TẢN MẠN TRẦN GIAN
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 17 bài trong đề mục
thichanlac 08.07.2008 11:39:59 (permalink)
TRÁI ĐẤT BA PHẦN TƯ NƯỚC MẮT..
 
Quả đúng vậy. Năm tháng trôi đi, Bao bãi biển trở thành nương dâu, rồi nương dâu lại trở thành bãi biển, nhưng đời mãi mãi là bể khổ.
Nỗi khổ không chừa một sinh linh nào. Từ cỏ cây, con sâu, cái kiến.. loài nào chẳng khốn khổ vì đời. Hổ báo, dẫu được mệnh danh là chúa sơn lâm, mà đâu có sướng. Biết bao nhiêu hổ báo bị săn lùng ráo riết, không chốn nương thân, thậm chí có nhiều hổ báo bị chết đói.
Nỗi khổ không chừa một ai. Người nghèo đau xót vì "cái khó bó cái khôn".  Nhà giàu thì lo con cái hư hỏng, nghiện ngập. Quan chức thì lo đấu đá, giữ ghế...
Con người khổ vì dục vọng. Có voi thì lại đòi tiên. Một khi dục vọng không thoả mãn, người ta cảm thấy khổ. Biết vậy, nhưng nếu không có dục vọng, thì sao gọi là đời.
Đời nhiều nước mắt. Vì người ta thương thân, thương đời. Người là vậy !
Đời là bể khổ. Điều này vĩnh viễn không thể thay đổi được. Nhưng hoàn toàn có thể làm cho một cuộc đời bớt đi nhiều đau khổ.
Căn nguyên nỗi khổ đời người là dục vọng. Vậy thì bớt dục vọng sẽ bớt nỗi khổ.
Vẫn phải cố gắng hết mình vì một tương lai sáng tươi, nhưng hãy luôn bằng lòng với những gì đang có. Mỗi Thành công đều là kết quả của rất nhiều yếu tố, mà sự cố gắng của cá nhân chỉ là một yếu tố. Thậm chí nhiều khi là rất nhỏ nhoi.
Có thành công, đừng nghĩ mình đã tài hơn mọi người. Chẳng qua là cái phúc, cái phận mình được hưởng.
Dẫu thất bại, đừng hằn học tức tối làm gì, chỉ thêm khổ mà thôi.
Chuyện Con Cáo và chùm nho (Của La Phông Ten) chắc ai cũng biết. Hãy học tập con cáo trong câu chuyện này. Khi đã nhảy tới dăm bảy lần vẫn không hái được chùm nho, thì đừng cố nữa. Hãy tự an ủi rằng: Nho xanh chẳng xứng miệng người khôn ngoan ! Khi ấy sẽ thấy lòng mình thanh thản hơn nhiều.
Tôi lấy hiệu thichanlac cũng là tự răn mình từ những trải nghiệm này. Xin được chia sẻ cùng các bạn.
#1
    thichanlac 09.07.2008 10:32:36 (permalink)
    HÃY LẮNG NGHE ..

    Buổi sáng. Tôi đi ra phố. Một tốp trẻ con vây quanh trêu chọc một người người điên. Cả lũ vui cười sảng khoái lắm. Tội nghiệp ! Trời lạnh quá mà người điên chỉ một manh áo rách. Vậy mà có một nhóm  “thế giới ngày mai” lại vô cảm đến nhẫn tâm.
    Qua cửa một nhà giàu. Có tiếng trẻ con khóc, tiếng người đang quát tháo. Tôi lắng nghe. Thì ra cậu ấm chủ nhà đang đòi “bác Ô sin” làm ngựa cho nó cưỡi. Bác làm không đúng ý nó, thế là nó khóc. Mẹ nó xót con, mắng chửi người làm.
    Hãy lắng nghe trẻ em khóc, trẻ em cười…
    Buổi chiều. Tôi trở về qua một ngõ nhỏ. Nhà ven đường đã lên đèn. Cố tiếng cười nói oang oang vọng ra. Tôi lắng nghe. Một cụ già khoe có cháu vừa đi thi Robots  về. Cụ sướng quá cười rất mãn nguyện. Cụ vui vì xã hội văn minh,  hậu sinh khả uý.
    Buổi tối, Tôi lang thang đến một xóm nhỏ. Có tiếng khóc tức tưởi vọng ra từ một ngôi nhà ven đường. Tôi lắng nghe. Hàng xóm cho biết. Tiếng khóc của một bà lão cô đơn. Nghe đâu bà có hai con làm to lắm trên thành phố, nhưng không đứa nào chịu đón mẹ ra chăm sóc. Hàng tháng mỗi đứa gửi về cho cụ 200.000 đ.
    Hỡi ông Trần Tiến ! Bao giờ ông sẽ viết bài: Hãy lắng nghe người già khóc, người già cười ?

