HẠ ƠI! DỪNG LẠI.
Xuân Mai 29.06.2008 21:34:52 (permalink)
                                   HẠ ƠI ! DỪNG LẠI
 
     Ba tháng hè trôi qua nhanh thật, đúng là như tên bay, vụt một cái đã hết. Chỉ còn ít ngày nữa tôi lại phải đi học rồi. Nói tới đi học là tôi nghe ớn ớn làm sao ấy. Và cái gọi là thời gian thì cũng quá kỳ cục, cứ hễ tôi ngồi trong lớp học thì nó cứ nhẩn nha kéo dài ra một cách vô lý, làm cho lũ học trò chúng tôi mỏi mệt, hao mòn sức khoẻ, buộc chúng tôi,  nhất là tôi phải ngủ gục trong lớp. Và kết quả là bị thầy cô giáo nghiêm trị đích đáng. Đó là nổi khổ mà tôi không thể tránh khỏi trong cuộc đời đi học của mình. Vậy mà ba tháng hè vui chơi sung sướng này, đến chín mươi ngày chứ ít gì, trôi vèo một cái là hết, không đủ cho nhu cầu vui chơi của lũ trẻ con như tôi. Hè ơi! Ước gì mầy dài ra tí nữa!

     Tôi còn nghe thầy cô giáo giảng bài về thời gian, nào là phải biết quý trọng,
đừng bỏ phí thời gian, nào là phải tranh thủ thời gian học tập cho giỏi, cho tốt,..v…v…và quan trọng nhất là phải luôn ghi nhớ câu “thời giờ là vàng bạc”. Riêng cái vụ vàng bạc nầy thì…không biết các bạn có hiểu không chứ tôi thì không thể hiểu và cũng không thể tin được. Bởi vì tôi có gần mười năm thời gian sống trên đời nầy mà có thấy vàng bạc gì đâu, chỉ thấy rõ ràng là mẹ con tôi vẫn luôn nghèo nhất xóm nầy, nghèo triệt để như chưa từng được nghèo các bạn ạ. Thôi bỏ qua cái vụ vàng bạc đi nhé.

     Tuổi thơ của tôi đã trải qua mùa hè vui thú trên cánh đồng cỏ mênh mông đầu xóm, hồn bay bổng theo những cánh diều trên nền trời xanh thẫm. Mùa hè của tôi còn là những trái banh, những con cá lia thia, những con dế than hung hãn,…v…v… . Mùa hè của tôi cũng là những buổi trưa đeo tòn ten trên cây mận, cây ổi,…rồi nằm thong thả nhơi nhai dưới tàng cây rậm mát. Nhưng trò chơi mà tôi thích nhất là chơi đánh giặc với lũ trẻ con trong xóm, và tôi luôn được làm thủ lĩnh của một đội quân thiện chiến.

     Thế đấy, tuổi thơ của tôi trôi qua như vậy đấy. Thậm chí tôi cũng có những buổi đi chơi quên về nhà, và hậu quả là….chắc các bạn thừa biết, một trận mưa roi mây tơi tả từ bàn tay hiền dịu của mẹ tôi. Thôi nhé, tôi không lý sự dông dài nữa, xin kể cho các bạn nghe ( đọc chứ không phải nghe) một câu chuyện đáng nhớ nhất trong mùa hè kỷ niệm nầy.

     Vào một buổi trưa, chắc chắn là buổi trưa hè nắng gắt, một mình tôi đang nằm dưới gốc mận già ở gần ngôi miếu hoang cách xa đầu xóm khoảng vài trăm mét. Ngôi miếu hoang nầy tồn tại đã bao lâu thì tôi không rõ, vì khi tôi lớn lên thì đã thấy có nó rồi. Thực ra thì tôi chỉ quan tâm đến cây mận già vì nó có nhiều trái, có  tàng cây mát mẻ mà thôi. Bọn chúng tôi thường tụ tập ở đây vui đùa và đây cũng là nơi tập hợp để cùng nhau đi đâu đó, làm gì đó. Nó gắn bó với chúng tôi qua nhiều kỷ niệm vui buồn, nó nghe và biết hết những điều bí mật của chúng tôi mà các bậc cha mẹ chưa chắc gì biết được. Chẳng hạn như trưa nay, đâu phải vô cớ mà tôi ra nằm một mình ở đây, mẹ tôi làm sao biết được tôi đang ở đâu và chuẩn bị làm gì. Tôi xin trân trọng cho các bạn biết rằng tôi ở đây là để chờ họp “Ban thủ lĩnh” chuẩn bị trận đánh chiều nay với bọn giặc ở xóm trên. Tôi đương kim là thủ lĩnh nên phải đến sớm làm gương cho cấp dưới.

     Tôi xin giới thiệu với các bạn “Ban thủ lĩnh” là do tôi tự lập ra và làm thủ lĩnh với sự ủng hộ tuyệt đối của ba thành viên còn lại là:  thằng Đèo, thằng Đẹt và con Mén. Tên thật theo giấy khai sinh của từng đứa là:
     TÔI: Trần Văn  Đức       tự  ĐỰC  là tướng soái.
             Nguyễn Văn Bình  tự  ĐÈO  là phó tướng .

