Kinh Việt
Thần Báo 25.06.2008 22:57:00 (permalink)
Kinh Việt
 
soạn bởi Thần Báo Phạm Văn Bản

Việt Ðức 1, ngày 20 tháng 9 năm 1982
Sikew, Thailand



Chủ Tế: Thần Báo Phạm Văn Bản
tại Trường Đại Học Cộng Đồng Everett
(Hình của Nhật Báo Herald)
 
 


Là người dòng giống Lạc Long
Ðồng Bào ta nhớ thuộc lòng chin kinh
Tiên Rồng thứ nhất xác minh
Hiệp Song Hoàn Chỉnh trọn tình ai ơi
Thứ hai Trầu Cau diễn lời
Thân Thương nguyên lý làm đời sống chung
Thứ ba hướng tới trùng phùng
Chữ Ðồng: Bình Ðẳng Tột Cùng là đây
Tiết Liêu thứ bốn dựng xây
An Dân Thịnh Nước xum vầy ấm no
An Tiêm kinh tiếp chăm lo
Việc Làng Dân Chủ - đạo phò con dân
Vọng Phu thứ sáu góp phần
Chồng nào Vợ nấy chuyên cần tăng gia
Trương Chi thứ bảy ấy là
Căn nguyên hạnh phúc – tình ta sáng ngời
Mỵ Châu thứ tám truyền lời
Kinh Giữ Nước góp đời sĩ phu
Kết Kinh Phù Ðổng diệt thù
Dấn thân Cứu Nước cho dù gian nan
Chín kinh tóm tắt chứa chan
Tiên Rồng văn hóa bao ngàn năm qua.
 
 
 
 
Ban Giảng Viên Trường Hoa Tiên Rồng Mỹ Châu
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.07.2008 02:28:12 bởi Thần Báo >
#1
    Thần Báo 25.06.2008 23:14:31 (permalink)
    1. Kinh Tiên Rồng
     
     




    Một Bọc Trăm Con  - Hình của Thày Bùi Văn Bảo
    Một là trăm và trăm là một: Đồng Bào



    Khai nguyên minh triết nước ta
    Tiên Rồng phối hiệp – xây gia dựng đình
    Từ đây thắm đượm ân tình
    Trong con chung bọc – mẹ sinh một lần
    Trọn tình trọn nghĩa ái ân
    Mẹ cha xác quyết đôi phần như sau
    Con người – hai nửa khác nhau
    Năm mươi theo mẹ lên mau núi rừng
    Nửa phần còn lại reo mừng
    Theo cha xuống biển tưng bừng hoan ca
    Cha Rồng lại nhắn nhủ là
    “Khi cần thì gọi – có ta về liền!”
    Tiên Rồng phát triển thường xuyên
    Cháu con Tộc Việt khắp miền núi sông
     
    * * * *
     
    Tuyệt thay Chánh Thuyết Tiên Rồng
    Ông Bà xây dựng cộng đồng an vui
    Căn nguyên Nhận Diện Con Người
    Tiên Rồng Song Hiệp – tạo đời toàn năng
    Cha Rồng – biểu tượng nói rằng
    Lực thân sinh động – Trí năng biến hòa
    Và Tiên hiện hữu trong ta
    Làm nên người thật ấy là nhân sinh
    Me Tiên – biểu tượng chứng minh
    Tâm tình thông hiệp – Tuệ linh vĩnh tồn
    Con Người – nền tảng lập ngôn
    Trí-Thân-Tâm-Tuệ trường tồn là đây
    Tiếp theo công cuộc dựng xây
    Cộng đồng Xã Hội xum vầy như sau
    Hiệp hai hoàn chỉnh nhiệm màu
    Trăm Con Một Bọc cùng nhau giúp đời
    Trăm người trăm việc ai ơi
    Căn cơ Gia Tộc tuyệt vời là đây
     
    Chẳng như tà thuyết phương Tây
    Duy tâm, duy lợi… chứa đầy bất công
    Phân ngôi định cấp cộng đồng
    Ðặt ra thống trị: chủ ông – tớ đày
    Của tài vơ vét hàng ngày
    Bắt dân đóng góp kéo cày như trâu
    Cấp trên cứ thế mà giàu
    Lừa khinh cấp dưới tóm thâu lợi quyền
    Nào là đảng trị chính chuyên
    Tự do – cũng bọn tuyên truyền hại dân
    Con người đau khổ muôn phần
    Biến thành con thú – ta cần xóa tan
    Thay bằng xã hội thịnh an
    Tiên Rồng – hồi phục dung nhan con người
     
    Quân bình tỷ lệ: năm mươi
     Số con theo mẹ bằng người theo cha
    Tương đồng tuyệt đối ấy là
    Hiệp hai hoàn chỉnh – làm đà phát huy
    Nguyên sinh vạn vật gẫm suy
    Phê bình tiến hóa – cứu nguy loài người
    Kỷ nguyên cách mạng sáng ngời
    Tiên Rồng Mở Hội – tiếng cười hoan ca
     
    Núi – sông giao hữu hài hòa
    Siêu linh – vật chất thăng hoa muôn đời
    Lý – tình minh định tuyệt vời
    Thân thương – bình đẳng bao thời khắc ghi
    Nước – nhà lúc thịnh lúc suy
    Hợp tan – tan hợp diệu kỳ ngàn thu
     
    Mỗi người: sống nét đặc thù
    Trong nền Phúc Ðức luyện tu hàng ngày
    Tinh thần – thể chất tỏ bày
    Hiền hòa – dũng cảm hăng say giúp đời
    Lo ăn mặc – cũng thảnh thơi
    Cá nhân – tập thể xin mời lo toan
    Sống nhân – lẫn trí kiện toàn
    Hợp tình – hữu lý hiền ngoan Tiên Rồng
     
    Gia đình: thuận vợ thuận chồng
    Thương yêu kính trọng – hòa đồng việc chung
    Sống tình lẫn nghĩa – ung dung
    Vô nam dụng nữ - cũng cùng như nhau
    Vợ chồng, con cháu trước sau
    Việc làng việc nước – hãy mau trau dồi
    Gái trai – hiếu thảo xứng đôi
    Kính thờ Quốc Tổ - nhớ nôi Tiên Rồng
     
    Cộng đồng: trên dưới, nhưng không
    Lạm quyền thống trị: chủ ông – tớ đày
    Thời nào mà chẳng nghèo – giàu
    Chung giàn cuộc sống bí – bàu chẳng phân
     Tước thiên mà có tước nhân
    Lý – tình đạo sống mười phân vẹn mười
    Gia đình – gia tộc, loài người
    Từ làng đến xã vui cười đoàn viên
     
    An dân chính sách gắn liền
    Vua – quan vì nhiệm khắp miền ấm no
    Ðức – tài lãnh đạo chăm lo
    Chẳng vì chức vị tự do lộng hành
    Chớ đâu quân chủ chính chuyên
    Thực ra dân chủ khắp miền lân bang
    Phép vua thua với lệ làng
    Chứng minh cuộc sống nhịp nhàng vì dân
    Chăn dân mà lại ân cần
    Ðáp ứng nguyện vọng toàn dân tỏ bày
    Mưu cơ – đạo lý thẳng ngay
    Quang minh chính đại – ra tay cứu đời
    Sống theo văn hóa sáng ngời
    Với người khuất mặt – với đời nhân sinh
     
