại một đèo !
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm lum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Ðầm đìa lá liễu hạt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng cứ trèo

Trong bài Xướng họa với Chiêu Hổ :

Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày ?
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay !

Hay trong bài Khóc Tổng Cóc :

Chàng cóc ơi ! Chàng Cóc ơi !
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi !

Câu đầu của hai bài thơ Tứ Tuyệt mỗi câu chỉ có 6 chữ, theo luật vừa phá cách vừa thất niêm, không nhất tứ (theo niêm thơ tứ tuyệt : nhất tứ, nhị tam). Những phá cách của nữ sĩ họ Hồ khó ai bắt bẻ được, bởi thơ bà chữ nghĩa dùng quá hay và quá tài tình.

Những người còn quá câu nệ vào luật thơ thì nên nhớ câu này :

Tận tín thư bất như vô thư = tin hết vào sách thà đừng có sách còn hơn.

Học nhưng phải có sáng tạo nhưng muốn sáng tạo phải biết cho tường tận trước đã.
Bất kể cái gì cũng cần phải học, phải có nguyên tắc. Và cũng phải hiểu, chưa có một nguyên tắc nào là vẹn toàn ! Học như thế mới là học.

Như vậy những bài thơ thất niêm, thất luật còn được truyền tụng phần nhiều là của các bậc danh gia. Vậy thì: “Ðại gia văn chương bất câu niêm luật”ư ?
Sự thật, niêm luật đối với người đã thạo nghề chẳng khác những võ sĩ khi thượng đài không còn phải nhẩm lại các đường quyền phải múa thế nào cho đúng, chân tấn thế nào cho vững! Xuất chiêu dĩ nhiên là có thế võ rồi.
Thiết tưởng sự thất niêm thất luật kia là cố tình chứ không phải sơ ý .

Rất nhiều bài thơ nổi tiếng ở nước ta của Hàn mặc Tử, của Quang Dũng ... vừa thất niêm lại thất luật !( xin đọc phần phụ). Cho nên rõ ràng niêm luật chưa phải là thơ. Cứ câu nệ ở niêm luật chưa chừng thơ không còn là thơ nữa !

* Phần phụ Thêm :

Tôi nhớ trước đây tôi có trả lời chị NTND về một câu thơ của tôi chị cho là sai luật, trong bài :

Nhớ Quê Hương

Quê Hương. Trời ! Thao thức không tên
Một tiếng rao quà mới cất lên
Ðà Lạt mây xưa mờ trước cửa
Trại Hầm mận ngọt lịm nhà bên
Chép thơ trong lớp lòng ngơ ngẩn
Cởi áo qua cầu nổi nhớ quên !
Một chút nắng vàng trên lộ vắng
Rưng rưng ngày ấy thác Prenn .

Câu đầu chị NTND muốn tôi sửa lại vì bị “trật niêm luật” - Nhưng tôi trả lời câu thơ đó tôi viết như thế vì muốn chuyển nhịp...

- Nếu hiểu theo cách học của nhà trường lúc mới vỡ lòng về thơ thì câu ấy sai luật chứ không sai niêm. Muốn sai niêm phải sánh với câu dưới. Còn nếu muốn nói đã sai luật là kéo thêm niêm thì cũng không sao.
Tôi xin kể ra đây một số thơ của những thi sĩ lớn của Việt Nam cũng như của Trung Hoa viết sai luật, cả niêm nữa (Nói đúng hơn là phá niêm luật).

Như trên, trong bài Khúc Giang , Ðỗ Phủ viết :

Truyền ngữ xuân quang cộng lưu chuyển
Trong câu này chữ lưu phải là thanh trắc

Trong bài Hoàng Hạc Lâu Thôi Hiệu viết :

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Chữ thừa thất luật .

Thơ Việt Nam thì Hàn Mặc Tử viết :
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Chữ về thất luật.

Quang Dũng thì viết :
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Chữ luông thất luật.

Trong bài Tống Biệt Hành, Thâm Tâm viết:
Ðưa người ta không đưa qua sông

Cả một câu bảy chữ đều là thanh bằng.

Trong bài Ðộc Tiểu Thanh Ký, Nguyễn Du viết :

Phong vận kỳ oan ngã tự cư

rồi hạ xuống hai câu kết:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như

như thế là thất niêm.
Thật ra, người ta làm thơ trước khi biết luật; Nói được Việt ngữ chẳng hạn trước khi học ngữ phạm Việt Nam. Luật không phải do người sáng chế ra mà chỉ do người khám phá ra luật . Vậy thì luật do đâu mà có ? Luật là quy tắc chung của muôn loài muôn vật : như nước chảy xuống chỗ trũng ... Con người quan sát thiên nhiên, khám phá những quy luật của thiên nhiên, rồi quy củ hóa nó, điển chế nó để áp dụng vào thi ca, âm nhạc v... v...
Cái luật cốt tử của nó là luật điều hòa âm dương. Trong thơ, tiếng bằng là âm, tiếng trắc là dương. Mỗi câu thơ dù dài, dù ngắn, phải chia ra thành từng nhịp.
Người hơi có ý thức về thơ, đọc một câu thơ tất phải ngắt nhịp. Thường mỗi câu thơ chia ra làm ba nhịp.

Bây giờ hãy xin nói đến luật thơ Ðường Thi bát cú :

Mỗi bài có tám (8) câu, năm (5) vần, hoặc bốn (4) vần. Có hai thể : thể bằng và thể trắc.
Xin đơn cử một bài theo thể bằng :

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
v... v...

Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh.
Vậy thì chỉ có những chữ thứ 2, 4 , 6 phải theo luật bằng trắc như đã ấn định.
Luật ấy nếu viết tắt ra thì như thế này:

Thể bằng:
Chữ thứ Chữ thứ Chữ thứ
2 4 6
B T B
T B T
T B T
B T B
B T B
T B T
T B T
B T B


Thể Trắc :

Chữ thứ 2 Chữ thứ 4 Chữ thứ 6
T B T
B T B
B T B
T B T
T B T
B B B
B T B
T T T

Nhìn vào đó ta thấy, đếm theo hàng dọc :
B + TT + BB + TT + B

Vì bài thơ là thể bằng nên chữ thứ 2 của câu đầu là thanh bằng.
Nếu đếm theo hàng ngang thì :
B + T + B

Hễ giữa mà trắc, hai bên bằng là đúng luật. Còn đếm theo hàng dọc chữ thứ 2 của câu 1 + 8 giống nhau, chữ 2 của câu 2 + 3 giống nhau, chữ 2 của câu 4 + 5 giống nhau, chữ 2 của câu 6 + 7 giống nhau là đúng niêm.
Niêm luật ấy là chỉ dùng cho việc thi cử (để dễ có tiêu chuẩn mà chấm bài). Những bài thơ đúng luật nhất là những bài thơ của các vị đại khoa (các cụ Trạng, cụ Bảng, cụ Thám, cụ Nghè) khi làm để lưu niệm lúc ngồi ăn với vua. Những bài thơ ấy ngày nay có còn ai nhớ nữa đâu ! Nó chỉ đúng luật chứ chưa phải là thơ.
Những bài thơ mà tôi vừa nêu trên (như bài của Ðỗ Phủ là một bài luật thi hẳn hoi) mà vẫn thất niêm, thất luật. đâu có phải vì những người ấy không hiểu niêm luật.
Nếu chúng ta để ý nhận xét thì thấy thế này; từ tứ tuyệt đến song thất, đến luật thi, đến ca trù, đến thơ mới 8, 9 chữ.., tất cả chỉ có một luật, tất cả các luật đều giống nhau. Sở dĩ trong các sách giáo khoa người ta dạy thơ lục bát khác luật song thất v... v... để cho học trò dễ nhớ. Các thể thơ mà khác nhau là do nhịp thơ. Chính nhịp thơ (chữ cuối mỗi nhịp thơ là luật thơ, bắt buộc (nói bắt buộc là nói tương đối thôi) phải theo đúng bằng trắc còn tất cả tùy tiện muốn viết là bằng hay trắc cũng được. Ðây là tôi chỉ nói một cách sơ lược.

