Bệnh lãng trí
HongYen 25.06.2008 06:21:11 (permalink)



Nghiên cứu ở Hòa Lan: Bệnh nhân lãng trí cải thiện khi tiếp xúc nhiều với ánh sáng
Monday, June 16, 2008





CHICAGO (Reuters) - Dùng hệ thống đèn sáng sủa hơn cho những người cao niên bị lãng trí, đồng thời cho họ uống hàng ngày một liều lượng kích thích tố melatonin ảnh hưởng tới giấc ngủ, sẽ giúp cải thiện trạng thái tinh thần, giấc ngủ, và sức khỏe tổng quát của họ, theo lời các nhà nghiên cứu ở Hòa Lan hôm 10 Tháng Sáu.

“Ðiểm quan trọng trong kết quả tìm thấy của chúng tôi là có những hiệu ứng rõ rệt đối với hàng loạt những đo lường trên những phương diện khác nhau về chức năng, và cho thấy có sự cải thiện rất đáng kể về phẩm chất đời sống,” lời Tiến Sĩ Eus van Someren thuộc Viện Khoa Học Thần Kinh Hòa Lan (Netherlands Institute for Neuroscience), ở Amsterdam.
Những bệnh nhân lãng trí sống lẻ loi thường suy thoái sức khỏe và bị thúc ép phải vào sống trong những viện điều dưỡng khi họ mất dần những khả năng tâm thần và thể chất, họ dễ tức giận, thường nhức đầu và mất ngủ.
Cuộc nghiên cứu ở Hòa Lan nhận thấy sự tiếp xúc với ánh sáng rực rỡ trong những giờ ban ngày - từ mặt trời chiếu qua những cửa sổ lớn và từ những đèn huỳnh quang (fluorescent lights) được gắn thêm trong nhà - giúp giảm khoảng 5% sự suy thoái tâm thần so với những bệnh nhân thiếu tiếp xúc với ánh sáng.
Có sự giảm bớt 19% trong những triệu chứng trầm cảm, và giảm 53% sự suy thoái khả năng sinh hoạt hàng ngày trong thời gian 15 tháng của cuộc nghiên cứu, theo phúc trình đăng trên đặc san Journal of the American Medical Association (JAMA) của Hiệp Hội Y Khoa Mỹ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi cho các bệnh nhân uống một liều lượng kích thích tố melatonin hàng ngày cũng tăng thêm những phúc lợi cho họ. Melatonin là loại kích thích tố giúp cơ thể điều hòa chu kỳ ngày-đêm - đây là yếu tố kiểm soát thời biểu của giấc ngủ.
Melatonin là một kích thích tố thiên nhiên, nhưng trong cơ thể của người lớn tuổi thường không có đủ chất này. Họ có thể dùng melatonin bổ sung, mua không cần đơn bác sĩ.
“Cách điều trị phối hợp giữa ánh sáng và kích thích tố melatonin giúp bệnh nhân giảm tính khí nóng nẩy, tăng thêm khả năng dễ ngủ và giảm sự trằn trọc trong giấc ngủ,” ông van Someren nói trong một cuộc phỏng vấn.
Cuộc nghiên cứu đã thi hành cho 189 người, đa số là phụ nữ, sống trong 12 viện điều dưỡng ở Hòa Lan, và phân chia họ thành những nhóm để khảo sát những hiệu ứng khi tiếp xúc với ánh sáng rực rỡ hơn và cho họ dùng kích thích tố melatonin.
Ông van Someren nói rằng kết quả đáng ngạc nhiên nhất là ánh sáng và chất melatonin đã giúp cải thiện chức năng tâm thần cho những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer's với hiệu ứng tương đương với những dược phẩm dùng cho bệnh lãng trí này, trong khi không gây ra những phản ứng phụ (như buồn nôn) giống như những dược phẩm đó.
Liều lượng 2.5 mg của kích thích tố melatonin dùng trong cuộc nghiên cứu có thể là quá cao, vì đã có hiệu ứng bất lợi xẩy ra cho một số bệnh nhân, như trở thành ưu tư hơn, theo lời các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, những hiệu ứng đó sẽ mất đi khi trong cuộc điều trị có bao gồm thêm ánh sáng.
Những cuộc nghiên cứu trước đây về chất melatonin không thấy nó có nhiều phúc lợi cho những bệnh nhân lãng trí, nhưng ông van Someren nói rằng có lẽ cần tới thời gian dùng kích thích tố này lâu hơn để tạo ảnh hưởng cho cơ thể. (n.m.)
 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=80132&z=14

