Làng Xã Việt
Thần Báo 25.07.2008 06:39:27 (permalink)

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh,
có sông sâu lơ lững vần quanh êm xuôi về nao...
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau,
bóng tre rung bên mấy hàng cau, đồng quê mơ màng...
Nhưng than ơi,
có một chiều thu lá thu rơi,
có một chiều thu lá thu rơi,
ôm mối tình quê gọi thầm mơ bóng ngày về.
Mơ trông bóng ngày về...
Quê tôi chìm chân trời mờ sương.
Quê tôi là bao nguồn yêu thương.
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn,
là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương…

Bài hát của thày Chung Quân Nguyễn Đức Tiến sáng tác đã làm rộn ràng trong tôi từ thuở thiếu thời. Bài ca mô tả về một thể chế dân chủ Làng Nước mà tôi từng nghe Nội tôi kể lại, và khiến tôi đã phải bàng hoàng xúc động mỗi khi nghĩ về một kiệt tác chính trị của Tổ Tiên.

Nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp đã được Tổ Tiên đặc biệt rút tỉa và đề ra những nguyên tắc áp dụng vào thực tế, bằng công tác xây dựng và phát triển một hệ thống Tổ Chức Làng Xã, lưu truyền trong lịch sử với nhiều ngôn từ hàm chứa tình người: làng tôi, quê tôi, nước tôi… Làng Xã Việt là một cơ cấu sinh hoạt tự do tự lập. Nếp sống thân thương và bình đẳng, làng thôn quả thật là nơi bảo toàn lực lượng dân quân, bảo vệ và nung đúc tinh thần yêu nước của mọi người, và cũng là nơi bảo tồn nếp sống thuần túy dân tộc, dầu trong thời bình cũng như thời loạn.

1. Làng Xã Tự Chủ

Đặc tính nền tảng của Làng Xã Việt là người dân tự ý tới ở, quy tụ thành làng. Tuy cách khởi lập có khác nhau, nhưng điều kiện tiên quyết trong việc Dựng Làng vẫn là lợi ích và sự tự quyết của những người quy tụ, không ai bắt buộc ai.

Làng được thành lập không chỉ vì lợi ích vật chất, biến nơi khô cằn hoang vu thành miền phì nhiêu trù phú, mà còn vì lợi ích tinh thần. Làng giúp cho người dân thoát nạn sống cảnh bơ vơ thiếu nơi nương tựa, trái lại đã giúp cho toàn dân có cuộc sống xum vầy đầm ấm, tươi mát trong Xã Hội Đồng Bào.

Nếu chỉ để thu tích của cải lợi lộc, dầu dưới bất cứ hình thức nào, như chủ trương của xâm lăng, của đế quốc, của phong kiến… thì chẳng những không giúp ích gì cho Dân Tộc, mà còn làm cho Dân Tộc thêm khốn khổ, biến Dân Tộc thành nô lệ hay thành thú vật, máy móc.

Tụ họp thành làng, mọi người chia sẻ cảnh sống vui buồn sướng khổ có nhau, giúp nhau vượt thắng những khó khăn, cùng nhau gánh vác trách nhiệm, cùng nhau xây đắp cho đời, cho làng cho nước ngày thêm giầu đẹp. Và cũng không một thường dân nào bị bó buộc phải cư trú tại một nơi nhất định; dân chúng có thể tùy thích tới ở hay tự ý bỏ đi, miễn là tự quyết và chấp nhận Lệ Làng là nơi mình muốn gia nhập cư ngụ.

Khác với tổ chức chính trị của nhiều quốc gia, quyền hạn vua quan Việt chẳng những không can thiệp vào đời sống từng người dân, mà cũng không xâm phạm vào nếp sống sinh hoạt của các làng thôn. Đối với triều đình, mỗi làng Việt là một quốc gia thu hẹp có chủ quyền và độc lập; việc làng thì dân chúng tự lập và tự quyết.

Làng tự lập đến nỗi chẳng những có một ban quản trị riêng, do chính dân bầu ra, mà còn có cả những điều lệ riêng cho hệ thống hành chính của làng. Làng có một ngôi đình để thờ vị Thành Hoàng riêng, với những nghi thức do truyền thống riêng. Làng có cả tổ chức trị an riêng, với những tiêu chuẩn thưởng phạt do làng quy định. Dĩ nhiên làng cũng có tài sản riêng, và toàn quyền xử dụng ngân sách tài chánh theo nhu cầu.

Trong phạm vi làng, cả quyền phép của vua quan cũng kiêng nể những điều lệ riêng này. Phép vua thua lệ làng… Bởi thế không còn có chế độ nào trực tiếp do dân, của dân, vì dân… hơn thể chế dân chủ làng nước Việt.

Đang khi coi thường thể chế dân chủ làng nước Việt, xem toàn dân là nô lệ, tự do bị tước đoạt, nhân quyền bị chà đạp, truyền thống dân chủ làng thôn bị thủ tiêu. Người dân ngày nay chỉ còn có quyền đi bầu cử theo hình thức bịp bợm mị dân.

