THI PHÁP HSN
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 24 bài trong đề mục
HanSiNguyen 21.07.2008 01:00:28 (permalink)
======================
THI PHÁP
HÀN SĨ NGUYÊN

======================

LÀM THƠ

Lúc túng mưu mô quỵt cả ... Trời
Trời cười truyền chỉ bác Thiên Lôi (1)
Mau mau tóm gã ngông cuồng đó
Bắt hắn làm thơ ... trả nợ đời

Tấp tểnh làm thơ, tập tễnh mơ
Từ năm mười sáu đến bây giờ
Một câu một chữ không nên trọn
Rõ ngọng làm thơ, rõ ngốc mơ

Rượu nốc tì tì dăm bảy hũ
Thơ nặn không ra lấy nửa vần
May mà Thi Thánh đem lòng giúp
Phong trần lãng tử hóa thi nhân

HSN (Tự trào-1999)
_________________
Ngày tháng đong đưa đời gió bụi
Mặc ai xa mã chốn gian trần

(1) Hai câu đầu nhái thơ Tú Xương : Lúc túng mưu mô bán cả Trời // Trời cười thằng bé nó hay chơi....


==========
THI PHÁP
Nội Dung
==========

Thi Pháp là một tập tư liệu biên khảo bao gồm chín nội dung như sau :

1-Thơ Lục Bát Chính Thể
2-Các Biến Thể của Thơ Lục Bát
3-Thất Ngôn Bát Cú Xưa và Nay
4-Xướng Họa và Liên Ngâm với TNBC
5-Thơ Mới 7 chữ
6-Thơ Mới 3,4,5,6 chữ
7-Thơ Mới 8 chữ
8-Thơ Lập Thể
9-Thơ Tự Do


***Đôi lời phi lộ

1-Mục đích của loạt bài này là nhằm giúp các bạn trẻ yêu thơ, nhưng chưa biết cách làm thơ, có cơ hội trang bị một số công cụ quan trọng cần thiết khi sáng tác.
Thử tưởng tượng một người thợ mộc nếu không có cưa, giũa, đục, bào, kìm, búa v.v... thì biết xoay sở làm sao với thanh gỗ, làm sao mà tạo ra được những tác phẩm bình thường, còn nói gì đến những tuyệt tác tinh xảo ?
Làm thơ cũng là một hoạt động sáng tạo, cũng đòi hỏi phải có những công cụ, những thủ thuật, những kỹ xảo, những yếu quyết riêng của nó vậy.

2-Đối tượng của loạt bài này là các bạn trẻ yêu thơ, muốn khởi đầu nghiệp thi ca tài tử của mình, mà hành trang chưa có chút vốn liếng nào, thậm chí cũng không biết khởi đầu từ đâu; Một đối tượng khác nữa là một số các bạn thơ đã biết , đã ít nhiều lăn lóc với thơ và còn muốn trang bị thêm những kiến thức về nó
Xin các bạn thơ đã có bản lãnh rồi miễn trách tôi nói dông nói dài nhé. Những bất đồng quan điểm nếu có, xin cũng mạn phép Miễn Tranh Luận. Vì thật ra, để đến La Mã có rất nhiều đường. Những khái niệm mà tôi nêu ra ở đây chỉ là một trong vô số các đường ấy mà thôi. Nếu những con đường này có khác biệt nhau, cũng không có gì là lạ cả.

3-Các thí dụ minh hoạ trích dẫn ở đây xuất xứ từ 2 nguồn :

-Một là : từ các thi hào danh tiếng như Nguyễn Du, v.v....Học tập, bắt chước các danh sĩ đã có tiếng tăm là chuyện đương nhiên, không có gì phải bàn cãi.
-Hai là : từ chính những bài viết của Hàn Sĩ Nguyên. Mục đích của việc này không phải để đề cao mình, mà là nhằm chứng minh cho các bạn trẻ thấy HSN (cũng tầm thường, bình thường như các bạn) bắt chước các danh sĩ được, thì các bạn trẻ cũng làm được; theo kiểu “Yan can cook, you can, too !” vậy. Việc học tập , bắt chước Nguyễn Du v.v... không hề nằm ngoài khả năng của các bạn đâu. Chẳng có gì phải tự ti mặc cảm cả, các bạn ạ.

4-Những bài viết này trước đây chính tôi đã đăng 2 chương một và hai trên website Trí Tuệ Việt Nam Online, và sau này là website Trinh Nữ. Sau đó, những nội dung ấy được nhiều bạn, quen hoặc chưa quen có nhã ý chuyển tải đi nhiều websites khác nữa... Và nội dung đôi khi bị thêm bớt, hoặc rơi vãi, không tránh khỏi TAM SAO THẤT BẢN. Gần đây, nhiều bạn thơ có gửi e-mail cho tôi đề nghị đăng lại các nội dung của tập sách 9 chương này, chứ chờ sách in thì lâu quá. Hàn Sĩ vốn... túi thủng, biết đến thuở nào mới có đủ kinh phí mà in (!) 

5-Như tên gọi của tập sách : THI PHÁP HSN, đây là một bộ tư liệu nói về những PHƯƠNG PHÁP làm thơ, way to make verse, chữ PHÁP này không phải là LUẬT PHÁP (law), mà là PHƯƠNG PHÁP... Vì theo thiển ý, làm thơ là một nghệ thuật của trí tuệ, ta chỉ cần học biết CÁCH làm thôi (như học nấu ăn, học cắm hoa, học gảy đàn vậy)... chứ chả cần học LUẬT LỆ quái quỷ chi hết cho nhọc lòng. Có ai cần học Luật nấu ăn, Luật cắm hoa, Luật gảy đàn  bao giờ đâu nhỉ? Nhưng Cách nấu thì cần thật đấy, cần lắm các bạn thân mến ạ.

Chúc các bạn tìm thấy đôi điều bổ ích nơi đây

HSN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.07.2008 01:03:31 bởi HanSiNguyen >
#1
    HanSiNguyen 21.07.2008 01:13:41 (permalink)
    ============
    THI PHÁP 
    Chương I
    Thơ Lục Bát

    ============

    Bài 1-Làm sao làm thơ Lục Bát ?
    Bài 2- Những lỗi thường gặp trong thơ Lục Bát
    Bài 3-Những thủ thuật Mỹ từ pháp trong thơ Lục bát

    oOo

    Bài 1-Làm sao làm thơ Lục Bát ?

    1-Thơ Lục Bát là gì ?

    Là một thể thơ thuần túy Việt Nam, gồm một câu 6 chữ, nối theo một câu 8 chữ, rồi lại một câu 6 chữ, một câu 8 chữ ... liên tiếp vô cùng vô tận

    2-Độ dài của một bài thơ Lục Bát :

    a- Lục bát ngắn :

    +Bài ngắn nhất gồm 2 câu : một câu lục (6 chữ), một câu bát (8 chữ) thường gặp trong ca dao, thí dụ như :

    Bầu ơi thương lấy bí cùng
    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

    +Các bài ngắn khác gồm 4, 6, 8, 10 câu, thí dụ như :

    Đêm qua ra đứng bờ ao
    Trông cá cá lặn , trông sao sao mờ
    Buồn trông con nhện giăng tơ
    Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
    Buồn trông chênh chếch sao mai
    Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ

    b-Lục bát trung bình :

    Thường có độ dài từ 12 đến 24 câu, tối đa là 36 câu mà thôi. Nếu dài quá bài thơ sẽ bị nhàm chán, mất hay.

    Chẳng thương ...

    Chẳng thương cũng gọi rằng chồng
    Chẳng tình cũng nghĩa, chẳng mong cũng chờ
    Ai làm cho rối duyên tơ
    Gió xuân hiu hắt, nhạt nhòa mưa xuân
    Hỏi người tham bã phù vân
    Nhớ chăng bể ái nguồn ân thuở nào
    Lưng dưa dĩa muối bên nhau
    Gừng cay khế ngọt biết bao nhiêu tình
    Ngỡ rằng phu quý phụ vinh
    Ngờ đâu rũ áo dứt tình theo ai
    Một mai phấn nhạt hương phai
    Bình rơi, trâm gãy, bèo trôi, hoa tàn
    Trách mình số kiếp gian nan
    Trách trời ghen ghét hồng nhan muộn rồi !
    Mộng mơ chi lắm người ơi
    Nồi nào vung nấy suốt đời thong dong

    Mộ Trung Nhân

    c-Trường thiên lục bát :

    Thường gặp trong các bộ truyện thơ , thí dụ như :
    -Thạch Sanh Lý Thông (1790 câu)
    -Truyện Kiều tức Đoạn Trường Tân Thanh (3254 câu)
    -Thừa Tướng Ứng Hầu Phạm Thư (3380 câu)
    Truyện thơ dài nhất tính đến nay được biết là bộ truyện thơ Cuộc đời Chúa Cứu Thế (hơn 9 ngàn câu) của nhà thơ Linh mục Xuân Văn

    3-Cách gieo vần trong thơ Lục Bát :

    Lục Bát chính thể là thể loại nối tiếp một câu 6, một câu 8 rồi lại đến một câu 6, một câu 8 khác , cứ thế nối tiếp nhau, trong đó cách gieo vần như sau :

    -Chữ thứ 6 câu 1 ăn vần với chữ thứ 6 câu 2
    -Chữ thứ 8 câu 2 ăn vần với chữ thứ 6 câu 3
    -Chữ thứ 6 câu 3 ăn vần với chữ thứ 6 câu 4
    -Chữ thứ 8 câu 4 ăn vần với chữ thứ 6 câu 5
    ..... cứ như thế nối tiếp nhau mãi

    Thí dụ 1: Ca dao

    Anh về rẫy vợ anh RA
    Công nợ em trả, mẹ GIÀ em NUÔI
    Anh đã rẫy vợ anh RỒI
    Công nợ anh trả, anh NUÔI mẹ già .

    Thí dụ 2 : Cây thông ( Nguyễn Công Trứ )

    Ngồi buồn mà trách ông XANH
    Khi vui muốn khóc, buồn TÊNH lại CƯỜI
    Kiếp sau xin chớ làm NGƯỜI
    Làm cây thông đứng giữa TRỜIREO
    Giữa trời vách đá cheo LEO
    Ai mà chịu rét thì TRÈO với thông .

    4-Luật Nhị Tứ Lục trong thơ Lục bát : (Luật B-T-B)

    Điều này không quy định thành luật bắt buộc chính thức, nhưng thường thì muốn cho một câu thơ hay, phải tuân thủ luật nhị tứ lục (chữ thứ 2,4,6 trong câu phải mang thanh Bằng, Trắc, Bằng theo thứ tự).

    +Riêng chữ thứ 2 được phép linh dộng tự do, muốn Bằng Trắc gì cũng được
    +Mấu chốt ở nơi chữ thứ 4 bắt buộc phải là thanh Trắc ( có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng ) và chữ thứ 6 bắt buộc phải là thanh Bằng ( không dấu, hoặc dấu huyền ) .

    Tóm tắt : Phải tuân theo luật \'Tứ Trắc Lục Bằng\'

    5-Luật Phù Trầm trong thơ Lục bát :

    Phù : nổi
    Trầm : chìm
    Bình thanh : thanh bằng
    Phù bình thanh : thanh bằng nổi, không dấu
    Trầm bình thanh : thanh bằng chìm, có dấu huyền
    Trong câu bát (câu 8 chữ) của bài Lục bát, đã hình thành một quy luật, một giao ước như sau :

    -Nếu chữ thứ 6 của câu bát là Trầm Bình Thanh (dấu huyền) thì chữ thứ 8 của câu ấy phải là Phù Bình Thanh (không dấu).

    Thí dụ :
    Người đi, người đã đi rồi
    Sao còn đứng đó ngậm NGÙICHI
    (HSN-Thừa Tướng Ứng Hầu Phạm Thư)

    -Ngược lại, nếu chữ thứ 6 là Phù Bình Thanh (không dấu) thì chữ thứ 8 phải là Trầm Bình Thanh (dấu huyền).

