Quang Khôi
-
Số bài
:
618
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 14.12.2006
- Nơi: Hà Nội Sài Gòn
|
Đường lên Bắc Cực
-
07.07.2008 02:26:40
Sài Gòn trên đỉnh Địa Cầu: Đường lên Bắc Cực của Nguyễn Khải Thursday, July 03, 2008 Anh Nguyễn Khải đang cầm cờ của công ty Vicaar và tấm bảng “Saigon” tại Bắc Cực ngày 10 Tháng Tư, 2008. Nhóm của Nguyễn Khải đang lên trực thăng tại căn cứ Barneo để bay đến vĩ tuyến 89 độ 40', khởi hành chuyến trượt tuyết đến Bắc Cực. Ông Christoph Hobenreich. (Hình: Franzjosefland.com) Ông Georges Baumann. (Hình: Georges-Baumann.com) Anh Nguyễn Khải và một quân nhân Ấn Ðộ tại sân bay Longyearbyen trước khi đến căn cứ Barneo. Bài: Hoàng Mai Ðạt/Người Việt Mùa Hè này bạn tính đi nghỉ mát ở đâu? Có nên đến một nơi mà ánh sáng Mặt Trời rọi chiếu suốt ngày và suốt đêm, một nơi không có bãi cát trắng mịn mà chỉ có hàng trăm dặm tuyết trắng xóa mênh mông, băng đá lạnh cóng, chung quanh không một bóng người, không nhà cửa, và sự hiểm nguy cho tính mạng luôn rình rập đâu đó từng phút, từng giây trong luồng gió hàn khí tê buốt dưới không độ? Anh Nguyễn Khải đã đến một nơi hoang vu, hiểm trở như vậy: Bắc Cực. Bắc Cực đây không là một địa điểm ở tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ, hoặc ở Canada, mà còn xa hơn nữa, xa lắm. Bắc Cực đây cũng không là nơi mà Ông Già Nô En đang sinh sống, ngày ngày bận rộn chế tạo đồ chơi chờ dịp cuối năm để đi phân phát cho trẻ em. Bắc Cực đây nằm ở đỉnh đầu trên trục xoáy của Trái Ðất, chính xác tại vĩ tuyến 90 theo địa lý. Anh Nguyễn Khải có lẽ là người Việt Nam đầu tiên đặt chân tại đúng vị trí cực đỉnh của Ðịa Cầu. “Tôi đã tìm kiếm trên mạng Internet và không tìm ra tên của một người Việt Nam nào từng đến Bắc Cực. Thành ra có thể tôi là người Việt đầu tiên đến nơi đây,” anh nói với ký giả của nhật báo Người Việt sau khi kết thúc một chuyến du hành đầy gian nan, đòi hỏi sự chịu đựng tột cùng của thể xác và tinh thần, mà cũng rất hấp dẫn đối với những ai thích phiêu lưu mạo hiểm. Nguyễn Khải, 36 tuổi, đến Bắc Cực ngày 10 Tháng Tư, 2008. Trong hơn một thế kỷ qua, các quốc gia tại Âu Châu và hầu hết các nước khác trên khắp thế giới, kể cả những nơi trong vùng nhiệt đới như Ấn Ðộ, Malaysia, và Singapore đã có người đặt chân đến Bắc Cực. Riêng tại Việt Nam, chưa nghe có ai đến cực đỉnh của phương Bắc trước anh Nguyễn Khải. Mỗi năm, sau sáu tháng chìm trong bóng tối suốt ngày và suốt đêm, Bắc Cực bắt đầu có lại ánh sáng Mặt Trời vào cuối Tháng Ba. Kể từ đó cho đến gần hết Tháng Chín, mặt trời không bao giờ lặn tại miền băng giá này. Trong hơn một tuần vào đầu Tháng Tư mà anh Khải đã có mặt trong vùng Bắc Cực, ánh nắng luôn xuất hiện ở chân trời. Ðến cuối Tháng Sáu, Mặt Trời mọc tới điểm cao nhất mà cũng chỉ ngang tầm mắt, không lên tới đỉnh đầu như ở hầu hết các nơi khác trên Trái Ðất. Sau đó ánh thái dương bắt đầu lặn dần, nhường chỗ cho bóng đêm trong sáu tháng Mùa Ðông. Trong chu kỳ giữa ánh sáng và bóng tối, Tháng Tư là thời điểm nhộn nhịp, lý tưởng nhất cho các sinh hoạt của loài người tại cực đỉnh của Trái Ðất, vì mặt trời xuất hiện để ban ánh sáng trong khi băng đá vẫn còn đủ dày thuận tiện cho những chuyến đi trên mặt tuyết. Khác với Nam Cực, vùng Bắc Cực không nằm trên một lục địa cố định mà thật sự là một khối băng đá vĩ đại đóng trên mặt đại dương vào Mùa Ðông, tan bể thành những tảng nhỏ trôi về phương Nam trong Mùa Hè. Người ta đến