Vì thế trong câu thơ mà chị bảo là sai luật là tôi muốn chuyển nhịp câu thơ đang 2 + 2 + 3 thành 3 + 2 + 2 . Không phải là tôi bảo rằng có thể dùng thể thơ trộn lẫn song thất vào thể thơ thất ngôn. Ấy là tôi nhìn vào cái lý cuối cùng của luật : tạo ra quân bình thoải mái cho câu thơ. Mong sẽ còn lãnh thêm ý kiến của chị và các bạn thơ .

Ở trên tôi đã viết tất cả các thể thơ đều chung một luật : ấy là luật quân bình âm dương. Luật ấy là căn cứ ở những chữ cuối nhịp cửa mỗi câu thơ mà định. Chỉ có 3 chữ ở cuối các nhịp là chữ Luật nghĩa là phải viết đúng theo công thức T (nhịp 1) bằng (nhịp 2) T (nhịp 3) hoặc ngược lại: B (nhịp 1) Trắc (nhịp 2) B (nhịp 3) nghĩa là hễ chữ cuối ở nhịp thứ 2 là trắc thì chữ cuối của nhịp 1 và 3 phải bằng.

Tôi xin chứng minh :
Thể Lục Bát

Trăm năm (B) trong cõi (T) người ta (B)
Chữ tài (B) chữ mệnh (T) khéo là (B) ghét nhau (B)

Bởi câu 8 có 4 nhịp, 2 nhịp 3 và 4 cùng là bằng nên 2 chữ bằng 1 phải có dấu huyền (là) và một chữ không có dấu. Nhịp thơ của thơ lục bát là nhịp 2 - Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có luật lệ như câu :

Mai cốt cách (T) / tuyết tinh thần (B)
Câu thơ này nhịp 3 . Ðã vậy thì cuối nhịp 1 phải là trắc. Thơ lục bát có những biến thể :

Biến thể 1 :
ví dụ ta viết (đây chỉ là ví dụ):

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ mệnh khéo là ghét bỏ chữ duyên

Vần đáng lẽ ở chữ thứ 6 ở câu 2 thì ở đây lại gieo vào chữ thứ 4 . Khi ấy chữ cuối của các nhịp thơ sẽ đổi là nhịp 1 (chữ thứ 2) T, chữ thứ 4 (B), chữ thứ 6 (T) và chữ thứ cùng là bằng thì chữ vần phải có dấu huyền và chữ thứ 8 thì không .

Biến thể 2:
ví dụ :

Nước trong xanh lơ lửng cái con cá vàng
Cây ngô, bây giờ mà cành bích con chim phụng hoàng nó đậu cành trên .

Dù số chữ trong câu có dài hơn nhưng đọc lên câu trên vẫn có 3 nhịp và câu dưới có 4 nhịp . Ðó là 1 kiểu thơ của dân gian cho nên số chữ có thể linh động thêm bớt. Tuy nhịp thơ thì vẫn y nguyên . Nhịp thơ căn cứ vào đâu mà biết ? Thưa: - do linh tính. Ðọc lên là biết liền. Nếu đọc không đúng nhịp thì sẽ thấy trúc trắc .

Luật thơ song thất lục bát :
ví dụ :

Trải vách quế (T)gió vàng (B) hiu hắt (T)
Mảnh vũ y (B) lạnh ngắt (T) như đồng (B)
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má hồng

Luật thơ là : T (quế) B (vàng) T (hắt)
B (y) T (ngắt) B (đồng)
Chữ bằng ở cuối nhịp 1 không có dấu huyền thì chữ thứ 7 bắt buộc phải có. Ta nhìn rõ thì câu thơ theo đúng luật âm dương: giữa bằng thì hai bên trắc và ngược lại.

Thơ mới:
ví dụ :

Ðây là quán / tha hồ / muôn khách đến /
Ðây là bình / thu hợp / trí muôn hương /
Ðây là vườn / chim nhả hạt / mười phương
Hoa mật ngọt / chen giao / cùng trái độc /
Ðôi giếng mắt / đã chứa trời / vạn hộc /
(Xuân Diệu)

Nhịp của các câu thơ 8 chữ có thể là (theo các câu trên)
3 + 2 + 3
3 + 2 + 3
3 + 3 + 2
3 + 2 + 3
3 + 3 + 2
(nghĩa là có thể linh động)

Luật thơ : căn cứ vào các chữ cuối nhịp, ta có :

Câu 1 Quán (T) hồ (B) đến (T)
Câu 2 hình (B) hợp (T) hương (B)
Câu 3 vườn (B) hạt (T) phương (B)
Câu 4 ngọt (T) giao (B) độc (T)
câu 5 mắt (T) trời (B) hộc (T)

Nó đã đi vào luật ban đầu :
Giữa Bằng 2 bên trắc
Giữa Trắc 2 bên bằng

Hát nói:
Ví dụ :
Mới ngày nào / đã biết / cái chi chi
Mười lăm năm / thấm thoát / có ra gì /
Ngoảnh mặt lại / đã tới kỳ / tơ liễu .

Căn cứ vào những chữ cuối nhịp ta có :

nào (B) biết (T) chi (B)
năm ( B) thoát (T) gì (B)
lại (T) kỳ (B) liễu (T)

Cũng vẫn luật : giữa Trắc 2 bên Bằng và ngược lại câu 2, chữ cuối nhịp 3 cũng bằng nhưng không dấu .

Ðây là những hiểu biết thô thiển của tôi về phá cách trong luật thi , xin các quý vị cao minh cho thêm ý kiến để học hỏi thêm.

Huệ Thu
2008
 
(bài được nick Bối Diệp post tại thế giới người Việt. Net tại link sau  http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?p=2324)

Ta nắm tay nhau, hai chiếc mặt nạ
Cũng chỉ là một nửa cuộc đời
Không tiếng khóc, không nụ cười
Tay lần giở những lớp đời, mãi lạ!



HanSiNguyen
  • Số bài : 1246
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 27.04.2008
  • Nơi: 3rd Planet
RE: Những phá cách tài tình trong thơ - 02.07.2008 07:12:50
Cám ơn bạn TrieuAm đã đăng lại một bài viết lý thú của tác giả HUE THU
Đọc bài viết này cảm giác y hệt như nhấm nháp một ly cafe ngon , dẫu đắng một chút nhưng vị thật ngọt ngào, cảm xúc khó tả... Welldone !
====================================================
 
THƠ TỰ DO HIỆN ĐẠI
-Hàn Sĩ Nguyên-
 
Nếu Thơ Mới ra đời vào khoảng năm 1932, và phát triển như vũ bão trong khoảng 2 thập niên, để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học, thơ ca Việt Nam, với những cái tên lẫy lừng như TTKH, Thâm Tâm, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính v.v...., thì khoảng 23 năm sau, vào năm 1955, trên các thi đàn Việt Nam bắt đầu thấy xuất hiện một thể thơ , mới hơn cả thơ mới nữa, với tên gọi là ... Thơ Tự Do.
 
Thật ra, có thể nói Thơ Tự Do xuất hiện từ rất sớm ở các quốc gia phương Tây : Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nga v.v...và bùng phát mạnh mẽ từ sau Thế Chiến thứ hai, như là một cách giải thoát những uẩn ức, những cô đọng, những chất chứa, được tích luỹ trong thời tao loạn. Tất cả những tích luỹ ấy dồn ép ra thành thơ ca dưới dạng phóng túng nhất của ngòi bút : Thơ Tự Do, với tất cả những phá cách tiêu biểu, như thể là một sự giải phóng của tâm hồn khỏi ách áp bức của những lệ luật, vần điệu cũ vậy.
 
