Du Lịch miệt vườn Bến Tre
cdq 06.01.2005 12:30:00 (permalink)


Là tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, diện tích 2.247 km2, dân số 1.393.900 người, sinh sống trên thị xã Bến Tre và các huyện: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm, Bình Ðại, Ba Tri, Thạch Phú. Bến Tre tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh. Bến Tre có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. 4 con sông lớn: Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên chia tỉnh thành 3 cù lao lớn là cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh.

Bến Tre xứ dừa, sông nước, miệt vườn rất thuận lợi cho du lịch sông nước, sinh thái. Bến Tre có mộ Nguyễn Ðình Chiểu, có phong trào Ðồng Khởi; Cồn Phụng còn có kiến trúc Ðạo Dừa.


Thảm dệt từ xơ dừa.


Cây dừa rất gắn bó với người dân Nam Bộ và chẳng có gì bị bỏ phí: Trái dừa cho nước uống, cơm dừa ăn ngon và dùng làm dầu, làm kẹo, thức ăn gia súc. Gáo dừa múc nước và làm than hoạt tính, xơ dừa làm thảm, thân dừa già làm cột, ván rất chắc, lá dừa để đun nấu và dựng vách.

Bến Tre có nhiều loại dừa: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa xiêm, dừa cỏ, dừa sáp, dừa bị... Ðây cũng là "cái nôi" của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa độc đáo. Từ khay ly, chén đĩa, bình trà, đũa, muỗng, nĩa và các dụng cụ gia đình, đồ dùng văn phòng làm từ gỗ dừa; những con búp bê xinh xắn bằng trái dừa, sọ dừa tới những con thú ngộ nghĩnh bằng trái dừa điếc. Cọng lá và bông dừa cũng biến thành lẵng, giỏ, chụp đèn... rất hấp dẫn du khách và được xuất khẩu qua nhiều nước. Nghề này hiện đã mở rộng sang một số tỉnh lân cận nhưng sản phẩm Bến Tre vẫn chiếm ưu thế cả về mẫu mã và chất lượng. Với hơn 500 km sông rạch chằng chịt, đất Bến Tre phù sa trù phú với những địa danh nổi tiếng Cái Mơn - Chợ Lách, Bình Ðại - Giồng Trôm... nơi cung cấp bonsai, hoa kiểng và nhiều trái cây đặc sản như sầu riêng cơm vàng hạt lép, chôm chôm nhãn, cam sành, xoài cát Hòa Lộc... và là vựa giống cây cho cả khu vực. Ghé Cồn Phụng bạn sẽ được nghe chuyện ông Ðạo Dừa, thăm các cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ từ dừa, tò mò thích thú xem các kèo ong đầy mật và tìm hiểu việc nuôi ong, nấu rượu nếp của dân địa phương. Hay vừa thưởng thức điệu đờn ca tài tử ngọt ngào vừa nếm hương vị trái cây theo mùa, nhấm nháp ly rượu hay tách trà pha mật ong và trái tắc thơm lạ. Rồi tìm hiểu về nghề làm bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa... những sản phẩm truyền thống của xứ dừa thơ mộng này.

Vườn chim Vàm Hồ




Từ thị xã Bến Tre đi 30 km đường thủy hay 40 km đường bộ là tới Vườn chim Vàm Hồ thuộc xã Mỹ Hòa - huyện Ba Tri. Vàm Hồ được biết tới từ hơn 100 năm trước với cái tên Cù Lao Cá. Vùng rừng phù sa nhiễm mặn này địa hình tương đối cao - trung bình là 1,2 m so với mặt biển nên chỉ bị ngập mặn khi triều cường. Xuôi dòng Ba Lai, đôi bờ ngút ngàn mầu xanh của dừa nước và thế giới thực vật phong phú. Từ các loại rau mầu, cây trái quen thuộc tới những loài cây hoang dại như lức, giá, sậy, ôrô, quao nước... Bạn như lạc vào khung cảnh êm đềm của rừng chà là và đước phủ dày mầu xanh ven dòng sông yên ả, mọi lo toan, bận rộn ngày thường tan biến hết. Vườn chim có gần 90 loài thuộc 35 họ và 12 bộ với hàng trăm nghìn con, nhiều nhất là cò trắng, cò ngang nhỏ, cò ruồi, quắm trắng, vạc, diệc xám. Trong các cây bụi, gần vực nước là thế giới của nào cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, nào chàng nghịch, bìm bịp, chích chòe, chèo bẻo... Chiều xuống, những đàn chim tấp nập, tíu tít về tổ làm nên cảnh tượng thực náo nhiệt. Mỗi khi giông gió chuyển trời, chim dáo dác bay lên che rợp cả một khoảng trời. Bên trong vườn chim, kênh rạch chằng chịt rất nhiều tôm cá, chủ yếu là cá đối, bống kèo, cua biển, tôm đất... và đó là nguồn thức ăn dồi dào cho chim thú ở đây.

