Khát Nước
Thần Báo 18.07.2008 11:08:59 (permalink)
Khát Nước

Thần Báo Phạm Văn Bản
 

Kỳ hè vừa qua, cùng gia đình về Việt Nam thăm lại cảnh cũ người xưa sau 25 năm xa cách với bao niềm thương nỗi nhớ… vì tình cảm với quê cha đất tổ mà Thần Báo đã một thời thanh xuân buộc mình chiến đấu bảo vệ tự do cho quê hương đồng bào. Hôm nay, lại cũng chính nơi chiếc bàn ăn gia phả cổ kính này sau tháng năm ly hương vượt biên tỵ nạn, để rồi tái ngộ và có dịp chứng kiến tiếng cười đoàn tụ với thân bằng quyến thuộc, với món ăn thức uống đậm đà khẩu vị hương xưa.

 

Món ăn thức uống đậm đà khẩu vị
Nguồn: kyspeaks.com

Nhưng trên bàn tiệc này Thần Báo cảm thấy khó chịu khó nuốt vì rằng các món ăn thức uống của quê hương ta, dường như nhiễm độc trầm trọng! Thịt cá rau quả, hay lương thực ngũ cốc, bị nhiễm bởi nước hạ nguồn với hóa chất organochlorines, DDT, toxic chemicals… thải ra từ phân bón hay thuốc trừ sâu nơi vùng kỹ nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp ở thượng nguồn Trung Quốc, Tây Tạng, Thái Lan, Laos và Cambodia đổ xuống và gây cho nước Việt Nam bị mất tinh khiết. Tệ hại hơn thế nữa, nước đã không có hệ thống thanh lọc thanh tẩy, khiến cho độc tố tràn ngập, thấm sâu vào lòng đất, cùng hòa với mạch nước ngầm của Việt Nam.

Bởi thế nước thải hạ nguồn của Việt Nam đã và đang gây ra nhiều bệnh tật, tai ương và làm cho đất đai hoa màu… cho tới thức ăn thức uống của Việt Nam mất ngon, mất bổ, mất hương vị như xưa. Dòng nước thải với độc tố đã và đang biến thể cư dân, diệt trừ môi sinh, thay đổi thời tiết và bão tố bất thường và làm cho quê hương Việt Nam hôm nay có nhiệt độ nóng bức cao hơn.

Vấn nạn là liệu rằng chính quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) có thừa nhận, có giải pháp, hay có chính sách giữ nước cho dòng sông hạ nguồn của Việt Nam? Và CSVN áp dụng nguyên tắc sa thải nước công nghệ, nước nông nghiệp, nước gia cư trên các dòng thượng nguồn sông Cửu Long, sông Đồng Nai, sông Hồng với hệ thống thanh lọc thanh tẩy, giúp nước không hóa chất và độc tố trước khi xả xuống hạ nguồn. Đồng thời, các nước thượng nguồn biết gìn giữ sức chảy dòng sông, không xả qúa lượng vào mùa mưa, hay không đóng thượng dòng vào mùa nắng nhằm tích lũy nước. CSVN không thể chỉ nhớ đất mà quên nước!


Chứng cớ là thủy đập Pak Mun ở đông bắc Thailand, loại đập thủy điện thủy lợi lớn, xây trên thượng nguồn sông Cửu Long do Công Ty Điện Lực Electricity Generating Authority và Ngân Hàng Thế Giới World Bank tài trợ. Trên thượng nguồn Sông Cửu Long này còn có cả một hệ thống khổng lồ thủy đập, thủy điện, thủy lợi của Trung Quốc và Miến Ðiện chảy sông Cửu Long của Việt Nam càng ngày càng ô uế với chất độc sa thải chảy về sông Tiền sông Hậu trước khi đổ ra và tiêu diệt thủy sản biển Đông.

Sông Hồng cũng lâm cảnh mất nước. Bởi rằng Trung Quốc có mộng xâm lăng Việt Nam, tới nay có ưu thế quân sự hóa, là hệ thống thủy đập Three Gorges Dam, trên thượng nguồn sông Hồng để cầm quyền phát nước, trị nước Việt Nam hạ nguồn. Theo tài liệu Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (The U.N. Food and Agriculture Organization) của Liên Hiệp Quốc năm 1996, thì thế giới có hơn 38,000 thủy đập, riêng Trung Quốc chiếm hơn nửa số thủy đập ấy.