    BÀN:
    Phải quan tâm chăm sóc thế hệ trẻ. Đúng quá rồi, nước mắt chảy xuôi mà. Có ai không hy sinh cho con, mong cho con thành người, thành tài... Nhưng có cần làm ầm ĩ lên không ? Chưa bàn đến khía cạnh vô duyên, biết rồi khổ lắm nói mãi.. mà vô hình dung tạo cho lớp trẻ ý nghĩ: Chúng là trung tâm của vũ trụ. Mọi người phải quan tâm đến chúng, còn chúng chẳng cần quan tâm đến ai. Một lối sống ích kỷ đang nảy mầm trong một bộ phận con trẻ.
    Trẻ con khóc, thường là tranh ăn, tranh chơi. Trẻ con cười, thường là khi được hưởng thụ hoặc được tâng bốc.
    Tôi muốn quan tâm nhiều đến người già khóc, người già cười. Cái khóc, cái cười sâu lắng, thấm đẫm nhân tình.
    Người già thường khóc trước nỗi đau nhân thế, trước những bất công oan trái của đời sống xã hội, trước sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cộng đồng. Thật đáng khóc lắm thay.
    Người già thường  cười trước những đổi thay tốt đẹp của đất nước, trước sự tiến bộ của lớp cháu con . Đáng mừng lắm thay.
    Không biết có văn sỹ, nhạc sỹ , nghệ sỹ nào băn khoăn về Người già khóc, người già cười ?

    #2
      thichanlac 11.07.2008 11:55:34 (permalink)
      TÂM SỰ QUA MỘT BÀI THƠ
                
      TÌM NỬA CỦA MÌNH
      (Đặng Quốc Vinh)

      Tôi đi tìm cái nửa của tôi
      Nhưng tìm mãi đến bây giờ không thấy
      Tình yêu của tôi ơi ! em là ai vậy?
      Sao để anh tìm, tìm mãi tên em.
      Chiều buông dần thành phố vào đêm
      Sân cỏ, hàng cây từng đôi ríu rít
      Họ may mắn hơn tôi, hay họ không cần biết
      Nửa của mình hay nửa của ai?
      Tôi đi tìm cái nửa của tôi
      Và có thể suốt đời không tìm thấy
      Nêú chẳng còn em, tôi đành sống vậy
      Không nhặt nửa của ai làm nửa của mình
      Cái na nà tình yêu thì có trăm nghìn
      Nhưng đích thực tình yêu chỉ duy có một
      Nên nhiều lúc nhầm tưởng mình đã gặp
      Nửa của mình, nhưng nào của mình đâu.
      Không phải của mình, không phải nửa của nhau
      Thì thượng đế ơi, đừng bắt tôi nhầm tưởng
      Bởi tôi biết khổ đau hay sung sướng
      Là đúng, sai trong tim nửa của mình.
      Tôi đi tìm em, Vâng tôi đã đi tìm
      Và có thể trên đời này đâu đó
      Em cũng đi tìm tôi, tìm tôi như thế
      Chỉ có điều là chưa nhận ra nhau.
       
      Bài thơ hay, rất đáng để suy ngẫm.
      Tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm thiếu thời:
      Ngày ấy, đang thuở chín mười, nhìn bọn trẻ hàng xóm có những hòn bi đá tròn vo, đen nhánh, đẹp đến mê hồn. Tôi hỏi một đứa thì nó nói đã nhặt được trên đường. Thế là ngày ngày, tôi cứ đi lang thang tìm kiếm hết đường này, ngả nọ. Hy vọng tìm được hòn bi tròn trịa cho mình. Những viên đá méo mó thì nhiều vô kể, còn hòn bi tròn thì chẳng thấy bao giờ. Biết chuyện, bố tôi gọi lại và bảo:
      - Con ạ, trên đời không có sẵn cái gì tròn trịa cả. Tất cả những hòn bi mà bọn bạn con có, ban đầu cũng chỉ là những viên đá méo mó, bình thường. Nhờ bàn tay con người gọt đẽo mà nên.
      Nói rồi, bố tôi lấy một con dao cùn, rồi ra nhặt một viên đá ven đường. Ông bắt đầu ghè, đẽo. Quá trình đẽo đá thành bi quả là hết sức công phu. Kì cạch suốt buổi chiều mới biến được viên đá méo trở nên tròn trịa. Tiếp đó, ông dùng hai cái vỏ ốc nhồi, đục lỗ, đặt viên bi mới đẽo vào giữa hai lỗ. Hai tay cầm hai con ốc, ông xoay đi xoay lại. Bột đá rơi lả tả. Hai lỗ trên những con ốc to dần. Hòn bi ngày một nhẵn. Đến tối, khi nhận hòn bi từ tay bố, tôi thấy nó hệt như hòn bi của lũ bạn. Bố tôi đưa cả hai cái vỏ ốc cho tôi và bảo:
      - Con đã có một hòn bi tròn, nhẵn, Nhưng rồi khi chơi cùng bạn, do va chạm, do bụi thời gian.. hòn bi sẽ sứt sẹo, biến dạng đi. Muốn nó mãi vẫn tròn nhắn như mới thì hàng ngày phải thường xuyên chăm sóc mài xoáy con ạ.
      Chuyện qua lâu rồi. Hôm nay đọc bài thơ: TÌM NỬA CỦA MÌNH của Đặng Quốc Vinh, tự nhiên tôi nhớ lại.