Sau khi tận hưởng cảm giác hòa mình với thiên nhiên, hãy dừng chân ở nhà hàng Vườn chim để thưởng thức các món ăn dân dã từ tôm, cá, rùa... vừa bắt từ ao nuôi.Vườn chim Vàm Hồ là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng đáng kể để phát triển du lịch sinh thái. Trong quy hoạch phát triển du lịch Bến Tre 1996-2010, Vườn chim hơn 67,6 ha này là một trong những khu du lịch trung tâm. Vườn chim Vàm Hồ sẽ được mở rộng và trồng thêm cây rừng phù hợp để trong tương lai không xa, đây sẽ là khu du lịch sinh thái lý tưởng của đồng bằng sông Cửu Long. (Theo Báo Phụ nữ Việt Nam)
#1
    cdq 06.01.2005 12:34:12 (permalink)
    Vàm Hồ mùa chim về tổ


    Khi trời bắt đầu sa mưa và kéo dài cho đến tháng 10 Âm lịch là mùa quần cư, sinh sản của các loài chim lục địa tại sân chim Vàm Hồ. Mùa này, khi chiều đến, hơn 84 loài chim, cò các loại tựu về đây sống chen chúc trên những thảm rừng nguyên sinh chà là gai, đước, bần… ở sát cửa sông Ba Lai.

    Đất lành chim đậu


    Ngoài kia, sóng nước sông Ba Lai róc rách suốt đêm vỗ vọng vào bờ. Đêm tại sân chim Vàm Hồ thật yên bình, sâu lắng. Ngủ một đêm ngon lành giữa rừng ngập nước, tôi thức dậy rất sớm để có thể quan sát cuộc bàn giao sân chim giữa loài vạc với các loại chim cò. Nghĩ ra tạo hóa, thiên nhiên sắp xếp rất ngộ: loài vạc sau một đêm đi ăn đêm, lúc gần sáng, vạc bay về trên những thảm rừng đước; còn các loại chim cò, lấy rừng chà là gai làm mái ấm, xây dựng uyên ương, thì lại bay đi để bắt đầu cho một ngày đi kiếm ăn. Cứ vậy, hễ vạc về thì chim đi và ngược lại. Song, điều tôi chú ý là trong những lần bàn giao đó, vạc về “nhà” vạc, chim về “nhà” chim, ai ở “nhà” nấy chớ không lộn sân (rừng) bao giờ…

    Sân chim Vàm Hồ nằm về hướng Đông-Bắc tỉnh Bến Tre, nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, cách thị xã Bến Tre khoảng 30km và cách TP Hồ Chí Minh 120km đường bộ và chừng 100km đường thủy. Bởi vậy khi Vàm Hồ vào thời điểm chim cò về làm tổ nơi này đón rất đông những người yêu thích môi trường thiên nhiên.

    Anh Đặng Văn Cử, chuyên viên Phòng Quản lý môi trường Bến Tre nói cho tôi nghe thật cặn kẽ về các loài chim có mặt tại Bến Tre mà anh và các chuyên viên khác đã dày công theo dõi: “Hiện nay, tại Bến Tre, có sự hiện diện của hai loại chim đó là loại chim nước và chim lục địa (Land bird). Trong mỗi loại có hàng chục loài, họ, bộ… Loại chim nước–là các loài chim di trú–xuất phát từ Nga, Trung Quốc, Australia… bay tới biển Đông, ghé tạt vào các bãi bồi ven biển Bến Tre như xã Thừa Đức, Thới Thuận (Bình Đại) và xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận (Ba Tri). Tổng số loài ghi nhận được là 33 loài. Tổng số lượng có thể đếm được là khoảng 14.400 con. Quần đàn chim nước nói trên xuất hiện, tìm thức ăn rồi tiếp tục di trú đến những nơi khác rất xa chớ không như quần đàn chim lục địa đang hiện diện tại sân chim Vàm Hồ. Sỡ dĩ 84 loài chim ở Vàm Hồ được phân loại là chim lục địa vì chúng sinh sản tại chỗ (trong đất liền) và sau mùa sinh sản, lúc thời gian đi kiếm ăn, có đi đâu rất xa thì đến mùa mưa chúng vẫn tìm về chốn cũ xây tổ đẻ con”.

