Kinh Phù Đổng
Thần Báo 01.08.2008 02:18:41 (permalink)


 
 
 
 

1. CHÍNH KINH
 
Vào thời Vua Hùng, có giặc Ân xâm lấn nước ta. Vua Hùng làm đủ cách nhưng vẫn không ngăn được giặc.

Nhà vua liền lập đàn cầu xin Tổ về giúp. Trong một cơn mưa to gío lớn, bỗng có một cụ gìa áo đỏ, hình dung cổ quái, đến đùa giỡn với đám trẻ con ở ngã ba đường.

Dầu thấy lạ, Vua Hùng cũng đến xin Cụ chỉ cách để cứu nước. Cụ cười nói: “Nhà vua hãy sai sứ đi khắp nơi mà tìm!”

Theo lời Tổ dạy, Vua Hùng liền sai người chia nhau đi khắp nơi để loan tin Tổ về và tìm người cứu nước.

Đang khi đó, tại làng Phù Ðổng, có một em bé đã ba tuổi mà không biết nói cười đi đứng gì cả. Nhưng khi nghe sứ vua rao tin, Cậu liền bật nói.

Cậu xin sứ cho Cậu một con ngựa sắt và một roi sắt để Cậu phá giặc. Từ đó, láng giềng đem gạo vải tới giúp Cậu ăn mặc, và Cậu lớn lên như thổi.

Khi sứ vua đem ngựa và roi tới, Cậu bé Phù Ðổng liền vươn vai thành người to lớn. Khi Cậu nhảy lên ngựa sắt thì ngựa liền cử động và phun lửa.

Với ngựa lửa roi sắt, Cậu đánh bọn giặc một trận tơi bời. Khi roi sắt gãy, Cậu nhổ tre mà đánh. Ngựa cũng phun lửa cháy mất mấy làng.

Giặc tan, Cậu cỡi ngựa lên núi mà về trời.

Các gốc tre Cậu đã xử dụng, lại hóa thành tre la ngà.

Vua Hùng phong Cậu là Phù Ðổng Thiên Vương.



DIỄN KINH



2. CỨU NƯỚC VÀ CẢI HÓA

Theo nội dung, Kinh Phù Đổng là Kinh Cứu Nước, vì Kinh chính là sách lược cho đại cuộc phục quốc, mà cũng là phương thức hành động cho tổ chức cứu nước, và là chương trình sống cho bất cứ ai quyết tâm phá giặc.

Dưới khía cạnh Con Người và Xã Hội, Kinh Phù Đổng lại là Kinh Cải Hóa, cải hóa từng người cũng như cải hóa toàn thể nhân loại. Kinh đưa phương thức cải hóa chúng ta khỏi tất cả mọi thứ giặc.

Trong giai đoạn thống khổ này của dân tộc Việt và của cả nhân loại, chúng ta cần học hỏi tháu đáo và ứng dụng kỹ càng vừa bài học Cứu Nước, vừa bài học Cải Hóa.

Công cuộc thực to lớn và phức tạp. Cần thực nhiều người tận tâm tận lực, và chung tài chung đức, để khai triển chi tiết bài học thâm sâu và ứng dụng thích đáng mọi người.

Ở đây chỉ nhìn đại cương như là sơ đồ của sách lược cứu nước.

* * * *

3. NGƯỜI CỨU NƯỚC

3.1 Giặc Xâm Lấn

Để dạy cách Cứu Nước, Tổ Tiên đã khởi đầu với sự kiện nước bị giặc xâm lăng (*1). Việc giặc Ân xâm lấn nước ta có thể là một sự kiện lịch sử. Nếu câu ghi ở sử Trung Hoa “Ân Cao Tôn phạt Qủy Phương tam niên” là xác thực, thì đúng là vua Ân đã xua quân vào nước ta.

Thời nhà Ân bên Tàu cũng là thời Hùng ở nước ta, và lúc đó nước ta gồm cả vùng đất thuộc ngôi sao Quỷ, theo sự phân giới bầu trời ứng với mặt đất của thời xưa (*2).

Do đó, nhân việc kể đi kể lại chiến tích chống ngoại xâm này, Tổ Tiên ta đã gói ghém thêm nhiều bài học quan trọng cho việc Cứu Nước và Cứu Người.

* *

3.2 Nhận Chân Thực Trạng

Trước nạn xâm lăng, nước nhục dân khổ, Vua Hùng đã làm hết cách, nhưng vẫn không ngăn được giặc.

Tuy là bối cảnh của câu chuyện, nhưng đây cũng là yếu tố quan trọng cho việc chuẩn bị cứu nước. Đã làm hết sức, đã tận lực, nhưng thua. Giờ đây nước mất nhà tan, mọi phương thức chống giặc đều vô hiệu, mọi lực lượng đều tan rã, lòng dân phân tán, đồng minh quay mặt… giặc lại thừa thắng, giặc thêm oan nghiệt, giặc gây tang tóc cho đồng bào, cho đất nước, cho giống nòi…

Thực vậy, để có thể thực sự khởi đầu công cuộc cứu nước, trước hết phải nhận chân được thảm trạng mất nước. Nếu không lượng định chính xác sức mạnh của giặc và tình trạng yếu kém của ta, ở mọi phương diện, chúng ta hoặc sẽ lạc quan trái mùa, hoặc quá sợ giặc, hoặc không nhận ra giặc.

Đây là điều kiện đầu tiên của Người Cứu Nước, tức là phải nhận chân thực trạng, biết giặc biết ta.

* *

3.3 Sống Lại Hồn Nước

a. Vua Hùng cầu Tổ

[1]. Trong ngõ bí của thời cuộc, trong phũ phàng của thực trạng mất nước, Tổ Tiên cho bùng lên một vừng sáng hy vọng chói chang: Vua Hùng lập đàn cầu Tổ về giúp.

Việc lập đàn chứng tỏ lòng thành và ý thức của Vua Hùng về tầm mức quan trọng vượt bực qua công cuộc cứu nước. Cứu một người đã khó thay, huống nữa là cứu cả một dân, một nước, cả giống dòng, lịch sử.

