Đời Sống Đa Nguyên
Thần Báo 25.06.2008 03:58:50 (permalink)
Ðời Sống Ða Nguyên
 
Thần Báo Phạm Văn Bản
  
 
Cộng sản đang sôi động chuẩn bị đại hội toàn đảng, mục tiêu thanh lọc hàng ngũ, củng cố nội bộ và bám víu huyền thoại xã hội chủ nghĩa duy trì quyền lợi thống trị. Dầu rằng đảng cũng biết nhân dân Việt Nam đang chán ghét và muốn xa lánh cái chế độ bất nhân phi nghĩa hiện nay. Bởi đảng bỏ dân, khinh dân, xa dân, và coi dân như nô lệ như Mạnh Tử ngày xưa đã nói, “Vua coi dân như chó ngựa thì dân coi vua như thù nghịch.”
 
Ðang lúc giặc cộng bối rối với các vấn đề tranh đoạt quyền chức, thiếu thừa kế lãnh đạo, tham ô lãng phí, băng hoại xã hội, thì đây cũng là cơ hội thuận lợi cho phía người mưu cầu hạnh phúc dân tộc. Chúng ta hãy cùng nhau nung đúc khí thế đấu tranh, thổi một luồng gío mới yểm trợ cho những nhà hoạt động dân chủ và đồng bào quốc nội, trong cuộc đòi yêu sách với nhà cầm quyền Việt Nam phải nghiêm túc thực thi đời sống đa nguyên.
 
1. Ðời Sống Ða Nguyên
 
Ðời sống xã hội con người xưa nay đều mang tính đa nguyên. Bởi rằng xã hội là kết cấu của các thành phần khác biệt, nhưng tất cả sinh sống chung trên một lãnh thổ, chia sẻ chung theo một quy ước, như câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn.” Bằng như không có đời sống đa nguyên, không đồng thuận, không hiến pháp bảo vệ, thì chắc chắn xã hội Việt Nam sẽ khó thể ổn định chính trị.
 
Ðời sống đa nguyên là quy ước sống đồng thuận, không bắt buộc mọi thành phần xã hội phải đồng hóa đồng dạng, hay đồng điệu chối bỏ hoặc đánh mất tình tự đời sống con người, đời sống dân nước. Ðất nước ta có hơn 80 triệu đồng bào gồm nhiều sắc dân sắc tộc. Có người kinh, người thượng. Có người thiểu số sinh trưởng nơi miền thượng du Bắc, Trung, Nam. Có người gốc Chàm, gốc Hoa, gốc Miên. Có người thờ Ông Bà, người thờ Phật, người thờ Chúa. Có người Tin Lành, Cao Ðài, Hòa Hảo… và xã hội ta có nhiều khác biệt về lịch sử, chính kiến, văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng, nghề nghiệp... Ðó là đời sống đa nguyên. Tôn trọng đa nguyên chính là tôn trọng nhân phẩm nhân quyền.
 
Ða nguyên là yếu tố đề cao việc bảo vệ những hiện hữu và bình đẳng của các thành phần trong xã hội. Xã hội loài người chỉ phát triển khi chúng ta tận dụng được những sắc thái, những khuynh hướng đa diện, làm giải pháp cho những vấn đề cộng đồng quốc gia. Thực tế, đa nguyên còn mang lại cho xã hội nhiều giải pháp đa dạng, bảo vệ được nhiều quyền tự do căn bản của mỗi người. Ða nguyên giúp toàn dân phát triển đúng khả năng, tạo cho xã hội ngày thêm phong phú, đất nước thêm giàu đẹp. Hơn nữa, đa nguyên không chấp nhận cho bất cứ ai, nhóm người nào, hay tư tưởng nào có thể nhân danh mục tiêu con người mà đi biến người thành máy móc, thành thú vật như tập đoàn cộng sản hiện nay.
 