    So với những vườn chim khác ở ĐBSCL như vườn chim Hiệp Thành (thị xã Bạc Liêu), vườn cò ở chùa Khmer Nô Đôn (Giồng Lớn)–Trà Cú (Trà Vinh), Đầm Dơi (Cà Mau)…, sân chim Vàm Hồ rộng chỉ khoảng 44ha (không kể vùng phụ cận) nhưng về số lượng và chủng loại chim cò ở đây rất phong phú, dày đặc. Theo thống kê, sân chim Vàm Hồ hiện có 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ, ước tổng cộng trên 500 ngàn con. Ngoài vạc–là loài đi ăn đêm, cò ở đây gồm các loại: cò trắng mỏ đen, cò quắm, cò ruồi, cò ngang, cò mỏ vàng, cò quắm trắng, diệc xám, diệc mốc… và đặc biệt, qua phát hiện gần đây, tại Vàm Hồ còn có cả cò bợ (Ja Va)–loài cò đang bị đe dọa tuyệt chủng. Cộng sinh vùng cò, vạc còn có nhiều loài chim lục địa, sống dưới tán rừng ngập nước như: cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt… Trên tầng cao hơn thì có còng cọc, trau trảu, chìa vôi… và các loại cu.

    Những người bạn của chim

    Ông Nguyễn Văn Chót, Bí thư xã Tân Mỹ, người có công gìn giữ, bảo vệ đàn chim khi chúng bắt đầu đến Vàm Hồ từ năm 1986, hoan hỉ đánh giá: “Qua nhiều năm liên tục theo dõi, năm 2002 này là năm chim về sân chim Vàm Hồ rất đông. Ước chừng trên 50.000 con, công thêm với 500-600 ngàn con các loại đã “đăng ký hộ khẩu” tại Vàm Hồ. Đó là điềm lành. Bởi đất lành thì chim mới đậu…”.

    Không thể không kể đến sự lao động lặng lẽ, miệt mài của các chuyên viên môi trường thuộc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Bến Tre. Để phân loại được 84 loài chim lục địa đang hiện diện tại sân chim Vàm Hồ họ gần như “hóa thân” thành bạn của chim. Trong nắng, trong mưa, qua nhiều năm, nhiều tháng, nhiều mùa, họ phải theo dõi từng loài mới có được những con số khá chính xác và đầy đủ như đã nói. Hiện ra từ công việc thầm lặng, kiên nhẫn và rất đỗi yêu thiên nhiên ấy là hình ảnh những chuyên viên môi trường sống với chiếc ống dòm, lặn lội dưới những tán rừng chà là gai, đước… theo dõi, ghi nhận vào sổ ghi chép từng loài, họ, bộ của quần đàn chim cò tại Vàm Hồ. Rồi họ còn phải tra cứu sách vở để có tên khoa học chính xác của từng loài chim. Ông Nguyễn Văn Vưng, Trưởng phòng bảo vệ môi trường nói với tôi: “Trên cơ sở khảo sát môi trường thiên nhiên tại Vàm Hồ một cách nghiêm túc đó, đến năm 1997, tỉnh Bến Tre đã xây dựng dự án bảo tồn khu sinh thái Vàm Hồ. Theo đó, sân chim Vàm Hồ sẽ mở rộng thêm gần 29ha so với 44ha từ khu bảo tồn hiện có. Khu mở rộng đó thuộc xã Tân Xuân. Đây cũng thuộc vùng ngập mặn gần cửa sông Ba Lai, môi trường thích hợp để trồng rừng đước, chà là gai, mắm, phi lao…, là điều kiện tốt để các loài chim, cò quần cư, sinh sống…”.

    Vốn quý không chỉ của riêng Bến Tre

    Tiến sĩ Cao Tấn Khổng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: “Khu bảo tồn sinh thái Vàm Hồ là vốn quý của Bến Tre không chỉ ở lãnh vực du lịch mà nó còn thể hiện môi trường sống hài hòa giữa thiên nhiên và con người trên đất cù lao. Từ năm 1998 đến nay, việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên thiên nhiên ở khu bảo tồn đã thực sự đi vào nền nếp. Tình trạng quấy nhiễu đời sống định cư của các loài động vật hoang dã như: chặt phá cây rừng, săn bắt chim thú đã giảm hẳn. Việc trồng cây gây rừng, nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, nạo vét kênh mương để tạo nguồn thức ăn dồi dào hầu dẫn dụ quần thể cò vạc về định cư ở khu bảo tồn cũng được các ngành có liên quan và địa phương triển khai thực hiện. Hướng tới, ngành chức năng sẽ nghiên cứu trồng bổ sung các chủng loại cây sống ở môi trường nước ngọt–ví như tre–tre cũng là loại cây loài cò thích sống. Hình thành nên những dải đất ngập nước nông quanh khu bảo tồn để khắc phục tình trạng lưu vực nước không bị ảnh hưởng của chế độ thủy triều lên xuống nhưng vẫn tạo được những lối dạo chơi và chỗ săn mồi cho quần đàn cò vạc…

    Đêm thứ hai tôi ở Vàm Hồ, lúc giữa khuya, trời đổ mưa lớn rồi chuyển sang nhẹ hạt, rả rích suốt đêm. Nằm ngủ với rừng, với mưa rừng và với đàn chim, tôi nhớ mãi hình ảnh mà trước đây khi đến sân chim tôi đã bắt gặp: sau mùa sinh sản của loài cò là cảnh những cò mẹ dìu dẫn cò con ra đồng trống tập cho chúng biết bay. Hình ảnh đó gợi cho người ta thật nhiều xúc cảm và động lòng trắc ẩn biết bao.

