Bệnh Alzheimer
HongYen 03.08.2008 22:01:27 (permalink)
30 Tháng 7 2008 - Cập nhật 11h55 GMT





Thuốc chặn bệnh Alzheimer
 






Emma Wilkinson
Phóng viên y tế, BBC News
 



 







Hình chụp não của người bị bệnh Alzheimer
Các nhà khoa học Anh đã bào chế một loại thuốc có thể chặn đứng sự phát triển của bệnh lẫn Alzheimer.
Kết quả các cuộc thử nghiệm thuốc có tên Rember với 321 bệnh nhân cho thấy 81% khác biệt trong sự suy thoái của thần kinh so với những người không uống thuốc.
Các nhà khoa học thuộc Aberdeen University cho biết thuốc này chặn sự tích lũy của một loại đạm trên não.
Các chuyên gia về bệnh Alzheimer lạc quan với kết quả nhưng nói cần phải thử nghiệm với nhiều bệnh nhân hơn nữa.
Trình bày tại hội nghị quốc tế về bệnh Alzheimer, Giáo sư Claude Wischik nói thuốc Rember có thể có mặt trên thị trường chậm lắm là cuối 2012.
Thử lâm sàng
Các bệnh nhân trong tình trạng nhẹ đến trung bình đã được uống thuốc với các hàm lượng khác nhau 30, 60 hoặc 100mg.
Người ta nhận thấy loại 60mg có kết quả tốt nhất sau 50 với 7 điểm khác biệt trên thang điểm dùng để đo mức độ lẫn.
Sau 19 tháng các nhà nghiên cứu thấy không có sự suy thoái đáng kể trong các chức năng thần kinh của bệnh nhân dùng thuốc.
Hình chụp não cũng cho thấy thuốc tác động mạnh nhất vào khu vực trí nhớ trên não.
'Rember'
Rember, hay methylthioninium chloride thường được dùng như một loại thuốc nhuộm xanh trong phòng thí nghiệm, nhắm vào đạm có tên Tau trong tế bào não.
Giáo sư Wischik tình cờ khám phá methylthioninium chloride cách đây 20 năm.
Các liệu pháp khác nhắm vào một loại đạm phế trong não gọi là beta-amyloid vốn tích lũy thành những miếng chai.
"Chúng tôi chứng minh được lần đầu tiên chúng ta có thể hãm sự tiến triển của bệnh bằng cách nhắm vào các đạm Tau vốn có liên quan mật thiết với bệnh này,'' Giáo sư Wischik nói.
Các cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn hơn được dự trù trong năm 2009 và các nhà nghiên cứu cũng sẽ tìm hiểu xem thuốc có thể ngừa bệnh Alzheimer ngay từ đầu hay không.

 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2008/07/080730_alzheimerdrug.shtml

#1
    Như Ý P 04.08.2008 00:52:38 (permalink)
    Bệnh Alzheimer: Thuốc điều trị hiện tại và tương lai
    DS Thái Khắc Minh (Bộ môn Hóa Dược - Khoa Dược - Đại học Y Dược TPHCM, Việt Nam)

