NGƯỜI THẦY TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN ĐẠI
Chân Trời Mới 09.08.2008 15:21:07 (permalink)
NGƯỜI THẦY TRONG NHÀ TRƯỜNG HIỆN ĐẠI
 



GS Hoàng Tụy
 
    Xã hội ta từ xưa đã có truyền thống tôn sư trọng đạo. Những bậc thầy như Chu Văn An thời nào cũng đựợc nhân dân ngưỡng mộ và kính trọng. Ngay trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt mấy chục năm trước đây, khó khăn trăm bề, mà ngành giáo dục vẫn hoạt động có hiệu quả, xứng đáng là bông hoa đẹp của đất nước, cũng là nhờ cái tinh thần trọng thầy, ham học, chuộng tri thức của người dân.
Thế nhưng, từ vài chục năm lại đây, cùng với những khó khăn kinh niên của giáo dục, vị thế người thầy trong xã hội ta xuống thấp đáng lo ngại. Tất nhiên ngày nay, hoàn cảnh xã hội, điều kiện giảng dạy, học tập, đã khác trước nhiều thì những quan niệm về người thầy cũng phải thay đổi, không thể cứ giữ mãi những khuôn mẫu cứng nhắc của mấy chục năm về trước. Nhiều vấn đề mới xuất hiện cần phải được nghiên cứu, xem xét, nhìn nhận lại, để kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách cho thích hợp. Trong đó đặc biệt quan trọng là nhận thức về người thầy trong nhà trường hiện đại. Tôi nói nhà trường hiện đại vì muốn hiện đại hóa đất nước thì phải bắt đầu bằng việc hiện đại hóa giáo dục, không thể tiếp tục để cho nhà trường tụt hậu thêm nữa.
Có người cho rằng, do sự bùng nổ cách mạng công nghệ thông tin, hàng lọat phương tiện kỹ thuật ra đời hỗ trợ đắc lực cho việc học, thì vị trí ông thầy lui dần xuống hàng thứ yếu, hay ít ra người thầy không còn giữ vai trò quyết định then chốt trong nhà trường như trước đây nữa. Ý kiến này mới nghe xem ra có lý, nhưng đã không được khoa học và kinh nghiệm thưc tiễn xác nhận. Trong số các nghiên cứu khoa học đáng chú ý về vấn đề này có công trình của J. Hattie (1) trong đó, dựa trên những dữ liệu về hơn 50 triệu học sinh mọi lứa tuổi và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, và dùng phương pháp phân tích nhân tố để khảo sát ảnh hưởng tương đối của các yếu tố khác nhau đến chất lượng giáo dục, như: trình độ, khả năng tiếp thu, tinh thần ham học của người học, năng lực, phương pháp giảng dạy của thầy, chất lượng và sự phong phú các phương tiện hỗ trợ học tập, đặc biệt là về công nghệ thông tin, v.v… tác giả đã đi đến kết luận là ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy. Thầy giỏi vẫn là nhân tố quyết định nhất đối với hiệu quả giáo dục trong nhà trường hiện đại.
Cũng có người nghĩ rằng theo phương pháp sư phạm tiên tiến phải lấy học sinh làm trung tâm, đề cao việc tự học, phát huy tối đa tính tích cực tự giác của học sinh, cho nên học sinh chứ không phải thầy giáo là nhân vật trung tâm trong nhà trường. Thật ra các yêu cầu vừa nói về phương pháp giáo dục tiên tiến đã được nêu ra từ nhiều thế kỷ trước, sở dĩ gần đây được nhấn mạnh đặc biệt là do bước vào kinh tế tri thức việc rèn luyện tính năng động sáng tạo cho học sinh được nhìn nhận là cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng đó chỉ là nói nhiệm vụ của thầy, những việc thầy cần làm, các phương pháp thầy cần áp dụng để nâng cao hiệu quả giảng dạy, chứ không phải vì những việc ấy mà giảm nhẹ vai trò của thầy. Chính vì thế trong một tài liệu giới thiệu khá đầy đủ về phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm (2), tác giả R. Batliner đã khẳng định ngay ở trang đầu: “giáo viên là yếu tố chủ chốt quyết định việc dạy và học có chất lượng”. Mà cũng dễ hiểu thôi: lọai trừ những trường hợp xuất chúng đặc biệt, còn đối với số đông học sinh, từ tiểu học cho đến đại học, muốn phát huy và phát triển nội lực mà không có thầy giỏi thì làm sao được. Đành rằng khi đã có thầy tốt thì đối với mỗi học sinh, kết quả học tập phụ thuộc chủ yếu vào cố gắng của bản thân, song khi bàn đến chất lượng giáo dục thì phải xem xét cái phần gia tăng của nội lực nhờ tác động của giáo dục mà phát huy và phát triển thêm được, cái đó mới là thước đo chất lượng, hiệu quả của giáo dục, chứ không phải bản thân cái nội lực sẵn có của học sinh. Cho nên, dù có nhiều cách học không cần có thầy trực tiếp, song theo kinh nghiệm của bản thân tôi cũng như của nhiều người đã từng tự học là chính, thì cách học hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian, công sức nhất, vẫn là học với thầy giỏi. It ra có thầy giỏi thì tránh được những đường vòng không cần thíết và đỡ mất công mò mẫm tìm hướng đi giữa các rừng kiến thức. Đương nhiên thầy không phải là nhân tố quyết định duy nhất, nhưng xét cho kỹ có thể nói không có nhân tố đơn lẻ nào quan trọng hơn.
Sứ mạng của nhà trường, của thầy là phải thông qua giáo dục mà đánh thức cái tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển cái nội lực đó của họ. Sứ mạng đó thật cao quý và quan trọng. Thầy không chỉ dạy cho học sinh học, mà còn phải từng bước dạy cho học sinh biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu, phát hiện ra điều mới, và ở bậc đại học hay nghiên cứu thì tập dượt sáng tạo ra tri thức mới, nghĩa là phát huy tích cực nội lực của mình để thông qua tri thức mà phát triển trí tuệ, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách, chứ không phải chỉ tiếp thu tri thức một cách thụ động, dù là tri thức tiên tiến.
Gần đây cũng có ý kiến cho rằng không phải thầy, mà chương trình đào tạo mới là yếu tố quyết định nhất đối với chất lượng đại học. Nếu quả vậy thì vấn đề chất lượng đại học quá đơn giản, vì chỉ cần cải tiến chương trình đào tạo, thậm chí bê nguyên xi chương trình đào tạo của một trường nổi tiếng ở nước ngoài vào là giải quyết được. Tiếc thay không có thầy giỏi thì làm sao xây dựng được và thực hiện được chương trình đào tạo tốt. Có lẽ trên thế giới chỉ duy nhất các đại học của ta mới không xem trọng trình độ, năng lực thực tế của đội ngũ thầy giáo và do đó trong hàng chục năm không hề đặt nặng vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn thầy giáo, mặc dù sự hụt hẫng của đội ngũ này đã được báo động từ lâu. Trong khi đó thì tuyển chọn và công nhận GS, PGS làm rất tắc trách, gây thêm nhiều lo lắng cho chất lượng đại học. Còn ở các nước tiên tiến thì trái lại họ đặt tất cả uy tín, danh tiếng (chứ không phải “thương hiệu”, như một số người bắt đầu nói đến) của một đại học trước hết vào việc xây dựng một đội ngũ giảng dạy có chất lượng, trình độ cao. Chỉ cần biết có bao nhiêu giáo sư nổi tiếng dạy ở một trường là đủ cho người ta tin tưởng trường đó, không phải vì người ta ít quan tâm chương trình đào tạo mà vì người ta cho rằng có nhiều thầy giỏi thì mới có chương trình đào tạo tốt. Còn không có thầy giỏi thì dẫu chương trình đào tạo hay bao nhiêu họ cũng tin rằng chất lượng đào tạo chẳng ra gì (tất nhiên không loại trừ cá biệt có sinh viên học trường đó mà vẫn rất giỏi). Cái điều đơn giản này mà chúng ta còn mơ hồ thì e rằng sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là nhiều đại học tụt dần xuống “phổ thông cấp 4” như nhiều người đang lo ngại.
Tóm lại, câu nói : “không thầy đố mầy làm nên”, cũng như “học thầy không tầy học bạn” đều có phần chân lý của nó và đều không nên hiểu một cách cực đoan, máy móc. Bất kể thế nào, không có thầy giỏi, về cả hai mặt năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, thì khó có thể có một nền giáo dục thật sự có chất lượng, dù cho người học thông minh, có đầy đủ nội lực, và dù cho chương trình đào tạo tiên tiến.
Như vậy muốn có thầy giỏi, thầy ra thầy, trong nhà trường hiện đại thật không dễ chút nào. Càng không dễ trong một xã hội và một thế giới đang chuyển biến chóng mặt, ở đó nhiều vấn đề, nhiều kiến thức, nhiều quan niệm mới hôm qua còn được chấp nhận, hôm nay đã có thể không còn thích hợp nữa. Trong lúc đó mục tiêu giáo dục không phải chỉ nhằm đào tạo con người làm ngay được một nghề nghiệp, một công việc cụ thể trước mắt mà còn phải nhìn xa hơn, đào tạo những con người có khả năng thích ứng linh họat với những hoàn cảnh, những nghề nghiệp, những công việc luôn luôn thay đổi sau này, những con người thạo việc, năng động, sáng tạo, biêt lo cho bản thân, cho cộng đồng, đồng thời cũng là những công dân có trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
Kỳ vọng của xã hội đối với người thầy như thế cao quá chăng ? Đúng là vậy, song tôi nghĩ chỉ khi nào một xã hội có can đảm đặt lên vai người thầy một sứ mạng rất trọng đại, và làm hết trách nhiệm của mình để tạo điều kiện đầy đủ cho người thầy thực hiện sứ mạng đó thì khi ấy xã hội mới không còn phải lo lắng nhiều đến tương lai. Còn trái lại, kỳ vọng quá thấp ở người thầy, hoặc chỉ biết đòi hỏi mà không chăm lo một cách có trách nhiệm để cho thầy có đủ điều kiện vật chất và tinh thần làm trọn sứ mạng cao cả của mình, thì chưa biết các thế hệ đời sau sẽ nghĩ gì về thế hệ hôm nay.
Nhân ngày Nhà Giáo tôi xin gửi gắm mấy suy nghĩ và vài lời tâm sự với các bạn đồng nghiệp gần xa. Mặc dù kỳ vọng rất cao ở đội ngũ thầy giáo của chúng ta và rât tin tưởng ở tiềm lực cũng như tâm huyết của đội ngũ ấy, trong lòng tôi vẫn day dứt một câu hỏi: khi nào thì các khó khăn của các thầy, các cô mới được thông cảm và tháo gỡ hết, có cách gì để tâm huyết và tài năng của các thầy, các cô, không bị lãng phí vào những chuyện phi lý mà tôi tin chắc phần lớn các thầy, các cô đều không mong muốn, để tất cả chúng ta cùng chung sức chấn hưng giáo dục, vì tương lai con em, vì đất nước ngàn năm văn hiến của chúng ta ?
 





