Tôi viết cho em cũng là viết cho tôi.
Thanh Vân 09.07.2008 18:25:17 (permalink)
Tôi viết cho em cũng là viết cho tôi.
 
 



Em thân mến !
Kể ra cũng đã lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau. Bởi lẽ mỗi người đều có hoạch định riêng cho bước tiến của mình, nhưng đều cùng chung một chí hướng. Tôi cứ tưởng em luôn hồn nhiên với tiếng cười trong trẻo khi được ở bên, được Thầy thương bạn mến. Mọi việc không đơn giản như tôi nghĩ. Khi hay tin em xin Thầy đến một môi trường mới để được bồi dưỡng thêm về phần kiến thức, tôi nghe lòng xót xa quá! Nhưng làm sao tôi được gặp em để nói với em những gì muốn nói. Đoạn đường em sắp đặt chân đến, hơn một lần tôi đã đi qua. Hy vọng qua trang thư này em vô tình đọc, rồi nhìn lại. Cổ nhân có dạy chúng ta “phản quan tự kỷ bổn phận sự” phải không em.

Em thương !
Khát vọng của em là nỗi lòng của tôi. Làm sao em có thể tin chắc rằng: nơi em sắp đến sẽ đem lại bình an và hạnh phúc cho em hơn là nơi em đang sống, khi niềm tin đó không có cơ sở ? Trong chúng ta ai cũng nuôi một ước vọng và ngày đêm gia công, ấp ủ cho nó lớn lên, rồi tự vẽ ra một khung cảnh huy hoàng. Chính khung cảnh đó làm mờ đi tình huynh nghĩa đệ. Tôi không khác gì em. Có một buổi chiều khi mặt trời sắp lặn, tôi đi thẩn thờ như kẻ mộng du, mặc cho tiếng chim kêu ríu rít trên cành, Thầy đến gần một bên mà tôi vẫn không hay. Thầy hỏi : “Con đang ở đâu vậy?”Câu hỏi của Thầy kéo tôi về thực tại. Tôi thưa thiệt với Thầy “con muốn đi học”. Có lẽ Thầy vô cùng thất vọng với câu nói của tôi. Thầy biết dù có ngăn cản hay dạy bảo thế nào cũng không làm tôi thỏa mãn, nên Thầy chỉ nói : “Đứng núi này trông sang núi nọ nguy hiểm lắm con ạ”. Từ đó tôi xa Thầy.
 Thú thật những năm xa Thầy, tôi như rắn không đầu, như thuyền không lái, phía trước có vô số những thác ghềnh, những cám dỗ của ngũ dục v..v.. Phải cố gắng lắm tôi mới giữ được chiếc áo của người tu “chiếc áo không làm nên người tu”.
 Xin em đừng cười, tâm hồn tôi lúc đó bị cuốn đi bởi những lớp bụi đường. Muốn có tiền đóng học phí cho nhà trường, tôi phải quên đi phẩm chất của người xuất gia để giao lưu với cư sĩ. Cuộc sống bắt đầu xô bồ, mối quan hệ bạn bè càng ngày càng phức tạp. Kinh văn giáo nghĩa thì tràng giang, không biết đâu là đầu mối. Tôi vẫn biết “học bất hành như họa bĩnh sơn khê”. Tôi thấy mình dường như bị bội thực, có vào mà không có ra, học mà không ứng dụng thực hành cũng bằng không. Tôi bắt đầu thay đổi tư duy. Ước mong có được một môi trường lành mạnh, trong đó có tình thầy trò và huynh đệ quây quần bên nhau đầm ấm, để giúp tôi phục hồi lại giá trị đích thực của người xuất gia. May mắn cho tôi, một luồng gió trong lành thổi đến. Đầu năm 2005 Tăng thân Làng Mai về tổ chức khóa tu tôi như bắt được vàng.