    Thí dụ :

    Hỡi ơi người đó ta đây
    Trăm năm trăm tuổi bèo MÂY hững HỜ
    (HSN-Mộ Sầu)

    Tóm lại :

    Chỉ cần bấy nhiêu vốn liếng thôi, các bạn cũng đã đủ để viết được thơ lục bát rồi vậy.
    Tuy nhiên, muốn viết được một bài Lục bát cho hay, nhất thiết phải tránh không để vấp phải lỗi Lục bát trôi xuôi, lỗi lạc vận và lỗi vần trùng lặp
    #2
      HanSiNguyen 21.07.2008 01:21:49 (permalink)
      Bài 2- Những lỗi thường gặp trong thơ Lục Bát

      1-Lỗi vần trùng lặp
      2-Lỗi lạc vận
      3-Lỗi Lục bát trôi xuôi


      1-Lỗi vần trùng lặp

      Như đã nói trong phần “Cách gieo vần trong thơ Lục Bát chính thể” ở trên :
      -Chữ thứ 6 câu 1 ăn vần với chữ thứ 6 câu 2 : Yêu vận
      -Chữ thứ 8 câu 2 ăn vần với chữ thứ 6 câu 3 : Cước vận
      -Chữ thứ 6 câu 3 ăn vần với chữ thứ 6 câu 4 : Yêu vận
      -Chữ thứ 8 câu 4 ăn vần với chữ thứ 6 câu 5 : Cước vận

      Trong đó :
      -Yêu vận là vần lưng, gieo ở giữa câu (Yêu = lưng), mục đích nối kết câu 6 với câu 8
      -Cước vận là vần chân, gieo ở cuối câu (Cước = bàn chân), mục đích để chuyển sang một vần mới

      Thí dụ :
      Tình Cờ

      Tình cờ gặp lại nhau đây
      Tóc vương màu cỏ, áo phai bụi ĐƯỜNG
      Gợn buồn xen lẫn yêu thương
      Chút tình thơ dại vấn vương bao NGÀY
      Ngượng ngùng tay lại cầm tay
      Rưng rưng mắt biếc, ngây ngây má HỒNG
      Nhìn nhau lòng những thẹn thùng
      Vì đâu ai bỗng lạnh lùng với AI ?
      Người song cửa, kẻ chân mây
      Gặp nhau may chỉ phút giây tình CỜ !

      Hàn Sĩ Nguyên

      Tóm lại :

      Chữ thứ 8 trong câu bát có nhiệm vụ chuyển đoạn thơ kế tiếp sang một vần mới. Vần của nó phải khác với vần của chữ thứ 6 trước đó

      Như trong bài Tình cờ nói trên, những chữ thứ 8 trong các câu bát cụ thể là ĐƯỜNG (trong câu 2), NGÀY (trong câu 4), HỒNG (trong câu 6), AI (trong câu 8) và CỜ (trong câu 10) có nhiệm vụ chuyển đoạn thơ kế tiếp sang một vần mới, giúp cho bài thơ không bị trùng lặp về vần, tránh sự nhàm chán

      ***Nếu vì sơ xuất mà viết chữ thứ 6 và chữ thứ 8 cùng một vần, ta sẽ mắc phải lỗi vần trùng lặp.
      Thí dụ :

      Thôi đừng mơ tưởng bên nhau
      Thế nhân lắm kẻ chung ĐẦU phụ SAU

      Hoặc :

      Tàn rồi một cánh hoa mơ
      Trên sông khuya nhớ bến BỜ lửng

      Trong những câu bát này, chữ thứ 6 (ĐẦU, BỜ), và chữ thứ 8 (SAU, LƠ) cùng một vần, hậu quả là đoạn thơ kế tiếp cũng sẽ cùng một vần với đoạn trước đó ... Đó là lỗi vần trùng lặp, làm cho bài thơ bị nhàm
      Thật lạ là có nhiều tay cao thủ về thơ, nhưng khi viết thơ Lục bát vẫn dính lỗi này (!)

      Để tránh lỗi này, khi viết câu bát ta chỉ cần lưu ý cho chữ thứ 6 và chữ thứ 8 khác vần là xong .

      2-Lỗi lạc vận :

      -Tu từ ( các thủ pháp mỹ từ hoá )
      -Tiết tấu bổng trầm ( do luật phù trầm , tứ trắc lục bằng quyết định )
      -Sự hoà hợp về vần
      Là những yếu tố quan trọng nhất, góp phần hình thành nên một bài thơ hay. Sự hoà vận này bao gồm bốn mức độ khác nhau :

      a-Chính vận :
      -A với A
      -I với I
      -AI với AI
      -ONG với ONG v.v....
      gọi là chính vận ( vần nào ăn khớp chặt chẽ với vần nấy )

      b-Thông vận :
      -A với OA
      -I với Ê, IA
      -AI với AY, ÂY
      -EM với ÊM, IM, IÊM
      -ANH với INH, ÊNH
      -ONG với ÔNG - UNG v.v...
      gọi là thông vận ( vần hơi khác loại nhưng ăn thông với nhau được )

      c-Cưỡng vận :
      -AN với ANG
      -ON với OM, ÔN với ÔM
      -IN với INH, IM
      -ÊN với ÊM, ÊNH v.v.....
      gọi là cưỡng vận ( vần ép, vần cưỡng bách )

      d-Lạc vận :
      -Ơ với ƠI
      -A với AI, IA
      -ÔI với ÔN, ÔM, ÔNG
      -ƠI với ƠN
      -AI với AN , ANG v.v....
      gọi là lạc vận ( vần ăn ... trét; không hoà vận )

      Trong 4 cách hoà vận nói trên
      -Chính vận thường chặt chẽ, nhưng cũng gò bó, kém phần linh động.
      -Thông vận là cách hòa vận thoải mái nhất, làm cho bài thơ trở nên đặc sắc, biến ảo vô cùng
      -Cưỡng vận là vần ép, miễn cưỡng cũng có thể dùng được, nhưng nếu sử dụng cưỡng vận nhiều quá, sẽ làm giảm giá trị câu thơ

      Tóm lại :
      Cả ba cách hoà vận nói trên đều dùng được
      Chỉ riêng Lạc vận là phải tuyệt đối tránh, gieo vần lạc vận kể như bài thơ hỏng
      Những tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều về cách thức gieo vần vậy. Nói chung là cái gì Nguyễn Du làm được, ta cũng có thể noi theo được.

      3-Lỗi Lục bát trôi xuôi :

      Một bài lục bát dẫu thật chuẩn về âm vận (vần) và tiết tấu (theo đúng luật tứ trắc lục bằng, và luật phù trầm), nhưng nếu vấp phải lỗi lục bát trôi xuôi, thì cũng chỉ là một bài thơ tầm thường mà thôi.
      Như thế nào gọi là lục bát trôi xuôi ?
      Lục bát trôi xuôi là một bài lục bát ý thơ trải đều một nhịp, miên man trôi chảy đều đều từ đầu đến cuối như một dòng sông lặng lẽ, không có đột biến, không cả mỹ từ pháp. Nói cách khác, đó là bài thơ phạm phải lỗi MONOTONE (đều đều một nhịp) vậy
      Thí dụ về một bài Lục bát trôi xuôi :

      Đoá hồng

      Anh cho em một đóa hồng
      Khơi lên hy vọng trong lòng của em
      Anh ơi em khóc bao đêm
      Lòng em chết rũ trong niềm yêu thương
      Em thức trắng một canh trường
      Vừa yêu nhau đấy người thương xa rồi
      Tay em nắn nót tên người
      Đóa hồng trên giá trêu ngươi cợt đùa...

      ( Tác giả vô danh )

      Trong bài thơ này, vần gieo khá chặt chẽ, chính xác, luật tứ lục, phù trầm phân minh, nhưng phạm lỗi lục bát trôi xuôi nên ý thơ dẫu hay đến mấy thì cách thể hiện cũng thật là tầm thường vậy

      ***Làm thế nào tránh được lỗi “Lục bát trôi xuôi” ?

      Câu trả lời duy nhất là phải áp dụng các thủ pháp tu từ, hoặc mỹ từ pháp mới có thể tránh được lỗi này. Và đó cũng chính là nội dung của bài sau : bài 3.

      #3
        HanSiNguyen 21.07.2008 01:28:50 (permalink)
        Bài 3 –Thuật sử dụng Mỹ Từ Pháp trong thơ Lục Bát

        I-Thủ pháp Ngắt mạch
        II-Thủ pháp Tiểu đối
        III-Thủ pháp Đồng dạng
        IV-Thủ pháp Đảo ngữ & Ẩn ngữ
        V-Thủ pháp Điệp ngữ
        ..v.v..
        ===============================

        Để tránh lỗi Lục bát trôi xuôi (một lỗi nặng), và cũng để nâng cao giá trị một bài thơ lục bát, cách duy nhất là phải sử dụng Mỹ Từ Pháp, bao gồm những thủ thuật như sau :

        I-Thủ pháp Ngắt mạch :

        Một cặp thơ lục bát bao gồm 2 câu 14 chữ, nếu để nó trôi xuôi hết cặp này nối theo cặp khác, tất nhiên không thể tránh khỏi bị nhàm chán.
        Thủ pháp ngắt mạch không những giúp tạo đột biến cho dòng chảy, mà còn gia tăng hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hương vị cho câu thơ nữa

        1-Ngắt mạch 2/2/2 trong câu lục và 2/2/2/2 trong câu bát:

        Thay vì một câu lục 6 chữ diễn tả một ý SVO ( chủ từ - động từ - đối từ ) kiểu như :
        - Anh (S) cho (V) em (IO) một đoá hồng (DO)
        (IO: indirect object, đối từ gián tiếp chỉ người.
        DO: direct object, đối từ trực tiếp chỉ vật)

        Câu lục có thể phân làm 3 đoạn, mỗi đoạn 2 chữ mang một ý, một hình tượng nào đấy, lập tức câu lục này sẽ mang 3 hình tượng vừa làm giàu cho câu thơ, vừa phá thế đơn điệu .

        *Thí dụ : Từ 2 câu đầu bài “Đoá hồng”:

        Anh cho em một đoá hồng
        Khơi lên hy vọng trong lòng của em

        Có thể sử dụng thuật “Ngắt mạch 2/2/2” viết lại thành :

        Nụ cười, ánh mắt, hoa hồng
        Cho em, cho cả tấm lòng thương yêu

        *Các thí dụ khác :

        Này chồng / này mẹ / này cha
        Này là em ruột / này là em dâu
        ..................................(Nguyễn Du-Kiều)

        Râu hùm / hàm én / mày ngài
        Vai năm tấc rộng / thân mười thước cao
        ........................................(ND-Kiều)

        Sấm vang / chớp giật / gió đưa
        Mây mù se mối / hạt mưa kết tình
        ........................(HSN-Người trong mưa)

        Một mai phấn nhạt hương phai
        Bình rơi / trâm gãy / bèo trôi / hoa tàn
        ............................(MTN-Chẳng thương)

        2-Thủ pháp ngắt mạch 3/3 (Câu 6) V 4/4 (Câu 8) :

        Ngắt câu lục thành 2 đoạn, mỗi đoạn 3 chữ, ngắt câu bát thành 2 đoạn mỗi đoạn 4 chữ
        Thí dụ :

        Khi chén rượu / khi cuộc cờ
        Khi xem hoa nở / khi chờ trăng lên
        ............................................(ND-Kiều)

        Khi gió mát / khi trăng thanh
        Ai người nhắc kẻ lữ hành đường xa
        ..............................................(HSN-Ngàn dâu)

        Người song cửa / kẻ chân mây
        Gặp nhau may chỉ phút giây tình cờ
        .........................................(HSN-Tình cờ)

        3-Các thủ pháp Ngắt mạch khác :

        -1/5 trong câu lục, thí dụ :

        Rằng /: Tôi chút phận đàn bà
        Ghen tuông thời cũng người ta thường tình
        .............................................(ND-Kiều)

        -2/4 trong câu lục, thí dụ :

        Vầng trăng / ai xẻ làm đôi
        Nửa in gối chiếc / nửa soi dặm trường
        ..............................................(ND-Kiều)

        Mảng nghe : / Tần chẳng có vua
        Thái hậu nhiếp chính ầu ơ điện tiền
        .......(HSN-Thừa Tướng Ứng Hầu Phạm Thư)

        -3/5 hoặc 3/3/2 trong câu bát, thí dụ :

        Hoàng thiên bất phụ hảo tâm
        Chẳng bao lâu / tất sắt cầm hợp hoan
        .......................(HSN-Hoa Cúc Vàng)

        -2/6 hoặc 2/4/2 trong câu bát, thí dụ :

        Ôi Kim lang / hỡi Kim lang
        Thôi thôi / thiếp đã phụ chàng từ đây
        ...............................................(ND-Kiều)

        Tóm lại :

        Trên đây là các thủ pháp ngắt mạch chính nhằm tạo ra đột biến và làm giàu cho câu thơ. Lưu ý rằng ở vị trí ngắt mạch muốn đặt dấu phẩy cũng được, mà không đặt cũng được, để người đọc tự ngắt mạch lấy càng hay !

        HSN
        -----------------
        -Còn tiêp
        #4
          HanSiNguyen 23.07.2008 06:11:31 (permalink)
          II-THỦ PHÁP TIỂU ĐỐI

          Khi thực hiện thủ pháp ngắt mạch, đặc biệt là với thủ pháp ngắt mạch 3/3 trong câu lục và 4/4 trong câu bát, thường thì các thủ pháp Tiểu đối và Tiểu đồng dạng cũng hay được sử dụng lồng vào, làm gia tăng hẳn giá trị của câu thơ.

