Hệ Tiên Rồng
Thần Báo 25.07.2008 02:42:17 (permalink)
Hệ Tiên Rồng
 
 
Hệ Tiên Rồng là một hệ thống tư tưởng chỉ đạo sống động và hiện thực, đặt căn cứ trên biểu tượng của Bộ Kinh Việt và lịch sử Văn Hóa Việt. Hệ thống tư tưởng này không phải là do một người, hay một nhóm người nào phát minh ra, cũng chẳng phải do Thần Báo… mà là nền văn hóa đã và đang sống trong lòng dân tộc Việt Nam, dầu ý thức có khác biệt ít nhiều do trình độ từng người, nhưng hệ tư tưởng Tiên Rồng không còn là học thuyết, hay lý thuyết, mà chính là một sinh thức hệ dân tộc.

Những việc tìm hiểu, khảo cứu, áp dụng, sống và nhìn người thân ta đang sống… thích nghi với hiện cảnh mà ta đặt trọn tâm trọn ý vào nơi đó… Quả là một tiến trình dài, dài như đường lịch sử của một dân tộc sống và trải qua bao ngàn năm, vẫn còn tiếp diễn cao siêu hiện thực, đang là đặc điểm của Việt Nam và là con đường cứu nguy nhân loại.

Có thể nói, mỗi câu văn, mỗi mệnh đề… trong Bộ Kinh Việt, đang chờ đợi cả một thiên khảo cứu về lịch sử và văn hóa Việt. Ðây cũng là phần chúng ta nên tìm hiểu, thảo luận, và đừng quên đóng góp thêm những khám phá mới của mình vào kho tàng văn hóa tư tưởng chính trị ưu việt của Tổ Tiên.

Kinh Việt là tinh hoa đúc kết lời khuyên dạy ngàn đời của Tổ Tiên, mỗi chi tiết, mỗi câu nói là bài học thâm thúy mà Ông Bà đã nâng niu, trang trọng trao lại cho con cháu. Và làm thành một hệ thống biểu tượng chỉ đạo sống động và hiện thực, nên được gọi là sinh thức hệ, Hệ Tiên Rồng.

Ðiểm đặc biệt, Tổ Tiên để lại một hệ thống biểu tượng, chớ không phải là hệ thống ngôn từ, hay hệ thống tư tưởng… Vì rằng ngôn từ/ hay tư tưởng đều có thể theo thời gian, theo chế độ mà bị nhóm quyền lực bóp méo, làm lệch lạc ý nghĩa, nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân... Thí dụ, như chữ “tự do” đã được hiểu nhiều cách sai lạc và khác biệt trong các chế độ chính trị hiện nay.

Còn biểu tượng thì trước sau vẫn thế, đã không bị sửa đổi, và cứ tùy thời đại mà chúng ta diễn dịch “biểu tượng” theo ngôn ngữ hiện đại. Có ai thắc mắc?

Trong mỗi phần bài, Phần Chính Kinh là phần cố gắng ghi chép lại những điểm chính yếu, cưu mang bài học của Tổ Tiên. Dĩ nhiên với thời gian, qua sự phù trợ của Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi, chúng ta được sự đóng góp của mọi người giúp cho bản chính kinh ngày thêm toàn vẹn.

Phần Diễn Kinh, người viết có tham vọng đào sâu, diễn giải biểu tượng tới tận ý nghĩa thâm sâu nhất có thể có trong khả năng nhận thức cao tận cùng của mình... Do đó đôi khi đã trở thành khó hiểu cho một số người đọc. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng các bạn có thể căn cứ vào lịch sử để rút ra những thí dụ, những gương sống thực của các vị Anh Hùng Nữ Kiệt mà giúp nhau thấu suốt bài học Tổ Tiên.

Sau phần diễn kinh là phần Tìm Hiểu về Kinh qua văn hóa dân tộc Việt. Riêng trong Kinh Tiên Rồng, vì là Kinh Nền Tảng, sở dĩ gọi là nền tảng vì trong đó chúng ta có được nhận diện, hay định về về Con Người và Xã Hội Con Người một cách hoàn chỉnh, toàn diện và đúng thực. Phần này được coi là đúc kết những nét đặc thù của văn hóa Việt, và khai thác hết những nét đặc thù đó chúng ta có được một hệ thống tư tưởng chỉ đạo sống động và hiện thực, gọi chung là Hệ Tiên Rồng, với nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp Hoàn Chỉnh để áp dụng vào cơ cấu tổ chức, tức tổ chức Bọc Mẹ Trăm Con!

