Mười hai bến nước - Lê Phúc Lữ
Thanh Vân 23.07.2008 05:21:49 (permalink)
Mười hai bến nước
 
 

 Lê Phúc Lữ


 

Con nhỏ đó tên là Mây, và hai bạn gái của nó cũng tên là Mây, nên để phân biệt tôi gọi nó là Mây "lang thang". Ở thành phố biển này rất ít trẻ bụi đời lang thang vờ kiếm sống nhưng thực chất là để xin "đểu", ăn cắp hoặc cướp giật như ở một số thành phố khác. Mây "lang thang" thực sự có một nghề để kiếm sống, đó là đi bán báo rong và bán vé số.



Lần đầu tôi gặp Mây ở vườn hoa trung tâm thành phố. Mây trạc tuổi trăng tròn, có thể nhận biết rõ ràng nó mới ở nông thôn vào thành phố kiếm sống.

Nhìn kỹ một chút thì đó là một thiếu nữ khá xinh đẹp, còn mang chút hương đồng gió nội.
Lần đầu gặp tôi, con Mây niềm nở mời chào:
- Chào chú! Chú mua giúp con tờ báo.
Tôi cũng vui vẻ đón nhận:
- Để chú xem nào - Tôi lật qua cả xấp báo của nó rồi đưa cho nó hai ngàn đồng mà không lấy tờ nào.
- Sao vậy hả chú? Ít ra chú cũng phải chọn lấy một tờ báo con mới dám lấy tiền của chú.
- Ơ hay con bé này, chú cho con mà. Không chỉ hôm nay thôi, ngày nào cũng vậy, vào giờ này chú gặp con ở đây chỉ xem qua thôi và sẽ cho con hai ngàn đồng.
Con Mây vui vẻ nhận lấy cả xấp báo rồi lặng lẽ ngồi vào ghế đá bên cạnh tôi. Tôi vờ lơ đãng nhìn dòng người hối hả trên đường phố nhưng thật ra chú ý quan sát nó. Nó có một cái dáng vẻ học đòi trang điểm chứ không giống những đứa trẻ bán báo khác. Từ mái tóc thề của nó tỏa ra mùi thơm của một loại nước hoa rẻ tiền. Nó đánh môi đỏ, má hồng, may thay là nó chưa sơn đỏ các móng tay, móng chân…
Tôi có kinh nghiệm rằng, thường thì những đứa con gái sớm trang điểm dễ sa vào số phận đào hoa và bất hạnh. Tôi tin rằng con Mây này trước sau cũng vậy thôi.
Cái Mây vui vẻ cầm hai ngàn đồng tôi cho nó. Nó cảm ơn tôi rồi lại cắp xấp báo lang thang trên đường phố. Có lần con Mây băn khoăn và mạnh dạn hỏi tôi: "Chú ơi, sao chú kỳ vậy? Chú chẳng cần xem bất cứ tờ báo nào mà cứ mất tiền hoài với con…".
- Ơ hay con bé này! Chú muốn giúp con mà. À! Mây này, chú hỏi thật con nhé! Thế ba má con đâu mà con lang thang đi bán báo thế này?
Cái Mây không trả lời tôi ngay, nó táp cả xấp báo vào ngực và lặng lẽ cúi xuống! Cái mũ lưỡi trai trên đầu đã che kín nửa khuôn mặt của nó. Giá tôi nhìn được vào mắt nó, ắt là tôi cũng đoán ra tâm trạng của nó lúc này. Tôi thấy cái Mây sụt sùi khóc. Tôi để mặc cho nó khóc vì chắc rằng nước mắt sẽ làm cho nó vơi đi nỗi buồn tủi. Lát sau cái Mây chậm rãi kể:
- Chú ơi! Con khổ tâm lắm! Con đâu muốn đi bán báo như thế này, nhưng con chưa tìm được việc nào khác mà con thì rất cần có tiền. Ba má con đã ly hôn, ba con lấy vợ khác và đã có con; má con cũng đi lấy chồng nhưng con không chịu ở với dượng, con về quê ở với bà ngoại. Ngoại của con năm nay đã ngoài bảy mươi, không làm được gì nữa. Con ra thành phố bán báo và cố gắng mỗi tháng gửi về cho ngoại một trăm ngàn đồng. Dẫu chẳng đủ nuôi ngoại nhưng ngoại có thêm quà.
Tôi phàn nàn:
- Nhưng con cứ lang thang bán báo như thế này, chú e không đủ sống chứ đừng nói đến có tiền gửi về quê cho ngoại.
- Con cũng sắp thôi bán báo rồi chú ạ. Con có con bạn ở Nha Trang rủ con vào đó bán hàng cho quán giải khát ở bãi biển, mỗi tháng cũng có dư đến triệu đồng.
Tôi vội can ngăn:
- Sao con dễ tin bạn thế. Làm gì có chuyện bà chủ quán trả con tiền công cao như vậy. Chú thừa biết rằng phần lớn các chủ quán chỉ nuôi ăn ba bữa, còn thảng hoặc cho thêm vài ba trăm ngàn đồng là cùng. Con đừng ngây thơ, cả tin làm vậy.
- Chú ơi! Sao chú thực thà thế! Tiền công thì đúng là như vậy, nhưng tiền khách cho thêm là chủ yếu. Con bạn con nó kể rằng có hôm khách rủ nó đi chơi ngoài bãi biển rồi cho nó tới vài trăm ngàn đồng, nhưng khi về quán chỉ phải đưa cho bà chủ có ba mươi ngàn đồng.
- Vậy là con đã quyết định?
- Vâng! Chú ơi! Còn do dự nỗi gì. Con chỉ cần có tiền, có tiền là hạnh phúc rồi, có tiền là có tất cả…!.
- Chú khuyên con nên suy nghĩ lại! Đồng tiền là con dao hai lưỡi, có người vì chạy theo đồng tiền mà đã đánh mất chính mình!
Cái Mây không giải thích gì thêm với tôi, nó chào tôi rồi lại cắp xấp báo đi...
Tôi nhìn theo con Mây, lòng đầy ái ngại.
Đêm hôm ấy, tôi không sao ngủ được, tôi ngồi viết phần mở đầu cho một thiên truyện ngắn. Tôi thao thức vì biết trước là thân phận của con Mây đã bắt đầu bước vào thời kỳ đầy bất hạnh. Biết lấy gì để cứu giúp nó khi tôi chỉ là một nhà báo quèn chuyên viết về đề tài chống tệ nạn xã hội mà chẳng đề xuất được biện pháp nào hữu hiệu…
Đã hai tuần lễ trôi qua, tôi không gặp cái Mây đi bán báo dọc theo đường phố nữa để có dịp cho nó hai ngàn đồng mỗi ngày. Tôi ngồi lặng đi trên ghế đá ở công viên thành phố, nơi tôi đã từng ngồi với nó mỗi buổi chiều. Có lần cái Mây kể với tôi rất thảm: "Chú ơi! Hai ngàn chú cho con là đủ để con kiếm bữa rồi đó!". Tôi bỗng thấy lòng mình thắt lại: Vậy thì nó ăn thứ gì mà chỉ có hai ngàn đồng một bữa? Có chăng là cơm trắng với mắm tép hoặc là nhai cái bánh mỳ không có nhân. Thế mà cái Mây vẫn khỏe mạnh, nó vẫn đủ sức để suốt ngày lang thang trên hè phố.
Cái Mây không còn ở thành phố này nữa, vậy là nó đã vào thành phố Nha Trang thật rồi.

 
 
    Thành phố Nha Trang đẹp nhất là tuyến đường chạy dọc theo bờ biển. Nha Trang vào hè đường phố dọc biển nhộn nhịp khác thường. Chiều nào cũng vậy, khách thập phương và dân thành phố đổ ra biển rất đông. ở bãi biển Nha Trang có đủ đồ ăn, thức uống phục vụ mọi yêu cầu của khách. Tôi đi dọc theo bãi tắm của thành phố dài tới bảy cây số để tìm cái Mây mà chẳng gặp được nó. Tới bờ biển vắng, tôi dừng chân, vào một quán giải khát thì bất chợt lại gặp Mây.
Cái Mây sửng sốt nhìn tôi rồi chào:
- Con chào chú! Sao chú lại biết con ở đây mà tới?
- Tình cờ thôi con ạ! Ta đâu có ý định tìm con làm gì. Nhưng cứ như có ông trời xui khiến nên ta gặp được con là lẽ đương nhiên…
Tôi bảo cái Mây vào trong quán lấy hai ly nước dừa và dặn cái Mây xin phép chủ quán được ngồi nói chuyện với tôi với lời nói dối là có ông chú ở quê ra gặp cháu. Cái Mây bưng một cái khay có hai ly nước dừa đặt xuống bàn trước mặt tôi và nói: "Chú ơi! Hai ly nước dừa này là hai mươi ngàn đồng đó".
- Ủa! Sao ở đây giá đắt thế con?
- Không đắt đâu chú à! Khách ở đây vẫn thường chấp nhận vậy thôi. Chú có biết không, ở đây bà chủ tính cả tiền công của con ngồi tiếp chú đó.
- À! Chú hiểu rồi. Thôi con ngồi đây uống nước với chú, chú muốn hỏi chuyện con.
Cái Mây lặng lẽ ngồi xuống ghế đối diện với tôi. Nó thu mình lại có vẻ ngại ngần. Lúc này tôi mới nhìn kỹ nó. Trước mắt tôi là một thiếu nữ xinh xắn, ăn mặc cũng rất đúng mốt. Khác với hồi nó đi bán báo rong đường phố, cái Mây bây giờ đã biết trang điểm, đã có giọng nói khá hấp dẫn. Tôi ngắm nhìn nó thay đổi khá nhanh chóng và lòng tôi bỗng thổn thức.
- Thế mỗi lần con ngồi tiếp khách như thế này thì bà chủ cho con bao nhiêu tiền?
- Đâu có, tiếp khách là công việc bà chủ giao, mỗi ngày con tiếp vài ba lượt khách, vị chi như vậy con đã có tới trăm ngàn đồng. Tiền khách cho thêm con mà.
- Thảo nào chú thấy con thay đổi hẳn so với thời con bán báo rong. Mây này, chú hỏi thật nhé! Dây chuyền con đeo ở cổ và hai chiếc nhẫn ở tay con là vàng thật hay vàng giả.
- Ồ! Sao chú ngộ thế! Vàng thật chứ con đeo vàng giả làm gì?
- Không ngộ đâu con ạ! Con mới vào Nha Trang được ba tuần lễ thì sao kiếm được số tiền lớn như vậy? Hay là con…
Cái Mây khá thông minh, nó chợt nhớ ra điều gì làm nó chột dạ, nó nhìn chằm chằm vào mặt tôi và căn vặn: "Chú là công an phải không? Chú điều tra con phải không?".
- Bình tĩnh nào con. Chú không phải công an hình sự điều tra, chú là người làm báo, người viết văn… Đây là thẻ phóng viên của chú, con xem có đúng không nào?
- Thế chú cứ hỏi mãi chuyện con để làm gì?
- Để chú nghiên cứu, chú đề xuất cho nhà nước tìm cách làm cho đời các con bớt khổ.
- Con chẳng thể tin lời chú nói. Ai có thân người ấy lo. Mà con đã lo được đó. Chú xem con bây giờ có khá không?
- Chú công nhận. Nhưng chú hỏi thật con nhé: Con bằng cách nào mà có nhiều tiền như vậy?
Cái Mây không trả lời câu hỏi của tôi, nó cúi xuống và khóc. Lại một lần nữa tôi để mặc cho cái Mây khóc. Tôi thật sự mong cho nó khóc thật nhiều, và chỉ có nước mắt mới làm cho nó vơi dần nỗi đau đời.
- Chú ơi! Chú là một nhà báo tốt bụng, chú đã giúp đỡ con vô tư… Chú đã đến đây gặp con thì con cũng chẳng giấu chú làm gì. Con coi chú như cha bởi lẽ ba má con giờ đây đâu có thèm đoái hoài gì đến con. Nhưng chú phải hứa với con nếu chú viết báo xin chớ nêu tên thật của con.
Tôi vội nói với nó:
- Chú xin hứa với con, và hơn thế nữa, nếu chú có thể làm được việc gì tốt cho con thì chú sẵn lòng giúp con.
Cái Mây không còn nước mắt để mà khóc nữa, mắt nó ráo hoảnh, nó nhìn tôi trân trân mà kể không chút ngượng ngùng:
- "… Con vào Nha Trang được ba ngày thì có một lần bà chủ bảo con tiếp một ông khách người Hàn Quốc ở ngoài bãi biển kia. Ông người Hàn Quốc biết nói tiếng Việt, tuy nói chưa thạo nhưng con nghe con hiểu được. Cuối buổi đó ông người Hàn Quốc cho con năm trăm ngàn đồng và ông ấy hẹn gặp lại con.
Tối hôm sau bà chủ bảo con phải đi với một người lái xe ôm để đến khách sạn Hoàng Hôn có việc giúp bà chủ. Khi đến khách sạn con được một người đàn ông to lớn đưa con lên lầu ba rồi đẩy con vào một phòng và khóa trái cửa lại. Từ trong phòng tắm, một người đàn ông bước ra, đó chính là ông khách người Hàn Quốc đã ngồi với con hôm trước ngoài bãi biển.
Ông người Hàn Quốc nói với con: "Xin chào người đẹp! Tôi rất sung sướng được gặp người đẹp ở đây". Lúc ấy con mới biết là bà chủ đã lừa con, con biết là việc gì sẽ xảy ra với con, thế là con đập cửa và la hét ầm ĩ. Ông người Hàn Quốc đã lấy khăn bông bịt vào miệng con và nói: "Vô ích em ơi! Ta đã đưa cho bà chủ của em mười triệu đồng để có giờ phút ái ân này. Bây giờ người đẹp thuộc về ta…".
Con chống trả ông ấy kịch liệt nhưng không sao thoát khỏi và con đã ngất đi không biết gì nữa. Sáng hôm sau tỉnh dậy, con trơ trọi một mình và nhìn thấy một xấp giấy năm mươi nghìn đồng vứt lại trên giường đệm. Con khóc cạn khô nước mắt cho đến lúc nhân viên khách sạn xốc con dậy, dìu con xuống đường và đẩy con vào trong xe taxi, thế là con lại phải trở về hầu hạ bà chủ…".
- Thế bà chủ có cho con nhiều tiền không?
- Có chứ, bà ấy cho con ba triệu đồng, đó là số tiền lớn nhất mà con thấy cả đời ba má con chưa bao giờ có được. Con định gửi về quê biếu ngoại một triệu, còn hai triệu mua vàng đeo làm "kỷ niệm" đây này.
Cái Mây kể chuyện với tôi, mắt nó ráo hoảnh và tôi còn cảm thấy nó có vẻ phấn chấn. Có lẽ nó đã có nhiều tiền nên nó an tâm hơn về cuộc sống. Riêng tôi, tôi cảm thấy đau xót thay cho nó vô cùng. Nó đã cầm lấy ba triệu đồng để mất đi cả cuộc đời thanh xuân của nó, để biến nó thành một người đàn bà khi nó vừa tròn mười sáu tuổi.
 