Thành thực mà nói, Thần Báo tìm ra tai hại và nguyên nhân mất nước Việt Nam, vào những năm 1982 khi làm việc trong chương trình The Save Children và phụ tá cho ông Cao Ủy Trưởng Daniel Manley của Liên Hiệp Quốc, họp bàn với Ủy Ban Cửu Long gọi là The Mekong Summit, tại Bangkok, Thailand.



Sông Cửu Long, từ thượng đến hạ nguồn ra biển Đông
Nguồn: chinaview.files.wordpress.com


Qua tài liệu tham khảo Thần Báo chắc chắn rằng, chính quyền CSVN đã có một thời bất hợp tác với 4 nước hạ nguồn Việt Nam Cộng Hòa, Thailand, Laos, và Cambodia trong việc thành lập ra Ủy Ban Cửu Long vào ngày 17 tháng 9 năm 1957, với sự hiện diện của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và Ủy Ban Kinh Tế Á Châu Viễn Ðông ECAFE (the United Nations Economic Commission for Asia and the Far East).

Ngày ấy, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức Trung Quốc) cũng không cộng tác với 4 nước hạ nguồn, không tuân theo nguyên tắc, công pháp quốc tế (China so far has not shown much interest in cooperating with its downstream neighbors and abiding by these international principles). Đang khi Trung Quốc và Burma (Miến Ðiện) là nước thượng nguồn (upstream), và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (CSVN) đã lấy cớ không có chương trình phát triển Sông Cửu Long (had no development plans), từ chối tham gia hội nghị về nguồn nước.

Bởi thế mà chính quyền CSVN đã và đang gây ra một thảm trạng mất nước hôm nay… thiếu nước sạch, nước uống (fresh water, drinking water) và khiến cho Toàn Dân Việt Nam bị dùng nước ô uế (contaminated water) trong việc sinh nhai quen thuộc và lâu đời… thì xin hỏi nhà cầm quyền CSVN có phải là họ há miệng mắc quai… chưa? Vì hành động của chính quyền CSVN đã một thời yểm trợ cho Trung Quốc Thổ Nhĩ Kỳ và Burundi, trong cuộc bỏ phiếu chống lại hiệp ước bảo vệ nguồn nước quốc tế (International Rivers) của Liên Hiệp Quốc gọi là The Convention On Transboundary Waters. Mặt khác, chính quyền CSVNđã bất cộng tác với Ủy Ban Cửu Long của 4 nước nói trên.

Cũng trong chiến tranh Việt Nam ngày trước, Liên Hiệp Quốc đã phải giảng hòa bằng cách cho thành lập ra một Ủy Ban Cửu Long, quản trị dòng sông, với đồng thuận của 4 nước hội viên; mà nhất thời phải quên hai điểm nóng Trung Quốc và CSVN.

Ủy ban có trách nhiệm đôn đốc việc hợp tác và điều hành quản trị, phát triển tài nguyên nguồn nước cùng những nguồn lợi liên quan đến môi trường an sinh vững ổn vì lợi ích cộng đồng nhân loại, khai triển và thực hiện các chương trình hoạt động chiến lược, cung cấp thông tin khoa học, cố vấn chính sách, trao đổi những sự kiện liên quan đến Sông Cửu Long.

Theo cơ cấu tổ chức của Ủy Ban Cửu Long thì gồm 4 nước hội viên, mỗi nước có một thành viên thuộc cấp bộ trưởng. Ủy ban đề ra chính sách, quyết định, hướng dẫn liên quan việc thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác, phối hợp các hoạt động và hoàn thành một chương trình Sông Cửu Long vì lợi ích chung.

Các ủy viên phục vụ theo nhu cầu của quốc gia mình trong ủy ban liên hợp, nhằm tăng cường hợp tác và tạo ra mối tương quan song phương giữa cấp ủy ban và cấp quốc gia. Mỗi ủy ban quốc gia lại có một ban thư ký, và ban này có khả năng hỗ trợ cho Ủy Ban Cửu Long Quốc Gia qua việc xác định, phối hợp các chương trình, trợ giúp cơ quan ban ngành trong nước mình về mọi hoạt động liên quan đến sông Cửu Long, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức nhằm phục vụ và đáp ứng sự kiện quốc tế, như đã ghi trong biên bản hội nghị.