          1-Tiểu đối 3/3 và 4/4 :

          Tiểu đối là một hình thức đối ngẫu thực hiện trên cùng một câu thơ bằng cách ngắt mạch câu thơ ấy thành ra 2 nửa , nửa nọ đối chặt chẽ với nửa kia. Trong câu lục ta sẽ có tiểu đối 3/3, trong câu bát sẽ có tiểu đối 4/4.
          Hai vế trong câu thực hiện tiểu đối phải vừa đối ý, đối thanh, vừa đối cả từ loại .Thí dụ :

          Làn thu thuỷ / nét xuân sơn
          Hoa ghen thua thắm / liễu hờn kém xanh
          .........................................(ND-Kiều)

          Mai cốt cách / tuyết tinh thần
          Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười
          ........................................(ND-Kiều)

          Người song cửa / kẻ chân mây
          Gặp nhau may chỉ phút giây tình cờ
          .....................................(HSN-Tình cờ)

          Khi sương sớm / lúc nắng tà
          Rừng mai đất Ứng vang xa tiếng đàn
          ...............................................(HSN-TTUHPT)

          Đoạn trường thay lúc phân kỳ
          Vó câu khấp khểnh / bánh xe gập ghềnh
          ..................................................(ND-Kiều)

          Xa quê từ ấy đến giờ
          Lối xưa quên lối / đường xưa lạc đường
          ..........................................(HSN-Ngàn dâu)

          Người này đáng mặt thần nhân
          Tài kiêm văn võ, quỷ thần cũng thua
          Hiền tài bậc nhất bây giờ
          Pháp binh thông tỏ / thi thư am tường
          .............................................(HSN-TTUHPT)

          Có thể nói Tiểu đối là một thủ pháp quan trọng bậc nhất của thơ lục bát vậy

          ***Qua những thí dụ về Tiểu đối nêu trên , dễ dàng nhận thấy rằng :

          -Trong câu lục : Mai cốt cách / tuyết tinh thần

          Chữ thứ nhất đối với chữ thứ tư ( Mai /Tuyết)
          Chứ thứ hai, thứ ba đối với chữ thứ năm , thứ sáu (Cốt cách / Tinh thần)

          -Trong câu bát : Vó câu khấp khểnh / bánh xe gập ghềnh

          Chữ thứ nhất, thứ nhì đối với chữ thứ năm, thứ sáu (Vó câu / Bánh xe)
          Chữ thứ ba, thứ tư đối với chữ thứ bảy, thứ tám (Khấp khểnh / Gập ghềnh)

          ***Bây giờ giả sử rằng trong câu bát, nếu chữ thứ nhất, thứ nhì đối với chữ thứ bảy, thứ tám. Chữ thứ ba, thứ tư đối với chữ thứ năm, thứ sáu ... thì sao ??? thì có được không ??? Lúc ấy có còn là Tiểu đối nữa hay không ???

          Câu trả lời là được, đó vẫn là Tiểu Đối, mà hơn thế nữa, nó còn là một loại tiểu đối đặc biệt có tên là ....Tiểu đối qua gương.



          2-Tiểu đối qua gương :

          Là loại đối ngẫu cũng thực hiện trên cùng một câu thơ ; trong đó câu thơ được ngắt thành hai nửa, nửa nọ đối chặt chẽ với nửa kia, giống như Tiểu đối thường 3/3 hoặc 4/4 kể trên.

          Điểm khác biệt duy nhất là
          -Chữ thứ nhất, thứ nhì đối với chữ thứ bảy, thứ tám
          -Chữ thứ ba, thứ tư đối với chữ thứ năm, thứ sáu
          ( tưởng tượng giống như một vật đối xứng, phản chiếu qua một tấm gương vậy)

          *Một số thí dụ về Tiểu đối qua gương :

          Ai làm cho rối duyên tơ
          Gió xuân hiu hắt / nhạt nhòa mưa xuân
          .............................(MTN-Chẳng thương)

          Gió xuân / Mưa xuân - Hiu hắt / Nhạt nhòa

          Gợn buồn thoảng chút bâng khuâng
          Xưa sao nhung gấm / phong trần bấy nay ?
          ...................................(HSN -Tình cờ)

          Nhung gấm / Phong trần ; Xưa / Nay

          Long Hồ dinh / tỉnh Vĩnh Long
          Có sông Mang Thít xuôi dòng Quới An
          Có thầy giáo Ngữ nghệ nhân
          Lão thông cung bậc / ngũ âm tinh tường
          ..........................(HSN - Hoa Cúc Vàng)

          Trong đoạn thơ ngắn 4 câu này, ta thấy thủ pháp Tiểu đối qua gương đã 2 lần được vận dụng :
          Long Hồ / Vĩnh Long ; Dinh / Tỉnh
          Lão thông / Tinh tường ; Cung bậc / Ngũ âm

          Bấy giờ mất biến thành còn
          Tái hồi nhân thế / quỷ môn giã từ
          ...............(HSN-Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư)
          nhân thế / quỷ môn; Giã từ / Quy hồi


          Tóm lại :

          Cùng là Tiểu đối cả , nhưng :
          -Tiểu đối thường : nửa nọ trượt trên nửa kia
          -Tiểu đối qua gương : nửa sau là mảnh lật ngược của nửa trước vậy.

          3-Tiểu đối mini 2/2 :

          Trong thơ lục bát, bất luận là câu lục hay câu bát, ta thường thấy xuất hiện những cụm từ 4 từ , bao gồm 2 nửa, mỗi nửa có 2 từ đối nhau chan chát : Đó chính là tiểu đối mini 2/2
          Tiểu đối loại này rất gần với phong cách nói đặc sắc của người Việt ( đặc biệt là người miền Bắc ) : Bay bướm, đối ngẫu, có ca có kệ, như hát như ru ...

          Thí dụ :

          Bó thân về với triều đình
          Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu
          Áo xiêm trói buộc lấy nhau
          [Vào luồn / ra cúi] công hầu mà chi
          Sao bằng riêng một biên thùy
          [Tài này / sức ấy] làm gì được nhau
          …………………..Nguyễn Du - Kiều

          Người này [tuổi trẻ / tài cao]
          [Con dòng / cháu giống],[vương hầu / danh gia]
          Cha là Mã Phục Triệu Xa
          [Đánh thành / xung trận] kể đà mấy mươi
          Ngày nay đang lúc cần người
          Phong cho làm tướng, thải hồi Liêm Pha
          ……… HSN-Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư

          Hỏi rằng con suối đi đâu ?
          Trăm năm ghềnh đá bạc đầu chờ mong
          [Hoa rơi / nước cuốn] theo dòng
          Cho ta nhắn gửi nỗi lòng hoa ơi
          Suối đi [cuối đất / cùng trời]
          Trùng phùng biển cả, đơn côi núi rừng
          Nước trôi róc rách mông lung
          Miên man sương lạnh, mênh mông câu thề
          Suối đi, suối có trở về ?
          Đầu ghềnh trơ đá, đáy khe sũng buồn
          Đêm qua [chớp giật / mưa tuôn]
          Dạt dào con suối xa nguồn về xuôi
          Bạc lòng chi lắm suối ơi
          An Tây ghềnh đá suốt đời trông theo
          ………………………. Hàn Sĩ Nguyên

          Chẳng thương ...

          Chẳng thương cũng gọi rằng chồng
          Chẳng tình cũng nghĩa, chẳng mong cũng chờ
          Ai làm cho rối duyên tơ
          Gió xuân hiu hắt, nhạt nhòa mưa xuân
          Hỏi người tham bã phù vân
          Nhớ chăng [bể ái / nguồn ân] thuở nào
          [Lưng dưa / dĩa muối] bên nhau
          [Gừng cay / khế ngọt] biết bao nhiêu tình
          Ngỡ rằng [phu quý / phụ vinh]
          Ngờ đâu [rũ áo / dứt tình] theo ai
          Một mai [phấn nhạt / hương phai]
          [Bình rơi / trâm gãy], [bèo trôi / hoa tàn]

          Trách mình số kiếp gian nan
          Trách trời ghen ghét hồng nhan muộn rồi !
          Mộng mơ chi lắm người ơi
          [Nồi nào / vung nấy] suốt đời thong dong
          …………………..Mộ Trung Nhân

          Hãy xem Bạch Khởi làm gương
          [Công thành / danh toại] sớm phương quy hồi
          [Rừng xanh / núi đỏ] rong chơi
          [Trăng thanh / gió mát] bên người rừng mai
          [Mây ngàn / hạc nội] chơi vơi
          Vẫn hơn quyến luyến mãi mùi đỉnh chung
          [Trù mưu / tính kế] bận lòng
          Cuối cùng không lại hoàn không , ích gì ???
          ......................………..(HSN-TTUHPT)

          -Còn tiếp-

          HSN
          #5
            HanSiNguyen 23.07.2008 06:28:09 (permalink)
            III-THỦ PHÁP TIỂU ĐỒNG DẠNG và CÂU ĐỒNG DẠNG

            Khi thực hiện thủ pháp ngắt mạch, đặc biệt là ngắt mạch 3/3 và 4/4, ngoài các thủ thuật về Tiểu đối nêu trên, thường thì thủ thuật tiểu đồng dạng cũng hay được vận dụng. Vậy thì Tiểu đồng dạng là gì?

            Tiểu đồng dạng là thủ pháp thực hiện trong cùng một câu thơ, ngắt làm 2 nửa, 2 nửa này có cấu trúc giống nhau, tương tự với nhau, song song với nhau
            Thí dụ :
            Khi chén rượu/ khi cuộc cờ
            Khi xem hoa nở/ khi chờ trăng lên [Kiều-Nguyễn Du]

            ***Giá trị của tiểu đồng dạng so với tiểu đối hơn kém nhau như thế nào ?

            Thật khó nói chắc là mèo nào sẽ cắn miu nào vậy. Đặc biệt là khi tiểu đồng dạng lại đi kèm cùng Điệp ngữ thì giá trị của nó không những không thua, mà đôi khi còn hơn hẳn tiểu đối nữa !!!

            ***Vậy tiểu đồng dạng khác tiểu đối ra sao ?

            -Trong thủ pháp tiểu đối : Tất cả các thành phần của chúng đối nhau chặt chẽ
            -Trong thủ pháp tiểu đồng dạng : ít nhất là có một thành phần giống nhau, đồng dạng với nhau. Các thành phần còn lại có thể hoặc đối nhau, hoặc đồng dạng với nhau đều được cả

            Tóm lại, tiểu đồng dạng và tiểu đối có thể xem như một cặp anh chị em song sinh ... Chúng giống và gần gũi với nhau đến nỗi có nhiều sách giáo khoa cũng tưởng lầm là một ... Thật ra đó là 2 thủ thuật khác nhau.

            1-Phân biệt Tiểu đồng dạng và Tiểu đối :

            Khi sương sớm / lúc nắng tà
            Rừng mai đất Ứng vang xa tiếng đàn (HSN-UHPT)
            .........( tiểu đối 3/3 khi đối thanh với lúc, sương sớm đối với nắng tà )

            Khi gió mát / khi trăng thanh
            Ai người nhắc kẻ lữ hành đường xa (HSN-Ngàn dâu)
            .........(tiểu đồng dạng + điệp ngữ khi ; gió mát đối với trăng thanh)

            2-Tiểu đồng dạng phối hợp cùng thủ pháp Ngắt mạch :

            Khi chén rượu, khi cuộc cờ
            Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên (ND-Kiều)
            .........(Tiểu đồng dạng + điệp ngữ 4 chữ khi)

            Ung dung đọc sách ngâm thơ
            Vàng cho chẳng cất, bạc cho chẳng màng (HSN-UHPT)
            ........(Tiểu đồng dạng Vàng cho, bạc cho...)

            Trời trong xanh / nước trong xanh
            Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con
            Đàn tơ sáo trúc nỉ non
            Hỏi người có nhớ cô thôn nghĩa tình ? ( HSN-Vọng cô thôn)
            ……(Tiểu đồng dạng + điệp ngữ trong xanh; trời đối với nước)


            3-Câu đồng dạng trong một trường đoạn, kết hợp cùng Điệp ngữ :

            Buồn trông cửa bể chiều hôm
            Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
            Buồn trông ngọn nước mới sa
            Hoa trôi man mác biết là về đâu
            Buồn trông nội cỏ dàu dàu
            Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
            Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
            Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
            ............................(Nguyễn Du - Kiều)
            Trong đoạn này có đến 4 lần vận dụng thủ pháp câu đồng dạng kiêm điệp ngữ Buồn trông ...