(1) J. Hattie, Measuring the Effects of Schooling, Australian Journal of Education, Vol. 36 (1992), trang 5-13.

(2) R. Batliner, Sổ tay phương pháp luận dạy học của Chương trình hỗ trợ LNXH, Swisscontact, 2002, trang A3.



 



Nhóm Nghiên cứu Cải cách Giáo dục, Hà Nội, Việt Nam
#1
    Chân Trời Mới 09.08.2008 15:23:12 (permalink)
    Người Thầy – trong cơ chế thị trường


    Kế thừa truyền thống Nho học, Người thầy được Gia đình và Xã hội Việt Nam tôn vinh -Những người Thầy “đạo cao, đức trọng ” được xem như bậc hiển thánh... Thế nhưng, thời buổi kinh tế thị trường, người thầy cũng phải bươn chải, cũng phải lo miếng cơm manh áo... Khó thật, sống sao đây cho sáng Đức thầy ?

     

    Nhân dân ta có truyền thống “Tôn sư, trọng đạo”. Quân - Sư -Phụ, dưới góc nhìn mới, đó là  Xã hội - Nhà trường và Gia đình, người thầy đại diện cho Nhà trường và luôn ở vị trí trung tâm.
     
    Nhận rõ vai trò của mình trong xã hội, hầu hết những người thầy dù khó khăn đến mấy cũng vẫn giữ nếp sống thanh cao, tận tụy truyền đạo học cho đời.   
     
    Ngày nay, có người cho rằng, do sự bùng nổ cách mạng công nghệ thông tin, hàng lọat phương tiện kỹ thuật ra đời hỗ trợ đắc lực cho việc học, thì vị trí ông thầy lui dần xuống hàng thứ yếu, hay ít ra người thầy không còn giữ vai trò quyết định then chốt trong nhà trường như trước đây nữa. Thế nhưng J. Hattie dựa trên những dữ liệu nghiên cứu về hơn 50 triệu học sinh mọi lứa tuổi và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đã đi đến kết luận là ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy.
     
    Thầy giỏi vẫn là nhân tố quyết định nhất đối với hiệu quả giáo dục trong nhà trường hiện đại.
     
    Vai trò người thầy được ghi nhận và tất yếu trong cơ chế thị trường chất lượng, trình độ người thầy cũng được cụ thể hóa bằng “ tiền”. Thầy giỏi học phí cao, quảng cáo đầy đường. Thầy có học vị, học hàm mỗi giờ dậy bằng một vài ngày lương của cán bộ,nhân viên. Thị trường luyện thi mấy năm gần đây cho thấy “kỹ nghệ bán chữ” cũng sôi động và cạnh tranh khốc liệt...  
     
