Cần Giờ, Sài Gòn
Như Ý P 22.06.2008 10:48:26 (permalink)
Cần Giờ, Sài Gòn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cần Giờ là một huyện ven biển nằm ở phía đông nam của Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm khoảng 50 km. Vào năm 1997, huyện có diện tích 714 km², số dân là 55.173 người, gồm các dân tộc Kinh (80%), KhmerChăm. Huyện Cần Giờ bao gồm thị trấn Cần Thạnh và 6 : Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và Thạnh An.
 
Diện tích của huyện là 704,2 km²[1]. Địa hình chia cắt bởi sông, rạch, không có nước ngọt. Rừng sác và đước, đất rừng chiếm 47,25% diện tích.
Huyện Cần Giờ tiếp cận với biển Đông hiện hữu một khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam. Đó là khu rừng ngập mặn Cần Giờ nằm gọn trong địa giới huyện Cần Giờ và rừng Sác huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai.
 
Huyện này có 69 cù lao lớn nhỏ.
 Lịch sử
Thời Việt Nam Cộng hòa, địa bàn huyện Cần Giờ gồm hai quận Cần Giờ và Quảng Xuyên, thuộc tỉnh Phước Tuy. Quận Quảng Xuyên được thành lập ngày 29/1/1959, gồm các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, và Lý Nhơn.
Ngày 9/9/1960, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuyển hai quận này sang tỉnh Biên Hòa.
Về phía chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì huyện Cần Giờ thuộc tỉnh Gia Định cũ. Sau khi đất nước thống nhất, huyện thuộc tỉnh Đồng Nai (1976–78) với tên gọi là huyện Duyên Hải, từ ngày 18 tháng 12 năm 1991 đổi tên thành Cần Giờ. Huyện có GDP thấp nhất của TP HCM.
 Chùa
Huyện Cần Giờ có 8 ngôi chùa; 2 chùa thuộc phái Tịnh Độ Cư sĩ; Chỉ có Chùa Hải Đức (xã Cần Thạnh), Chùa Quang Minh Như Lai (xã Bình Khánh) và Chùa Nhơn Hòa (xã Lý Nhơn) là có tu sĩ trụ trì. Chùa Thạnh Phước (Chùa Cây Me) ở xã Cần Thạnh là chùa cổ hơn cả.
^  Theo Tập bản đồ Hành chính Việt Nam, Nhà xuất bản Bản đồ, 9/2005.
 
http://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A7n_Gi%E1%BB%9D
 
#1
    Như Ý P 22.06.2008 10:51:22 (permalink)
    Thăm Ðảo Khỉ Cần Giờ
    Tuesday, March 27, 2007
     












    Ðàn khỉ đang phơi nắng yên bình dưới cái nắng chói chang của Cần Giờ.



    Một chú khỉ trên cây “cầu khỉ” ở đảo Khỉ, Cần Giờ



    Một chú khỉ trên rễ cây đước, rừng ngập mặn, Cần Giờ.