    Tóm tắt:
    Bệnh Alzheimer thường gặp ở người cao tuổi và số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng. Các thuốc điều trị bệnh Alzheimer hiện nay chỉ có thể kiểm soát và cải thiện triệu chứng mà không ngăn chặn được sự phát triển của bệnh. Các thuốc mới điều trị bệnh Alzheimer đang được nghiên cứu phát triển theo hướng điều trị nguyên nhân và cải thiện triệu chứng. Một vài thuốc điều trị nguyên nhân có khả năng ngăn chặn diễn tiến của bệnh có thể có mặt trên thị trường vào năm 2009/2010 và sẽ tạo bước đột phá trong điều trị bệnh Alzheimer.
    Bệnh Alzheimer là một bệnh gây sa sút trí tuệ hay mất trí nhớ do tổn thương chất xám của vỏ não. Khoảng 80% người già bị sa sút trí tuệ là do bệnh này. Bệnh thường xảy ra ở những người có tuổi từ 50-80. Bệnh biểu hiện bằng suy giảm các khả năng trí tuệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho lao động nghề nghiệp và giao tiếp xã hội của bệnh nhân, bao gồm: giảm trí nhớ, rối loạn về ngôn ngữ, mất khả năng sử dụng các động tác, cũng như mất khả năng nhận biết. Nguyên nhân của bệnh bệnh Alzheimer được cho là do sự hiện diện của các mảng protein dạng tinh bột beta (Aư – protein amyloid beta) bám ở não và các đám rối của protein ‘tau’ làm cho não bị tổn thương.1 Nghiên cứu mới đây cho thấy số lượng bệnh nhân bệnh nhân Alzheimer trên toàn cầu là hơn 37 triệu trong đó 16 triệu ở Mỹ, 1,5 triệu ở Nhật Bản.2 Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có khoảng 4,3 triệu ca mất trí mới mỗi năm, trong đó số lượng mắc bệnh mất trí nhớ tuổi già Alzheimer chiếm tỷ lệ lớn. Theo ước tính chi phí tối thiểu tiêu tốn mỗi năm (trực tiếp và gián tiếp) cho bệnh nhân Alzheimer ở Hoa kỳ là 100 tỷ USD.2,3 Hiện nay, các liệu pháp cho điều trị bệnh Alzheimer vẫn còn giới hạn. Các thuốc trên thị trường hiện nay không thể ngăn chặn hoặc đẩy lùi bệnh mà chỉ kiểm soát các triệu chứng. Do đó, nhu cầu phát triển các thuốc mới điều trị bệnh Alzheimer là cần thiết. Hiểu biết rõ hơn về sinh lý bệnh, cơ chế phân tử của bệnh đã giúp cho nghiên cứu và phát triển các thuốc điều trị đặc hiệu hơn.
    Các thuốc dùng trong điều trị hiện nay
    Hiện nay có 5 thuốc được lưu hành trên thị trường thế giới nhằm điều trị triệu chứng của bệnh Alzheimer. Đó là các thuốc ức chế cholinesterase gồm 4 hoạt chất Donepezil (Ariceptệ; Eisai/Pfizer), Rivastigmine (Exelonệ; Novartis), Galantamine (Razadyneệ; Johnson & Johnson) và Tacrine (Cognexệ; First Horizon Pharmaceuticals). Thuốc thứ 5 là Memantine (Namendaệ; Forest/Lundbeck) có tác động ức chế thụ thể N-methylđ-aspartate (NMDA-receptor inhibitor).3 Cả năm thuốc này không làm ngăn chặn được diễn tiến tự nhiên của bệnh mà chỉ kiểm soát và cải thiện triệu chứng.
    Thuốc ức chế cholinesterase được xem là nhóm thuốc chính trong điều trị bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác. Nhóm thuốc này đã được chứng minh là có hiệu quả hơn giả dược (placebo) trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác khi được sử dụng ở giai đoạn bệnh nhẹ hay trung bình. Mementine được đánh giá là an toàn, có chỉ định trong các trường hợp bệnh Alzheimer giai đoạn mức độ trung bình và nặng, trong các trường hợp sa sút trí tuệ mạch máu hay sa sút trí tuệ hỗn hợp.4-6
    Mặc dù chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, không có khả năng ngăn ngừa hoặc chữa hết bệnh nhưng các thuốc này đã đạt doanh số 3 tỷ USD trong năm 2006.7 Hình 1 trình bày doanh số của các thuốc dùng trong điều trị hiện naỵ 3,7 Các thuốc trên thị trường hiện nay sẽ tiếp tục là các thuốc chính trong điều trị bệnh Alzheimer trong 4-5 năm tới.
    Ngoài ra, các thuốc khác có thể kết hợp và hỗ trợ trong điều trị bệnh Alzheimer như là Selegiline hay lđeprenyl (ức chế men chọn lọc không đảo nghịch monoamine oxidase-B MAO-B, có tính chất bảo vệ tế bào thần kinh), ginkgo biloba, vitamine E, estrogen và kháng viêm không corticoids (NSAIDs).4-6