             Nguyễn Văn An     tự  ĐẸT  là phó tướng.  
             Lê   Thị Lành        tự  MÉN  là quân sư.

     Trong đó Đèo, Đẹt là anh em sinh đôi, và cũng chính vì thế mà tôi phải làm trọng tài phân xử cho hai đứa, bởi vì đứa nào cũng muốn làm anh, mặc dù mẹ chúng đã xác định rõ Đèo là anh, còn Đẹt là em. Nhưng vì Đèo ốm yếu hơn nên hay bị Đẹt ăn hiếp muốn lấn quyền đòi làm anh. Để giải quyết vấn đề nghiêm trọng nầy, tôi đã triệu tập họp và ra quyết định rằng Đèo là anh, Đẹt là em đúng như lời mẹ chúng đã công bố. Tôi yêu cầu Đẹt phải nghiêm túc chấp hành, nếu không sẽ bị xử phạt, hình phạt tính sau, hiện giờ chưa nghĩ ra được. Vậy mà thằng Đẹt hoảng sợ, không còn thắc mắc nầy nọ gì nữa.

     Còn con Mén, vì nó là con gái, không thích trò đánh giặc, nhưng chúng tôi năn nỉ nó làm quân sư, bởi vì nó rất thông minh và rất giỏi trong việc bày mưu tính kế cho ba đấng nam nhi dốt đặc nầy. Nó chỉ đến họp rồi về nhà chờ chúng tôi báo cáo kết quả trận chiến. Phải công nhận là nhờ nó mà chúng tôi thường hay thắng trận. Con Mén chính là linh hồn của toàn quân chúng tôi, thiếu nó thì thủ lĩnh Đực nầy không biết đánh đấm ra làm sao nữa.

     Tôi xin nói thêm cho các bạn một điều hết sức quan trọng nữa “Ban thủ lĩnh” ngoài việc lo đánh giặc trong xóm còn có thêm sứ mạng (cũng tự đặt ra ) là giữ gìn an ninh trật tự trong trường học của chúng tôi. Và để không bị mang tiếng bạo lực, chúng tôi đặt tên khác nhẹ nhàng hơn là nhóm “tứ quí”. Nó có tên “tứ quí” là vì những lý do sau đây:
     Một là, chỉ có bốn đứa tôi đi học bằng xe Lô-ca-chân nghĩa là đi bộ đó.
     Hai là, bốn đứa có nhà ở gần nhau, cùng lớn lên, thân nhau từ bé.
     Ba là, vì bốn đứa tự quí trọng mình. Thực ra chúng tôi không biết tên gì khác hay hơn.

     Bốn là, không biết lý do gì nữa hết.

     Đó.... lý do là như vậy đó. Nếu ai còn hỏi gì nữa chúng tôi xin chịu thua, không giải đáp nổi. Còn tại sao “tứ quí” lại có sứ mạng giữ an ninh trật tự trong trường? Là bởi chúng tôi thích chơi trò đánh lộn (trừ con Mén ra) và luôn luôn thắng, do đó học sinh trong trường rất ngán mà không dám quậy. Nếu có ai đó lỡ quậy thì chỉ cần chúng tôi “có ý kiến”thì hết quậy ngay ( xin nói nhỏ,chúng tôi thường”có ý kiến” bằng tay chứ ít khi bằng miệng lắm ). Xin các bạn đừng nghĩ xấu chúng tôi là những kẻ giành độc quyền thương hiệu quậy, không cho ai khác quậy.  Oan ức lắm. Chúng tôi có quậy gì đâu, chỉ “có ý kiến”với những ai đang quậy mà thôi.

     Thực ra không phải chúng tôi không muốn quậy mà là không dám quậy. Không dám quậy không phải sợ thầy cô phạt mà là sợ bị đuổi học. Chúng tôi rất muốn đi học, không phải vì biết lo nghĩ đến tương lai gì đâu mà chỉ sợ làm cho ba mẹ buồn lòng. Bốn đứa đều rất sợ làm cho ba mẹ buồn lòng. Nếu có đứa nào đó lỡ làm cho ba mẹ nó buồn thì cái mặt của nó cũng buồn thiu eo xèo như bánh bao chiều bị mắc mưa. Có đứa còn khóc tấm tức, làm cho cả nhóm phải xúm nhau lại an ủi, van xin nó đừng khóc nữa. Nhất là con Mén, nó khóc nghe rất thê thảm, nước mắt và tiếng khóc của nó như cơn đại hồng thuỷ đầy sấm sét, dìm chết trái tim nóng bỏng của ba đấng nam nhi đầy hào khí nầy. Chúng tôi rất thương nó vì nó là đứa con gái duy nhất trong nhóm và đặc biệt nó cũng là đứa học giỏi nhất lớp, có đủ khả năng giảng lại cho chúng tôi hiểu những gì mà cô giáo không có cách nào nhồi nhét vào đầu óc tối tăm của Đực, Đèo, Đẹt nầy được.