Tiếp Kinh nền tảng Tiên Rồng là kinh sống Tiên: Kinh Trầu Cau. Rút tỉa nguyên lý sinh hóa của vạn vật, đặc biệt căn cứ trên Con Người của Kinh Tiên Rồng, thì Kinh Trầu Cau đưa ra nguyên lý Thân Thương Tột Cùng, một nguyên lý siêu việt mô tả đầy đủ những sắc thái chân, thiện, mỹ của con người mà các tôn giáo đều suy tôn.

Chúng ta không ngạc nhiên khi nhìn lịch sử dân tộc mình, có thể nói ông bà áp dụng vấn đề đa văn hóa ngay tự nghìn xưa. Một điều nổi bật nhất là ông bà đã nhấn mạnh rằng chỉ thấy con người và chỉ lấy con người làm tiêu chuẩn căn bản, cho nên chúng ta chỉ thấy nhân sinh quan, thế giới quan được tổ tiên đề cập, trong khi muốn tìm hiểu vũ trụ luận thì đi hỏi các tôn giáo khác như Phật, Chúa.

1. Kinh Tiên Rồng: Nền tảng, chúng ta rút ra nguyên lý sinh hóa của vạn vật, đặc biệt căn cứ trên con người, tức nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp Hoàn Chỉnh.

Với Kinh Tiên Rồng, chúng ta có được định nghĩa về con người hoàn chỉnh toàn diện, đúng thực. Và nhận diện xã hội con người là xã hội đồng bào (Một Bọc Trăm Con) tức xã hội anh em bình đằng và thân thương tột cùng.

Chúng ta có thể đem con người thật của văn hóa Việt để nghiệm lại về thân phận con người trong những nền văn hóa khác như sinh vật kinh tế, hay con thú tiến bộ.

2. Kinh Trầu Cau: Kinh Trầu Cau chia sẻ với Kinh Tiên Rồng và rút ra từ Bọc Mẹ Trăm Con -- từ cái xã hội hai anh em sinh đôi, giống nhau như đúc, thương nhau rất mực, và chưa hề lìa nhau -- để áp dụng vào đời sống con người bằng nếp sống Tiên: Thân Thương Tột Cùng của con người.

Kinh Trầu Cau đặt nền tảng tương quan giữa người với người. Nghĩa là thương nhau trọn tình, sẵn sàng chết vì thương, và dẫu có chết cũng vẫn còn thương.

Vì là nền tảng tương quan người với người, nên cũng là nền tảng cho xã hội con người, từ tổ chức gia đình mà ra nhân loại. Ôi lời linh huấn của Tổ Tiên quá thâm thúy diệu vời, khiến ta nhìn lại xã hội Việt với bao tấm gương sống nào là lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, thiếu phụ Nam Xương, Anh phải sống… thành tín với vợ, chung thủy đợi chờ ngày đoàn tụ…

3. Kinh Chữ Ðồng: Nếu Kinh Trầu Cau rút từ tổ chức Bọc Mẹ Trăm Con ra hai anh em, hai con người để áp dụng nguyên lý Thân Thương Tột Cùng, thì để dạy bài học Bình Ðẳng Tột Cùng tức nếp sống Rồng, Tổ Tiên ta lấy lại hình ảnh Tiên Rồng nơi nàng Công Chúa Tiên Dung (đẹp, sang, giầu, được yêu thương, kính trọng quyền thế cao cả, … tột cùng trong xã hội.

Chúng ta thường nói sướng như tiên, theo chữ nho, ghép bởi chữ nhân với chữ sơn thành chữ tiên, tức là người ở núi: núi của.

Qủa là nàng tiên giáng xuống cõi trần thế, khi anh chàng rồng Chữ Ðồng đói khổ, homeless lang thang nơi bờ sông bãi sú kiếm ăn. Chàng có một cái quần (cái khố) đã vì hiếu mà liệm cho cha khi cha lìa trần, Ông bà ta dạy gì vậy?