Ngày 31 tháng 10 năm 1957 Ủy Ban Cửu Long nhận một ngân khoản đầu tiên là 60 triệu FF (khoảng 120.000 US Dollars) do cộng đồng thế giới quyên góp mà Pháp Quốc đại diện trao tặng.

Tới phiên họp kỳ II, ngày 10 đến 12 tháng 2 năm 1958 tại Bangkok, Ủy Ban Cửu Long lại nhận đỡ đầu của chương trình Wheeler và kế hoạch ngũ niên do Trung Tướng Raymond Wheeler, nguyên chỉ huy lực lượng đồng minh trong Thế Chiến II vốn có kinh nghiệm về vùng sông Cửu Long, và là người điều hành Ðoàn Công Binh Hoa Kỳ (The US Army Corps of Engineers). Tới năm 1959, Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm Tiến sĩ Hart Schaaf, một Cao Ủy Trưởng làm giám đốc điều hành Ủy Ban Cửu Long, thành lập hội đồng cố vấn do Ủy Ban Kinh Tế Á Châu Viễn Ðông ECAFE đề cử.

Năm 1961, Ủy Ban Cửu Long tăng trưởng nhanh chóng trong việc hỗ tương cộng tác của các quốc gia thành viên và quốc tế, đạt được 14 triệu USD, và ngân khoản này vượt qua chỉ tiêu dự trù. Tới cuối năm 1965, Ủy Ban Cửu Long được sự cộng tác của 20 quốc gia, 11 cơ quan quốc tế, và nhiều tổ chức khác… đóng góp với ngân khoản hơn 100 triệu USD. Riêng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc lúc đó đã gây quỹ yểm trợ 2.5 triệu USD.

Từ đó Ủy Ban Cửu Long thành lập ra Câu Lạc Bộ Cửu Long (The Mekong Club), tạo nên sức sống mới trong cộng đồng nhân loại, mệnh danh Tinh Thần Cửu Long (The Mekong Spirit). Ủy Ban Cửu Long có nhiệm vụ đặt ra kế hoạch phát triển giòng sông, chiết tính các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường an sinh tùy thuộc vào nước lũ lụt trong đó có nghề chăn nuôi, đánh bắt cá. Và theo nguyên tắc phân phối nước trong chương trình xử dụng nước của các quốc gia, từ thượng nguồn xuống tới hạ nguồn, xây dựng đập thủy điện thủy lợi phải cân nhắc kỹ lưỡng tới nhu cầu sinh thái của con người, động vật, thực vật để bảo đảm khối lượng và chất lượng nước, cá tôm bằng cách ổn định lâu dài.

Sông Cửu Long là dòng nước quốc tế, có chiều rộng xếp hạng sông rộng thứ bảy; chiều dài 4200 cây số, sông dài thứ mười trên thế giới. Cửu Long phát nguồn từ Tây Tạng, Trung Quốc và chảy qua Laos, Thailand, Cambodia đổ về đồng bằng miền Nam Việt Nam qua hai nhánh sông Tiền sông Hậu trước khi ra biển. Đây là sông với nhiều loại thủy sản ngư sản hơn bất cứ sông nào khác trên thế giới. Theo nhà sinh học Walter Rainboth viết trong tài liệu phân loại cá có tựa đề “Species Identification Field Guide For Fisheries Purpose: Fishes Of The Cambodian Mekong,” FAO, Rome 1996.

Nếu như trong thời đại trước năm 1975, sông Cửu Long đã có hơn 2000 loại ngư sản, chia thành 3 nhóm theo nguồn gốc sinh thái: (1) Cá nước ngọt (fresh water), suốt đời chỉ sống trong nước ngọt và gặp nước mặn thì chết. Loại này gồm cá lưỡi xương (osteoglossidae), cá thác lác (notopteridate), cá linh (henichorhynchus)… (2) Cá nước mặn (salt water) là loại cá sống ngoài biển, nhưng khi tỵ nạn và hội nhập dòng sông thì cả đời lại thích sống trong nước ngọt, sinh sôi nảy nở như cá tra (pangaius kremfi), cá dồ (pangasianodon gigas). (3) Cá biển là loại cá có thể sống ngoài biển khơi hoặc chạy vào trong sông, và thích hợp với môi trường nước phù sa của sông Tiền, sông Hậu, ví dụ cá kìm (pristis microdon) thích lội ngược dòng với lộ trình 3000 cây số đến Cambodia, Laos, Thailand hay tận cuối nguồn.