2. Ðời Sống Chính Trị Ða Nguyên
 
Dân chủ là kết qủa của đời sống chính trị đa nguyên. Toàn dân trong nước đều được quyền suy tư tự do, bày tỏ lập trường hay trình bày chính kiến của mình, dầu cho có đối nghịch với chính quyền, trong việc phê bình chính sách của đảng cầm quyền hay chính phủ, tranh luận môi sinh, kiểm tra ngân sách quốc gia…
 
Từ sinh hoạt chính trị tự do dân chủ, những cá nhân có cùng chung quan điểm, mục tiêu, lập trường thì họ tự kết hợp, hình thành một chính đảng. Các chính đảng được bình đẳng và tự do hoạt động nhằm đào tạo và phát triển thành viên, phổ biến quan điểm chính trị của đảng mình với đại chúng, phê bình – nhưng không xuyên tạc quan điểm của các đảng chính trị khác. Sinh hoạt tự do dân chủ là tuân thủ những điều khoản của hiến pháp, luật pháp để không dẫn tới tình trạng hỗn loạn, xung đột, hay tranh chấp chính trị.
 
Trong các cuộc bầu cử, các đảng phái đều được tự do xử dụng những phương tiện hợp pháp để vận động tranh cử cho ứng viên của đảng mình. Ðồng thời đại chúng cử tri cũng không phải chịu bất cứ một áp lực nào, trong việc lựa chọn người đại diện cho mình, mà được đánh gía là xứng đáng nhất.
 
Ðảng cầm quyền có nhiệm vụ tổ chức các cuộc tuyển cử theo hiến định, có thể vận động tranh cử cho ứng viên của đảng mình, nhưng không thể dùng quyền lực, hoặc sửa đổi hiến pháp, luật pháp để chiếm đoạt ưu thế chính trị. Ðảng cầm quyền có thể chi phối những chính sách, những quyết định của chính phủ thông qua nhân viên chính quyền là thành viên của đảng mình, nhưng quan điểm của những nhà lãnh đạo đảng, cũng không phải là tiếng nói của người công dân trong quốc gia.
 
Ðảng chính trị là tập hợp những người có chung một đường hướng, và lập trường chính trị, bởi thế, đảng có thể thuần nhất trên phương diện này mà không đồng nhất trên phương diện kia. Một chính đảng này có thể có nhiều thành viên theo một tôn giáo, nhưng lại thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Một chính đảng khác có thể quy tụ hay là đại diện cho một giai cấp xã hội, nhưng các thành viên lại thuộc thành phần nhiều tôn giáo khác nhau.
 
Tóm lại, sinh hoạt đời sống đa nguyên chính trị là giúp cho mọi người biết sống trong tổ chức, được gần gũi và gắn bó với các vấn đề liên hưởng đến đời sống dân nước. Ða nguyên là yếu tố không thể cách biệt ra khỏi đời sống của dân nước hằng ngày. Các đảng chính trị nếu không thượng tôn pháp luật ắt sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị và tranh chấp quyền lực. Tuy nhiên, mỗi chính đảng thường phải có khả năng đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của dân chúng trong một giai đoạn thì mới mong giữ trọn uy tín và tồn tại.
 
3. Ðời Sống Kinh Tế Ða Nguyên
 
Trong những quốc gia có đời sống dân chủ, kinh tế đa nguyên là thực thể sinh động của tự do kinh doanh. Toàn dân có toàn quyền mưu cầu phúc lợi tư riêng trong mọi hình thức sinh hoạt thương mại tự muốn, tự chọn, miễn là không vi phạm pháp luật quốc gia. Bởi thế, người dân cũng tự gánh trách nhiệm nếu thua lỗ vì thiếu khả năng quản trị điều hành công việc kinh doanh vì bất cứ lý do gì đã xảy ra. Chính quyền không thể hay không được phép nhân danh bất cứ chủ nghĩa nào mà tự phong cái quyền mà phát ơn ích cho dân, như những hành động quê mùa man rợ của bọn cộng sản: chủ nghĩa xin cho, ở Việt Nam ngày nay.
 