Muốn sống với nhau thì phải thấy nhau bằng con người thật, con người tinh tuyền, con người không bị vật chất che phủ.

Thật là thâm thúy khiến chúng ta mỉm cười với cái cười thi vị. Này nhé, chàng là rồng đang ẩn mình trong lòng đất (thủy phủ) khi nàng công chúa Tiên Dung đến thay màn tắm gội.

Nàng từ trời xuống, chàng từ đáy huyệt lên. Nàng giầu sang tuyệt thế, chàng tệ hơn khố rách áo ôm! Xin hỏi các bạn, ở đời ai hơn công chúa, ai thua chàng nghèo… vậy mà nên duyên, song hiệp thì hỏi … xã hội còn kẽ hở nào để phân cách? Ðể mà phân chia giai cấp?

Và nhờ sự song hiệp Tiên Rồng đó, con người có được hạnh phúc. Tiên Dung Chữ Ðồng đã giúp dân. Họ có cả một chương trình phát triển xã hội: giáo hóa dân chúng (dạy dân phép tiên), phát triển kinh tế (lập phố xá), ngoại thương (ra biển đi buôn), phát triển giao dịch, lưu thông (gậy thần rút đất) … và rồi khi họ Về Trời dân chúng cũng được về theo, nghĩa là chúng ta cũng được thành tiên, đẹp như tiên, và sướng như tiên, hạnh phúc, cực lạc.

Tới đây, trong số bạn đọc cũng đã hiểu nhiều hơn cả người viết, đã rõ sự tích các kinh… Và còn biết bao điều muốn nói khác vì văn hóa Việt vô cùng tuyệt diệu, nhưng làm sao mà nói hết được. Mỗi con cháu Việt, tâm hồn, máu huyết, là cả một kho tàng đang tiềm ẩn, xin cứ tự khai thác gia tài tổ tiên trong mình.

Trở lại vấn đề đã tìm ra nguyên nhân chính của thảm họa nhân loại hôm nay, đó là vì chủ nghĩa, chủ thuyết đã nhận định sai lạc về Con Người và do đó đã đặt nền tảng gỉa tạo cho Xã Hội loài người.

Khi quan niệm con người chỉ là con thú tiến bộ, hay sinh vật tiêu thụ và sản xuất, khi chỉ nhìn nhận con người với một số đặc tính mà chối bỏ những đặc tính khác, khi chủ trương con người phải đối xử với nhau bằng hận thù, bằng đấu tranh, bằng mánh khóe … thì làm sao con người có được hạnh phúc, an vui?

Và rồi những sai lầm nền tảng về con người và xã hội loài người, đã được Tổ Tiên Việt giải quyết thỏa đáng với tinh túy của câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên.

Qua ý nghĩa chuyện kết hiệp giữa hai biểu tượng Tiên Rồng, tương đồng tuyệt đối, 50 theo mẹ 50 theo cha, và cũng qua biểu tượng, mọi người đều từ Một Bọc chứa đựng một trăm anh em ruột thịt. Kinh Tiên Rồng qủa là bản văn nhận diện chính xác và trọn vẹn về con người và về xã hội loài người.

Qua đó, chúng ta có thể nhận ra con người gồm cả thân xác, trí khôn, lẫn tâm tình và thông hiệp với thế giới bên kia (siêu linh). Con người là một hiệp thể toàn nhất, tự tại, bất khả phân, nhưng đồng thời Con Người cũng bẩm sinh là thành phần của xã hội. Trong cùng một lúc, khởi sự có Con Người là có luôn 100 người!

Với Kinh Tiên Rồng, chẳng những chúng ta giải quyết những xung đột giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, mà còn xác quyết rằng thế giới vận hành không phải do mâu thuẫn nội tại, mà nhờ Song Hiệp Hoàn Chỉnh. Ở cấu thành cũng như ở mọi sinh hoạt của con người, luôn luôn phải có sự hòa hiệp đúng đắn và đầy đủ giữa hai cấu tố tương đồng, được biểu trưng qua Tiên và Rồng, như giữa cá nhân và cộng đồng, giữa gia đình và làng nước, giữa vật chất và tinh thần, giữa tình và lý, giữa kinh tế và đời sống, v.v…