 
 
#1
    Như Ý P 21.12.2008 00:30:21 (permalink)



    Thuốc chữa Alzheimer đang thử nghiệm cho thấy hiệu quả


    18/12/2008


    Một loại thuốc đang được thử nghiệm hình như tỏ ra công hiệu đối với chứng mất trí nhớ có liên hệ với bệnh Alzheimer. Thuốc có tên là Dimebon. Các thử nghiệm ban đầu tại châu Âu và Nga cho thấy thuốc đã giúp tăng trí nhớ cho bệnh nhân. Một cuộc nghiên cứu khác về thuốc Dimebon đang được thực hiện tại Mỹ. Thông tín viên Deborah Block của VOA có bài tường trình sau đây.







    Các cuộc thử nghiệm thuốc Dimebon ở châu Âu và Nga cho thấy trí nhớ bệnh nhân được cải thiện
    Alzheimer là một chứng rối loạn diễn tiến từ từ khiến cho người bệnh giảm dần trí nhớ,mất dần khả năng ngôn ngữ và cuối cùng mất cả khả năng tự chăm sóc cho chính mình. Nguy cơ mắc bệnh chứng bệnh này tăng khi tuổi tác tăng cao.

    Tại bang Wisconsin, tổ chức Dean Foundation là một trong số hàng chục nhóm nghiên cứu đang làm việc với các bệnh nhân Alzheimer để tìm hiểu xem liệu thuốc Dimebon có công hiệu lâu dài hay không.

    Bác sĩ Leslie Taylor, chủ nhiệm của chương trình nghiên cứu này cho biết: “Thuốc này không phải để chữa hết bệnh, nhưng hy vọng là công hiệu của nó sẽ tốt hơn so với tất cả các loại thuốc chữa Alzheimer đã có trên thị trường tính đến thời điểm này.”

    Bà Ivanka Grabarek được chẩn đoán bị Alzheimer hồi tháng sáu năm ngoái, và hiện là một bệnh nhân tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng này. Tuy nhiên cả bà lẫn chồng của bà là ông Bill Grabarek đều không rõ là bà đang uống thuốc Dimebon hay chỉ là thuốc độn (placebo).

    Nói chuyện qua điện thoại, ông Grabarek bày tỏ tin tưởng là cuộc thử nghiệm này rất quan trọng.

    Ông Grabarek nói: “Những tiến triển trong quá trình dùng thuốc rất chậm và không thấy rõ, tuy nhiên nhìn chúng tôi có cảm tưởng cuộc nghiên cứu sẽ có lợi cho công chúng, nhờ những dữ kiện ghi nhận được từ cuộc nghiên cứu.”

    Bác sĩ Taylor cho biết những cuộc thử nghiệm trước đó cho thấy thuốc Dimebon giúp tăng trí nhớ cho bệnh nhân được một năm.

    Bác sĩ Taylor nhận định: “Đó sẽ một thành tựu to lớn, một thành tựu đưa chúng ta vào một gia đoạn mới trong nỗ lực chữa trị bệnh Alzheimer.”

    Giai đoạn nghiên cứu cuối cùng này sẽ kéo dài khoảng 2 năm. Sau đó Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ sẽ quyết định có cho phép thuốc Dimebon được dùng để chữa trị cho tất cả những người bị bệnh Alzheimer hay không.

    http://www.voanews.com/vietnamese/2008-12-18-voa1.cfm
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9