Tổ là biểu trưng cho Tinh Thần, cho Sức Sống tối cao, Hồn Thiêng của Dân Tộc. Ngài là nguồn gốc, mà cũng là sự sống còn, là niềm hy vọng, và là tụ điểm của toàn dân (*3).

Cầu Tổ là bộc lộ niềm tin bất diệt, niềm hy vọng tuyệt đối vào sức sống vô biên, và truyền thống siêu việt của Dân Tộc.

Ðây chính là nền tảng đích thực của công cuộc Cứu Dân Cứu Nước. Bất cứ nền tảng nào khác sẽ đều đưa đến kết quả là biến dân nước thành vong nô của ngoại bang, của tà thuyết, hoặc của cường quyền bạo lực (*4).

[2]. Ngoài ra, việc cầu Tổ còn nối kết cách tuyệt diệu Kinh Phù Đổng với Kinh Tiên Rồng và Kinh Tiết Liêu. Ở Kinh Tiên Rồng, Cha Rồng đã dặn: “Khi cần thì gọi, Ta về ngay.” Ở Kinh Tiết Liêu, khi Tiết Liêu thành tâm việc an dân thịnh nước, Tổ cũng về giúp.

Thời bình mà Tổ còn thương như vậy, huống chi thời loạn lạc khổ đau. Con cháu có lúc nào cần Tổ thương giúp bằng khi đất nước đại nạn, đồng bào thống khổ? Con cháu đã khẩn thiết kêu cầu, vua Hùng đã lập đàn, và Tổ đã về giúp.

b. Cụ Tổ Hiện Về

[1]. Trong một cơn mưa to gío lớn, bỗng có một ông cụ gìa xuất hiện.

Mưa gío chính là điềm báo sự linh hiển của Cha Rồng. Rồng chủ tể việc mưa gío ở biển cả, nên Rồng linh thì biển động. Ðây là phần giới thiệu bản chất của Cụ Gìa, tức tinh hoa văn hóa Việt.

Cụ gìa lại mặc áo đỏ, là màu tượng trưng cho phong tục, cho nếp sống truyền thống của dân tộc Việt suốt mấy ngàn năm. Khảo cổ hiện nay đã phát hiện nhiều di tích chứng tỏ ngay cả từ sáu bảy ngàn năm trước, dân Việt đã dùng màu đỏ và mặt trời làm biểu hiệu của mình.

* Như vậy, Cụ Gìa đã mang hai dấu hiệu, một thuộc bản chất, một thuộc đặc trưng, chứng tỏ Cụ qủa thực là Tổ, là sức sống đích thực của dân tộc Việt. Cụ chính là biểu tượng của nền văn hóa, của phong tục, của truyền thống, của tinh thần dân tộc.

[2]. Nhưng Cụ lại có hình dung cổ quái. Sở dĩ Cụ bị coi là cổ quái, chỉ vì con cháu đã quên Cụ, không còn quen thuộc với Cụ nữa. Ở Kinh Tiết Liêu, trong thời mọi người đang sống hạnh phúc theo đúng truyền thống Tổ Tiên, thì Cụ Tổ được nhận ra là người qua81c thước phi phàm.

Ðây là nhát búa bổ vào đầu chúng ta. Khi mất nước chính là lúc con cháu thường đã xa lạ với Tổ Tiên, đã quên Tổ, đã mất tinh thần dân tộc, mất niềm tin nơi chính mình. Bài học Hồn mất trước Nước mất sau ở Kinh Mỵ Châu đã thực rõ ràng và thấm thía.

*

c. Tổ về với dân

[1]. Nhưng dầu con cháu có xa lạ, Tổ cũng đã về. Cụ về và đùa giỡn với đám trẻ con ở ngã ba đường.

Theo quan niệm truyền thống thì trẻ con, con đỏ, con dân, là biểu trưng của đại chúng. Họ là những người đơn sơ thành thật, sống theo những bộc phát tự nhiên và thuần hậu của Con Người (*5).

Ngòai ra, ngã ba đường chính là nơi dân chúng tụ họp, là chợ chòm hỏm của thời xưa.

Như vậy, Cụ đã không về trên đàn, không về với vua quan, nhưng về giữa đám đại chúng bình dân.

Lịch sử cho thấy, xưa cũng như nay, thời suy thoái là lúc giới quyền chức sao lãng văn hóa dân tộc để vọng ngoại và cầu ngoại nhiều nhất. Trong các thời kỳ đó, truyền thống, tinh thần, và ý thức dân tộc, chỉ còn thấy ở giới thường dân, ở đầu đường góc chợ (*6).

[2]. Lại nữa, không phải Tổ chỉ hiện về một cách oai vệ trong giây lát, mà Tổ còn đùa giỡn, còn hoà mình với đám trẻ con. Tổ cùng chung cuộc sống, cùng chung tâm hồn với đại chúng. Tổ ở trong đại chúng. Tổ là đại chúng.

Như vậy, ai muốn gặp Tổ thì phải tìm tới, phải để tâm hồn mình hoà nhập đại chúng, chớ không phải hời hợt bên ngoài (*7).

*

d. Ðể nhận biết Tổ, để thực sự nhận biết đích xác đâu là truyền thống dân tộc, Kinh đã nêu rõ mọi yếu tố, từ bản chất, qua nét đặc trưng, qua chính phản ứng của chúng ta, tới cả hạng người, cả nơi chốn và cả những điều kiện tâm lý cần thiết (*8).

Kinh Phù Đổng đặt nền tảng công cuộc cứu nước trên niềm tin tuyệt đối vào Sức Sống Truyền Thống nơi Toàn Dân.

* *

3.4 Lột Xác

a. Người dám đến với đại chúng để tìm gặp Tổ, chính là vua Hùng. Vì quyết tâm cứu nước, nên dầu thấy những cảnh tượng bất thường của Cụ Gìa, Vua Hùng cũng tìm tới gặp Cụxin Cụ dạy cách cứu nước.

Vua đã lập đàn cầu Tổ. Trên đàn có ngai qúy để Tổ về ngự, có hương trầm nghi ngút, đèn nến sáng ngời. Vua quan thì thân thanh tâm tịnh, thành tâm thành ý. Dân chúng thì vây quanh khẩn cầu thống thiết. Nơi đàn uy nghi trang trọng như thế, nên ai ai cũng trông chờ Tổ về, sẽ linh hiển tại đàn, oai vệ chưa từng thấy.