    Xét về kinh tế xứ mình
    Thực thi bình sản dân tình an khang
    Không thừa không thiếu rõ ràng
    Kiệm cần liêm chính – lại càng thảnh thơi
    Tấc vàng tấc đất xây đời
    Mặc bền ăn chắc là lời huấn linh
    Trăng thanh gạo trắng hữu tình
    Tạo ra của cải là vì thân thương
     
    Con người gắn bó quê hương
    Quốc phòng quân sự khắp phương thuận hòa
    Xã làng – tổ chức nước ta
    Vừa làm kinh tế - vừa là chiến khu
    Giữ làng giữ nước – bao thu
    Toàn dân là lính diệt thù lập công
    Có văn lẫn võ – hòa đồng
    Giữ nhà giữ nước vợ chồng dân binh
    Hỡi cô du kích chung tình
    Bên anh diện địa – có mình có ta
    Vừa lo giết giặc – mà là
    Cứu người lương thiện – Tình Ca Ðồng Bào
     
    Tiên Rồng – Ðạo sống tự hào
    Thờ Trời mà cũng đề cao Thờ Người
    Tại tâm – thể hiện vui tươi
    Lễ nghi – chứng tỏ con người thiện tâm
    Trên dương sống mãi như âm
    Từng người – toàn thể đồng tâm giúp đời
    Bao điều tôn giáo tuyệt vời
    Thế nhưng chỉ nhận những lời thích nghi
    Gia Tiên – Quốc Tổ khắc ghi
    Tình chân thiện mỹ - không gì sánh hơn
     
    Ngày nay nhân loại gặp cơn
    Khiếm khuyết hạnh phúc – oán hờn kiếp sinh
    Gây ra bao cảnh bất bình
    Ðấu tranh giai cấp – đoạn tình anh em
     
    Xin mời thế giới đến xem
    Con đường nhân bản sẽ đem hiệp đồng
    Ðó là Chánh Thuyết Tiên Rồng
    Giúp cho nhân loại – chờ trông cứu người
     
    Trăm Con Một Bọc tuyệt vời
    Công bình bác ái sáng ngời là đây
    Từ bi hỷ xã chứa đầy
    Ta vâng Thánh Ý – đi xây Con Người.
     
     
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.06.2008 01:48:56 bởi Thần Báo >
    #2
      Thần Báo 25.06.2008 23:44:10 (permalink)

      2. Kinh Trầu Cau
       

       

       
      Trầu Cau - Hình của Thày Bùi Văn Bảo


       
       
       
      Kinh Dạy Cách Sống Tiên:
      Nguyên Lý "Thân Thương Tột Cùng"
      Thương Nhau Trọn Tình
      Chết Cho Người Mình Thương
      Dẫu Chết Cũng Vẫn Còn Thương
       
      * * *
       

      Thứ hai diễn tả tình người
      Ông bà dẫn chứng cuộc đời Trầu Cau
      Sinh đôi – hai đứa giống nhau
      Tận tình đùm bọc – cơm rau cạnh kề
      Có nàng chớm tuổi cặp kê
      Luống mong mình có tóc thề sánh vai
      Nàng nhìn tư cách anh hai
      Kính trên nhường dưới – đức tài ngang nhau
      Giúp nàng suy tính trước sau
      Trao duyên gởi phận – lựa vào người anh
      Chuyện tình đậm thắm xuân xanh
      Vợ chồng hiệp nhất – anh em một nhà
       
      Ngày kia trông cuốc hóa gà
      Gặp em mà những tưởng là “hôn phu”
      Người em đành quyết chu du
      Dẫu rằng xa cách – cũng vì thương anh
      Hành trình biển nhớ đoạn đành
      Sống thiêng thác gởi – hóa thành đá vôi
       
      Nhưng anh lòng luống bồi hồi
      Nhớ em – chàng kiếm chốn đồi xa xăm
      Khóc thương – tượng đá đang nằm
      Người anh cũng chết biến nhằm cay cau
       
      Thương chồng – nàng mãi âu sầu
      Tìm nơi chồng chết hóa trầu giây leo
       
      Từ đây lễ tết, cưới cheo
      Ăn trầu – tập tục giàu nghèo như nhau
       
      * * * *
       
      Gẫm suy bài học Trầu Cau
      Giống như hai đứa – nhắc nhau Tiên Rồng
       
      Bởi chưng Bọc Mẹ hòa đồng
      Thân Thương – nguyên lý sống lồng trong kinh
      Ðể cùng Bình Ðẳng phân minh
      Chứa chan nhân nghĩa – dân tình nước ta
      Trăm Con Một Bọc – sinh ra
      Ðồng Bào – cùng bọc mẹ cha sinh thành
       
      Chu toàn trách nhiệm làm anh
      Sánh duyên thiếu nữ – đặt thành tương quan
      Ðến khi xảy chuyện bất an
      Tình Người – giải quyết hoà chan sáng ngời
       
      Chẳng như thiên hạ - xử đời
      Vợ chồng khi cưới – sống rời anh em
      Tổ Tiên ta lại những xem
      Cuộc đời xung khắc lẫn kèm yêu thương
      Cả ba – cùng chọn một đường
      Ðồng sinh đồng tử - tình thương vẹn toàn
      Dương âm – hằng sống bình an
      Trầu Câu âu yếm che tàn Ðá Vôi
      Vị cay thơm ngát hương môi
      Hoà nhau thành máu – Chết rồi vẫn thương
       
      Ước mơ nhân loại đã tường
      Thương nhau trọn kiếp – nhẫn nhường khắc ghi
      Sẵn sàng phải chết – xá chi
      Dẫu rằng có chết – cũng vì thân thương
       
      Sống trong xã hội bình thường
      Trầu Cau – nền tảng là đường dựng xây
      Gia đình gia tộc – xum vầy
      Họ hàng làng nước – sống đầy thương yêu
      Tương quan xét đến các chiều
      Từ làng đến nước – một điều thân thương
      Sáng soi chân lý ngàn phương
      Trầu Cau – lời dạy thành chương dẫn đầu
       
      Toàn dân – sống thực chung tầu
      Thân Thương Bình Ðẳng – mưu cầu phát huy
      Nước nhà – lâm cảnh biến nguy
      Hiến thân bảo vệ - chẳng tùy cứ ai
      Và nền văn hóa thoát thai
      Ông bà, chú bác – nối dài kỷ cương
      Anh em, con cháu – tỏ tường
      Diễn tình cốt nhục Thân Thương Tột Cùng
       
      Ngay nay tà thuyết nhìn chung
      Phân chia giai cấp – sao cùng yêu thương?
      Bởi chưng nền tảng khinh thường
      Gây bao tàn sát – nhiễu nhương hận thù
      Nhân quyền, cải tiến… tài bù
      Bất công chồng chất – cho dù đấu tranh
       
      Ta xem sự thể rành rành
      I – you, nị - ngộ… tị ganh hàng ngày
      Ðồng đẳng – là chữ giãi bày
      Phân ngôi định cấp – tớ thày là đây
       
      Chẳng như văn hóa phương Tây
      Ðộc tài cộng sản … chứa đầy bất công
      Ta theo Văn Hóa Tiên Rồng
      Trầu Cau – căn cội Cộng Ðồng Thân Thương
       