Cuộc di tản của cá thường xuất hiện vào đầu hoặc cuối mùa mưa. Ðầu mùa, cá di cư đến vùng ngập lụt Biển Hồ (Tonle Sap), và cuối mùa thì bỏ chạy vì nơi đó sẽ trở thành khô cạn.

Khi nước lũ bắt đầu và chảy siết thì cá cũng bắt đầu cuộc di cư đi tìm thức ăn và sinh sản. Nước lũ quả thật là động cơ sinh thái của hệ động vật trên sông Cửu Long. Nước lũ không những là đặc điểm thiên nhiên mà còn là nhu cầu của con người trong việc phát triển kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, kỹ nghệ, chăn nuôi trồng trọt, sản xuất điện nước, hay phòng chống lũ lụt.

Tới hôm nay, Thần Báo thấy rằng những cá tôm sinh sản trên sông Cửu Long đã biến dạng biến thể, và có thể nói là bị tiêu diệt bởi nước ô nhiễm do khai thác khoáng mỏ, lâm sản, vùng chăn nuôi gia súc, kỹ nghệ, mở mang thành thị của chính quyền CSVN mà ra. Đang khi bổn phận và trách nhiệm của chính quyền này là đi tìm sự thỏa hiệp, hợp tác với các nước thượng nguồn nhằm phát triển kinh tế theo nhu cầu duy trì sự lành mạnh, phong phú của nguồn lợi thiên nhiên trong lưu vực, và cũng vì lợi ích sống còn, sống chung của các dân tộc cư ngụ trên sông Cửu Long.

Muốn giữ nước, chính quyền CSVN có bổn phận bảo vệ nước sinh sống vùng hạ nguồn, có một hiệp ước ký kết của các quốc gia thượng nguồn, nhằm đạt thỏa thuận về những điểm mang nội dung tóm gọn, như sau:


- Kế hoạch phát triển sông phải chiết tính các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường an sinh tùy thuộc vào nước lũ lụt trong đó có nghề chăn nuôi hay đánh bắt cá.



- Nguyên tắc phân phối nước theo chương trình sử dụng nước của các quốc gia trong vùng, thượng nguồn tới hạ nguồn, xây dựng đập thủy điện thủy lợi phải được cân nhắc kỹ lưỡng tới nhu cầu sinh thái của con người, động vật và thực vật… để bảo đảm khối lượng và chất lượng nước, cá tôm… bằng cách ổn định lâu dài.

- Các công trình thủy đập, thủy điện, và thủy lợi từ thượng nguồn xuống tới hạ nguồn phải được Ủy Ban quản trị chặt chẽ và duy trì môi trường an sinh. Trên những văn bản về việc xa thải nước công nghệ, nước nông nghiệp, nước gia cư xuống sông phải được hệ thống thanh lọc thanh tẩy để không còn hóa chất hay độc tố trước khi xả ra sông.

Đang khi Thần Báo nhìn vào quê hương thì hầu như địa phương nào trong vùng Đồng Bằng sông Cửu Long cũng có sông Tiền, sông Hậu chảy ngang, và phát triển kinh tế trên bến dưới đò! Nhưng giả sử, chỉ có tầm mức phát triển nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản… quy định và kiểm soát của chính quyền CSVN trong việc thanh lọc thanh tẩy nước thải, thì đã không đến nỗi ô nhiễm toàn bộ môi trường, hay mất nước.

Và Thần Báo chạy tác ráng dọc theo Bến Phà Vàm Cống qua khu công nghiệp Mỹ Quí, An Giang, và thấy có cả hàng chục cơ xưởng biến chế ngư sản, mọc lên như nấm và họ xả nước thải đổ thẳng xuống sông Hậu Giang. Ví dụ điển hình, Công Ty Xuất Nhập Thủy Sản An Giang AFA, có những kiến trúc đồ sộ với thiết kế hiện đại, nhưng lại không có hệ thống thanh lọc nước xả. Theo người thân cùng đi với Thần Báo kể lại, thì công ty này đã thuê mướn thợ lặn mà đặt cống xả ngầm xuống sông dẫn nước ô uế chảy ra xa bờ, nhằm tránh con mắt quan sát với tai tiếng của dân chúng trong vùng.