    Thật vậy, loài chim có lẽ là loài nhạy cảm nhất với môi trường sống chung quanh. Tại sân chim Vàm Hồ, qua quan sát, tôi thấy chúng chia ra nhiều nơi sinh sống một cách luân phiên; cứ nơi này sắp bị ô nhiễm (do phân và thức ăn của chúng) thì chúng bay sang nơi khác cư trú, nhất là sau một mùa mưa vì chính nước mưa đã rửa sạch môi trường mà chúng đã bỏ đi năm trước đó. Bởi vậy, việc giữ gìn vốn quý rừng hiện hữu tại Vàm Hồ cũng chính là bảo vệ tài sản quý giá của tất cả chúng ta. (Theo SGGP)

    Sân chim Vàm Hồ

    Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 120 km đường bộ, 100 km đường thủy, sân chim Vàm Hồ, Bến Tre là sân chim gần Thành phố Hồ Chí Minh nhất. Quần thể chim ở đây có 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ.

    Khách đến tham quan mỗi năm trên 2.000 lượt người, đông nhất là vào thời gian chim về cư trú sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Ở đây, du khách được đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, đến tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng mắc đung đưa giữa hàng dương, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai.

    Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng. Ở tầng cao có dừa nước (trước đây rất nhiều, nên nơi này còn gọi là cù lao Lá), chà là, đước, mắm, là nơi lý tưởng cho chim ở. Ở tầng thấp có cây ô rô, cóc kèn, lau sậy... là thảm thực vật cho cò, vạc làm tổ sinh sản. So với các sân chim ở đồng bằng sông Cửu Long, sân chim Vàm Hồ còn rất trẻ. Chim mới về Vàm Hồ từ tháng 5/1986. Đây chính là đàn chim trước ở cù lao Đất, xã An Hiệp, Ba Tri di cư tới đây do bị săn bắt.

    Hàng ngày, cứ tầm 4, 5 giờ chiều, nhìn về hướng Tây, từ phía chân trời xa xa, những chấm nhỏ li ti di động ngày càng rõ dần. Hiện ra là đàn cò hàng ngàn con đang nhịp cánh bay qua sông Ba Lai, lượn lờ dưới ánh hoàng hôn rồi nhẹ nhàng đáp lên thảm rừng chà là xanh biếc. Chim về. Cả cánh rừng xao động bởi tiếng chim con đói mồi hòa lẫn với từng tiếng oang oác rất to của những chú cò bực bội.

    Trời sẩm tối, nhà cò đã về đủ, sân chim lại rộn lên tiếng kêu đêm của loài vạc đi ăn. Cò và vạc tuy ở cùng một cánh rừng nhưng lại thay nhau giữ "nhà". Cò về thì vạc đi ăn, vạc về, cò lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình... lặn lội bờ sông..." Các nhân viên phục vụ ở nhà hàng khu du lịch Vàm Hồ cho biết những đêm trăng sáng đôi cánh vạc xòe rộng in trên nền trời lung linh ánh trăng trông vừa như gợi hình vừa trầm mặc như những vần thơ cổ.

    Ở Vàm Hồ, ngoài vũ điệu ngoạn mục của hàng ngàn cánh cò, cánh vạc, ngôn ngữ cũng có âm điệu đặc trưng của các loài chim hoang dã khác kết hợp cùng cành lá xào xạc như tiếng con chim cuốc gọi đàn giữa đêm hè tĩnh mịch, tiếng bìm bịp kêu như một điệp khúc gọi con nước lớn, tiếng chim vịt kêu chiều chiều và nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm cây gần vực nước như cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt.

    Giờ đây cư dân quanh vùng đã có ý thức được việc bảo vệ chim, không săn bắt nên đàn chim phát triển rất nhanh. Những khi trời sấm sét, gió mạnh, chim bay lên trời che kín cả một vùng trời rộng lớn, ước tính có trên 500.000 con, nhiều nhất là họ cò: cò trắng, mỏ đen, mỏ vàng; cò ngang, cò ruồi, vạc, quắm trắng , diệc xám..., đặc biệt năm vừa qua còn có loại diệc mốc.