đây với nhiều lý do: du hành trên băng đá bằng phương tiện trượt tuyết, nhảy dù từ trên phi cơ, thực hiện những cuộc nghiên cứu về khí hậu, du lịch chớp nhoáng trong vài ngày hoặc quan sát từ trên máy bay để biết nơi đây như thế nào, và mới nhất là chạy việt dã (marathon). Niềm ao ước lên Bắc Cực Lý do nào khiến anh Nguyễn Khải muốn đến Bắc Cực? “Tôi đã từng du lịch nhiều nơi trên thế giới, tận dụng thời gian được nghỉ làm để đi xa,” anh viết bằng tiếng Anh trong thư e-mail dành cho báo Người Việt. “Tôi đã đến 54 quốc gia và có mặt tại các lục địa, kể cả lục địa Nam Cực. Trong hầu hết các chuyến đi, tôi du hành như những người đeo ba-lô. Nói như vậy anh cũng thấy tất cả tiền đi làm của tôi đều dành cho du lịch.” “Vì một lý do nào đó, tôi thấy miền cực Bắc rất quyến rũ. Có thể vì miền đất ấy rất đẹp và có ít người đến, cho tôi cơ hội được thám hiểm một nơi mới lạ. Sau khi đến lục địa Nam Cực, tôi muốn có dịp được đi đến tận cực Bắc hoặc cực Nam của Trái Ðất,” anh Khải tâm sự. Người thích giang hồ đó đây này đã chào đời năm 1972 tại Sài Gòn, là con thứ 10, cũng là con trai út, trong một gia đình có 11 anh chị em. Anh đoàn tụ với gia đình tại Toronto, Canada vào năm 1992, tốt nghiệp Khoa Học Ðiện Toán tại University of Toronto, đến thành phố San Jose, tiểu bang California năm 2000. Nay anh viết nhu liệu điện toán cho công ty Cisco. “Khi nghe tôi bày tỏ ý định đi Bắc Cực, ông anh liền nói, ‘Bộ hết chỗ đi sao lại chọn chỗ đó.’ Nói vậy nhưng rồi anh cũng trợ giúp tôi. Còn cô em thì la lên, ‘Trời ơi, điên rồi! Bộ hết chuyện làm rồi sao mà lại muốn đi Bắc Cực?’” anh Khải cười khi kể lại cho ký giả nghe qua điện thoại ngày 2 Tháng Bảy. Người anh của anh tên là Khang và cô em út tên là Khuê. “Mẹ tôi chỉ nói con hãy cẩn thận. Bà đã lớn tuổi, chắc cũng quen sau những lần nghe tôi nói tôi sắp đi chơi xa. Bà tưởng Bắc Cực cũng giống mấy nơi khác mà tôi từng đi,” anh kể. Hầu hết những chuyến đi Bắc Cực được thực hiện bằng phi cơ. Từ các quốc gia trên thế giới, những người ghi danh tham dự cần bay đến Longyearbyen, một thị trấn nằm trên quần đảo Svalbard và thuộc về Na Uy. Với trên 2,000 cư dân, Longyeardbyen là thị trấn có từ 1,000 dân trở lên nằm gần Bắc Cực nhất. Từ Longyearbyen, người du hành được trực thăng hoặc phi cơ chở đến trại Barneo (có khi được viết là Borneo) để có thể tiếp tục hành trình trên mặt băng đá đến Bắc Cực. Trại Barneo do người Nga thành lập dành cho những công tác nghiên cứu khoa học hoặc những chuyến du hành đến Bắc Cực. Vì tình trạng tảng băng thay đổi vị trí từng ngày, người Nga phải dựng lại trại mỗi năm trong Mùa Xuân. Tại căn cứ Barneo, tùy theo sự lựa chọn dựa trên khả năng và thể lực của người tham dự, họ được trực thăng thả xuống một địa điểm xa hoặc gần Bắc Cực ở bên trên vĩ tuyến 89, để thực hiện giai đoạn quan trọng nhất đến vĩ tuyến 90 trong hành trình của họ. Nếu không có sức khỏe để đi trên mặt tuyết, người ta vẫn có thể đến thẳng Bắc Cực bằng trực thăng hoặc quan sát từ trên phi cơ. Chi phí cho các loại dịch vụ khác nhau của các công ty được ghi nhận là từ $9,000 đến trên $27,000 Mỹ kim. “Tôi đã tốn $26,000 chưa kể tiền vé máy bay và những chi tiêu khác,” anh Khải cho biết. “Tổng số tiền có lẽ là trên $30,000.” Anh đã chọn công ty Vicaar để thực hiện chuyến đi Bắc Cực. Ðối với những ai muốn trượt tuyết đến Bắc Cực, công ty này có bốn lựa chọn từ dễ đến khó: touch (“biết sơ qua” trong 4 ngày với 