    Các thuốc đang nghiên cứu và phát triển
    Thuốc điều trị nguyên nhân
    Có 2 cơ chế chính được cho là có liên quan đến sinh lý bệnh. Thứ nhất là protein dạng tinh bột beta (Aư – protein amyloid beta) và các mảng bám do sự kết tập của các Aư làm cho não bị tổn thương. Thứ hai là các protein ‘tau’ tạo nên các đám rối. Do đó, có 2 mục tiêu có thể tác động đến và làm thay đổi tình trạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và công ty dược phẩm lại chú ý nhiều đến cơ chế mảng bám protein dạng tinh bột beta Aư và lấy đó làm mục tiêu để phát triển các thuốc điều trị bệnh Alzheimer. Các chất được nghiên cứu sẽ hướng đến tác động là chống sự thành lập các protein dạng tinh bột beta Aư, ngăn chặn sự kết tập của chúng thành các mảng bám, làm giảm mức độ hiện diện của Aư và mảng bám Aư trong não, làm tan các mảng bám sẵn có trong não. Bằng cơ chế này, các thuốc sẽ có khả năng làm giảm hoặc ngừng lại quá trình tiến triển của bệnh.8 Bảng 1 trình bày các hoạt chất đang được nghiên cứu phát triển với mục đích dùng trong điều trị bệnh Alzheimer.3
    Trong nhóm thuốc trị nguyên nhân nhân đang được nghiên cứu, Tramiprosate (công ty Neurochem) là một chất có nhiều khả năng phát triển nhất. Tranmiprosate là một glycosaminoglycan được thiết kế có khả năng gắn kết vào protein Aư và vì thế sẽ chống sự thành lập các mảng bám của protein Aư. Trong nghiên cứu lâm sàng pha II, không có tác dụng phụ nào đáng kể được ghi nhận trên sự nhận thức của não ở bệnh nhân Alzheimer sau 3 tháng điều trị. Ngoài ra, Tramiprosate còn cho thấy có lợi ích đáng kể trong quá trình nhận thức và biểu hiện toàn diện của bệnh nhân cũng như là duy trì trạng thái ổn định của bệnh lý ở những bệnh nhân Alzheimer dạng nhẹ sau 3 năm điều trị trong nghiên cứu mở rộng. Hiện nay, Tramiprosate đang được tiến hành 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng then chốt ở pha III kéo dài 18 tháng (bảng 2). Các kết quả hy vọng sẽ có vào cuối năm 2007 và 2008. Nếu thử nghiệm thành công thì đây sẽ là bằng chứng cho giả thuyết về mảng bám Aư gây bệnh Alzheimer ở người. Trong tương lai gần, nếu thành công trong thử nghiệm lâm sàng pha III và các chứng minh về tính an toàn thì Tramiprosate có thể có mặt trên thị trường vào năm 2009 và trở thành thuốc đầu tiên điều trị nguyên nhân ở bệnh Alzheimer.
    Trong nhóm chất chống sự thành lập protein Aư, Tarenflurbil của công ty Myriad Genetics là một chất có nhiều triển vọng. Tarenflurbil là chất ức chế hoạt động của γ-secretase (γ-secretase inhibitor). Trong nghiên cứu pha II ở những bệnh nhân Alzheimer dạng nhẹ đến trung bình, Tarenflurbil cho thấy là an toàn và làm giảm tỷ lệ suy giảm nhận thức so với giả dược (placebo). Tarenflurbil cũng đang ở giai đoạn quyết định là thử nghiệm lâm sàng pha III kéo dài 18 tháng. Kết quả thử nghiệm có thể có ở cuối năm 2008. Nếu như kết quả thử nghiệm này thành công, Tarenflurbil có thể có mặt ở thị trường vào năm 2009/2010.