      Tình Người – xin hãy am tường
      Tâm Tụê nơi Mẹ - yêu thương dẫn đầu
      Triển khai Kinh tóm lại câu
      Bao điều tàng ẩn nhiệm mầu chữ Song
      Kết Kinh hiệp ý Chữ Ðồng
      Diễn ra chữ Hiệp – Tiên Rồng là đây
       
      Căn nguyên Song Hiệp giãi bày
      Trăm Con Một Bọc – đi xây cuộc đời
      Thân Thương Bình Ðẳng – sáng ngời
      Chứng minh Sử Việt – ngàn đời đã qua
       
      Tới nay công cuộc chúng ta
      Giúp Dân Cứu Nước – vì là quê hương
      Tái sinh xã hội kỷ cương
      Phục hồi nguyên lý Thân Thương Tột Cùng.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.06.2008 01:50:40 bởi Thần Báo >
      #3
        Thần Báo 25.06.2008 23:53:22 (permalink)
        3. Kinh Chữ Ðồng
         
         

         

         
        Chữ Ðồng Tiên Dung - Chuyện Tranh của Thày Bùi Văn Bảo
         
         
         

        Kinh Dạy Cách Sống Rồng:
        Nguyên Lý "Bình Ðẳng Tột Cùng"
        Sống Với Nhau Bằng Con Người Thật
        Con Người Tinh Tuyền
        Ðừng Ðể Ngoại Vật Chia Cách Con Người
        Chỉ Thấy Con Người - Lấy Con Người Làm Tiêu Chuẩn Căn Bản
        Tài Của Giúp Người - Mọi Người Cùng Hưởng 

         
          
         
        Thứ ba – Lời Dạy Sống Chung
        Tổ Tiên kể chuyện Tiên Dung Chữ Ðồng
        Sống trong xã hội Tiên Rồng
        Căn nguyên Bình Ðẳng – hòa đồng việc chung
         
        Có nàng công chúa Tiên Dung
        Trăng tròn lẻ bóng – dạo cùng khắp nơi
        Như tiên tung cánh giữa trời
        Ðang mong tìm kiếm một nơi thanh bình
         
        Kể ra cho rõ sự tình
        Chữ Ðồng vất vưởng mỗi mình ven sông
        Thương thay kiếp sống Cha Rồng
        Áo cơm không đủ - chất chồng cô đơn
        Sớm khuya lòng luống mong ơn
        Tiên Rồng Song Hiệp thoát cơn đọa đày
        Rồi chờ cũng có một ngày
        Ước sao được vậy – kiếp này thảnh thơi
         
        Sáng nay công chúa ghé nơi
        Vây màn tắm gội – đất trời thăng hoa
        Hiện nguyên mình ngọc thân ngà
        Nào ngờ - dưới cát vốn là ẩn nhân
        Nước trong – cuốn sạch bụi trần
        Trôi theo lớp cát – hiện thân Chữ Ðồng
         
        Cao xanh đã thắt chỉ hồng
        Thấp cao hiệp nhất – vợ chồng nên duyên
        Mẹ Tiên – bèn xuất bạc tiền
        Xây làng dựng phố - khắp miền ấm no
        Con dân – ra sức chăm lo
        Lập nên cuộc sống tự do thanh bình
         
        Cha Rồng cũng góp phần mình
        Phép tiên đã luyện – tận tình dạy dân
        Tạo ra sung túc muôn phần
        Cộng đồng phát triển – đang cần bình an
        Và rồi công cưộc liên can
        Những gì thịnh vượng – vua quan lo sầu
        Tiên Rồng – biến hóa nhiệm mầu
        Dân làng – mọi sự tóm thâu Về Trời
         
        * * * *
         
        Đây Kinh Nền Tảng tuyệt vời
        Làm Con Người Thật là lời khuyên chung
        Ðề cao Bình Ðẳng Tột Cùng
        Tổ Tiên lột tả nội dung Tiên Rồng
         
        Tích xưa – thiên hạ thổi phồng
        Công nương hoàng tử - mới đồng sánh đôi
        Thứ dân – cũng phải hoa khôi
        Môn đăng hộ đối – tranh ngôi sang giàu
         
        Tạo ra giai cấp khác nhau
        Ăn trên ngồi trốc – bí bàu đấu tranh
        Bất công xã hội rành rành
        Chủ nô chế độ - đoạn đành anh em
         
        Ông bà nhưng lại đã đem
        Cành vàng lá ngọc – dân đen hợp hòa
        Tiên Dung trẻ đẹp như hoa
        Giầu sang quyền thế - vậy mà yêu dân
        Chữ Ðồng không khố che thân
        Nghèo nàn mạt rệp – hưởng phần cưới tiên
         
        Nàng Dung lưu lạc khắp miền
        Chính mình nhận thức – và tiên lên bờ
        Chàng Ðồng nào dám hững hờ
        Ẩn mình dưới cát – đợi chờ cơ duyên
        Thấp cao – ván đã đóng thuyền
        Sinh Con Trăm Ðứa – hưởng quyền quốc gia
        Như dân – trong nước một nhà
        Lấy chi tài của – khiến ta chia lìa
         
        Tiên Rồng văn hóa chiếu tia
        Ðừng cho ngoại vật ngăn chia cuộc đời
        Nơi đây Chỉ Thấy Con Người
        Toàn dân hạnh phúc – tiếng cười đoàn viên
        Thực thi Bình Ðẳng như Tiên
        Ta noi gương Mẹ - dùng tiền nuôi dân
        Gương Cha – cũng được góp phần
        Tài năng biến hóa – chuyên cần dạy khuyên
         
        Giúp dân Sống Thực căn nguyên
        Phát huy toàn diện – vang truyền gần xa
        Cháu con noi đức mẹ cha
        Tài năng của cải chỉ là hỗ tương
        Chớ dùng tài của đo lường
        Phân ngôi định cấp – thân thương xa lìa
        Rồi gieo giọt lệ đầm đìa
        Ăn trên ngồi trốc – phân chia giàu nghèo
        Gây ra cuộc sống cheo leo
        Khinh khi cốt nhục – rắc gieo tương tàn
         
        Tiên Rồng – xã hội thịnh an
        Mọi người cùng hưởng – sẻ san gia tài
        Chẳng dành hạnh phúc riêng ai
        Về Trời – dẫn tới tương lai thanh bình
        Từ người tới vật hữu sinh
        Hoàn toàn được hưởng trong tình Thân Thương
         
        Tuy rằng cũng có ít phường
        Tham quyền lạm chức nhiễu nhương dân lành
        Ðể răn những kẻ lộng hành
        Toàn dân khinh bỉ - Sử xanh chê cười
         
        Chẳng như văn hóa xứ người
        Chủ nô – cổ võ coi người như trâu
        Cấp cao sẵn thế làm giầu
        Ðạp lên đồng loại – tóm thâu lợi quyền
         
        Và nền Ðạo Việt lại khuyên
        Góp chung Phúc Ðức – lưu truyền nghìn thu
        Sống theo nguyên lý đặc thù
        Tột Cùng Bình Ðẳng – chân tu Con Người.
         