      #3
        thichanlac 21.07.2008 09:55:41 (permalink)
        LÀNG TÔI CÓ TƯỢNG
        (Phần 1)
         
        Ngày ...
        Tối hôm qua làng tôi họp. Trưởng làng thông báo: Thành hoàng làng tôi trước kia là một vị tướng trong nghĩa quân Triệu Quang Phục. Khi giặc tan, ngài được vua cắt đất phong cả vùng này. Ngài đã lập nên làng tôi. Đến thời Hậu Lê, ngài được phong Thượng đẳng thần. Làng tôi đang lập hồ sơ đăng ký làng văn hoá. Huyện cho kinh phí tôn tạo đình làng, trong đó có việc làm tượng thành hoàng. Vì kinh phí hạn hẹp, nên làng hô hào mỗi lao động góp 100.000 đồng.
        Thế là làng tôi sắp có tượng.
         
        Ngày ...
        Về đến đầu làng tôi đã nghe có tiêng cãi cọ ầm ĩ trong nhà bà Tư. Tôi ghé vào, hỏi thăm. Bà Tư kể lể:
        - Khổ lắm bá ạ ! Ngày kia giỗ cụ. Các cô các chú ấy đến góp dỗ. ông ấy không cho nhận của ai. Ông ấy bảo: Dỗ cụ năm nay chỉ lưng cơm quả trứng thôi, không mời ai cả.
        Tôi tham gia:
        - Cả năm mới có một ngày cụ thức dậy. Sao lại úi sùi thế !
        Ông Tư buồn rầu:
        - Cũng đã dành dụm một ít rồi, nhưng vừa phải góp cho làng làm tượng. Nhà có hai lao động, mất đứt 200 ngàn, bá bảo..
        - Thì vay mượn đâu đó vậy !
        - Vay mà chẳng phải trả à. Hai sào ruộng, giỏi lắm được dăm tạ thóc. Có đàn gà, vừa rồi có dịch cúm, họ bắt chôn kiệt. Khổ thế đấy.
        Tôi cố nén một tiếng thở dài.
         
        Ngày ..
        Tôi vừa ra đầu ngõ đã nghe tiếng quát lác om sòm trong nhà chú Sáu. Tôi ghé vào. Thằng Hùng con đầu của chú đang khóc dấm dứt. Tháy tôi vào, bố nó quát:
        - Mày có câm đi không ? Học, học, học mà mà vương làm tướng à. Tán xác bố mày ra mà học à.
        Tôi hỏi, chú kể:
        - Mới có lớp 6 mà trăm nghìn khoản đóng góp. Có mấy trăm định đóng học phí thì làng thu làm tượng. Không còn tiền cho, nó nhất quyết không đi. Không đi thì ở nhà, tôi càng đỡ khổ.
        Tôi không biết nói gì, lẳng lặng ra về.
         
        Ngày ..
        Tôi đang ngồi ăn cơm thì thằng Luận (con hàng xóm) hớt hải chạy sang:
        - Bá ơi ! Bá cứu mẹ cháu với !
        - Mẹ cháu bị làm sao ?
        Tôi bỏ bát cơm đứng dậy, chạy theo thằng bé. Tới nhà thì được biết: Cô Bình - mẹ của Luận bị suy thận mãn. Nhưng kiên quyết không chịu đi nằm viện. Nhà có mấy trăm nghìn góp cho làng làm tượng hết rồi.
        ...
        (Còn tiếp)

        #4
          thichanlac 23.07.2008 10:47:26 (permalink)
          LÀNG TÔI CÓ TƯỢNG
          (Phần 2)
           
          Ngày ….
          Đó là một trong những ngày trọng đại nhất của làng tôi - Ngày rước tượng.
          Ngay từ chiều hôm trước, cả làng đã bận rộn. Đường làng sạch sẽ. Cờ cắm la liệt. Loa kêu inh ỏi..
          Trai đinh trong làng được gọi đi khiêng kiệu.
          Gọi là trai đinh, thật ra người nào có da có thịt đã đi tha hương cầu thực nơi khác. Nếu không sắm được cái xích lô đón khách nơi bến xe, ga tầu…thì cũng ngày ngày ra đứng phơi mặt ở chợ người Giảng võ. Tằn tiện cả tháng gửi về cho vợ được đôi ba trăm.
          Vất vả lắm mới chọn được 16 người khênh tượng. Ngày thường thấy họ cũng không đến nỗi nào. Thế mà khi nhìn họ cởi trần, chít khăn điều, đóng khố đỏ.. rớt nước mắt. May có nước da vàng kéo lại, nếu không dễ lầm tưởng là dân tị nạn Xômani.
          Mười sáu thằng người xương xảu, gò lưng khiêng một cỗ kiệu to. Trên kiệu, tượng thành hoàng làng phương phi bệ vệ, y giáp chỉnh tề, mắt sáng rực.
          Cả làng đứng chật hai bên đường,. Tượng đi đến đâu, người người bám theo thành kính.
          Ở sân đình các bô lão áo the, khăn xếp khom lưng chờ đón.
          Gần trưa, tượng được rước vào đình. Ngài an toạ ở vị trí trang trọng nhất.
          Hương được đốt lên. Cả làng rạp người lễ vái.
          Ngài ngồi đó, nhìn con dân lam lũ, vô cảm.
           
          Ngày …
          Tôi kể chuyện làng tôi có tượng với một người bạn thân, giờ đã là Tiến sỹ Dân tộc học, mà lòng không khỏi xót xa. Bạn tôi an ủi:
          - Tôn giáo do người dân dựng lên để tự an ủi phần hồn. Giai cấp thống trị lợi dụng điều này, coi đó là một trong những công cụ cai trị hữu hiệu. Cuối cùng chính tôn giáo lại đè gánh nặng lên những người tôn thờ nó.
           