            Cử bôi những muốn tiêu sầu
            Nâng ly rượu đắng xót đau can trường
            Nhớ khi xưa, ở Đại Lương
            Ngô khoai cơm độn vẫn thường sẻ đôi
            Lâm Tri đi sứ mà vui
            Đánh xe dắt ngựa mấy người như ta
            Nhớ khi lệ đổ máu sa (3161)
            Đường quanh lối tắt tránh xa Ngụy Tề
            Ba hồn lạc, bảy phách mê
            Ai gom lá thuốc đem về cứu ai
            Nhớ khi ở cánh rừng mai
            Cầm kỳ thi họa tháng ngày rong chơi
            Xa quê sang nước non người
            Bát cơm tân khách một thời long đong
            Nhớ khi chờ đợi mông lung
            Nỗi lòng thao thức tỏ cùng trời cao
            Mưu hay đánh đổ Nhương hầu
            Thu gom chức trọng quyền cao đến giờ
            Chạnh lòng nhớ những ngày xưa
            Cử bôi uống mãi chưa vừa xót xa
            ..........................(HSN-Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư)
            Trong đoạn thơ này đã có 4 lần thủ pháp câu đồng dạng kiêm Điệp ngữ Nhớ khi được vận dụng .

            =======================

            Khi nói chuyện về cái hay của truyện Kiều trong 2 câu thơ sau :

            Long lanh đáy nước in trời
            Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

            ..............................................................(ND-Kiều)

            Cử tọa thường nhất trí với tôi rằng quả thật là hay ! Hay quá đỗi hay !!!

            Thế nhưng khi tôi đặt câu hỏi rằng :
            -Đồng ý là hay thật ! Nhưng chủ từ (Subject) của chúng đâu ?, Động từ (Verb) là chữ nào ? Mấy câu ấy được hình thành theo cấu trúc , theo cú pháp (Structure) nào ???
            Thì thường là không có mấy người chỉ ra được đâu là S đâu là V
            Lại càng có ít người hiểu thấu cấu trúc của những câu ấy !!!
            -Còn các bạn thì sao ? How about you ???

            Câu hỏi này xin được giải đáp trong bài tới ......

            HSN
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.07.2008 08:31:14 bởi HanSiNguyen >
            #6
              HanSiNguyen 25.07.2008 08:08:14 (permalink)
              Trong tiếng Anh, chúng ta thường gặp những câu như :
              -So do I !
              -Here's my bus
              ....
              Hẳn là chúng ta cũng dễ dàng nhận ra những câu đó chẳng qua chỉ là :
              -I do, too
              -My bus is here

              Các câu ấy đã được viết dưới dạng thức Đảo ngữ nhấn mạnh một điều gì đó mà thôi . Thật là bất ngờ khi nhận ra rằng trong 2 câu thơ lừng danh :

              Long lanh đáy nước in trời
              Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng

              Nguyễn Du đã thực hiện cấu trúc đảo ngữ đến ba lần.
              Ý ông muốn nói rằng :

              -Trời (Chủ từ S) in (Động từ V) cái bóng của nó (Đối từ O : hiểu ngầm) xuống đáy nước (Trạng từ chỉ địa điểm) một cách long lanh (Trạng từ chỉ cách thức)
              -Khói biếc (S) xây (V) thành bức tường thành (Trạng từ so sánh)
              -Bóng vàng (= ánh trăng) (S) phơi ra (V) nơi đầu non, đầu núi(Trạng từ địa điểm)

              Thật là những hình ảnh đẹp tuyệt vời, nhờ cấu trúc Đảo ngữ đã trở thành cô đọng đến mức cùng cực vậy

              IV-Thủ pháp Đảo ngữ và ẩn ngữ

              ***Cấu trúc của một câu xuôi:

              Câu phát biểu (Statement) của tiếng Việt cũng như của tiếng Anh thường có cấu trúc xuôi theo dạng :

              S - V - IO - DO
              I give you a rose
              Anh cho em một đoá hồng

              Nếu có trạng từ ( adverb ), các trạng từ này thường tuân theo trật tự ( HOW - WHERE -WHEN ), trong đó :
              HOW : adverb of manner , trạng từ chỉ cách thức
              WHERE : adverb of place, trạng từ chỉ địa điểm
              WHEN : adverb of time, trạng từ chỉ thời gian

              Trong những câu tắt , hoặc những câu có động từ intransitive ( động từ không cần đối từ O ), cấu trúc câu thường đơn giản là

              S - V - Adv (How-Where-When)

              Tóm lại, cấu trúc xuôi của một câu phát biểu (hay tường thuật) có thể tóm gọn dưới dạng

              S - V - (O) - Adv
              Chủ từ - Động từ - (Đối từ) - Trạng từ

              *** Ẩn ngữ :

              Là thủ pháp bỏ qua (omitted) một từ nào đấy. Từ thường được bỏ qua nhất trong thơ chính là Chủ từ S, đôi khi các Động từ V cũng hay được bỏ rơi. Một bài thơ có nhiều chủ từ quá thường là rất “nặng nề”, mất hết cả “tính thơ” vậy

              Chính các Tính từ (Adjective) và Trạng từ (Adverb) là thành phần làm linh động, làm giàu cho câu thơ nên ít khi bị bỏ rơi, mà thường hiện diện nhiều hơn cả

              *** Đảo ngữ :

              Là thủ pháp lật ngược các thành phần trong một câu xuôi, thường dùng để nhấn mạnh (emphatic form)

              Có 2 hình thức đảo ngữ chính, đó là :
              -Đảo ngữ cấp 1 (hay đảo ngữ cục bộ)
              -Đảo ngữ cấp 2 (hay đảo ngữ toàn phần)

              #7
                HanSiNguyen 25.07.2008 08:18:11 (permalink)
                IV-THỦ PHÁP ĐẢO NGỮ và ẨN NGỮ
                ................................................

                1-Đảo ngữ cấp một (Đảo ngữ cục bộ) :

                Chỉ đảo trạng từ lên đứng trước động từ , các thành phần khác giữ nguyên.
                Câu [ S - V - O - Adv ] trở thành [ Adv - S - V – O ]

                Một số thí dụ :

                *** Tần ngần dạo gót lầu trang
                Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về
                .................................................(ND-Kiều)

                Trong câu này cả ẩn ngữ lẫn đảo ngữ cấp một đều được vận dụng :
                -Ẩn ngữ : giấu đi chủ từ Kiều
                -Ý của câu xuôi là : [Kiều] dạo gót (bước, tản bộ) một cách tần ngần qua chốn lầu trang
                -Đảo ngữ cấp một : đảo trạng từ tần ngần lên đầu câu

                *** Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
                Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham
                ...........................................(ND-Kiều)

                -Ẩn ngữ : Lũ sai nha
                -Ý câu xuôi : Lũ sai nha vét sạch sành sanh những đồ tế nhuyễn, của riêng tây cho đầy túi tham [của chúng]
                -Đảo ngữ cấp một : đảo trạng từ sạch sành sanh lên trước động từ vét

                *** Nghênh ngang một cõi biên thùy
                Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương
                Trước cờ ai dám tranh cường
                Năm năm hùng cứ một phương hải tần
                ...............................................(ND-Kiều)

                -Ẩn ngữ : (S) Từ Hải, (V) trấn giữ, chiếm giữ
                -Ý câu xuôi : [Từ HảI] [chiếm giữ] nghênh ngang [khắp] một cõi biên thùy
                -Đảo ngữ cấp một : đảo trạng từ nghênh ngang ra trước SV Từ Hải chiếm giữ (ẩn)
                -Đảo ngữ Năm năm trong câu cuối : [Từ Hải] hùng cứ một phương hải tần (duyên hải) [suốt trong] năm năm

                *** Ngượng ngùng tay lại cầm tay
                Rưng rưng mắt biếc, ngây ngây má hồng
                ........................................(HSN-Tình cờ)

                -Ẩn ngữ : người này, người kia
                -Ý câu xuôi : Tay [người này] lại cầm lấy tay [người kia] một cách ngượng ngùng
                -Đảo ngữ : đảo trạng từ ngượng ngùng lên đầu câu

                *** Tướng quân lão nhược họ Liêm
                Nhát như thỏ đế, chỉ chuyên bố phòng
                Bốn năm chẳng một chút công
                Sợ Tần như cọp, một lòng cầu an 
                ........................................(HSN-UHPT)

                -Ẩn ngữ : động từ Lập , chủ từ Liêm Pha
                -Ý câu xuôi : [Liêm Pha] chẳng [lập] được một chút công lao nào trong suốt bốn năm . 
                -Đảo ngữ : đảo trạng từ Bốn năm lên đầu câu

                *** Trải qua mấy dặm rừng hoang
                Âm u khói tỏa, điêu tàn miếu thiêng
                Bốn bề không một ánh đèn
                Trời vừa sập tối, điện tiền nghỉ chân
                ........(HSN-Thạch Sanh Lý Thông Tân Biên)

                -Ẩn ngữ : (S) Thạch Sanh
                -Ý câu xuôi : [Thạch Sanh] nghỉ chân ở tại điện tiền (trạng từ địa điểm), lúc trời vừa sập tối (trạng từ thời gian)
                -Đảo ngữ : đảo cả 2 trạng từ Điện tiền, và Trời vừa sập tối lên đầu câu


                Nhắc lại, cấu trúc câu xuôi thông thường là : S-V-[O]-Adv

                ***Nếu đảo trạng từ lên trước SV ta sẽ có Đảo ngữ cấp một (cấu trúc Adv-S-V) cũng còn được gọi là Đảo ngữ cục bộ (Partially inverted structure)

                ***Bây giờ nếu đảo ngược toàn bộ S-V-Adv thành cấu trúc Adv-V-S thì sao ? Lúc ấy ta sẽ được một cấu trúc đặc sắc hơn nữa, có tên là Đảo ngữ cấp hai, cũng còn được gọi là Đảo ngữ toàn phần (Entirely inverted structure).
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.07.2008 08:20:15 bởi HanSiNguyen >
                #8
                  HanSiNguyen 25.07.2008 08:28:23 (permalink)
                  2-Đảo ngữ cấp hai (Đảo ngữ toàn phần) :

                  Đảo ngữ cấp hai (hay đảo ngữ toàn phần) là một thủ pháp cao cấp của Mỹ Từ Pháp. Cấu trúc câu xuôi thông thường [ S-V-Adv ] được nghịch đảo toàn bộ thành [Adv-V-S] Trong cấu trúc này chủ từ S là chữ đi sau cùng (!)

                  Nhận ra được cấu trúc này trong một bài thơ nào đó đã khó... Thực hành viết đảo ngữ toàn phần trong thơ của mình, khi chưa quen, còn khó hơn gấp bội vậy .

                  Dưới đây là một số thí dụ về cấu trúc đảo ngữ toàn phần [Adv-V-S] này > Chủ từ S đuợc in đậm màu xanh

                  Tuyết / in / sắc ngựa câu giòn
                  Cỏ / pha / màu áo nhuộm non da trời
                  ........................(Nguyễn Du-Kiều)

                  Long lanh / đáy nước / in / trời
                  Thành / xây / khói biếc, non / phơi / bóng vàng
                  ........................(Nguyễn Du-Kiều)

                  Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
                  Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng
                  Phòng văn hơi giá như đồng
                  Trúc / se / ngọn thỏ , tơ / chùng / phím loan
                  ........................(Nguyễn Du-Kiều)

                  Nhà tranh vách đất tả tơi
                  Lau / treo / rèm nát, trúc / cài / phên thưa
                  ........................(Nguyễn Du-Kiều)

                  Rì rào / thoảng / tiếng mưa rơi
                  Bên tai / vang vọng / những lời yêu thương
                  .............................(HSN-Người trong mưa)

                  Từ đây muôn dặm quan san
                  Câu thơ, chung rượu, cung đàn lãng du
                  Này ân, này oán, này thù
                  Mộ sâu / chôn chặt / giấc mơ nửa đời
                  ..........................(HSN-Ngày xưa)

                  Nửa vầng trăng sáng lung linh
                  Hoa khuya mới nở rung rinh giọt sầu
                  Trời đêm / lấp lánh / ánh sao
                  Ven sông lá rụng , bên cầu hoa rơi
                  ................(HSN-Nửa vầng trăng 03)

                  Một lần chợt thấy em cười
                  Bâng khuâng tự hỏi phải người ngày xưa ?
                  Cũng là suối tóc đong đưa
                  Long lanh ánh mắt, đợi chờ khoé môi
                  Từ lâu / đã khuất / bóng người
                  Dư âm còn chút tiếng cười thơ ngây
                  ...................(HSN-Bâng khuâng)

                  Kề vai, tựa gối, ấp đầu
                  Trọn đời bên khách má đào tri âm
                  Đó đây / văng vẳng / hồ cầm
                  Ứng Thành nào khác Mai Lâm quê nhà
                  Khi sương sớm, lúc nắng tà
                  Rừng mai đất Ứng / vang xa / tiếng đàn
                  ...............(HSN-Thừa Tướng Ứng hầu Phạm Thư)

                  Hy vọng rằng các thí dụ này có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề. Thật ra , cấu trúc đảo ngữ này là cấu trúc khó , nhưng nếu vận dụng quen rồi thì khó cũng trở thành dễ mà thôi, các bạn ạ ...