     Chúng tôi là vậy đó…các bạn có ý kiến gì không? Còn chúng tôi thì xin khiêm tốn và hãnh diện về  nhóm tứ quí mà không hề hổ thẹn.

     Ôi! Tôi mãi dông dài mà không hay các thành viên đã đến đầy đủ. Con Mén vỗ vai tôi:
     - Đực ! mơ gì vậy ?
     - Đâu có gì. Tụi bây mới tới hả ?
     -Mầy bị sao vậy.
     - Thôi ăn mận đi, tao mới hái đó.

     Chúng tôi ngồi xuống vừa ăn vừa bàn tính cho trận đánh chiều nay. Nói là bàn chứ thật ra là con Mén đã chuẩn bị xong hết rồi, nó trả lời và giảng giải cho ba vị tướng soái nghe kế hoạch chiến đấu trong trận sắp diễn ra trên chiến trường là cánh đồng cỏ mênh mông đầu xóm. Cuối cùng con Mén hỏi:
     - Có ai thắc mắc gì không ?
     - Không......
     - Vậy Mén về nghen.
     - Ừa !

     Con Mén te te chạy thật nhanh. Cái dáng nho nhỏ dễ thương vậy mà chạy nhanh thật , mới đó đã khuất sau bờ đê rồi. Tôi hỏi hai phó tướng :
     - Tụi mầy hiểu con Mén nói gì không ?
     - Hiểu... rồi...
     - Mình có mấy đứa quân ?
     - Mười đứa.
     - Còn quân địch ? 
     - Không biết.
     - Lỡ tụi nó đông hơn thì mình tiêu..chậc...kệ nó...ráng lên...

     Chúng tôi tiếp tục ngồi chờ quân sĩ tập hợp. Lần lượt từng đứa nhóc tì mình trần trùng trục chạy đến. Sắp đến giờ đánh nhau rồi mà mới có được bảy quân sĩ. Tôi lẩm bẩm : ‘ít quá...chắc thua quá’.... .Tôi hỏi :
     - Còn mấy đứa kia đâu ?
     - ……
     Không ai trả lời. Tôi là tướng soái còn không biết thì ai mà biết được. Không thể chờ được nữa, tôi hùng dũng đứng lên chân dạng ra, phát lệnh :
     - Anh em ! hành quân... .

     Tôi dẫn đầu đoàn quân lèo tèo chạy thẳng ra đồng cỏ. Từ xa tôi nhìn thấy quân địch đứng lố nhố chờ sẵn. Ôi ! đông quá.... .Tôi khựng lại một phút nghe lòng tê tái. Bữa nay thì chết chắc rồi. Bỗng máu anh hùng điên điên cuồn cuộn sôi lên, tôi hét to :
     - Xung….phong….

     Rồi cắm đầu lao tới mà không kịp nhìn thấy những khuôn mặt xanh lè xanh lét vì sợ của quân mình trước lực lượng hùng hậu của quân địch. Tôi không nói thì các bạn cũng đoán trước chính xác kết quả trận đánh. Chúng tôi đã bị đánh tan tác, tả tơi và tháo chạy tán loạn thật rất thảm hại, có mấy đứa bị bắt làm tù binh trong đó có hai vị phó tướng. Còn tôi đường đường là một tướng soái, không bao giờ chấp nhận làm tù binh nên ra sức phá vòng vây giữa đám đông quân giặc đang cố bắt cho được tôi. Tôi mặc kệ nhiều đứa giặc đang nắm chặt ‘ chiến bào’ của tôi. Và kết quả là tôi đã tặng cho mỗi đứa một miếng giẻ rách được tụi nó rứt ra từ bộ ‘chiến bào’ của tôi khi tôi bứt ra được khỏi vòng vây, chạy thẳng về căn cứ cây mận già. Ôi ! không có một mống quân nào hết, chắc tụi nó chạy thẳng về nhà luôn rồi.

     Tôi thẫn thờ tê tái nhìn lại bộ ‘chiến bào’ te tua trên mình. Thôi chết ! nó trông giống như một miếng giẻ rách lớn máng lên người con bù nhìn giữ ruộng. Tôi tức mấy thằng giặc nầy quá, dám xé rách áo mình, tôi  muốn xông ra đánh cho tụi nó một trận nên thân. Nhưng làm sao dám vì cả đoàn quân bây giờ chỉ còn lại có một mình tôi, vị tướng soái cô đơn…thua trận. Tôi càng tức tối hơn khi nghe văng vẳng từ xa tiếng reo hò của đoàn quân thắng trận trở về.

     Tôi ngồi một mình dưới gốc cây mận già nghe lòng tan nát, không dám về nhà, không biết phải làm gì với cái áo rách nầy đây. Tôi buồn,  tôi sợ nhiều lắm. Tôi buồn vì thua trận thì ít mà sợ mẹ đánh đòn thì nhiều, nhất là sợ mẹ buồn khổ… Cuối cùng thì tôi cũng phải về nhà. Tôi bỏ lại cái áo rách trên cành cây mận như nhắc nhở một kỷ niệm buồn nơi căn cứ tuổi thơ.