    Bài và hình: Văn Lang/Người Việt
    CẦN GIỜ - Hai bên đường nắng chang chang, chỉ thấy những cây dừa nước và những “vuông tôm” nhỏ, nhà cửa của cư dân lúp xúp nghèo nàn... Nhưng khi xe chạy khỏi khu cư dân, người ta thấy hai bên đường một màu xanh mơn mởn trong nắng vàng của ngút ngàn những cây đước trong những cánh rừng ngập mặn... Tôi đã đến đảo Khỉ, Cần Giờ. Chỉ trong chốc lát nữa thôi, tôi sẽ được nhìn thấy hàng trăm con khỉ trong khu vườn sinh thái nổi tiếng miền Nam.
    Từ chợ Bến Thành, Sài Gòn, bạn có thể đi xe bus về tới bến phà Bình Khánh. Giá vé chỉ 3 ngàn đồng cho đoạn đường dài khoảng 20 km, khá êm ả. Xe chạy theo lộ trình qua cầu Tân Thuận, rồi chạy thẳng một một “lèo” xuyên quận 7, vừa được tách khỏi huyện Nhà Bè, và qua cầu Phú Xuân. Tới bến phà Bình Khách, qua phà tốn hết 500 đồng cho một khách bộ hành. Lên tới bờ bên kia, bạn sẽ thấy ngay bến xe khách nhỏ, với những chiếc xe du lịch “đời cũ” loại 17 chỗ ngồi, nhưng tài xế “nhét” bao nhiêu khách thì... tùy theo ngày. Ngày lễ và Chủ Nhật, xe chật cứng người đứng, kẻ ngồi. Nhưng ngày thường thì đôi khi có chuyến xuất bến chỉ với 5 hoặc 7 người. Xe chạy theo giờ nên không có vụ “câu giờ” rước khách. Xe tuyến này chỉ thấy ghi một “bảng biểu” duy nhất: Bình Khánh-Cần Thạnh (Cần Thạnh là tên của thị trấn Cần Giờ). Lên xe bạn dặn người bán vé kiêm”lơ” xe, cho bạn xuống khúc đường vô đảo Khỉ (xe chạy tuyến này đều rành đường vô đảo Khỉ, nhưng cũng phải nhắc chừng, nếu không vui câu chuyện hoặc “ngủ quên” người bán vé kiêm “lơ” xe có thể quên và bạn có thể bị đi tới... bến. Giá vé từ bến phà Bình Khánh tới đoạn đường vô đảo Khỉ là 4 ngàn đồng. Ðoạn đường dài khoảng hơn 30 km, xe chạy không nhanh nên mất khoảng 1 giờ 25 phút.
    Xe dừng ven đường cho tôi xuống vô khu đảo Khỉ. Bước xuống xe, thấy hoa cả mắt vì cái nắng chói chang của giờ chính Ngọ. Xung quanh không một bóng nhà và cũng không một bóng người, chỉ thấy cây là cây và con đường nhựa dài hun hút mà chiếc xe thả tôi xuống đã nhanh chóng mất dạng.
    Ðịnh thần lại một chút tôi nhìn ra tấm bảng chỉ đường vô đảo Khỉ. Vậy mà người ta nói với tôi ở đây có một bến xe ôm và họ sẽ chở khách vô thăm đảo. Hít một hơi thật sâu, tôi theo hướng tấm bảng chỉ đường, thẳng bước. Cũng may là tôi hỏi thăm trước lúc ở bến xe là từ đường vô đảo Khỉ cũng không xa lắm, chừng hơn 2 km. Nắng trưa đến rạt người, tôi vẫn... không nao núng, vì thực ra đôi chân của tôi cũng đã nhiều phen “cuốc” những đoạn đường dài hơn rất nhiều. Lội bộ chừng hơn cây số thì tôi “phát hiện” ra bạn... đồng hành: mấy chú khỉ ven rừng đước phóng ra, chúng nhìn tôi lom lom và khi tôi tiến lại gần để chụp hình thì chúng bỏ chạy và phóng lên cây kêu “khọt, khẹt,” “chí, chóe”...
    Tại cổng vào đảo Khỉ, buổi trưa vắng chỉ có mình cô bán vé. Khi tôi than phiền về việc không có xe ôm. Cô cho biết thường ngày vẫn có xe Honda ôm chở khách, nhưng bữa nay có lẽ vắng khách quá nên họ... về hết rồi. Tôi mua một vé vô thăm đảo Khỉ giá 15 ngàn đồng. Như vậy là tiền vé thăm... Khỉ tương đương với tiền đi và về của tôi từ Sài Gòn ra, cộng luôn tiền phà.
    Cầm vé, tôi tiếp tục “một mình một bóng” cuốc bộ vô đảo Khỉ dưới cái nắng chói chang. Ðường bộ gần cây số, nhưng có một chút an ủi là đã được mấy chú khỉ... “nghinh tiếp” và thấy bảng hướng dẫn gần quầy vé ghi: “Vé sẽ được đổi một chai nước tại nơi... bán thức ăn cho... Khỉ.” Vô tới bên trong, khi đưa vé cho nhân viên kiểm soát tôi được trao lại cho một chai nước “tinh khiết” nhỏ xíu được ướp lạnh đàng hoàng. Vội vàng bật nắp và... thong thả, uống theo phương pháp khoa học đàng hoàng, nhấp từng ngụm nhỏ. Uống xong nhìn quanh nhìn quất kiếm cái thùng bỏ rác mà không thấy, tôi đành cầm cái vỏ chai bằng nhựa trên tay. Tôi ý thức, dù gì thì đây cũng là khu du lịch sinh thái, hơn nữa vùng rừng đước ngập mặn của Cần Giờ đã được Ủy Ban Văn Hóa Khoa Học của Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản tự nhiên của thế giới, tầm quan trọng đâu có thua gì Vịnh Hạ Long. Khi hỏi nhân viên của khu du lịch nơi bỏ rác thì họ chỉ cho tôi “một cái gì đó” giống như một cái “hộp cống” bằng xi-măng, ngó vô tôi biết ngay đó không phải là thùng rác, vì nếu thả chai nước rỗng bằng nhựa vô chắc chắn nó sẽ... lăn ra ngoài.