                  Hàn Sĩ Nguyên

                  -Còn tiếp-
                  #9
                    HanSiNguyen 06.08.2008 07:53:58 (permalink)
                    V-THỦ PHÁP ĐIỆP NGỮ :

                    Điệp ngữ là thủ thuật lặp đi lặp lại có chủ ý một từ nào đó , mục đích để thi vị hoá câu thơ, đồng thời nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ một điểm đặc trưng trong câu. Điệp ngữ cũng có nhiều hình thức khác nhau và cũng thường được sử dụng xen lẫn vào trong các thủ pháp khác, đặc biệt là hay đi kèm cùng câu đồng dạng


                    1-Điệp ngữ qua hình thức sử dụng “từ láy” :

                    Trong tiếng Anh, khi một tính từ (Adjective) nhận thêm một hậu tố (Suffix) ISH, ta sẽ có được một tính từ mới có nghĩa nhẹ nhàng hơn . Ex :

                    Brown --------- Brownish
                    Yellow -------- Yellowish

                    Trong tiếng Việt, cách dùng Điệp ngữ dưới hình thức “từ láy” cũng có giá trị tương tự, trong đó, chữ thêm vào đặt trước chữ chính . Thí dụ :

                    Xa xa --------- hơi hơi xa
                    Xanh xanh ----- hơi hơi xanh, xanh nhạt
                    Nho nhỏ ------- hơi hơi nhỏ
                    Tim tím ------- hơi hơi tím, tím nhạt

                    Để ý rằng :
                    -Nếu chữ chính thanh bằng (Xa, Xanh, Buồn...): Lặp lại y nguyên chữ đó (Xa xa, xanh xanh, Buồn buồn...)
                    -Nếu chữ chính thanh trắc (Nhỏ, Tím, Đỏ...) : Lặp lại bằng từ thanh bằng tiệm cận với từ ấy (Nho nhỏ, Tim tím, Đo đỏ, Biền biệt, Văng vẳng, Đằng đẵng ...)

                    ***Các thí dụ về Điệp ngữ dùng “Từ láy” trong thơ lục bát :

                    Tà tà bóng ngả về tây
                    Chị em thơ thẩn dang tay ra về
                    Bước lần theo ngọn tiểu khê
                    Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh
                    Nao nao dòng nước uốn quanh
                    Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
                    Sè sè nấm đất bên đàng
                    Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
                    .................……………..(Nguyễn Du-Kiều)

                    Đau lòng kẻ ở người đi
                    Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm
                    Trời hôm mây kéo tối rầm
                    Dàu dàu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương
                    .................……………..(Nguyễn Du-Kiều)

                    Nàng thì chiếc bóng song mai
                    Đêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây
                    Sân rêu chẳng vẽ dấu giày
                    Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân
                    Đoái trông muôn dặm tử phần
                    Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa
                    ................………….(Nguyễn Du-Kiều)

                    Hỏi han hết mực kính nhường
                    Cớ sao cố ý chặn đường xe qua
                    Ba lần hỏi, chẳng thèm thưa
                    Trước sau vờ vĩnh pho pho ngáy đều
                    Gió đưa râu bạc phiêu phiêu
                    Phơ phơ tóc trắng, ra chiều tiên nhân
                    ...............……………….(HSN-ƯHPT)

                    Gióng cương trực chỉ Tây Hà
                    Tần kề một bước, Nguỵ xa ngàn trùng
                    Rừng mai khuất đám bụi hồng
                    Lửa hương se thắt chạnh lòng mà đau
                    Băng băng xe lướt ngàn dâu
                    Ngàn dâu xanh ngắt khơi sầu chinh nhân
                    Xa xa thấp thoáng non Tần
                    Biết bao gian khổ khó khăn sẵn chờ
                    ...............………………..(HSN-ƯHPT)

                    Trời chiều, bóng ngả cô liêu
                    Hai quân im tiếng, đìu hiu chiến trường
                    Xa xa hạc lẻ kêu sương
                    Đó đây văng vẳng tiếng hờn âm u
                    Oan hồn tử sĩ phiêu du
                    Khói hương chẳng có, mịt mù sầu dâng
                    ............………………....(HSN-ƯHPT)

                    Nhanh chân núp dưới tường hoa
                    Em không có nón, trời mưa tầm tầm
                    Đường xa, trời tối, mưa dầm
                    Người không quen biết xăm xăm ngỏ lời
                    ........………..(HSN-Lời người trong mưa)

                    Từ khi trao gửi trâm vàng
                    Chia tay rời khỏi miệng hang trở về
                    Đường xa muôn dặm sơn khê
                    Nước đi biền biệt không về cùng non
                    Nghẹn ngào đá lấp, người chôn
                    Chẳng hay quân tử mất còn nơi nao
                    Rưng rưng ruột xót gan bào
                    Bời bời hoa lá, dàu dàu cỏ cây
                    .......(HSN-Thạch Sanh Lý Thông Tân Biên)


                    2-Điệp ngữ đi cùng câu đồng dạng trong một trường đoạn:
                    (Xin xem lại ở phần Câu đồng dạng)

                    ***Thêm một số các thí dụ :

                    Rút trâm giắt sẵn mái đầu
                    Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần
                    Lại càng mê mẩn tâm thần
                    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
                    Lại càng ủ dột nét hoa
                    Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài
                    ......................(Nguyễn Du-Kiều)... 3 lần “Lại càng”

                    Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
                    Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu
                    Khi tựa gối, khi cúi đầu
                    Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày
                    ......................(Nguyễn Du-Kiều)... 4 chữ “Khi”

                    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
                    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
                    Còn non còn nước còn dài
                    Còn về còn nhớ đến người hôm nay
                    ......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 5 chữ “Còn”

                    Xem gương trong bấy nhiêu ngày
                    Thân con chẳng khỏi mắc tay bợm già
                    Khi về bỏ vắng trong nhà
                    Khi vào dúng dắng, khi ra vội vàng
                    Khi ăn khi nói lỡ làng
                    Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh
                    ......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 7 chữ “Khi”

                    Lo gì việc ấy mà lo
                    Kiến trong miệng chén có bò đi đâu
                    Làm cho nhìn chẳng được nhau
                    Làm cho đày đoạ cất đầu chẳng lên
                    Làm cho trông thấy nhãn tiền
                    Cho người thăm ván bán thuyền biết tay !
                    ......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 3 lần “Làm cho”

                    Vợ chồng chén tạc chén thù
                    Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi
                    Bắt khoan bắt nhặt đến lời
                    Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay
                    ......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 5 chữ “Bắt”

                    Sẵn Quan âm các vườn ta
                    cây trăm thước, hoa bốn mùa
                    cổ thụ, sơn hồ
                    Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh
                    ......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 4 chữ “Có”

                    Buồn trông cửa bể chiều hôm
                    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
                    Buồn trông ngọn nước mới sa
                    Hoa trôi man mác biết là về đâu
                    Buồn trông nội cỏ dàu dàu
                    Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
                    Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
                    Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
                    ......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 4 lần “Buồn trông”


                    Nguỵ Tề càng đánh càng điên
                    Men say càng bốc, ghét ghen càng nồng :
                    Đánh cho chết đứa cuồng ngông
                    Đánh cho hết kẻ ám thông nước ngoài
                    Đánh cho tuyệt nọc tay sai
                    Đánh cho trắng mắt những loài gièm pha !
                    .......(HSN-Ứng Hầu Phạm Thư) ... 4 “Càng”, và 4 lần “Đánh cho”

                    Nhớ chăng gương Bá Lý Hề
                    Bảy mươi chăn ngựa nuôi dê xứ người
                    Nhớ chăng Câu Tiễn nằm gai
                    Phơi sương nếm mật có ngày nên công
                    ...............(HSN-Ứng Hầu Phạm Thư) ... 2 lần “Nhớ chăng”

                    Chợt quen em, phút giây này
                    Long lanh mắt biếc, bay bay tóc huyền
                    Mỉm cười, duyên lại thêm duyên
                    Càng nghe càng mến, càng nhìn càng ưa
                    ..................(HSN-Mưa tình cờ) ... 4 chữ “Càng”

                    Đường đời càng ngẫm càng đau
                    Càng buồn càng tủi càng sầu càng thương
                    Tơ không ai vấn mà vương
                    Chiêm bao chưa tỉnh hồn nương xứ nào ?
                    ...................(HSN-Một thuở đưa đò) ... 6 chữ “Càng”

                    LƯU Ý :
                     
                    Có lẽ cũng cần thiết phải phân biệt “Cách nói trùng lặp”“Điệp ngữ”

                    -Cách nói trùng lặp, nhai đi nhai lại, cà lăm là cách diễn đạt rất tầm thường vì cho thấy người viết túng ý, nghèo từ, thiếu lời nên cứ phải nói đi nói lại mãi một từ hoặc một câu

                    -Trong khi đó, Điệp ngữ là sự lặp đi lặp lại một từ nào đó có chủ ý để làm tăng tính thi vị của câu thơ. Thủ pháp này rất đặc sắc, vì thường được “lồng vào”, “nhúng vào” , “kèm theo” vô số những “quái chiêu”.

                    Nếu Điệp Ngữ ví như ánh sao sáng lấp lánh trên bầu trời đêm, thì cách nói trùng lặp chỉ là... chân vịt trên mặt bùn. Cả 2 đều... có cùng... 5 cánh , nhưng khác nhau xa, khác nhau nhiều lắm vậy...
                    Thật lạ lùng khi có nhiều thức giả lại nhầm lẫn, cho rằng 2 thứ này... là một, không những vậy, còn đưa ra lời khuyến cáo sai lầm : "càng ít dùng điệp ngữ... càng tốt" (!)

                    Hàn Sĩ Nguyên

                    #10
                      HanSiNguyen 09.08.2008 09:08:42 (permalink)
                      3-Các thủ pháp Điệp ngữ đặc biệt

                      Có lẽ cũng cần thiết phải phân biệt “Cách nói trùng lặp”“Điệp ngữ”

                      -Cách nói trùng lặp, nói lắp, cà lăm là cách diễn đạt rất tầm thường vì cho thấy người viết túng ý, nghèo từ, thiếu lời nên cứ phải nhai đi nhai lại mãi một từ hoặc một câu

                      -Trong khi đó, Điệp ngữ là sự lặp đi lặp lại một từ nào đó có chủ ý để làm tăng tính thi vị của câu thơ. Thủ pháp này rất đặc sắc, vì thường được “lồng vào”, “nhúng vào” , “kèm theo” vô số những “quái chiêu”.

                      Dưới đây là một số “quái chiêu” hay đi kèm cùng Điệp ngữ

                      3.1- Điệp ngữ & từ bất định :

                      Đừng điều nguyệt nọ hoa kia
                      Ngoài ra AI lại tiếc gì với AI
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Khóc rằng :-“Oan khốc vì ta
                      Có nghe lời trước, chẳng đà luỵ sau
                      Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu
                      Để AI trăng tủi hoa sầu vì AI”
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Vườn xưa khuất bóng AI rồi
                      AI thành tượng đá ngậm ngùi thiên thu
                      ...................(HSN-Thiên thu ngậm ngùi)

                      Nhìn nhau lòng những ngượng ngùng
                      Vì đâu AI bỗng lạnh lùng với AI
                      ...................(HSN-Tình cờ)

                      +++Trong các thí dụ trên , cùng một đại từ bất định AI (indefinite pronoun) nhưng đều chỉ 2 đối tượng khác nhau


                      3.2- Điệp ngữ kiêm chơi chữ :

                      ĐÀO tiên đã bén tay phàm
                      Thà vin cành QUÝT cho CAM sự đời
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      +Chơi chữ cùng một chủng loại : (Họ “trái cây” : Đào, cam, quýt).
                      +Chơi chữ một chữ 2 nghĩa : “cam” ngoài nghĩa là “quả cam” còn có nghĩa là “cam lòng, cam đành. cam chịu” nữa !