    Từ trong dòng xoáy “dạy thêm, học thêm” xuất hiện khá nhiều thành viên “Câu lạc bộ nhà giáo có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng”. Có người còn bán cả tên mình cho các lò luyện... Không phải chỉ có các thầy giáo phổ thông mà đội ngũ giáo sư, phó giáo sư - theo một số liệu vừa công bố cho thấy- hầu hết đều “chạy sô” , cho nên mặc dù lương thấp nhưng thu nhập cao, nhà cửa đàng hoàng, đồ dùng tiện nghi sang trọng ...
     
    Người thầy dù đảm nhận sứ mệnh cao cả, nhưng trước hết họ là người lao động, họ cũng phải chi tiêu nhiều khoản mục.. mà nếu chỉ với đồng lương thì không thể nào kham nổi...Cho nên việc “bán chữ” kiếm tiền đó là quyền của họ. Và phải chăng, khi gia đình, xã hội chưa trả đúng giá trị công lao động của “Thầy”, thì việc các thầy “tự cứu” cũng là điều đáng trân trọng.
     
    Nhưng, điều đáng nói là trong đội ngũ đáng kính, được xã hội tôn vinh đã có người dùng cách thức ép buộc, thậm chí là “thủ đoạn” để bán thứ chữ mà học trò chẳng cần mua... và có những người không chỉ bán chữ, mà bán điểm, bán bằng ...Qua “Diễn đàn về điểm thưởng” ai cũng thấy: ”thị trường” mua bán điểm đâu phải chỉ riêng trường này, tỉnh nọ... Đã có "bán mua" tất khách hàng là "thượng đế", học trò có quyền "đánh giá chất lượng sản phẩm" của người thầy?
     
    Có người bảo: có cầu, ắt phải có cung... cơ chế thị trường mà! Vậy vì sao, các nước người ta thực hiện cơ chế thị trường hàng trăm năm nay, mà người thầy của họ vẫn sáng thế?  
     
    Giữ sao đây cho sáng Đức Thầy!  Và làm sao để trong cơ chế thị trường" mối quan hệ Thầy -trò" vẫn đẹp như cha ông thuở trước! Diễn đàn nầy sẽ là nơi để quý vị cùng luận bàn, trao đổi.
     

    • VietNamNet  
    http://vietnamnet.vn/diendan/2005/11/509385/
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 15:24:38 bởi Chân Trời Mới >
    #2
      Chân Trời Mới 09.08.2008 15:26:31 (permalink)
      Cần có luật về người thầy
      Một bộ luật về các nhà giáo đang được ngành chức năng xúc tiến xây dựng, vừa khẳng định vai trò của người thầy trong hoạt động giáo dục, vừa góp phần giải quyết những vấn đề đang nóng trong đội ngũ các thầy, cô.

      Thiếu và yếu và...
      “Đội ngũ giáo viên còn những bất cập cả về số lượng, cơ cấu, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giáo dục lẫn phẩm chất đạo đức nhà giáo”- PGS.TS Nguyễn Hữu Bạch (Ban Khoa giáo Trung ương) than thở.
      Sau 60 năm phát triển, đội ngũ nhà giáo nước ta đã đạt con số hơn 979.000 người.
      Vậy nhưng, đi sâu vào từng bậc học, giáo viên vẫn còn rất thiếu.
      Ở giáo dục mầm non, trong số 20 tỉnh báo cáo về Bộ, thì có tám tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non với tổng số khoảng 6.400 người.
      Ở bậc học phổ thông, việc thiếu – thừa diễn ra phức tạp hơn, nhất là tại các trường tiểu học.
      Trong khi giáo viên thừa khá nhiều tại những vùng có điều kiện kinh tế khá thì tại các tỉnh Tây Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên lại rất hiếm giáo viên.
      Trong mỗi tỉnh, lại có hiện tượng vừa thừa vừa thiếu. Báo cáo của 20 tỉnh, số giáo viên còn thừa là 4.470 (chủ yếu là các bộ môn văn hóa) trong khi số thiếu lại nhiều hơn: 4.761 (các bộ môn Nhạc, Họa, Anh văn, Tin học, Thể dục).
      Về chất lượng: Kết quả điều tra điểm ở 9 tỉnh của Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện. Quyết định 09/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, ở bậc mầm non, còn 18,2% giáo viên không đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, 30,4% chưa đạt yêu cầu về năng lực sư phạm.
      Bậc tiểu học còn tới 23,8% giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, và vẫn còn 3,5 % giáo viên có trình độ dưới trung cấp.
      Bậc THCS và PTTH còn khoảng 10-20% chưa đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm.
      Ở bậc Đại học, chất lượng giảng dạy cũng là điều phải tính tới, khi sức ép về số sinh viên/ giảng viên quá căng (30 sinh viên/ giảng viên, trong khi các nước chỉ 15-20 sinh viên/ giảng viên).
      Tỷ lệ giáo viên có học hàm, học vị, giảng dạy tốt (được sinh viên kính phục), có cống hiến cho cộng đồng,... trong các trường ĐH cũng còn thấp.
      Không chỉ vậy, những chuyện tiêu cực trong giáo giới thời gian gần đây cũng lên tới mức đáng báo động.
      “Tuy những hiện tượng tiêu cực chỉ là cá biệt, song tính chất của chúng hết sức nghiêm trọng”- PGS Nguyễn Hữu Bạch khẳng định.
      Luật về các thầy - không thể thiếu
      “Có năm lý do dẫn tới việc phải xây dựng một bộ luật về các thầy”- PGS.TS Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GD-ĐT quả quyết.
      Trước hết, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người.
      Nhà giáo - những người làm công tác giáo dục có vai trò quyết định.
      Hiện tại, những hạn chế về mặt chất lượng, số lượng, cơ cấu... đặt ra yêu cầu cần có một bộ luật để chấn chỉnh.
      Những chính sách hiện nay đối với đội ngũ giáo viên vẫn chưa thực sự tạo được động lực để phát triển cả chất lượng lẫn số lượng của đội ngũ này, nên cần có hệ thống văn bản mang tính pháp lý cao hơn.
      Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp lý hiện hành chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa phản ánh toàn diện các quan hệ thực tiễn cần điều chỉnh theo luật.
      Theo PGS.TS Lê Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo (VP Chính Phủ), để hình thành các quy luật của Luật giáo viên vừa phù hợp với các quy định khác, lại vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, cần quan tâm tới một số vấn đề: Đó là luật giáo viên phải thực sự gắn bó với nội dung các luật đã ban hành,đặc biệt là Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề.
      Những vấn đề chung trong các luật phải được cụ thể hóa và làm rõ hơn một cách có hệ thống.
      Quy định về giáo viên phải gắn với đặc thù riêng của từng cấp học đồng thời cần góp phần khắc phục những hạn chế trong các luật đã ban hành.
      “Nhiều vấn đề mới được quy định trong các luật khác ban hành gần đây có liên quan tới con người, đặc biệt là cán bộ, công chức cần phải được nghiên cứu kỹ để vận dụng, thẻ hiện trong các quy định đối với nhà giáo”- ông Lê Quang Trung khẳng định.
      Những vấn đề cốt lõi nhất của nhà giáo phải được xác định và quy định rõ từ khái niệm tới nội hàm; đồng thời thể hiện rõ quan điểm về cơ chế, chính sách lớn đối với đào tạo, tuyển dụng, quản lý nhà giáo theo tinh thần đổi mới.
      Còn theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Bộ GD-ĐT), “việc xây dựng Luật giáo viên phải tạo được hành lang pháp lý để định hướng và triển khai có hiệu quả việc cải cách đội ngũ nhà giáo”.