Ngờ đâu, trên đàn chưa có dấu hiển linh, thì ở ngã ba đường lại co1 một cụ già tới đùa giỡn.

Phải thành tâm cùng tột, tuệ linh sáng ngời như Vua Hùng, mới có thể nhận ra đó không phải là quái nhân quấy rối, mà là chính Cụ Tổ đã về.

Tuy đã lập đàn, đã chuẩn bị mọi sự, tức là đã dự tính nhiều kế hoạch, nhiều chương trình, nhưng Vua Hùng nhất quyết gạt bỏ tất cả để tới ngã ba đường gặp Cụ Gìa cổ quái, và học cách cứu nước (*9).

*

b. đây là điểm đột phá quan trọng cho người muốn cứu nước. Lột xác.

Không vượt nổi điểm đột phá này, không lột xác, không từ bỏ dự tính và phương thức cũ, không thể thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới, không thể đón nhận kiến thức mới, không thể hội nhập vào tổ chức mới, không mở rộng tâm trí để đón nhận những bất ngờ, những cổ quái… thì không thể nghe Tổ nói, tức là không thể nhận ra những phương thức thực sự hữu hiệu cho việc cứu nước (*10).

Vượt điểm đột phá này, lột xác, thì có cơ may cứu nước mới ló dạng, mới được Tổ chỉ cách.

* *

a. Bất chấp sự phản đối của đám quần thần kênh kiệu, Vua Hùng đã bỏ đàn, đội mưa gió tới ngã ba đường và đã được Tổ dạy phương thức cứu nước.

Nhưng phương thức của Tổ lại cũng cổ quái. Tổ dạy vua sai sứ đi khắp nơi để tìm người cứu nước.

Thực là kỳ lạ. Tại sao Tổ không nói rõ vị cứu tinh đó là ai? Tại sao lại chỉ biểu cho người đi tìm? Nếu chỉ thế, thì tại sao Tổ lại phải hiện về? Vua Hùng đã chẳng đang tìm đó sao?

*

b. Nhưng, chỗ kỳ quái đó lại chính là bài học. Tổ nhắc nhở, Tổ chỉ dạy, chớ Tổ không thể làm thay cho chúng ta. Tổ không giết giặc, Tổ không chỉ huy, Tổ cũng không làm gián điệp, cũng không cho nỏ thần, hoặc thị uy tiêu diệt giặc.

Biết bao lần chúng ta cầu mong phép lạ điềm linh giết giặc thay chúng ta. Biết bao lần chúng ta than trách các Đấng Linh Thiêng không tích cực độ trì, để chúng ta khoanh tay nhìn giặc chết! Cũng vậy, bao lần chúng ta kết tội người khác, vì họ không làm cho chúng ta hưởng.

Vấn đề không phải là Tổ làm, mà là chúng ta biết và thực thi ý muốn của Tổ. Khi biết Tổ Tiên, và các Đấng Thiêng Liêng, muốn cứu dân lành, thì chính chúng ta phải tỏ ra là con thảo, là tín đồ thuận thành, bằng cách chính chúng ta ra công phá giặc cứu người, để hoàn thành ý muốn của các Ngài.

Chính chúng ta phải làm, phải dấn thân, thì mới cứu được nước.

* *

3.6 Tư Cách Người Cứu Nước

a. Vua Hùng đã được Tổ chỉ cách. Nhưng trước khi vua thể hiện ý Tổ, chúng ta thử nhìn lại giai đoạn qua.

Trước hết, Vua Hùng đã sống với thực trạng mất nước, và cũng khởi công từ thực trạng đó. Vua không nuối tiếc hão huyền, cũng không mơ mộng viển vông.

Tiếp đến, nhà vua tìm về nền tảng của công cuộc cứu nước. Nền tảng đó là Tổ, là Sức Sống, là Truyền Thống siêu việt đang tiềm tàng trong nếp sống của đại chúng.

Và rồi, với quyết tâm cứu nước, vua đã lột xác, đã sẵn sàng thích ứng và xử dụng mọi hoàn cảnh mới, mọi điều kiện mới.

Cuối cùng là dấn thân, không do dự, không ỷ lại, sẵn sàng biến mọi sự, cả những chướng ngại, thành phương tiện hữu hiệu.

*

b. Đó là Vua Hùng. Nhưng Vua Hùng là biểu tượng của con người cứu nước đích thực. Vì vậy những đức tính trên cũng chính là những điều kiện cần thiết cho bất cứ ai muốn thực sự góp phần vào việc phá giặc cứu dân.

* Nhìn chung với Kinh Mỵ Châu: ví An Dương Vương đã từ bỏ Hồn Nước, nên đưa tới mất Nước. Ở đây Vua Hùng đã gặp lại Tổ, đã sống lại Hồn Nước, nên khởi sự cứu nước.

* * * *

4. Phương Thức Cứu Nước

4.1 Theo Lời Tổ dạy

Vua Hùng đã lập đàn cầu Tổ và được Tổ dạy cách cứu nước.

Lời dạy của Tổ chính là phương thức cứu nước. Lời dạy của Tổ là ý muốn của Tổ, mà cũng là chính Tổ trong hiện thực và sống động trong hiện trạng đất nước.

Vì vậy, Theo lời Tổ Dạy sẽ là động lực mọi hành động của vua Hùng. Sở dĩ vua Hùng sai sứ đi tìm Người Cứu Nước, sở dĩ các sứ chịu đi, và sở dĩ toàn dân chịu nghe theo họ cũng chỉ vì Theo Lời Tổ Dạy.

Theo lời Tổ Dạy trở thành Sức Sống, trở thành Hồn Thiêng tạo dựng, thúc đẩy, điều hợp và hoàn thành Công Cuộc Cứu Nước.

Sức Sống này sẽ từ Vua Hùng truyền qua đoàn sứ nhân, và đoàn sứ nhân truyền qua toàn dân.

* *

4.2 Lên Đường Hành Động

Được Tổ chứng giám, được Tổ chỉ dạy, giờ đây vua Hùng mạnh dạn sai sứ lên đường.