Chính quyền của những quốc gia có đời sống dân chủ, đã không được phép đặt ra chỉ tiêu, ngăn cấm, rào đón, giám sát hay mang tham vọng làm thày dạy nhân dân trong cách làm ăn buôn bán. Công việc của chính quyền là bảo đảm cho quyền bình đẳng của mọi người công dân trên lãnh vực thương trường, và bảo đảm cho việc áp dụng một cách đồng đều, không thiên vị.
 
Bằng ngược lại, chính quyền cộng sản thì mang cái tham vọng khôi hài là đa nguyên kinh tế trong sự kiểm soát tập trung. Vì không thể quản lý nổi những cơ sở quốc doanh đã cuớp đoạt trong cuộc cải tạo kinh thương miền Nam, từ đó chính quyền cộng sản tạm thời lo việc giải tán những cơ sở vốn dĩ đã què quặt, bị phá sản vì tham ô lãng phí, vì thiếu khả năng điều hành quản trị, không đủ kiến thức thương mại, và nhất là vì họ có bà con thân thuộc với hệ thống bí thư lãnh đạo đảng bộ – một lớp người cán dốt nát, nhưng lại có đầy quyền uy sinh sát và bảo thủ hơn vua chúa phong kiến xa xưa. Vậy thì những việc làm thất thoát ngân sách quốc gia, cần phi tang chứng cớ và chạy tội trước áp lực của đại chúng, buộc đảng ra lệnh giải tán… coi như họ đã xây dựng kinh tế thị trường định xã hội chủ nghĩa đã hoàn tất trong giai đoạn thống nhất đất nước. Nhưng tới một thời điểm nào đó, nhà nước lại ban hành biện pháp quốc hữu hóa, thu mua với gía rẻ mạt, hoặc tái cải tạo thương nghiệp, tịch thu tư bản và toàn bộ tư liệu sản xuất như đã từng xảy ra bao lần trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam… và ai là người dám cam đoan rằng điều này không thể xảy ra? Ngay tại thủ đô Hà Nội đã từng có nhiều doanh nhân mang án tù tội, tan gia bại sản về việc sản xuất biến chế bút viết, lốp xe… bền tốt rẻ đẹp hơn hàng của công ty quốc doanh.
 
Với những luận điệu kinh tế đa nguyên với nhiều thành phần theo định hướng XHCN khi còn nằm trong sự kiểm soát tập trung của đảng cộng sản thì chỉ là biện pháp nuôi béo giúp đảng sớm thành qủi dữ. Ngày nay ai mà còn thơ ngây tin đảng để có những việc làm kinh tế nối giáo cho giặc thì quả không phải là người.
 
4. Ðời Sống Văn Hóa Ða Nguyên
 
Văn hóa Việt được phát hiện là một hệ thống toàn bích chỉ đạo cho toàn thể cuộc sống của con người. Văn hóa Việt lại cũng không phát xuất từ một chủ nghĩa, một triết thuyết hay một tôn giáo, mà từ việc nhận diện những sinh hoạt và tâm tư của con người đang sống động ngay trước mắt. Vì thế, văn hóa Việt chẳng những trung thực và thích hợp cho mọi người, mà còn mở rộng cửa đón nhận tất cả những gì tốt đẹp cho cuộc sống, như là phần ứng dụng và khai triển của chình nếp sống Việt. Ví dụ, “tam giáo đồng nguyên,” không tiêu diệt bất cứ khuynh hướng văn hóa, hay tín ngưỡng nào. Tất cả được gói gọn trong chữ Ðồng Bào.
 
Dưới khía cạnh văn hóa, đạo sống và tôn giáo có công dụng giúp con người sống theo một lối sống được coi là tốt đẹp và giúp ích cho cá nhân đó cũng như cho xã hội loài người. Ðạo sống và tôn giáo cũng nêu lên những nguyên tắc sống và những phương thức thực hành để giúp cuộc đời thêm hạnh phúc.
 