      Theo TTXVN
      #3
        Chân Trời Mới 09.08.2008 15:28:37 (permalink)
        Giảm tải: vai trò người thầy là số 1!






        PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ

        TT - Tuổi Trẻ xin khép lại diễn đàn “Đi học khổ quá, ai ơi!” ở đây với hi vọng ngành GD-ĐT sẽ tiếp thu và điều chỉnh kịp thời các yếu tố liên quan để vấn đề này không còn là chuyện “khổ quá, nói mãi...”. 
        Trước khi đảm nhiệm cương vị phó Ban Khoa giáo trung ương, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đã nhiều năm tham gia công tác quản lý đào tạo, nghiên cứu giáo dục tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội.  Vì vậy, qua cuộc trao đổi giữa Tuổi Trẻ với PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ xung quanh thực trạng dạy và học ở phổ thông hiện nay. Mở đầu cuộc trao đổi, PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ nhận định:
        - Giáo dục phổ thông hiện nay đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng có lẽ vấn đề khiến xã hội bức xúc nhất là sự nặng nề trong chương trình học và thi cử.
        Ngành giáo dục cũng đã nhận ra và đã có những giải pháp thực hiện, nhưng kết quả có thể chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội, người học lẫn mục tiêu chính ngành giáo dục mong muốn đạt được. Ví dụ như đối với chương trình, sách giáo khoa (SGK), trong những năm qua ngành giáo dục đã có những nỗ lực đầu tư đổi mới, đạt được một số kết quả như kiến thức được cập nhật, nội dung chương trình, SGK đã giảm dần những kiến thức hàn lâm... Nhưng quả thật chương trình, SGK phổ thông hiện vẫn còn nhiều khiếm khuyết phải tiếp tục chỉnh sửa. Trước hết, cần phải tiếp tục nghiên cứu giảm tải...
        * Theo ông, vì sao chủ trương giảm tải đã được ngành giáo dục đề ra từ nhiều năm qua, nhiều bộ SGK đã được biên soạn với yêu cầu giảm tải nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn?
        - Có lẽ trong lúc xây dựng chương trình mới, chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của chương trình cũ. Việc xác định mức độ yêu cầu kiến thức vẫn cùng lúc tuân thủ nhiều nguyên tắc mà trong đó giảm tải chỉ là một nguyên tắc, khiến những người biên soạn chương trình chưa thật sự mạnh dạn thể hiện được triệt để yêu cầu cải tiến, giảm tải. Những người tham gia xây dựng chương trình cũng chưa hoàn toàn tiếp cận với phương pháp, phương thức xây dựng chương trình mới để có thể tạo ra thay đổi đáng kể trong chương trình, SGK mới.
        Mặt khác, theo tôi, vai trò của người giáo viên (GV) trực tiếp giảng dạy trên lớp, chuyển tải chương trình, kiến thức đến người học rất quan trọng trong việc thực hiện giảm tải, nhưng hiện nay đóng góp của đội ngũ GV vào mục tiêu này chưa được rõ nét. Đổi mới nội dung chương trình phải gắn liền với đổi mới phương pháp giảng dạy mới thật sự đem lại hiệu quả. Phải thay đổi cơ bản phương pháp giáo dục nhằm khắc phục kiểu truyền thụ một chiều, nặng lý thuyết, ít khuyến khích tư duy sáng tạo, bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự giải quyết vấn đề, phát triển năng lực thực hành sáng tạo cho người học.






        Ngoài giờ học chính khóa, học sinh khối 9 Trường THCS bán công Võ Văn Tần (Tân Bình, TP.HCM) phải tăng tiết từ 18g-20g15 - Ảnh: Minh Giảng
        * Thưa ông, đổi mới phương pháp giảng dạy cũng là một vấn đề đã được ngành giáo dục đặt ra khá quyết liệt, nhưng trong thực tế vẫn không có sự chuyển biến...
        - Hiệu quả đổi mới phương pháp giảng dạy chưa cao vì nhiều yếu tố, trong đó thiếu thiết bị dạy học cũng là một yếu tố. Thiết bị dạy học thường đi sau trong khi đây là một yếu tố hỗ trợ GV đổi mới phương pháp giảng dạy. Gần đây, cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thiết bị dạy học được ưu tiên đầu tư nhưng lại đầu tư không đồng bộ, nhiều nơi có thiết bị nhưng thiếu phòng thí nghiệm khiến hiệu quả sử dụng chưa cao.
        Nhưng theo tôi, yếu tố quan trọng nhất trong đổi mới phương pháp giảng dạy là vai trò của người GV. Trong khi đó, tôi thấy dường như ý thức và sự nhiệt tình đổi mới phương pháp giảng dạy chưa đến được từng GV, chưa được GV thực hiện thường xuyên, liên tục. Dường như GV mới chỉ chú ý đến những giờ có dự giờ, kiểm tra, dạy mẫu...
        * Lại một lần nữa ông đề cập đến vai trò của người GV. Nhưng liệu có thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của GV trong khi chương trình, SGK còn nặng nề, yêu cầu kiến thức còn quá tải với thời lượng giảng dạy trên lớp?
        - Tôi vẫn luôn tin rằng và chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến đồng tình với tôi, đội ngũ GV là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, muốn đổi mới giáo dục cần nhiều yếu tố, nhưng người GV, với ba yêu cầu trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và đạo đức, vẫn là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho sự thành công.
        Chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ GV hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội, đa số vẫn chạy theo lối dạy cũ, nặng về truyền đạt lý thuyết, ít chú ý đến phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành của người học.
        Tất nhiên còn vai trò của các cấp quản lý giáo dục ở đâu? Đổi mới phương pháp giảng dạy đã được ngành xác định là một yêu cầu bức thiết để đổi mới giáo dục nhưng tại sao nó vẫn chưa “thấm” đến từng GV, để người GV coi đổi mới phương pháp như một yêu cầu cấp thiết cần phải thực hiện? Đó là trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục, do còn thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo như phải đưa vào chỉ tiêu thi đua, có chính sách động viên, khuyến khích kịp thời... Song song với điều đó, chúng tôi cũng cho rằng chương trình giáo dục phổ thông cần tiếp tục điều chỉnh và giảm hợp lý nội dung, chương trình cho phù hợp với tâm lý, sinh lý của HS, nhất là cấp tiểu học và THCS.
        * Ngoài những đề xuất trên, nếu được đề nghị một giải pháp cụ thể, cấp bách có thể trực tiếp giải quyết tình trạng học thi quá tải, căng thẳng trong nhà trường phổ thông hiện nay, ông sẽ chọn giải pháp nào?
        - Theo tôi, thi cử là một vấn đề mà nếu giải quyết được tốt sẽ góp phần trực tiếp giải quyết được nhiều vấn đề khác không chỉ là quá tải, căng thẳng mà còn cả tình trạng dạy thêm, học thêm, bệnh chạy theo thành tích... Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải cùng các cơ quan liên quan có những giải pháp cải tiến, đổi mới thi cử, đánh giá từ thi kiểm tra định kỳ, thi tốt nghiệp đến các kỳ thi tuyển sinh.
        Hiện nay kỳ thi tốt nghiệp tiểu học đã được bỏ, tiến tới là kỳ thi tốt nghiệp THCS, riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ kết hợp với kỳ thi tuyển sinh ĐH trong một kỳ thi “kép”... Tức là về khâu tổ chức thi đang có những đổi mới. Nhưng về nội dung, yêu cầu và phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng cần thay đổi góp phần giảm áp lực học hành, ôn luyện đối với GV và HS như áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm, cải tiến cách ra đề, cách công bố môn thi tốt nghiệp...
        THANH HÀ thực hiện
        #4
          Chân Trời Mới 09.08.2008 15:31:32 (permalink)
          Dạy cái gì, cho ai, như thế nào, để làm gì?

