TRANG TRUYỆN ĐĂNG NGỌC
dangngoc 23.06.2008 09:20:43 (permalink)
BA MƯƠI NĂM NHÌN... NGƯỢC

Tôi sống ở Mỹ đến nay hơn mười một năm mà chẳng làm nên tích sự gì hết ngoài cái nghề Nail ra. Ngay cả lái xe cũng không lái được còn tiếng Anh thì ''nói như gió tiếng có, tiếng không''! Cho nên, mọi người cười tôi ''tệ hơn vợ thằng Đậu''. Ngẫm nghĩ cũng đúng thôi: Tôi quá tệ khi luôn ỷ lại có chồng giỏi hay được mấy chị cưng? Cũng vì vậy mà tôi có thời gian nghĩ về bản thân mình và cuộc sống.
Tôi là con gái út trong đại gia đình với mười một anh chị em. Hiện tại có bảy người sống ở Mỹ. Ba má tôi thi nhau qua đời sớm nên chỉ còn mấy chị em đùm bọc lẫn nhau trong đó có người chị lớn đã hy sinh tất cả tương lai và tuổi trẻ cho chúng tôi có được ngày hôm nay.Có phải vì chị là chị lớn trong gia đình nên nên có trách nhiệm lo lắng cho em út đúng như người ta nói: ''Hiền huynh thế phụ'' hay do tình cảm của chị dành cho những đứa em mồ côi? Có lần tôi nghe được chính vì chị đã đưa hết mười mấy người em và cháu sang Mỹ nên hy sinh tình cảm riêng tư của mình. Đó có phải là sự hy sinh cao quý ''anh em như thể tay chân''. Thôi, chẳng nên suy nghĩ nhiều, cứ tự nhủ với chính mình đó là công ơn to lớn mà tôi không bao giờ quên được.
Sống vài năm ở Mỹ, tôi nhận thấy cuộc sống ở đây kỳ quái lắm. Nó thực tế quá. Tiền là trên hết ngay cả trong tình cảm ''no money no love''. Có phải vậy không? Hay vì xã hội ngày càng tân tiến cho nên, tình cảm con người phải tân tiến theo? Nói đâu xa ngay cả trong gia đình cũng vậy huống chi ngoài xã hội. Tôi suy nghĩ nhiều lần nếu mình nói ra thì có đụng chạm tới ai không? Nhưng nói ra lời thì tôi như thấy mình như được chia sẻ những gì với ai.
Những nhà văn người ta có biết bao từ ngữ để tránh né hoặc có can đảm nói lên sự thật hay không? Còn tôi, tôi chỉ nói lên sự thật là tôi thắc cười vì sao đề tài lại là ''Ba mươi năm nhìn lại'' mà không phải những đề tài khác chẳng hạn là ''Thực tế ngày nay'' hay ''Sự bảo thủ của ngày xưa''? Với lứa tuổi hai mươi, họ có thể dự thi không? Nếu có thì những bài viết của họ có thực tế không hay chỉ nghe người ta kể lại?. Còn lứa tuổi ba mươi thì chỉ có thể viết về thời con nít mà thôi. Tuổi bốn mươi hay năm mươi thì may ra...
Tôi thì không thể nào có cái ''ba mươi năm'' để mà ''nhìn lại'' nhưng tôi thấy thực tế bây giờ lắm cái vui, lắm cái bắt chước. Có ai có thể nói hạnh phúc gia đình là gì không? Chẳng ra làm sao cả. Về Việt Nam mới được tuần đầu lại thấy chuyện không hay nên có thể là tôi ''không cởi mở''? Người con gái thời nay là như vầy:
Vợ chồng tôi ở lại đêm nhà cha mẹ cô ấy mà cô ta lại chui vô... ngủ chung với vợ chồng tôi mặc dù mới quen biết! Tôi không đồng ý nên nói với mẹ cô ta nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi nghĩ nếu cô ta là ''vợ bé'' hay ''bồ nhí'' cũng phải ''kiêng'' cái mặt tôi ra chứ có ai đâu mà thẳng thừng như vậy! Thật là hết nói nổi! Có câu ''Thương em mấy núi cũng trèo'' nên lắm anh mất vợ vì... trèo không qua nổi cái gối. Câu chuyện ấy nếu như ai đọc được truyện ngụ ngôn đời xưa thì đều biết vậy mà cái câu luân thường đạo lý con người ngày nay bỏ đâu mất rồi. Con gái bây giờ sao thay đổi mau đến thế? Họ có nghĩ đến hạnh phúc gia đình là cái gì đâu. Những cô gái mới nứt mắt đã biết kiếm những người có tiền, có địa vị thì họ nhào vô không cần biết người đàn ông đó già hay trẻ, có gia đình hay chưa? Thời có chồng Việt Kiều đã qua. Lấy chồng Đài Loan cũng bớt chỉ còn mấy ông đã có gia đình, có mấy đồng bạc rủng rỉnh trong túi là có ''bồ nhí'' đáng tuổi... cháu nội, cháu ngoại không á (không biết là tiền trốn thuế, tiền chính phủ cho, tiền buôn ma túy hay tiền mình làm?). Đó có phải là ''mốt'' đang thịnh hành hiện nay không? Mấy ông thầy bói, thầy ngãi giờ cũng sướng rồi. Ngồi nói lãi nhãi vài câu tâm lý của quý bà là có tiền xài liền. Tôi cũng là... nạn nhân trong những số người đó. Tuy không mê tín gì nhưng tôi cũng muốn đi coi bói cho biết chồng mình có bị bùa ngãi gì không? Đang lúc chờ đến lượt mình thì có chị tới ngồi bên tôi tâm sự:
- Em ơi! Con gái bây giờ nó ác quá chẳng còn chút thể diện nào. Mà có trách thì chị trách chồng mình nhiều hơn. Lúc vợ chồng mới lấy nhau cả hai đều tay trắng, đi đâu cũng có nhau, vui vẻ bên nhau, đau bệnh nắm tay nhau cười hì hì. Nay nhờ ônh trời phù hộ nên có chút đỉnh nở mặt, nở mày với bà con, bạn bè, xã hội. Không ngờ ''giàu đổi bạn, sang đổi vợ''. Câu nói ấy thiệt đúng quá em ơi!.
Nói rồi chị thở dài, chảy nước mắt, tiếp:
- Mấy hôm nay, ổng theo con nhỏ không chịu về lại ôm theo số tiền mà chị dành dụm được cùng chiếc xe mới mua thử có điên được không?.
Nghe nói, một chị khác ngồi bên cạnh thêm:
- Chị còn đỡ, em nè: Ông chồng em dụ em mới mua căn nhà hai tầng nói để sang lại có lời, ai dè đi rước con nhỏ nào lại ở. Lúc đầu nói cho thuê, sau đó, nhờ bạn bè mới biết nó là bồ nhí của ổng có chết người không? Nay nghe ông thầy này hay nên mới tìm tới đây để...
Nói chưa hết câu bỗng xuất hiện thêm một cô bé khoảng hai mươi, hai mốt bước vào ăn bận moden quá cỡ: Áo ngắn sát đùi, còn phần trên thì ôi thôi khỏi nói, chỉ có chút xíu che lại ''chỗ đó'', miệnh thì nhai kẹo gum kêu tanh tách khiến ai nấy đều ngẫng đầu mà nhìn như nhìn...quái vật. Cái chị đang nói lỡ cỡ hồi nãy tiếp:
- Mấy chị thấy chưa? Con gái bây giờ ăn bận như vậy biểu sao mấy ổng không thèm chứ?.
Chị trước nói:
- Ừ thì chỉ có mấy con vợ già như tụi mình chỉ biết kiềm tiền lo nuôi chồng con.
Nói xong, chị đảo mắt nhìn cô gái hồi nãy rồi nói tiếp:
- Chị coi Paris By Night không? Cái cô gì mà làm MC đó. Cổ đẹp gái ghê nhưng ăn bận kỳ quá, hở trên, hở dưới.
Chị kia cướp lời liền:
- Người ta ở Mỹ mà...
- Nhưng ở Mỹ có biết bao người coi. Con nít bắt chước không nói gì còn mấy ông già thì sao?
Chị kia cự lại.
Bởi vì nhà chật, ngồi chung một chiếu nên tôi đã nghe và nhìn thấy hết. Nhìn nét mặt hai chị đã không còn nét buồn như lúc tôi bước vào. Hình như họ tới đây để chia xẻ nỗi buồn. Trời nóng nực mà đợi lâu nên tôi đành ra về. Vừa đi, tôi vừa nghĩ đàn bà sao nhiều chuyện thế. Chuyện trong nhà lại đi kể cho người lạ biết thật hết nói nổi! Tôi ghé vô quán nước mía gọi hai ly chờ người bạn tới chở về. Nước mía ở đây sao mà ngon quá!
- Ông thầy nói sao mậy? Có hôn? Sao không xin con số?
Tôi lắc đầu, cười:
- Uống nước mía đi, mới đến đã la to. Bạn tôi cũng là người không những ''nhiều chuyện'' mà còn biết đủ thứ chuyện trên đời. Những chuyện tôi biết đều do nó kể hết. Tôi không kể gì về cuộc sống vợ chồng tôi cho nó nghe nhưng tôi đoán được mọi người đều nghĩ đàn bà đi coi bói chỉ có hai chuyện: Chồng có mèo hay làm ăn thua lỗ. Nhưng nay tôi biết thêm là xin số đề nữa.
Bạn tôi lên tiếng:
- Đừng buổn. Tuổi của mình là vậy. Chẳng có đứa nào được may mắn cả. Nhưng mày ở Mỹ, mày kiếm thằng khác đi. Mày thấy không? Ở Mỹ và Việt Nam bây giờ cũng vậy. Mấy bà con gái làm đơn ly hôn nhiều hơn đàn ông nữa. Tại mày không biết chứ theo thống kê bây giờ tỉ lệ nữ ly hôn nhiều hơn rồi. A dua mà.
Bạn tôi nói một hơi làm tôi chẳng nói được tiếng nào. Tôi nghĩ câu ''xuất giá tòng phu'' đâu rồi?
Bạn tôi cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Mày biết tại sao hông? Thẩm mỹ viện bây giờ mở lan tràn, có cả làm ''cái đó'' nhỏ lại giống con gái vậy. Nếu mày muốn, tao dẫn mày đi cho biết. Có lột da cho trắng nữa từ trên xuống dưới luôn không tốn nhiều tiền đâu, rẻ hơn Mỹ nhiều...
- Mày... Tôi cắt ngang lời nó. Nó chẳng chịu thua:
- Mốt bây giờ là vậy mà chớ mày tưởng mấy cô hoa hậu hoặc những người mẫu đẹp thiệt hả? Đồ giả không trong đó.
Nghe nó nói, tôi chợt nghĩ tới một lần tôi nhờ ông anh bạn của ông xã tôi mua dùm hai cái vé đi coi hoa hậu năm 2006 tổ chức tại đảo Hòn Tre, Nha Trang-Khánh Hòa. Có biết ổng nói với tôi sao không? ''Thà anh bỏ tiền đi nhậu còn vui hơn đi coi mấy con cẵng dài đó''. Tôi ngạc nhiên hỏi cẵng dài là gì? Ổng cắt nghĩa:
- Cẵng dài là mấy cô đó có cặp giò cao là thật còn bao nhiêu là... đồ giả không hà!