    Vào mùa sinh sản, trên các ngọn đước, tổ chim treo oằn, các cành cây. Sân chim rộng 42 ha, đang có nguy cơ không còn chỗ cho chim ở. Anh Châu Quang Hiền, giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Bến Tre cho biết, theo dự án "Đầu tư xây dựng khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ", sân chim sẽ được mở rộng trồng thêm 228.749 m2 rừng ở khu vực 2 thuộc xã Tân Xuân, Ba Tri, cách khu vực chim đang ở không xa. Đây cũng là vùng đất ngập mặn giáp sông Ba Lai./. (Theo TTXVN)

    Khu du lịch sinh thái Vàm Hồ


    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/4283/3A523D77A536443EA58F0A6BC33AC566.jpg[/image]

    Vườn chim Vàm Hồ nằm sát sông Ba Lai, thuộc địa phận xã Mỹ Hòa và Tân Xuân huyện Ba Tri. Trước giải phóng, nơi đây là căn cứ cách mạng. Sau năm 1975, Vàm Hồ thuộc quản lý của Nông trường Quốc Thắng. Năm 1996, UBND tỉnh Bến Tre quyết định biến nơi đây thành khu bảo tồn chim và giao cho Công ty Du lịch Bến Tre khai thác du lịch. Hiện nay, Vàm Hồ còn rất hoang sơ. Nơi đây là một rừng chà là xen kẽ những cây đước cao thẳng. Lối vào vườn chim rất hẹp, mới đắp đất. Anh Nguyễn Văn Việt, nhân viên quản lý vườn chim cho biết toàn bộ khu vực rộng 42ha, trong đó có 15ha là rừng chà là nguyên sinh. 7ha đước do dân trồng chia thành 5 khu vực. Ngoài ra còn có hệ thống mương, rạch dẫn nước từ sông Ba Lai vào và hệ thống đê phòng hộ đề phòng hỏa hoạn. Bên cạnh chà là, đước còn có các loại cây khác như: ô rô, sậy, tranh, rau muống biển...

    Hiện tại, nơi đây có hơn 700.000 cò, vạc và các loại khác như còng cọc, le le, bìm bịp... Ðịa hình vàm gần sông, thức ăn dồi dào nên số lượng chim, cò ngày một gia tăng. Chim, cò làm tổ trên ngọn cây chà là. Cây đước là chỗ đậu sau khi chim kiếm ăn về. Từ tháng 2 đến tháng 10 Âm lịch, chim cò quy tụ về rất đông. Những tháng còn lại, chúng rải ra khắp đồng để kiếm ăn và ngủ ở đó.

    Anh Việt đưa chúng tôi vào vườn cò. Con đường đất mới phát hoang. Hai bên đường là những cây chà là rậm rạp cao hơn 3m. Không thể nhìn sâu bên trong được. Bên dưới, nước ngập đến ống chân. Không ai dám vào sâu bởi nơi đây ngoài chim, cá còn có trăn, rắn, ong và nhiều loài thú dữ khác.

    Ở giữa rừng, một đài quan sát cao hơn 6m. Ðứng trên tháp, màu xanh bạt ngàn của vườn chim trải dọc theo bờ sông Ba Lai. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, không gian nơi đây trở nên huyên náo. Những đàn vạc, còng cọc kêu inh ỏi trong các bụi cây chà là. Một số khác bay lượn trên ngọn cây. Ðây là lúc vạc đi ăn đêm. Cùng lúc này, từng đàn cò bay về chao lượn trên không làm trắng cả khu rừng.

    Rời khỏi đài quan sát, chúng tôi đến khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi dành cho khách du lịch. Ðường vào khu này đã được trải đất đỏ. Hai bên là những hàng dương thẳng tắp được trồng hơn 3 năm nay. Ngoài một nhà hàng khá sang trọng được làm bằng tre, gỗ, ở đây còn có 3 nhà nghỉ bằng gỗ cất theo kiểu nhà dân tộc thiểu số. Toàn bộ cơ sở vật chất nơi đây do Công ty Du lịch Bến Tre trợ vốn.

    Việc đưa vườn chim Vàm Hồ vào khai thác du lịch là việc làm rất có ý nghĩa, nó góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương nói chung và du lịch Bến Tre nói riêng. Tuy nhiên, các ngành hữu quan cần quan tâm đến việc bảo tồn khu vườn chim. Ngăn chặn việc săn bắt bừa bãi, chọc phá tổ chim. Cần giới hạn vùng tham quan để không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của vườn chim. (Theo SGGP)

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2005 12:35:08 bởi cdq >
    Attached Image(s)
    #2
      cdq 06.01.2005 12:45:02 (permalink)
      Chợ Lách miền hoa trái


      Mận


      Nhãn


      Giữa vùng sông nước Bến Tre có một nơi mà khi nghe tên gọi người ta liên tưởng tới một cái chợ nằm giữa một vùng lau lách. Và quả thực đó cũng là một trong những giả thuyết giải thích về cái tên của vùng đất này. Trải qua mấy trăm năm phát triển cái chợ ấy đã trở thành trung tâm của một huyện và huyện ấy được mang cái tên gắn liền với lịch sử: Chợ Lách.