Các sứ nhân chính là đại diện, là hiện thân của Vua Hùng. Họ là chính Vua Hùng đi đến với dân.

Như vậy, đoàn sứ nhân là Người Cứu Nước lên đường hành động. Họ dấn thân thể hiện sứ mạng theo Lời Tổ dạy. Họ đem Sức Sống của Tổ đến cho toàn dân. Nhờ họ, toàn dân mới nhận được sứ điệp của Tổ và mới cứu được nước.

Vai trò của đoàn sứ nhân, của tổ chức cứu nước đích thực, là vai trò nền tảng trong công cuộc cứu nước (*11).

* *

4.3 Đến Với Toàn Dân

Ðoàn sứ nhân lên đường, đoàn cán bộ đi hoạt động công tác tổ chức cứu nước. Các sứ nhân này đã chia nhau đi đến với người dân ở khắp nơi.

Mục tiêu hành động đầu tiên của tổ chức cứu nước là Dân, chớ họ chưa trực tiếp đối đầu với giặc. Công tác chính là vận động toàn dân đứng lên chống giặc. Có như thế thành công mới trọn vẹn (*12).

Họ đi khắp nơi, không bỏ sót, không từ khước bất cứ một nơi chốn hay một phạm vi nào. Nơi đó có thể là trong hay ngoài nước, nơi thân thiện hay ở ngay trong lòng địch… mà cũng là các lãnh vực như văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, kỹ thuật, văn nghệ, giáo dục, thể thao, giải trí, truyền thông… hoặc là các cộng đồng, hội đoàn, chòm xóm, tộc họ, gia đình… hay là trí óc, con tim, cuộc sống của bất cứ ai… ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh hay sinh hoạt của Con Người, cá nhân cũng như tập thể.

Như thế, đoàn sứ nhân cũng cần có những khả năng thích ứng, để có thể phổ biến sứ điệp của Tổ tới cho mọi tầm độ, mọi hoàn cảnh, mọi con người đặc thù.

* *

4.4 Chia Nhau Công Tác

Họ chia nhau đi, không dồn chung một chỗ, không dành nhau một việc. Mỗi người tùy khả năng và hoàn cảnh riêng mà nhận phần trách nhiệm của mình. Có phân nhiệm mới có tổ chức (*13).

Tổ chức cứu nước là những con người cùng thể hiện các đức tính của sứ nhân, và theo hiện tình và khả năng linh động, mà chia nhau trách nhiệm hoàn thành các công tác thực thi sách lược cứu dân.

* * * *

5. Vận Ðộng Tinh Thần

5.1 Thức Tỉnh Niềm Tin

a. Ðoàn sứ nhân chia nhau đi khắp nơi để loan tin. Nhưng tin của họ thực là đơn sơ: Tổ đã về và sai đi tìm người cứu nước.

Nội dung tuy ngắn gọn, nhưng tác dụng lại hệ trọng. Tổ đã về và Tổ bảo đi tìm chứng tỏ Tổ đã độ trì cho công cuộc cứu nước, Tổ đã cho phương thức, và chắc chắn có người cứu được nước.

Chúng ta đã có Sức Sống, có sách lược, có nhân sự… Ðây là lúc khám phá, đây là lúc thực hiện! Dầu giặc đang mạnh, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thắng!

Có gì khích động và hứng khởi hơn để khơi dậy niềm Tự Tin Dân Tộc bằng nguồn tin tuyệt diệu này? Dầu ai có tuyệt vọng, cũng vụt phải hăng say, vui sướng!

*

Như vậy, đoàn sứ nhân đi loan tin khắp nơi, chính là thể hiện công tác đem Tinh Thần dân tộc đến cho toàn dân.

Nước mất vì dân quên Tổ, quên nếp sống truyền thống siêu việt của tổ tiên. Giờ đây, đoàn sứ nhân nhớ tới Tổ, thức tỉnh niềm tin, sống lại tinh thần và sức sống dân tộc.

* *

5.2 Nhận Lãnh Trách Nhiệm

Khi đến với dân, đoàn sứ nhân không chỉ loan tin, mà còn phải có hành động cụ thể: họ lục lạo tìm kiếm người cứu nước. Hoạt động này cũng gây tác dụng thiết yếu.

Khi đã phấn khởi nhờ sống lại niềm tin, mọi người cũng tiếp tay với đoàn sứ nhân mà đi tìm Người cứu nước.

Khi góp phần tìm kiếm như thế, chính là lúc mọi người đều thấm thía nạn mất nước. Do đó, mỗi người sẽ ý thức đích xác về phận vụ của mình trong công cuộc cứu nước. Mọi người sẽ lột xác, lãnh nhận trách nhiệm, và dấn thân chu toàn sứ mạng lịch sử (*14).

* *

5.3 Công Tác Đầu Tiên

Như vậy, đoàn sứ nhân loan tin và tìm kiếm chính là thực hiện công tác làm cho người dân sống lại Hồn Nước, ý thức nạn nước, nhận lãnh trách nhiệm, và dấn thân cứu nước.

Ðây cũng là công tác làm cho Mọi Người sống trọn nếp sống Việt, trở thành Người Dân Đích Thực, trở thành Người Cứu Nước.

* Nhìn chung Kinh Mỵ Châu: An Dương Vương làm mất nước, vì đã xa cách dân, loại dân ra khỏi việc nước. Giờ đây Vua Hùng , qua đoàn sứ nhân, đã tìm lại dân, giúp dân ý thức và chung phần việc nước.

* * * *

6. Thực Trạng Sức Nước

6.1 Sức Ở Làng Thôn

a. Mọi người đã cùng cố công tìm kiếm, và rồi tại làng Phù Ðổng họ đã gặp người cứu nước.

Việc gặp thấy người cứu nước tại một làng cũng là nét đặc trưng của văn hóa Việt. Kinh nhấn mạnh người cứu nước được tìm gặp ở trong làng, chớ không phải trong cung điện vua hay nơi đô thị.

Trong nếp sống dân ta, làng giữ một vai trò nền tảng. Thể chế làng nước đã được Tổ tiên đặc biệt chú trọng và lưu truyền trong lịch sử, cũng như Kinh An Tiêm.