    Các số liệu thử nghiệm ở động vật cho thấy các kháng thể kháng protein Aư có thể làm giảm sự tích tụ protein Aư và làm cải thiện chức năng não, do đó làm cải thiện khả năng nhận thức. Các kháng thể này có thể được tạo ra từ cơ thể bằng cách tiêm chủng (miễn dịch chủ động) hoặc là được cung cấp từ bên ngoài (miễn dịch thụ động). Cả hai phương pháp này hiện nay đều được tiến hành thử nghiệm trên lâm sàng. Thế hệ đầu tiên của Aư vaccine là AN-1792 (Elan/Wyeth) cho thấy có hiệu quả. Bệnh nhân Alzheimer có đáp ứng miễn sinh cho thấy có sự cải thiện trí nhớ trên một năm. Tuy nhiên, AN-1792 làm cho khoảng 6% bệnh nhân bị viêm màng não, do đó, nghiên cứu không được tiếp tục thực hiện ở vaccine AN-1792. Thế hệ thứ 2 của Aư vaccine là ACC-001, công ty Elan/Wyeth. ACC-001 được chứng minh là an toàn và hiện đang ở pha I của nghiên cứu lâm sàng.
    So sánh với miễn dịch chủ động thì miễn dịch thụ động sẽ tốn nhiều chi phí hơn đồng thời cần phải tiêm các kháng thể đơn dòng kháng Aư (anti-Aư monoclonal antibody - mAb) một cách thường xuyên. Tuy nhiên, dùng kháng thể đơn dòng sẽ dễ dàng kiểm soát được mức độ an toàn cũng như hiệu quả hơn so với vaccine. Hiện nay có 3 mAb đang được nghiên cứu và phát triển, trong đó 2 chất đang thử lâm sàng pha II là Bapineuzumab (Elan/Wyeth), LY2062430 (Eli Lilly) và 1 chất đang thử lâm sàng pha I là RN1219 (Pfizer).
    Bapineuzumab của công ty Elan/Wyeth có thể được đưa ra thị trường ở giai đoạn đầu như là một thuốc kiểm soát triệu chứng và sau đó có thể xem xét thành thuốc điều trị nguyên nhân khi có kết quả nghiên cứu pha III dài 18 tháng. Trong nghiên cứu lâm sàng pha I dài 8 tuần thì Bapineuzumab chứng tỏ có sự cải thiện đáng kể trên khả năng nhận thức ở bệnh nhân Alzheimer. Kết quả nghiên cứu lâm sàng pha II sẽ có vào quý 3 năm 2007. Nếu kết quả này được khẳng định đối với Bapineuzumab thì công ty có thể tiến hành thử nghiệm pha III như là một thuốc kiểm soát triệu chứng và cải thiện nhận thức (chỉ cần 3-6 tháng) và đưa ra thị trường. Nghiên cứu pha III của Bapineuzumab như là một thuốc điều trị nguyên nhân (cần 18 tháng) sẽ có thể tiến hành song song (bảng 2).
    Thuốc kiểm soát và cải thiện triệu chứng
    Các nghiên cứu lâm sàng của thuốc kiểm soát triệu chứng được cho là dễ hơn, nhanh hơn và ít tốn kém hơn so với nghiên cứu lâm sàng của thuốc điều trị nguyên nhân (xem bảng 2). Thuốc được chấp nhận là thuốc điều trị nguyên nhân bệnh Alzheimer phải trãi qua nghiên cứu lâm sàng pha III kéo dài hơn 18 tháng với số lượng bệnh nhân 350-800 trong khi thuốc điều trị triệu chứng chỉ cần từ 6-8 tháng với số lượng bệnh nhân ít hơn. Các thuốc mới kiểm soát và cải thiện triệu chứng trên nhiều thụ thể khác nhau đang được nghiên cứu nhiều (bảng 1). Các chất chủ vận trên thụ thể nicotinic acetylcholine thần kinh (neuronal nicotinic acetylcholine receptors - nAChRs), đặc biệt là thụ thể α4β2 và α7 đang được nghiên cứu lâm sàng pha II như AZD3480 (AstraZeneca/Targacept), MEM 3454 (Roche/Memory Pharmaceuticals) và GTS-21 (CoMentis)
    Tổng kết