     Tôi về đến nhà thì trời cũng vừa sụp tối. Mẹ tôi ngồi ngay trước cửa tay cầm sẵn roi mây. Cây roi mây nầy có nhiều kỷ niệm gắn bó với tôi, mỗi lần gặp nhau nó đều làm cho tôi đau đớn trên lưng. Roi ơi ! tao chán mầy quá rồi, không biết đến bao giờ tao mới rời xa được mầy… . Mẹ tôi ra lịnh ngắn gọn dể hiểu :
     - Nằm xuống ! Biết tội chưa ?
     - Dạ biết.

     Câu trả lời của tôi cũng rất ngắn gọn và biết rất rõ những gì sắp xảy ra trên tấm lưng bé nhỏ của tôi. Các bạn biết không, khi mưa roi bắt đầu rơi xuống lưng, xuống mông, tôi giãy đành đạch như sắp chết, còn miệng thì cố rống lên càng to càng tốt, nếu cả xóm nghe được thì càng rất tốt, cầu mong sẽ làm động lòng người lớn nào đó và sẽ can thiệp cứu tôi trong cơn nguy khốn nầy. Thế nhưng, chẳng có ai màng đến tiếng khóc la đau dớn của tôi. Chẳng lẽ không ai nghe thấy gì sao, chẳng lẽ không ai đếm xỉa gi đến tôi. Ôi ! sao mọi người vô tâm đến thế, bỏ mặc một đứa trẻ tội nghiệp trong cơn bảo roi đòn.

     Bây giờ chắc chỉ có con Mén là nghĩ đến tôi thôi, chắc nó đau lòng lắm. Khi biết được còn có người xót thương mình, tôi thấy mình thật sự muốn khóc và chợt nhận ra rằng nãy giờ tôi chưa hề chảy một giọt nước mắt nào. thế là tôi khóc, khóc mùi mẫn theo từng nhịp roi yếu dần trên lưng. Tôi rên rỉ xin tha trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ tôi đã ngừng tay. Khi tôi mở mắt nhìn lên thì thấy mẹ ngồi thụt xuống đất ôm mặt tức tửi. Và trong tôi như có một cơn bão khác ập vào tràn ngập tận đáy tim. Tôi nhào tới ôm mẹ, khóc nức nở như chưa từng được khóc. Hồi nãy tôi không thực sự khóc chỉ là hét to lên để mong được cứu giúp, còn bây giờ tôi khóc vì lòng hối hận đã làm cho mẹ buồn, vì thương mẹ vô bờ. Tôi chỉ biết khóc chứ không biết làm sao cho mẹ nguôi giận. Tôi ôm mẹ,nghẹn ngào :
     - Mẹ đánh con đi mẹ…đánh chừng nào hết giận thì thôi….con không đau đâu mẹ ơi….đánh đi mẹ….
    
     Tôi lượm roi mây nhét vào tay mẹ. Bàn tay mẹ buông thõng, không cầm roi, khóc nấc lên làm cho tôi càng hoảng sợ :
     - Mẹ ơi ! …mẹ ơi !.... để con đánh dùm cho mẹ nghen….
  

     Tôi tự cầm roi lên cố quất mạnh vào đầu mình. Tôi không biết sức mình có đủ mạnh không, sao tôi không cảm thấy đau đớn gì, chỉ nghe nhức nhối trong trái tim nhỏ bé của mình thôi. Mẹ tôi chụp lấy roi quẳng vào góc nhà, ôm chầm tôi , giọng mẹ nghèn nghẹn :
     - Con trai gì hư quá…. ngốc quá….chỉ biết làm mẹ buồn…
     - Tha con nghen mẹ….mai mốt con hổng dám nữa….
     - Đi tắm đi…rồi ăn cơm…mẹ đói rồi.
     - Dạ !

     Tôi đi tắm. Tôi nghe xót rát khi nước mát chảy trên người tôi, lướt qua những lằn roi còn in trên da thịt mà không dám rên, phải ráng chịu thôi , ai biểu làm cho mẹ buồn, mẹ giận. Lúc nầy tôi thấy thương mẹ thật nhiều và tự hứa từ nay sẽ không bao giờ làm cho mẹ buồn nữa.

     Tối hôm đó mẹ xức dầu trên lưng tôi. Tôi nghe rát da mà không dám nhăn mặt, lại còn cười cười cho mẹ yên lòng. Những đau rát ấy có sá gì đối với một vị tướng soái như tôi. Tôi chìm dần vào giấc ngủ mà không biết rằng mẹ tôi vẫn còn lặng yên ngồi đó, chăm chú xoa nhẹ lưng tôi, chậm lau dòng nước mắt lăn dài trên đôi má.