*

b. Với thể chế và cơ cấu sinh hoạt tự lập trong lũy tre xanh, làng chính là nơi bảo toàn và hun đúc nếp sống thuần túy dân tộc ngay giữa thời giặc xâm lăng.

Trong suốt mấy ngàn năm, xa xưa cũng như hiện đại, mọi thứ giặc từ quân sự cho đến văn hóa, xã hội… dầu tới từ phương bắc, phương tây, hay phương đông, đều chỉ có thể hoành hành ở các đô thị. Trong làng thôn, những cố gắng muôn mặt của giặc vẫn luôn gặp bức tường ngăn cản.

Lịch sử cứu nước của dân tộc ta là một bản liệt kê không dứt những anh hùng áo vải, ở mọi tầm độ và mọi nơi mọi thời.

Dưới khía cạnh quân sự, làng lại là nơi huấn luyện mọi người trở thành nghĩa sĩ chống giặc. Chẳng những hệ thống canh gác nghiêm nhặt luôn luôn bảo đảm có người túc trực, mà các lò võ thuật còn đào tạo ra nhiều vị anh hùng, nhiều cấp chỉ huy (*15).

Làng là nơi phát xuất sức mạnh dân tộc, về mọi phương diện. Vì vậy, trong công cuộc cứu nước, làng giữ vai trò then chốt. Sức Nước phải được phục hồi từ làng thôn.

* *

6.2 Sức Là Người Dân

Tại làng, đã xuất hiện người cứu nước. Nhưng nhân vật này cũng kỳ lạ. Ðây chỉ là cậu bé ba tuổi.

Tính cách bé bỏng của cậu bé tượng trưng cho đại chúng, cho toàn dân. Lại nữa, cậu bé lên ba cũng phu2 hợp với khoản thời gian mà sử Trung Hoa ghi là Ân Cao Tôn xâm lấn nước ta.

Như vậy, cậu bé ba tuổi này chính là biểu tượng cho đại chúng, cho toàn dân. Vị cứu tinh chính là người dân.

* *

6.3 Sức Đang Tê Liệt

Dầu tê liệt câm nín, nhưng Cậu Bé lại lắng nghe.

Sống trong nạn nước, toàn dân, qua Cậu Bé Phù Ðổng, phải lặng im bất động. Tuy nhiên mọi người chúng ta đều luôn luôn nôn nóng trông chờ ngày được giải thoát khỏi ách giặc. Mọi người luôn nôn nóng trông chờ ngày gỉai thoát, mọi người vẫn sôi sục trông đợi dịp vùng lên, mọi người hằng lắng tai nghe ngóng mọi nguồn tin đem lại hy vọng cứu nước.

Vì vậy, khi sứ nhân vừa loan tin Tổ về, Cậu Bé đã cấp thời hưởng ứng. Khi nghe sứ nhân, chính là lúc Cậu Bé bùng lên niềm hy vọng, sống lại Hồn Nước.

* * * *

7. Sức Dân Bộc Lộ

7.1 Ðòi Hỏi Phương Tiện

a. Ðã gặp lại Tổ, đã sống lại niềm tin, Cậu Bé liền bật nói, toàn dân đều bật nói.

Bật nói là dám hiên ngang bộc lộ. Dầu mới chỉ bằng lời nói, đây cũng là dấu chỉ của lòng tự tin và phấn khởi. Từ đây người dân đã dám tự hào về mình, dám nói lên niềm tin tưởng của chính mình.

*

b. Cậu phát biểu lời đầu tiên là đòi ngựa và roi sắt. Cậu đòi hỏi phương tiện để phá giặc cứu nước.

Ðây là dấu chứng sức mạnh tinh thần đã bộc lộ. Khi thoát khỏi tình trạng câm nín, khi tinh thần đã được củng cố, khi ý thức được trách nhiệm với nước, điều đầu tiên người dân nghĩ tới là phương tiện chiến đấu.

*

c. Người dân đòi phương tiện chiến đấu cũng là dấu hiệu cho thấy các sứ nhân, tức tổ chức nòng cốt cứu nước đã thành công trong công tác thức tỉnh người dân.

Tại khúc quanh quyết định này, vai trò của sứ nhân cũng đổi khác.

Trước đây, sứ nhân nói cho dân nghe. Nay dân đã nghe và đã nói, thì sứ nhân lại trở thành người nghe dân.

Thực vậy, khi người dân đã thành tâm tiếp nhận và đã sống đúng tinh thần Tổ, thì tiếng dân trở thành tiếng của Tổ. Tiếng dân là ý Tổ trong hiện trạng của đất nước.

Vì vậy, giờ đây tiếng dân chính là phương thức thiết thực và hữu hiệu cho công cuộc cứu nước (*18).

Khúc quanh này đặc biệt rất quan trọng cho tổ chức cứu nước, chẳng những vì nó quyết định sự thành bại, mà còn thẩm định bản chất của tổ chức. Tổ chức không biến đổi, không trở thành người nghe dân, thì chắc chắn tổ chức đó không phải của dân (*19).

* *

7.2 Ðóng Góp Tài Sức

Từ đó, láng giềng từ đem gạo vải tới giúp Cậu ăn mặc. Khi đã tự tin, người dân tự động khởi công.

Ăn mặc là nhu cầu nền tảng của đời sống con người. Vì vậy, gạo vải là tất cả những thiết yếu cho công cuộc cứu nước.

Ðẹp thay cảnh toàn dân tấp nập góp gạo góp vải. Mọi người tự nguyện góp của góp công, cộng tài cộng đức.

Bao thiện chí bấy nhiêu nung nấu, bao tài năng bấy lâu che đạy, bao sức mạnh bấy lâu đè nén, bao phương tiện bấy lâu tích trữ, bao diệu kế bấy lâu ấp ủ… giờ đây tất đều bộc phát, tất cả đều bộc hiện, tất cả đều bùng lên (*20).

Khi đã lãnh nhận trách nhiệm, người dân tự nguyện đóng góp, tự túc chu cấp những nhu yếu cơ bản của cuộc chiến đấu.