    Bệnh Alzheimer là một bệnh não thường gặp ở người cao tuổi, bệnh tiến triển từ từ. Hiện nay trên thế giới có khoảng 37 triệu người mắc bệnh và ngày càng gia tăng. Số lượng bệnh nhân Alzheimer cũng như tỷ lệ trong dân số ở Việt nam hiện chưa có số liệu cụ thể. Bệnh nhân Alzheimer cần được phát hiện và điều trị sớm nhằm góp phần làm chậm tiến triển của bệnh, giảm bớt đau khổ cho bệnh nhân cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số nghiên cứu cho thấy luyện tập thể dục và uống trà xanh có thể giúp phòng ngừa bệnh Alzheimer. Các thuốc điều trị bệnh Alzheimer hiện nay chỉ có thể kiểm soát và cải thiện triệu chứng mà không ngăn chặn được sự phát triển của bệnh. Do đó, các thuốc điều trị bệnh Alzheimer dựa trên sinh lý bệnh hiện đang được tập trung nghiên cứu và phát triển. Một vài thuốc điều trị nguyên nhân có khả năng ngăn chặn diễn tiến của bệnh có thể có mặt trên thị trường vào năm 2009/2010 và sẽ tạo bước đột phá trong điều trị bệnh Alzheimer. Trong vòng 5 đến 10 năm tới, ngành công nghiệp dược thế giới sẽ phát triển mạnh thuốc điều trị bệnh Alzheimer với nhiều thuốc mới đưa ra thị trường. Tuy nhiên doanh số của nhóm thuốc này có thể suy giảm vào năm 2010-2011 do các thuốc đã hết hạn bằng sáng chế và trở thành thuốc generic (rivastigmine hết hạn bằng sáng chế vào 2007, galantamine vào năm 2008, donepezil và memantine năm 2010).3 Thị trường thuốc điều trị bệnh Alzheimer có thể khởi tăng trưởng mạnh lại vào năm 2011-2012 với các thuốc mới xâm nhập rộng rãi trên thị trường.
    Tài liệu tham khảo:
    1. Klafki, H. -W. et al. Therapeutic approaches to Alzheimer's disease. Brain, 2006, 129, 2840-2855.
    2. Mount, C. & Downton, C. Alzheimer's disease: progress or profit? Nature Medicine, 2006, 12, 780-784.
    3. Melnikova, I. Therapies for Alzheimer's disease. Nature Review Drug Discovery, 2007, 6, 341-342.
    4. Lê Văn Nam. Các thuốc điều trị sa sút trí tuệ. 2006. http://www.thankinhhoc.com/alzheimer8.htm
    5. The National Institute for Health and Clinical Excellence (NICE). Dementia: supporting people with dementia and their carers in health and social care. Clinical guideline (CG42), 11.2006. www.nicẹorg.uk/CG042
    6. National Guideline Clearinghouse. Guidelines for Alzheimer's disease management. www.guidelinẹgov/summary/summarỵaspx?doc_id=3157
    7. IMS Health. http://www.imshealth.com
    8. Masters, C. L. & Beyreuther, K. Alzheimer's centennial legacy: prospects for rational therapeutic intervention targeting the Aβ amyloid pathway. Brain, 2006, 129, 2823-2839.
    Hình 1. Doanh số toàn cầu của các thuốc điều trị bệnh Alzheimer (đơn vị tính: triệu USD)3,7
    Bảng 1. Các thuốc dùng trong điều trị bệnh Alzheimer và các thuốc đang nghiên cứu phát triển
    Hoạt chất Biệt dược/Công ty Cơ chế tác động
    Thuốc dùng trong điều trị
    Thuốc kiểm soát và cải thiện triệu chứng
    Donepezil Ariceptệ; Eisai/Pfizer Ức chế cholinesterase
    Rivastigmine Exelonệ; Novartis Ức chế cholinesterase
    Galantamine Razadyneệ; Johnson & Johnson Ức chế cholinesterase, điều hòa thụ thể nicotine
    Tacrine Cognexệ; First Horizon Pharmaceuticals Ức chế cholinesterase
    Memantine Namendaệ; Forest/Lundbeck Ức chế N-methylđ-aspartate (NMDA)
    Thuốc đang nghiên cứu và phát triển