Tôi ngắt: “Anh nói hơi quá đáng!”.
- Tụi nó có gì mà lạ! Anh ta cười một tràng dài ha hả...
Thấy tôi lắc đầu, bạn tôi hỏi:
- Mày suy nghĩ cái gì vậy? Muốn biết lắm à?
Tôi nói:
- Ngày xưa cha mẹ cũng sợ sinh con gái ra mà xấu thì tội nghiệp vì khó lấy chồng nhưng nay chỉ sợ không tiền trong túi mà thôi. ''Có tiền mua tiên cũng được''. Câu nói ấy hầu như cũng có lý phải không?
Tôi không hiểu sự giáo dục bây giờ ra sao mà các cô gái trẻ không có cái nhìn về cuộc sống như thế nào là tốt đẹp? Họ đánh mất sự e thẹn, nét đẹp diệu dàng tự nhiên như vậy họ có nghĩ đến gia đình của họ không? Có nghĩ đến dư luận hay nghĩ đến tương lai của họ sau này ra sao? Và hạnh phúc gia đình là gì?
Chặng đường ba mươi năm trôi qua kể từ mốc 1975 (tôi ba tuổi) giờ chỉ tồn động trong tôi là như thế! Như thế, không tốt gì hơn về giá trị con người!
Tháng 09/25/06
Đăng Ngọc
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.06.2008 23:50:47 bởi Ct.Ly >
#1
    dangngoc 25.06.2008 23:14:33 (permalink)
    TÌNH YÊU CÓ TỪ NƠI ĐÂU?