          #5
            thichanlac 06.09.2008 18:51:55 (permalink)
            CON THẦY - VỢ BẠN
             
            Anh và chồng tôi là đôi bạn thân từ ngày cắp sách đến trường. Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong cùng một làng quê lam lũ. Tôi học sau anh hai lớp. Thuở học trò, chúng tôi cùng đi trên một con đường tới lớp. Tôi biết anh đã thầm thương tôi từ dạo ấy, nhưng do bản tính dụt dè không dám ngỏ lời. Khi tôi vào lớp chín thì anh và chồng tôi nhận bằng tốt nghiệp phổ thông. Cả hai cùng nhập ngũ ngay sau đó. Trước ngày lên đường, Chồng tôi ngỏ lời yêu tôi.
            Hơn một năm sau, khi cả hai cùng nghỉ phép chuẩn bị vào chiến trường, thì cũng là lúc tôi nhận giấy báo trúng tuyển Cao đẳng Sư phạm. Chúng tôi cưới nhau ngay trong những ngày ấy. Anh cũng cưới vội một cô gái làng bên, cùng tuổi tôi. Sau ngày cưới dăm hôm, các anh lại ra đi, để lại hai người đàn bà cô quạnh. Liên - vợ anh - có thai, và đến kỳ sinh cho anh một đứa con trai bụ mẫm, rất đáng yêu. Nhưng thật trớ trêu, tôi khát khao có một đứa con thì không được, còn Liên việc có con lại là gánh nặng với cô ấy. Vì chỉ ngay sau đó, cô làm quen và yêu một ông bác sỹ goá vợ. Và để chạy theo ông ta, Liên đã bỏ lại đứa con mới sáu tháng tuổi cho ông bà nội. Tôi thương anh, thương cháu bé, nên ngày ngày qua lại làm tất cả các công việc của một người mẹ để chăm sóc cháu.
            Năm tháng qua đi. Bố mẹ chồng tôi và ông bà cháu lần lượt qua đời. Tôi ngày một héo hon trong lo âu chờ đợi. Cũng may là có đứa con của anh bị bỏ rơi làm niềm vui.
            Rồi tin chồng tôi hy sinh. Rồi anh trở về.
            Anh thương tôi lắm. Thường xuyên qua lại và giúp tôi những việc của đàn ông trong nhà.
            Tôi cũng thương anh: Gà trống nuôi con. Tôi thường sang làm giúp hai bố con những việc của người phụ nữ, và luôn chờ đợi ở anh một câu nói.
            Năm tháng qua đi. Thành - con của anh - đã vào Đại học. Nó vẫn coi tôi như mẹ. Có lần nó hỏi:
            - Sao cô không cưới bố cháu đi còn chờ đợi gì nữa.
            - Mày về hỏi bố mày ấy - Tôi cười chua chát
            Tôi có chờ đợi gì đâu ngoài câu nói yêu thương của anh. Vậy mà..
            Tôi nghĩ: Anh vẫn là người dụt dè, vậy thì mình không nên bỏ lỡ một lần nữa.
            Tôi đã ngỏ lời. Anh im lặng rất lâu rồi trả lời:
            - Không được em ạ ! Anh sẽ làm tất cả những công việc phải làm để chăm sóc em, trừ việc ấy. Các cụ đã dạy: Con thầy vợ bạn..
            - Con thầy vợ bạn thì sao ?
            - Đó là những vùng cấm đối với một người đàn ông có nhân cách, xin em hiểu cho anh.
            Tôi bẽ bàng trước lời tỏ tình vô duyên của mình. Tôi giận các cụ sao lại dạy anh như thế !
            Cả tôi, cả anh, cả con anh nữa, cùng một nỗi khát khao.
            Cả tôi, cả anh, cả con anh nữa, vẫn cô đơn và bất lực.

            #6
              thichanlac 06.10.2008 19:14:22 (permalink)
              GIÁ NHƯ ...
               