    Thuốc điều trị nguyên nhân
    Tramiprosate Neurochem Gắn kết vào protein Aư, chống sự kết tập và thành lập mảng bám Aư Pha III
    Tarenflurbil Myriad Genetics Ức chế γ-secretase Pha III
    ACC-001 Elan/Wyeth Aư vaccine Pha I
    Bapineuzumab Elan/Wyeth Kháng thể đơn dòng kháng Aư Pha II
    LY2062430 Eli Lilly Kháng thể đơn dòng kháng Aư Pha II
    RN1219 Pfizer Kháng thể đơn dòng kháng Aư Pha I
    AL-108 Allon Therapeutics Ức chế sự kết tập các protein Aư
    Ổn định các cấu trúc Aư nhỏ Pha II
    LY450139 Eli Lilly Ức chế γ-secretase Pha II
    MK 0752 Merck Ức chế γ-secretase Pha II
    TTP488 TransTech Pharma/Pfizer Ức chế liên kết giữa RAGE và protein Aư, giảm mảng bám Aư Pha IIa
    E2012 Eisai Ức chế γ-secretase Pha I
    NGX267 TorreyPines Therapeutics Chủ vận muscarinic M1
    Kích hoạt α-secretase Pha I
    AZD-103 Transition Therapeutics/Elan Ức chế sự thành lập protein Aư Pha I
    ATG-Z1 CoMentis Ức chế BACE1 (ư site APP cleavage enzyme 1) Tiền lâm sàng
    Thuốc kiểm soát và cải thiện triệu chứng
    AZD3480 AstraZeneca/Targacept Chủ vận nAChR Pha II
    MEM 3454 Roche/Memory Pharmaceuticals Chủ vận nAChR Pha II
    GTS-21 CoMentis Chủ vận nAChR Pha II
    Xaliproden Sanofi–Aventis Chủ vận 5-hydroxytryptamine (serotonin) type 1 Pha III
    Lecozotan Wyeth Kháng thụ thể 5-hydroxytryptamine (serotonin) type 1 Pha II/III
    PRX-03410 Epix Pharmaceuticals /GlaxoSmithKline Chủ vận 5-hydroxytryptamine (serotonin) type 1 Pha II
    Dimebon Medivation Ức chế cholinesterase
    Ức chế N-methylđ-aspartate NMDA Pha II
    MEM 1003 Memory Pharmaceuticals Ức chế kênh Ca2+ L-type Pha II
    Bảng 2. Nghiên cứu lâm sàng pha III cho các thuốc điều trị bệnh Alzheimer
    Yếu tố Thuốc kiểm soát và cải thiện triệu chứng Thuốc điều trị nguyên nhân
    Thời gian 24–30 tuần ≥18 tháng
    SL bệnh nhân 150–250 350–800
    Chi phí 15-30 triệu USD 30–50 triệu USD

    Ds Thái Khắc Minh,
    Úc châu
    http://www.yduocngaynay.com/3-3TKMinh_Alzheimer_DieuTri.htm
     
    #2
      HongYen 28.01.2009 02:14:30 (permalink)
      Nước táo giúp chống bệnh Alzheimer 
       

      26/01/2009 13:41 







       
      (TNO) Uống nước táo ép có thể giúp trì hoãn bệnh Alzheimer (một dạng bệnh mất trí nhớ). Đây là kết luận của các nhà khoa học thuộc Đại học Massachusetts (Mỹ), theo hãng tin ANI.  Thử nghiệm trên loài chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy những con chuột sau khi được cho uống nước táo ép đã thực hiện tốt những bài kiểm tra về trí nhớ hơn bình thường. Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy nước táo ép giúp ngăn chặn sự suy giảm nhận thức, vốn thường xảy ra khi tuổi về già.
       
      Các nhà nghiên cứu đã cho chuột dùng hai ly nước táo ép mỗi ngày trong suốt một tháng và nhận thấy hàm lượng protein beta-amyloid, vốn liên quan tới bệnh Alzheimer, đã giảm đáng kể ở những con chuột có dùng nước táo ép.
      Châu Yên
       
      http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200904/20090125164137.aspx
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9