      Nằm giữa hai dòng sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông, dường như thiên nhiên đã tạo nên tất cả những gì thuận lợi nhất để Chợ Lách trở thành một vùng chuyên canh cây ăn trái và cây giống. Những nhà vườn với đủ loại trái cây đặc trưng của Nam Bộ: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bòng bong, nhãn... đã làm nên danh tiếng cho vùng đất này. Sống trong thời đại của giao lưu buôn bán, người dân nơi đây đã thực sự trở thành những người nông dân của thời đại mới luôn chịu khó học hỏi, đầu tư để có những giống cây tốt nhất, trái cây ngon nhất cung cấp cho thị trường. Hội thi trái cây được tổ chức từ 3 năm nay, mỗi năm một lần để khẳng định sự phát triển về chất lượng cũng như hình thức của trái cây nơi đây. Sự ra đời và phát triển của hội chợ trái cây Chợ Lách cũng nhằm để tôn vinh các nhà vườn giỏi, giới thiệu dịch vụ lao động kỹ thuật, quảng bá các thương hiệu trái cây của huyện. Trong ngày hội trái cây, những người nông dân phấn khởi giới thiệu những sản phẩm mà họ đã chăm chút tách, ghép để có những giống cây chuẩn, những trái cây ngon như: xoài vàng tứ quý có hương vị ngọt, bùi, đậm hơn các loại xoài khác, bưởi da xanh múi đều, chắc cơm, cho người thưởng thức cảm giác giòn, thơm lâu tan trong miệng... Điều đặc biệt thể hiện nét riêng của hội chợ trái cây Chợ Lách đó là người nông dân đến hội chợ không chỉ để giới thiệu những trái cây ngon mà để tiếp thị bán những cây giống của loại trái cây đó. Và những người đến xem, thấy tốt thì đặt mua liền hàng chục, hàng trăm cây về trồng. Sống bằng vườn trái cây nên người nông dân luôn đầu tư, cải tạo vườn nhà sao cho cây có được nhiều trái, đạt chất lượng cao. Từ lâu Chợ Lách được gọi là "Vương quốc cây giống", đây là nơi có quy mô sản xuất cây giống lớn thuộc loại số một trên địa bàn cả nước, toàn huyện có hơn 5000 cơ sở sản xuất cây giống lớn nhỏ. Ở hội chợ năm 2003 mọi người bắt đầu chú ý đến một loại sản phẩm được nhiều hộ nông dân mang đi thi: đó là cây cảnh hình con thú. Bên cạnh làm cây giống, cây cảnh, cây cổ thụ lâu năm, thì làm con thú bằng cây cảnh cũng là một thế mạnh của vùng Cái Mơn.

      Ông Nguyễn Văn Công là một người rất đam mê với nghề làm cây cảnh. Đã mấy chục năm nay ông không bỏ phí ngày nào để chăm sóc cho những cây cảnh cổ thụ, quý hiếm của mình. Để tiện cho việc giao dịch, buôn bán, ông đã mua đất chuyển nhà ra ở sát trục lộ chính từ năm 2000 đến nay. Bắt đầu với nghề làm cây cảnh hình thú từ vài năm nay ông thấy đây là một mặt hàng mới lạ được nhiều người ưa thích. Những con hươu, con nai, con rồng khổng lồ và những con thú theo bộ 12 con giáp bằng cây si, cây xanh hiện lên dưới bàn tay tài hoa của ông. Được nuôi dưỡng, chăm chút, tạo hình dáng, sau vài tháng chúng lần lượt lên thành phố và ra nước ngoài. Không bằng cấp, không được đào tạo bài bản nhưng những người nông dân có bàn tay tài hoa và tấm lòng yêu cây cỏ vẫn tạo nên cho cây cảnh một vẻ đẹp mới trường tồn. Những cây cảnh hình thú ngày càng đa dạng hơn, chúng đã tạo nên hướng đi mới cho những người làm vườn nơi đây. Cùng với cây giống, cây hoa cảnh cũng là một loại sản phẩm được nhân giống với con số hàng vạn ở nhiều hộ gia đình. Vườn ươm cây cảnh giống Hoàng Duy của chị út Thu đã có uy tín với khách hàng từ nhiều năm nay. Tuy trong vườn chỉ có khoảng 5, 6 loại như: kim phát tài, cau vàng, cau sâm banh, hồng vũ, hồng điều... nhưng mỗi loại cây lại có số lượng lên tới hàng ngàn, hàng vạn gốc. Diện tích vườn ươm không nhỏ khoảng 0,8 ha nhưng không còn hở chỗ nào bởi những bịch cây cảnh giống các loại. Để phát triển những loại cây phù hợp với từng vùng khí hậu là điều không phải dễ, nhất là những giống cây mới nhập về trong nước hay cây xuất đi nước ngoài. Kinh nghiệm lâu năm cùng với việc áp dụng tiến bộ của khoa học, chẳng bao xa nữa những cây cảnh Chợ Lách - Cái Mơn sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn thoả mãn tiêu chuẩn xuất đi nước ngoài. Mỗi loại trái cây có một hương vị đặc trưng riêng, trái cây đã trở thành tài sản lớn của người dân Nam Bộ. Vào dịp tháng 5 tháng 6 là mùa trái cây chín rộ và đó cũng là dịp để người nông dân mang những trái cây đẹp nhất, ngon nhất đến tham dự hội chợ. Niềm vui được mùa, được đánh giá cao ở hội chợ như một lời khuyến khích làm tăng thêm bầu nhiệt huyết, năng lực sáng tạo của người nông dân.