3 ngày trượt tuyết), challenge (“thử thách” trong 6 ngày với 5 ngày trượt tuyết), adventure (“phiêu lưu” trong 9 ngày với 8 ngày trượt tuyết, và extreme (“cực khó” trong 18 ngày với 17 ngày trượt tuyết). Anh Khải đã chọn “phiêu lưu.” “Tôi đã từng du hành khá nhiều nên tôi muốn đẩy mình xa hơn, xem thử sức chịu đựng của tôi đi đến đâu. Bắc Cực là mục tiêu hoàn toàn đúng cho ý muốn của tôi,” anh Khải nói. “Bắc Cực đúng là một nơi đặc biệt trên Trái Ðất. Mặc dù nhiều người, kể cả tôi, ao ước được đến nơi đó, thế nhưng thật sự Bắc Cực chỉ là một địa điểm không có gì để ngắm nghía. Hành trình đến đó mới quan trọng, ít nhất là đối với tôi.” “Một chuyến đi Bắc Cực sẽ cho tôi nếm được cảm giác của người thám hiểm, một cách tài tử hoặc trong ao ước được trở thành người thám hiểm, cho dù ngày nay không khó như mấy thập niên trước.” Ai có khả năng đến Bắc Cực? Polar Explorers, một chi nhánh của công ty The Northwest Passage tại Canada, đã viết rõ những điều kiện dành những ai muốn đến Bắc Cực: “Chuyến đi này dành cho người khỏe mạnh và nôn nóng muốn tự đẩy mình xa hơn về thể lực và tâm lý. Tuy trượt tuyết rất cần thiết, khả năng này không là điều kiện quan trọng (vì sự di chuyển cũng giống như đi bộ trên hai cây trượt đeo vào chân). Bạn cần phải có tim mạch chịu đựng dẻo dai và khả năng kéo xe trượt tuyết nặng (từ 30 đến 40 kí-lô) trong nhiều giờ đồng hồ mỗi lần.” “Ðến cuối ngày, khi mà chúng ta ngưng di chuyển, điều đáng chú ý là bạn cần có năng lực dự trữ để dựng lều, đun tan tuyết để pha trà hoặc cocoa, và nấu ăn. Quan trọng nhất là bạn cần có khả năng kiểm soát nhiệt độ trong cơ thể để cho bạn không bị lạnh quá hoặc nóng quá trong lúc di chuyển.” “Chuyến đi sẽ diễn ra trong hoàn cảnh cực lạnh, và sống trong sự lạnh buốt đó 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày có thể là một thử thách lớn. Bạn không cần là một lực sĩ hạng thế giới để tham dự và tận hưởng chuyến đi, thế nhưng mỗi một cân lượng của sự tập dượt và chuẩn bị sẽ giúp chuyến đi được lý thú và an toàn hơn.” Ðể chuẩn bị, anh Nguyễn Khải đã tập thể dục trên máy stairmaster trong gần ba tháng, năm ngày mỗi tuần. Ðối với những ai nghĩ rằng họ cần phải có một vóc dáng to lớn để chinh phục Bắc Cực, kích thước của anh Khải cho thấy họ không cần như vậy. Anh là người tầm thước, cao 5 feet 4 inches (1.6 mét), nặng 120 pounds (54.4 kí lô). Vào cuối Tháng Giêng, anh bay từ San Francisco đến Barrow, một thị trấn nằm cực Bắc của tiểu bang Alaska, để tập dượt sống ở nơi cực lạnh và thử nghiệm các dụng cụ. Barrow là trị trấn xa nhất về phương Bắc của nước Mỹ, nằm ven biển Bắc Cực và có trên 4,000 cư dân. Trong buổi chiều đầu tiên tại Barrow, anh Khải kể trong nhật ký đăng trên một trang blog: “Marleen rất thân thiện (Marleen là một phụ nữ làm việc tại khách sạn). Hầu hết những người ở miền Bắc đều rất thân thiện, có lẽ vì thời tiết và sự cô lập. Marleen đề nghị tôi đi dạo với bà. Trước khi rời khách sạn, chúng tôi làm một ly trà nóng. Ngay khi bước ra ngoài trời, ly trà của tôi đã mau nguội.” “Vì muốn uống nước trà để được ấm, tôi không đeo mặt nạ. Thật là một sai lầm. Mặt của tôi bị đông lạnh gần như ngay tức khắc. Tôi cầm ly trà áp sát vào mặt để giữ hơi ấm, thế nhưng càng tai hại hơn vì mặt tôi có hơi ẩm. Tôi không có cảm giác trên mặt. Marleen phải tháo găng tay, chà tay ấm lên mặt để giúp tôi được ấm (...)Tôi học được một bài học: Phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước ra ngoài.” Trong ngày hôm sau anh đi được một dặm. “Ðó chẳng là bao nhiêu. Tôi cần phải đi gấp đôi, gấp ba hoặc gấp bốn lần như vậy. Tôi cũng cần phải đeo trên lưng những thứ nặng.” Cũng trong nhật ký viết bằng Anh ngữ, anh cho biết hầu hết các quán ăn Á Châu ở Barrow đều do người Ðại Hàn làm chủ. Một phụ nữ Ðại Hàn nói rằng bà thích sống ở Barrow vì nơi đây yên tịnh, không có những người Ðại Hàn “ganh đua” như ở Los Angeles. Anh cũng nghe nói có vài người Việt Nam sống nghề lái xe taxi ở đây mà anh mong được gặp. Trong những ngày tập dượt tại Barrow, Nguyễn Khải khám phá “tay của tôi bị lạnh rất nhanh.” Thế nhưng sau một thời gian thì anh cũng cảm thấy ấm áp như là “cơ thể của tôi đã ra lệnh cho trái tim hãy làm việc nhiều hơn để bơm hơi nóng và máu đến khắp cơ thể.” Anh đã thất vọng vì kiếng che mắt (goggles) bị mờ mặc dù được quảng cáo có khả năng giữ kiếng được trong suốt. Quần áo ấm lót ở bên trong cũng không mang lại hiệu quả giữ hơi ấm. Riêng những cặp vớ bằng lông cừu và lụa thì “làm việc như ảo thuật. Chân không bị ướt, rất thoải mái và ấm.” Hành trình tìm Bắc Cực từ đầu thế kỷ 19 Trước khi Nguyễn Khải chuẩn bị cho cơ thể của anh thích ứng với khí hậu khắc nghiệt tại miền băng giá, nhân loại đã bị thu hút bởi Bắc Cực từ mấy trăm năm trước. Trong thế kỷ thứ 16, có những người tin rằng Bắc Cực là một khối băng đá đóng trên mặt đại dương. Vào đầu thế kỷ thứ 19, người ta ao ước tìm được một “thông lộ” dành cho tàu bè xuyên qua khối tảng băng lớn như một lục địa, nối liền Ðại Tây Dương với Thái Bình Dương. Người đầu tiên được ghi nhận có ý định tìm vị trí của Bắc Cực là ông William Edward Parry, một sĩ quan hải quân Anh. Vào năm 1827, đội thám hiểm của ông chỉ tiến tới đường vĩ tuyến 82 độ 45', còn rất xa vĩ tuyến 90 của Bắc Cực. Ðến năm 1871, thảm họa xảy ra ông Charles Francis Hall, một người Mỹ cầm đầu một đội thám hiểm đến Bắc Cực. Cũng với sự khao khát tìm đến tột đỉnh của phương Bắc, vào năm 1895 hai nhà thám hiểm Na Uy Fridtjof Nansen và Fredrik Hjalmar Johansen đã vượt xa hơn. Họ rời một chiếc tàu và trượt tuyết đến vĩ tuyến 86 độ 14'. Hai năm sau, kỹ thuật gia Thụy Ðiển Salomon August Andrée và hai người đồng hành đã dùng khinh khí cầu để bay đến Bắc Cực. Thế nhưng khinh khí cầu của họ bị vướng mắc tại một hòn đảo cách xa Kvitoya khoảng 300 cây số về phía Bắc. Di cốt của họ được tìm thấy trên đảo cô độc này vào năm 1930. Ðược chú ý nhất, và cũng sôi nổi nhất, là cuộc “ganh đua” giữa hai người Mỹ mà cho đến 100 năm sau sự tranh luận vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Nhà thám hiểm Frederick Albert Cook đã tuyên bố đặt chân đến Bắc Cực vào ngày 21 Tháng Tư, 1908. Cùng đi với ông là hai thổ dân Inuit. Thế nhưng ông không có chứng cớ xác thực để thuyết phục dư luận, và qua những vụ lừa gạt sau này, người ta càng nghi ngờ ông không thật sự đặt chân trên đỉnh của Trái Ðất. Người có chứng cớ cụ thể hơn là kỹ sư hải quân Mỹ Robert Edwin Peary. Ông tuyên bố đến Bắc Cực vào ngày 6 Tháng Tư, 1909. Ðội thám hiểm của ông còn một người Mỹ và bốn thổ dân Inuit. Như ông Cook, hành trình của ông Peary đi xuyên qua miền Bắc Canada để đến Bắc Cực. Mặc dù đáng tin tưởng hơn ông Cook, ông Peary vẫn để lại những chi tiết mà cho đến nay một số người vẫn nghi ngờ ông chưa thật sự đến vị trí chính xác của Bắc Cực. Lên đường đến Bắc Cực Sau mấy tháng chờ đợi, luyện tập cơ thể và chuẩn