I-Những đặc trưng nổi bật của Thơ Tự Do :
 
1-Về mặt hình thức :
 
-Số chữ trong mỗi câu không hạn định : ít nhất một từ, và nhiều thì có thể trên một chục từ.
-Số câu cũng không hạn định, và không chia ra thành khổ 4 câu như cũ nữa
-Không có những khái niệm về Niêm , Luật, Đối .
-Về Vần : cũng không có một luật lệ cố định nào. Nói chung là vần muốn gieo ở đâu cũng được cả.
 
2-Về mặt nội dung :
 
-Thường có nhiều âm thanh, hình tượng, màu sắc đa dạng và phong phú, biểu thị bởi những cách dùng từ hết sức mới lạ, mang tính cách tân, không hàm chứa những hình ảnh cũ kỹ sáo mòn, như trăng vàng, hồ thu, giọt sầu, Tương giang, Dịch thuỷ ....nữa. Thậm chí những từ chỉ các cơ quan sinh dục, các bộ phận thân thể nhạy cảm của cả nam lẫn nữ, những vật thể bình thường hay tầm thường của cuộc đời (gốc cây, hòn sỏi,....), những sinh vật bé bỏng, li ti, gớm ghiếc (theo quan điểm cũ) như ruồi, nhện gián, nhặng .... cũng thấy sử dụng, miêu tả thường xuyên
 
-Thường có những khái niệm trừu tượng, siêu thực , hoang tưởng, phi vật thể, đôi khi quái dị, đan xen vào nhau thay thế cho những hình tượng cụ thể quen thuộc cũ
 
-Lời kết đôi khi, hoặc thường khi được bỏ ngỏ, không tròn trịa, có đầu có đuôi như thơ cũ. Để tuỳ người đọc muốn kết luận ra sao thì ra, hoặc hình dung tiếp theo hướng nào cũng được cả.
 
-Ý thơ thì hết sức đa dạng, không gò gẫm trong bất cứ một khuôn khổ nào, một cách phối trí cố định nào. Nhưng đa phần đều đề cập đến những vấn đề cốt lõi của nhân sinh, của kiếp người. Cũng vẫn trăn trở đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi muôn thuở : Người là ai ? Từ đâu đến ? Sẽ về đâu ? Sống ở đời này để làm gì ? Cõi cực lạc, an bình ở chốn nào ? Đi đường nào để tìm về những cội nguồn hoan lạc ấy ? Người cư xử với người như thế nào cho phải cách ? Quan hệ giữa vô biên và bản ngã là thứ quan hệ gì ? Có hay không có mối quan hệ ấy ? Và thật ra thì có vô biên hay không ? v.v....
Những chủ đề cao siêu như vậy, cách thể hiện lại khác thường, nên Thơ Tự Do thường được hiểu một cách đơn giản và sai lầm như là một loại thơ rối rắm, tối nghĩa, khó tiếp thu, khó nhận thức, khó cảm thụ, khó đọc, và khó nhớ. Thật ra thì không phải như vậy !
 
II-Thơ Tự Do dễ viết hay khó viết ?
 
Từ những đặc trưng của thể loại Thơ Tự Do nêu trên , có thể rút ra được một số kết luận như sau :
 
1-Một là, Thơ Tự Do rất dễ viết :
 
Thậm chí dễ viết đến nỗi ai viết cũng được, chỉ cần là tay ngang, amateur, tài tử, nghiệp dư cũng viết được Thơ Tự Do một cách dễ dàng
Có nhiều nhà thơ nghiệp dư, mỗi ngày có thể sáng tác được hàng chục, thậm chí hàng vài chục bài thơ tự do (!), một cách vô cùng thoải mái, mà khỏi cần mất công học hỏi Thi Pháp, vần luật, tiết tấu gì hết (!).
Chỉ cần mỗi một điều là có hứng, là cao hứng, nghĩ một đề tài nào đấy, và cứ để xuôi dòng tư tưởng, mạnh tay phóng bút. Viết xong cũng chẳng cần phải mất công gọt giũa bao giờ (!)
 
Tóm lại : Thơ Tự Do rất dễ viết.
 
Nhưng cũng chính vì sự dễ dàng ấy mà thường là người viết chỉ cho ra những sản phẩm loại hai, loại ba, hoặc sản phẩm dạng thô mà thôi. Hiếm khi thấy được một bài Thơ Tự Do đạt tính biểu cảm cao độ, và cũng hiếm khi thấy được những bài Thơ Tự Do hoàn chỉnh. Hiếm, nghĩa là vẫn có, nhưng hoạ hoằn lắm mới có vậy.
 
2-Hai là, viết Thơ Tự Do cho hay là rất khó : thậm chí vô cùng khó. Tại sao ?
 
Thật không dễ trả lời câu hỏi này, cũng không dễ trình bày khái niệm này để ai cũng có thể quán triệt xuyên suốt, nhưng có thể tóm tắt gọn gàng như sau : Thơ Tự Do là thành tựu của thi ca hiện đại, là hội tụ của tất cả những gì cổ điển và cổ điển nhất, từ đó mà đưa đến những cách tân, vượt ra ngoài mọi thủ tục, mọi trình tự, mọi lề luật. Do đó, Thơ Tự Do là đỉnh cao thâm nghiêm nhất, vòi vọi nhất, mà người viết muốn viết thành công, không thể không hao tổn công phu, khó nhọc vậy
Người xưa nói :”Nghề chơi cũng lắm công phu”.
Không thể có cái gì ít tốn công sức mà lại đạt thành tựu to lớn một cách dễ dàng được cả.
 
Có thể dùng một số hình ảnh thí dụ để dễ so sánh, dễ hiểu hơn như sau :
Theo ngôn ngữ kiếm hiệp của KIM DUNG, nếu ai có đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ, sẽ thấy Kim Dung đưa ra quan điểm “Vô chiêu thắng hữu chiêu”. Trong đó, ông lập luận rằng :
 
-Cấp 1 : Những người không biết gì về võ nghệ, khi đánh nhau chỉ có thể đạt mức đánh ... võ rừng, nghĩa là đánh ... loạn xạ, không đâu ra đâu cả, và tất nhiên là hiệu quả sẽ không cao.
-Cấp 2 : Đối với những người đã dày công học tập, rèn luyện võ nghệ, thì mỗi khi ra đòn đều đúng theo chiêu thức, phương pháp. Tất nhiên hiệu quả đạt được sẽ cao hơn gấp bội.
-Cấp 3 : Ở trình độ võ nghệ thượng thừa, sau khi trang bị trong mình đủ các loại võ công, bí kíp, người ra đòn lại đánh theo kiểu “vô chiêu”, nghĩa là chẳng cần chiêu thức nào hết, nhưng mỗi khi vung tay cất chân, đều tự nhiên theo đúng phép tắc tinh luyện, những đòn đánh thì cứ như thể là mây trôi nước chảy vậy. Tất nhiên hiệu quả của “vô chiêu” hơn hẳn “hữu chiêu”.
 
Đem khái niệm này áp dụng vào Thi ca có thể hiểu được dễ dàng :
 
-Người không biết gì về Thi Pháp, Vần Luật, Tiết Tấu giống như người không biết võ, khi làm thơ (bất luận thơ gì) sẽ chỉ đạt hiệu quả của nhóm cấp1.
 
-Những người làm thơ cổ , thơ Lục bát, thơ Đường, thơ Mới , đều phải học tập và nắm vững những quy luật về Thi Pháp, Vần Luật, Tiết Tấu của mỗi loại thơ. Có thể coi như nhóm cấp 2.
 
