Quần đảo ngục tù-Aleksandr I. Solzhenitsyn- HẾT
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 30 bài trong đề mục
CTT 06.08.2008 13:33:43 (permalink)
Quần đảo ngục tù
Nguyên tác : (The Gulag Archipelago)
Ngọc Thứ Lang, Ngọc Tú dịch
Xuất bản tại miền Nam năm 1974
 
Tác giả chú thích

Thiên tiểu thuyết này viết xong đã lâu mà tôi vẫn ngần ngại chưa muốn xuất bản. Thà phụ lòng người chết còn hơn gây hại cho những người còn sống. Nhưng bản thảo bất ngờ lọt vào tay mật vụ thì tôi đành phải cho ra ngay, càng sớm càng tốt.

Xin lưu ý là trong Quần đảo ngục tù không có người bịa chuyện. Nhân danh, địa danh đều ghi rõ tên thực. Nếu có ghi tên tắt chỉ là bắt buộc cũng như nếu có thiếu sót chỉ vì người viết không nhớ nổi, nhớ hết. Vì tất cả trong Quần đảo ngục tù đều có thực, nghĩa là THẤY SAO VIẾT VẬY.

Aleksandr I. Solzhenitsyn

 
Tựa

Năm 1949, bọn tôi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn in chữ nhỏ li ti đăng trên tờ Thiên nhiên cơ quan của Hàn lâm Viện Khoa học. Bản tin tiết lộ là trong công tác khảo cổ khai quật một vùng sông Kolyma người ta đã tìm ra một lớp băng nằm dưới mặt đất nguyên là một con suối, một nhánh sông đông lạnh mà trong đó còn nguyên vẹn một số sinh vật tiền sử, cỡ vài chục ngàn năm. Cá hay thằn lằn cũng còn tươi nguyên, tươi đến nỗi những người có mặt lúc bấy giờ hăm hở phá vỡ lớp băng, đào lên KHOAN KHOÁI đớp ngay tại chỗ.

Độc giả tập san Thiên nhiên có bao nhiêu xong chắc chắn họ phải kinh ngạc không ngờ cá đông lạnh có thể giữ tươi nguyên lâu đến vậy. Tuy nhiên mấy ai đã thấu hiểu ý nghĩa đích thực của mẩu tin sơ hở, vụng về nói trên?

Bọn tôi, trái lại hiểu ngay tức khắc. Bọn tôi còn tưởng tượng ra đầy đủ từng chi tiết nhỏ của công tác khai quật kia. Bọn tôi biết người ta đào lớp băng hăng hái cỡ nào, tranh nhau như thế nào… Khỏi khảo cổ, nghiên cứu cá cua gì hết, thấy cá tiền sử cũng đào lên, xé ngay ra cho lên bếp lửa nướng đớp liền.

Bọn tôi hiểu vì bọn tôi cũng thuộc một lớp người với đám người đào băng đó – cũng là dân ZEK với nhau mà! Những thằng ZEK (1)
thì quá đông quá nhiều và có thể nói là thế gian này chỉ có chúng là những thằng người duy nhất dám đớp cả cá tiền sử một cách SUNG SƯỚNG.

Bọn tôi cũng không xa lạ gì Kolyma, một hòn đảo lớn nhất trong cái hệ thống gọi là QUẦN ĐẢO GULAG  (2)
. Xét về mặt địa lý thì GULAG là cả một nhóm đảo ở rải rác, khắp nơi nhưng xét về tâm lý thì đây lại là một đại lục gắn chặt một khối, một vùng đất vô hình bí hiểm, đất sống của những thằng ZEK.

Đại lục ngục tù đó nằm trong lãnh thổ Liên bang Xôviết, nằm rải rác như bày trên một bàn cờ khổng lồ, nằm xen kẽ, nằm chen vào giữa các đô tỉnh thị. Chỗ nào cũng có nó, vậy mà dân Nga tối đại đa số, mù tịt, rất nhiều người chỉ nghe nói mù mờ… chỉ những tháng từng ở bên trong mới biết rõ sự thực.

Bọn họ biết hết nhưng dĩ nhiên họ phải câm nín, không hé mồm về sự thực bên trong GULAG.

Vì một tình cờ trớ trêu của lịch sử, một phần sự thực được phép công bố – dù chỉ một phần nhỏ nhoi, có nghĩa. Những bàn tay mới đây còn nắm cứng tay chúng tôi để viết còng cho chặt thêm… chính những bàn tay ấy giờ đây chia ra hoà giải: “Thôi dĩ vãng đã qua để nó qua luôn… gợi nhớ làm chi? Cứ nhìn về quá khứ hoài dám mất một mắt!”. Đồng ý. Tuy nhiên tục ngữ đất nước chúng tôi lại có câu: “Có quá khứ mà quên đi là mù cả hai mắt”.

Mấy chục năm đã qua rồi, bao nhiêu ung nhọt ghẻ lở đang lành lặn dần. Cùng thế gian đó trong quần đảo GULAG mấy hòn đảo đã sụp đổ tan tành, bị tràn ngập dưới lớp sóng lãng quên của biển Bắc cực. Biết đâu chừng một ngày nào đó thế hệ sau chúng tôi chẳng khai quật được một hòn, tìm ra được vết tích GULAG cùng với mớ xương tàn của một thằng ZEK còn nằm nguyên vẹn trong lớp băng như một con thằn làn tiền sử nói trên?

Tôi đâu dám liều lĩnh viết lại lịch sử quần đảo GULAG, xét vì có được ghé mắt đọc một tài liệu nào đó về nó đâu. Sợ rằng sau này cũng chẳng ai có cơ hội đọc được vì những người không muốn gợi nhớ lại, muốn quên phứt nó đi cho rồi đã có thừa quá nhiều thời giờ – họ sẽ còn nhiều thời giờ nữa – để thủ tiêu bằng hết tài liệu!

Bản thân tôi thì qua 11 năm ròng rã trong QUẦN ĐẢO GULAG tôi cảm thấy tuyệt nhiên không nhục nhã oán hờn mà trái lại còn có phần thương mến cái thế giới bao la vĩ đại đó, mà sau một loạt những biến chuyển tốt đẹp tôi còn được đón nhận khá nhiều tin tức, tài liệu, thư từ mới về nó. Nhờ đó may ra tôi có thể kể lại phần nào chứng tích thịt xương của chính con thằn lằn may mắn thay còn sống sót.


*

Xin nói rõ tôi chẳng thể một mình viết xong QUẦN ĐẢO GULAG. Dĩ nhiên sau mười một năm dài trong GULAG thì khi trở ra tôi phải mang theo một mớ kỷ niệm trong ký ức, ghi nhận trong thịt và trên da, mắt tôi từng nhìn thấy, tai nghe thấy nhiều chuyện. Ngoài ra tôi còn được sự đóng góp tài liệu của 227 nhân chứng qua nhiều thư từ, hồi ký. Tên tuổi những người đó sẽ được liệt kê hết trong chuyện.

Với những người bạn đó tôi xét thấy chẳng cần phải tri ân cá nhân họ, xét vì thiên truyện này là công trình chung, một tưởng niệm tập thể những người đã đau khổ và bỏ xác trong GULAG.

Tuy nhiên vẫn phải kể tới những người trong hoàn cảnh khó khăn đã giúp tôi sưu tầm, tra cứu nhiều tài liệu để làm sáng tỏ vấn đề trong cả núi sách ở Thư viện, huống hồ có nhiều cuốn bị cấm lưu hành, bị thủ tiêu và nhiều khi biết là chỉ còn sót lại một cuốn cũng ráng tìm bằng được. Lại còn những những dám cất giữ bản thảo giùm tôi và sau đó còn chép ra làm nhiều bản nữa.

Tên tuổi những người đó cho đến bây giờ tôi vẫn không dám tiết lộ.

Lẽ ra người nhuận sắc lại bản thảo Quần đảo ngục tù này phải là một ông bạn tù già trên đảo Solovetshy tên Dmitri Petrovich Vitkovsky, tác giả tập hồi ký Nửa đời tù ngục. Ông bạn Vitkovsky quả thực đã sống NỬA ĐỜI TÙ NGỤC nên sau cùng vướng chứng tê liệt đến câm luôn mới được đọc vài chương đầu để tin tưởng rằng tất cả sự thực sẽ có người nói lên bằng hết.

Theo ý tôi thì còn lâu lắm xứ sở chúng tôi mới được thấy ánh sáng tự do, vì vậy cần đọc cuốn truyện này, truyền tay nhau đọc cũng là một chuyện cực kỳ nguy hiểm. Do đó, tôi xin ngỏ lời chào mừng trước những bạn đọc can đảm đó, nhân danh những người đã bỏ xác trong GULAG.

Cho đến năm 1958, khi tôi khởi sự viết Quần đảo ngục tù vẫn chưa nghe nói tới một cuốn tiểu thuyết hay hồi ký nào nói về các trại cải tạo. Năm 1967, đang làm sách, tôi mới có dịp đọc Truyện tù Kolyma của Vaclam Shalamov và những tập hồi ký của Dmitri Vitkovsky, Giuzburg, Admova-Sliozberg. Đó là những truyện tù mà dân từng ở tù phải biết hết, trước khi phổ biến rộng rãi sau này.

Cũng phải nêu tên một số nhân vật từng có công đóng góp nhiều tài liệu vô giá cho cuốn tiểu thuyết này – mặc dù họ chẳng muốn chút nào – cũng như họ đã góp phần lưu giữ nhiều sự kiện, tài liệu quan trọng, chắt chiu như chính hơi thở của họ vậy. Đó là quý ngài Sudrabs-Latsis, N.V. Krylenko (người nhiều năm ngồi ghế chưởng lý trước khi trao quyền cho đàn em A.Y. Vyshinsky) cũng như các vị luật gia đồng lõa với họ, trong đám đó, nổi bật nhất là ngài thẩm phán I. L. Averbakh.

Tài liệu để viết cuốn tiểu thuyết này còn được cung cấp bởi một nhóm 36 nhà văn Xôviết, đứng đầu là Maxim Gorky. Họ là đồng tác giả một cuốn sách ô nhục nói về Kênh đào Bạch Hải. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Nga mới có một tác phẩm đề cao công trình lao động của những thằng đi cải tạo.

Aleksandr I. Solzhenitsyn
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.09.2008 12:37:27 bởi CTT >
#1
    CTT 06.08.2008 13:35:54 (permalink)
    Phần I
    1. Kỹ nghệ ngục tù

    Thế là xong. Xong hết. Anh bị bắt! Còn biết làm gì hơn, đâu thể làm gì hơn là rên rỉ: “Tôi mà bị bắt? Sao vậy?”.

    Bản chất của sự bắt người là vậy mà! Một cú sấm sét nháng lên thình lình, một cú động trời đẩy bật hiện tại vào quá khứ, để cái mình không ngờ có thể xảy ra đột biến thành thực tế phũ phàng trước mắt.

    Bị bắt là vậy. Trọn một giờ đầu ngày đầu thì đầu óc người bị bắt chỉ quanh quẩn có mỗi câu hỏi ngớ ngẩn trên để may ra giữa cơn tuyệt vọng chợt le lói một tia hy vọng hão huyền: “Có thể mình bị bắt lầm. Thế nào họ chẳng xét lại… họ cho mình ra”.

    Sau đó tất nhiên cuốn phim bị bắt sẽ được quay lại, những hình ảnh sẽ hiện ra, hình thành không phải ở trong đầu óc ngỡ ngàng mất hướng của anh mà là những người ở nhà, thân nhân gia đình hay bà con hàng xóm.

    Thoạt đầu tiếng đập cửa rầm rầm nửa khuya hay một hồi chuông gắt gỏng. Những đôi bốt không thèm chùi của những ông Mật vụ không bao giờ ngủ đêm sẽ xông ào ào vô. Theo sau thế nào chẳng có ông phường, ông khóm rụt rằng đi vô để gọi là có đại diện hành chánh địa phương làm nhân chứng cho đúng luật.

    Có hồi mật vụ muốn bắt người cũng phải có sự chứng kiến của giới chức địa phương. Hồi đó luật lệ còn cho phép và còn khuyến khích nhân dân hỏi lại các viên chức đi bắt người.

    Tuy nhiên mấy ông khóm, ông phường cũng chẳng lạ gì vai trò bù nhìn của mình và sự bất chấp của Mật vụ. Họ đành phải đi theo cho có lệ để ngồi ru rú một chỗ ngó và sáng mai ký tên vào biên bản. Vả lại đêm nào cũng bị dựng dậy đi coi bắt người thì chẳng hứng thú gì… mà lâu lâu còn phải hướng dẫn đi bắt chính những bà con quen biết của mình!”.

    Thế rồi thế nào chẳng có những bàn tay run rẩy, hối hả trao cho người bị bắt: nào gói đồ, thay quần áo lót… này cục xà bông, này mấy miếng thức ăn. Cuống quít đụng cái gì đưa cái nấy vì có ai biết thằng ở tù cần những cái gì, được phép giữ những cái gì, được mặc những quần áo nào… Trăm lần như một mấy ông Mật vụ sẽ nồ nạt, cấm đoán và chắc chắn sẽ có câu:

    "Sao mang đồ lắm thế? Ở trong đó họ cho ăn đàng hoàng mà. Xách theo nhiều quần áo làm chi?”

    “Dĩ nhiên họ nói láo vậy cũng như nguyên tắc là phải hối thúc, nạt nộ để khủng bố tinh thần nạn nhân.”

    Cuốn phim bị bắt sẽ tiếp tục bằng một màn lục soát nhà cửa, sau khi nạn nhân bị xách cổ đi rồi. Phải nói là cả một màn lục lọi, phá phách, hành hạ chính chỗ ở của nạn nhân trong mấy giờ liền. Đã xét nhà thì mật vụ có tha cái gì.

    Cần đập là đập, xét được là xét toang hoang, vạch vòi từ kẽ vách trở đi. Bao nhiêu đồ lặt vặt, bao nhiêu món quần áo trong ngăn tủ đều được moi móc ra, tung hê hết ra sàn nhà để lần mò, rũ ra từng món một, xé toạc ra xét phía trong…

    Dĩ nhiên đồ đạc, quần áo đã liệng ra giữa nhà như vậy thì còn kiêng dè gì nữa. Những đôi bốt sẽ giẫm lên, chà đạp không thương xót. Một căn nhà đã bị mật vụ lục lọi thì còn cái gì được chừa ra, còn cái gì được nể nang?

    Như trường hợp nhà kỹ sư hoả xa Inoshin đó. Đứa con nhỏ mới chết vừa liệm xong, quan tài đã đóng chặt, để ở một góc nhà. Mấy ông mật vụ đã nhân danh luật pháp buộc phải mở hàn, nhấc xác đứa bé ra để lục lọi, khám xét bên trong. Còn nói gì bệnh nhân bị xô xuống để xét nệm, băng bó phải xé ra coi có giấu gì bên trong.

    Mật vụ đã khám xét thì cái gì cũng có thể xảy ra, cái gì họ cũng dám làm hết (3)


    Mật vụ đã khám xét nhà chuyên viên sưu tầm cổ vật danh tiếng Chetverukin và tịch thu một số “tài liệu”. Hỏi ra mới biết đó là mớ giấy tờ cổ lỗ sĩ, mấy bản chỉ dụ từ thời Nga hoàng! Nào chỉ dụ ngừng chiến với Nã Phá Luân, chỉ dụ thiết lập Hội Thánh và cả đạo chiếu chỉ kêu gọi thần dân thành tâm cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi trong thời kỳ dịch tả lan tràn năm 1830.

    Vostrikov, nhà học giả chuyên về Tây Tạng đứng số một nước Nga cũng bị mật vụ bắt và còn bắt theo một số thủ bản quý giá về cổ văn Tây Tạng. Người bất hạnh mệnh một mà đám môn đệ phải mất đúng 30 năm sau mới năn nỉ, xin xỏ KBG cho lại được mớ giấy tờ.

    Nevsky, nhà Đông phương học lừng danh bị mật vụ tịch thu mớ cổ bản về văn tự Tangut. Hai mươi lăm năm sau khi đã mồ yên mả đẹp rồi người mới được truy tặng giải Lênin về công trình san định cổ ngữ này!

    Karger thì bị vồ trọn bản thư tịch về sắc dân Ostyak vùng Yenisei. Chỉ vì mật vụ không chịu chấp nhận bản mẫu tự và bộ ngữ vựng mà Karger đã hoàn thành cho bộ lạc thiểu số này mà cho tới bây giờ dân Ostyak vẫn đành phải chịu, không có nổi chữ viết.

    Có lời lẽ, ngôn ngữ nào diễn tả nổi một vụ khám xét? Xem ra chỉ có mỗi một câu trong kho tàng văn chương bình dân của chúng tôi là gói ghém đủ ý. Đại khái là “Họ lục lọi, khám xét đến phải bật ra… cái mà ta không hề cất giấu trong đó”. Mật vụ mà đã khám nhà, kiếm ra bất cứ một cái gì là đương nhiên, họ toàn quyền lấy mang đi. Nếu cần, còn trưng dụng luôn khổ chủ làm cu ly khuân vác nữa!

    Như trường hợp vợ chồng Palchinskaya, nhà kinh tế học mà cũng là kỹ sư hầm mỏ lớn nhất nước. Ở địa vị người chồng hoạt động như vậy thì thiếu gì thư từ trao đổi, tài liệu lưu giữ mỗi ngày? Sau khi bắt người, mật vụ buộc bà vợ phải đích thân xách theo cả bao giấy tờ và sau đó hai vợ chồng phải chia nhau, nuốt bằng hết đồng giấy! Mang giấy tờ đi như vậy thì chỉ cần mang một làn, khỏi cần mang về.

    Một người bị bắt là dĩ nhiên gia đình, thân nhân cuống cuồng lo cho cuộc đời sắp khốn đốn đến nơi. Nhưng biết vậy vẫn phải dành thời giờ, bỏ công việc để hỏi thăm tin tức, họ tiếp tế cho người thân. Gởi được tí đồ ăn cũng cực khổ trần ai! Tới chỗ nào, văn phòng nào hỏi cũng bị trả lời một câu nguyên văn: “Đây không có ai tên đó. Không ai nghe nói tên đó…”.

    Khốn nạn, muốn được nghe thiên hạ sủa một câu gắt gỏng vậy đó nào phải dễ dàng gì? Hồi dân Lêningrad bị địch bắt bố dữ nhất, nhà tù nghẹt cứng người thì muốn hỏi tin tức người nhà cũng phải mất đúng 5 ngày… mới được từ chối kiểu trên.

    Có khi 6 tháng, 1 năm sau mới có tin người nhà. Mà lại là “Đương sự không được phép thăm nuôi, tiếp tế.” Nghĩa là bị cấm đơn. Nghĩa là từ nay khỏi phải hỏi vì kể như chắc chắn là đương sự h et còn trên cõi đời này. Bị bắn bỏ rồi! (4)


    Đại khái một vụ bắt người diễn ra như vậy đó.

    Nói về những vụ bắt người ban đêm thì hiển nhiên phải có những nguyên do đích đáng, thuận lợi và vô cùng quan trọng.

    Nửa đêm nghe đập cửa ầm ầm thì chưa biết gì người trong nhà đã hốt hoảng, bàng hoàng rồi. Người bị bắt đang chăn êm nệm ấm bỗng bị dựng cổ dậy, ngơ ngác nửa tỉnh nửa mê đầu óc mụ mẫm… còn suy tính được cái gì nữa? Đi bắt đêm mật vụ còn ưu thế. “Lấy thịt đè người”, bao nhiêu tay súng bất thần xông vô ào ào chỉ cốt để đàn áp tinh thần một thằng mê ngủ, có cái nút quần còn chưa cài xong thì chắc ăn quá! Bắt đêm lại còn cái lợi là khỏi phải lo đối phó với mấy người hàng xóm thấy đông bu lại coi. Lỡ họ can thiệp bậy thì sao?

    Phương pháp bắt đêm, bắt kín, bắt lần lượt cái lối cóc nhảy của mật vụ còn hay ở điểm người ít mà xử dụng được tối đa lực lượng. Cứ từ từ chộp xong mối này tới mối kia là bao nhiêu cùng bắt gọn hết. Vì vậy nhiều khi số người bị bắt ở địa phương còn đông hơn cả lực lượng công an cảnh sát cộng lại. Hơn nữa còn đỡ gây xáo trộn chỉ ở người sát bên còn có thể biết chớ xa một chút là không tài nào hay. Công tác bắt người do đó êm ru để cùng một con đường mà đêm đêm mật vụ áo đen cứ việc đi bắt người mà ngày ngày bọn thanh thiếu niên vẫn vác cờ vác biển đi ca hát nghêu ngao.

    Trên cương vị kẻ đi bắt người và bắt người đến phát ngán lên được thì bọn mật vụ phải rành rẽ bộ máy bắt người hơn ai hết. Dĩ nhiên là phải có lề lối, phương pháp mà ngây thơ đến mấy cũng phải biết. Bắt người là một khoa học, một bộ môn quan trọng của khoa hình sự, được yểm trợ bởi lý thuyết xã hội đàng hoàng.

    Những vụ bắt người đều chia ra theo tiêu chuẩn đàng hoàng. Bắt đêm hay bắt ngày, bắt ở nhà ở sở hay ở dọc đường, bắt lần đầu hay bắt đi bắt lại, bắt cá nhân hay bắt tập thể. Còn phân biệt ở mức độ bất ngờ cần thiết, mức độ chống đối phải dự liệu. Đó là xét trên nguyên tắc mà thôi. Thực tế mật vụ có bao giờ phải đặt vấn đề chống đối cũng như cả chục triệu trường hợp bị bắt rồi đã có ai dám chống lại một lần?

    Những vụ bắt người còn phân biệt ở điểm xét nhà sơ sơ hay lục lọi kỹ càng  ( 5)
    có huấn lệnh lập bảng kê khai đồ vật tịch thu hay không, có phải niêm phong nhà cửa hay không, bắt chồng trước vợ sau rồi con cái tống vô Viện Dục Anh hay mời cả nhà đi một lượt, kể cả ông già bà già nạn nhân cũng tống vô trại lao động cải tạo.

    Chỉ một vụ bắt người mà có đến bao nhiêu hình thức.

    Như cô đào Hung Gia Lợi Irama Mendel năm 1926 được Komintern (6)
     biếu hai tấm giấy mời danh dự coi ca nhạc kịch Bolshoi. Hồi đó có đồng chí thẩm vấn viên Klegel đang theo đuổi người đẹp dữ nên Irma cùng mời chàng đi coi chung cho vui. Hai người cặp kè nhau ngồi coi đến khi vãn hát, coi bộ cực kỳ âu yếm nhưng sau đó chàng mời người đẹp lên xe đi về Lubyanka( 7 )

    Cô gái tóc vàng Anna Skeipnikova nhân buổi đẹp trời tháng 6, đi dạo đại lộ Kuznetsky vừa mua vài thước hàng xanh để may áo thì được một phong lưu công tử mời lên tắc xi đi chơi…

    Nàng theo chàng lên xe nhưng dĩ nhiên chẳng đi du ngoạn tình ái! Nhìn bộ mặt nhăn nhó của gã tài xế là biết liền. Hắn đâu lạ gì gốc gác chàng và cũng biết được cơ quan có bao giờ chịu chi một cuốc tắc xi! Quả nhiên xe chạy một khúc là quẹo qua đại lộ Lubyanka để chàng xuống xe mời nàng vô khám…

    Hai mươi hai năm sau, tức là năm 1949, có một ông hải quân trung tá tên Boris Burkovsky đi thăm người đẹp nên diện chiếc áo đại quân trắng toát, xức nước bông thơm lừng. Trước khi tới nàng, chàng còn ghé qua tiệm bánh ngọt mua một ổ bánh kem thứ chiến nhưng sau người được thưởng thức bánh không phải nàng mà chính là ông trung tá. Có tiền chàng nuốt trọn ổ bánh trong xà lim sau khi những lưỡi dao của mật vụ đã cắt vụn ra xét.

    Những vụ chặn bắt người ban ngày, bắt khơi khơi giữa đám đông ở xứ sở chúng tôi quả là thường tình. Mọi việc đều diễn ra gọn gàng, xuôi rót và lạ nhât là những người bị bắt làm như còn muốn cộng tác chặt chẽ với những người bị bắt. Họ xử sự một cách chững chạc, lịch sự không ngờ có lẽ để người chung quanh, khỏi phải đau lòng chứng kiến một người đang bị mời đi vào cõi chết chắc?

    Có phải ai ai cũng được bắt tại nhà hay tại sở đâu. Được bắt ở nhà còn được nghe một tiếng gõ cửa rồi thấy mặt ông gác dan hay bác đưa thư thò vô! Nếu muốn vồ một tay sừng sỏ thì khỏi có vụ tới sở. Phải cô lập nạn nhân, không để gia đình hay bạn đồng sở hay biết. Không ai giúp đỡ, che giấu gì được và có muốn thủ tiêu, truyền tay tài liệu tang vật hay nhắn tin cũng không xong.

    Thông thường muốn vồ một đồng chí có thế lực trong Đảng hay trong quân đội thì sẽ có một vụ sắp đặt cho đương sự lên chức thuyên chuyển tới nhiệm sở mới – đi xe lửa cũng có toa xe riêng đàng hoàng – nhưng chưa tới nơi đã có người mời đi! Có trường hợp đồng chí đang giữ một chân cốt cán, giữa dịch bắt bớ thấy thiên hạ mời đi nhiều quá mà chưa tới lượt mình đâm rụt rè, e ngại. Ít lâu nay thấy không khí ngột ngạt, khó thở mà ánh mắt thượng cấp nhìn mình coi bộ mất cảm tình rõ càng rét thêm.

    Giữa lúc đó đồng chí được triệu lên trụ sở Đảng đã tuyên dương thành tích, kèm theo là tấm giấy phép cho đi bồi dưỡng một thời gian ở bờ biển Sochi. Vui mừng để đâu cho hết và lúc bấy giờ chợt thấy bao nhiêu nỗi lo ngại, nghi ngờ ít lâu nay toàn là hão huyền, vô căn cứ. Thế là hớn hở cầm tấm giấy phép về nhà lo sửa soạn hành lý. Còn có hai giờ nữa xe đã chuyển bánh mà mụ vợ cứ chậm rề rề. Bèn la lối, thúc hối và may mắn quá xách va ly ra ga còn kịp!

    Đi ngang phòng đợi ở chỗ quầy giải khát trước khi ra sân ga bỗng có một thằng trẻ tuổi tươi cười chạy lại reo ầm lên: “Kìa đồng chí Pyotr Ivanich! Còn nhớ em không. Đồng chí Ivanich ngỡ ngàng khựng lại, lúng túng “Xin lỗi… lâu quá rồi. Nhất thời không nhớ ra”. Nhưng không sao, nó cười hề hề, biểu: “Lại đây… lại đây anh em mình làm một ly nước hàn huyên đã nào! Xin phép bà chị cho anh em tụi tôi hàn huyên chút xíu. Cỡ một phút đủ rồi.”

    Dĩ nhiên bà vợ Pyotr Ivanich phải gật đầu để chồng sóng vai đi hàn huyên cùng ông bạn cũ chớ? Nhưng cái một phút đó lại thành muôn năm… hoặc ít ra là 10 năm.

    Vụ bắt người tiến hành gọn vậy đó. Vì ga nào chẳng có một trạm GPU (8)
    với vài ba cái xà lan nhốt người. Trạm GPU nằm rất kín, dân quanh năm đi xe lửa đại đa số còn không ngờ nó nằm sẵn ngay trong nhà ga kia mà.

    Xét vì những xen “bạn cũ hàn huyên” được biểu diễn y như thực nên chẳng ai không mắc, trừ những tay từng quá nhiều kinh nghiệm tù ngục. Đừng tưởng mật vụ không dám giở trò này giữa ban ngày ban mặt, giữa thủ đô Mạc Tư Khoa! Như trường hợp của một tay từng làm việc ở Sứ quán Mỹ tên Alexander. D đó. Đang đi giữa đại lộ Gorlay, sát bên nhà giây thép lớn bông có ông bạn không hề quen vẹt đám đông chạy ra ôm cứng lấy reo mừng như người bắt được vàng:

    “Saaasha! Lâu quá không thấy mặt, đi biến đâu thế? Nào, anh em mình phải có chầu hội ngộ chớ.”

    Alexander đang lúng túng thì một chiếc Pobeda mui kín đã trờ tới tốp lại… Ít ngày sau thông tấn xã Tass bèn gởi đến tất cả các báo một thông báo ngắn đại để các giới chức Xôviết liên hệ không hề có tin tức gì liên quan đến vụ mất tích của một người tên Alexander D.

    Chuyện đó có gì lạ đâu. Mật vụ còn dám làm lộng hơn nhiều. Chẳng hạn như Zhora Blednov cũng lại vồ khơi khơi, giữa ban ngày ban mặt như thế đó… nhưng ở thủ đô Bỉ Brussels chớ không phải Mạc Tư Khoa.

    Xét ra cần phải ghi một điểm son cho lề lối bắt người thiên hình vạn trạng của cơ quan ở giữa một thời đại mà cái gì cũng sản xuất theo thể thức dây chuyền, đồng loạt… từ diễn văn, kịch phẩm đến y phục thời trang phụ nữ.

    Có thể anh vừa trình giấy tờ vô cơ quan xí nghiệp thì đầu hàng ba đằng kia đã có người của mật vụ chờ sẵn. Đang năm quân y viện sốt nóng tới 40 độ cũng dám bị mật vụ vô mời đi… như trường hợp của Ans Berosthein mà có ông y sĩ nào hó hé! Sức mấy dám. Có người đang nằm trên bàn mổ còn bị kéo xuống đẩy tuốt vô sà lim như ông thanh tra học vụ Vorobyev năm 1936. Đang nằm bàn mổ cho các y sĩ giải phẫu chỗ ung nhọt bao tử bị mật vụ cho lệnh bắt nên máu me đầy người, thuốc mê chưa tan ông thanh tra cũng cứ vô nằm cát xô như thường, có đồng chí Karpunich làm chứng.

    Hay như cô bé Nadya Levitskaya, nóng lòng không biết bà mẹ bị xử tội gì bèn đánh liều tới trụ sở hỏi thăm thì họ cũng cho biết tin tức, cho mẹ con gặp nhau. Té ra là một cuộc đối chứng để hai mẹ con cùng bị đi một lượt.

    Hoặc tới tiệm thực phẩm thượng hạng gastronome mua vài món bỗng có người rỉ tai mời qua phòng còm măng hàng đặc biết… và được mời về cơ quan luôn.

    Vì tình thương của Đấng Kitô có ông chủ nhà thấy một gã nói là đi lãnh lương lỡ độ đường bèn mời hắn vô nhà nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau chủ nhà được ông khách quý cho coi giấy tờ mời về Sở có việc.

    Nói chung thì ông nhân viên nhà đèn vô coi công tơ điện bắt người cũng được. Một gã đi xe máy đụng té người ta rồi bắt luôn đi cũng là. Hay một tài công xe lửa, tài xế tắc xi, cô thâu ngân nhà băng, ông quản lý rạp hát… Ai ai cũng có quyền bắt người hết, chừng nạn nhân được chìa cho thấy tận mắt tấm thẻ hành sự nâu nâu thì đã quá muộn rồi!

    Có nhiều vụ đi bắt người được dàn xếp, sắp đặt cứ như đóng kịch để mấy ông mật vụ có điều kiện trình diễn thật hăng say. Khốn nạn, có người bị bắt nào dám chống lại đâu… nhưng cơ quan vẫn phải “tổ chức” để ra điều có sẵn thiếu gì cán bộ, công tác liên miên vậy!

    Sự thực thì công tác mật vụ có thể giản dị tối đa: muốn tống giam bất cứ mạng nào trong đám người đã được đánh dấu sẵn thì họ chỉ việc tống đạt “giấy mời”. Nhận được giấy mời là nạn nhân chắc chắn sẽ trình diện đúng ngày đúng giờ ở ngoài cửa trụ sở công an nhân dân, “khăn gói quả mướp” sẵn sàng để nghe kêu tên là mau mau chạy về chiếm một chỗ trên sàn xà lim.

    Các tổ viên nông trại sản xuất thường bị bắt lối kêu tên trên. Đêm hôm tội gì phải đi mò mẫm từng nhà một mà nhiều khi chẳng có đường lộ mà đi nữa! Sao bằng gởi một danh sách đến nông trại để thằng nào có tên mau mau tới Cơ quan nạp mạng. Công nhân các xí nghiệp cũng chỉ cần kêu lên văn phòng là xong!

    Tuy nhiên bộ máy bắt người có hữu hiệu đến đâu cũng chỉ là một bộ máy… nghĩa là nếu bắt nó làm việc quá sức ắt nó sẽ nằm ỳ ra bất động. Hai năm 1945, 1946 dịch bắt người lên đến cao độ, hết chuyến xe lửa này đến chuyến khác từ Âu châu sang đổ người cả rừng xuống, chờ phân tán đi các Gulag thì bộ máy bắt người bết bát chẳng làm sao giải quyết nổi nên bao nhiêu thể thức vẫn áp dụng đành phải liệng bỏ hết. Thôi thì chẳng cần lề lối gì, miễn cho xong việc nên công tác tống giam cả chục ngàn người một lúc bỗng biến thành một cuộc điểm binh! Ở ngay sân ga bọn cán bộ cầm từng tập danh sách đọc. Trúng tên ai thì cứ việc rời toa xe cũ lên toa xe mới để di chuyển tập thể đi nơi khác.

    Từ mấy chục năm nay những vụ bắt giam vì lý do chính trị ở xứ sở chúng tôi vốn có đặc điểm là nạn nhân đâu có biết mình phạm tội gì để chuẩn bị ứng phó sẵn. Tuyệt đối không. Chẳng có một sự chống đối nào, mà hầu hết đều có cảm giác bị bắt là tàn đời, nhưng trốn khỏi tay GPU hay NKVD (9)
    là chuyện bất khả.

    Đúng vậy. Trên thực tế thì làm sao trốn thoát nổi ở một chế độ mà muốn di chuyển từ một địa phương này sang địa phương khác ở trong nước cũng phải có “giấy phép di chuyển”.

    Ngay trong thời kỳ dịch bắt người hoành hành dữ dội, buổi sáng trước khi đi làm lo từ giã, nhắn nhủ vợ con sẵn vì chưa chắc tối đã về nhà nổi… hầu như chẳng ai dám bỏ trốn, lâu lắm mới nghe nói có người dám tự tử. Cơ quan chỉ cần có vậy. Cứu thì trốn sao nổi hàm sói mà lo trốn?

    Sở dĩ có chuyện cam chịu bị bắt ngoan ngoãn vậy cũng vì ít người biết bộ máy bắt người hoạt động ra sao. Mấy ai biết Cơ quan bắt là bắt, không bắt là không… chớ chẳng có lý do, lựa chọn gì hết. Đại khái Cơ quan cũng chỉ nhận được những chỉ thị tổng quát, ấn định “quô-ta” phải bắt cỡ bao nhiêu đó thì lo bắt cho đủ số, trúng cách cũng được mà bắt bừa bắt ẩu cũng chẳng sao!

    Vì vậy mới xảy ra một vụ ở Ty Công an Nhân dân Novocherkassk năm 1937. Một thiếu phụ vô phòng khách của Thầy để hỏi mấy ông cán bộ làm sao giải quyết giùm cho bà hàng xóm có con nhỏ đang cho bú vừa bị bắt về đây. Đứa nhỏ khát sữa nhớ mẹ quá. Họ biểu ngồi đợi chút, sẽ có giải pháp. Cỡ hai giờ đồng hồ sau thì người ngồi đợi ngoài phòng khách được tông vô xà lim luôn.

    Thì ra Thầy đã nhận được “quô-ta” phải bắt mà vồ chưa đủ số lại không đủ nhân viên cử đi làm lẹ lẹ cho kịp thì vừa vặn bà hàng xóm vô phòng khách ngồi đợi. Có người sẵn đấy thì tống giam luôn!

    Ngược lại là trường hợp Andrei Pavel ở thị xã Orsha, Cộng hoà Latvia, bị NKVD vây bắt, hắn không chịu mở cửa mà vọt cửa sổ trốn thoát giông một mạch sang Tây Bá Lợi Á. Hắn sinh sống ở đây, vẫn giữ nguyên tên tuổi cũ, giấy tờ cũ mà Cơ quan có bắt bớ, đòi hỏi hay nghi ngờ gì đâu?

    Thì ra lệnh truy nã chia ra làm 3 cấp: cấp tỉnh, cấp xứ và cấp liên bang. Trong dịp bắt người thì non nửa số người bị bắt thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, mà ở cấp bậc này việc bắt người quá dễ. Chỉ cần một thư tố cáo của người hàng xóm đủ rồi nên người này bị… hay người kia bị thì cũng như nhau!

    Nhiều người từng liều như Andrei Pave và rút cuộc cũng chẳng sao. Chẳng hạn như thình lình bị bố ráp hay vây bắt trọn cư xá… họ đâu có đợi để công an vồ và thẩm vấn.

    Họ cứ trốn chạy đại thì khỏi bị bắt, phiền phức. Ở lại chờ công an lấy khẩu cung – nghĩa là chờ công lý – thì hành chính sẽ bị giam và ra toà chắc chắn sẽ lãnh án. Vậy mà tối đại đa số lại lọt trường hợp sau, chán nản bó tay chờ tù tội mới lạ!

    Cơ quan đã có thông lệ là tìm bắt một người không được sẽ buộc gia đình nạn nhân không được đi đâu hết. Để có gì thì còn có người trám vô chỗ đó. Vấn đề là tạo ra một hồ sơ thì quá dễ đi!

    Cũng vì chẳng cảm thấy có tội tình gì nên những người bị bắt đều không phản ứng. Có thể họ bắt người khác, không bắt mình chăng? Họ bắt rồi cũng phải thôi chớ. Chẳng hạn như trường hợp của ông giáo Ladyzheusky, hiệu trưởng một ngôi trường ở quận Kologriv hẻo lánh năm 1937. Một hôm đang đi ngoài chợ bỗng có một nông dân rỉ tai: “Aleksandr Ivanich… có người cho hay tên ông đã có trên danh sách. Trốn đi cho mau!”.

    Nhà giáo Aleksandr cứ ở lại, không chịu trốn. Cả trường có mình tôi trông nom. Con cái họ cũng học tôi… không lẽ họ bắt tôi?”. Ông ta tin vậy nhưng mấy hôm sau vẫn nằm khám như thường.

    Đâu phải người nào cũng thấu hiểu thực tế như Vanga Levitsky, mặc dù Vanga chỉ là một thiếu niên 14 tuổi. Cậu bé cả quyết: “Người tử tế lương thiện chắc chắn vô tù. Hiện giờ cha tôi đang nằm khám và rồi đây lớn lên chắc chắn sẽ đến lượt tôi”. Vanga Levitsky đoán không sai. Năm 23 tuổi vô khám thiệt.

    Đại đa số lặng thinh ngồi yên và chỉ dám ước thầm. Mình không có tội… cớ sao bị bắt kìa? Đúng, họ bắt lầm rồi. Bị nắm cổ tống vô tù rành rành như vậy mà cứ tự an ủi… thế nào họ cũng xét lại, cũng cho mình ra. Bị tống giam tập thể là cả một chán chường, ghê tởm, vậy mà vẫn không tránh khỏi ý nghĩ: “Có thể thằng cha ở bên đây bị bắt đúng… nhưng mình có làm gì, có tội lỗi gì? Rõ ràng là vậy, lẽ nào Cơ quan chẳng xét ra? Mình phải được trả tự do chứ”.

    Vậy thì hà tất phải bỏ trốn, tại sao phải chống đối? Bỏ đi hay chống lại… chỉ tạo khó khăn thêm, không chừng vì vậy mà cơ quan không sớm phăng ra sự nhầm lẫn chỉ thiệt vào thân. Không những không chống lại mà thôi, họ đều im lặng, còn rón rén đặt bước chân khe khẽ cho hàng xóm láng giềng thôi hay biết nữa kìa!

    Thử hỏi nếu chống lại thì chống vào lúc nào kia? Lúc bị lột thắt lưng hay lúc được lệnh úp mặt vô vách? Hay là chọn đúng lúc vừa đặt chân ra khỏi cửa nhà?
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 06.08.2008 13:40:05 bởi CTT >
    #2
      CTT 06.08.2008 13:43:33 (permalink)
      Kỹ nghệ ngục tù ( tt)
       
      Nếu có những trường hợp bắt dễ dàng thì trường hợp của tôi phải công nhận là êm ả, trơn tru nhất. Khỏi có chuyện vợ con níu kéo, khỏi phải ly khai đột ngột với đời sống êm ả của nhà cửa, gia đình. Nếu có nhớ chỉ thấy nhớ ổ đại pháo quen thuộc, nếp sống nhà binh ba tháng vừa qua! Vùng đóng quân của chúng tôi ở trên bờ Baltic, vỏn vẹn có một khúc duyên hải mà bảo là quân Đức bao vây chúng tôi cũng đúng mà bảo là chúng tôi bao vây lại cũng không sai.

      Bữa hôm đó tôi được ông Tư lệnh Lữ đoàn kêu lên Bộ Chỉ huy bảo nạp khẩu súng lục. Dĩ nhiên tôi đưa ngay, có ngờ vực gì đâu. Đám sĩ quan tham mưu đang ngồi yên lặng trong góc phòng bỗng có hai ông quan trong Ban Phản gián đứng bật dậy. Họ tiến nhanh về phía tôi, phải nói họ xông lại mới đúng. Bốn cánh tay đưa lên đều đặn, nhanh như máy để lột lon, lột phù hiệu gắn trên nón, lột thắt lưng, lột luôn tấm bản đồ tham mưu tôi đang giữ.

      Hai cái miệng mở ra máy móc: “Anh bị bắt”… Tôi bỗng nóng bừng người, nhột nhạt ngứa ngáy từ đầu tới chân… nhưng chỉ thốt được một câu: “Tôi bị bắt? Sao vậy kìa?”.

      Thông thường có ai giải thích lý do, nhưng bữa đó tôi lại được trả lời mới lạ! Sau khi hai ông Sĩ quan Phản gián làm xong thủ tục lột lon, tịch thu tài liệu và lẹ làng đẩy tôi ra phía cửa… giữa lúc mấy ô cửa kính còn rung động dưới loạt đạn Đức pháo kích, rõ ràng tôi nghe có người gọi tên. Đó là một xa lạ vì thông thường sau khi nhân viên SMERHS đã tuyên bố bị bắt thì dĩ nhiên cử toạ phải nín thinh không ai dám hó hé. Nhất là đã bị cặp tay lôi đi thì chẳng ai dám ngó thằng bị bắt bao giờ!

      “Solzhenitsyn: Quay lại đây…”

      Tôi hất tay ông SMERSH ra, quay phắt lại đi tới trước mắt vị chỉ huy trưởng. Phải nói là lâu nay làm việc dưới quyền ông ta thật nhưng chưa thể gọi là quen, chưa hề được nói chuyện riêng bao giờ. Thấy mặt ông ta chỉ thấy truyền lệnh, sai phải, giận dữ… nhưng bữa đó nét mặt ông ta sao trầm ngâm thế? Hình như ông ta ngượng vì mắt nhìn thấy một sĩ quan thuộc viên bị SMERSH bắt mang đi, không phải do mình gây ra mà bất lực không làm gì được. Cả một đời tuân lệnh quá nhiều giờ là lúc ông ta chịu hết nổi chắc?

      Mười hôm trước tôi vừa lập chiến công cho Lữ đoàn. Đơn vị kẹt trong một trận địa pháo, nguyên một tiểu đoàn pháo nặng gồm 12 ổ súng lớn đành phải bỏ lại mà trọn pháo đội nhẹ của tôi rút ra an toàn. Vậy mà chỉ một tờ giấy với con dấu bên trên mà đành phải để chúng lôi cổ tôi đi sao?

      Ông lên tiếng đắn đo:

      “Solzhenitsyn… Anh có người bạn ở mặt trận Ukraine phải không?”

      Gã Thiếu tá và gã Đại ủy Phản gián la lên phản đối: “Đại tá… Không được tiết lộ. Cấm mà!”. Ở góc phòng Sĩ quan tham mưu bèn xích lại ngồi xúm một chỗ nín thinh. Họ sợ bị tố cáo đứng về phía ông Lữ đoàn trưởng là dám có chuyện lôi thôi. Dĩ nhiên trong đám đó mấy gã sĩ quan chính trị phải ngấm ngầm ghi nhận sự “vi phạm” của ông Chỉ huy trưởng và sẵn sàng thâu góp “tài liệu” cụ thể, nếu cần.

      Với tôi thì một câu hỏi của ông Lữ đoàn trưởng như vậy đã đủ rồi. Tôi đã biết nguyên do vụ này để còn biết đường đỡ. Chỉ tại bức thư tôi viết cho thằng bạn học mà ra hết.

      Phải chi Đại tá Georgiyevich Travkin chỉ nói một câu đó rồi thôi thì hay biết mấy. Không. Làm như vậy ông ta muốn xác nhận với tôi là không can dự gì đến vụ này và lương tâm bắt phải đứng dậy nên Đại tá Travkin không ngần ngại đứng phắt lên đưa tay ra nắm tay tôi. Hồi nào tới giờ trước mặt tôi ông ta có đứng dậy bao giờ? Đứng dậy bắt tay thì khỏi, nếu không có vụ này!

      Tôi là thằng ai nấy đang muốn xa lánh nên ông mới xích lại nắm chặt tay. Các sĩ quan tham mưu ngồi rét run ngó vị chỉ huy.

      Gương mặt thường ngày vẫn khắc khổ bỗng thân mật hẳn, Đại tá Travkin nói thật thản nhiên, rành mạch:

      “Đại úy. Chúc may mắn…”

      Điều đáng ghi nhận là lúc bấy giờ tôi đâu còn là Đại úy. Không phải là một công dân nữa… mà là một thằng phản động, một kẻ thù của chế độ, của nhân dân! Ai bị mật vụ bắt chẳng vậy? Với một thằng phản quốc mà ông ta dám đứng dậy bắt tay chúc may mắn sao? (10)


      Bỗng đâu cửa kính rúng động. Cách đó hai trăm mét là nhiều từng loạt đạn Đức đang cày tung lớp đất. Thì ra đây là tiền tuyến, nơi súng nổ đạn bay cái chết kế bên nên Travkin mới dám có cử chỉ đầy tình người ấy. Ở hậu phương an toàn, mọi việc sắp đặt đúng thứ tự thì chẳng dám! Cái chết quá gần gũi nên cái chết đã san bằng, làm đồng đều hết.


      *

      Đây là một cuốn tiểu thuyết chớ không phải hồi ký nên tôi sẽ không ghi nhận lại hết những chi tiết lý thú, không giống ai về vụ tôi bị bắt. Chỉ những chuyện đặc biệt thôi…

      Chẳng hạn như mấy ông SMERSH tối hôm đó. Nhìn vào bản đồ quân sự họ có nhận ra đâu vào đâu, không biết đường đi đã đành, mà hiện đang ở địa điểm nào cũng mù tịt! Sự thực họ có học coi bản đồ bao giờ nên sau khi “đánh vật” mãi không mò ra, họ đành phải trịnh trọng đưa trả lại cho tôi để nhờ tôi chỉ đường cho tài xế bãi xe đến Phòng Phản gián Bộ Chỉ huy Quân đoàn. Chính tôi lại phải coi bản đồ, hướng dẫn họ tống mình vào tù và để trả ơn, các ông SMERSH dành cho tôi một xà lim đặc biệt, thứ “cát xô” chớ chẳng phải giam phòng chung. Đây là Bộ Chỉ huy tiền phương nên cơ sở đâu có gì? Phòng Phản gián đặt ở một nông trại của người Đức bỏ lại nên “cát xô” trừng trị còn nằm đâu ngoài chính cái cầu tiêu?

      “Cát xô” chiều dài vừa vặn một người và bề ngang 3 người nằm thì chật cứng, 4 người là phải chồng lên nhau. Tôi là “khách hàng” thứ 4, quá nửa đêm mới được thảy vô. Ánh đèn dầu hôi lờ mờ, 3 kẻ đang nằm ngủ ngơ ngác ngó một chút rồi bảo nhau thu xếp, nhích người đi ép sát vào nhau. Tôi chỉ vừa nằm nghiêng người, nửa đè nửa chen nhưng lát sau nhờ sức nặng cũng choán được một khoảng sàn.

      Cả bốn đứa tụi tôi cùng để nguyên quần áo nằm xếp lớp trên ổ rơm, bốn đôi bốt quay ra phía cửa. Bọn họ ngủ nhưng tôi nằm nôn nao: mấy giờ trước còn nghiễm nhiên mang lon Đại úy, giờ này là thằng tù nằm trên sàn cầu tiêu. Càng nghĩ càng đau. Lâu lâu có đứa cựa quậy, nằm nghiêng mãi một bên chịu sao nổi. Một đứa đổi thế nằm là tất cả bốn phải lục đục đổi theo.

      Xét ra mỗi ca bị bắt là cả một tổng hợp những mâu thuẫn vô lý, những chi tiết không ra gì hết thì cớ sao lại thắc mắc riêng một trong những chi tiết nhỏ nhoi ấy… Trong khi đó bao nhiêu ý nghĩ của người bị bắt đều xoay quanh một dấu hỏi lớn: “Làm sao bây giờ?”.

      Sau khi biết mình bị bắt đầu óc ai chẳng quay cuồng với những ý nghĩ nhiều khi kỳ cục không thể tưởng tượng nổi và biết bao nhiêu cuốn sách mới ghi chép đủ?

      Như trường hợp người đẹp mười chín tuổi Yevgeniya Doyarenko năm 1921 nửa đêm đang ngủ bị ba gã Chekist  (11)   trẻ tuổi vô tận giường. Quần áo ngủ mặc hớ hênh bị ba cặp mắt ngó lom lom, bao nhiêu đồ lặt vặt trong ngăn kéo tủ bị chúng lôi ra xét từng chút, nhưng Doyarenko vẫn bình tĩnh như không. Nàng có giấu giếm cái gì mà sợ bị họ lục lọi kiếm ra?

      Nhưng họ vừa đụng tới cuốn nhật ký thì thái độ của nàng vụt đổi hẳn. Đó là cuốn sổ ghi lại những tâm tình riêng tư, thầm kín mà ngay bà cụ thân sinh ra nàng coi cũng không được. Nay ba cặp mắt cú vọ lại công nhiên mở ra coi, trước mắt nàng thì Doyarenko chịu sao nổi mà không lồng lộn lên? Với nàng thì xâm phạm nhật ký ngang nhiên như vậy còn dã man tệ hại hơn tống vô Lubyanka nhiều!

      Nhiều người cũng cùng chung một ý tưởng đó: họ không ngán ở tù bằng chính những xáo trộn, những đụng chạm gây ra cho họ hoặc những người, những vật thân yêu của họ. Họ đâu ngờ có ngày bị bắt, đâu ngờ bị đối xử phũ phàng nên làm sao bạo động cho bằng bọn đi bắt người? Dĩ nhiên phải trừ những trường hợp sáng suốt của những người dám gan góc có phản ứng cấp thời như Grigoryev, Giám đốc Viện Địa chất của Hàn lâm viện Khoa học Xôviết. Năm 1948 bị mật vụ tới nhà gõ cửa bắt, ông ta đâu chịu mở cửa mà chặn cứng lại trong hai giờ đồng hồ để hoả thiêu bằng hết giấy tờ đã.

      Ai mà ngờ được cảnh trạng người bị bắt nhiều khi lại cảm thấy dễ chịu, sung sướng là khác! Thời kỳ tiền cách mạng chẳng đã có tấm gương chói lọi của cô giáo Serdyukova Trường Yekaterinodar đó sao? Bị liên hệ vào vụ Aleksandr Ulyanov nên khi bị bắt nàng chẳng biểu lộ một sự hoan hỉ đó ư? Sự hoan hỉ đó sau này quả thực còn mạnh gấp ngàn lần trong thời kỳ dịch bắt người lan tràn: những người y như mình, ở quanh mình bị họ bắt đi hết cả rồi… tại sao họ chưa hỏi han gì đến mình? Họ còn chờ cái gì kia?

      Chính sự bồn chồn, lo lắng đó còn khó chịu hơn bị bắt nhiều. Thà bị bắt đại đi lại xong. Mấy người đã có đủ gan dạ chịu nổi tình trạng chờ đợi trong phập phồng, lo ngại?

      Mấy kẻ đã gan dạ bằng Vasily Vlasov, một cán bộ cộng sản trung kiên, chủ tịch quận bộ Kady năm 1937? Bao nhiêu đồng chí trong Ban Chấp hành bị mật vụ vồ hết cả rồi, không lẽ Vasily cũng bỏ trốn luôn? Bao nhiêu người hối thúc hắn bỏ trốn nhưng Vasily quyết định không là không. Nếu họ đã cố tình kiên trì ra thì hắn cũng được toại nguyện, nên Vasil thú nhận là những ngày đầu tiên bị bắt quả thực đỡ khổ, có thể nói là tuyệt vời nữa!

      Như năm 1934 ở Mạc Tư Khoa, linh mục Irakly đi Alma Ata thăm mấy giáo hữu đi đày ở đây. Trong thời gian đó mật vụ tới tận nhà kiếm 3 lần nhưng đâu có gặp. Vì vậy các tín đồ phải cắt phiên nhau ra ga đón ông linh mục, ngăn cản không cho về.

      Sau đó họ chia nhau ra mỗi gia đình “chứa chấp” cha Irakly vài ngày. Thế mà cũng trốn được tới 8 năm. Nhưng theo lời ông giáo sĩ này thì khoảng thời gian trốn chui chốn lủi đó quả thực là một sự hành hạ chịu không nổi nên năm 1942 bị mật vụ săn bắt được ông đã vui mừng quỳ xuống đọc kinh Tạ ơn Chúa kia mà.

      Trong chương đầu ANH BỊ BẮT, chúng tôi chỉ đề cập tới những vụ bị bắt tập thể… Rồi đây cũng sẽ đến lượt những người có hoạt động chính trị đích thực. Như trường hợp của Vera Rybakova, một nữ sinh viên có chân trong Đảng Dân chủ Xã hội. Cô bé này hồi còn tự do chỉ cầu mong, ước gì được dịp nằm khám Syzdal để gặp các đồng chí cũ. Họ bị tống hết cả vô đấy rồi mà. Chừng “cầu được ước thấy”, bị tống vô Syzdal thật sự cô nàng Vera mới thấu hiểu được ý nghĩa và thế nào là tự do!

      Còn cô Yekaterina Olitskaya, đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng năm 1924 cứ có mặc cảm tự cho mình không xứng đáng để bị bắt! Xứ sở này những người khác đều có một thời kỳ ở tù hết… mà riêng cô đã làm được gì cho tổ quốc? Cứ đi tìm mãi tự do không gặp, chừng vào tù mới hiểu ý nghĩa của tự do, tuy nhiên vẫn cứ lấy làm sung sướng, kiêu hãnh như thường.

      Những người vừa đau khổ ở tù ra thường bị những kẻ chưa hề nếm mùi tù ngục chất vấn một câu ác ôn: “Phải chống cự lại chứ! Sao mấy người lúc đó không chống lại kìa?”.

      Đúng vậy. Lẽ ra phải chống cự, phải chống ngay từ khi bị bắt! Nhưng thực tế có ai chống cự lại đâu!


      *


      #3
        CTT 06.08.2008 13:47:29 (permalink)
        Kỹ nghệ ngục tù ( tt)

        Không chống cự có nghĩa là ngoan ngoãn để cho họ lôi đầu đi. Trong những vụ bắt ngày thế nào chẳng có một lúc nào đó nạn nhân bị dẫn đi công khai như đã ước định ngầm với những người đi bắt hay bị điệu đi khơi khơi giữa đám người chẳng biết gì mà mật vụ áp giải chẳng cần rút súng ra khỏi vỏ! Nạn nhân có bị trói ké, bị nhét giẻ vào mồm đâu! Nạn nhân dư sức kêu lớn lên, đáng lẽ còn phải la ầm lên cho mọi người chung quanh hay biết đang bị mật vụ bắt. Phải nói lên họ là những kẻ bịp bợm đánh lừa nhân dân. Họ chỉ cần có người tố cáo – dù tố cáo bậy là bắt bớ bừa bãi. Đáng lẽ phải la lớn lên rằng cả triệu người đang bị đàn áp đến phải câm nín. Phải chi mỗi ngày có vài vụ la lên như vậy biết đâu đồng bào chẳng rục rịch, có phản ứng. Biết đâu chừng vì thế mật vụ không bắt người quá dễ dàng.

        Như năm 1927, hồi dân Nga chưa đến nỗi ù lì để cho người ta bắt ngoan ngoãn như vậy… có một thiếu phụ bị hai nhân viên Cheka chặn bắt giữa ban ngày ở công viên Serpukhov. Thay vì nín lặng để chúng lôi đi, bà ta nhất định níu cứng lấy cột đèn, la lối om sòm. Bà con thấy lạ bèn bu lại coi.

        Nếu có một người đàn bà dám chống cự lại Cheka như thế thì cũng có những người dám đứng lại coi… chớ đâu phải ai ai thấy vậy cũng bỏ đi cho xong chuyện.

        Thấy nhiều người xúm lại coi, dĩ nhiên hai ông Cheka đâm quê. Nghề mật vụ đâu cho phép bắt người lộ liễu vậy nên cả hai ông cùng đỏ mặt nhảy lên xe giông đi gấp!

        (Lẽ ra thoát nạn lần ấy thì bà ta phải chạy ra ga đáp chuyến xe lửa sớm nhất bỏ trốn tức thì. Đằng này bà ta lại mò về nhà ở qua đêm cho nên ngay trong đêm đó lại bị họ cử người đến tận nhà bắt về Lubyanka!).

        Nói chung, chỉ vì chịu để cho mật vụ bắt một cách ngoan ngoãn vậy, không nói không rằng nên mới có cảnh đao phủ thủ dẫn nạn nhân đi mà ai nấy cứ tưởng đâu bạn bè, bồ bịch nắm tay nhau đi dạo chơi.

        Chính tôi cũng có nhiều trường hợp la lớn lên lắm chứ.

        Sau này, những ngày nằm trong Gulag chúng tôi mới có nhiều dịp suy nghĩ, đặt câu hỏi về vấn đề chống đối. Giả thử hồi đó cứ liều chống lại thì sự tình sẽ khác hẳn. Đêm đêm trước khi đi bắt người bọn mật vụ chắc chắn sẽ phải từ giã vợ con… vì chắc gì còn sống mà trở về. Giữa dịch bắt người cao độ, tổng số dân Lêningrad bị bắt đâu dưới 1 phần 4 dân số. Giả thử đằng nào cũng bị bắt, cũng tàn đời… tại sao không thể chống lại, thay vì trốn chui trốn nhủi trong nhà, sợ từng tiếng gõ cửa, từng bước chân lên thang? Chỉ cần cỡ năm, sáu người võ trang gậy gộc, dao búa phục kích sẵn dưới nhà. Biết giờ nào họ sẽ tới và họ ác ôn, tàn nhẫn như thế nào rồi mà. Tại sao không sẵn sàng chống lại? Tại sao không bảo nhau “thịt” gã cán bộ ngồi đợi ngoài xe cùng tài xế, hay đập phá xe, chọc thủng vỏ xe? Cơ quan chắc chắn sẽ thiếu người thiếu xe, do đó bộ máy bắt người ắt phải khựng lại phần nào chớ.

        Chao ôi, toàn những giả thử, phải chi! Xét ra chúng tôi chẳng tha thiết tự do mà cũng mù tịt tình hình. Sau đợt ra sức vùng lên năm 1917 chúng tôi đã đuối hơi và sau này chấp nhận đầu hàng quá dễ, quá ngoan.

        Arthur Ransome đã ghi nhận một phiên đại hội công nhân ở Yaroslavl năm 1921, thảo luận những yêu sách của giới lao động, có đại biểu trung ương Đảng từ Mạc Tư Khoa xuống dự. Đại diện công nhân Yarin lên tiếng cảnh cáo phải quan niệm Nghiệp đoàn như một võ khí tự vệ của anh em lao động và nhưng quyền lợi của anh em tranh đấu mãi mới có thì không.

        Như lần được hộ tống từ mặt trận miền Tây về Mạc Tư Khoa đó. Đúng là ngày thứ 11 mất tự do mà thực ra tôi vẫn thong thả vì 3 ông Sersh làm thành Tổ hộ tống đặc biệt thay vì canh chừng tôi còn phải lo trông nom tới bốn chiếc va ly đồ sộ, kềnh càng nên rút cực họ phải nhờ lại tôi coi sóc giùm! Áp giải tù thì dĩ nhiên phải vô trang sẵn sàng nhưng quả thực mấy khẩu súng chỉ làm họ vướng bận thêm… chỉ vì bốn chiếc va ly chật cứng những “chiến phẩm” mà họ và mấy sếp Phản gián đã kiếm chác, vơ vét được ở mặt trận miền Tây. Muốn mang về trót lọt để làm quà cho gia đình thì phải có công tác hộ tống đặc biệt chứ.

        Phần tôi chỉ nhẹ nhàng có mỗi một va ly mà chẳng muốn xách theo chút nào. Toàn những giấy tờ nhật ký, bản thảo nghĩa là tang vật buộc tội mình sau này không!

        Cả tổ hộ tống 3 ông có ông nào biết đường Mạc Tư Khoa đâu. Lại đến tôi phải làm hướng dẫn viên chỉ đường cho họ áp tải chính mình về Lubyanka, từ nhà ga miền Tây đi đường nào gần nhất. Trại giam trung ương của mật vụ nằm chỗ nào họ đâu biết… còn tôi thì cứ tưởng đấy là trụ sở Bộ Ngoại giao!

        Trước đó ít hôm tôi đã nằm một ngày ở trại giam cục Phản gián Quân đoàn và sau đó còn ba ngày ở Sở Phản gián mặt trận miền Tây. Chỉ ngần ấy thời gian cũng đủ để mấy bạn tù chỉ giáo cho những mánh lới, thủ đoạn của bọn điều tra viên chuyên nghề nộ nạt, đánh đấm. Theo lời mấy ông bạn tù thì đã vô đây đừng hy vọng có ngày ra. Ngắn hạn nhất thông thường cũng là mười năm chẵn.

        Vậy mà như có một phép lạ, mới vỏn vẹn có mấy ngày tôi đã được tống xuất khỏi chỗ đó và bốn ngày sau còn được đáp xe lửa, đi lại trên xe hoàn toàn tự do, như bất cứ một du khách tự do nào!

        Chỉ có mấy ngày thôi nhưng lưng tôi đã nếm mùi ổ rơm mọc sàn xà lim, sát bên thùng phân người… mắt tôi đã thấy những con người bị đập tơi tả, không nhắm mắt ngủ nổi… tai tôi đã nghe bao nhiêu chuyện tù ngục… miệng nấu cơm tù. Như vậy sao tôi câm nín cho được? Tại sao trong những phút cuối cùng của cuộc đời tự do tôi không thét lớn lên cho những đồng bào còn bị bưng bít được hay biết sự thực?

        Lúc về tới thị xã Brodniss tôi nín thinh. Có thể vì có la lên thì mấy người Balan ở quanh tôi lúc bấy giờ cũng không hiểu gì. Về đến Bialystok, đi ngoài đường phố tôi vẫn không lên tiếng. Cái vụ bị bắt của tôi đâu có liên quan gì đến họ, dân Balan. Về đến ga Volkovysk tôi cũng cứ im lặng, có thể vì chung quanh chẳng có mấy người. Đi dọc sân ga Minsk tôi vẫn ngoan ngoãn đi dạo chơi cùng ba ông bạn Smersh coi như chẳng có chuyện gì. Coi, cả một vùng hoang tàn đổ nát… có ai đâu.

        Thế rồi về đến Mạc Tư Khoa tôi còn dẫn ba ông Phản gián đó đi vòng vo ngược lên tới nhà ga xe điện hầm, một miệng hầm trong hệ thống xe điện chạy dưới lòng thủ đô. Chúng tôi ngừng lại ngắm nóc nhà ga cao vút, trắng toát lung linh dưới ánh đèn điện. Trước mặt chúng tôi là hai cầu thang cuốn chạy song song, mỗi lần thang lên đều nhả ra biết bao nhiêu là người. Người nào đi ngang chúng tôi hình như cũng đưa mắt ngó. Biết bao nhiêu đợt người từ lòng đất tăm tối được thang cuốn lần lượt đưa lên vùng ánh sáng… Tất cả đều phải đi ngang chúng tôi tối hôm đó. Tôi lên tiếng nhất định họ sẽ nghe theo. Nhưng tại sao cho tới lúc đó tôi còn ngậm miệng?

        Vẫn biết con người ta ai chẳng có sẵn cả chục lý do tại vì, bởi lẽ… để giải thích chẳng nên hy sinh lãng.

        Sự thực não nề mấy ai hay biết – mà có ai nói cho hay – là ngay giây phút đầu tiên lọt vào tay mật vụ thì cuộc đời từ đó kể như tàn rồi… đã bị lái hẳn vô khúc quanh tệ nhất thì có làm gì nữa cũng chẳng có thể vì vậy mà tàn mạt hơn được.

        Nhiều người thực sự chưa hề có kinh nghiệm trước đám đông phải như thế nào. Chỉ những tay từng làm cách mạng mới quen với kỹ thuật đang khóc cũng hô lớn khẩu hiệu được. Một thằng dân thường, không hề tham gia cái ni thì biết khẩu hiệu nào mà hô? Hô cái gì lúc bấy giờ?

        Và sau cùng cũng còn những người tràn trề tình cảm, dễ xúc động, mắt từng thấy quá nhiều nên mới phát biểu đâu thể vỏn vẹn vài tiếng là hét mà xong.

        Riêng cá nhân tôi, tôi đã nín lặng vì một lý do khác hơn. Tôi cho rằng số người tôi đã bắt gặp ở nhà ga xe điện hầm đi lên tối hôm đó quá ít, thực sự quá ít! Tôi có la lên thì bất quá cũng chỉ có hai trăm người nghe thấy hay hai lần con số hai trăm là cùng. Còn hai trăm triệu người thì sao? Ngay hôm đó tôi đã mường tượng ra thế nào cũng có ngày tôi sẽ la lớn để cho hai trăm triệu con người nghe thấy.

        Đó là lý do tôi không mở miệng mà lẳng lặng để cho thang máy cuốn xuống lòng đất.

        Lúc lên khỏi miệng hầm ở ga Okhotny tôi vẫn nín thinh.

        Ngang qua lữ quán Metropole tôi cũng vẫn không nói một tiếng. Và cho đến lúc tới cao điểm Golgotha (12)
         là Công vien Lubyanka tôi cũng chẳng buồn vẫy tay…

        #4
          CTT 06.08.2008 13:52:51 (permalink)
          Kỹ nghệ ngục tù ( tt)

          Nếu có những trường hợp bị bắt dễ dàng thì phải nói là tôi bị bắt dễ nhất, gọn nhất. Tôi không bị lôi tuột ra khỏi gia đình vợ con níu kéo. Cũng khỏi phải ly khai đột ngột với nếp sống quen thuộc ở nhà.

          Một ngày tháng hai giá lạnh tôi đi bắt, tức là bị bắt buộc phải rời cứ điểm đóng quân ở một vùng duyên hải Baltique nơi chúng tôi đang bị quân Đức bao vây hay quân Đức bị chúng tôi bao vây, tùy theo quan điểm từng người. Tôi chỉ bị rời xa pháo đội của mình.

          Bất quá cũng chỉ bị kéo khỏi chiến trường sau ba tháng bén mùi giao tranh!

          Gần sáng ba kẻ lục đục mò dậy, ngáp rống cằn nhằn, co chân duỗi tay cho giãn gân cốt, đi lại quanh quẩn và bắt đầu hỏi thăm tôi:

          “Anh bạn làm sao bị vậy?”

          Tự nhiên lòng tôi nảy sinh một tí ti thận trọng, có lẽ vì nằm trong vùng ảnh hưởng Smersh. Tôi làm bộ ngạc nhiên:

          “Tôi biết gì đâu! Còn mấy anh… họ có cho biết tội gì không?”

          Ba người bạn xà lim, trái lại, không thèm giấu giếm. Coi kỹ lại mới nhận ra họ thuộc binh chủng Thiết giáp nhờ cái mũ nồi đen.

          Cả ba đều thuộc týp người bộc trực, cởi mở. Trong mấy năm chiến đấu tôi đâm chịu týp người này xét vì chính mình tính tình phức tạp, rắc rối và tệ hơn cả ba cùng là sĩ quan, cứ nhìn chỗ cầu vai bị lột lon có chỗ rách trơ tấm gòn lót trong là biết liền. Áo họ mặc dơ dáy nhưng chỗ trên miệng túi rõ ràng có những khuôn nho nhỏ sẫm màu một chút: đó là những hàng huy chương vừa bị tước đoạt. Cũng như mặt họ, tay họ đầy những vết sẹo cũ, mới. Những chiến thương, những vết cháy nám.

          Đơn vị chiến xa của họ rút về hậu cứ sửa chữa trong một ngôi làng mà xui xẻo cho họ Cục Phản gián của Quân đoàn 48 đang đặt bản doanh. Hôm trước đánh như điên, hôm sau được rút về hậu cứ nên họ nhậu say và thấy bìa làng có cái ao bèn nhảy xuống tắm. Có hai đứa con gái ăn mặc hở hang cũng tính xuống tắm nhưng vừa thấy mấy ông lính bèn chạy trở lên. Cả ba bèn rượt theo nhưng rượu say loạng quang chạy sao kịp. Vô phúc cho họ là một trong hai đứa con gái là ưu vật cá nhân của chính ông Cục trưởng Phản gián Quân đoàn!

          Chuyện chỉ có vậy! Ba tuần lễ nay Hồng quân đã tiến vào lãnh thổ Đức. Chẳng ai nói ra nhưng cũng chẳng ai lạ gì gặp đàn bà con gái Đức bắt được mang vào là cứ việc hiếp rồi bắn bỏ vô tội vạ. Kể như đoạt được trên chiến trường vậy!

          Nếu là gái Ba Lan hay gái Nga lạc lõng lớ quớ ở chỗ đó, dĩ nhiên họ có quyền tồng ngồng rượt đuổi mấy đứa con gái ở truồng chạy quanh quanh vườn và bị bắt kịp là tha hồ nghịch ngợm, sờ soạng mà. Bất quá cũng chỉ là một trò chơi đỡ buồn.

          Nhưng chỉ vì một trong hai đứa con gái Đức đó lại được ông Cục trưởng Phản gián chiếm làm của riêng, làm vợ chiến trường nên ba gã Sĩ quan Thiết giáp này bị Smersh chiếu cố gấp. Sĩ quan tác chiến, lon là lon do Bộ Tư lệnh tiền phương gắn mà bị một gã trung sĩ ở tuốt hậu cứ hăm he bóc vỏ… mà những huy chương do Chủ tịch đoàn Xôviết Tối cao ân thưởng cũng bị chung số phận mới đau!

          Đau nhất là ba chiến sĩ từng xông pha chiến trường, từng phá tan đè bẹp bao nhiêu chiến tuyến địch lại sắp bị đưa ra toà án binh, thứ toà mặt trận mà nếu không có đoàn chiến xa của họ xung phong đi đầu thì chẳng ông toà nhà binh nào dám hẻo lánh tới nhóm xử.

          Chúng tôi tắt đèn dầu hôi cho đỡ ngột ngạt vì cả xà lim chỉ có một khuôn chữ nhật tí xíu đục trên cánh cửa để lấy chút ánh sáng từ hành lang lọt vô. Đó là lúc mấy ông có phận sự lại tống thêm vô một thằng thứ năm làm như họ sợ ban ngày chỉ có bốn mạng thì quá thừa chỗ chăng. Đó là một dân Bộ binh quân phục mới toanh, chiếc nón cũng mới và chừng hắn quay mặt ra chỗ khuôn cửa mờ mờ tụi tôi mới nhìn rõ một khuôn mặt tươi tỉnh, lỗ mũi hếch và hai gò má đỏ hồng!