Tất cả mọi quyền hành, kể cả tuyển chọn người đại diện cho dân, đều nằm trong tay những nhóm đặc quyền. Và nhóm người đặc quyền đặc lợi này tự đặt ra luật pháp, sửa đổi luật pháp, và áp dụng luật pháp để giúp cho chính nhóm họ hưởng lợi. Xin hỏi Dân Tộc Việt Nam thực sự được gì? Quốc Gia Việt Nam thực sự là gì? Tất cả, phải chăng chỉ là vết hằn vết thù của một chế độ đã khiếm khuyết và suy thoái?

2. Định chế làng nước

Khi góp phần vào việc nước, làng là đơn vị đại diện người dân. Trong truyền thống chính trị Việt, người dân không trực tiếp với vua quan mà qua làng. Trong tất cả mọi việc, từ tiếp xúc, lệnh truyền, tới sưu thuế, lính tráng… của nước chỉ cần căn cứ vào làng, liên lạc với làng, và theo khả năng của toàn làng mà định phần đóng góp.

Do đó, làng là đơn vị nền tảng của cơ cấu chính trị, của chính quyền, của nước. Đang khi gia đình là đơn vị nền tảng của xã hội, của cộng đoàn, của dân tộc.

Khác biệt với nhiều thể chế chính trị như hiện nay, người dân không phải đơn độc đương đầu trực diện với cơ quan quyền lực, mà còn được bà con thân thuộc của làng nước xóm giềng chia sẻ, trợ giúp, bù đắp, bảo bọc… Miễn là sao mà làng chu toàn được công tác chung, việc nước.

Đối với người dân, làng trở thành một bước tường che, một mái ấm, một bảo đảm vừa vật chất lại vừa tinh thần, vừa thực tế lại vừa pháp lý.

Nhìn chung, làng thôn Việt không phải là nếp sống tự phát, mà được Tổ Tiên tạo thành một thể chế chính trị rất độc đáo, nhân bản và tuyệt vời: Định chế làng nước.

Ông Bà ta cũng phân biệt rõ ràng hai loại công tác chính trị: Việc làng, Việc nước. Và việc làng việc nước khác biệt nhau, từ phần chủ động tới mức độ dấn thân, khả năng tài trí và các vấn đề nhu yếu khác. Bởi thế chúng ta có hai loại công tác làng và công tác nước.

Người dân ai cũng có thể làm việc làng, và ai cũng có quyền can dự vào việc tổ chức, điều hành, bầu cử, hay quyết định của làng. Nhưng để đủ tầm vóc để làm việc nước thì người đó phải học hành ở trường sở, phải thông thạo khoa chính trị An Dân, và phải thi cử (thi hương, thi hội, thi đình) để xác định khả năng tài trí.

Vẫn biết bất cứ nơi nào, bất cứ thời nào cũng có những kẻ sẵn có ưu thế và muốn củng cố thêm quyền lực hay địa vị. Nhưng Văn Hóa Việt và Đại Chúng Việt luôn quyết tâm sống thực, bảo vệ và kiện toàn định chế tuyệt hảo này qua mấy ngàn năm lịch sử.

Thể chế làng nước, phép vua thua lệ làng, đã giúp người dân nước ta được hưởng nếp sống tự chủ, đang khi vẫn tích cực đóng góp đầy đủ và hòa điệu với đời sống Quốc Gia. Thể chế làng nước là đặc điểm căn cội, làm cho nền Quân Chủ Việt khác biệt với những nền quân chủ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong Văn Hóa Việt, với chủ trương chính đáng về bổn phận của vua quan (người lãnh đạo) và với thể chế làng nước, việc chung được quan niệm và thực sự là việc giúp ích cho mọi người.

Khi vua quan ta cư xử như cha mẹ, đem hết tâm hồn và tài trí chăm lo cho người dân được hạnh phúc, và khi người dân được thực sự sống trong tự do dân chủ đúng nghĩa, thì đóng góp vào việc chung là một đồng tâm hiệp lực, một tương trợ cần thiết để bảo đảm cho hạnh phúc chung của nhau. Đi làm việc chung chính là ta đem tài trí giúp ích cho đời.

Tuy nhiên, nhiều khi việc chung cũng vượt quá nếp sống thường ngày và ít mang lại kết quả lợi lộc trước mắt. Vào thời loạn, gánh vác việc chung còn kèm theo cả nguy hiểm tánh mạng. Do đó việc chung thường đòi hỏi tầm nhìn xa trông rộng, và cũng thường làm cho nhiều người ái ngại.

Thể chế làng nước của Tổ Tiên mà người viết muốn trình bày nơi đây, là một đặc điểm chẳng những đã giúp cho Dân Tộc Việt Nam thoát nạn quân chủ chuyên chế ở thời quá khứ, mà còn là phương thức sẽ giúp cho toàn thể dân ta thoát khỏi ách đấu thầu dân chủ ở thời hiện tại.