Các chủ thuyết hôm nay đã thất bại trong cố gắng tiêu diệt bất công, vì chúng đã tạo ra những giai cấp mới. Nhưng Kinh Chữ Ðồng của văn hóa Việt, với chàng Chữ Ðồng không khố và nàng công chúa Tiên Dung, đã đưa ra, chẳng những quan niệm mà còn nguyên tắc và phương thức hành động, để xã hội được thực sự bình đẳng, loại trừ giai cấp, đặc quyền, lạm dụng, ỷ lại quyền thế, kỳ thị chủng tộc, v.v…

Ðứng trước cái thế giới băng hoại đầy hận thù, lường gạt, mạnh được yếu thua, … và gia đình suy thoái, tan rã, … Con người càng thêm cô độc đơn côi, bơ vơ vất vưởng … thì Kinh Trầu Cau lại đặt nền tảng cho sự liên hệ đích thực giữa Người và Người, cũng như cho cách sống thực những mối ràng buộc thiết yếu, thực tại và cao qúy của con Người. Không phải chỉ lý thuyết suông, mà còn là những phương thức thực tế, áp dụng từ trong cội nguồn tâm tư đến việc thể hiện nơi cuộc sống hằng ngày và thành quả sinh động trước mắt.

Sau các kinh nền tảng cho con người và cuộc sống con người trong xã hội, Tổ Tiên Việt dạy về một cơ cấu quan trọng nhất, đã chi phối mạnh mẽ đời sống con người, đó là nước, quốc gia.

4. Kinh Tiết Liêu: Nếu như Kinh Chữ Ðồng đề ra nguyên tắc phát triển xã hội, thì Kinh Tiết Liêu dạy việc Trị Nước An Dân.

Vua Cha muốn truyền ngôi dạy chúng ta dâng lễ vật thờ cúng tổ tiên, trong khi nhiều nền văn hóa khác lại dạy phải kiếm nhiều thủ cấp của dân láng giềng, … Và Tiết Liêu vì hiếu thà lo cho mẹ hơn làm vua … nên làm bánh dày bánh chưng … và rồi làm vua.

Ðó không phải là nền tảng An Dân Trị Nước đó sao? Tiết Liêu có tinh thần dân tộc (thờ cúng Tổ Tiên), hiếu thảo (gia đình là gốc của nước, như trong Kinh Trầu Cau), không màng giầu sang nhưng biết lo cho dân (lấy gạo làm căn bản sống của dân), có sáng kiến, phát triển kinh tế (gạo nấu cơm để lâu dễ bị thiu, nhưng làm thành bánh dày bánh chưng thì để được cả tháng trời) … lại đủ đạo Trời đạo Ðất (tròn, vuông), … Con người như thế không đáng trị nước an dân sao?

Nhìn vào đời sống con người trước mặt, chúng ta đã có kinh nghiệm đắng cay với những thể chế độc tài đảng trị. Mặt khác, lại cũng thấy nhan nhản những tệ đoan trong xã hội dân chủ đấu thầu, phải chăng dựa trên quảng cáo mị dân và mị cán bộ… thì với hai kinh: Kinh Tiết Liêu và Kinh An Tiêm đã phân định rõ ràng hai hệ thống tổ chức nước làng để định đặt một nếp sống dân chủ đúng nghĩa, trung thực, thực tiễn, bảo đảm hữu hiệu và vững chắc cho cuộc sống tự do hạnh phúc của mọi người.

5. Kinh An Tiêm: Chuyện qủa dưa đỏ cũng hình thành bài học tương tự! Thà bị Vua Cha đày oan còn hơn phải trốn theo tầu buôn mà về đất liền làm giặc, … Nhưng khi có qủa dưa đỏ, dưa hấu, một loại của ngon vật lạ nơi hải đảo đã gởi về dâng vua, biếu nước! Và từ đó dân ta, đặc biệt nơi miền khô cháy nóng bỏng, được thêm món ăn tươi mát thơm ngon … Chàng chẳng đáng mặt trị nước an dân đó sao?

Dưới khía cạnh kinh tế, chúng ta có thể nói, Kinh Tiết Liêu phát triển trên đất, nội địa … Kinh An Tiêm phát triển vùng biển … và cũng đừng quên Kinh Chữ Ðồng nói trên.