     Từ hôm đó, tôi ngoan hẳn lên thật, không dám rong chơi quên đường về như trước nữa. Còn mẹ tôi thì vẫn ngày ngày làm lụng vất vả, chuẩn bị cho tôi đến trường với tư cách là ‘ sinh viên năm thứ năm tiểu học trường làng’. Mỗi buổi chiều tôi đều sạch sẽ tươm tất chờ đón mẹ đi làm về. Rồi một buổi chiều tôi cũng ra đón mẹ đi làm về như thường lệ :
     - Mẹ về !...tắm đi mẹ….con xách nước đầy lu rồi.
     - Con trai giỏi quá….mẹ có quà cho con đây.
     - Gì vậy mẹ ?
     - Chờ chút…vào nhà mẹ lấy cho xem.
     - Dạ !

     Tôi hí hửng theo mẹ vào nhà. Mẹ mỉm cười từ từ lấy đưa tôi hai bộ quần áo mới tinh, một bộ sách giáo khoa lớp năm và đầy đủ viết mực,….
     - Ôi ! mẹ ơi !...
     - Thích không ?

     Tôi nhảy cỡn lên, hò hét như khùng vì vui sướng quá mức. Tôi không nói gì mà chỉ nhào tới ôm mẹ hôn tới tấp. Tôi vô tư thật, sắp đi học rồi mà không lo nghĩ gì hết, lại còn mong mùa hè kéo dài thêm nữa. Thực ra thì cũng tiếc thật, những cuộc vui chơi chưa đã thèm thì phải đi học rồi. Nhưng không sao, trong trường học cũng có nhiều trò vui khác khá hấp dẫn, hơn nữa nhóm ‘tứ quí’ chúng tôi phải làm nhiệm vụ ‘có ý kiến’ nữa chứ. Nghĩ tới đó thì tôi cảm thấy trong lòng rộn rã muốn đi học ngay, càng sớm càng tốt. Hè ơi ! hãy dừng lại, hẹn gặp lại sang năm nhé, bọn mình phải đi học  rồi.

     Tôi tạm biệt ngôi vị tướng soái cho đứa nào đó tạm thời thay thế, bỏ lại đội quân thiện chiến trong xóm đã chinh chiến cùng tôi bao ngày qua, kể từ hôm nay tôi phải ở nhà chuẩn bị đi học. Tôi chợt nhớ đến những đứa bạn học cùng lớp, không biết tụi nó ra sao nhỉ ?Tôi nhớ đến ngôi trường nghèo nàn nhưng có cái sân rộng mênh mông mát rượi dưới bóng những tàng phượng vĩ, tha hồ cho tôi chạy nhảy chơi trò đánh lộn. Chắc hoa phượng còn đỏ rực từng chùm trên cành, nó làm cho tôi nao nao, làm cho bất cứ ai cũng bùi ngùi nhớ lại một thời thơ dại của mình. Tôi lại sắp phải đi học hàng ngày trên con đường làng dài và hẹp. Con đường làng nầy vẫn muôn đời nhẫn nhịn nắng mưa, đưa đón những bàn chân thơ dại đến trường mà không hề có một lời than trách.

                                                                                                                                           Xuân Mai
                                                                                                                                        

                                                                                                                                           29/6/2008




     
 
 
 
 
 
                                                      
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2008 22:31:32 bởi Xuân Mai >
#1
    Xuân Mai 09.08.2008 23:47:25 (permalink)
     




                                                                            BUỔI  HỌC  ĐẦU  TIÊN



    Thế rồi ngày khai trường cũng đến vào một buổi sáng cuối thu tràn ngập nắng vàng tươi đẹp. Tôi còn lạ gì không khí quen thuộc ấy. Và đây là lần cuối cùng chúng tôi dự lễ khai giảng ở ngôi trường thân yêu này. Chính vì thế lớp năm chúng tôi tỏ ra nghiêm túc nhất trong hàng ngũ học trò. Đứa nào cũng ra vẻ ta đây là bậc “trưởng thượng” giữa bầy trẻ nít. Dù vậy tôi biết chắc trong lòng mỗi đứa đều nao nao khi nhìn hàng phượng vĩ đang rủ mình đu đưa trước gió như muốn nhắn nhủ chúng tôi điều gì đó.

    Mỗi đứa chúng tôi đều mĩm cười khi nhìn về phía hàng các em lớp một :“Ôi! Buồn cười thật!... sao giống mình hồi đó quá”. Trong lòng tôi gợn lên một kỷ niệm thân thương của thời bé bỏng ấy.

    Riêng tôi thì cố tìm xem có em nhỏ nào “đặc biệt” như mình hồi đó không và chợt cảm nhận một nỗi niềm vừa thương mình, vừa tự hào vì đã dám đi học một mình lần đầu tiên, không có ai đưa đón. Nếu có một đứa “ ngon lành” như thế thì chắc chắn tôi sẵn sàng là người bảo kê cho nó kể từ ngày hôm nay. Tôi sẽ thương yêu, đùm bọc nó như đứa em ruột thịt của mình. Với ý nghĩ đó, tôi tưởng mình là một  “tiểu nghĩa hiệp” đang tìm cơ hội để làm việc trượng nghĩa, dù chưa biết mình sẽ làm gì cho đúng. Nhưng tôi tin chắc mình sẽ làm được gì đó. Tự nhiên lúc ấy tôi cảm thấy trong trái tim nóng bỏng nổi lên một khí thế hừng hực muốn làm gì đó ngay. Mọi người làm sao biết được có một “tiểu nghĩa hiệp” thật sự đang xuất hiện, đứng sừng sững giữa sân trường. Và khí thế cuồn cuộn ấy đã lan lên khuôn mặt non choẹt của tôi. Tôi thấy mình cao lớn lên, mặt nghiêm nghị, môi mím lại, cặp mắt một mí ráng mở to lên chăm chú quan sát từng em lớp một.