 
- Thế sau lần ấy con còn phải đến khách sạn tiếp khách bao nhiêu lần nữa?
- Con cũng chẳng cần nhớ làm gì. Cứ có khách cần đến, bà chủ lại bảo con đi. Có ngày con phải đi khách đến năm hoặc mười lần. Con nghĩ là con mất một lần cũng như mất trăm lần, có thế thôi. Con mất cái này thì con có thứ khác, đó là tiền. Bây giờ con có nhiều tiền, con muốn gửi về quê biếu ngoại, biếu má con. Con nhờ chú cầm tiền về quê giúp con được không?
Ôi! Cay đắng quá! Tôi là một nhà báo sao lại có thể cầm hộ những đồng tiền nhơ nhớp ấy. Nhưng vì muốn cứu nó khỏi vòng tội lỗi nên tôi nhận lời giúp nó liên lạc với gia đình. Hẳn là má nó phải có trách nhiệm...! Nghĩ vậy nên tôi nói với cái Mây:
- Chú chỉ có thể giúp con là về báo tin cho má con biết, là hiện giờ con đang ở đây, con bằng lòng chứ!? Má con sẽ đón con về...
- Con xin cảm ơn chú! Con rất muốn tin cho má con, dù rằng chẳng bao giờ má nghĩ tới con...!
Theo lời cái Mây nói với tôi thì má nó hiện lấy một ông chủ lò gốm ở Thanh Hà. Thật là dễ dàng khi tôi đã đến được nơi cần tìm, và cũng may hôm ấy ông chủ nhà lại có công chuyện vô Sài Gòn. Má cái Mây tiếp một người khách lạ nên có vẻ lúng túng không biết mời chào thế nào, tôi buộc lòng phải chủ động:
- Xin chị cứ cho tôi được tự nhiên. Tôi là một người làm báo, nhân có dịp vào Nha Trang công tác, tình cờ tôi có gặp con Mây, nó nhờ tôi đến báo tin cho chị...
- Xin lỗi! Có lẽ ông nhầm rồi, đúng là tôi có đứa con gái tên Mây, nhưng con tôi hiện ở với ngoại ở Quế Sơn chứ đâu có ở Nha Trang.
- Tôi không nhầm. Con Mây có trao cho tôi một tấm ảnh nó chụp hồi còn nhỏ cùng với ba má nó.
Tôi lặng lẽ mở cặp lấy ra tấm ảnh để trên bàn và thăm dò từng cử chỉ của má con Mây. Cầm được tấm ảnh trên tay, má con Mây bỗng òa khóc.
- Trời ơi con tôi! Con ơi sao con nỡ gạt má! Má cứ tin là con vẫn đang ở với ngoại...
- Chị Hà! Bây giờ chị tin tôi rồi chứ? Còn đây nữa, thư của con Mây gửi cho chị...

"Má yêu quý! Xin má hãy tha thứ cho con về tội để ngoại sống ở quê một mình, con đã ra thành phố tìm việc làm mà chưa xin phép má. Những ngày con lang thang trên đường phố đông người để bán báo, con đã gặp chú Long là nhà báo đang ngồi trước má đó. Chú Long thương con như người thân, mỗi ngày chú giúp con hai ngàn đồng để thêm một bữa ăn. Con không thể kiếm được nhiều tiền để gửi về quê biếu ngoại, như lòng con đã nhủ. Con yêu ngoại, thương ngoại vô cùng, vì có ngoại nên mới có má, vì có má nên mới có con. Con phải làm được việc gì đó để có thể trả ơn ngoại, trả ơn má. Con nông nổi bước vào đời với thiển nghĩ là có nhiều tiền sẽ có tất cả. Vì vậy con đã rời nơi ở ban đầu đến với thành phố Nha Trang.
Bây giờ con đã có nhiều tiền, con chỉ muốn gửi về quê biếu ngoại và biếu má nhưng chú Long không nhận cầm giúp. Chú Long bảo con chỉ vì đồng tiền đã đánh mất tất cả...!



Nhiều đêm con khóc hết nước mắt và chỉ ao ước được ở bên má. Nhưng tất cả bây giờ đã muộn! Ba đã có hạnh phúc riêng; má đã có hạnh phúc riêng, còn con thì đầy bất hạnh. Con không cầu xin gì ở ba má, con chỉ thương ngoại, ngoại đã hy sinh cả đời người để tần tảo nuôi má, vậy mà giờ đây ngoại phải đơn côi. Bây giờ con chẳng còn gì để mất! Con đã mất tất cả, kể cả lòng yêu thương của má...


Khi má đọc được thư của con thì con sẽ không còn ở thành phố Nha Trang nữa. Má đừng tìm con vô ích, và má cũng đừng khóc làm gì! Những giọt nước mắt muộn màn của má đâu có dễ làm con mủi lòng... Vĩnh biệt má! Con - Mây".


Chị Hà đọc xong thư của con Mây đã từ từ gục xuống. Người thân xúm lại vực chị ra xe cấp cứu. Tôi tự hiểu là tôi đã giúp được con Mây một việc nhỏ. Tạm biệt mọi người, tôi lại trở về với thành phố Nha Trang. Về đây để tìm lại xem còn bao nhiêu thân phận bọt bèo như con Mây mà tôi đã chứng kiến.


Nha Trang đã vào hè, chiều chiều người dân ở thành phố chảy ra bãi biển mỗi lúc một đông hơn. Tôi đi như người lãng du hòa vào dòng người đang nô nức đón một ngày hè mới.
Tôi phải đến ngay quán giải khát ở ngoài bãi biển để tìm con Mây. Tôi hiểu rằng dù chỉ là một công dân bình thường nhưng biết được con Mây sa ngã tôi phải có trách nhiệm vực nó dậy. Tôi gọi hai ly nước dừa và yêu cầu chủ quán cho con Mây ra tiếp tôi. Bà chủ dáng người phây phây bỗng nổi giận:
- Ông không phải là chú con Mây, ông là một nhà báo, điều đó tôi đã biết rõ. Ông là một con rắn độc! Ông đến đây với mục đích làm cho tôi sập tiệm! Đồ quỷ dữ! Ông hãy mau đi khỏi nơi đây, nếu bọn đàn em của tôi tới, ông đừng có trách!
Tôi giả bộ sợ hãi và cầu khẩn:
- Tôi sẽ đi ngay thôi, chỉ xin chị nói cho tôi một điều là con Mây giờ này ở đâu?
- Ông vô Sài Gòn mà tìm nó. Ngay từ sau buổi ông ngồi nói chuyện với nó, nó đã trốn tôi đi Sài Gòn cùng với con nhỏ ở đây. Ông đi đi, đừng để tôi phải gọi đàn em đến đây tiếp ông...


Tôi vội vàng rời khỏi quán giải khát và đi nhanh về phía bãi biển Nha Trang.


Thành phố Nha Trang chiều hè rộn rã nhưng lòng tôi thì trĩu nặng. Tôi leo lên đỉnh Hòn Chồng để thư giãn cho lòng bớt bồi hồi. Người Nha Trang gọi danh thắng này là Hòn Chồng, nhưng thực tế đó là hai khóm đá lớn, khóm đá ở bên bờ gọi là Hòn Chồng, còn khóm đá ở dưới biển gọi là Hòn Vợ. Bất giác tôi thầm trách ba má con Mây; chẳng biết giờ đây và cả sau này nữa, ba má nó sẽ phải nghĩ gì và làm gì với thân phận bèo bọt của con gái mình.


Từ ngoài biển, từng đợt sóng lớn đánh vào Hòn Vợ bật lên những cột nước trắng phau.
Tôi lơ đãng nhìn lên bầu trời trong xanh của thành phố Nha Trang và chợt thấy một vầng mây trắng đang bay lơ lửng giữa bầu trời. Người người, lớp lớp vẫn vô tư ào ra bãi biển. Từng đợt sóng biển vẫn nối tiếp nhau vỗ vào bờ đá và nơi mặt biển hiền hòa phẳng lặng kia, hàng ngàn người vẫn đang nhấp nhô trên sóng.

Tôi giơ cả hai tay về phía biển và thầm gọi: "Mây ơi! giờ này con ở đâu? Dù con có đi cả mười hai bến nước chắc chi con đã được hạnh phúc. Con hãy về đi, ở quê bà ngoại đang mong con đó!".
Trả lời tôi chỉ là tiếng sóng biển rì rào giữa hoàng hôn biển đẹp và ảm đạm...
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.07.2008 05:31:06 bởi Thanh Vân >
#1
    Thanh Vân 23.07.2008 05:23:57 (permalink)
    Kẻ bị đánh dấu

    Truyện vụ án của Dorothy L.Sayers (Anh)

     
    Dịch giả: Trần Duy Anh



    Báo "Người đưa tin buổi tối" đã cho đăng thông báo mức tiền thưởng 5.000USD tới những ai cung cấp thông tin giúp cho việc bắt người đàn ông có tên gọi William Strickland - kẻ bị cáo buộc là thủ phạm vụ sát hại bà Emma Strickland ở số nhà 59 Acacia Crascent, Manchester.