         
         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.06.2008 01:52:03 bởi Thần Báo >
        #4
          Thần Báo 26.06.2008 00:55:03 (permalink)

          Phạm Văn Bản
           
           
          Nhìn Chung Ba Kinh Nền Tảng
           
          1. Kinh Tiên Rồng: Nền tảng, ta rút ra nguyên lý của sự sinh hóa của vạn vật, đặc biệt căn cứ trên con người, tức nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp Hoàn Chỉnh. Với Kinh Tiên Rồng, chúng ta có được định nghĩa về con người! Hoàn chỉnh, toàn diện, đúng thực! (So với sinh vật kinh tế hay lao động của các chủ thuyết duy vật, duy lợi)... chúng ta cũng được nguyên lý của xã hội con người: Thân Thương Tột Cùng và Bình Ðẳng Tột Cùng.
           
          2. Kinh Trầu Cau: Kinh Trầu Cau rút ra từ Bọc Mẹ Trăm Con của Kinh Tiên Rồng ra hai người (hai anh em sinh đôi) để áp dụng vào đời sống xã hội và đặc biệt nhấn mạnh, khai triển khía cạnh Thân Thương Tột Cùng của Kinh Tiên Rồng, của con người. Kinh Trầu Cau đặt nền tảng tương quan giữa người với người, nghĩa là: Thương nhau trọn tình, sẵn sàng chết vì thương, và dẫu có chết cũng vẫn còn thương. Vì là nền tảng tương quan giữa người với người, nên cũng là nền tảng sống thực của mọi xã hội, từ gia đình… tới nhân loại. 
           
          3. Kinh Chữ Ðồng: Kinh Trầu Cau đã từ Bọc Mẹ Trăm Con của Kinh Tiên Rồng ra hai anh em để áp dụng Thân Thương Tột Cùng, thì để dạy bài học Bình Ðẳng Tột Cùng, Tổ Tiên ta lấy lại hình ảnh Tiên Rồng, Công Chúa Tiên Dung: đẹp, sang, giầu, được yêu thương, kính trọng quyền thế cao cả, tột cùng trong xã hội! Theo chữ nho, tiên là người ở núi (vì ghép chữ nhân với chữ sơn) thành chữ tiên, sướng như tiên, như núi của (vật chất).
           
          Qủa là nàng tiên, Tiên Dung giáng trần đến với chàng Chữ Ðồng đói khổ, lang thang nơi bờ sông bãi sú kiếm ăn... có cái khố cũng vì hiếu mà liệm cho cha lúc người lìa trần.
           
          Sống với nhau, phải thấy nhau bằng con người thật, con người tinh tuyền, con người không bị vật chất che phủ.
           
          Chàng là rồng ẩn mình trong lòng đất (thủy phủ) khi công chúa Tiên Dung khuôn màn tắm gội… Nàng từ trời xuống, chàng từ đáy huyệt lên.
           
          Nàng giầu sang tuyệt thế, chàng tệ hơn khố rách áo ôm… thế mà lại nên duyên! Xin hỏi xã hội như thế còn kẽ hở nào để ngăn cách, để phân chia giai cấp?
           
          Và nhờ sự song hiệp Tiên Rồng, con người được hạnh phúc. Tiên Dung Chữ Ðồng giúp dân. Họ có cả một chương trình phát triển xã hội: giáo hóa dân chúng (dạy dân phép tiên), phát triển kinh tế (lập phố xá), ngoại thương (ra biển đi buôn), phát triển giao dịch, lưu thông (gậy thần rút đất) … và rồi khi Về Trời dân chúng cũng được về theo, thành tiên, hạnh phúc cực lạc!
           
          Nhìn vào nguyên nhân thảm họa của nhân loại hôm nay, là vì các chủ thuyết đã nhận định sai lạc về Con Người, do đó đặt nền tảng gỉa tạo cho xã hội loài người. Khi quan niệm con người chỉ là con thú tiến bộ, hay sinh vật tiêu thụ và sản xuất…  khi chỉ nhìn được nhận với một số đặc tính mà chối bỏ những đặc tính khác… và khi chủ trương con người đối xử với nhau bằng hận thù, bằng đấu tranh, bằng mánh khóe thì làm sao có được hạnh phúc an vui?
           
          Những sai lầm về nền tảng đó đã được Tổ Tiên ta giải quyết thỏa đáng với câu chuyện tinh túy của Con Cháu Tiên Rồng. Ý nghĩa kết hiệp giữa hai biểu tượng Tiên Rồng, tương đồng tuyệt đối, 50 theo mẹ 50 theo cha, và Một Bọc Trăm Con, đồng bào ruột thịt. Kinh Tiên Rồng qủa là bản văn nhận diện chính xác và trọn vẹn con người và xã hội con người.
           
          Nhận ra con người gồm cả thân xác, trí khôn, tâm tình và thông hiệp với thế giới siêu linh. Con người là hiệp thể toàn nhất, tự tại và bất khả phân, nhưng con người bẩm sinh cũng là thành phần xã hội. Cùng một lúc, cùng có luôn 100 con người!
           
          Kinh Tiên Rồng, ta đã giải quyết xung đột giữa hai chủ nghĩa cá nhân và tập thể, mà xác quyết rằng thế giới vận hành không phải do mâu thuẫn nội tại, mà nhờ Song Hiệp. Ở cấu thành cũng như mọi sinh hoạt con người, luôn luôn phải có sự hòa hiệp đúng đắn và đầy đủ giữa hai cấu tố tương đồng, được biểu trưng qua Tiên và Rồng, như cá nhân và tập thể, gia đình và làng nước, vật chất và tinh thần, kinh tế và đời sống, tình và lý, hữu và vô.
           
          Các chủ thuyết hôm nay thất bại trong cố gắng tiêu diệt bất công vì tạo ra giai cấp mới. Nhưng Kinh Chữ Ðồng của văn hóa Việt, với chàng nghèo đói không khố mà sánh duyên nàng công chúa Tiên Dung, chẳng những đưa ra quan niệm, mà còn đặt ra những nguyên tắc và phương thức hành động để xã hội được thực sự bình đẳng, loại trừ giai cấp đặc quyền, lạm dụng, ỷ lại quyền thế.
           
          Trước thế giới băng hoại, hận thù, mạnh được yếu thua, gia đình suy thoái, tan rã, và con người càng thêm cô độc bơ vơ… Kinh Trầu Cau đặt nền tảng cho sự liên hệ đích thực giữa người với người, cho cách sống thực những mối ràng buộc thiết yếu, thực tại và cao qúy của con người.
           
          Không lý thuyết suông, mà chỉ cho ta phương thức thực tế, áp dụng từ trong cội nguồn, trong tâm tư, cho đến thể hiện nơi cuộc sống hằng ngày và thành quả sinh động trước mắt.
           
          * * *
           
          a. Biểu Tượng Tiên Rồng
           
          Là biểu tượng, vì khi nói tới Tiên, chúng ta nghĩ tới ngay một hình ảnh xinh đẹp, dịu hiền, từ tâm, khoan dung, nhân ái... mà còn thoát tục, siêu phàm, như tiên giáng trần, trường sinh bất tử, sống động nhưng vượt thời gian, lẫn không gian.
           
          Cũng vậy, Rồng biểu trưng cho oai dũng trổi vượt, sức mạnh vô song, sức sống vô tận, thiên biến vạn hóa, như linh như hiển, như thánh như thần... khi ẩn mình dưới đáy nước, lúc bay vút lên trời cao, làm mây làm mưa, giáng ơn giáng phúc.
           
          Và khi nói chúng ta là kết tinh của việc Tiên Rồng phối hiệp, thì Tổ Tiên ta cũng đã diễn đạt nhận thức của các Ngài về Con Người. Bởi khi nói, chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, thì Tổ Tiên ta muốn diễn tả: Con Người là một hiệp thể sinh động, là một kết tinh toàn hảo của mọi đặc tính bộc lộ qua hai biểu tượng Tiên và Rồng.
           