                      Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
                      Giật MÌNH, MÌNH lại thương MÌNH, xót xa
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Chơi chữ khác từ loại : “giật mình” (trạng từ cách thức-Adverb of manner), “mình” (chủ từ-Subject) , và “mình” (đại từ phản thân-Reflexive pronoun)

                      Mượn người thuê kiệu rước nàng
                      BẠC đem mặt BẠC kiếm đàng cho xa
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Chơi chữ một chữ 2 nghĩa : Chữ “Bạc” thứ nhất là danh từ riêng chỉ tên người (Bạc Hạnh), chữ “bạc” thứ hai là tính từ “bạc bẽo”

                      Lòng RIÊNG, RIÊNG những kính yêu
                      Chồng CHUNG chưa dễ ai chiều cho ai
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      +Chơi chữ khác từ loại : “riêng” trong “lòng riêng” là tính từ , chữ “riêng” thứ nhì là trạng từ (=especially)
                      +Chơi chữ từ đối lập : “chung” và “riêng”

                      Hiên tà gác bóng nghiêng nghiêng
                      Nỗi RIÊNG, RIÊNG chạnh tấc RIÊNG một mình
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Chơi chữ chữ riêng khác từ loại

                      CỔ chưa đứt CỔ là may
                      Phún nhân hàm huyết từ nay xin chừa !
                      ...................(HSN-Ứng hầu Phạm Thư)

                      Chơi chữ khác từ loại : Chữ “Cổ” thứ nhất là danh từ riêng chỉ tên người (Tu Cổ), chữ “cổ” thứ hai là danh từ chung (cái cổ, đầu cổ)


                      3.3- Điệp ngữ điên đảo càn khôn :

                      Nguyệt hoa / hoa nguyệt não nùng
                      Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng ?
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Lửng lơ / lơ lửng cánh diều
                      Lênh đênh theo sóng bọt bèo lênh đênh
                      ...................(HSN-Bọt bèo lênh đênh)

                      3.4- Điệp ngữ tiền hậu song trùng

                      Sá chi liễu ngõ hoa tường
                      Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Xót thay đào lý một cành
                      Một phen mưa gió, tan tành một phen
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Phận bèo bao quản nước sa
                      Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Anh hùng mới biết anh hùng
                      Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ?
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Giá đành trong nguyệt trên mây
                      Hoa sao hoa khéo đoạ đày bấy hoa ?
                      Tức gan riêng giận trời già
                      Lòng này ai hiểu cho ta hỡi lòng ?
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Dẫu rằng vật đổi sao dời
                      Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Thân tàn gạn đục khơi trong
                      Là nhờ quân tử khác lòng người ta
                      Mấy lời tâm phúc ruột rà
                      Tương tri dường ấy, mới là tương tri
                      .....................................(Nguyễn Du-Kiều)

                      Lá dâu thưa lá vườn dâu
                      Giàn hoa thiên lý phai màu giàn hoa
                      Bèo ken đặc kín ao nhà
                      Vườn mênh mông cỏ, xót xa không vườn ?
                      ...................(HSN-Áo anh sứt chỉ đường tà)

                      Lửng lơ lơ lửng cánh diều
                      Lênh đênh theo sóng bọt bèo lênh đênh
                      ...................(HSN-Bọt bèo lênh đênh)
                       
                      3.5- Điệp ngữ Lưỡng Đầu Xà

                      Là một loại Điệp ngữ Tiền hậu song trùng đặc biệt, 2 chữ cuối là hoán vị, là nghich đảo của 2 chữ đầu. Trong toàn bộ truyện Kiều chỉ tìm thấy một câu có sử dụng Lưỡng Đầu Xà như sau :

                      Nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng

                      Nhưng câu này không phải là Lưỡng Đầu xà chính tông, vì 2 chữ "hoàng hôn" ấy không nằm ở đầu câu
                      Các thí dụ về Lưỡng Đầu Xà khác có thể đọc thêm ở THI PHÁP chương 3,4 (phần nói về Thất Ngôn Bát Cú ).
                       
                      3.6- Điệp ngữ... Lã Đầu Xường
                       
                      Lã Đầu Xường là thủ pháp Điệp ngữ Lưỡng Đầu Xà Nghich Thiệt (nói lái). Hai chữ cuối là nghich đảo , nói lái của 2 chữ đầu. Hình thức này khó hơn Lưỡng Đầu Xà một bậc nữa , nhưng cũng tinh vi hơn, cao chiêu hơn , khó... nhằn hơn
                       
                      Hoàng hôn thấm lạnh hồn hoang
                      ...........................................
                       
                      Các bài tham khảo về Lã Đầu Xường (Xem chương 3,4)
                       

                      Kết luận về Mỹ Từ Pháp :

                      Các thủ thuật Mỹ từ pháp, ngoài những điều đã nêu (Ngắt mạch, Tiểu đối, Đồng dạng, Ẩn ngữ, Đảo ngữ, Điệp ngữ...) vẫn còn nhiều hình thức quái chiêu khác, cụ thể như : Nhân cách hoá, Ẩn dụ, Hoán dụ, Nghịch đảo, Thậm xưng, Khoa đại , Tỷ giảo v.v...
                      Tuy vậy, không thể một lúc mà có thể tiếp thu hết ngay được. Biết nhiều quá, nhiều khi lại chỉ ... có hại !!!
                      Các thủ pháp trên đây chỉ nên coi chúng như các công cụ “cưa, giũa, đục, bào, kìm, búa, ê-ke, vạch mực” mà thôi. Một điều quan trọng hơn là phải biết “lúc nào dùng công cụ nào” cho thích hợp nhất (Tất nhiên, không thể lấy búa ra cưa được, cũng không thể lấy kìm ra đục !).

                      Trong thực tế, chỉ có thể chọn lựa đúng công cụ cần thiết khi đã từng trải, lăn lóc với thơ, thu góp kinh nghiệm sử dụng dần dần theo kiểu “tích tiểu thành đại”. Điều này thật sự là không ai có thể giúp được cho ai vậy.
                      Nói chung, cứ đi tất sẽ đến, cứ làm tất sẽ biết mà thôi, các bạn ạ.

                      Hàn Sĩ Nguyên


                      #11
                        HanSiNguyen 11.08.2008 07:09:43 (permalink)
                        THƠ LỤC BÁT
                        3 PHỤ LỤC
                         
                        -------------------------------------------------
                        PHỤ LỤC 1
                        Bài biên khảo của NHẤT LANG
                        để giúp hiểu rõ thêm về Vần, và Thông vận
                        Trích từ "Tập làm thơ – Quy tắc căn bản”
                        by Nhất Lang.
                        ---------------------------------------------------

                        NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN

                        1) TIẾNG BẰNG:

                        Tiếng BẰNG là những tiếng KHÔNG DẤU, và những tiếng có DẤU HUYỀN, thí dụ như hai chữ "THƠ" và "TÌNH", cả hai chữ này đều là tiếng BẰNG ! Tiếng BẰNG là những tiếng có giọng ÊM dịu, có thể đọc kéo dài ra được.
                        *Phân loại : Tiếng BẰNG có HAI LOẠI: THƯỢNG BÌNH THANH, và HẠ BÌNH THANH.
                        Nói cách khác, Thượng Bình Thanh là tiếng BỔNG, Hạ Bình Thanh là những tiếng CHÌM hay TRẦM.
                        Nhất Lang dùng hai chữ thí dụ trên để nói tiếp:
                        -"THƠ" là tiếng KHÔNG CÓ DẤU, ta gọi là tiếng BỔNG!
                        -TÌNH là tiếng CÓ DẤU HUYỀN, ta gọi là tiếng CHÌM hay TRẦM!
                        Tiếng Bổng và tiếng Trầm chan hòa với nhau tạo ra âm điệu du dương, làm bài thơ hay hơn. Nếu ta chỉ dùng 1 loại tiếng trong một câu thơ thì âm điệu sẽ rất ngang và trúc trắc.

                        2) TIẾNG TRẮC :

                        Bên cạnh những tiếng BẰNG, chúng ta còn cần phải làm quen với những tiếng TRẮC. Tiếng TRẮC là những tiếng có giọng đọc ngắn, không kéo dài ra như tiếng BẶNG . Những tiếng có chữ C, CH, P, T đứng ở cuối tiếng và những tiếng có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều là những tiếng TRẮC.
                        Cũng như tiếng BẰNG, TRẮC có tiếng TRẦM và BỔNG - tiếng TRẦM của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu HỎI và NẶNG, tiếng BỔNG của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu SẮC và NGÃ.
                        Hai chữ "Lãng" và "Mạn" đều là tiếng TRẮC, "Lãng" là tiếng BỔNG, "Mạn" là tiếng Trầm hay Chìm.

                        3) KẾT HỢP BẰNG TRẮC :

                        Mỗi câu thơ đều nên có tiếng BẰNG và tiếng TRẮC, và vì hai loại tiếng khác nhau, nên ta phải xếp sao cho tiếng nọ chế tiếng kia, thì khi đọc sẽ tìm thấy một âm điệu du dương. Nói tóm lại, mỗi câu thơ nên được xếp sao cho mỗi loại tiếng chan hòa với nhau, có nghĩa là cố giữ sao cho câu thơ 8 chữ phải có ít nhất 3 tiếng BẰNG, 5 tiếng TRẮC hoặc ngược lại... nếu được 4 tiếng này, 4 tiếng kia thì càng tốt; câu thơ 8 chữ mà chỉ có 1 tiếng BẰNG và 7 tiếng TRẮC, thì câu thơ ấy thiệt là chướng tai ghê lắm.
                        Cho dù câu thơ có mấy chữ đi nữa, BẰNG và TRẮC nên được cân đối với nhau, tuy nhiên không đòi hỏi phải bằng số !
                        *Điều quan trọng :
                        Văn thơ khác hơn âm nhạc ở chỗ chữ BẰNG không thể nào hợp VẬN cùng chữ TRẮC. Nghĩa là chữ TÌNH có thể vần cùng chữ MÌNH, nhưng không thể vần cùng chữ TÍNH.
                        Luật định : BẰNG vần với BẰNG, TRẮC vần với TRẮC.

                        4) KẾT HỢP TRẦM BỔNG :

                        Tiếng Bổng và Trầm được xếp ra sao thì là do biệt tài của mỗi người, ta không có luật định rõ...
                        Tuy nhiên, TRẦM và BỔNG được xem là nhất định ở chữ thứ 6 và thứ 8 trong câu BÁT của thơ Lục Bát. Nếu tiếng BỔNG được dùng ở vị trí chữ thứ 6 thì tiếng TRẦM nhất định phải được dùng ở vị trí chữ thứ 8. Và ngược lại, nếu chữ thứ 6 đã là tiếng TRẦM, thì chữ thứ 8 nhất định phải là tiếng BỔNG. Nếu 1 loại tiếng được dùng ở cả hai vị trí nói trên, thì câu thơ ấy sẽ bị mất đi âm điệu của thơ.
                        Các bạn đọc thử hai câu thơ này:

                        Đêm nay trăng tỏ sao mờ,
                        Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em VỀ.

                        Các bạn đọc lại hai câu này:

                        Đêm nay trăng tỏ sao mờ,
                        Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em TÔI.

                        Hai câu trên đọc nghe chướng tai lắm, vì cả hai tiếng TRẦM đều được dùng ở vị trí thứ 6 và 8 trong câu Bát (câu có 8 chữ).
                        Hai câu dưới đọc nghe êm tai, vì hai loại tiếng khác nhau (Trầm và Bổng) đã được dùng vào vị trí chữ thứ 6 và 8 trong câu Bát.

                        5) VẦN :

                        VẦN - Nghĩa là những tiếng có cùng một ÂM HƯỞNG; hai tiếng có cùng giọng phát âm thì VẦN với nhau được... hai tiếng không VẦN với nhau thành ra LẠC VẬN, trái luật thơ !
                        Tuy hồn thơ, lời và ý đều quan trọng, nhưng nếu bài thơ không có VẦN thì không gọi là thơ. Cho dù là thơ MỚI (không chú trọng đến luật) cũng cần phải có VẦN thì bài thơ mới hạy

                        *Tiếng BẰNG vần với tiếng BẰNG, tiếng TRẮC vần với tiếng TRẮC... không có điều ngoại lệ!

                        a-Vần chính của vần BẰNG :

                        A vần với A hoặc À, E vần với E hoặc È, AN vần với AN hoặc ÀN, INH vần với INH hoặc ÌNH.
                        Một thí dụ cho vần chính của vần BẰNG:

                        Pháo nổ dồn, pháo nổ DỒN,
                        Pháo đang xâu xé tâm HỒN lẻ loi. ...

                        Trong hai câu LỤC BÁT trên Nhất Lang đã dùng vần chính của âm ÔN ...

                        Mắt em hãy nghiền nhắm,
                        Anh tặng một nụ HÔN,
                        Cho em ấm cả HỒN,
                        Mộng liêu trai chìm đắm.

                        Bốn câu trên được viết theo thể loại thơ MỚI (5 chữ), hai chữ cuối của câu 2 và 3 phải vần nhau, và Nhất Lang cũng đã dùng vần chính của âm ÔN. NHẮM và ĐẮM chỉ là trùng hợp, hai chữ này không cần phải VẦN nhau.
                        b-Vần chính của vần TRẮC

                        -Á với Á, Ả, Ã, hoặc Ạ vần với nhau.
                        -É với É, Ẻ, Ẽ, hoặc Ẹ vần với nhau.
                        Một thí dụ cho vần chính của vần TRẮC :

                        Cứ mỗi độ chiều về bên SUỐI,
                        Anh trộm nhìn đắm ĐUỐI dáng hoa.

                        Vần chính của vần TRẮC đã được dùng trong hai câu SONG THẤT trên.