    Buổi trưa hoàn toàn vắng khách, lại chỉ có mình tôi thả bộ theo con đường đất đỏ lúc này đã có bóng mát vì con đường nhỏ hai bên là những cây đước ken dày. Khu rừng đước thì du khách chỉ có thể nhìn chứ không thể băng qua, vì những rễ đước lớn buông xuống ken dày. Tầm nhìn bị che khuất bởi cây mọc rất dày, bên là rừng cây, bên còn lại cũng vậy nhưng có một con rạch nhỏ đầy nước chạy dài theo con đường có vẻ giống như miền Tây, nhưng đây là vùng nước ngập mặn, nước lợ. Những chú khỉ kéo đàn xuống phơi nắng, hoặc phóng nghịch trên những chùm rễ cây lớn, hoặc cắn phá nhau chí chóe lúc phóng bầy băng băng qua cây “cầu khỉ” nối ra những con mương rộng dưới những tán cây đước - nơi hầm nuôi cá sấu thiên nhiên hoang dã.
    Khi tôi bước qua cây cầu hẹp để ra hầm nuôi cá sấu, mấy chú khỉ khá dạn dĩ đứng ngay trên “lan can” cầu đong đưa tròn hai con mắt dòm tôi. Hầm cá sấu có lẽ sâu, trưa nắng không biết chúng lặn đi đâu, chỉ thấy chừng năm hay bảy con gì đó nổi lờ mờ trên mặt nước, mỗi con dài chừng thước rưỡi, cá sấu lớn hơn trầm mình ở đâu thì tôi không thấy... Hỏi nhân viên ở đây thì họ nói, cá sấu ở đây thuộc loại “cá sấu hoa cà” và có chừng bảy hay tám chục con gì đó.
    Khu đảo Khỉ không dài, chỉ chừng hơn cây số. Ðám khỉ chỉ tập trung ở khu ngoài vì quen được du khách tập trung cho thức ăn. Phần cuối của đảo hoàn toàn vắng tiếng “chim kêu, vượn hú” nên khá tĩnh mịch. Tôi thả bộ tới tận cuối đảo đụng tới bờ sông nơi neo một con tàu gỗ loại nhỏ. Nhưng bữa đó tàu không hoạt động, vì ngày thường vắng khách. Tàu chỉ chạy vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, với giá vé 10 ngàn đồng cho một du khách. Tàu chạy dọc theo hệ thống kênh nước mặn, chừng 15 phút ra một khu tham quan thuộc đảo khác.
    Tôi thấy thất vọng vì quy mô đảo Khỉ khá nhỏ, đi bộ còn chưa “đã” đôi chân. Nhưng nhìn cảnh của một bộ phận rừng đước khá âm u thì coi như cũng “huề vốn” rồi, nhất là một trưa vắng lang thang chỉ có mình tôi... Du lịch sinh thái cần nhất là giữ được vẻ hoang sơ của nó, nhưng cái “nan giải” của du lịch là làm sao thu hút du khách (có nhiều khách thì mới doanh thu cao, lợi nhuận nhiều), nhưng cũng chính du khách sẽ là người giết chết cảnh quan môi trường của khu du lịch sinh thái...
    Khi ra tới cổng, khi tôi than là khu du lịch nhỏ quá, nhân viên ở đây khuyên tôi nên đi ca-nô ra thăm quan khu chiến khu rừng Sác. Nghe họ nói là cảnh quan ở đây được tái lập lại giống “y như thật.” Và giá vé ca-nô là 250 ngàn một chuyến (Tây không quá 6 người, còn Ta thì không quá 10 người) đi theo đoàn thì tiện, còn đi lẻ thì phải chờ “share” tiền với nhau, còn đi một mình thì phải trả hết (đi và về chừng 30 phút). Nếu ở tham quan lâu thì báo giờ ca-nô sẽ ra đón... Tôi ngỏ ý muốn đi tham quan những cảnh quan thiên nhiên hoang dã, họ nói vậy tôi phải đi thăm khu du lịch sinh thái Vàm Sát, hoặc khu du lịch Hòn Ðảo Ngọc Phương Nam...
    Sự thật, cảnh quan Cần Giờ một lần đầu đến đã thấy cuốn hút vì những rừng cây ngút ngàn, vì sông nước bao quanh, không khí ở đây thật yên tĩnh, trong lành... Sau 1975, Cần Giờ mới được sáp nhập vào Sài Gòn như một “vệ tinh,” nhưng diện tích của Cần Giờ đã chiếm hết 1/3 cái gọi là “thành phố Hồ Chí Minh.” Vị trí địa lý của Cần Giờ giống như một “viên ngọc” với bốn phương thì một mở ra biển Ðông, ba mặt còn lại được bao quanh bởi sông nước, với rừng ngập mặn tự nhiên... Cần Giờ chẳng khác nào một người đẹp ngủ trong rừng. Trong khi đường từ Sài Gòn ra Cần Giờ thì lại quá gần, xu thế phát triển du lịch và khu dân cư hạng “deluxe” chắc chắn là không tránh khỏi. Nhưng nếu thiếu óc khoa học trong việc phát triển Cần Giờ thì cảnh quan nơi đây sẽ mau chóng bị tàn phá bởi những con đường “quốc lộ” cán nhựa lem luốc, sẽ “xẻ thịt” những khu rừng và thành hình những khu dân cư với những tòa building và đám đông khách du lịch nội địa thiếu ý thức môi trường sẽ kéo tới “xả” rác đầy kinh rạch, rồi những nhà đầu tư du lịch dạng “ăn xổi, ở thì”... Lúc ấy, “người đẹp Cần Giờ” lúc còn chưa kịp “thức giấc” đã mau chóng trở thành một bà lão “ăn mày”, tàn tạ, xơ xác...
    Mong rằng cơn “ác mộng” đó không tới với Cần Giờ - một tài sản của quốc gia và là di sản của thế giới.
    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=57600&z=2