          “Này, người anh em ở đâu tới đó? Làm gì vậy?”

          “Ở bên kia… làm gián điệp!”

          Hắn trả lời gọn lỏn, thản nhiên quá làm tụi tôi choáng người. “Người anh em giỡn chơi làm gì!”. Xưa nay có thằng gián điệp nào ngang nhiên là gián điệp bao giờ? Đến Sheinin và anh em nhà Tur cũng chẳng “nặn” nổi một trò gián điệp lạ đời cỡ đó (13)
          .

          Gã trẻ tuổi bèn gật gù:

          “Thời buổi chiến tranh bố ai dám giỡn chơi. Tôi gián điệp thứ thiệt mà. Bị tụi Đức vồ làm tù binh thì chỉ có cách đó là mò về được! Phải không?”

          Thì ra mấy hôm trước gã bị bọn Đức bắt sống thật và đẩy ra tuyến đầu, bắt đi trinh sát, phá cầu. Có dịp thoát thân hắn chạy bừa về phía quân ta, tới ngay Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn gần nhất để đầu thú. Nghe hắn tường trình “công tác gián điệp” cho Đức, ông Tiểu đoàn trưởng đang mệt đừ và buồn ngủ gần chết bèn đuổi gã xuống trạm cứu thương để thằng y tá phát cho một viên thuốc an thần…

          Đang mải mê nghe chuyện lạ bỗng có tiếng la chói lói:

          “Ra mau… Ra đi ỉa đi đái… Hai tay chắp sau lưng nghe…”

          Cánh cả xà lim cầu tiêu mở bật cho thấy bóng gã trung sĩ nhất, hộ pháp đầu bò. Đúng týp trời sanh ra để giật “quy-lát” đại bác 122 ly!

          Tụi tôi được áp giải ra mé đất trống đằng sau kho lúa. Ngước mắt nhìn chung quanh chỗ sắp làm công tác vệ sinh bó buộc là cả một vòng vây đầy những họng đại liên chỉa vô. Chao ôi nghe cái giọng hách dịch “Hai tay chắp sau lưng” của gã trung sĩ nhất ngu dốt khốn nạn hét như chửi lên đầu mấy sĩ quan bọn tôi, tôi đã giận cành hông. Nhưng thấy 3 tay Thiết giáp y lệnh không nói gì thì đành phải bắt chước đi theo họ.

          Mé sau kho lúa là một khu đất vuông vắn có tuyết phủ nhưng chỉ bị giày đạp nhẹp chớ chưa tan hết… và chao ôi chỗ nào cũng thấy lu bù những đống phân người! Phân nhiều đến nỗi khó lòng kiếm được một chỗ đủ đặt 2 chân ngồi chồm hổm mà không sợ đạp nhầm. Vậy mà 5 đứa tôi cũng tản ra được và cũng ngồi xuống được. Ngồi làm công việc đó mà trước mắt vẫn thấy 2 ông xạ thủ đại liên kế cận nhất chĩa súng lăm lăm và chưa được một chút thì gã trung sĩ nhất đầu bò đã hối thúc oang oang:

          “Lẹ lên, lẹ lên mấy cha. Với tụi tôi thì đi ỉa cũng phải thật cấp tốc!”

          Ngồi cạnh tôi là một tay Trung úy Thiết giáp gốc người Rostov cao lớn dềnh dàng, vẻ mặt rầu rĩ. Không hiểu khói ám hay bụi sắt bám lên mà mặt hắn xám xịt nhưng vệt sẹo dài đỏ ửng chạy dọc một bên má thì vẫn nổi bật.

          Vừa ngồi xổm hắn vừa cất tiếng hỏi lại… coi bộ nhàn tản, chưa muốn trở về xà lim ngộp hơi dầu hôi vội:

          “Này trung sĩ… với tụi tôi là tụi nào vậy?”

          “Là Smersh… là cơ quan Phản gián. Còn hỏi!"

          Hình như mấy ông trong ban P.B. khoái xài danh từ Smersh tối vô duyên, rút tắt từ mấy chữ đầu của Thủ tiêu Gián điệp lắm lắm. Họ cho là vừa nghe tới Smersh là nhiều thằng hết hồn rồi! Vì vậy gã Trung sĩ mới hứng chí, la lớn coi bộ hãnh diện lắm.

          Tưởng sao gã Trung úy Thiết giáp đánh một câu tỉnh bơ:

          "Thế hả? Còn tụi này lại quen ‘đi’ chậm, cứ từ từ…"

          Chiếc nón Thiết giáp được gã đội lật ra sau gáy để lộ mớ tóc chưa cạo trọc. Còn cái “bàn toạ” chai cứng vì những năm chiến trận toàn ngồi xe tăng thì cắt cao lên để hứng chút gió mát cho khoái chắc?

          Lập tức Trung sĩ đầu bò hét ầm lên, vặn lại:

          "À, tụi này! Tụi này của mấy cha là tụi nào?"

          "Là chiến sĩ Hồng quân, còn hỏi!"

          Hắn vừa nhón gót nhấp nhổm vừa đáp tỉnh khô. Cặp mắt còn giương lên ngó thằng cha trung sĩ hộ pháp đáng lẽ phải là xạ thủ đại bác mới đúng người đúng việc.

          Tôi đã hít thở thứ không khí tù ngục lần đầu tiên như thế đó.








           

          (1)     Chú thích của người dịch: ZEK là tên gọi tắt, đúng hơn là tiếng lóng của Zaklyuchenny, tiếng Nga là TÙ NHÂN. Rất thông dụng trong các gulag.
          (2)    Chú thích của người dịch: GULAG không phải là danh từ riêng, một địa danh nhiều người có thể ngộ nhận. Đó là chữ tắt của những danh từ chỉ định Nha tổng Quản trị các Trại Lao động Cải tạo, một chế độ lao tù đặc biệt dưới thời Stalin.
          (3)    Năm 1937, nhà bác học Kazakov, người đã phát minh ra chất kháng sinh Lysate bị tình nghi đã âm mưu dùng độc dược này để thủ tiêu một số lãnh tụ cao cấp. Bị đưa ra toà xử làm gương, Kazakov bị xử bắn năm 1938.
          Lúc mật vụ ào vô, khám xét phòng thí nghiệm của ông, bao nhiêu bình thuốc Lysate đã làm xong đều bị họ nhắm trước hết và đập tan tành. Một số người đã điều trị lành bệnh và những người đang chữa bằng Lysate van lạy họ đừng đập bỏ những bình thuốc sinh mạng đó mà mật vụ cũng không tha. Điều trớ trêu là nếu Lysate là thuốc độc sao không giữ lại, đưa ra toà làm bằng cớ cụ thể buộc tội Kazakov mà lại thủ tiêu hết.
          (4)   “Chúng ta hiện sống trong một thời đại mà mạng người chẳng có giá trị gì, muốn bắn là bắn, muốn tống giam là tống giam. Có khi người chết cả mấy năm rồi mà cha mẹ vợ con vẫn chưa hay”. Đó là nguyên văn lời lãnh tụ Lênin trong bài điếu văn đồng chí Babuskin năm 1910. Đúng thế nhưng phải nhìn nhận rằng ít nhất Babuskin còn biết tại sao phải chết vì đang vận chuyển khí giới cho Cách mạng thì bị Chéka vồ và mang xử bắn tức khắc. Sau này biết bao nhiêu con người tù tội, chết mất xác… mà có biết mình phạm tội gì?
          (5)    Theo Solzhenitsyn thì nội công tác, khám xét cũng là một khoa học kỹ thuật được giảng dạy trong “cua” hàm thụ Đại học Luật khoa Alma Ata. Tác giả đã được coi một tài liệu đề cao phương pháp khám xét, tinh thần phục vụ cao độ của các đồng chí công an, mật vụ từng lập thành tích khám xét tìm tang vật, không ngần ngại rỡ hai tấn phân, 8 mét khối củi tạ, 2 đống rơm… quét sạch tuyết trên ruộng rau một nông trại, gỡ từng viên gạch trong lò gạch, đào ao sát đáy lật hổng cầu tiêu, lục lọi chuồng gà chuồng chó chuồng chim, rạch nệm giường băng, gở răng giả… Tài liệu còn đặc biệt lưu ý các học viên về 2 điểm sau đây: a)Trước khi khám xét một địa điểm phải xét người đã. Sau khi xét xong cũng phải lục lạo người để đề phòng thủ tiêu tang vật. b) Một địa điểm đã xét rồi phải bất thần trở lại để tái xét, bất luận đêm ngày và phải kể như chư hề xét bao giờ.
          (6)   Lời chú của người dịch: Komintern là danh xưng của tổ chức Cộng sản Đệ tam Quốc tế giữa hai cuộc thế giới đại chiến. Sau này biến thể thành Kominform, tức Phòng Thông tin Quốc tế (Cộng sản).
           (7)      Lubyanka là tên cũ của một đại lộ Mạc Tư Khoa, trụ sở trung ương và trại giam chính thức của mật vụ. con đường này đổi tên đại lộ Dezrxinsky nhưng danh từ Lubyanka vẫn tượng trưng cho tù ngục.
          (8)      Tên tắt của cơ quan Chính trị Nhà nước thành lập năm 1922, một tổ chức mật vụ chuyên lo công tác chính trị. Thường gọi Guépéou dù sau 1922 có thêm vô chữ O đầu để thành O G P U. Gầy đây dân Gulag ưa gọi tắt Gaypayóo và nhân viên sở này mang tên Gaypayóosbarik (nhấn mạnh ở vào vần thứ 3 thành yus).
          (9)      NKVD là tên bút danh xưng của Cơ quan Đặc trách Nội vụ (tức Công an Nhân dân) áp dụng từ 1943. Từ 1943 đến 1946 cơ quan này đổi tên thành Cơ quan An ninh Nhà nước, viết tắc NKGB.
          (10)     Điều lạ nữa là hoạt động “lệch lạc” của Đại tá Travkin bữa hôm đó lại không mang lại hậu quả phiền phức cho ông ta! Gần đây tôi còn gặp lại và mới có dịp chuyện trò thân mật lần đầu. Ông đã lên cấp tướng, hồi hưu và làm Thanh tra Hội Săn bắn. 
          (11)     Lời chú của người dịch: Chekist là nhân viên của Cheka, cơ quan Mật vụ Nga từ 1917 đến 1922. Sau này đổi tên GPU, nhưng nhiều người trong nghề vẫn khoái xài danh từ Cheka.
          (12)  Chú thích của người dịch: Golgotha theo truyền tích Công giáo là đỉnh núi Sọ, cao điểm của con đường gian nan mà Đấng Cứu thế đã trải vượt trước khi chịu nạn trên Thập tự giá. 
          (13)   Sheinin tức Lev Romanovich Sheinin (1906-1907) là một sếp tổng điều tra và buộc tội, hung thần của những tay đối đầu sa lưới. Từ 1950 nổi hứng viết truyện gián điệp, một Ian Fleming của Nga! “Anh em nhà Tur” là bút hiệu chung của hai anh em Leonid Tubelsky (1905-1963) và Lvovich Tubelsky (1908) chuyên viết về kịch và truyện gián điệp.
          #5
            CTT 08.08.2008 15:30:11 (permalink)
            2. Những dòng sông người chảy vào tù ngục

            Giờ đây mỗi khi dân Nga công kích cái gọi là nạn thần thánh hoá lãnh tụ chắc chắn chẳng ai quên những năm dài mà đối với chúng tôi là những năm nghẹt cổ, thắt họng: hai năm 1937, 1938. Người ta chỉ nhớ thế thôi, làm như nhà nước chỉ bắt người trong hai năm đó còn trước hay sau không có vậy!

            Sự thực trong tay hiện không có tài liệu, con số rõ ràng nhưng tôi biết chắc rằng đợt bắt người hai năm 37, 38 chẳng phải đợt duy nhất mà cũng chẳng phải đợt chính. Phải nói đó chỉ là 1 trong 3 đợt lớn nhất mà nếu tù là nước và nhà lao là cống rãnh thì quả thực nước đã ùa quá dữ, tan tành cả hệ thống ống cống. Phải nói cả một dòng sông người chảy vào lớp lớp tù ngục.

            Trước đó đã có lớp sóng 1929-1930 đại khái cũng bằng con nước sông Ob, tối thiểu cũng cuốn ít nhất 15 triệu nông dân sang vùng đồng khô cỏ cháy hay tuyết phủ quanh năm. Có ai nghe nói gì vì đám nông dân câm nín đã quen chẳng kêu ca mà phản đối, than phiền hay ghi chép hồi ký càng không! Chẳng nhọc lòng mấy ông điều tra viên đêm hôm cật vấn, khỏi có vấn đề tư toà, kết án. Một thông tư gởi đến Ủy ban Xã là xong hết. Lớp sóng nông dân đổ ào ào rồi mất hút trong một vùng bao la băng đóng quanh năm. E không bộ óc sáng suốt nào lưu giữ nỗi một tí chi tiết. In hình nó không đủ là một vết gợn trong lương tâm con người bấy giờ. Bản chất của nó là một tội đại ác, độc hơn mọi thứ tội của Stalin (và của chúng ta luôn).

            Sau đó phải kể đến đợt người cuồn cuộn vô tù 3 năm liên tiếp, từ 1944 đến 1946 cỗ đại giang Yenisei. Một số dân tộc bị tống trọn vẹn cho trôi tuốt mất hút chưa kể đến hàng triệu, hàng triệu người đi lính bị bắt làm tù binh hay là dân bị bắt đưa sang Đức mãi sau này mới được hồi hương.

            Chủ trương ruột của Stalin là “kẹp cứng vết thương cho mau lên da non” để bộ máy nhà nước phải làm hụt hơi, làm không ngừng nghỉ cho suy yếu khỏi cất đầu nổi!

            Tuy nhiên những lớp dân này cũng thấp cổ bé miệng lấy ai ra mà ghi chép lại sự kiện lưu lại về sau?

            Phải công nhận đợt sóng 1937 đã càn quét và đẩy vào Gulag nhiều nhân vật lớn, có thành tích hoạt động Đảng, đúng là những thành phần trí thức mà chung quanh họ thiếu gì những kẻ mang thương tật nên được ở lại, mà trong số đó những người sẵn viết trong tay đâu phải ít? Họ biết viết mà.

            Bây giờ thì ai cũng nhớ hết! Ai cũng viết hăng, nói dữ hết: “Ôi, cái năm một ngàn chín trăm ba mươi bảy! Đúng là cả một dòng Volga mới chở hết nỗi đau khổ.”

            Nhưng trước mặt một người dân Tatar ở bán đảo Crimea, một thổ dân Kalmyk (1)
             hay Chechen (2) thử gợi 1937 coi. Họ sẽ nhún vai, có coi ra gì!

            Cũng như đối với dân Lêningrad năm 1937 cũng chẳng là cái gì vì năm 1935 họ đã từng bị quá nặng, bị trước mà.

            Nhất là đối với những sắc dân ở bờ biển Baltique thì sau đợt 1937-1938 họ lại còn phải lãnh thêm đợt thứ nhì: sợ rằng đợt 1948-1949 còn đau khổ hơn quá nhiều kìa!

            Như quý bạn thấy tôi đã lỡ ví von 3 đợt bắt người lớn nhất với tên 3 con sông lớn. Sông Oh, sông Yenisei và sông Volga. Bạn nào quá kỹ môn địa lý trách tôi sao bỏ qua sông ấy sông nọ hoặc tính toán chi li sao không đặt tên thêm cho vài đợt tù đày nữa thì xin trả lời rằng nếu đủ giấy tôi làm liền chớ. Chỉ sợ nước Nga không này thiếu sông chớ những lớp đày ải thì quá nhiều!

            Xứ sở này đã có luật: Cơ quan nào hết xài là phải biến, phải gạch bỏ. Do đó, nếu những cơ quan an ninh (mà bọn nhân viên khoái gọi tắt là Cơ quan và dĩ nhiên họ kính nể, đề cao hơn bất cứ một thứ gì trên cõi đời này) đã không bị khai tử, dù chỉ khai tử một ngành trực thuộc con con mà trái lại còn mọc thêm nhiều ngành mới mạnh hơn, mạnh nữa thì phải hiểu ngay là Cơ quan hoạt động, phục vụ thường xuyên chắc!

            Thông lệ thì hệ thống ống cống nhịp nhàng làm công tác “tiếp tế” tù, dù nhịp dộ dẫn nhập cũng có lúc trồi lúc sụt nhưng có điều chắc chắn là chẳng bao giờ khô cạn. Có bao giờ những thằng tù không đổ máu, nhỏ mồ hôi và vãi nước đái ra cho ống cống mãi luân lưu.

            Xưa nay những dòng tù cứ triền miên đổ vào hệ thống ống cống có bao giờ ngưng lại đâu vì hệ thống tiếp nhận bao nhiêu chẳng được. Đại khái cũng đầy rồi lại vơi, hết vơi ắt sẽ lại đầy như những con nước lớn, nước ròng, sóng xô tới thì đợt lớn đợt nhỏ từ muôn nơi đổ về như dòng suối nhánh sông cũng có những luồng ào ào từ máng xối tuôn xuống và dĩ nhiên cũng phải có từng hạt lẻ tẻ rớt nhằm.

            Tôi đại khái cũng lập được một bảng kê theo thứ tự thời gian những làn sóng người bị cuốn vô tù ngục – dĩ nhiên đã kể như một làn sóng người thì đâu thể đếm đầu, cứ nhiều thì quan trọng nhiều và ít thì quan trọng ít! Hàng triệu con người một lượt hay chỉ ít ỏi năm bảy cá nhân thì cũng như nhau. Xin nói rõ một mình tôi lội ngược quá khứ để lập bản kê khai thì đâu dám mong đầy đủ mà chắc chắn sẽ chỉ sơ sài, ít ỏi. Muốn gọi là toàn vẹn thì hẳn phải cần đến rất nhiều đóng góp của những người may mắn sống sót từng nắm vững vấn đề.


            *

            Bản kê khai vốn cực kỳ khó khăn ở mục khởi đầu. Biết tính từ đợt nào bây giờ? Càng xưa càng khó lòng tìm nhân chứng vì thực sự còn được mấy người đâu nữa muốn soi sáng sự việc lại cứ mù mờ dần. Vậy mà vẫn phải trông vào họ – những điều tai họ nghe mắt họ thấy, chớ tài liệu “mực đen giấy trắng” thì khỏi có và cho dù có cũng chẳng có cách gì rờ tới nổi!

            Ngoài ra tính chất thời gian cũng vô cùng khác biệt, chẳng thể kể như nhau. Như những năm nội chiến đẫm máu ắt phải khác mấy năm đầu lặp lại hoà bình, cái gì cũng châm chước được.

            Lại còn phải để ý điểm này: người ta cho rằng một nước như nước Nga, bởi chính sự cấu tạo của thành phần nhân dân hiển nhiên chẳng thích hợp với bất cứ một thứ xã hội chủ nghĩa nào. Cả một sự thối nát! Chính các cán bộ Đảng Dân chủ Lập hiến (3)
            là nạn nhân của đòn độc tài đảng trị đầu tiên.

            (Dưới thời Nga hoàng thì Đảng Dân chủ Lập hiến bị triều đình coi như chứa chấp những phần tử cách mạng nguy hiểm nhất, nhưng sau này chính quyền vô sản lại liệt vào hạng phản động, dĩ nhiên cũng nguy hiểm nhất).

            Cách mạng vừa thành công, cuối tháng 11 năm 1917 nhằm đúng ngày triệu tập khai mạc Quốc hội Lập hiến lần đầu tiên. (Đúng hơn là ngày dự tính khai mạc vì Quốc hội có triệu tập đâu) thì Đảng Dân chủ Lập hiến bị đặt ra ngoài lề luật pháp và đảng viên bị lùng bắt ngay. Cũng khoảng thời gian đó mấy ông liên kết với Mặt trận ủng hộ Quốc hội Lập hiến cũng như đám sinh viên tình nguyện ghi danh vào Viện Đại học Quân nhân đã được nếm mùi “cho đi mò tôm” cá nhân (4)
            .

            Nếu đã biết ý nghĩa, tinh thần cuộc Cách mạng thì phải hiểu ngay là lúc bấy giờ hệ thống nhà tù lớn nhỏ – lớn như ngục Kresty ở Petrograd, Butyrki ở Mạc Tư Khoa và nhỏ thì địa phương nào chẳng có – phải đầy ắp những dân có máu mặt, danh vọng, quân nhân các cấp lớn nhỏ, công chức các phủ bộ, sở, cứng đầu không chịu tuân lệnh các ông nhà nước mới. Mẻ lưới đầu tiên của Cheka là quơ bắt bằng hết, bắt toàn ban chấp hành của Liên hiệp Công nhân Tư chức toàn quốc.

            Một trong những thông tư của NKVD trung ương gởi xuống các địa phương tháng 12 năm 1917 chỉ thị rõ: “Để phòng ngừa bọn công chức chế độ cũ phá hoạI, phải sử dụng tối đa và linh động mọi sáng kiến tùy theo trường hợp, kể cả áp lực, tịch thu và câu lưu”.

            Nếu để ý kỹ một chỉ thị của Chính phủ Lênin hồi(5)
            cuối 1917 nhằm thiết lập bằng được một nền “trật tự Cách mạng chặt chẽ” thì thấy chính ông Chủ tịch ra lệnh cho mọi cấp phải “thẳng tay tận diệt những mưu đồ gây hỗn loạn của bọn “rượu chè bê bối”, bọn côn đồ và bọn phản cách mạng” (6) . Điều này có nghĩa là Lênin đã tiên liệu rằng những quân phản động tối nguy hiểm cho chính quyền Cách mạng tháng 10 đứng đầu sổ là bọn rượu chè, côn đồ. Bọn phản cách mạng chỉ đứng hàng thứ ba trong đám!

            Trong bài điều trần về Tổ chức thi đua (từ 7 đến 30 tháng Giêng năm 1918) Chủ tịch Lênin đã đề ra sách lược chung, mục tiêu lớn phải tiến tới là “tẩy uế bằng hết khỏi đất nước này tất cả những thứ ký sinh trùng, những quân sâu bọ ăn hại”. Bị liệt vào hạng sâu bọ không phải chỉ có những kẻ thù giai cấp mà còn có những “công nhân ăn thực làm giả”, chẳng hạn như đám thợ sắp chữ trong nhà in của Đảng Petrograd.

            (Tình trạng ở đó có xảy ra thực. Giờ đây phải công nhận là khó hiểu tại sao những ông công nhân “làm việc là làm cho mình” vừa nhảy lên làm độc tài chỉ huy lấy mình lại có thể giở trò “làm che mắt” lẹ như vậy!).

            Lênin còn vạch rõ: “Trên toàn quốc ở khu nào, làng nào, nhà máy nào chẳng có những quân phá hoại tự gắn nhãn hiệu trí thức?”.

            Cũng trong bản điều trần đó, Lênin còn nêu ra nhiều phương pháp, nhiều hình thức “tẩy uế sâu bọ” rất khác nhau. Có trường hợp câu lưu luôn, có trường hợp trừng phạt cảnh cáo bắt chùi rửa cầu tiêu. Có trường hợp tống giam vào xà lim, thọ hình xong còn lãnh một tấm thẻ màu vàng (để phân biệt thứ phó thường dân). Ở nhiều địa phương cứ sâu bọ là bắn bỏ. Có nơi phải lựa chọn một là vào tù hai là chấp nhận nhập trại lao động khổ sai.

            Có điều sau khi vạch ra những chiều hướng trừng phạt căn bản chung như trên rồi, Chủ tịch Lênin còn khuyến khích các cấp bộ địa phương ra sức thi đua để tìm ra những biện pháp tẩy uế tốt nhất.

            Hiện giờ thật sự chúng ta chưa nắm đủ tài liệu để biết chắc những thành phần nào bị liệt vào loại Sâu bọ, dân Nga hồi đó vốn đa tạp quá, chia thành nhiều nhóm lẻ tẻ quá. Chẳng hạn bọn chức sắc địa phương từng hét ra lửa thời tiền cách mạng thì hiển nhiên là sâu bọ. Có chân trong hợp tác xã cũng là sâu bọ, có nhà cửa cũng là sâu bọ hay một viện Thể dục có nhiều huấn luyện viên thế nào sâu bọ chẳng chen vào! Các tổ chức họ đạo bên cạnh nhà thờ thì dĩ nhiên chỉ toàn dân sâu bọ, cũng như những đứa có chân trong các nhóm Thánh ca. Tu sĩ tất cả đều là sâu bọ mà các giáo sĩ nam cũng như nữ còn sâu bọ hơn. Mà tất cả những người tình nguyện gia nghiệp một cơ quan nhà nước nào đó để phục vụ – chẳng hạn như hoả xa – mà không chịu đặt bút ký tên vào bản cam kết phục vụ và sẵn sàng súng cầm tay bảo vệ chính quyền Xô-viết cũng có nghĩa tự liệt vào loại sâu bọ rồi. (Sau này sẽ thấy vài kẻ bị điệu ra toà).

            Chính quyền cách mạng đặc biệt chú trọng đến Hoả xa và quả thực có quá nhiều sâu bọ núp dưới lớp áo Hoả xa này nên bọn chúng phải bị nhổ bật lên và một số đập dẹp đầu. Còn bọn công chức nhà dây thép bởi một lý do nào đó nên hầu hết là thứ sâu bọ hèn yếu chẳng có cảm tình với nhà nước mới. Dĩ nhiên trong Ban chấp hành Liên đoàn toàn quốc Công nhân Hoả xa – cũng như các nghiệp đoàn khác – là phải đầy dẫy những sâu bọ chống đối giai cấp thợ thuyền.

            Chỉ bằng ấy giới vừa kể mà muốn thanh trừng sâu bọ thì quả thực cũng phải suốt vài năm, xét vì số sâu bọ không phải ít.

            Ngoài ra còn biết bao nhiêu thứ trí thức ác ôn – từ những sinh viên luôn luôn hăng say đến những gã lập dị, những học giả suốt đời đi tìm sự thực và những “ông đạo” điên khùng mà chính Phê-rô đại đế ngày xưa cũng đã tính tẩy uế không xong, xét vì những hạng người nói trên bao giờ cũng là một mối nguy cho một chế độ khắc khổ và tôn tri trật tự.

            Sâu bọ phải tẩy uế nhiều đến như vậy lại giữa thời buổi chiến tranh thì làm sao tiến hành công tác “vệ sinh” đúng nguyên tắc pháp lý cổ lỗ sĩ, đúng thủ tục tư pháp bình thường? Đến bao giờ cho xong? Nhà nước bắt buộc phải có chính sách mới: vấn đề tư pháp gạt qua một bên, phải có người cán bộ xung phong nhận lãnh công tác khó khăn bạc bẽo này. Còn ai ngoài mấy ông Cheka, những Hiến binh của Cách mạng? Xưa nay trong lịch sử loài người đã có một cơ quan nào phải làm nhiều việc như Cheka? Theo dõi điều tra, câu lưu, thẩm cung rồi truy tố là Cheka. Xử án, tuyên án và thi hành bản án cũng Cheka luôn!

            Năm 1918 nhận thấy còn phải đẩy mạnh chiến thắng văn hoá của Cách mạng nên có lệnh khám xét các nhà thờ, tu viện. Ảnh tượng Chúa liệng ra đường, mọi món đồ thờ bằng kim khí tịch thu. Thấy những nơi thờ tự bị cướp phá trắng trợn, giáo dân phải phản ứng bảo vệ nên gây ra xáo trộn: đó đây cứ nghe những hồi chuông khua báo động là tín đồ Chính thống giáo vác gậy kéo đến. Kết quả thường là một số bị bắn hạ ngay tại trận để làm gương còn bao nhiêu bị bắt hết.

            Bước qua giai đoạn 1918-1920 thì công việc kiểm kê các đợt sóng lao tù đâm khó khăn. Có thể kể như một đợt được không, khi những nạn nhân chưa được tống vô khám đường thiệt thọ đã mất mạng rồi? Xếp vào loại nào những kẻ không may bị các ông Ủy ban Bần cố nông (7)
            đến tận nhà mời ra trụ sở, tống vô một chái nhà kế bên hoặc đẩy tuốt vô sân sau và bỏ mạng tại chỗ.

            Hồi đó tỉnh nào thị xã nào chẳng khám phá ra một vài tổ chức ngầm toan nổi dậy (8)
            vậy thì những người bị bại lộ liệu có được tống vô khám hay không? Nếu không thì có thể kể họ vào một đợt được không?

            Lại còn vấn đề này. Biết sắp xếp vào lớp sóng tù hay phải kể trong bản thống kê nạn nhân nội chiến con số hàng chục ngàn người gọi là con tin? Con tin là những người bị giam giữ không phải vì chính họ có tội, những dân lành bị bắt nhốt khỏi cần ghi tên họ vô sổ. Người ta đã bắt họ đưa đi rồi thủ tiêu luôn để khủng bố tinh thần những người khác, hoặc để trả thủ những kẻ khác dám võ trang chống đối hay dấy loạn.

            Sau ngày 30 tháng 8 năm 1918, tất cả các địa phương đều nhận được chỉ thị NKVD ra lệnh: “Cấp tốc bắt nhốt tất cả các đảng viên Cách mạng Xã hội Hữu phái và bắt đưa đi một số con tin khá nhiều trong đám tư sản và Sĩ quan” (9)
            .

            (Xét ra cái chỉ thị này đại khái cũng như giả tỷ Aleksander Ulyanov vừa ám sát hụt Nga hoàng xong thì không những có lệnh bắt bọn đồng chí của hắn mà bắt tất cả sinh viên Nga kèm theo một số khá nhiều chức sắc địa phương vậy).

            Do một sắc lệnh của Hội đồng Quốc phòng để ngày 15 tháng 2 năm 1919 – Chủ tịch Hội đồng dường như là chính Lênin – hai cơ quan Cheka và NKVD được lệnh phải bắt làm con tin bọn nông dân “ở những địa phương nào không thực hiện tốt đẹp công tác xúc tuyết cản trở đường rầy xe lửa” (10)
            . Sắc lệnh ghi rõ: “Nếu địa phương không tiến hành công tác xúc tuyết thì đám con tin đem ra xử bắn”.

            (Cuối năm 1920 một sắc lệnh của Hội đồng Tổng bổ trưởng còn cho phép bắt thêm tất cả các đảng viên Dân chủ Xã hội làm con tin nữa).

            Dù chỉ kiểm kê những đợt sóng tù có tính cách thông thường cũng nên ghi nhận đợt thanh trừng bọn Xã hội phản động khởi sự đầu Xuân 1918 và tiếp tục kéo dài, làm dữ đến bao nhiêu năm sau chưa hết. Tất cả các Đảng Xã hội – từ Xã hội Cách mạng(11)
            Menshevik (12)  tới phe Vô chính phủ, Xã hội Nhân dân (13) - với quá trình hoạt động mấy chục năm song thực sự chỉ tự xưng Cách mạng, đeo chiêu bài Xã hội vô và chính vì thế bị tống đi lao động cải tạo mà vẫn chưa mở mắt chừng tới giai đoạn làm dữ nhất của Cách mạng thì bản chất tiểu tư sản mới ló ra. Vậy không bắt bằng hết sao được mà phải khởi sự từ từ. Trước hết hãy bắt ngầm bọn Xã hội Cách mạng, Bọn Menshevik đã.

            Đó là các đảng Dân chủ Lập hiến bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Quốc hội Lập hiến bị giải tán, nhiều đại đơn vị quân đội bị trục xuất ra khỏi tất cả các ủy ban các cấp và bắt đầu bị lùng bắt dữ hơn, đại quy mô hơn, chặt chẽ hơn.

            Và kể từ ngày 6 tháng 7 trở đi mới “tính” đến cách tả phái của Đảng Xã hội Cách mạng, dù bọn này vốn thủ đoạn hơn và giả vờ đoàn kết được lâu hơn với Đảng độc nhất và độc tôn của giai cấp lao động.

            Thế là từ đó trở về sau chỉ cần một vụ chống đối của công nhân, một vụ gây rối, một cuộc đình công ở bất cứ một xí nghiệp nào, một thị xã nhỏ nào là Cheka âm thầm bắt đêm các đảng viên Menshevik và Xã hội Cách mạng, coi như đầu não của mọi xáo trộn trên. Dĩ nhiên cùng lúc đó phải có song song đủ thứ nhượng bộ, cam kết, thoả thuận những nhu cầu chính đáng của thợ thuyền chớ.

            Những xáo trộn nói trên quá nhiều trong mùa hè 1918 đến tháng 3 năm 1921 làm rung chuyển cả Petrogad, Mạc Tư Khoa Kroustadt nên bắt buộc nhà nước phải đề ra Sách lược Kinh tế mới để xoa dịu lòng dân. Chính sách nhằm nới rộng chế độ “Sản nghiệp tư hữu giới hạn” nhưng chỉ áp dụng vừa vặn từ 1921 đến 1928.

            Mùa hè năm 1918 và tháng 4, tháng 10 năm 1919, bọn đảng viên Vô chính phủ tả phái hay hữu phái đều vào tù hết. Năm 1919 bao nhiêu nhân vật trong Trung ương đảng bộ của Xã hội Cách mạng đều bị tống vô ngục Butyzki (14)
            và cứ để nằm một chỗ tới năm 1922 mới đưa ra toà xử. Năm đó, một ông lớn Cheka là Latsis đã nhận định về Menshevik như sau:

            “Những thứ người đó không phải chỉ gây trở ngại, phiền nhiễu cho chúng ta mà thôi. Hơn thế nữa, vì lẽ đó chúng ta phải quét sạch bọn chúng trên đường đi của chúng ta cho khỏi vướng chân, khỏi phải giẫm lên. Chúng ta phải mời hết những thằng đó vào một nơi an toàn, ấm cúng cỡ Butyrki và cứ để chúng nằm đấy cho đến khi tàn cuộc đấu tranh giai cấp (15)
            .”

            Năm 1919, một Đại hội Công nhân không có chân trong Đảng được dự định triệu tập nhưng bao nhiêu đại biểu chuẩn bị tham dự đều bị Cheka vồ sạch nên Đại hội triệu tập sao nổi? Đó là một thành tích mà Latsis ghi nhận ở trang 60 cuốn Hai năm đấu tranh.

            Năm 1919 còn là năm nhà nước khởi sự nghi ngờ đám công dân Nga từ ngoại quốc hồi hương. Hai câu hỏi được đề ra: (1) Tại sao họ trở về nước? (2) Hẳn là họ phải được cử về để làm một cái gì chăng? Hậu quả hiển nhiên nhất là đám sĩ quan trong đạo quân Nga được gởi sang Pháp dự chiến trở về vừa đến quê hương là vào tù ngay.

            Cũng vẫn năm 1919, biết bao nhiêu đợt bắt bớ bùng nổ sau những cú âm mưu đảo chánh – thực cũng có mà bịa ra cũng có – đại khái như vụ “Trung tâm Quốc gia”, vụ “Quân đội mưu phản”… để rồi cứ chiếu theo những bản danh sách lập sẵn mà bao nhiêu vụ xử bắn tập thể làm rung động Mạc Tư Khoa, Petrograd và nhiều thị xã khác. Nạn nhân bị bắt rất là giản dị và đưa ra pháp trường thụ hình tức khắc trong khi đó những thành phần trí thức – tả khuynh hay hữu khuynh không cần biết – miễn cứ có liên hệ đảng viên Dân chủ Lập hiến là bị lùa vào tù hết.

            Mấy chữ trí thức “có liên hệ với Dân chủ Lập hiến” quả thực ghê gớm! Chẳng cứ phải Bảo hoàng hay Xã hội, mà chúng bao gồm tất cả các giới trí thức khoa học, trí thức đại học và văn sĩ, nghệ sĩ cũng kể luôn và dĩ nhiên kỹ sư, kỹ thuật gia cũng chẳng thoát. Điều đó có nghĩa trừ đám nhà văn khuynh tả, những cây lý thuyết của Xã hội chủ nghĩa thì ít nhất cũng đến 80% trí thức có liên hệ với các đảng viên Dân chủ Lập hiến.

            Trong số những nhà trí thức nói trên, đích thân Lênin nếu tên nhà văn Korolenko, coi như “một gã tiểu tư sản đáng thương, đầu óc sặs sụa thành kiến tiểu tư sản (16)
            . Theo lời Lênin thì “những nhân tài cỡ đó tống vào ngục ít tuần lễ cho nếm mùi cũng chẳng hề hấn gì”!

            Những văn thư phản đối của Gorky gởi về cho Lênin còn tiết lộ những vụ bắt cả nhóm một lần. Ngày 15 tháng 9 năm 1919, Lênin phúc đáp: “Đương nhiên một vài sự lầm lẫn thì thế nào chẳng có. Tuy nhiên phải kể như xui xẻo chứ có gì là bất công?”. Sau đó ông Chủ tịch khuyến cáo Gorky “chớ có bận tâm và hoài công thắc mắc đến những thằng trí thức thối nát!”.

            Kể từ tháng Giêng năm 1919 có phong trào quyên góp thực phẩm và nhiều toán cán bộ được phân phối tận nơi quyên từng nhà nhưng về địa phương nào cũng bị chống đối, hoặc lì lợm thụ động hoặc bạo động làm mạnh. Để dẹp cho xong sự chống đối này, nhà nước phải mất 2 năm liền tống giam bao nhiêu đợt, chưa kể những người bị bắn hạ tại chỗ.

            Thực ra tôi không muốn đả động tới ở đây phần chính của bộ máy đàn áp đi theo sự chiếm đóng, lấn đất của Hồng quân. Chiếm xong một vùng, một thị xã nào là đến giờ ra tay của Cheka, của các ban Đặc vụ và các Toà án Cách mạng. Cũng chẳng muốn kể ra chỉ thị của NKVD ngày 30 tháng 8 năm 1918 ra lệnh cho các cấp dồn nỗ lực tối đa để “bất cứ kẻ nào có tham gia, dính dáng đến việc kháng cự lại Hồng quân là bắn bỏ tức khắc, vô điều kiện”.

            Nhưng vụ dưới đây thì giải thích thế nào?

            Mùa hè năm 1920 đồng ý là trận nội chiến chưa hẳn đã chấm dứt tuyệt đối. Cũng còn nhiều nơi nổ súng nhưng trọn vùng sông Don hiển nhiên đã dứt chiến hoàn toàn. Vậy thì tại sao nhiều toán sĩ quan đang đóng ở các thị xã dọc bên sông – như ở Rostov, ở Novocherkaask – lại bị gởi cả loạt tới Archangel? Từ đây tất cả đều bị xuống tàu đi ra đảo.

            Solovetsky và nhiều tàu đã chìm tuốt xuống Bạch hải và biển Caspian! Vậy thì đám sĩ quan nạn nhân đó phải kể là mất mạng trong thời chiến hay là thời bình đất nước khởi sự tái thiết? Cũng năm đó ở Novocherkaask một thiếu phụ bụng mang dạ chửa bị bắn bỏ chỉ vì tội dám chứa chấp người chồng sĩ quan. Cái chết của người vợ đó biết liệt vào loại nào?

            Tháng 5 năm 1920 ra đời đạo Sắc luật lừng danh của Trung ương Đảng về “Những hoạt động phá hoại ở hậu cứ”. Dĩ nhiên mỗi lần có một đạo luật tương tự là lại khởi sự một đợt bắt bớ quy mô. Đó là một nhãn hiệu chắc chắn.

            Điểm khó khăn mà cũng là điểm thuận lợi đặc biệt cho công cuộc tổ chức bắt người đại quy mô đó là làm gì có luật, cũng chẳng có phương thức đại khái nào quy định hình phạm trước năm 1922.

            Tất cả đều chỉ xử theo tinh thần cách mạng. Mà tinh thần cách mạng bao giờ cũng đúng, để tha hồ thanh trừng càn quét người vào tù, để quyết định bắt những ai và xử họ như thế nào!

            Trong bản kiểm kê, xét ra cũng chẳng cần phải nói tới vô số những vụ bắt bố liên tiếp hai thứ tù: một là tù tư pháp (ugolovniki), hai là tù không phải chính trị. Thời buổi đó cả nước đói khổ, thiếu thốn, vả lại cái gì cũng phải làm mới lại hết, từ luật pháp, cơ quan công quyền đến cả tổ chức chính phủ. Quả là một dịp tốt để các tệ nạn trộm cắp, ăn cướp, hối lộ, đầu cơ tích trữ để bán hàng chợ đen gia tăng kinh khủng. Cho dù những thường tội đó chẳng phải nguy cơ chính cho tân chính quyền nhưng cũng phải diệt trừ. Tù thường tội gia tăng thì tù phản động cũng phải gia tăng.

            Có chợ đen, đầu cơ thường tình thì cũng có nạn tích trữ hàng có tính cách chính trị thuần túy, đó là mục tiêu Sắc luật của Hội đồng chính phủ do Lênin ký ngày 12 tháng 7 năm 1918 ấn định rằng: “… Những kẻ mua, bán hay tàng trữ để bán những loại thực phẩm đặt dưới chế độ độc quyền của nhà nước (17)
            đều bị phạt tù không thể dưới 10 năm, cộng thêm hình phạt cưỡng bách lao động khắc nghiệt nhất và tịch thu toàn bộ tài sản”.

            Sau ngày Sắc luật ban hành thì trên toàn quốc nông dân đã đói đến cùng độ vẫn cứ phải nạp đủ hoa màu, mùa này qua mùa khác, khỏi được bồi thường. Vậy là nổi loạn, và có gây loạn là có bắn giết, đàn áp và hàng loạt người bị bắt thêm (18)
            .

            Năm 1920 có vụ án Liên đoàn Nông dân Tây Bá Lợi Á nhưng chúng ta kẻ biết người không. Cuối năm đó đến lượt nông dân Tambov khởi loạn và bị đàn áp tức khắc, khỏi xét xử. Nhưng kế hoạch đốn bật tận gốc rể cả tỉnh Tambov được tung ra khoảng tháng 6 năm 1921: bất cứ gia đình nào có người tình nghi đi làm loạn đều bị tống vô các trại tập trung ở nhan nhản khắp tỉnh. Ba tuần lễ liền tất cả đều phải ăn ngủ ngoài trời, giữa đồng trống chung quanh là hàng rào dây thép gai. Trong thời hạn đó không ra trình diện thì trọn gia đình bị đưa đi an trí, mà trình diện dĩ nhiên là phải chết (19)
            .

            Trước đó mấy tháng, vào tháng 3 năm 1921 đám Hải quân nổi dậy ở Kronstadt chỉ trừ những kẻ bị bắn gục thảy đều bị đưa tới pháo đài Trubetskoi để chờ phân phối đi các trại Cải tạo, đi tới một hòn đảo nào đó trong quần đảo ngục tù.

            Cũng năm 1921 có Mật lệnh số 10 của Cheka đề ngày 8 tháng 1 ra lệnh “thúc đẩy tối đa công việc cuộc thanh trừng tiểu tư sản”. Tưởng là dứt chiến phải thanh trừng bớt nào ngờ lại thúc đẩy tối đa! Muốn hiểu sự thanh trừng được thúc đẩy như thế nào trong vùng Crimea chỉ cần đọc ít bài thơ Voloshin là biết liền.

            Mùa hè năm 1921 còn một sự kiện rúng động: trọn Ủy ban Quốc gia Cứu đói trong đó có Kuskova, Prokopovich, Kisshin bị tống giam. Họ cố hoạt động chống tai hoạ chưa từng có trong lịch sử nước Nga nhưng căn bản của vấn đề là nhà nước không bằng lòng cho những thứ người như họ được phép làm công tác cứu đói. Đó là lý do ông già Chủ tịch Ủy ban gần đất xa trời nên được ân huệ khỏi bị bắt là Korolenko cũng phải than thở: “… Triệt hạ Ủy ban này là một đòn bẩn nhất trong những đòn bẩn chính trị” (20)
            .

            Năm 1921 khởi đầu vụ bắt bớ sinh viên (chẳng hạn như nhóm Yevgeniya Doyarenko viện Đại học Timiryazev) vì họ dám phê bình chế độ, không phải phê bình công khai mà chỉ trong thảo luận riêng với nhau. Những trường hợp trên thuộc loại hiếm vì bọn họ được hân hạnh thẩm vấn bởi Menghinsky và Yagoda.

            Năm 1921 còn là năm phát triển và kế hoạch hoá công cuộc tận diệt các đảng phái không phải Bôn-sê-vích. Đảng nào cũng bị chôn sống hết, khỏi có vụ miễn trừ và đào huyệt riêng. Và dĩ nhiên để các đảng không thể đội mồ sống dậy thì bao nhiêu đảng viên đều phải chôn luôn một lượt!

            Không một công dân Nga nào từng sinh hoạt đảng phái mà không phải đảng viên cộng sản có thể thoát khỏi kế hoạch tận diệt. Không chết thì tù, trừ trường hợp biết nhảy chết kịp thời, bỏ chỗ chết nhảy vào đường sống là vào Đảng như các ông Maisky, Vyshisky! Kỳ dư thì có có thể thoát trong đợt đầu, còn có thể sống sót tới 1922, 1932 hay 1937 nữa tùy theo mức độ nguy hiểm bị gán cho.

            Có điều bản danh sách vẫn còn thì thế nào trước sau cũng có ngày! Sẽ có ngày bị người tới bắt hay được mời tới cơ quan thẩm vấn, nhưng trước sau cũng chỉ có một câu hỏi duy nhất là có phải có chân trong Đảng này không và từ bao giờ đến bao giờ? (Cũng có thể có vài câu hỏi tiếp về những hoạt động chống đối nhưng sự thực chỉ một câu hỏi quyết định rồi). Sau vụ thẩm vấn là số phận họ sẽ được an bài, cách này hay cách khác.

            Có người lại tống giam ngay tức khắc và những khám đường lừng danh từ thời quân chủ. Cũng may là tất cả mọi khám đường trung ương của triều đại Nga hoàng đều được duy trì tốt hết. Trong những xà lim của những nhà tù đó nhiều đảng viên xã hội tình cờ gặp lại chính những ông cai ngục của thời quân chủ từng tống giam họ hồi trước.

            Có người may mắn hơn được phép lựa chọn chế độ an trí. Không nhiều, chỉ hai ba năm thôi! Có người tốt phúc nữa còn được phép tự ý lựa chọn nơi an trí – dĩ nhiên một số đô thị phải trừ ra – để biết điều thì cứ tới ngay nơi đó sinh sống một cách đàng hoàng, ngoan ngoãn và ở y nguyên một chỗ chỉ định chờ đợi quyết định tùy hướng của GPV.

            Cả một kế hoạch tận diệt đảng phái bắt buộc phải kéo dài nhiều năm vì điều quan trọng hàng đầu là phải thật kín đáo, thật ngấm ngầm để không ai hay biết. Vấn đề cần yếu là phải quét sạch sẽ bọn đảng viên Xã hội thuộc xu hướng khác ra khỏi những đô thị lớn ngoài thủ đô Mạc Tư Khoa và những hải cảng, những trung tâm kỹ nghệ và sau này cả những tỉnh lỵ nhiều người lui tới nữa.

            Quả thực đó là một vụ mình lấy cỗ bài ra “phá trận” thật vĩ đại nhưng tiến hành cực kỳ bí mật, âm thầm. Nhưng đương thời thảy đều mù tịt, đành mù ngay mà chúng ta bây giờ cũng mới biết đại khái. Một bộ óc viễn kiến, đôi bàn tay gọn gàng đã sắp xếp “phá trận” tất cả đâu ra đấy, không bỏ lỡ một phút. Những người bị bắt xét ra chỉ là một trong những cây bài đặt cỡ ba năm trong một cọc bài nào đó bỗng được rút ra lẹ làng, xếp sang một chồng bài khác. Đang nằm khám trung ương thì được đi đày, tới một nơi nào đó thật xa. Đang nằm an trí một chỗ được tống đi đày, tống cho biệt, cho khuất mắt tách rời khỏi những kẻ cùng bị an trí một chỗ. Có thể từ một chỗ đi đày này chuyển sang một chỗ đi đày khác để rồi lại quay trở lại khám trung ương – một khám đường khác chỗ cũ, dĩ nhiên!

            Phải công nhận là tên “phá trận” đó quả có kiên nhẫn, cực kỳ kiên nhẫn! Không một tiếng động, không nghe một tiếng la mà tuần tự tất cả mọi người từng sinh hoạt đảng phái không phải Cộng sản đều đẩy đi mất hút, bị gỡ ra khỏi những nơi từng hoạt động, những người từng quen biết để rồi chết ngấm ngầm, chết dấm dúi. Thế là hoàn toàn cuộc tận diệt chính những người từng một thời gào thét lên tranh đấu chống bạo quyền – thời còn là sinh viên hăng say tranh đấu – những người từng hãnh diện vì tay chân rổn rảng xiềng xích quân chủ” (21)
            .

            Trong ván bài “phá trận” đó, đa số chính trị phạm từng chịu án khổ sai mà không chết nay bị tiêu diệt gọn. Chính những đảng viên Xã hội Cách mạng và những đảng viên Vô chính phủ – chớ không phải các đảng viên Dân chủ Xã hội – đã gánh những cực hình nặng nhất dưới thời Nga hoàng. Chính những người thuộc hai đảng nói trên từng chiếm hầu hết mọi chỗ trong các trại khổ sai chính trị phạm dưới thời quân chủ.

            Tuy nhiên vấn đề chết trước chết sau vẫn có. Ngay từ 1920 tất cả bọn họ đều được nhà nước cho phép phản tỉnh bằng văn thư chối đảng của họ, đả lý thuyết đảng của họ. Có kẻ từ chối không chịu và dĩ nhiên phải “đi” trước. Kẻ nào thuận ký thì cũng sống thêm được ít năm nhưng vấn đề là trước sau cũng chẳng thể thoát khỏi cảnh rụng đầu. (22)


            Mùa Xuân năm 1922 thành lập Ủy ban Đặc biệt Đấu tranh chống Phản cách mạng, chống phá hoại, chống Đầu cơ tích trữ. Vừa đổi tên GPV, Cheka quyết định can thiệp vào nội bộ tôn giáo và để thay thế cấp giáo quyền đương nhiệm bèn đề ra một cuộc Cách mạng tôn giáo, nhằm thành lập một cấp lãnh đạo giáo hội “một tai hướng lên Thiên Đàng, một tai sẵn sàng ‘bắt’ tin Lubyanka”. Cấp lãnh đạo Tân giáo hội ra đời nhưng nếu không được chế độ yểm trợ thì nắm sao nổi guồng máy tôn giáo?

            Hậu quả trực tiếp là Giáo chủ Tikhon bị tống giam và sau đó có hai phiên toà quan trọng: phiên thứ nhất chấm dứt bằng một đợt hành hình ở Mạc Tư Khoa tất cả những kẻ can tội quảng bá lời kêu gọi của Giáo chủ. Phiên thứ hai ở Petrograd quyết định sinh mạng của Tổng Giám mục Venismin chỉ vì tội âm mưu ngăn cản công cuộc chuyển giao giáo quyền cho Tân Giáo hội. Sau đó ở các tỉnh lỵ rồi các quận lỵ các Tổng Giám mục, Giám mục theo nhau vô khám để rồi “đầu đi đuôi lọt”, đến lũ lượt các hàng linh mục, linh mục dòng và phó tế. Số tu sĩ bị bắt giam nhiều đến nỗi báo chí không buồn đăng nữa và không chịu tuyên thệ ủng hộ “Tân Giáo hội” cũng nằm khám luôn.

            Từ đó năm nào chẳng có một số người bị bắt vì lý do tôn giáo? Họ thuộc thành phần thường niên nên có mặt thường trực trong bất cứ xà lim nào, bất cứ chuyến xe nào chở người đi đầy ra đảo Solovetsky.

            Mấy năm sau đó tới phiên các nhà thần học, các nhà nghiên cứu tâm linh, đại khái như nhóm tín hữu của Bá tước Palen, thường trực ghi nhận những tiếp xúc của họ với thế giới tâm linh. Sau kế đến các hội tôn giáo, các triết gia nhóm Berdyayev và tiếp theo là nhóm tự nhận “Công giáo Đông phương”, tín đồ của Vladimir Solovyer rồi nhóm tín hữu của Abrikosova cũng cùng chung số phận, nghĩa là bị tống giam rồi thủ tiêu luôn.

            Dĩ nhiên các chức sắc của Giáo hội Công giáo – các hàng linh mục Balan chẳng hạn – cũng không thể thoát khỏi thông lệ. Nhưng một trong những mục tiêu quan trọng bực nhất của GPV – NKVD suốt trong hai thập niên 1920-1930 là phải bứng bằng được gốc rễ tôn giáo ở nông thôn. Do đó phải tận diệt Chính thống giáo bằng những đợt tống giam tập thể. Biết bao nhiêu tu sĩ nam nữ của phái Công giáo Chính thống – những nhà tu bận đồ đen truyền thống của xã hội Nga từ muôn đời – bị lùng bắt, truy nã gay gắt. Ló mặt ra là bị bắt và bị bắt là đi đày luôn.

            Cùng lúc đó thành phần giáo dân hoạt động nòng cốt cũng bị bắt giam và ra toà lãnh án. Hết lớp này mới tới lớp giáo hữu thông thường bị lùa vào khám, già trẻ đều không tha – nhất là thành phần phụ nữ là những người có đức tin mãnh liệt nhất. Thậm chí sau này cứ đàn bà mà bị tống giam vì lý do tôn giáo đều bị kể như “nữ tu” trong các khám tạm, các trại tập trung.

            Họ bị bắt và lãnh án chẳng phải vì đức tin Công giáo mà chỉ vì tội dám công khai bày tỏ tín ngưỡng và dạy dỗ con theo tinh thần Công giáo. Chẳng hạn trường hợp nhà thơ nữ Tanya Khodkevich. Bà này có tội làm hai câu thơ:

            Bạn có thể tự do cầu nguyện
            Nhưng chỉ để mình Đấng Tối cao nghe thấy mà thôi.

            Chỉ vì hai câu thơ như vậy mà Tanya lãnh 10 năm tù.

            Đó là thời kỳ cha mẹ không được phép tiết lộ đức tin ngay cả với con cái. Đó là giai đoạn giáo dục tôn giáo cho con nít là vi phạm các điều thứ 50, thứ 10 của Bộ Hình luật 1926 và Hình sự Tố tụng 1923, nghĩa là một tội phạm chính trị và kể như “tuyên truyền phản cách mạng”.

            Thực tế là cho đến khi ra toà và ngay trước phiên toà, bị can vẫn còn được phép phản tỉnh, nghĩa là tự ý chối đạo, dù hiếm xảy ra sự kiện đó. tuy nhiên vẫn có trường hợp chồng đành chối đạo trước toà để được ân xá ở nhà nuôi con, để một mình vợ chịu đi đày Solovetsky vậy.

            Đó cũng là giai đoạn giới phụ nữ bày tỏ đức tin quyết liệt hơn cả, dù trước toà cứ dính dáng đến tôn giáo là 10 năm tù chắc và chẳng có tội gì nặng hơn!

            (Đó là giai đoạn – đặc biệt là năm 1927 – để tiến hành vụ thanh lọc xã hội, nhà nước đã cho đi đày Solovetsky cả gái giang hồ lẫn với nữ tu. Mà đĩ điếm thì chỉ lãnh 3 năm, án đã nhẹ hơn mà còn “dễ thở” hơn – dù ở khám tạm, dù đang di chuyển hay nằm trên đảo – nhờ có thể giao du thân mật với lính hộ tống hay đám cai tù.

            Trớ trêu là 3 năm sau các chị em ta lại có quyền phây phây xách những va ly nặng trĩu trở về nguyên quán và “nhiệm sở” cũ, trong khi đó các can phạm tôn giáo lại không được phép trở lại với gia đình, trở về quê cũ!)

            Cũng trong mấy năm đầu thập niên 1920 có những đợt sóng tù có tính cách quốc gia mà nhân số thoạt đầu cũng chẳng bao nhiêu nếu tính theo tỷ lệ lớn lao của Liên bang Xô-viết. Đó là những nhóm Mussavatist xứ Azerbaijan, dân Dashmak miền Armenia, phái Men-xơ-vích xứ Georgia, đám Basmachi ở Turkmenia. Họ đều là những sắc dân Trung bộ Á châu và họ chỉ có một tội như nhau là chống lại sự thành lập cơ sở cộng sản ở quê hương họ.

            (Những Ủy ban đầu tiên mọc lên ở Trung Á đều có đa số ủy viên gốc Nga và do đó bị coi như những tiền đồn Cách mạng của Liên bang Xô-viết. Năm 1926 toàn hội Hebalutz của người Do Thái bị giải tán, hội viên đi đày tập thể không sót một người chỉ vì không chịu ngả theo phong trào Bôn-sê-vích.

            Sau này nhiều người quan niệm khoảng thập niên 1920 ở Nga như một thời kỳ “nghỉ ngơi sung sướng, hoàn toàn tự do”. Nhưng cũng nhiều người không đồng quan điểm, chẳng hạn dưới đây. Thời đó, các sinh viên không Đảng đòi hỏi “chế độ Đại học tự trị”, quyền hội họp và yêu cầu bỏ bớt lý thuyết chính trị trong chương trình học. Nhà nước có phản ứng: tống giam hết. Những ngày nghỉ học thì sinh viên còn bị bắt nhiều, bắt dễ nữa! Điển hình là ngày 1 tháng 5 năm 1924.

            Qua năm 1925, khoảng 100 sinh viên Lêningrad ra Toà lãnh án 3 năm tù chỉ vì đọc tạp chí Xã hội, cơ quan của nhóm Men-sê-vích hải ngoại – và dám học tập cả Plekhanov (dù thời hoa niên Plekhanov từng hoạt động cách mạng hăng nhất, dám đăng đàn chống đối bạo quyền ngay trước giáo đường Kazan.

            Cũng năm đó khởi sự bắt những đảng viên Trốt-kýt trẻ đầu tiên. Hai quân nhân Hồng quân ngây thơ tổ chức lạc quyên để cứu trợ nạn nhân, đúng truyền thống của dân Nga bị tống giam tức khắc. Có phải cứ Hồng quân là khỏi bị đâu?

            Ngay đám sĩ quan cũng bị săn bắt suốt thập niên 1920. Đó là những kẻ sống sót mấy đợt trước: bọn Trắng chưa lãnh án tử hồi đương chiến, bọn nửa Trắng nửa Đỏ từng có mặt ở cả hai bên, bọn bảo hoàng ngả theo Đỏ tức những sĩ quan trong quân lực Nga hoàng đầu hàng Hồng quân nhưng không phục vụ từ đầu đến cuối, hoặc có những khoảng trống vắng mặt không chứng minh được.

            Thay vì bị tử hình tức khắc, đám sĩ quan đó cũng bị sắp xếp vào cuộc “phá trận”, nghĩa là như những con bài bị xào lên xào xuống, họ hết bị kiểm tra đến giới hạn công tác, rồi chỉ định trú sở rồi bắt vô, thả ra để bắt nữa và lần cuối cùng thì đi đảo, không bao giờ trở về nữa.

            Tuy nhiên với nhà nước thì không phải cứ tống hết bọn họ vô trại cải tạo như vậy mà đã xong. Còn cha mẹ, vợ con họ là còn phải đối phó bởi lẽ vô cùng giản dị có mỗi người chủ gia đình bị bắt mang đi thì toàn gia dĩ nhiên chẳng ưa gì chế độ. Vậy ở tù là đáng rồi. Do đó lại thêm một đợt sóng mới đẩy vô ngục tù.

            Lại còn một trường hợp bọn dân quân Cốt-sắc từng chống Hồng quân nhưng đã được ân xá, được đưa từ các trại trên đảo Lemmos về vùng Kuban và được cấp đất làm ăn. Tất cả đều bị lùng bắt lại không còn sót một mạng.

            Dĩ nhiên còn phải kể thêm một số công chức bảo hoàng bỏ trốn ẩn náu kín đáo, ngụy trang khéo và biết lợi dụng cái sơ hở là hồi đó còn chưa có thể lệ di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác phải xin phép mà cũng chưa có Tổng văn khố Trung ương để lưu trữ hình tích những người bị truy nã. Họ đã kiếm cách núp được vô một cơ quan, một Ủy ban nào đó. Vậy mà cũng sa lưới chỉ vì lỗ miệng, vì bị nhận diện tình cờ và bị hàng xóm tố cáo.

            (Nhiều người bị rất tình cờ và vô duyên. Chẳng hạn như cả một đám bị phát giác năm 1921 và bị xử bắn hết chỉ vì một lão công chức già tên Mova quen tật lưu trữ hồ sơ thật thứ tự. Lão nhè để ở nhà cả một danh sách cựu công chức Sở Tư pháp tỉnh!)

            Và ngục tù tiếp tục tiếp nhận thêm những đợt sóng mới, liên miên. Dấu gốc tích bắt mà không dấu gốc tích cũng bắt luôn mà “gốc tích” thì muốn hiểu nghĩa nào cũng dễ! Do đó có người bị bắt vì “có gốc quý tộc” và cả gia đình vạ lây. Thậm chí có những người chỉ vì ở một giai cấp thượng lưu – chẳng hạn như tốt nghiệp đại học – mà bị mời đi. Ác nỗi đi thì có mà về thì không, vì thông thường đã lỡ cho lỡ luôn, khỏi gỡ! Mà Cheka tức GPU là Hiến binh của Cách mạng thì sai lầm thế nào được?

            (Không. Nói “đi có về không” cũng không hẳn đúng. Có lớp lớp sóng xuôi thì lâu lâu cũng có một con sóng ngược vậy chớ. Nghĩa là dù ít ỏi, không nghĩa lý gì, song cũng có người được về chớ. Chẳng hạn trong số những bà vợ, những cô con sĩ quan hay dòng dõi quý tộc có nhiều người sắc sảo, khôn ngoan hay nhan sắc mỹ miều lắm chớ. Một số đã thành công, tạo thành những con sóng ngược vì họ chợt nhớ ra rằng người ta ai cũng chỉ sống một lần và chẳng gì quý bằng chính sinh mạng mình!)

            Những người nữ đặc biệt đó đã đề nghị thẳng với Cheka GPU xin cộng tác, làm bất cứ việc gì kể cả mật báo viên. Họ sẽ được thoả mãn liền, nếu được GPU chịu. Xét ra họ mà làm mật báo viên thì GPU lợi vô vàn, được cung cấp thiếu gì tin tức quý giá vì họ “nắm” được những người giai cấp cũ. Để đơn cử thì mật báo viên ai có lợi hại cho bằng bà hoàng Vyazemskaya? (Còn phải kể cậu quý tử ở đảo Solovetsky nữa!)

            Nói về sắc sảo, tài nghệ thì mấy kẻ bằng nàng Konkordiya Nikolayevus Fosse, người thiếu phụ từng phải chứng kiến xử bắn ông chồng sĩ quan và bản thân bị đi đày Solovetsky? Thế mà không hiểu làm cách nào Konkordiya vận động “ra” được để về Mạc Tư Khoa lập phòng thế kế bên Lubyanka cho các ông lớn GPU tiện tới lui. Cho mãi đến 1937 người đẹp mới bị bắt lại, sau khi Yagods (23)
            và đàn em bị thanh trừng.

            Kể cũng lạ là vào thời kỳ này mà Hội Hồng thập tự còn sống sót nổi ở Nga! Toàn quốc có 3 chi nhánh: ở Mạc Tư Khoa do Peshkova – Vinaver điều khiển, ở Kharkov do Sandormirskaya và ở Petrograd do ông già Shevtsov lãnh đạo rồi đến ông Gartman tật nguyền và Kochervsky. Chi nhánh Mạc Tư Khoa hoạt động không vấp váp cho đến 1937 mới phải đóng cửa, nhưng bọn ở Petrograd đã dính quá nhiều đến chính trị, toan dựa cả vào những tay từng bị giam trong ngục Schlusselburg như Novorussky (người từng dính chung một vụ với em ruột của Lênin là Aleksander Ulyanov). Hồng thập tự Petrograd không những kiếm cách tự giúp các chiến sĩ Xã hội mà còn lo cho bọn phản cách mạng. Vì vậy chi nhánh bị đóng cửa từ 1926, cấp điều khiển đi tù hết!

            Năm tháng qua dần. Bất cứ chuyện gì mà không nhắc lại cho nhớ thì làm sao nhớ nổi. Chẳng hạn như năm 1927 đã chìm sâu vào dĩ vãng, chúng ta cứ tưởng đâu đó là một năm no đủ, vô ưu, mà kế hoạch nhà nước còn cho phép “tự do kinh doanh hạn chế”.

            Sự thật không phải vậy. Đó là năm gay cấn, năm rúng động những hàng tít trên mặt báo. Đó là năm ai cũng tưởng và người ta còn làm như thể sắp có đại chiến đến nơi để làm cách mạng toàn thế giới. Đó là năm vị đại sứ Nga ở Warszawa (Ba Lan) bị ám sát, tạo những hàng tít nổi, chạy dài cả khuôn báo và cho nhà thơ Mayakovsky nổi giận bằng cả bốn bài thơ hùng hổ.

            Nhưng té ra không phải vậy: chính quyền Ba Lan lên tiếng xin lỗi, kẻ duy nhất ám sát đại sứ Voikov (chớ chẳng có phe nhóm nào hết) đã bị bắt ngay tại Warszawa. Vậy thì còn gì là công dụng của mấy bài thơ tràn đầy công phẫn mà thi sĩ Mayakovsky định nhắm vào ai đây?


            Chúng ta đoàn kết
            Chúng ta xây dựng
            Đề cao cảnh giác và tiêu diệt
            Bẻ gãy cổ bọn cuồng điên phiến loạn.


            Thơ Mayakovsky cổ xúy tiêu diệt ai? Bẻ gãy cổ bọn nào đây? Đó là lúc phát động chiến dịch Voikov và cũng như mọi lần có chuyện xáo trộn, tình hình căng thẳng lại vẫn người cũ lãnh hậu quả; bọn đảng viên Vô chính phủ, Xã hội Cách mạng, Men-sê-vích và cả thành phần trí thức nữa. Thử hỏi ở các thị xã còn bắt ai? Không lẽ tống giam thành phần thợ thuyền?

            Có đám trí thức “liên hệ với Dân chủ Lập hiến” thì đã bị tan hoang từ 1919 còn gì? Tại sao không chiếu cố đến bọn trí thức còn sót lại vẫn tự nhận tiến bộ? Tại sao không đập bọn sinh viên một cú đích đáng cho rồi? Tại sao không làm in lời thi sĩ Mayakovsky.


            Hỡi các anh em Đoàn Thanh niên Cộng sản
            Ta nghĩ hàng ngày, ta nghĩ hàng tuần
            Ta nhìn vào hàng ngũ ta
            Ta phân biệt những anh em đích đáng
            Những quân chỉ mượn danh Đoàn Cộng sản Thanh niên.


            Nhìn vào hàng ngũ ta, nhìn ra bên ngoài là nảy ra một biện pháp cực kỳ thuận lợi là công cuộc “phòng ngừa những kẻ có thể là kẻ thù của xã hội”. Cuộc phòng ngừa hợp lý quá, dễ hiểu quá mà.

            (Đó là lý do Lazac Kogan, một trong những thủ lãnh chịu trách nhiệm công tác Kinh đào Bạch Hải ít lâu sau dám nói thẳng ra rằng: Tôi tin chớ. Tôi tin bản thân anh chẳng phạm vào bất cứ một tội gì, nhưng là người trí thức, tôi chắc anh dư hiểu rằng, anh phải hiểu rằng công cuộc phòng ngừa đang áp dụng).

            Lại phải hiểu rằng tất cả những thành phần cựu đồng hành không thể tin tưởng nổi, trước bọn trí thức thối nát bị rúng động đó còn bị bắt vì lý do gì nếu chẳng phải để chuẩn bị cho cuộc chiến hoàn thành Cách mạng toàn thế giới? Nếu không đối phó sao kịp?

            Vì lẽ đó ở Mạc Tư Khoa có những cuộc bố ráp khoa học, từng khu này sang khu khác. Có bố ráp là phải bắt được người, đúng theo khẩu hiệu: “Chúng ta phải đấm bàn cho mạnh, cho dữ dội để cả thế giới nghe thấy phải sợ hãi, rụng rời”.

            Vì lẽ đó Lubyanka và Butyrki ngày đêm rầm rập Mật vụ Áo đen dùng đủ mọi thứ xe chuyên chở người vô. Xe buýt, xe ca, xe lớn bít bùng, xe tắc xi mở mui lộng lẫy. Xe nhiều đến nổi kẹt cứng mọi cửa ra và trong sân chẳng còn chỗ đậu. Người nhiều như thế thì cứ thảy nguyên xe vô cái đã, mà cũng khỏi cần ghi tên vô sổ.

            Tình trạng ứ đọng đầy dẫy ở địa phương. Như ở Rostow trong khám số 33 thì xà lim nào cũng nghẹt cứng tù nhân, Boiko bước vô đành phải đứng, vì chỗ đâu mà ngồi?

            Dưới đây là một ca điển hình: một nhóm trẻ tuổi chiều tối tụ họp nhau thưởng thức nhạc mà không xin phép trước GPV. Dĩ nhiên có nhạc thì phải có trà, nước ngọt cho chính nhóm người tham dự chung đậu nhau từng kopech. Lý do chính chẳng phải nhạc và nước giải khát mà họ đóng góp để cứu trợ, những bà con, bạn bè kẹt vì tội tiểu tư sản. Làm sao qua mặt được GPV? Trọn ổ bị bắt ra toà lãnh từ 3 đến 10 năm. Người đẹp Anna Skripnikova lãnh bản án 5 năm nhưng thủ lãnh Ivan Nikolaiyevich và nhóm tổ chức chịu thú tội đành lãnh án tối đa là xử bắn.

            Cũng năm đó có nhóm sinh viên Nga ly hương sống ở Balê triệu tập một buổi họp truy niệm văn hào Pushkin và báo chí tường thuật đầy đủ – một biểu dương tinh thần của phe nhóm giẫy chết nên kết quả là tất cả những học sinh vừa tốt nghiệp trung học, chưa phải sinh viên còn kẹt trong nước là bị tống giam ngay tức khắc, cùng một lúc với đám mệnh danh “sinh viên luật”, tức bọn sinh viên thuộc thành phần ưu đãi ở Nga thời tiền cách mạng.

            Thời ấy mới chỉ có trại cải tạo đặc biệt trên đảo Solovesky chứa vừa vặn đợt tù sau vụ Voikov. Nhưng cả một hệ thống quần đảo ngục tù dưới danh hiệu Gulag đã khởi sự manh nha và chuẩn bị dựng lên khắp nơi trên toàn lãnh thổ.

            Đó là lúc nhà nước đổi “gu" bắt người và thèm một thành phần mới. Đó là lúc tình thế đã chín mùi để tiêu diệt bọn trí thức kỹ thuật lâu nay vẫn tự coi như bất khả thay thế, không có họ không được nên không chịu để vào tai những huấn lệnh.

            Nói cách khác thì bọn kỹ thuật gia, kỹ sư chẳng bao giờ được tin dùng và ngay những năm đầu Cách mạng thành công đã bị coi như quân hầu đầy tớ của bọn chủ nhân ông tư bản, luôn luôn bị nghi ngờ và bị chính bọn thợ thuyền giám thị ngầm. Còn phải tái thiết đất nước thì họ còn được để yên để phục vụ kỹ nghệ cái đã. Cuộc đấu tranh giai cấp còn phải dốc toàn lực đập tan những thứ trí thức ngành khác đã chứ.

            Bộ máy đầu não chỉ huy kinh tế càng trưởng thành (hai cơ quan chính là Hội đồng Tối cao Kinh tế (VSNKH) và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (GOSPLAN) thì các công trình càng mọc ra nhiều và càng mọc ra nhiều thì càng giẫm chân nhau, càng chơi nhau thì càng bộc lộ thêm âm mưu phá hỏng ngay từ đầu cũng như sự phản pháo “gian dối” độc hiểm của bọn kỹ sư chế độ cũ. Cặp mắt theo dõi kiểm soát của các ông Hiến binh Cách mạng càng gay gắt, sát nút hơn – và dĩ nhiên cặp mắt gắt gao đã nhằm vào chỗ nào là y như rằng chỗ đó phải có cả ổ phá hoại.