          TTCN - Nếu theo dõi các hệ thống giáo dục nước ngoài, có thể thấy thiên hạ đặt và giải bài toán giáo dục một cách khác. Tỉ như hệ thống giáo dục Pháp - chỗ dựa của một xã hội công nghiệp đứng hàng thứ tư thế giới.  
          Quan tâm (mục tiêu) cơ bản của nhà trường là định hướng học sinh hội nhập xã hội/lao động: “Định hướng là kết quả của quá trình liên tục hun đúc và thực hiện dự định đào tạo và hội nhập xã hội / nghề nghiệp của mỗi cá nhân, mà người học sinh trung học (cấp II rồi thì cấp III) đeo đuổi, căn cứ trên các khát vọng và khả năng của mình” (http://www.education.gouv.fr/orient/default.htm)
          Nôm na mà nói, các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở Pháp không quan niệm nhà trường là nơi để đong đầy kiến thức cho học sinh, mà là nơi giúp học sinh định hướng chuẩn bị cho tương lai vào đời của mình, ngay từ cấp II.
          Từ đó, hệ thống giáo dục của Pháp được thiết kế cho mục tiêu trên. Cho đến nay cấp II (trung học cơ sở) được định nghĩa là hệ quan sát trong hai năm đầu (tương đương lớp 6, 7 ở VN) và hệ định hướng trong hai năm sau (tương đương lớp 8, 9 ở VN). Trong hệ quan sát, học sinh, trong khi học từng môn, quan sát các ngành học đó xem mình thiên về môn nào. Nhà trường, phụ huynh cũng thế. Sang hệ định hướng, những quan sát thăm dò này sẽ được củng cố.
          Sau này với cải cách mang tên bộ trưởng giáo dục Bayrou, học sinh hai lớp 7 và 8 được hướng đến những lộ trình khám phá: khám phá thế giới tự nhiên và thân thể con người, khám phá nghệ thuật và nhân văn, khám phá các ngôn ngữ và các nền văn minh, khám phá dẫn nhập đến sự sáng tạo và kỹ thuật. Học sinh chọn hai trong bốn lộ trình khám phá trên (http://www.ladocumentation francaise.fr/dossier_actualite/college_unique/misenplace.shtml).
          Sau đó là cấp III gồm hai hệ: hệ dài gồm các trường trung học phổ thông (lycée), hệ ngắn gồm các trường trung học chuyên nghiệp (LEP). 50% học sinh thôi học ở tuổi 16 và bước vào đời sống lao động qua ngã sau cùng này.
          (Nguồn: http://www.csupomona.edu/~lfucaloro/fl308/notes/education2.html).
          Các số liệu sau sẽ cho thấy chi tiết hơn số học sinh học chữ/ số học sinh học nghề = 49%.
          học sinh cấp II: 3.323.000
          học sinh cấp III: 1.511.000
          học sinh trung học nghề: 746.500

          (Nguồn: Ministère de l’éducation nationale, de l’enseignement supérieur et de la recherche, 2003 - 2004)
          Rõ ràng sau cấp II, tỉ lệ giới trẻ Pháp vào đời là rất cao. Tỉ lệ học sinh từ 16 tuổi “học nghề” (746.500) xấp xỉ phân nửa số học sinh tiếp tục “học chữ” (1.511.000). Từ thực tế đó có thể kết luận:
          1. Một nước công nghiệp đứng hàng thứ tư thế giới như Pháp khiêm tốn ý thức rằng vẫn luôn tồn tại những dị biệt xã hội, địa phương, công chúng, cá nhân..., trong khi khả năng ngân sách chỉ cho phép cung cấp phúc lợi giáo dục miễn phí và cưỡng bách đến tuổi 16 mà thôi.
          2. Từ ý thức đó, họ quyết định: nếu học sinh không đủ sức học tiếp lên cao sẽ chuyển sang học nghề để có thể bước vào cuộc sống lao động. Từ đó, đầu tư nhiều cho trường học nghề ở cấp III, tỉ lệ trường học nghề/ trường học chữ = 65%.
          số trường học nghề: 1.716
          số trường học chữ: 2.620

          (Nguồn: Ministère de l’éducation nationale, de l’enseignement supérieur et de la recherche 2003 - 2004)
          Và số học sinh ra trường nghề rất cao:
          - Bằng tú tài phổ thông: 253.222
          - Bằng tú tài kỹ thuật: 137.915
          - Bằng tú tài chuyên nghiệp: 88.954
          Tổng cộng: 480.091