bị tinh thần, đến cuối Tháng Ba 2008 anh Nguyễn Khải đáp một chuyến bay từ San Francisco, tiểu bang California đến thủ đô Oslo, Na Uy để bắt đầu “một chuyến đi lớn nhất trong đời tôi. Ðây không chỉ là một chuyến du hành mà có gì đó lớn hơn rất nhiều. Một chuyến phiêu lưu trong cuộc đời của tôi,” anh viết trong nhật ký. Từ Oslo, anh bay đến thị trấn Longyearbyen nằm trên quần đảo Svalbard. Trên nhật ký blog, kỹ sư điện toán Khải cho thấy anh đã có niềm ao ước đến cực Bắc từ lâu. “Ðây là lần thứ nhì tôi đến Longyearbyen. Ba năm trước tôi từng đến đây để quan sát thị trấn, tìm hiểu những nhóm tổ chức thám hiểm Bắc Cực. Tôi cũng tìm xem có cơ hội nào chăng để có thể tham dự một chuyến đi vào phút chót với giá rẻ, như tôi từng có tại Punta Arena trong chuyến đi lục địa Nam Cực.” “Thị trấn này vẫn vậy, chỉ khác là có thêm tuyết và sáng sủa hơn. Mặt trời tỏa ánh sáng rực rỡ. Phi công từng nói nơi Longyearbyen đang lạnh -17 độ C, mà tôi cảm thấy ấm hơn, chỉ lạnh chừng -10 độ C mà thôi. Ðón tôi tại phi trường là anh Mikhail, một nhân viên của công ty Vicaar,” anh viết trên trang nhật ký đề ngày 28 Tháng Ba. Ngoài khí lạnh ở độ âm trong Mùa Xuân, điểm đặc biệt mà anh Khải nhận ra ngay lập tức là vật giá đắt đỏ tại Na Uy. “Giá thực phẩm mắc quá sức tưởng tượng,” anh viết. “Tôi đã trả 27 đồng kroner, khoảng $5.5, cho một chai Pepsi nửa lít. Và bạn biết không, người ta không cho uống nước miễn phí trên phi cơ! Tôi không biết họ nghĩ sao, chẳng lẽ cho hành khách chết khô trên chuyến bay dài bốn tiếng đồng hồ (từ Oslo đến Longyearbyen). Tôi phải trả $4 cho một chai nước lạnh. Tôi còn nhớ tôi từng trả $16 cho một bữa ăn tại McDonald's ở Oslo ba năm trước đây.” Trong mấy ngày chờ đợi tại Longyearbyen, anh Khải xem xét, thử lại các dụng cụ cần thiết cho hành trình gian nan sắp tới, tiếp xúc với các bạn du hành từ những quốc gia như Ý, Tây Ban Nha, Ecuador, Ấn Ðộ, và Singapore, và lang thang ngoài phố vắng vẻ, chỉ có những dãy nhà nằm im lìm trong tuyết trắng. Nhà du hành từ miền nắng ấm California này cũng tham dự một chuyến đi ngắn vào sâu trong hang động được hình thành trong một khối tảng băng. “Lần trước tôi đến đây trong Tháng Năm. Vì lúc đó trời đã ấm áp nên tất cả những hang động trong tảng băng đều đóng cửa bởi có nước ở bên trong hang,” anh Khải viết. “Tôi tự hứa với chính mình rằng nếu có cơ hội trở lại Longyearbyen, tôi sẽ đi xem hang động trong tảng băng.” Bên trong hang động có nhiều thạch nhũ nhọn, đẹp lạ lùng và cũng rất nguy hiểm. Anh Khải viết: “Hang động không kỳ ảo như những động thạch đá vôi mà tôi từng xem trước đây. Thế nhưng hang động ở đây đặc biệt vì nằm trong tảng băng. Trong hang có thạch nhũ có hình dạng như cây Nô-En trên mặt băng, như đèn chandlier từ trên trần nhà và có những bức tường trong như thủy tinh. Thế nhưng hang động cũng rất nguy hiểm vì mặt đá rất trơn trượt.” Trên đường ra ngoài hang đá, anh Khải bị trượt chân, ngã ngửa ra đằng sau, và đập đầu vào một khối băng đá. “Rất may tôi không bị sao hết vì cơ thể của tôi nhận hầu hết sự va chạm. Tôi chỉ bị u nhẹ đằng sau đầu. Thế nhưng tôi đã hoảng hốt khi thấy có gì đó chảy ra từ tóc của tôi (...)Nó chỉ là đá tan chảy thành nước từ trên đầu của tôi. Hú hồn!” Trượt tuyết đến vĩ độ cuối cùng “Tôi đang nôn nao một cách chính thức,” anh Nguyễn Khải viết trên trang nhật ký blog đề ngày 1 Tháng Tư, 2008. Tựa đề của trang này nói lên niềm hân hoan sau nhiều