            Cộng tác theo dõi, khám phá đẩy mạnh cho tới 1927 thì lập tức giới công nhân lao động được giải thích ngay tại sao kinh tế thất bại, suy vong.

            Chẳng hạn như chính vì sự suy sụp của Cơ sở Hoả xa Nhân dân mà xe lửa giảm chuyến, muốn mua giấy xe cũng khó, mọi sự cung cấp nay có mai không. Nhà máy Điện Mạc Tư Khoa cũng tệ hại – do đó mới có nạn cúp điện. Cả một kỹ nghệ mỏ Dầu xuống dốc – do đó lần hồi khan hiếm – Ngành dệt bê bối toàn diện nên công nhân không có vải may áo mặc. Kỹ nghệ mỏ than là cả một sụp đổ kinh khủng, sụp đổ đến nỗi không có than mà sưởi nữa.

            Ở tất cả mọi ngành kỹ nghệ: đúc thép, quốc phòng, cơ khí, đóng tàu, hoá học, hầm mỏ, luyện vàng, luyện bạch kim… chỗ nào cũng sặc sụa những âm mưu phá hoại, chỗ nào cũng có bọn kẻ thù chế độ nắm chốt. Bao nhiêu nỗ lực của GPV bèn được gợi ra, dồn vào công cuộc nắm đầu và lôi cổ những quân phá hoại. Từ thủ đô trở xuống các tỉnh lỵ và các địa phương, các cơ sở GPV và các toà án vô sản hoạt động liên miên để lọc lỏi đống rác rưởi thối nát. Mỗi ngày các công nhân lại hết hồn đọc thấy trên báo (đôi khi đọc mà chẳng hiểu gì) mọc ra thêm nhiều tội ác ghê gớm, nào vụ Pachinsky, nào vụ Von Meck, nào vụ Velichko (24)
            và không biết bao nhiêu vụ vô danh!

            Mỗi ngành kỹ nghệ, mỗi xí nghiệp cho chí đến mỗi xưởng tiền công nghệ đều được lệnh lùng kiếm cho ra, vạch mặt bằng hết bọn phá hoại. Khi GPV đã ra lệnh và giúp đỡ thì lùng bắt la lòi ra tức khắc! Nếu chưa bị lên án phá hoại lúc ấy thì vấn đề nghi ngờ phá hoại chẳng thể tránh nổi!

            Nếu căn cứ vào tội trạng của họ thì mấy ông kỹ sư già chế độ cũ quả thực là cực kỳ tồi bại và âm mưu phá hoại của họ ma quỷ quá! Còn ai hăng say phục vụ phát triển nền kỹ nghệ mới cho bằng kỹ sư Nicolai Karlovich Von Meck của Sở Hoả xa Nhân dân? Có dịp thảo luận về những vấn đề kinh tế liên quan đến công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa là nío hàng giờ thao thao bất tuyệt và luôn luôn có sáng kiến đưa ra. Sáng kiến độc đáo nhất của kỹ sư Von Meck là tại sao không nới rộng kích thước những toa xe chở hàng để chuyên chở nhiều hơn, nặng hơn mà có trở ngại gì đâu?

            Nhưng Von Meck bị GPV tố, và ra pháp trường gấp. Tội trạng được nêu ra là cố tình phá hoại làm hư hỏng cả đường sắt lẫn đường lộ, cả toa chở hàng lẫn đầu máy xe lửa. Âm mưu thâm độc của hắn là “giết chết” hệ thống Hoả xa toàn quốc trong trường hợp địch quân xâm lăng!

            Chỉ ít lâu sau, khi Sở Hoả xa được nâng lên hàng Bộ thì đồng chí Ủy viên lãnh đạo Bộ Hoả xa Kaganovich được Huy chương Lênin cùng một số lãnh tụ. Bọn kỹ thuật gia bất đồng ý kiến với đồng chí Ủy viên bị gán ngay danh hiệu giới hạn chủ nghĩa. Họ nhất định cho rằng trọng lượng chuyên chở tăng gấp ba ắt phá hư hết đầu máy. Chỉ đưa ý kiến kìm hãm vậy cũng đáng đưa ra pháp trường. Tại sao dám nghi ngờ khả năng chuyên chở Xã hội Chủ nghĩa?


            Phải mất mấy năm liền mới tính xong bọn Giới hạn chủ nghĩa. Ở ngành kỹ nghệ nào cũng có bọn này và kẻ nào cũng đưa ra những công thức, những con số để nhất định không chịu tin có thứ cầu cống, đường sá nào chịu nổi tinh thần hăng say phục vụ cách mạng cỡ đó.

            Tuy nhiên bọn trí thức kỹ thuật chưa bị bắt ngay, đốn sạch hết chỉ vì còn phải cần đến họ. Lớp người thay thế chưa đủ tư cách, vậy thôi.

            Trường hợp dưới đây là của kỹ sư trưởng Nicolai Ivanovich Ladyzhensky, chịu trách nhiệm các cơ xưởng quốc phòng Izhevsk thoạt đầu bị bắt vì mớ “lý thuyết hạn chế” và “tin tưởng mù quáng ở những yếu tố an toàn (vì vậy mới dám cho là ngân sách phát triển xí nghiệp do đồng chí Ủy viên Ordzhonikidze (25)
            cấp cho không đủ. Tuy nhiên ngay sau đó Ladyzhensky lại được ra tù, chỉ bị chỉ định cư trú vì không ai thay nổi ông ta. Thiếu Ladvzhesky, bao nhiêu công tác sụp hết nên lại được về nhiệm sở cũ để điều chỉnh trở lại.

            Dĩ nhiên có người điều khiển thì công việc lại chạy nhưng ngân sách thiếu thì vẫn cứ thiếu. Và Ladyzhensky lại vô khám lần này vì chiếm dụng công quỹ, nghĩa là chỉ vì ông kỹ sư trông kém khả năng điều hành nên ngân khoản trợ cấp mới thâm thủng. Lần này thì ông Kỹ sư trưởng Bộ Kỹ nghệ Nặng bị đưa đi Trại Cải tạo đẳn gỗ và một năm sau thì “đi” luôn!

            Với những trường hợp tương tự như trên, chỉ trong vòng vài năm mà cả một thế hệ kỹ thuật gia rường cột của nước Nga lần lượt bị đốn sạch. Chao ôi, đó là những anh hùng dân tộc, đến tuổi bất hủ ngay trong những văn phẩm của Garin – Mikhailovsky, Chekhov Zamyatin.

            Dĩ nhiên cũng như bao nhiêu đợt sóng trước, đợt tù kỹ thuật phải kéo theo một mớ nạn nhân oan uổng chỉ vì tội họ có họ hàng bà bạn bè, hay có đôi chút liên hệ.

            Nhưng còn biết nói sao hơn, đến đây tôi buộc lòng làm mờ đi hình ảnh bóng bẩy quang vinh của những chiến sĩ Hiến binh của Cách mạng là ở thời buổi đó cứ không chịu làm Mật báo viên cho GPV cũng đã tù rồi. Đợt sóng ngầm này nào ai biết đến nhưng chỉ xin bạn đọc nhớ cho rằng cả 10 năm sau ngày Cách mạng thành công, vẫn có những lớp người Nga kiêu hãnh, dám đặt nặng nghĩa khí, không thể quan niệm đạo nghĩa gần gũi với đấu tranh giai cấp nên đã thẳng tay chối bỏ công tác đề nghị nghĩa là không thèm làm mật báo viên, dù tù tội cũng cam đành. Nhiều khi lại còn lánh hình phạt quá nặng!

            Như nàng thiếu nữ Magdalena Edzhubova bị GPV buộc phải làm điểm chỉ viên, trà trộn với một số kỹ sư. Nàng không những dám từ chối thẳng mà còn cho người được chỉ định theo dõi biết nữa. Tuy nhiên hắn vẫn cứ bị GPV tống giam, điều tra mạnh tay và không chịu nổi đành phải phun ra hết. Lập tức Magdalena đành lãnh án tử hình nhưng may mắn thay lúc ấy đang mang bầu nên được miễn tội chết vì “tiết lộ bí mật an ninh” mà chỉ chịu tội sống nghĩa là vài bản án tổng cộng hai mươi lăm năm tù.

            Cũng năm 1927, một vụ án mật báo viên lừng danh cũng nổ bùng ở Kharkov nhưng trong một môi trường hoàn toàn khác, nghĩa là giữa cấp Đảng ủy: nữ đảng viên Nadezhda Vitalyevna Surovets không chịu trà trộn vô để “bán đứng” chính quyền địa phương Ukrainia. Do đó nàng bị GPV bắt và biến mất cho tới đúng một phần tư thế kỷ sau mới thấy mặt ở trại Kolyma, dù chỉ còn da bọc xương. Còn hơn những người biệt tăm luôn, chẳng có tin tức gì.

            (Từ năm 1930 trở đi thì khỏi còn những vụ tù tội vì không chịu chỉ điểm nữa, giản dị vì GPV đã sai bảo thì hết chối từ, hết trốn luôn! Vấn đề mật báo là bắt buộc. Có lương tâm đến mấy cũng tự an ủi đại khái: “Mình không làm thì thằng khác cũng làm vậy”, “Tội gì mình ‘chịu’ thay cho nó nhỉ?”… hoặc “Nó vậy đó, chết bắn cũng vừa”! Vả lại nhiều kẻ sẵn sàng xung phong quá mà! Vừa có thêm quyền lợi vừa được ca ngợi là cái chắc.)

            Năm 1928 ở Mạc Tư Khoa bùng nổ vụ án Shakthy đáng gọi để đời. Nhà nước vừa cố tình thổi phồng đã đành mà các bị cáo còn tự thú, tự bôi nhọ đến mức không ai dám ngờ, dù chẳng phải tất cả đều quá hèn. Mãi đến hai năm sau, vào tháng 9 năm 1930 mới phăng ra những chính danh thủ phạm từng tạo ra nạn đói. Chúng đây rồi, chúng là 48 thằng phá hoại nằm ngay trong các cơ sở sản xuất thực phẩm! Cuối năm 1930 còn vụ án hội kín kỹ nghệ (Promparty) mới là quái gở. Chưa có vụ án nào thổi phồng quá lố, quá nặng nề về trình diễn và diễn tập thuần thục cỡ đó. Từng bị can một đứng ra nhận tội, tự gánh lấy tội, đủ mọi thứ tội ghê gớm làm như bây giờ tấm màn mới buông xuống, bộc lộ không thiếu sót một chi tiết nào. Đúng là cả một kế hoạch tối đại quy mô đủ để chứng minh rằng bao nhiêu những vụ lặt vặt từ trước đều chỉ do một vụ gốc này mà ra, một âm mưu nung nấu dài hạn để phá hoại thâm hiểm mà thủ phạm là cả một loạt, từ Milyukov, Ryabushinsky. Deterding tới Poincaré luôn!

            Khi đã hiểu bộ máy tư pháp làm việc như thế nào thì ta mới hay tất cả các phiên toà đều chỉ là bề ngoài, là phần nổi của cả một hệ thống quan yếu nằm chằng chịt ngầm bên dưới và mọi tính toán đã xong hết cả. Ngay những bị can ra toà cũng chỉ chọn lọc để đưa ra, chỉ có một số mà dĩ nhiên phải là số ngoan ngoãn chịu tự phản tỉnh, tự buộc tội chính mình và tố cáo đồng chí của mình để may ra có thể thoát nạn chăng.

            Sức mấy những tay thừa đủ can đảm, thông minh “đi guốc vào bụng” lại chịu mắc mưu bọn thẩm vấn viên để xin được ra toà xử công khai như vậy. Mà kết quả là dù không phản tỉnh, tự thú gì hết thì những bản án có sẵn của GPV vẫn cứ đồng đều nhau hết: công khai ra toà hay ngấm ngầm bị đưa đi cũng cứ 10 năm.

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 14:05:57 bởi CTT >
            #6
              CTT 08.08.2008 15:36:49 (permalink)
                2. Những dòng sông người chảy vào tù ngục (tt)


                   Hệ thống ống cống ngầm vừa dùng để tiếp nhận những đợt sóng tù mà còn là ống tháo cho cuộc sống nở hoa bên trên. Đúng vào lúc cần thiết thì phải nảy ra biện pháp đóng góp chung thì cả nước phải chia đều trách nhiệm chớ. Những kẻ chưa bị tống xuống miệng cống, chưa theo ống cống dẫn vào một hòn nào đó trong quần đảo ngục tù thì có bổn phận phải diễn hành bên trên, vác biểu ngữ đi hoan hô các phiên toà xử, hả hê vì sự phán xét của Công Lý.

              Quả thực vô cùng lo xa! Mấy chục năm qua thế nào chẳng có người ngó lại dòng lịch sử để nhận định rằng có quần chúng yểm trợ như vậy thì đám Công an Mật vụ, mấy ông toà ngồi xử cũng như bọn đao phủ hành hình nào có phạm tội gì? Họ chỉ làm đúng nhiệm vụ của họ, như một công dân mà. Chẳng qua lúc bạc đầu mới biết mình ngu dại, khốn khổ là đáng đời!

              Chính Stalin đã cho lệnh quần chúng biểu dương tinh thần trong vụ án 48 thằng tạo ra nạn đói. Làm gì quần chúng chẳng nổ bùng công phẫn? Nước Nga xưa nay lúa gạo thừa ăn bây giờ cả nước đói thì hiển nhiên người dân phải đau khổ nhìn quanh, hỏi rằng:

              “Thế thì lúa mì của chúng ta chạy đi đâu hết? Trước toà có dịp rửa hận thì đại diện công nhân vô sản không đòi án tử hình sao được? Cũng như phiên toà đang xử bọn Hội kín kỹ nghệ (Promparty) thì biết bao nhiêu quần chúng kể cả học trò nhỏ đã mít-tinh, biểu tình rồi. Báo chí đăng hình ảnh bao nhiêu cuộc mít-tinh cả triệu người dự và tiếng hô khẩu hiệu ngoài đường rầm rập vang dội các phòng xử: “Tử hình! Tử hình!”.

              Giữa lớp lớp khẩu hiệu rền vang trời đó thì lâu lâu cũng cất lên vài tiếng kêu bé nhỏ dám đơn độc chống đối chớ. Chỉ một tiếng không âm thầm mà là cả một dũng cảm phi thường chớ chẳng giản dị dễ dàng như ngày nay! Vậy mà thời buổi này có mấy người dám liều mình bỏ phiếu chống? Cũng vẫn quá hiếm!

              Theo chỗ chúng tôi biết thì những kẻ dám cất tiếng chống đối cô đơn đó vẫn là những người trí thức yếu mềm nhưng không chịu cong lưng. Đó là những người như giáo sư Dmitri A. Rozansky ở Viện Bách khoa Lêningrad được mời họp nhất định không chịu đến chỉ vì ông xưa nay vẫn chống lại bản án tử hình, bất cứ gì một tội trạng nào giữa cao trào pháp trường mà có thằng dám vậy thì chấp nhận sao được? Rozansky bị bắt tới bắt lui, cũng như sinh viên đệ tử Dima Olitsky vậy. Để kẻ nào hó hé chống là phải câm luôn.

              Trong các giới tán thành án tử hình có đám công nhân trung niên đã đành, mà trẻ trung như Đoàn Thanh niên Cộng sản, trung kiên như các lãnh tụ và thế lực như đám sĩ quan cao cấp cũng đều hét lên, không tha. Có những nhà làm cách mạng lừng danh, những lý thuyết gia, những nhà tiên tri của chế độ 7 năm trước cất tiếng hoan hô sự phẫn nộ của quần chúng mà không ngờ 7 năm sau lại đến lượt mình bị xách cổ đi, vẫn giữa những tiếng hò in hệt!

              Cũng may ra giới kỹ thuật gia là đầu năm 1931 còn có cơ hội sống nhờ Ioif Vissarionovich đặt ra 6 tiêu chuẩn kiến thiết mà cứu nguy nhất là điều thứ 5, đại khái, là “thay vì chủ trương tiêu diệt gọn bọn kỹ thuật gia chế độ cũ, tại sao không chiếu cố, không sử dụng họ?”.

              Ôi đẹp làm sao sự chiếu cố! Vậy là khỏi cần kết tội, khỏi cần lên án nữa sao? Trớ trêu ở chỗ đúng lúc đó đang có phiên toà xử những thằng phản động phá hoại trong ngành đồ gốm. Bao nhiêu thằng phản động đang khai răm rắp, biết bao nhiêu tội ghê gớm và tội gì cũng thành tâm phản tỉnh, trăm miệng như một. Bỗng đâu điều số 5 của Vissarionovich từ trên trời rơi xuống và lập tức tất cả bị cáo đều la lớn: “Tôi vô tội. Chắc chắn tôi vô tội”. Và tất cả được toà phóng thích!

              (Đó là năm duy nhất, năm chiếu cố nên có vài đợt sóng ngược nho nhỏ: vài người đã thành án hay đang chờ ra toà được phóng thích. Vậy là ông ta đã thắng Stalin một keo chăng? Phải chăng nếu mọi người dám hành xử đúng quyền hạn của mình, không chịu khuất phục thì trọn cuốn Quần đảo ngục tù hay 1 chương cũng khỏi cần phải viết?)

              Năm đó Stalin còn bận nghiến nát dưới gót chân cho xong phe nhóm Men-sê-vích quặt quẹo. Tháng 3 năm 1931, Trung ương Đảng bộ Men-sê-vích ra toà với Gruoman Sukhanov Yokubovich (26)
               bên cạnh nhiều vụ lẻ tẻ, địa phương.

              Bỗng nhiên Stalin “xét lại vấn đề”.

              Với đám từng đi đày Bạch Hải, nói về thủy triều lên xuống thì “xét lại” có nghĩa là con nước giựt, xuống thấp. Nhưng đầu óc đen ngòm của Chúa Đỏ so với triều sóng Bạch Hải đâu được? Mà có thể người chẳng “xét lại” bất cứ cái quái gì, triều nước chẳng hề lên xuống. Nhưng phải nhìn nhận năm đó có một phép lạ.

              Sau khi các đảng viên kỹ nghệ (?) xử xong thì nhà nước chuẩn bị vụ Đảng Nông dân thật đại quy mô để trừng phạt tội dám lập hội bí mật của những thằng có học ở thôn quê, những thằng chủ chốt trong các Hợp tác xã Tiêu thụ, Hợp tác xã Nông nghiệp – nghĩa là những thằng tương đối có khả năng văn hoá kha khá âm mưu lật đổ chế độ vô sản chuyên chế.

              Điểm tuyệt vời bất khả chối cãi của GPV là vụ án đảng kỹ nghệ “ma” còn đang xử thì đã có tin cái đảng cũng “ma” nốt là Đảng Nông dân đã được Công an chuẩn bị xong hết hồ sơ, người câu lưu cũng lên tới số ngàn.

              Đặc biệt đảng “ma” mà cũng có cả ngàn người nhận là đảng viên và tham dự toàn những công tác ác ôn!

              Cấp lãnh đạo GPV hồi đó còn hứa hẹn cam kết sẽ quăng lưới bắt không dưới 200 ngàn “Đảng viên” nông dân.

              Bị kể là cấp lãnh đạo “đảng” có một số ông lớn đại khái nhà kinh tế học chuyên khoa Canh nông Aleksandr V. Chayanov, ông “Chủ tịch Hội đồng Chính phủ” tương lai N.K. Kondratyev, rồi Yurovsky, Makarov, chót hết có Aleksei Doyarenko (27)
              , giáo sư Viện Đại học Timiryazev (sau này lên giữ ghế Ủy viên Canh nông).

              Thế rồi bỗng một đêm Stalin xét lại. Một đêm đẹp trời mà lý do thì chẳng ai hiểu nổi. Không lẽ người định cứu rỗi linh hồn thiệt? Đâu phải! Hãy còn quá sớm. Hay là gặp lúc người thư thái, hân hoan chớ không lì lì, ác độc, giết người như thông lệ. Chao ôi, người gặp lúc vui vẻ cũng chẳng ai dám nói người vui!

              Nếu phải phân tích kỹ thì có lẽ đêm hôm ấy Staline đã cho rằng trước sau cả nước cũng sắp chết đói rồi, tội gì lựa 200 ngàn đứa cho “đi” trước cho thêm phiền. Thế là có lệnh ban ra, vụ án “Đảng Nông dân” đang rầm rộ, sôi nổi được xếp lại cái một! Bạn nào đã lỡ phản tỉnh thú tội rồi có quyền phản cung. Chao ôi, được phép phản cung thì còn gì vui mừng bằng.

              Chẳng cần buộc tội nhiều đến số ngàn làm gì! Chỉ bọn đầu sỏ Kondratyev, Chayanov lãnh án cũng đủ (28)
              . Vậy mà đến năm 1941 Vavilov bị điều tra mạnh quá vẫn phải khai có Đảng Nông dân thiệt mà chính ông ta là thủ lãnh.

              Thời gian trôi, chồng hồ sơ cao lên nhưng chẳng ai biết diễn tiến đích thực của vấn đề mà chỉ biết là nó nghệ thuật tuyệt vời.

              Không bao giờ GPV chấp nhận sơ sót và có một số vấn đề được coi như là đã có nếp, đại khái là: Tín đồ tôn giáo là bị bắt liên miên, không ngừng. Lâu lâu còn cho ra một cao điểm, chẳng hạn như “Đêm đả Thiên Chúa giáo” ở Lêningrad đúng vào dịp Giáng Sinh 1929. Thành phần tôn giáo có học bị vồ trước và dĩ nhiên chẳng có vụ sáng mai thả ra và chẳng phải “trò chơi Giáng Sinh”! Cũng ở Lêningrad tháng 2 năm 1932, giáo đường bị đóng cửa cả loạt và các cấp giáo phẩm bị tống giam đại quy mô. Dĩ nhiên còn nhiều vụ, ở nhiều nơi nhưng không được nhắc tới.

              Các giáo phái không phải phe Chính thống cũng bị thường xuyên khủng bố, dù có cảm tình với chế độ. Họ tổ chức theo Công xã, in hệt Cộng sản chế độ Hợp tác xã sản xuất cũng như hợp tác xã tiêu thụ điều hành rất là đàng hoàng, lương thiện, sợ cả trăm năm sau đất nước này vẫn không có nổi những hợp tác xã như vậy! Tuy nhiên họ có tội trí thức nên năm 1929 các công xã không lớn ở giữa miền Sochi và Khosta có bao nhiêu xã viên bị vồ hết. Vì có học nên kinh điển họ thuộc làu làu, làm sao chấp nhận nổi chủ nghĩa vô thần? Giáo điều của họ đi từ Báp-tít đến Yoga và tư tưởng Tolstoi. Theo quan điểm nhà nước thì lập công xã như vậy là phạm tội, không thể mang hạnh phúc lại cho nhân dân.

              Cũng thập niên 1920, các môn đồ Tolstoi bị đày đến miền đồi núi Altai để lập trại định cư cùng phe Báp-tít. Lại khởi sự lập khu kỹ nghệ Kuznetsk thì họ phải cung cấp thực phẩm. Khi quyết định bắt thì thầy giáo bị vồ trước (vì dạy sai đường lối chính phủ). Đám trò nhỏ rượt theo xe Mật vụ la lối om sòm và sau đó các chức sắc Công xã cũng đi theo mấy ông thầy.

              Đối với các đồng chí đảng viên Xã hội thì dĩ nhiên cuộc “phá trận” vĩ đại cô đơn vẫn phải tiếp tục, ngừng sao được?

              Cũng năm 1929, các sử gia lớn chưa có dịp thoát ra nước ngoài đều bị lùng bắt hết: từ Platonov, Tarle, Lyubavsky, Gotye, Likhochev, Ismailov… đến nhà học giả Bakhtin.

              Các nhóm dân thiểu số ở khắp nơi trên toàn quốc cũng không thoát khỏi GPB: làm loạn năm 1928 thì dân Yakut phải đi đày hết, cũng giống sắc dân Mông Cổ ở Baryat năm 1929. Số bị bắn lên tới 35 ngàn người nhưng sự thực tới bao nhiêu thì ai kiểm chứng nổi? Đám dân Karakh khởi nghĩa 2 năm 1930, 1931 lập tức bị những đội kỵ mã hào hùng Budenny đàn áp cất đầu không nổi và còn sót bao nhiêu thì vô khám hết. Liên minh giải phóng xứ Ukraine cũng bị điệu ra toà đầu năm 1930 (giáo sư Yelremov Chetkhovsky, Nikovsky…). Dĩ nhiên đám người ra toà chỉ là phần nổi, phần nhiều ai mà biết nổi.

              Sau cùng thì chầm chậm nhưng vô cùng chắc chắn, đến lượt chính các đảng viên cộng sản cũng phải vô tù như ai. Thoạt đầu từ 1927 đến 1929 là bọn “vô sản chống đối” – nghĩa đen là “những đảng viên đã chọn lầm một lãnh tụ thất bại là Trotsky. Mới đầu chỉ có số trăm nhưng rồi số ngàn mấy hồi? Chỉ có bước đầu là khó. Những kẻ Trotskyst chưa bị bắt trơ mắt nhìn bóng đồng chí của mình bị bắt in như hồi nào bọn họ chứng kiến các đảng khác bị vây. Vì trước sau cũng đến tù. Ngay phe khuynh hữu tưởng tượng! Bộ máy ngục tù đớp cái đuôi trước và dần dà nuốt thêm, thanh toán trọn phần đầu.

              Năm 1928 là năm bọn có tiền bị đốn, sau đám tiểu tư sản. Đó là những tay doanh thương trót tin ở những năm nhà nước nới rộng sách lược kinh tế mới, tự do giới hạn. Muốn tống giam bọn này thì quá dễ: chỉ cần gõ thuế thật nhiều, càng ngày các sắc thuế càng gia tăng và đến mức không thể chịu nổi, không thể có đủ tiền đóng là tù! Tù vì vỡ nợ, phá sản và bao nhiêu tài sản dành sung công quỹ. Đừng tưởng bọn doanh thương tép riu, hành nghề tự do lặt vặt như hớt tóc, thợ may, thợ sửa ống lò mà lọt lưới. Tịch thu môn bài gấp!

              Phải có lý do gì nhà nước mới đề ra sách lược kinh tế mới 1921-1928 chớ? Đó là thời kỳ nhà nước cần tiền, cần vàng mà chưa có trại tập trung khổng lồ Kolyma. Mãi 1929 mới có cơn sốt vàng, không phải có những người đổ xô đi tìm vàng mà họ đã có sẵn vàng mà GPV bắt phải nhả ra. Tại sao không đưa ra con ngáo ộp Gulag để mấy thằng còn lén lút giữ vàng, phải hiểu rằng không nạp ra là đi đày tức khắc. Đợt sóng này có thể gọi đợt sóng vàng vì đám người ngoan ngoãn như cừu ấy có tội gì ngoài tội có một số vàng mà GPV tin là họ còn giấu, do đó phải đoạt bằng được.

              Đám người GPV cho là có vàng đâu có ít. Khám đường lại có dịp nghẹt cứng tù vàng, mấy ông thẩm vấn vừa phải quay liên miên thật, nhưng ở các khám trại dọc đường, ở trên xe chở tù cũng như trong các trại cải tạo số tù vàng thực sự chẳng có bao nhiêu.

              Những mặt có vàng thoát sao nổi hồ sơ GPV? Đó là những chủ nhân ông 15 năm về trước buôn vàng lớn, những chủ tiệm vàng, những thợ kim hoàn. Với GPV đó là những quân đầu cơ, tích trữ vàng, không có tội sao?

              Tuy nhiên đó chỉ là suy luận của GPV. Đồng ý họ từng có vàng thật, nhưng bây giờ đâu còn. Nó đã biến thành tiền, thành nhà cửa, thành cổ phần. Nó có thể mất tiêu từ ngày Cách mạng, không còn lấy một ly! Thế là không gõ được vàng kim hoàn, GPV bèn chiếu cố đến những ngành có liên hệ đến vàng, bọn nha sĩ, thợ răng làm răng vàng và thợ đồng hồ làm vỏ vàng.

              GPV còn trông vào những tố cáo điểm chỉ để lượm những số vàng vô cùng là bất ngờ: có ai dè một lão chuyên moi ống cống lại tình cờ bắt được và giữ khư 60 đồng tiền vàng 5 rúp từ thời Nga hoàng? Có ai ngờ gã thân binh Muravyer gốc Tây Bá Lợi Á xuống Odessa lập nghiệp lại kè kè một túi tiền vàng? Bọn thợ đãi vàng gốc Tatar ở Petesbourg có đứa nào không giấu chút đỉnh?

              Vấn đề thực, giả cứ tống vô tù là biết liền, chỉ có cách đó. Vấn đề bị tố cáo có vàng quan trọng đến nỗi có gốc vô sản hay có công trạng với cách mạng cũng không khỏi tù tội. Có người tố cáo là GPV cho nằm khám cái đã, cho nên xà lim lúc nào cũng chật cứng người, chen chân không lọt: càng khổ sở càng mau khạc ra mà. Xà lim chật, người đông, đàn bà đàn ông nhốt chung và đi cầu dĩ nhiên cũng chung, ngồi chồm hổm ngay trên thùng phân. Đã kẹt cảnh này còn nghĩ ngợi gì nữa!

              Điều quan trọng là vàng đâu nạp ngay! Khỏi cần hỏi cung, lập thủ tục truy tố làm chi cho mất công. Vấn đề là nhà nước cần vàng chớ tư nhân giữ mà làm gì! Đối với đợt tù vàng này thì khoẻ ru. Nộ nạt, cật vấn làm chi cho phí lời và đánh đập, tra tấn làm chi cho phí sức?

              Có một phương pháp vô cùng hữu hiệu là đói cho ăn thật mặn nhưng uống nước tuyệt đối không có. Phải nhả vàng ra mới có nước uống: cứ một ca nước là một đồng tiền vàng! Chưa bao giờ thành ngữ “chết vì vàng” đúng đến thế.

              Đợt bị bắt vì vàng xem ra không giống những đợt trước hoặc đợt sau: có thể nói, nửa sống nửa chết là tùy nơi mình. Chỉ khổ những kẻ khai không có bị đánh đập, tra tấn, đốt cháy, bị hãm đến mức gần chết mới được tin là không có vàng thực.

              Nhưng nếu có giấu vàng thì phải tính trước sẽ bị tra tấn tới cỡ nào, có chịu đựng nổi không và liệu có bỏ mạng không. Điều đó khó chứ không dễ, xét về mặt tâm lý vì lỡ khai sơ sẩy một chút dám ân hận cả một đời. Còn những người từng có kinh nghiệm GPV thì tốt hơn khạc ngay ra trước là khôn. Tuy nhiên cũng phải chọn đúng lúc để thú nhận. Chưa gì đã nạp ngay cũng khổ vì GPV sẽ cho là còn vàng nữa, còn giam một chỗ còn phải khạc thêm. Chỉ tổ bị kẹt lâu thêm! Ngược lại cứ ráng cầm cự quá lâu mới nạp cũng tai hại: chỉ có khiêng thùng phân cũng khốn nạn cuộc đời mà còn có thể bị giộng một bản án – bản án thiệt sự về tội ngoan cố!

              Như trường hợp một gã làm mỏ vàng Tatar. Bị GPU câu lưu và tra tấn thế nào hắn cũng nhất mực không có. Vợ hắn cũng bị nắm đầu vô điều tra thật mạnh tay nhưng hắn vẫn lắc đầu. Đến lượt con gái hắn cũng bị giam thì ông thợ mỏ lì lợm đến mấy cũng hết chịu nổi, đành phải mửa ra đủ một trăm ngàn đồng rúp vàng! Vợ con được về, sau khi nạp vàng nhưng chính đương sự thì đi tù luôn. Rõ ràng những chuyện cướp bóc, cưỡng đoạt tưởng đâu chỉ có ở tiểu thuyết hay sân khấu thì biểu diễn ngay ban ngày ban mặt ở ngoài đời trên khắp nước.

              Sắp bước qua thập niên 1930, chế độ đi lại trong nước phải có giấy chu lưu đã cung cấp nhiều đợt tù đáng kể. Nếu Phê-rô đệ nhất đã tối giản dị hoá cơ sở xã hội Nga cổ bằng cách quét sạch mọi địa phương nho nhỏ để gom về một mối thì chế độ di chuyển bắt buộc phải có giấy chu lưu đã làm chết đứng bọn sâu bọ. Nó đập nặng thành phần không nhà không cửa, khôn ngoan nhưng nay đó mai đây chẳng có gì là sở định. Khi mới ban hành luật giấy chu lưu, nhiều người còn lơ là cho đến khi ở không khai báo, đi không xin phép là tức khắc bị lùa vô quần đảo. Giá cải tạo thông thường là một năm thôi!

              Thế là sóng tù lớp lớp từng đợt ngầu bọt. Lớp sóng cao nhất, vĩ đại nhất trong 2 năm 1929-1930 là đợt triều tên kulak. Bọn này đã quá đông mà đám tù vàng làm sao tống vô những trại câu lưu điều tra cho nổi? Mà cần gì điều tra? Thảy đại lên toa xe tù, gặp khám dọc đường là nằm lại ít lâu rồi nhập vô một hòn nào đó trong quần đảo ngục tù. Nếu kể về số lượng thì đợt sóng kulak phải kể như một đại dương tù. Chẳng có siêu cường nào có nổi một đại khám đường chứa đủ ngần ấy bần cố nông, kể luôn từ ngày Nga lập quốc. Đó là cả một cuộc “di dân, định cư” bó buộc, một thảm hoạ cho cả một thành phần lớn. Nhưng từ GPU đến quần đảo là cả một hệ thống sắp đặt cực kỳ tuyệt vời nên đám thị dân không sao biết nổi, nếu chính họ không bị đói dài đúng 3 năm. Một nạn đói kỳ lạ quá vì đâu có thiên tai, hạn hán, lụt lội hoặc chiến tranh?

              Đợt tù kulak vĩ đại còn có điểm đặc biệt khác hẳn là khỏi có vấn đề người lớn, chủ gia đình bị đi trước và đàn bà, con nít đi sau. Tất cả đều phải đi một lượt, con nít lên 6 cũng không thoát chớ đừng nói mười một, mười hai.

              Cái vụ con nít cũng đi đày và bỏ xác thì đây quả là thí nghiệm đầu tiên trong lịch sử nhân loại văn minh. Sau này lịch sử cũng chỉ dám tái diễn đúng hai lần: một là Hitler thủ tiêu toàn bộ dân Do Thái và hai là lại chính Stalin trừng trị không sót một con đỏ trong những sắc dân trong liên bang hay bị lên án hoặc bị nghi ngờ phản bội.

              Thực ra đáng gọi là kulak thực sự có bao nhiêu, nhưng danh xưng tổng quát thì phải như vậy để “mà” mắt người dân. Ngôn ngữ Nga kulak là bọn vốn khổ cực, ở nhà quê nhưng không làm ruộng mà làm giàu trên lưng bọn bần cố nông nhờ cho vay lời cắt cổ và chuyên đứng trung gian ăn tiền, làm bất cứ cái gì miễn có tiền và tiền nhiều.

              Thời tiền cách mạng, địa phương nào chẳng có kulak nhưng ít thôi, có thể đếm trên đầu ngón tay. Sau cách mạng thì sáu tháng sống nổi bằng “nghề” kulak? Do đó từ sau 1917 thì danh từ kulak bỗng biến nghĩa (từ khẩu hiệu tuyên truyền, học tập trước rồi “đại chúng hoá” sau). Đó là thứ người mướn người, dù nhà có thiếu người làm đành phải mướn tạm đỡ tay đỡ chân. Tuy nhiên đã mướn người thì chẳng phải muốn trả bao nhiêu lương thì trả. Đã có Nông hội và Ủy ban bênh vực bần cố nông. Thằng nào trả công rẻ mạt, nghĩa là bóc lột thử coi. Thực ra cho đến bây giờ ở Nga mướn người cũng vẫn được chớ, miễn là lương kha khá.

              Danh từ kulak cứ thế mà được nới rộng, thổi phồng mãi nên năm 1930 thì bất cứ thằng nông dân nào có máu mặt đều là kulak, làm khoẻ, tổ chức cừ và có đức tin mãnh liệt cũng kulak! Chỉ cần nhớ lại cỡ 12 năm ai chẳng biết đạo Luật Ruộng đất lừng danh nếu không có sức mấy giai cấp nông dân chịu ngả theo Bôn-sê-vích. Và cách mạng tháng 10 thành công sao nổi?

              Do Luật Ruộng đất thì nhà nông có cày là có ruộng, căn cứ theo số miệng ăn và chia thật đều, cỡ chín năm sau, đám nông dân gốc Hồng quân giải ngũ về làng thì lấy đâu ra ruộng nữa? Đám được chia ruộng bỗng thành kulak và bọn lính phục viên thành bần cố nông! Có thể họ xin cấp đúng lúc, có thể vì may mắn đông con được chia nhiều và phần lớn làm ruộng giỏi và tranh ruộng hăng. Tự nhiên xảy ra tình trạng nông dân thứ thiệt thì không ruộng cày mà bọn thị dân vô dụng đuổi về vườn chẳng biết gì lại được cấp. Đám làm ruộng từng sản xuất nuôi cả nước năm 1928, kỹ thuật cao, quen nghề bị nhà nước đày một phát không thương tiếc lên tuốt miền Tundra cỏ úa nắng cháy hay lên vùng Taiga băng đóng quanh năm! Đã gọi “đi đày” thì làm gì có sự sản tư hữu. Dĩ nhiên tịch thu hết.

              Một phong trào di dân khổng lồ cỡ đó đã chẳng có lợi ích mà còn gây xáo trộn nặng. Phải tống đi đày cả những thằng nông dân nào lừng khừng không chịu tham gia nông trường tập thể hoặc không chịu lối sống tập thể, chỉ vì từ thuở cha sinh mẹ dẻ, họ đã nhìn thấy và đã biết gì đâu. Nếu họ có biểu lộ sự nghi ngờ thì cũng dễ hiểu quá mà.

              Ngày giờ này thì ta thấy họ nghi ngờ là đúng, là phải. Sinh hoạt nông trường tập thể đâu có khác tù khổ sai, mình chết đói để phục vụ mấy thằng to đầu. Mấy ông của bộ thực sự chỉ ngán, cho là nguy hiểm nông trường những thành phần nông dân nhiều khi không có của nhưng to lớn, khoẻ mạnh, tính nết liều lĩnh, thẳng thắn, không chịu khuất khúc quanh co nên mỗi lần nhóm họp là phát biểu ý kiến bặm trợn mà ác nhất là phần đông dân làng lại có cảm tình với họ (29)
              . Thứ nông dân đầu bò này tất nhiên cũng phải Tundra hoặc Taiga chắc!

              Ngoài ra làng nào chẳng có những tay vốn nổi bật hơn bà con ở một khía cạnh nào đó. Thế nào chẳng tạo ra ganh ghét, thù hằn? Vậy thì có quyền trong tay phải rửa hận, cho chúng vào danh sách đi đày cho rồi. Vấn đề là phải xếp tụi nó vào hạng người gì, có tội gì. Các “chuyên viên danh từ” bèn nặn óc cho ra chữ podkulaknik nghĩa là những thằng dây dưa, giúp đỡ bọn kulak!

              Nếu kulak là chính phạm thì podkulaknik hẳn là tòng phạm và còn chạy đâu cho thoát? Một nông dân nghèo mạt rệp, nghèo tả tơi cũng vẫn có thể là podkulaknik(30) .

              Nội kalukpodkulaknik cũng tóm gọn hầu hết những thành phần tinh hoa, chịu khó lao động, ngay thẳng trong làng. Đốn được tụi chúng tới gốc rễ là toàn quyền tiến hành nông trường tập thể. Vậy mà nông trường đã tập thể hoá hết cũng vẫn còn nhiều mạng đi tù với tội danh phá hoại! Đâu đâu cũng bọn phá hoại nông trường; họ là những kỹ sư canh nông tận tụy với nghề nhưng nhà nước cử từ Mạc Tư Khoa về nông trường làm công tác gieo mạ ngoài đồng. Ôi, kỹ sư canh nông mà lãnh chỉ thị gieo mạ thì không thất bại sao được?

              (Còn tới ngót 200 ngàn đảng viên Đảng Nông dân chưa bị đi tù kia mà!)

              Nhiều nhà canh nông thực thi sai chỉ thị Lysenko(31)  đành nằm khám thiếu gì. Như năm 1931 Vua Khoai tây Lorkh áp dụng sai lý thuyết Lysenko nên đi đày Kazakhstan. Trong khi đó có những chuyên viên Canh nông nhắm mắt tuân theo Lysenko răm rắp nên toàn làm chuyện ngược đời không!

              Như năm 1934, giới Canh nông ở Pskov nghiêm chỉnh tuân hành lệnh Lysenko, gieo hạt cây gai ngay trên bãi tuyết thì hạt giống sống sao nổi? Trọn năm cả một cánh đồng hoang vu vẫn hoang vu. Không lẽ Lysenko lại buộc tội kulak cho đám tuyết hay tự nhận mình ngu như bò? Vậy kulak còn ai ngoài những cán bộ canh nông dám phá hoại kỹ thuật “khuôn vàng thước ngọc” Lysenko! Cho chúng đi cải tạo bên Tây Bá Lợi Á.

              Liền sau đó hầu như mọi cơ xưởng sửa chữa, bảo trì máy cày, máy kéo cà các công cụ đều lòi ra, những sai lầm trầm trọng – năm đầu tiên nông trường tập thể thất bại vì vậy chớ còn gì?

              Tiếp đó là đợt tù mệnh danh tù thất thu hoa lợi. Nếu không đạt tới mức thâu hoạch dự trù từ năm trước bởi “Ủy ban Nhà nước Hoạch định Hoa lợi” là thất thu chớ còn gì?

              Lại có đợt tù mệnh danh “không giao nạp đủ số lúa ấn định sẵn cho nhà nước”. Số lượng phải nạp do chính một Ủy ban Chi bộ Đảng ấn định thì phải là đúng mức: nông trường nạp không đủ thì những cán bộ điều khiển đi tù.

              Có đợt tù đau khổ là tù mót lúa đêm, nghĩa là đêm đêm ra đồng cắt trộm từng nhánh lúa mì, một tệ nạn chưa từng có ở Nga! Bọn mót lúa này đâu phải ít. Sơ sơ cũng năm bảy chục ngàn người, đa số là con nít bị cha anh sai đi ra đồng cắt trộm từng bông lúa về ăn đỡ đói vì họ chẳng mong gì được nông trường cấp cho một hạt. Chỉ vì quá đói mà phải làm bừa chớ ngay hồi làm nông nô cho bọn địa chủ cũng chưa bao giờ mạt thế! tuy nhiên bị bắt đưa ra toà là lãnh đủ bản án mười năm vì dù chỉ mót trộm một bông lúa cũng kể như lấy cắp đồ của nhà nước, theo tinh thần Đạo Luật lừng lẫy ban hành ngày bảy tháng tám năm 1932 – đạo luật mà tiếng lóng trong tù gọi giản dị là Luật Bảy Tám.

              Cũng chính Đạo Luật Bảy Tám này cung cấp cho quần đảo ngục tù một đợt là đáng kể do những kế hoạch xây dựng của Chương trình Ngũ niên 1 và 2 ở các địa hạt vận tải, thương mại, kỹ nghệ… Trộm lớn thì đưa sang NKD trừng trị. Còn nạn ăn cắp là còn thêm tù, cứ khá đều đều trong 15 năm liền cho tới năm 1947, nhất là những năm chiến tranh. (Đúng năm 1947 thì đạo luật cũ còn được bổ túc thêm, nặng thêm.)

              Hết đợt tù này thì dân Nga có quyền thở phào nhẹ nhõm vì lề lối bắt người từng loạt có thể chấm dứt! Ngày 17 tháng 5 năm 1933, đồng chí Molotov tuyên bố: Nhiệm vụ của chúng ta không phải là thanh trừng từng loạt! Ôi nếu vậy thì sung sướng quá, đêm đêm đỡ phải giật mình. Nhưng… ô hay sao vẫn nghe tiếng chó sủa rộ lên thế kia? Giữa đêm không lý chó sủa khơi khơi?

              Sự thực phơi bày tức khắc, từ Lêningrad bùng nổ vụ Kirov.

              Vụ án Kirov làm tình hình đột nhiên căng thẳng, kinh khủng đến độ từng đơn vị hành chánh cấp quận ở Lêningrad đều phải thiết lập một bộ tham mưu đặc biệt NKVD và bắt đầu áp dụng thủ tục tư pháp cấp tốc. (Xin nhắc lại là chính cái thủ tục tư pháp đó chưa hề chậm!). Và quyền thượng tố cũng bỏ luôn, dù trước kia cũng chẳng có thượng tố bao giờ! Theo con số có thể tin được thì khoảng ¼ dân Lêningrad bị thanh trừng, nghĩa là “đi” luôn trong 2 năm 1934-1935. Nếu con số trên là sai thì xin mời những vị có thẩm quyền, có tài liệu và muốn công bố hãy bác bỏ thử!

              (Sự thực thì cuộc thanh trừng vĩ đại đâu có giới hạn ở Lêningrad mà thôi. Cả nước Nga đều phải lãnh hậu quả gắt gao, hỗn loạn. Đại khái như công chức đang làm việc mà xét lại thấy ông bố ngày xưa là linh mục là mất sở tức khắc. Có bà mẹ gốc quý tộc hay có bà con, anh em hiện đang ở nước ngoài cũng bị sa thải gấp.)

              Giữa những đợt sóng vĩ đại, rầm rộ vậy thì làm sao nhận ra những đợt sóng nho nhỏ, tầm thường? Không mấy người biết tới nhưng chúng vẫn dồn dập đổ tới, cung cấp dân số cho quần đảo:



              • Có nhóm Schutzbund, chiến sĩ võ trang của Đảng Dân chủ Xã hội Áo quốc vùng dậy đấu tranh giai cấp ở Vienna thất bại phải chạy sang Đất mẹ của Vô sản thế giới nương náu.

              • Có nhóm Esperantist, thứ người bị Stalin coi là nguy hiểm cần phải thủ tiêu ra tro than, cùng một lúc với Hitler ở Đức.

              • Có bọn còn sống sót trong đám gọi là Hội Triết gia Tự do, bị kê như những giới triết gia bất hợp pháp.

              • Có nhóm giáo sư bất đồng ý kiến với chương trình huấn luyện cao cấp từng nhóm trong phòng thí nghiệm. (Như năm 1933 nữ giáo sư Natalya Ivanovna Bugayenko bị cơ sở GPU ở Roston câu lưu và thẩm cung trong 3 tháng liền thì bỗng nhà nước có thông cáo nhìn nhận chương trình trên quả có sai lầm: Natalya được thả ra thản nhiên như lúc bị bắt vô vậy!)

              • Có những viên chức của Hội Hồng thập tự Chính trị cương quyết duy trì hoạt động của Hội, nhất là nỗ lực của Yekaterina Peshkova.

              • Nhiều bộ lạc sơn cước miền Bắc Caucasus bị bắt vì nổi loạn năm 1935. Trong khi đó nhiều sắc dân không phải Nga từ vùng này hay vùng khác tới. Ở công trường khơi kênh đào sông Volga, ra báo là phải viết bằng 4 thứ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Tatar, Uzbak và Kazakh. Khỏi nói là tù làm công trường ít nhất cũng 4 quốc tịch!

              • Có những người theo tôn giáo, nhất định không chịu làm ngày Chúa nhật là ngày của Chúa (họ chỉ chủ trương tuần lễ làm 6 ngày hay 5 ngày thôi). Lại có những nông dân ở nông trường tập thể nhất định không chịu làm việc những ngày lễ lớn. Các trang trại đã quen vậy rồi.

              • Và cũng như mọi lần, có một số người không chịu làm mật báo viên, chỉ điểm viên cho NKVD. Trong số đó đặc biệt là có những ông linh mục bị NKVD kêu tới, đòi hỏi phải báo cáo những lời xưng tội của con chiên. Cơ quan chủ trương đó là lợi ích thiết thực nhất của tôn giáo nhưng mấy ông cha đành chịu đi đày vậy.

              • Những giáo phái không thuộc hệ thống Chính thống giáo lại bị bắt nhiều hơn, đông hơn.

              • Dĩ nhiên các cựu đồng chí đảng viên Xã hội vẫn bị bàn tay “phá trận” khổng lồ tiếp tục đẩy vô quần đảo.



              Sau cùng còn một đợt sóng chúng tôi chưa hề nói tới, một đợt sóng thường trực đặt dưới danh hiệu Ban 10 hay là Hoạt động Phản Cách mạng (KRA), mà cũng còn là Hoạt động chống Xô-viết (ASA).

              Có thể nói trong những đợt sống tù liên tục đổ vào quần đảo. Ban 10 vô địch về sự đều đặn! Nó chẳng ngưng bao giờ. Mỗi lần có đợt bắt lớn như những năm 1937, 1945, 1949 thì thành phần Ban 10 vô tù càng đông thêm.

               

















              1/       Kalmyk là một sắc dân thiểu số trong Liên bang Xô-viết từ bao đời sống tập trung ở miền Bắc Caucase. Năm 1943 do lệnh của Stalin tất cả dòng giống Kalmyk đều phải đi đày tại Tây Bá Lợi Á vì lý do cộng tác với Đức.
              2/    Dân Tatar ở Crimea năm 1944 cũng bị Stalin ra lệnh đày hết qua Trung bộ Á châu cũng vì lý do trên.
              Dân Chechen ở miền Bắc Caucase năm 1944 cũng bị Stalin bắt đi đày cả nước cũng vị tội trên.
              3/   Thứ đảng viên cốt cán được gọi tắt (căn cứ ở mấy chữ đầu của tên Đảng, tiếng Nga nhưng Latinh hoá) là CADETS. Thành lập năm 1903 dưới thời Nga hoàng. Đảng Dân Chủ Lập Hiến chủ trương chế độ quân chủ lâp hiến và sau Cách mạng lật đổ Nga hoàng rồi vẫn giữ lập trường bảo thủ.
              4/    Nguyên văn là “bị liệng trong lu”.
              5/    Trích Vestnik NKVĐ (tức Nội san của Công an Nhân dân) trang 4, số 1 năm 1917.
              6/     Trích Subrannye Sochineniya (Toàn bộ tác phẩm) của Lênin, ấn bản lần 5, tập 35, trang 68.
              7/   Năm 1918, ở các làng xã địa phương mọc ra những Ủy ban mang danh hiệu “Bần cố nông” nhưng đa số ủy viên đều có Đảng. Gọi tắt là Kombed.
              8/     Tỉnh thị nhỏ ít ra cũng có một vụ hội kín phản động nhưng những trung tâm lớn như Kiev hay thủ đô Mạc Tư Khoa thì có nhiều. 

              9/      Trích Nội san NKVD năm 1918, số 11-12, trang 1.
              10/      Trích Công báo Liên bang Xô-viết, tập 4, trang 1968. Ấn bản Mạc Tư Khoa năm 1968.
              11/       Đảng Xã hội Cách mạng lập từ 1890, quy tụ nhiều phe nhóm quần chúng nhưng ngay trong Đại hội toàn Đảng lần thứ nhất họp bên Phần Lan tháng 12 năm 1905 đã chia làm 2 phe. Hữu phái chống bạo động, tả phái cổ xúy bạo động, khủng bố Đảng nắm vai trò then chốt trong chính phủ lâm thời sau khi lật đổ Nga hoàng và tả phái còn đi với phe Bolshevik ít lâu sau Cách mạng 1917.
              12/    Lời chú của người dịch: Menshevik nói một cách khái quát vốn cùng một gốc, là cánh theo khuynh hướng Dân chủ trong nhóm Xã hội Mác-xít. Năm 1903 sau đại hội toàn nhóm. Bị thiểu số nên tách khỏi phe đa số Bolshevik. Cuộc cách mạng Bolshevik thành công năm 1917 thì phe Menshevik lập tức bị thanh trừng.
              13/     Đảng Xã hội Nhân dân lập năm 1906, chủ trương cải cách thể chế dân chủ, chống đường lối bạo động, khủng bố.
              14/     Khám đường lớn ở trung tâm Mạc Tư Khoa, thuộc Butyzki. Còn gọi là Butyzka.
              15/     Trích nguyên văn “tác phẩm” của M.I. Latsis. Hai năm đấu tranh chống thù trong: Kiểm điểm thành tích Cheka. Ấn bản 1920 của nhà in nhà nước, Mạc Tư Khoa, trang 61.
              16/    Trích trong Tuyển chọn tác phẩm Lênin in hồi 5, tập 51, trang 47-48.
              17/   Chẳng hạn một nông dân trữ thóc là không được, dù nếu không trữ thóc thì họ trữ cái gì?
              18/   Lên tiếng về vụ này nhà văn Korolenko đã báo động cho Gorky trong bức thư đề ngày 10 tháng 8 năm 1911: “… Thế là lớp người làm ăn chăm chỉ, chịu khó nhất nước này thực sự đã bị đốn gục hết”.
              19/   Trích thuyết trình của Tukhachevssky "Đấu tranh chống bọn phản động khởi loạn" đăng trong tạp chí Chiến tranh và cách mạng, số 8, năm 1926.
              20/   Trong thư đề ngày 14 tháng 9 năm 1921 gởi Gorky, Karolenko đã cực tả tình trạng khủng khiếp trong các nhà tù năm đó: “Nhà tù nào cũng đầy nghẹt nạn nhân của bệnh chấy rận”. Shripnikova và các bạn đồng tù năm đó cũng xác nhận tình trạng thê thảm nói trên.
              21/ Trích thư Korolenko gửi Gorky ngày 29 tháng 6 năm 1922: “Lịch sử rồi đây sẽ ghi nhận rằng những người Cách mạng Bôn-sê-vích cũng áp dụng những thủ đoạn đối với những nhà cách mạng chân chính, những đảng viên Xã hội in hệt như chính quyền Nga hoàng thời đó. Nói trắng ra là dùng Công an, Mật vụ để đàn áp”.
              22/    Đã biết những chuyện này thì lâu lâu đọc báo sẽ thấy những tin tức tin không nổi. Như tờ Izvestia ngày 24 tháng 5 năm 1959 đăng tin một năm sau khi Hitler lên cầm quyền, Maximilian Hauke bị tống giam vì là đảng viên cộng sản. Hắn có bị thủ tiêu không ? Không, chỉ có hai năm tù! Và sau đó hắn có bị ở thêm ngày nào? Không, hắn được phóng thích. Xin tùy tiện suy nghĩ về những sự kiện đó! Tờ Izvestia đăng tin đó còn tiếp theo một bài ca ngợi lòng can đảm của Maximilian Hauke, tiết lộ rằng sau khi ở tù ra hắn sống bình thản và ngấm ngầm tổ chức lại chi bộ Đảng.
              23/    Genrikh G. Yagoda (1891-1918) Cán bộ Mật vụ Cao cấp, từng chỉ huy GPU và leo lên ghế Ủy viên (Tổng Trưởng) Nội vụ từ 1944 đến 1936. Sau khi bị đưa ra toà xử rùm beng, Yagoda bị xử bắn năm 1938.
              24/   A.F. Velichko là một kỹ sư nhà binh, nguyên giáo sư Viện Đại học Quân sự, cấp bực Đại tướng và là Cục trưởng Cục Quân vận Bộ Quốc phòng dưới triều Nga hoàng. Bị kết án tử hình. Phải chi còn Velichko thì năm 1941 đỡ khổ biết bao nhiêu! 
              25/      Lời chú của người dịch: Ordzhonikidze (tức Grigory Konstantipovich Ordzhonikidze 1886 – 1937) đàn em thân cận của Stalin, được trao phó Bộ Kỹ nghệ Nặng và tự ý tìm cái chết trong đợt thanh trừng dữ nhất năm 1937. Được coi như nạn nhân đáng thương nhất của Chúa Đỏ nên sau này danh dự được phục hồi và nắm tro xương được đưa vào Nghĩa trang Lãnh tụ bên cạnh Nhà mồ Lênin. Sau khi Stalin chết và bị Nikita S. Khrouchev hạ bệ, kết tội “thần tượng hoá” thì chính xác ướp của người nằm bên Lênin bị Nikita cho lệnh xách ra chôn thông thường và trớ trêu thay lại nằm cạnh bên những Kirov, Ordzhonikidze! Theo lời ghi nhận của Solzhenitsyn thì khi sanh thời quyền hành hách nhất thì Ordzhonikidze có thói quen thảo luận với các cộng sự viên (gốc kỹ thuật gia chế độ cũ) bằng cách kêu vô buya-rô “nói chuyện: mà ở mặt bàn ông Ủy viên vừa cầm tay trái cũng như tay phải, mỗi bên nằm sẵn một khẩu súng sáu.
              26/  Cũng nên nhắc lại Sukhanov này không ai ngoài đồng chí Sukhanov đã từng cho mượn ngôi nhà đường Karpoka ở Petrograd để Trung ương Đảng bộ Bôn-sê-vích ngày 10 tháng 10 năm 1917 họp để quyết định lần chót phải nổi dậy cách mạng võ trang. Ngôi nhà giờ được coi như di tích lịch sử, du khách đến Petrograd đều được các hướng dẫn viên đưa đi coi. Nhưng họ xuyên tạc là Đảng họp mà Sukhanov không hay chớ không phải đương sự cho mượn nhà.
              27/  Trong số các Ủy viên Canh nông Nga 40 năm sau này có ai bằng nổi Doyarenko? Trớ trêu thay là số mệnh con người. Doyarenko là con người nguyên tắc: suốt đời chỉ là chuyên viên gạt bỏ chính trị. Ngay đám bạn bè của cô con gái cưng tới chơi, thảo luận, hoan nghênh quan điểm tốt của Xã hội chủ nghĩa cũng còn bị đuổi ra cửa!
              28/   Kondratyev sau khi bị hạ ngục còn bị cấm cố, biệt giam nên phát khùng bỏ xác trong tù. Yurovaky cũng chết trong khám. Còn Chayanov sau khi nằm xà lim biệt giam 5 năm bèn được đi đày Alma Ata nhưng đến 1948 lại bị hạ ngục.
              29/    Thứ nông dân đầu bò này và số mệnh của hắn đã được nhà văn Sergri Xaliygin bất hủ trong tiểu thuyết của ông qua nhân vật Stepen Chausov.
              30/   Khoảng 1930 thì ở nông thôn, nghĩa chữ “podkulaknik” vô cùng rõ ràng và hợp lý, không lầm lẫn vào đâu được! 
              31/   Tức Trofim Denisovich Lysenko, sanh năm 1898, một nhà Sinh vật học chuyển ngành Canh nông, từ năm 1940 dưới thời Stalin có thể gọi là chúa trùm các khoa học gia nói chung. Cho đến thời Krushchev cũng vẫn được kể như một nhà bác học số một Liên bang Xô-viết về ngành Sinh vật học.

               
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 14:13:01 bởi CTT >
              #7
                CTT 09.08.2008 13:40:44 (permalink)
                (tt)
                 
                Ngược đời thay, nhất nhất mọi hành động của cải Cơ quan vô đâu cũng lọt, mắt mở ngày đêm trong bao nhiêu năm trời chỉ căn cứ vào một điều duy nhất trong số 140 điều thuộc phần đặc biệt của Bộ Hình Luật 126. Điều thứ 58 này xét ra phải dùng bao nhiêu hình dung từ ca ngợi mới đáng, những hình dung từ mà Turgenev đã đưa Điều thứ 58 quả có khả năng tóm gọn mọi sự không dùng ngôn từ chính xác mà bằng suy diễn biện chứng rộng rãi.

                Mấy người trong bọn chúng ta không từng biết qua tác dụng bao gồm của điều 58. Cứ sự thực mà nói thì trên cõi đời này chẳng có cử động, tư tưởng, hành động hoặc hành động nào mà không lọt vào tầm tay sắt trừng trị của điều 58.

                Chính nội dung điều 58 không hề sử dụng ngôn từ mông lung nhưng muốn diễn tả, muốn hiểu cách nào cũng được hết.

                Điều số 58 không nằm trong phần nói về các tội chính trị và chẳng bao giờ được xếp vào hàng “chính trị”. Nó nằm chung, cùng với những tội về trật tự công cộng và ăn cướp có tổ chức trong phần “những trọng tội chống lại nhà nước”. Do đó từ căn bản, nghĩa là căn cứ ngay vào Bộ Hình Luật thì các nạn nhân của điều 58 cũng đã không được coi như chính trị phạm, mà chỉ giản dị là thường phạm, hình phạm.

                Điều 58 của Bộ Hình Luật gồm 14 khoản.

                Khoản 1 ghi rõ bất cứ hành động nào (và thể theo điều 6 Hình luật, bất cứ một sự không hành động nào) nhằm việc làm suy yếu lực lượng quốc gia đều bị coi là phản cách mạng.

                Suy rộng ra thì một thằng bị đi đày nằm tại Lao động Cải tạo dù có kiệt sức, đói gần chết mà từ chối không chịu đi làm “nghĩa là” làm suy yếu lực lượng quốc gia. Tội đó là tội chết. (Đó là vụ xử tử những tên hoạt đầu trong thời chiến.)

                Từ 1934 trở đi, khi danh từ Đất Mẹ, Quê Mẹ được xài trở lại, nhiều tiểu khoản được thêm vô (từ 1a, 1b, 1c, 1d) định rõ tội Phản bội Đất Mẹ. Theo những tiểu khoản đó thì mọi hành động nhằm chống lại sức mạnh quân sự của Liên bang Xô-viết thì tội trạng phải là tử hình (tiểu khoản 1b) hay 10 năm tù (tiểu khoản 1a). Tuy nhiên bản án 10 năm chỉ áp dụng với thường dân và trong trường hợp rõ ràng có sự bất khả kháng.

                Suy rộng ra quân nhân Hồng quân mà chịu để cho địch bắt làm tù binh (tức làm suy yếu tiềm lực quân sự) mà chỉ phải ở tù có 10 năm thì phải hiểu đã là một biện pháp quá sức nhân đạo, gần tới mức bất hợp pháp rồi đó! Theo quân luật dưới thời Stalin thì chiến sĩ Hồng quân đã bị địch bắt, về được tới nhà là tất cả đều bị xử bắn ngay tức khắc.

                Dưới đây lại thêm một ca suy diễn rộng rãi. Tôi còn nhớ mùa hè năm 1946 tình cờ gặp ở khám đường Byturki một dân Ba Lan sinh đẻ ở Lemberg khi thị xã này còn là một phần đất của đế quốc Áo–Hung. Cho đến Thế chiến II hắn vẫn sống ở nơi sinh quán lúc bấy giờ là lãnh thổ Ba Lan. Sau đó hắn sang Áo, nhập ngũ và năm 1945 bị Hồng quân tiến sang Áo bắt làm tù binh. Bởi lẽ thị xã Lemberg nước Áo đã biến thành đô thị Lvov của Cộng hoà Ukraine nên hắn đành lãnh bản án 10 năm tù, chiếu điều 58–1a của Bộ Hình Luật, nghĩa là can tội phản bội quê mẹ của hắn là xứ Ukraine! Trong lúc bị hỏi cung, nạn nhân lại chẳng chứng minh được là mục đích hắn sang Vienna chẳng phải để phản bội xứ Ukraine. (Không chứng minh được là đành phải lãnh bản án 10 năm rồi!)

                Riêng về khoản phản bội lại có thêm một suy diễn phụ quan trọng là áp dụng “qua điều 19 Hình Luật” – Nghĩa là qua dự mưu. Nói cách khác thì chưa có sự phản bội nào hết nhưng trong cuộc điều tra, vị thẩm vấn viên đã nhận ra có ý định phản bội. Vậy là cũng lãnh đủ án tù, hoàn toàn không khác đã phản bội! Sự thực điều 19 Hình Luật, không dự liệu trừng phạt ý định phản bội, mà chỉ chuẩn bị, sửa soạn một cuộc phản bội mới là có tội. Tuy nhiên chính vì sự suy diễn rộng rãi mà ý địnhsửa soạn cũng in nhau!

                Mà căn cứ theo Hình Luật thì tội sửa soạn cũng bị trừng phạt đúng như đã phạm pháp vậy, đó là quan điểm của Chưởng Lý Vyshinsky. Người từng lý luận rằng: Nói chung, chúng ta không công nhận sự khác biệt giữa ý định phạm pháp và chính sự phạm pháp. Đó là một điểm, một sự trên chân rõ rệt của luật pháp Xô-viết so với luật pháp của bọn tư bản đế quốc. (1)


                Khoản 2 này còn rộng nghĩa ở chỗ dù không thể nói rõ ra ở chính điều 58 Hình Luật nhưng với quan niệm suy diễn tư pháp cách mạng thì phải hiểu nó đã được cấu thành để đặc biệt đối phó với những xứ Cộng hoà thành viên của Liên bang Xô-viết có thể có ý định ly khai. Nội chữ một phần đã tuyệt mà danh từ bằng võ lực còn mơ hồ, chẳng chỉ định rõ của ai, do ai xuất xướng. Đặt trường hợp toàn thể một nước trong Liên bang Xô-viết đòi ly khai mà Mạc Tư Khoa không chịu thì chính cuộc ly khai đó phải hiểu là bị ép phiến loạn. Do đó, các dân Cộng hoà Estonin, Latvia, Lithuania, Ukraine, Turkestan đều vì khoản 2, điều 58 Hình Luật, mà rất dễ dàng lãnh những bản án 10 năm 25 năm như chơi!

                Khoản 3 nói về tội “trợ giúp bằng bất cứ cách nào, phương tiện gì một ngoại bang đương chiến với Liên bang Xô-viết”.

                Theo tinh thần khoản 3 thì bất cứ một công dân nào kẹt trong vùng địch chiếm đều có thể tù hết – dù đóng đinh giày hoặc án một bó củ cải đỏ cho một tên lính Đức. Dĩ nhiên nữ công dân mà làm lên tinh thần địch bằng cách đi nhảy đầm hay đi chơi đêm với chúng là phải lãnh đủ. Trên thực tế thì không phải ai cũng bị khoản 3 này chiếu cố chỉ vì lẽ tối đại đa số ở trong vùng địch chiếm tuy nhiên vẫn bị khoản 3 này chi phối, vẫn có thể lãnh án dễ như không.

                Khoản 4 đặc biệt nhằm những kẻ – mỉa mai thay – có hành động trợ giúp bọn tư bản quốc tế.

                Không hiểu khoản 4 này định nhằm vào ai, Nga hoàng nếu biết suy diễn với tinh thần Cách mạng thì thấy rõ ngay: đó là những kẻ phạm tội xuất dương trước 1920 (nghĩa là trước khi Bộ Hình Luật ra đời gần chục năm!). Và ¼ thế kỷ sau, theo Hồng quân xuất chinh sang Âu (1944-1945) trở về cũng bị dính bởi khoản 4 điều 58 Hình Luật. Nghĩa là không chết cũng 10 năm tù.

                Lý luận của nhà làm luật Cách mạng thì sống ở nước người còn làm gì, ngoài việc tiếp tay cho bọn tư bản quốc tế?

                Đối với bọn trẻ khoái nhạc, vô hội nhạc thì ngay ở trong nước chúng cũng có thể tiếp trợ tư bản quốc tế như thường!). Ngoài ra tư bản quốc tế dĩ nhiên còn được trợ giúp bởi tất cả bọn đảng viên Xã hội Cách mạng, tất cả bọn Men-xơ-vích (đích nhắm của khoản 4 này mà). Và đương nhiên là phải còn bọn kỹ sư của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Hội đồng Kinh tế tối cao!).

                Khoản 5 đề cập đến tội thúc đẩy một ngoại bang gây chiến với Liên Xô. Đáng lẽ chính Stalin và bọn đàn em quân sự, ngoại giao những năm 40-41 phải lãnh đủ vì khoản 5 này mới đúng. Chỉ vì mù quáng, điên cuồng mà họ đã phạm chính cái tội đó. Nếu không phải họ thì còn ai xô đẩy nước Nga vào những cuộc thảm hại nhục nhã, chưa hề có tệ hại không thể chối cãi nổi là hơn cả những cuộc thất trận dưới thời Nga hoàng năm 1904, 1915. Từ thế kỷ thứ XIII có bao giờ nước Nga chịu thua trận nhục nhã cỡ đó?

                Khoản 6 là khoản để đối phó với gián điệp.

                Khoản này vốn rộng nghĩa đến nỗi nếu ta cứ xét đám người vĩ đại kẹt riêng vì khoản 6 điều 58 Hình Luật dưới thời Stalin thì bắt buộc phải hiểu rằng dân Nga hồi đó chẳng làm ruộng mà cũng chẳng có nghề ngỗng, hãng xưởng gì làm mà hầu hết chỉ sống nhờ đồng lương “gián điệp” do các cơ quan tình báo ngoại quốc cung cấp!

                Còn tội gì để gán cho một thằng muốn tống đi đày cho bằng tội gián điệp? Giản dị, thuận lợi ở chỗ một thằng lưu manh ngu ngốc, một luật gia lỗi lạc hay một gã nhà báo đều có thể bị chụp một cái mũ gián điệp mà quần chúng bị “mà” mắt quá dễ. (2)


                Khoản 6 điều 58 Hình Luật còn được suy diễn rộng đến độ nhiều nạn nhân lãnh án nặng không nhất thiết vì tội gián điệp thực sự mà nhiều khi chỉ vì tình nghi gián điệp (tức tội PSh) hoặc có thể là gián điệp song chưa có bằng chứng (tội NSh). Vấn đề là cả 3 cùng lãnh án tương đương vì mới có những tiếp xúc có thể đưa đến chỗ bị nghi ngờ gián điệp (tức SVPSh) cũng còn lãnh đủ kia mà.

                Đó là trường hợp một bà quen biết sơ với bà bạn của vợ anh. Cả ba người đàn bà cùng may đồ của một cô thợ may đầm vì quen cắt đồ cho phu nhân một nhà ngoại giao ngoại quốc nên được NKVD ngầm tuyển làm mật báo viên. Chỉ vì vậy cả ba bà chẳng bà nào thoát cả!

                Những mục câu lưu PShSVPSh chẳng phải ngon ăn. Phải lo nhớt cho kỹ và thường xuyên canh chừng nghi can: biết đâu chừng bọn tình báo ngoại quốc chẳng dư sức bắt liên lạc với người của chúng ngay trong Trại Lao động Cải tạo. Hai thứ PShSVPSh là có cho đi đày cũng phải tổ chức thành công voa, võ trang hộ tống hẳn hoi!

                Nói chung thì trong hệ thống của quần đảo ngục tù, lại có một thứ tội nhân không bị tống đi đày vì điều số mấy của Bộ Hình Luật…cũng chẳng phải khoản 6 điều 58 ác ôn…nhưng có điều đó là những con người khốn khổ nhất trại. Kẹt điều 57 đã khốn nạn mà lỡ bị gởi đi đảo với tội danh gồm một dọc chữ tắt bí bí mật mật, chẳng ai hiểu gì ráo! (Chúng ta sẽ gặp họ ở tít trang sau).

                Khoản 7 áp dụng cho những tội phá hoại, gây xáo trộn ở các địa hạt kỹ nghệ, vận tải, thương mại lưu hành tiền tệ.

                Khoảng thập niên 1930 thì những đợt cho đi đày tập thể lớn nhất đều dựa vào khoảng 7 điều 58 này. Chỉ nghe hai chữ phá hoại là hình ảnh đi đày đã liền theo rồi. Trên thực tế thì những tội danh ghi ở khoản 7 thì nhan nhản, đầy dẫy hàng ngày. Ủa, thế ra dân Nga bây giờ có người phạm tội phá hoại thiệt sao?

                Từ bao thế kỷ nay dân Nga vẫn cần cù sáng tạo, xây dựng, có lương tâm, đàng hoàng dù là phục vụ cho bọn địa chủ và quý tộc. Ngay từ dưới trào ông hoàng Ryurik (3)
                lập nghiệp có ai nghe nói nông dân, thợ thuyền Nga phá hoại bao giờ? Chưa hề xảy ra một lần! Nhưng bây giờ là lúc lần đầu tiên mọi tài sản quốc gia là của nhân dân công nhân làm để cho mình hưởng mà tại sao cả mấy trăm ngàn tay thợ ưu tú của nước Nga lại đua nhau phá hoại rầm rầm một cách khó hiểu như vậy? Mà lại phá hoại trong bốn ngành: kỹ nghệ, vận tải, thương mại và lưu hành tiền tệ.