    #2
      Như Ý P 22.06.2008 10:54:07 (permalink)
      #3
        Như Ý P 22.06.2008 10:58:09 (permalink)
        Chủ Nhật, 22/06/2008, 01:45 (GMT+7)

        "Ngọt hóa" vùng duyên hải Cần Giờ
         







        Ca sĩ Đông Đào (giữa) kiểm tra chất lượng nước tại Nhà máy xử lý nước lợ Cần Giờ, chuẩn bị thời điểm phát nước vào ngày 10-7-Ảnh: QUANG KHẢI
        TT - Hơn hai tuần nữa, nhà máy xử lý nước lợ thành nước ngọt đầu tiên tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) có công suất 5.300m3/ngày sẽ hoạt động. Hàng ngàn người dân vùng biển mặn Cần Giờ sẽ đỡ cảnh chầu chực hứng từng xô nước sạch.
         
        Là vùng duyên hải phía đông TP.HCM, huyện Cần Giờ nằm tách biệt với khu vực nội thành bởi con sông Nhà Bè khá rộng. Vì lẽ đó, nhiều năm nay nước ngọt đối với người dân vùng biển mặn này là "của hiếm".
         
        Khát nước sạch
         
        Công ty dịch vụ công ích huyện Cần Giờ cho biết phải vượt 20-72km đường sông để mua nước sạch tại các quận 2, 7 về phân phối lại cho người dân thông qua các hệ thống đường ống nội bộ theo từng cụm dân cư. Đường xa, phương tiện vận chuyển bằng đường thủy nên mất đến 18 giờ, những sà lan chở nước mới đến nơi. Có thời điểm nạn thiếu nước sạch tại TP.HCM rất căng thẳng, nhiều sà lan phải xếp hàng chờ lấy nước nên có khi 2-3 ngày sà lan nước mới về đến Cần Giờ. Một ngày sà lan về chậm là một ngày người dân Cần Giờ khát nước sạch. Anh Trần Văn Xem - một người dân tại ấp Bình Phước, xã Bình Khánh - kể: "Bây giờ còn đỡ, chứ vài năm trước gia đình tôi phải chờ gần một tuần mới có thương lái chở từng ghe nước vô đây bán. Ai chậm chân không mua kịp phải đợi tuần sau. Gọi là nước sạch nhưng được các thương lái bơm hút từ các giếng đóng, chẳng biết chất lượng thế nào".
         





        UBND huyện Cần Giờ vừa có tờ trình cho Sở Tài chính, UBND TP về việc điều chỉnh giá nước sinh hoạt, định mức cho người dân địa phương.
        Theo đó, điều chỉnh giá nước của đối tượng sinh hoạt từ 5.000 đồng/m3 xuống 2.700 đồng/m3; từ 7.300 đồng/m3 của đối tượng sản xuất xuống 5.400 đồng/m3 và từ 9.800 đồng/m3 của đối tượng kinh doanh thương mại xuống còn 8.000 đồng/m3; mức giá áp dụng cho các cơ quan đoàn thể, hành chính sự nghiệp là 6.000 đồng/m3.
        Đồng thời điều chỉnh định mức giống như đang áp dụng đối với người dân khu vực nội thành.
        Theo anh Huỳnh Văn Sơn, cán bộ phụ trách công tác mặt trận ấp Bình Trung, có thời điểm cả tháng người dân ở đây không được cung cấp nước. Nhiều hộ chịu không nổi phải ra sông Nhà Bè chở từng can nước lợ về lắng lọc xài đỡ.
         
