Vị lạ mắm chua Vĩnh Hưng
CTT 20.07.2008 12:04:27 (permalink)
0
Vị lạ mắm chua Vĩnh Hưng
 
    Mắm chua Vĩnh Hưng chưa có trong danh sách những món mắm truyền thống. Nhưng đã có nhiều người khen ngon và không ít người ghiền

 

Trước tết vài ngày, một nhà văn tôi quen đi cùng hai người bạn, ông điện thoại rủ tôi ra nhà hàng Công tử Bạc Liêu ăn cơm. Văn tài của lão nhà văn thì ai cũng biết, riêng tôi còn biết thêm ông là một người sành ăn, sành uống rượu. Tôi đến cùng với một hũ mắm chua Vĩnh Hưng, đây là món mắm dùng để ăn sống. Và tôi kêu nhà hàng đem ra một dĩa thịt ba chỉ luộc với một ít rau thơm, khế, dưa leo, chuối chát, bún, bánh tráng… Tôi hướng dẫn cho mọi người cách ăn là lấy mắm, thịt, rau sống, bún… cuốn lại thành một cuốn. Lão nhà văn ăn hết cuốn gỏi mắm, uống một ly rượu mạnh rồi trầm ngâm rất lâu, bất ngờ ông thốt lên: “Ngon, ngon lắm. Tôi ăn mắm nhiều vùng, miền mà không thấy ở đâu có loại mắm ăn luôn xương vì dường như không còn xương và hương vị đặc biệt như thế này”. Cùng chuyến đi hôm đó với nhà văn có anh Hải, gốc Bắc, là chủ một nhà hàng ẩm thực ở Sài Gòn. Tôi hơi ngại khi mời anh ăn mắm vì nghĩ: là chủ nhà hàng chắc ăn uống khó tính. Thế nhưng thật ngạc nhiên anh chính là người ăn nhiều nhất. Ăn đến no và chỉ ăn món mắm. Ăn xong anh bảo: “Cuộc đời thật là sung sướng!”. Bữa tiệc hôm đó có khá nhiều món ăn. Nhưng thực khách hầu như chỉ chăm bẵm vào món mắm.
Tôi mò về ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi để tìm cơ sở mắm chua Hai Huệ do ông Mã Thành Hưng, 63 tuổi, làm chủ. Tôi hỏi: “Tết rồi chắc chú bán đắt?”. Ông nói: “Ừ đắt, không nhớ nổi mấy ngàn ký. Năm nay họ mua làm quà gởi cho Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau… nhiều lắm”. Nhắc mới nhớ, tôi cũng có gởi biếu cho mấy người quen ở Sài Gòn mỗi người một hũ và ai cũng nức nở khen ngon.
Ông Hưng kể cho tôi nghe về gốc tích món mắm của ông: khoảng năm 1960, ông theo bảo vệ cho một ông huyện uỷ ở vùng U Minh Hạ, tại đó có ông Năm Châu công tác ở ngành công an dạy ông làm món mắm chua. Sau giải phóng về ông làm để ăn và đãi bạn bè. Ăn xong ai cũng khen, nhiều người hỏi mua. Thế nên ông làm bán. Nguyên liệu là cá đồng: cá sặc, cá rô, cá lóc nhỏ… rồi muối, đường, thính rang, rượu, riềng, tỏi, ớt… Bí quyết là ở chỗ gia giảm các nguyên liệu. Loại mắm này làm xong thì ăn trong vòng 10 – 15 ngày, nếu có tủ lạnh thì để ăn lâu được. Giá bán 30 ngàn đồng/kg.
Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, lĩnh vực chế biến mắm là vô cùng đồ sộ, phong phú. Vùng miền nào cũng làm mắm. Mắm rừng, mắm biển, mắm đồng rồi mắm cá, mắm cua, mắm thịt, mắm dưa… Người Việt Nam thích ăn mắm. Ăn mắm từ hạng bình dân cho tới vua chúa. Mắm tôm chà ở Gò Công ngày xưa dùng để tiến vua. Vùng Bạc Liêu xưa nổi tiếng mắm đồng. Hy vọng mắm chua Vĩnh Hưng có thể được bổ sung vào danh sách các món mắm ngon.
bài Phan Trung Nghĩa ảnh L.H.T
Theo SGTT

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9