                        c-Vần thông của vần BẰNG :

                        Vần thông là những tiếng không có cùng một ÂM như các vần CHÍNH, nhưng có cùng một giọng PHÁT ÂM, có thể ăn vận với nhau được.
                        Nếu không am hiểu vần THÔNG chúng ta rất dễ bị LẠC VẬN khi làm thơ. Vì thế khi muốm dùng vần thông, chúng ta cần phải hiểu rõ luật vần thông.
                        Theo kinh nghiệm và cách nhìn của Nhất Lang thì người miền Nam thường hay bị lầm lẫn về vần THÔNG hơn ( Nhất Lang chỉ nói là thường - riêng Nhất Lang cũng là người miền Nam.
                        VẦN THÔNG là những tiếng có sự vận động của môi và lưỡi rất giống nhau khi ta phát âm.
                        Nhất Lang cố gắng đem vào đây hầu hết những VẦN THÔNG mà chúng ta thường gặp ... Các bạn và các em cố gắng chú ý : CẦN NHẤT LÀ NÊN THUỘC LÒNG những vần Thông này, nếu không thì nên dùng chỉ vần chính mà thôi !

                        TÓM TẮT các VẦN THÔNG của vần BẰNG

                        -A và Ơ thông với nhau. Ơ và Ư thông với nhau
                        (Nhưng A và Ư KHÔNG thông với nhau được !)
                        -E, Ê và I thông với nhau
                        -O, Ô và U thông với nhau
                        -AI thông với AY. AI thông với tất cả các ÂM sau đây: OI, ÔI, ƠI, ƯƠI, UI, Nhưng, AY, tuy thông với AI nhưng không thông với các ÂM trên ! Tất cả những ÂM trên THÔNG với nhau.
                        -AO thông với AU. AU thông với ÂU, Nhưng AO không thông với ÂU.
                        -AO thông với tất cả các âm sau: EO, ÊU, IÊU, IU, ƯU Nhưng AU và ÂU không thể thông.
                        -AM thông với ƠM
                        -ĂM thông với ÂM
                        -ÊM thông với IM và EM
                        -AN thông với ƠN
                        -ĂN thông với ÂN và UÂN
                        -EN, IN, IÊN, và UYÊN thông nhau
                        -ON, ÔN và UÔN hoặc UN thông nhau
                        -ANG và ƯƠNG thông nhau. ƯƠNG và UÔNG thông nhau. Nhưng ANG không thông với UÔNG.
                        -ĂNG, ÂNG, và ƯNG thông nhau
                        -ONG, ÔNG, và UNG thông nhau
                        -ANH, ÊNH và INH thông nhau

                        *LƯU Ý :

                        ***ĂN và ĂNG, ÂN và ÂNG, hay UN và UNG, ON và ONG, ÔN và ÔNG vv... không thông nhau.
                        Những chữ có "G" theo sau nhất định chỉ thông với những chữ có G theo sau ! Đây là điểm mà Nhất Lang nhìn thấy người có giọng phát âm của miền Nam hay bị lầm vì sơ ý hay theo thói quen. (Nhất Lang lắm khi cũng không ngoại lệ)

                        ***NHẮC LẠI : Khi Nhất Lang bảo là THÔNG thì có nghĩa là những ÂM ấy VẦN với nhau được !

                        d-Vần thông của vần TRẮC

                        Vần thông của vần TRẮC cũng dựa theo nguyên tắc như những vần thông của vần BẰNG.
                        Vần thông có nguyên âm đứng cuối :
                        -É, Í, Ẻ, Ỉ, Ẽ, Ĩ, Ẹ, Ị thông với nhau.
                        Cũng như vần BẰNG tất cả những âm I có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều có thể thông với những âm Y có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG, nhưng Y không thông được với E.
                        -Ổ, Ũ, Ó, hay Ộ, Ú, Ọ thông nhau
                        -Ọ và ỦA thông nhau (tất cả các âm O và UA có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều thông)
                        -ĨA và UỆ thông nhau
                        -ÁO, IỄU, ẢO, YẾU, ÉO, ỈU, ỮU và tất cả các đồng âm có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần được.
                        -ÓI, ẢI, Ội, ỠI, ƯỢI, ÚI và các đồng âm có các dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần nhau được.
                        -ẤC và ỰC thông nhau
                        -ẠM, ỢM, ÁM, ỞM thông nhau
                        -ẶN và ẨN hay UẨN thông nhau
                        -ÓNG và ÚNG
                        -ẬT và ẮT
                        -ẬT và ỨT
                        -ÚT và UỐT vv...

                        Tóm lại : vần thông của vần TRẮC không khác chi vần thông của vần BẰNG về ÂM, tuy nhiên ta cần hiểu rõ khác biệt giữa TRẮC và BẰNG.

                        6) GIEO VẦN

                        Sau đây là các điều đáng nhớ trong sự GIEO VẦN:

                        * A, Ă, Â rất thường được GHÉP với một phụ âm khác như C, M, N, P, T để tạo thành âm GHÉP như: AC, ĂC, ÂC... AM, ĂM, ÂM... AN, ĂN, ÂN... AP, ĂP, ÂP... AT, ẮT, ẤT vv... Những vần GHÉP nói trên CHỈ thông được với nhau khi có cùng một phụ âm đứng trước!
                        Thí dụ: BÁT thông được với BẮT hay BẤT, mà KHÔNG thông được với CẮT hay CẤT hoặc MẮT hay MẤT... tuy nhiên BÁT thông được CÁT hay MÁT vì chúng đều có âm GHÉP "AT" theo sau.
                        *TAM thông với TĂM hay TÂM, mà KHÔNG thông với CĂM hay CÂM, cũng không thông được với TRĂM hay TRÂM... tuy nhiên TAM thông được với CAM, TRAM, vì chúng có cùng âm GHÉP "AM" theo sau.
                        *TAN thông với TĂN hay TÂN, mà không thông với VĂN hay VÂN vv...

                        a-Khi có vần GHÉP bằng 2 hoặc 3 chữ nguyên âm với một phụ âm đứng cuối: IÊN, UYÊN, UÂN, UÔN, ta nên lấy 2 chữ cuối cùng làm VẬN CĂN, Có nghĩa là dựa theo hai chữ cuối cùng mà gieo vần...

                        Thí dụ:
                        -EN, IN, vần với YÊN hay UYÊN
                        -ÂN vần với UÂN
                        -ƠN vần với OAN
                        -ON vần với UÔN

                        b-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm với 2 phụ âm
                        Thí dụ như chữ ƯƠNG... thì ta nên lấy 3 chữ cuối mà làm VẬN CĂN để GIEO VẦN.
                        Cho nên : ƯƠNG vần với ANG,
                        Cũng nên nhớ : ƯƠNG vần với UÔNG vì Ơ vần với Ô, nhưng UÔNG không vần với ANG vì Ô không vần với A.

                        c-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm :

                        Khi có loại âm này thì ta nên theo âm điệu mà lấy 1 hay 2 chữ ấy mà làm VẬN CĂN.
                        Thí dụ:
                        -OA, OE, UÊ, UY... thì vận căn là A, E, Ê, Y; nên OA vần với A, OE vần với E, UÊ vần với Ê, UY vần với I hay Y.
                        -UÂY vần với ÂY
                        -IA, UYA ... vận căn là I, Y mà chữ A đứng cuối không ảnh hưởng chi cả.
                        -UA, ƯA vận căn là U , Ư chữ A cuối không ảnnh hưởng chi cả
                        -I vần với IA
                        -A vần với IA trong chỉ một chữ GIA, không vần với IA bắt đầu bằng phụ âm khác, như TIA, KIA...
                        -Ư vần với ƯA
                        -Ô vần với UA vv...

                        d-Lưu ý :
                        -Hai tiếng đồng âm và đồng nghĩa thì không vần được với nhau !
                        -Hai tiếng đồng âm mà khác nghĩa thì vần được !

                        Các bạn và các em đọc lại tất cả các bài trên đây để làm quen và có gì thắc mắc, cứ hỏi... Nhất Lang sẽ cố gắng trả lời theo khả năng của mình.
                        Sau khi mọi người thông qua từ BẰNG & TRẮC, BỔNG & TRẦM, VẦN CHÍNH & VẦN THÔNG thì mình sẽ bắt đầu nói đến THƠ LỤC BÁT !
                        Những bước trên là những điều căn bản mà các anh chị, các bạn, và các em cần phải hiểu khi bắt đầu tập làm thơ.
                        Nhất Lang mong rằng những điều ghi trên giúp ích được cho các anh chị, các bạn, và em muốn làm quen cùng nguyên tắc làm thơ. Bài kế tiếp Nhất Lang sẽ bắt đầu nói đến những loại thơ.
                        Chúc tất cả vui vẻ và thành công!

                        -Nhất Lang-

                        =====================================
                        (HSN giới thiệu)
                        #12
                          HanSiNguyen 11.08.2008 07:18:07 (permalink)
                          THƠ LỤC BÁT
                          3 PHỤ LỤC
                           
                          ------------------------------------------------------------------
                          PHỤ LỤC 2
                          NHỮNG VẦN NÀY “CƯỠNG” HAY “THÔNG” ?
                          -Hàn Sĩ Nguyên-
                          -------------------------------------------------------------------

                          1-Nhắc lại đôi điều về cách hoà vận

                          Có 4 cách hoà vận :

                          a-Chính vận : là những vần ăn khớp chặt chẽ với nhau (ví như anh em ruột vậy)
                          Thí dụ :
                          A với A
                          I với I
                          AI với AI
                          ONG với ONG v.v....
                          gọi là chính vận ( vần nào ăn khớp chặt chẽ với vần nấy )

                          b-Thông vận : là những vần cùng nhóm, hơi khác nhau một chút nhưng có thể tương thông với nhau. Nói nôm na là “hơi khác nhau, nhưng nghe ... lọt tai” (ví như anh em chú bác ruột vậy).
                          Thí dụ :
                          A với oa
                          I với e, ê, ia, uy
                          AI với ay, ây
                          EM với êm, im, iêm
                          ANH với inh, ênh, uynh
                          ANG với oang, ương
                          ONG với ông, ung v.v...
                          gọi là thông vận ( vần hơi khác loại nhưng ăn thông với nhau được )

                          c-Cưỡng vận : là vần ép, vần cưỡng bách, bản thân chúng không liên quan với nhau mấy ( bà con quá xa, xa 5,7 đời) thực chất thì không thông nhau được, nhưng miễn cưỡng dùng ép cũng ... tạm được. Tất nhiên cưỡng vận chỉ được dùng khi ... bí vận mà thôi. Miễn cưỡng thì cũng được, nhưng nếu dùng nhiều quá thì sẽ làm giảm hoặc mất giá trị bài thơ
                          Thí dụ :
                          AN với ang
                          ON với om
                          ƠN với ơm
                          ÔN với ôm
                          UÔN với ƯƠNG
                          IN với inh, im, êm, iêm ...
                          v.v.....
                          gọi là cưỡng vận ( vần ép, vần cưỡng bách )

                          d-Lạc vận :
                          Ơ với ơi
                          A với ai, ia
                          Ô với ôi, ôn, ông
                          ƠI với ơn
                          AI với an, ang v.v....
                          gọi là lạc vận ( vần ăn ... trét; không hoà vận )

                          Trong 4 cách hoà vận nói trên
                          -Chính vận thường chặt chẽ, nhưng cũng gò bó, kém phần linh động.
                          -Thông vận là cách hòa vận thoải mái nhất, làm cho bài thơ trở nên đặc sắc, biến ảo vô cùng
                          -Cưỡng vận là vần ép, miễn cưỡng cũng có thể dùng được, nhưng nếu sử dụng cưỡng vận nhiều quá, sẽ làm giảm giá trị câu thơ

                          Tóm lại :
                          Cả ba cách hoà vận nói trên đều dùng được
                          Chỉ riêng Lạc vận là phải tuyệt đối tránh, gieo vần lạc vận kể như bài thơ hỏng

                          2-Cưỡng hay thông ?

                          Một vấn đề thường hay gây ra tranh cãi là bản thân 2 vần nào đó là “Cưỡng vận” hay “Thông vận” của nhau ?. Một tiêu chuẩn là xét theo truyện Kiều, những vần nào Nguyễn Du có sử dụng, được coi như thông vận.
                          Một số thí dụ như sau :

                          ***Ong, ông, ung là thông vận
                          Thí dụ :
                          Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
                          Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán LÒNG
                          Phòng văn hơi giá như ĐỒNG
                          Trúc se ngọn thỏ, tơ CHÙNG phím loan
                          ........................................Nguyễn Du-Kiều [251-254]

                          ***Ang, oang, ương là thông vận
                          Thí dụ :
                          Cung thương làu bậc ngũ âm
                          Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một TRƯƠNG
                          Khúc nhà tay lựa nên XOANG
                          Một thiên “Bạc mệnh” lại CÀNG não nhân
                          ........................................Nguyễn Du-Kiều [31-34]

                          ***Nhưng ong, ông và ương là cưỡng vận. (Trong toàn bộ truyện Kiều, không có câu nào ông đi đôi với ương cả)
                          Cưỡng vận tuy miễn cưỡng cũng dùng được, nhưng nếu có thể thì nên tránh .