    Nhưng than ôi ! tôi hết sức thất vọng. Tôi chỉ thấy một lũ trẻ con nũng nịu, sợ sệt, khóc lóc um trời, không muốn rời khỏi vòng tay của mẹ chúng. Chúng co rúm người lại trông rất tội nghiệp. Tôi không thể tìm thấy “vầng hào quang” tỏa ra từ đứa trẻ gan lỳ nào như tôi ngày trước. Tôi thực sự thất vọng các bạn ạ. Trong lúc tôi còn đang suy tưởng, bỗng dưng chí khí của “vị nghĩa hiệp” tan biến ngay lập tức khi nghe giọng nói thầy hiệu trưởng vang lên từ loa phóng thanh của nhà trường. Tôi biến trở lại nguyên hình là một cậu học trò lớp năm nhỏ xíu, đang đứng ngay ngắn trong hàng của mình.

    Tôi đứng chót nhất, ngay trước tôi là thằng Đèo và Đẹt, còn con Mén thường ở đầu hàng vì nó là đứa nhỏ con nhất lớp. Tôi lơ đễnh nhìn hai chú bồ câu đang rỉa lông cho nhau trên mái ngói chứ không hề nghe thấy những lời vàng ngọc của thầy hiệu trưởng. Thực ra không phải là tôi vô lễ, mất dạy, mà vì những lời thầy nói tôi đã nghe quen nhiều năm nay rồi.

    Khi hai chú bồ câu bay đi, tôi quay xuống nhìn hàng lớp mình và bắt đầu điểm danh. Đã từ lâu tôi tự cho mình quyền điểm danh lớp, mặc kệ có ai công nhận hay không ( tôi làm chơi thôi mà, có hại gì cho ai đâu mà lo ). Hồi năm trước lớp tôi có hai mươi đứa, cuối năm có một đứa nghỉ học theo gia đình chuyễn đi nơi khác, vậy còn lại mười chín đứa ( Các bạn thấy tôi làm toán trừ nhanh không…tôi học lớp năm rồi chứ giỡn sao ). Ngày liên hoan đưa tiễn, nó khóc sướt mướt, ôm hôn từng đứa, hẹn mai mốt lớn lên sẽ tìm gặp lại nhau. Cả lớp đều hẹn thế các bạn ạ. Tội nghiệp nó quá, cũng may là tôi chưa “ có ý kiến” với nó chứ không thì chắc tôi ân hận suốt đời. Rồi nó đã bỏ ngôi làng nghèo khổ này đi về đâu không biết…

    Ôi lạc đề xa quá rồi! Tôi trở lại làm nhiệm vụ điểm danh đây. Tôi đếm rất nhanh từng đứa một. Tôi chỉ cần nhìn từ phía sau  lưng thôi, lưng to,dài, rộng, hẹp, lùn, cao, mập, ốm….mặc áo sọc gì, màu gì,nhất là đầu tóc cắt kiểu gì là tôi biết ngay đứa đó tên gì, trai hay gái, con nhà ai,… . Thậm chí còn biết nó ngồi ở vị trí nào, bàn nào trong lớp. Chắc chắn năm nay chúng tôi sẽ ngồi đúng y nguyên như vậy. Đó là truyền thống lớp tôi từ nhiều năm nay. Chẳng hạn như tôi thì luôn cố thủ ở góc kín đáo nhất ở bàn chót ngay từ buổi học đầu tiên. Cũng nhờ ngồi ở vị trí đặc biệt đó, tôi có thể quan sát được tình hình cả lớp, kể cả từng cử chỉ  của thầy cô giáo. Tôi tự cho mình có cái quyền “nắm tình hình” đó nhiều năm rồi mà không được ai phân công hết.