                Cũng nên ghi nhận tội phá hoại ở khoản bảy chẳng đả động gì tới phá hoại ở địa hạt Canh nông. Nhưng thử hỏi nếu không có thì làm sao giải thích cỏ hoang mọc đầy đồng, tại sao mùa màng thất thoát, nông cụ tan hoang và cơn bệnh biện chứng làm hại lây tới cả Canh nông.

                Khoản 8 dự liệu trừng phạt tội khủng bố. Không phải sự khủng bố mà chính “Bộ Hình Luật Xô-viết đã được sử dụng làm nền tảng và căn bản hợp pháp” (4)
                mà khủng bố do những kẻ khác gây ra.

                Danh từ khủng bố muốn hiểu nghĩa nào cũng được. Không cần phải đặt mìn dưới gầm xe chính phủ mà chỉ bực bội đấm vào mặt một thằng địch thủ của mình cũng lập tức bị coi như có hành động khủng bố, nếu đương sự có gốc Đảng hoặc Công an hay Đoàn viên Thanh niên Cộng sản.

                Hạ sát một tay có gốc Đảng đâu phải chuyện tầm thường, kể như một thằng dân đen được? Đó là một chuyện quan trọng hơn nhiều (chẳng khác gì Luật cổ Hammurabi 18 thế kỷ trước Công nguyên!). Một thằng chồng bị cắm sừng uất ức hạ sát thằng tình địch: nếu nó chỉ là dân thường thì đỡ khổ biết mấy! Bất quá chỉ bị xử theo Điều 136 Hình Luật, một thằng tù tư pháp nghĩa là dù có đi đày cũng chẳng cần phải võ trang hộ tống. Chẳng may nó có Đảng thì chẳng phải giết người vì ghen mà là khủng bố, rơi đúng ngay vào khoản 8 điều 56!

                Nếu khoản 19 được suy diễn rộng theo tinh thần của Điều 19 Hình Luật, nghĩa là có ý định cũng tương đương với chuẩn bị, sửa soạn thì đe doạ trực tiếp một ông cán bộ Đảng bên cạnh bên một quán rượu nhẹ nhàng cổ: “Được rồi… Sẽ biết tay tao” hay rủa xả như một con mụ bán hàng ngoài chợ: “Sao không chết đi cho rồi”, cả hai đều đương nhiên bị liệt vào loại có ý định khủng bố, nghĩa là thừa đủ yếu tố để cấu thành tội trạng (5)
                .

                Khoản 9 nói về những tội dùng chất nổ hay dùng lửa đốt để tàn phá, làm sụp đổ một cơ sở – dĩ nhiên bao giờ chẳng nhằm một mục tiêu phản cách mạng? Nói gọn lại là bao động để phá hoại, gây rối.

                Khoản này còn được khai triển thêm, căn cứ trên sự kiện người thẩm vấn viên “đánh hơi” ra mục tiêu phản cách mạng vô cùng lẹ làng, “đi guốc trong bụng” nghi can. Mỗi sai lầm, sơ sót, hư hỏng ở công sở hay ở xí nghiệp mà không được bỏ qua đều có thể là một trong những ca bạo động, gây rối.

                Trong điều 58 thật chẳng có khoản nào có thể giải thích rộng rãi và có tinh thần cách mạng tích cực cao độ cho bằng khoản 10: “Tuyên truyền hay xách động – chứa đựng lời kêu gọi lật đổ, quấy rối, làm suy yếu nhà nước Xô-viết, và kể luôn cả việc phổ biến, soạn thảo, lưu giữ những tài liệu văn tự có nội dung tương tự”. Đặc biệt là khoản mười chỉ ấn định hình phạt tối thiểu trong thời bình (chẳng bớt, chẳng nhẹ chút nào!) nhưng tuyệt nhiên không ghi nhận mức tối đa của hình phạt.

                Suy rộng nghĩa ra, khoản mười còn được hiểu như sau: Tầm mức của vấn đề xách động chứa đựng lời kêu gọi đã được phóng đại để bao gồm cả vài ba thân hữu đàm luận với nhau, vợ chồng tâm tình hay một lá thư riêng. Một lời khuyến cáo, khuyên bảo giữa bạn bè với nhau cũng có thể là một kêu gọi và chuyện đó xảy ra quá thường.

                Còn “quấy rối, làm suy yếu bộ máy nhà nước Xô-viết” có nghĩa là đưa ra ý kiến không phù hợp, không tới mức độ hăng say của những bài báo đăng trong một ngày đặc biệt nào đó. Vả lại cái gì không củng cố tức là làm suy yếu, cái gì không ngay ngắn, vừa vặn hiển nhiên là “quấy rối” như mấy vần thơ Mayakovsky.



                Kẻ nào không cất tiếng ca với ta hôm nay
                Là đã chống ta rồi!


                Nên nhớ “soạn thảo tài liệu văn chương” hiểu rộng sang cả địa hạt thư từ, ghi chú, nhật ký dù chỉ có một thủ bản vẫn kể như tài liệu. Vì tính cách bao quát đó mà bất cứ một ý tưởng nào, còn ở trong đầu, hoặc vừa nói ra vừa ghi lên giấy đều thực sự nằm trong vòng kềm toả của khoản 10 hết.

                Khoản 11 đặc biệt ở điểm không nhằm một tội trạng nào mà dành chung cho tất cả trường hợp gia trọng của những tội liệt kê trong 10 khoản trên, nghĩa là can phạm hoạt động với tính cách hội viên của một tổ chức hay đương sự có tham gia một tổ chức nào.

                (Trên thực tế thì chẳng cần phải có một tổ chức nào đó mới bị với khoản 11 này. Bản thân tôi từng “lãnh” nó thật đau: Tôi và một người bạn, hai đứa viết thư cho nhau, thế là bí mật trao đổi quan điểm. Và nói một cách khác, chúng tôi là những khởi đầu cho một tổ chức và từ chỗ đó suy ra là một tổ chức đúng!)

                Khoản 12 quả đã đặt nặng vấn đề lương tâm cho người dân Nga thời đó bởi lẽ nó dự liệu trừng phạt tộ biết là không tố cáo những tội liệt kê ở các khoản trên. Và độc hại nhất là khoản 12 không thấy ghi hình phạt tối đa.

                (Khoản 12 này tuyệt diệu ở chỗ chính nó đã là một suy diễn quá đầy đủ rồi nên khỏi cần suy diễn gì thêm. Nó biết vụ đó mà không tố cáo thì khác nào chính nó làm.)

                Khoản 13 từ lâu đã bị coi lỗi thời, lạc hậu vì đề cập đến tội cộng tác với Okrana (6)
                . Tuy nhiên cũng một sự cộng tác tương tự sau này lại không phải một tội nữa mà là một hành động ái quốc (7).

                Khoản 14 cuối cùng ấn định những trừng phạt dự liệu cho tội “cố tình phá hỏng công tác được giao phó” hoặc “làm một cách tắc trách khiến hư việc”. Vắn tắt cũng gọi là “phá hoại hoặc phản cách mạng trên lãnh vực kinh tế” và án tối đa cũng có thể là tử hình.

                (Nhân vật thẩm quyền phán định giữa CỐ ÝVÔ TÌNH là bản thân ông thẩm phán viên, sau khi duyệt xét vấn đề để theo tinh thần cách mạng. Thành phần bị khoản 14 nhắm nhiều nhất là những nông dân không nộp đủ số thực phẩm bình nghị hay những tổ viên nông trường không làm đủ số “ngày lao động” ấn định. Sau mới tới những thằng tù đi đày không làm đủ “quô-ta” ban giám đốc trại đã bắt buộc. Thứ nữa - và sau khi chấm dứt chiến tranh - mới tới bọn trộm cắp, bất lương nhà nghề tức bọn blatnye hay blatari – phạm tội đào thoát bị bắt lại. Nói cách khác thì một dân chơi vượt ngục sẽ bị quy trách tội phá hoại kỷ luật trại giam chớ chẳng phải cố tình tìm tự do).

                Nếu quan niệm điều luật số 58 là một cánh quạt 14 cái nan – mỗi nan là một khoản – thì chỉ mới bấy nhiêu đó nó cũng bao vây cứng vận mạng một con người!

                Phải điểm qua một lượt đầy đủ một điều luật vĩ đại nhốt trong Bộ Hình Luật mới thấu hiểu được những sự kiện sẽ đề cập tới sau này. “Đâu có luật là chỗ ấy có tội ác” mà.


                *
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 14:15:17 bởi CTT >
                #8
                  CTT 09.08.2008 13:45:01 (permalink)
                  (tt)
                   
                  Bàn tay sắt của điều luật 58 được mang ra “thử lửa” lần đầu năm 1927 ngay sau khi ra lò đã quơ biết bao nhiêu đợt tù suốt một thập niên kế tiếp để rồi với còi thổi roi quất đã được sử dụng tối đa để giáng những ngọn đòn pháp lý lên đầu lên cổ dân Nga trong hai năm 1937-1938.

                  Điều cần nói trước hết là đợt bắt người khổng lồ năm 1937 chẳng phải tình cờ, ngẫu nhiên mà đã được chuẩn bị quá chu đáo. Sáu tháng đầu năm ấy biết bao nhiêu khám đường trên toàn quốc được “trang bị” lại thật tiện nghi? Phòng giam khỏi có giường cá nhân, ghế bố, mà giản dị chỉ có một bục cây chạy dài, một tầng cũng có mà hai tầng cũng có (8)
                  .

                  Những tay tù già nhớ như in rằng đợt tống giam tập thể đầu tiên đã bung ra và quơ bằng đủ nạn nhân ở khắp mọi nơi trên toàn quốc chỉ nội một đêm tháng tám (họ cả quyết vậy nhưng tôi chẳng tin nổi xét vì đã quá hiểu thế nào là trí nhớ ở trong tù!).

                  Nhưng có một sự kiện chẳng thể phủ nhận được là tháng tám năm đó bao nhiêu tù nhân trên toàn quốc đang hồi hộp chờ đợi đợt tổng ân xá cỡ lớn thế nào mà chẳng có nhân dịp kỷ niệm nhị thập chu nhiên ngày Cách mạng tháng mười thành công thì hỡi ơi đích thân Chủ tịch Stalin bất thần giộng một cú chẳng ai ngờ là thêm võ bộ Hình luật 2 “giá” mới là 15 năm và 20 năm (9)
                  !

                  Có lẽ nơi đây cũng chẳng cần phải nhắc rõ chi tiết về cái gọi là đợt thanh trừng 1937 xét vì đã quá nhiều người viết và sau này chắc chắn còn nhiều người viết nữa: đợt này là “kiếp nạn” của toàn những tay tổ, có gốc lớn, chức cao thế lực mạnh trong nội bộ Đảng, trong chính phủ, trong Bộ Tư lệnh Hồng quân và ngay cả trong GPU – NKVD nữa (10)
                  .

                  Có thể nói là ở khắp nước Nga năm 1937 không một tỉnh nào mà ông Tổng Bí thư Tỉnh Đảng bộ hay ông Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Tỉnh có thể sống sót kia mà Stalin phải chọn một cấp thừa hành thích ứng với mục tiêu mới chớ?

                  Dưới đây là tình hình trong tỉnh Tbilisi do Olga Chavehavadze kể lại. Năm 1938 đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Tỉnh, đồng chí Phó chủ tịch, tất cả Trưởng Thầy và Phó Thầy cũng như tất cả các sếp Kế toán, sếp Kinh tế đều bị hạ ngục một lượt. Lập tức một loạt người mới được bổ nhiệm. Nhưng chỉ hai tháng sau thì mọi sự lại diễn biến đúng in như trước: đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Tỉnh, đồng chí Phó chủ tịch, tất cả 11 tân Trưởng Thầy, tất cả các sếp Kế toán, sếp Kinh tế mới được bổ nhiệm cũng lại nằm khám đủ. Cả cơ quan Hành chánh Tỉnh còn mấy ông kế toán nhép, mấy ông tốc ký viên, mấy bác tống thư văn và mấy bà lao công. Chỉ ngần ấy mạng còn tự do.

                  Dĩ nhiên công cuộc thanh trừng những tay đầu não trong bộ máy Đảng phải có một lý do đặc biệt và dĩ nhiên chẳng hề được nêu ra trong bất cứ phiên xử hoặc tuyên án nào. Nói chung là tất cả những cán bộ Đảng từng hoạt động trước 1924 đều có ưu tiên là bị khỏi sót một mạng. Nhóm đảng viên gốc Lêningrad còn bị bắt dữ hơn đâu hết vì tất cả bọn họ đều trót ký vô “bản gốc” của Phe Chống đổi mới (nhưng thực sự họ đâu dám không ký. Họ đâu dám không tin Tỉnh Đảng bộ Lêningrad).

                  Dưới đây là một vài nét khác cũng xảy ra trong thời gian đó. Một phiên họp Quận bộ Đảng được triệu tập, thuộc quản hạt Mạc Tư Khoa. Chủ toạ là vị Tổng Bí thư mới của Chi bộ Quận vừa lên thay đồng chí cũ vừa bị hạ ngục. Dĩ nhiên trước khi bế mạc phải có một mục suy tôn lãnh tụ. Và cử toạ đều phải đứng dậy hết cũng như suốt buổi khai hội chẳng ai dám ngồi mỗi khi nghe thấy tiếng Stalin. Nhưng mục suy tôn ở phút bế mạc phải long trọng hơn, sự hoan nghênh phải rầm rộ, những tràng pháo tay phải nổ ran như sấm. Mục suy tôn sấm sét kéo dài 3 phút, 5 phút và còn tiếp tục, phải được tiếp tục.

                  Có điều hai bàn tay vỗ vào nhau mãi cũng phải đau và những cánh tay giơ lên hạ xuống quá nhiều lần cũng phải mệt chớ. Mấy đồng chí già phải mệt mỏi trước và phải đau khổ trước lớp trẻ. Và nói chung thì cả hội trường đều thấm mệt hết và sự suy tôn bỗng trở thành bực bội, cực hình chịu hết nổi ngay cả với những đồng chí từng thực sự ngưỡng mộ Stalin! Tuy nhiên cả hội trường đang hoan hô như sấm ai dám ngừng lại, ai dám làm người thứ nhất ngừng suy tôn?

                  Người có thể làm vụ đó là chính vị Tổng Bí thư Chi bộ Quận. Nhưng người còn đứng sững giữa khán đài, chính người vừa khai pháo cho sự suy tôn Lãnh tụ. Người vừa lãnh chức Tổng Bí thư thay thế cho đồng chí Tổng Bí thư cũ giờ đây đang nằm khám. Do đó người sợ!

                  Trong đám cử toạ dưới kia thế nào chẳng có mấy tay NKVD cũng đang suy tôn nhưng chắc chắn không quên lưu ý, ghi nhận thằng nào dám ngừng suy tôn trước mọi người. Khốn nạn ở cái xó hội trường ranh con này Lãnh tụ có thèm biết đến bao giờ mà đợt suy tôn sấm sét cứ thế mà kéo dài. Bảy phút, tám phút và còn bao nhiêu phút nữa mới xong đây? Không lẽ suy tôn cho đến té lăn ra chỉ vì đau tim? Thà đứng dưới hội trường, đứng núp ở những hàng sau cùng khỏi sợ lộ liễu thì muốn vờ vịt, cũng vỗ tay cũng giơ lên hạ xuống nhưng hà tiện hơi sức “ăn gian” phần nào còn được. Nhưng trên bục Chủ toạ đoàn muôn mắt ngó thấy thì suy tôn “ăn gian” đâu được.

                  Đứng chung với Chủ toạ đoàn có một gã đang giữ chức Cán bộ Giám đốc một xí nghiệp sản xuất giấy nho nhỏ. Hắn vốn ngang bướng, cứng cỏi. Hắn biết dư từ gốc rễ cả một trò suy tôn giả tạo nhưng cố làm cho như thực. Hắn cũng chẳng lạ gì tiếp tục cái trò này mãi chín phút mười phút thì thế nào cũng có chuyện. Nhưng hắn vẫn suy tôn vì liếc nhìn đồng chí tân Tổng Bí thư vẫn thấy đồng chí làm coi bộ vẫn còn hăng.

                  Thế là Chủ toạ đoàn cứ nhìn nhau và suy tôn lãnh tụ hăng nữa. Vẫn nổ như sấm, như sét đúng cho tới lúc toàn thể Chi bộ Quận hoan hô đứng quá mệt đến té gục xuống là cùng chớ gì. Tất cả cùng rời Hội trường bằng cáng là cùng chớ gì. Nhưng vấn đề là còn người nào đứng được là mục suy tôn vẫn còn.

                  May quá, ở phút thứ mười một thì đồng chí Giám đốc Giấy bèn khôn khéo nhìn quanh và đánh liều ngồi đại xuống. Phép lạ bỗng hiển hiện: cả một cao trào đang suy tôn sấm sét, hung hăng bỗng dừng cái độp. Chỉ một người tốp là tất cả cùng chấm dứt suy tôn, cùng dừng lại và ngồi xuống rầm rập như máy. Thế là thoát nạn hết! Ít ra đánh vòng quá lâu thì cũng phải có một con chuột biết mệt mỏi, biết tự ngừng cái trò đánh vòng chớ.

                  Tuy nhiên, màn chót đâu phải ở đấy. Phải có những dịp như thế này mới biết thằng nào cứng đầu chớ. Và biết ra là phải loại bỏ chớ.

                  Nội trong đêm đó ông Giám đốc Xí nghiệp Giấy bị mời đi. Bản án 10 năm thì chắc hắn sẽ lãnh nhưng dĩ nhiên tội danh phải khác. Có điều sau khi đặt bút ký tên vào mẫu số 206 là bản văn cuối cùng chấm dứt bản thẩm cung thì vị điều tra bèn nhắc khéo:

                  “Bạn nhớ suy tôn là chớ có tốp trước mọi người nghe.” (11)


                  (Nhưng vấn đề là phải làm sao? Muốn tốp thì tốp cách nào cho đúng bây giờ?)

                  Trớ trêu là ở chỗ bộ máy bắt người khỏi có đặt vấn đề, khỏi lựa chọn. Có vậy mới nghiền nát được người.

                  Giờ đây một huyền thoại mới nảy sinh. Cứ nhắc đến đợt tù 1937 thì bất cứ một hồi ký, một truyện lớn nhỏ nào đều nhắc tới thảm trạng mà các tay lãnh tụ Cộng sản hồi đó phải gánh chịu. Họ muốn chúng ta tin rằng hai năm 1937-1938 chỉ có những cán bộ có cỡ của Đảng Cộng sản bị thanh trừng – và gần như chẳng còn ai khác. Sự thực là nội hai năm đó số người bị bắt lên tới số triệu nhưng các ông lớn trong Đảng và Nhà nước chỉ chiếm nhiều nhất là 10 phần 100. Bằng chứng giản dị nhất là những dọc dài thân nhân xách giỏ thăm nuôi đứng xếp hàng chờ đợi bên ngoài những khám đường Lêningrad đại đa số là mấy “con mẹ đàn bà nhà quê”.

                  Sự thực là thành phần những người bị bắt trong đợt 1937-1938 vốn phức tạp đến nỗi muốn sắp đặt cho rõ ràng từng loại thì những tay chuyên viên thống kê khoa học nhất cũng phải điên đầu.

                  Sự khó khăn càng khó khăn hơn vì số người đã quá đông mà khi bị lùa tới quần đảo thì đã dở sống dở chết chẳng còn ra hồn người. (Với những người đương thời của những đợt thanh trừng thì lại càng không thể hiểu nổi).

                  Tất cả những đợt bắt bớ trong những năm đó chỉ căn cứ vào một thứ luật là sự ấn định “quô-ta” phải tống đi bao nhiêu người, theo tiêu chuẩn và kế hoạch đã vạch sẵn. Mỗi đô thị, mỗi quận, mỗi đơn vị quân đội đều có “quô-ta”, đúng thời hạn nào đó là phải bắt bằng đủ để đưa đi đày. Đại khái chỉ thị có vậy còn bao nhiêu chi tiết thực hiện đã có các Cơ quan An ninh lo.

                  Một cựu nhân viên Cheka tên Alekxandr Kalganov xác nhận một hôm Tashkent nhận được điện tín vỏn vẹn: “Gởi 200”. Bọn họ cũng vừa quét xong một mẻ lướI và hình như “con mồi” hết sạch, hết người bắt rồi. Họ đã bắt lố, bắt dư tới 50 mạng ở mấy quận rồi mà. Bỗng dưng một ý kiến chợt nảy ra.

                  Tại sao các quận Cảnh sát đang giữ một số thường phạm mà lại không sắp xếp lại bọn này, cho đại chúng vào khuôn khổ điều 58 Hình Luật? Bèn làm liền, làm cấp tốc nhưng vẫn còn thiếu. Đúng lúc đó Cảnh sát sở tại báo cáo xin chỉ thị Cheka: Có một đám dân du mục từ đâu kéo tới “lập trại” bừa trên đất công viên thành phố. Phải “giải quyết” họ cách nào?

                  Còn hỏi! Quả là một dịp cứu vãn tình hình. Cheka bèn cấp tốc tung nhân viên ra bao vây “làng du mục”. Cứ trai tráng từ 17 đến 60 là “mời đi” hết. Khép vô điều 58 Hình Luật là đủ ngay túc số!

                  Tuy nhiên nếu có trường hợp bắt không đủ túc số, ắt cũng phải có vụ xin bắn thêm. Chẳng hạn như Sở Cheka ở Cộng hoà Ossettia (theo lời Cảnh sát trưởng Zabolovsky) được Trung ương chỉ thị sẵn cho phép bắn đúng “quô-ta” 500 mạng. Cộng hoà Nhân dân Ossettia xin thêm và được chấp nhận 250 mạng nữa.

                  Tất cả những điện văn chỉ thị, liên lạc như trên giữa Trung ương và các cấp đều chẳng cần “mã số”, điện đài đặc biệt!

                  Vì vậy cô thư ký dây thép ở Temryuk mới tình cờ “bắt” được bức công điện “bạch văn” gởi tới và may mắn chuyển tới nơi nhận là Cơ quan NKVD. Đại khái bức điện tín nói: “Nội nhật ngày mai phải gởi đi Krasnodar đủ 240 thùng xà bông” ấy mà. Sáng mai cô thư ký sợ rụng rời vì nghe nói NKVD tối qua cho đi vây bắt quá nhiều. Lúc bấy giờ mới vỡ nghĩa “240 thùng xà bông” là cái gì. Bèn rỉ tai cô bạn, cho hay sự thực ghê rợn và sau đó đến lượt chính đương sự được NKVD mời đi luôn!

                  (Không hiểu hồi ấy sao các công điện NKVD ưa xài danh từ “thùng xà bông” để ám chỉ người. Vì tình cờ hay có hậu ý gì?)

                  Những ca nói trên dù sao cũng chỉ là biệt lệ. Vì “công vụ chuyên môn” nên bắt ít bắt nhiều cũng phải có một sự sắp đặt đàng hoàng mà ưa bị nhất là chính những cán bộ Mật vụ được gởi ra ngoại quốc hoạt động, thông thường thuộc thành phần ưu tú nhất của Konintern hay Cheka trong số đó có nhiều phụ nữ nhan sắc rất lộng lẫy.

                  Đang công tác quốc ngoại thì họ có lệnh triệu về và phần đông “bị” ngay nhà ga biên giới. Họ ngơ ngẩn, chẳng hiểu sao bị bắt…và họ có làm gì đâu. Chừng được mang về Trung ương đối chất mới hay là sếp họ phản, đi hàng hai! sếp phản và đã thú nhận thì nhân viên thống thuộc thoát sao nổi? Bị là bị hết, như trường hợp sếp Mirov Korona. Thành tích quá khứ càng sáng chói càng có phản tác dụng, chớ hy vọng hão “lấy công chuộc tội”!

                  Trường hợp bị bắt theo lệnh tập thể cũng có như bọn làm Công ty Hoả xa Đông Phương của Trung Quốc, tức Sở Hoả xa KVZhD. Tất cả đều bị bắt chung một lượt, kể như làm gián điệp cho Nhật nhưng cha mẹ vợ chồng con cái là bị tống giam một lượt, như nhau. Tất cả đều bị bắt sớm hơn, bắt trước đi vài năm kìa!

                  Những người gốc Đại Hàn ở bên Viễn Đông bị lùa đi năm đó là bị đi đày tuốt sang Kazhakhstan: đây là thí nghiệm đầu tiên về bụ bắt người tập thể trên căn bản chủng tộc. Ở Lêningrad thì cứ mang họ tên gốc Estonia là bị bắt liền, bắt thật dễ dàng mà tộ danh chỉ một thứ: dân Estonia chống Cộng.

                  Sau đó mới đến lượt toàn thể bọn có gốc Latvia, trong Hồng quân hay trong Cheka đều bị bắt hết. Mới đây dân Latvia còn được coi là con đẻ, kể như thành trì của Cách mạng, những cán bộ nòng cốt từng làm vinh dự cho chính Cheka. Ngay những cán bộ Latvia được chính nhà nước trao đổi tù binh năm 1931 cũng bị bắt luôn.

                  (Trong khi đó ở Lêningrad ngoài mọi cơ quan báo chí hai xứ Latvia và Estonia bị nhất loạt đóng cửa đã đành mà tất cả mọi cơ sở có tính cách văn hoá chung của Latvia cũng bị đình chỉ hoạt động tức khắc. Viện Văn hoá Latvia Phân bộ Latvia của Viện Herzen, Viện Kỹ thuật Latvia cũng như Câu lạc bộ Estonia.)

                  Giữa những đợt sóng lớn xô người vào quần đảo năm đó thì cuộc “phá trận” cô đơn mới đến hồi kết cuộc. Nghĩa là tất cả những thành phần còn sót lại được bàn tay khổng lồ quơ vô hết luôn. Khỏi cần phải giữ bí mật nữa mà đã đến lúc có thể chính thức tuyên bố “dứt trận”: bao nhiêu đồng chí Xã hội nằm khám đã lâu giờ “cho” đi đày tập thể hết. Bây giờ chỉ cần nói chung là đi Uaf, đi Soratov, đi tới một lò sát sinh nào đó trong hệ thống quần đảo là đủ.

                  Bây giờ cũng chẳng cần phải chỉ thị rõ thành phần trí thức phải cho đi đảo nhiều hơn dân thường vì mọi lần trước đám trí thức còn được chiếu cố thì lần này “sót sổ” sao nổi? Bây giờ chỉ cần một sinh viên ngầm tố cáo (sinh viên mà ngầm tố cáo bây giờ nghe chẳng lạ tai nữa!) rằng ở giảng đường, ông giáo sư chỉ luôn miệng dẫn chứng Mác Lê chớ chẳng hề đả động tới Stalin cũng đủ để ông giáo sư không thấy xuất hiện nữa. Nhưng thử hỏi nếu không đưa tên một đấng nào ra dẫn chứng thì sao? Cũng vẫn cứ bị, không trước thì sau vì tất cả những giáo sư Đông phương học ở Lêningrad thuộc thế hệ trẻ và trung niên đều bị đi đày cả.

                  Tất cả ban giảng huấn của Viện Đại học miền Bắc – trừ bọn làm mật báo viên NKVD – đều bị tống giam. Ngay các giáo sư Trung học, các giáo viên cũng không thoát kia mà.

                  Riêng thị xã Sverdlovsk có một hồ sơ đi đày mà ngoài ông Ty trưởng Học vụ Perel còn đúng 30 giáo sư Trung học (12)
                  . Tội danh chính thức để tống cả đám giáo sư này đi đày vì họ đã âm mưu tổ chức Cây Mùa Xuân để có lý do đốt sập trường! Lưỡi rìu cứ thế tiếp tục hạ xuống, đốn sạch bọn kỹ sư – nhưng lần này khỏi cần dán nhãn hiệu “tiểu tư sản” nữa!

                  Như trường hợp kỹ sư hầm mỏ Nikolai Merkuryevich Mikov chẳng hạn. Trên hoạ đồ lý thuyết thì đào con đường hầm phải đào như thế mới đúng nhưng chỉ vì một khác biệt địa tầng không thể tính trước được nên hai đầu hầm không đụng nhau. Thế là ông kỹ sư đụng điều 58 khoản 7 của Bộ Hình Luật và thời buổi này là 20 năm chẵn!

                  Cũng là nạn nhân của khoản 7 điều 58 Hình Luật nhưng chỉ phải lãnh có 10 năm là nguyên nhóm Kôtvich 6 người, cũng chuyên viên địa chất, cùng tội danh “cố tình giấu đi, không chịu khai quật lên số quặng kẽm để chờ quân Đức tới”. Nói cách khác là mỏ kẽm nằm đó nhưng họ không khai thác được quặng vậy.

                  Ngay sau những đợt bắt tập thể nói trên là những đợt đặc biệt mệnh danh Ch S, tức vợ con thân nhân của nạn nhân, kể cả những vị phu nhân của những ông mới đây còn lãnh đạo Đảng. Riêng ở một vài nơi như Lêningrad thì những kẻ lãnh án 10 năm mà không có quyền thăm nuôi (nghĩa là phải hiểu ngầm bắn bỏ rồi) là bắt buộc phải xếp vào loại Ch S. Và thông thường có nhãn hiệu Ch S là “có” 8 năm. Tuy vậy họ vẫn còn hơn đám kulak ở chỗ mình cũng phải đi đày nhưng con cái không phải đi theo!

                  Số nạn nhân năm đó phải kể từng đống, từng núi, vì NKVD không ngần ngại tấn công chính điện, ngay giữa thành phố. Hãy kể một nạn nhân G.P. Matveyeva thôi: chồng bị bắt, có ba anh em trai thì cả ba cùng bị luôn và bốn người bốn ca khác hẳn nhau. Màn kết là bốn kẻ đi chỉ về được một!

                  Có ông cán bộ Điện lực phụ trách một khu. Chẳng may trong khu ấy đường dây cao thế bị đứt. Thế là khoản 7 điều 58 được áp dụng tức khắc: 20 năm tù. Cũng như chú công nhân ở Perm tên Novikov bị tố cáo tội sắp đặt phá hoại cây cầu trên sông Kama vậy mà.

                  Cũng trong thị xã Perm công dân Yuzhakov bị chặn bắt ngay ban ngày thì ban đêm bà vợ bị Cơ quan cử người tới viếng. Họ đưa ra một bản danh sách lập sẵn, bảo người vợ ký đi, thú nhận là những người này có tới nhà bà ta dự phiên khai thội liên Đảng Men-xơ-vích / Xã hội Cách mạng. Bà vợ được dỗ-ngọt nếu ký tên vô sẽ được ở nhà nuôi 3 đứa con nhỏ. Dĩ nhiên NKVD có chữ ký: bao nhiêu người có tên trong bản danh sách thế là “đi” luôn nhưng người ký tên thì vẫn ở tù như thường.

                  Lại có trường hợp “trùng tên họ” của Nadezhda Yudenich mới là đau. Dĩ nhiên nằm khám 9 tháng thì Cơ quan cũng điều tra xong chỉ là chuyện ngẫu nhiên trùng họ với ông tướng Yudenich từng chống lại Hồng quân.

                  Kẻ bị bắt oan phải được trả lại tự do nhưng đau đớn ở chỗ bà mẹ không ai trả lại, chỉ vì quá sầu khổ cho đứa con gái bị lao tù oan bà mẹ già đã chết từ hồi nào.

                  Trớ trêu thay, cũng trùng họ có người chợt nghe thấy mà vồ đúng người thật: đó là trường hợp phim Lênin trong Cách mạng tháng Mười được mang về chiếu cho nhân viên y viện Staraya Russa coi. Trong phim có câu: “Palchinsky phải biết chớ”. Palchinsky là tên trùm phản động đã chống giữ Điện Mùa Đông hăng nhất. Bỗng nhiên có người chợt nhớ ra y viện này cũng có người nữ y tá tên Palchinskaya. À, đúng nó rồi! Cứ bắt thử coi! Thì tình cờ lại đúng boong “vợ thằng đại phản động” hồi chồng bị bắt và xử bắn đã “lọt lưới” chạy về quê thoát nạn.

                  Năm 1936 có 3 anh em nhà Borusko từ Ba Lan được cha mẹ mang sang Liên bang Xô-viết sinh sống. Cả 3 đứa Pavel Ivan và Stepan hồi đó còn nhỏ xíu nhưng lớn lên gặp đợt bắt lớn này cả 3 đứa cùng bị vì tội PSh nghĩa là tình nghi gián điệp – và đứa nào cũng lãnh 10 năm.

                  Bị kết tội ASA tức xách động chống nhà nước Xô-viết và cũng lãnh 10 năm có một thiếu phụ làm nghề tài công xe điện ở Krasnodar. Một đêm tan tầm khuya, nàng đi bộ về nhà đi ngang một địa điểm ở ngoại ô thành phố bắt gặp một chiếc xe vận tải pan nằm đường và có mấy người đang hì hục khuân “hàng”. Nàng liếc mắt thấy “hàng” được đóng kín vô thùnng hướng vẫn có những cái thò ra ngoài. Toàn những cẳng chân và cánh tay người không.

                  Ghê sợ quá toan bỏ đi thì nàng bị mấy người chỗ “hàng” giữ lại, ghi tên tuổi, giấy tờ, địa chỉ. Sáng sớm hôm sau đã có người tới tận nhà mời về Cơ quan, chừng điều tra viên hỏi tội gì, nàng cứ nguyên văn thấy gì khai nấy. Có vậy mà 10 năm tù!

                  Có người công nhân sửa ống nước có máy phóng thanh trong phòng nhà và cứ nghe tên lãnh tụ là cúp máy (13)
                  . Bị hàng xóm đem sự việc cáo giác – không biết ông bà hàng xóm quý hoá ấy ngày giờ này ở đâu – hắn bị ghép vào tội SOE, tức thành phần nguy hiểm và lãnh 8 năm tù.

                  Cũng một tội SOE tức thành phần xã hội nguy hiểm nhưng lãnh 10 năm tù là một gã thợ sửa lò, chữ nghĩa lem nhem nên những lúc rỗi rảnh khoái viết tên mình chơi. Không có giấy trắng thì hắn viết trên giấy nhật trình cũ đỡ vậy, có điều tình cờ hắn toàn viết tên hắn đè lên trên tên lãnh tụ. Giấy báo cũ thì còn ai lưu ý đọc làm gì, nếu không dùng vào công việc vệ sinh. Ngồi nhà cầu công cộng có gã hàng xóm tẩn mẩn “phát giác” sự bất kính trên va đem sự việc tố cáo tức thời.

                  Không phải hồi đó chỉ một mình Stalin khoái được thấy hình mình đăng báo – càng nhiều triệu càng tốt – nhưng đám đàn em thân cận cũng mắc chứng bệnh này. Nhiều lãnh tụ bị xúc phạm kiểu trên nên số “tác giả” dám làm bậy và ở tù ASA không phải ít!

                  Thời kỳ đó gọi dịch bắt người thật đúng. Từ phố này sang phố khác nạn bắt người “đi” nhanh như dịch-thời-khí và lây vô cùng dễ dàng, không ai hay biết! Nếu bệnh dịch có thể lan truyền kinh khủng chỉ vì một làn hơi, một cái bắt tay, một đụng chạm vô ý thì dịch bắt người cũng ghê gớm in hệt. Ví dụ chiều hôm nay anh vừa bắt tay một thằng ở ngoài đường, gặp gỡ rất tình cờ, nhưng sáng mai nếu nó bị Cơ quan bắt giữ và nó thú nhận đang cùng phe đảng âm mưu bỏ thuốc độc vào giếng nước toan sát hại cả tỉnh thì chính anh có bị bắt lây cũng là việc quá thông thường!

                  Bảy năm về trước đám thị dân xuôi tay ngó dịch thanh trừng đốn sạch sẽ nông thôn. Bảy năm sau đến lượt các đô thị bị quét nhưng chính nông thôn cũng ngất ngư gần chết. Không ngó ai nổi vì chính mình cũng đang hấp hối.

                  Vì nông thôn năm ấy cũng nhiều thằng nạp mạng vì đợt ASA. Như ông cán bộ quận, chuyên trách thanh tra thú y tên Saunin cũng lãnh bản án 15 năm vì nạn dịch trâu bò và mất mùa. Cũng vẫn còn nhẹ vì Ủy ban Quận bị xử bắn đâu có sót một mạng. Có ông nông dân già tình cờ được gặp đồng chí Bí thư Chi bộ Quận mừng quá bèn hỏi đồng chí Quận coi liệu đồng chí có hay 7 năm nay mấy người làm nông trường tập thể có làm thật mà thóc dân không được lãnh, chỉ có rơm mà lại quá ít vậy? Một câu hỏi mà 10 năm tù, chỉ vì đợt ASA tức “xách động chống nhà nước”.

                  Trường hợp dưới đây đau hơn bởi lẽ người nông dân 6 con đó phục vụ thật hăng cho tập thể, chỉ với hy vọng mai sau sống dễ thở hơn. Hắn phải tích cực thế nào mới được thưởng Huy chương chớ? Dĩ nhiên buổi lễ ân thưởng phải được tổ chức trọng thể với rất nhiều diễn từ ca ngợi làm hắn quá sung sướng, nổi hứng reo lên:

                  "Phải chi được bao bột thay vì tấm huy chương này thì còn sướng nữa! Có thể nào đổi được chăng?"

                  Giữa niềm vui chung cả hệ thống cười rầm rầm. Nhưng sáng mai người nông dân đó mang huy chương đi đày luôn và mang theo cả 6 đứa con nhỏ!

                  Tất cả những trường hợp bắt người như vậy có thể nào cho phép ta kết luận chỉ những người vô tội bị bắt sau không?

                  Không được! Tôi quên tiết lộ điều này! Ngay từ nguyên tắc, vấn đề có tội hay không đã bị cách mạng vô sản dẹp bỏ từ lâu. Ngay từ lúc khởi đầu thập niên 1930 nó đã bị kể như tư tưởng cơ hội chủ nghĩa hữu khuynh, do chính đồng chí Chưởng lý Vyshinsky phát biểu! Nguyên tắc đã định vậy thì nhất định chẳng thể chấp nhận những lý luận lạc hậu, cũ rích về có tội hay không có tội.



                  *
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 14:17:40 bởi CTT >
                  #9
                    CTT 09.08.2008 13:59:19 (permalink)
                    (tt)
                    Đợt sóng ngược chiều năm 1939 là một đột biến chưa từng nghe thấy trong lịch sử, một vết đen trên trang thành tích. Nó chẳng phải đợt sóng lớn, số người bị nhiều nhất chỉ từ 1 đến 2 phần 100, những kẻ còn bị giam giữ nhưng chưa thành án. Chưa phải đưa đi đày và còn sống sót. Đúng vậy, đợt sóng ngược thật nhỏ nhưng mục tiêu nhằm tới thì vô cùng hữu hiệu.

                    Đại khái cũng như thâu vô 1 rúp chỉ thối có 1 Kopeck nhưng cần phải tạo vết nhơ này để bao nhiêu tội lỗi bẩn thỉu trút hết lên đầu thằng Yezhov (14)
                    để củng cố cho đồng chí Beris vừa lên thay mà cũng đánh bóng cho Lãnh tụ luôn cho sáng đẹp hơn nữa. Có thể nói, với một đồng kopeck nhà nước đã chôn luôn một đồng rúp vô cùng khéo léo.

                    Dĩ nhiên nếu có đợt xét lại hồ sơ thì phải có một nhóm người được thả ra thực sự. Một vài bài báo còn bạo dạn vạch rõ ràng những trường hợp riêng rẽ của những nạn nhân mất mạng oan. Nhưng số thả ra quá ít, số còn kẹt thì quá nhiều, chứng tỏ những người còn kẹt quả là có tội thực sự. Những người vừa được tự do đâu dám hó hé, người nào cũng đã ký giấy tình nguyện câm mà sự thực thì họ cũng đã bị kinh hoàng đến độ run sợ, hết nói nổi! Vả lại có mấy người trong bọn đã thực sự nếm mùi đi-đày mà biết quần đảo ngục tù nó như thế nào.

                    Cuộc sống vẫn tiếp diễn y trang: tối tối thì Mật vụ Áo đen vẫn mò đi “công tác” mà ngày ngày đám trẻ vẫn ngoan ngoãn diễn hành.

                    Vả lại đồng kopeck được liệng ra thì nhà nước lại quơ vô, cùng trong một năm, cũng do những khoản lợi hại của điều luật số 58 ghê gớm. Đúng thế, sang đến năm 1940 thì còn ai nhớ ra đến lớp lớp những bà vợ vô khám chỉ vì không chịu chối bỏ chồng. Và dân đô thị Tambov mấy ai còn nhớ trong năm bình an đó có vụ cả một ban nhạc Jazz đang chơi cho rạp hát – chiếu bóng Modern bỗng bị lùa hết cả đi vì tất cả đều là kẻ thù của dân tộc.

                    Ai còn nhớ ra năm 1939 ba chục ngàn dân Tiệp Khắc đã bỏ quê hương bị Đức chiếm đóng, chạy nương náu với các bà con họ đang ở Nga? Dĩ nhiên chẳng thể đảm bảo trong số này không có một tên làm gián điệp cho Đức, nhưng tất cả 30 ngàn dân Tiệp tỵ nạn đều bị tống hết vào các trại tập trung ở miền Bắc (hồi chiến tranh với Đức cũng chính đám người này đi cung cấp “Binh đoàn Tiệp Khắc”).

                    Phải chăng cũng năm 1939 nhà nước mới chiếu cố tới mấy xứ anh em miền Ukraine và Byelorussia ở phía Tây và năm 1940 mới đến đám Cộng hoà Baltic và Moldavia. Thì ra đến lúc đó mấy xứ Cộng hoà anh em nói trên mới cần phải thanh trừng gấp, phải tống từng đợt vô quần đảo trước, kể như biện pháp phòng ngừa.

                    Vì tính chất những cuộc thanh trừng là phòng ngừa nên khởi sự là phải bắt trước những lớp người xuất sắc, nghĩa là có một điểm gì hơn người. Cứng đầu, có uy tín là bị trước. Rồi đến thành phần khán giả thông minh, sáng suốt, nghĩa là những con người có giá trị. Nhất là dân Ba Lan gốc gác ở mấy tỉnh cũ Ba Lan vừa sáp nhập.

                    (Đó là lúc phải ém nhẹm kỹ vụ thảm án Katyn nhưng cũng lúc đó trên những trại Cải tạo miền Bắc phải chuẩn bị tập hợp nhân lực cho các bình đoàn Sikozsky và Anders sau này.)

                    Nói chung, ở bất cứ đâu sĩ quan là không thoát. Để dám đâu kinh hoàng phải câm miệng mà cũng run sợ như rắn không đầu, không ai dẫn dắt. Có muốn kháng chiến cũng thiếu cấp lãnh đạo. Đó là lúc ân nghĩa đoạn tuyệt, bao nhiêu tình xưa nghĩa cũ đều chấm dứt hết. Khôn khéo, thủ đoạn trước hết.

                    Năm đó Nga chiếm trọn bán đảo Phần Lan nhưng không chiếm được dân được người. Tuy nhiên những cuộc xáo trộn, tái định cư dám dân có máu Phần Lan đã diễn ra khắp vùng Karelia thuộc Nga và ở Lêningrad: những đợt giam người đó chúng ta đâu để ý đến chỉ vì chúng ta đâu phải người Phần Lan. Cuộc chiến tranh với Phần Lan. Và dịp đầu tiên để chúng ta thuyết phục các tù binh, gán cho họ tội phản bội tổ quốc! Quả thực một sự gán ghép chưa từng có trong lịch sử. Chính anh có tưởng tượng nổi không? Vậy mà chúng ta không để ý tới.

                    Đó là một cuộc tổng dượt, đúng vào lúc chiến tranh vào lúc chiến tranh bùng nổ tiếp theo là một cuộc rút lui đại quy mô. Làm như cần phải mau mau rút gấp tất cả số người ở các xứ Cộng hoà miền Tây, khỏi vùng để lại cho quân địch. Trong cơn gấp rút nhiều đơn vị được bỏ lại nguyên vẹn, từng trung đoàn phòng không, pháo binh nằm lại Lithuania nhưng những thành phần khả nghi cần phải mang đi thì chúng ta xách theo cả mấy ngàn gia đình (số người mang theo đó chúng ta tống hết vô các trại giam, mà sau đó riêng ở trại Krasnoyarsk ít nhất cũng có tới 4 ngàn người bị bọn bất lương “làm thịt”).

                    Từ ngày 23 tháng 6 trở đi ở Latvia và Estonia, những cuộc bắt người cũng được thúc mạnh thêm, khói lửa càng lan tràn càng phải xô họ đi lẹ hơn. Họ quên không gỡ cả pháo đài mang đi theo như ở Brest nhưng điều họ không quên là xử bắn các phạm nhân chính trị ở ngay trong xà lim cũng như ở ngoài sân các khám đường Lvov, Rovno, Tallin và nhiều khám đường khác ở các xứ Cộng hoà miền Tây. Nội ở khám đường Tartu họ cũng đã bắn bỏ 192 tù và thảy xuống các giếng.

                    Một chuyện như vậy có thể xảy ra được sao? Được chứ, nhưng người ngoại quốc làm sao biết nổi? Chẳng hạn những người bị hạ sát trong xà lim thì thình lình cửa phòng giam mở bật, rồi từng loạt đạn nã vô. Nạn nhân trúng đạn và trước khi chết sẽ gào lên đau đớn lắm nhưng có ai ở đấy mà nghe, ngoài bốn bức tường câm? Làm gì có nhân chứng để mà kể lại? Tuy nhiên rất có thể có một vài người không chịu chết tức tưởi vậy nên rồi đây không chừng ta sẽ được đọc một vài chuyện thực của những “người chết sống lại”.

                    Ở hậu phương, sau khi chiến cuộc bùng nổ tghì những đợt sóng tù đầu tiên không ngoài những tên phạm tội xầm xì, rỉ tai gieo rắc hoang mang kinh hoàng cho quần chúng. Tội này không nằm trong Bộ Hình Luật mà có hẳn một Sắc luật ban hành khẩn cấp (15)
                    Xét ra đây đúng là một thứ luật “ngáo-ộp” cần thiết để duy trì tình trạng khẩn cấp thời chiến. Sắc luật không phân biệt án nặng án nhẹ mà đồng hạn 10 năm. Nó không nằm trong điều 58 Bộ Hình Luật nên những thằng nào chịu đựng được trại tập trung thì tới 1945 đã được tổng ân xá hết.

                    Sau những đợt tù gieo rắc hoang mang đến một đợt đặc biệt gồm tất cả những công dân giấu giếm, không chịu nạp máy thâu thanh hoặc một bộ phận máy thâu thanh theo lệnh nhà nước. Chỉ cần có người tố cáo và tìm ra được một bóng máy thâu thanh giấu giếm cũng đi đày 10 năm.

                    Thế rồi đến đợt tù Đức, những người Đức sống bên sông Volga, từng sinh cơ lập nghiệp ở Ukraine hay miền Bắc Caucasus, nói chung tất cả những người Đức ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Nga. Yếu tố quyết định là vấn đề huyết thống: cứ có máu Đức là cho đi đày, có công trạng trong Cách mạng hay cựu đảng viên cũng khỏi tha. (16)


                    Xét về bản chất thì vụ cho đi đày tập thể dân Đức cũng chẳng khác nào vụ truất nhiệm bọn kulak. Có điều có máu Đức lại đỡ cơ cực hơn, lúc lên đường còn được phép mang theo ít nhiều hành trang và không đến nỗi phải đi những vùng nước độc. Cũng như trường hợp bọn kulak, vụ đưa đi đày dân Đức chẳng có căn bản pháp lý gì hết. Bộ Hình Luật là một chuyện mà vụ đày ải cả trăm ngàn con người lại là một chuyện khác, hoàn toàn khác. Nó hoàn toàn do ý riêng của Lãnh tụ. Vả lại chưa lần nào người có dịp sắp xếp vận mạng cho cả một thành phần trên căn bản huyết thống cho nên Lãnh tụ quan niệm vấn đề như một thử thách lý thuyết vô cùng mới lạ vậy.

                    Năm 1941 vào dịp cuối Hạ đầu Thu có một đợt sóng tù khổng lồ, lớp lớp chiến sĩ liều chết vượt sóng vây địch, trở về hàng ngũ nhưng bị lùa bằng hết vào quần đảo ngục tù. Mới đây họ vừa được tiễn đưa rềnh ràng để ra trận có kèn trống, vòng hoa đàng hoàng. Chịu không nổi với đám xe tang Đức mà cũng đâu phải lỗi ở họ. Họ cũng đã để cho địch bắt đâu. Mặt trận vỡ họ bị đánh tản lạc và ráng cầm cự mãi mới về được đất nhà.

                    Ở bất cứ trường hợp nào thì những chiến sĩ đó cũng phải được giang rộng tay đón tiếp, an ủi, cho về thăm gia đình ít ngày rồi lại lên đường ra trận chớ. Đằng này họ bị nghi ngờ, bị giải giới, truất hết mọi thứ quyền trước khi bị chia ra từng toán nhỏ, đưa đến các địa điểm nhận diện, thẩm vấn để các Sĩ quan an ninh “quay” đủ mọ câu hỏi. Cái gì cũng bị nghi ngờ, ngay căn cước họ cũng chẳng tin. Tất cả bị quay tơi bời: bị hỏi đi vặn lại và gạn lọc xong chỉ một số được phục hồi tên cũ, cấp bậc cũ và trở về đơn vị cũ. Số còn lại bị ghép vào điều 58, khoản 1b để lũ lượt vô trại tập trung về tội phản bội Tổ quốc! Trông thấy trước 10 năm đi đày, cho đến khi ấn định xong hình phạt tiêu chuẩn.

                    Bộ đội chính quy hoạt động thì lại bị thanh trừng vậy đó. Còn biết bao nhiêu đơn vị nằm ở Viễn Đông ở Ngoại Mông thì các ông Sĩ quan An ninh có nhiệm vụ cao đẹp là giữ làm sao cho khỏi “han rỉ”. Rỗi rảnh quá nên những chiến sĩ Viễn Đông Ngoại Mông từng chiến trận quen nay đánh giặc miệng, nhất là sau khi họ được làm quen với mấy thứ võ khí tối tân như tiểu liên Degtyarev và những ổ BKP cấp Trung đoàn. Họ không hiểu sao quân đội ta võ trang tới cỡ này mà cứ phải chạy dài ở mặt trận miền Tây. Họ ở cách xa Tổ quốc cả một vùng Sa mạc Tây Bá Lợi Á và vùng núi Urals, làm sao họ có thể hiểu nổi mỗi ngày lùi nổi trên trăm cây số là quân đội ta đang thực tập hàng ngày kế hoạch rút lui Kutuzov? Họ chỉ có thể hiểu bằng một đợt tù. Lúc bấy giờ thì hết bàn tán, lúc bấy giờ mới có Đức tin bằng thép!

                    Dĩ nhiên phải có một số cán bộ quân sự đầu to trong đám đi đày. Phải có người nào đó để quy trách tội rút lui, miễn không phải nhà chiến lược vĩ đại, nhưng ít nhất đã gọi một đợt tù thì phải có ít nhất cỡ nửa trăm cấp tướng. Mùa hè 1941 họ còn nằm ngọc Mạc Tư Khoa nhưng đến tháng 10 thì cũng đi đày như bao người khác.

                    Trong đợt tù tướng này, phần đông thuộc binh chủng Không quân, trong số đó có ông Tướng Tư lệnh Smushkevich và tướng Ptukin, người lừng danh vì câu: “Nếu tôi biết trước tình trạng này thì tôi thả bom xuống đầu lãnh tụ rồi vô tù sau!”.

                    Ngay chiến thắng bên ngoài Mạc Tư Khoa cũng còn tạo một đợt tù mới: đó là những người dân thủ đô không chịu chạy, không được tản cư hay đã anh dũng ở lại trong khi cán bộ nhà nước chạy đâu hết. Thế mà những người dân đó bị khép tộ ở lại với mưu toan lật đổ chính quyền (khoản 10, điều 58) hoặc ở lại để chờ quân Đức tới (điều 58, khoản 1a và điều 19), số nạn nhân vừa đủ để các ông thẩm vấn viên ở Mạc Tư Khoa và Lêningrad bận rộn cho tới năm 1945.

                    Dĩ nhiên khỏi cần nói khoản 10 điều 58 và điều luật ASA – tức xách động chống nhà nước Xô-viết – vẫn tiếp tục làm mưa làm gió suốt thời kỳ chiến tranh, từ tiền tuyến tới hậu phương. Thiếu gì dân di cư vi phạm khoản 10 điều 58 chỉ vì lỡ miệng tả oán về những khủng khiếp trong cuộc chạy giặc, trong khi báo chí đã vạch rõ ràng là “quân ta chỉ triệt thoái theo kế hoạch vạch sẵn”.

                    Cùng bị vì khoản 10 điều 58 ở hậu phương có đám người ưa xôn xao, bàn tán là khẩu phần hồi này quá ít, ở tiền tuyến là mấy thằng xuyên tạc quân Đức võ trang hùng hậu hơn và năm 1942 thì cả hậu phương lẫn tiền tuyến đều có những thằng phạm tội dám loan truyền bậy là Lêningrad bị bao vây, bao nhiêu người chết đói.

                    Cũng trong năm đó, sau 2 trận thảm bại ở Kerch (120 ngàn tù binh) ở Kharkov (còn nhiều tù binh nữa) và cuộc rút lui khổng lồ ở miền Nam tới vùng Caucasus và sông Volga lại có một đợt vĩ đại quan cũng như lính bị tống vào tù cả đám. Đó là những người không chịu bó tay chờ chết nên không cần đợi lệnh trên, dám tự tiện rút lui mà Stalin đã buộc phản bội Tổ quốc trong Bức Nhật Lệnh nổi tiếng số 227 mà Tổ quốc nhất định chẳng thể tha thứ.

                    Điểm đặc biệt là những quân nhân thuộc đợt tù này không bao giờ được nếm mùi tù ngục. Sau khi được xử cấp tốc ở Toà án binh cấp Sư đoàn, tất cả đều bị tống đi trăm người như một thọ hình ở các Tiểu đoàn trừng giới để rồi sau cùng mất biệt luôn không để lại một dấu vết ở các tiền đồn. Đó là những hạt cát hạt xi măng xây dựng lên chiến thắng vĩ đại Stalingrad nhưng sử sách khỏi hề ghi lại mà chỉ có trong lịch sử của chế độ ngục tù.

                    (Mục tiêu của chương này chỉ để nhận diện những đợt sóng tù từ bên ngoài bị xô đẩy vào trong quần đảo. Không kể đến một đợt nội bộ, những làn sóng đưa người từ trại giam kia, những cuộc di chuyển trừng trị thuộc thẩm quyền của ban Giám đốc trại. Chế độ này rất thịnh hành trong thời chiến.)

                    Theo đúng lương tâm của người chép sử, chúng ta cũng phải ghi nhận những đợt sóng ngược chiều trong thời chiến. Đó là những tù nhân Tiệp Khắc, Ba Lan được các trại giam tập trung nhả ra cũng như những thường phạm được trả tự do để lên đường ra mặt trận.

                    Kể từ 1943 trở đi, phần thắng bắt đầu nghiêng về phe ta là hệ thống quần đảo khởi sự tiếp nhận một đợt tù vĩ đại, tính từ số triệu từ các lãnh thổ vừa chiếm đóng được, từ Âu châu gởi về, mỗi năm một nhiều cho tới 1946. Đại khái có thể chia làm hai thành phần:


                    • Một là những thường dân sống chung với quân Đức hay sống trong vùng Đức chiếm đóng. Thành phần này mang án 10 năm, gọi tắt loại “a”, chiếu điều 58 khoản 1a.

                    • Hai là thành phần gốc quân sự, cựu tù binh cũng mang án 10 năm, gọi tắt là loại “b”, chiếu điều 58, khoản 1b.
                    Sự thực đau khổ là sống trong vùng địch tạm chiếm đâu thể nhịn ăn mà bắt buộc vẫn phải làm một cái gì đó để khỏi chết đói. Kiếm ăn được có nghĩa là rồi đây cũng để kiếm luôn một bản án, nếu chẳng phải phản bội Tổ quốc cũng là cộng tác, trợ giúp địch quân. Theo thủ tục thì chỉ cần nhìn vào hàng chữ số ở giấy tờ tùy thân cũng biết ngay đương sự từng ở trong vùng đich chiếm. Bắt giam tất cả bọn người này xét ra là một điều vô lý trên khía cạnh kinh tế. Vì bắt bằng hết thì nhiều vùng trơ trọi hết, chẳng còn thằng dân nào sao? Vấn đề đặt ra là chỉ xét bắt một phần nào, một tỷ lệ những thằng phạm tội – thằng nào phạm một nửa tội, thằng nào một góc tội và những thằng thực sự chạy theo Đức.

                    Hãy cứ lấy tỷ lệ 1%. Một phần trăm của một triệu người có nghĩa là mười trại giam chật cứng người rồi!

                    Chớ có tưởng tượng là ở trong vùng tạm chiếm, tham gia hoạt động bí mật chống Đức là kể như bảo đảm khỏi bị tống vô đợt tù này. Công trạng nào có nghĩa lý gì?

                    Hãy lấy trường hợp của một đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Kiev được tổ chức gài vào Sở Cảnh sát Kiev dưới thời Đức chiếm đóng. Dĩ nhiên để làm một thứ “tay trong”, có tin tức gì là báo cáo đầy đủ và hắn đã làm tròn bổn phận. Nhưng khi giải phóng thành Kiev hắn cũng không tránh khỏi 10 năm đi đày chỉ vì tội “thân Đức” hoặc đã trót thi hành một mệnh lệnh gì đó của địch.

                    Tuy nhiên những người ở Âu Châu về lãnh án mới nặng, dù họ từng bị Đức bắt đưa đi sang đó làm lao công cưỡng bách. Để chúng tự do lỡ chúng thấy cái gì ở bên đó về nói lại thì sao? Dĩ nhiên những câu chuyện chúng kể lại thì có gì hay ho, đáng nghe, trừ những nhận xét của những tay viết bút ký có hạng? Nhưng thời buổi hậu chiến, tàn phá hết chính quyền Xô-viết không thể để những tin tức như vậy lọt ra ngoài. Đâu phải thằng nào cũng sẵn sàng nói theo nhà nước là đời sống bên Âu Châu đang cực kỳ khổ sở, sống không nổi.

                    Chính vì chủ trương bưng bít này mà đại đa số tù binh được Đức tha về đều bị tống đi đày hết, chớ đâu phải vì tội đầu hàng địch nhục nhã mà thôi. Những tù binh nào từng có dịp sinh hoạt ngoài trại tử thần của Đức đều bị hết (17)
                    ! Rõ ràng là bị ngược đãi còn hơn hồi làm tù binh.

                    Một thí dụ điển hình là hồi mới phát động chiến cuộc, một khu trục hạm của chúng ta bị mắc cạn và bị “giữ lại” ở Thụy Điển. Thủy thủ đoàn “bị giữ lại” nhưng tất cả đã sống tự do trên lãnh thổ Thụy Điển, được nuôi ăn nuôi ở đàng hoàng, no đủ tới mức chưa bao giờ được sống sung sướng tới vậy. Tất cả thủy thủ đoàn bị lên án “ăn no ngủ kỹ” ở vùng đất trung lập là Thụy Điển trong khi Tổ quốc bị xâm lăng, lâm nguy và chết đói. Sau khi chiến tranh chấm dứt, cả chiếc tàu mắc cạn lẫn thủy thủ đoàn đều được Thụy Điển giao trả lại nguyên vẹn và đặt chân về tổ quốc là cả đám bị trừng trị đích đáng. Đợt tù này mang tên Kadenko nhưng đặc biệt lần này nhà nước không xử họ tập thể mà chia mỗi người tản lạc về một phương để rồi từng người một bị nắm đầu vì tội ASA – tức xách động chống nhà nước Xô-viết – nghĩa là phạm tội ca ngợi đời sống tự do, ăn uống sung sướng ở nước Thụy Điển tư bản.

                    Câu chuyện tàu Kadenko đâu đã chấm dứt. Khi mỗi người bị tống vô một trại khác nhau thì thủy thủ đoàn đã biết điều, biết hó hé là bị nặng nữa nên đành câm miệng luôn. Tuy nhiên báo chí Thụy Điển nghe được tin này đã đăng nhiều bài phóng sự, điều tra cho cả thế giới biết. Đó là lý do đang ở rải rác mỗi người một trại, bỗng nhiên toàn thể thủy thủ đoàn được lệnh đặc biệt gom lại một chỗ để đưa hết về khám đường Krestinky ở Lêningrad.

                    Nơi đây thủy thủ đoàn Kadenko được nuôi ăn gấp rút cho mau mập, lên cân như heo. Tuy nhiên cũng phải mất 2 tháng để đợi cho tóc mọc dài đàng hoàng và có đủ thời giờ học tập nhồi sọ từng cung cách ăn nói, ai hỏi phải trả lời sao cho thuộc vở là dĩ nhiên kèm theo lời dặn: “Nếu trả lời lệch ra ngoài mỗi đứa sẽ lãnh một viên vào sau ót!”.

                    Sau đó tất cả đều được phát đồ mặc, mỗi đứa một bộ tươm tất để trình diện tự do trước một số nhà báo lựa chọn sẵn, dĩ nhiên trong số đó phải có các ký giả Thụy Điển từng gặp gỡ, biết mặt từng người trong đám thủy thủ Kadenko. Trong cuộc họp báo tất cả thủy thủ đoàn lần lượt kể lại họ sinh hoạt sung sướng, học tập tử tế như thế nào và ngỏ ý phẫn nộ trước những luận điệu xuyên tạc của báo chí tư bản mà chính họ vừa đọc thấy (trên nguyên tắc thì báo chí tư bản cũng vẫn được phép bày bán ở các sạp báo mà). Chính vì đọc thấy những bài láo khoét trên mấy tờ báo đó mà họ công phẫn, viết thư thông báo cho nhau và đi đến quyết định tự động rủ nhau về Lêningrad nhờ Cơ quan mời nhà báo tới để nhất định nói lên sự thực (!) dù tốn kém bao nhiêu chi phí di chuyển cũng cam chịu.

                    Trước sự cải chánh cụ thể và vô cùng hùng hồn, lại chính do các đương sự tự miệng nói ra, người nào coi cũng láng coóng, khoẻ mạnh, mấy ông nhà báo Thụy Điển còn cách nào hơn là cúp tai ra về viết bài xin cáo lỗi.

                    Họ đâu thể ngờ có một sự sắp xếp tập thể, dựng vở khéo léo đến như vậy. Đâu dám tưởng tượng đến sự thực não nề ở bề trái của nó, nghĩa là họp báo xong tất cả thủy thủ đoàn lại được lệnh cỡi bỏ quần áo mới ra, hớt tóc đồng loại, khoác lại mớ giẻ rách để ai về trại nấy.

                    Tuy nhiên có một sự thực vẫn phải nhìn nhận là chính vì bọn họ đã biểu diễn y khớp trong buổi họp báo nên thủy thủ đoàn Kadenko không thằng nào bị lãnh án thêm cả!

                    Chen vào giữa những lớp sóng khổng lồ xô đẩy vào quần đảo ngục tù những người dân có một thời sống trong vùng địch tạm chiếm là đến những đợt nho nhỏ, xô gọn vào trại tập trung các sắc dân thiểu số: năm 1943 có bọn Kalmyk, Chechen, Ingush và Balkar. Năm 1944 đến lượt đám dân Tatar ở bán đảo Crimea.

                    Đưa bằng ấy con người đi đày vĩnh viễn đâu phải chuyện dễ dàng nếu Cơ quan không được quân đội chính quy giúp đỡ phương tiện chuyên chở cũng như nhân sự. Hồi đó nhiều đơn vị chính quy được lệnh hành quân bao vây trọn một bản, một trại của những sắc dân thiểu số nói trên để “thanh toán” cứ điểm hăng như nhảy dù xung kích vậy. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, trọn một bản một trại bị hốt sạch, bị bứng khỏi nơi họ đã sinh sống từ mấy đời để lên xe tới ga xe lửa, đáp từng chuyến tàu đặc biệt chạy một mạch sang Tây Bá Lợi Á, Kazakhstan, Trung Á hay ngược lên miền Nga Bắc. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ đất đai, tài sản của họ được chuyển lại hết cho những người “thừa kế”.

                    Năm 43, 44 đám dân thiểu số bị đi đày cũng như hồi mới bùng nổ chiến cuộc dân Đức bị đưa đi an trí tập thể, hoàn toàn trên căn bản huyết thống. Khỏi có vấn đề lập danh sách cho nên đảng viên, Anh hùng lao động hay là chiến sĩ đang chiến đấu lỡ kẹt cũng “đi” như thường dân vậy.

                    Trong mấy năm chót chiến cuộc dĩ nhiên có một cuộc đãi lọc trong các trại tù binh Đức. Hồ sơ nào nặng, đáng bị đưa ra xử làm phạm nhân chiến tranh sẽ có án Toà gởi về cho ban Giám đốc Trại.

                    Qua năm 1945 mặc dù chỉ giao tranh đúng 3 tuần lễ nhưng ta cũng quơ gấp rút được một số lớn tù binh Nhựt để đưa đi phục vụ cho các công trường kiến thiết được dựng lên cấp tốc ở Tây Bá Lợi Á và Trung Á. Dĩ nhiên đúng theo thủ tục từng áp dụng với tù binh Đức, các Trại cũng phải gạn lọc ra một số tù binh Nhựt hạng nặng để sắp loại “phạm nhân chiến tranh” (18)
                    .

                    Cuối năm 1944, khi quân đội ta tràn vô Ba Nhĩ Cán và năm 1945 bắt đầu tới Trung Âu thì các trại giam thuộc quần đảo lại nhận thêm một lớp tù “hồi cư”. Đó là những người phần đông đã già cả, từng bỏ nước ra đi từ những ngày Cách mạng, hồi còn thanh xuân nay bắt buộc phải “hồi cư”. Đặc biệt lần này không có đàn bà con nít đi theo cũng như không phải cứ đàn ông là “hồi cư” hết: được chiếu cố trước tiên là những người 25 năm về trước dám có một tư tưởng chính trị hay là dám phát biểu ý kiến suốt trong thời gian ¼ thế kỷ sống ở ngoại quốc. Những kẻ chịu yên phận, nép một bề thì được để yên. Đợt “hồi cư” bắt buộc này đa số xuất phát từ Bảo Gia Lợi, Nam Tư, Tiệp Khắc. Một số từ Áo, từ Đức, còn những quốc gia Đông Âu khác gần như không có dân di cư gốc Nga.

                    Năm 1945 cũng có nhiều người từ Mãn Châu tự ý hồi cư về, chỉ có một số ít bị bắt buộc. Nhiều gia đình lên đường trở về quê hương sau thời chiến. Họ tự ý trở về và được tự do cho đến khi về đến nơi đến chốn. Lúc bấy giờ mới có cuộc gạn lọc, ai đưa đi đày ai tống vô ngục.

                    Cho mãi đến 2 năm 1945-1946 mới có một đám đông bị đẩy vô quần đảo có thể gọi là những thành phần đích thực chống đối chế độ Xô-viết. Họ gồm đám thuộc cấp, bộ hạ của tướng Vlasov, bọn Cô-sắc thân Krasnov (19)
                    và những dân theo đạo Hồi giáo thuộc nhiều chủng tộc mà Hít-le hồi đó đã “ly khai”. Trong đám đông này chỉ có một số hoạt động, đại đa số chỉ theo phong trào một cách thụ động hoàn toàn.

                    Cũng nằm trong đợt tù hồi cư phải kể thêm không dưới một triệu con người chạy trốn chế độ Xô-viết. Họ là những người dân nam nữ đủ mọi tuổi may mắn được tỵ nạn ở những lãnh thổ do Đồng minh kiểm soát nhưng trong 2 năm 1946-1947 họ thình lình bị các giới chức Đồng minh tập trung lại, giao trả một cách tàn nhẫn không chút xót thương cho chính quyền Xô-viết.

                    Thật không ngờ điều bí mật vĩ đại về sự bội phản ghê gớm này được hai chính phủ Anh, Mỹ bưng bít kín đến thế, nhất là ở một xã hội có truyền thống ưa phanh phui những bí mật chính trị như ở Âu, Mỹ. Có thể nói đây là một bí mật cuối, hay một trong những bí mật cuối cùng của Thế chiến II. Tôi từng gặp một số dân “hồi cư” này trong các trại Cải tạo và không ngờ chính phủ Anh, Mỹ có thể bưng bít tới ¼ thế kỷ để dân chúng Anh cũng như Mỹ hoàn toàn mù tịt về hành động đầy non triệu con người vào chỗ chết.

                    Mãi tới ngày 22 tháng 1 năm 1973 mới thấy hé mở tia sáng đầu tiên về bí mật vĩ đại này trên tờ Sunday Oklahoman, do một bài của Julius Epstein. Nơi đây tôi xin đánh liều thay mặt họ ghi nhận lòng biết ơn của một khói người đa số đã tuyệt tích, sống sót hoạ may chỉ còn một ít người. Dù sao cũng còn một tài liệu vặt vãnh được công bố lên bên cạnh cả núi tài liệu đã chôn sâu, một bằng chứng về sự bó buộc hồi cư tập thể non một triệu người từng trốn chạy chế độ Xô-viết.

                    Cũng xin trích đăng ít hàng ghi nhận của tôi viết trong năm 1973 về số phận đám người đáng thương này: “Sau hai năm sống yên lành dưới quyền các giới chức Anh, họ cứ tưởng đời sống vậy là an toàn, bảo đảm, khỏi sợ gì hết, không ngờ số phận họ được quyết định một cách đột ngột. Không ai ngờ họ sẽ bị bắt buộc phải hồi cư về Nga. Đại đa số trong bọn họ chỉ là những nông dân chán ghét, chịu không nổi chế độ Bôn-sê-vích”.

                    Vậy mà các giới chức Anh đã tự ý quyết định số phận đám dân này, coi họ như một hạng phạm nhân chiến tranh phải giải giao cho Nga vậy. Xưa nay chưa hề có đám dân nào bị cưỡng bách giao nạp lại thẳng cho những người muốn bắt giam họ như trường hợp này. Dĩ nhiên họ biết lọt vào tay nhà cầm quyền Xô-viết là khỏi mong được xét xử gì mà tất cả đều đành chịu bỏ xác trong quần đảo ngục tù. Quả nhiên thực tế đã xảy ra in hệt!

                    Ngoài đợt sóng “dân hồi cư” khổng lồ này, năm 1945 quần đảo còn tiếp nhận một số người Balan có chân trong binh đoàn Mikolajczyk, một mớ dân Hung, dân Ba Lan. Từ 1945 đến mấy năm sau mới lũ lượt kéo vô rất đông đám dân gốc Ukraine có khuynh hướng quốc gia, dưới nhãn hiệu chung là “bọn Banderovtsy” (20)
                    .

                    Nếu tất cả những đợt sóng tù nói trên được kể là vĩ đại vì có đợt cả triệu con người, ai mà nhận ra nổi những đợt sóng nho nhỏ, lẻ tẻ, đại khái như những nhóm dưới đây.

                    Phụ nữ “giao du” với ngoại nhân – Trong 2 năm 1946-1947 tất cả những đàn bà con gái từng giao thiệp với người ngoại quốc đều bị đưa đi đày hết, chiếu điều 7/35 bị xếp loại SOE tức thành phần có thể hiểm nguy cho chế độ.

                    Thanh thiếu niên gốc Tân Ban Nha – Đây là bọn nhi đồng được cha mẹ, bà con đưa từ Tây Ban Nha sang Nga sau khi nội chiến thất bại. Được vô ký túc xá nuôi ăn học, nhưng bọn này tỏ ra không thích hợp với đời sống xã hội Nga. Nhiều đứa muốn trở về quê hương. Khi Thế chiến II chấm dứt thì số nhi đồng này đã trưởng thành. Tất cả đều đi đảo chiếu điều 7/35, nghĩa là cũng xếp loại SOE. Những đứa cứng đầu bướng bỉnh đã có khoản 6 điều 58 Hình Luật, nghĩa là làm gián điệp cho Mỹ.