-Còn những người sau khi hiểu rõ các quy luật nói trên, quay trở lại làm Thơ Tự Do, chẳng khác nào những võ sư cao thủ sử dụng vô chiêu vậy. Hiệu quả sẽ rất ghê gớm. Đó là nhóm cấp 3 vậy.
 
Vì vậy, Thơ Tự Do tiếng rằng tự do, không theo quy luật nào cả, nhưng lại là loại thơ khó nhất, dễ viết thật, nhưng viết cho hay lại là ... khó nhất. Và đương nhiên, đây không phải là thể loại dành cho những người mới nhập môn như thường được dân gian hiểu lầm. Có thể nói, chỉ những ai lăn lộn với Thi Ca lâu ngày chầy tháng, mới hy vọng có thành tựu với Thơ Tự Do mà thôi.
 
 
III-Một bài “Thơ Tự Do hay” đòi hỏi những gì ?
 
1-Phải tinh gọn :
 
-Không được thừa những gì “dư thừa”, tuyệt đối tránh những từ “thì, và, là, mà, cũng, vẫn, để, nhưng, vì, vì thế, dù, dẫu ....v.v.....”
 
-Không được trùng lặp về cả từ lẫn ý ( Xin lưu ý là Điệp Ngữ là một thủ thuật Mỹ từ pháp như ánh sao trên trời, còn Trùng lặp chỉ là một cách diễn đạt tầm thường , như chân vịt trên mặt bùn vậy : Cả hai thứ “sao trên trời” và “chân vịt trên mặt bùn” đều có 5 cánh, nhưng khác nhau nhiều, nhiều lắm !!!)
 
-Không sử dụng những từ “lạc lõng” trong một tổng thể thống nhất.
 
2-Phải phong phú :
 
-Không được thiếu những thứ không thể thiếu : hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ẩn dụ, dẫn suy v.v....
 
-Phải phối trí hài hoà trong một bố cục linh động không định trước
 
-Những hình ảnh, âm thanh, màu sắc ấy khó hơn nữa, không chỉ là những hình ảnh, âm thanh, màu sắc thông thường, mà còn phải là biểu tượng cho một khái niệm trừu tượng, vô hình, siêu thực nào đó nữa (Con nhện, chẳng hạn, không những là một con nhện ..., mà còn phải đại diện cho một ý tưởng nào đấy phù hợp với mạch thơ nữa !)
 
3-Âm thầm đòi hỏi một tiết tấu phù hợp với bài thơ, ý thơ :
 
-Tiết tấu nhanh chậm, hoặc thúc hối, hoặc thư thả : mỗi tiết tấu đòi hỏi một thủ pháp riêng biệt.
 
-Tiết tấu liền lạc, du dương : Dù không có quy tắc cố định về vần (gieo vần ở đâu cũng được, tuỳ ý người viết), nhưng tính chất của một bài thơ vẫn âm thầm đòi hỏi phải có tiết tấu liền lạc, du dương. Nghĩa là các câu vẫn phải ăn vần với nhau ở ... chỗ thích hợp (!). Chỗ nào là ... chỗ thích hợp ? Chỉ những người có năng khiếu về thơ ca, hoặc những người đã từng lăn lóc với thơ nhiều năm mới biết được chỗ nào là chỗ thích hợp nhất để gieo vần mà thôi ! Và điều này cũng chẳng có một nguyên tắc nào để tổng kết được cả, thường là chỉ dựa trên ... “cảm nhận” mà thôi.
 
-Tiết tấu bổng trầm : Để câu thơ không vấp phải lỗi “khổ độc” (khó đọc) , cũng như để đạt được mức độ “êm tai, thánh thót”, mỗi câu thơ dù không tuân theo quy luật nào đi nữa, vẫn phải âm thầm chấp nhận quy tắc “DẠNG SÓNG”, tức “HÌNH SIN”, nói theo kiểu cũ thì đó là luật “Nhị Tứ Lục đảo thanh phân minh”. Nghĩa là nếu chữ thứ hai vần Trắc, thì chữ thứ tư vần Bằng, chữ thứ sáu lại vần Trắc; và ngược lại
 
IV-Phân Loại các thể loại Thơ Tự Do
 
Dù là dựa trên hình thức hiển thị hay nội dung hàm chứa, thì Thơ Tự Do nói chung có thể tạm phân chia thành 3 loại :
-Thơ Tự Do hướng cổ điển
-Thơ Tự Do hướng hiện đại
-Thơ Tự Do hướng tạp lục
 
1-Thơ Tự Do hướng cổ điển :
 
(Còn tiếp)
Hàn Sĩ Nguyên
Ngày tháng đong đưa đời gió bụi
Mặc ai xa mã chốn gian trần.
www.youtube.com/user/hsn2k3 

Trạc Tuyền
  • Số bài : 1370
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.03.2008
  • Nơi: hư vô
RE: Những phá cách tài tình trong thơ - 02.07.2008 21:41:25
   Rõ khổ mấy bài viết hay như thế này sao không đăng sớm để đến nỗi có người chê thơ người ta thế này thế nọ. Họ cứ tưởng nắm được tý "niêm luật" đã là nhà phê bình thơ.
   Bần tăng cảm ơn các thí chủ đã mở rộng tầm mắt, soi sáng cho mọi người./.
   Đã yêu thơ cứ thỏa sức viết theo cảm hứng của mình, hay thì mọi người thưởng thức chung, chưa hay thì làm tiếp, có công mài bút có ngày lên thơ. Xin mạo muội./.
 (Chạt Tiền thiền sư)

v.vantu
  • Số bài : 41
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 17.01.2008
RE: Những phá cách tài tình trong thơ - 03.07.2008 15:12:24
Bài viết của các bạn rất hay và bổ ích.Mong được đọc tiếp bài của các bạn..
vuvan

lá chờ rơi
  • Số bài : 6916
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 29.06.2005
  • Nơi: 6 tháng bên đông 6 tháng đoài
RE: Những phá cách tài tình trong thơ - 10.07.2008 20:00:23
Góp ý về thơ phá cách

Bài góp ý này chỉ nói đến sự “phá cách” trong thơ Bát Cú Đường Luật.

Cách biên soạn ra Ðường Luật :

Về việc soạn ra Ðường Luật, chắc mọi người đều đồng ý với Quách-Tấn trong phần trích dẫn sau đây :

[Ðường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng Thơ.]
(trích Thi Pháp Thơ Ðường của Quách-Tấn, trang 38)

Đây là Quách-Tấn với cái nhìn tổng quát, thấy việc phải làm trên nguyên tắc.

Nhưng khi vào thực tế của trường ốc, nếu gặp khó khăn trong sự « đúc kết, điển chế » cho thật sít sao với nguyên tác rất là đa dạng, thì cũng phải chọn một giải pháp nào đó đơn giản hơn. Để mà có thể chấm thi. Như trong bài viết của Huệ Thu :

. . . . . . một lối thơ trong trường ốc thì phải câu nệ vào luật . Không thế thì làm sao mà chấm ? . . . . . .

Phải chăng đó là cái lý do khiến cho Niêm Luật áp dụng trong khoa cử và hiện được đại đa số người chơi thơ Đường áp dụng, lại không bao gồm được hết những bài thơ nổi tiếng của các thi hào thi bá đời Đường ?

Về những bài thơ bị gọi là « phá cách » :

Những bài thơ nằm ngoài bộ Niêm Luật khoa cử lại rất nhiều. Do đó nên giới bảo vệ bộ Niêm Luật khoa cử cố tìm một giải thích.

* một số thì cho đó là sự « phá cách » của các đại thi hào, với câu « đại gia văn chương bất câu Niêm Luật ».
* một số khác thì tìm cách gán ép cho đó là loại thơ « cổ phong ».