    Đây là đặc điểm nhân dạng của William Strickland: Tuổi 43, cao 1m89, da ngăm đen. Tóc màu xám bạc, dày. Răng nanh bên trái hàm trên bịt vàng. Ở phần  của ngón tay cái bàn tay trái bị biến dạng do đụng độ.
    Theo thông báo, William Strickland đã bặt vô âm tín kể từ ngày mùng 5 trong tháng.
    Tại hiệu cắt tóc nhỏ bé của mình, ông Budd ngồi lẩn mẩn đọc đi đọc lại bản thông báo của cảnh sát. Ông đặc biệt chú ý tới mức tiền thưởng. Và ông thầm đặt câu hỏi: "Nếu đối mặt với hắn, mình sẽ làm gì?". Ông Budd hết nhìn xuống đôi bàn tay mềm yếu của mình lại ngước nhìn lên chỗ để bộ dao cạo. Nếu căn cứ vào đặc điểm nhân dạng của tên sát thủ thì có thể, cuộc đối  chọi giữa ông và hắn (nếu có) sẽ là cuộc chiến đấu không cân sức. Hắn to lớn, hung hãn đến thế cơ mà.
    Nghĩ tới đây, ông Budd bật dậy bước ra cửa. Vừa đúng lúc ông va phải một thân hình cao lớn của một vị khách.
    - Xin lỗi ngài - Ông Budd hạ thấp giọng, gần như thì thào - Phải chăng ngài cần cạo râu?
    Người đàn ông cởi bỏ chiếc áo khoác ngoài, nói cộc lốc:
    - Anh muốn chết hả?
    Rồi, không chờ ông Budd có phản ứng gì, ông ta hỏi:
    - Anh nhuộm tóc chứ?
    - Ồ, vâng, có ngay, có ngay - Ông Budd cuống quít.
    Trong các  "món" liên quan đến râu tóc, món nhuộm tóc là hời hơn cả.
    - Cũng chỉ vì - Ông khách bắt đầu giải thích - Con vợ tôi nó không thích tôi giữ màu tóc đỏ như hiện nay. Cô ấy bảo, màu ấy trông không nghiêm túc. Giờ thì cô ấy muốn tôi chuyển tóc sang màu nâu sẫm. Có lẽ rồi "món" râu cũng phải phăng nốt. Mụ vợ tôi nó không ưa tôi để râu.
    - Cả râu nữa, thưa ngài?
    - Ồ, không! Là tôi nói vậy. Cứ để cho đến lúc nào mụ ấy có ý kiến hẵng hay - Vị khách cười to. Trong nháy mắt, ông Budd nhận thấy ở khóe miệng hàm trên của vị khách chiếc răng nanh bịt vàng. Hẳn đây là người sẵn tiền để chăm sóc dung nhan.
    - Tôi có cảm giác, trước đây ngài vẫn dùng gam màu "lạnh", đúng không ạ?-  Budd đưa đẩy câu chuyện.
    - Sao cơ?- Vị khách ngạc nhiên. Rồi khi hiểu ra ý tứ trong câu nói của Budd, ông ta chậc lưỡi - Thì, như tôi đã nói, tất cả là tại mụ vợ tôi thôi. Lâu nay, một phần tóc tôi đã chuyển sang màu xám bạc. Ông cụ tôi màu tóc cũng thế mà. Nhưng này, sao ta không chuyển màu đỏ sang một màu gì là lạ, biết đâu cô vợ tôi cô ấy thích nhỉ?
    Ông Budd vừa bình luận về sở thích của phụ nữ vừa quan sát kỹ màu tóc của ông khách. Thật hiếm có ai sinh ra lại có màu tóc đỏ chóe thế này. Đúng là do ông ta nhuộm mà thôi. "Nhưng thôi, đấy không phải việc của ta" - Budd tự nhủ. Vấn đề ông cần tìm hiểu để phục vụ cho công việc, là loại thuốc nhuộm vị khách đã dùng trước đây. Bởi sẽ không hay ho nếu pha trộn thứ thuốc nhuộm này với thuốc nhuộm kia.
    Khi ông Budd rờ tới cái máy nhuộm tóc thì câu chuyện giữa ông và vị khách bất thần xoay sang chuyện tên giết người.
    - Nghe nói, cảnh sát đã phải bỏ cuộc vì vụ việc phức tạp quá - Vị khách chủ động lên tiếng.
    - Có lẽ phải tăng mức thưởng lên cao hơn nữa - Budd phụ họa.
    - Ồ, có cả tiền thưởng ư? Thế mà tôi không biết điều ấy!
    - Số báo ra tối qua có đưa tin. Ngài có muốn đọc không?
    Vị khách thận trọng đọc thông báo. Ông Budd lặng lẽ ngắm ông ta qua tấm gương, chợt nhận thấy ông khách đột nhiên rụt bàn tay trái đang duỗi một cách thoải mái trên thành ghế giấu vào tấm vải phủ chân..
    Thật ra, trước đó không phải Budd không nhìn thấy bàn tay với ngón cái bị biến dạng ấy, song ông nghĩ, ở đời, chán vạn người từng bị như vậy do tai nạn. Nhưng từ khi vị khách có phản xạ bất thường, trong đầu ông bắt đầu nảy sinh câu hỏi. Và ông nhận thấy, kể từ đó, vị khách - qua tấm gương - cũng lặng lẽ quan sát Budd một cách dò xét.
    - Vâng - Budd tiếp tục câu chuyện - Giờ thì hẳn hung thủ đã cao chạy xa bay rồi. Người ta cho đăng thông báo muộn quá!
    Vị khách cười, tán thành:
    - Tôi cũng cho là như vậy
    Vừa làm, Budd vừa vẩn vơ tự hỏi: Không biết trên đời này, có bao người đàn ông vừa có răng nanh bịt vàng lại có ngón tay bị biến dạng. Lại còn ở tuổi 43 nữa chứ. Thật là một sự trùng hợp đáng suy nghĩ.
    Trong óc người thợ cắt tóc phút chốc hiện lên hình ảnh người đàn bà ở Manchester bị người chồng của mình ra tay một cách tàn bạo. "Ta cần phải có hành động kịp thời"- Budd nghĩ và liếc xéo ra cửa. Lúc này ngoài phố rất đông người. Giờ là lúc có thể khởi sự…
    - Anh cần tăng tốc lên một chút - Vị khách bắt đầu sốt ruột - Cứ đà này thì anh mất khối thời gian vào cái đầu của tôi đấy.
    - Không sao đâu ạ - Budd lễ độ - Chuyện ấy có hề hấn gì đâu, thưa ngài.
    "Nếu bây giờ ta nhào ra cửa thì chỉ cần một cú đấm như tên giết người từng dùng với vợ hắn, đời ta cứ gọi là phăng teo"- Budd lo lắng nghĩ.
    Trong khi lục tìm một cái lọ đặt trước gương, Budd chợt nhớ tới con dao dọc giấy của mẹ ông để lại. Trên cán gỗ của nó là hàng chữ "Tri thức là sức mạnh". Ông trở nên bình tĩnh, tự tin hơn.
    Không dễ dàng gì tách khỏi đây để đến báo với cảnh sát, rằng kẻ bị truy nã đang ngồi chờ nhuộm tóc. Làm thế rất nguy hiểm. Thay vì có hành động mạnh, Budd thấy nhất thiết phải sử dụng đến ngón nghề tinh vi của mình… Vị khách vừa ngồi chờ Budd nhuộm tóc cho mình vừa đinh ninh rằng, chỉ lát nữa thôi, tóc của ông ta sẽ có màu nâu sẫm…
    Khi vị khách rời tiệm cắt tóc, đường phố cũng bắt đầu thưa người. Ông ta không hề hay biết rằng, khi ông ta nhảy lên chiếc xe bus số 24 thì cũng là lúc Budd đóng cửa hiệu của mình để đến đồn cảnh sát trình báo.
    - Còn một chi tiết rất thú vị có thể giúp các ngài nhanh chóng phát hiện được ra hung thủ - Budd nói sau khi đã mô tả cặn kẽ nhân dạng của ông khách đến nhuộm tóc - Tuy nhiên, cũng phải nói trước là, nếu tôi có sự nhầm lẫn trong việc này thì đó quả là một tai họa đối với tương lai nghề nghiệp của tôi.
    Kể lại câu chuyện với cảnh sát, Budd không giấu được sự căng thẳng, lo lắng.


    Tại bến cảng Ostend của Bỉ, ngay sau khi con tàu Miranda cập bờ, những người có trách nhiệm đã điện lại cho cảnh sát Anh: "Trên tàu có một người đàn ông có những đặc điểm phù hợp với nhân dạng. Hiện ông ta khóa cửa nằm trong cabin, không chịu ra ngoài. Ông ta một mực đòi phải tìm cho ông ta một thợ cắt tóc. Đã liên lạc với cảnh sát Bỉ. Chờ chỉ thị".
    Ở phòng số 36, vị khách khó tính gần như không muốn ló mặt ra ngoài. Ông ta đang chờ chủ tàu đáp ứng điều mà ông ta đòi hỏi.
    Có tiếng gõ cửa.
    - Ai đấy - Giọng ông ta đanh và gắt.
    - Thợ cắt tóc đây, thưa ngài.
    - Thế thì tốt rồi - Giọng vị khách mềm đi - Nhưng yêu cầu để anh ta vào một mình. Chẳng là tôi đang gặp một sự cố nho nhỏ.
    Có tiếng xoay chốt cửa. Cánh cửa mở hé rồi đóng sập ngay lại. Nhưng hàng loạt chân giày đã đạp tung cánh cửa. Cảnh sát ồ ạt lao vào phòng. Vị khách bị tóm ngay tắp lự.
    - Trông kìa, lạ chưa! - Một nhân viên phục vụ kêu lên - Chỉ qua một đêm mà tóc ông ta xanh lè…


    Thì ra, với vốn hiểu biết về những phản ứng phức tạp của các loại thuốc nhuộm, Budd - người thợ cắt tóc tài ba - đã làm được một kỳ tích:  đánh dấu lên đầu ông khách. Và như vậy, cho dù ông ta có chui lủi ở tận đẩu đâu, thì với cái màu tóc xanh lè chẳng giống một ai của ông ta đều dễ dàng bị mọi người nhận diện. Theo như những gì Budd đã tiết lộ với cảnh sát, cảnh sát chẳng khó khăn gì mà không lần ra manh mối của tên sát nhân.


    Qua vụ việc trên, Budd nhận được phần thưởng là 1.000USD. Nhưng quan trọng hơn, kể từ đó, cửa hiệu của ông đã được nhiều người biết tiếng tìm đến...
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.07.2008 05:25:46 bởi Thanh Vân >
    #2
      Thanh Vân 23.07.2008 05:35:29 (permalink)
       Bảo đêm
       
      Nguyễn Tiến Hải
       
       

      Mới ngày nào...


      Căn hộ hai mươi lăm mét vuông tầng ba ở khu tập thể quân đội T5 vang ấm tiếng cười. Tối thứ bảy, từ trường anh ào về ôm hôn hai mẹ con. Trước khi mâm cơm được dọn ra, anh làm "ngựa" để thằng Thành nhong nhong cưỡi dạo khắp nhà. Nhiều lúc, hai đầu gối anh tê nhức, mặc, Thành vẫn không tha.
       



      Nó vỗ bồm bộp vào vai anh bắt "ngựa" phi nước đại. Anh cố bò vài vòng rồi lăn đùng ra "chết". Thằng Thành tưởng thật, mắt tròn xoe, tay vỗ vỗ vào "má ngựa". Chị cười khúc khích…
       
      Đến lúc ấy anh mới được "tha". Bữa cơm nồng ấm, dễ tưởng sấm sét mây mưa trên đời chẳng thể nào khuấy đảo được sự bình yên, thi vị ở căn hộ nhỏ bé, giản dị này.
       
      Sáng sáng, chị đưa thằng Thành đến trường mầm non Hoa Hồng. Sau những cái hôn chùn chụt vào đôi má phúng phính của nó, chị tất tả đạp xe đến bệnh viện thành phố. Dọc đường, dẫu nhìn thẳng, chị vẫn biết không ít đôi mắt liếc xéo, có cả đôi mắt nhìn chị chằm chằm.
      Ở viện cũng vậy, cánh đàn ông luôn tỏ ra "quan tâm" đến chị. Họ nhìn, liếc đâu đã đủ, họ kiếm đủ cớ để được tiếp xúc với chị, làm chị bận bịu rất nhiều bởi những giờ phút vô bổ.
       
      Ông Viện phó: "Cô ở khoa đó ổn chứ? Nếu cô thích, tôi có thể chuyển cô về một khoa khác hợp với cô hơn. Bác sĩ điều động cần phải cân nhắc, trung cấp y tế như cô ở khoa nào cũng được. Mong cô hiểu thiện chí của tôi…".
      Ông Trưởng khoa: "Chồng cô bộ đội, công tác xa thành phố, cô cần nghỉ cứ báo với tôi. Đừng ngại. Tạo điều kiện cho cô chính là thực hiện công tác hậu phương quân đội. À này, cô chú ý giữ gìn sức khỏe. Tôi thấy cô hơi xanh đấy…".
      Phiên - bác sĩ điều trị: "Có người thân ốm, cô cứ báo với tôi. Có thể khám và điều trị tại nhà. Các cụ khỏe chứ? Xin biếu cụ ông lọ thuốc bổ, tôi đã ghi kỹ cách sử dụng"…
      Chao ôi! Chị thấy quá thừa sự quan tâm, chỉ thấy thiếu sự yên tĩnh. Cũng tại chị, những người quan tâm đến chị đâu có tội tình gì? Nguyên do tất cả bởi chị có vẻ đẹp mặn mòi: Đôi mắt tròn đen lóng lánh vừa thân thiện vừa thẳm sâu đến lạ kỳ, bờ môi hồng mọng gợi nên nhiều suy tưởng; mái tóc đen dày quăn tự nhiên ôm lấy đôi vai tròn lẳn, eo lưng thắt hợp lý chia cơ thể thành hai phần đầy đặn đến chuẩn mực…
      Lạ nữa, chị không quá "ý thức" về cơ thể hoàn hảo của mình, chị sống giản dị, hồn nhiên, hay nhịn nhường và dễ xúc động… Chị có biết đâu, chính tính cách ấy càng làm chị có sức hút mãnh liệt đối với cánh mày râu. Chị càng cảm thấy bình thường, chị càng trở thành đặc biệt…
      Một đêm giữa tuần, mưa bão đùng đùng. Cửa sổ căn hộ hai mươi lăm mét vuông đã đóng chặt, vậy mà nước vẫn ứa vào lênh láng. Thành bỗng sốt cao, người nóng như hòn than. Những biện pháp thủ công: quạt, chườm khăn, uống thuốc hạ sốt… không hiệu quả. Thành chuyển sang co giật, nấc nghẹn. Chị hoảng loạn, nước mắt, mồ hôi đầm đìa.
      Nhìn những tia chớp xanh lét, đầu chị muốn vỡ tung. Chưa bao giờ chị thấy nhỏ nhoi, bất lực trước bệnh tình của con đến thế. Một suy nghĩ lóe lên trong óc, không cần cân nhắc, chị bấm máy điện thoại. Khoảng ba mươi phút sau Phiên xuất hiện, đầu tóc ướt đẫm. Chị như kẻ đang chới với giữa dòng nước xiết vớ được phao.
       
      Sau khi được khám, tiêm, cho uống thuốc với những động tác chuẩn mực, quyết đoán của Phiên, Thành thôi co giật, nấc nghẹn. Nó thiếp đi trong hơi thở nhè nhẹ. Chị đặt tay lên trán con, dìu dịu. Chị lặng lẽ nhìn Phiên, anh đang hí húi ghi gì đó lên tờ giấy, hình như  đó là những lời căn dặn việc điều trị, chăm sóc thằng Thành thì phải… Ngoài trời mưa vẫn ào ào, Phiên đứng dậy. "Anh ở lại. Để ngớt mưa đã…". Chị không đang tâm để Phiên dầm mưa một lần nữa.
       
      Mưa đâu có ngớt. Đêm ấy, chị và Phiên cùng tự nguyện vượt qua cái ranh giới truyền thống, vô hình…
       
      Chị xin nghỉ để chăm sóc Thành. Không an tâm, đêm sau Phiên lại đến. Trời vẫn mưa. Ngày nắng rát là thế, tối đến trời lại dở chứng. Chị ngoan ngoãn đun nước, lấy bông, tẩm cồn, pha nước cam… theo ý Phiên như thể vẫn giúp việc Phiên ở bệnh viện. Thằng Thành bắt đầu khỏe lên, nghịch ngợm, cười đùa với Phiên, nhưng rồi cũng chỉ được một lát, nó lại thở nhè nhẹ, cái miệng chúm chím như nụ hoa… Phiên ở lại, cả hai đều thấy hợp lòng. Không còn hoảng loạn, lo toan. Rồi đêm thứ ba… Chưa bao giờ chị thấy mãn nguyện đến thế.
       
      Chồng chị chu đáo, chân thành, trời sinh ra anh là để hy sinh vì người khác. Người tốt như anh trên thế gian này không nhiều… nhưng so với Phiên về "chuyện ấy" anh còn thiếu kinh nghiệm, nói chính xác hơn, anh ít để tâm, tích lũy. Cứ lo những việc lớn nào phải đã hoàn thiện… Phiên sung sức, dồi dào, đủ đầy từ những chi tiết tinh tế, nhạy cảm… Chị thầm so sánh, đỏ mặt, thầm xua đuổi sự so sánh ấy.
       