* *

7.3 Tự Động Quây Quần

a. Tất cả gạo vải, mọi sự đóng góp đó, đều để giúp cho Cậu Bé Phù Ðổng ăn mặc. Tất cả tự nguyện của dân đều tập trung vào Cậu Bé.

Người dân chỉ quy tụ quanh Cậu Bé, chớ không tập họp theo các sứ nhân.

Trong giai đoạn đầu của công cuộc thức tỉnh, người dân chỉ mới tin tưởng vào những người thân cận quanh mình, trong tầm vóc làng thôn. Những gì sứ nhân hứa hẹn, dầu sao, cũng còn quá xa vời.

*

b. Lại nữa, theo đúng tâm trạng Con Người, người dân chỉ tự ý quy tụ quanh Cậu Bé Phù Ðổng, vì chính Cậu đã tỏ ra vài dấu hiệu đặc biệt, chỉ Cậu đáp ứng phần nào công tác tìm kiếm anh hùng cứu nước.

Dân chỉ quy tụ theo ai tỏ ra thực sự có tâm huyết, có tinh thần, hết lòng vì đại cuộc, dấn thân chu toàn sứ mạng chung (*21).

Có dân tự ý quy tụ chính là tiêu chuẩn để thẩm định một công cuộc đích thực của dân, do dân (*22).

* *

7.4 Vận Dụng Điều Hợp

Khi mọi người góp sức, Cậu Bé Phù Ðổng lớn nhanh như thổi. Gạo vải thu tích không phải để chất đống, mà tất cả đều được xử dụng làm tăng trưởng sức sống toàn diện.

Trong việc tập trung sức mạnh, vấn đề phân nhiệm và điều hợp giữ phần quan trọng hàng đầu. Sức mạnh toàn dân chỉ có thể thực sự hữu hiệu, khi được vận dụng và điều hợp đúng mức. Nếu không phân nhiệm, không định hướng, sự quy tụ sẽ trở thành hỗn loạn, phân hóa, và đối nghịch nội bộ.

* *

7.5 Bài Học Chung Sức

Ðây là giai đoạn tập trung năng lực toàn dân, mà cũng là bài học đoàn kết.

Mọi người vây quanh Cậu Bé Phù Ðổng, là vì họ đã sống lại niềm tin dân tộc, họ đã ý thức trách nhiệm cứu nước, họ đã tìm ra Cậu Bé, và Cậu Bé đã bật nói.

Như vậy, công tác kết hợp toàn dân đã thành công, chẳng những giúp cho mọi người sống thực tinh thần dân tộc và ý thức trách nhiệm, mà còn nhờ chứng tỏ kế sách hữu hiệu, qua một số hoạt động có kết qủa thực tiễn (*23).

Ðây là những điều kiện thiết yếu cho việc đoàn kết toàn dân. Khi không hội đủ các yếu tố này, việc đoàn kết chỉ là chòm xóm, giai đoạn và hời hợt theo các mục tiêu hạn hẹp. (*24).

* * * *

8. Phù Ðổng Vươn Vai

8.1 Sức Mạnh Phương Tiện

Sứ vua đem ngựa và roi sắt tới. Ngựa sắt và roi sắt chính là sức mạnh và phương tiện chiến đấu.

Ngựa và roi sắt cũng là biểu trưng của sức mạnh quân sự để phá giặc (*25).

Trong bầu khí mất nước và toàn dân vừa vùng lên góp tài góp của, thì ngựa và roi sắt chính là sự đóng góp của toàn dân.

* *

8.2 Sức Mạnh Tổ Chức

a. Tuy nhiên, sức mạnh phương tiện đó lại do sứ nhân đem tới.

Ðoàn sứ nhân, tức là tổ chức cứu nước đã đem Hồn Nước về với toàn dân, nhờ đó Toàn Dân vùng dậy. Giờ đây, đoàn sứ nhân còn phải điều hợp sức mạnh ở các tổ chức làng xã thành tầm vóc toàn nước, biến sự đóng góp của toàn dân thành sức mạnh chiến đấu chống giặc.

Sức mạnh này không chỉ nhấn mạnh ở lãnh vực quân sự, mà còn bao trùm mọi lãnh vực khác, như kinh tế, xã hội, chính trị, giáo dục, ngoại giao… ảnh hưởng tới cuộc chiến đấu (26).

*

b. Như vậy, phận vụ của tổ chức cứu nước còn là nhận rõ sức mạnh hiện thực tiềm ẩn trong dân nước, rồi tùy theo hoàn cảnh và điều kiện thực tế đương thời, mà ứng biến thành sức mạnh cứu nước hữu hiệu.

Việc tổ chức và điều hợp lại cần nhân sự, khả năng đặc biệt, và ngành nghề chuyên môn… Tất cả đều xác định đúng vai trò quan trọng của một tổ chức khả dĩ có đủ sức nhìn xa trông rộng để mà biết quyền biến với tình thế (*27)

* *

8.3 Sức Mạnh Hành Động

Khi nhận được ngựa và roi sắt, Cậu Bé liền vươn vai thành người cao lớn. Cậu đã ăn nhiều, đã lớn như thổi, nhưng phải chờ cho tới khi có ngựa và roi. Cậu mới vươn vai vượt tới tầm vóc đúng mức của mình (*28).

Trước đây, khi nghe về Tổ, Cậu đã bật nói, đã dám bộc lộ chính mình. Nhưng nay, có thêm ngựa và roi sắt, Cậu mới vùng dậy, mới đi đứng, mới hành động.

Dầu mọi người đã thức tỉnh, đã quyết tâm, nhưng phải có phương tiện thì toàn dân mới có thể ra tay, mới có thể đối đầu được với giặc.

* *

8.4 Sức mạnh Toàn Dân

Thế là, nhờ có sứ nhân trao ngựa sắt, Cậu Bé đã vươn vai. Nhưng khi cậu nhảy lên ngựa, thì ngựa sắt lại biến thành ngựa thần, sống động và phun lửa.