Việc đào luyện nhân lực cho đất nước là việc chung, đòi hỏi sự tham gia đông đủ của các thành phần xã hội, kể cả chính quyền và các tôn giáo. Muốn cho các ngành giáo dục phát triển, (1) chính phủ phải tạo cơ hội và khuyến khích mọi thành phần dân tộc tham dự vào chương trình học vấn. (2) Bộ giáo dục phải ban hành chính sách giáo dục phù hợp với hoàn cảnh xã hội, trình độ dân trí, ngân sách, phương tiện, kỹ thuật và nhân sự. (3) Việc thực hiện những chính sách phải được các tư nhân, tập thể, tôn giáo tiến hành theo những sáng kiến và khả năng thực tế của họ.
 
Trong các nước dân chủ có nền giáo dục đa nguyên, chúng ta thường thấy xuất hiện hai hệ thống trường học: trường công và trường tư. Việc chính phủ phải mở ra hệ thống trường học công lập là cần thiết, nhưng không làm phương hại đến hệ thống trường tư thục, phần đông là của tôn giáo. Ðiều kiện lý tưởng như tại Hoa Kỳ là toàn thể các cơ sở giáo dục đều được quản trị bởi tư nhân, giải quyết nhu cầu đào tạo nhân lực cho xã hội theo nhiều phương hướng khác biệt, nhiều phương tiện khác biệt mà vẫn nằm trong qui định và chính sách giáo dục căn bản của chính quyền.
 
Chúng ta cũng thấy các tôn giáo có quyền xây cất trường học, xây cất cơ sở ấn loát để quảng bá tư tưởng, mở bệnh viện, tham dự vào các sinh hoạt kinh tế nhằm giải quyết nhu cầu tài chánh và đáp ứng những sinh hoạt khác của tôn giáo mình. Và khi thiết lập những cơ sở giáo dục hay kinh thương, các tôn giáo phải được bình đẳng như nhau, tôn trọng lẫn nhau, và tuân theo những điều pháp luật qui định. Với tôn giáo đa nguyên như thế, chúng ta nhận ra ngay một nguyên tắc mà chính mình phải tôn trọng, đó là quyền tự do tự do tư tưởng của người dân.
 
Một xã hội được gọi là đa nguyên về niền tin tín ngưỡng, khi các tôn giáo đều có cơ hội truyền giáo như nhau, ngang nhau. Và người dân cũng có quyền tự do chọn lựa niềm tin hay tín ngưỡng của chính mình ở bất cứ một giáo lý nào. Ngược lại, không tin vào đạo nào hết thì cũng được, vì đó là quyền chọn lựa và quyền này được tôn trọng. Tuy nhiên, người không tôn giáo thì không được quyền khích bác, đả kích những người đang có tôn giáo, và đó là vi phạm pháp luật. Không phải thánh thì đừng đụng đến của thánh.   
 
Tóm lại, quyền bình đẳng trong thể chế đa nguyên là phải được áp dụng một cách đồng đều và hai chiều, mang mặc ý nghĩa quyền lợi và nhiệm vụ.
 
5. Ðời Sống Xã Hội Ða Nguyên
 
Tự do sinh hoạt, thành lập hội đoàn, đoàn thể xã hội, hoạt động xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, sắc tộc, kinh doanh, thương mại, sản xuất, thể thao, võ thuật, thiện nguyện, từ thiện… đều được quyền tự do điều hành, quản trị độc lập, và có tiếng nói như các cơ quan của chính quyền, miễn sao các hoạt động, sinh hoạt phải trong khuôn khổ hiến định, và chịu trách nhiệm trong mọi hành động của mình đối với luật pháp quốc gia.
 