      Tối sau - thứ bảy, anh không về. Anh gọi điện nói bận. Chị cũng chẳng kể chuyện thằng Thành bị sốt co giật… Lần đầu tiên kể từ khi lấy anh, cái cảm giác mong chờ tối thứ bảy vợi hẳn trong lòng chị.
       
      Chị đi làm. Vừa muốn gặp Phiên vừa muốn tránh mặt. Tinh tế mấy cũng là phụ nữ, cái tâm trạng nhùng nhằng, lúng túng ở họ bao giờ cũng bộc lộ những sơ hở. Một số người đã bắt đầu để ý. Sự quan tâm mà chị vẫn cảm thấy thường ngày giờ khang khác, chị có biết đâu, nguyên nhân chính từ sự khang khác của chị. Chị bạo dần lên, thế là mối quan hệ giữa chị và Phiên được công khai dần. Cùng một khoa, cùng trên "một con thuyền", giấu thế nào được, họa chăng có là bỏ đi, nhảy xuống biển…
       
                                                  * * *
      Anh đã linh cảm đến điều chẳng lành. Khi chị quyết định thú tội trước anh và mong anh độ lượng, đồng tình với giải pháp của chị, anh bình tĩnh đến lạ lùng, mặc dù nước mắt anh đã chảy… Anh bảo: “Đó là sự lựa chọn của em. Anh tôn trọng. Chỉ mong em đừng mang thằng Thành đi. Thiếu con, anh không thể sống nổi".
       
      Vụ việc được tòa xử chóng vánh. Hàng tháng sau, anh vẫn hẫng hụt, ngỡ ngàng.
       
      Phiên cũng đã giải quyết xong với cô vợ của mình. Phiên và chị về ở một căn hộ rộng gần một trăm mét vuông phía nam thành phố.
      Ưu tiên hoàn cảnh của anh, đơn vị cho anh chuyển vùng về thành phố. Ngày ngày, hai bận anh đưa đón thằng Thành đi, về. Các cô ở trường mầm non Hoa Hồng và bà con khu tập thể nhìn thấy bố con anh tất bật mà nao lòng. Tối tối, thằng Thành vu vơ hỏi: "Bố ơi! Sao mẹ không về?". "Bố ơi! Mẹ bỏ quên cái gối, cả cái đèn, cái ghế nữa…"…
       
      Anh lảng tránh, chỉ lên tivi: "Con mèo kìa… Nó đang rình con chuột đấy… Chuột, chạy đi, chạy đi". Thằng Thành tròn mắt nhìn. Người anh nóng râm ran, tưởng như hàng trăm nghìn mũi kim đang đâm vào trái tim đau buốt.
      Đêm. Thằng Thành vẫn tưởng ngủ với mẹ, bàn tay nhỏ xíu luồn vào ngực anh rồi thở nhè nhẹ. Nước mắt anh ứa ra, nhỏ xuống chiếc gối đôi có thêu hình trái tim và hai chữ "hạnh phúc".
       
      Mão - cô giáo Trường mầm non Hoa Hồng thật tốt bụng. Cô tự nguyện đưa đón, chăm sóc Thành mỗi khi anh đi công tác đột xuất, kể cả khi thằng Thành đã vào tiểu học. Anh đành bỏ phương án đưa thằng Thành sang nhờ vợ chồng người chị gái. Sự nhiệt tình của Mão lúc đầu làm anh rất ái ngại. Anh không muốn những lời dị nghị về bố con anh, nhưng phần thấy thằng Thành quá bện cô, phần Mão làm "công tác tư tưởng" rất tốt nên anh đành ưng thuận. Anh trao toàn bộ chìa khóa nhà cho Mão.
      Mão đã ngoài ba mươi, từng yêu đôi người nhưng không thành. Mão xưng "mẹ" với thằng Thành ngọt ngào, tự nhiên như mẹ đẻ. Với thằng Thành, từ ngày có Mão, anh không còn nghe thấy những câu hỏi vu vơ của nó về mẹ nó nữa. Người lớn không bao giờ tìm được những giây phút bình yên nhanh chóng như trẻ thơ.
       
      Mặc dù có cuộc sống đủ đầy, nhiều lúc chị vẫn nhớ anh và thằng Thành, nhớ căn hộ hai mươi lăm mét vuông đến bần thần. Một tuần, hai, ba lần chị lén vòng qua căn hộ ấy. Nép bên gốc cây, chị nhìn lên ban công, nơi ấy sợi dây phơi do chính tay chị căng vẫn còn nguyên. Một góc dây, bộ quân phục của anh bạc phếch, khoảng dây còn lại là quần áo thằng Thành. Lòng chị khấp khởi vì bộ quần áo thằng Thành ngày một dài rộng, lại khá đẹp nữa. Chị liên tưởng đến giây phút hai bố con đi mua áo quần - một việc anh chúa vụng.
       
      Cô bán hàng sẽ hỏi: "Mẹ đâu?". Không biết anh và con sẽ trả lời thế nào? Chắc lại lúng túng gãi đầu, gãi tai lảng tránh thôi… Mắt chị ngân ngấn ướt… Rồi chị thầm mong "Đừng bao giờ có áo quần phụ nữ trên chiếc dây phơi ấy".
       
                                                  * * *
      Bé Diệu Anh ra đời trong niềm vui ngây ngất của Phiên, trong sự lâng lâng khó tả của chị. Người vợ trước chưa kịp sinh cho Phiên một "hoàng tử" hay một "công chúa". Phiên tất tả mua sắm. Căn hộ rộng thênh thang là vậy nay bỗng hẹp lại bởi chất ngất nào là tủ, bàn, giường, xe nôi, quạt đứng quạt ngồi, máy sấy quần áo, máy say sinh tố…
      Hàng ngày, trước khi đi làm, Phiên đều thực hiện đầy đủ các thủ tục: đun nước, xếp đặt đồ dùng để chị tiện lấy, dặn dò chị phải ăn bữa chính bữa phụ, rồi ôm hôn hai mẹ con. Không hiểu sao, đủ đầy nồng ấm là thế, chị vẫn chạnh lòng nghĩ đến căn hộ hai mươi lăm mét vuông: "Giờ này, thằng Thành ăn gì? Anh chắc lại nhịn đói đi làm thôi… Cái giường long chân không biết anh đã đóng lại chưa, mấy cái xoong móp mép hết cả rồi…". Chị tặc lưỡi: "Âu cũng là cái số, thôi thì…".
      Diệu Anh càng lớn càng giống mẹ, Phiên vui lắm. Phiên hùng hồn tuyên bố với chị: "Lớn lên, Diệu Anh đi thi đoạt vương miện hoa hậu là cái chắc. Lúc đó anh và em tha hồ mà chọn con rể". Chị cố cười, trong lòng thăm thẳm buồn…
       
      Phiên đưa một người giúp việc về mà không cần bàn với chị. Người giúp việc là một phụ nữ khắc khổ, tầm trên dưới năm mươi, ít nói, hay làm. Từ ngày có người giúp việc, chị nhận thấy mình đẫy ra, chậm chạp hơn trước… Chị động đến việc gì, người giúp việc cũng bảo "để em". Chị đâu biết Phiên đã giao nhiệm vụ kỹ càng cho người giúp việc và trả lương hàng tháng khá hậu.
       
      Chị đi làm, mọi người trong viện trầm trồ: "Đi bước nữa như cô, ai chả muốn", "Gái hai con trông mòn con mắt", "Thời nào gái đẹp vẫn nhất", "Thế gian được vợ được cả chồng"… Chị chẳng thấy vui, chỉ thấy ngài ngại…
      Chị tập thể dục rất đều, sáng, trưa, chiều, tối nhưng cơ thể vẫn không ngót mà ngày một đẫy đà hơn. Những bộ quần áo chị mang theo từ ngày chia tay anh đều đã chật, chị đành gấp lại cẩn thận thể ngay ngắn dưới đáy vali.
       
      Phiên dần dần khoán trắng cho người giúp việc. Thức ăn trong tủ lạnh vơi dần. Thủ tục mỗi sáng không còn đều đặn nữa, không cả những lời dặn dò bữa chính bữa phụ. Những nụ cười gia giả cùng những câu hỏi ngớ ngẩn, những lời khen nhàn nhạt bắt đầu xuất hiện. Đêm, "chuyện ấy" được Phiên thực hiện hời hợt, bổn phận, những chi tiết tinh tế nhạy cảm ngày nào được thay bằng những cử chỉ lúng túng, vội vàng, thô bạo… "Mình đâu còn trẻ nữa… Hai mặt con rồi… Phiên phải lo bao việc trên đời…" -  Chị thầm lý giải.
       
      Tuy nhiên, chị không thể lý giải được những lời bóng gió ở viện. Lúc đầu, những lời bóng gió ấy còn thưa thớt, xa xôi, sau mau dần, sát sàn sạt: "Có chồng chẳng biết giữ chồng/ Chỉ ngồi bó gối mất không có ngày", "Hai lần đò đâu đã xong/ Thà rằng một bến đục, trong cả đời"… Chị bắt đầu ngại đi làm. Hơi mệt, chị xin nghỉ luôn. Chị cần yên tĩnh. Sự yên tĩnh của chị không được lâu. Phiên đi về thất thường, nhiều tối không trực, Phiên cũng chẳng về.
       
      Một ngày, chị cùng người giúp việc đưa bé Diệu Anh đi tiêm phòng theo dự định. Phiên nghỉ ở nhà vì mới hết ca trực. Hôm đó, trung tâm y tế đóng cửa bởi có việc đột xuất. Chị đành quay về, còn người giúp việc rẽ vào chợ. Cửa nhà khóa chặt, chị nhẹ nhàng rút chùm chìa khóa. Cánh cửa vừa hé mở, chị muốn đổ sụp xuống. Phiên và một cô gái rất trẻ trần như nhộng. Cô gái đang quỳ trên đệm xa lông, Phiên đứng sau, hai tay ôm chặt lưng cô gái… Chị đóng sầm cửa, bế bé Diệu Anh chạy vội xuống cầu thang, người rừng rực như bốc lửa…
       
      Sau ba ngày ở nhờ nhà người bạn gái độc thân, chị não nề cùng bé Diệu Anh trở về. Không một chút bận tâm, Phiên trơ tráo đưa ra tờ đơn ly dị, miệng ráo hoảnh: "Em đã nhiều lần ca ngợi người chồng cũ của em rất độ lượng, luôn tôn trọng sự tự nguyện của người khác. Hy vọng em cũng sẽ độ lượng, tôn trọng sự tự nguyện của anh để xứng đáng với người chồng cũ của em…".
       
      Chị hét to: "Câm đi. Đồ đểu giả… Không được động đến anh ấy". Phiên vẫn nhơn nhơn: "Em có thể ở lại căn hộ này, nếu em muốn. Còn bé Diệu Anh, chắc tòa sẽ xử theo mẹ…". Tai chị ù đặc, bé Diệu Anh khóc lặng người, mềm oặt trên tay chị.
       
      Phiên cười khềnh khệch, dằn tờ đơn ly dị xuống bàn rồi bỏ đi. Tại căn hộ Phiên mới mua ở khu chung cư sang nhất thành phố, cô gái trẻ mà Phiên đã đưa về làm tình hôm nào đang đợi…
      Mưa ào ạt, sấm chớp đùng đùng. Chị liên tưởng đến đêm mưa thằng Thành bị sốt co giật, tim nhói buốt. Tủi nhục ê chề, chị chẳng thèm đóng cửa sổ, cứ để cho mưa thỏa thuê táp vào người.
      Trên giường, bé Diệu Anh đã ngủ say. Chị vội vã mở vali, lần tìm quyển sổ anh tặng ngày mới cưới. Những trang nhật ký anh viết về chị cùng những vần thơ mộc mạc hiện lên mờ nhòe, chói nhức… Chị lật bật giở trang cuối, ngòi bút nghiến trên giấy: "Anh, con… Em tội lỗi, em nhơ nhuốc, em đã làm khổ hai bố con… Em không có quyền sống nữa…".
       
      Rồi chị lần tìm lọ thuốc ngủ dưới đáy vali. Đã đôi lần chị nghĩ đến nó. Ánh chớp làm căn phòng xanh lét gợi cho chị một thế giới lạnh lẽo đang đón chờ… Bỗng tay chị chạm vào những bộ quần áo xinh xinh, thơm phức - chị mới mua cho thằng Thành nhưng chưa kịp gửi. Chị áp chặt những bộ quần áo vào ngực tưởng như đang ôm ghì lấy thằng Thành bé bỏng…
       
      Đêm ấy, ở căn hộ hai mươi lăm mét vuông phía bắc thành phố, thằng Thành vẫn luồn tay vào ngực anh như mọi khi. Đôi lúc, tiếng sấm làm nó giật nảy nhưng rồi nó lại thở nhè nhẹ. Anh cũng thiếp đi. Giữa bầu trời không bình yên, hai bố con là khoảng trời bình yên của nhau
      #3
        Thanh Vân 23.07.2008 05:37:23 (permalink)
        Đèn màu 
         
        Đỗ Thị Hồng Vân  
         

        Sức khỏe tôi dạo này có vấn đề. Đầu óc váng vất. Đêm khó ngủ. Mới lên đến cầu thang gác hai, trống ngực đã đập thì thõm. Tôi đi gặp bác sĩ. Sau khi khám, xem gần chục kết quả xét nghiệm, bác sĩ kết luận: Thần kinh suy nhược, rối loạn nhịp tim!