                    Năm 1947 có một đợt sóng ngược chiều quá ngắn, quá bất ngờ nhưng cũng phải ghi nhận, nơi đây cho công bình. Ba mươi năm đây là lần đầu tiên các tu sĩ được phóng thích, trả tự do. Dĩ nhiên nhà nước không chịu khó đi từng Trại để hỏi coi ai là tu sĩ thì cho ra. Phải có người ở ngoài can thiệp, vận động ghi rõ tên tuổi và hiện ở Trại nào thì vị tu sĩ đó mới được trả về với tự do để tăng cường, phục hưng lại Giáo Hội!


                    *

                    Dĩ nhiên đọc đến đây hẳn quý độc giả hẳn phải nhận thấy Chương thứ Hai này không nhằm liệt kê tất cả những đợt sóng người bị cuốn hút, xô đẩy vô quần đảo, mà chỉ có những trường hợp có chút màu sắc chính trị. Nếu ngành Cơ thể học đi hết ngành này mới sang bộ môn khác thì sau đây mới đến những đợt sóng tù thường phạm, tù không phải chính trị. Giai đoạn kể ra ở đây đi từ 1918 đến 1953 là đặc biệt có giá trị mang ra ánh sáng những đạo luật lừng danh giờ đã bị chìm vào quên lãng (xin nhấn mạnh bị quên đi chớ chẳng có vấn đề hủy bỏ!). Chính những đạo luật này đã “tiếp tế” cho một bộ máy không bao giờ no là quần đảo ngục tù.

                    Có Sắc luật trừng phạt bọn lừng khừng trốn việc, có Sắc luật phạt bọn sản xuất hàng xấu, có Sắc luật nhằm những thằng nấu rượu lậu. Ba đạo luật này áp dụng suốt thập niên 1920 nhưng quơ nhiều người nhất năm 1922. Có Sắc luật trừng trị các tổ viên nông trường không làm đủ số ngày công tác. Có Sắc luật gò ép công nhân Hoả xa vào kỷ luật nhà binh, ban hành vào tháng tư 1943, lúc thắng lợi quân sự đã nghiêng hẳn về mình rồi chớ chẳng phải lúc chiến tranh vừa bùng nổ.

                    Gọi là Sắc luật nên chúng có ảnh hưởng tối quan trọng cho mọi người mà chẳng cần dựa trên căn bản pháp lý có sẵn, chúng cứ nghiễm nhiên ra đời, bất chấp mấy ông tư pháp nên rút cuộc chính họ cũng không sử dụng Sắc luật mà có sử dụng cũng chẳng mấy hậu quả.

                    Tình trạng “cai trị bằng Sắc luật” này tạo ra nhiều mâu thuẫn kỳ cục mà dễ thấy nhất là càng thấy nhiều Sắc luật ngày càng mọc nhiều tội và sự phạm tội càng dễ dàng hơn. Trộm cắp sát nhân, hãm hiếp hay nấu rượu lậu làm như chẳng còn là sự sa đoạ, ham mê, tội lỗi của con người, mà là những cái đuôi mà các đạo Sắc luật thế nào cũng kéo theo. Dường như sự phạm pháp cũng có cao trào và để chặn đứng sự lan tràn, nhà nước tuần tự tung ra các đạo Sắc luật, dự liệu một sự trừng trị nặng hơn, đích đáng hơn để cao trào phạm pháp bắt buộc phải xẹp xuống. Nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.

                    Như Sắc luật đặt Công nhân Hoả xa vào kỷ luật nhà binh chỉ hành hạ đám phụ nữ, thiếu niên: thời chiến đàn ông đi lính hết, bắt buộc phải làm thay mà họ chưa hề được huấn luyện quân sự một ngày thì “khép vào kỷ luật nhà binh” sao nổi. Vậy mà phải lũ lượt ra Toà quân sự.

                    Sắc luật trừng trị bọn không làm đủ số ngày công tác quả thực chỉ là giản dị hoá thủ tục cho đi đày, những tổ viên dám bất mãn lề lối làm “chấm công lấy điểm” của nông trường mà muốn sản xuất cụ thể. Chưa có Sắc luật này còn phải xử theo luật, còn phải đưa họ ra toa về tội “phản cách mạng trên lãnh vực kinh tế” nhưng từ nay chỉ cần một quyết định của Ban Giám đốc nông trường, có Ủy ban Quận chấp nhận là đủ (vả lại nạn nhân cũng đi tù nhưng khỏi phải mang nặng mặc cảm “kẻ thù của nhân dân”). Dĩ nhiên số ngày công tác mỗi địa phương mỗi khác, nhẹ nhất là dân Caucasus mỗi năm chỉ phải làm có 75 ngày. Vậy mà thiếu gì dân địa phương bị đưa đi đày Krasnoyarskowr đúng 8 năm.

                    Dù chỉ nói sơ sài, qua loa đến những đợt tù thường phạm, tù không phải chính trị nhưng không thể bỏ qua được một trong những Sắc luật nổi tiếng của thời đại Stalin vào năm 1947 mệnh danh Sắc luật 7/8 chiếu theo đó tha hồ “lượm” người vì những thường tội nhỏ nhặt nhất. Đụng đến một bông lúa, một trái dưa chuột, vài củ khoai lang cũng tù mà một bó củi, một mớ chỉ cũng đủ để đưa đi đày đúng 10 năm (21)
                    .

                    Có phải bấy nhiêu mà đã đủ? Bản án 10 năm có thể là nặng ở thời kỳ sửa soạn chiến tranh, nhưng sau khi đã chiến thắng vĩ đại rồi thì Stalin cho là vẫn còn nhẹ quá. Vì vậy mới có vụ gạt bỏ Hình Luật sang một bên, bao nhiêu luật lệ cũng như Sắc lệnh cũ về các tội trộm cắp được dẹp bỏ hết để cho ra đời Sắc luật đặc biệt ban hành ngày 4 tháng 6 năm 1947 mà liền sau đó các phạm nhân gọi vắn tắt là Sắc luật Bốn trên Sáu, hay Sắc luật 4/6.

                    Sắc luật 4/6 lợi hại ở chỗ nó mới toanh, dự liệu rất nhiều khoản phạm pháp nên chắc chắn sẽ đem lại một đợt tù mới đông đảo cho các trại Lao động Cải tạo. Đã vậy nó lại kéo dài thời gian thọ hình. Một con nhỏ ra ngoài đồng mót lúa lỡ rủ thêm một vài con bạn thì dù tang vật chỉ có một nắm lúa cũng vẫn cho đi an trí 29 năm theo Sắc luật mới vì là cả một tổ chức. Đám con nít 12 tuổi đi hái trộm dưa leo, trái đào cũng là có tổ chức và cũng lãnh 20 năm.

                    Công nhân xí nghiệp vi phạm điều 4/6 lãnh 25 năm. Đó là án tối đa để thay thế án tử hình vừa được hủy bỏ mấy ngày hôm trước vì lý do nhân đạo (22)
                    . Dân trại Cải tạo lì lợm đặt cho nó cái tên bản án ¼, tức ở tù một phần tư thế kỷ.

                    Sau vụ này một “khe hở của pháp luật” được lấp bằng dĩ nhiên cũng bằng Sắc luật.

                    Từ trước tới giờ chỉ những vụ có tính cách chính trị biết mà không tố cáo mới bị tù. Bây giờ biết ở nông trại tập thể hay nông trường nhà nước có một vụ trộm cắp mà không cáo báo cũng đi đày 3 năm hoặc 7 năm an trí.

                    Dân trại Cải tạo đang chết dần chết mòn bỗng được Sắc luật đặc biệt này “tiếp tế”, cung cấp cho cả “sư đoàn” tù mới từ cả thành thị lẫn nông thôn lùa về mấy năm liền. Đợt tù “tiếp tế” vĩ đại này đương nhiên do các Ty Cảnh sát, các toà án phụ trách (vậy mới gọi là “tù tư pháp”, “tù không phải chính trị”). Bọn họ đâu phải qua hệ thống bộ Nội An. Mấy năm hậu chiến bộ máy Công an Mật vụ cũng mệt mỏi vì công vụ nhiều lắm chớ.

                    Ý kiến độc đáo của Stalin là sau khi đánh bị Phát xít rồi còn phải trừng trị gắt gao bọn phạm pháp, đập nặng hơn lúc nào hết. Dĩ nhiên chính trị phạm cũng bị vạ lây chớ thoát sao nổi?

                    Đó là vào 2 năm 1948-1949, xã hội Nga quằn quại hơn bao giờ hết vì nạn thanh trừng và đề cao cảnh giác nhưng bỗng bật nổi một màn kịch bi thảm cực kỳ vô lý dù chế độ Stalin từ hồi nào đến giờ vẫn chẳng coi Công lý ra gì! Đó là quyết định bắt lại hết những kẻ vừa mãn án đi đày về, dù không phạm tội.

                    Theo “ngôn ngữ của quần đảo” thì có những thằng gân guốc của đợt tù 1937, ở đủ 10 năm trong trại Cải tạo và nhất định không chịu gục chết nên ở hết án được trở về với cuộc đời tự do. Ngỡ ngàng, tả tơi, rời rã nhưng họ vẫn cố bám víu lấy chút hy vọng sống yên lành cho xong kiếp sống thừa. Giữa lúc đó Lãnh tụ bỗng nổi hứng hoặc động lòng hiếu sát nên cho lệnh bắt lại bằng hết những phần tử bệnh hoạn vừa được trả tự do.

                    Khốn nạn lại tống vào quần đảo, lần nữa những thằng gần chết mà bộ máy nghiến người ở trại Cải tạo vừa phải nhả ra thì quả là một sự bất lợi về chính trị cũng như về kinh tế. Nhưng lệnh đã ban ra là phải thi hành, nhất là lệnh của Lãnh tụ – một nhân vật lịch sử có quyền nổi hứng ra lệnh nhân danh một cần thiết lịch sử.

                    Theo quan điểm của Lãnh tụ thì cần phải bắt lại hệ thống bọn người này, dù sau 10 năm ngục tù họ khó lòng bám víu nổi vào đời sống (hay gia đình) khác lạ hẳn ngày nào. Bị bắt lại thì họ cũng xuôi tay chấp nhận, thản nhiên như lúc được cho ra. Họ còn lạ gì cả một khoảng đường gian truân vừa trải qua nay sắp tái diễn. Họ không đặt lại câu hỏi: “Tại sao bắt tôi?” cũng như không hứa hẹn: “Thế nào cũng có một có một ngày về” nữa. Họ chỉ quơ đại mấy anh quần áo rách, nhét ít thuốc rê vô trong bao thuốc làm trong trại từ hồi đó và lên đường đến Cơ quan ký nhận vào biên bản cho xong chuyện.

                    Cán bộ Cơ quan có hỏi: “Phải anh ở tù ra không?” thì họ trả lời “Phải” để được nghe vắn tắt: “Lần này lại 10 năm!”.

                    Nào có phải chỉ tù cũ – tù từ năm 1937 bị bắt lại mà thôi. Còn đám con cái những kẻ thù xưa, chúng ngày giờ này cũng đã lớn khôn rồi biết đâu chừng chúng chẳng nảy sinh ý niệm trả thù. Phải cho đi đày hết! (Có thể sau một bữa cơm tối nặng bụng, lãnh tụ bỗng nằm mê thấy đám con nít này ). Thế là có những bản danh sách được lập ra, để nhiều người có nhiệm vụ cứu xét, dù con số nạn nhân thực sự có bao nhiêu. Con cái những đảng viên Đệ tứ thì có thể tha được nhưng những đứa con có ông bố tướng lãnh bị thanh trừng thì phải lo bắt bằng hết.

                    Thế là đợt sóng tù tí hon thành hình. Những đứa nào có thể trả thù cho bố đều bị bắt nhốt một lượt. Trong đợt này vào hạng ít tuổi có Lêna Kôsaryêna 17 tuổi và lớn tuổi có Yêlêna Rakôvskây, 35 tuổi.

                    Năm 1948 sau chuyến công du Âu châu vĩ đại. Stalin lại trở về cuộc sống thu gọn, bốn bề thủ kín như bưng hồi trước và trong cái vỏ ốc chật hẹp này lại cho tái diễn đợt khủng hoảng thanh trừng in như năm 1937.

                    Vì vậy nên 3 năm liền 1948, 1949, 1950 mới có lớp lớp mấy đợt sóng tù liền:

                    • Đợt gián điệp (10 năm trước là gián điệp Đức, gián điệp Nhựt. Bây giờ là gián điệp Anh-Mỹ.)

                    • Đợt tôn giáo: Trong đợt tù này đa số thuộc những thành phần ngoài Chính thống giáo.

                    • Đợt khoa học gia: Lần này các nhà sinh vật học, thảo mộc học thuộc nhóm đệ tử của Varilôv (đã mãn phần) và của Mendel “lọt lưới” những lần trước là lần lượt bị bắt hết.

                    • Đợt có tư tưởng thân Tây phương: Những kẻ nào dám có tư tưởng xích lại gần Tây phương, không sợ Tây phương (nhất là thành phần sinh viên càng bị nặng) đều bị bắt về những tội “thời đại” đại khái như sau:

                      • Tội VAT, tức ca ngợi kỹ thuật, khoa học Mỹ;

                      • Tội VAD, tức đề cao chế độ Dân chủ Mỹ;

                      • Tội PZ dễ phạm nhất là tội cả tư tưởng, khuynh hướng thân Tây phương.


                    *

                    Những đợt tù nói trên đại khái cũng giống như những đợt cũ năm 1937 chỉ trừ bản án. Không có giá cũ 10 năm, thế hệ Stalin phải 25 năm. Án 10 năm bấy giờ chỉ để dành cho con nít.

                    Có một loạt tù lãnh án 15 năm. Loại này khá đông can tội tiết lộ bí mật quốc gia. Vì quá nhiều thứ đạo đức sắp hạng bí mật quốc gia bằng kết quả mùa màng, con số nạn nhân bệnh dịch, món hàng sản xuất ở cơ xưởng hoặc chỉ dẫn một phi trường dân sự, hệ thống quốc lộ hay cho biết tên tuổi một kẻ đang nằm trong Trại Cải tạo.

                    Lãnh án đi đày 5 năm, 10 năm có đám đông nông dân miền Tây Ukraine. Tất cả nông dân trong vùng đều bị quơ vô trại Cải tạo một lượt chỉ vì tội có liên hệ với nhóm Banderotsky là nhóm dám đánh du kích dài dài chống chế độ Xô-viết ở địa phương này và cũng bị đẩy vô quần đảo đều đều. Chỉ cần chấp chứa họ một đêm, cho biết mà không báo cáo cũng đủ tù. Từ 1950 trở đi, kéo dài trong một năm ròng rã là đợt vợ con Banderotsky: có chồng đi “du kích” mà không báo cho nhà nước để thanh toán bắn cho rồi là lãnh án 10 năm suốt lượt.

                    Khoảng thời gian này mọi cuộc du kích kháng chiến ở Lithuania, ở Estonia đã bị dập tắt hết sạch. Năm 1949 mới có đợt tù đề phòng phản động để chuẩn bị cho chế độ nông trường tập thể. Từ miền biển Baltic, thị dân cũng như nông dân mấy xứ Cộng hoà bị đưa đi an trí bằng nhiều chuyến xe lửa đặc biệt chạy thẳng sang Tây Bá Lợi Á. Mấy năm liền trước mấy nước Cộng hoà này quen bê trễ nay phải thúc đẩy mạnh mới mong bắt kịp các nước anh em trong Liên bang chớ.

                    Năm 1948 có đợt tù quốc gia thật lạ: đó là đám thổ dân Hy Lạp từ bao đời cư ngụ trong miền Kuban, miền Sukhumi ở quanh biển Azov. Họ đâu dám có hành động gì xúc phạm đến Liên Xô đến cá nhân Lãnh tụ suốt trong thời chiến. Nhưng họ bị trừng phạt vì Lãnh tụ, muốn rửa hận cho đám đồng chí thất bại. Chắc vậy hay Lãnh tụ lại nổi hứng cũng nên. Đợt tù Hy Lạp này bị đẩy tuốt sang vùng Trung Á, đứa nào dám cứng đầu, chống đối lại còn bị gắn thêm nhãn hiệu “phạm nhân chính trị”.

                    Bảo Lãnh tụ nổi hứng bất chợt đâu có ngoa. Năm 1948 vừa trừng trị bọn Hy Lạp quốc gia…sang năm 1950 bỗng nhiên đến phiên chính các đồng chí Hy Lạp tàn quân của Markos thất trận chạy sang Bảo Gia Lợi tị nạn. Dĩ nhiên Bảo phải dẫn nạp các đồng chí sang Liên Xô nào ngờ tất cả bị Lãnh tụ cho lệnh “vô quần đảo” ở hết!

                    Mấy năm sau cùng củ cuộc đời Stalin bỗng đâu lại cho lệnh bắt ngấm ngầm dân Do Thái, bắt từng toán một và cho đi đày vì tội chủ trương thế giới đại đồng. Nổi tiếng nhất là toán y sĩ Do Thái. Người trong cuộc cho rằng đây là hồ sơ đầu tiên được dựng lên để âm thầm tiến hành một đợt thanh trừng vĩ đại mà Stalin đã sắp đặt sẵn để thủ tiêu bằng hết giống dân Do Thái (23)
                    .

                    Trong đời Stalin đây là kế hoạch đầu tiên chịu thất bại. Sau đó đến lượt chính lãnh tụ thất bại vì người xen vô tiếp ứng và lần này chạy đâu cho thoát?

                    Đọc xong Chương Hai chắc bạn đọc hẳn nhận ra tính cách đại quy mô của hệ thống quần đảo và nhất là kế hoạch tổ chức cực kỳ tinh vi, tinh thần hăng say phục vụ không lúc nào ngưng nghỉ. Di chuyển đều đặn và “tiếp tế” thường xuyên nhiều triệu con người cho quần đảo đâu phải một công trình nhỏ.

                    Tất cả đã được sắp đặt chu đáo để không bao giờ có một chỗ trống trong toàn bộ hệ thống quần đảo ngục tù là lúc nào vòng trong cũng phải chật cứng người, vòng ngoài đen nghẹt người.

                    Người nào việc nấy cứ thế mà tiến hành công tác Nghiên cứu nguyên tử lực cứ việc đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu triết thuyết Sartre, Heidegger cứ việc tìm hiểu và sưu tập tranh Picasso cũng vậy. Người ngồi xe lửa đi nghỉ hè nhắm mắt ngủ lơ mơ người ráng xây cho xong căn nhà mát lấy chỗ nghỉ ngơi gần Mạc Tư Khoa thì Mật vụ áo đen đêm đêm tiếp tục đi từng nhà, cán bộ Nội An cứ làm công việc gõ cửa, nhận chuông.

                    Trọn Chương Hai chắc hẳn dư sức chứng minh một điều, Cơ quan làm ăn bao giờ cũng hữu hiệu, chu đáo. Quả là đáng đồng tiền!





                    1/  Trích trong tuyển tập Từ khám đường đến trung tâm cải hoá của Viện Nghiên cứu Thể chế Hình sự do Vyshinsky chủ trương, ấn hành ở Mạc Tư Khoa năm 1935.
                    2/  Sự thực thì căn bệnh “nhìn ai, nhìn chỗ nào cũng thấy gián điệp” chẳng phải riêng của một đấng lãnh tụ hẹp lương, đa nghi như Stalin. Nó là một cái tật hữu ích của những ngài nắm qua nhiều quyền hành. Nó biện minh cho tối đa bảo mật, bưng bít hết tin, ra vô công sở căn cứ phải có giấy phép đặc biệt, tư dinh ông lớn là phải có hàng rào thép gai, thậm chí thương xá cũng có thứ bí mật, chỉ bán hạn chế. Muốn xuyên qua vỏ thép bảo mật, chống gián điệp để coi bên trong các ông lớn, mần ăn ra sao sinh hoạt ấm cúng, ăn nhậu nhàn nhã cỡ nào cũng như du hí, giở trò bừa bãi đến mức độ nào.
                    3/   Ryurik là tên một ông hoàng trong thần thoại Varangia vào khoảng giữa thế kỷ thứ IX đã đến Novrogod lập nghiệp và sáng lập ra triều đại đầu tiên của hoàng gia Nga.
                    4/   Trích Tổng hợp các tác phẩm Lênin, in lần thứ 5, bộ 45, trang 190.
                    5/    Mẩu chuyện nho nhỏ trên đây nghe như phóng đại hay một sự cù lét rẻ tiền nhưng tôi chẳng phải là người sáng tác ra sự cù lét đó. Tôi đã đi đày chung với những nạn nhân “có ý định khủng bố” đó.
                    6/    Okrana là tên của Sở Mật vụ Nga, dưới thời Nga hoàng, được áp dụng từ 1881 tới 1917. Nghĩa đen là “bảo vệ”, thay cho cả một dãy tên lòng thòng Bộ Bảo vệ An ninh và Trật tự Công cộng
                    7/   Theo một số sử gia thì có nhiều yếu tố tâm lý để tin chính Stalin cũng có thể bị truy tố theo khoản 13 điều 58 Bộ Luật Hình. Họ lý luận rằng chẳng phải vì tình cờ mà tất cả mọi tài liệu liên quan đến những vụ công tác với Okrana đều mất tiêu nội tháng 2.1917. Giám đốc Công an thời Nga hoàng Dzhunkovaky trước khi bỏ xác trên đảo Kolyma từng xác nhận rằng những ngày đầu tháng 2.1917 một số “thủ lãnh Cách mạng” đã cùng giới chức Okrana hoả thiêu vội vã bằng hết mọi tài liệu không thể để lai dấu vết ở Tổng Văn khố.
                    8/    Một thí dụ hiển nhiên nữa: đại khám đường trung ương Lêningrad đã hoàn thành với đầy đủ chi tiết từ 1934; vừa vặn kịp thời để có chỗ cho con số “khách trọ” khổng lồ sau vụ ám sát Kirov.
                    9/   Trước đó nếu không phải án tử thì thời gian thụ hình tối đa chỉ là 10 năm. Tới năm 1947, kỷ niệm Tam thập châu niên Cách mạng tháng Mười mới thêm một “giá” nặng nữa là hai mươi lăm năm.
                    10/    Có một sự trùng hợp đáng suy ngẫm là ở Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc sau này thì cuộc Cách mạng Văn hoá cũng bùng nổ đúng 17 năm sau đại chiến thắng cuối cùng. Có thể lịch sử vẫn chỉ là tái diễn và có thứ quy luật chung, làm nền tảng cho công cuộc phát triển lịch sử thật chăng? Kể từ ngày đó dường như chính Stalin cũng khởi sự cho thấy sự nhắm mắt làm bừa và làm như chỉ là một cấp thừa hành máy móc. 

                    11/   Đây là câu chuyện do ông bạn tù N.G. kể lại mà vì lý do an ninh cho đương sự, Solzhenitsyn không dám viết đầy đủ tên.
                    12/   Trong hồ sơ này 5 vị khỏi phải ra Toà vì không chịu nổi đã “đi” giữa thời kỳ câu lưu điều tra. Hai mươi bốn vị được ghi nhận là bỏ mạng ở các trại. Người thứ 20, người sống sót duy nhất là Ivan Aristaulovich Punich may mắn thay còn trở về nên mới tiết lộ được hồ sơ 30 giáo sư, bằng không cũng chẳng ai hay như triệu triệu trường hợp khác. Trong khi đó thiếu gì những “nhân chứng” trong vụ án này sống phây phây ở Sverdlovsk ngày giờ này còn làm ăn phát đạt, nắm nhiều chức vụ quan trọng hoặc lãnh lương hưu trí ngon lành.
                    13/   Quả thực tài tình, khi nghe biết có kẻ cúp máy mỗi khi tên tài liệu được xướng lên! Vì ngày nào, giờ nào, phút nào chẳng có kẻ xướng danh người trên hệ thống phát thanh. Vô cùng đều đặn, âm thanh trăm ngàn lần đều y như nhau. Điều này hẳn xướng ngôn viên Levitan có thẩm quyền vì chính người từng xướng tên Stalin hay hơn cả! 
                    14/    Tức Nicolai Ivanovich Yezhov (1895-1939). Từng là nhân vật lãnh đạo ngành an ninh, tình báo Nga. Là Ủy viên (Bộ trưởng) Nội vụ từ 1916 đến 1918 cho đến năm bị thanh trừng.
                    15/ Chính tôi cũng suýt lãnh đủ vì Sắc luật này nếu không may mắn có một can thiệp ngẫu nhiên, ngay tị cỗ. Tôi đang đứng sắp hàng ngoài cửa tiệm, đợi tới lượt vô mua bánh mì thì bị một thầy cho kêu ra biểu đi. Phải chi bị nắm đầu ngay lúc ấy thì đã “đi đảo” rồi, khỏi đăng lính!
                    16/  Vấn đề “huyết thống” thì cứ chiếu theo tên họ mà quyết định. Vậy mới có trường hợp của tay kỹ sư chuyên hoạ kiểu Vasily Okorokov. Ông này cảm thấy cái tên mình ký dưới mỗi hoạ phẩm coi bộ kỳ cục quá nên hồi đầu thập niên 1930 nhà nước còn cho phép bèn xin đỏi tên họ thành Robert Shtekker.
                    Ông ta rất hài lòng vì cái tên mới nghe kêu mà ký tên còn dẽ đẹp. Nào ngờ có ngày cứ mang tên họ có vẻ Đức là đi đày, muốn giải thích cũng chẳng có dịp. Đành chịu đi đày vậy. Lại còn bị các thẩm vấn viên quay mãi: “Có phải tên thật của anh không? Tên thật là gì? Anh lãnh sứ mạng gì cho tình báo Phát-xít thì khai ra…”. Ở Tambov cũng co smọt người gốc thực sự địa phương, tên thực là Kaveroznev nhưng vì khó đọc nên ngay từ 1918 đã đỏi thành Kolbe. Không hiểu ông Kolbe này có bị như ông Shtekker không?
                    17/   Vấn đề này thoạt đầu cũng chưa có quyết định ngã ngũ. Ngay từ năm 1943 đã có những đợt tù đặc biệt – như đợt mang tên Africans ở các công trường Vortuka. Đó là những quân nhân Nga bị Đức bắt làm tù binh, đưa sang Bắc Phi cho quân đoàn Rornmel sử dụng làm lao công chiến trường và sau lại bị quân Mỹ bắt lại lần nữa. Năm 1943, đám tù binh này được vận tải bằng xe Mỹ Studebakers qua ngã Ai Cập, I-rắc, Ba Tư về Nga. Vừa được đưa về tới sa mạc Caspian đã bị tống hết vô trại tập trung. Đám cai ngục chịu tn tiếp nhận đoàn tù đã lột hết cả hù hiệu, lột luôn tất cả những gì quân Mỹ đã cấp cho tù nhân (dĩ nhiên để xài riêng chớ đâu có nạp kho nào) trước khi tống hết vô công trường Vorkuta chờ lệnh đặc biệt. Lệnh chưa tới – vì biết khép chúng vào tội gì? – thì hãy cứ ăn chực, nằm chờ một chỗ, không bị tống giam nhưng giấy tờ không có một mảnh thì làm sao đi thoát khỏi vùng Vorkuta này? Có tham gia công tác công trường thì cũng được lãnh lương công nhân như bất cứ công nhân tự do nào…nhưng chế độ vẫn là chế độ trại giam. Lệnh đặc biệt không bao giờ tới và tất cả trở thành đám người bị bỏ quên luôn. 
                    18/  Dù không sắm đầy đủ chi tiết tôi cũng có thể biết chắc rằng một số lớn tù binh Nhựt này không được xét xử theo đúng quy ước bởi lẽ đây chỉ là một dịp vừa để trả thù vừa để giữ lại càng lâu càng tốt một số nhân công cần thiết cho công tác công trường.
                    19/    Tức Pyotr Nicolaiyevich KRASNOV (1869-1947) lãnh tụ của đám dân Cô sắc, xuất ngoại từ 1919, đứng ra lãnh đạo những đơn vị Nga theo Đức trong Thế chiến II. Bị quân Đồng minh bắt làm tù binh, trao trả cho Nga. Sau Thế chiến bị hành quyết ở Nga sau đó ít lâu.
                    20/    Tức những đảng viên, đồng chí của Stepan Bandera (1909-1957) một lãnh tụ quốc gia gốc Ukraine, từng lãnh đạo du kích chiến chống chính quyền Xô-viết ở Ukraine từ khi Thế chiến II chấm dứt cho đến năm 1947. Sau này Stepan Bandera bị một a-giăng Nga ám sát chết ở Munich năm 1957.
                    21/   Trong số những hồ sơ 10 năm tù về những tội lặt vặt này có một hồ sơ ghi rõ mớ chỉ ở đây đo được 200 mét mà là vật liệu để khâu may. Rõ ràng họ không muốn dùng chữ 200 mét chỉ vì không lẽ chỉ có bấy nhiêu mà bị tới 10 năm.
                    22/   Tuy nhiên lý do nhân đạo loại bị hủy bỏ để lập lại án tử hình khoảng hai năm rưỡi sau, tức thang Giêng năm 1950. Người ta có cảm giác bức màn chỉ được đậy lên ít lâu rồi nanh vuốt vẫn phải giương ra để áp đảo tinh thần.
                    23/ Ở xứ sở chúng tôi đã gọi bí mật thì chẳng có cách nào phanh phui để tìm hiểu sự thật, dù có cố gắng tìm hiểu ngay từ đầu. Hồi đó chỉ nghe dân Mạc Tư Khoa đồn đại rằng đang có một sự sắp xếp chu đáo để thanh trừng Do Thái.. Khoảng tháng 3 nhà nước sẽ cho bật ra vụ mưu sát Lãnh tụ của nhóm y sĩ Do Thái. Tất cả sẽ bị xử treo cổ ở Công trường Đỏ và sau đó dân Mạc Tư Khoa sẽ được các cán bộ xách động đi biểu tình diệt Do Thái, lùng diệt bằng hết. Theo đúng kế hoạch thần sầu của Stalin thì sợ dân chúng quá phẫn nộ, đi lùng Do Thái giết hết mất nên nhà nước phải can thiệp “bảo vệ” họ. Ngay trong đêm hôm đó tất cả dân Do Thái ở Mạc Tư Khoa sẽ được nhà nước “cứu mạng” gấp rút bằng cách cho đi đày sang Viễn Đông, Tây Bá Lợi Á, nhét vô những “công trường” vừa hoàn thành xong làm sẵn đợi bọn họ.
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 14:23:09 bởi CTT >
                    #10
                      CTT 19.08.2008 11:10:53 (permalink)
                      3. Điều tra, Thẩm vấn

                      Trong những vở kịch Chekov có nhiều nhân vật trí thức khoái chơi trò dự đoán tương lai. Rằng hai chục năm, ba chục năm, bốn chục năm tới những chuyện gì sẽ xảy ra trên đất nước này. Chắc gì họ dám đoán 40 năm nữa dân Nga sẽ có dịp nếm mùi điều tra, thẩm vấn? Nếu họ lại biết những mục điều tra, thẩm vấn ấy tiến hành như thế nào e rằng kịch Chekov diễn chẳng bao giờ hạ màn nổi bởi lẽ bao nhiêu nhân vật đều điên đầu, phải tống vô Dưỡng trí viện hết!

                      Ai dám ngờ xương sọ con người lại bị niềng sắt xiết quanh, cứ thế xiết chặt lại? (1)
                      Ai dám ngờ thân thể con người bị lột trần truồng ra thả từ từ ngâm trong bồn át xít?68 Hay treo ngược lên làm mồi cho kiến cắn, rệp hút máu?

                      Ai dám ngờ hậu môn con người có thể chịu nổi cả một cây tre xóc vô, sau khi đã hun nóng trong lò? Phương pháp “đánh dấu” đặc biệt. Cũng như bộ phận sinh dục đàn ông thì làm sao chịu nổi một bộ máy ép từ từ xiết lại? Có thể nói may mắn mới được hưởng một sự tra tấn lai rai. Đại khái cỡ một tuần lễ không cho ngủ, bắt ăn mặn không cho uống nước và ăn đòn ngoài da tới nhừ nát, tả tơi người.

                      Phải nhìn nhận rằng không riêng nhân vật kịch Chekhov, mà có người dân Nga nào dám tưởng tượng một tương lai u ám, ghê sợ như vậy sẽ chụp lên xã hội Nga, mấy chục năm sau này? Ngay những đảng viên Đảng Lao động Dân chủ Xã hội của những năm đầu Thế kỷ XX ở Nga cũng không thể chấp nhận viễn ảnh hắc ám tới như vậy.

                      Chế độ Nga hoàng Aleksei Mikahilovich thế kỷ XVII đã bị triều đại Phê-rô đại đế lên án dã man, phi nhân rồi. Đàn áp cỡ một hai chục mạng người như Biron giữa thế kỷ XVIII sang đến triều hoàng hậu Catherine đã bị coi như một thủ đoạn ghê tởm, không thể chấp nhận nổi. Ngờ đâu tất cả đều trở thành vô nghĩa giữa thời đại thăng hoa của nền văn minh là thế kỷ XX, giữa một xã hội xây dựng trên nền tảng Xã hội chủ nghĩa, giữa các con người đã biết thế nào là máy bay, rađiô, phim ảnh.

                      Lần này không phải thủ đoạn độc tài của cá nhân một gã đại ác, sống thu mình trong cung điện, mặt nào mà là một công trình của hàng chục ngàn con người được huấn luyện chu đáo để lạnh lùng làm công việc đè đầu bóp họng nhiều triệu nạn nhân vô tội.

                      Có phải thảm trạng bộc phát chỉ vì cái di truyền tính mà chúng ta bây giờ mệnh danh là “thần tượng chủ nghĩa”? Thảm trạng đó còn rùng rợn hơn hồi năm 1937, năm chúng ta tổ chức đệ nhất bách chu niên văn hào Pushkin chắc? Có thể nào chúng ta lại trân tráo sắm lại những vai trò Chekhov khi diễn tiến ra sao đã biết cả rồi? Đáng sợ là cả ba chục năm sau có đề cập tới còn bị gạt phắt đi: “Chớ đả động chuyện đó!”. Nhắc đến niềm đau của cả triệu con người là bị lên án “xuyên tạc lịch sử”, nói đến ý nghĩa luân lý đạo đức là bị gán nhãn “phản tiến bộ”.

                      Hãy nhắc tới những lò than, lò thép những nhà máy cán thép, những con kênh đào. Mà thôi, bỏ kênh đào đi! Hãy nhắc tới số lượng vàng mỏ Kôlyma vậy. Mà bỏ hết đi chớ nhắc lại. Thời buổi này ta có thể nhắc đủ mọi chuyện miễn nhắc cho khéo, “ca” cho hay.

                      Thật khó lòng hiểu nổi tại sao chúng ta thẳng tay gạt bỏ. Sự Phán xét của Tôn giáo. Đồng ý là đã từng xảy ra nhiều trận Hoả thiêu tàn khốc nhưng bên cạnh đó còn phải kể những công trình tôn kính dân lên Thượng Đế chớ. Cũng như cứ nghe tới chế độ nông nô là chúng ta lên án có biết đâu chẳng ai cấm nông dân làm việc mỗi ngày…cũng như chẳng ai cấm họ lễ Giáng Sinh hát những bài Thánh ca truyền thống và lễ Ba Ngôi đàn bà con gái vẫn có quyền kết vòng hoa mừng Chúa.


                      *

                      Nếu hiểu rằng trong ngành điều tra, thẩm vấn năm 1937 là năm đặc biệt của ngụy tạo tội trạng và tra tấn thì sai lầm. Không phải vậy. Suốt khoảng thời gian kế tiếp, công tác thẩm vấn chiếu điều 58 Hình Luật, chẳng bao giờ được sử dụng để soi sáng sự thực mà giản dị chỉ là một cung cách máy móc để tiến hành một thủ tục độc hiểm đẻ thằng nào lỡ lọt vô chỉ có cách lạy để xin ra.

                      Chẳng hạn một kẻ mới đây còn tự do, tính khí hãnh diện bất ngờ bị câu lưu điều tra. Bị thẩm vấn có nghĩa là bị nhét vô, tống đại vô một cái ống dài nghẹt thở, đầy gai góc bên trong. Chịu không nổi, ngất ngư gần chết chỉ lạy lục để xin ra. Hắn sẽ được chui ra ở đầu đằng kia, rất ngoan ngoãn và sẵn sàng làm công dân “quần đảo”.

                      (Thương hại cho những kẻ còn nghĩ đến việc chống cự lại, cứ tưởng rằng lọt vô đầu ống ấy là có thể ra bằng một ngã nào khác!)

                      Tình trạng nằm kẹt trong ống như thế nào? Mấy ai đã biết được, lấy đâu ra nhân chứng và càng để lâu lại càng khó lòng thâu góp những tài liệu tản lạc, những câu chuyện thực của những nhân chứng may mắn còn sống sót.

                      Ngay từ ngày vừa thành lập, các Cơ quan đã được trao các công tác nòng cốt là ngụy tạo hồ sơ. Đó là một cần thiết. Còn phải bắt người thì còn phải “sáng chế” ra tội, còn phải gán ghép để buộc tội vả lại nếu hết đối tượng, Cơ quan hết việc và bị dẹp luôn thì sao?

                      Nội một hồ sơ Kosyrev (2)
                      cũng đủ để chứng minh tình trạng bấp bênh của Cheka ngay từ năm 1919. Đọc lại mớ tin tức đăng báo năm 1918 tôi bỗng gặp lại bản thông cáo chính thức về một tổ chức ghê gớm vừa được phát giác. Có một nhóm 10 người âm mưu định đặt (xin đừng quên là họ mới định đặt) đại bác lên trên nóc toà nhà đang dùng làm Cô nhi viện để từ dây nã bắn vào điện Cẩm Linh (làm sao kéo nổi đại bác lên trên nóc nhà là vấn đề khác). Có 10 người liên can đến vụ này, kể cả đàn bà và con nít. Bản thông cáo chính thức không nói rõ một khẩu hay mấy khẩu đại bác, súng cỡ nào, lấy ở đâu ra cũng như những chi tiết chuyên môn: kéo nổi đại bác lên thang đâu phải chuyện dễ, đặt sao nổi đại bác trên nóc nhà và nóc nhà dốc như vậy làm sao bắn mà súng không giật?

                      Đừng quên là lực lượng Cảnh sát Petersburg công khai đặt súng trên nóc nhà để bắn đàn áp cuộc Cách mạng tháng Hai cũng chẳng thể kéo nổi một ổ súng nào nặng hơn đại liên. Vậy mà cũng thành một hồ sơ, nhiều người phải đọc và phải tin là chuyện có thực. Sự ngụy tạo chẳng cần phải căn cứ trên một sự thực nào hết, cũng như hồ sơ vụ án Gumilyv năm 1921 (3)
                      .

                      Cũng năm 1921 cơ sở Cheka ở Ryazan đã sắp đặt trọn vụ án trí thức địa phương. Vì nhóm này phản ứng quá mạnh, dám có tiếng vang về tận Mạc Tư Khoa nên hồ sơ này phải bỏ ngay. Năm 1921 còn có một vụ động trời: trọn tiểu ban Sapropelite trong Ủy ban Sử dụng Năng lực Thiên nhiên bị mang ra xử bắn (4)
                      . Khỏi cần đào sâu, khai quật lại ta cũng thấy giá trị của Công lý trong vụ án này, xét vì các nhà bác học, khoa học gia Nga hồi đó đâu đã bị “thuốc” bởi chủ nghĩa thi đua hăng say phục vụ.

                      Nhà bác học Dôyarenkoo ghi nhận lại tình hình 1921 như dưới đây:

                      Khám tạm ở Lubyanka là nơi tiếp nhận tù mới có khoảng 40 đến 50 giường tre ọp ẹp mà tù phụ nữ thì cứ đêm đêm gởi vô một nhiều. Đám đàn bà con gái đâu biết bị câu lưu vì tội gì nên cứ nghĩ không có tội mà nhà nước muốn bắt vẫn cứ bị. Cả khám tạm chỉ có một người biết tại sao bị vô đây: đó là một nữ đảng viên Đảng Xã hội Cách mạng.

                      Thông thường đồng chí Yayoda hỏi ngay câu đầu tiên: “Thế nào, tại sao phải vô đây? Về vụ gì?”. Làm như ông Giám đốc Mật vụ muốn bảo thẳng có gì cứ khai ra để cơ quan dễ làm hồ sơ vậy! Năm 1920 cán bộ GPU ở Ryazan cũng chỉ có một câu hỏi đó. Có ai biết mình làm gì để đến nỗi bị bắt? Lý do mỏng manh quá nhưng dù sao cũng phải có một lý do nào đó như trường hợp I.D.T bị Cơ quan cho lệnh câu lưu vì tình nghi tên giả. Sau đó, điều tra ra tên ông ta là tên thực thì đương sự bị tạt qua Hội đồng Đặc biệt tức OSO để lãnh án đi đày 3 năm, chiếu khoản 10 điều 58 Hình Luật (5)
                      .

                      Có trường hợp không biết buộc nạn nhân vào tội gì thẩm vấn viên hỏi gặng: “Anh ở sở làm công việc gì?”. Nghe nạn nhân trả lời: “Kế hoạch gia”, hắn bèn thản nhiên phát biểu: “Vậy anh cứ làm tờ khai nói rõ “kế hoạch gia” làm những gì, công tác tiến hành ra sao. Cứ khai thực rồi tôi sẽ cho hay tại sao anh bị giữ”.

                      (Dĩ nhiên ông thẩm vấn viên sẽ chiếu bản khai công tác và thế nào cũng tìm ra một “đầu mối” nào đó để buộc tội.)

                      Nội vụ đã được tạo dựng lên như vụ pháo đài Kovno năm 1912 vậy. Vì thấy để pháo đài không lợi ích gì về quân sự nên cấp trên ra lệnh triệt bỏ. Bộ chỉ huy pháo đài hoảng sợ đã “sắp đặt” cả một vụ tấn công đêm để có lý do “ngồi” lại.

                      Xét cho cùng ngay từ lý thuyết thì “yếu tố phạm pháp của bị can” đã là cả một vấn đề co giãn rồi chiếu huấn luyện của sếp lớn Cheka M.I. Latsis gởi cho các thẩm vấn viên: “Trong cuộc điều tra chớ bận tâm tìm bằng cớ, tang vật chứng tỏ bị can chống đối chế độ, bằng lời nói hay hành động. Trước hết phải hỏi rõ giai cấp nào, gốc gác gì, trình độ học lực đến đâu, thành tích công tác ra sao…(Hãy học tập hồ sơ Sapropelite). Đó mới là những câu hỏi quyết định số phận bị can”. Ngày 13 tháng 11 năm 1920, chính Dzerzhinsky (6)
                      cũng gởi thẳng văn thư đến Cheka tố cáo Cơ quan thường dung dưỡng những lời khai xuyên tạc dối láo.

                      Mấy chục năm lịch sử chứng minh một điều: đã đi quần đảo là không có về. Trừ đợt sóng ngược chiều nhỏ nhoi, ngắn hạn năm 1939 có nghe nói mấy ai được thả lỏng sau một cuộc điều tra, thẩm vấn? Đã bị điều tra thì ghi tống giam luôn cũng chỉ được thả ra để tiện theo dõi! Cơ quan đã điều tra có bao giờ nhầm lẫn nên đã bị điều tra không thể vô tội được.

                      Trong tập Danh từ chuyên viên, luật gia đã định nghĩa rành rẽ như sau: “Thẩm vấn phải phân biệt với điều tra ở chỗ phải tiến hành thẩm vấn để coi xem có văn bản để mở một cuộc điều tra hay không.”

                      Giản dị chỉ có vậy nhưng nếu thế thì Cơ quan có biết đến thẩm vấn bao giờ! Chỉ cần chiếu một bản danh sách lập sẵn nào đó, từ một điểm nghi ngờ nhỏ nhặt, một báo cáo của chỉ điểm viên hay bất cứ một cáo giác nặc danh nào (!) cũng đủ để Cơ quan cho lệnh câu lưu và sau đó chắc chắn sẽ có bản cáo trạng. Thời gian cần thiết để điều tra không nhằm soi sáng một vụ án mà có thể nói 95 phần trăm chỉ cốt làm bị can đau khổ, hết mức chịu đựng, không thể thi gan được nữa, chỉ mong sao “kết thúc” được hồ sơ với bất cứ giá nào.

                      Ngay từ 1919, các thẩm vấn viên Cheka đều có phương pháp căn bản là đặt khẩu súng sáu trên buya-rô. Phương pháp này chẳng phải áp dụng riêng cho các chính trị phạm mà từ các tội nhỏ, lặt vặt trở đi. Trong vụ án Ủy ban Nhiên liệu năm 1921 nữ bị cáo Makhrovskaya cả quyết lúc điều tra đã bị chích cocaine. Chưởng lý Krylenko thản nhiên đáp:

                      "Bị can khai bị ngược đãi. Bị can có khai là bị họ chĩa súng vào người hăm doạ bắt nhận tội thì cũng khó lòng tin nổi!"

                      Điều đó cho thấy vụ thẩm vấn viên đặt súng lên buya-rô và lâu lâu chĩa doạ vào người nạn nhân là một sự quá thường. Ông thẩm vấn có thể khỏi thèm nghĩ đến tội trạng mà chỉ nạt nộ một cách máy móc: “Nói đi, khai đi Đừng hòng giấu giếm”. Năm 1927 Skripnikova đã bị, năm 1929 Vitkovsky cũng bị tương tự và 25 năm sau cũng chẳng có gì thay đổi.

                      Năm 1952 Skripnikova bị câu lưu lần thứ năm nhè đụng đồng chí Sivakov, Trưởng ban Điều tra Ty Nội An Ordzhonikidze. Ông thẩm vấn viên nói thẳng:

                      "Theo lời y sĩ của Ty thì mụ bị áp huyết kém. Có 240/120 thì yếu quá! Để tụi này cho lên cỡ 340 gấp mới chịu khai chắc? Cam đoan không có vụ đánh đập, người ngợm còn y nguyên, một khớp xương không gãy. Chỉ không cho mụ ngủ ít bữa là xong chớ gì."

                      Hồi đó Skipnikova đã ngoài 50 tuổi bị lấy cung suốt đêm, sáng ra nằm xà lim vừa chợp mắt ngủ là y như rằng sếp khám nhào vô hét lớn dựng dậy:

                      "Cấm ngủ! Mụ còn nhắm mắt lần nữa sẽ bị lôi đầu khỏi ghế bố, trói đứng lên dựa vách."

                      Từ 1921, đã có nạn điều tra, lấy cung ban đêm. Cũng năm đó Ty Nội An Ryazan bắt đầu áp dụng phương pháp chiếu đèn pha vào mắt các bị can. Năm 1927 Lubyanka bắt đầu xài phương pháp nóng lạnh tối tân nghĩa là bơm hơi lạnh vào xà lim cho lạnh cứng người rồi sau đó thổi hơi nóng vô tiếp liền. Theo nhân chứng Berta Gandal thì Lubyanka có một phòng đặc biệt dành riêng cho vụ hấp người thật kín. Ngoài Berta, nạn nhân của phòng hấp còn có nhà thơ Klyuyev, nhà cách mạng Vasily A. Kasyanôv (bị tống giam sau cuộc khởi nghĩa 1918).

                      Phòng hấp chật hẹp, không có lỗ thông hơi nên thổi hơi nóng vô một lát thì máu trong người sôi lên, ứa ra đầy lỗ chân lông. Phòng điều tra cử người xuống nhòm lỗ hổng canh chừng sẵn thấy nạn nhân vừa ngất đi là cho “băng ca” xuống khiêng lên ký vào bản tự thú.

                      Các phương pháp nóng, lạnhmuối được sử dụng tối đa trong vụ án này. Năm 1926, Nội An Georgia có mục dí đầu thuốc lá đang cháy dở vào mấy đầu ngón tay bị can. Khám đường Metekhi có mục nửa đêm xách cổ can nhân liệng vô hồ nước.

                      Để lập cho xong bản cung từ buộc tội, với bất cứ giá nào thì làm sao tránh được hăm doạ, bạo hành, tra tấn? Tội trạng càng lạ thì tra tấn càng dữ, mới có thể bật ra bản tự thú. Xét vì phần đông toàn những tội, “dựng đứng” nên bắt buộc phải tra tấn, không riêng gì giai đoạn 1937 mà sau này còn phổ biến lâu dài. Vì vậy mới khó hiểu tại sao những hồi ký của mấy tay Zek lại ghi nhận: Từ mùa Xuân năm 1938 trở đi, các thẩm vấn viên toàn quyền tra tấn” (7)
                      . Sau này họ quen tay đến không bỏ nổi, bằng không trong mấy năm vừa dứt chiến những tờ báo học tập chuyên môn của cơ quan như Tuần san Cheka Kiến Đỏ, Hung thần Đỏ đã chẳng đưa lý luận Mát-xít để mổ xẻ có nên tiếp tục tra tấn hay không. Đặt câu hỏi này thì đương nhiên câu trả lời phải là có.

                      Tuy nhiên muốn cho xác thực thì phải nói rằng trước năm 1938, các thẩm vấn viên chỉ được áp dụng tra tấn trong một số trường hợp giới hạn, có ấn định trước và phải thỉnh thị ý kiến thượng cấp. Nghĩa là phải xin phép cấp trên, dù được phép chẳng khó khăn gì! Khoảng hai năm 1937-1938 để đối phó với tình thế đặc biệt (hồi đó hàng triệu con người bị tống vô quần đảo còn phải qua ngả điều tra, thẩm vấn cá nhân trong khoảng thời gian giới hạn…thay vì bị quơ từng đợt đưa đi đày miễn điều tra như trong các đợt kulak hay chủng tộc) các thẩm vấn viên được toàn quyền và tùy tiện sử dụng kỹ thuật tra tấn của họ chiếu theo “quô-ta” tù và thời gian điều tra do cấp trên ấn định. Đó là thời kỳ “bộ môn” tra tấn nào cũng được sử dụng, tùy “sáng kiến” thẩm vấn viên.

                      Năm 1939 chế độ “tự do tra tấn” chấm dứt và muốn áp dụng phải xin phép trước và chưa chắc là được. Dĩ nhiên “tra tấn” ở đây hiểu theo nghĩa nặng chớ những thủ đoạn lặt vặt vẫn mặc nhiên được sử dụng hàng ngày chẳng hạn như doạ dẫm nạt nộ, tạo áp lực, dỗ ngọt đến quay cho mệt, cấm ngủ, biệt giam. Từ hồi Thế chiến chấm dứt và mấy năm sau có vụ phân loại các bị can (bằng Sắc lệnh) để chỉ định rõ những loại tù mà thẩm vấn viên được phép mạnh tay. Trước hết là những thằng tù quốc gia, gốc Ukraine hay Lithuania, nhất là gặp trường hợp hoạt động có tổ chức (hay nghi ngờ có tổ chức) thì bắt được trong nào phải mạnh tay “khai thác” liền để bắt thêm thật nhiều, thanh toán gốc rễ.

                      Thí dụ điển hình là vụ Romualdas Skyrius, con trai của Pranus Skyrius người Lithuania, nhóm của hắn có cỡ năm mươi người và năm 1945 bị cáo về tội rải truyền đơn chống chính quyền. Hồi đó Lithuania có ít khám đường quá nên tất cả bị đưa về tống vô một trại giam gần Velsk trong tỉnh Archangel. Nơi đây một số bị tra tấn, một số vừa làm quần quật vừa bị thẩm vấn đến chịu không nổi nên trên năm mươi người làm bản tự thú hết! Nhưng chỉ ít lâu sau có tin từ Lithuania đưa sang cho hay những thủ phạm đích thực của vụ rải truyền đơn đã tìm ra, trong nhóm đầu tiên không ai dính dấp hết.

                      Năm 1950 ở khám dọc đường Kuibyshev, tình cờ tôi có dịp gặp một dân miền Ukraine từng bị nếm đủ mục tra tấn buộc phải khai ra bằng hết đồng lõa. Mục tra tấn kỳ lạ nhất là tống vô một chiếc hộp đứng, không thể cục cựa mà phải đứng sững suốt ngày đêm. Hắn ta được cấp một cây gậy để chống lên ngũ đỡ, một ngày đúng 4 giờ đồng hồ. Sau chiến tranh, một nhân viên Viện Hàn lâm Khoa học là nữ Bác học Levina cũng bị câu lưu, tra tấn chỉ vì có mấy người bạn giao thiệp với bà con họ hàng của bà vợ thứ hai Stalin.

                      Không phải chờ đến 1937 giá trị bản tự thú mới được công nhận là đích đáng nhất trong các thứ tang vật, bằng cớ. Ngay từ những năm 1920, giá trị của nó đã được đề cao rồi bất quá 1937 chỉ là năm Chưởng lý Vyshinsky cho ra đời bản Huấn từ đặc biệt cho các thẩm vấn viên, ủy viên Công tố. Chúng ta chỉ được biết đến tư tưởng đặc sắc của ông Chưởng lý 20 năm sau, khi Vyshinsky đã xuống chân. Lại chỉ được biết những khoản trích đăng ở các báo, làm như họ mổ xẻ một vấn đề mà ai ai cũng biết cả rồi vậy!

                      Cái năm rùng rợn đó, Andrei Yanuaryevich Vyshinsky đã sử dụng đến ngôn từ biện chứng mềm dẻo nhất (mềm dẻo đến độ một công dân Xô Viết thời buổi này hay một bộ máy tính điện tử đều không thể chấp nhận một khi không phải là không có phải ra ) để nhấn mạnh trong một bản thuyết trình rất phổ biến trong một vài giới là những kẻ chết rồi chẳng bao giờ nắm được toàn bộ sự thực mà chỉ là sự thực tương đối. Lý luận tiếp theo đó của Vyshinsky thì 2 ngàn năm nay chẳng một luật gia nào dám mạo phạm. Ông ta cho rằng đừng đặt vấn đề sự thực tuyệt đối ở một biên bản điều tra hay một bản án không thể có. Chỉ tương đối thực mà thôi!

                      Đại khái nếu ta ký vào bản án xử bắn một người nào đó thì không thể tin tuyệt đối mà chỉ có thể căn cứ trên một số giả thuyết, hiểu theo một ý nghĩa nào đó để cho rằng ta đã trừng trị một kẻ phạm pháp(8) . Từ đó rút ra kết luận thực tế là tìm tang chứng tuyệt đối làm chi cho vô ích vì bằng cớ, tang chứng bao giờ chẳng tương đối? Mà nhân chứng cũng vậy, họ có thể nay nói thế này mai nói khác như không.

                      Theo quan điểm Vyshinsky thì chính những yếu tố phạm pháp cũng chỉ là tương đối mà thẩm vấn viên chẳng cần tìm đâu xa, ở ngay văn phòng mình. Khỏi cần bằng cớ, tang chứng, thẩm vấn viên cũng có thể kết thúc hồ sơ không những bằng khả năng chuyên môn mà còn nhờ Đảng tính, nhờ sức mạnh tinh thần, nhờ uy lực cá nhân của mình. Nói rõ ra là sử dụng ưu thế, sức mạnh của một thằng được ăn ngon, ngủ kỹ, không bị tra tấn để “đè” bị can. Nếu cần thì sử dụng luôn cả uy lực của một thằng lấy đánh đập, hành hạ người làm sở thích.

                      Nội dung in như nhau nhưng phải nhìn nhận Huấn từ Vyshinsky dù sao cũng bóng bẩy hơn những chỉ thị của Latsis nhiều. Có điều bóng bẩy và “núp sau lưng biện chứng pháp” đến bao nhiêu chăng nửa thì ông Chưởng lý cũng chẳng thể cãi lại được một sự thực. Đó là viên đạn mà ông Chưởng lý cho lệnh bắn vào người nạn nhân không tương đối chút nào mà vô cùng tuyệt đối!

                      Cũng như giải thích vòng vo thế nào thì nền tư pháp tiến bộ của Liên Xô cũng đã đi ngược chiều, trở lại thời kỳ trung cổ. In hệt như các tra tấn viên thời đó, các thẩm vấn viên, công tố viên và các quan toà của chúng ta đã nghiễm nhiên chấp nhận bản tự thú của bị can, coi như bằng cớ chính yếu của sự phạm pháp (9)
                      .

                      Thời Trung cổ con người đầu óc còn dã man thô sơ mới nghĩ ra những phương pháp tra tấn nặng phần trình diễn: nào căng da, nào cho vào bánh xe quay, nào cho nằm bàn chông, cùm kẹp, dí kềm nung đỏ vào người. Con người thế kỷ XX văn minh hơn nhiều, bao nhiêu hiểu biết rành rẽ về y khoa cũng như những kinh nghiệm ngục tù dày dạn đều được mang ra ứng dụng nhằm giản-dị-hoá tối đa những dụng cụ tra tấn lủng củng, cồng kềnh, không thích hợp với lề lối làm việc cả loạt, đại quy mô. Đừng quên rằng có người còn đệ trình cả một luận án tiến sĩ về ứng dụng y khoa và rút kinh nghiệm ngục tù vào công tác tra tấn.

                      Vả lại cũng đừng quên là Stalin vốn là con người biết hết nhưng không bao giờ nói ra hết, buộc bọn đàn em Cộng sự viên phải đoán hiểu coi Lãnh tụ muốn gì. Như một con cáo già, Stalin bao giờ cũng để dành riêng cho mình một lối thoát để nếu cần còn có chỗ rút lui an toàn, để lý luận về “cơn say thành công choáng váng”. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử loài người mới sáng chế ra kế hoạch tra tấn tập thể cả triệu con người một lúc nên dù có sức mạnh vạn năng Stalin cũng chưa chắc đã thành công hẳn. Cả triệu con người đâu giống một vài trường hợp lẻ tẻ, lỡ sơ sót để lại một khe hở khiến một luồng phẫn nộ không dự liệu trước bùng nổ rồi cả thế giới cùng hay biết thì sao? Nhất định phải có sẵn một kẻ nào đó lãnh trách nhiệm, hình ảnh Lãnh tụ không thể để lu mờ được.

                      Cũng như ta chẳng thể ngây thơ đòi hỏi tài liệu cụ thể, một bản danh hiệu liệt kê những cách thức tra tấn để các thẩm vấn viên căn cứ vào đó hành sự. Muốn làm sao thì làm. Phòng Điều tra Thẩm vấn phải có bổn phận cung cấp đúng hạn, một số bị can đã thú nhận tội xong xuôi. Sử dụng phương pháp nào cũng tốt cả, người thẩm vấn có toàn quyền hành động, miễn trả lời về cái chết của nạn nhân, y sĩ của Cơ quan chớ nên xía vô công tác điều tra. Trái lại giữa các thẩm vấn viên và các y sĩ còn có một sự trao đổi học tập, kinh nghiệm – những kinh nghiệm của những người thành công nhất trên phương diện nghề nghiệp.

                      Đối lại với cán bộ Cơ quan được đãi ngộ xứng đáng về vật chất: làm đêm, làm mau chóng là có giờ phụ trội, lương lãnh nhiều thêm. Làm dưới năng suất tất nhiên có cảnh cáo, trừng phạt. Ngay mấy ông trưởng Cơ quan cấp tỉnh cũng phải sẵn sàng: có chuyện gì xảy ra là phải chìa tay cho Lãnh tụ coi. Chỗ khó khăn là Lãnh tụ chẳng bao giờ trực tiếp ra lệnh tra tấn, cái vụ đó phải mặc nhiên hiểu lấy.

                      Dĩ nhiên cấp trên biết thủ thế sẵn để có chuyện là phủi tay thì cấp thẩm vấn viên (trừ những ông uống rượu như hũ chìm) hẳn cũng chẳng ngu dại gì để bị “hy sinh”. Họ chỉ khởi sự tà tà, vừa “điều tra” vừa nghe ngóng. Có xuống tay mạnh cũng tránh để lại dấu vết, không thể để những vụ quá hiển nhiên như lòi con mắt, đứt vành tai, gãy vài đốt xương sống hay những vết thâm tím khắp mình mẩy.

                      Đó là lý do năm 1937 chúng ta không nghe nói đến những phương pháp tra tấn áp dụng chung cho tất cả các cơ sở trực thuộc Cơ quan, ngoại trừ phương pháp cấm ngủ. Cùng một Cơ quan mà các thẩm vấn viên có lề lối “làm việc” khác nhau là thường mà(10)
                      .

                      Lề lối chung của các thẩm vấn viên là hãy cứ nhẹ tay trước đã. Có thể nói là trước nhẹ sau nặng cho chắc ăn. Vả lại sức chịu đựng tra tấn của con người khác nhau nhiều quá. Đối với số đông đâu cần phải đưa ra hai món lột dalò nung kìm kẹp làm chi cho mất công.

                      Ta thử điểm qua một vài phương pháp giản dị nhất trong các đòn tra tấn để “bẻ gãy” nạn nhân mà chắc chắn không lưu lại dấu vết trên thân thể.
                      <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.08.2008 11:50:41 bởi CTT >
                      #11
                        CTT 19.08.2008 11:14:51 (permalink)
                        (tt)
                        Hãy nói những đòn tâm lý trước. Chúng có ảnh hưởng ghê gớm và nhiều khi quyết định đối với những tay-mơ chưa kịp chuẩn bị để nếm mùi tù ngục. Tuy nhiên nhiều tay chỉ vẫn thua chúng ta là thường!

                        (1) Đòn tâm lý thứ nhất là điều tra đêm. Tại sao cần phải dành phần lớn công tác “bẻ gãy” tinh thần một thằng “tội phạm” vào ban đêm? Tại sao từ hồi nào đến giờ Cơ quan chỉ lựa ban đêm để điều tra, thẩm vấn? Giản dị vì dù chưa mất ngủ nhưng nửa đêm bị dựng dậy từ khám lên buya-rô lấy cung là nạn nhân phải ngỡ ngàng, mất tinh thần, đầu óc hết tỉnh táo. Do đó dễ bị hạ hơn.

                        (2) Đòn thứ haidỗ ngọt bằng những lời lẽ, cử chỉ dịu dàng, ve vuốt. Một đòn tối giản dị song vô cùng hiệu nghiệm. Đại khái tội gì giấu giếm, chơi trò “mèo vờn chuột” mãi. Dù có tay-mơ bị can cũng đã được mấy bạn đồng khám rỉ tai cho hay trước để liệu phòng thân. Song ông thẩm vấn viên lý luận nghe được quá: “Bạn biết vô đây thế nào cũng tù rồi, phải không? Cứng đầu chỉ ăn đòn mà chết. Sao bằng biết gì khai hết, kết thúc hồ sơ cho rồi để sớm lãnh án đi đày, bề nào ở Trại Cải tạo cũng còn rộng rãi, khoảng khoát hơn chớ. Sao không ký vô biên bản một cái cho rồi?”.

                        Hợp lý quá. Thằng nào ký cung mau mau là khôn, nếu hồ sơ không dây dưa đến ai. Ít có lắm.

                        Nếu nạn nhân có gốc Đảng thì đòn dỗ ngọt sẽ chuyển thành khích tướng. “Cứ cho rằng tình trạng thiếu hụt có thể nói sắp chết đói nữa…nhưng đã người Bôn-xê-vích không lẽ bạn hèn nhát để Đảng và chính phủ phải mang xấu. Đời nào có chuyện đó, phải không? Đúng, vì không muốn có chuyện đó…nên ông quản đốc kho vải gai, sợi gai nhà nước bèn anh hùng gật đầu nhận tội!

                        (3) Đòn thứ bachửi bới văng tục – Dù chẳng hiệu nghiệm mấy nhưng để đối phó với những người trí thức, quen ăn nói lịch sự thì nhất. Tôi biết hai ông tu sĩ bị điều tra – và chịu thua cuộc chỉ vì thẩm vấn viên ăn nói tục tĩu, đểu giả quá. Nhất là ông năm 1944 “đụng” một nữ thẩm vấn viên ở Butyrki. Mấy buổi đầu mỗi lần ở phòng Điều tra xuống khám ông ta đều hết lời khen: “Ở đây họ thẩm vấn, hỏi cung cũng lịch sự đấy chớ?”. Lần sau cùng ông ta rầu rĩ không buồn nói. Hỏi mãi mới thú nhận đành chịu thua mụ thẩm vấn viên chỉ vì mụ ngồi tréo chân, vắt vẻo và chửi bới nghe tục tĩu thấy ghê quá! Mụ chửi tục tĩu đến nỗi tôi không dám trích một câu ra đây nữa.

                        (4) Đòn thứ tư là đòn đổi chiến thuật đột ngột. Từ lúc khởi sự hỏi cung, thẩm vấn viên dùng toàn ngôn ngữ, cử chỉ tử tế, thân thiện và hứa hẹn đủ thứ. Đột nhiên hắn thay đổi thái độ, cầm đồ chặn giấy giơ lên hăm doạ, chửi bới: “Đồ khốn kiếp nói láo. Tao cho một phát bể sọ tức thì bây giờ!”. Dứt lời hắn còn xông tới xỉa xói tận mặt, làm như muốn nắm đầu đánh đập tại chỗ vậy. Đòn trở mặt đột ngột rất hiệu nghiệm đối với phụ nữ.

                        Ngoài ra còn chiến thuật ông Thiện, ông Ác thay phiên nhau lấy cung nạn nhân. Một người ngọt ngào, dịu dàng. Một người thấy mặt là hăm he, nạt nộ… đến độ bị can sắp phải gặp ông Ác đã run rồi! Bèn đợi phiên ông Thiện để thú nhận, ký cung cho xong. Những tội không hề làm cũng nhận luôn!

                        (5) Đòn thứ nămhạ nhục làm cho hổ thẹn. Phòng Điều tra số 33 của Ty GPU Rostov đặc biệt có dãy hành lang gắn đèn, đặt dưới những khuôn kính. Trước khi được vào phòng, bị can phải nằm đợi ngoài hành lang, mặt úp sấp, đầu không được ngửng lên và tuyệt đối cấm hó hé. Phải đợi như thế năm sáu giờ liền mới được gã lính gác tới vỗ vai, gọi đứng lên vô lấy cung.

                        Lubyanka còn có chiến thuật đặc biệt là cởi trần truồng nữ bị can, do một nữ giám thị đảm nhận, làm coi như bịnh nhưng sau đó tống vô một xà lim cá nhân chật hẹp. Vách tường có những lỗ nhỏ, bọn lính gác khám đàn ông sẽ ghé mắt coi, cười lên và đua nhau phê bình từng chi tiết đặc sắc trên thân thể bị can. Đòn này khiến nạn nhân hổ thẹn, xuống tinh thần mau lắm.

                        (6) Đòn thứ sáu cũng nhằm làm bị can hổ thẹn, lúng túng nhưng áp dụng ngược lại như trong trường hợp F.I.V. ở Krasnogorsk từng bị. Một nữ thẩm vấn viên vừa lấy cung hắn vừa thản nhiên thoát y như không có chuyện gì xảy ra. Mụ còn đi tới đi lui, xích lại gần vừa hăm he, vừa dỗ dành “nạn nhân” để khuyến cáo hắn ký cung cho xong. Có thể mụ hứng thú tự ý làm có thể là cả một chiến thuật phô diễn để bị can khó chịu, đành phải nhận bừa. Nếu bị can làm ẩu thì mụ đã sẵn súng, sẵn chuông cấp cứu.

                        (7) Đòn thứ bảyhăm doạ kèm theo những hứa hẹn láo. Chẳng hạn như: “Nếu không khai thật sẽ cho đi đảo Solovetsky mất xác. Khai thực là được tự do”. Đó là chiến thuật 1924 nhưng qua năm 1944 phải “văn minh” hơn, chẳng hạn: “Đảo thì nhiều thứ đảo lắm có nơi sướng nơi khổ và đi đâu là do chúng tôi ở đây phân phối. Khai thực ra thì sẽ được tới một chỗ ngon lành. Bướng bỉnh là 25 năm khổ sai, vừa còng tay vừa làm”. Nếu ở Lubyanka sẽ bị doạ đưa đi Lefortovo còn đang ở Lefortovo sẽ bị doạ đưa đi Sukhanovka. “Muốn đưa đi đâu cũng được, dễ quá mà. Dù khổ đến đâu thì khổ, ở đâu cũng quen đấy rồi. Biết đến chỗ lạ…có được như thế này không? Hay lại bị hành hạ một mớ nữa? Thôi thì cái gì cũng nhận đại để được ở lại!

                        Đòn hăm doạ vô cùng hiệu nghiệm với những người mới được trát mời nhưng chưa có lệnh câu lưu. Chưa vô tù thì còn nhiều thứ mất lắm, cái gì cũng sợ mất. Mất tự do (không biết bữa nay họ có cho về không?). Là mất việc, mất đồ và dám mất cả nhà luôn. Thôi thì họ bảo làm cái gì thì làm lè lẹ cho rồi (kể cả ký giấy chứng nhận) cho khỏi bị đe doạ, mất mát. Chưa vô tù bao giờ đâu biết đến Hình Luật, đâu biết thực giả thế nào khi bị ấn vào mắt mảnh giấy nho nhỏ ghim trước tờ khai. Đại khái… “trước khi lập tờ khai này tôi biết rằng tội làm chứng gian có thể bị Hình Luật phạt đến 5 năm tù”. Sự thực theo điều Hình Luật thì tối đa 2 năm! Hay là “từ chối, không chịu làm chứng có thể bị tới 5 năm” (Điều 92 Hình Luật chỉ dự liệu tối đa 3 tháng tù!). Đó là một trong những mánh lới căn bản của thẩm vấn viên.

                        (8) Đòn thứ támdối láo, gạt gẫm – Bị can nói dối, khai láo là bị trừng trị và Bộ Hình Luật cũng không tha nhưng trái lại thẩm vấn viên thì toàn quyền tha hồ, không ai trách phạt gì hết. Thẩm vấn viên muốn đưa tài liệu nào ra thì đưa, tha hồ giả mạo cả chữ ký của thân nhân, bạn bè bị can mà không hề bị coi như giả mạo mà còn được ca ngợi như một kỹ thuật điều tra khéo léo.

                        Đòn dối láo, gạt gẫm để nạt nộ thân nhân một bị can, buộc họ phải ký tên vô một tờ chứng thì có thể gọi là “đòn ruột của nghề thẩm vấn!”. Chúng tôi biết cả rồi. Tốt hơn hết là mấy người khai thực ra, ký tên đi. Chậm trễ thì hậu quả chỉ một mình hắn lãnh, do chính mấy người tạo nên [11]
                        . Chao ôi, có bà mẹ nào có con bị bắt mà lại nỡ làm cho nó nặng tội thêm chỉ vì một chữ ký của mình bao giờ!

                        (9) Đòn thứ chín là đòn đánh xéo: Muốn “hạ” một bị can cứng đầu không đánh thẳng vào hắn mà nhè người thương yêu nhất, những người thân thiết nhất của hắn để hướng mũi dùi vô. Hiệu nghiệm tối đa! (Lúc bấy giờ mới thấy tục ngữ xưa không hề sai: “Hại được một người là chính những người thân, trong gia đình hắn!).

                        Chắc bạn đọc chưa quên mẩu chuyện của nhà lãnh tụ sắc dân Tator. Chính mình chịu đựng đủ mọi hình thức tra tấn, bà vợ cũng bị bắt “Điều tra” nhưng nhất định không chịu cung khai. Chừng cô con gái cũng bị “thẩm vấn” thì hết chịu nổi. Năm 1930 có một nữ thẩm vấn viên nổi tiếng đắc lực tên Rimalis. Mụ có một câu “tủ” mà hễ đưa ra doạ là không một nữ phạm nhân nào chịu nổi: “Nhất định không chịu khai hả? Tụi tôi bắt con gái chị, tống nó vô xà lim mấy thằng giang mai ráng chịu nghe?”.