Kinh Mỵ Châu, An Dương Vương đã ỷ vào thành ốc và nỏ thần để mất dân. Nỏ thần dầu bắn một phát giết cả vạn giặc, mà vì không có dân, nên mất hiệu nghiệm, không bằng gỗ đá. Ở đây, khi được sức mạnh dân tộc xử dụng, thì dầu là ngựa sắt cũng hóa thành ngựa thần.

Không có dân, nỏ thần thành nỏ gỗ. Có toàn dân, ngựa sắt hóa ngựa thần! Toàn dân vươn vai thì mọi sự cũng đều vươn theo. Sức mạnh của toàn dân làm cho mọi phương tiện trở thành hiệu lực cách thần kỳ, trở thành linh hiển.

Không có hình ảnh nào diễn tả sức mạnh và vai trò của toàn dân một cách rõ ràng và đầy đủ hơn (*29).

* * * *

9. Vùng Lên Ðuổi Giặc

9.1 Giành Lại Đất Nước

Ðã có Hồn Nước, đã có toàn dân. Sức mạnh đã tập trung, đây là lúc vùng lên đuổi giặc để giành lại Đất Nước. Với ngựa lửa roi sắt, vị anh hùng Phù Ðổng đã oai dũng đánh bọn giặc một trận tơi bời.

Khi toàn dân đã có tinh thần, đã có sức mạnh, đã có phương tiện, thì việc đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, cũng là chuyện đương nhiên.

Lịch sử mấy ngàn năm đã nhiều lần minh chứng hùng hồn.

* *

9.2 Ngọn Roi Nhân Thứ

a. Ngựa lửa là sức mạnh của đấu tranh, nhưng Phù Ðổng lại dùng roi sắt. Hình ảnh dùng roi sắt nói lên lòng nhân thứ của Tổ Tiên.

Phù Ðổng dùng roi chứ không dùng gươm. Roi mang ý nghĩa sửa dạy, đánh phạt, dầu là roi sắt; còn gươm giáo luôn là vũ khí chém giết. Ngay trong ngôn ngữ chúng ta cũng dùng chữ đánh, dầu là giặc, đánh giặc. Cương quyết, dũng mãnh, nhưng không tàn bạo.

Ôi tinh thần nhân thứ, khoan dung, và qúy trọng con người của văn hóa Việt (*30).

*

a. Nhân thứ, nhưng chúng ta không nhẹ da, mù quáng. Từ bi hỷ xả như Phật mà còn có mười tám tầng địa ngục với đủ thứ khổ hình. Bác ái yêu thương như Chúa mà còn có hỏa ngục thiêu đốt muôn đời.

b.Kinh Mỵ Châu, An Dương Vương đã trọng dụng Thành Ốc và Nỏ thần làm sức mạnh giữ nước. Tuy nhiên, vì ông bỏ Hồn Nước, bỏ Dân Nước, nên Sức Nước đó cũng bị giặc mưu mô chiếm đoạt. Vì đó, đã mất Nước.

Ở đây, để cứu nước, toàn Dân cũng cần Sức mạnh chiến đấu để đánh giặc. Tuy nhiên, thay vì cái Thành Ốc bất động, thì là Ngựa thần oai dũng; thay vì Nỏ thần bắn giết, thì là ngọn Roi sửa phạt.

Để phá giặc, không thể không dùng sức mạnh, đặc biệt sức mạnh quân sự. Có thể cải hóa từng cá nhân mà không cần võ lực, nhưng không thể chỉ dùng lý thuyết suông mà cải hóa một hệ thống giặc.

Quân sự là phương thức bất đắc dĩ, nhưng nó lại cần thiết. Không có quân sự, sức mạnh dân tộc không thể bộc phát đúng mức để đánh đuổi giặc.

* *

9.3 Tận Dụng Năng Lực

Tuy dùng ngọn roi nhân thứ, nhưng không phải nhân thứ mà là ủy mị, mà thiếu quyết tâm. Vì giặc qúa hung bạo và cố chấp, Phù Ðổng đã phải đánh đến gãy roi sắt. Khi roi gãy, Phù Đổng nhổ tre để tiếp tục đánh.

Chi tiết này nhắc nhở lũy tre xanh. Làng xã thôn xóm là căn bản giữ nước và cứu nước suốt mấy ngàn năm. Nhổ tre đánh giặc nói lên việc tận dụng mọi năng lực, đặc biệt cơ chế chính trị, kinh tế, và xã hội đặc thù của dân nước. Tận dụng tất cả để phá giặc.

* *

9.4 Chấp Nhận Hy Sinh

Kinh còn nói thêm: trong trận chiến, có mấy làng bị ngựa lửa làm cháy lây. Sức mạnh chiến tranh chẳng những phá giặc mà cũng tàn hại một phần đất nước.

Không phải tổ tiên không nhìn thấy tai hại của chiến tranh. Nhưng khi cần thiết, vẫn cứ chấp nhận. Chấp nhận hy sinh, chấp nhận thiệt hại.

Tuy vậy, chi tiết trên chứng tỏ Tổ Tiên vẫn không giấu nỗi đau buồn vì sự tàn phá của chiến tranh. Tận thâm tâm, tận nền tảng tinh thần Việt, không bao giờ chúng ta vui sướng trên máu lửa.

Chấp nhận chiến tranh để cứu người, cứu dân, chớ không vì hiếu chiến, vì chủ trương (*31).

* *

9.5 Toàn Dân Toàn Diện

Với việc Tổ trở về, với vua Hùng và đoàn sứ nhân dấn thân, với tổ chức cứu nước, với mọi người góp gạo góp vải, với ngựa sắt roi sắt, với tre làng bị nhổ, với số làng bị cháy… tính cách toàn dân toàn diện của công cuộc cứu nước đã bộc lộ rõ ràng.

Mọi người và tất cả, đều được vận dụng để chống giặc: từ những phương tiện vật chất, gạo, vải, sắt, lũy tre, thú vật… đến làng thôn, hệ thống tổ chức quốc phòng, chính trị, xã hội, văn hóa… cho đến tinh thần dân tộc, qúa khứ lịch sử, và cả sông núi, Hồn Thiêng… tất cả đều gom đúc thành Sức Mạnh thần diệu của Dân Tộc, tất cả đều góp phần vào việc cứu dân cứu nước.