          Tú tài nghề/tú tài phổ thông: 48%
          Trên thị trường lao động ở một xã hội không bị câu thức bởi tập quán “trọng sĩ”, bằng nghề (CAP, BT, BTS...) có giá hơn bằng cử nhân, thậm chí tiến sĩ văn chương (thất nghiệp dài dài)...
          Ở VN cũng đã từng có và đang có những trường trung học kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp mà học sinh ra trường vào đời dễ dàng hơn là tốt nghiệp đại học.
          Có thể thấy Bộ Quốc gia giáo dục Pháp, chính do danh xưng “quốc gia giáo dục”, phải đặt bài toán giáo dục trong tổng thể bài toán phát triển quốc gia, trong đó phải để ý đến bài toán: làm gì cho số học sinh không đủ điều kiện, sức khỏe, ý muốn tiếp tục “học chữ”? Không thể để cho số học sinh nghỉ ngang đó trở thành vấn nạn ‘thất bại học đường” mà phải hướng số người trẻ đó vào đời sống lao động và hội nhập xã hội.
          Trong khi đó ở VN chưa có mấy câu hỏi “học sinh lớp 9 thi rớt lớp 10 sẽ làm gì?”, như thể bài toán thất bại học đường chưa được đặt ra, trong khi số “cựu học sinh” này đang chính là gánh nặng lớn, thất nghiệp, lêu lổng...
          3. Bởi lẽ đó, ở Pháp nhà trường không nhằm nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh mà chỉ giúp họ có những “chìa khóa” để khám phá. Thật ra đây không là một điều mới mẻ. Xuất phát từ một di sản văn hóa La-Hi, người Pháp (cũng như người châu Âu) không hề bị nhiễm bởi “tập quán” học theo kiểu “Tử viết”, cho dù có một giai đoạn bị khống chế về mặt tư tưởng bởi nhà thờ La Mã.
          Từ thế kỷ 16, các nhà tư tưởng Pháp như Montaigne, Rabelais... đã giải quyết xong vấn nạn “một cái đầu cho ra cái đầu” tốt hơn là “một cái đầu đầy chữ” (Une tête bien faite vaut mieux qu’une tête bien pleine)... May mắn thay, nền giáo dục của các nước này đã được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, chỉ có đi tới với lịch sử chứ không phải trải qua những đứt quãng buộc phải đi ngược chiều kim đồng hồ.
          4. Thế cho nên, đối với họ, học là học theo chương trình chứ không phải là học theo sách giáo khoa.
          Bộ đưa ra chương trình chi tiết, ai dạy giỏi cứ viết sách. Ai dạy dở (càng không phải những vị không bao giờ dạy) đố dám viết sách ai mua! Tác giả vừa viết sách, vừa dạy học, vừa có tiếng tăm, vừa có của ăn của để, đâu dại gì dính đến chuyện ra đề thi để mà tiêu tan sự nghiệp! Quyển nào học sinh đọc, học theo dễ hiểu hơn, thầy cô và nhà trường sẽ chọn. Thầy cứ dựa chương trình mà dạy, dạy giỏi thì nhà trường đãi ngộ cao, dạy dở thì xin mời... ra cổng.
          Thầy giáo thấy bài nào khó, học trò không hiểu cứ việc dừng lại mà “nhấn”, chẳng ai gõ kẻng buộc đến tiết nào mọi người cùng giở một trang sách nào cả. Chẳng ông giám đốc sở nào ép ai (mua sách nào) được cả. Chẳng có gì phải kêu “loạn sách giáo khoa, làm sao quản lý?”!
          5. Thế cho nên, vấn đề đáng suy gẫm chính là dạy cái gì, để học sinh sau này làm gì, và dạy như thế nào, kiểm tra đánh giá bằng cách nào chứ không phải là thi kiểu gì. Có thể, ở nước này chọn thi trắc nghiệm (ở Mỹ, ở miền Nam đã thi tú tài “A, B, C khoanh” từ đầu thập niên 1970), ở nước khác lại không (như ở Pháp).
          Vấn đề là học và thi để làm gì? Như thế nào? Có trung thực hay không? Vấn đề là làm sao cho học sinh hiểu rằng và thực tế cuộc sống chứng tỏ rằng đại học không phải là cùng đích, mà là nghề gì và tay nghề đến đâu.
          Ở Pháp, họ khiêm tốn đặt ra mục tiêu đại trà là trung học cơ sở, rồi thì chuẩn bị vào đời và nhà trường giúp họ có cái nghề. Và từ đó đề ra những mục tiêu sao cho giáo dục phục vụ các bước phát triển của xã hội.
           
          DANH ĐỨC
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 15:33:32 bởi Chân Trời Mới >
          #5
            Chân Trời Mới 09.08.2008 15:34:49 (permalink)
            Sự học ngày nay: Ít "bậc thầy" đúng nghĩa?
            (VietNamNet) - Giữa tháng 1, nhà văn Lại Nguyên Ân gửi tới VietNamNet bài viết đưa ra "một cách lý giải về sự học và tình thầy trò ngày nay, cho rằng, khi mà học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời, khả năng “làm thầy” thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp.




            Nghề giáo ở đô thị dần trở nên cao giá hơn. (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)
            Lâu nay trong xã hội ta, nhất là trong đời sống ở các đô thị, đề tài về sự ứng phó với giới nhà giáo không còn chỉ là chuyện của học sinh, sinh viên mà đã thành mối bận tâm thường trực của các bậc cha mẹ, của toàn xã hội.