    Và nhờ vậy tôi biết hết tật xấu từng đứa, nên tụi nó rất sợ tôi khai ra. Chỉ duy nhất có một đứa không sợ, làm cho tôi ấm ức mà không biết phải làm sao. Tôi kể cho các bạn nghe, nhưng các bạn phải thề là không được nói lại cho bất cứ ai khác biết. Nhưng thôi, để chắc ăn kẻo lỡ có ai đó xấu miệng thì tội nghiệp cho nhân vật chính nên tôi xin giấu tên vậy. Lớp tôi có một bạn gái tên là X. Mỗi khi tôi thấy lưng X chuyển chầm chậm từ thế ngồi thẳng sang hơi nghiêng là y như rằng có một “quả bom hoá học” nổ trong lớp. Thế mà nhiều năm qua không ai biết, trừ tôi ra. Tôi đã thề là giữ bí mật này suốt đời, không thể lộ chuyện để làm nhục một bé gái nhỏ nhắn, yếu đuối được. Chắc là nó lâm vào “hoàn cảnh khó khăn” nào đó, chứ nó không muốn làm thế đâu, nên phải thông cảm thôi. Tôi thà là bị tra tấn lỗ mũi chỉ một phút  hơn là hại số phận sáu mươi năm cuộc đời của một đứa con gái. Các bạn thấy tôi cao thượng không? Vậy mà con nhỏ đó cứ tưởng là không ai biết và chưa bao giờ có thái độ gì tỏ ra mang ơn người che giấu tội lổi cho nó nhiều năm qua. Còn tôi thì cứ dằn lòng mình lại, khoá cái miệng lại trong nỗi niềm ấm ức chỉ vì tội nghiệp nó là con gái.

    Ôi ! tôi lại lan man gì đâu không ! một lần nữa tôi xin trở lại công việc điểm danh đây. Tôi bắt đầu đếm : 1, 2, 3,….,20.  Vậy là đủ. Tôi chợt giật bắn người lên : “ủa ! sao là 20 ? phải 19 chứ ? kỳ vậy ta !”. Tôi từ từ đếm lại, nhìn kỹ lưng, đầu tóc từng đứa, cho đến đứa thứ 9. Tôi dừng đếm, tròn mắt nhìn chăm chăm : “ ai vậy ta !...lạ quá…sao hổng biết ta !...kỳ nghen…”. Tôi khẳng định đây là “ lính mới”, một đứa con gái tóc dài bỗng dưng ở đâu mọc ra giữa hàng lớp mình. Tôi tự nhủ : “ chỉ là một đứa con gái…lát nữa sẽ biết nó là ai thôi mà…”.

    Mặc dù nghĩ thế nhưng trong suốt buổi lễ tôi luôn thắc mắc về con nhỏ đó, như là : Nó tên gì? ở đâu tới? học giỏi hay dở, hiền hay dữ,..và nhất là đẹp hay xấu, bởi vì cho đến bây giờ tôi chỉ thấy được tóc và lưng của nó mà thôi. Rồi buổi lễ kết thúc, tất cả học trò đều phải vào lớp. Sân trườngvắng lặng. Ngoài cổng vẫn còn nhiều phụ huynh học trò lớp một đang lóng ngóng lo lắng cho con mình.

                                                                                000

    Thầy dạy lớp năm là thầy Phát. Thầy không còn trẻ nữa, mái tóc hoa râm đã nói cho chúng tôi biết điều đó. Hình như bụi phấn theo thời gian đã rơi đầy, bám chặt từng sợi tóc của thầy. Điểm đặc biệt nhất trên khuôn mặt phúc hậu của thầy là cặp kính lão dày cộm, làm tăng thêm nét nghiêm nghị, làm cho lũ trẻ chúng tôi sinh lòng kính sợ. Cả lớp đứng im phăng phắc. Thầy nhìn chúng tôi, nhìn từng đứa một như muốn tìm xem đứa nào hay quậy phá trong lớp. Đứa nào cũng hồi hộp sợ thầy “chấm” mình thì kể như tiêu đời.

    Thầy từ từ ngồi xuống, mỉm cười hiền hậu. Nét nghiêm nghị biến mất, thầy trở nên dễ mến và đáng kính. Trong lòng tôi chợt nảy lên một tình cảm yêu mến thầy. Chắc cả lớp cũng cảm nhận giống như tôi. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, sẵn sàng cho năm học mới.Thầy ôn tồn nói :
    -         Chào các con. Các con ngồi xuống đi.
    -         Chúng con chào thầy ạ.
    -         Năm nay thầy dạy lớp này. Thầy mong các con ngoan hơn và  chăm hơn những lớp dưới. các con nghe thầy nói không?
    -         Dạ nghe ạ.
    -         Nay là năm học cuối cùng của các con ở trường này. Các con là những học sinh lớn nhất trường rồi nên phải làm gương cho các em nhỏ lớp dưới noi theo. Các con chịu không?
    -         Dạ chịu .….

    Lời của thầy đã làm cho chúng tôi cảm thấy mình lớn lên thực sự, lại còn là tấm gương sáng cho lũ con nít lớp dưới nữa chứ. Oai thật! Phải làm sao cho xứng đáng là người lớn đây. Đứa nào cũng muốn làm ngay tức thời hành động gì đó như lời thầy nói. Chúng tôi muốn học ngay, học giỏi ngay, học chăm ngay để cho lũ trẻ thấy anh chị lớp năm là những người như thế nào. Bỗng nhiên thầy chỉ ngay “người lạ mặt” :
    -         Các con ! năm nay lớp ta có thêm một bạn mới tên là Bạch Tuyết. Các con giúp đỡ bạn nhé.
    -         Dạ !.....