Em thân mến !
Cảm giác đầu tiên của tôi khi sống với tăng thân tu viện Bát Nhã đến bây giờ tôi còn nhớ mãi. Đó là cảm giác của một em bé đang được khoác lên mình chiếc áo mới, tung tăng trong những ngày Tết đến. Lần đầu tiên trong đời sống xuất gia tôi nếm được hương vị của thương yêu, của hạnh phúc đích thực. Em biết không, trước khi đến Bát Nhã tôi đâu biết làm vườn, nhưng khi thấy có một mảnh đất trống, tôi nẩy ra ý định trồng rau. Đất là tâm có khả năng cải tạo và ươm hạt nẩy mầm mà. Thế là các chị em chung vai chung sức, sàng những viên đá ra, tạo nên những luống đất mịn màng màu mở. Từ đó rau lên xanh tốt. Còn nữa, mưa Đamb’ri tầm tả ngày đêm, gió và sương muối làm cho da mặt mọi người sạm đen lại. Chị em luôn thích chơi với sương và đùa với gió. Thuở ban đầu mới dọn về, phần ẩm thực cũng vui không kém, ngày ba bữa với rau luộc nước tương, bún luộc nước tương, nuôi luộc nước tương. Dù đạm bạc, có phần hơi thiếu thốn, nhưng trên môi ai cũng chuẫn bị sẵn nụ cười để dành tặng cho nhau. Còn về phòng ốc cũng đơn giản không kém, vui nhất là chiến dịch chọn giường tầng, ai nhẹ nhẹ thì ở giường trên, ai nặng nặng thì ở giường dưới. Tôi là người không nhẹ nhưng thích ở trên hơn. Sáng sáng thức dậy, thấy mây lững lờ trên đồi càphê trổ bông trắng xóa như biển bao la, đó là thiên đường của tôi. Lại được thưởng thức thêm một ly trà nóng từ người giường dưới trao cho, trái tim tôi mở ra từ đó, lòng biết ơn tràn ngập. Quên sao được nơi có những người luôn sống trong tình thương yêu đùm bọc.

Từ kinh nghiệm đó có thể nói khi còn ở bên Thầy Tổ và huynh đệ tôi không biết trân quý tình cảm này. Chỉ sau những năm tháng phiêu lưu tôi mới nhận ra giá trị đích thực của nó. Vài người bạn có đến thăm nhưng họ không tin là tôi hạnh phúc ở một nơi xa xôi thành thị như vậy. Bởi họ đang mê đắm trong chốn phồn hoa đô hội, đang say với bằng cấp học vị thì làm sao có cơ hội tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, của núi rừng được, tâm hồn họ luôn canh cánh về nỗi lo trường lớp. Họ vẫn có khóc than, phiền muộn, nhưng không có can đảm để buông bỏ những hư ảo đó. Họ sợ nếu không đi học, sẽ không biết làm gì cho hết thời gian. Có một số người giết thời gian bằng cách bôn ba như vậy.

Sở dĩ tôi kể về Bát Nhã cho em nghe, vì ở đó tôi được mở mắt, tôi được nuôi dưỡng, tôi được lớn lên bằng cơm thiền và sữa pháp. Được sống trong môi trường lành mạnh như thế, tôi như trở về nguồn cội của mình. Hơn hai trăm người với những năng khiếu khác nhau, trình độ khác nhau, nhưng tất cả xem nhau như một. Như từng cây, từng cây sống kề cạnh nhau để tạo thành khu rừng xanh tốt ngút ngàn, đồng thời làm nơi trú ẩn an toàn cho những đàn chim gặp lúc phong ba hay mưa lạnh đêm về.

Em thân mến! Có bao giờ em tự hỏi: người đời họ tìm tới với mình để làm gì khi bằng cấp họ có dư? Mình không thể lấy địa vị ra để trao đổi với họ được phải không em! Em ơi, vẻ đẹp của người tu là có sự vững chãi, là có niềm vui sống chứ không hẳn thuộc về phần kiến thức đâu em ạ. Khi nào có bình an về thể chất và tâm hồn đó là hạnh phúc lớn nhất rồi. Cũng như ngày nào mình còn thương chiếc áo người tu là ngày đó mình còn hạnh phúc. Em không nên nói môi trường em đang sống không có gì cho em học, mà em nên hỏi lại mình học được gì từ môi trường đó. Mỗi người là một bài học quí cho mình.
Chúc em sống vui và làm ăn khá hơn trong năm mới. ( Sưu tầm )
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9