Phát triển kinh tế của chính quyền CSVN hiện nay, quả là một hành động phá dân hại nước… khiến cho bao trăm bao ngàn gia đình sinh sống dọc bờ Sông Hậu… không dám uống nước và tắm gội vì nguồn nước tanh tưởi pha lẫn mùi cóc chết! Và từ đó, cũng đang có bao trăm bao ngàn gia đình phải làm đơn khiếu kiện các nhà máy hay công ty hải sản 404 của Quân Khu 9 đã ào ạt xả nước độc hại… đòi chính quyền CSVN phải bồi thường thiệt hại do môi trường ô nhiễm, nhưng… chưa thấy ai dám đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc bất cẩn này.

Trước mắt Thần Báo là hình ảnh của hàng trăm công nhân đang hì hục khiêng vác những thùng cá tôm, rửa xả thoải mái xuống sông, mà chẳng sợ ai thanh tra. Công ty này đã làm trôi nổi bồng bềnh và lênh láng máu mỡ, đầu bụng cá tra…trong việc xuất khẩu của CSVN! Xa xa ngoài kia, là cả một vùng nước đen ngòm và hôi tanh bốc lên làm cho Thần Báo muốn ói!
Rồi từ môi trường sinh nhai trồng cấy trong vùng hạ nguồn chứa nước ô nhiễm đầy độc tố, thì sản lượng lương thực và thực phẩm của Việt Nam cũng bị ngộ độc, bị biến chứng theo dòng nước mặn nước phèn với các chất thải của vùng thượng nguồn đổ xuống.

Ví dụ, cây thuốc lào của vùng Cái Sắn ngày xưa, nổi tiếng ở Việt Nam với mùi vị đậm đà thơm ngon, như câu ca dao mô tả: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên!” Thế mà ngày nay, cây thuốc lào Cái Sắn hầu như tuyệt chủng, vì mắc chứng ung rột do thảm trạng nước tưới ô nhiễm mà chết! Đang khi thuốc lào nếu còn, có chăng chỉ tợ như rễ tre, hút vào khen khét như mùi cóc chết.

Thần Báo cũng nghe người thân thuật lại rằng nông dân vốn có kinh nghiệm thời tiết, và để tránh mưa bão trong vụ hè thu họ dự định gieo mạ vào ngày 5 tháng 5. Nhưng chính quyền CSVN đã không cho gieo mạ sớm với lý do để chống rày, và ai trái lệnh nhà nước thì bị xe máy cày đến cày ủi sạch.

Viện dẫn lý do chống ba con rày nâu mà chính quyền hạ lệnh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long xạ lúa vào ngày 25 tháng 5. Tháng 8 khi lúa trổ bông xanh đẹp thì cũng là lúc các đài truyền hình truyền thanh, cơ quan ngôn luận báo chí đồng loạt tán tụng tài năng, công đức và sự nghiệp cao cả của “bác đảng” trong việc giúp dân chống rày… cứ oang oang trên hệ thống loa đặt trên nóc nhà người dân khắp nước.

Thực tế thì con rày Việt Nam cũng đã biến thành con tinh. Vì rằng cứ hết thuốc diệt này vừa ra trận, thì nó có phản ứng sinh hóa ra rày khác với khả năng mạnh mẽ hơn, tác hại nhiều hơn.
Sự vui qua sự sầu lại tới! Vì khi lúa chín vàng lại đã gặp nạn, liên tiếp hai cơn bão số 2 số 3, mưa gió kéo dài hơn ba tuần lễ gây cho cái cảnh mất mùa, trông thảm thương vô cùng! Toàn cánh đồng Cái Sắn bị ngâm trong lũ lụt. Thóc lúa thì mọc mộng. Máy suốt thì gặp sình lầy nên không hoạt động; và rồi người gặt hái thì khó kiếm. Mọi người mọi nơi… trách chính quyền như di! Vì CSVN đã thiếu khả năng tiên liệu, gây thiệt hại mùa màng cho người dân… nhưng cũng không thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm này!