                        Một người bị bắt rồi người thân yêu nhất của mình cũng bị bắt lây là chuyện rất thường, nhưng Cơ quan còn sử dụng cả máy ghi âm để bịp nạn nhân là khác. Chẳng hạn người chồng bị trước, bà vợ dính theo số phận vợ dĩ nhiên tùy thuộc lời khai của chồng. Khi không chợt nghe có tiếng ai giống tiếng nó ở phòng bên, rú lên kinh khủng thì chịu sao nổi? Có phải tiếng nó thực không thì nhận ra sao nổi? Vừa cách bức vách, đầu óc đang bấn loạn thì chẳng thể làm chuyên viên âm thanh! Đó là lý do Cơ quan tiết kiệm nhân lực, cho ghi âm sẵn những lời khóc than, kể lể của một giọng nữ. Hoặc soprano, hoặc contralto sẽ có người mở máy đúng lúc, đúng điệu cần thiết.

                        Cũng có thể người vợ bị “mời” đến Cơ quan thật để các thẩm vấn viên cho đi diễn trước mặt chồng, qua lần cửa kính. Khốn nạn, có chồng nào chịu nổi cảnh vợ mình bị điệu đi, mặt cúi gầm ngay trong hành lang Mật vụ? Chỉ vì mình không chịu khai mà liên lụy tới nó. Điệu nầy dám nó cũng bị họ bắt rồi!”. Sự thực có khi người vợ không hề bị câu lưu, chỉ bị mời tới và buộc phải đi biểu diễn vài bước đúng lúc, đúng chỗ và làm theo lời nạt nộ: “Biểu đi là đi. Cúi đầu xuống, đi cho ngay ngắn. Nếu không làm đúng cho ở lại đây luôn!”.

                        Cũng có thể người chồng được dí vô tận mắt một lá thư, rõ ràng nét chữ vợ mình: “Giờ này không vợ chồng gì nữa. Bộ mặt giả của mày đã lòi ra, tao đã biết hết sự thực và bây giờ đường ai nấy đi”. Coi mấy hàng chữ ghê gớm đó thằng chồng nào chịu nổi? Đất nước này thiếu gì cảnh chồng ở tù vợ bỏ…làm sao không tin cho được.

                        Năm 1944 có một nữ phạm nhân tên Korneyeva bị thẩm vấn viên Goldman khủng bố xéo bằng câu: “Không chịu khai hả? Tịch thu căn nhà luôn, tống cổ mấy con mẹ già ra ngoài đường gấp”. Vốn người có tín ngưỡng, tính tình cứng cỏi Korneyeva không sợ cho bản thân mình nhưng những lời hăm doạ của ông thẩm vấn viên cụ thể quá, những vụ đuổi nhà tương tự đã thấy nhiều quá nên bị can đâm rét, thương hại cho “mấy con mẹ già sắp bị tống cổ ra đường”. Nàng còn hối hận chỉ vì mình mà cả nhà vạ lây nhưng nội đêm hôm đó bản cung từ làm đi làm lại 3 lần là cả 3 lần phải xé bỏ.

                        Sáng hôm sau, Goldman làm bản cung từ thứ 4 buộc tội riêng một mình nàng, Korneyeva mới chịu đặt bút ký một cách vui vẻ và với cảm giác chiến thắng lớn.

                        Đã chịu thẩm vấn thì có oan cũng không cãi được, dù bị oan ức thì bản năng con người xưa nay là phải cãi cho bằng được. Nhưng cãi sao nổi, có được quyền cãi đâu. Chỉ được quyền nhận tội, nhiều khi còn mừng vì được nhận hết tội về mình [12]
                        .

                        Trong ngành điều tra, thẩm vấn nếu cho là có sự khác biệt giữa những đòn tâm lý và những phương pháp (tra tấn) cụ thể thì có thể sắp xếp 9 thủ đoạn nêu trên vào loại “tâm lý” nhưng theo tôi không dễ gì phân biệt, dù những trò chơi sau đây vẫn có thể được liệt vào loại “cụ thể”.

                        (1) Trò chơi âm thanh. – Nạn nhân phải đứng xa ra 8 mét và bắt buộc phải lặp lại tất cả những tiếng, những câu mà thẩm vấn viên vừa phát ngôn. Bắt buộc phải la lên, càng lúc càng lớn. Mới nghe tưởng dễ nhưng thực sự vô cùng mệt mỏi nhất là đang bị giam điều tra gần ngất ngư. Cũng có lúc hai ông thẩm vấn viên bắc loa kề vào hai bên tai nạn nhân đột ngột hét lớn:

                        “Khai đi. Khai mau, đồ khốn kiếp!”. Chỉ một lát sau là tai ù ù, điếc đặc vô cùng khó chịu. Tuy nhiên trò chơi này coi bộ phí người, phí của nên cán bộ thẩm vấn có “sáng kiến” kinh tế hơn.

                        (2) Trò chơi “ngoáy mũi.” – Đây rõ ràng là một trò giải trí. Nạn nhân bị trói cứng, bắt đứng dựng lên để một người thò một sợi lông gà vào lỗ mũi ấn sâu vô rồi cứ thế mà ngoáy. Coi nhẹ nhàng vậy mà nạn nhân quằn quại chịu không nổi vì nghe như mũi bị khoan xoáy thẳng vào óc.

                        (3) Trò chơi lửa. Trò này dễ hiểu và đã nói ở trên.

                        (4) Trò chơi ánh sáng. – Nạn nhân bị bắt đứng hay ngồi trong một cái hộp sơn trắng toát để “chịu” một ngọn đèn pha cực sáng chiếu thẳng vô mắt, không ngừng một giây (trong khi gia đình nào cũng được khuyến cáo phải tiết kiệm điện). Mở mắt chịu không nổi, nhắm mắt lại cũng đau sưng vù hai mí mắt đành phải mở ra chịu ánh đèn rọi.

                        (5) Trò chơi xách tới xách lui. – Đây đúng là một trò chơi mới lạ. Nửa đêm sáng ngày Lễ Lao động 1.5 năm 1933 ở Ty GPU Khabarovak, bị can Chabotarayev là nạn nhân của trò “xách tới xách lui” không làm gì cả trong 12 giờ đồng hồ liền! Đang nằm dưới khám bị lính gác vô nắm đầu, hét lớn: “Chabotarayev, đứng dậy, đi lên lấy cung mau. Tay đưa sau lưng”. Bị đẩy đi hối hả, leo thang bước vô phòng Điều tra. Ông thẩm vấn viên không thèm hỏi tới một câu, không cho ngồi mà kêu lính gác vô, vắn tắt ra lệnh: “Đưa thằng này về xà lim 107. Trở về khám chưa kịp nằm đã lại “Chabotarayev đâu? Lên lấy cung mau”. Gã lính gác vừa ra thì thẩm vấn viên lại: “Đưa về xà lim 107”.

                        Cứ vậy nạn nhân bị “hành” xách tới xách lui cho đến lúc mệt đừ mới được vô lấy cung thực sự.

                        (6) Trò chơi nén cứng. – Đúng vậy, nạn nhân của trò chơi này quả bị nén cứng, kể cả về thân thể lẫn tinh thần. Đang tự do bị tống giam bất ngờ con người ai chẳng giao động, sẵn sàng vùng vẫy lên tiếng cãi, giải thích? Nhưng hắn bị “đóng hộp” ngay tức khắc trong một xà lim cá nhân có khi có đèn sáng và còn có một chỗ ngồi. Nhưng phần đông bị nén cứng trong một “cát-xô” tối mò, đặc biệt xây theo cách buộc bị can phải đứng, chỉ có thể đứng ép sát vào cửa. Bị nén vài giờ, nửa ngày hay một ngày không chừng… đầu óc dĩ nhiên hoang mang, chẳng biết chứa cái gì trong đầu… đâm sợ phải đứng mãi trong chiếc “quan tài xi măng” đến mãn đời. Từ hồi nào đã bị cảnh “dồn nén” thế này đâu? Tinh thần cực kỳ giao động, “dồn nén” thực sự nên không đoán hiểu nổi chuyện gì sắp xảy ra. Có thể nói nạn nhân bị dồn ép tinh thần dồn dập đến phát ngẩn ngơ. Như vậy là vừa “chín mùi” để kêu lên điều tra. Người nóng tính thì bị “dồn nén” quá đâm uất ức, cáu kỉnh sẵn sàng gây gổ, gắt gỏng với cả thẩm vấn viên. Càng tốt! Càng nóng nảy càng dễ hố và “thua trí”.

                        (7) Trò chơi ngồi ngất ngưởng.- Thiếu “hộp”, thiếu cát-xô cá nhân thì NKVD ở Novocherkassk sáng chế ra trò ngồi ngất ngưởng. Bị can Yelena Strutinskaya bị buộc ngồi trên một chiếc ghế đầu thấp đặt chính giữa hành lang không thể tựa hay chống đỡ chỗ nào được hết. Không được ngủ, không té nổi nhưng đứng dậy là cấm. Phải ngồi 6 ngày liền. Bạn ráng thử ngồi 6 giờ coi!

                        Nếu ngồi ghế cao lênh khênh như ở mấy ba rượu, chân tuyệt đối không chấm đất thì thời gian được rút ngắn. Còn từ 8 giờ tới 10 giờ liên tiếp. Nhưng ngồi một chỗ, không được cử động máu tê chồn ê ẩm người, không dễ gì chịu đựng!

                        Trò chơi ngồi thứ 3 chỉ được sử dụng lúc thẩm vấn. Bị can bắt buộc phải ngồi mép ghế, ngồi mím một chút không có chỗ tựa tay, trước mặt thẩm vấn viên. Hắn luôn mồm hối: “Xích tới, tới nữa. Gần sát lại đây. Cấm cục cựa!”. Trò ngồi mép ghế cung khai kéo năm bảy ngày liên sức nặng dồn ép xuống bàn toạ nạn nhân chịu sao thấu?

                        (8) Trò chơi đào giếng. – Một đơn vị đi hành quân đâu phải lúc nào cũng mang sẵn theo “đồ nghề” để trang trị nạn nhân? Do đó, trò chơi “đào giếng” rất thịnh hành ở trại quân Gorokhovets hồi Thế chiến II. Một cái giếng sâu 2 mét, rộng cỡ mét rưỡi đào giữa trời để tống nạn nhân xuống: ngày đêm ở dưới đó, ăn uống ỉa đái cũng một chỗ. Mỗi ngày có sợi dây thòng xuống 300 gam bánh mì, một ca nước. Cứ thế mà chịu đựng ít lâu thử coi.

                        Vì nhu cầu chiến trường giống nhau và cũng có lệnh cho các Phòng An ninh, Tình báo đơn vị nên chỗ nào cũng thấy trò “đào giếng”. Năm 1941, Sư đoàn 36 BB cơ giới hoá dự trận Khalkhin Gol hạ trại giữa sa mạc Mông Cổ. Một tù binh vừa bị bắt, ông Trưởng phòng An ninh SĐ tên Samulyev không nói không rằng, thản nhiên liệng cho hắn một cái xẻng bắt đào một cái hố ngang dọc in hệt một huyệt chôn người (vừa hành hạ thể xác vừa gây xúc động tâm lý tối đa). Chừng đào huyệt sâu gần đến cổ được lệnh nhảy vô hố và ngồi thụp xuống là khỏi nhìn thấy gì hết. Một gã lính gác như vậy có thể canh được nhiều huyệt nhờ khoảng trống an toàn [13]
                        .

                        Tù nhân bị giam dưới huyệt giữa khoảng trống sa mạc mênh mông, mưa nắng không che, đêm không có áo ấm nên cần gì phải hành hạ, tra tấn cho phí sức, tốn công? Thiên nhiên “hành hạ” không đủ chết sao? Huống hồ khẩu phần hàng ngày ăn chỉ có 100 gam bánh mì và uống chỉ độc nhất một ly nước? Trung úy Chulpenyev là một võ sĩ, người đồ sộ từng bị nhốt huyệt trọn một tháng. Mới được 10 ngày đã đầy chấy và rận. Mãi 15 ngày sau mới được gọi lên thẩm vấn lần thứ nhất.

                        (9) Trò chơi quỳ gối. – Quỳ gối để thẩm vấn khác quỳ gối cầu nguyện ở chỗ không được phép quỳ “chiếu lệ” mà cấm ngồi lên gót chân, lưng thẳng đứng. Quỳ ngoài hành lang hay trong phòng còn tùy cũng như thời gian quỳ có thể là 12 giờ, 24 giờ hay 48 giờ liên tiếp. Bị can cứ quỳ gối đúng chỗ, đúng giờ trong khi thẩm vấn viên có quyền về nhà ăn ngủ, du hí. Thay phiên nhau mà! Cộng tác canh chừng còn thiếu gì lính gác đảm nhận, chia ca nhau.

                        Thiếu gì tay vô nghề Thẩm vấn viên bằng công tác rất khiêm nhượng là canh chừng bọn quỳ gối? Nhiều ông lên chức rất cao, con cái nuôi nấng đàng hoàng!

                        Để đầu hàng trò chơi quỳ gối này nhất là những ông gần quỵ, chỉ nhấn một chút xíu thêm cũng đủ và giới phụ nữ. Một trường hợp do Ivanov – Razumnik kể lại: một thiếu niên tên Lordkipanidze còn bị ông thẩm vấn viên thình lình “tố” thêm một mục ngoại chương trình là thản nhiên đái vô mặt. Bị quỳ gối lãnh một sỉ nhục nặng như vậy nên dù có gan góc cùng độ. Lordkipanidze cũng đành chịu đầu hàng luôn, đành cung khai cho xong.

                        (10) Trò chơi đứng. – Trò chơi này nhàm chán ở chỗ bị can bắt buộc phải đứng ngay, đứng nguyên một chỗ. Bị đứng giữa lúc khai cung hay xen vào giữa những lần thẩm vấn đều mệt như nhau cả, dễ gục cả. Thời gian đứng kéo dài tùy tiện: lính gác chia phiên nhau canh chừng, đứng không ngay hay dựa vô vách hoặc buồn ngủ quá Gulag các ngài té tha hồ đấm đá trừng trị. Một trò chơi thật tầm thường nhưng nhiều khi chỉ đứng chưa trọn một ngày đã mất hết tinh thần, thẩm vấn viên bảo ký nhận bất cứ cái gì cũng mau mau ký cho rồi. Chỉ để khỏi phải đứng!

                        Tuy nhiên có nhiều người chống cự trò chơi đứng rất hay, đứng vài ba ngày liền như không. Do đó phải kèm thêm một mục trợ lực nữa, chẳng hạn như cúp nước. Còn thẩm cung là còn chịu khát!

                        Tình trạng đó cho thấy một điều: muốn đạt hậu quả tối đa chỉ việc tổng hợp những đòn tâm lý và những phương pháp cụ thể. Dưới đây là liệt kê một số mánh lới thẩm vấn tổng hợp.

                        (1) Căn bản là cấm ngủ. Chuyên viên tra tấn thời xưa quả chưa biết đến phương pháp này mà họ cũng không ngờ chỉ cấm ngủ mà tinh thần con người suy sụp mau và tàn tệ tới vậy. Cấm ngủ đã không thể chịu nổi, huống hồ còn tùy trường hợp cộng thêm vô những mục bổ túc như bắt đứng, chiếu đèn, khủng bố tinh thần v.v…

                        Con người mất ngủ hết còn là con người vì hết sáng suốt, nửa tỉnh nửa mê, bao nhiêu tinh thần và sáng suốt bay đi đâu mất hết.

                        Nhân vật nữ trong vở “Tôi Muốn Ngủ” của Chekov cũng đã đau khổ vì mất ngủ nhưng dù sao còn ráng cầm cự nổi vì còn được chợp mắt chút đỉnh. Đầu óc con người chỉ cần một phút cũng đủ lấy lại sự tỉnh táo, quân bình!

                        Đang thiếu ngủ muốn gục bất cứ lúc nào thì đầu óc mù mịt, còn sáng suốt đâu để mà nhìn vào bản cung từ để biết được nó nói gì[14].

                        Thông thường thẩm vấn viên sẽ khởi sự bằng câu: “Anh đâu chịu khai thực? Chưa khai thực thì chưa được ngủ. Có vậy thôi!”. Để hành hạ cho nạn nhân đau khổ nữa thì thay vì bắt đứng, nạn nhân bị bắt buộc phải ngồi thẳng thắn trên một tấm nệm thật êm cho thèm ngủ nữa. Gã lính canh sẽ đứng một bên, vừa thấy nạn nhân buồn ngủ quá díu mắt lại là bung một đá cho tỉnh táo!

                        Dưới đây là cảm giác của một nạn nhân từng nằm vài ngày trong một cái “hộp” đầy rệp kể lại sau khi chịu đựng màn nói trên:

                        "Mất máu quá nhiều nên người tôi lạnh toát. Hai con mắt khô rang muốn bật ra ngoài như bị ai kê chiếc bàn ủi nung đỏ tận mắt. Khát nước quá độ lưỡi sưng phồng lên và cứ khẽ đụng đến là đau nhói như bị lông nhím cắm vô. Ôi chao, cổ họng vừa toan nuốt lập tức đau quằn quại [15]
                        ."

                        Cấm ngủ là đòn tra tấn thần sầu nhất ở chỗ nó không lưu lại một dấu tích gì, chẳng thể căn cứ vào đâu để đưa ra trình, khiếu nại với Ủy ban Thanh tra Khám đường [16]
                        . Ngay ngày mai nhân viên Ủy ban tới khám xét cũng tuyệt đối chẳng sợ! Giả thử có kêu nài sẽ được trả lời gọn gàng: “Ủa, họ cấm anh ngủ hả? Ồ, có gì lạ nào? Đây đâu phải trại nghỉ hè. Anh không ngủ thì người canh gác anh cũng vậy chớ?”. Dĩ nhiên họ không ngủ đêm nay thì mai họ ngủ bù tha hồ!

                        Đó là lý do phương pháp cấm ngủ được kể là đòn ruột của Cơ quan, từ một phương pháp tra tấn trở thành một trong những lề lối làm ăn của Bộ Nội An, bất cứ một khám câu lưu điều tra nào cũng phải áp dụng và đã áp dụng là bị can khỏi mong chợp mắt đến một phút. (Xét cho cùng phương pháp này đỡ tốn tiền, đỡ tốn nhân lực vào bậc nhất!).

                        Ở khám đường Sukhanovka cũng như nhiều khám chuyên giam cứu, bao nhiêu ghế bố đều xếp dựa tường để ban ngày gấp lên còn ở những nơi khác thì tuyệt đối cấm nằm đến ngồi nhắm mắt cũng bị cấm triệt để. Vả lại con người ta quen ngủ đêm rồi mà đêm phải thẩm vấn, ngày cấm ngủ thì chịu sao nổi 5 ngày 5 đêm liền? Cũng may thẩm vấn viên cũng là công chức, không lẽ làm luôn cả đêm thứ bảy, Chúa nhật, do đó còn đỡ được 2 đêm.

                        (2) Có lẽ nhận ra chỗ “sơ sót” đó, Cơ quan bèn sửa chữa bằng phương pháp thẩm vấn dây chuyền, ba bốn ê-kíp thẩm vấn viên thay phiên nhau điều tra liên tục không ngừng nghỉ.

                        (3) Đừng để lung lạc tinh thần bị can, yếu tố rệp rất đáng kể. Vách xà lim bằng cây, ẩm thấp tối tăm dơ dáy họ nhà rệp tự do sinh sôi nảy nở ở thứ ván hàng trăm hàng ngàn con. Bị can đã vô xà lim chỉ được mặc áo thun quần sà lỏn nên rệp đánh hơi thấy cấp kỳ, từ vách chui ra từ trên trần thả xuống. Thường thường bị rệp đốt đau quá bị can mới đầu còn phản ứng, chà xát, đè ép tiêu diệt được ít con nhưng chỉ ít giờ sau mệt mỏi quá đành nằm thiếp đi để cho chúng mặc tình hút máu.

                        (4) Đã vào tù thằng nào không sợ nằm “cát-xô”? Nằm cát-xô là ở tù thêm một tăng nữa, là bị tống xuống địa ngục so với thiên đường là phòng giam chung. Con người bị trừng trị trong cát-xô thì chỉ đóirét cũng đủ chết. Ở khám Lefortovo hành lang có lò sưởi ấm, nhưng cát-xô dĩ nhiên không: tù nằm co ro với áo thun và quần xà lỏn trong xà lim tê cóng, lính canh đi lại ngoài hành lang ấm áp mà còn phải vớ lên, giày cao cổ và áo nhồi bông.

                        Nằm “cát-xô” đã có luật: ít nhất cũng khỏi đi lại (cấm cố) trơ trọi một mình (biệt giam) áo quần cởi bỏ hết và nhịn ăn. Ít nhất cũng cấm cố từ hai đến năm ngày và kể từ ngày thứ ba trở đi mới được cung cấp chút cháo nóng. Tưởng cực khổ, đói rét cỡ đó thì con người ta không thể chống cự nổi, nhất là trong những giờ đầu tiên nằm cát-xô. Nào ngờ cầm cự dai dẳng cũng qua được ngày thứ năm nhưng rất có thể dính một chứng bệnh gì đeo đẳng cả đời người.

                        Gọi là “cát-xô” trừng trị nên ngoài vụ bỏ đói, bỏ lạnh Cơ quan còn bổ túc thêm bằng một mục xối nước lạnh, bắt ngâm chân vô chậu nước đá. Nạn nhân Marsha G. bị ngâm nước đá hai giờ trong khám Chebotaryev ở khám tạm GPU Khabarovsk năm 1933. Nạn nhân bị cởi trần truồng, nhét vô bồn xi măng chật cứng, nửa nằm nửa ngồi co quắp như con tôm, không còn chỗ để cựa quậy. Sau đó thẩm vấn viên mở vòi nước cho chảy từ từ xuống người làm nạn nhân chịu được 24 giờ là chết ngất. Chở băng ca vô nhà thương, chích đủ thứ thuốc hồi sinh, thoa bóp mãi mới cứu tỉnh nhưng Chebotaryev một tháng sau vẫn còn ngơ ngẩn thất thần, muốn lấy cung cũng không được. Mười sáu năm sau vào năm 1949 một người quen của tôi ở Dnepropetrovsk cũng bị nhét vô bồn tương tự, chỉ trừ mục vặn vòi nước.

                        (6) Cũng như đòn cấm ngủ. Cơ quan còn một phương pháp “tủ” là bỏ đói bị can nghĩa là “áp lực bao tử” cho đến khi nạn nhân phải cung khai. Thông thường khẩu phần hàng ngày của tù nhân có thể thay đổi nhiều ít tùy từng nơi, tùy từng lúc. Năm 1933 chỉ có 300 gam bánh mì nhưng Lubyanka năm 1945 được 450 gam. Ngoài ra còn có đồ thăm nuôi gia đình gởi vô hay mua ở Câu lạc bộ nhưng chế độ này bị gạt bỏ ngay nếu cần phải bỏ đói để điều tra. Như bị can Chulpenyev trọn một tháng mỗi ngày chỉ được 80 gam bánh khẩu phần, tống xuống giếng cạn rồi cho lên để thẩm vấn viên Sokol điều tra bằng cách bày ra trước mắt một hũ phó-mát thơm lừng và nửa ổ bánh mì thật ngon, xắt xéo quyến rũ. Giản dị, cổ điển thế đó nhưng vô cùng độc ác. Không ngờ đòn tâm lý dã man này từng xài dưới thời trung cổ nay sống lại dưới chế độ xã hội chủ nghĩa!

                        Chebotaryev từng bị nhiều đòn một lúc. Đại khái 72 giờ đồng hồ lên khai cung không được làm gì ngoài việc đi tiêu đi tiểu. Nhịn đói nhịn khát dù kế bên sờ sờ một bình nước thật ngon. Dĩ nhiên nhịn ngủ vì 3 ông thẩm vấn viên thay phiên nhau làm việc: một ông cắm cúi viết không thèm nhìn bị can, một ông nằm ngủ trên đi-văng, một ông đi lại quanh phòng, thấy ngủ gục là đập. Vai trò cứ thế là đổi. Làm như cả 3 ông cũng ngán, không lấy cung xong thì chính họ cũng bị trừng phạt vậy.

                        Chịu không nổi Chebotaryev đành nhận khai. Lúc bấy giờ được mang tận miệng cả một khay thức ăn: 1 hũ phó-mát, 1 miếng sườn ram, dĩa khoai tây chiên, một bình rượu chát đỏ. Cả đời hắn không uống một giọt rượu mà thẩm vấn viên cũng không ép, sợ hư việc. Chừng ăn xong được chìa ra một bản cung từ. “Ăn uống xong rồi, ký cung đi. Bản cung tôi lập, rõ ràng có hai nhân chứng kia”. Đúng, một ông thẩm vấn viên tự ý viết cung, một nhân chứng lại đi quanh phòng canh ngủ gục, nhân chứng kia nằm ngủ trên đi-văng.

                        Ngay ở trang đầu bản cung từ, Chebotaryev mới hay là mình “có liên lạc chặt chẽ với tất cả các tướng lãnh đang cầm quyền bên Nhựt và đã được họ mướn làm gián điệp”. Đọc tiếp mấy trang sau hắn lấy viết gạch tuốt, không chịu ký. Hắn đâu có uống rượu mà say. Lập tức lại ăn đòn như mưa!

                        Dù sao cũng còn hơn trường hợp của Blaginin, bạn đồng sự với hắn ở Công ty Thiết lộ Viễn Đông – Trung Quốc. Cũng bị bắt chung vụ, cũng được đãi ngộ tương tự nhưng Blaginin không nhịn được đã nhậu hết bình rượu chát. Có rượu vô hắn say mèm ký cung tức khắc và bị xử bắn cũng cấp kỳ. (Khốn nạn, một ly rượu nhỏ cũng đủ chết người huống hồ trọn một bình của Cơ quan!).

                        (6) Tuy nhiên để tra tấn vẫn không gì hiệu nghiệm bằng đánh đập. Dĩ nhiên vấn đề quan trọng là không để lại một chút dấu vết nên Cơ quan sáng chế nhiều món đồ nghề thích hợp: gậy cao su, thước mỏng, bao cát. Hay là gót giày của ông thẩm vấn viên lâu lâu giộng vào ống quyển đau điếng để bao nhiêu năm sau còn nhớ. Như Lữ đoàn trưởng Karpunich Braven bị ăn đòn 21 ngày liền mà “ba mươi năm sau xương cốt vẫn còn đau rần và đầu còn nhức nhối”.

                        Theo kinh nghiệm của Braven thì nội mục đánh người NKVD cũng có tới 52 kiểu khác nhau. Riêng kiểu đặt hai bàn tay lên bàn để lấy thước gõ công cốc vào những đốt xương cũng đủ để nạn nhân rú lên kinh khủng. (Dĩ nhiên phải để ra ngoài đòn nhổ răng[17] mà Braven từng phải chịu đựng mất 8 chiếc!).

                        Trong thân thể con người có chỗ nào dễ thấm đòn lại tìm không ra dấu vết cho bằng chỗ ức, nhất là giộng một cú đấm giữa hai hơi thở. Ông đại tá Sidorov ở khám Lefotovo hồi hậu chiến nổi danh về cú đá phạt, mũi giày không bao giờ hụt bộ phận sinh dục của thằng bị can! Cầu thủ đá banh bị một trái vô dạ dưới cũng đã ngất xỉu huống hồ lãnh trái phạt đúng boong! Trong mọi ngón đòn, cú đá của ông Đại tá đau nhất! [18]


                        (7) Ty NKVD Novorossisk nổi tiếng có dấu vết lưu niệm mà tù Trại Cải tạo nhìn vô biết ngay. Họ đặc biệt sáng chế ra một bộ máy chuyên môn chỉ để bóc móng tay nạn nhân vô cùng hữu hiệu lúc lấy cung.

                        (8) Nếu cần, còn đòn bó giò cho cả người nạn nhân cứng ngắc như một cây gỗ. Và nếu xài đòn uốn ván thì xương sống lưng bị can có thể bẻ cong đến gãy như ở Ty GPU Khabarovsk năm 1933.

                        (9) Khó chịu hơn cả phải kể đòn bó ngược, sáng chế độc đáo của khám Sukhanovka mà thẩm vấn viên Ivkov mang phổ biến ở trại Archengel năm 1940. Nạn nhân được đặt nằm sấp, một đoạn cây dài bằng vải bện cột “hàm thiếc” vắt ngược qua vai cột cứng với gót chân. Sợi dây được ngắn dần xương sống nạn nhân cong ngược lên. Cứ nằm thế, hai ngày hai đêm nhịn đói nhịn khát.

                        Kể sơ ra cũng có bằng ấy đòn. Có cần kể thêm nữa, mà có còn để mà kể không? Có còn đòn nào mà những con người thẩm vấn viên nhàn hạ, ăn ngon mặc tốt và không tim đó không nghĩ ra không?

                        Hỡi ôi, xin bạn đừng trách móc, oán hờn những người đã lọt vào vòng điều tra, thẩm vấn và chịu không nổi đành phải phun ra nhiều hơn sự thực. Xin bạn đừng là người đầu tiên lăng nhục lên án họ.

                        Nhưng thôi. Nói cho cùng để hành hạ mấy con cừu non ngất ngư vừa rời ổ, chỉ mong sao trở về nguyên vẹn thì đâu cần đến kìm kẹp sắt thép! Đại đa số khỏi cần đến một đòn nhẹ nhất. Đã lọt vô Cơ quan, vào phòng Điều tra là hết hồn, là phập phồng như lạc sang rừng già Phi châu với muôn ngàn nỗi hiểm nguy. Có ngờ đâu ghê gớm vậy.

                        Hãy cứ nói trường anh có thằng bạn thân tên A., tin nhau lắm và lâu lâu gặp nhau một lần có quyền tha hồ mổ xẻ các vấn đề chính trị lớn nhỏ không ai nghe lọt, chẳng ai đoán biết và chính các anh đâu có hành hạ tố cáo nhau bao giờ.

                        Bỗng nhiên, một hôm vì một lý do nào đó anh bị xách cổ đi và bị câu lưu. Chẳng có người cáo giác, chẳng phải anh lo cho gia đình hay sợ bị cấm ngủ hoặc nhốt cát-xô, tự nhiên anh cảm thấy trước sau thế nào cũng phải khai cung nhưng nhất quyết không làm cho một ai vạ lây, với bất cứ giá nào.

                        Anh lập cung từ lấy, đủ 4 mẫu tờ khai nghĩa là 4 tờ tự thú có ký tên đàng hoàng, tự gán cho mình tội chống đối nhà nước Xô Viết mà chứng cớ đại khái là ưa nhạo báng Lãnh tụ, chê bầu cử thiếu tự do, đi bầu phá hoại ngầm bằng cách gạch bỏ tên ông ứng cử viên duy nhất trên lá phiếu (dù trong phòng phiếu lọ mực vẫn còn đủ để viết)…hoặc có chiếc rađiô tình cờ có làn sóng ngắn 16 mét có thể bắt được vài mẩu tin của các đài Tây phương xen kẽ những làn sóng phá đài.

                        Vậy kể như anh có chắc bản án 10 năm mà xương sườn còn nguyên vẹn, chưa bị sưng phổi, chưa đến nỗi khai bậy cho ai. Thế là anh có quyền nghĩ mình khai khôn ngoan chán, anh còn dám chắc với mấy người bạn cùng xà lim là hồ sơ của anh sắp kết thúc đến nơi. Coi, nếu anh tưởng vậy thì hố đấy!

                        Vì còn tờ khai thứ 5 mà. Tờ khai thứ 5 ông thẩm vấn viên tự tay nắn nót điền vô bản mẫu vừa ngắm nghía tuồng chữ của mình. Hắn lơ là hỏi: “Anh thân với thằng A. không?. (Tên gã bạn thân của anh đó?)”. Anh trả lời: “Có”. Nhưng “Anh có thảo luận chính trị với nó không?”. Thì dĩ nhiên phải: “Không, chưa đủ tin tưởng”. “Hai người gặp nhau thường chớ?”. “Đâu có. Thỉnh thoảng”. “Thỉnh thoảng là thế nào? Có phải như hàng xóm anh báo cáo nó đến nhà anh chơi ngày ấy… ngày ấy… tháng rồi không? Có đúng những ngày ấy không?”. “Dạ, có thể đúng!”.

                        Ông thẩm vấn viên gục đầu cho ra thêm một số sự kiện: “Có thể thôi. Chớ không phải những lần gặp gỡ ấy các anh không bao giờ uống rượu, không nghe nhạc ồn ào, các anh chỉ nói nho nhỏ đủ nghe, đứng ngoài hành lang không thể biết bàn bạc chuyện gì hả?”. Ôi chao, biết có ngày bị hỏi thế này thà ăn nhậu tưng bừng, đập phá tùm lum, la hét ầm ĩ lại đỡ bị nghi ngờ! Ủa, như vậy có sao không ạ?”. “Khoan… Anh cũng nhiều lần đến nhà nó phải không? Hai người hôm trước còn điện thoại cho nhau mà. Hai người nói gì chúng tôi biết cả. Các anh nhắc lại buổi gặp gỡ chiều tối hôm trước chớ gì? Các anh đứng ở ngã tư nói chuyện tới nửa giờ, mặt hai người cùng rầu rĩ, bất mãn, rõ. Anh có cần coi tấm hình chụp đúng lúc ấy không? Người cứ khai thực hai người thảo luận những gì?”.

                        Thì ra, thảo luận những gì mới là căn bản của vấn đề! Anh có gì để thảo luận đâu nên phản ứng đầu tiên của anh chắc chắn sẽ là: “Tôi không nhớ. Tôi quên. Tôi nghĩ là có gì đâu mà phải nhớ.” Quên lần 1 cùng 2 chớ ai cho phép anh quên một lúc tất cả mọi cuộc thảo luật? Còn những vụ gặp gỡ thằng B, thằng C, thằng D nữa. Anh không thể tiếp tục mãi: “Quên, tôi quên hết cả”. Chính anh cũng thừa biết chẳng ai chịu tin một sự “đãng trí” ghê gớm vậy.

                        Anh vừa bị bắt tinh thần hốt hoảng lại nơm nớp ngán những mục tra tấn, nên là người có học dĩ nhiên trong đầu óc anh sẽ nảy ra một giải pháp chống đỡ. Thôi thì nghĩ đai ra một số câu trả lời có thể tin được, có thể đấu trí lại thẩm vấn viên là xong chớ gì.

                        Biết cung khai thảo luận những gì đây? Hai người bàn chuyện đá banh thì hay nhất. Chuyện đàn bà, con gái cũng được. Hoặc chuyện khoa học cũng còn được. Dễ nhớ dễ khai và nhất là dễ tin dù nói chuyện khoa học sơ hở một chút là buột miệng cho ra những “tin tức cấm phổ biến” mà đụng tới là vướng Sắc luật Tiết lộ Bí mật Nhà nước dễ như chơi.

                        À, phải tỉnh táo nhớ tránh trước những chỗ gai góc, mà hôm nào đó anh có thể đã thảo luận thật sự. Chẳng hạn báo tin cho nhau hay: “Hồi này bắt dữ quá” hoặc than “Mậu dịch càng ngày càng thu mua rẻ” hoặc bàn tán chuyện nông trường tập thể (dĩ nhiên “bàn tán” là phải công kích vì nông trường tập thể có cái gì tốt đẹp bao giờ?). Phải đặc biệt để ý tài liệu mà giải thích khoản “nửa giờ hai người đứng nói chuyện ở ngã tư” và thảo luận những gì mà “hai người cùng rầu rĩ, bất mãn”.

                        Đừng quên là thằng A. bạn anh có thể bị vồ thật rồi, dù trăm lần như một thẩm vấn viên bao giờ cũng cả quyết chắc chắn A. còn bị trước anh, nó đã khai đầy đủ cho anh và nếu muốn sẽ cho 2 đứa đối chất tức khắc. Anh đâm hoảng: “Không hiểu A đã bị vồ thật, nó đã khai thật ra chưa? Nó đang nằm phây phây ở nhà hay lát nữa đây sẽ bị kêu vô đối chất và té ra nó cung khai khác hẳn anh về cái vụ thảo luận nửa giờ ở ngã tư rầu rĩ, bất mãn?”.

                        Chao ôi, ai dè sự đời biến chuyển thế này: Không lẽ mỗi lần gặp gỡ một thằng bạn chuyện trò lại phải rắp tâm nhớ mình đã nói những gì và trước khi từ biệt lại phải dặn dò nhau sẵn có ai hỏi đến thì phải trả lời như thế này, thế này? Nếu chuẩn bị kỹ vậy đó thì chẳng sợ gì thẩm vấn, cung khai và đối chất! Bằng không thì có hai người thảo luận mà mỗi người khai một cách khác hẳn nhau thì chỉ gây rắc rối, thay vì gỡ ra lại thắt chặt thêm. Một câu trả lời sai, sẽ kéo theo mười lần ngờ vực vô cùng nguy hiểm

                        Hay là mình sử dụng trí thông minh, khai gần cận, tương tự với sự thực và khai cóc nhảy, tránh né trước những điểm khúc khuỷu, nguy hiểm. Tục ngữ chẳng có câu: “Thằng nói dóc cừ nhất là nói dóc sát sự thực để người nghe tưởng là sự thực” đó sao? May ra có đối chất thằng A. sẽ đoán ra được mình muốn nó khai như thế nào để đạt tới một trùng hợp tối đa và do đó, cả 2 thằng có thể thoát nạn!

                        Mấy năm sau mới biết mình dại, tin ở sự sáng suốt của một thằng ngốc. Cứ tưởng nó như mình nào ngờ nó quên phứt, không nhớ nổi ngày hôm đó làm gì, dù quên là có thể ăn đòn đau! Nhưng thời gian nằm điều tra đêm đâu có cho phép suy nghĩ. Cả ba ngày chịu đựng là tinh thần mất hết, nhất là đang lấy cung lại bị một hai ông thẩm vấn viên ở phòng bên chạy sang nồ góp, không biết trời trăng gì cũng sủa chõ vô: “Xạo, khai thực ra. Bữa đó thảo luận những gì? Mấy người bàn tán với nhau những gì?”.

                        Bàn tán? Nhớ ra rồi, tụi tôi hôm đó có than thở với nhau về sinh hoạt nông trường, hồi này Mậu dịch giá thu mua thấp quá. Vì vậy tụi tôi rầu rĩ, bất mãn. (Chớ không lẽ bán giá quá rẻ lại hoan nghênh?).

                        Có vậy thôi, nhưng ở bên cung từ ông thẩm vấn viên thản nhiên “chuyển ngữ” thành: “Trong buổi thảo luận, chúng tôi đã đả kích chính sách lương bổng của Đảng và nhà nước”.

                        Tội trạng đả kích Đảng và nhà nước nghe ghê quá. Nhưng trớ trêu ở chỗ ít lâu sau có dịp gặp thằng A. trong tù là bi nó đả kích: “Tại sao mày nói nhăng nói càn kỳ cục vậy? Tao khai bữa đó mình bàn nh ân sủng đi câu cá nhè mày khai thảo luận” Cái mới đau!

                        Thực tế cho thấy rõ rằng mấy ông trí thức vô phòng Điều tra là thua thằng thất học, thua đau. Thân danh có học thì có cung khai phải cung khai cho gãy gọn, đi từ đầu đến đuôi có mạch lạc đàng hoàng chớ đâu thể ấp úng như thằng điếm vô học trong kịch Chekov? Vẫn biết những tội trạng cung khai ra hoàn toàn bị cưỡng ép chấp nhận cả một sự bịa đặt nhưng cũng phân phối sắp xếp sao đó cho hiểu lý chớ? Trong khi đó thẩm vấn viên – đồ tể chẳng cói ra gì. Chỉ cần “bắt” một hai câu để căn cứ vào đó buộc tội là đủ rồi!

                        Trong xã hội này người có học là người từng được huấn luyện, được tập dượt trước để thích ứng với hoàn cảnh xã hội, nghề nghiệp. Đi quân dịch phải thế nào, những nhu cầu xác thịt giải quyết thế nào cho đúng. Cư xử thế nào cho chững chạc, nghệ thuật thế nào là hay là đẹp. Nhưng chừng kẹt vô một hoàn cảnh sống chết, gay go nhất đời là bị câu lưu thẩm vấn thì học lực, giáo dục, kinh nghiệm chẳng giúp ích được quái gì hết. Không gì trớ trêu bằng phải coi kịch, coi phim, đọc sách để cho vai trò nhân đạo của quý ông “Cố vấn pháp luật” biện hộ cho nạn nhân trong lúc lấy cung. Biết bao nhiêu lý thuyết cao siêu được viện dẫn ra, sắp xếp rất đẹp, nhưng có ông Cố vấn nào giải thích được cho ta hiểu ý nghĩa đích thực, co giãn của chính Bộ Hình Luật? (Mấy đấng tác giả phim kịch hay sách nói trên cứ tống vô Trại Cải tạo là có dịp mở mắt biết liền! Chao ôi, có phải lúc nào cũng chìa ra một cuốn sách Luật được đâu? Luật sư lại càng là một sự xa vời quá!

                        Xét ra chẳng có gì vô hiệu bằng nói chuyện luật pháp, điều này điều nọ ở buya-rô ông thẩm vấn viên. Với họ chỉ có ký tên vô bản cung hay là ký vô đây – Ký đâu được, tôi đâu có tội gì. - Cứ ký đi, tội gì rồi biết. - Phải cho tôi biết tội trạng đã chớ. – Muốn biết hả? Nghe đây – anh bị khép vào mục 2 của khoản 10 điều 58 và khoản 11 điều 58 của Bộ Hình Luật Cộng Hoà Liên Xô. Chịu chưa? – Ký đi”.

                        Bị can còn đòi hỏi đọc rõ các điều khoản thì ông thẩm vấn viên sẽ nạt nộ, kiếm đủ mọi cách để gạt phắt và sau cùng sẽ kết thúc bằng một “bài học” bất hủ:

                        "Muốn coi luật? Hà hà. Luật pháp làm ra là để cho tụi tôi áp dụng trên đầu mấy người coi làm gì kìa? Mấy người khỏi cần. Điều ấy khoản ấy dĩ nhiên nhằm để trừng phạt chính cái tội của mấy người, còn hỏi nữa thôi? Biểu ký là ký cho mau cho lẹ.

                        Nên nhớ chữ kỹ của mấy người ở dưới bản cung từ đâu có nghĩa là mấy người đã đồng ý về tội trạng như đã nêu. Nó chỉ có giá trị minh chánh là cung từ đã được đọc, đã đưa cho mấy người coi. Vậy đủ chưa?"

                        Giữa lúc ông thẩm vấn viên vung vẩy chìa khoá cung khai vào tận mặt thì nếu tinh mắt bị can chắc chắn sẽ nhận ra những hàng chữ tắt xuất hiện nhiều lần trong bản cung từ. Ít nhất cũng có UK và UPK tên tắt của hai thứ luật. Một là Bộ Hình Luật (UK) và hai là Bộ Hình sự Tố tụng (UPK) để nhà nước tùy tiện áp dụng mà người nhà nước không có bổn phận giải thích luật pháp, chỉ cần đọc lên mấy chữ tắt.

                        Mười năm trôi qua rồi thấm thoát mười lăm năm cỏ đã mọc xanh rì trên nấm mộ của thời hoa niên của tôi. Hết án đi đày, tôi trở về nơi cư trú không hơn đi đày bao nhiêu để thấu hiểu sự thực này: ở bao nhiêu “khu giáo dục văn hoá” trong trại, trong bao nhiêu thư viện lớn nhỏ có bao giờ tôi được dịp ngó thấy, sờ tay vô một Bộ Hình Luật của Cộng hoà Liên Xô? Mua không ra, mượn không được, hỏi cũng không thấy luôn [19]
                        .

                        Bạn tù của tôi kể đến mấy trăm người. Ai chẳng từng nếm mùi điều tra, ra toà nhiều người còn hơn một lần bị tống vô Trại Cải tạo hay đưa đi đày nữa nhưng có một ai được hân hạnh nhìn mặt hay sờ vào Bộ Hình Luật bao giờ. Chao ôi, mãi đến 35 năm sau khi chúng ra đời, đang sửa soạn bị thay thế tình cờ tôi mới vớ được nguyên cặp Hình luậtHình sự Tố tụng nằm bên nhau như hai anh em song sinh ở một sạp báo nhà ga xe điện hầm Mạc Tư Khoa. Phải chăng chúng lạc hậu, sắp sửa thành phế thải rồi mới được phổ biến?

                        Lần giở lại mấy trang sách Luật, tôi không khỏi ngao ngán. Chẳng hạn Bộ Hình sự Tố tụng có điều 136 ghi rõ ràng: “Thẩm vấn viên không có quyền bắt nghi can cung khai hay thú nhận bằng những phương pháp áp lực, đe doạ”. Làm như Hình luật cũng tiên liệu sẵn những mánh lới đe doạ của các ông thẩm vấn viên.

                        Điều 111 Hình sự Tố tụng buộc thẩm vấn viên phải “giúp đỡ” các nghi can, thấy điểm nào có thể gỡ tội, làm nhẹ tội được cho họ là phải làm liền. Nhưng thực tế thì có công với chế độ, làm cách mạng cướp chính quyền, tự tay bắn Kolchak, truất hữu bọn kulak… là tôi cũng còn kể bỏ. Chưa kể đến tiết kiệm cho nhà nước 10 triệu rúp, cộng thêm 2 chiến thương, 3 huy chương ông thẩm vấn viên hét vào tai tôi: “Tất cả những cái đó vô nghĩa!”.

                        Điều 139 Hình sự Tố tụng nói rõ nghi can có quyền tự tay viết lấy cung, nếu thẩm vấn viên làm thì có quyền buộc cho coi lại và yêu cầu sửa nếu thấy sai lầm. Ai đã từng bị điều tra, thẩm vấn đều không lạ gì năn nỉ gãy lưỡi cũng cứ là “cố tình phát ngôn xuyên tạc” thay vì “nói bậy”. Một con dao rỉ sét cũng có thể là “tang vật thuộc kho vũ khí bí mật”!

                        Phải chi có chút kinh nghiệm tù ngục thì nạn nhân không bao giờ dám ỉ i, coi nhẹ bản cung. Chừng biết ra thì hối hết kịp! Vì vậy đợt tù bị bắt lại năm 1948 có đứa nào được hỏi cung? Làm sao “gài” nổi những thằng quá nhiều kinh nghiệm?

                        Còn gì hài hước bằng trông chờ sự giúp đỡ của thẩm vấn viên khi chủ trương ngầm của Cơ quan là phải cô lập tối đa các nghi can để gieo hết sức nặng, đè bẹp họ trong thời kỳ để triệt hạ, nhất là vừa lại bắt vô. Không cho gặp bất cứ ai, dù trong xà lim, ngoài hành lang, trên thang lầu hoặc ngay trong phòng điều tra, không thể có cơ hội thông tin có người quen chia sớt chút cảm tình, bằng một cái liếc mắt?

                        Chiến thuật ruột của Cơ quan còn nhằm gieo cho nạn nhân cảm giác “vô đây là hết hy vọng, hết đường sống”. Nếu có thể còn bịp nạn nhân, làm như cả nhà hắn cũng bị bắt lây và họ đã cung khai hết rồi, có đầy đủ tang chứng…không còn gì để giấu giếm nữa. Thẩm vấn viên sẽ làm như đầy đủ thẩm quyền, làm án hay dung tha để nạn nhân tưởng cung khai ngoan ngoãn có thể được Cơ quan can thiệp giảm án hoặc cho đi đày những chỗ sung sướng, không thể có!

                        Với Cơ quan thì chỉ cần một hai ngày đầu: bao nhiêu thủ đoạn đều được sử dụng gấp rút, buộc nạn nhân phun càng nhiều bằng cớ càng tốt, khai càng nhiều tên càng hay. Nạn nhân xúc động, tuyệt vọng đến độ nhiều người yêu cầu thẩm vấn viên miễn cho việc đọc lại tờ khai! Không muốn nghe, đọc hết nổi mà chỉ xin được ký, ký cái gì cũng được cho xong. Chừng làm xong cung từ nạn nhân mới hết bị biệt giam, được ra phòng để rầu rĩ nghe các bạn tù kể chuyện và càng thấm thía những sơ hở, khốn nạn, ở hoàn cảnh đó thì có ai khôn ngoan sáng suốt.

                        Chiến thuật biệt giam người vừa bị bắt bao giờ cũng được Cơ quan sử dụng, trừ trường hợp phòng giam chung thật cứng người, không đủ chỗ. Nhốt riêng sao nổi? Như 2 năm 1937 và 1945 bao nhiêu phòng giam chứa cho đã tù? Tuy nhiên tống vô phòng giam cá hộp cũng có cái lợi là nạn nhân cũng mau mất tinh thần kinh khủng. Nhiều người còn ngán xà lim cá hộp hơn bị tra tấn, bởi lẽ bao nhiêu con người chen chúc đã cực khổ, thẩm vấn viên còn kéo dài thời kỳ lấy cung để tù hành hạ tù cũng đủ gần chết. Còn gì khổ cho bằng nạn chen chúc trong những xà lim chỉ đủ chỗ đứng, ngồi là ngồi lên đầu lên cẳng nhau và đi một bước cũng đụng người?

                        Năm 1945 ở khám giam cứu Kishinev (tên tắt những khám câu lưu điều tra này là khám KPZ) có những cát-xô cá nhân bị nhét tới 18 người. Năm 1937 KPZ Lugansk chỉ nhốt có 15 mạng[20] . Theo lời Ivanov-Razumnik thì khám tạm Lubyanka năm 1938 có những xà lim vẫn nhốt 25 người phải nhét tới 140 mạng. Đi tiêu đi tiểu chỉ được đi 1 lần, hoặc đêm hoặc ngày, phải chia ca. Tù đông đến nằm tràn cả lối đi ngoài sân. Tính trung bình 1 mét vuông xà lim phải chứa đủ 3 người, trong mấy tuần lễ liền [21]
                        .

                        Dân Byturki hoặc Lubyanka quen gọi những xà lim đó là chuồng chó. Gọi xà lim đông mà nhiệt độ trong chuồng từ 40 độ tới 45 độ chỉ vì hơi người. Có thằng nào dám mặc quần áo? Cởi trần mặc xì líp hay xà lỏn còn nóng hầm đổ mồ hôi. Bao nhiêu quần áo lạnh phải cuộn tròn lại ôm khư khư vào bụng. Người đông quá, đứng ngồi “dính” cứng nhau, chỉ vì mồ hôi cọ sát mà thằng nào cũng bị hắc lào (ghẻ lác). Ngồi “đóng hộp” cả vài tuần như vậy, thiếu không khí mà nước uống cũng thiếu, ngoài chén cháo và chút nước trà mỗi sáng.

                        Nội vấn đề đi cầu cũng là cực hình. Chỉ có một hình thức là ngồi lên thùng, để trong phòng giam cũng khổ mà để ở ngoài chia ca cũng không hơn. Ăn thì bốn người chung nhau một chén, người nọ ngồi trên đầu gối người kia. Giữa cảnh địa ngục đó đêm nào chẳng có vài người bị kêu lên lấy cung và lúc trở về phòng, phải khiêng, người ngợm tơi tả bầm dập. Những người chưa được lấy cung chỉ thấy vậy cũng đủ ớn xương sống. Lúc nào cũng nơm nớp sợ đến phiên mình mà tình trạng chờ đợi lại kéo dài đến vài tháng thì còn tinh thần đâu mà chịu đây? Chết ngay còn đỡ khổ huống hồ lãnh bản án đi đày.

                        Có lẽ vì vậy mà Cơ quan đi đến quyết định chuồng chó trên thực tế có thể hiệu nghiệm hơn biệt giam có khi. Vấn đề hỏi thăm, trao đổi kinh nghiệm giữa bọn tù không đáng kể về người ngồi xếp lớp như vậy biết tin ai ngờ ai, mà dám ngỏ lời tâm sự? Trong khi đó, những thân hình rách nát từ phòng Điều tra khiêng xuống lại là bằng chứng cụ thể nhất để những thằng vừa bị bắt phải hiểu là thẩm vấn viên chẳng hăm doạ suông bao giờ!

                        Vả lại những thằng tù mới còn được những bạn tù cũng trước kể cho nghe những đòn đặc biệt chớ. Bơm nước vô họng rồi để nằm nhịn khát đúng một ngày trời như Karpunich không đáng sợ sao? Lấy lưỡi bào lột da cho rướm máu, rồi xát chất nhựa thông vô như ông Lữ đoàn trưởng Rudolf Pintsov từng nếm mùi liệu chịu nổi không? Nên nhấn mạnh là ông sĩ quan cao cấp này cũng từng nếm qua nước muối và sau đó còn bị kim đâm kẽ móng tay, dội nước lạnh vô người để buộc phải thú nhận có âm mưu đưa cả Lữ đoàn về thủ đô làm loạn thay vì đi diễn binh tháng Mười một.

                        Đừng tưởng nhân viên cao cấp được nể nang, nhẹ tay [22]
                        . Nặng hơn nhiều! Bằng cớ là Alexandrov nguyên Vụ trưởng Nghệ thuật trong Ủy ban Liên lạc Trao đổi Văn hoá từng ăn đòn Cơ quan tới gãy xương sống, đi lệch một bên người. Hạch nước mắt hư luôn, lúc nào nước mắt cũng có thể trào ra như khóc. Ông nguyên Vụ trưởng được đích thân sếp lớn nhất Bộ Nội An Abakumov lấy cung mà. Có ai ngờ một ông Bộ trưởng thèm làm những công viên “chân tay” như vậy?

                        Thực ra đồng chí Ủy viên Abavkamov chỉ đích thân “công tác” ở ngay Văn phòng cho thuộc cấp soi gương nhưng người không ngần ngại vác dùi cui cao su khện các nạn nhân. Phần “công tác” còn lại đã có công Phụ tá số một lo nốt.

                        Phụ tá Nội An Ryumin đặt trụ sở ở khám tạm Sukhanovka, trong căn phòng thẩm vấn đặc biệt mệnh danh Phòng Tướng Lãnh. Phòng trang trí bốn vách bắt chước lối lát cây giẻ, cửa lớn, cửa sổ đều có màn lụa che, sàn trải thảm Ba Tư dày lên mỗi khi có “công tác” sợ dơ dáy phải phủi tấm nệm “làm việc” vấy máu sẵn lên trên! Để tiếp tay, đứng bên ông Phụ tá canh chừng không phải lính gác thứ thường mà là một ông Đại tá.

                        Theo Alexander D. thì Ryumin có lối vung vẩy cây dùi cui cao su 4 phân đường kính, ăn nói thật lịch sự đàng hoàng:

                        "Ông bạn đã vô đến đây là từng tốt nghiệp ‘cua’ nhịn ngủ một cách vinh dự [23]
                        . Vậy qua ‘cua’ dùi cui thứ coi. Xin cho hay trước là chưa ai chịu nổi 3 suất. Chỉ 2 là cùng! Bây giờ mời ông bạn cởi quần ra giùm và nằm ngoan ngoãn ở chỗ kia."

                        Nạn nhân không ngoan ngoãn nằm sấp không xong vì ông Đại tá đã lẹ làng cưỡi trên lưng để ông Phụ tá vác dùi cui khện đúng huyệt. Cây dùi cui giơ lên hạ ngay tróc hai sợi gân ở bàn toạ phía ngang hông. Alexander D. chưa nếm mùi “dập gân” bao giờ nên cứ tưởng chỉ đau ê ẩm ở đít là cùng. Nào ngờ nằm khám ít lâu, đói ăn khát uống và thiếu ngủ nên bắp thịt bàn toạ biến đâu mất, gân nổi lên và dùi cui giáng xuống là đau thấu, đau tàn nhẫn trên đầu, tưởng muốn bể sọ. Ngay cú đầu tiên đã điên lên được, mười móng tay cắm xuống thảm gãy hết. Phụ tá Ryumin đập đã quen tay, lại được một ông “ba sao” ngồi trên lưng ghìm cứng thì hết sẩy.

                        Vì vậy ông Phụ tá làm xong công việc thì tội nhân A.D. đi đứng hết nổi. Dĩ nhiên chẳng ai buồn khiêng đi mà nắm chân lôi xềnh xệch. Chỗ mông đít sưng vù đến mặc quần vô không nổi nhưng hoàn toàn không có một vết sẹo. Về đến cát-xô, A.D. lập tức đi cầu như suối, ngồi trên thùng phân thiếp luôn.

                        Vậy mà hắn qua được xuất dùi cui thứ hai rồi thứ ba luôn, dù mông đít bể nát. Ông Phụ tá tức như điên bèn nọc ngửa ra “mưa” dùi cui lên bụng, bất kể dập bụng bể ruột mà kết quả tức khắc là hắn mặc chứng ruột sa. Đến nước này đành phải ngưng thẩm vấn dùi cui. Đó là một bó buộc vì A.D. được đưa vô bệnh xá khám đường Butyrki để chữa gấp chứng bể ruột làm mủ trong bụng.

                        Cũng đừng tưởng người tu hành, già cả được nương tay. Linh mục Viktor Shipovanikov bị thẩm vấn viên Danilov ở KPZ Kisninev lấy cây gậy quất vô gáy té ngất. Ông linh mục để tóc dài thì túm tóc kéo đi quả thật gọn gàng! Nếu tóc ngắn nắm không tiện thì kéo râu. Nếu không râu, không tóc thì kéo ria cũng được vậy. Đó là trường hợp của Richard Ohola, một Hồng Vệ binh gốc Phần Lan, nổi tiếng có bộ ria rậm đẹp. Hắn bị thẩm vấn viên lấy kìm kẹp cứng một bên ria nhấc thử, rồi kẹp luôn bên kia, nhấc hổng chân lên khỏi đất nghĩa là bị treo ria trong 10 phút đúng. Xin đừng quên Richard Ohola từng nắm một đại đội xung kích dẹp phản loạn trại Kronstadt và được coi là có công đầu trong vụ bắt điệp viên Ăng lê Sidney Reilly.

                        Tất cả những mục dùi cui, nắm tóc, treo ria đã dữ nhưng theo những tù già kinh nghiệm thì chưa ăn thua gì so với đòn quần đả ác liệt dưới đây mà Cơ quan phải triệu tập khá đông nhân viên tham dự. Hạ sĩ quan phụ tá thì thiếu gì?

                        Nạn nhân bị cởi quần, lật ngửa người, hai chân giang ra thật rộng. Đám hạ sĩ quan chia nhau kẻ lên đùi, người nắm chặt tay để ông thẩm vấn viên lừ lừ bước tới. Lâu lâu có thẩm vấn viên đích thân điều khiển mới ghê! Đang nằm ngửa mặt, chàng hảng bỗng nạn nhân kêu thét thật hãi hùng vì bộ phận sinh dục của hắn bị đầu mũi giày đè lên rồi nhấn xuống từ từ. Bộ phận dễ hư hại nhất trong cơ thể con người bị nghiến giữa mũi giày và sàn gạch, nhịp điệu nặng nhẹ tùy ý thẩm vấn viên. Mắt hắn nhìn chừng vào mắt nạn nhân, không ngừng cật vấn: “Phải vậy không? Có nhận không?”.

                        Bổn phận thẩm vấn viên là phải “theo dõi” nạn nhân bằng mắt để canh nhấn mũi giày: không nhanh quá mà cũng không nặng quá để 15 giây đồng hồ trước khi đau ngất người, nạn nhân còn kịp la lên: “Tôi chịu rồi. Để tôi khai”. Dĩ nhiên là hắn cũng khai, thú nhận bất kỳ cái gì mà thẩm vấn viên muốn, kể cả 20 tòng phạm tên tuổi được viết sẵn hay ký tên đăng báo chửi lại tất cả những gì hắn từng cho là thiêng liêng nhất.

                        “Chỉ có Thượng Đế phán xét người không có quyền xét xử người.”

                        Nhưng thẩm cung, điều tra thì con người đã làm như thế đó. Họ đã làm đến mức mà nạn nhân chẳng thể làm gì hơn là nhận tội và than thở cùng nhau, đại khái:


                        • Không khai, không nhận thì không xong. Đành nhận hết cho rồi!

                        • Thôi thì đành chịu (hèn) để giữ lấy thân vậy.

                        • Không ký cung thì răng đâu mà mọc lại nữa? Họ dám lần lượt nhổ hết mà.

                        • Không khai,không nhận thì cũng có tội. Cũng ra toà, cũng đi tù.

                        • Thằng nào không khai chắc chắn bị xử bắn. Đòn thù mà! Đời nào Cơ quan chịu thua và chịu để lộ những mục tra tấn cho mọi người hay.

                        • Không ký cung dám chết ngay trong phòng điều tra. Thân nhân chỉ được trả lời: “Đã đi đày. Không có quyền liên lạc thư từ, thăm nuôi. Hết khiếu nại! »

                        Nếu anh là Đảng viên chính cống thì sẽ có thằng cũng đảng viên chính cống nhưng vô tù trước anh Xán tới bên rĩ tai làm như sợ có thằng không Đảng nghe hóng mất:

                        "Chúng ta có Đảng. Chúng ta có bổn phận phải chấp nhận và bênh vực điều tra, thẩm vấn. Giai đoạn đấu tranh mà chính chúng ta phải nhận lỗi, chính là chúng ta mềm yếu nên đất nước mới lâm cảnh trạng này. Đồng chí đừng quên là chiến tranh ngấm ngầm mới nguy hiểm, kẻ thù đã xâm nhập tận nơi. Làm sao Đảng có thể xét thấu từng trường hợp cá nhân của chúng ta để giải thích thế này thế nọ? Bổn phận chúng ta phải ký."

                        Một đảng viên chính cống khác thú nhận:

                        "Tôi từng cung khai cho 35 người cả thảy, quen người nào là khai bằng hết. Nên tôi có ý kiến này: Họ bảo khai thì cứ khai tuốt tuốt, khai rõ nhiều tên vào. Nhiều đến mức độ ai cũng thấy là vô lý thì may ra họ cũng cho là vô lý. May ra họ sẽ cho về hết!"

                        Thực ra Cơ quan chỉ cần có vậy. Quả nhiên lập trường đảng viên và NKVD chỉ là một! Khai càng nhiều người thì cả thẩm vấn viên lẫn Cơ quan cùng có điểm đắc lực, tích cực. “Tổ chức còn những ai khai ra, khai hết ra!”. Khai bọn đồng chí, khai luôn những thằng đồng quan điểm nữa!”. Đừng quên một thằng khai là mười lăm, vài chục thằng bị lây. Từ vài chục nhảy lên vài trăm rồi vài ngàn, vài chục ngàn chỉ là một con toán nhân vô cùng là lẹ làng! Nếu dứt dây thế nào cũng động rừng thì rõ ràng Cơ quan đã tạo được tình trạng đe dọa, khủng bố thường xuyên.

                        Nhưng cũng vì vậy mà trong số những tòng phạm, bị can R. Ralov dám khai cho cả Hồng Y Giáo chủ Richelieu. Đó là chuyện thường. Điều đáng ngạc nhiên là không ai ngạc nhiên khi thấy ông Hồng Y Giáo chủ nằm trong bản cung. Mãi cho đến năm 1959, sau khi công dân R. Ralov được Toà xử lại để cho khôi phục quyền thì vấn đề mới được đặt ra.








                        1/  Theo lời nhân chứng A.P.K. thuật lại với bác sĩ S.
                        2/  Muốn biết rõ từng chi tiết về nội dung vụ án Koryrev này hãy đọc nơi chương 8.
                        3/ Hồ sơ này tôi đã được nghe A.A. Akhmavova thuật lại và cam đoan là ngụy tạo. Vì chính nhân vật đã dựng lên “vở kịch” từ đầu tới cuối là một cán bộ Cheka tên y Agranov.
                        4/  SAPROPELITE là một tiểu bang gồm một số chuyên viên năm 1920 chủ trương phải khai thác để tận dụng hơi Sapropel ở dưới đáy hồ để làm nhiên liệu thiên nhiên.
                        5/  Hội đồng Đặc biệt mang tên OSO địa phương nào cũng có, trực thuộc Bộ Nội An, gồm 3 người được lập ra với thẩm quyền rộng rãi là xét hồ sơ cho đi đày không cần xét xử những phần tử mệnh danh “có thể nguy hiểm cho xã hội”. Năm 1953 tất cả các Hội đồng Đặc biệt đều bị hủy bỏ.
                        6/Feliks E. Dzerzhimsky (1877-1926), cán bộ cao cấp, người đầu tiên chỉ huy Cheka tiền thân của GPU, OGPU. Sau này được đồng chí Menzinsky thay thế.
                        7/Theo hồi ký của Ginzburg thì các biện pháp “khai thác mạnh” được phép sử dụng từ tháng 4 năm 1938. Riêng Shalamôv lại ghi nhận chỉ được phép tra tấn từ giữa năm 1938. Một tù già tên M. xác nhận là có lệnh “giản dị hoá” việc hỏi cung chuyển từ các phương pháp tâm lý sang các phương pháp “cụ thể”. Trong khi đó Ivanôv – Razumik chỉ chép lại rằng khoảng giữa (1938 là thời kỳ của “những cuộc thẩm vấn tàn ác”.
                        8/  Theo tôi hồi đó chính bản thân Vyshinsky cũng như mấy người có mặt lúc tuyên án đều chỉ muốn “núp áo” lý thuyết vậy thôi. Khi đứng bật dậy trên ghế Chưởng lý hét lớn: “Phải triệt hạ hết, bắn bỏ hết bọn chúng như một bầy chó điên!” thì một người vừa độc ác vừa có phản ứng lẹ làng như Vyshinsky ít nhất hắn phải hiểu đám bị cáo đều vô tội. Dù sao thì ông Chưởng lý vẫn khoái làm một thứ lý thuyết gia hơn là một quân vô dụng thông thường chớ? 
                        9/  Đem so sánh với Tu chính án thứ 5 của Bản Hiến pháp Hoa Kỳ thì quả là một sự trớ trêu: “không ai có quyền bắt buộc ai, trong một vụ hình án, phải làm nhân chứng để tự buộc tội”. Nói cách khác thì không ai có quyền bắt buộc bị can phải làm tờ tự thú. Ôi chao, bắt buộc mà thôi ư?
                        Cũng nên nói rõ là Bản Tuyên ngôn Nhân quyền từ thế kỷ thứ XVII cũng mang nội dung tương tự.
                        10/   Căn cứ theo nhận định của dân tù cũ thì cả nước Nga có hai “lò” tra tấn dữ hơn cả : đó là các cơ sở Rostov và Krasnodar. Ở hai nơi đó các thẩm vấn viên nổi tiếng “nặng tay”. Tuy nhiên đây chỉ là tin đồn, thiếu bằng cớ cụ thể.
                        11/  Ngay dưới triều đại Nga hoàng khắt khe là thế mà họ hàng bà con gần của bị can còn có quyền không ký tên làm chứng. Cho dù có lữo hay buộc phải ký tên, họ vẫn có quyền chối bỏ, không bằng lòng cho xuất trình những tờ chứng đó trước Toà. Điều đáng ghi nhớ là tù tư pháp lại không hề gây khó khăn cho họ hàng, bạn bè về phương diện ký tên làm chứng.
                        12/ Sau thời kỳ “sửa sai”, chính Korneyeva xác nhận : “Mười một năm sau, được minh oan và toà cho phép đọc lại những lời khai của mình hồi đó, rõ ràng tôi có cảm giác ghê tởm, buồn nôn. Tôi chẳng thấy chút gì gọi là vinh dự”. Riêng phần tôi cũng được phép đọc lại phần trích dẫn lời khai của mình hồi đó tôi cũng buồn nôn. Tục ngữ có câu : “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” bị đổ vào khuôn mình ắt thành con người khác mà chính mình nhận cũng không ra. Tuy nhiên tôi vẫn không hiểu tại sao hồi đó mình có thể đặt bút ký vào những lời khai như vậy mà còn cảm thấy cũng may mà hồi đó mình thoát nạn! 

                        13/ Dĩ nhiên chỉ sa mạc Mông Cổ mới thích hợp cho lối nhốt tù và canh gác đặc biệt này. Tạp chí NIVA số ra ngày 15.3.1914, trang 218 cũng đăng một bức phóng hoạ Mông Cổ. Một nhà tù có lính gác đi tuần canh, với cả dãy “huyệt” tù nhân. Mỗi huyệt chỉ chừa một lỗ hổng đủ để tù nhân thò dầu lên hay lính gác liệng thức ăn xuống.
                        14/  Trường hợp này cũng giống như một người ngoại quốc bị thảy trước mắt một tờ cung đặc nghẹt chữ Nga. Có người gốc Đức tên Jupp Aschenbrenner đặt bút ký dưới bản cung từ, thú nhận hồi chiến tranh có lái những xe chở hơi độc nên bị đưa đi đảo. Mãi đến 1954 hắn còn nằm trong Trại Cải tạovà mới kiếm đủ những từ xác nhận thời gian đó hắn không tham dự chiến tranh gì hết mà còn đi học để làm thợ hàn điện. Cung từ tiếng Nga, thẩm vấn viên bảo ký thì hắn ký vậy thôi.
                        15/  Nguyên văn lời kể của nhân chứng B.M., tôi phải để tên tắt vì tạm thời còn phải đảm bảo an ninh cho đương sự.
                        16  Sự thực nhân tiện nhắc tới Ủy ban Thanh tra vậy thôi vì Ủy ban chỉ hiện diện trên giấy tờ, xưa nay chưa hề có một đoàn Thanh tra nào đi tới khám đường hết. Câu chuyện sau đây là một minh chứng hùng hồn: Năm 1953 sau đợt sửa sai, một phái đoàn Thanh tra THỰC SỰ đã thực sự đi thanh tra một số trại giam. Phái đoàn gặp ông nguyên Bộ trưởng Nội An Abakumov đang nằm trong một cát-xô. Được cho biết có phái đoàn thanh tra sắp vô, ông nguyên Bộ trưởng cười ngặt nghẽo nhất định cho đây là một “đòn phép” để lung lạc tinh thần.
                        17/   Bí thư Tỉnh Đảng bộ Karelis là Kủpinayov bị bắt năm 1949 cũng từng nếm đòn nhổ răng của GPU. Những chiếc răng thật bị nhổ bật ra không nói, ông Bí thư còn một số răng vàng cũng bị tịch thâu luôn có trao giấy biên nhận đàng hoàng. Tuy nhiên giấy biên nhận cũng bị tịch thâu luôn thì chẳng thể căn cứ vào một cái gì để đòi lại răng! 
                        18/ Bản thuyết trình cũ của Chưởng lý Krylenko, trang 16 có ghi nhận một sự kiện sau : “Năm 1918, Toà án Cách mạng Mạc Tư Khoa đã lên án tên cai ngục ác ôn của chế độ Nga hoàng tên Bondar”. Cáo trạng ghi rõ hắn thường hành hạ tù nhân mà độc ác nhất là “trong một trường hợp, hắn đã đánh một chính trị phạm mạnh đến độ bị rách màng nhĩ trong tai”.
                        19/ Phàm những ai đã sống ít lâu ở Nga, hiểu thế nào là bầu không khí ngờ vực, nghi hoặc đều hiểu tại sao không thể nào hỏi được một Bộ Hình Luật ở trước Toà nhân dân hay trụ sở Ủy ban quận. Hỏi tới là bị nhòm ngó tức khắc : Anh tìm sách luật để làm gì nếu chẳng phải sửa soạn làm một cú bất lương hay tính che đậy một tội gì đây.
                        20/  Thời kỳ giam cứu ở Lugansk thông thường từ 8 tới 10 tháng. Anh bị câu lưu “tạm” ở đây nói thống chế Voroshilov cũng từng nằm ở đây một vài tháng nhưng tin này chưa thể kiểm chứng.
                        21/  Khám tạm Byturky có bao giờ không nghẹt người? Năm 1938 đông đến nỗi lấy cung xong còn phải ngồi cả tuần ngoài hành lang trên bục thang đợi xe chở bớt đi mới có chỗ nằm trong xà lim. Năm 1931 đã phải nằm dưới sàn xi măng, hết chỗ trống trên bục. Năm 1945 chính tôi nằm Byturki cũng nằm đất vậy. Nhưng đông nhất có lẽ vào tháng 10 năm 1918 giữa đợt Khủng Bố Đỏ; theo lời nhân chứng M.K.B. xà lim, hành lang hết chỗ chứa cầu rửa phải ngăn ra để nhốt đỡ 70 nữ phạm nhân!
                        Thêm một chi tiết : Si Potapov kể lại năm 1948 ở khám Vladimir có những cát-xô vuông mỗi chiều 3 mét phải nhét 30 mạng tù đứng. Vậy mà cũng vừa! 
                        22/  Sự thực thì Lữ đoàn trưởng Pintsov có đưa đơn vị xe tăng của ông ta về diễn binh ở Mạc Tư Khoa nhưng phản loạn thì không. Tuy nhiên vẫn cứ bị bắt như thường và sau khi chịu đủ mọi cực hình đành lãnh 10 năm đi đày Trại Cải tạo theo SL/OSO. Sĩ quan cao cấp có chiến công như Pintsov cũng vẫn bị, làm nhiều chiến sĩ đâm rét.
                        23/Sự thực Alexander D. từng bị cấm ngủ một tháng ròng nhưng vẫn cố đứng nổi được vì đương sự đã phát minh ra lối “ngủ đứng”.