                          3-Nguyên tắc chung của các quan điểm liên quan đến Thông vận và Cưỡng vận là :
                          -Vần nào Nguyễn Du có sử dụng được kể như thông vận
                          -Vần nào Nguyễn Du không sử dụng là cưỡng vận

                          4-Thật ra, quan niệm cưỡng hay thông cũng là do con người định đoạt. Một vần nào đó bản chất là cưỡng, nhưng nếu được dùng nhiều lần quen đi trong những bài thơ hay thì dần dần cưỡng ấy sẽ được coi như thông mà thôi :

                          a-Trong truyện Kiều :

                          Rất ít khi thấy xuất hiện Cưỡng vận. Cả bộ truyện, chỉ có thể nhặt ra được 4 lần Nguyễn Du sử dụng cưỡng vận mà thôi :

                          Lời con dặn lại một hai
                          Dẫu mòn bia đá, dám phai tấc VÀNG
                          Lạy thôi nàng lại rén CHIỀNG :
                          -“Nhờ cha trả được nghĩa CHÀNG cho xuôi” [771-774]

                          Tin nhà ngày một vắng TIN
                          Mặn tình cát luỹ, nhạt TÌNH tào khang [1480]

                          Bao nhiêu đoạn khổ tình thương
                          Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở THAN
                          Dặn tôi đứng lại một BÊN
                          Chán tai rồi mới bước lên trên lầu [2002]

                          Lệnh quan ai dám cãi lời
                          Ép tình mới gán cho người thổ quan
                          Ông tơ thật nhẽ đa ĐOAN
                          Xe tơ sao khéo vơ QUÀNG vơ xiên [2600]

                          b-Trong phong trào thơ mới 1932 :

                          Kiểu hoà vận này lại rất thường thấy

                          Thí dụ :
                          Viết vội mấy dòng để ý TAN
                          Đang khi hồn ở chốn mơ MÀNG
                          Chỉ mong ân ái vài giây phút
                          Giữa lúc say say tưởng cạnh NÀNG
                          .................................Say- Đỗ Huy Nhiệm......

                          Nàng về thôn nảo thôn nao ấy
                          Sau núi nghiêng nghiêng đá chập CHÙNG
                          Những buổi chiều vàng sau nắng nhạt
                          Theo chiều lại đến với yêu THƯƠNG
                          .................................Say- Đỗ Huy Nhiệm....

                          Đừng mong ước cả thiên ĐƯỜNG
                          Hãy xin lấy nửa mảnh VƯỜN trắng hoa
                          -----------------------Giản dị-Hồ Dzếnh........

                          Khăn nhung quần lĩnh rộn RÀNG
                          Áo cài khuy bấm em LÀM khổ tôi
                          ............................Chân Quê-Nguyễn Bính....

                          Nào đâu cái áo tứ thân
                          Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái ĐEN ?
                          Nói ra sợ mất lòng EM
                          Van em em hãy giữ NGUYÊN quê mùa
                          ............................Chân Quê-Nguyễn Bính....

                          Lòng tôi như chiếc thuyền NAN
                          Tình cô như khách sang NGANG một chiều
                          ..............................Sang ngang-Nguyễn Đình Thư

                          Ta nhớ chiều khi dưới ánh TRĂNG
                          Cúi nâng tà áo nhẹ tay CẦM
                          Mơ màng ngỡ nắm tơ trăng biếc
                          Áo lụa ngời trăng đẹp mỹ NHÂN
                          .....................Áo lụa-Bàng Bá Lân.......

                          Lớn lên em đã biết làm DUYÊN
                          Mỗi lúc gặp tôi che nón NGHIÊNG
                          Nghe nói ba em chưa chịu nhận
                          Cau trầu của khách láng giềng BÊN
                          .................Gái Quê- Hàn Mặc Tử .......

                          Hôm nay sáng tỏ cung HẰNG
                          Khiến lòng em nhớ hôm RẰM bên anh
                          ...........................Ghen Trăng- Mai Đình ......

                          Một mùa thu trước mỗi hoàng HÔN
                          Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy BUỒN
                          Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
                          Tôi chờ người đến với yêu ĐƯƠNG
                          ..................Hai sắc hoa Ti-gôn – TTKH .......

                          Tóm lại :

                          Qua những thí dụ ấy, ta thấy rằng nếu biết dùng cưỡng vận một cách hạn chế, có chừng mực thì bài thơ vẫn hay như thường. Còn nếu lạm dụng, hoặc dùng không khéo thì ... khó nghe lắm.
                          Và cuối cùng thì câu hỏi “Vần này Cưỡng hay Thông” vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu đáp vậy.

                          HÀN SĨ NGUYÊN

                          #13
                            HanSiNguyen 11.08.2008 07:26:30 (permalink)
                            THƠ LỤC BÁT
                            3 PHỤ LỤC
                             
                            -----------------------------------
                            PHỤ LỤC 3
                            Một số bài Lục bát tiêu biểu
                            -----------------------------------

                            1-Chân quê
                            -Nguyễn Bính-

                            Hôm qua em đi tỉnh về
                            Đợi em ở mãi con đê đầu làng
                            Khăn nhung quần lĩnh (1) rộn ràng
                            Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi !
                            Nào đâu cái áo lụa sồi
                            Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ?
                            Nào đâu (2) cái áo tứ thân
                            Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ? (3)
                            Nói ra sợ mất lòng em
                            Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa (4)
                            Như hôm em đi lễ chùa
                            Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
                            Hoa chanh nở giữa vườn chanh (5)
                            Thày u mình với chúng mình chân quê (6)
                            Hôm qua em đi tỉnh về
                            Hương đồng gió nội (7) bay đi ít nhiều.

                            Nguyễn Bính

                            -7 lần dùng Mỹ từ pháp :

                            (1)-Tiểu đối mini 2/2 : “Khăn nhung / quần lĩnh”
                            (2)-Điệp ngữ và câu đồng dạng : “Nào đâu ...”
                            (3)-Tiểu đồng dạng 4/4 : “Cái khăn ... / cái quần ...”
                            (4)-Ngắt mạch 2/6
                            (5)-Điệp ngữ 2 chữ “chanh”
                            (6)-Điệp ngữ 2 chữ “mình” và ngắt mạch 3/5
                            (7)-Tiểu đối mini 2/2 : “Hương đồng / gió nội”

                            -2 lần sử dụng cưỡng vận :

                            *“ràng” (câu 3) và “làm” (câu 4)
                            *“đen” (câu 8) với “em” (câu 9), và “em” (câu 9) với “nguyên” (câu 10)

                            ***Ý kiến của HSN :

                            Trong 16 câu thơ ngắn ngủi, tác giả đã thực hiện 7 lần thủ pháp Mỹ từ hoá, và bài thơ có đủ cả 3 phần nhập đề, thân bài, kết luận !!! Vì vậy, dẫu rằng có 2 lần sử dụng cưỡng vận, bài thơ vẫn không mất hoặc giảm đi giá trị thực sự của nó. Trước sau đây vẫn là một bài thơ hay của Nguyễn Bính nói riêng, và văn học VN nói chung vậy.

                            -------------------------------------------

                            2-Giản dị
                            -Hồ Dzếnh-

                            Em ăn, em nói, em cười [1]
                            Đời này không có hai người như em
                            Kinh thành quần nhiễu, hàng len [2]
                            Em tôi áo trắng quần đen [3] sơ sài
                            Ai mà để ý đến ai [4]
                            Quần đen lẩn bóng, áo gai lẩn màu [5]
                            Trót đời hai đứa yêu nhau
                            Quần đen hoá đẹp, áo sầu hoá vui [6]
                            Tình là hạnh phúc chia đôi
                            Hương lan kẽ lá, trăng soi dặm đường [7]
                            Đừng mong ước cả thiên đường
                            Hãy xin lấy nửa mảnh vườn trắng hoa.

                            Hồ Dzếnh

                            -7 lần dùng Mỹ từ pháp :

                            [1]-Ngắt mạch 2/2/2
                            [2]-[3]-Tiểu đối mini 2/2
                            [4]-Điệp ngữ bất định từ AI
                            [5]-[6]-Tiểu đồng dạng
                            [7]-Tiểu đối 4/4 : đối song song

                            -2 lần bị cưỡng vận :

                            *“em” (câu 2) và “len” (câu 3)
                            *“đường” (câu 12) và “vườn” (câu 13)

                            ***Ý kiến của HSN:

                            Trong bài Lục bát 12 câu này, tác giả đã sử dụng 7 lần thủ pháp Mỹ từ hoá thuộc 5 hình thức khác nhau !!! Vì vậy, dẫu có đến 2 lần bị cưỡng vận, đây vẫn là một bài thơ hay.


                            ---------------------------------------

                            3-Sang ngang
                            -Nguyễn Đình Thư-

                            Lòng tôi như chiếc thuyền nan
                            Tình cô như khách sang ngang một chiều [1]
                            Thu nào quá đỗi cô liêu
                            Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn [2]
                            Bến tình vương vất khói sương [3]
                            Phất phơ vạt áo dọc đường hư không
                            Sóng đưa bọt nước mênh mông
                            Ai người xa bến còn trông nhớ đò ?

                            Nguyễn Đình Thư

                            -3 lần dùng Mỹ từ pháp :

                            [1]-Thủ pháp Nhập đề Tỷ giảo
                            [2]-Tiểu đối 4/4
                            [3]-Đảo ngữ toàn phần : Ý câu xuôi là “Khói sương vương vất ở nơi bến tình”.

                            -2 lần bị cưỡng vận :

                            *“nan” (câu 1) và “ngang” (câu 2)
                            *“buồn” (câu 4) và “sương” (câu 5)

                            ***Ý kiến của HSN :

                            Trong bài thơ 8 câu này, tác giả đã 3 lần vận dụng thủ pháp Mỹ từ hoá. Chỉ 3 lần thôi, nhưng hiệu quả thật là lớn lao. Hai lần cưỡng vận vẫn không làm giảm được giá trị bài thơ.

                            ----------------------------------------------

                            4-Tương Tư
                            -Trần Huyền Trân-

                            Phải đây mùa nhớ thương nhau
                            Chim ngoài ngọn giá, hoa đầu cành mưa (1)
                            Biết yêu thì khổ có thừa
                            Hình dung một thoáng tương tư chín chiều (2)
                            Xa nhau gió ít lạnh nhiều (3)
                            Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh (4)
                            Bóng đơn đi giữa kinh thành
                            Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta (5)
                            Đêm về hương ngát bên hoa
                            Tỉnh ra thì lại vẫn là chiêm bao.

                            Trần Huyền Trân

                            (1),(2),(4),(5)-Tiểu đối 4/4
                            (3)-Tiểu đối mini 2/2

                            ***Ý kiến của HSN :

                            Trong 10 câu ngắn ngủi, tác giả đã sử dụng 5 lần thủ pháp Mỹ từ hoá, và không có chỗ nào bị cưỡng vận cả. Tuy vậy, bài thơ này hơi “phô” (mắc lỗi nhẹ) vì 2 lẽ :

                            -Một là, dùng quá nhiều tiểu đối (5 lần), không có thủ pháp khác chen vào, nên có vẻ hơi gượng ép, thiếu nét tự nhiên
                            -Hai là, 2 lần dùng chữ “thì” trong câu 3 và câu 10. “Phô” nhất là 4 “dư từ” đi liên tiếp với nhau trong câu cuối : “thì lại vẫn là” (!). Tiếc thay !

                            Trong thi ca, việc sử dụng những “dư từ” như : thì , và, là, mà, [cho] nên, bởi, tại, vì, do, lại, cũng, vẫn, cứ, dù, dẫu [rằng], nhưng, v.v... là điều nên tránh. Càng ít sử dụng những “dư từ” này càng tốt vậy

                            Hàn Sĩ Nguyên

                            #14
                              HanSiNguyen 20.08.2008 08:40:20 (permalink)
                              =====================
                              THI PHÁP
                              - Chương II-
                              LỤC BÁT BIẾN THỂ
                              =====================

                              Nội dung phần II
                              Các biến thể của thơ Lục Bát bao gồm :

                              1-Lục bát Đoạn cú 
                              2-Lục bát “Tứ Bằng Lục Trắc”
                              3-Lục Bát thêm vào (Lục bát More)
                              4-Lục bát biến thể âm vận (Lục bát Bút Tre)
                              5-Lục Bát Trắc vận
                              6-Lục bát xen kẽ, và Lục bát kết bài
                              7-Song Thất Lục Bát
                              8-Lục Bát Lập thể
                              =================
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 24 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9