Nông dân Cái Sắn đã chịu cảnh khổ vì nước, vì rày, mà còn gặp nạn ốc bưu vàng!... Hơn thập niên, từ ngày Công Ty Đài Loan mang giống ốc bưu vàng của Trung Quốc nhập vào cơ xưởng chăn nuôi vùng Kinh Làng miệt thứ U Minh, tỉnh Kiên Giang. Lúc đầu người Đài Loan giới thiệu đặc sản ốc bưu vàng béo bổ thơm ngon; rôi họ lại nuôi ốc gây giống, và họ thu mua với giá thành của ốc thật cao. Đồng thời, họ cũng buôn bán, và cũng mở tiệc khoản đãi những quan chức chính quyền CSVN, nông trường quốc doanh U Minh tới dự.

Và ngày đó, có số cán bộ chính quyền CSVN lại đã đánh cắp con ốc của Đài Loan, mà mang về nuôi trong nông trường mình nhằm bán ra lấy lợi… Nhưng than ôi! Cũng chính hành động “ấu trĩ chính trị” của CSVN mà gây tai hại! Chỉ trong thời gian ngắn, ốc bưu vàng là loại ăn tạp và sinh sôi nảy nở mau chóng, rồi trôi theo giòng nước di chuyển lây lan rộng khắp cả miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, tàn phá mùa màng. Có những năm sau đó, chính quyền CSVN phải lên tiếng kêu gọi nông dân tiêu diệt ốc bưu vàng… nhưng càng xịt thuốc tiêu diệt thì ốc lại càng tăng độc và biến chứng. Càng ngày ốc lại càng nhiễm nhiều độc tố, khiến cho chẳng còn bợm nhậu nào dám nuốt ốc bưu vàng Trung Quốc!




Ốc bưu vàng ở các tỉnh miền nam
Nguồn: ppd.gov.vn/canhbaoSB/TTPN/data/2005/thang07/obv26.7-1.8.htm

 
Ốc Trung Quốc đã trở thành đại nạn cho nông dân Việt Nam, vô phương tiêu diệt. Đang khi nó đã làm cho lai giống, khai trừ toàn bộ ốc bưu đen thiên nhiên của quê hương ta trước đây, và ốc bưu vàng sanh sản đầy dẫy với loại trứng màu đỏ, đỏ như màu cờ Cộng Sản, mà giăng khắp trên cành cây, hoa bèo… lúa mạ… sông rạch hay đồng ruộng cả nước. Ngoài ra, trứng ốc bưu vàng đã không có chim trời cá nước nào hó hé dám ăn… có lẽ không ngon, hay có độc hại!

Em tôi than thở và nói rằng, cứ mỗi mùa lúa là em phải ra ruộng xúc cả chục giạ ốc, mang về đổ đống quây rơm mà đốt ra tro… Thật là vất vả, nhưng càng diệt thì nó lại càng sanh. Nó sanh ra mau lẹ và cắn phá lúa non. Nó hành hạ nông dân khốn cùng. Nó xảy ra thì cũng tương tợ như giặc châu chấu trong lịch sử thời Nguyễn với Cao Bá Quát nổi loạn... Nông dân Việt Nam ngày nay đang đau khổ vì giặc ốc bưu vàng, anh à!

Nhìn lại quê hương Việt Nam, có thể vì sự di chuyển thuận lợi trong việc định canh định cư nơi vùng đồng bằng hạ nguồn của tổ tiên chúng ta ngày trước theo điều kiện thiên nhiên cho phép!, Nhưng các châu thổ vùng đồng bằng sông Hồng, Ðồng Nai, Cửu Long… ngày nay hạ nguồn lâm nạn!

Nói tóm lại Việt Nam là nước hạ nguồn, nhưng việc giữ nước lại cũng do khả năng con người tác tạo, hoạch định chính sách cứu nước. Giữ nước là việc toàn dân, có sức dân thì mới có sức nước, có hồn nước để mà giữ nước. Thời nay vay nước, lọc nước, dùng nước là nhu cầu cấp thiết và là Đại Cuộc Kết Hợp Toàn Dân.

Lynnwood ngày 14 tháng 9 năm 2007

 
http://www.phamvanban.com
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.07.2008 04:28:50 bởi Thần Báo >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9