Sự « phá cách » của các đại thi hào không được đa số công nhận :

Về sự « phá cách » của các đại thi hào, rất nhiều người thấy là vô lý, vì có quá nhiều.

Quách-Tấn vẫn gọi những bài ấy là thơ « thất niêm », nhưng không đồng ý với quan niệm ấy nên ông giải thích :

’’ Có người trông thấy những bài thơ Thất Niêm Thất Luật phần nhiều là của các danh gia, cho nên bảo « Ðại gia văn chương bất câu Niêm Luật ». Sự thật, niêm luật đối với người đã thạo nghề chẳng khác những đường mòn trong xóm đối với người địa phương, muốn đi cho đúng có khó khăn gì. Thiết tưởng sự Thất Niêm Thất Luật kia là cố tình chớ không phải sơ ý. Tất có lý do. Nhưng dù chi chi đi nữa, chúng ta - kẻ hậu học - vẫn không nên bắt chước.’’ (trích Thi Pháp Thơ Ðường của Quách-Tấn, trang 168)

Quách-Tấn bảo « việc ấy tất có lý do » nhưng cũng không thấy cái lý do, mà chỉ khuyên ta không nên bắt chước.

Sự gán ép gọi là thơ Cổ Phong cũng khó được chấp nhận :

Trong sự gán ép gọi những bài thơ ngoài bộ Niêm Luật khoa cử là thơ Cổ Phong, người ta dùng bài « Vịnh Dế Duỗi » của Tú Quỳ làm mẫu. Sự thiếu lý rất là rõ ràng như sau :

Bài « Vịnh Dế Duỗi » có câu đầu viết theo cách « lục ngôn thể » là :

Kiến chẳng kiến, voi chẳng voi

Ý tác giả muốn nói rằng con dế duỗi chẳng nhỏ như con kiến, mà cũng chẳng to như con voi.

Người ta thêm vào một chữ « phải » :

Kiến chẳng phải kiến voi chẳng voi

khiến cho ba chữ nhì tứ lục đều là Trắc. Trong khi đó nếu muốn thêm cho đúng ý tác giả thì phải viết là :

Kiến chẳng kiến voi chẳng voi

và câu thơ sẽ có ba chữ nhì tứ lục phân minh.

Sau đây là nhận xét từng câu của bài thơ Vịnh Dế Duỗi được dùng làm mẫu cho thơ Cổ Phong :

VỊNH DẾ DUỖI

Kiến chẳng phải kiến voi chẳng voi          - lục ngôn thể bị thêm vào chữ « phải »
Ðời sanh dế duổi cũng choi choi            (nhì tứ lục phân minh, dùng chung vần
Ngắn cánh lên trời không đủ sức )        - nhì tứ lục phân minh, đối tốt
Co tay vạch đất cũng khoe tài     )        - nhì tứ lục phân minh, dùng chung vần
Mưa tuôn gió tạt lên cao ở                    }        (nhì tứ lục phân minh, đối tốt
Lửa bỏng dầu sôi nhảy đến chơi   }        (nhì tứ lục phân minh, dùng chung vần
Quân tửthương thời chớ phụ            - nhì tứ lục phân minh
Ðể cho bay nhảy thử coi.                - nhì tứ lục phân minh, dùng chung vần
Tú Quỳ

Đây đúng là một bài thơ Đường Luật, vì trong mỗi câu các chữ nhì tứ lục đều phân minh, hai cặp 3-4 và 5-6 đối nhau chỉnh tề, toàn bài chỉ dùng có một vần, và chỉ dùng 8 câu. (Chỉ khác có phần Niêm sẽ đề cập đến sau.)

Còn thơ Cổ Phong theo định nghĩa thì phải là :

- toàn bài có thể dùng 6, 8, 10, 12 câu (vậy tại sao không chọn bài mẫu khác hơn 8 câu ?)
- toàn bài có thể dùng nhiều vần (vậy tại sao không chọn bài mẫu có hơn một vần ?)
- không cần phải đối (vậy tại sao không chọn bài mẫu không có đối ?)
- không cần theo Niêm Luật (vậy tai sao không chọn bài mẫu với nhì tứ lục chẳng phân minh ?

Tóm lại bài Vịnh Dế Duỗi hoàn toàn không phải là thơ Cổ Phong. Mà chỉ là một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật. Chỉ có việc là nó dùng một phép Niêm không giống với phép Niêm của giới khoa cử mà thôi.

Đúng là Phá Cách hay không ?

Những bài thơ bị gọi là « Phá Cách » vẫn sẽ thấy là trúng cách nếu ta coi bài Bát Cú là hai bài thơ Tứ Cú hay Tứ Tuyệt, một trên một dưới.

Niêm và Luật của thơ Thất Ngôn Tứ Cú hay Tứ Tuyệt :

Loại thơ này có hai cách Niêm :

Cách 1/ Niêm câu 1 với câu 3 và câu 2 với câu 4, ví dụ :

VỊ THÀNH KHÚC

Vị thành triêu ấp khinh trần
Khách thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương Quancố nhân.
Vương Duy

Cách 2/ Niêm câu 1 với câu 4 và câu 2 với câu 3, ví dụ :

MỤC TÚC PHONG KÝ GIA NHÂN

Mục túc phong biên phùng lập xuân
Hồ thượng lệ triêm cân
Khuê trung chỉ thị không tương ức
Bất kiến sa trường sầu sát nhân.
Sầm Tham

và hai cách Luật :

bài VỊ THÀNH KHÚC theo Luật Bằng (chữ thứ 2 của câu thứ nhất là Bằng)
bài MỤC TÚC PHONG KÝ GIA NHÂN theo Luật Trắc (chữ thứ 2 của câu thứ nhất là Trắc)

Thơ Bát Cú dùng bộ Niêm Luật của giới khoa cử với dải số kiểm soát 1-8 2-3 4-5 6-7 thì tương ứng với :

cặp số 2-3 và 6-7 qui định là hai bài Tứ Tuyệt trên và dưới phải cùng theo phép Niêm 1-4 và 2-3
cặp số 1-8 và 5-6 qui định là hai bài Tứ Tuyệt trên và dưới phải đều dùng một Luật Bằng hay một Luật Trắc

Ví dụ về thơ Bát Cú dùng bộ Niêm Luật của giới khoa cử :
(nguyên văn và bản dịch xin xem phía sau, ở đây xin nói ngắn gọn để khỏi loảng ý)

Thơ chữ Nôm :

bài xướng TÔN PHU NHƠN QUI THỤC của Tôn-Thọ-Tường
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc

bài họa TÔN PHU NHƠN QUI THỤC của Phan-Văn-Trị
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

Thơ chữ Hán :

Bài KHÚC GIANG ÐỐI TỬU của Đỗ Phủ
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc

Bài KHÚC GIANG NHỊ THỦ (kỳ nhị) của Đỗ Phủ
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

Còn những bài thơ bị coi là phá cách của các đại thi hào đời Đường thì không theo sự ràng buộc đó. Mà theo cách phóng khoáng hơn :

Bài Bát Cú có thể dùng hai bài Tứ Tuyệt một nọ theo Niêm 1-4 2-3 và một kia theo Niêm 1-3 2-4, một nọ có thể theo Luật Bằng với một kia theo Luật Trắc.