ngày, nhiều tháng chờ đợi của anh: “Tôi đang trượt tuyết đến vĩ độ cuối cùng!” “Ðúng vậy, chúng tôi bắt đầu lên đường đến Bắc Cực theo đúng chương trình ngày 2 Tháng Tư,” anh viết. Một chuyện đã xảy ra không đúng chương trình. Ban đầu anh Khải tưởng nhóm thám hiểm của sẽ có chừng 12 người. Thế nhưng đến phút chót nhóm chỉ còn bốn người, kể cả chuyên viên dẫn đường. Nhóm hải quân Ấn Ðộ muốn đi riêng, các ký giả Ý muốn chuyến đi ngắn hơn, nhóm Tây Ban Nha có người Tây Ban Nha hướng dẫn, thành thử nhóm của anh Khải chỉ còn ba người mà trong đó có anh và Sergei là hai người mới tham dự một chuyến thám hiểm Bắc Cực lần đầu tiên. Ðến phút chót có một người thứ tư tham dự. Rất may cho anh Khải trong “chuyến đi lớn nhất trong đời tôi,” vì người hướng dẫn nhóm của anh là một tên tuổi quen thuộc trong thế giới phiêu lưu mạo hiểm ở những nơi tuyết giá. Ông Christoph Hobenreich, 40 tuổi, là người Áo, từng tốt nghiệp tiến sĩ địa lý học, giáo sư môn thể thao, có chứng chỉ hướng dẫn leo núi và trượt tuyết. Tiến Sĩ Hobenreich đã hướng dẫn người khác đến Bắc Cực ít nhất 10 lần, và cũng từng cầm đầu nhiều chuyến leo núi trên thế giới kể cả Hy Mã Lạp Sơn, Karakoram, Causasus, Andes và Phi Châu. Ông cũng từng điều hành căn cứ nghiên cứu Vinson của Hoa Kỳ tại Nam Cực. Thành quả lẫy lừng nhất trong đời ông Hobenreich là chuyến thám hiểm Franz Joseph Land (tên của một hoàng đế), một quần đảo hoang dã thuộc lãnh thổ Nga, nằm trong biển Barents và chỉ cách Bắc Cực 900 cây số. Ông thực hiện chuyến đi cùng với một đồng hương Áo và hai người Nga, cộng thêm một con chó. Vào Mùa Xuân 2005, chỉ với ván và xe trượt tuyết, đội của ông Hobenreich đi lại một “thông lộ” nối liền Châu Âu và Châu Á. Lần cuối cùng loài người vượt qua hành trình đầy hiểm trở này là vào năm 1873. Ðội của ông Hobenreich khám phá miền đất Franz Josef Land vẫn trinh nguyên như một đội thám hiểm Áo-Hungaria từng thấy hơn 130 năm trước. Giữa nơi hoang dã, các nhà thám hiểm nhận thấy hàng ngàn tổ chim trên các vách núi và rêu nhiều màu xuất hiện trong mùa ở miền băng giá. Ông Christoph Hobenreich đã viết sách về chuyến đi đó (Expedition Franz Josef Land). Người thứ nhì trong đội của anh Khải cũng có nhiều kinh nghiệm trên miền Bắc Cực là ông Georges Baumann, một nhà thám hiểm Pháp. Ông đi theo nhóm của anh Khải vào phút chót chỉ nhằm thí nghiệm những dụng cụ mà ông muốn dùng trong một chuyến vào đầu năm sau. Trong hành trình vào Tháng Giêng 2009, ông Baumann muốn đi một mình từ Tây Bá Lợi Á ở bên Nga, vượt qua miền Bắc Cực để đến Canada. Không chỉ đi bộ và trượt tuyết, ông còn phải bơi qua biển lạnh tại vài nơi và không cần sự trợ giúp của một ai. Mặc dù từng thất bại một lần, ông Baumann muốn đi một lần nữa. Cùng lúc muốn trở thành người đầu tiên trên thế giới thực hiện một hành trình như vậy, ông Baumann có viết trên trang mạng của ông: “Ði bộ 1,800 cây số trong sự cô độc để gây quỹ cho hai tổ chức chuyên trợ giúp trẻ em đang bị đau khổ.” Người thứ ba trong nhóm của anh Khải là ông Sergei, một phó giám đốc công ty cung cấp dụng cụ y khoa. Anh viết vài dòng về ông như sau: “Mặt khác, ông Sergei không có vẻ gì chuẩn bị cho chuyến đi này. Ông ta vẫn còn trong trạng thái làm việc. Ông mang theo hồ sơ, tài liệu và vẫn gọi về những người làm việc tại cơ sở của ông. Hy vọng ông đừng chờ đợi chúng tôi phải lo hết cho ông. Ðây không là một chuyến nghỉ Hè hoặc là một chuyến du lịch ở Phi