        Ngoài chuyện thiếu nước sạch, người dân Cần Giờ còn phải mua nước với giá cao: 5.000 đồng/m3 (đối tượng sinh hoạt), 7.300 đồng/m3 (đối tượng sản xuất) và giá cho kinh doanh thương mại là 9.800 đồng/m3. Các mức giá này đều cao hơn so với giá nước mà người dân nội thành được hưởng.
        Đầu tư vì hiểu nỗi khổ của bà con
        Địa thế cách trở, nguồn nước mặt và nước ngầm không thuận lợi cho việc xử lý nước sạch nên từ nhiều năm qua chưa có đơn vị nào có ý định xây dựng nhà máy xử lý nước tại vùng biển Cần Giờ.
         
        Tưởng rằng ước mơ "ngọt hóa vùng biển mặn" là chuyện xa vời, đùng một cái, ước mơ ấy trở thành hiện thực. Công ty cổ phần Đặng Đoàn Nguyễn đã chọn xã Tam Thôn Hiệp làm nơi xây dựng nhà máy xử lý nước lợ thành nước sạch trước sự vui mừng đến ngỡ ngàng của người dân và chính quyền địa phương. Sau hơn một năm thi công, ngày 10-7, nhà máy sẽ cung cấp những ngụm nước ngọt đầu tiên cho người dân Cần Giờ.
         
        Một điều khá thú vị khi chúng tôi biết chủ tịch hội đồng quản trị của công ty này là ca sĩ từng đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 1991 Nguyễn Thụy Đông Đào. Hỏi vì sao chọn Cần Giờ để đầu tư, ca sĩ Đông Đào bộc bạch: "Năm 1991, tôi cùng đoàn nghệ thuật Quân khu 7 về Cần Giờ biểu diễn. Đoàn đi gần một ngày đường mới đến nơi. Anh chị em trong đoàn mệt lả mồ hôi và cần nước tắm giặt. Một anh trong nhà khách huyện dẫn chúng tôi ra phía sau hồ nước đã cạn gần tới đáy rồi nói: "Nước ngọt ở đây hiếm lắm, một tuần mới mua được một lần". Lúc đó tôi thầm nghĩ: cơ quan nhà nước còn không có nước sử dụng, người dân chắc khổ lắm!".
         
        Hiểu được nỗi thiệt thòi của bà con Cần Giờ nhưng ca sĩ Đông Đào cho biết thời điểm đó ý tưởng giúp người dân Cần Giờ có thêm nước sạch "chỉ thoáng qua trong đầu". Mãi đến những năm sau này khi có gia đình và chuyển sang kinh doanh thì ý tưởng "ngọt hóa vùng biển mặn" mới được ca sĩ Đông Đào có điều kiện thực hiện. Được biết sau khi nhà máy hoạt động ổn định, Công ty Đặng Đoàn Nguyễn sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, nâng công suất của nhà máy thêm 5.000m3/ngày, đồng thời đầu tư thêm một dây chuyền sản suất nước uống đóng chai. Tổng vốn đầu tư cho dự án này hơn 9 triệu USD.
         
        Ông Đặng Văn Thiện, giám đốc Công ty dịch vụ công ích huyện Cần Giờ, nhận định: nhà máy xử lý nước ở Cần Giờ hoạt động sẽ giúp giải quyết cơ bản gánh nặng trong việc vận chuyển nước cũng như chi phí bù lỗ. Theo số liệu tổng kết năm 2007, TP phải hỗ trợ tiền vận chuyển nước tại Cần Giờ gần 33 tỉ đồng. Ước tính nhu cầu tiêu thụ nước sạch tại Cần Giờ trong năm 2008 tăng lên khoảng 1,8 triệu m3. "Với giá nhiêu liệu như hiện nay, chúng tôi ước tính số tiền TP phải hỗ trợ trong năm nay lên đến 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi nhà máy xử lý nước hoạt động thì khoảng cách vận chuyển nước sẽ giảm 1/3 và khoản hỗ trợ cũng sẽ giảm tương ứng" - ông Thiện cho biết.
         
        Nhiều người dân gần khu vực nhà máy xử lý nước Cần Giờ đang trong tâm trạng khấp khởi chờ đợi ngày được uống những ngụm nước ngọt sản xuất trực tiếp từ vùng nước mặn Cần Giờ.
         QUANG KHẢI
         
        http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=264765&ChannelID=3
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9