Ví dụ về thơ Bát Cú không dùng bộ Niêm Luật của giới khoa cử và bị coi là “phá cách” :
(nguyên văn và bản dịch xin xem phía sau)

1/ Niêm giống nhau nhưng Luật khác nhau

Thơ chữ Nôm :

bài HÀ TIỆN của Nguyễn-Minh-Triết
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc

Thơ chữ Hán có những bài :

DẠ BIỆT VI TU SĨ của Cao Thích
VĂN LÂN GIA LÝ TRANH của Từ An Trinh
BÁN NHẬT THÔN của Tiền Khởi
KINH NAM ÐẠO HOÀI CỔ của Lưu Vũ Tích

4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

2/ Niêm khác nhau, Luật giống nhau

Thơ chữ Nôm :

DĨ HÒA VI QUÝ của Nguyễn-Bỉnh-Khiêm
4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc

Thơ chữ Hán có những bài :

ÐỘC TIỂU THANH KÝ của Nguyễn Du
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
4 câu dưới theo Niêm 1-3 2-4, Luật Bằng

KÝ THÔI THỊ NGỰ của Lý Bạch
ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI của Lý Bạch
4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4, Luật Bằng
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

3/ Niêm khác nhau, Luật cũng khác nhau

Thơ chữ Nôm :

VỊNH DẾ DUỖI của Tú Quỳ
4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

Thơ chữ Hán có những bài :

ĐĂNG TÙNG GIANG DỊCH LÂU BẮC VỌNG CỐ VIÊN của Lưu Trường Khanh
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-3 2-4, Luật Bằng

HOÀI CỔ TÍCH - KỲ NHỊ của Đỗ Phủ
TỐNG TIỀN VỆ HUYỆN - LÝ THẨM THIẾU PHỦ của Cao Thích
4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng

4/ Niêm giống nhau, Luật giống nhau. Nhưng Niêm theo 1-3 2-4, cách này bộ Niêm Luật khoa cử không hề dùng đến.

Thơ chữ Hán có những bài :

CHƯỚC TỬU DỮ BÙI DỊCH của Vương Duy
ĐỀ ĐÔNG KHÊ CÔNG U CƯ của Lý Bạch
4 câu trên theo Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc

Sau khi phân tách như trên, thì những bài thơ kê trên đây không hẳn là thơ « phá cách ». Mà chỉ là những cách Niêm khác hơn bộ Niêm Luật khoa cử.

Trong số Đường Thi mà tôi đọc qua, tôi chỉ gặp một bài duy nhất có thể gọi là thơ « phá cách » là :

4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3 là phép Niêm thông thường
4 câu dưới theo Niêm 1-2 3-4 là phép Niêm chưa từng thấy

VÕNG XUYÊN BIỆT NGHIỆP

Bất đáo Đông sơn hướng nhất niên
Qui lai tài cập chủng xuân điền
trung thảo sắc lục kham nhiễm
Thủy thượng đào hoa hồng dục nhiên
Ưu lậu tỳ khưu kinh luận học
U trượng nhân hương hiền
Phi y đảo tỷ thả tương kiến
Tương hoan ngữ tiếu hành môn tiền.
Vương Duy

BIỆT THỰ Ở VÕNG XUYÊN

Đông Sơn chẳng đến trọn năm nay
Về gặp mùa xuân kịp cấy cày
Cỏ dại trong mưa xanh biếc biếc
Hoa đào trên nước đỏ hây hây
Tỳ hưu học đạo bàn kinh kệ
Bô lão làm gương giữ tháng ngày
Khoát áo trở giày tìm gặp bạn
Nói cười trước cổng thật vui thay !
Đinh Vũ Ngọc

Xin mạo muội góp ý.

Lá chờ rơi

Nguyên văn những bài thơ làm ví dụ nêu trên :

VỊ THÀNH KHÚC

Vị thành triêu vũ ấp khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.
Vương Duy

dịch :

KHÚC CA VỊ THÀNH

Vị thành bụi nhẹ hoen mưa sớm
Quán khách mơ màng sắc liễu xanh
Một chén mời nhau xin nốc cạn
Dương Quan nào có bạn thân anh.
Đinh Vũ Ngọc

MỤC TÚC PHONG KÝ GIA NHÂN

Mục túc phong biên phùng lập xuân
Hồ Lư hà thượng lệ triêm cân
Khuê trung chỉ thị không tương ức
Bất kiến sa trường sầu sát nhân.
Sầm Tham

dịch :

TỪ ĐÀI MỤC TÚC GỞI CHO NGƯỜI NHÀ

Bên đài Mục Túc xuân sang
Trên sông Hồ ấy lệ tràn thắm khăn
Phòng khuê có nhớ nhau chăng
Thấy đâu ngoài trận sầu giăng chết người.
Đinh Vũ Ngọc

Thơ theo đúng bộ Niêm Luật của giới khoa cử :

Thơ chữ Nôm :

TÔN PHU NHƠN QUI THỤC (xướng)
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Trắc + 1-4 2-3 Trắc

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng       (Luật Trắc
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Ðông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi               (Luật Trắc
Ðá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu-Công-Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
Tôn-Thọ-Tường

TÔN PHU NHƠN QUI THỤC (họa)
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Bằng + 1-4 2-3 Bằng

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng               (Luật Bằng
Giả mặt trời chiều biệt cõi Ðông
Khói tỏa đồi Ngô un sắc thắm
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vaitóc bền trời đất                    (Luật Bằng
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.
Phan-Văn-Trị

Thơ lấy từ Đường Thi :

KHÚC GIANG ÐỐI TỬU
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Trắc + 1-4 2-3 Trắc

Uyển ngoại giang đầu tọa bất quy         (Luật Trắc
Thủy tinh cung điện chuyển phi vi
Ðào hoa tế trục dương hoa lạc
Hoàng điểu thời kiêm bạch điểu phi
Túng ẩm cửu biền nhân cộng khí           (Luật Trắc
Lãn triều chân dữ thế tương vi
Lại tình cánh giác Thương Châu viễn
Lão đại đồ thương vị phất y.
Ðỗ Phủ

UỐNG RƯỢU TRÊN SÔNG KHÚC GIANG

Ngồi mãi bên vườn bến Khúc Giang
Thủy tinh cung điện bóng mờ gương
Hoa tơi tả rụng đào chen liễu
Chim nhởn nhơ bay trắng lẩn vàng
Chén rượu thường say người đã chán
Phiên chầu vẫn trễ tiếng còn mang
Biết rằng hoạn lộ xa tiên cảnh
Tuổi tác chưa về nghĩ tự thương.
Bùi Khánh Ðản

KHÚC GIANG NHỊ THỦ (kỳ nhị)
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Bằng + 1-4 2-3 Bằng

Triều hồi nhật nhật điển xuân y             (Luật Bằng
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hi
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện      (Luật Bằng
Ðiểm thủy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.
Ðỗ Phủ

HAI BÀI THƠ TRÊN SÔNG KHÚC GIANG (bài hai)

Mỗi buổi chầu lui thường cố áo
Bên sông say khướt mới ra về
Vài ba nợ rượu đâu không có
Bẩy chục đời người dễ mấy khi
Cánh bướm vờn hoa bay thấp thoáng
Ðuôi chuồn giỡn nước kéo lê thê
Xưa nay quang cảnh cùng thay đổi
Ðược lúc vui chơi há ngại gì.
Bùi Khánh Ðản

Thơ không theo bộ Niêm Luật của giới khoa cử :

Thơ chữ Nôm :

HÀ TIỆN

Giàu thì ba bữa khó thì hai          (Luật Bằng
Lần lữa cho qua tháng thiếu đầy
Nón đổingoài quần đổi ống
Dép thay da mặt túi thay quai
Dặn vợ đừng gắp mắm       (Luật Trắc
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai
Thế gian mặc kẻ cười tiện
Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai.
Nguyễn-Minh-Triết

Thơ lấy từ Đường Thi :

DẠ BIỆT VI TU SĨ
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Trắc + 1-4 2-3 Bằng

Cao quán trương đăng tửu phục thanh             (Luật Trắc
Dạ chung tàn nguyệt nhạn quy thanh
Chỉ ngôn đề điểu kham cầu lữ
xuân phong dục tống hành
Hoàng khúc sa vi ngạn                           (Luật Bằng
Bạch tần biên liễu hướng thành
Mạc oán tha phương tạm ly biệt
Tri quân đáo xứ tẫn phùng nghinh.
Cao Thích