      Tìm đến những thị trường ổn định, sức tiêu thụ tốt luôn là điều khiến người dân phải trăn trở suy nghĩ, phấn khởi khi có những vụ mùa bội thu nhưng làm cách nào để tiêu thụ nhanh và hết số hoa quả đó thì quả là khó. Hiện nay nhiều loại hoa quả đã được chuyển sang dạng sấy khô trước khi mang ra tiêu thụ trên thị trường và xuất khẩu. Sử dụng phương pháp sấy khô nhãn bằng lò sấy, anh Sáu Hiệp đã đầu tư một lò sấy công suất lớn 30 tấn/ ngày, nhãn mua về từ khắp mọi nơi, nhưng mỗi ngày chỉ được nhập vào lò 15 tấn và ra khỏi lò 15 tấn. Để có được những trái nhãn sấy phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, từ sấy cả cành lẫn quả mất một ngày rồi bốc xuống lựa quả riêng tiếp đó đưa lên sấy một ngày nữa, cuối cùng bỏ ra đóng vào bao... phương pháp này đang được nhiều hộ nông dân lựa chọn. Hiện toàn huyện Chợ Lách có khoảng 100 lò sấy nhãn lớn nhỏ và cả chục điểm thu mua trái cây tươi xuất khẩu. Mở rộng thị trường cũng đồng nghĩa với việc phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Với sản lượng lớn như hiện nay trái cây Chợ Lách phải tìm ra nhiều cách để có thể tiêu thụ được, thị trường chính hiện nay là Trung Quốc. Nhưng để xuất khẩu được hoa quả tươi chủ hàng ở Chợ Lách phải thông qua nhiều trung gian ở biên giới, điều đó khiến người bán mất chủ động trong khâu nhập hàng, có lúc cần liên tục, dồn dập nhưng có lúc giá tụt thấp khiến chủ hàng lo lắng, không tiêu thụ được. Đã có nhiều giải pháp mà chính quyền huyện đưa ra để tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây. Mới đây Hiệp hội trái cây Cái Mơn đã hình thành và có những bước đi ban đầu trong thu mua, chế biến, xuất khẩu. Trong điều kiện ngành chế biến và xuất khẩu trái cây Việt Nam chập chững bước ra thế giới, đây là một chuyện không phải dễ, nhất là khi các nước khác đã có bề dày kinh nghiệm thương trường. Việc ra đời Hiệp hội trái cây huyện Chợ Lách là đáng mừng nhưng cũng là một thách thức. Huyện Chợ Lách hiện đang có kế hoạch triển khai dự án đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để giúp Hội phát triển, đồng thời xây dựng được một thương hiệu Trái cây Chợ Lách - Cái Mơn. Những giống cây mới, những thử nghiệm mới đang thực sự mang lại đổi thay cho đời sống người dân.

      Trong xu thế mới người dân Chợ Lách luôn sẵn sàng đón nhận những thử thách, lựa chọn ra hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế trên quê hương mình. Lợi thế của vùng đất, sức phấn đấu vươn lên làm giàu của người dân bằng nghề truyền thống sẽ thực sự giúp cho Chợ Lách bước vào một giai đoạn phát triển mới. Cái Mơn địa danh không chỉ nổi tiếng về nghề làm vườn mà còn được biết đến với ngôi nhà thờ được dựng nên từ thế kỷ thứ 16, 17. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, trang trí, nhà thờ Cái Mơn đã thực sự trở thành một thắng cảnh đẹp, nơi lưu giữ nhiều câu chuyện của lịch sử. Cũng chính tại nơi này nhà bác học nổi tiếng của Việt Nam Trương Vĩnh Ký hay còn gọi là Petrus Ký đã sinh ra và lớn lên. Những đoàn khách về quê hương ông như để tìm hiểu thêm về một con người đã gắn bó cả cuộc đời với sự phát triển của văn hoá Việt Nam. Chợ Lách đang chuyển mình theo những bước đi mới, không ồn ào, không vội vã. Người dân đang đầu tư vào những giống cây mới có giá trị kinh tế cao hơn. Chính quyền huyện cũng đang xúc tiến xây dựng nên thương hiệu riêng cho cây giống và trái cây nơi đây. Xác định một chiến lược phát triển lâu dài và bền vững đó là cách để Chợ Lách luôn xứng đáng là vương quốc cây giống của Việt Nam (theo saigonnet)
      #3
        cdq 06.01.2005 12:51:18 (permalink)
        Vườn hoa Cái Mơn