              Chồng tôi mở một công ty kinh doanh đồ Mỹ nghệ. Chị là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Từ ngày khởi nghiệp, chị và chồng tôi cùng lái xe rong ruổi khắp nơi tìm mối hàng. Có thể nói không ngoa rằng: Chị là linh hồn của công ty. Từ việc chọn lựa mặt hàng, đánh giá chất lượng, phác thảo hợp đồng, đàm phán ký kết … tất tần tật đều nhờ ở chị. Chồng tôi chỉ việc đặt bút ký cho đúng thủ tục.
              Chị tên là Mai, hơn chồng tôi chục tuổi. Chị không có chồng, nhưng có một đứa con trai. Hai mẹ con chị sống cùng với bà ngoại cháu. Nhờ vậy, chị có thể yên tâm cùng chồng tôi đi mua hàng bất kể giờ giấc.
              Dưới mắt tôi, chồng tôi là người tuyệt vời. Làm giám đốc một công ty, anh vẫn giành cho tôi sự quan tâm từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ưu điểm nổi bật của anh là trung thực, trung thực đến dại khờ. Bố mẹ tôi và các em tôi cũng rất quý mến anh.
              Một lần, chỉ có hai vợ chồng, tôi bắt nọn:
              - Này ! Em nghe có người xì xào về quan hệ giữa anh với chị Mai đó.
              Tôi không ngờ anh biến sắc mặt, im lặng một lát rồi hỏi lại:
              - Họ xì xào sao hả em ?
              Tôi thấy không bình thường liền tiếp tục:
              - Em muốn tự anh nói với em tất cả.
              Anh im lặng suy nghĩ có vẻ rất khó nhọc, rồi kể lại tất cả.
              Thì ra anh và chị Mai, bề ngoài vẫn chị chị em em, nhưng đã có vài lần quan hệ tình dục. Anh giải thích là giữa anh và chị không hề có tình yêu, chỉ là cảm thông với nhau. Và việc quan hệ tình dục chỉ thuần tuý là nhu cầu sinh lý.
              Tôi thấy trời đất quay cuồng. Đúng là không thể ngờ.
              Đã nửa tháng chiến tranh lạnh, không khí gia đình căng thẳng, ngột ngạt. Cả hai mệt mỏi, phờ phạc. Không ai nói với ai nửa lời, nhưng cả hai đều trăn trở suy tư nhiều lắm.
              Tôi trách mình sao lại bắt nọn anh. Tôi trách anh sao lại quá thật thà. Để tôi biết một chuyện không đáng biết. Bởi khi tôi đã biết chuyện chồng có quan hệ tình dục với người khác, thì không thể coi như không biết.
              Còn nếu như tôi không biết, sẽ không có chiến tranh, cả hai đều đỡ khổ.
              Tôi trách ai đã đặt ra cái quy tắc nghiệt ngã. Để nó ăn sâu vào tiềm thức người ta, trong đó có tôi. Nếu mọi người coi nhẹ chuyện ấy như là chuyện bắt tay nhau, thì dẫu có biết tôi cũng không thấy khổ như bây giờ.
              Bây giờ tôi phải làm sao ?
              #7
                BĂNG NGUYỆT 03.11.2008 12:45:45 (permalink)

                Tôi trách ai đã đặt ra cái quy tắc nghiệt ngã. Để nó ăn sâu vào tiềm thức người ta, trong đó có tôi. Nếu mọi người coi nhẹ chuyện ấy như là chuyện bắt tay nhau, thì dẫu có biết tôi cũng không thấy khổ như bây giờ.
                Bây giờ tôi phải làm sao ?

                 
                Thiệt là khó phải không, chỉ cần thấy ng ta tốt với ng phụ nữ khác thôi là mình cũng muốn nghẹt thở rồi huống chi....
                 
                Nếu trong trường hợp này , chính bn cũng ko biết làm thế nào....trời sinh con người yêu là ích kỷ, chỉ muốn sở hữu riêng mình, thà rằng không biết thì hơn....những sự thật đau lòng.
                #8
                  thichanlac 02.03.2009 15:50:59 (permalink)
                  ĐỢI CHỜ ...
                   
                  Tôi và anh quen biết nhau qua các diễn đàn. Đọc các bài viết của anh, tôi nhận thấy: Tiếng nói của anh, cũng chính là tiếng nói của lòng mình. Ngược lại, mỗi vấn đề mà tôi nêu ra, đều được anh phát triển rất hiệu quả và đầy sức thuyết phục. Sự đồng cảm trong các vấn đề xã hội, làm nảy sinh tình cảm giữa chúng tôi. Chúng tôi như đã bén hơi nhau. Càng ngày tôi càng nhận thấy: Chúng tôi rất cần cho nhau. Một ngày vắng tin nhau, cả hai đều thấy bồn chồn không yên. Tôi đã yêu anh.
                  Và thế là điều tất yếu đã đến: Anh ngỏ lời yêu tôi. Tôi không bất ngờ, đó là điều mà tự đáy lòng tôi đã chờ mong bao ngày rồi. Oái oăm thay, khi nó đến, tôi lại thấy lòng mình không thanh thản để đón nhận.
                  Thực ra tôi đã nhận lời một người khác từ cách đây mấy năm rồi. Người ấy đang ở cách xa tôi gần nửa vòng trái đất. Nhưng điều quan trọng không phải khoảng cách địa lý, mà tôi tự thấy lòng mình cứ nguội dần. Chúng tôi không có mối quan tâm chung. Khả năng chăm sóc nhau ngày càng trở nên viển vông, hão huyền, nều chưa muốn nói là không tưởng. Anh hẹn rồi sẽ trở về. Tôi đã đợi mấy năm rồi, mà ngày anh trở về vẫn tít mù tắp. Trong khi đó cả hai đều đã quá nửa đời rồi. Tôi là môn đồ của Mac. Tôi tâm niệm rằng: TY là cái tinh thần. Nó rất cần được nuôi dưỡng, chăm sóc bởi những hành động vật chất. Nhưng cách nhau cả nửa vòng trái đất, mấy năm rồi không chăm sóc, cái gì chẳng hao mòn, thui chột.
                  Tôi phải làm sao đây ?
                  Nhận lời người mới theo tiếng gọi của trái tim, hay giữ lời với người cũ cho trọn bề son sắt ?
                  Chuyện cổ Việt nam có người phụ nữ chờ chồng đến hoá đá. Nhưng chuyện đó xa quá rồi, và người tôi đang chờ đợi cũng chưa phải là chồng. Liệu tôi có được hoá đá để lưu truyền muôn thuở không ?