6. Kinh Mỵ Châu: Ðúng là Kinh Giữ Nước! Xây thành làm gì (Cổ Loa), cậy vào khí giới có ích chi (cái nỏ thần), chờ đợi chi người xa lạ (thần Kim Quy), … Khi xây thành cho dân khổ! Phung phí làm dân cùng cực! Ỷ vào nỏ thần mà quên dân! … Và thành cao, khí giới tốt có ích chi khi chính người con gái yêu, con dân cuối cùng của mình (Mỵ Châu) cũng còn đối nghịch!

Lấy câu chuyện thương tâm An Dương Vương, và Mỵ Châu Trọng Thủy là câu chuyện làm mất nước để mô tả bài học Giữ Nước, tức là phải giữ hồn nước, giữ dân nước, giữ sức nước, và giữ đất nước.

7. Kinh Phù Ðổng: Là Kinh Cứu Nước. Giặc chiếm đã (ba) năm, và trong ba năm đó, dân chúng đã nằm chỉ như đứa bé: không thể đi, không thể đứng, không thể nói, không thể cười! … Nhưng rồi Tộc Tổ hiện về (Cụ Gìa áo đỏ, múa nhảy với bọn trẻ ngoài đầu xóm!) như trong Kinh Tiên Rồng, khi Cha Rồng xác tín: “Khi nào cần thì gọi, ta về ngay!”

Vâng lời Tổ, Vua Hùng sai sứ đi tìm người cứu nước. Cậu Bé Phù Ðổng lắng nghe sứ vua, vươn vai thành người cao lớn, nhảy lên ngựa sắt, cầm roi sắt để đánh giặc Ân. Khi giặc thua thì cậu dùng tre làm roi mà đánh: Ôi! Bài học nhân thứ (từ roi sắt cậu chuyển sang roi tre để giặc bớt đau khi đã thua chạy).

Toàn dân toàn diện (dân làng mang gạo, áo giúp cậu ăn mặc, rồi to lớn đến nỗi phải dùng hoa mà kết phủ!). Ngựa sắt cũng hét ra lửa. Gốc tre cũng hữu hiệu hơn gươm giáo. Và rồi lũy tre xanh, hệ thống làng mạc, chẳng những giúp ta thắng giặc cứu nước, mà còn giúp toàn dân Phù Ðổng làm lại cuộc đời! Hạnh phúc như tiên, bay Về Trời.

Kinh Phù Ðổng chẳng những chỉ phương cách cứu nước cho mỗi người, cho tổ chức, và cho cả một dân tộc, mà đồng thời, lồng trong đó còn có cả một kế hoạch vĩ đại cho việc Cải Hóa Con Người và Cải Hóa Xã Hội.

Cũng như Vua Hùng, kinh xác định những đức tính thiết yếu của chúng ta là dám nhận thực hiện trạng phũ phàng, dám tin tưởng tuyệt đối vào sức sống, sức mạnh của dân tộc, dám lột xác để thích ứng với tình thế mới, dám quyết tâm dấn thân để làm đến thành công.

Kinh khởi sự với việc nêu rõ những điều kiện, những đức tính cần thiết để cải hóa từng người, rồi từ một người tới một tổ chức, từ một tổ chức đến mọi người khác. Kinh duyệt qua từng giai đoạn, từng công tác, từng hành động, từ việc vận động tinh thần, tới các điều kiện đoàn kết, qua phương thức phát hiện tiềm năng, tới cách thể hiện điều hợp, ứng biến và tập trung sức mạnh.

Kinh còn nêu rõ vấn đề vai trò của các chủ lực, cả những thái độ và những phương thức để khỏi rơi vào tròng độc tài, áp bức. Tất cả được Tổ Tiên chỉ dẫn từng bước cụ thể, từng giai đoạn thực tế, để từng người, từng nhóm người và toàn thể nhân loại trở về với Con Người đích thực và để Xã Hội cũng trở thành đích thực, trọn vẹn là xã hội của loài người.

Vạn vật, con người, xã hội, đất nước đều có, nhưng Tổ Tiên vẫn không quên cá nhân từng người.