             
            Những gương giáo viên tận tụy với nghề thì vẫn có, song, những lời kêu ca từ cha mẹ học sinh về những khoản đóng góp có tên và không tên, những tin tức về mua điểm, về chạy lớp, chạy trường, v.v. lại nổi trội hơn. Lương giáo viên nhìn chung vẫn thấp nhưng không ít thầy cô đã giàu hẳn lên, nhờ những nguồn thu ngoài lương như luyện thi hoặc tham gia các vụ chạy điểm, chạy trường, chạy lớp…
            Trong mắt người dân, nhất là dân đô thị, nghề giáo viên từ chỗ là nghề  “ốm  đói”, “lương ba cọc ba đồng”, trở nên nghề dễ kiếm tiền, và do đó trở nên nghề cao giá hơn trước, nhưng trong cư dân cũng thấy giảm dần niềm tin vào tính mô phạm, vào đức độ của giới nhà giáo; khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” thường gặp nơi khuôn viên các trường học, đang lộ ra những nét mỉa mai…
            Vậy thì nên nghĩ thế nào về người thầy, về nghề giáo viên, về quan hệ thầy trò trong đời sống hiện tại?  
            Học đạo lý hay học từ chương khoa cử?
            Tôi muốn nêu lại một sự lý giải - mà theo tôi rất đặc sắc tuy không dễ nghe - về sự học và về điều vẫn được gọi là “tình thầy trò” trong xã hội.
            Sự lý giải này là của Phan Khôi (1887-1959), một tác gia vốn nổi tiếng về sự thẳng thắn, “thiết diện vô tư” trong ngôn luận.
            Quan hệ thầy trò nảy sinh là do ở xã hội con người nảy sinh sự học, tức là hoạt động tiếp nhận, đào luyện tri thức và kỹ năng; “sự học” trong ý niệm của các lớp người trước còn mang nghĩa rộng hơn, chỉ hoạt động học thuật, tức là hoạt động nghiên cứu, phát minh, sáng chế, bổ sung và làm giàu các nguồn tri thức và kỹ năng.
            Ở nước ta, sự học xuất hiện từ việc tiếp nhận chữ Hán và Khổng giáo, hai thứ ban đầu không tách rời nhau. Sự kiện Sĩ Nhiếp, một viên Thái thú do triều đình phương Bắc cử đến trị nhậm đất này, được hậu nho người Việt tôn xưng “Nam Giao học tổ”, là minh chứng về nguồn gốc nêu trên của sự học ở nước ta.
            Nền học thứ nhất hiện hữu trên đất Việt suốt gần hai ngàn năm chính là Hán học (chữ Hán, Khổng giáo, văn hoá Hán); chỉ từ cuối thế kỷ XIX mới xuất hiện nền học thứ hai, được gọi là “Tây học” (ngày nay hẳn có những người muốn gọi khác đi tuy chưa thấy ai quyết liệt lên tiếng).  
            Trong một bài viết đăng báo năm 1931, Phan Khôi lưu ý rằng cái mà ở ta gọi là “Hán học” hoặc “Nho học” đó vốn có hai phương diện khác nhau:
            “Một là cái học về nghĩa lý, tức là cái học của thánh hiền; một nữa là cái học về từ chương khoa cử, cũng kêu là tục học. Hồi Khổng Mạnh bắt đầu đề xướng ra, nguyên chỉ có cái học nghĩa lý mà thôi; đến sau lần lượt ngày một sai đi, mới thành ra cái học từ chương khoa cử” (1) .
            Theo Phan Khôi, “cái học nghĩa lý” bao gồm: một phần lớn là cái mà ngày nay gọi là triết học, “xét về bản thể của vũ trụ, cùng tính mạng đạo đức là cái cần thiết cho sự sống của loài người”(1), bên cạnh đó có một phần là cái học tu thân, “dạy về sự làm người cho đúng đắn”(1), và một phần nữa là cái học kinh tế, “dạy về chánh trị kinh tế, cái cách để trị nước và an thiên hạ”(1);  ngoài ra, tất cả những lĩnh vực tri thức mà người xưa gọi là “kinh học”, “sử học”, “lý học”, “đạo học”, v.v…, theo Phan Khôi, đều thuộc cái học nghĩa lý.
            Từ triều Hán trở đi, các vua Trung Quốc dùng khoa cử để chọn người cho bộ máy cai trị. “Ban đầu cũng do theo cái học nghĩa lý của thánh hiền làm tiêu chuẩn, hễ ai tinh thông nghĩa lý thì được trúng cách, tức là thi đậu; nhưng sau rồi mỗi ngày mỗi sai đi, mà cái học khoa cử đi một đường, còn nghĩa lý đi một đường. Khi họ bỏ quên nghĩa lý rồi, chỉ chuyên trọng về mặt từ chương. Từ chương tức là làm từ phú văn chương cho hay cho đẹp, lấy đó làm tiêu chuẩn cho sự thi cử. Vì vậy nói luôn là từ chương khoa cử”(1).
            Ở Trung Quốc suốt thời trung đại, Phan Khôi nhận xét, thời nào số đông sĩ phu cũng chuộng cái học khoa cử nhưng thời nào cũng vẫn có không ít người theo đuổi cái học nghĩa lý. Có những người vẫn theo đuổi mục tiêu thi đậu làm quan đồng thời “còn muốn cái thân của mình có quan hệ đến xã hội đời sau, muốn vậy thì duy có gieo mình vào cõi học mới được; cho nên có nhiều người đã làm đến bậc đại thần, công danh rực rỡ, mà cũng còn chen chân vào đám học giả mới nghe”(1).
            Lại có “những người cả đời theo học vấn mà nhất định không thèm thi cử, không thèm tranh cái danh tầm thường với đời, chỉ chăm một đường khảo cứu trước thuật, hiến thân cho sự học”(1). Tóm lại, “sĩ phu dầu bị cái học khoa cử làm hư đi cũng nhiều, song cái học nghĩa lý của thánh hiền đời xưa vẫn không đến nỗi mờ tối” – đó là nhận xét của Phan Khôi về Nho học hay là cái học cổ truyền ở Trung Quốc thời cổ và trung đại.
            Học chỉ để "gõ cửa giàu sang"
            Chính Hán học là nền học thứ nhất đã từ Trung Quốc truyền vào nước ta. Hán học ở Việt Nam thời Bắc thuộc, theo Phan Khôi, tựu trung mới chỉ là lối giáo dục “chấm câu” (tức là lối dạy lối học qua loa, giống như bài văn chỉ chấm câu mà không khuyên điểm).
            “Cái học nghĩa lý của thánh hiền thật chửa thấm khắp trong óc người mình chút nào”.
            “Học “chấm câu” như vậy non ngàn năm, đến lúc nước mình độc lập, lại vội vàng lập ra ngay phép khoa cử.Từ đó Hán học ở nước ta chỉ biết có từ chương khoa cử mà thôi, không hề biết đến cái học nghĩa lý.
            Theo lịch sử Việt Nam thì có hai thời kỳ mà người ta cho là Nho học rất thịnh, là hồi triều Lê và triều Nguyễn […] Nhưng thịnh đó là chỉ thịnh về đằng từ chương khoa cử; nếu bảo rằng Nho học thịnh thì oan cho Nho học lắm, vì Nho học tức là cái học nghĩa lý, mà ở nước ta nó hầu như không có”(1)
            Nguyên nhân tình trạng lệch lạc này trong sự học ở nước ta, theo Phan Khôi, là quan niệm của người nước ta  về sự học.
            “Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa” (1).
            Quan niệm này, theo Phan Khôi, vẫn còn được người nước mình duy trì trong nền học mới, tức Tây học:
            “Hiện ngày nay Tây học cũng chia làm hai như vậy; một cũng là cái học nghĩa lý; một nữa lại là cái học “kiếm cơm”. Nếu ngày nay ta chỉ chuyên theo cái học kiếm cơm thì nó cũng sẽ di họa cho ta như cái học từ chương khoa cử ngày xưa vậy”(1).