    Máy bay vừa hạ cánh, chúng tôi đành chia tay và hẹn gặp tại quán chè Thanh Mùi vào ba hôm sau-nơi ngày xưa chúng tôi thường hội họp chuyện trò vì mỗi người phải tranh thủ lo làm thủ tục hành lý của mình để kịp chuyến xe đêm về Nha Trang.


    Mỹ là người bạn mà tôi quen biết cách đây hai mươi năm. Cậu ta không có bố mẹ nên chỉ sống với bà ngoại đã già với quày bánh kẹo cỏn con bên đường gần trường học cấp 1, Diên An. Tuy nhà nghèo và không được đi học nhưng Mỹ có được sự nhẫn nhục, siêng năng và rất có hiếu với bà ngoại.


    ''Mỹ lai mười hai lỗ đít. Mỹ mình một đít hai tai''. Khi nghe câu nói ấy của các bạn cùng xóm trêu ghẹo, Mỹ đỏ mặt và bỏ đi chỗ khác. Có lần, cả bọn chọc hoài không được nên lấy đất lia Mỹ, Mỹ giận quá, đập cho chúng một trận. Khi về nhà, Mỹ bị ngoại đánh và đuổi không cho vô nhà cả tuần.


    Rất khó sống và mang mặc cảm mình là con lai nên Mỹ chỉ lẩn quẩn trong xóm chờ có ai nhờ làm gì để kiếm cơm hai bữa là đủ. Nếu được tiền, Mỹ liền cầm về cho bà. Có lần, Mỹ dúi vào tay tôi hai qủa xoài chín và nói: ''Cho bạn và bà Tám''( bà Tám là má tôi). Tôi hỏi lại:


    - Mỹ lấy ở đâu ra vậy? Trả lại cho người ta đi!


    Mỹ cười, gánh hai thúng lúa bỏ chạy rồi nói:


    - Mỹ gánh lúa cho người ta. Người ta cho Mỹ ba trái. Mỹ cho bạn với bà Tám, còn một trái, Mỹ cho gái nhỏ. Lấy đi! Ngon lắm.


    Tôi chưa kịp cám ơn thì cậu ta đã chạy khuất khỏi bụi tre bên đường.