                        Xét vì tôi được "điều tra" bằng những phương pháp hoàn toàn hợp lệ – chẳng có gì ngoài mục cấm ngủ, nạt nộ, gạt gẫm nên trong lúc làm thủ tục 206 tôi không cần phải ký thêm tờ cam kết giữ bí mật. Trường hợp có những chuyện "rắc rối" thẩm vấn viên bao giờ cũng phải lo thủ trước bằng cách bắt bị can phải ký vào tờ cam kết không tiết lộ với ai những phương pháp thẩm vấn của Cơ quan, bằng không sẽ can tội đại hình.

                        Không hiểu tờ cam kết này nằm trong khoản nào, điều nào của Bộ Hình Luật?

                        Tờ "cam kết không tiết lộ" thường được NKVD chìa vào mặt bị can trong lúc ký cung lần chót đã đành. Sau này ra khỏi trại Cải tạo lại phải cam kết lần nữa, tiết lộ những chuyện trong trại cũng lãnh án Đại hình. Như vậy đó!

                        Như vậy là sử dụng luật "găng-tơ", buộc con người phải câm họng còn gì? Như vậy mà chúng tôi không được phép chống lại, không được phép oán hờn. Mà cũng chịu được. Chỉ vì quen gật đầu tuân lệnh, xương sống mềm oặt rồi.

                        Chúng tôi đã mất ý niệm tự do, không có cách nào để thể hiện tự do. Như thế nào, tới mức nào… chúng tôi không có máu Á Đông. Bị chèn ép, đòi hỏi cam kết giữ bí mật mãi cũng nhắm mắt chấp nhận cho xong. E rằng mình giờ này cũng vẫn bị ràng buộc, không được quyền kể lại chính cuộc đời mình cũng nên.

                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.09.2008 21:13:52 bởi CTT >
                        #12
                          CTT 19.08.2008 11:34:52 (permalink)
                          Đối với người cộng sản chính thống thì Stalin là Lãnh tụ lớn cần phải có cũng như phải có Đảng và có Đảng là phải có thanh trừng. Tối đại đa số cán bộ Đảng cao cấp cho đến khi bản thân bị bắt đều không ngần ngại, bắt chính những đồng chí một thời từng sát cánh tranh đấu bên nhau. Có thể nói tất cả những lãnh tụ Bôn-sê-vích to đầu, nạn nhân của thanh toán, ít ra cũng chẳng muốn dung tha mấy người anh em Bôn-sê-vích khác và sẵn sàng quên mới ngày nào đây bọn họ cùng chung lưng đấu cật để tiêu diệt những thành phần không cộng. Có lẽ cần phải có một đợt thanh trừng 1937 để cho thấy mớ ý thức hệ mà họ từng quảng cáo ầm ĩ thực sự chẳng ra gì, nếu chẳng phải phá nát từ nền móng nước Nga lật ngược cả nếp sống của người Nga và chà đạp lên tất cả những gì người Nga thiêng liêng nhất. Họ đã làm hỏng cả một nước Nga hơn chính những người mà họ triệt hạ suốt từ 1918 đến 1946. Những người Bôn-sê-vích "lâm nạn" còn bỉ ổi, hèn hạ quá nhiều so với những người từng là nạn nhân của họ.

                          Giờ đây giở lại chồng hồ sơ những vụ câu lưu, những phiên toà từ 1936 tới 1938 nghiên cứu kỹ từng chi tiết thì những nhân vật mà chúng ta kinh tởm nhất chẳng phải Stalin và bè lũ bộ hạ mà chính là những kẻ bị thanh trừng nhục nhã. Chúng ta buồn mửa vì sự sa đoạ hèn hạ của họ và không ngờ những con người có một quá khứ hào hùng, oanh liệt mà chừng "xuống chân" có thể khuất tất tới mức đó.

                          Nhưng còn biết nói gì khi con người đánh vẫn biết đau, còn cả gia đình vợ con để quyến luyến và bị "chiếu cố" đúng vào lúc bất ngờ nhất? Để đối phó với cả một bộ máy được dựng lên để đè bẹp con người thì làm cách nào để kiên định lập trường?

                          Con người vững nhất ở Phòng Thẩm vấn là con người hết thắc mắc, thẳng tay gạt bỏ hẳn quá khứ để chân vừa đặt lên ngưỡng cửa ngục tù là lòng phải nhủ lòng: "Đời ta vậy là hết, chết có hơi non thật nhưng có làm gì được đâu? Tự do mất hẳn, trước sau cũng đến chết mà càng kéo dài càng đau khổ thì thà chết sớm chết ngay. Tài sản liệng đi, gia đình coi như chết hết cũng như đối với họ, ta là kẻ chết rồi. Xác thân này vô dụng, chẳng phải của ta nữa rồi. Có còn chăng chút đỉnh tinh thần và lương tâm con người, có vậy thôi".

                          Đụng týp người dứt khoát này điều tra thẩm vấn chẳng có nghĩa gì. Chỉ có người dám vứt hết mới thắng nổi. Có điều dễ dầu gì tự biến mình thành gỗ, thành đá?

                          Hãy nhìn lại gương Berdyayev. Cơ quan vồ hết bọn người thân cận, nhất định bắt họ làm bù nhìn để sửa soạn xách cổ Berdyayev ra toà xử công khai, câu lưu 2 lần và năm 1922 bị đích thân Dzerzhinsky thẩm cung đêm, có sự hiện diện của Kamenev nữa. Nhưng Berdyayev vẫn trơ như đá vững như đồng. Không xin xỏ, không kể lể. Rất điềm tĩnh, vững vàng như ông ta đã vạch rõ những nguyên tắc tinh thần và tôn giáo mà căn cứ vào đó không thể chấp nhận chế độ chính trị vừa thành lập ở Nga. Vì lập trường sắt đá đó, Cơ quan đành phải nhìn nhận sự thực: con người này không thể mang ra Toà xử nổi. Do đó trả lại sự tự do.

                          Còn tấm gương khiêm nhượng của bà già "hàng xóm" của Stolyarova trong lao Byturki năm 1937. Đêm nào bà ta chẳng bị xách lên lấy cung? Hai năm trước có một tên trước là linh mục dòng Chính thống giáo vượt ngục Cải tạo đi trốn lánh, ghé ngang Mạc Tư Khoa mụ có chấp chứa một đêm phải không?

                          "Đúng vậy. Không phải trước mà là bây giờ vẫn còn là linh mục. Tiếp đón người là một vinh dự, dù chỉ một đêm."

                          "Được. Rời Mạc Tư Khoa hắn đi đâu, mụ biết không?"

                          "Biết chớ. Nhưng đừng hỏi mất công. Tôi không chỉ (vị chức sắc Chính thống giáo này được một số tín đồ tiếp tay nhau đưa vượt biên giới sang Phần Lan)".

                          Mới đầu các thẩm vấn viên thay phiên nhau lấy cung bà già. Sau đó từng nhóm bu lại "quay". Dậm doạ, nồ nạt, giơ tay toan đấm bể mặt, nhưng bà già vẫn tỉnh táo:

                          "Đừng mất công giở trò vô ích ấy với tôi. Cứ thử xắt tôi ra từng mảnh nhỏ coi nào. Tôi biết mấy người làm bộ hung hăng vậy chỉ vì sợ: Mấy người sợ cấp trên, sợ lẫn nhau và sợ cả giết tôi nữa. (Theo lập trường thẩm vấn viên thì giết chết bà già này còn gì là manh mối để dò ra hệ thống đưa người vượt biên). Nhưng nói thực có cái gì làm tôi sợ đâu. Tôi lấy làm sung sướng được chết, được Chúa phán xét ngay từ giây phút này mà".

                          Năm 1937 không thiếu gì những người gan lì, vững vàng như trên. Đó là những người gọi lấy cung như không trở về xà lim để nhận lại mấy manh quần áo rách. Đó là những người quyết định chọn cái chết, nhất định chết chớ không chịu khai để bất cứ ai bị vạ lây.

                          Trong lịch sử Cách mạng Nga không có mấy những tấm gương kiên định lập trường như trên. Tuy nhiên vấn đề so sánh hơn kém chẳng thể đặt ra xét vì thời đó những nhà Cách mạng của chúng ta đâu được biết điều tra, thẩm vấn hiệu nghiệm cỡ nào. Ít ra cũng 52 đòn.

                          Vả lại thời đó Radischhev có bị câu lưu nhưng Sheshkovsky đâu có tra tấn "kẻ phản nghịch". Dù bố có làm gì chăng nữa thì với nếp nhà, đám con trai của Radischhev cũng cứ được huấn luyện để trở thành sĩ quan Ngự lâm quân, chớ đâu phải chiến đấu. Tài sản cơ nghiệp của ông ta cũng chẳng bị ai tịch thu. Nhưng chỉ sau 2 tuần giam cứu, Radischhev cũng đã chối bỏ hết tư tưởng, sách vở.

                          Tháng 12 năm 1825 nhóm sĩ quan đảo chánh toan truất phế Hoàng đế Nicolas đệ nhất thiệt. Họ thất bại vì bị tống giam hết nhưng họ đâu có bị tra tấn trả thù cho đến chết và vợ con họ đâu có bị đánh đập ở phòng kế bên để những tiếng thét kinh hoàng phải lọt đến tai những ông chồng phản loạn. Thời đó không cần phải vậy, vì theo sử liệu ngay Ryleyev cũng "trả lời đầy đủ, thành thực, không giấu giếm tí gì". Chính người soạn thảo ra tuyên ngôn chung của nhóm mệnh danh bản Sự thực của nước Nga (Russkaya Pravda) là Pestel cũng còn mất tinh thần, khai hết số đồng chí (còn trốn tránh) phụ trách đi chôn giấu, thủ tiêu những bản tuyên ngôn cũng như chỗ chôn kia mà [1}
                          .

                          Thời đó có mấy người ngang tàng như Lunin, dám coi thường và chống đối Ủy ban Điều tra? Phần đông có phản ứng vụng về, tự trói buộc mình thêm, trong khi nhiều ông chỉ xin được Hoàng đế tha tội. Đồng chí với nhau mà Zavalishin còn trút hết đủ mọi thứ tội lên đầu Ryleyev kia mà. Trong khi đó Griboyedov còn bị 2 ông bạn Obolensky và Trubetskoi đua nhau vẻ vạch, tố cáo quá nhiều thứ tội mà ngay chính Hoàng đế Nicolas cũng tin không nổi!

                          Cũng theo sử liệu mà lại do đích thân đương sự tự thú thì Bakunin đã quỳ trước mặt Hoàng đế xin tha tội, do đó khỏi phải rụng đầu. Như thế đó thì gọi là tinh thần đốn mạt hay chiến thuật cách mạng?

                          Còn vụ nào quan trọng, do những liệt sĩ chủ trương cho bằng vụ ám sát Hoàng đế Alexander Đệ nhị? Họ phải biết dính vào vụ này là đời phải kể bỏ chớ? Cùng "đi" một lúc với ông vua nước Nga là liệt sĩ Grinyevitsky nhưng Rysakov còn sống nhăn. Bị bắt thì phải thẩm cung nhưng ngay trong ngày đầu tiên ông "liệt sĩ" này đã không ngần ngại phun bằng hết số người tham dự và còn cẩn thận chỉ tận nơi trú ẩn bí mật của họ. Sợ chết quá trẻ, Rysakov đã tự thú và tự lãnh nhiều sứ mạng mà chính nhà nước cũng không ngờ đến. Người tự nhận nhiều lúc muốn nghẹt thở vì hối hận và để chuộc lỗi "cam đoan vạch rõ từng chi tiết tất cả bí mật của phe Vô quân Vô pháp" (Anarchists).

                          Có chi tiết này đáng chú ý: hồi cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX dưới chế độ Nga hoàng, các thẩm vấn viên còn có lệ rút lại câu hỏi ngay tức khắc nếu bị can cho là không liên quan với hiện vụ hoặc quá tò mò, đi sâu vào đời tư. Nhân danh một người từng nếm mùi điều tra của Mật vụ Bảo hoàng và đến năm 1938 lại bị giam cứu ở lao Kresty, nhà lão thành Zelensky phải la trời: "Ối trời, họ làm ghê quá! Hồi Mật vụ Bảo hoàng bắt tôi, các thẩm vấn viên đâu nỡ nặng lời. Thế mà bây giờ".

                          Bây giờ thẩm vấn viên NKVD trừng trị ông già tóc bạc bằng cách lột quần lấy roi đét đít như một đứa con nít nhỏ làm Zelensky phải ôm mặt khóc thầm trong xà lim.

                          Theo sử liệu của Peresvetov đăng trên Novy Mir số 4 năm 1962 thì có lần Mật vụ của Nga hoàng bắt giữ một sinh viên tên Vaneyev mang trong người một bản viết tay của Lênin tựa đề Mấy ông Bộ trưởng của chúng ta nghĩ sao. Đương sự nhìn nhận có người mang tới nhà thờ giữ giùm nhưng không muốn tiết lộ người đó là ai. Mật vụ không còn cách nào hơn là nhờ các chuyên viên so tự dạng để truy ra thủ phạm… nhưng rồi cũng vô hiệu.

                          (Không còn cách nào hơn thì phải hiểu là khỏi có những mục ngâm chân nước đá, đổ nước muối vô họng hay dùi cui đập gân bàn toạ mốt Ryumin.)

                          Chính Peresvetov cũng từng ở Trại Cải tạo, từng nếm mùi thẩm vấn thì hắn phải hiểu nếu Vaneyev lọt tay NKVD thì chắc chắn cậu sinh viên sẽ có dịp nếm nhiều ngón đòn để không còn cách nào hơn là cung khai ngay tất cả tài liệu Mấy ông Bộ trưởng của chúng ta nghĩ sao là ai!

                          Nhưng thôi, đặt vấn đề so sánh làm chi khi mỗi thời mỗi khác. Nếu một bác phu xe bò của thời Gogol không thể tưởng tượng nổi tốc lực siêu thanh của phản lực cơ thì dĩ nhiên những kẻ chưa từng húc đầu vào bộ máy nghiền thịt của các Trại Cải tạo làm sao hiểu nổi ý nghĩa đích thực của 2 chữ điều tra cũng như khả năng vô tận của kỹ thuật thẩm vấn!

                          Tờ Izvestiya ngày 24 tháng 4 năm 1959 có nêu gương anh dũng của nữ đồng chí Yulipa Rumyantseva, hai vợ chồng cùng nằm cát-xô trong trại giam Quốc xã. Chồng vượt ngục, vợ bị lôi ra điều tra để phăng ra manh mối, Yulipa biết nhưng nhất định không cung khai. Đó là tấm gương can đảm chói lọi, nhưng với những người không hiểu chuyện mà thôi! Với những người từng nếm đòn thẩm vấn NKVD, đấy chỉ là biểu hiện của một kỹ thuật điều tra chưa tới, Yulipa đâu có chết vì đòn tra tấn. Đâu có phát điên. Cỡ một tháng sau còn được trả tự do, mạnh khoẻ là khác!


                          *

                          Xin thú nhận ngay là cho đến tháng 2 năm 1945 tôi vẫn chưa có ý niệm gì về vụ bị điều tra, thẩm vấn cứ lì lợm, kiên quyết là chắc ăn. Không những còn lưu luyến dứt không ra với cuộc đời tự do vừa mất, tôi còn ngây ngô đến độ cứ bực bội mãi vì đã bị bắt mà còn lại "bắt" luôn khoảng một trăm cây viết chì Faber! Nằm trong trại Cải tạo nhớ lại hồi bị thẩm vấn tôi đâm ngượng cho mình quá mềm lòng quá vụng về dại dột. Đáng lẽ tôi phải chì hơn, nếu trong mấy tuần lễ đầu óc tôi không xáo trộn kịch liệt và tinh thần sa sút nặng. Điểm duy nhất mà tôi không lấy làm kiêu hãnh thì cũng không đến nỗi phải hối hận vì nhờ ơn Trời tôi không khai bậy để đến nỗi một người khác bị bắt oan. Chỉ chút xíu nữa thôi!

                          Số là mang tiếng sĩ quan chiến đấu ở tuyến đầu thật nhưng Nicolai V. và tôi quả thực bị vô tù chỉ vì một nguyên do tối ngu ngốc và trẻ con. Mỗi đứa đóng một nơi, thư từ viết qua lại đều đều chúng tôi còn lạ gì thời chiến chế độ kiểm duyệt thư từ vô cùng ngặt nghèo. Ấy vậy mà có uất ức, bực bội gì cứ xổ bừa ra giấy, khỏi che đậy quanh co. Phê bình, chỉ trích là thường. Dám đả động đến cả Lãnh tụ Vĩ đại dĩ nhiên bằng những ám chỉ, móc mói… Nào ông lớn muôn năm, nào tổ sư ăn cướp!

                          Trong các trại Cải tạo mỗi lần mang chuyện cũ ra kể anh em đều ngạc nhiên cười rũ. Nhiều người cả quyết ngu ngốc một cách ngây thơ như vậy quả là có một không hai. Chính tôi cũng tin nữa chớ. Nào ngờ có dịp đọc qua mớ tài liệu về vụ Alekxandr Ulyanov, anh ruột của Lênin mới hay chính người và các bạn đồng chí cũng bị vồ trong trường hợp in hệt. Nghĩa là cũng trao đổi thư từ khơi khơi và ngu ngốc như chúng tôi. Trớ trêu nhất là chỉ có thể vì vậy mà Hoàng đế Alexender Đệ tam thoát chết ngày 1 tháng 3 năm 1887! [2]


                          Người phụ trách lấy cung tôi là thẩm vấn viên Yezepov. Văn phòng trần cao, rộng rãi sáng sủa và khung cửa sổ đồ sộ (trụ sở cửa Công ty Bảo kê mà). Phải có một căn phòng cỡ đó mới chứa nổi tấm hình vĩ đại của Lãnh tụ vĩ đại, một tấm hình chiều cao không dưới 5 mét, chiều ngang cỡ 4 mét. Đứng bên cạnh chân dung người tôi chỉ là một hạt cát, vậy mà dám phạm thượng! Lâu lâu thẩm vấn viên Yezepov còn đứng trước chân dung Lãnh tụ hét lên rằng: "Chúng ta sẵn sàng vì người mà hy sinh. Chúng tôi sẵn sàng vì người mà nằm ra chặn đường xe tăng giặc". Tấm chân dung người đồ sộ đến nỗi thốt nhiên tôi có cảm giác những giáo điều Lênin chân chính mà tôi vẫn nhai nhải lâu nay là cả một sự đáng thương và dám xúc phạm tới người thì tội tôi đành phải là tội chết.

                          Đúng tiêu chuẩn đang áp dụng thì chỉ cần đưa mấy lá thư ra buộc tội là chúng tôi đi tù chắc. Ông thẩm vấn viên không cần điều đó khăng khăng "nhận diện" những ai viết thư cho tôi và tôi gởi thư cho ai [3]
                          . Bọn trẻ chúng tôi viết thư cho nhau là thường quá và không mấy khi không bất mãn, chửi đời. Biết thư từ bị kiểm duyệt cũng thiếu gì cách xiên xỏ. Đó là lý do ông thẩm vấn viên cứ thế vặn hỏi: nếu gặp gỡ nhau thì tụi tôi thảo luận những gì, bộc lộ những gì và bộc lộ tư tưởng còn phản động tới đâu?

                          Dĩ nhiên bọn trẻ chúng tôi chỉ "thảo luận" bằng thơ với nhau cũng quá đủ, có cần gì phải hội họp? Phải thuyết phục, tránh né và chịu nhận một số lỗi lầm của tuổi trẻ thì ông thẩm vấn viên mới chịu buông tha để xoay qua câu hỏi khác.

                          Chiến thuật ruột của tôi đối diện ông thẩm vấn viên Yezepov là bắt buộc phải thòi ra một phần sự thực, nhìn nhận có thảo luận chính trị gay cấn lắm nhưng phải lo né tránh, chớ có đụng tới Hình luật. Tất cả phải tuôn ra một hơi đều đặn, không ấp úng cho phù hợp với tội trạng ngây thơ, ngờ nghệch và cốt yếu nhất là để ông thẩm vấn viên đầy kinh nghiệm và làm biếng chớ có sục sạo, chúi mũi vào đống tài liệu trong chiếc cạc-táp mà tôi xách kè kè từ mặt trận miền Tây về.

                          Đáng kể nhất là tập Nhật ký Chiến trường viết bút chì, nét nhỏ li ti chữ còn chữ mất. Tôi tập tọng vô nghề viết văn mà. Biết bao nhiêu chuyện xảy ra, gặp gỡ hàng ngày, đầu óc nào nhớ cho hết nên tôi ghi đại vô sổ tay! Có những chuyện rất tầm thường, không nghĩa lý gì ở ngoài chiến trường nhưng ở hậu phương lại là những đề tài phản động, đáng tống vô tù hết. Kẹt nhất là những mẩu chuyện tôi viết nhưng do đám bạn bè kể lạI, nếu ông Yezepov cứ thắc mắc đào bới mãi ắt sẽ không thiếu gì những thằng từ mặt trận miền Tây được đưa gấp vô trại Cải tạo! Mình tôi đành phải nhận hết, nhận tư tưởng lệch lạc, nhờ ông thẩm vấn chỉ điểm mới thấy và giác ngộ. Công việc đóng kịch vô cùng mệt mỏi, tôi cứ như người "đi trên lưỡi dao cạo" vậy.

                          Cho đến lúc không thấy thằng nào bị xách cổ vô đối chứng tôi mới yên chí mình không gây hoạ cho ai và như vậy là hồ sơ sắp kết thúc đến nơi. Đó là tháng Tư nằm trong Lubyanka và tôi vô cùng đau khổ khi được biết bao nhiêu giấy tờ, bản thảo – cả một công trình sáng tác và ghi chép của tôi – đều bị thảy vô lò thiêu hồ sơ của nhà lao. Tập Nhật ký Chiến trường lại đóng góp thêm một mồi lửa, một thiên chuyện mới của văn học Nga hiện đại được hoả thiêu để mớ tro tàn theo ống khói cao nghệu bay lên, nhả ra khắp bốn phương những đàn bươm bướm đen phất phới.

                          Bọn chúng tôi không lạ gì chiếc ống khói sừng sững trên lầu 6 mỗi lần được đi men theo vách tường cao đúng 3 đầu người vây quanh Lubyanka. Tai chúng tôi nghe lọt từng tiếng còi xe ngoài đời vọng vô nhưng tầm mắt bị giới hạn bởi ống khói lò thiêu, bởi vọng gác lầu 7 và bởi một mảnh trời đầy đoạ lãng đãng trôi ngang nhà lao.

                          Tàn tro than đâu mà nhiều thế? Chúng bay đen ngòm suốt một tháng Năm, tháng Năm đầu tiên của những ngày hoà bình trở lại. Điệu này bao nhiêu hồ sơ lưu trữ đã bao nhiêu năm của Lubyanka được hoả thiêu bằng hết chắc? Tập Nhật ký Chiến trường của tôi bất quá chỉ là hạt tro, hạt bụi! Tôi chợt nhớ lại vào một buổi sáng giá lạnh, buổi sáng tháng Ba ngồi trong văn phòng thẩm vấn để cung khai cho ông Yezepov lập hồ sơ, nghĩa là khai một đằng chép một nẻo. Ánh nắng vàng hắt vô, rọi tan lớp sương bám ngoài ô cửa sổ. Khuôn cửa sổ rộng thênh thang mà nhiều lúc tôi đã tính đâm đầu ra để thân xác được dịp "du hành chớp nhoáng" Mạc Tư Khoa, rớt từ lầu 5 xuống lề đường. Như hồi còn thơ ấu ở Rostov thấy ông phạm nhân nhảy từ lầu nhà lao 33 vậy.

                          Qua những "lổ hổng" của lớp sương đang tan trên khuôn cửa kính, những mái nhà Mạc Tư Khoa hiện ra mái thấp mái cao, bên trên lững lờ mấy cụm khói ấm. Tôi hướng về phía đó thật nhưng những hình ảnh hiện ra trong đầu óc lại là lớp lớp tài liệu, giấy tờ nằm chất đống cao như núi. Đúng, một núi giấy tờ nằm lù lù giữa căn phòng trơ trọi 36 mét vuông, giấy cũ giấy mới lẫn lộn chất bừa vào đó, chưa xem xét vội. Nào sổ tay, nào tập vở kẹp giấy vụng về, nào từng xấp có buộc dây, không buộc dây và những tờ rời la liệt. Đó "tinh hoa tư tưởng con người" dồn lại, đánh đống vùi sâu trong đó! Cao hơn buya-rô, che khuất ông thẩm vấn viên luôn.

                          Trong tôi bỗng nảy sinh một lòng thương kỳ lạ, thương cho một thằng nào đó đồng cảnh ngộ. Vừa bị đêm qua, bao nhiêu "tác phẩm" tịch thu hết mang về đây chất đống trong phòng Thẩm vấn, đặt dưới chân dung khổng lồ của Lãnh tụ vĩ đại. Nó là ai, những đứa con tinh thần của nó nói lên điều gì mà đến nỗi phải vô đây chịu tra tấn, chặt chân chặt tay rồi rốt cuộc cũng đến hoả thiêu hết.

                          Chao ôi, bao nhiêu tư tưởng, công trình cả một thời đại văn hoá có khi đành chịu đoạ đày trong lò lửa Lubyanka. Tàn than bay lên, bay cao lên… Niềm đau đớn nhất trong tôi là chắc chắn rồi đây bọn đàn em, con cháu chúng tôi lớn lên đâu chịu hiểu cho mà cứ tưởng cha anh chúng là một bầy ngu ngốc, câm nín đến không nói lên được một điều gì.


                          *

                          Năm 1920 Ilya Eheenburg được Cheka mời tới để nghe một câu: "Bây giờ anh làm sao chúng tôi tin là anh không chạy theo Wrangel đi". Ba mươi năm sau, năm 1950 đại tá Zheleznov (một trong những ông đại tá cừ khôi nhất của KGB) bảo thẳng những thằng bị bắt vô An ninh Quân đội: "Chúng tôi đâu cần mất công chứng minh cho can phạm thấy họ có tội? Chính họ phải làm sao cho chúng tôi tin họ không nuôi dưỡng tư tưởng phản động".

                          Ba mươi năm, hai điểm trùng hợp. Chỉ cần vạch một cái là có ngay một đường thẳng. Vô cùng giản dị nhưng cũng là con đường máu của bao nhiêu triệu con người.

                          Điều tra, thẩm vấn mà không cần chứng minh, lại buộc nạn nhân phải làm sao cho tin được thì quả là tối giản dị, tối cấp tốc xưa nay nhân loại chưa hề có! Khỏi cần bằng cớ mất công. Cơ quan còn tước bỏ của một thằng vừa bị mất tự do nhiều thứ quá. Không được mang theo người chút gì, cấm thư từ điện thoại nhắn tin. Cấm ngủ, cấm ăn, giấy bút không được xài, khuy nút không được cài, nạn nhân chỉ được quyền run rẩy, chơ vơ ngồi một mình trên chiếc ghế đẩu, đối diện ông thẩm vấn để cố đào bới óc chứng minh cho vị đại diện Cơ quan tin được là không hề nuôi dưỡng tư tưởng phản động. Nếu không tự tìm được bằng cớ (mà biết tìm ở đâu ra?) thì đành phải tưởng tượng đại ra một cái gì có thể làm bằng cớ được để tự buộc tội vậy).

                          Có ông già lụm cụm mỏi miệng chứng minh "Tôi vô tội" có bị quân Đức tống vô trại giam thật, nhưng nhất định không phản bội Tổ quốc. Không hề nuôi dưỡng ý tưởng đó! Ông thẩm vấn viên khổng lồ đâu chịu tin. Đành chịu tù vậy! Không tội cũng tù, bằng không tôi đâu có hân hạnh gặp ông cụ trong lao Byturky. Vấn đề là phải tìm ra một bằng cớ buộc tội nên thêm một ông thẩm vấn viên nữa tới tiếp sức. Hai ông bèn "quay" cụ già suốt một đêm bằng cách cả ba cùng ngồi lì! Nhưng sau đó hồ sơ được kết thúc bởi một ông thứ ba xuất hiện trên ghế thẩm vấn để hai ông trước biến thành hai nhân chứng đồng thanh xác nhận trong cuộc đàm đạo đêm vừa qua (đừng quên cụ già nhịn đói và bị cấm ngủ) chính ông già đã có những tư tưởng, luận điệu rặt mùi phản động. Vậy là 10 năm đi đày về tội tuyên truyền xách động chống nhà nước Xô Viết.

                          "Công tác" giản dị vậy, nên thẩm vấn viên đâu cần vận dụng kỹ thuật thẩm cung để phăng ra sự thực. Gặp ca rắc rối, cứng đầu thì họ kể như tập luyện làm đao phủ thủ mà gặp ca dễ dàng thì hiển nhiên ngồi chơi không lãnh lương nhà nước. Thiếu gì ca điều tra vô cùng dễ dàng, dù trong năm dữ 1937.

                          Như Boredko bị cáo tội 16 năm về trước lén sang Balan thăm bố mẹ không giấy thông hành. Khốn nạn, gọi là hai nước chớ cách nhau có 10 cây số, mà mãi năm 1921 Nga mới trích một phần đất cho sáp nhập vào Balan, vụ đó chỉ mấy ông ngoại giao biết với nhau chớ dân hai nước vẫn cứ tưởng một, đi lại lu bù mà. Những vi phạm luật lệ thì Borodko phải bị truy tố. Có điều cuộc thẩm cung quá dễ:

                          "Có vượt biên giới lậu sang Balan không?"

                          "Có."

                          "Bằng cái gì?"

                          "Đi ngựa. Như mọi người…"

                          "Vậy hả? Vậy thì 10 năm, chiếu Sắc luật KRD (tức tội có hoạt động phản cách mạng)."

                          Điều đau khổ là có phải những cuộc thẩm vấn cứ tiến hành mau lẹ, giản dị vậy đâu. Thẩm vấn viên NKVD đâu phải nông dân làm tập thể. Người có thẩm quyền kéo dài, dù Bộ Hình sự Tố tụng đã ấn định thời gian điều tra là 2 tháng. Nếu cần thì cứ xin triển hạn 1 tháng, bao nhiêu lần không được. Do đó tội gì phí sức, hao tổn tinh thần và tư cách, hiểu theo nghĩa Vyshinsky? Tuần lễ đầu sử dụng miệng và chân tay tối đa cũng thấm mệt lắm! Rút cuộc thông lệ của thẩm vấn viên Cơ quan là chớ có kết thúc hồ sơ trước hai tháng, nhất là những hồ sơ chính trị. Càng kéo dài càng đỡ phải nhận đồ mới, càng làm ra vẻ công tác khó khăn, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn.

                          Dĩ nhiên Cơ quan biết điều đó. Đồng ý muốn làm thẩm vấn viên phải qua một thử thách chọc lọc gay go nhưng vẫn chẳng thể tin nổi. Đi về vẫn bắt buộc phải ký phiếu công tác, tất cả các phiên thẩm vấn đều phải vô sổ rõ ràng, điều tra từ mấy giờ tới mấy giờ. Nhưng thực tế ai cấm nổi ông thẩm vấn cho lệnh xách cổ thằng tù từ xà lim lên, nạt nộ phủ đầu rồi chỉ cho một chỗ bắt ngồi im để đọc sách báo, chép tài liệu học tập hay viết thư riêng. Thẩm vấn viên còn có quyền sang phòng bên tán gẫu với bồ bịch, giao tù lại cho lính canh hay ngồi bật ngửa trên đi-văng tiếp chuyện đồng nghiệp, nhưng không quên lâu lâu quay sang nạn nhân trợn mắt la lối!

                          "Mày đúng phản động. Mày sặc sụa mùi phản động. Không khai cho mau là có chầu lãnh 9 gam chì!"

                          Riêng ông thẩm vấn viên của tôi còn khoái xài điện thoại. Có lần hắn nhấc điện thoại gọi về nhà, dặn vợ bữa nay kẹt làm đêm sáng mai xong công tác mới được về, đừng chờ. Rõ ràng mắt hắn nhìn tôi sáng rỡ. Dĩ nhiên tim tôi nhảy loạn và đã lo ngại tối nay bị "công tác" là khổ với ông thẩm vấn viên. Bị hành hạ suốt đêm chắc! Bỗng nhiên ông thẩm vấn viên quay số mới và giọng nghe ngọt ngào quá: thì ra người có hẹn với mèo đêm nay. Tôi thở phào, đỡ khổ. Ít ra cũng được ngủ đêm nay!

                          Nguyên tắc thì cứng rắn nhưng thực tế một cuộc điều tra có thể hủ hoá như vậy đó. Tôi được biết có nhiều ông trong những phiên lấy cung bình thường (nghĩa là kéo dài ra cho có) đã thản nhiên nếu nhiều câu hỏi chẳng liên quan gì đến hồ sơ mà rõ ràng nhằm mở rộng tầm hiểu biết. Chẳng hạn như có thằng vừa ở tiền tuyến về thì hỏi dò tin chiến sự hoặc đặc điểm chiến xa giặc như thế nào (thẩm vấn viên đâu có thì giờ đi đánh xe tăng Đức!). Kẻ nào vừa ở hải ngoại về sẽ được chất vấn kỹ về phong tục, tập quán nước người mà đặc biệt có 2 địa hạt được săn đón nhất. Một là bên đó cửa tiệm thế nào, hàng hoá có những món gì lạ, giá cả thế nào. Hai là đàn bà, từ cách tổ chức làm ăn của các động chị em ta đến những mục ái tình với phụ nữ nước họ dễ hay khó.

                          Vậy mà theo bộ Hình luật Tố tụng thì các ông Ủy viên Công tố có nhiệm vụ phải theo dõi những cuộc thẩm vấn coi có hợp lệ hay vi luật! Sự thực thì suốt thời gian giam cứu chỉ được thấy mặt ông Tùy viên đúng một lần. Đó là lúc hồ sơ gần xong, đợi ông Tùy viên hỏi một vài câu lấy lệ.

                          Hồ sơ của tôi "lên" ông Trung tá Kotov. Dù gặp một lần làm sao tôi quên nổi ông sĩ quan béo tốt lạnh lùng không dữ mà cũng không lành nhưng bộ dạng vô cùng máy móc đó. Người ngồi sau buya-rô vừa ngáp vừa lần giở hồ sơ của tôi, theo dõi vấn đề trong mười lăm phút. Không lẽ chưa từng ghé mắt bao giờ nên người coi kỹ vậy. Sau khi duyệt xong, Trung tá Kotov mới ngó lên vách, lạnh lùng hỏi tôi… có cần khai thêm gì nữa không?

                          Theo pháp lý thì câu hỏi đó có nghĩa là khẩu cung có bị ép buộc, tôi có bị tra tấn gì không, nhưng quả thực một câu hỏi vô vị và cũ mèm! Thử hỏi cả mấy ngàn căn phòng của Bộ Nội An còn để làm gì nếu chẳng phải để thẩm vấn (và tra tấn) và trên toàn quốc ít nhất cũng có thêm năm ngàn phòng nữa đặc biệt chỉ để ép buộc hay ký cung. Không lẽ vì một mình tôi và một mình ông Trung tá Kotov mà lật ngược nổi tình hình. Bộ Nội An quả thực quá nhiều cấp tá như vậy, sẵn sàng cho ra những câu tương tự như vậy.

                          Tuy nhiên biết vậy mà được hỏi "có thắc mắc" gì không tôi vội vồ ngay lấy cơ hội để thưa là có. Tôi bị bắt cùng một vụ với một thằng bạn, mỗi thằng bị lấy cung một nơi, tôi ở Lubyanka và nó ở tiền tuyến. Như vậy trường hợp của tôi rõ ràng cá nhân chớ không thể quy tội phạm pháp có tổ chức, đồng lõa. Vậy xin ông Trung tá chớ ghép tôi vào khoản 10, điều 58.

                          Trung tá Kotov liếc lại hồ sơ cỡ 5 phút rồi ngó tôi, đưa cả hai tay ra phân bua:

                          "Có gì lạ? Một người là một. Hồ sơ này có 2 người vậy có tổ chức là đúng quá còn gì?"

                          Cứ như thái độ của Kotov thì tôi phải hiểu rằng một người rưỡi cũng rõ ràng là phe nhóm. Còn dám nói gì khi người lạnh lùng đưa tay nhận chuông, ngoắc lính gác áp tải tôi trở xuống xà lim?

                          Thế rồi mãi cho đến cuối tháng Năm, một buổi chiều tối tôi mới được kêu lên văn phòng có chiếc đồng hồ vỏ đồng đặt trên mặt lò sưởi đá hoa cương để cùng ông thẩm vấn làm cho xong thủ tục 206. Cũng theo Hình sự Tố tụng đây là thủ tục cuối cùng trước khi ký tên lần chót. Dĩ nhiên thẩm vấn viên phải tin chắc là thế nào tội cũng ký nên đã ngồi sẵn sau buya-rô, nắn nót viết cho xong mấy hàng sau cùng.

                          Tôi tự tay lật hồ sơ, chồng hồ sơ dày cộm mà ngay ở bìa trong rành rành mấy hàng chữ in, đại khái xác nhận người khai cung có quyền viết ra khiếu nại về một điểm cho là không đúng ở trong bản cung mà thẩm vấn viên phải ghim theo trong hồ sơ. Ngay lúc lấy cung chớ không phải khi lập xong.

                          (Cả ngàn bạn tù của tôi có người nào biết được vụ này!)

                          Coi tiếp vô trong tôi thấy nhiều bản chụp những bức thư của tôi, kèm theo có lời giải thích hoàn toàn xuyên tạc của những ông nào đó. Thẩm vấn viên Yezepov cũng "gói ghém" bản cung bằng cả một sự dối láo. Tôi vẫn cứ bị kết án cùng cả tổ chức, phe nhóm!

                          "Tôi không ký…"

                          Tôi nói rõ vậy nhưng sau đó ấp úng thêm, không lấy gì làm mạnh dạn lắm:

                          "… Ông tiến hành và lập cung này không đúng cách!"

                          "Vậy hả? Vậy thì làm lại đúng cách… Làm lại từ đầu…"

                          Cặp môi đại úy Yezepov mím lại một cách ma mãnh:

                          "Được, để tôi cho anh xuống ở chung chỗ với bọn mật thám Đức là xong."

                          Vừa nói hắn còn chìa tay ra như muốn lấy lại hồ sơ lập tức. Làm tôi phải giữ lại…

                          Ngoài kia, ngoài cửa sổ lầu 5 nhà lao Lubyanka đang hấp hối những tia nắng chiều. Trời tháng Năm rồi. Nhưng cửa sổ kín như bưng, làm như muốn khép kín hẳn thế giới bên ngoài đối với những thằng đang nằm khám. Không cho phép hưởng tí hương vị mùa xuân. Chỉ nghe tiếng đồng hồ gõ, không đủ ánh sáng nhìn giờ.

                          "Làm lại từ đầu." Ôi chao, làm lại thì chết sướng hơn. Thà muốn tới đâu thì tới. Mà ở chung chỗ với bọn mật thám Đức coi bộ nguy. Bấy giờ lên tiếng hỏi lạng quạng chắc chắn Yezepov chỉ bực mình, hắn đang viết đoạn chót của cung từ thì khổ mình lắm.

                          Vậy là tôi ký cung. Ký nguyên vẹn bản cung, kể cả khoản 11 mà hồi đó tôi chẳng biết gì. Chỉ nghe họ biểu: "Có sao đâu? Chẳng vì vậy mà nặng thêm!". Chao ôi là khoản 11, té ra chỉ vì nó mà tôi bị tống vô một trại Cải tạo khổ sai. Chỉ vì nó mà ở hết án được trả tự do, không bị kết án thêm mà tôi đành phải an trí chung thân!

                          Nhưng biết đâu chừng vì vậy hoá hay. Không lãnh đủ hai vụ trên thì làm gì có cuốn truyện này.


                          Xét vì tôi được "điều tra" bằng những phương pháp hoàn toàn hợp lệ – chẳng có gì ngoài mục cấm ngủ, nạt nộ, gạt gẫm nên trong lúc làm thủ tục 206 tôi không cần phải ký thêm tờ cam kết giữ bí mật. Trường hợp có những chuyện "rắc rối" thẩm vấn viên bao giờ cũng phải lo thủ trước bằng cách bắt bị can phải ký vào tờ cam kết không tiết lộ với ai những phương pháp thẩm vấn của Cơ quan, bằng không sẽ can tội đại hình.

                          Không hiểu tờ cam kết này nằm trong khoản nào, điều nào của Bộ Hình Luật?

                          Tờ "cam kết không tiết lộ" thường được NKVD chìa vào mặt bị can trong lúc ký cung lần chót đã đành. Sau này ra khỏi trại Cải tạo lại phải cam kết lần nữa, tiết lộ những chuyện trong trại cũng lãnh án Đại hình. Như vậy đó!

                          Như vậy là sử dụng luật "găng-tơ", buộc con người phải câm họng còn gì? Như vậy mà chúng tôi không được phép chống lại, không được phép oán hờn. Mà cũng chịu được. Chỉ vì quen gật đầu tuân lệnh, xương sống mềm oặt rồi.

                          Chúng tôi đã mất ý niệm tự do, không có cách nào để thể hiện tự do. Như thế nào, tới mức nào… chúng tôi không có máu Á Đông. Bị chèn ép, đòi hỏi cam kết giữ bí mật mãi cũng nhắm mắt chấp nhận cho xong. E rằng mình giờ này cũng vẫn bị ràng buộc, không được quyền kể lại chính cuộc đời mình cũng nên.


                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.09.2008 21:18:52 bởi CTT >
                          #13
                            CTT 19.08.2008 11:41:16 (permalink)
                             
                            4. Mật vụ mũ xanh

                            Có sự thực sau đây phải nhìn nhận đã lọt vô cái cơ sở khổng lồ chuyên bắt người đêm, chịu đút đầu vô guồng máy điều tra, thẩm vấn thì tránh sao khỏi tinh thần bị nghiền nát ra tro bụi và xác thịt tơi tử như bị thằng ăn mày. Chịu đựng đau khổ rã rời, chìm đắm trong cơn đau thương của chính mình như vậy thì còn lấy đâu ra sáng suốt tỉnh táo để nhận diện cho rõ ràng để viết về những tên đao phủ mặt trắng nhợt nhạt từng xuống tay hành hạ mình? Niềm đau khổ nội tâm đủ dâng lên ngâp ngụa, khuất lấp cả mắt bằng không thì còn ai nhận diện những ông Mật vụ chính xác cho bằng chúng tôi? Để các đương sự tự hoạ thì dĩ nhiên phải sai lệch rồi!

                            Chao ôi, trong cuộc đời tù tội ai mà quên nổi thời gian bị điều tra, thẩm vấn? Nhớ không sót một chi tiết. Nhớ bị nộ nạt, dồn ép như điên chỉ cốt để bật ra một bản tự thú, một chữ ký. Trái lại, ngay tên ông thẩm vấn viên là gì, mấy ai nhớ nổi. Có coi họ là con người bao giờ?

                            Tôi cũng vậy. Bạn tù biết bao nhiêu đứa, nhưng vẫn nhớ. Có điều gì đặc sắc còn nhớ kỹ. Dĩ nhiên nhớ hơn ông Đại úy Nội An Yezepov, mặc dù từng gặp gỡ, hội diện quá nhiều lần.

                            Chỉ có một điểm ai cũng nhận thấy và không bao giờ quên nổi là bầu không khí thối tha trong một nơi cực kỳ hôi tanh. Mấy chục năm qua rồi, bao nhiêu giận dữ hờn oán lắng xuống hết cho tâm hồn bình thản, mà mỗi lần gợi nhớ lại vẫn cứ thấy một cảm giác nhơ nhuốc, thấp hèn nơi những con người xấu xa, đồi bại, gần như điên khùng.

                            Ngày xưa Hoàng đế Alexander Đệ nhị từng nhiều phen bị mưu sát, bọn Cách mạng âm mưu lấy mạng người tới 7 lần kia mà. Một hôm người đi thăm khám tạm Shpalernaya – cha chú của Trung ương khám đường ngày nay và truyền lệnh cho đám quan hộ giá thử nhốt người vào cát-xô số 227 cho biết mùi vị biệt giam như thế nào. Người tình nguyện nằm cát-xô một giờ đồng hồ chỉ cốt để tìm hiểu cảm giác của những kẻ từng bị người tống vô cát-xô. Dù sao cũng không thể chối cãi nhà vua đã tự làm một thí nghiệm, lấy bản thân mình tìm hiểu vấn đề.

                            Nhưng mấy ông thẩm vấn viên sức mấy dám. Từ cán bộ hạng chót tới các ông lớn cỡ Abakumov, Beria có ông nào dám thử đóng vai thằng tù trong một giờ, chịu thử nằm cát-xô suy ngẫm bao giờ?

                            Nghề của họ là một nghề đặc biệt, không cần giáo dục hay văn hoá. Hai thứ đó không có. Nghề của họ không đòi hỏi lý luận, suy nghĩ sâu xa. Họ không suy nghĩ. Nghề của họ chỉ cần nhắm mắt thi hành chỉ thị và đánh đập, hành hạ không nương tay. Quả thực họ đã làm đúng vậy. Nhân danh những người từng lọt vào tay họ, chúng tôi quả thực đã nghẹt thở mỗi khi nhớ tới đám người vô hồn, không tim chối bỏ hết tình cảm con người.

                            Người ngoài có thể không hay nhưng dân trong nghề như họ làm gì chẳng biết bộ máy chế tạo, dựng đứng ra hồ sơ? Trừ những phiên khai hội, hiển nhiên họ chẳng thể nghĩ, chẳng thể bảo nhau là công tác của họ nhằm điều tra cho ra những thằng trọng phạm! Nhưng nghề nghiệp của họ là ngày này sang ngày khác, hết trang này sang trang khác chế tạo ra những hồ sơ phạm tội. Nghề nghiệp của họ bản chất quả không khác bọn trộm cướp, lưu manh hạng bét là bọn blatnye mà khẩu hiệu ruột là: "Nay anh mai tôi, chúng ta như nhau".

                            Họ biết là nghề của họ quanh năm chế tạo, nhưng làm thì họ vẫn làm. Muốn làm thì một là họ tự bắt buộc phải không suy nghĩ (dù làm người mà không suy nghĩ là chối bỏ quyền làm người), hai là chấp nhận như một chuyện bắt buộc phải làm, cấp trên của họ đã cho chỉ thị là phải đúng.

                            Thì bọn Quốc xã cũng đã từng lý luận như vậy [4]
                            .

                            Có người làm chỉ vì Đảng, vì lý thuyết Sắt Đá. Chẳng hạn như ông thẩm vấn viên ở Orotukan bị hạ tầng công tác, đổi đi Kolyma năm 1938. Thấy gã phạm nhân tên Lurye, nguyên Giám đốc Khu Kỹ nghệ Krivoi Rog ngoan ngoãn ký cung (dù biết ký là lãnh án đi đày lần nữa) hắn cũng lấy làm xúc động bảo rằng: "Mấy anh tưởng tụi tôi khoái làm công việc thuyết phục này lắm sao? [5]
                            Đảng ra lệnh thì tụi tôi phải chấp hành. Anh cũng từng là đảng viên. Ở địa vị tôi chắc anh cũng chẳng thể làm gì khác!".

                            Mặc nhiên Lurye đồng ý với hắn. Nếu không nghĩ như vậy đã không may mắn ký cung nhận tội. Thà rằng vì Đảng!

                            Đa số các thẩm vấn viên làm việc vì muốn làm công việc dữ dằn đó. Là Mật vụ mũ xanh họ còn lạ gì công việc của guồng máy nghiến thịt người? Họ thích làm. Trong trại Dzhida năm 1944, điều tra viên Mironenko hãnh diện giải thích cho phạm nhân Babich:

                            "Cho anh hay một điều: Có toà xử là phải có điều tra, lấy cung. Hình thức đặt ra là vậy chớ thực sự có ăn nhằm gì? Tất cả đã được quyết định sẵn cả rồi. Nếu cần phải bắn anh thì anh vô tội anh cũng bị bắn như thường. Nếu cần phải miễn tố anh thì dù có bao nhiêu tội họ cũng gạt bỏ cái một để anh trắng án (dĩ nhiên trường hợp sau chỉ áp dụng đối với đảng viên)".

                            Kusnharyev, Chánh Sở 1 Điều tra Ty Nội An tỉnh Kazakhstan miền Tây cũng đã giải thích in hệt cho phạm nhân Adolf Tsivilko:

                            "Cho anh hay, giả thử anh thuộc nhóm Leningrad thì chúng tôi chẳng thể cho anh ra, với bất cứ giá nào." [6]


                            Khẩu hiệu ruột của cán bộ điều tra là: Hãy gởi một thế giới tới, chúng tôi sẽ làm ra tội! Họ nói đùa như vậy nhưng họ tra tấn thật vì họ cho rằng làm vậy là được việc. Bằng không bà vợ ông Nicolai Grabishehenko, điều tra viên trong Cơ quan Sông đào Volga đã chẳng khoe với hàng xóm láng giềng:

                            "Nhà tôi làm việc cừ lắm. Có một thằng cứng đầu ghê gớm, ai hỏi cũng không khai. Giao cho nhà tôi chỉ một đêm, một đêm thôi là có bản tự thú liền".

                            Tại sao bọn họ lại nhảy vô, sẵn sàng hăng hái tra tấn, không phải để phăng ra một sự thực mà chỉ đóng góp thêm vào guồng máy chế tạo ra tội. Vì lợi, vì chủ trương "ai sao ta vậy", tốt hơn hết là cứ hăng say đóng góp vào việc chế tạo như mọi người thì đời sống no đủ, phụ cấp nhiều, có tiền thưởng và huy chương rồi lên chức. Cơ quan bành trướng, mở mang nhiều mà. Nếu làm được nhiều việc, hăng say đóng góp với mọi người cho guồng máy điều tra chạy đều thì óc quyền tự ý đến sở công tác hay đi chơi cũng cứ được. Nhưng không được việc sẽ bị đẩy ra khỏi Cơ quan, bị bể nồi cơm chắc. Cơ quan phải chế tạo đến mức tối đa vì Lãnh tụ vốn đa nghi, nhất định cho rằng chỗ nào cũng phải có kẻ thù. Ở cấp quận, cấp tỉnh hay trong một đơn vị quân đội không bao giờ hết kẻ thù.

                            Lãnh tụ đã muốn vậy nhè lọt vô tay Mật vụ mũ xanh còn giở trò cứng đầu không chịu cung khai thì những thằng tù bướng bỉnh chỉ có chết với các điều tra viên. Bao nhiêu hận thù, bực bội sẽ trút lên đầu những thằng không chịu chấp nhận thân phận như những người khác, những thằng bị biệt giam, nhịn ăn, nhịn ngủ vẫn không chịu đầu hàng. Cứng đầu vậy khác nào đe doạ địa vị, nồi cơm của thẩm vấn viên. Bắt buộc phải hạ cho bằng được nên còn ngần ngại gì không ra đòn? Thằng nào muốn chống cho nó chống. Để coi ai chết! Nó muốn chống thì nhét ống vô mồm, cho nó một bụng nước muối.


                            *

                            Khi đã chấp nhận làm công tác chế tạo ra tội bằng mọi thủ đoạn điều tra viên đã tự ý tách rời khỏi khối người có tình cảm bên trên để tự hạ xuống khối người thấp kém bên dưới. Nơi đó họ hăm hở, hăng say công tác như được "thuốc", được thúc đẩy bằng hai bản năng đặc biệt của khối người thấp kém, những người chỉ hai mục bao tửđàn bà. Đó là thú tính: thèm quyền thèm tiền (khoảng vài chục năm trở lại đây khát vọng quyền thế đã lấn lướt hẳn tiền bạc).

                            Từ bao nhiêu ngàn năm nay con người đã biết quyền hành là thuốc độc. Chuốc lấy chỉ có chết, có ai đè đầu cưỡi cổ người khác được mãi bao giờ! Con người có ý thức, sớm biết bên trên chúng ta có một thứ quyền chế ngự, chi phối mọi thứ quyền khác để tự giới hạn mình thì có quyền vẫn chưa đến nỗi chết. Những kẻ thấp kém ở khối người bên dưới chỉ biết đến quyền hành thì chỉ có chết. Hết thuốc chữa.

                            Khát vọng quyền thế đã được văn hào Tolstoy cực tả qua vai trò Ivan Ilyich, con người đã chấp nhận một địa vi có quyền sinh sát bất cứ một ai. Không một ai thoát khỏi quyền thế mà Ivan nắm vững trong tay. Kẻ có quyền nhất đưa đến trước mặt hắn vẫn là có tội.

                            (Còn ai, ngoài các ông Mật vụ mũ xanh! Đâu cần phải thêm thắt chi tiết gì.)

                            Với nhân vật Ivan Ilyich thì chính ý thức nắm quyền hành là tha hồ sinh sát, đã quyến rũ hắn nhất, được hắn chú trọng nhất (mấy ông Mũ xanh thì chỉ có sát). Nói quyến rũ không đủ nghĩa. Phải nói là đầu độc mới đúng. Vì con người bị quyền thế đầu độc thực sự.

                            Chẳng hạn như anh là một thanh niên đầy triển vọng, cha mẹ biết chọn con đường nào lập thân cho thích hợp. Anh không muốn tiến thân bằng học vấn. Anh chọn con đường tắt, chạy theo nghề đó. Có 3 năm thôi, thời gian qua mau và anh "lên" cũng lẹ. Ra nghề là cuộc đời anh thay đổi hẳn: thay đổi nếp sống đã đành mà từ cử chỉ, ánh mắt cho đến cái gật đầu cũng khác hẳn ngày nào!

                            Có một phiên họp của các nhà khoa học. Thấy mặt anh bước vô, thiên hạ run hết. Có ghế chủ tịch, nhưng anh ngồi vô đó làm chi cho đau đầu? Hãy để ông Viện trưởng lãnh đủ! Anh ngồi né một bên nhưng ai cũng hiểu anh mạnh nhất. Giáo sư đoàn thua xa. Anh là người của Cơ quan mà. Anh chỉ cần tham dự cỡ 5 phút, để mặc họ họp bàn với nhau. Nhưng sau cùng anh vẫn có quyền mím môi, lắc đầu bác bỏ, bằng cách bảo ông Viện trưởng rằng: "Cái vụ này sợ không được. Sau này nhiều chuyện lôi thôi lắm!" Dĩ nhiên người của Cơ quan cho hay có chuyện lôi thôi thì quyết định gì cũng bỏ hết!

                            Nếu anh ở trường ra vô nhà binh, làm An ninh Quân đội (tức OSO) hay làm Phản gián (tức Smersh) thì sẽ mang lon Trung úy là cùng. Là đại diện của Cơ quan thì ngay cái lon của anh – hai ngôi sao nhỏ tí xíu – có thể kể như đeo chơi. Vì hai ngôi sao đó nặng thiệt, các lon nhà binh khác đâu sánh nổi? Anh muốn đeo lon Thiếu tá cũng dễ như chơi, chiếu nhu cầu công vụ.

                            Bằng không, ông Đại tá đơn vị trưởng đã chẳng né anh rồi! Đôi khi còn nịnh bợ, xun xoe là khác. Thấy mặt anh là thằng cha già Đại tá luôn luôn đứng dậy, có muốn bao gã Tham mưu trưởng một chầu nhậu cũng phải có mặt ông Trung úy Smersh. Đồng ý anh lon nhỏ, nhưng anh mạnh nhất, thế lực nhất. Ở công xưởng hay ở chi bộ Đảng một quận người của Mật vụ bao giờ chẳng đứng trên quản đốc, bí thư?

                            Vì chỉ huy trưởng hay giám đốc công xưởng, mấy người đó bất quá chỉ có nhiệm vụ kiểm soát thuộc viên, đề nghị lên lương, lên lon cho nhân viên dưới quyền. Còn anh, anh kiểm soát, anh nắm trong tay sự tự do của đoàn thể nhân dân mà. Hội họp chẳng ai dám nói với anh, viết báo cũng chẳng ai dám đả động tới anh. Bới xấu đã đành không dám nhưng bốc thơm cũng không nữa!

                            Vì đã có chân trong Cơ quan thì tên anh cũng là một thứ úy kỵ. Chớ ai nhắc tới! Cũng như anh có mặt vẫn phải coi như không. Đã đội chiếc Mũ xanh anh có quyền cao hơn những cấp thẩm quyền nổi: có đứa nào dám xía vô công tác của anh? Còn nói gì tới đám thường dân kể như những khúc củi. Anh có quyền vậy vì anh nằm trong Cơ quan. Người của Cơ quan phải có đặc quyền và do đó, làm cái gì cũng đúng hết!

                            Tuy nhiên anh chớ quen điều này: thân phận anh cũng sẽ chỉ là một khúc củi như bất cứ thằng nào nếu anh không phải người của Cơ quan, một bộ phận nhỏ nhoi nào đó trong guồng máy vĩ đại bám cứng vào đất nước này, sống trên lưng đất nước này như loài sán đóng đô trong cơ thể con người.

                            Đã có diễm phúc vậy thì anh sẽ có đủ mọi thứ, cái gì cũng sẽ về anh hết. Miễn anh phải trung thành với Cơ quan.

                            Nhắm mắt trung thành thì Cơ quan bao giờ chẳng che chở cho anh, san bằng chướng ngại, tiêu diệt kẻ thù giùm anh. Vấn đề là phải trung thành tuyệt đối, chấp hành chỉ thị cũng tuyệt đối. Miễn suy nghĩ vì đã có Cơ quan suy nghĩ giùm anh trong bất cứ công tác nào cắt cử anh đi.

                            Hôm nay anh nằm Đặc vụ, mai anh có thể ngồi ghế điều tra viên. Hay được cử sang công tác tuốt bên hồ Seliger dưới lốt một nhà nghiên cứu phong tục, tập quán, mà cũng có thể chỉ để xả hơi. Đang hoạt động nhẵn mặt ở tỉnh có thể được cử về quê để làm một thứ đại diện thẩm quyền phụ trách Tôn giáo vụ [7]
                            .

                            Hay cử vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô để làm Bí thư không chừng [8]
                            . Đừng ngạc nhiên! Chức vụ gì, cấp bực gì mà Cơ quan đã cử đi thì phải đúng người đúng việc. Chỉ Cơ quan biết, còn anh thì cứ thi hành chỉ thị răm rắp, lo đóng cho xong vai trò.

                            (Đó là lý do có những ông nghệ sĩ vừa được tuyên dương hay một ông vừa lãnh chức Anh hùng Nông dân đã thấy lặn đâu mất).

                            Đồng ý điều tra viên cũng phải làm, cũng phải đến sở làm đêm hay làm ngày, ngồi ít giờ đồng hồ. Nhưng anh đừng mệt trí điều tra cho ra sự thực, chớ thắc mắc bị can có tội hay không. Cơ quan chỉ thị sao cứ làm in vậy, làm như mọi người cho khoẻ. Miễn cùng chạy như thường lệ. Lâu lâu đang ngồi giết thì giờ, một sáng kiến chợt lóe lên: Nếu anh sáng chế ra được một kiểu "điều tra" mới để hoan hỉ thông báo cho đồng nghiệp còn hay nữa! Anh sẽ được hoan nghênh nếu đưa ra thí nghiệm có kết quả tốt. Ngày nào cũng biểu diễn đi quanh đi quẩn lại có bằng ấy mục sao không chán ngấy được kia? Bọn tù khốn nạn thằng nào tay cũng run lẩy bẩy, cặp mắt van vỉ, lưng còng hèn hạ. Chán chết đi được! Lâu lâu, mới gặp được một thằng ngang bướng, xứng đáng đối thủ…

                            Thẩm vấn viên Shitov ở Leningrad bảo thằng phạm nhân tên G.G.: "Tôi khoái những thằng cứng đầu. Gặp những thằng này bẻ gãy lưng nó mới sướng!".

                            Nhưng nếu có thằng quá ngang bướng, lì lợm chịu đủ mọi thứ đòn nhất định không chịu khuất phục thì sao? Đồng ý là bực bội. Lâu lâu phải có một dịp hò hét, hung hăng xả hơi hoặc trút mọi uất ức chớ. Đừng nén cơn giận xuống mà cứ để cho nó bùng lên. Đó là lúc anh bắt thằng gan lì đó ngửng mặt lên, coi miệng nó như miệng cống để nhổ vài bãi. Hay có cái thùng phân thùng nước tiểu đâu đó thì dìm đầu vô [9]
                            . Nếu nó là một thằng thầy tu tóc dài thì nắm tóc lôi đi. Bắt nó quỳ gối ngửng mặt rồi đái vào giữa mặt nó cũng được. Phải có những mục đó mới hạ nổi cơn nóng giận để điều tra viên trở lại cuộc sống bình thường. Nếu có dịp thẩm vấn một con nhỏ bị kết tội giao thiệp với ngoại nhân thì anh tha hồ. Anh chửi bới tùy thích và hỏi móc họng đại khái:

                            "Nói thử coi. Bộ mấy thằng Mỹ có thứ đặc biệt hả? Bộ dân Nga hết người rồi hay xài không đã?"

                            Mấy em bé đã biết thế nào là người ngoại quốc thì phải biết là nhiều kinh nghiệm! Sao không bắt nó tự miệng nói ra, biết thêm được chút gì cũng kể như có dịp đi ngoại quốc. Anh có quyền cật vấn chẳng có gì phải kiêng dè. Thế nào, tụi nó làm ăn có gì lạ? Có những gì lạ kể ra nghe (cái vụ này anh có thể rút kinh nghiệm đợi dịp áp dụng bản thân hay kể lại cho bạn bè nghe không khoái chí sao?). Dĩ nhiên nó sẽ xấu hổ, khóc lóc, năn nỉ: "Những cái đó đâu có ăn nhập gì với hồ sơ?".

                            Lúc bấy giờ anh sẽ quát lên: "Sao không? Biểu kể là có cái gì phải kể hết ra!". Nó phải kể bằng hết chi tiết. Bắt nó vẽ ra hình rõ ràng cho anh coi, bắt nó ra để anh thực tập cũng còn được mà! Nếu không thì cát-xô, thì án lút đầu.

                            Anh có thể làm hơn nữa. Anh có quyền yêu cầu cho một nữ tốc ký viên lên ghi cung. Nếu con nhỏ ngộ nghĩnh hạp nhãn đố anh không thám hiểm người ngợm coi nó ra thế nào? Nó không dám cưỡng đâu mà thây kệ thằng tù ngồi đó. Anh cứ việc giải trí tùy thích, nó đâu phải là người mà ngượng ngùng? [10]


                            Vả lại có gì đâu mà ngượng? Đứa nào thích gái, nếu anh thích lại sẵn quyền thế trong tay mà không sử dụng thì có hoạ khùng! Thiếu gì gái chạy theo anh? Hoặc là anh chạy theo làm áp lực thì cuối cùng nó vẫn phải chịu chớ chạy đâu thoát? Gái đẹp cũng là của anh mà kể cả những đứa có chồng rồi. Nếu anh muốn con vợ thì đẩy thằng chồng đi đâu khó. [11]


                            Đối với anh thì việc đó quá dễ, Mật vụ mũ xanh mà. Nhà cửa hay vợ con người khác cũng là của anh, nếu anh muốn. Thằng nào chống đối gạt phăng qua một bên. Một khi đã là người của Cơ quan thì anh có quyền chân đạp đất đầu đội trời. Của anh hết. Trời xanh ngăn ngắt trên cao thì dưới này anh cũng Mũ xanh vậy!


                            *

                            Cũng như mọi người Mật vụ mũ xanh cũng ham tiền, dĩ nhiên để làm giàu riêng. Con người mà, đâu phải thần thánh mà chê của.

                            Nếu phân tích kỹ nguyên do thầm kín núp sau những vụ bắt người (những vụ bắt bớ cá nhân chớ không phải bắt từng đợt) thì dù có luật lệ đàng hoàng ít nhất cũng tới 75 phần trăm do thù oán cá nhân, ganh ghét mà trong số đó hết phân nửa do cán bộ địa phương NKVD gây ra. Có thể một phần là nạn nhân của những ông công tố nhưng theo tôi thì họ cũng là một thứ như nhau hết.

                            Thù oán cá nhân mà sinh sự thì điển hình là 19 năm tù ngục của V.G. Vlasov. Nguyên hắn là Chủ tịch Hợp tác xã Tiêu thụ cấp quận, phải lo cung cấp một số hàng vải cho đảng viên chi bộ địa phương, những thứ vải mà bấy giờ không ai thèm sờ tới. Phải đảng viên mới được mua chớ Hợp tác xã đâu có bán ra cho quần chúng. Bà vợ của ông Công tố Rusov không mua được thước nào vì lúc bán không tới mua. Ông chồng quen hách, không thèm tới quầy hỏi mà Vlasov lại chẳng phải người có thể rỉ tai: "Yên chí, em đã có phần cho ông Công tố rồi!".

                            Thế rồi ông Công tố lại mời một người bạn tới ăn cơm trưa ở Câu lạc bộ Hợp tác xã nhưng kẹt ông bạn lại chưa đủ tư cách được vô ăn giá rẻ. Quản lý Câu lạc bộ từ chối thẳng mà Vlasov lại không cảnh cáo hắn cho Rusov hài lòng. Lại còn mạt sát người của NKVD ở địa phương. Đó là lý do Vlasov bỗng có tên trong danh sách các phần tử hữu khuynh, phải đưa đi đày. Có vậy mà 19 năm trại Cải tạo!

                            Những ông Mũ xanh nhiều khi tham lam thật nhỏ mọn, ưa chớp đồ vặt chẳng ai dám ngờ. Sĩ quan An ninh Senchenko không ngần ngại tịch thu bao la đựng bản đồ, tịch thu luôn cạc táp của một sĩ quan vừa bị hắn vồ để xài ngay tại chỗ. Để lần giở hồ sơ tài liệu phải mang găng da vô mới hách. Hắn bèn quơ luôn đôi găng tay của một người khác. (Thông thường tiến quân mà phải đi sau quân đội là các ông Mũ xanh buồn lắm vì chậm chân thì còn ăn cái gì?).

                            Ông sĩ quan An ninh Quân đoàn 49, người bắt tôi hồi đó đã "bắt" luôn cả cái hộp đựng thuốc lá. Nó có ra gì đâu, chỉ là cái hộp nho nhỏ màu đỏ lính Đức thường xài. Có thể thôi mà ông An ninh phải tính toán trước: không cho vào biên bản những món đồ gởi kho. Cho phép giữ xài nhưng mắt trước mắt sau thọc tay vào túi tôi tịch thu. "À, còn sót cái gì đây? Đâu có phép xài thứ này? Cứng đầu hả, tụi bây xách cổ thằng này liệng xuống cát-xô coi".

                            (Cung cách đối xử với chiến sĩ tiền tuyến như thế đó thì Hiến binh thời Nga hoàng cũng chưa hề dám!).

                            Thông lệ của Cơ quan là trong ngăn kéo buya-rô điều tra viên lúc nào cũng có sẵn mớ thuốc lá nhà nước để tưởng thưởng cho những thằng cung khai ngoan ngoãn, những thằng điểm chỉ. Nhiều ông chẳng cho ai mà tự mình đốt hết! Đừng tưởng thế đã là bần tiện. Ngay giờ phụ trội làm đêm còn được nhiều ông khai trội hẳn lên, trước mặt thằng tù, để hốt thêm chút nào hay chút ấy.

                            Mấy ông Mũ xanh còn nhám tay thật hạ cấp. Như ông Fyodorov ở Ty Reshety (hộp thư Bưu điện số 235) đến xét nhà Korzukhin thấy cái đồng hồ tay cũng dám bỏ túi. Hồi Leningrad bị khủng bố nặng, bà Strakhovich có chồng bị câu lưu và hồ sơ nằm trong tay ông điều tra viên Nicolai F. Kruzhkov. Ông điều tra tìm đến tận nhà yêu sách vợ nạn nhân ít quần áo lạnh. Được trả lời: "Bao nhiêu chăn mền, đồ lạnh bị Cơ quan chất vô phòng trong, khoá cửa niêm phong hết rồi", thì ông Nicolai cười hề hề: "Niêm phong hả? Cứ chỉ đi, tụi này có cách mở. Tụi này nhà nghề mà!".

                            Dứt lời ông điều tra viên lẹ làng lách mở chỗ bản lề, không đụng gì tới niêm phong thiệt! Vô phòng là quơ những món đồ lạnh bằng hai tay, lượm thêm cả mấy món bằng thủy tinh đút túi. Bà chủ nhà lợi dụng cơ hội cũng lấy luôn ít món đồ ra xài thì bị ông điều tra viên tốp lại: "Bấy nhiêu đó đủ rồi", nhưng ông Kruzhkov vẫn tiếp tục làm thêm vì chưa đủ! [12]


                            Nếu kể cho hết những vụ chiếm đoạt tài vật của những ông Mũ xanh sợ phải mất đến một ngàn cuốn Bạch thư mất. Chỉ cần hỏi những người từng bị tù, vợ con là ra ngay. Có thể có những ông không nhám tay nhưng quả thực khó tin. Đã vô nghề này mà đã thích món gì thì có ai, có cái gì cản nổi? Còn nhớ những năm đầu thập niên 1930, bọn chúng tôi mặc đồ Thanh niên Tiền phong thi đua nhau trong Kế hoạch Ngũ niên đầu tiên thì mấy ông Mũ xanh đã có lệ tối tối tụ họp giải trí trong các thính phòng sang trọng như của mụ Konkordiya Iosse, ăn chơi theo mốt trưởng giả Tây phương. Mấy cô bạn gái thì xúng xính toàn y phục ngoại quốc đắt giá. Thử hỏi những thứ đó lấy đâu ra?

                            Hãy chú ý đến điểm nhiều ông Mũ xanh được thiên hạ đặt tên: Phải hiểu là có thế nào mới "tên sao người vậy" kiếm được một biệt danh chớ. Nội một Ty Nội An tỉnh Kemerovo đã có cả một ê-kíp với tên hiệu thật đích đáng. Có ông Công tố "chết" tên Trutnev tức Người Chăn Thú, ông Trưởng phòng Điều tra cấp Thiếu tá tên Shkurkin tức ông Vồ, ông Trung tá phụ tá Balandin tức Ăn Đớp… và ông điều tra viên Skorokhvatov tức Vơ Vét. Chỉ bằng ấy tên cũng đã diễn tả đủ bản chất của ê-kíp và họ hành nghề như thế nào. Ấy là chưa kể thêm ông Volkopyalov tức Lột Da Sói, ông Grabischenko tức Tướng Cướp. Ngần ấy biệt danh dồn vô một Cơ quan thì phải biết!

                            Theo hồi ký của Korneyev thì hồi còn ở lao xá Vladimir hắn có hân hạnh được biết một ông bạn tù thật đặc biệt mà hắn lỡ quên mất tên, chỉ nhớ là người bạn thân của mụ Konkordiya Iosse (mà chính Korneyev cũng có giao thiệp một thời). Người từng mang quân hàm Đại tá và là điển hình đúng mức của týp cán bộ cung cấp trong Cơ quan chỉ ham quyền thế và khoái vơ vét. Năm 1945 là năm làm ăn dữ nhất, lẹ nhất để ông đại tá xoay sở, chui được vô một ban béo bổ nhất trong Cơ quan – do đích thân sếp lớn Abakumov đứng đầu "chuyên phụ trách công tác "tịch thu, sung công tài sản". Còn chỗ nào ngon bằng, tha hồ sung công của địch về làm của riêng!