Từ xưa, các nền văn hóa phương Tây đã luôn bắt từng con người đơn độc phải gánh chịu mọi tai ương do giới cầm quyền và thế lực áp đặt, từ những thuế khóa, sưu dịch, quân vụ… đều ảnh hưởng trực tiếp tới từng người. Việc chung, việc làng việc nước được coi như công tác phục vụ cho giai cấp cầm quyền thống trị.

Các chế độ hiện nay chẳng những biến đổi tổ hợp của người dân thành phương tiện phục vụ giới đặc quyền, mà còn tìm mọi cách để phá hủy tổ ấm gia đình và cơ chế bảo bọc người dân trong một xã hội.

Khi con người trở thành cô độc lạc lõng, thì những thế lực tiền bạc, quyền chức, luật lệ, chuyên môn, nghiệp đoàn, đảng phái… sẽ mặc tình thao túng. Và người dân trở nên đơn độc, nhỏ bé, bất lực trước một bộ máy quyền thế ngày thêm to lớn, với sự đàn áp bóc lột một cách tinh xảo, vơ vét toàn bộ tài sản quốc dân một cách bất nhân phi nghĩa.

3. Hệ thống làng nước

Sống đúng nguyên tắc Giữ Nước Là Việc Của Toàn Dân, Tổ Tiên lập ra một hệ thống phòng thủ an toàn trong dân. Làng thôn là của dân và trở thành mạng lưới thành lũy an ninh quốc phòng trải rộng khắp nước.

Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng vua quan Việt cũng xây thành, nhưng thành thị không phải là nơi tập trung sức nước. Thủ đô và thủ phủ đã chỉ là những cái làng lớn với số cơ sở thích ứng, cần thiết cho nhu cầu hành chánh, nghi lễ ngoại giao… Khi nguy cấp, vua quan ta sẽ sẵn sàng bỏ thủ đô mà chạy về chiến đấu trong địa bàn ở các làng mà chống giặc cứu nước, và không ảnh hưởng tới dữ kiện mất nước. Do đó, Thể Chế Làng Nước, làng là trung tâm sinh hoạt tự lập tự chủ của mọi người dân, mà cũng là sức mạnh của toàn thể dân tộc.

Trước cuộc xâm lăng thuộc các lãnh vực, trước mưu đồ làm tổn hại cuộc sống hạnh phúc của người dân, hệ thống làng thôn Việt luôn là cơ cấu chính yếu giúp dân tộc bảo toàn lực lượng, phục hồi sức mạnh, và vùng lên phá giặc. Giặc không những chỉ quân xâm lăng cướp nước hay kẻ nổi loạn phá rối, mà còn là những ai, những gì, ở bất cứ phương diện hay mức độ nào làm thiệt hại cuộc sống hạnh phúc của con người, phá hoại nếp sống thanh bình của toàn dân.

Dưới khía cạnh quân sự làng là nơi huấn luyện mọi người, toàn dân trở thành nghĩa sĩ, chống giặc. Chẳng những có hệ thống canh gác nghiêm nhặt, luôn bảo đảm có lớp người túc trực, mà còn có những lò võ thuật đào tạo ra nhiều bậc anh hùng đánh giặc, nhiều cấp lãnh đạo chỉ huy tài ba. Làng cũng là nơi phát xuất sức mạnh dân tộc về mọi phương diện. Vì vậy trong công cuộc giữ nước, mở nước, cứu nước thì làng đóng vai trò then chốt và quyết định sự thành công của cả dân tộc.

4. Kết Luận

"Quê tôi chìm chân trời mờ sương. Quê tôi là bao nguồn yêu thương. Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn, là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương…” Quả thật, chỉ có bình đẳng và thân thương là hai nguyên lý nền tảng của đời sống con người, và được Tổ Tiên ta cơ chế hóa vào trong một hệ thống tổ chức Làng Nước Việt Nam.

Theo thể chế làng nước, giá trị cuộc sống của Người Dân đã không quy định bằng quyền, bằng chức, bằng giàu sang uy thế, cũng không bằng tài năng, nghề nghiệp, dòng họ, giai cấp, đảng phái… hay trên bất cứ gì ngoài con người, mà trên việc Người Dân Việt thể hiện chính mình một cách trọn vẹn. Bởi thế trong làng, chúng ta thường kính trọng thiên tước (người có tuổi) hơn nhân tước (người có quyền chức). Vì thiên tước thể hiện việc tạo Hạnh Phúc Làm Người vừa cho chính mình, lại vừa cho những người khác, trong cuộc sống cá nhân cũng như xã hội.

Vì vậy, giá trị cuộc sống của người dân Việt chính là ảnh hưởng hạnh phúc của con người đó đối với những người xung quanh. Trong cuộc sống, ai càng làm cho nhiều người cùng hưởng hạnh phúc Làm Người với chính mình, qua chính mình, thì người đó càng được quý trọng hơn: như thày Chung Quân Nguyễn Đức Tiến tác gỉa bài Làng Tôi đang sống mãi trong lòng Thần Báo vậy.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.07.2008 13:01:06 bởi Thần Báo >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9