                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.03.2009 15:54:14 bởi thichanlac >
                  #9
                    thichanlac 05.03.2009 07:34:02 (permalink)
                    VỀ MỘT BÀI THƠ DỊP 8-3
                     
                    Vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cuộc sống thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ. Vào một dịp 8/3 một bài thơ không rõ nguồn gốc bỗng xuất hiện và nhanh chóng đi vào đời sống xã hôi:

                    Hôm nay mồng tám tháng ba
                    Chị em phụ nữ đi ra đi vào
                    Hai tay hai củ xu hào
                    Miệng thì lẩm bẩm: Nên xào hay kho ?


                    Đúng là thơ Bút tre. Mới đọc qua ai cũng nghĩ vậy, nhưng càng đọc, càng suy ngẫm càng thấy nao lòng.
                    Cần nói thêm rằng, thời ấy có món xu hào kho xì dầu. Lương công chức trừ đầu trừ đuôi, còn lại chỉ đủ mua mỗi ngày một củ xu hào. Nếu không kho mặn làm sao đủ ăn qua bữa. Người ta chỉ xào xu hào khi có khách, hoặc khi làm cỗ. Ngày 8/3 , ngày hội đấy, có nên xào xu hào hay vẫn kho như thường lệ ? Kho hay xào ? chỉ một chuyện nhỏ cũng là cả một nỗi trăn trở của các bà các chị. Thì ra ngay cả trong ngày hội, phụ nữ vẫn không thể có niềm vui trọn vẹn, bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền.
                    Giờ thì không đến nỗi ấy, cuộc sống khá hơn nhiều, nhưng ai dám đảm bảo rằng phụ nữ đã chẳng còn phải ưu tư trong ngày hội. Thương lắm tóc dài ơi !
                    #10
                      thichanlac 27.05.2009 08:52:33 (permalink)
                      CÔNG BẰNG

                      Tôi, Hùng và Thanh thân nhau từ ngày còn đi học. Cuộc sống ném mỗi đứa một ngả. Tôi tiếp tục học rồi đi dạy học. Hùng vào lính, cả đời cứ hết nam chinh lại bắc chiến. Thanh về làng, lấy chồng, đẻ con, vui thú điền viên. Mỗi người một cảnh, nhưng vẫn quý nhau như thời còn đi học.
                      Hùng có 2 con trai. Thằng đầu theo nghiệp binh đao, giờ cũng đã mang hàm cấp tá. Thằng út, Tiến sỹ ngôn ngữ học. Ngay sau hôm thằng út  bảo vệ luận án Hùng gọi điện mời chúng tôi đến nhà. Hùng gọi cả hai con cùng ngồi tiếp chúng tôi. Ấm trà vừa pha, Hùng nói với các con:
                      - Giờ đứa nào có thể rót trà mời các bác An và cô Thanh sao cho thật đều, bố xem nào.
                      Thằng út nhanh nhảu, rót một chút nước ra chén, tráng hết một lượt, đổ đi. Sau đó nó bắt đầu rót, mỗi chén một chút. Hết một vòng, nó rót ngược trở lại. Nó cứ trở đi trở lại mấy vòng như thế, cho đến khi nước trong mỗi chén đạt tới ba phần tư độ cao thì dừng lại, ngước mắt nhìn bố dò hỏi. Hùng lắc đầu, miệng lẩm bẩm: Không đều, không đều.
                      Thằng cả ra tay. Nó đổ các chén trà mà em nó vừa rót vào ấm, rồi lấy ra một chiếc cốc to. Nó nhẹ nhàng rót trà từ ấm vào chiếc cốc. Chờ cho nước trong cốc đã ổn định, nó mới rót từ cốc ra các chén và lại ngước mắt nhìn bố. Nó bất ngờ thấy bố vẫn lắc đầu:
                      - Vẫn không đều ! Nhưng thôi con mời bác và cô đi kẻo trà nguội mất.
                      Chờ tới khi tôi và Thanh mỗi người đã nhấp một ngụm trà, Hùng mới thủng thẳng:
                      - Các con rót trà như vậy, bố dám chắc là khi uống, cô Thanh sẽ nhăn mặt mà kêu thầm: "Đặc quá, sít cả cổ, chẳng ngon lành gì". Còn bác An nhất định sẽ nghĩ bụng: "Loãng toẹt". Như thế có thể được coi là đều không ? Người biết rót trà là phải rót sao cho ai cũng cảm thấy tương đối vừa miệng. Muốn vậy phải rót ngay cho cô Thanh sau khi pha khoảng hai phút. Tiếp đó rót cho các con, cho bố, chén cuối cùng sẽ rót cho bác An.
                      Thằng cả nhanh nhảu:
                      - Làm như vậy con sợ bác An tự ái vì chén của bác bị rót sau cùng. Vẫn còn nhiều người coi trọng thứ tự đó bố ạ.
                      Hùng cười độ lượng:
                      - Đúng vậy ! Cho nên có thể đầu tiên cứ rót cho bác An, nhưng một chút thôi. Cuối cùng chốt lại ở chén ấy.
                      Thằng út gật gù tán thưởng:
                      - Công bằng không có nghĩa là cào bằng, phải không bố ?
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.05.2009 18:35:31 bởi thichanlac >
                      #11
                        thichanlac 04.07.2009 10:39:16 (permalink)
                        ĐỪNG XEM HOA BẰNG KÍNH