          Là hiệp thể do Tiên Rồng phối hiệp, có nghĩa Con Người vừa biến hóa như Rồng lại vừa trường cửu như Tiên: vừa là hiệp thể siêu phàm, vừa trong thời không lại vừa vượt thời không, vừa linh động lại vừa thường hằng, vừa xinh đẹp dịu hiền lại vừa hùng dũng cương quyết, vừa tình vừa lý, vừa chan chứa yêu thương vừa uy lực vô song... 50 thuộc Tiên 50 thuộc Rồng, song hiệp hoàn chỉnh, hai bên quân bình.
           
          Vì là truyền thuyết của dân Việt, nên khi Tổ Tiên ta nhấn mạnh đây là nguồn gốc của tất cả mọi người, thì cũng không loại trừ ai.
           
          b. Tiên Rồng Song Hiệp
           
          Tổ Tiên không chỉ diễn đạt những đặc tính nhận diện nơi Con Người mà còn đặc biệt nhấn mạnh tới các tỷ lệ giữa các đặc tính đó. Khi cha Rồng nói: Năm mươi con theo mẹ, năm mươi con theo cha, chính là xác quyết sự tương đồng tuyệt đối giữa hai nhóm đặc tính trong Con Người, một nửa do Mẹ một nửa do Cha, năm mươi phần trăm là Tiên, năm mươi phần trăm là Rồng.
           
          Như vậy Con Người là một hiệp thể toàn hảo của hai nhóm đặc tính Tiên và Rồng tương đồng tuyệt đối. Con Người là kết tinh của Tiên Rồng song hiệp.
           
          Trong toàn bộ nhận diện Con Người qua cuộc sống, văn hóa Việt khám phá ra rằng mọi đặc tính của Con Người đều có thể đúc kết trong biểu tượng Tiên Rồng Song Hiệp. Và Tiên Rồng Song Hiệp đã thấy bàng bạc khắp nơi trong mọi tương quan và sinh hoạt của Con Người.
           
          Vì vậy, theo văn hóa Việt, Tiên Rồng Song Hiệp là nhận thức nền tảng thâm sâu nhất, vững chắc nhất trong việc nhận diện toàn thể Con Người.
           
          Chúng ta có thể gọi dó là nguyên lý, Nguyên Lý Tiên Rồng Song Hiệp. Chữ song, chẳng những có nghĩa là hai, như lưỡng, nhị.. mà lại thêm ý niệm bằng nhau, như song toàn, vô song... để diễn tả 50 - 50. Chữ hiệp, thì chẳng những có nghĩa đồng ý với nhau, do chữ hợp thêm bộ thủy, mang ý hòa lẫn vào nhau… thành một hiệp thể tự tại toàn nhất.
           
          Khi cha Rồng nêu rõ: Tiên lên núi, Rồng xuống biển, chính là muốn chú trọng tới sự vẹn toàn của mỗi nhóm đặc tính Tiên và Rồng được nhận diện trong Con Người.
           
          Do Tiên Rồng phối hiệp, Con Người là một hiệp thể tự tại, toàn nhất và bất khả phân. Tuy nhiên không phải vì vậy mà những đặc tính của hai nhóm Tiên và Rồng bị pha chế hay biến đổi.
           
          Mỗi nhóm vẫn nguyên vẹn và thể hiện đầy đủ mọi điểm đặc thù của mình, như đang sinh động nơi mỗi trường hợp thích hợp nhất, như Tiên đang ở núi cao, như Rồng đang vẫy vùng giữa biển khơi. 
           
          Việc Cha Rồng nhắc nhở Mẹ Tiên: “Khi cần thì gọi, ta về ngay,” cũng là một nhận định đích xác về cuộc sống con người.
           
          Tuy Con Người là hiệp thể toàn nhất Tiên Rồng Song Hiệp, nhưng trong thực tại cuộc sống, nhiều khi một số đặc tính lại tỏ lộ rõ rệt, trong khi một số đặc tính lại có thể như thiếu vắng.
           
          Dầu vậy lúc cần thì phần thiếu vắng lại có mặt ngay. Nhóm đặc tính đó chỉ ẩn diện và luôn luôn hiện hữu trong Con Người. Ta không thể vì sự thiếu vắng bên ngoài mà chối bỏ sự hiện hữu của nó. Ví dụ: Sự ẩn diện hay bộc lộ còn có thể tùy thuộc vào một số điều kiện. Em bé mới sinh chưa đủ điều kiện thể xác để bộc lộ một số khả năng. Hoặc giả như người hư bộ óc thì không thể bộc lộ khả năng suy tư...
           
          Và như thế, nhận thức về Con Người cần phải đầy đủ, trọn vẹn.
           
          c. Nền Tảng Xã Hội Loài Người
           
          c1. Đặc Tính Xã Hội Bẩm Sinh
           
          Cũng với việc đặt nền tảng cho nhận thức về Con Người, truyền thuyết Tiên Rồng đặt nền tảng cho Xã Hội Loài Người.
           
          Khi Tiên Rồng là biểu tượng cho hai nhóm đặc tính được nhận diện nơi Con Người, thì Một Bọc Trăm Con không còn là cái bao lúc nhúc một trăm đứa bé nữa.
           
          Một Bọc Trăm Con chính là hình ảnh biểu trưng một nhóm người sống quây quần và liên hưởng với nhau mà ta gọi là cộng đoàn, hay xã hội.
           
          Biểu tượng Tiên Rồng sinh Một Bọc Trăm Con nêu lên hình ảnh: ngay từ khởi thủy, khi khởi sinh loài người là đồng thời có cả Một Trăm Con Người cùng một lúc. Đã không chỉ một Con Người đơn độc. Hễ Con Người là có cộng đoàn, xã hội.
           
          Đây là điểm tuyệt diệu đầu tiên của biểu tượng Một Bọc Trăm Con, văn hóa Việt xác quyết Đặc Tính Xã Hội Bẩm Sinh của Con Người.
           
          Với biểu tượng Tiên Rồng Phối Hiệp, truyền thuyết Tiên Rồng xác quyết đặc tính hiệp thể tự tại của từng Con Người, và với Một Bọc Trăm Con, xác nhận đặc tính xã hội của mọi Con Người.
           
          Hai đặc tính cá thể và xã hội được xác định đồng thời bởi biểu tượng Tiên Rồng, đã biểu lộ tính chất đặc biệt của văn hóa Việt.
           
          Đây chính là nền tảng chỉ đạo trọn nếp sống dân Việt suốt mấy ngàn năm, và đã tạo một nền văn hóa đặc thù.
           
          c2. Hai Nguyên Lý Xã Hội
           
          Với biểu tượng Tiên Rồng phối hiệp và sinh ra Một Bọc Trăm Con, văn hóa Việt xác quyết rằng mọi Con Người trong xã hội đều cùng một mẹ một cha và được sinh ra cùng một lần.
           