ĐÊM TỪ BIỆT QUAN TU SĨ HỌ VI

Cao quán giăng đèn bày tiệc rượu
Trăng khuya chuông vọng nhạn về mau
Tiếng chim đêm gọi như tìm bạn
Ngọn gió xuân vờn để tiễn nhau
Lấn cát Hoàng Hà dòng uốn khúc
Hướng thành Bạch mã liễu tươi màu
Chớ buồn đất khách cùng chia biệt
Anh đến nơi đâu chẳng đón chào !
Đinh Vũ Ngọc

VĂN LÂN GIA LÝ TRANH
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Trắc + 1-4 2-3 Bằng

Bắc đẩu hoành thiên dạ dục lan             (Luật Trắc
Sầu nhânnguyệt tứ đoan
Hốt văn họa các Tần tranh dật
Tri thị lân gia Triệu nữ đàn
Khúc thànhức song nga liễm            (Luật Bằng
Điệu cấp giao liên ngọc chỉ hàn
Ngân thược trùng quan thính vị tịch
Bất như miên khứ mộng trung khan.
Từ An Trinh

NGHE ĐÀN TRANH NHÀ HÀNG XÓM

Bắc đẩu ngang trời đêm sắp tan
Buồn trong trăng sáng ý mơ màng
Chợt nghe gác họa âm Tần vọng
Mới biết nhà bên gái Triệu đàn
Khúc trọn hẳn chau đôi mắt ngọc
Điệu mau e buốt ngón tay vàng
Lắng nghe then khóa còn chưa mở
Ngủ quách may ra mộng gặp nàng.
Đinh Vũ Ngọc

BÁN NHẬT THÔN
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Trắc + 1-4 2-3 Bằng

Bán Nhật ngô thôn đới vãn hà              (Luật Trắc
Nhàn môn cao liễu loạn phi nha
Hoành vân lĩnh ngoại thiên trùng thụ
Lưu thủy thanh trung nhất lưỡng gia
Sầu nhân tạc dạ tương khổ               (Luật Bằng
Nhuận nguyệt kim niên xuân ý xa
Tự thán Mai Sinh đầu tự tuyết
Khước liên Phan Lệnh huyện như hoa.
Tiền Khởi

THÔN BÁN NHẬT

Ráng tỏa trời chiều Bán Nhật thôn
Chim bay liễu rủ trước nhàn môn
Ngàn trùng cây núi làn mây phủ
Vài nóc nhà bên suối nước tuôn
Ðêm trước người buồn vương nhớ mãi
Năm nay tháng nhuận ý xuân dồn
Ðã thương Phan Lệnh hoa đầy huyện
Ðầu bạc Mai Sinh lại xót hơn.
Bùi Khánh Ðản

KINH NAM ÐẠO HOÀI CỔ
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Trắc + 1-4 2-3 Bằng

Nam quốc sơn xuyên cựu đế kỳ            (Luật Trắc
Tống đài Lương tạ thượng y hi
cổ thụ hành nhân yết
Mạch hoang thànhtrĩ phi
Phong xuy lạc diệp điền cung tỉnh          (Luật Bằng
Hoả nhập hoang lăng hóa bảo y
Ðồ sử Từ thần Dữu Khai phủ
Hàm Dương chung nhật khổ quy.
Lưu Vũ Tích

ÐẠO KINH NAM HOÀI CỔ

Ðô cũ miền Nam ở chốn này
Ðình Lương đài Tống dấu còn đây
Cây cao ngựa hí hành nhân vắng
Lúa tốt thành hoang dã trĩ bay
Lăng cũ áo bào mồi lửa đốt
Cung xưa giếng ngự lá thu đầy
Lòng quê cám cảnh Từ thần Dữu
Ở đất Hàm Dương nhớ suốt ngày.
Bùi Khánh Ðản

Thơ chữ Nôm :

DĨ HÒA VI QUÝ
Cách ghi đề nghị : 1-3 2-4 Trắc + 1-4 2-3 Trắc

thế đừng tranh tiếng trượng phu        (Niêm 1-3 2-4
Làm chi cho sự đôi co
Đây cậy đây khôn đây chẳng nhịn
Ðấy rằng đấy phải đấy không thua
Duật nọ hãy còn đua đến bạng              (Niêm 1-4 2-3
Lươn kia hầu dễ kém chi
Chữ rằng : Nhân hòa vi quý
sự thì hơn khỏi phải lo.
Nguyễn-Bỉnh-Khiêm

Thơ chữ Hán-Nho :

ÐỘC TIỂU THANH KÝ
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Trắc + 1-3 2-4 Trắc

Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư            (Niêm 1-4 2-3
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chươngmệnh lụy phần
Cổ kim hận sự thiên nan vấn                 (Niêm 1-3 2-4
Phong vận kỳ oan ngã tự
Bất tri tam báchniên hậu
Thiên hạnhân khấp Tố Như.
Nguyễn-Du

Thơ lấy từ Đường Thi :

KÝ THÔI THỊ NGỰ
Cách ghi đề nghị : 1-3 2-4 Bằng + 1-4 2-3 Bằng

Uyển khê sương dạ thính viên sầu                   (Niêm 1-3 2-4
Khứ quốc trường như bất hệ châu
Độc liên nhất nhạn phi Nam độ
Khước tiện song khê giải Bắc lưu
Cao nhângiải Trần Phồn tháp           (Niêm 1-4 2-3
Quá khách nan đăng Tạ Diễu lâu
Thử xứ biệt ly đồng lạc diệp
Triêu triêu phân tán Kính Đình thu.
Lý Bạch

GỬI QUAN THỊ NGỰ HỌ THÔI

Vượn khóc đêm sương xứ uyển khê
Như thuyền không buộc mãi xa quê
Nhạn đành lẻ một phương Nam đến
Suối chẳng chung đôi đất Bắc về
Hạ chỏng Trần Phồn còn lắm kẻ
Leo lầu Tạ Diễu khó trăm bề
Nơi đây lá rụng cùng chia biệt
Núi Kính Đình thu vẫn cách ly.
Đinh Vũ Ngọc

ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI
Cách ghi đề nghị : 1-3 2-4 Bằng + 1-4 2-3 Bằng

Phượng Hoàng Ðài thượng phượng hoàng du    (Niêm 1-3 2-4
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại                 (Niêm 1-4 2-3
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu.
Lý Bạch

LÊN ĐÀI PHƯỢNG HOÀNG Ở KIM LĂNG

Chim Phượng hoàng chơi lầu Phượng hoàng
Phượng bay lầu trống với trường giang
Cung Ngô hoa cỏ con đường rậm
Thời Tấn xiêm y nấm mộ tàn
Ngọn núi Tam Sơn trời xẻ nửa
Dòng sông Nhị Thủy bãi chia ngang
Ô hay mây nổi che trời sáng
Chẳng thấy Trường An sầu chứa chan.
Đinh Vũ Ngọc

LÊN ĐÀI PHƯỢNG HOÀNG Ở KIM LĂNG

Đài Phượng từ xưa Phượng lượn chơi
Phượng bay đài vắng nước sông trôi
Cỏ len hoa dại cung Ngô tối
Gấm mục rêu mờ mả Tấn phơi
Che đỉnh Tam Phong mây quyến lại
Bao cồn Bạch Lộ sóng chia đôi
Rưng sầu lòng khách trông kinh khuyết
Mây nổi thường ngăn ánh mặt trời.
Lam Giang


Thơ chữ Nôm :