    Bạch Tuyết rụt rè đứng lên, mỉm cười chào cả lớp. Còn chúng tôi thì ra sức vỗ tay như chưa từng được vỗ tay bao giờ. Chúng tôi vỗ hoài không chịu ngưng, thầy phải giơ tay ra dấu thì mới thôi.

    Hôm nay tôi cảm thấy mình vui thật. Không vui sao được khi  bỗng dưng có thêm một cô bạn học mới mũm mĩm xinh đẹp ( bây giờ tôi mới được nhìn rõ mặt  ). Tôi tự quyết định phong cho Bạch Tuyết là hoa hậu nhí của lớp. Càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy quyết định của mình quá đúng. Ai không chịu thì tôi dẫn chứng cho thấy. Này nhé :

    Một là, ở trong lớp này, bạn gái nào có đôi mắt bồ câu tròn xoe, to, đẹp, nhìn rất dễ thương như Bạch Tuyết không. Chắc chắn là không rồi chứ gì.
    Hai là, Bạch Tuyết có đôi môi son chúm chím đẹp như trái gì…gì  đó…quên rồi.
    Ba là, Bạch Tuyết có làn da trắng hồng, mịn màng, chứ không ngâm đen, dày cui như như da của tôi đâu nhé.
    Bốn là, vân vân…và… vân vân….

    Các bạn thông cảm nhé, bởi vì trình độ kiến thức về “xinh đẹp” của tôi tới cỡ như vậy thôi. Ai mà hỏi nữa thì tôi đành bó tay “chấm cơm”. Nhưng gì thì gì tôi cũng thấy quyết định của tôi là rất đúng. Ai có nói khác thì kệ họ, tôi không quan tâm, tôi tự hứa với lòng là sẽ  hết sức giúp đỡ Bạch Tuyết như lời thầy dặn, và yêu cầu các bạn khác cũng phải vậy. Ai cố ý làm trái lời thầy thì… tôi, nhân danh “nhóm tứ quý”, sẽ là người đầu tiên “ có ý kiến” với kẻ đó. Và bất kỳ ai là học trò trong trường này đừng hòng đụng tới Bạch Tuyết khi tôi, Trần Văn Đức, tự Đực còn ngồi sờ sờ ở hàng ghế chót lớp năm này. Bạch Tuyết cứ yên tâm học cho giỏi đi nhé, học giỏi hơn tôi càng tốt  ( có khó gì đâu mà lo ), còn mọi việc khác gì …gì đó thì cứ để Đực này lo.

    Ôi ! cái tên Đực nghe thì hùng dũng thật nhưng sao..sao ấy, chắc là phải giấu thôi. Mà làm sao giấu được đây khi cả trường đều biết rõ tôi chính là Đực và Đực chính là tôi, không thể lộn ai khác được. Làm sao bây giờ đây…,nếu Bạch Tuyết biết được thì mắc cỡ chết. “Thôi từ từ tính sau vậy, không được quên vụ án nầy nghen Đực”, tôi tự nhủ mình như vậy đó.

    Trong buổi học đầu tiên này, thầy chỉ dặn dò, hướng dẫn thật kỹ những điều cần thiết cho học tập sắp tới chứ chưa có bài học nào hết. Mặc dù những điều thầy nói rất quan trọng, nhưng tôi có nghe thấy gì đâu, vì đang bận “tư duy” về Bạch Tuyết.  Chết thật ! chắc là phải hỏi lại con Mén thôi.

    Thời gian trôi qua thật là nhanh, tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ về đã đến. Thực ra thì tôi đã biết sắp hết giờ từ 5 phút trước cơ, bởi lẽ bụng tôi đã réo “ót ót” đòi cơm trưa nãy giờ, nó luôn báo trước cho tôi biết rất chính xác giờ ra về từ nhiều năm nay rồi. Chúng tôi đứng dậy chào thầy. Buổi học đầu tiên của tôi là vậy đó.


                                                                        

                                                                                 Xuân Mai


    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 23:59:56 bởi Xuân Mai >
    #2
      nguyễn thế duyên 10.08.2008 18:20:22 (permalink)
      Xin chào bạn Xuân mai.Truyện của bạn viết hay lắm nhất là phần một. Phần hai "Buổi học đầu tiên " thì hơi kém hơn phần một một chút vì bạn nhiều lúc không hóa thân vào nhân vật được, nhiều khi nó hơi người lớn.Loại đề tài này của bạn không nên viết theo dạng truyện ngắn. Bạn nên tiếp tục những mẩu ngắn như thế này trong một tổng thể thống nhất vói một định hướng nhân văn rõ ràng thì tác phẩm của bạn nhất định sẽ thành công. Mong bạn cố gắng. Chúc thành công
      #3
        Xuân Mai 19.08.2008 23:36:08 (permalink)
         
         
        Xin mến chào bạn Nguyễn Thế Duyên,
         
        Rất cám ơn những ý kiến chân tình của bạn. Tôi cũng đọc nhiều bài thơ, văn của bạn và thấy rất hay, mong học tập ở bạn nhiều hơn.
        Một lần nữa xin cám ơn bạn.
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9