          Xác quyết này khác biệt với nhiều nền tảng của văn hóa khác. Nhiều văn hóa đã phân chia xã hội loài người thành nhiều giai cấp, và chủ trương quyền thống trị là đặc ân thiên phú của một dòng họ, hoặc một giống dân. Ví dụ: Như văn hóa Hy Lạp dành quyền ăn trên ngồi trốc cho một nhóm tự cho mình là con rơi của các vị thần. Văn hóa Ấn Độ lại chủ trương con người sinh ra trong những giai cấp di truyền: ai sinh ở đầu Bruma là tăng lữ, sinh ở bụng là thương gia, sinh ở tay chân thì làm lính, làm nô lệ... Dân Do Thái thì cho rằng dòng giống của riêng họ được Tạo Hóa đặc tuyển và phải tuyệt diệt mọi giống dân cản trở họ... Chù thuyết Quốc Xã Đức lại cho rằng dân Arya da trắng thuần chủng được đặc quyền thống trị loài người.
           
          Đang khi văn hóa Việt dùng biểu tượng Một Bọc Trăm Con để lưu truyền nền tảng của một Xã Hội Loài Người bình đẳng tột cùng và thân thương tột cùng.
           
          Không có gì diễn tả đầy đủ sự bình đẳng giữa con người với con người bằng hình ảnh ngay ở cấu thành, ngay tự khởi nguyên, con người nào cũng được hưởng nhận cùng một sức sống từ mẹ từ cha, trong cùng một lúc. Mọi người đều ra đời cùng một lần trong một cái bọc.
           
          Tự nguồn gốc, giữa con người không thể có bất cứ một dị biệt nào, chẳng những không dị biệt về sức sống, về di truyền, mà cũng không dị biệt về tuổi tác, hoặc về ngôi thứ giữa anh em. Mọi người hoàn toàn như nhau, hoàn toàn bằng nhau.
           
          Qua biểu tượng Một Bọc Trăm Con, văn hóa Việt đã nêu lên nguyên lý sâu vững nhất cho Xã Hội Loài Người về bình đẳng, con người bình đẳng tự căn nguyên, Bình Đẳng Tột Cùng.
           
          Ngoài ra, có xã hội nào thân thương bằng những anh em ruột thịt, cùng do một mẹ một cha. Tuy là anh chị em ruột nhưng cũng ít khi thương nhau đồng đều. Anh chị thường thương yêu chăm sóc cho em nhiều hơn là đứa em lo lắng cho anh chị. Do đó khi nhấn mạnh rằng mọi người cùng được sinh ra một lượt với nhau, Tổ Tiên muốn nhấn mạnh tới sự đồng nhất ngay cả trong tình yêu thương nhau.
           
          Biểu tượng Một Bọc Trăm Con, trăm anh em giống nhau như đúc, giống nhau hoàn toàn về mọi phương diện. Giữa họ, không có gì dị biệt, nên không có gì xung khắc, cũng không có gì hạn chế hay cản trở họ thương nhau. Sự khắn khít giữa họ thực chan chứa, trọn vẹn, và đồng đều. Họ thương nhau tận tình.
           
          Trong đời sống thực tế, không hề có những người được cha mẹ sinh ra cùng một lúc và hoàn toàn giống nhau. Vì vậy tình thân thương của Trăm Anh Em cùng Một Bọc, đã vượt quá mọi kinh nghiệm yêu thương thường tình của chúng ta. Đây là tình Thân Thương Tột Cùng.
           
          Sự diễn đạt của Tổ Tiên thật là tuyệt vời!
           
          Một Bọc Trăm Con, mọi người là Anh Em Cùng Một Bọc, là biểu tượng của Xã Hội Loài Người, mà cũng là diễn đạt hai nguyên lý nền tảng hoàn hảo thâm sâu nhất của Xã Hội loài người, là Bình Đẳng Tột Cùng và Thân Thương Tột Cùng.
           
          Mọi người đều là Anh Em cùng Một Bọc Tiên Rồng, đều là Đồng Bào. Khi dùng chung cho mọi người trong nước, chữ đồng bào đã luôn nói lên truyền thống cao quý của văn hóa Tiên Rồng. Chúng ta cũng có thể dùng chữ đồng bào để chỉ tập thể, hay từng cá nhân. Ta gọi nhau là đồng bào để nhắc nhở rằng mình thì thực sự là anh em, do cùng một bọc Tiên Rồng. Mà là Con Người thì bất cứ ai cũng là đồng bào, Bình Đẳng và Thân Thương tột cùng.


           * * *

          Sau ba kinh nền tảng cho con người và cuộc sống xã hội, tổ tiên ta lại dạy một cơ cấu quan trọng nhất, chi phối mạnh mẽ đời sống con người đó là nước, quốc gia.
           
          Xin tiếp tục trở lại những bài vè Kinh Việt kế tiếp.
          Xin qúy bạn đọc cho biết ý kiến - Đa tạ.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.06.2008 01:26:21 bởi Thần Báo >
          #5
            Thần Báo 27.06.2008 01:42:49 (permalink)

            4. Kinh Tiết Liêu
             
             

             
            Bánh Dày Bánh Chưng -
            Hình của Thày Bùi Văn Bảo
            Kinh Dựng Nước
             

             




            Thứ tư Tình Nước sáng tươi
            Tiết Liêu – bài học Con Người An Dân
            Làng giàu nước đẹp phải cần
            Mẫu người tài đức giúp dân thái hòa
             
            Vua Hùng – thánh chỉ ban ra
            Cúng dâng lễ vật thì là truyền ngôi
            Và rồi khắp chốn xa xôi
            Ðã bao hoàng tử nổi trôi đi tìm
            Tiết Liêu vốn tính lặng im
            Suốt ngày quanh quẩn chẳng tìm đâu xa
            Một hôm chàng gặp Cụ Gìa
            Dạy làm kiểu bánh đậm đà hương say
            Bánh chưng cùng với bánh dày
            Chế từ lúa gạo - thường ngày nuôi dân
            Rồi chàng luyện tập chuyên cần
            Dâng lên của lễ - xứng phần làm vua
             
            Từ đây lễ tết đầu mùa
            Dày Chưng – là bánh tiễn đưa bàn thờ
             
            * * * *
             
            Có ai đã mấy khi ngờ
            Việc vua việc nước – cần nhờ sứ nhân
            Nước ngoài – văn hóa chỉ cần
            Mẫu người cai trị thông phần dụng binh
            Giết người cướp của thao tình
            Miễn tranh vương gỉa – điển hình sử xanh
             
            Nhưng nền Ðạo Việt tinh anh
            Phải tìm lễ vật – mới dành ngôi vua
            Khởi công bài học thi đua
            Nhờ ơn Tộc Tổ - làm vua phải cần
            Mang ra giáo hóa toàn dân
            Tri ân thủ nghĩa – góp phần dựng xây
            Non sông trăm họ xum vầy
            Cùng nhau ăn qủa – nhớ cây người trồng
            Vẫn theo tiêu chuẩn nghĩa công
            Ông bà nhắc chuyện Tiên Rồng với câu
            Long Quân Thánh Tổ - nhiệm mầu
            Khi cần thì gọi – nơi đâu cũng về!
            Bao phen linh ứng lời thề
            Tổ là Hồn Nước – cận kề với dân
             
            Ðã bao hoàng tử vong thân
            Ðua nhau vọng ngoại – tảo tần phương xa
            Quên luôn báu vật quê nhà
            An Dân Thịnh Nước – mới là xứng ngôi
            Cần chi những của xa xôi
            Gây ra mâu thuẫn – vua tôi trị vì
             
