Hà Nội cốm
sunflower 09.01.2005 17:06:06 (permalink)
0


[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/2997/CFC625A159434582AE58E0E532AE4B66.jpg[/image]


"Hà Nội mến yêu của ta, Thủ đô mến yêu của ta...". Hình ảnh thân thương của Thủ đô luôn ngự trị trong trái tim của mỗi con người đất Việt. Với 36 phố phường, với sen hồ Tây và xanh ngắt nước hồ Gươm, với ngọt ngào hương hoa sữa…Không chỉ có vậy, Hà Nội còn quyến rũ lòng người bằng văn hoá ẩm thực rất đặc sắc và gần gũi.


Hà Nội tự xưa đã nổi tiếng với nhiều thứ đặc sắc như: "Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/ Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn?!". Trừ có tương Bần thuộc tỉnh Hưng Yên, ba thứ còn lại đều thuộc ngoại thành Hà Nội. Câu ca dao xưa, không rõ tự khi nào đã nhắc đến đến "cốm" - Cốm không chỉ đơn thuần là món ăn sang trọng, mà hiện nay cốm được đánh giá là một món văn hoá ẩm thực khá độc đáo của người dân Thủ Đô nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.



Chuyện kể rằng: Vào một năm trời đói kém, nước ngập mênh mông. Có một gia đình ở làng Vòng thuộc phường Dịch Vọng - Quận Cầu Giấy bây giờ, gặt chạy được một ít lúa nếp non, đói quá, phải rang lên mà ăn. Không ngờ lúa nếp non rang lên khi ăn lại có vị thơm ngon đặc biệt đến vậy. Thế là nhà nọ truyền nhà kia... Cốm ra đời từ đấy!



Cốm làm bằng thứ nếp hoa vàng được ghi chép lại từ thời Lê Quý Đôn, thế kỷ 18 là ngon và thơm nhất. Các bà các chị gánh cốm đi bán bằng đôi quang nhỏ với cái mẹt xinh xinh bên trong có xếp lá sen xanh còn ngát mùi hương. Vào vụ Đông Xuân không cấy được thứ nếp hoa vàng, chỉ cấy được nếp mới, ít thơm hơn. Nhưng những gì được chắt lọc từ lòng người và thiên nhiên thì vẫn còn vẹn nguyên, tinh tuý và trân trọng. Cô gái vẫn hồn nhiên rao: "Ai... cốm hoa vàng nào!"



Nghề làm cốm làng Vòng được lan truyền tới các làng lân cận: Mai Dịch, Mễ Trì... Rồi theo năm tháng, cốm trở thành đặc sản của 36 phố phường Hà Nội. Hàng năm, cứ vào dịp tết Trung Thu đã có cốm. Trăng thu sáng trong giữa trời, dưới đất lúa nếp non gặt về làm cốm đang dần trĩu bông đón chờ mùa gặt tháng Mười.



Chẳng biết tự khi nào nhân dân đã đặt tên cho Cốm, phải chăng danh từ ấy xuất phát từ làng đã sinh ra nó?!. Về phát âm, cốm cũng gần với cơm, một thứ cơm không nấu mà rang lên. Cốm được đem bán trong các phố phường, gói trong lá sen. Hương cốm và hương sen như đan quyện vào nhau tạo lên vị tinh khiết của mùa màng. Người dân xa quê cầm gói cốm trong tay, được buộc bằng mấy cọng nếp non còn đương xanh, cảm thấy có điều gì đó linh thiêng khó tả. Cảm giác được đứng trước cánh đồng lúa chín và đầm sen xanh thơm ngát, xua đi nỗi buồn xa xứ: nơi có mẹ già còng lưng vất vả, có ruộng nương xanh ngắt một màu. Khi mở gói cốm ra, giữa nền lá sen xanh thẫm những hạt cốm xanh chất chồng lên nhau, nhẹ tênh toả ra mùi hương tinh khiết của vụ mùa.



Đặt mấy hạt cốm lên lòng bàn tay, thấy nhẹ tênh. Nhẹ như vậy thì làm sao đủ no, đủ ấm?. Nhưng từ cái thiếu thốn ấy, từ cái gấp rút gặt chạy lụt năm xưa đã trở thành thứ ăn chơi, ăn cho ngon miệng khi đã no đủ, khi có tiệc mừng... Cái sự chuyển hoá từ cực này sang cực khác thật là vô cùng, rồi lại từ ngẫu nhiên mà trở thành truyền thống. Tôi nhớ ngày còn bé, mẹ tôi hay làm chè cốm, những lúc ấy anh em chúng tôi ngồi quây quần rộn ràng chờ nồi chè chín. Mẹ làm rất ngon, tôi không nhớ cách chế biến thế nào, nhưng những chén chè mẹ làm thì thật là tuyệt. Cốm ăn với chuối tiêu trứng quốc vào độ Thu sang thì thật hết chỗ nói. Giờ đây cốm được chế biến thành nhiều món: Cốm xào, chè cốm, chả cốm, bánh cốm, kem cốm... Mỗi loại đều mang trong mình một sắc vị riêng, nhưng tất thảy thứ tinh chất được chắt lọc từ thiên nhiên và lòng người Hà Nội vẫn không hề thay đổi.