    Gái nhỏ là người cùng xóm với Mỹ. Nhà cô ta khá hơn nhà Mỹ rất nhiều. Tuy sống ở quê và làm ruộng nhưng lối sống của nhà cô ta sống theo kiểu phong kiến, kỳ thị. Ông nội của cô ta không cho cô ta chơi với chúng tôi nhất là với Mỹ - một đứa con lai nghèo xơ, nghèo xác, không có học. Hình như ông trời trêu chọc người. Cô gái nhỏ đã phải lòng với Mỹ hồi nào mà chúng tôi không biết. Có lần chúng tôi chơi làm đám cưới giả. Cô dâu chính là gái nhỏ. Chú rễ không ai khác hơn là Mỹ. ''Cô dâu, chú rễ đập bể bình bông đổ thừa con nít bị đòn tét đít ha ha ha...''. Chính vì hôm đó mà cả bọn con nít chúng tôi phát hiện được tình cảm của hai người. Con nít biết thì người lớn cũng biết. Thế là một trận mưa roi dành cho gái nhỏ. Vừa buồn, vừa đau vì bị đòn, gái nhỏ đã bị bệnh không biết bao lâu mới lành lại vì sau đó chúng tôi không được gặp cô ta nữa. Mỹ rất buồn và lo cho gái nhỏ. Có lần vì không cầm lòng nổi, cậu ta muốn đến nhà xin lỗi nhưng vừa tới trước cửa đã bị con chó Bẹcgiê phóng ra, xơi một phát vào chân phải đi bệnh viện. Khi về tới nhà đã thấy áo quần ngoài sân. Chưa kịp nói gì thì ''Mày đi khỏi xóm này ngay. Tao không còn mặt mũi nào ra đường nữa, mày vừa lòng chưa? Đĩa mà đòi đeo chân hạc, hu hu...''. Nghe ngoại khóc, lòng Mỹ càng đau hơn, nhặt lại áo quần, nước mắt cứ tuôn... Bỗng cơn mưa chợt trút xuống. Không biết ông trời động lòng hay rửa vết thương lòng cho Mỹ?


    Sau hai mươi năm gặp lại, chúng tôi hỏi thăm hai bên, tôi mới biết Mỹ hiện đang sống ở Cali và còn độc thân. Sau khi trò chuyện đôi câu, chúng tôi cùng đưa ra ý kiến là đến thăm gái nhỏ. Tôi tò mò không biết cảm tình của họ ra sao? Phát triển tới đâu rồi? Họ có liên lạc với nhau không nên tôi sốt sắn làm người dẫn đường. Nha Trang bây giờ thay đổi nhiều quá. Những căn nhà lụp sụp trước đây đã thay bằng những căn nhà nhiều tầng và mới mẻ. Con đường nhỏ hẹp nay thành đường hai chiều. Giữa đường có con lươn trồng những cây thông được cắt xén bởi bàn tay khéo léo thật đẹp mắt.


    Thành phố Nha Trang nay đã thay đổi hoàn toàn, liệu tình cảm con người có thay đổi không? Mỹ cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:


    - Gần tới chưa bạn? Sao con đường nay lạ quá vậy?


    - Yên chí đi! Không lạc đâu.


    Tôi trấn an cậu ta và bước xuống xe hỏi thăm đường. Mỹ lên tiếng:


    - Có hay ho gì đâu mà cũng tài lanh. Hỏi thăm đường mà làm ra vẻ ta đây, rành lắm!


    Tôi cười...


    Ngôi nhà xưa của gái nhỏ nay đã được xây cất lại. Giàn hoa giấy cũng không còn nữa thay vào cổng sắt nặng trịch. Tôi đẩy cửa vào và hỏi:


    - Có ai ở trong nhà không làm ơn cho hỏi thăm.


    Ngắt lời tôi, một cô bé bước ra:


    - Dạ có! Chờ con một chút. Mời cô chú vào chơi có nội con ở trỏng.


    Nói xong, cô bé vừa chạy, vừa la to:


    - Nội ơi! Có ai tới thăm nè.


    - Ai vậy?


    - Con không biết!


    Nét mặt quen thuộc vừa bước ra, chúng tôi cùng chào:


    - Chào bác sáu! Bác sáu khỏe không?


    Vừa nheo nheo hai con mắt, bác sáu vừa hỏi:


    - Đứa nào đây? Có phải thằng Mỹ không?


    Thì ra bác sáu không nhận ra tôi mà chỉ nhận ra Mỹ thôi. Tôi nháy mắt và cười với Mỹ:


    - Ấn tượng mạnh quá há!