Ðời sống xã hội đa nguyên sẽ tạo điều kiện để phát triển mọi tiềm lực của quốc gia, và có xã hội đa nguyên thì sinh hoạt chính trị mới có dân chủ, cơ chế dân chủ, tinh thần dân chủ. Và đặc biệt từ đó, các chính đảng mới có thực lực, có trách nhiệm, và trở thành phương tiện hữu hiệu trong việc xây dựng một nền dân chủ trưởng thành.
 
Chính vì thế, nếu không có đời sống xã hội đa nguyên, đa đảng chính trị nếu có, cũng chỉ là hình thức do nhà cầm quyền mị dân phịa ra. Và các đảng đó cũng chẳng có khả năng giải quyết những vấn đề nan giải của đất nước, dẫn tới tình trạng xã hội bị rối loạn. Sự khủng hoảng toàn diện ở Việt Nam hôm nay, là hậu qủa của một xã hội thiếu đa nguyên và gây ra bởi một chế độ chuyên chính. Vậy muốn đưa xã hội Việt Nam thoát khỏi những rối loạn như ngày nay thì chúng ta chỉ còn con đường duy nhất là mang tính đa nguyên trở lại xã hội và thiết lập một nền dân chủ đa nguyên.
 
Trong xã hội đó, nếu như có người còn thích thì họ có quyền tin tưởng vào chủ thuyết, chủ trương xã hội của Karl Marx, có quyền lập đảng mác xít đảng cộng sản, lao động hay xã hội… Nhưng điều cấm kỵ dứt khoát rằng, họ không được nhân danh khả năng chống bất công của một giai cấp vô sản mà đòi giải phóng, đòi cứu rỗi… mà bắt toàn dân phải theo thì đó là hành vi phạm pháp. Nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa cộng sản và những người lãnh đạo đảng cộng sản vì do cái tham vọng độc nguyên hết sức khôi hài của họ.
 
Sau khi đảng cộng sản chấm dứt tình trạng chuyên chính, Việt Nam trở nên xã hội đa nguyên thì chính quyền của chúng ta cũng chẳng cần phải xét hỏi lý lịch chính trị, tín ngưỡng hay căn cứ theo những tiêu chuẩn chính trị quá khứ, đảng viên, công giáo hay phật giáo… Chúng ta xây dựng lại đời sống xã hội đa nguyên theo truyền thống của tổ tiên dân tộc chúng ta đó là Ðồng Bào, tất cả là anh em của Bọc Mẹ Trăm Con thể theo tinh thần Văn Hóa Tiên Rồng.
 
6. Kết Luận
 
Trước mắt chúng ta, đảng cộng sản đã cố tạo cho Việt Nam trở thành một xã hội nhất nguyên, độc nguyên và mang lại những hậu qủa tai hại khôn lường là chia rẽ tinh thần dân tộc, triệt tiêu tinh thần cộng đồng, phá hoại tinh thần tương trợ. Quê hương ta hôm nay chỉ còn mang cái vỏ nhất nguyên chính trị để che đạy và bao trùm lên một xã hội đầy dẫy bất công, thối nát. Nhân dân bị phân tán tha hoá đến nỗi không còn biết mình biết người. Xin hỏi đã mấy ai ngày nay còn biết nghĩ đến những việc chung, lợi ích chung, hay lo cho người khác, mà hình như tất cả đã chỉ mải mê lo giải quyết nhu cầu sinh tồn tư riêng bằng thủ đoạn lường lọc bất chính.
 
Ðể sống lại Hồn Dân Hồn Nước, chúng ta cần trở về với truyền thống hòa đồng bao dung, tương thân tương ái, sức mạnh trong sự đoàn kết, tổng hợp những cái riêng trong những cái chung, gọi là Tinh Thần Ðồng Bào trong biểu tượng Một Bọc Trăm Con, một là trăm và trăm là một, và dương cao ngọn cờ Ðời Sống Ða Nguyên đấu tranh phá giặc cộng sản, buộc giặc qui hàng.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9