Chiều về, thấp thoáng phía xa xa các bà, các chị vẫn kĩu kịt trên đôi vai gầy, gánh lúa về làng. Thỉnh thoảng trong một góc phố trầm tư, ta bắt gặp chiếc quang nhỏ xinh xinh với tệp lá sen xanh thẫm. Cô hàng cốm đang hồn nhiên rao: "Ai... cốm đi!... Ai mua cốm nào!...".



Mỗi đêm khuya, khi ánh trăng non đã lấp ló sau đọn tre làng, đâu đây vẫn rộn lên tiếng chày thình thịch của người dân làm cốm. Tiếng chày lúc rộn ràng thúc dục, khi nhẹ nhàng vang vọng nghe như tiếng trống tập trận từ ngàn xưa vọng về!


( Giang Vượng )


<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.01.2005 17:08:53 bởi sunflower >
Attached Image(s)
#1
    sunflower 09.01.2005 17:18:27 (permalink)
    0
    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/2997/194D53A3958D465B85E6B98A5477E2C1.jpg[/image]


    "Mùa thu, mùa cốm vào ngay mùa hồng" (Nguyễn Bính). Không biết nhà thơ của hương đồng gió nội này đã ở Hà Nội bao lâu mà sao lại gọi đúng vị mùa thu Hà Nội đến thế. Hàng năm cứ mỗi độ thu về là người Hà Nội lại nao nao như chờ đợi một cái gì đó. Chỉ đến khi nghe tiếng rao trong trẻo cất lên: Ai cốm Vòng ơ! mới thấy lòng nhẹ nhõm.


    Mà cũng lạ thật! Nói đến cốm, chưa cần ăn, chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy ngất lên mùi thơm dịu của lúa non xanh màu lưu ly được gói trong những tàu lá sen thơm ngát màu ngọc thạch. Cốm Vòng quả là một thứ đặc biệt trong mọi thứ quà Hà Nội. Không biết tự bao giờ người làng Vòng ở huyện Từ Liêm ngoại thành Hà Nội đã tạo được một món ăn tuyệt vời và độc đáo đến thế. Cốm Hà Nội mới đích thực là cốm, mà chỉ có cốm làng Vòng mới ngon, mới nổi tiếng. Kẻ Lủ cũng làm cốm, nhưng cốm Kẻ Lủ chỉ bán trong làng.

    Có người cho rằng, ở làng Vòng có giống nếp vàng, giống này khi còn non gặt về, đồ chín, giã nhanh, đều tay, sàng sảy, ủ kín mới có được cái loại cốm dẻo và thơm như thế . Còn màu xanh hấp dẫn đó thì do hồ thêm nước lá cơm xôi. Hà Nội có mùa cốm. Sáng sớm tinh mơ đã có cốm. Cốm được gói từng gói trong lá sen. Cốm ăn bằng tay, lấy ngón tay nhón từng nhúm nhỏ đưa vào miệng, nhai nhỏ nhẹ, hương cốm thơm rất dễ chịu. Mua cốm là phải ăn ngay, nếu để lâu, cốm se lại, khô đi, mất độ dẻo. Cốm gói trong lá sen là để cho khỏi khô và đượm lấy hương thơm ngát của lá sen tơ, làm tăng thêm vị cốm. Cốm để khô có thể đem thắng nước đường làm món cốm xào. Đây cũng là món cốm người Hà Nội thích ăn.Ngoài ra cốm còn được làm thành món chả cốm rất ngon. Nhưng thích nhất vẫn là cốm tươi.

    Từ lâu cốm và hồng đã thành một thứ quà sang trọng dùng trong các dịp vui mừng để biếu xén, lễ lạt. Màu xanh của cốm, đặt cạnh màu đỏ lựng của hồng, chỉ ngắm thôi cũng đã thấy thích mắt. Một thứ thì nhẹ nhàng thanh khiết. Một thứ thì chói lọi mà vương giả. Hai thứ đó tưởng chừng xung khắc nhưng khi ăn vào mới thấy sự sắp đặt của tạo hoá quả là tinh tế. Vị ngọt lịm của hồng nâng mùi thơm của cốm lên kết thành một giai điệu nhịp nhàng êm ái như anh hùng gặp gỡ thuyền quyên!



    ( Theo Hà Nội mới )

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.01.2005 17:21:47 bởi sunflower >
    Attached Image(s)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9