            Nhưng đây Kinh Việt lại ghi
            Tài tìm lễ vật – những gì An Dân
            Tiết Liêu vận dụng toàn phần
            Tâm Tuệ - tìm vật giúp dân hưởng nhờ
            Thức ăn từ gạo đơn sơ
            Thêm tài cải tiến – nào ngờ thơm ngon
            Làm theo hình thể vuông tròn
            Bảo Bình – hàm ý sống còn trong tên
            Tuyệt thay chiếc bánh chưng rền
            Lá xanh gạo trắng – nói lên thanh bình
            Ta nhìn tấm bánh xinh xinh
            Bên trong gói ghém bao tình quân dân
            Muối tiêu đường đậu thịt nhân
            Ngọt bùi cay đắng – chia phần sẻ san
            Dựng nên cảnh sống thịnh an
            Mọi người cùng hưởng – chứa chan công bằng
            Cũng trong buổi hội hoa đăng
            Bánh Dày nhuần nhuyễn – xin rằng chớ quên
            Thời suy – loạn lạc nổi lên
            Cứu nguy xã tắc – đạn tên không sờn
            Sứ Nhân nặng nợ công ơn
            Trước là Sống Thực - biết nhơn biết mình
            Hai là Hồn Nước quang vinh
            Cầu xin Tộc Tổ thương tình giúp cho
            Ba là Lột Xác nguyên do
            Gĩa từ cái cũ – ta lo sửa trì
            Dân Thân – điều chót nhớ ghi
            Anh em cộng tác – xá gì gian lao
            Là con cháu Việt tự hào
            Thực thi truyền thống đề cao Tiên Rồng
             
            Tiết Liêu gương sáng khởi công
            Sống theo Hồn Nước – hoà đồng toàn dân
            Quyết tâm lột xác dấn thân
            Dân an nước thịnh – tỏ phần tài năng
            Trong Kinh Tổ đã dạy rằng
            Phải luôn cải tiến - phát tăng nhu cầu
            Ðưa ra quốc sách khởi đầu
            Cộng theo cơ chế - nghèo giầu thích nghi
            Cố công tìm kiếm những gì
            Giúp dân sống thực – chớ vì quyền uy
            Làm vua – tuân giữ nội quy
            Thực hành Lời Tổ - cứu nguy dân lành
            Lợi dân ích nước – hoàn thành
            Cộng đồng hạnh phúc – sáng danh Tiên Rồng
             
            Trong Kinh Dựng Nước Chữ Ðồng
            Phúc thay! Toàn thể thưởng công Về Trời
            Kinh Làng – Kinh Nước xây đời
            Tiết Liêu hướng dẫn những lời An Dân
            Căn cơ Việc Nước tạo phần
            Quê hương thịnh vượng toàn dân huy hoàng
            Hiệp theo thực thể rõ ràng
            Việc Làng – phát triển nơi chàng An Tiêm
            Biểu trưng dưa hấu uy nghiêm
            Biến vùng sỏi đá thành niềm ước mong
             
            Tổ Tiên muốn nói chữ Song
            Tiên Rồng Song Hiệp – như trong từng bài
            Tiết Liêu – Rồng lại trổ tài
            Làm phần biến hóa – giúp Ngài gặp Tiên
            Lời khuyên của Tổ gắn liền
            Trường Tồn – nền tảng nơi Tiên đây rồi
            Hai phần hoàn chỉnh – truyền ngôi
            Tạo ra hiệp nhất một đôi song toàn
            Ðạo Làm Vua – Ðạo Làm Quan
            Kinh Tiên – Việc Nước hòa chan hai đàng
            Kinh Rồng – nền tảng Việc Làng
            Nước Làng Song Hiệp – vẻ vang giống dòng
             
            Tiết Liêu – gói ghém bên trong
            Công ơn Thánh Tổ - ghi lòng cháu con
            Tình người tình nước – sắt son
            Thực thi nguyện vọng sống còn nước dân
            Chưng Dày – biểu tượng minh phân
            Thanh bình loạn lạc – điều cần giải nguy
            Giúp dân sống thực gẫm suy
            Mẫu Người Lãnh Ðạo ẩn quy trong bài
            Nơi đây nói đến chữ tài
            Cái tài sáng tạo – cùng tài an dân.
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.06.2008 01:54:07 bởi Thần Báo >
            #6
              Thần Báo 27.06.2008 01:56:14 (permalink)

              5. Kinh An Tiêm

               
               


              Dưa Ðỏ -
              Hình của Thày Bùi Văn Bảo
              Kinh Dựng Làng
               




              Thứ năm chú trọng “Trí Thân”
              Việc Làng Phát Triển trong phần An Tiêm
              Con dân bày tỏ nỗi niềm
              Về nền dân chủ trang nghiêm nước nhà
               
              Lời đồn sự nghiệp dèm pha
              Người vua Hùng phạt chính là con nuôi
              An Tiêm trong tuổi đôi mươi
              Phải đày ra đảo vắng người hoang vu
              Dầu chàng gắng sức công phu
              Khai hoang khẩn đất đền bù ơn vua
              Nhưng rồi cuộc sống vẫn thua
              Càng thêm đói rách – ruộng chua nước phèn
              Lang thang chốn lạ chưa quen
              Mỏi mong hạnh phúc bao năm đi tìm
              Sáng nay gặp gỡ cánh chim
              Làm rơi hạt giống im lìm mọc lên
              Thành giây dưa hấu mang tên
              Vỏ xanh ruột đỏ dòn mềm thơm ngon
              Chàng Tiêm ghi dấu dưa tròn
              Thả trôi xuống biển – mỏi mòn trông tin
              Lượm dưa – dân kéo đến xin
              Thành ra làng xã – giữ gìn quê hương
              Miền hoang phát triển phi thường
              Dân làng trù phú kỷ cương thuận hòa
              An Tiêm thay mặt làng ta
              Chọn dăm trái hấu làm qùa dâng vua
               
              Từ đây lễ tết đầu mùa
              Trái dưa Cúng Tổ - dâng đưa trên bàn
               
              * * * *
               
              Ôi! Kinh Sống Thực chứa chan
              Việc Làng Dân Chủ - tương quan Tiên Rồng
              Sống trong thể chế hiệp đồng
              Nước làng minh định việc công rõ ràng
              Thân thương bình đẳng trong làng
              Thuận trên hòa dưới nhịp nhàng kỷ cương
              Cũng theo chủ nghĩa tỏ tường
              Căn cơ gia tộc là đường dựng xây
              Họ hàng lối xóm xum vầy
              Sẻ san đùm bọc sống đầy tình thương
              Ðồng bào ra sức tự cường
              Ðắp nền dân chủ địa phương vững bền
              Lễ nghi trống rộn chiêng rền
              Tay cày tay súng tạo nên thanh bình
              Lúa vàng nặng hạt ân tình
              Tre xanh che chở có mình có ta
              Ðó đây vang vọng ê, a…
              Trầm hương đình miếu chan hòa khí thiêng
               
              Rồng An Tiêm – vốn tính siêng
              Trổ tài vùng vẫy láng giềng – đảo hoang
              Cố công khai phá dựng làng
              Ðào kinh dẫn thủy mở mang gieo trồng
              Cũng như hình ảnh Chữ Ðồng
              Bờ sông bến nước giúp Rồng gặp Tiên
              Thoát cơn hoạn nạn triền miên
              Trút bao thống khổ ưu phiền bơ vơ
              Cơ trời nào mấy ai ngờ
              An Tiêm – Chim Lạc tình cờ gặp nhau
              Dầu như gío thoảng qua mau
              Tiên Rồng Song Hiệp – đổi màu xanh tươi
              Ðể mang hạnh phúc cho người
              Lợi dân ích nước tiếng cười hân hoan
               