        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/4283/3AA2447BB69F4762BA9A26748B958B9F.jpg[/image]
        Attached Image(s)
        #4
          cdq 06.01.2005 12:52:15 (permalink)
          Vườn cau

          [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/4283/645800AF81E64C9FA8EFBCEC1928EDD3.gif[/image]
          Attached Image(s)
          #5
            cdq 06.01.2005 12:53:33 (permalink)
            Một góc chợ quê

            [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/4283/9CB8A3DA104B49C4957BFB652AACCCA8.jpg[/image]
            Attached Image(s)
            #6
              cdq 06.01.2005 12:54:16 (permalink)
              Nữ sinh

              [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/4283/979483AD42BF422CBFD3CD2BD08FDFAB.jpg[/image]
              Attached Image(s)
              #7
                cdq 06.01.2005 12:59:13 (permalink)
                Nhà thờ Cái Mơn

                [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/4283/31877E6771E14A8FA1E50B1409C4467A.jpg[/image]
                Attached Image(s)
                #8
                  Viet duong nhan 06.01.2005 13:04:10 (permalink)
                  Ôi, đi về Bến Tre uống nước dừa, ăn kẹo dừa, xách nước cốt về nấu cà-ry... Ăn chim, hái mận... woa woa...[sm=drunk.gif][sm=drunk.gif][sm=drunk.gif][sm=z_stretcher.gif][sm=z_gathering.gif][sm=z_stretcher.gif][sm=cooll.gif][sm=cooll.gif][sm=cooll.gif]
                  Tuyệt vời CDQ ơi ! Cô 7 cảm ơn con nhiều nhen.
                  Hồi nhỏ Cô có đi thăm ''Tình Anh Lính Chiến'' ở Ba Tri.
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.01.2005 13:07:42 bởi Viet duong nhan >
                  #9
                    cdq 06.01.2005 13:11:31 (permalink)
                    Xin mời cô Bảy VDN và các huynh tỷ về thăm Bến Tre. CDQ sẽ tình nguyện làm hướng dẫn miễn phí, hơn nữa sẽ được mời ăn trái cây cũng miễn phí (ăn đến khi nào no thì thôi )
                    #10
                      tommyboy 06.01.2005 14:37:40 (permalink)


                      Trích đoạn: cdq

                      Xin mời cô Bảy VDN và các huynh tỷ về thăm Bến Tre. CDQ sẽ tình nguyện làm hướng dẫn miễn phí, hơn nữa sẽ được mời ăn trái cây cũng miễn phí (ăn đến khi nào no thì thôi )


                      Nói vậy là CDQ ở Bến Tre huh? Tommy cũng rất yêu mến Bến Tre vì hồi nhỏ Tommy đã từng ở đó. Bến Tre ngoài dừa ra còn trồng rất nhiều mía. Hồi đó Tommy thỉnh thoảng cũng đi ăn cắp mía ở nhà kế bên (mới có 6 tuổi hà )

                      Tommy còn nhớ đầu hẻm nhà Tommy ở là bến xe Giồng Trôm, và gần chợ Bến Tre có 2 rạp hát là Đồng Khởi và Thắng Lợi không biết bây giờ đã đổi tên chưa.

                      Khoảng cuối tháng Giêng này Tommy định ghé Bến Tre thăm lại quê củ sáng đi chiều về. Nhưng nếu CDQ có rãnh dẫn đường thì Tommy sẻ ở lại chơi 2 ngày. Có gì cho Tommy biết nhé. Cám ơn CDQ trước

                      Bến Tre có món bánh tráng sữa rất ngon, và chuối sáp luộc cũng hấp dẫn không kém.
                      #11
                        cdq 07.01.2005 06:03:07 (permalink)
                        Chào Tommy,
                        Rất vui được đưa bạn đi chơi ở BT, vì CDQ tuy ở BT nhưng cũng chưa biết nhiều về BT, sẳn đó CDQ đi cho biết luôn. Khi nào đi bạn liên lạc với mình nhé. Thân.
                        #12
                          Chuyển nhanh đến:

                          Thống kê hiện tại

                          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                          Kiểu:
                          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9