VỊNH DẾ DUỖI
Cách ghi đề nghị : 1-3 2-4 Trắc + 1-4 2-3 Bằng

Kiến chẳng kiến voi chẳng voi           (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Ðời sanh dế duổi cũng choi choi
Ngắn cánh lên trời không đủ sức
Co tay vạch đất cũng khoe tài
Mưa tuôn gió tạt lên cao ở                    (Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
Lửa bỏng dầu sôi nhảy đến chơi
Quân tửthương thời chớ phụ
Ðể cho bay nhảy thử coi.
Tú Quỳ

Thơ lấy từ Đường Thi :

ĐĂNG TÙNG GIANG DỊCH LÂU BẮC VỌNG CỐ VIÊN
Cách ghi đề nghị : 1-4 2-3 Trắc + 1-3 2-4 Bằng

Lệ tận giang lâu vòng Bắc quy               (Niêm 1-4 2-3, Luật Trắc
Điền viênhãm bách trùng vi
Bình vạn nhân khứ
Lạc nhật thiên sơn không điểu phi
chu dạng dạng hàn triều tiểu            (Niêm 1-3 2-4, Luật Bằng
Cực phố thương thương viễn thụ vi
Bạch âu ngư phủ đồ tương đãi
Vị tảo Sam Thương lãn tức ky.
Lưu Trường Khanh

LÊN LẦU TRẠM TÙNG GIANG - TRÔNG VỀ QUÊ PHƯƠNG BẮC

Lầu sông lệ cạn trông về Bắc
Vườn ruộng trăm vòng chịu bủa vây
Vạn dặm đồng không người chẳng đến
Nghìn non chiều xuống chim còn bay
Thuyền đơn thấp thoáng triều se lạnh
Bến cũ xanh xanh cây mọc dày
Âu trắng ngư ông xin hãy đợi
Chưa qua hoạn nạn khó về ngay.
Đinh Vũ Ngọc

HOÀI CỔ TÍCH - KỲ NHỊ
Cách ghi đề nghị : 1-3 2-4 Trắc + 1-4 2-3 Bằng

Dao lạc thâm tri Tống Ngọc bi              (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Phong lưu nho nhả diệc ngô
Trướng vọng thiên thu nhất sái lệ
Tiêu điều dị đại bất đồng thì
Giang san cố trạch không văn tảo          (Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
Vân hoang đài khởi mộng
Tối thị Sở cung câu dẫn diệt
Châu nhân chỉ điểm đáo kim nghi.
Đỗ Phủ

NHỚ CHUYỆN XƯA – BÀI HAI

Tống Ngọc sầu thương cảnh rụng rơi
Phong lưu nho nhả bậc thầy tôi
Nghìn thu tưởng nhớ còn rơi lệ
Một cảnh tiêu sơ dẫu khác thời
Sông núi nhà xưa văn vẻ đó
Mây mưa đài cũ mộng mơ thôi
Thương thay cung Sở tiêu tan hết
Nơi lái thuyền xưa chỉ vẫn ngờ.
Đinh Vũ Ngọc

TỐNG TIỀN VỆ HUYỆN - LÝ THẨM THIẾU PHỦ
Cách ghi đề nghị : 1-3 2-4 Trắc + 1-4 2-3 Bằng

Hoàng điểu phiêu phiêu dương liễu thùy          (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Xuân phong tống khách sử nhân bi
Oán biệt tự kinh thiên ngoại
Luân giao khước ức thập niên thì
Vân khai Mấn Thủyphàm viễn                   (Niêm 1-4 2-3, Luật Bằng
Lộ nhiễu Lương Sơn thất trì
Thử địa tòng lai khả thừa hứng
Lưu quân bất trú ích thê kỳ.
Cao Thích

TIỄN ĐƯA QUA THIẾU PHỦ - LÝ THẨM HUYỆN TIỀN VỆ

Vút giọng oanh vàng tơ liễu buông
Gió xuân tiễn khách dạ sầu thương
Chia ly ngàn dặm bao đau xót
Gắn bó mười năm mấy vấn vương
Mấn Thủy mây giăng buồm lẻ bóng
Lương Sơn ngựa chậm núi chen đường
Nơi đây ngày trước cùng vui thú
Chẳng giữ chân anh thật đáng buồn !
Đinh Vũ Ngọc

CHƯỚC TỬU DỮ BÙI DỊCH
Cách ghi đề nghị : 1-3 2-4 Trắc + 1-3 2-4 Trắc

Chước tửu dữ quân quân tự khoan                   (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Nhân tình phiên phúc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế thấp                        (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vântúc vấn
Bất như cao ngọa thả gia xan.
Vương Duy

RÓT RƯỢU MỜI BÙI DỊCH

Mời anh cạn chén để nguôi sầu
Tráo trở tình đời khác sóng đâu
Tóc trắng quen thân còn thủ kiếm
Cửa son hiển đạt lại cười nhau
Mưa dầm cỏ dại càng phơi phới
Gió lạnh hoa xuân chịu dãi dầu
Chuyện thế mây trôi thôi chớ hỏi
Chi bằng ăn ngủ khỏi lo âu.
Đinh Vũ Ngọc

ĐỀ ĐÔNG KHÊ CÔNG U CƯ
Cách ghi đề nghị : 1-3 2-4 Trắc + 1-3 2-4 Trắc

Đỗ Lăng hiền nhân thanh thả liêm          (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc, bỏ Luật chữ thứ 2
Đông Khê bốc trúc tuế thời yêm
Trạch cận thanh sơn đồng Tạ Diễu
Môn thùy bích liễu tự Đào Tiềm
Hảo điểu nghinh xuân ca hậu viện         (Niêm 1-3 2-4, Luật Trắc
Phi hoa tống tửutiền thiềm
Khách đáo đãn tri lưu nhất túy
Bàn trung chi hữu thủy tinh diêm.
Lý Bạch

ĐỀ CHỖ Ở ẨN CỦA ĐÔNG KHÊ CÔNG

Đỗ Lăng đã nổi tiếng người hiền
Về ẩn Đông Khê trải mấy niên
Nhà cận núi xanh như Tạ Diễu
Cửa buông liễu biếc tựa Đào Tiềm
Đón xuân chim quý ca sau viện
Mời rượu hoa bay múa trước hiên
Khách đến nài nhau say một bữa
Trong mâm chỉ có muối tinh nghiền.
Đinh Vũ Ngọc

Bài Ðằng Vương Các dưới đây của Vương Bột còn pha trộn thêm hai yếu tố khác của thơ Tứ Tuyệt là « vần Trắc » trộn với « vần Bằng » và dùng thơ TT « ba vần » thay vì « hai vần » :

ÐẰNG VƯƠNG CÁC
4 câu trên theo Niêm 1-4 2-3 luật Bằng, 3 vần « u » thanh Trắc
4 câu dưới theo Niêm 1-3 2-4 luật Bằng, 3 vần « u » thanh Bằng

Ðằng Vương cao các lâm giang chử       (Niêm 1-4 2-3, L. Bằng, 3 vần « u » thanh Trắc
Bội ngọc minh loan bãi ca
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây sơn
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du              (Niêm 1-3 2-4, L. Bằng, 3 vần « u » thanh Bằng
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim tại ?
Hạm ngoại trường giang không tự lưu.
Vương Bột

ÐẰNG VƯƠNG CÁC

Bến sông cao ngất Ðằng Vương Các
Múa hát im rồi loan ngọc đâu
Nam Phố mây bay quanh cột vẽ
Tây Sơn mưa cuốn trước rèm châu
Mây trôi đầm ánh từ bao độ
Vật đổi sao dời đã mấy thu
Ðế tử không còn trơ gác vắng
Trường Giang muôn thuở chảy bên lầu.
Bùi Khánh Ðản

******
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.07.2008 20:42:00 bởi lá chờ rơi >
Có mợ thời chợ thêm đông
Vắng mợ chợ cũng chẳng "không" bữa nào !