              Phân minh cấp độ lo toan
              Nước – Làng hai việc chu toàn khác nhau
              Dấn thân – Việc Nước truyền rao
              Nặng phần Tâm - Tuệ quy vào Tiết Liêu
              Nêu cao truyền thống là điều
              Sức Dân Hồn Nước – theo chiều lòng dân
              Quốc gia vững mạnh phải cần
              Tài năng sáng tạo góp phần canh tân
              Việc Làng – cấp độ dấn thân
              Nặng về Thân – Trí như phần An Tiêm
              Thể theo đại chúng ngưỡng chiêm
              Của – Tài thực tế là niềm ước mong
               
              Hai Kinh tóm lại chữ Song
              Tiên nào Rồng nấy – thong dong bao thời
              Nói lên Hoàn Chỉnh tuyệt vời
              Khác nền xã hội ngược đời hiện nay
              Chủ trương cai trị phơi bày
              Ðấu thầu dân chủ - hằng ngày rêu rao
              Mỵ dân – chính sách đề cao
              Phổ thông đầu phiếu – nhưng nào vì dân?
              Trọng tâm tham chính chỉ cần
              Cậy tài ỷ của bắt dân phục tòng
              Vẽ rào pháp chế làm vòng
              Quản cai trực chỉ từng lòng nhân dân
               
              Tiên Rồng thể chế tuyệt trần
              Nước Làng quyền bính định phân rõ ràng
              Tạo thành hệ thống dọc – ngang
              Chính quyền căn cứ theo làng mà thôi
              Thuế sưu, lính tráng, tài bồi
              Phân chia, cắt bổ… trong nôi bảo bình
              Góp công góp đức chứng minh
              Tận tâm vì nước – tỏ tình cháu con
              An Tiêm có trái cây ngon
              Dâng vua biếu nước làm tròn việc chung
              Chàng Rồng đại diện dân vùng
              Nói lên liên hệ nước cùng làng đây
               
              Thực hành bài học xum vầy
              Quê hương dân tộc tràn đầy tự do
              Cái làng là chốn ấm no
              Do dân tự lập – tự lo việc làng
              Mở ra nếp sống huy hoàng
              Toàn dân cùng hưởng thiên đàng Lạc Long.
               
               
               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.06.2008 02:03:32 bởi Thần Báo >
              #7
                Thần Báo 16.07.2008 04:55:48 (permalink)
                 6. Kinh Vọng Phu
                 
                 
                 
                Ðơn sơ với khúc tình lòng
                Diễn phần Trường Cửu như trong đề tài:
                Bồng con ru điệu Nam Ai
                Trông chồng – thương mãi thương hoài ngàn năm
                 
                Quê nhà – em vốn lo chăm
                Quản chi bao chốn xa xăm tảo tần
                Nuôi con - phụng dưỡng song thân
                Ruộng vườn canh tác – mộ phần sửa sang
                Việc nhà cho chí việc làng
                Chiều chiều trông ngóng tin chàng phương xa
                Eo xèo chì bấc rầy rà
                Vững chân bàn thạch – nàng là Vọng Phu
                Hóa thành núi đá ngàn thu
                Trông ra cửa biển mịt mù lửa binh
                 
                Vào thời đất nước chiến chinh
                Bao chàng trai Việt đáp tình non sông
                Gĩa nhà thực hiện nghĩa công
                Tỏ phần “biến hóa” của Rồng là đây
                Gia đình – nền tảng dựng xây
                Việc chung làm trọng niềm tây phải nhường
                 
                Nước làng lâm cảnh tai ương
                Giúp chồng – ra tuyến tiền phương diệt thù
                Hậu phương – em tiếp quân nhu
                Ẵm con mong đón chiến khu khải hoàn
                Nước nhà – phận sự song toàn
                Chồng nào vợ nấy – lo toan đắp bồi
                Và nền văn hóa thăng ngôi
                Chức năng nam nữ - hiệp đôi Tiên Rồng
                Gia đình thể hiện việc công
                Tình nhà tình nước – vợ chồng cùng xây
                 
                Khác nền văn hóa phương Tây
                Phong trào giải phóng… đang gây sai lầm
                Con người – tan nát lương tâm
                Cộng đồng cực hóa – dương âm một chiều
                Ngụy danh – chính sách thủ tiêu
                Chức năng làm mẹ - tạo điều nguy cơ
                Khiến người con gái bơ vơ
                Hóa thân đực rựa – hững hờ quyên sinh
                Phá tan hạnh phúc gia đình
                Biến thành loài thú dục tình mà thôi
                 
                Trầu Cau – nền tảng lứa đôi
                Thương nhau trọn kiếp – chết rồi vẫn thương
                Như em – gia đạo kính nhường
                Hóa thành Người Ðá – thăng hương chan hòa
                Vọng Phu – trọn đạo nước nhà
                Biến lên Núi Ðá – thăng hoa trọn đời
                 
                Tổ Tiên nhắn nhủ những lời
                Chức năng cha mẹ - góp đời Ðứa Con
                Chẳng như cảnh vợ chồng son
                Ðứa Con – biểu tượng Sống Còn Nước Dân
                Nói lên diễm phúc tuyệt trần
                Góp cho xã hội – sứ nhân Con Người
                 
                Kìa trông thiếu phụ đôi mươi
                Thương chồng – thương với tiếng cười trẻ thơ
                Ðảm đang kết chỉ se tơ
                Tháng năm sừng sững nàng chờ chinh phu
                Ðăm chiêu đứng ngóng chiến khu
                Mong chàng hăng hái diệt thù cứu nguy
                 
                Việc chung – chồng xướng vợ tùy
                Tiên Rồng Song Hiệp – hội quy Ðồng Bào
                Anh thời việc nước đề cao
                Giúp em – thể hiện phần nào làm dân
                Em ơi – đang gánh góp phần
                Giúp anh – làm trọn nghĩa ân với nhà
                Nước non – phận sự đôi ta
                Cùng nhau gánh vác sơn hà Việt Nam
                Nghĩa công – chồng vợ cùng làm
                Rồng sống nhờ nước – như Vàm Cửu Long
                Trổ tài vùng vẫy khắp giòng
                Tỏ phần biến hóa – mà hòng gặp Tiên
                Non cao Hòn Vọng Phú Yên
                Bồng con – nàng đợi đoàn viên cùng chàng
                Nước non – cơ nghiệp của nàng
                Chàng đi vì nước – vì nàng mà đi
                 
                Cho nên lý tưởng thực thi
                Tiên Rồng Nền Tảng chẳng vì lợi danh
                Chẳng như xã hội hiện hành
                Tham gia chiến đấu chỉ tanh mùi tiền
                Tạo ra cảnh sống đảo điên
                Nhìn nhau gía trị đồng tiền mà thôi
                 
                Kết Kinh – hướng dẫn khúc nhôi
                Chồng nào vợ nấy – xứng đôi Tiên Rồng.
                #8
                  Chuyển nhanh đến:

                  Thống kê hiện tại

                  Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                  Kiểu:
                  2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9