        Buồn thật. Trong mấy anh chị em, đứa nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhất là tôi. Sao lại ra cơ sự này? Bác sĩ kê đơn xong, nhìn tôi, dặn dò là phải  tránh xa những xúc động đột ngột làm hại tim. Gàn! Phàm đã là con người, tránh sao được điều đó?  Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông bác sĩ giảng giải thêm:
        - Phải biết cách tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Có thể dung hòa vấn đề bằng cách lật ngược hai mặt...
        Được, hiểu! Tôi chỉ cần khỏi bệnh. Cuộc đời ngắn lắm. Nói dại chứ chẳng may tôi có làm sao thì hai con đang học đại học (đứa ở Thành phố Hồ Chí Minh, đứa ở Hà Nội) có mà đứng đường cò lơ thất thểu.
        Tôi thả bánh xe chầm chậm trên con đường mát mẻ. Cây hoa sữa cuối phố  năm nao cũng nở muộn. Tháng mười, hoa mới bung ra như có ai tung những nắm xôi đỗ xanh lên tán lá. Trong năm, tôi thích nhất tháng này. Trời trong veo, mây trắng, nắng mỏng hoe. Gió nhẹ hều, đưa hương thơm nồng của hoa sữa phảng phất suốt đêm thu.
        Chao ơi, mùa thu! Chiếc lá vàng mối tình thơ năm nao trở mình trong cuốn lưu bút của tôi. Có cái gì đó dâng dâng, nghèn nghẹn cuộn lên trong ngực và... nhói một phát. Chết cha! ...Xúc động!... Tôi vội đưa mắt tìm kiếm. Kia rồi, một bãi phân chó ngay dưới gốc cây! Đêm nay, đôi tình nhân nào mải nghếnh trăng sao trên trời dứt khoát sẽ đạp phải "mìn". Đấy, thế là cái "cục cảm xúc" trong lòng tôi biến mất. Tôi về nhà bình an.
        Huỳnh, chồng tôi vẫn chưa về. Tan tầm hàng tiếng rồi. Có nguy cơ đây. Tôi phôn cho Hương, bạn thân, cùng công ty chồng tôi. Giọng Hương the thé: "Đến sàn giao dịch mà tìm, chắc chắn đang lỗ mắt ở đấy, hình như hôm nay cổ phiếu tăng điểm...". Tôi hít một hơi dài, ngồi xuống giường. Đừng tức giận, hãy gìm xuống, gìm xuống... tìm cách giải quyết. Vô duyên cho lão hói, đúng lúc này, lù lù vác xác về. Ào vào nhà, cười khằng khặc như ma ám:
        - Phượng ơi! Phượng ơi! Thắng rồi, thắng rồi! Hôm nay mã BAX của anh tăng. Đã bảo cứ yên chí thế nào cũng vớ bẫm!
        Trông đôi tai vểnh như tai chuột đỏ tía của hắn thật ghét! Hơn tuần nay, hắn đốc chứng, nghe bạn bè rủ rê chơi chứng khoán. Ngày nào cũng như ngày nào, buông bát là chúi mắt, chúi mũi vào Internet, ghi chép, tính toán. Rời công ty là nhảy tót đến sàn. Tôi bận tối mắt với công việc dạy học ngày càng nặng nề, rối rắm của cái nền cải cách giáo dục - như một chuyên gia kết luận: "Không giống ai" trên thế giới. Về nhà, cơm không ai nấu, nhìn bộ mặt lúc thẫn thờ, lúc quýnh quáng của hắn, tôi điên tiết.
        Hôm qua, tôi nhét quần áo của hắn vào túi, bảo ra sàn giao dịch mà ở. Hắn đã thề sống thề chết không chơi nữa, không cổ phiếu cổ phiếc gì nữa. Vậy mà... lại còn dám khua chiêng, gõ trống ầm ĩ lên.
        - Thế có nghĩa những hôm nhà đầu tư  im ỉm như lợn ăn khoai là thua bét nhè chứ gì? Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và kỹ năng phân tích nó. Tôi hỏi ông: Thị trường trứng thối của ông từ sau tết đến nay vận hành theo quy luật nào? Sàn AXB to đùng mà phải rút vốn chạy sang mua vàng kia kìa! Tôi để sẵn bị, gậy cho ông rồi đấy!
        Huỳnh trố mắt nhìn tôi:
        - Trời ơi! Em cũng nghiên cứu chứng khoán à? Chớ coi thường nhà đầu tư này nhớ! Bị gậy cái gì! Với diễn biến thị trường lình xình khó đoán như hiện nay thì việc kiếm tiền từ chứng khoán lại chủ yếu từ kẽ hở của các khoảng trống pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân kéo VN - Index thụt lùi. Cái chính là nhà đầu tư phải biết săn lùng thông tin nguồn thường xuyên, nhất là thông tin từ các doanh nghiệp...
        Tai nóng lên, trống ngực tôi bắt đầu rộn ràng:
        - Thông tin cái con khỉ! Đầy doanh nghiệp còn chưa có trang web, nếu có thì cũng là những thông tin ma, hoặc cũ rích từ đời tám hoánh, làm mồi cho bọn thao túng - Tôi gào lên: Ông muốn kiếm nhiều tiền để làm gì...ì...ì...
        Lão hói bắt đầu sợ nhưng vẫn giở giọng cua càng:
        - Mình đừng lo. Đợt này chính phủ sẽ can thiệp sâu đấy, sẽ kéo cho cân bằng thị trường, còn bộ mặt với quốc tế nữa chứ... tội gì không lướt sóng kiếm tiền vì có sự bảo hộ của nhà nước. Mình sẽ không phải dạy thêm nữa, ta sẽ mua một cái trang trại... Ôi, ối! Làm sao thế kia? Lại lên cơn à?
        Đầu tôi phừng phừng và ngực tôi nhoi nhói. Hỏng, cứ thế này thì hỏng! Suy tim chứ chẳng chơi! Tôi thầm quát: "Sao lại để xảy ra sự ấy? Điều chỉnh... ". Tôi lăn đùng ra ghế, rên rỉ, ra hiệu cho lão lấy nước và thuốc uống. Huỳnh im thin thít, làm theo ý tôi như một cái máy. Tôi se sẽ bảo cần ăn phở vì bệnh của tôi phải nghỉ ngơi nhiều và ăn ngon. Huỳnh tần ngần:
        - Mưa, rét thế này, liệu hàng phở còn mở cửa không?
        Tôi nhướng mắt lên. Hắn quýp mắt xuống, vơ vội tấm áo mưa, cầm cặp lồng ra phố. Tôi nhỏm dậy, lục tủ. Có vài chục ngàn với mấy que vàng trong nhà gom hết. Ngày mai sẽ quy đổi ra EUR, gửi tiết kiệm ngân hàng nhà nước. Lương, thưởng của hắn, tôi tóm chặt. Hết giờ hành chính, tôi réo gọi liên tục. Quả là hiệu nghiệm, hết đường tung tẩy. Hói phân bua với đám bạn sàn: " Độ rày, bận quá. Bà xã lại mắc chứng thần kinh...". Tôi thấy đầu nhẹ, lòng thư thái.
        Càng ngày, tôi càng hiểu ra rằng: hà cớ gì mà mắc chứng ưu phiền, khi con người ta sinh ra trên cõi đời đã là một tội lỗi rồi. Kinh Thánh chẳng bảo thế là gì! Cho nên, những đứa trẻ mới đẻ, có bố mẹ theo đạo Công giáo phải làm phép rửa tội ngay. Cứ thế, hiện thực va đập vào tôi như đấm bị bông. Hễ đấm bên nọ lại phồng bên kia. Tôi chung chiêng ở giữa dòng đời bàng bạc trôi, mắt nhìn chốn vô định. Bệnh tôi giảm hẳn, má phính ra. Hàng ngày, cơm nước xong, tôi lăn ra ngủ. Chẳng hơi đâu mà đọc sách đọc báo. Rặt những tin giật gân với những chuyện tình nhăng nhít, chỉ tổ hại thần kinh. Đóng cửa sổ lại, khỏi phải thấy mảnh trời xanh với lũ chim xinh xẻo xếp hàng trên sợi dây điện. Nhìn chúng lại mơ màng vớ vẩn. Tôi béo ụ. Nhưng mặt tôi... Cái Hương bảo:
        - Mặt cậu làm sao ấy! Chỗ bạn thân, tớ nói chân tình... Trông ngơ ngác, đần đần và ngây ngây như... ngỗng ỉa!
        Cái con, đến bậy! Tôi đã từng là hoa khôi sư phạm. Kệ xác nó! Nói thì đã chết ai! Tôi vo viên cuộc sống vào gia đình. Chồng chí thú, con cái ngoan, có tương lai. Tằng tằng đi làm dăm bảy năm nữa rồi... hưu. Mặc thiên hạ cứ việc múa may quay cuồng.
        Cho đến một ngày, thằng Dương, con trai tôi đang học Đại học Kiến trúc, vác cái đầu xanh xanh, đỏ đỏ, lổm chổm từng búi như quả dứa về nhà. Nó dúi vào Internet chát với một cô bé nào đó. Chốc lại thấy OK! Nhát lại thấy HE HE! Thôi thì thanh niên bạn bè chúng quan hệ với nhau thế nào là việc của chúng. Tôi đi chợ về, xào xáo, nấu nướng, cốt cho cả nhà được bữa ăn tươi, nóng sốt. Mâm bê ra rồi, gọi năm thôi, mười hồi nó lại bảo: Bố mẹ ăn trước đi, nó đang có câu chuyện quan trọng. Tôi tủi thân, mắng nó rằng mẹ đi chợ, nấu nướng hết cả buổi, muốn cả nhà quấn túm bên nhau, con coi bạn gái hơn cả bố mẹ thì từ nay đừng về nhà nữa... nó mới vội ra bàn ăn, nhưng lại lên giọng ông cụ
        - Bố mẹ nên dành thời gian cho việc giải trí, đi đó đi đây. Con thấy mẹ kì cạch suốt ngày trong bếp, mà ăn uống có được là bao!
        Nó gắp chả mực vào bát bố, thao thao:
        - Bây giờ, càng ăn ngon, càng chóng chết!..
        Miếng cơm đắng trong miệng tôi. Con cái mất dạy! Chẳng nhẽ đang bữa ăn... Nhưng tôi biết con trai tôi, chỉ là cái mồm ăn nói vô duyên thôi...
        Thằng Dương chợt nhìn chúng tôi rồi cười, bắn cả cơm ra ngoài:
        - Con xin lỗi! Là con nói chung xã hội... ý con muốn nói là phụ nữ muốn được giải phóng, trước tiên phải tự giải phóng mình đã chứ! Bố thì suốt ngày ôm ti-vi như gà ấp trứng ấy. Ông bà già mốc quá!
        Chồng tôi thấy cậu con nối dõi chê bai cả chính cái ông đẻ ra nó, nghe chừng tức khí, quay ra, cười nửa miệng:
        - Thế theo con, bố mẹ sẽ vui chơi ở những chỗ nào?
        Nó cười phe phé, tay vung vẩy, nguềnh ngoàng như tay vượn:
        - Được, tối nay, con sẽ đưa bố mẹ đến tiên cảnh bồng lai. Chỉ xin song thân nhớ diện bộ đẹp nhất nhé. Mẹ mặc đầm xanh ngọc ấy, đeo trang sức vào. Bố com-lê, cà-vạt cho oách, suốt ngày may ô sánh với quần đùi. Gớm, thời trang đầy tủ, các cụ định lên Thiên đàng mới trưng mốt à?
        Chồng tôi quát lên. Không đi đâu hết, lạ gì mấy cái ổ xí xớn, nơi đốt tiền của bọn nhà giàu dửng mỡ. Tôi cười thầm trong bụng. Chỉ nói khoác. Từ ngày lấy nhau đến nay, tháng đủ ba mốt tối ở nhà (trừ tháng trước, lên cơn hấp, chơi chứng khoán) ăn no, ngủ kỹ, ôm ti-vi, có bao giờ biết tăm hơi cái chỗ rửng mỡ ấy ở đâu. Cậu cả nhà tôi chẳng vừa. Nó nói giọng mũi rằng ông bà già bảo thủ, sợ đổi mới, thế thì  tìm chốn cú ho, cò gáy, trâu gõ mõ, chó leo thang mà sống cho thành... khỉ đỏ đít, ở thành phố làm gì! Mất dạy thế là cùng! Nó còn cược rằng: đến cái nơi vui vẻ đó thế nào cũng gặp  vợ chồng cô Thắm (bồ cũ của chồng tôi). Không hiểu sao thằng quỷ con này lại biết hết chuyện "tình tọt" xưa của bố mẹ. Không giấu nổi tò mò, chồng tôi đồng ý. Tôi cũng thấy hồi hộp. Hình như ruột gan tôi lại chộn rộn.
        Mới bảy rưỡi, chúng tôi đã cơm nước xong xuôi, ăn mặc tinh tươm. Ông hói đang chuẩn bị dắt xe ra thì... xịch... chiếc taxi bóng nhoáng đỗ ngay trước cửa. Thằng Dương lại phe phé cười:
        - Bố mẹ định đội mấy quả dưa hấu đi chơi phố chắc? Mà complê, váy đầm đẹp thế kia đi xe máy, quê quá!
        Đường phố ban đêm rực rỡ như hoa muôn sắc. Lông lốc mũ xe máy, nhoang nhoáng các loại ôtô, rền rền tiếng động cơ. Phía tây nam, những dãy nhà chót vót của khu đô thị mới nhấp nhánh ánh điện màu như những chùm pháo hoa mới bắn lên. Sau nửa tiếng dạo phố, xe chúng tôi dừng trước một cánh cổng đồ sộ: "Câu lạc bộ Thủy thủ". Khách khá nhiều, đang giờ đông. Nam thanh, nữ tú dắt tay nhau dập dìu. Những chàng thủy thủ tàu viễn dương, da nâu bóng, ngực căng phồng gió biển, cười nói oang oang.
        Dương dắt chúng tôi lên tầng hai, chọn chỗ ngồi góc trái, rất thích hợp với việc quan sát toàn cảnh. Nó bảo hai cụ cứ ở đây, muốn làm gì thì làm, nó lên tầng ba, bao giờ về, nó sẽ nháy di động. Tôi gọi hai tách cà phê sữa, một đĩa hoa quả. Cậu bồi, tóc chẻ ngôi giữa, thắt nơ mèo đen, bê khay, đặt ly, dẻo như múa. Phần lớn những người vào đây đều đã luống tuổi, thậm chí còn có cả mấy cụ râu tóc bạc phơ đang nhâm nhi bánh Moka với rượu màu.
        - Tầng này, dành cho các khốt, những anh chị chỉ thích gặm nhấm quá khứ - Người phụ nữ ngồi gần bàn tôi rỉ tai - Muốn tìm cảm giác mạnh, lên tầng ba, mạnh hơn nữa, lên tầng bốn...
        Tôi lo lắng, chẳng biết thằng Dương lên đó làm trò gì? Chồng tôi bảo không sao, có đi theo nó được cả đời mà giữ không, ngồi đây mà cứ nhấp nhổm như kiến đốt  thế thì về còn hơn. Tôi nhìn khay hoa quả. Trông hoa hoè hoa sói thế này chẳng biết bao nhiêu tiền nhỉ? Tôi lại rỉ tai cô bạn ngồi bên cạnh. "Bốn trăm nghìn". Trời ơi, bốn trăm nghìn! Ruột tôi như có ai xát muối. Tôi bấm di động gọi thằng Dương. Nó chạy xuống:
        - Con có việc quan trọng, không thể về ngay được. Việc gì  á? Chốc về con nói. Mẹ lại hỏi giá tiền trước chứ gì? Con mời bố mẹ, để con thanh toán. Mẹ cứ ngồi cho hết buổi đi đã, còn nhiều món khác...
         Huỳnh gắt khẽ. Người ta cười cho đấy, có im đi không? Tiếng nhạc bắt đầu nổi lên rộn rã. Đèn sân khấu bật sáng, sương khói mịt mờ, nước biển nổi sóng cuồn cuộn trên nền phông xanh mát. Giọng nam trung trầm, ấm:
        Biển đã ru anh như hằng ru đời em, biển đã cho anh khao khát những bến bờ...
        Thật tuyệt! Lâu lắm rồi, tôi mới lại được nghe một giọng ca ngọt ngào đến thế. Sóng dạt dào, tung bọt trắng xóa trong tôi. Tôi ngả đầu vào vai chồng, lịm đi trong giai điệu đằm thắm xiết bao lưu luyến. Giai điệu đẹp, lời hát cũng đẹp. Phút chốc, ký ức tuổi thơ nghèo khó, thời con gái xuân thì với những khát vọng cháy bỏng sống dậy trong tâm khảm tôi.
        Anh, anh rất muốn đưa em về biển, đi trong nắng cháy môi em hồng thêm...
        Con tim tôi thổn thức, nhưng không nhói nhói mà mềm ra, mềm ra vì thấm đẫm những xúc cảm êm đềm, nhung nhớ. Huỳnh xiết chặt tay tôi. Tôi thầm cám ơn con đã đưa bố mẹ đến chỗ này. "Thế mà mình định về". Tôi ngường ngượng liếc sang bàn bên cạnh. Cả gian phòng lặng đi trong tiếng đàn du dương tha thiết. Những ánh mắt mơ màng, những đôi tay quấn quýt, những đôi bông tai lung linh huyền ảo trong ánh đèn màu...
        Người ta đến đây, dù chỉ phút chốc, để quên đi những ưu phiền của cuộc sống hàng ngày đã gặm nhấm, hủy hoại con người cả phần xác lẫn phần hồn. Tiếng vỗ tay vang dậy làm tôi sực tỉnh. Đèn laser xanh, đỏ, hồng, tím trong các hộc tường quét lên loang loáng. Các bàn đều hết chỗ ngồi. Mấy cô tiếp viên áo trắng vai bồng, xinh như mộng, hai tay cầm hoa đăng (ngọn nến đặt trong bông sen hồng làm bằng sáp) đứng đu đưa theo nhạc của điệu valse.
        Một vài đôi dời chỗ ngồi, tiến ra sân khấu. Họ không còn trẻ, tầm tuổi vợ chồng tôi. Thế mà nhảy rất điệu nghệ. Chắc đến đây thường xuyên. Tay trong tay, vai kề vai. Tà váy dài lả lướt mềm lượn sóng. Họ dìu nhau những bước nhẹ nhàng, thanh thoát. Chàng mỉm cười nhìn nàng, nàng mỉm cười nhìn chàng. Cuộc đời sao mà mộng thế! Lòng tôi lâng lâng, chân tay động đậy. Còn chàng hói vừa lim dim mắt vừa ghé tai tôi : "Học khiêu vũ chắc khó lắm nhỉ!". Tôi bảo chẳng khó tẹo nào, ở trường tôi, ối người già hơn vẫn học được. Hai chúng tôi nhìn nhau, thấy mình đẹp đôi tệ! Chợt, Huỳnh cấu tay tôi, mắt nhìn ra cửa. Trời, Thắm kia rồi! Nhưng dắt tay Thắm không phải là đức lang quân mà là một anh chàng cao lớn, râu tóc rậm rì. Chúng tôi  thụp vai xuống. Chỗ này, ít người để ý.
        Thắm và Râu rậm (sau này, tôi mới biết tên là Hoàng) nhập cuộc luôn. Khi họ bước lên sân khấu, tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay rầm rầm. Thì ra, theo như  cô bạn ngồi gần cho biết, đôi này mới được tung hô là “Đôi giày vàng” của "Câu lạc bộ Thủy thủ” Lập tức, dàn nhạc sôi động hẳn lên, kèn sắc-xô phôn dập dìu "Bản tango dành cho em" rộn rã cả gian phòng. Ba đôi khác cũng bước tới. Thắm cười tươi như hoa, mắt ngời hạnh phúc, xoay gót uyển chuyển. Râu Rậm say sưa, nhịp nhàng, lưng dẻo như rắn, rất ăn ý với Thắm. Sân khấu rực lên muôn ánh đèn màu đan chéo, nhấp nhoáng. Như gió, như mây, như nắng, như mưa, như niềm phấn khích của những trái tim đang cuồng nhiệt. Huỳnh ngây người nhìn Thắm làm tôi chạnh lòng. Bỗng, ngay trước mặt tôi, hai phụ nữ lao lên sân khấu, vừa chạy vừa la lối:
        - Con đĩ!... Con đĩ!... Cướp chồng bà!... Tao giết mày!...
        Nhanh như cắt, họ bổ lên, kẻ túm tóc, người túm áo, loang loáng con dao xỉa vào Thắm. Có tiếng rú kinh hoàng. Râu Rậm nhảy vào giữa, đẩy hai người đàn bà điên khùng ra. Bảo vệ xô đến. Chúng tôi ùa lên. Thắm loạng choạng bưng mặt, máu loang khắp mặt, cổ. Chiếc áo viền đăng ten trắng muốt đỏ lòm máu. Nhìn thấy máu đỏ, mắt tôi tối sầm, ngực đau nhói. Tôi xỉu đi...
        Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện. Hai khuôn mặt thân yêu đang nhìn tôi. Cái đầu lổm chổm của thằng Dương làm tôi nhớ ra "Câu lạc bộ Thủy thủ". Con ơi là con! Tiên cảnh bồng lai của mày như thế à? Đưa bố mẹ dạo mát trên thiên đàng rồi... Uỵch một phát, cho xem cảnh địa ngục là ra làm sao? Con làm gì ở trên lầu? Mẹ sợ lắm. Chẳng hiểu cô Thắm có sao không? Trời ơi! Máu và nước mắt... Chuông điện thoại reo. Con gái bé từ Sài Gòn gọi, vừa khóc, vừa nghẹn ngào hỏi thăm mẹ. Nó rất sợ tôi bị chết. Sống mũi tôi cay cay, nước mắt lại trực trào ra.
        Huỳnh nắm tay tôi, nét mặt lo lắng:
        - Em thấy đỡ chưa?  Ăn cháo nhé!
        Thằng Dương cúi sát xuống giường, nó đoán trúng ý nghĩ của tôi:
        - Mẹ thư giãn nào, con nói hai việc để mẹ yên tâm. Thứ nhất, cô Thắm chỉ bị thương phần mềm thôi, chồng cô ấy mất lâu rồi, bố mẹ không biết. Người nhảy với cô ấy chính là thầy giáo của con. Vợ thầy tác quái, yêu xà lắm. Mông  thì xệ như đít vịt, mắt gián nhấm... chuyên trị gọi thầy bằng "thằng"... Thế mà nhất định không chịu ký đơn ly hôn...
        Tôi ngắt lời nó:
        - Được rồi, gác chuyện cô Thắm lại, mẹ hỏi: Con lên tầng trên làm trò ma quỷ gì? Lắc à? Tao nghe rõ tiếng uỳnh uỵch trên đầu...
        Thật lạ, nghe tôi hỏi tội, mặt nó lại tươi hơn hớn như bắt được vàng:
        - Mẹ hay nghĩ xấu về con quá! Con lên đó trình bày với chủ nhà bản thiết kế đại tu lại câu lạc bộ, sang năm họ  làm lại, sẽ rất hoành tráng. Họ là người có đầu óc thẩm mỹ đấy, chỉ tội cách tổ chức câu lạc bộ còn lộn xộn... Con sẽ tư vấn...
        Trong tôi, ánh đèn màu của câu lạc bộ lấp loáng màu máu đỏ.
        - Từ nay, con đừng nhắc đến cái câu lạc bộ ấy nữa, mẹ nhức đầu lắm!
        Thằng bé tiu nghỉu, nhìn tôi đầy vẻ xót xa. Tôi thương con quá.
        *
        Một tháng sau.
        Con trai về kia rồi. Chỉ một, hai tuần không được nghe tiếng cười phe phé của nó là tôi lại nhớ. Mặc dù mỗi lần nó về là một lần tôi thêm rối ruột. Hôm nay, nhìn mắt, tôi biết, nó sắp giở chứng gì đây. Đừng có hòng mà rủ chúng tôi đi câu nọ với chả lạc kia nhớ! Cơm nước xong, cả nhà ngồi uống nước. Nó sán lại, gác cái mồm đang nhai kẹo chọp chẹp lên vai tôi:
        - Mẹ iu quý ơi! Bố cưới mẹ năm bố bao nhiêu tuổi nhỉ?
        - Hai mươi ba, mẹ mới có mười tám, trên giấy tờ, mẹ khai tăng hai tuổi.
        - Eo ôi! Trẻ thế, thảo nào mẹ ra đường khối người nhầm... Mẹ vẫn đẹp lắm! Chả ai đoán đúng tuổi! Lập gia đình sớm cũng có cái hay mẹ nhỉ!
        Tôi thấy vui trong lòng. Huỳnh tủm tỉm. Hình như hai bố con nó âm mưu gì. Thằng lỏi cười cười nhưng ánh mắt đầy vẻ nghiêm trọng:
        - Mẹ à, người yêu con xinh xỉnh xình xinh nhé! Rất hiền, đang học cùng con, mẹ có ưng không?
        Điểm này thì tôi mát ruột, sau này tôi mới biết thằng nhóc chơi đòn tâm lý - Vợ nó mới tốt nghiệp phổ thông, đang ôn thi đại học). Chợt, nó tụt xuống khỏi ghế, quỳ gối, chắp hai tay: 
        - Muôn tâu thái hậu kính yêu của con! Thái tử đòi lấy vợ bây giờ thì trời có sập không ạ?
        Nó giở trò gì thế? Tôi bắt đầu đề phòng:
        - Đừng có vớ vẩn, đang học, còn lâu!
        - Cô ấy chót có mang với con, mấy tháng rồi! Con xin phép bố mẹ cho bọn con tổ chức đám cưới!
        Tôi giật nảy mình.
        - Là con gái út  của chủ "Câu lạc bộ Thủy thủ" đấy!
        Mắt tôi tối sầm, tim lại đập như gõ trống . Tôi chới với:
        - Con ơi!... con... ơi!
        Thằng con trời đánh vuốt vuốt ngực tôi:
        - Mẹ! Con xin lỗi... Mẹ bình tĩnh nghe con trình bày đã nào...
        Chồng tôi phụ họa:
        - Thì để yên cho con nó nói ra đầu ra đũa...Việc đã rồi, mình cũng nên rộng lòng... Nước đây, uống đi! Có cần mua phở không?
        Á à! Thì ra bố con nó đã thỏa hiệp ngầm với nhau chống lại tôi. Tôi mở mắt, uống nước, hít một hơi dài. Không, kiểu gì cũng không thông gia với cái nhà Câu lạc bộ... ấy được. Dòng họ nhà tôi là dòng họ gia giáo... Làm cách nào đây? Tôi biết mình không thể ngất xỉu lúc này. Tôi nhổm người, với con dao gọt hoa quả:
        - Dao đây, đâm chết mẹ đi rồi hãy cưới nó!
        Thằng giời con giữ chặt tay tôi, lại còn nhăn nhở:
        - Mẹ tiếp tay cho con phạm tội nhá! Con sẽ tố cáo! - Nó van lơn - Con xin mẹ, chúng con rất yêu nhau... Có phải nhà hàng, vũ trường nào cũng xấu đâu. Sau này, bọn con sẽ...
        Tôi không thể đùa với cả một tương lai được:
        - Không nói nhiều!... Lên trường ngay! Đừng bao giờ nhắc đến chuyện này với mẹ một lần nào nữa! Cút!
        Thằng con cúi đầu, lút cút ra khỏi nhà.
        Hai tháng liền, nó không về, chỉ gọi điện hỏi thăm sức khỏe bố mẹ. Chồng tôi thở dài, lặng lẽ xem tivi. Tôi nẫu cả ruột nhưng chẳng biết làm cách nào. Sao ông trời lại thù dai tôi thế này? Đến tháng thứ ba, không chịu nổi, tôi đi thăm con.
        Hai đứa thuê nhà trọ. Gian nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Cô gái trẻ măng, mang thai có lẽ đã đến tháng thứ tám, trông nặng nề và mệt nhọc quá. Tại sao nhà cô bé giàu có như vậy, lại phải chui vào đây ở với con trai mình? Nó yêu con trai mình đến thế, đó mới là thiêng liêng chứ. Những tai ương chúng vấp phải có khi lại do chính mình gây ra... Nhìn chân cô bé có vẻ sưng to. Tôi hốt hoảng:
        - Trời ơi! Cháu có đi khám thai thường xuyên không? Phải xét nghiệm nước tiểu nhé! Không khéo bị phù...
        Cô bé  nước mắt rưng rưng, nhìn tôi đầy vẻ mãn nguyện:
        - Con cảm ơn cô! Con không việc gì, thai hơi to nên bị xuống máu thôi ạ!
        Thằng Dương nhe răng ra cười:
        - Hồi xưa mẹ có thế không ạ?
        Cha bố thằng mặt dày! Kiểu này lại giống y lão hói.
        Hôm sau, cả ba chúng tôi về nhà.
        Thì ra, chủ "Câu lạc bộ Thủy thủ" chính là vợ chồng ông bác sĩ đã khám bệnh cho tôi dạo nọ. Ông thông gia nhận ra tôi ngay: "Ngày nghỉ, mời ông bà sang bên này thư giãn cho khuây khỏa, thần kinh bà không được khỏe lắm...". Huỳnh nhay nháy mắt với tôi. Ghét tệ!
        Thắm và Hoàng đã làm lễ cưới. Chúng tôi trở nên thân thiết như người một nhà. Chủ nhật, cả ba gia đình thường đàm đạo với nhau bên tách cà phê ấm áp. Tôi rất thích nghe những bản nhạc về biển.
        Tết, gia đình tôi đón thêm một thành viên mới. Suốt ngày, tôi quanh quẩn bên cháu nội, nựng nịu:
        - Âu! Âu!... Chó con của bà, sao cái mặt giống thằng bố mày thế!
         Ai dè, thằng chó bố đứng lù lù ngay sau, dẩu mỏ ra, bắt trước tôi:
        - Âu! Âu!... Con lớn nhanh lên để đưa ông bà đến câu lạc bộ nhé!
        Rồi nó vừa tủm tỉm, vừa lấm lét nhìn tôi, rụt cổ, lè lưỡi, chạy. Hai vợ chồng trẻ cười khanh khách, đèo nhau sang bên ngoại giám sát công trình. 
        Tôi mở cửa sổ, trời ấm rồi. Nắng xuân phơi phới, sáng bừng trên tán lá  sấu già xanh thẫm
        #4
          Thanh Vân 23.07.2008 05:39:14 (permalink)
           Những người đàn bà