Châu.” Chín ngày gian nan đến Bắc Cực Kể từ ngày 2 Tháng Tư, sau khi đến trại Barneo, anh Nguyễn Khải không thể viết nhật ký trên blog như trong mấy ngày trước đó, mà chỉ có thể dùng điện thoại vệ tinh để gởi đánh mật mã và gởi về trang mạng ghi nhận những sự kiện nổi bật nhất trong ngày. Trại Barneno nằm về phía Nam vĩ tuyến 89. Vì băng đá đang trôi về phương Nam khá nhanh, ông Christoph Hobenreich quyết định di chuyển về hướng Ðông Bắc khoảng gần một độ và tận dụng dự di chuyển của băng đá. Như một cuộc hành quân trên chiến thường, trực thăng đã thả đội của Khải xuống vĩ tuyến 89 độ 40'. Từ đó họ đi bộ tiến về hướng Bắc Cực dựa theo máy GPS (Hệ Thống Ðịnh Hướng Toàn Cầu). Những đoạn mật mã ngắn gọn, được anh Khải gọi đùa là “Da Nguyen Code,” được giải mã như sau: 2 Tháng Tư: Chúng tôi đến trại Barneo an toàn. Tôi cảm thấy khỏe. Nhiệt độ là -35 độ C. Băng đá đang trôi nhanh về hướng Nam. Khởi hành từ nơi nào là điều chúng tôi chưa biết. Phong cảnh đẹp không thể ngờ. 3 Tháng Tư: Tôi ngủ ngon trong đêm qua. Băng đá vẫn trôi rất nhanh. Chúng tôi ở lại trại, sẽ thám hiểm chung quanh vùng trong lúc chờ đợi. Nhiệt độ vẫn -35 độ C và có gió. Tôi đang giữ cho cơ thể được ấm. Chúng tôi tập dượt đi bộ trong vùng lân cận. Ði tốt nhưng hơi mệt. Không biết 7 ngày sắp tới sẽ ra sao. Tôi có một bữa ăn liền khá ngon. Băng đá trôi nhanh hơn, 14 cây số kể từ ngày hôm qua. Chúng tôi sẽ bắt đầu trượt trên băng đá vào lúc 11 giờ trưa mai. 4 Tháng Tư: Ông Georges Baumann gia nhập nhóm của chúng tôi. Quá tốt vì có sự trợ giúp của ông. Trực thăng thả chúng tôi xuống vị trí 89 độ 40'. Chúng tôi bắt đầu trượt tuyết. Trời rất lạnh, thế nhưng sự di chuyển giúp cơ thể được ấm. 5 Tháng Tư: Ngày hôm qua chúng tôi đi được 1.5 cây số. Ngày hôm nay chúng tôi đi được 7 cây số. Băng đá không còn trôi như trước. Có lẽ ngày mai sẽ khá hơn. Sẽ ăn tối và đi ngủ liền. 6 Tháng Tư: Ðính chánh. Ngày hôm qua chúng tôi đi bộ được 12 cây số mà không có tình trạng trôi băng. Ngày hôm nay tảng băng trôi chậm 300 mét/giờ. Chúng tôi đi bộ 7 cây số với băng đá đang trôi. Khoảng cách còn cách xa Bắc Cực khoảng 32 cây số. Tôi đang nấu ăn, món ba chỉ với mì ăn liền. Ghê thấy mồ (yuk), nhưng tôi cần chất mỡ. Tôi cũng trộn thêm nước uống power drink nóng, chocolate và sữa, nhưng sữa nếm chua như cheese. Thêm một cái yuk. 7 Tháng Tư: Ðịa thế rất hiểm trở để di chuyển, có nhiều dãy đồi băng đá. Chúng tôi đi được 7 cây số. Cách Bắc Cực khoảng 29 cây số. Hầu như không có tình trạng trôi băng. (Nhân dịp nói chuyện với ký giả sau này, anh Khải cho biết đường đi rất lồi lõm, gập ghềnh, nguy hiểm trên băng đá trơn trợt, không dễ như trượt tuyết mà người ta thường nghĩ. Gặp núi tuyết cao thì phải tìm cách vượt qua. “Có lúc quá mệt mỏi nhưng tôi cố gắng không ngã gục, vì ngã là sẽ chết,” anh kể lại). Tôi nấu món chili của người Mễ Tây Cơ với thịt ba chỉ. Không tệ chút nào. Tôi thèm uống một lon coke trong lúc đi bộ trên băng đá. Lạ ha! Ðây có thể là quảng cáo tốt cho Coca Cola. Tôi toát mồ hôi rất nhiều trong lúc đi bộ. Mỗi đêm, bên trong lều trông giống phòng giặt quần áo. Chúng tôi đun nhiều nước (lấy từ tuyết), và uống như con lạc đà. Tôi phải đi ngủ liền. 8 Tháng Tư: Mỗi ngày và mỗi đêm đều tốt đẹp cho đến hôm nay. Có sương mù và khó thấy đường. Chúng tôi còn cắm trại, chờ đợi thời tiết khá hơn. Trong lều thì rất ấm. Băng đá lại trôi nhanh với tốc độ 600 mét/giờ. Chúng tôi nghe