                        Thảo là bạn tôi từ ngày còn cắp sách tới trường. Tốt nghiệp y khoa loại ưu, Thảo nhận việc tại một phòng Hoá nghiệm của một bệnh viện lớn. Thảo rất thích hoa. Tôi nhớ thuở học trò, nhiều lần Thảo đã nhịn ăn sáng để giành tiền mua hoa. Đặc biệt Thảo chỉ thích hồng nhung. Cô sẵn lòng đổi cả một bó hoa lớn để lấy một bông hồng.
                        Đã lâu, chúng tôi không gặp nhau. Nhân  dịp nghỉ lễ, tôi dự định đến thăm Thảo với một bó hồng nhung tuyệt đẹp.
                        Hiền - em gái Thảo - ra đón tôi. Nhìn bó hoa trên tay tôi, mặt em biến sắc. Hiền giữ tôi lại rồi nói:
                        - Anh bỏ bó hoa đi rồi hãy vào, chị Thảo giờ rất ác cảm với hoa anh ạ.
                        Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi, Hiền nói:
                        - Anh em mình ra một quán nước nào đó, rồi em sẽ giải thích.
                        Tôi ngoan ngoãn làm theo lời Hiền, và được biết tất cả.
                        Một sáng, trời mưa, rảnh việc. Nhìn bông hồng nhung mơn mở trong lọ, Thảo nghĩ: Sao không khám phá khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của cánh hồng. Cô ngắt một cánh hồng mịn như nhung đặt dưới ống kính hiển vi của phòng hoá nghiệm. Vừa đưa mắt vào thị kính, Thảo bàng hoàng kinh ngạc. Dưới ống kính hiển vi, cánh hồng thật ghê tởm. Lổn nhổn trên nền đỏ sãm là những vệt nước bùn nhầy nhụa. Và trong những vũng bùn nhơ nhớp ấy, nhung nhúc những vi trùng đủ loại. Từ liên cầu khẩn, tụ cầu trùng, phẩy khuẩn tả.. Thậm chí cả trùng Ebola, loài vi trùng mà theo cô biết thường chỉ có mặt ở những nơi bẩn thỉu nhất. Nghĩ đến bao lần đã từng kề môi, áp má vào những cánh hồng, Thảo rùng mình. Cô đeo găng tay rồi cầm cả bó hoa ném vào sọt rác.
                        Tôi thẫn thờ như vừa mất một cái gì đó. Hiện buồn bã:
                        - Sau lần ấy, chị Thảo chẳng những có ác cảm nặng với mọi loài hoa, mà đau xót hơn, chị ấy mất hết niềm tin vào những giá trị tốt đẹp ở đời. Chị luôn nhìn mọi thứ trên đời bằng đôi mắt hoài nghi, cay độc.
                        Tôi trở về, lòng nặng trĩu một nỗi ưu tư: "Đừng bao giờ nhìn đời qua kính hiển vi !"

                        #12
                          gato 07.07.2009 12:11:27 (permalink)
                          Hạnh phúc là gì?

                          Người ta nhắc đến hạnh phúc mọi ngày, trông đợi nó từng giây từng phúc nhưng có mấy người sở hữu được hạnh phúc, có mấy người hiểu được làm sao để giữ hạnh phúc ở lại với mình lâu dài hơn, có mấy người dám cả quyết mình là con người hạnh phúc thực sự. Và cũng không ai có thể định nghĩa được hạnh phúc thực sự là gì. Người chưa từng đau khổ vì yêu thì tin chắc rằng hạnh phúc là yêu và được yêu và nếu có thể chỉ cần có được một người để yêu và đau khổ thì cũng là hạnh phúc. Kẻ đã khốn khổ vì tình thỉ chỉ mong sẽ được miễn dịch với tình yêu thì cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.
                          Mọi người thường chúc tụng nhau trăm năm hạnh phúc rồi cùng cười xoà bởi vì ai cũng hiểu điều đó là không tưởng. Bạn có thể có những khoảng khắc hạnh phúc trong đời thì đã là quá may mắn rồi bởi vì có những người cả đời chỉ chạy theo mà chẳng bao giờ có được. Hạnh phúc vốn vô giá, không có nghĩa là nó rất là cao giá mà là bạn có thể có hạnh phúc với giá cực rẻ mà cũng có thể vô cùng đắc giá. Giống như một người nội trợ giỏi đi mua sắm, bạn phải biết trả giá và phải biết khi nào thi mua được khi nào phải dức áo ra đi qua hàng khác. Nếu không được hướng dẫn trước chắc chắn bạn sẽ mua nhằm hàng kém chất lượng với giá rất cao rồi sẽ phải hậm hực mọi khi nhìn thấy món hàng hay sẽ phải xải hoài vì quẳng đi thì tiếc mà giữ lại thì khổ thân. Vì vậy người già hay từng trãi thường dễ có hạnh phúc hơn người trẻ vì họ chịu khó sửa chữa món hàng lỡ mua cho tốt hơn hay điều chỉnh chính mình để có thể sử dụng món hàng linh hoạt theo những nhược điểm của nó.