          Truyện ngắn của Trần Thúc Hà

           
          Trời chưa sáng hẳn, trên một lối phố nhỏ, có người đàn bà dừng lại bên kia đường, sau một bờ tường khuất chị ta vạch vú, hai bầu vú lép kẹp, khô quắt ấn núm vú vào miệng đứa trẻ. Đứa trẻ đâu chừng sáu tháng tuổi, đang giấc ngủ, miệng được ngậm cái núm vú thì mút lấy, mút để.

          Chị nhìn con, nước mắt ứa ra. Chị quấn lại tấm vải thô làm khăn quàng đứa bé, có một mảnh giấy nhỏ cài trên ngực rồi băng qua bên kia lề đường.
          Chị dừng lại một lúc để nhận ra cái cánh cổng ra vào một ngôi nhà mà chị chú ý từ mấy hôm trước. Nó kia rồi. Chị nhìn trước nhìn sau, không có bóng người. Chỉ còn một đoạn nữa thôi mà chị không bước nổi, khuỵu xuống, chị ôm con chặt vào lòng, cố lần từng bước để đến được bên bờ tường cánh cổng ấy. Lúc này toàn thân chị tê dại, ngực đập dồn dập như có một vật nhọn nào đó đâm thốc vào tim làm chị đau đớn, thở đứt quãng. Nhìn con trong vòng tay mình, chị quấn lại tấm vải lần nữa cho đứa bé, bất chợt chị nấc lên: "Con ơi!".
          Chị lấy hết can đảm đặt con vào bờ tường, rồi bỏ chạy mà không ngoái lại. Bên tai chị lúc này có gió dữ gào rít, cùng tiếng đứa trẻ khóc thét lên khi nó rời khỏi hơi ấm của mẹ và bị đặt xuống nền đá lạnh. Chị gục xuống bên kia lề đường, nép vào một gốc cây lớn để tránh người qua lại, thẫn thờ nhìn về đứa bé.
          Lúc này trời đã tỏ mặt người, chị thấy đứa bé quẫy đạp, đôi tay chới với cùng tiếng khóc của nó mỗi lúc mỗi ngằn ngặt, tức tưởi làm cho gan ruột chị như có ai cấu ra từng mảng, chị ôm lấy đầu mà không dám kêu than. Chị mở to mắt nhìn vào cánh cổng ấy, ngóng trông cánh cổng mở ra.
          Ôi thời gian lúc này sao mà chậm chạp đến thế! Cứ mỗi giây trôi qua là lòng chị thêm đau đớn, cứ như có ai đó cầm sợi dây mỗi lúc mỗi thít chặt hơn ở cuốn tim trong lồng ngực chị. Mãi một lúc cánh cửa cổng ấy hé mở, một bà già đang còn ngái ngủ bước ra. Bà ta ngạc nhiên nhìn thấy đứa bé khóc. Bà cúi xuống nhìn nó một lúc rồi ẵm nó vào nhà. Bấy giờ chị mới thất thểu bỏ đi.
          Về nhà, chị vay mượn lối xóm ít tiền gạo, dặn mẹ đôi điều, rồi chị ra thành phố lớn.
          Trước khi đi xa, chị có ghé qua nhà nơi chị bỏ rơi đứa con. Chị thẫn thờ một lúc rồi nhìn vào. Tuy không được thấy, được biết con mình sống trong ngôi nhà ấy ra sao, nhưng chị tin vào điều chị đã chú ý trước đây là ngôi nhà xây ấy không lấy gì to tát nhưng cũng khá đàng hoàng, có hai người đàn bà, một trẻ tỏ ra lịch lãm trí thức đã qua thì con gái, một bà già tuổi trên dưới bảy mươi, nhà không có đàn ông, không có tiếng khóc trẻ thơ, sống rất hòa thuận với lối phố thì nhất định lòng thương người của họ không thiếu. Chị cứ đứng nguyên thế, chị ước ao cánh cửa cổng ấy mở, cho chị nhìn thấy mặt con trước khi chị đi đến một nơi xa xôi khác. Đứng lâu quá, chị sợ có nhiều điều người ta dị nghị nên chị cúi đầu vội vã bước đi.
          Thành phố lớn suốt ngày người tấp nập, xe cộ ken dày, qua lại inh ỏi với cái nóng hầm hập, khó thở. Nhưng đấy là nơi dễ dàng dung nạp tất cả mọi người từ cao sang kiếm tiền triệu cho đến người nghèo hèn cùng mạt ngày kiếm được chục ngàn đồng nuôi miệng. Chị không nghề nghiệp, ai thuê lau nhà, quét rác chị đều nhận. Kiếm được một đồng chị ăn một nửa, nửa gửi về nuôi mẹ và mong dành dụm ít tiền một ngày nào đó để đủ nuôi con.
          Thật may, thời gian đầu chị đi làm thuê từng buổi, sau chị tìm được một nhà bán hàng ăn bình thường, thuê chị rửa bát, cho chị ở luôn trong nhà. Chỉ sau một tháng, thấy chị tận tụy, sạch sẽ, hết việc lại thích chơi đùa với đứa bé (nó cũng mến chị) nên chủ nhà nhờ chị chăm sóc đứa bé đâu chừng tám chín tháng tuổi.
          Được ở trong một ngôi nhà ấm áp, yên lành cạnh một đứa bé khiến nỗi nhớ con bùng dậy, cồn cào, nhiều đêm chị không sao chợp mắt được. Hình ảnh con gào khóc, đòi mẹ ban sáng ấy cứ ong ong ẩn hiện trong đầu óc chị. Con ơi, bây giờ con có được bú mớm chăm bẵm không con, con có ốm đau gì không con, chắc bây giờ con đã biết ngồi, biết bò, biết lết rồi. Chao ôi mẹ mong được thấy một nụ cười của con. Chị có hỏi mà không có câu trả lời.
          Nỗi nhớ con ngày càng dồn đọng khát khao. Lắm lúc chăm con nhà người ta, chị nhìn nó sững sờ mà quên bón bột cho em bé. Mươi hôm sau chị xin nghỉ việc.
          Ngồi trên xe đò trở về nơi ngôi nhà mà chị bỏ con, chị có cảm giác như xe chạy quá chậm làm chị sốt ruột, nghĩ đến điều bất ngờ có thể xảy đến với con, như con chị không còn ở nhà bà ta nữa, hoặc nó ốm đau đi bệnh viện làm chị ngồi không yên.
          Xuống xe. Đến nơi, trống ngực chị đập mạnh. Cổng nhà bà ấy đây rồi. Chị mừng quá như muốn khuỵu xuống khi chị nghe trong nhà vọng ra tiếng trẻ con cười đùa, chị nhận ra ngay tiếng cười đùa ấy là của con chị, nó cười trong trẻo, ấm áp - mà bà ngoại nó mỗi khi nghe nó cười thường nói với chị lớn lên nó sẽ thương mẹ nó lắm - dù xa cách mấy tháng nay chị vẫn không sao quên được.
          Chị muốn lao vào, ôm chầm lấy nó mà gào lên "Mẹ đây! Con ơi". Nhưng chị đã kịp ghìm lại, bởi bất ngờ, đường đột như thế người ta có thể cho chị là một mẹ mìn, lừa đảo, chí ít ra cũng là một kẻ tâm thần, người ta sẽ tống cổ chị. Chị lấy lại được bình tĩnh. Chị đang loay hoay nghĩ ra một cách gì đó để được gặp con.
          Ôi sung sướng như người bắt được vàng, như kẻ ốm lâu ngày không thuốc chữa bỗng nhiên khỏi bệnh, chị nhìn thấy bên cánh cửa có gắn một tấm bìa nhỏ, viết mấy chữ: "Cần người giúp việc, chăm sóc bé". Điều đó ngoài sức tưởng tượng của chị làm tràn ngập niềm hạnh phúc trong lòng chị. Sợ mình nhầm lẫn vì quá ước mong được gặp con, chị sờ vào tấm bìa, đọc từng chữ. Nước mắt chị ứa ra vì đấy là sự thật, người chị run lên.
          Khi thấy có người lạ bấu vào cánh cửa cổng, bà chủ nhà bước ra, hốt hoảng hỏi chị: "Chị bị trúng gió" hả? Chị đáp: "Cháu đang tìm việc, cháu mừng quá đấy bà ạ". Bà mời chị vào nhà. Bà hỏi: "Cháu bé chưa đầy tuổi, chị có chăm sóc được không?". Chị đáp, giọng vẫn còn run: "Dạ được". Như để khẳng định thêm lời nói của mình, chị tiếp: "Con đã có con. Cháu bé đã lớn". Bà cho chị hay: "Tôi là bà cả Lan. Trong nhà có cô Thanh, con ông chú, mẹ đẻ thằng bé. Xem ra chị ít tuổi hơn cô Thanh, chị gọi nó bằng cô, xưng với cháu bé bằng dì, còn gọi tôi bằng bà Lan cho gần gũi". Chị dạ.



          #5
            Thanh Vân 23.07.2008 06:05:29 (permalink)
             Cầu vồng bảy sắc

            Mai Thị Thu Loan
             

            Tôi ngồi trong khán phòng nghe Hiếu chơi đàn. Tiếng đàn trầm bổng điêu luyện, lúc nỉ non lúc réo rắt khiến tôi bồi hồi thương cảm. Cậu bé hàng xóm kém may mắn của tôi đã trở thành nghệ sĩ đàn bầu thiệt sao?


            Lúc chia tay nhau, Hiếu là một thiếu niên tật nguyền bất hạnh. Không ngờ bữa nay, Hiếu lớn và chững chạc như vầy!
             
            Bài "Ru con Nam Bộ" tôi từng nghe Hiếu tập từ lúc nhỏ với cây đàn tự tạo. Nhưng hôm nay Hiếu đàn hay tới độ tôi không còn tin vô tai mình. Từng giọt đàn tròn trặn da diết rơi xuống lòng tôi khiến mắt chợt cay xè.
            Tôi thấm những giọt lệ lăn xuống má, vừa lúc tiếng vỗ tay nồng nhiệt cất lên. Vội vàng đi ra lối cửa hông dành cho nghệ sĩ, tôi hồi hộp đứng trước phòng hoá trang chờ Hiếu .
             
            Một thanh niên cao ráo, có thể gọi là đẹp trai nếu không có cặp kính đen sù sụ trên mặt che kín đôi mắt đục nhờ, cùng mấy đứa trẻ đi tới. Tôi thảng thốt nắm tay người đó:
             "Hiếu! Hiếu à! Uyên đây. Có nhận ra mình không?".
            Hiếu dừng lại, mừng quýnh. Nụ cười đôn hậu nở trên khuôn mặt chữ điền. "Uyên đó à? Lâu quá rồi mới gặp!".
            Rồi Hiếu cúi lại gần, nói nhỏ chỉ đủ cho mình tôi nghe:
            "Cầu vồng bảy sắc… Tối nay tôi đã nhìn thấy rồi Uyên à!".
            Nghe nói vậy, tôi lại muốn rơi nước mắt.   
             