có đội chó kéo xe ở chung quanh. Rất vui khi biết có người sống gần đây. Chúng tôi được nghỉ ngơi. Thời tiết bây giờ tốt. Có thể chúng tôi sẽ bắt đầu đi bộ để bù lại thời gian nghỉ. 9 Tháng Tư: Chúng tôi không đi bộ cho đến sáng hôm nay. Một ngày đẹp trời để đi bộ. Chúng tôi chỉ đi được 5 cây số ngày hôm nay. Trực thăng sẽ đến đón chúng tôi vào ngày mai và đưa đến Bắc Cực, và rồi trở về đất liền (đó là về Longyearbyen). Ngày mai là một ngày trọng đại. Tôi nôn nao quá. 10 Tháng Tư: Chào mọi người, tôi đang ở Bắc Cực. Sài Gòn trên đỉnh Ðịa Cầu Trong thời gian đứng ở đúng vĩ tuyến 90, anh Nguyễn Khải đã ăn mừng, uống champagne với ba người bạn đồng hành và chụp hình lưu niệm, hình đứng và hình nằm trên tuyết. Những bức hình cho thấy sự mệt mỏi đồng thời niềm hân hoan từ thành quả đạt tới đích. Trong một bức hình, anh Nguyễn Khải đã cầm cờ màu xanh dương của công ty Vicaar và đặt đúng vị trí của Bắc Cực, như hầu hết các thân chủ khác của công ty này từng làm. Thế nhưng khác với tất cả những người du hành từng đến đây, anh Khải đã mang theo một chút quê hương Việt Nam mà đến phút chót anh mới thể hiện một cách hãnh diện ở tột đỉnh của cuộc hành trình lớn nhất trong đời. Ðó là một tấm bảng nhỏ mang chữ “Saigon.” “Tôi từng thấy những tấm bảng chỉ hướng đến các thành phố nổi tiếng tại Bắc Cực, nên tôi cầm theo tấm bảng Saigon, cất nó ở trong túi xách từ lúc rời California,” anh nói qua điện thoại với ký giả. “Tôi muốn nơi đó có một tấm bảng chỉ về hướng quê hương của tôi.” Trên các trang nhật ký cũng như qua những lần liên lạc ban đầu với ký giả báo Người Việt, anh Khải không nhắc đến tấm bảng “Saigon” mà anh đã cất giữ trong hành trang đến cực Bắc của Trái Ðất. Tuy vậy, anh đã không quên nó trong những giây phút phù du chỉ xảy ra một lần trong đời người. Như một người bạn đồng hành, tấm bảng “Saigon” đã nằm trong túi xách, lên đường cùng với anh Nguyễn Khải, vượt qua hàng nghìn dặm từ San Francisco đến Oslo, ghé qua Longyearbyen và trại Barneo, trước khi xuất hiện trong giây phút hân hoan nhất trong đời của anh Khải. Về lại California ngọt ngào Trong vài ngày ở lại Na Uy, anh Khải mua vài món lưu niệm kể cả một cây gậy chống tuyết mà anh đã sử dụng trên đường đến Bắc Cực. Anh muốn mua trọn bộ ván và gậy trượt tuyết, nhưng vì không còn đủ tiền nên anh chỉ mua một cây gậy mà thôi. Trên trang nhật ký đề ngày 16 Tháng Tư, anh viết, “Như một giấc mơ. Ðến Bắc Cực là một giấc mơ. Không có khái niệm về thời gian. Mặt Trời mọc suốt 24 tiếng đồng hồ. Tất cả đều một màu trắng. Không khí luôn luôn cực lạnh. Mọi công việc đều đều giống nhau mỗi ngày. Và tất cả đều như không có thật mà lại có thật. Tôi rất vui là tôi đã sống được giấc mơ này.” “Ðêm qua, sau khi về từ sở làm và ăn tối, tôi bỗng thèm ngọt. Tôi mở tủ lạnh, thấy mứt chanh mà mẹ tôi đã làm khi bà đến thăm tôi vài ngày trước khi tôi khởi hành đi Bắc Cực. Mấy miếng mứt chanh ấy ngon và ngọt vô cùng,” anh Khải viết. Anh đang dự định viết lại chuyến đi Bắc Cực bằng tiếng Việt. Mặc dù đã hết tiền và mới trở về từ một hành trình đầy ắp ấn tượng, anh Khải đang bắt đầu dành dụm để thực hiện “một chuyến đi đến cực đỉnh Nam Cực” trong tương lai. Một bà chị ruột đã hứa cho cậu em Khải một hoặc hai ngàn đô-la, anh tâm sự với ký giả. “Tôi thích được tự do, được có khả năng đi đó đi đây, đến những nơi khác lạ,” anh nói. (h.d.) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=81047&z=1
|