Hoàn toàn nhất trí với anh Nguyễn Thế Duyên (từ đây xin phép được viết tắt là NTD cho ...ngắn ạ

), bài ca dao này không đơn thuần chỉ là lời tỏ tình, mà còn là lời cầu hôn, một lời cầu hôn chân thành, nghiêm túc và có phần hơi đường đột.
Đêm qua tát nước đầu đình
"Cạnh đình lấy đâu ra ruộng cho chàng trai tát nước? Trong cấu trúc của một làng Việt cổ đình luôn luôn nằm ở trong làng. Sau khi qua cổng làng một vài trăm thước là đến đình làng nằm trên một bãi đất rộng. Nên chắc chắn rằng : đầu đình chẳng bao giờ có mảnh ruộng nào đâu." (NTD) Chắc chắn chàng ra đó không phải để tát nước. Cô gái ơi, chàng ra đó để nhớ cô đấy ! Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen "Quên" - chắc chắn là không "quên" rồi, mà quên cái áo thì lại càng không. "Chàng có làm gì đâu mà phải cởi áo !" (NTD). Đúng thế, mà không cởi thì lấy áo nào ra nữa mà "quên". "Quên chiếc áo" chỉ là cái cớ, là một lý do "chẳng ai biết đấy là đâu" mà chàng trai khịa ra để "dẫn dụ" cô gái tiếp chuyện chàng, có lý do để nghe thông điệp của chàng. Em được thì cho anh xin Hay là em để làm tin trong nhà. Câu ca dao ẩn chữ "nếu" đi, nhưng ta đều biết là "nếu em được thì cho anh xin". Vu vơ thế thôi, nhưng "ngây thơ vô (số) tội" lắm đấy ! Chàng trai yêu cô, nhưng chưa chắc chắn cô có yêu mình hay không (ngày xưa trai gái tìm hiểu nhau khó khăn lắm chứ đâu phải "đường thông hè thoáng" như bây giờ, nên chàng cũng đang dè dặt lắm), nên phải thăm dò trước đã. Cô không nhặt được cái áo là chắc chắn rồi, nhưng nếu cô không có tình cảm với chàng thì sẽ giãy nảy lên ngay, còn nếu cũng cảm mến chàng thì ắt là đang bổi hổi bồi hồi bỏ xừ, sáng suốt đâu ra mà phản đối nữa. Chàng trai thấy cô chẳng nói gì, thế này là diễn biến tình hình "có lợi cho cách mạng" rồi đây, nên bắt đầu chuyển sang "tấn công" tới tấp: Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu. Áo anh sứt chỉ đã lâu Cả anh và cô đều ở cùng làng, làm sao cô lại không biết gia cảnh của anh mà phải kể lể. Áo sứt chỉ ở chỗ dễ khâu như thế, mà sứt đã lâu như thế, mà mẹ lại "chưa khâu" ! "Chưa khâu" chứ không phải "không khâu được". "Chưa khâu" là để nhường cho người khác, để bắt anh "phải kiếm người khác về mà khâu cho" chứ ! Thế nên anh phải :
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Cái áo sứt chỉ chỉ là một cái cớ thôi, điều chàng trai muốn nói với cô chính là anh đang cần bàn tay chăm sóc của một người con gái.
"Ai cũng nghĩ rằng đây là một lời tỏ tình đầy kín đáo,thơ mộng , tinh tế của chàng trai. Nhất là ta có thể khai thác vào hai từ “Cô ấy”. Nhưng nếu theo hướng bài thơ là một lời cầu hôn thì ta buộc phải nghĩ khác. Đây là lời bà mẹ nói với con trai của mình. Chàng trai muốn cho cô gái biết : mẹ anh cũng đồng ý. Chính mẹ đã giục anh đến cầu hôn . Chàng trai thật tinh tế và kín đáo. Chàng chỉ nói vừa đủ cho người đối thoại với mình hiểu một cách xa xôi. Còn một ai đó có nghe được cuộc nói chuyện này cũng không thể mang nó ra mà chế giễu ". (NTD). Đến như chúng ta, đã quen với kiểu tỏ tình "nếu yêu thì phải nói" (*) mà nghe đến đây còn không thể không mềm lòng được, nữa là cô gái. Vả lại, từ đầu đến cuối bài ca dao chỉ toàn là lời nói của chàng trai, có thấy cô gái phản đối tiếng nào đâu. Chứng tỏ cả "chiến lược" và "chiến thuật" của chàng trai là hoàn toàn đúng đắn.
"Phần còn lại của bài thơ không có gì nhiều để nói Khâu rồi anh sẽ trả công Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho Giúp em một thúng xôi vò Một con lợn béo, một vò rượu tăm Giúp em đôi chiếu em nằm Đôi chăn em đắp đôi chằm em đeo Giúp em quan tám tiền treo Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau Đó chỉ là những thứ cần phải có trong một đám cưới ngày xưa. Nhưng ở đây chúng ta phải lưu ý một điều Chàng trai sắp xếp rất thứ tự. Đầu tiên là những thứ dành cho nhà gái : một thúng xôi vò, một con lợn, một vò rượu. Tiếp theo là những thứ dành cho cô gái :đôi chăn, đôi chiếu, đôi chằm. Các bạn có thấy không ,những thứ thuộc về cô gái cái gì cũng là một đôi cả .Phải chăng chàng bắt buộc phải có nàng để thành một đôi? Tôi nghĩ nhiều về câu “Lại đèo buồng cau”trong câu cuối cùng. Theo như tôi biết thì không phải nộp cau cho làng. Còn cau nhà gái thì chỉ phải mang đến lúc ăn hỏi còn khi cưới thì không. Vậy thì tại sao lại “Lại đèo buồng cau”?Phải chăng đây là buồng cau chàng thêm vào. Chàng trai muốn cả làng chia vui với hạnh phúc của mình?" (NTD) Tôi chợt nhớ đến một câu của anh NTD trong bài bình lần trước:"
“Ý tại ngôn ngoại ” đó chính là cái hay, cái đẹp của cổ thi ". Ca dao chính là kết tinh của tâm hồn và trí tuệ dân gian, và chính vì hội tụ được những cái hay, cái đẹp đó nên sức sống của nó sẽ còn mãnh liệt đến muôn đời.