8. Kinh Trương Chi: Với Kinh Trương Chi, ông bà ta đã tả thẳng vào nỗi niềm thâm sâu nhất, nơi trái tim con người, căn cội của hạnh phúc cá nhân. Chuyện kể chàng lái đò xấu trai Trương Chi với mối tình của người đẹp nhà giầu Mỵ Nương. Nàng tương tư qua tiếng sáo của chàng, để khi gặp nhau nàng bỗng dửng dưng.

Nhưng tiếng sét ái tình đã làm chàng chết trong tẻ lạnh. Mối tình lãng mạn, đẹp và buồn làm sao! Và mối tình tuyệt vời và tuyệt vọng đó đã biến tim chàng thành chén ngọc. Chàng vẫn mãi chèo đò trong chén ngọc, chờ cho được giọt nước mắt người yêu, chén mới tan, tình mới trọn.

Ai dám bảo Tổ Tiên ta khô cằn, lìa xa tâm hồn con người?

Trong Kinh Mỵ Châu, Tổ Tiên ta xử tử nàng công chúa làm mất nước. Nàng có tội với nước thì bị xử thích đáng để răn dạy những người khác tránh phạm tội. Làm mất nước là tội không thể tha thứ!

Nhưng tình nhà thì nàng đã chung thủy với chồng, và nghe chồng mà để làm mất nước! Nhưng Tổ Tiên đã xét xử phân minh: Làm mất nước là tội chết chém! Và trọn tình nhà thì cho nàng thăng hoa thành ngọc (Máu Mỵ Châu chảy xuống biển, trai ăn vào thành ngọc). Và ngọc đó chỉ được sáng bóng khi lấy nước trong giếng sâu nơi chồng nàng, Trọng Thủy chết đền tội với vợ.

Ðừng quên Kinh Tiên Rồng: Nước và Nhà! Và cũng dừng quên Kinh Trầu Cau: Thương nhau trọn tình, chết vì người mình thương, và dẫu có chết cũng vẫn còn thương.

Ở cấp Tình Nước, những người An Dân Trị Nước như Tiên Dung Chữ Ðồng thành Tiên, Phù Ðổng thành Thần, … Tiên, Thần là phần thưởng công, phần thăng hoa hay tinh túy của linh thiêng.

Nhưng ở cấp Tình Nhà, Kinh Trầu Cau qua chuyện người em hóa đá, máu Mỵ Châu trọn tín thác chồng thì hóa ngọc, trái tim Trương Chi ôm mối tình câm, chỉ vì con người phân chia đẹp xấu, giầu nghèo … thì cũng hóa ngọc. Ðá, ngọc là kết tinh, tinh túy của vật chất.

Nói đến hai phần vật chất, tinh thần (siêu linh) trong Con Người thăng hoa thành đá, thành ngọc, thành Tiên, thành Thần, chúng ta đã trở về với Kinh Tiên Rồng gồm linh thiêng và vật chất của con người. Và đừng quên kinh gia đình như sau:

9. Kinh Vọng Phu: Chồng ra đi giúp nước, nàng ôm con chờ chồng hóa đá, nghe sao thật đơn sơ! Nhưng biết đến bao giờ ta mới sống trọn vẹn bài học “bổn phận làm dân,” và bài học “người nào việc nấy” của kinh này! Vẫn biết, mọi người bình đẳng, nhưng hễ sinh ra thì mỗi người mỗi khác, và mọi người cũng phải tùy vào tài sức mình mà đóng góp!

Chàng là rồng thì chàng phải làm mây làm mưa với đời. Còn phận thiếp là tiên, lý đâu mà đòi làm sấm làm sét? Bởi biết thế nên nàng đã ôm con lo gánh vác giang sơn nhà chồng, để giúp chàng an tâm đem tài năng giúp dân cứu nước.

Và rồi biết bao hình ảnh như mẹ gìa cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc, Tổ Tiên ta thưởng công nàng cho nàng hóa đá.

Đá, ngọc là kết tinh của vật chất. Tiên, thần là tinh túy của linh thiêng như trong Kinh Tiên Rồng… Vậy thì xin hỏi các bạn, Có niềm an ủi và hãnh diện nào hơn, khi chúng ta được làm Con Cháu Việt, con cháu của Tổ Tiên giòng giống Tiên Rồng siêu việt?
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.07.2008 03:03:46 bởi Thần Báo >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9