Nhờ có vậy, giờ đây chiến thắng mới thực sự là chiến thắng toàn vẹn của toàn thể dân tộc. Có như vậy, cuộc sống mới thực sự mở đầu cho tất cả mọi người.

* * * *

10. Lập Cuộc Sống Mới

10.1 Thăng Hoa và Phong Thưởng

a. Kinh đã dạy cách đánh giặc cứu nước. Giờ đây giặc đã tan, nhưng việc cứu nước vẫn chưa xong. Kinh vẫn còn tiếp: Phù Đổng cỡi ngựa lên núi và về trời.

Núi là nơi của Tiên. Lên núi là hình ảnh trở thành phần Tiên.

Phù Ðổng là biểu tượng của sức mạnh tập trung của dân tộc, tức phần Rồng. Sức mạnh đó đã được vận dụng tối đa và đã oai dũng đánh đuổi quân giặc.

Giờ đây giặc đã tan, dân nước lại vui hưởng thanh bình, nên Sức Mạnh đó lên núi, tức không còn cần phải bộc lộ oai dũng, mà được thăng hoa tiềm tàng vào sông núi, vào tâm hồn của dân nước.

Chiến công đuổi giặc trở thành kinh nghiệm sống của toàn dân, trở thành phần Tinh Thần, phần Truyền Thống bất diệt, xáp nhập vào phần Tiên của dân tộc.

*

b. Về trời là sự phong thưởng cao qúy nhất của văn hóa Việt.

Như Chữ Đồng Tiên Dung đã được về trời sau khi trọn đời chăm lo an dân thịnh nước, thì Phù Ðổng cứu được nước nên đã về trời.

Trong Kinh Phù Đổng, Tổ Tiên cũng phong thưởng tất cả mọi người đã hy sinh trong công cuộc cứu nước (*32).

* *

10.2 Giảm Quân Chuyển Tiếp

Về phần ngựa sắt, đã thành ngựa thần, nên cũng được theo về trời. Vì là sức mạnh chiến đấu, bộc lộ trong sức mạnh quân sự, nên khi xong giặc ngựa cũng phải thăng hoa. Hết giặc mà ngựa lửa vẫn còn luẩn quẩn, mà sức mạnh quân sự vẫn còn tập trung, thì chỉ hại dân (*33).

Trong suốt lịch sử dân tộc, bất cứ thời nào, hễ xong giặc là gỉam bớt quân số. Phần lớn được trở về làng thôn để cày cấy phát triển (*34).

Thời bình, quân đội của nước ta được luân phiên và chỉ ở mức tượng trưng.

Trong suốt mấy ngàn năm, mãi cho đến năm 1950 dl, nước ta không hề có quân đội chính quy.

* *

10.3 Tái Thiết Quê Hương

a. Giặc tan, các sức mạnh vận dụng chống giặc cũng đã thăng hoa. Nhưng vẫn chưa hết. Tổ Tiên vẫn chưa cho thế là xong việc cứu nước: các gốc tre Phù Ðổng đã xử dụng nay hóa thành tre la ngà.

Tre la ngà là một loại tre cứng, đẹp và bền hơn những loại tre thường. Phù Ðổng đã nhổ tre làng để phá giặc, nhưng lại hoàn trả bằng loại tre qúy hơn.

Ðây chính là hình ảnh xây dựng quê hương. Lũy tre làng tượng trưng cho xã hội ta, đã vì giặc, vì phá giặc, mà bị hư hại, thì nay sức mạnh phá giặc đó, chính Phù Đổng cũng làm cho lũy tre vững chắc hơn, tốt đẹp hơn.

* *

b. Thực vậy, qua diễn tiến vận động cứu nước, để hun đúc Sức Mạnh Phù Ðổng, toàn dân đã tìm gặp lại Tổ, đã sống lại niềm tự tin dân tộc, đã ý thức lại trách nhiệm, đã lột xác, đã dấn thân. Từ đó, toàn dân cũng đã tận tình cộng tài cộng đức, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, cùng gánh vác gian lao, cùng hy sinh chiến đấu bên nhau.

Tất cả đều góp phần để dân tộc vươn vai, tất cả đều góp phần để mọi người trở thành Người Dân toàn vẹn. Do đó giờ đây, đời sống người dân đã trở thành tốt đẹp hơn.

Lũy tre không còn là lũy tre thường, mà là tre la ngà!

* *

10.4 Sống Kỷ Nguyên Mới

a. Mọi thứ giặc đã tan, mọi gánh nặng đã cất. Kinh kết thúc bằng việc Vua Hùng phong tước cho Phù Đổng là Thiên Vương.

Như ở các Kinh khác, Vua Hùng tượng trưng cho uy thế tối cao của Dân Tộc. Vì vậy, Vua Hùng phong tước chính là để tôn vinh kinh nghiệm tuyệt vời và những bài học vô giá của Công Cuộc Cứu Nước. Với uy thế của Vua Hùng, toàn dân ghi nhớ và lưu truyền với tất cả lòng kính tôn, yêu quý, và tận tâm học hỏi, noi gương (*35).

*

b. Tước vị Thiên Vương của Phù Đổng còn xác nhận kết quả toàn hảo của tiến trình cứu nước.

Qua toàn bộ công cuộc, chẳng những toàn dân đã đánh đuổi giặc nước, mà mỗi người còn dẹp tan được mọi thứ giặc trong chính bản thân. Trong tiến trình trở thành người cứu nước, mọi người cũng trở thành Con Người toàn vẹn. Khi cứu được nước, dân tộc ta đã trở thành một khối hiệp nhất, toàn hảo, toàn hiệp.

Với mọi chướng ngại đã được đánh tan, với những kinh nghiệm tuyệt hảo, với niềm tin chan chứa, và với sức sống tràn đầy, giờ đây khối người toàn hiệp này đem trọn tâm sức cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới.

Với cuộc sống phát xuất từ tâm khảm của những con người thấm nhuần tinh hoa Nền Văn Hóa Siêu Việt, toàn dân hiên ngang bước vào một KỶ NGUYÊN MỚI, kỷ nguyên của một xã hội loài người tràn đầy hạnh phúc.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.08.2008 02:33:18 bởi Thần Báo >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9