            Ngày ấy, tôi và Hiếu là đôi bạn thân cùng lớp, lại còn là xóm giềng với nhau. Hiếu thường nhờ tôi giải hộ bài toán, còn tôi thì nhờ Hiếu làm giùm bài văn. Con gái giỏi văn, con trai giỏi toán. Thường là như vậy nhưng tôi và Hiếu lại không giống mọi người.
             
            Tôi hiếu động, đầu têu toàn những trò tinh nghịch trong khi Hiếu lại thích chơi đàn. Lúc nào rảnh là Hiếu lấy cây đàn bầu tự tạo ra gẩy tưng tưng. Tôi thường giằng lấy vứt lên nóc tủ và ra lệnh
            "Dẹp cái trò cụ non đó ngay, đi chơi mau!".
             
            Bị tôi phá đám, Hiếu không đổ quạu mà chỉ cười hiền, đứng dậy đi theo. Tụi con nít trong xóm Cầu Kênh thường hay châm chọc:
             "Con trai mà để con gái xỏ mũi dắt đi. Đồ chết nhát!".
             Hiếu cười trừ, không cãi không giận.
             
            Tôi chấm cái tánh hiền lành của Hiếu, nên có miếng nào ngon đều dành phần đem cho. Biết chuyện, tụi quỷ con lại réo lên:
             
             "Lộn cầu vồng nước trong nước chảy.
             Có cô mười bảy, lấy chồng mười ba.
             Hai chị em ta, ra lộn cầu vồng…".
             
            Tôi nhảy tới, giận dữ véo tai sắp nhỏ. Tụi nó la inh ỏi. Hiếu lại cười:
             "Thôi, tha cho mấy đứa đi. Mình chơi kéo co nghen!".
            Tôi một đầu, Hiếu đầu kia, cái đuôi rồng rắn là mấy đứa con nít. Đứa nào bị tôi véo tai đều ùa sang bên Hiếu. Còn lại là vô phe tôi.
             
            Thường thì bên Hiếu đông hơn. Tôi bị thua dài dài, xị mặt ra gắt gỏng: "Khỏi thèm chơi luôn! Ỷ đông ăn hiếp con gái hả? Dẹp!".
            Tụi con nít tưng hửng, len lét bỏ đi một hơi. Còn Hiếu đứng lại, gãi tai cười:
            "Vậy thì mình lộn cầu vồng há? Ừa đi! Chỉ hai đứa chơi thôi, như mấy bữa đó mà...".
             
            Rồi không đợi tôi gật đầu, Hiếu cầm hai tay tôi, xoay tròn, miệng hát
            "Lộn cầu vồng...".
            Tôi bật cười:
             "Hát chi mà vô duyên quá trời đi. Bộ tôi già hơn ông hả?"
             Hiếu đang thở hào hển, cũng phì cười. Vậy là tôi hết giận. 
             
            Lớn lên chút nữa, hai đứa được vào phổ thông cơ sở. Tôi và Hiếu không còn chơi những trò con nít nhưng vẫn rất thân nhau. Tánh tôi nghịch ngợm không thua con trai nhưng có lần Hiếu gặp tôi ngồi tha thẩn ngó mưa trước nhà.
            Tôi mê mải ngắm cầu vồng, không biết Hiếu sang lúc nào. Những sắc màu xanh đỏ tím vàng huyền ảo làm tôi ngẩn ngơ. Lâu thiệt lâu tôi vẫn ngồi bất động, mặt nghếch lên trời. Bất chợt day qua thấy Hiếu chăm chăm ngó mình, tôi mắc cỡ nạt:
             "Qua hồi nào mà ngậm tăm vậy cà?".
            Hiếu cười cười:
            "Cầu vồng đẹp thiệt há Uyên!".
            "Ừa, đẹp thiệt. Ngó hoài hổng biết chán".
             Hiếu đăm chiêu:
             "Lâu quá mình không chơi lộn cầu vồng nữa rồi Uyên…".
            Tôi cắt ngang:
            "Ông khùng hả? Chơi chi cái trò con nít đó nữa!".
             "Nhưng mà hồi nhỏ vui quá trời. Chơi riết rồi Uyên mê coi cầu vồng đó chi?".
            Tôi tắc họng, không biết đối đáp ra sao.
             
            Lần đầu tiên tôi ngắc ngứ trước mặt Hiếu. Dòm qua, chợt nhận ra cậu ta cũng đang ngó mình. Tôi đỏ mặt, vụt đứng dậy quày quả bước vô nhà, để mặc Hiếu đứng lại một mình, cười lỏn lẻn.
             
            Hai đứa tôi chắc vẫn còn gấu ó nhau tối ngày, nếu không có tai họa bất chợt đổ ụp lên đầu Hiếu. Mùa hè đó tôi ra nhà dì, dượng ở thành phố chơi cả tháng. Buổi trưa đầu tiên về lại quê, tôi ghé qua nhà Hiếu. Cậu ta ngồi yên trên phản, không ngó thấy tôi bước vô. Tôi kêu:
             "Hiếu à! Làm chi ngồi thừ ra đó?".
            Hiếu giật mình day qua tôi, đưa tay ra rờ rẫm trước mặt, rồi mới tụt xuống khỏi bộ ván. Tôi điếng người, thấy mắt Hiếu hấp háy, nhưng tròng mắt đùng đục khác thường.
            "Mắt ông sao vậy?".
             Hiếu không cười như mọi lần, nước mắt ứa ra bên khóe:
             "Hiếu mù rồi Uyên ơi! Hơn một tuần nay rồi…".
            Tôi hét lạc giọng:
            "Không! Hiếu phải đi bệnh viện chớ. Uyên đưa Hiếu đi!".
            Hiếu nghèn nghẹn đáp:
            "Đi rồi. Ba Hiếu nghỉ phép về đưa đi. Bị di chứng chất độc da cam. Không khỏi được đâu".
             
            Tôi khóc như mưa. Hiếu dỗ dành tôi nhưng cuối cùng cũng khóc oà. Đầu Hiếu gục nặng một bên vai tôi. Sau rốt, Hiếu ngẩng lên, nói với tôi:
             "Hiếu khóc bữa nay nữa thôi. Lần sau Uyên qua chơi, nhớ đừng khóc nghen!".
            Tôi nghẹn ngào hứa, nhưng nước mắt cứ ầng ậc tuôn ra.
            Hiếu bỏ học, ngồi chơi đàn suốt ngày. Tôi ở bên nhà ôn bài, nghe tiếng đàn vọng qua, buồn não ruột. Cũng không vô đầu được chữ nào. Đêm về, tiếng đàn càng khắc khoải như cười than, khóc hận. Khuya thật khuya mới chịu lặng đi. Tôi nghe má tôi ru thằng út trong buồng:
             "Ầu ơ, đàn bầu ai gảy nấy nghe/
             Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu...".
             
            Qua hôm sau ba nói có việc phải lên nhà dì dượng. Má lựa lời nhắc:
             "Ai có phận đó con à. Đừng nghĩ ngợi nhiều mà học không vô nghen con!".
            Tôi biết ba má lo cho mình, nhưng không ngờ hai người lại quyết định gởi tôi lên thành phố.
             
            Trước ngày đi, tôi qua chào Hiếu. Hai đứa ngồi trên cái chõng kê ngoài hiên. Mưa rơi tí tách. Hiếu gảy đàn, cố lựa toàn bài vui, sao tôi nghe buồn như cật tre cứa ruột. Rồi Hiếu buông cần, hỏi tôi:
             "Uyên coi bữa nay có cầu vồng không vậy?".
             Tôi đang ngó trời, cố làm giọng tỉnh, đáp:
             "Có. Đẹp lắm…".
             Chợt giật thột vì sợ Hiếu buồn, tôi im luôn. Hiếu cười.
            Lâu thiệt là lâu mới thấy cậu ta cười.
             "Hiếu cũng thấy rồi. Đẹp thiệt đó Uyên".
            Tôi ngạc nhiên ngó qua. Mắt Hiếu vẫn mờ đục.
            "Uyên là cầu vồng của Hiếu đó. Cầu vồng bảy sắc à nghen. Lúc nào gặp Uyên là Hiếu lại ngó thấy cầu vồng trước mặt. Thiệt mà".
            Tôi nghe nước mắt kéo lên mi, không dám nói gì, sợ Hiếu biết mình đang khóc.   
             
            Mùa hè, tôi hơ hải về nhà. Món quà tôi mang cho Hiếu là chiếc đàn bầu mới tinh thiệt đẹp. Tiền chú, dì thưởng cho vì học giỏi, tôi mua cho ba cây dọc tẩu, cho má vuông khăn len, phần thằng út cái áo sơ mi trắng. Tiền mua cây đàn tôi có được nhờ dạy kèm tiếng Anh cho sắp nhỏ hàng xóm.
            Tôi tha chừng đó món quà về quê, lòng vui rộn ràng. Hiếu chắc mừng húm vì có cây đàn tốt, thay thế cây đàn tự tạo đã nứt cả bầu. Tới nhà, tôi tưng hửng vì nghe tin Hiếu đã ra miền Trung, vô học Trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho người khuyết tật.
             
            Những mùa hè sau đó Hiếu cũng không về. tôi hỏi thăm, chỉ nghe má kể là Hiếu ra tận Thủ đô học ở Nhạc viện Hà Nội. Cây đàn tôi tính tặng Hiếu vẫn còn để nguyên trong hộc tủ thờ. Mỗi lần về thăm nhà, tôi lại mang nó ra. Hí hoáy lau chùi để nhớ lại một thời thơ bé hồn nhiên nghịch ngợm và cả mất mát đau buồn giữa hai đứa.
             
            Gặp lại Hiếu, tôi mừng hết biết. Tôi tìm ra tận đây bởi tình cờ đọc được cột tin trên báo về buổi hòa nhạc từ thiện này. Cái tên Lê Hiếu trong tiết mục độc tấu đàn bầu đập ngay vào mắt tôi. Chắc chắn đây là Hiếu, người bạn cật ruột ngày xưa tôi vẫn hằng mong gặp lại.
             
            Từ lúc học xong đi làm, ba má đã mấy lần hối tôi lấy chồng, nhưng không một ai làm cho tôi thương mến như là Hiếu. Tôi vẫn là cầu vồng ngày mưa. Hễ trời tạnh thì tan biến. Trái tim tôi không chịu lớn khôn cùng thân xác, vẫn cứ vấn vương mấy trò chơi lúc nhỏ. Hôm nay tôi càng tin ông trời có mắt, đã cho tôi cơ hội tìm được Hiếu, để nối lại tình thân dang dở hồi nào.
            Hiếu hẹn tôi ngày mai lại trường chơi, tôi nhận lời, rồi chào Hiếu để quay lại phòng khán giả. Buổi biểu diễn âm nhạc từ thiện sắp chấm dứt. Tôi lên sân khấu, trao món quà của mình cho ban tổ chức. Toàn bộ số tiền thu được đêm nay sẽ chuyển cho các trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Tôi hiểu nỗi lòng của Hiếu, muốn góp phần giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn đó.
            Trở về khách sạn, tôi trằn trọc mãi mới ngủ được. Sáng hôm sau, không đi tham quan thắng cảnh theo kế hoạch, tôi gọi xe ôm đi thẳng đến trường.
            Hiếu sống trong khu tập thể giáo viên. Tôi hỏi thăm nhà và hồi hộp gõ cửa. Chút xíu nữa là tôi giáp mặt Hiếu rồi hai đứa mặc sức kể chuyện ngày xưa. Cả về cây đàn bầu vẫn nằm im trong hộc tủ. Và Hiếu sẽ cười, nụ cười thiệt hiền. Lại gọi tôi là cầu vồng của Hiếu. Cầu vồng tôi sẽ không đi đón cơn mưa nữa mà đậu lại nơi căn nhà bé nhỏ này, để làm rực rỡ những ngày vui của Hiếu - của tôi.
             
            Một cô gái trẻ lành lặn, xinh xắn ra mở cửa.
            "Chào chị! Chị là Uyên phải không? Mời chị vô. Anh Hiếu đang chờ chị!".
            Tôi định thần lại, đáp:
             "Vâng, cám ơn cô!". Hiếu đứng dậy, mời tôi ngồi xuống ghế.
            Tôi chết trân khi nghe Hiếu giới thiệu :
             "Đây là Ly, vợ tôi đó, Uyên à! Cô ấy trước là giáo viên dạy chữ nổi cho tôi".
            Tôi ráng cười, chúc phúc hai người mà tai ù lên như có đàn ong bay vù vù trong đó.
            Ly ái ngại  nhìn tôi:
            "Chị mệt lắm phải không? Vô phòng em nằm nghỉ chút đi. Em làm cơm rồi. Mời chị ở lại dùng bữa trưa với vợ chồng em!".
            Tôi lấy cớ phải về gặp đối tác kinh doanh, chỉ xin ngồi thêm mươi phút nữa. Hiếu cười tươi, kể cho Ly nghe về tình bạn hồi nhỏ giữa Hiếu và tôi.
            Vui vẻ đáp lễ hai người mà gan ruột tôi đau như ai xát muối. Sau cùng tôi cám ơn Hiếu và Ly rồi xin phép ra về. Tới cửa, Ly ý tứ quay trở vô. Hiếu ghé lại gần tôi nói nhỏ:
            "Uyên là cầu vồng ngày mưa... Còn Ly, cô ấy là mặt trời ngày nắng đó!".
             
            Tôi trở về nhà, đóng hộp xốp cây đàn bầu để gởi ra trường cho Hiếu. Rồi tôi ráng quên chuyện cũ và lấy chồng. Tôi lại ru con gái nhỏ của mình giống như má tôi từng ru thằng út:
             "Đàn bầu ai gảy nấy nghe/
            Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu..."
             
            Nguồn: CAND
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9