                             
                            Ông Đại tá "sung công" vài vật, chất đầy từng chuyến xe lửa, xây mấy vi-la nghỉ mát, một ở Klin. Chiến tranh vừa chấm dứt, người vơ vét được quá nhiều, ăn chơi hủ hoá bằng thích: đại khái trưng dụng trọn chuyến xe lửa để bạn bè du lịch giải trí. Tới nhà ga Novosibirsk, ông Đại tá ra lệnh đuổi hết thực khách trong phòng ăn nhà ga ra ngoài. Đàn bà đẹp được giữ lại, bắt buộc phải đứng lên bàn nhảy thoát y cho cả bọn chiêm ngưỡng chơi.

                            Nếu chỉ ăn chơi cỡ đó cũng chưa sao. Chớ có đụng đến tài vật của Cơ quan (như điều tra viên Kruzkiov). Người vi phạm nặng vụ này mà còn thêm một tội trầm trọng là đụng đến anh em cùng Cơ quan. Vợ con người ngoài thì tha hồ nhưng vợ con anh em đồng sở ông Đại tá cũng không tha. Vả lại còn dám quăng cá, chịu bà nào là nhất định làm bằng được! Đốn mạt cỡ đó thì Cơ quan không thể tha thứ. Bèn trừng trị bằng một bản án chính trị, cũng bị khép vô điều 58. Điểm đặc biệt là nằm khám rồi người còn uất ức, chửi bớI, không ngờ chúng dám bắt láo! Người tin là trước sau thế nào chúng cũng phải suy nghĩ, trả lại tự do (không chừng như vậy thiệt cũng nên!).

                            Đối với dân Mũ xanh thì lâu lâu cũng có kẻ bị tống vô khám chớ. Tránh sao khỏI, nhưng thấy rõ vết xe trước mà bị vẫn cứ bị. Đã nói cái nghề này đâu có đòi hỏi thông minh, lý trí. Dễ gì đổ bể mà lo. Biết đâu chừng tụi nó bị mà mình thoát. Đời nào anh em nỡ bỏ.

                            Sự kiện sau quả có đúng. Đời nào anh em bỏ nhau thiệt! Giữa đám Mũ xanh vẫn có một quy ước mặc nhiên là nếu không cứu được nhau thì cũng ráng thu xếp cho, có ở tù cũng sung sướng hơn người. Như ông Đại tá Vorobyev nằm khám đặc biệt Marfino, như chuyên viên Ilin nằm Lubyanka đúng 8 năm. Thực tế là có ở tù vì tội cá nhân gây ra, người của Cơ quan vẫn được đãi ngộ tốt.

                            Vì lẽ đó đám cán bộ Mũ xanh hầu như có đảm bảo: Làm gì cứ làm, lỡ sơ sẩy ở tù vẫn còn hơn người.

                            Dĩ nhiên phải trừ vài ca ngoại lệ. Cũng có những Sĩ quan An ninh trại Cải tạo phạm lỗi nặng bị tống vô trại giam thường, ở chung với đám thường phạm hoặc đụng đầu với những thằng Zek ngày nào từng hành hạ nên ăn đòn bằng thích. Như ông Mushin từng hét ra lửa, trừng trị đích đáng bọn tù vi phạm điều 58: chừng người vô trại sợ đòn thù phải nhờ cậy đến đám côn đồ blatnye nhưng rốt cuộc vẫn cứ bị chúng nắm đầu lôi đi dưới gầm giường nhục nhã.

                            Có trường hợp nhân viên Cơ quan bị vô khám mà có vì tình anh em cũng đành bó tay: đó là những ca bị từng nhóm , từng đợt. (An ninh, Mật vụ cũng vô khám từng đợt vậy chớ). Lỡ kẹt hoàn cảnh này chẳng ai nâng đỡ được ai! Biết vậy nên có máu An ninh, Mật vụ trong người là phải biết đánh hơi để "nhảy" kịp thời, vào phút chót là buông lập tức để khỏi bị dính chết chùm. Phải trở cờ chớ.

                            Điển hình là vụ ông Đại úy Sayenko [13]
                            người vì tình yêu lấy nàng Kokhanskaya, cựu nhân viên Sở Hoả xa Trung Quốc Viễn Đông. Với tài đốn gió đánh hơi, ông Đại úy biết sắp bùng nổ một đợt tập thể: bao nhiêu người làm Hoả xa sẽ bị hết. Lúc đó Sayenko là Trưởng ban Hành động của GPU địa phương. Ông Đại úy bèn cấp tốc có ngay biện pháp nghĩa là hy sinh con vợ. Không phải ly dị nhau để vợ bị bắt theo đợt tập thể… mà tự mình chế tạo ra một hồ sơ để tự mình bắt. Vì sự "trở cờ tình cảm" kịp thời đó, Đại úy Sayenko không bị mất chức Trưởng ban mà còn nhảy lên chức Ty trưởng NKVD tỉnh Tomska [14] .

                            Cán bộ Cơ quan bị bắt cả loạt còn vì một định luật tàn nhẫn là đổi týp người cũ để có bộ mặt mới (vả lại phải lọc bỏ một mớ thì những kẻ còn sót lại mới có cảm giác cán bộ tốt). Nghề Mật vụ phải thay người mau để những lớp sóng sau dồn lên thay những lớp sóng trước. Một người rớt phải kéo theo một mớ đàn em, đúng lúc là phải có một lớp hy sinh, không kể cấp bậc địa vị.

                            Cá gộc Yagoda đi phải kéo theo mớ cá con trong số thiếu gì những tay từng lưu danh trong công trình đào kênh Bạch Hải. Rồi Yezhov lên … và xuống ngay cùng với đám cận thần. Những anh hùng chiến dịch thanh trừng 1937. Đừng quên là Yerzhov lọt vô phòng Điều tra cũng ăn đòn như ai, cũng đáng thương vậy! Tù Cải tạo kỳ cựu còn nhớ hồi Yerzhov "xuống" hắn đã kéo theo vô khám cả lô to đầu đang nắm quyền sinh sát trọn quần đảo, sơ sơ cũng có Giám đốc Sở Tài chánh, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Phòng vệ và luôn cả Chánh Sở An ninh. Bằng ấy cán bộ cao cấp vô tù, Nha Tổng Quản trị các trại Lao động Cải tạo như rắn mất đầu.

                            Sau này đến lượt Beria và đệ tử.

                            Trước đó có sếp mập Abakumov rớt một mình. Nếu hồ sơ lưu trữ không bị thủ tiêu thì các sử gia của Cơ quan chắc chắn sẽ có thừa tài liệu để vẽ lại rõ ràng từng đợt lên xuống, xuống lên của những tên tuổi sáng chói.

                            Xin nhường lại cho các nhà chép sử của Cơ quan làm việc đó. Tôi chỉ nhắc sơ lại mẩu chuyện của ê-kíp Abakumo Ryumin nhưng không nhắc lại những gì đã viết trong tập Tầng đầu địa ngục.

                            Ai chẳng biết Ryumin là "gà" của Abukumov, được sếp mập cất nhắc lên, đặt vào địa vị quan trọng trong Cơ quan? Cuối năm 1952 bỗng đâu trò đệ trình một hồ sơ tối mật mà chính ông thầy tin không nổi. Ryumin báo cáo đã nắm trong tay vụ giáo sư Etinger âm mưu đầu độc Zhdanov và Schherbakov. Nếu muốn giết thực thì quá dễ vì Etinger đang là y sĩ điều trị tín nhiệm của Điện Cẩm Linh nhưng là bậc thầy của Ryumin sếp mập còn lạ gì "kỹ thuật chế tạo" của trò ruột? Chớ có đùa với lửa. (Thực sự Ryumin đã nắm chắc được tín nhiệm của Lãnh tụ!).

                            Ngay đêm đó, Abakumov phải đích thân "thẩm vấn" lại Etinger cùng ông học trò ruột nhưng hai thầy trò vẫn bất đồng ý kiến: trò nhất định tin có âm mưu đầu độc, thầy cho là bịa đặt quá lố! Đành phải ấn định một cuộc kiểm chứng chót vào sáng hôm sau, nhưng chịu không nổi thẩm vấn ngay đêm hôm ấy giáo sư Etinger đã ra ma. Sáng hôm sau Ryumin bí mật qua mặt Abakumov, điện Trung ương Đảng xin Lãnh tụ cho gặp gấp, có chuyện tối mật cần diện trình [15]
                            .

                            Stalin cho gặp ngay, bật đèn xanh cho Ryumin tiến hành hồ sơ đầu độc, qua mặt cả Bộ trưởng Nội An Beria. Dĩ nhiên Abakumov phải vô cát-xô gấp. Ngay từ hồi đó Beria đã có dấu hiệu lâm nguy và không chừng chính người cũng đang chuẩn bị hạ Lãnh tụ.

                            Chừng Stalin nằm xuống, chế độ mới lên cầm quyền thì một trong những quyết định đầu tiên là triệt bỏ hồ sơ đầu độc, Beria còn quyền hành nhưng trái lại Ryumin bị tống giam tức khắc trong khi Abakumov vẫn nằm Lubyanka.

                            Chế độ mới thì Lubyanka cũng có lề lối làm việc mới. Lần đầu tiên mới thấy bóng ông Công tố vô tận phòng giam "thanh tra". Đang nằm cát-xô thấy Công tố viên Terekhov bước vô, phạm nhân Ryumin lấy làm hả dạ và khép nép trình: "Thưa tôi vô tội. Họ tống giam tôi vô cớ…". Hắn xun xoe xin được thẩm cung lại và đang lúng túng ngậm cục kẹo trong miệng – đó là thói quen xưa nay của ông Phụ tá – ông bị Công tố sửa lưng, Ryumin vội ấp úng "xin lỗi" và ngoan ngoãn nhả ra lòng bàn tay.

                            Nhưng Abakunov lại khác. Thấy ông Terekho vô thanh tra, hắn cười ầm lên: "Bịp bợm!". Ông Công tố chìa ra cho coi văn thư chính thức của nhà nước cử vô thanh tra nhà lao Bộ Nội An thì hắn gạt đi: "Văn thư này thì làm 500 cái cũng có liền!".

                            Lập trường đã rõ ràng, Abakumov cho hay hắn không bất mãn vì bản thân bị tống vô cát-xô mà vì thói quen của Cơ quan bị xúc phạm. Trên đời này có cái gì hơn được Cơ quan?

                            Tháng 7 năm 1955 Ryumin bị đưa ra toà xử ở Mạc Tư Khoa và bị xử bắn nhưng Abakumov vẫn kẹt trong lao Lubyanka. Trong một buổi lấy cung hắn còn bảo Terekhov:

                            "Anh có cặp mắt đẹp quá! Phải bắn anh tôi không thấy nỡ[16]y tôi bảo thực chớ dây dưa vào hồ sơ của tôi. Còn kịp thời giờ bỏ đi!"

                            Một bữa Terekhov chấp cung Abakumov và đưa cho hắn coi tờ báo đăng tin Beria bị thanh trừng. Hồi đó vụ Beria là cả một đảo lộn động trời. Nhưng Abakumov thản nhiên cầm tờ báo coi như coi tin thời sự và lật qua trang sau coi tin Thể thao! Lần khác có mặt một nhân viên cao cấp trong Cơ quan hồi trước làm dưới quyền hắn, Abakumov có ý kiến:

                            "Tại sao anh chấp nhận cho bên Công tố lãnh điều tra vụ Beria kìa? Phải cho qua KGB chớ". [17]


                            nằm khám rồi nhưng sếp mập vẫn có ý thắc mắc những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp Cơ quan mà. Sau đó Abakumov hỏi:

                            "Anh có tin rằng họ dám đưa tôi, một Bộ trưởng Nội an, ra Toà xử đàng hoàng không?"

                            Nghe thuộc cấp cũ trả lời: "Tôi tin cậy" thì ông cựu sếp sòng Mật vụ cay đắng kết luận:

                            "Vậy hả? Nếu vậy thì anh chuẩn bị đi. Cơ quan hết thời rồi. Dẹp bỏ là vừa!"

                            Chưa hẳn Abakumov luyến tiếc Cơ quan nhưng sự thực thì nằm trong lao Lubyanka hắn không hề sợ bị đưa ra Toà xử. Chỉ sợ bị thủ tiêu ngầm, bằng cách đầu độc chẳng hạn. (Vậy mới là sếp Mật vụ đúng truyền thống!). Do đó cơm nhà lao là Abakumov không đụng đến. Hắn chỉ chịu một món: đó là mấy hột gà tự tay mua ở câu lạc bộ (dù sao hắn cũng còn lạc hậu, cho rằng không thể "hạ độc" vào trứng).

                            Abakumov còn ngược đời ở chỗ thư viện nhà lao Lubyanka đầy nhóc sách nhưng hắn chỉ mượn đọc tác phẩm của Stalin là người ra lệnh tống giam hắn vô tù! Khoái trình diễn vậy thôi chớ hắn đâu chịu tư tưởng của Lãnh tụ, cũng như đâu có tin bọn đàn em, đệ tử ruột của Stalin sẽ lên cầm quyền [18]


                            ó dạo người ta hỏi nhau: "Abakumov bị câu lưu nằm Lubyanka cả hai năm rồi, tại sao chưa được phóng thích? Đồng ý là nếu xét về tội ác thì hắn tội cao lút đầu, đẫm máu tanh hôi thật. Nhưng đâu phải một mình hắn nhúng tay vào tội ác. Còn bao nhiêu kẻ khác và họ cũng được trả tự do, an thân rồi mà.

                            Nói vậy cũng đúng. Nhưng một hồi có tin đồn Abakumov nặng nợ vì một món "ân oán giang hồ". Hồi còn là điều tra viên chính hắn đã "thẩm vấn" nàng Lyuba Sedykh người bị gửi tới Tiểu đoàn trừng giới. Có lẽ Abakumov xuống tay hơi nặng nên Lyuba thành bệnh bỏ mạng luôn, khiến con trai lớn của Khruschhev đâm goá vợ. Đó là lý do bị Stalin tống giam mà Abakumov không được chế độ mới phóng thích. Lại bị truy tố ra Toà Leningrad, phiên toà đặt dưới quyền của ông Chánh thẩm Kruschhev nên bị tuyên án tử hình và bị xử bắn ngày 18 tháng 12 năm 1954. Thế là rồi đời Abakumov nhưng ít nhất hắn cũng không phải thất vọng. Cơ quan không hết thời, dẹp bỏ mà vẫn tồn tại.


                            *

                            "Họ từ đâu ra, họ có cùng gốc rễ, máu huyết với chúng ta chăng mà họ ghê gớm thế? Dĩ nhiên là cùng vì tục ngữ chẳng có câu "Ăn mày là ai? Ăn mày là ta" sao? Biết đâu chừng hoàn cảnh đẩy đưa chính anh cũng có thể là một Mật vụ mũ xanh, làm đúng những công việc họ làm vậy chớ.

                            Riêng tôi thì đang theo học năm thứ ba Đại học – và mùa thu năm 1938 – có chân trong Đoàn Thanh niên Cộng sản, tôi đã được kêu lên trụ sở Quận đoàn hai lần cùng với mấy thằng bạn. Chẳng cần hỏi ý kiến trước, người ta đưa cho tụi tôi một lá đơn, chỉ việc điền vô chỗ trống. Đại khái mấy chú khá Toán, Lý, Hoá, tại sao không làm đơn vô trường Huấn luyện NKVD sau này ra trường có phải hữu dụng cho tổ quốc không?

                            (Bao giờ chẳng… Tổ quốc cần đến anh. Sẽ có người nhân danh Tổ quốc yêu cầu anh làm, đúng nhu cầu của Tổ quốc!)

                            Năm trước Quận đoàn cũng đã hô hào chúng tôi đăng vô Không quân. Có ai đang học muốn bỏ dở, chúng tôi đâu đã muốn khoác áo lính. Nhưng lần này chúng tôi né kỹ. Hai mươi lăm năm sau dĩ nhiên chúng tôi có thể nói hồi đó đã thừa biết nghề Mật vụ bắt người, đánh người nên chê không thèm vô. Nhưng không phải vậy. Họ bắt người toàn ban đêm, ban ngày bọn trẻ chúng tôi vẫn sắp hàng đi ca hát vô tư mà. Làm sao biết nổi, mà biết để làm gì? Trọn Ủy ban Tỉnh bị đẩy đi thật nhưng vụ đó có liên quan gì tới chúng tôi? Hai ba giáo sư bị bắt thật nhưng chúng tôi xót thương gì? Không chừng cuối năm thi còn dễ hơn! Lớp tuổi chúng tôi ra đời cùng với Cách mạng, là con đẻ của Cách mạng… tương lai tràn trề quá mà!

                            Sự thực là ngay từ hồi đó, chẳng lý luận mổ xẻ chúng tôi cũng tự nhiên không chịu vô trường đào tạo Mật vụ mũ xanh.



                            Mặc dù học xong Đại học ra ngon nhất cũng chỉ vớ được một chân giáo học trường quê ăn lương chết đói, mà vô trường NKVD là lương gấp ba, có phụ cấp khẩu phần đặc biệt. Vậy mà chúng tôi nhất định chê. Tại sao chê chưa biết hẳn và có biết cũng chẳng dám nói ra. Cảm giác ghê sợ, kinh tởm nghề Mật vụ không xuất phát từ óc mà từ con tim. Ai muốn nói gì chúng tôi cũng gật đầu nhận chịu hết nhưng trong lòng là cả một sự chối bỏ, thù ghét. Không có chúng chúng tôi không tham dự.

                            Nếp sống xã hội Nga vốn vậy. Bao nhiêu năm rồi có thể nói thẳng rằng người tử tế làm công chức ngành nào cũng được trừ ngành Mật thám là chẳng ai ham. Cả trăm năm, cả mấy trăm năm ý thức đó vẫn tiềm ẩn. Ngay từ thời luân lý, đạo đức còn có giá và thiện hay ác lương tâm còn phân biệt được.

                            Lớp tuổi chúng tôi cũng có vài thằng chịu vô trường NVKD. Giả thử ban Tuyển mộ ép phải vô thì có lẽ chúng tôi chẳng ai dám chê. Tôi cứ tưởng tượng nếu chiến tranh bùng nổ mà tôi đã đeo huy hiệu sĩ quan NKVD thì đời tôi rồi sẽ ra sao? Có thể tôi sẽ tự an ủi hồi đó quá mềm yếu, không đủ sức cưỡng lại đành phải theo nghề Mật vụ. Sau này bị tống vô khám, có dịp nằm nghiệm lại chính cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi đâm kinh hoàng.

                            Hồi đó tôi đang mê Toán nặng. Sinh viên đại học nhưng đi lính đâu có được Sinh viên Sĩ quan. Sáu tháng lính quèn, bụng đói mà lúc nào cũng phải nhắm mắt tuân theo mệnh lệnh của những kẻ không đáng cho mình tuân lệnh. Rồi nửa năm liền bị hành hạ quần quật trong lớp Dự bị Sĩ quan. Không chịu nổi thì suốt đời làm lính chiến mới nghĩ tới đã rùng mình, nhưng rồi cũng được gắn lon, hai ngôi sao tí hon trên cầu vai. Rồi ba sao, bốn sao. Bao nhiêu gian nan, khổ cực quên phứt hết. Còn chút lòng ham mê tự do thuở sinh viên cũng mất luôn. Nhưng khốn nỗi đã nhà binh thì còn gì tự do? Đến đi cũng thích đi chung một đám diễn hành tập hợp quen quá mất rồi!

                            Tôi nhớ như in hồi mới ở trường Sĩ quan ra, tâm tánh biến đổi kỳ dị, chịu cuộc đời nhà binh ở chỗ cực kỳ giản dị, chẳng cần phải suy nghĩ. Thấy khoái cuộc đời trà trộn với tập thể, sống in như mọi người, nghĩa là sống ào ào với niềm sung sướng quên được nếp sống tế nhị của thời thơ ấu.

                            Thời gian ở quân trường lúc nào cũng đói, lúc nào cũng chỉ nhìn quanh để rình ăn và thằng nào xoay sở ăn đớp được nhiều là thằng ấy bảnh. Nhưng sợ nhất là rớt giữa chừng, không được ra trường là có chầu ra mặt trận Stalingrad. Có thể nói là chúng tôi bị hành hạ ở quân trường tới khốn khổ tối đa để sau này ra trường hành hạ lại những thằng khác. Chẳng bao giờ ngủ đẫy giấc vì đang ngủ rất có thể bị dựng dậy đi phạt, chạy phạt. Một thằng chùi giấy không sạch là cả tiểu đội chạy phạt đến ngất ngư. Còn phải tập hợp đứng nghiêm, chờ cho đến lúc nó đánh giày láng bóng.

                            Trong khi chờ đợi cái lon sĩ quan thì đi chúng tôi cũng phải tập đi như cọp, hô phải hô cho rõ to, rõ hách. Mới có lon sĩ quan trên cầu vai, vừa được một tháng điều động một pháo đội ở hậu phương tôi đã hành hạ lính dưới quyền một cách thản nhiên, ông Đại tá thanh tra gọi vô khiển trách còn dựa vào "kỷ luật nhà binh" để tự bào chữa. Xét cho cùng trong quân đội thì sự kiêu hãnh cũng tích lũy như lớp mỡ trong cơ thể con heo vậy.

                            Bằng không tôi đâu dám hò hét ra lệnh cho thuộc cấp, cấm hỏi đi hỏi lại. Lúc nào cũng tự đặt mình vào cấp trên, có quyền đè đầu người khác ở ngoài mặt trận là nơi thằng nào cũng có thể chết như nhau! Mình ngồi nhưng bắt lính đứng nghiêm, bắt bẻ chặn họng và… với những người đáng tuổi cha tuổi ông cũng cứ xưng hô láo xược, xách mé. Bằng không tôi đâu dám giữa lúc pháo kích ầm ầm bắt lính ra sửa hàng rào kẽm gai để thượng cấp khỏi khiển trách (để đến nỗi Binh nhì Andreyashin phải trúng miểng đạn chết). Tôi vẫn thản nhiên ăn bánh mì xăng-uých phết bơ, coi khẩu phần sĩ quan phải vậy còn lính ăn uống những gì thây kệ. Lại còn chiếm riêng một thằng lính đầy tớ (gọi là "cần vụ" cho sang!) để trăm việc sai phái trút lên đầu nó, kể cả việc bắt nấu ăn riêng cho khác đồ ăn của lính. Vậy là hơn cán bộ NKVD rồi. Thẩm vấn viên ở Lubyanka đâu có cần vụ hầu hạ.

                            Bằng không tôi đâu dám bắt lính trần lưng đào hố cá nhân cho mình mỗi lần hạ trại. Hầm núp sĩ quan phải rộng rãi, nóc hầm phải thật kiên cố! Khốn nạn, có một pháo đội mà cũng bắt lính đào một hầm phạt ngay cả lúc đóng quân giữa rừng. Không đến nỗi tàn tệ như những giếng cạn nhốt người ở trại Gorokhovets vì dầu sao thằng lính thọ phạt còn có một cái áo che đỡ và còn một khẩu phần ăn của lính. Binh nhì Vyushkov đã bị phạt hầm chỉ vì tội để lạc mất con ngựa, Binh nhì Popkov vì tôi xài súng các-bin ẩu. Làm sao quên nổi?

                            Tôi còn bắt lính khâu cho mình chiếc bao da (tịch thu xe giặc, lấy bao ghế làm thì quá dễ!) để đựng bản đồ, nhưng vẫn lấy làm đau khổ chỉ vì còn thiếu quai đeo: Tiện có chú Ủy viên Du kích Ủy ban Quận đi ngang có đúng cái quai da tôi đang cần, lính của tôi bèn tịch thu liền. Nhà binh phải có quyền ưu tiên chớ. (Đại khái cũng giống như ông Sĩ quan An ninh Senchenko vậy!). Hắn còn cái hộp thuốc màu đỏ, lính của tôi cũng "mượn" cho ông Sĩ quan chỉ huy xài).

                            Có cái lon trên vai là có quyền hơn người vậy đó! Những lời khuyên "chớ tham của người" của mẹ già ngày nào cũng như lý tưởng bình quyền của chú Thanh niên Tiền Phong không còn nữa. Đúng vào lúc đó thì xảy ra vụ lột lon, giật huy chương. Thắt lưng cũng tịch thu. Chừng bị hộ tống lên xe hơi nhét vô phòng giam Quân đoàn thì tôi là hiện thân của chán chường, tả tơi. Binh sĩ dưới quyền thấy cảnh tượng này thì tôi chịu sao nổi?


                            *

                            Nhắc lại hồi tôi bị bắt thì theo thông lệ phạm nhân phải được áp giải từ Ban Phản gián Quân đoàn lên Phòng Phản gián Mặt trận, nghĩa là chúng tôi phải đi chân từ Osterode tới Brodnica.

                            Lúc ở xà lim chui ra tôi đã thấy có 7 mạng chia làm 3 cặp rưỡi đứng quay lưng lại. Sáu đứa mặc áo lạnh cũ mèm của Bộ binh, phía lưng mờ mờ hai chữ S.U lớn – có nghĩa quốc tịch Nga. Tôi từng thấy nhiều binh sĩ mặc áo này, những đứa gốc Hồng quân bị Đức bắt làm tù binh và được quân ta "giải phóng". Chao ôi được giải phóng mà mặt đứa nào đứa nấy buồn so vì "quân ta" đối xử lạnh nhạt còn hơn địch. Qua khỏi chiến tuyến là tù binh lại vô trại giam lần nữa!

                            Đứng lẻ loi ở hàng dưới là một gã Đức thường dân cỡ 50 tuổi, mặt trắng trẻo dáng dấp sang trọng. Đi tù mà hắn còn đóng nguyên bộ com-lê đen, áo khoác ngoài đen, mũ cũng đen. Dĩ nhiên tôi phải tới bên một thằng để ráp vào thành cặp thứ tư. Trưởng ban áp giải là gã trung sĩ người Tatar đưa tay ra hiệu cho tôi xách va-li lên, chiếc va-li đựng đủ thứ đồ và đầy giấy tờ bản thảo.

                            Tôi nhăn mặt. Sĩ quan mà phải tự vác lấy va-li, do một thằng Trung sĩ chỉ định, vượt mọi nguyên tắc thủ tục. Sĩ quan mà vác đồ nặng để 6 thằng lính quèn kia đi tay không? Lại còn thằng Đức, thằng tù của một nước chiến bại cũng đi tay không nữa? Tôi xét thấy chẳng cần giải thích nhiều nên chỉ nói vắn tắt với Trung sĩ tưởng toán:

                            "Tôi là sĩ quan. Va-li biểu thằng Đức này mang…"

                            Nghe tôi nói cả đám vẫn lặng thinh. Sự thực họ đâu có quay cổ lại. Chỉ có thằng S.U. lẻ đi cạnh tôi trợn mắt ngạc nhiên nhưng gã Trung sĩ hiểu liền. Tôi không phải sĩ quan của hắn nhưng vẫn là sĩ quan mà thủ tục nhà binh hắn thấm nhuần cũng như tôi nên hắn gọi ngay thằng Đức bắt vác va-li cho tôi.

                            Cả bọn lên đường, tay chắp sau lưng. Sáu thằng S.U đều đi tay không. Lúc ra trận thế nào thì khi trở về cũng chỉ có vậy. Tám thằng chia ra bốn cặp nối đuôi nhau lầm lũi đi, triệt để cấm nói chuyện… dù đang đi, nghỉ chân hay ở qua đêm. Đi đường cũng không được đi dính vào nhau, tiếng đi cùng một toán nhưng vẫn không phải riêng rẽ từng thằng, làm như phải vác theo luôn một cát-xô vô hình vậy.

                            Thời tiết đầu mùa xuân thay đổi bất tử. Lúc thì sương sa nặng hạt, đi trên đường cái sình lầy phát bực bội. Lúc thì mặt trời hé ra được một khoảng tuy nắng chiếu yếu ớt cũng đủ đánh tan lớp sương, soi rõ cảnh vật bên đường mà chúng tôi sắp phải giã từ. Có lúc mây đen kéo tới, những cơn gió lạnh ướt thổi tạt từng mảnh tuyết vào mặt vào lưng chúng tôi rát rạt, mặc áo lạnh giày bốt mà cũng ướt sũng nước.

                            Trước mặt tôi là sáu cái lưng, lúc nào cũng chỉ thấy lưng. Khoảng cách đều đặn, vừa đi vừa tha hồ ngắm nghía những chữ S.U. vụng về loang lổ khác hẳn cái lưng đen bóng của thằng tù Đức. Nhịp đi chầm chậm, tôi thừa thì giờ suy ngẫm chuyện quá khứ, hiện tại. Nhưng đầu óc tôi mù mờ sau cú búa bổ đột ngột. Có nghĩ ngợi được gì.

                            Sáu cái lưng vẫn âm thầm, nhẫn nhục tiến tới. Thằng tù Đức xách va-li nãy giờ coi bộ thấm mệt. Đổi tay hoài, hắn còn ôm ngực, lắc đầu ra điều nặng quá, mang không nổi nữa. Gã S.U. đi bên cạnh vội tình nguyện đưa tay ra vác giùm một lúc (dù mới đây chính hắn còn là tù binh của Đức). Sau đó chiếc va-li được âm thầm chuyền tay mấy thằng S.U. kia, mỗi thằng vác một khoảng. Rồi đến lượt thằng Đức trở lại. Tất cả tình nguyện vác, trừ tôi. Chẳng ai buồn nói với tôi một tiếng!

                            Giữa đường gặp một đoàn xe bò, toàn xe không. Thấy cảnh áp giải tù, mấy thằng đánh xe bèn đứng lên nhìn cho rõ. Tôi bỗng khó chịu vì bao nhiêu cặp mắt bỗng hướng về phía tôi, ngạo nghễ và trêu chọc cái điệu: "Ô hay, sĩ quan mà cũng tù hả? Vậy cho đáng đời!". Gốc sĩ quan của tôi thì rành rành ở bộ quân phục mới, quần áo cắt vừa vặn, cầu vai cũng còn y nguyên, mấy hàng nút mạ vàng rẻ tiền chiếu lấp lánh. Nội những ánh mắt soi mói, tách rời tôi ra khỏi nhóm cũng đủ biểu lộ họ đang nghĩ gì. "Phải vậy mới công bằng, cho nó nếm mùi tù tội", chớ không lẽ bắt tội mấy thằng lính? Thấy thằng sĩ quan là tôi cũng đi tù lẫn lộn cùng đám lính làm như họ hả hê lắm. Biết đâu chừng Đại đội trưởng của họ rồi cũng có phen "xuống chân" như thế này.

                            Ngay lúc đó tôi có cảm giác bị họ liệt về phe địch. Phải là gián điệp, phá hoại! Cho nên có thằng hét lên:

                            "A, lại một thằng Vlasov phản động! Còn chạy đâu nữa. Bắn bỏ cho rồi!"

                            Một hai đứa dám chửi là cả bọn nhau nhau hướng về phía tôi tuôn ra những lời chửi bới thô bỉ, tục tĩu nhất. Họ chửi hăng lắm, coi bộ yêu nước lắm (thì ở hậu phương bao giờ chẳng vậy!). Họ nghiễm nhiên liệt tôi vào hàng điệp viên đế quốc bị lột mặt nạ nên bị bắt sớm ngày nào quân ta có thể tiến nhanh ngày ấy, không chừng chiến tranh mau chấm dứt hơn cũng nên.

                            Khốn nạn bị áp giải đi trong đoàn tù, tôi đâu có quyền lên tiếng giải thích hay cãi lại? Tôi có cách nào cho họ biết tôi không phản bội, không phải điệp viên phá hoại? Tôi là bạn họ, vì họ mà tôi phải chịu cảnh này! Không nói được thì tôi cố mỉm cười với họ, cười thông cảm thân thiện vậy. Nhưng thằng tù đang bị áp giải là tôi vừa nhe răng ra cười thì họ còn bực bội hơn nhiều. "Mày còn dám cười hả?". Bao nhiêu cánh tay đưa lên dậm doạ, bao nhiêu câu chửi tàn tệ, lại hướng cả về tôi.

                            Lúc bấy giờ quả tình tôi cười kiêu hãnh. Tôi đâu phải bị họ bắt vì tội trộm, vì phản bội hay đào ngũ? Không, tôi đã âm thầm lý luận, tôi đã tìm ra nhược điểm tệ hại của Stalin. Tôi cười vì thực tâm nghĩ rằng bề nào cũng còn có thể đóng góp được phần nào trong việc cải sửa lại nếp sống của đất nước này.

                            Tôi nghĩ vậy, nhưng chiếc va-li của tôi thì vẫn để cho người khác mang: Tôi không hề cảm thấy làm vậy là vô lý. Cho dù thằng bạn tôi đang đi cạnh tôi – mắt trõm sâu đau khổ, râu đâm tua tủa – có dùng thứ ngôn ngữ sáng sủa nhất để bảo thẳng vào mặt tôi rằng thân phận thằng tù mà có cái va-li còn bắt người khác mang là bậy… là lên mặt làm cao, làm bộ ta đây cũng được. Thây kệ nó. Tôi không cần biết. Tôi là sĩ quan mà.

                            Giả dụ 8 đứa cùng đi bữa đó có 7 thằng phải chết, chỉ 1 thằng được sống chắc chắn tôi sẽ la lớn lên không ngần ngại:

                            "Trung sĩ! Để tôi sống. Tôi là sĩ quan mà!"

                            Ấy đấy, sĩ quan tác chiến còn vậy. Giả thử có hai cầu vai xanh Sĩ quan An ninh, người của Cơ quan thì còn tới cỡ nào?

                            Phải biết người của Cơ quan tất nhiên phải được nhồi sọ rằng cũng là Sĩ quan nhưng Sĩ quan Mũ xanh phải hơn hẳn, là thành phần ưu tú nhất nên hiểu biết nhiều hơn, trách nhiệm nặng hơn. Do đó có tra tấn người cũng chỉ để chu toàn trách nhiệm.

                            Tôi thành thực nghĩ nếu được đào tạo ở NKVD ra chắc tôi cũng không khác gì họ. Vô Cơ quan dưới thời Yerzhov chắc chắn tôi sẽ thành cán bộ đắc lực dưới thời Beria! (Vì thế độc giả nào còn nghĩ rằng QUẦN ĐẢO NGỤC TÙ rõ ràng có lập trường chính trị nhằm tác dụng chính trị hãy gấp sách lại giùm).

                            Chuyện đời đâu có giản dị vậy. Đâu phải có một lớp ác nhân chuyên làm ác, mình chỉ việc tách rời chúng ra để tận diệt chúng là xong chuyện.

                            Con đường phân ranh giữa thiệnác, tráiphải, chao ôi lại nằm đúng con tim của chúng ta. Đụng đến quả là đau đớn! Con đường đó đâu chịu đứng y chỗ. Nó có thể bị sự tàn ác chen lấn, ép hẳn sang một bên mà cũng có thể tự nó chạy nép sang bên nhường chỗ cho thánh thiện nảy mầm. Con người ta biến dạng thành người khác hẳn là thường. Chỉ vì thời gian, hoàn cảnh mà con người có thể cực xấu hay cực tốt. Xấu tốt lại có thể lẫn lộn, dù con người vẫn mang cùng một tên.

                            Nếu Socrate từng khuyên: "Chính anh hãy tự biết mình anh", thì tục ngữ Nga cũng có câu: "Từ thiện sang ác chỉ nhấp nháy", nên ta có thể hiểu hiểu ngược lại: "Từ ác sang thiện cũng vậy".

                            Còn nhớ sau khi lòi ra những chuyện bê bối ở Cơ quan cũng phải có người này, người khác. NKVD hay KGB thiếu gì người tốt.

                            Đúng thế, nếu chữ tốt ở đây hiểu theo nghĩa có đồng chí bị bắt dám lén rỉ tai: "Ráng vững lập trường", rồi tiếp tế cho ít mẩu bánh mì nhưng sau đó sẵn sàng chà đạp lên những miếng bánh mì khác. Còn tốt hiểu theo nghĩa thông thường, nhân đạo thì không hiểu Cơ quan có người tốt thiệt chăng?

                            Sự thực là KHÔNG. Người tốt, người lành là Cơ quan chê trước, gạt bỏ ngay từ lúc tuyển mộ. Thiếu gì người được chiếu cố cũng tìm đủ mọi cách vùng thoát. [19]
                            lỡ vô Cơ quan ăn lương thì chỉ có hai cách: một là tự thích ứng với hoàn cảnh, hai là chờ Sở cho thôi việc hoặc tống vào tù. Như vậy lấy đâu ra người tốt? Vậy mà vẫn có.

                            Như gã Trung úy trẻ dám rỉ tai linh mục Viktor Shipovalnikov một tháng trước: "Trốn đi. Họ sắp bắt cha đó". Cha Viktor không chịu trốn và bị bắt thật. Hắn lại được cử tới canh chừng và vò đầu bứt tai: "Sao cha không trốn đi cho rồi?".

                            Ngược lại là trường hợp biến tính của Ovsyannikov, một Trung úy Trung đội trưởng thân cận nhất của tôi ở đơn vị, từng "ăn cùng mâm ngủ cùng chiếu" nhiều phen. Địch pháo như mưa tụi tôi cũng cứ húp súp sì sụp chỉ sợ nguội. Theo tôi vốn gốc nông dân thuần túy, Ovsyannikov là con người bộc trực, thẳng thắn mà quân trường hay đời sống nhà binh không làm hư hỏng nổi. Hắn thương lính đến độ lo bảo vệ sinh mạng tối đa mà còn lo luôn sức khoẻ cho mấy bác lính già kia mà.

                            Nhiều lần thấy tôi bất mãn, hắn an ủi bằng những mẩu chuyện thiết thực "thấy sao nói vậy" về đời sống miền quê, về nông trại. Nghe tôi bị bắt hắn rất buồn bực, viết báo cáo đề cao thành tích chiến trường của tôi, đưa lên Tư lệnh Sư đoàn ký đàng hoàng. Giải ngũ ra hắn lui tới hỏi thăm giúp đỡ gia đình tôi… dù năm 1947 là năm dữ không thua gì 1937. Thời gian bị thẩm vấn tôi cứ nơm nợp sợ hắn bị liên lụy vì có tên trong tập Nhật ký chiến trường.

                            Ở trại Cải tạo ra năm 1957 là tôi để ý tìm Ovsyannikov. Thư từ thăm hỏi nhiều lần mới được Trường Sư phạm Yuroslav cho tin hắn được đổi sang Bộ Nội An! Người như hắn Cán bộ Cơ quan sao? Hồi tôi xuất bản cuốn Ivan Denisovich cũng chẳng có tin, chẳng thể gặp mặt (Điều tra viên cần gì phải biết đời sống của một thằng tù!).

                            Mãi sau này nhờ người đưa thư tận tay, tôi mới nhận được vài hàng chữ của cố nhân Ovayannikov đại khái:

                            "… Ở Trường Sư phạm tôi được chuyển về Cơ quan và tôi nghĩ cứ lo công tác đắc lực thế nào cũng được cấp trên biết đến cất nhắc lên. Đồng ý là cũng còn vài chuyện bất như ý nhưng nói chung ở đây có điều kiện thăng tiến, có tình đồng chí. Khỏi bận tâm nghĩ ngợi về tương lai".

                            Thì ra ông Trung úy gốc nông dân chất phác, bộc trực đã biến hình biến tính hẳn sau khi trở thành cán bộ Cơ quan Ovsyannikov. Những năm cuối thời Stalin hắn đã cộng tác đắc lực nhằm thăng tiến nghề nghiệp bằng cách phạm nhân nào lọt vào tay hắn là lãnh án tối đa, 25 năm đi đày trại Cải tạo! Ai ngờ con người có thể biến đổi toàn vẹn, ghê gớm cỡ đó?












                            1/dễ dãi trong việc thẩm vấn, cung khai hồi đó (cũng như vụ Bukharin nhiều năm sau) có lẽ nguyên do vì thẩm vấn viên cũng như bị can đều cùng giai cấp, đồng đẳng về phương diện xã hội. Người có bổn phận thẩm vấn thì người khai cung cũng mau mắn, thực lòng để cùng hoàn thành cung từ tốt đẹp.
                            2/ tng nhóm Ulyanov có một người tên Andreyuskin nhè viết thư cho một người bạn ở Khrakov, nguyên văn như sau: “Tôi vững tin rằng chúng tôi sẽ cho mọi người thấy một sự khủng bố ghê gớm nhất, trong một ngày gần đây thôi. Khủng bố Đỏ là nghề tay trái của tôi… Hiện tôi đang lo cho một thằng bạn. Nếu nó bị thì tôi cũng có thể bị vậy và quả là tai hoạ vì tôi sẽ kéo vô theo cả đám đang làm rất đắc lực…”. Không phải đây là lần đầu một lá thư hớ hênh như vậy bị tiết lộ. Vậy mà Mật vụ Nga hoàng ở Kharlov cũng phải mất 5 tuần lễ điều tra coi thằng nào ở Petersburg là tác giả lá thư trên. Mãi đến ngày 18 tháng 2 mới dò ra Andeyushkin thì ngày 1 tháng 3 Mật vụ Petersburg bắt dính tại trận mấy kẻ khủng bố đang vác bom đi trên đại lộ Ncasky Prospekt, toan tới địa điểm, mưu sát Nga hoàng Alexander Đệ Tam.

                            3/ã bạn học chút xíu nữa kẹt chỉ vì chúng tôi vô tình nhắc đến tên hắn trong thư. Được biết hắn không bị, tôi thành thực mừng quá! Nào ngờ 22 năm sau, ông bạn quý gởi thư trách móc, phê phán mấy cuốn sách của tôi, cho rằng tôi sáng tác một chiều như vậy rõ ràng là bù nhìn phản động của phe Tây phương. Hắn nhấn mạnh nếu đọc những sáng tác của tôi, chính Lênin mà tôi vẫn ngưỡng mộ và cả Marx lẫn Angels nữa cũng sẽ lên án tôi thẳng tay. Sự thực tôi không buồn vì những lời chỉ trích của ông bạn mà chỉ tiếc rằng 22 năm trước hắn không có dịp vô, bằng không tư tưởng hắn sẽ đổi khác.
                            [4]  là một sự thật muốn cãi cũng không nổi. Từ thời gian, phương pháp đều in hệt nhau. Những ai từng nếm mùi điều tra của cả Gestapo lẫn KGB đều biết quá rành rẽ. Còn ai bằng Yevgeny Ivnovich Divnich, giáo sĩ Chính thống giáo? Người từng bị Gestapo tra tấn vì hoạt động Cộng sản trong hàng ngũ công nhân Nga ở Đức và KGB điều tra vì liên lạc với tư bản quốc tế. Xét về nghề nghiệp thì Gestapo còn khai thác Divnich để phăng ra sự thực và không tìm ra bằng chứng đương sự còn được thả ra. Với KGB thì sự thực không cần thiết và bắt được người nào cũng không có vấn đề thả.
                            [5]Chú thích của Solzhenitsyn: “Thuyết phục” đây có nghĩa lịch sự. Cần phải thêm vô: “Thuyết phục bằng… đòn”, nghĩa là tra tấn.
                            [6]Trong hàng ngũ cộng sản thì nhóm Leningrad không có nghĩa là nhóm đệ tử của Lênin mà dơn giản chỉ là những tay nhiều tuổi Đảng.
                            [7]Như Volkopalyov, một điều tra viên dữ dằn gốc Nam Tư thình lình được đổi qua Moldavia làm Công cán Ủy viên đặc trách Tôn giáo vụ.
                            [8]Đó là trường hợp ông Viktor Nicolaiyevich Ilin đang mang quân hàm Đại tướng trong Bộ Nội An bỗng biến hình thành Bí thư Hội Nhà văn Liên Xô.
                            [9]Theo hồi ký của Ivnov Razumnik thì phạm nhân Vasilyev đã được thưởng thức mục này.
                            [10]Như điều tra viên Polahiko, Ty Nội An Kemerovo đã từng biểu diễn.
                            [11]Lâu nay tôi tính viết một câu chuyện tựa đề “Người vợ hư” nhưng chưa kịp cho ra bỗng đâu có một chuyện thực xảy ra ở ngoài đời nên xét ra khỏi cần viết. Chuyện xảy ra ở một căn cứ phi trường Viễn Đông trước khi bùng nổ chiến cuộc Triều Tiên. Có ông Trung tá đi công tác về hay tin vợ đau nằm nhà thương. Lật đật vô thăm thì ông bác sĩ cho hay bà Trung tá bị hư hỏng bộ phận kín vì những trò ngược đời. Dĩ nhiên không phải do mình làm nên. Ông Trung tá gạn hỏi mãi thì được biết thủ phạm vụ “hành hạ” là ông Trung úy An ninh trong đơn vị, với sự cộng tác phần nào của nạn nhân. Giận quá ông Trung tá vác súng đến tận buya-rô gã Trung úy tính nổ…, nhưng sau đó người lủi thủi ra về như mèo cắt tai. Thì ra ông chồng bị doạ cho đi đày chung thân, ở một chỗ dữ nhất nên đành phải đầu hàng, vui nhận lãnh bà vợ hư hỏng nặng mà bệnh viện chữa không nổi về nhà làm vợ làm chồng y như cũ, không có chuyện gì xảy ra, không được ly dị, không dám kêu ca chỉ sợ ông Trung úy báo cáo một phát là chết rục xương trong tù. Chuyện này do gã tài xế tin cẩn của ông Trung úy An ninh kể lại.
                            Những vụ cưỡng đoạt ái tình của nhân viên Cơ quan đâu có ít. Nhiều người biết nhất là vụ ông sĩ quan có thế lực ở Bộ Nội An năm 1944 ép buộc cô con gái ông Tướng Bộ binh phải lấy đương sự bằng không thì ông Tướng đi tù. Cô gái có vị hôn phu rồi đành phải chấp nhận làm bà Sĩ quan An ninh vì quá thương cha, nàng ghi từng ngày từng giờ nhật ký về cuộc hôn nhân cưỡng ép ngắn ngủi. Ít lâu sau nàng tìm cách trao cuốn nhật ký cho tình quân rồi tự hủy mình.
                            [12]Vụ nhặt nhạnh đồ này không ngờ có hậu quả trầm trọng. Năm 1954 sau khi đi đày về với một bản án tử hình được ân xá, chính nạn nhân Strakhovich muốn quên hết, tha thứ hết nên khuyên can hết lời nhưng bà vợ quá uất ức nhất định đầu đơn tố cáo Kruzhkov. Vì đây chẳng phải lần đầu tiên ông điều tra viên làm ẩu, vả lại người còn dám đụng chạm tới vật mà CƠ QUAN đã niêm phong, tịch thu nên Kruzkov bị lãnh án tối đa 25 năm. Tuy nhiên không hiểu đương sự có phải ở đủ án không?
                            [13]Xin nhắc rõ đây là ông Đại úy Sazenko chứ không phải ông Sayenko thợ mộc, nhân viên Cheka khoảng 1918-1919 nổi tiếng vùng Kharkov về kỹ thuật hạ sát tù nhân bằng nhiều kiểu: kê súng sát mang tay lảy cò, lấy kiếm đục lỗ, bẽ gãy ống quyển, lấy quả tạ đập bẹp đầu, nung sắt đỏ đánh dấu. Có thể hai người có họ.
                            [14]Vụ Cán bộ hy sinh vợ để tiến thân này chỉ là một trong cả ngàn vụ tương tự.
                            [15]Theo ý Ryumin đã phản thầy từ lâu… chớ chẳng đợi tới lúc vô Điện Cẩm Linh triều kiến Stalin. Trước đó trò đã âm thầm tách rời thầy và thầy trò bất đồng ý kiến về hồ sơ Etinger thì trò nghiễm nhiên thủ tiêu luôn nhân chứng. Biết đâu chừng Stalin đã sắp đặt vụ này từ trước để bật đèn xanh cho Ryumin hành động?
                            [16]Theo ý tôi Abakumov nói đúng. Kể về đại cương thì Terekhov là con người can đảm, nhiều thiện chí và nghị lực. Phải vậy mới đủ tư cách chấp cung đám đệ tử ruột của Stalin giữa thời buổi khó khăn đó. Nếu hồi đó Krushehev định “sửa sai” thật là làm tốt chế độ tận tình thì Terekhov chắc chắn làm được việc và có thể làm được một cái gì để đời sau ghi nhớ. Nhưng nước Nga vốn thiếu những lãnh tụ có thể làm nên lịch sử.
                            [17]Tiện đây người dịch xin chú giải về một số danh xưng chỉ để chỉ định cơ quan Mật vụ Nga mà nhiều người ưa dùng lầm. Xin nói rõ là Mật vụ Nga thì thời nào cũng có, chỉ có khác tên. Vậy theo thứ tự thời gian thì thời nào cũng có, chỉ có khác tên. Vậy theo thứ tự thời gian thì ít ra ta cũng bắt gặp ngần nay tên thông dụng:
                            1881-1917: OKHRANA tức Mật vụ thời Nga hoàng, viết tắt thay cho Bộ Bảo vệ An ninh Trật tự Công cộng.
                            1917-1952: CHEKA, tên nguyên thủy của Mật vụ Nga sau ngày Cách mạng tháng Mười. Danh từ Cheka cho đến bây giờ vẫn còn được dân nhà nghề chịu xài.
                            1922: GPU viết tắt thay cho chính trị sự vụ Nhà nước. Dù chính thức đổi tên khác nhưng GPU vẫn được xài ít lâu sau.
                            1922-1934: OGPU là thối thân của GPU, thay cho Chính trị Sự vụ Nhà nước Liên bang.
                            1934-1944: NKVD thay cho Phủ Đặc ủy Nội vụ, cơ quan nhiều quyền hành trước và trong thời Thế chiến II.
                            1943-1946: NKGB thay cho Phủ Đặc ủy Nội an.
                            1946-1953: KGB thay cho Bộ Nội An (từ Phủ nâng lên Bộ).
                            1953: MVD thay cho Bộ Nội vụ. Danh xưng này chỉ xài ít lâu, ít phổ biến.
                            1953-1974: KGB viết tắt thay cho Ủy ban An ninh Nhà nước. Cho đến bây giờ vẫn thông dụng để chỉ định Cơ quan Trung ương chuyên trách Mật vụ, An ninh, gián điệp. Còn có những ban đặc biệt thống thuộc như SMERSH (phản gián). OSB (An ninh Quân đội).
                            [18]Abakumov còn khoái một trò khác người nữa là hồi còn quyền thế, hắn ưa mặc thường phục, bắt một mình xếp cận vệ Kuznetsov đi theo để hai thầy trò “vi hành” dạo chơi ở các ngả đường Mạc Tư Khoa. Hắn đi tùm lum cùng khắp và thấy kẻ khó còn móc túi lấy tiền bố thí (dĩ nhiên là trích quỹ mật phí của Cơ quan!). Phải chăng Abakumov thuộc lớp người cổ, còn tin rằng “bố thí chút đỉnh để gõ phần nào tội nghiệt”?
                            [19]Hồi Thế chiến II một sĩ quan KQ gốc Leningrad vừa nằm quân y viện Ryazan vội chạy tới Viện Bài lao năn nỉ: “Làm ơn tìm cho ra một ca đau phổi giùm tôi gặp. Tôi sắp bị đề nghị sang Cơ quan công tác!”

                             
                             
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.09.2008 21:25:46 bởi CTT >
                            #14
                              CTT 03.09.2008 21:09:44 (permalink)
                              (tt)
                               
                              Nghề Mật vụ là như vậy nên cán bộ Cơ quan lâu lâu cũng gặp thế kẹt khó chịu như điều tra viên hung thần Goldman bị với nữ phạm nhân Vera Korneyeva. Bị thua trí thật đau mà không làm gì được, vì bao nhiêu đồng chí “ủng hộ” mụ, ngay trong văn phòng Cơ quan.

                              Chẳng là bữa làm xong cung, Goldman phải đưa cho phạm nhân Vera coi lại và ký. Ký thêm “Tờ cam kết không tiết lộ”, đúng thủ tục 206. Đằng nào cũng bị nên Vera làm bộ công dân tốt, xin ông điều tra viên cho hành xử đúng mức quyền coi lại khẩu cung và thủng thỉnh đọc từng hàng một xấp hồ sơ cung từ của 17 đồng phạm trong nhóm “tôn giáo phản động”. Giận như điên song Goldman buộc lòng phải để phạm nhân đọc lại, đúng luật nhà nước. Nhưng đợi mụ đọc xong thì quá buồn ngủ nên điều tra viên Goldman hậm hực lôi Vera ra phòng ngoài có một số nhân viên đang ngồi làm để chỉ chỗ cho ngồi đọc chừng nào xong thì xong. Hắn bực bội bỏ đi chỗ khác.

                              Thoạt đầu Vera Korneyeva cắm cúi ngồi đọc một mình. Thấy lạ một vài gã tới hỏi chuyện chơi vì họ làm mãi cũng phải buồn chớ. Vera “bắt chuyện” rồi thêm vài kẻ tới bàn góp, biến thành một cuộc thảo luận rồi thuyết giảng lúc nào không hay! Dĩ nhiên kẻ đứng lên diễn thuyết là nữ phạm nhân Vera. Diễn giả hăng hái, ăn nói hoạt bát, vài chục thính giả (ở các phòng bên thấy lạ chạy ra nghe) chăm chú theo dõi, có người còn đứng lên chất vấn yêu cầu giải thích rõ nữa! Dù diễn giả ngoài đời chỉ là thợ tiện, chăn nuôi gia súc nhưng điểm đặc biệt là dám xác nhận tín ngưỡng và mạnh dạn nói lên giữa văn phòng Cơ quan, cho chính cán bộ Cơ quan nghe!

                              Dĩ nhiên những đề tài Vera nói chẳng hiểu gì. Toàn giọng điệu bất mãn, phản động, chống đối chính sách nhà nước! Thực tế có bao giờ nước Nga chịu nghèo nàn, khổ sở cỡ này! Sao cứ bắt bớ, khủng bố mãi các công dân lương thiện, ghép họ vào tội phản quốc để hạ sát, hạ ngục? Vậy khác nào nhà nước “tự chặt chân chặt tay” xã hội đã khốn đốn càng sa sút thêm, cũng như đàn áp tôn giáo chỉ làm cho các tín đồ bất mãn, vô tình đẩy họ vào thế phải chống lại chính sách nhà nước.

                              Dĩ nhiên Vera gặp đâu nói đấy nhưng bữa đó thuyết giảng thật say vì thính giả cũng khoái nghe nhiều chuyện lạ. Bằng không lúc điều tra viên Goldman hay tin hốt hoảng chạy vô la lối đã chẳng bị chính các đồng chí cùng sở phản đối om sòm:

                              “Đi chỗ khác chơi cho nhờ tí nào! Yêu cầu đồng chí im đi để nghe người nữ này nói. Nói tiếp đi…”

                              Vậy là Goldman đành chịu làm thính giả luôn để nghe người nữ Vera diễn giảng tiếp! Xin để ý danh từ người nữ họ dùng bữa đó. Một nữ phạm nhân đang bị thẩm vấn trong Cơ quan chẳng thể gọi bằng “bà” hay “cô, chị”… Gọi bằng “đồng chí” hoặc “nữ công dân” còn bất tiện nữa! Sao bằng bất ngờ nghe diễn giảng tôn giáo thì dùng luôn danh từ người nữ, chữ của Đấng Christ.

                              Mẩu chuyện trên quả là tối bất thường trong sinh hoạt Cơ quan. Bình thường đã có nếp sẵn rồi: ngay Công tố viên Terekhov cũng chỉ thắc mắc, thương hại cho thằng tù đầu tiên mà hắn ký án tử hình. Hắn thú nhận có xúc động thiệt, nhưng chỉ một lần thôi. Sau này hắn xử tử bao nhiêu người không biết và dĩ nhiên không đếm nữa!
                              [1]

                              Theo nhân chứng N.P. thì cán bộ cơ quan còn bọn nào lạnh lùng, sắt đá bằng cai ngục? Nhưng trong giây phút nào đó họ vẫn để lộ chút đỉnh nhân tính, như mụ cai ngục Trung ương khám đường Lêningrad áp giản nhân chứng đi thẩm vấn. Mặt mụ trơ như đá, mắt mở trừng nhưng vô hồn! Bỗng đâu có trái bom rớt kế bên khám đường, nổ như trời sập làm mụ gác khám hốt hoảng quá, quên mình là gác khám để ôm cứng lấy phạm nhân…sẵn sàng chia sớt tai nạn. Qua cơn oanh tạc thì nét mặt mụ trở lại lạnh như tiền, máy móc hô: “Đi mau... Tay đưa sau lưng…”

                              Xưa nay người ta thường quan niệm một người độc ác: “Ông ấy đối với vợ con đàng hoàng quá mà?”. Sự thực khác hẳn. Như ngài Chủ tịch Tối cao Pháp viện Golyakov ai chẳng ca tụng là người “giản dị, rảnh rang ưa làm vườn chăm sóc cây cỏ và chỉ có thú vui duy nhất là chơi sách”. Người yêu sách thực tình, nghe nói chỗ nào có sách cũ quý báu là tới gấp, cũng như đọc không sót tác phẩm Tolstoi, Korolenko, Chekhov thật. Thích sách, khoái văn chương lắm nhưng ngài Chủ tịch Tối cao Pháp viện cũng từng lên án tử cả ngàn con người vậy.

                              Còn ông Đại tá cần đến chút xíu nhược điểm đó cũng như hai thế kỷ nay giới lao Mật vụ cần đến mà xanh, màu xanh da trời để khoác lên cho nhân viên vậy. Nhân viên an ninh là phải đồng phục xanh da trời như thi sĩ Lermontov xưa kia ca tụng. Mũ xanh, cầu vai, huy hiệu nền xanh. Dù có lệnh nhân viên Cơ quan không được ăn mặc lộ liễu tạo sự tò mò, chú ý của quần chúng nên những món đồ trang trí là cầu vai, huy hiệu vẫn bắt buộc phải màu xanh da trời nhưng thu nhỏ bớt lại cho khỏi đập vào mắt.

                              Bất quá màu xanh da trời cũng chỉ được sử dụng để che lấp bớt màu đen, che bớt những hành động trong bóng đêm đen.

                              Có những hành động đen cần giấu cho kỹ chớ. Tay tổ Mật vụ Yagoda hẳn là rành nghề che đậy những vụ như dưới đây. Có mấy ai biết được – ngoài đám thân cận của nhà văn Gorky là người bồ bịch nhất với Yadoga hồi đó – là ông sếp Nội An có trò chơi bắn súng thật thú vị để thưởng thức với bè bạn. Vi-la của Yagoda có phòng tắm rất bảnh, phía ngoài là cả một hành lang dài bày thật nhiều tượng thánh. Trước khi vô phòng tắm, bọn Yagoda có cái khoái ở trần truồng xách súng lục nhắm nổ những pho tượng đó để tập bắn cho quen tay.

                              Hiển nhiên đây là một trò chơi vô ý thức, độc ác. Nhưng làm vậy để làm gì? Có thực bọn họ dám chơi ác khơi khơi vậy?

                              Cũng mong là thế gian này không có kẻ ác để bọn ác nhân chỉ có trong truyện nhi đồng thời cổ. Nhưng từ ngày các đại văn hào cỡ Shakespeare, Schiller, Dicken chế tạo ra những nhân vật càng ngày càng độc ác thì chính những ác nhân ngày xưa lai đâm ra quá hiền, hiền đến độ tội nghiệp! Kẻ ác thời xưa dám tự nhận họ tàn ác, linh hồn đen tối. Họ dám thẳng thắn tự thú:

                              “Tôi làm ác quen rồi, bằng không sống không nổi. Tôi khoái tạo ra cảnh cha con chém giết nhau. Họ càng đau khổ tôi càng say sưa thưởng thức những đau khổ đó!”

                              Giờ đây có ai chịu nhận tiếng ác một cách dễ dàng vậy? Muốn làm ác con người thời nay trước hết phải tự tin là họ làm lành, phải làm như vậy mới đúng luật thiên nhiên. Họ phải tìm bằng được mọi lý luận để biện minh là họ làm đúng. Ngày xưa Macbeth cũng từng biện minh nhưng đã biện minh yếu xìu nên mới có vụ “lương tâm cắn rứt”. Chính tay tổ Yadoga cũng tự biện minh được mà. Tuy nhiên Shakespeare nếu có dựng vai trò đại ác thì cũng chỉ dám cho nhúng tay vào máu cỡ một chục mạng là tốp. Vì họ chưa có Ý THỨC HỆ.

                              Chính ý thức hệ là một biện minh vô cùng hữu hiệu cho bất cứ một hành động tàn ác nào là điểm tựa cần thiết thúc đẩy bọn ác nhân xuống tay thẳng cánh. Có ý thức hệ để biện minh thì có phạm tội cũng phải được hiểu là làm điều thiện, do đó không được kết án, nguyền rủa, mà còn phải tuyên dương, ca ngợi.

                              Thì ra ý thức hệ đã được sử dụng để con người có quyền phạm tội. Bọn xâm lăng đi chinh phục những nước khác cũng vì Tổ quốc vĩ đại. Đám thực dân chiếm thuộc địa nhân danh văn minh, khai hoá. Bọn Quốc xã vì thuần khiết dòng giống Nhật nhĩ mãn. Và sau cùng đám dân chủ giả hiệu xưa và nay thì nhân danh bình đẳng, bác ái và hạnh phúc của thế hệ mai sau.

                              Chính vì ý thức hệ mà thế kỷ XX đã chứng kiến người tàn sát người, tính bằng số triệu. Đó là một sự kiện bất khả chối cãi, một tội ác không thể vượt qua. Có tội ác dĩ nhiên phải có người phạm tội. Nhưng ai dám phạm tội vĩ đại như vậy? Ai? Phải có. Nếu không thì lấy đâu ra quần đảo ngục tù?

                              Giữa khoảng 1918-1920 có tin đồn cơ sở Cheka Petrograd của Uritsky, cơ sở Odessa của Deich không thèm xử bắn phạm nhân mà liệng thẳng vô chuồng cọp sở thú. Bao nhiêu người từng nạp thịt cho ác thú như vậy? Có thực vậy không hay chỉ là bịa?

                              Thật ra tôi cũng chẳng bận tâm đòi bằng chứng mà bắt chước lề lối làm ăn của nghề Mật vụ, chỉ yêu cầu họ thử chứng minh ngược lại, nghĩa là không, hễ có vụ lấy thịt tù nuôi cọp. Xin cho biết mấy năm đói kém người còn đói thì lấy đâu ra thịt nuôi cọp sở thú? Có thể truất phần ăn của thợ thuyền, lao động được không? Trong khi đó đằng nào bọn tù cũng phải chết sao bằng lấy thịt của chúng nuôi cọp ăn cho khỏi tốn kém? Một biện pháp tiết kiệm đóng góp cho nền kinh tế mau thăng tiến.

                              Đó chính là lằn ranh mà Shakespeare không dám cho những tên đại ác vượt qua. Với ý thức hệ thì ranh giới vượt qua dễ dàng! Khỏi xúc động, khỏi lương tâm cắn rứt.

                              Lằn ranh này không khác biên giới của Vật lý học, phải hội đủ điều kiện mới có thể vượt biên. Chẳng hạn một mảnh lithium rọi tia sáng màu vàng mạnh thế nào cũng không phát tia điện tử, nhưng chỉ cần một tia yếu ớt, màu xanh là có phản xạ liền. Dưỡng khí xuống 100 độ dưới không độ thì tha hồi tạo áp suất cũng vẫn là chất hơi. Phải 183 độ dưới không độ thì dưỡng khí mới biến sang thể nước. Lương tâm con người cũng có lằn ranh: Con người có thể suốt đời hoặc xấu hoặc tốt hay lúc xấu lúc tốt, nhưng miễn còn ở bên này ranh giới thì ác cũng còn có thể thành thiện, còn hy vọng cứu vãn nổi. Nhưng nếu tội ác chất chồng vì tính ác hoặc vì nhiều quyền thế tạo ra tội ác để đột ngột nhảy vọt qua lằn ranh, đứng hẳn sang bên kia biên giới của lương tâm thì con người vĩnh viễn chẳng bao giờ hồi đầu lại được.

                              “Từ thời thượng cổ thời đại công lý vẫn giản dị là đạo đức thắng và tội ác bị trừng phạt.”

                              Thời buổi của chúng ta đạo đức không thắng nhưng chưa đến nỗi lúc nào cũng bị xé tả tơi bởi những hàm răng chó. Đạo đức còn có chỗ ngồi, dù tả tơi khốn khổ cũng còn được phép ngồi vô một góc, miễn đừng lên tiếng.

                              Tội ác thực sự thì chẳng ai dám hó hé. Giả đạo đức cũng chẳng sao, chẳng phải là cái tội. Bao nhiêu triệu thường dân bị mất mạng nhưng thủ phạm thì không có vấn đề trừng phạt. Vừa mới hó hé: “Còn những người đã bị…” đã gặp muôn miệng nhao nhao phản ứng. Mới đầu hãy “khuyến cáo”: “Kìa, đồng chí nói gì vậy? Mấy vết thương ngày xưa… khơi dậy làm chi?”
                              [2] . Nếu không biết đều tốp sẽ có chầu đe doạ bằng gậy: “Câm họng! Anh bị như vậy chưa tởm hả? Anh tưởng khôi phục xong (quyền công dân) rồi đấy?”.

                              Trong khi đó, cho đến năm 1966 nội bên Tây Đức cũng đã có tám mươi sáu ngàn phạm nhân chiến tranh Quốc Xã bị đưa ra Toà lãnh án
                              [3] . Vậy mà đất nước chúng ta vẫn sôi sục căm thù. Báo chí, rađiô hò hét tối đa, mít tinh biểu tình om sòm để công kích, phản đối: “Ít quá! Phạm nhân chiến tranh mà chỉ có tám mươi sáu ngàn tên thì quá ít. Hai mươi năm còn nhẹ quá! Phải xử tội nhiều nữa, xử nặng nữa”.

                              Cũng trong thời gian đó đất nước chúng ta trừng trị bao nhiêu phạm nhân chiến tranh? Vỏn vẹn khoảng mười tên, căn cứ theo tài liệu chính thức của Ban Quân sự, Tối cao Pháp viện Liên bang Xô Viết.

                              Thì ra chúng ta hô hào trừng trị phạm nhân chiến tranh, nhưng ở bên Đức. Còn bọn ở vùng phụ cận Mạc Tư Khoa, ở trong các biệt thự bãi biển Sochi thì vô tội. Chúng ta còn tránh đường cho bọn họ đi, làm như bọn họ không liên can gì đến sự thảm tử của bao nhiêu người chồng, người cha Xô Viết. Đừng nhắc tới là: “Đào bới dĩ vãng làm chi!” Đừng quên rằng tính tỷ lệ dân số, nếu Tây Đức có 86 ngàn phạm nhân chiến tranh thì đất nước chúng ta hẳn không dưới một phần tư triệu!

                              Vì sợ khơi dậy những vết thương dĩ vãng mà 35 năm sau chúng ta vẫn không truy cứu, xét xử ai hết. Điển hình nhất còn ai bằng Molotov, con người cố tình ù lì không biết gì hết, nhưng máu dính đầy người và ngày giờ này ung dung cư ngụ ở số 3 đại lộ Granovsky, ra ngoài đường một bước cũng ngự chiếc xe hơi khổng lồ! Cũng phạm nhân chiến tranh, cũng nhúng tay vào tội ác mà Đức trừng phạt được còn Nga thì không. Đoạn đường tương lai rồi sẽ ra sao nếu có ung nhọt mà không tẩy uế? Hết còn “làm gương cho thế giới soi chung”!

                              Một sự kiện nổi bật trong những phiên xử phạm nhân chiến tranh ở Đức.

                              Thỉnh thoảng lại có một bị cáo hai tay che mặt, không thanh minh nữa, không xin Toà khoan hồng. Họ thú nhận là trước Toà, chỉ nghe lại những tội ác của chính họ ngày nào cũng ghê tởm, chán nản đến không muốn sống nữa. Đó mới là hình phạt nặng nhất, buộc bị cáo phải kinh tởm những tội ác do họ gây ra. Bị lần lượt lên án 86 ngàn lần trước Toà, bị chính thế hệ sau và báo chí dư luận trừng phạt như vậy thì tội ác hiển nhiên tẩy sạch.

                              Trong khi đó thế hệ chúng ta sẽ bị đời sau liệt vào hạng mềm lưng, vô tích sự. Đã khứng chịu xuôi tay để bọn họ làm thịt đến số triệu lại còn lo đãi ngộ xứng đáng quân sát nhân ở tuổi “mãn chiều xế bóng” của chúng! Biết làm gì đây khi truyền thống hội ngộ của nước Nga xưa đối với họ là cả một sự vô lý? Biết làm gì khi chỉ cần khui lai một phần trăm tội ác ngập ngụa thì chính sự hãi hùng kinh hoảng của họ cũng đánh dạt những ý thức Công lý. Khi quyền lợi của họ được tưới bằng máu nạn nhân và chính họ nhất định níu cứng lấy.

                              Phải hiểu rằng lớp người đích thực chỉ huy guồng máy nghiến thịt người từ 1937 trở lại đây hẳn không còn trẻ nữa. Họ phải từ 50 đến 80 tuổi rồi. Nghĩa là ở thuở trai trẻ đã hưởng thụ bằng thích, họ đã sung sướng đã đời rồi, ngày giờ này biết trừng phạt cỡ nào, bao lâu nữa cho cân xứng tội lỗi?

                              Dĩ nhiên chúng ta không mang họ ra xử bắn. Chúng ta cũng không thèm bắt họ nếm những ngón đòn tra tấn đặc sắc của chính họ. Đại để dộng nước muối vô họng, cho rệp hút máu đến lả người, uốn ngược cho cong xương sống, cấm ngủ trọn tuần, lấy mũi giày nghiến chỗ kín hay dùi cao su đặc, đánh đai sắt quanh xương sọ, nhét vô xà lim như cá hộp… Không, chúng ta không thèm trả thù như vậy. Vì đất nước này, vì tương lai của thế hệ mai sau chúng ta có bổn phận phải truy lùng bằng hết, phải đưa bọn trọng phạm ra Toà xét xử. Không cần vạch rõ từng tội mà chỉ buộc từng tên một phải lớn tiếng xác nhận rằng:

                              “Tôi là đao phủ. Tôi đã giết người!”

                              Một câu đó nhắc đi nhắc lại hai trăm năm mươi ngàn lần hẳn phải đủ chớ? Nhưng 250 ngàn lần vì không lẽ chúng ta chịu thua Tây Đức? Không lẽ ở giữa thế kỷ thứ XX này lại có thể có sự mù mờ, không phân biệt nổi thứ trọng tội ác ôn bắt buộc phải đưa ra Toà trừng trị với cái gọi là “dĩ vãng” không nên “khuấy động” trả lời?

                              Chúng ta phải công khai lên án chính cái tư tưởng một vài người có quyền đàn áp những kẻ khác. Biết là tội ác mà ngậm miệng, vùi sâu nó xuống để không ai nhìn thấy nữa là gieo giống cho tội ác nảy mầm để sau này độc hại ngàn lần hơn. Biết bọn phạm tội không trừng trị, trách phạt còn dung dưỡng khác nào tự tay phá vỡ nền móng Công lý tương lai.

                              Vì công lý rạn nứt từ nền móng, thế hệ mai sau sẽ trưởng thành trong dửng dưng. Không phải thiếu căn bản học tập tư tưởng. Chắc chắn bọn trẻ sẽ lớn dần với ý tưởng phạm tội đã chẳng sợ trừng phạt mà cuộc đời rõ ràng khấm khá. Chao ôi, sống sao nổi trong một xã hội ung nhọt cỡ nào!


                              <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.09.2008 21:28:29 bởi CTT >
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 30 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9