                          Kỷ niệm

                          Khi buồn người ta thường hồi tưởng lại quá khứ, lạ một điều dù quá khứ đó buồn hay vui ai cũng nghĩ về nó với một tấm lòng trìu mến. Mình cũng không ngoại lệ. Nghe một bản nhạc hay, đôi khi cũng chẳng hay ho gì, sến nữa, thế nhưng lắm lúc mình lại thấy nao nao và lại nhớ về những ngày đã qua. Những tháng ngày cực nhọc và thiếu thốn những không hiểu sao mình lại cảm thất đầp ấp tình ngưới và sự cảm thông. Những tháng ngày còng lưng trên chiếc xe đạp cũ từ nhà đến trường, ngày bốn buổi, giữa nắng trưa gay gắt. Những ngáy mà thánh phố chỉ toàn là xe đạp với mọi người,ai cũng như ai, quần áo cũ mèm. Mình nhớ những con đường Ngô Thời Nhiệm, Bà Huyện Thanh Quan, Thống Nhất, Duy Tân, thơm lừng hương hoa vào buổi tối và những cánh hoa dầu bay bay khi trời lộng gió. Không bụi đưởng, không kẹt xe và những con đường trãi thãm vàng ngập hoa điệp mùa hè. Mình nhớ thầy với những củ khoai dành cho hoc trò trước buổi học thêm chuẩn bị cho ngày thi gần đến. Mình nhớ những chuyến lao động xa nhà chỉ có gạo, rau cải xanh, mở nước và cá khô mà bác cấp dưỡng vẫn nấu cho tụi học trò đang sức ăn mà chẳng có gì ăn những bữa cơm đầy đủ. Mình nhớ tụi con trai bao giờ cũng lo lắng tốt bụng với đám bạn gái nhỏ nhoi trong lớp. Mình nhớ nhiều lắm và bỗng dưng lại thấy chạnh lòng. Tại sao người ta lại tốt vào nhau vào những lúc khổ sở thiếu thốn mà không thể tốt với nhau khi đủ đầy. Bạn bè thỉnh thoảng gặp lại thấy lòng hụt hẫng, buồn. Không biết bạn có buồn như mình không?

                          Buồn
                          Mười sáu tuổi bắt đầu với những nổi buồn vụn vặt, vu vơ, vô cớ và chóng quên. Nổi buồn vừa vặn với lứa tuổi tập tành rời vòng tay bao bọc của người lớn. Hai mười sáu tuổi, một người đã lớn trong mắt xã hội và gia đình, Buồn bây giờ đã có lý do và chính đáng. Nếu cân đo được thì nổi buồn bây giờ đã có trọng lương. Ở tuổi này người ta thích thêm vào một chút gì đó để cường điệu thêm niềm vui hay nổi buồn. Lớn thêm một chút nhìn lại người ta thường thấy hối tiếc vì mình đã bỏ qua một quãng thời gian tuổi trẻ quý báu của đời người cho những tình cảm thương vay khóc mướn đó. Đôi người cũng chẳng còn cơ hội để mà hối tiếc bởi vì họ đã dại dột kết thúc cuộc đời của chính mình. Nhiều năm nửa lại trôi qua, người ta bắt đầu quen dần với nổi buồn và thất vọng. Cái buồn bây giờ bắt đầu rõ ràng, cụ thể và nặng nề hơn. Người ta bắt đầu học cách lấy bớt đi, gọt xén bớt để làm cho cái buồn nhẹ đi, đơn giãn hơn để có thể sống với nó. Cùng với tuổi đời chồng chất cái buồn thực sự càng nhiều thì người ta lại không buồn nửa mà bắt đầu cười và sống chung an bình với nó. Nếu có thể đong đo được thì kích cở của cái buồn không thay đổi trong suốt chiều dài một đời người. Thường bao giờ cũng vừa vặn cho sức chịu đựng của con người.
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.07.2009 09:49:21 bởi gato >
                          #13
                            Ái Khanh Hà 01.08.2009 22:17:11 (permalink)

                            Anh hẹn rồi sẽ trở về. Tôi đã đợi mấy năm rồi, mà ngày anh trở về vẫn tít mù tắp. Trong khi đó cả hai đều đã quá nửa đời rồi. Tôi là môn đồ của Mac. Tôi tâm niệm rằng: TY là cái tinh thần. Nó rất cần được nuôi dưỡng, chăm sóc bởi những hành động vật chất. Nhưng cách nhau cả nửa vòng trái đất, mấy năm rồi không chăm sóc, cái gì chẳng hao mòn, thui chột.
                            Tôi phải làm sao đây ?
                            Nhận lời người mới theo tiếng gọi của trái tim, hay giữ lời với người cũ cho trọn bề son sắt ?
                            Chuyện cổ Việt nam có người phụ nữ chờ chồng đến hoá đá. Nhưng chuyện đó xa quá rồi, và người tôi đang chờ đợi cũng chưa phải là chồng. Liệu tôi có được hoá đá để lưu truyền muôn thuở không ?


                            Đoạn này chắc nói thay được rất nhiều người trong thời đại hiện giờ.
                            Có mấy người dám can đảm nhìn thẳng vào sự thật?...Người có sáng suốt mấy thì trong tình yêu, họ vẫn lòng vòng trong cái khổ rối nùi chẳng tìm ra được mối nhợ.

                            #14
                              thichanlac 31.08.2009 08:49:20 (permalink)
                              Rất cám ơn gato và Ái Khanh Hà đã ghé thăm và chia sẻ !
                              Chúc các bạn nhiều niềm vui !
                              Thân ái !
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 17 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9