    Mỹ cười trả lời lại:


    - Tại Mỹ khác với người thường mà!


    - Ừ hé!


    Tôi trêu Mỹ rồi cả hai cùng cười. Bác sáu hỏi lại:


    - Hai đứa nói gì đó? Vô nhà ngồi.


    Tôi lên tiếng trước:


    - Con và Mỹ là bạn của gái nhỏ đã lâu không gặp nay mới có dịp đến thăm bác sáu và gái nhỏ. À gái nhỏ có ở nhà không hở bác?


    Bác sáu không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi mà lên tiếng:


    - Có phải thằng Mỹ là cháu của bà hai ở nhà bên cạnh không? Mèn ơi! Con đi Mỹ được bao lâu rồi? Con có đi làm không? Có gia đình chưa? Sao lâu nay không có tin tức gì của con hết? Sao không về thăm bác. Bác và mấy đứa nhỏ nhăc con hoài. Mai mốt rảnh tới đây chơi với bác nhen. À! Con về rồi con ở đâu? Hay là tới ở đây với bác đi. Nhà rộng lắm, không có ai ở hết. Bác nói mấy đứa nhỏ dọn phòng cho con nhen?


    Nói xong, bác quay lưng kêu lớn:


    - Bé ơi! Lên nội biểu coi!


    Bác sáu làm một hơi. Tôi hơi gượng còn Mỹ thì... Bác sáu lên tiếng tiếp:


    - Con bé nó ở nhà tên bé. Con của anh hai mày. Nó mới vừa nghỉ học, định cho nó học nghề móng tay. Nghe nói ở Mỹ làm móng tay có nhiều tiền lắm, rồi ở nhà kiếm đại cho nó thằng Việt kiều cho nó đi Mỹ cho nó sướng. Ở đây khổ lắm con ơi! Ở xóm mình mấy đứa con gái được người ta làm mai đem đi Mỹ hết rồi. Mấy đứa nó hên thiệt.


    Nói tới đây, bác sáu ngó thẳng vào Mỹ mà nói:


    - Hay con đem cháu theo con đi. Con bé nó cũng dễ thương lắm.


    Trời ơi! Thật hết nói nổi. Thời đại tân tiến con người cũng tiến tân thật. Nói một lèo, nói một hơi, nói ngay những gì mình muốn nói không một chút e dè nào cả.


    - Bác sáu, con...


    Mỹ vừa lên tiếng thì con bé cũng vừa bước vào:


    - Dạ nội gọi con.


    Bác sáu bảo cô bé ngồi cạnh Mỹ và nói:


    - Bác biết hồi xưa con là bạn của gái nhỏ. Lúc đó có một chút hiểu lầm. Nay chuyện đó lâu rồi, con bỏ qua đi. Gái nhỏ có gia đình rồi có chồng ở Đà Nẵng xa lắm nên nó ít về đây thăm bác.


    Nói đến đây, bà xoay người qua cô bé rồi tiếp:


    - Con bé này nó giống cô nó nhiều lắm. Nếu con có cảm tình với gia đình này thì con cưới con bé này đi. Hồi xưa bác không đúng nay bác để cho con bé đi chơi với con để hai đứa tìm hiểu với nhau. Nếu con bé nó chịu, bác sẽ nói với ba nó sau. Con nghĩ sao hở Mỹ?


    Thực tế quá! Tiến bộ quá! Tôi không biết Mỹ đang nghĩ gì, còn tôi, tôi cảm thấy không khí khó chịu. Tôi nói với Mỹ là tôi có việc nên phải đi trước.


    Ba tuần sau. Tôi đang chuẩn bị hành lý để trở về Mỹ, bỗng tôi nhận được thiệp hồng của Mỹ. Tôi suy nghĩ mãi. Tình yêu có từ nơi đâu sau hai mươi năm xa cách?


    Tháng 9/25/06


    Đăng Ngọc


    (tác phẩm đầu tay)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.06.2008 23:50:07 bởi Ct.Ly >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9