            Nhận định như trên về nguồn gốc và đặc tính sự học ở nước ta của  Phan Khôi là  nhất quán với (và là cơ sở cho) nhận định về quan hệ thầy trò, điều mà ông đề cập trong một bài khác, cũng đăng báo năm 1931.
            Không chiếm riêng một “luân” nào trong “ngũ luân” của Khổng Mạnh (quân thần; phụ tử; phu phụ; huynh đệ; bằng hữu), quan hệ thầy trò chỉ thuộc về luân “bằng hữu”, nhưng từ xưa vẫn được xem trọng. Ba đấng “quân, sư, phụ” (vua, cha, thầy) được người ta thờ kính như nhau. Cái nghĩa của quan hệ này được gói trong sự “thi” và “báo”: thầy thi ân, ban ơn tác thành (về học vấn, về năng lực, phẩm cách…) cho trò, trò báo đáp cái ơn tác thành ấy của thầy; hai hành vi của hai phía là tương ứng, tuỳ thuộc lẫn nhau.
            Ở ngọn nguồn của Nho học, thầy dạy trò không chỉ bằng sách vở, tư tưởng, mà còn bằng chính con người mình.
            “Ông thầy nào có hoài bão cao, đạo đức lớn mà được người học trò hiểu cho mình, làm theo mình, thì sự quan hệ với nhau lại còn đặc biệt hơn những trò khác”(2).
            “Sự tương tri, tương đắc của thầy trò nó cũng thân thiết như là vợ chồng bầu bạn. Nhiều khi cha con không hiểu nhau mà thầy trò lại hiểu nhau. Giữa cha con thường có một cái gì mà như bức tường để ngăn trở sự hiểu nhau; chớ còn thầy với trò mà đã vừa ý nhau rồi thì không còn bức tường ấy nữa, tương tri tương đắc thì thật là tương tri tương đắc. Thầy trò mà đến bậc ấy thì khi một người chết đi, trong lòng người kia mang một cái vết thương trọn đời, chớ không những tâm tang ba năm mà thôi”(2)
            Những quan hệ như giữa thầy Khổng Tử với trò Nhan Uyên thời cổ đại, giữa trò Phí Mật (1625-1701) với thầy Tôn Kỳ Phùng (1585-1675) thời trung đại mà nét đặc trưng là sự tương tri tương đắc với nhau về học thuật và đạo lý, được Phan Khôi nêu ra như hai ví dụ về tình thầy trò trong “cái học nghĩa lý”, “cái học của thánh hiền”.
            Ở thế giới hiện đại, có lẽ chỉ có quan hệ giữa người phát kiến, đề xướng một xu hướng, một trường phái, một lý thuyết, một phương pháp, v.v. với những môn đồ kế thừa và phát triển chúng, mới có sự tương ứng phần nào với quan hệ “sư đệ” trong cái học nghĩa lý xưa kia, như Phan Khôi hình dung.
            Tuy nhiên, theo Phan Khôi, cũng ngay từ xa xưa:"Sau đức Khổng, trong cõi học bị văn chương khoa cử choán mất rồi thì đạo thầy trò cũng kém xưa. Lúc bấy giờ chỉ là mấy anh thợ làm văn truyền nghề cho những thợ bạn của mình, chớ không còn phải là thầy trò. Không có cái hoài bão cao, đạo đức lớn nêu ra, thì lấy đâu có được sự tương tri tương đắc?
            Anh thợ làm văn ấy chết thì còn thiếu chi anh thợ làm văn khác; có điều đã theo Nho giáo thì cũng làm ra bộ tâm tang cho có, chớ thiệt tình, trong lòng họ chẳng có cái gì là cái vết thương. Hồi nhà Đường, Hàn Dũ than thở mà nói đời nay không còn sư đạo nữa, thật không phải là quá đáng vậy”(2).
            Quan hệ thầy trò trong lối học khoa cử, theo Phan Khôi, là khác hẳn quan hệ ấy trong cái học nghĩa lý, “Vì trong cái học nầy, thầy chỉ dạy cho trò làm văn hay để thi đậu làm quan mà thôi; so với bên kia vì nghĩa, bên nầy vì lợi, không thể đồng nhau”(2).
            Nhận định về sự học ở nước ta từ khi du nhập Hán học, Phan Khôi cho rằng: “Nói đến sự thầy trò nước ta thì phải thú thật rằng chưa hề có thứ thầy trò như Khổng Tử với Nhan Uyên, Tôn Kỳ Phùng với Phí Mật, mà đều là hạng thầy trò trong cái học khoa cử cả”(2).
            Thời kỳ khoa cử Hán học còn thịnh tại Việt Nam, ở các trường của các thầy đồ, học trò thường lập những hội “đồng môn”: Các hội này có vốn, có hoạt động làm cho vốn sinh lợi, trước để cung cấp nhu cầu đời sống cho thầy, sau cũng chi phí cho sự vãng lai thù tạc trong đám trò với nhau. Nhiều hội đồng môn làm nhà cho thầy, đặt đất hương hoả cho thầy, và sau khi thầy mất thì giữ ngày cúng giỗ như giỗ cha mình vậy. Tục lệ này được xem là một cái tục rất hậu.      
            “Người ta cho là tục hậu; hậu thật. Nhưng tôi xin hỏi: cái tục ấy có ích gì cho đời không? Có ảnh hưởng gì đến học giới không? Hỏi sao từ xưa đến nay, mấy ông thầy nước ta không tác thành ra thánh hiền mà chỉ tác thành ra ròng những quan lớn? Thầy tác thành ra một đống quan lớn nên người được tác thành đền đáp như vậy cũng phải; song xét kỹ thì chỉ là lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại đó thôi, chớ có gì đâu mà khen ngợi trầm trồ!”(2)
            Bàn về "sự học ngày nay"
            Rất có thể có không ít người trong hoặc ngoài giới nhà giáo, cả trong thời Hán học xưa kia lẫn trong học chế ngày nay, không tán đồng sự phân tích nêu trên của Phan Khôi. Tuy nhiên, bình tĩnh lại, ta sẽ thấy sự phân tích ấy khá phù hợp với lẽ phải.
            Hãy tạm gác lại chuyện “học” trong các nhóm phái văn hoá hay khoa học thời hiện đại.
            Ta hãy chỉ nói đến sự học ngày nay ở hai hệ thống: phổ thông và chuyên nghiệp (đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề); sự học ở đây rất hợp với chữ “tục học” mà Phan Khôi đã gọi tên. Ở hai hệ thống này, cả hai thành phần là người họcngười dạy đều tham gia hoạt động giáo dục theo nguyên tắc lợi ích.
            Người học (học sinh, sinh viên, học viên…) tham gia hoạt động giáo dục để được trang bị những tri thức và kỹ năng nhất định; chính vì lợi ích ấy, người học phải đóng góp tài chính để góp phần tạo nguồn kinh phí  trả  lương cho người  thầy, trang trải phí tổn và  duy trì cơ sở đào tạo, v.v.
            Người dạy tham gia hoạt động giáo dục với tư cách người hành nghề. Dạy học là một nghề trong các loại nghề. Những phẩm chất như trình độ tri thức (về lĩnh vực mình giảng dạy), nhân cách đạo đức, v.v…, cần được xem như những điều kiện cần có để được phép hành nghề.
            Nguyên tắc lợi ích vừa nói ở trên chính là cơ sở của các hoạt động giáo dục đào tạo trong đời sống hiện đại; nguyên tắc ấy hoàn toàn tương ứng với nguyên tắc “lấy lợi ban ra, lấy lợi trả lại” mà Phan Khôi rút ra từ thực chất của cái học khoa cử thời xưa.
            Nhưng sự “thi” (ban ơn) và “báo” (đền ơn) song phương ở quy mô cá nhân hoặc nhóm nhỏ xưa kia (một ông thầy với nhóm “hội đồng môn” gồm các thế hệ học trò từng thụ giáo ông ta), trong hoạt động dạy và học ngày nay, đã được thể chế hoá ở quy mô toàn xã hội; người dạy thực thi việc truyền thụ kiến thức và kỹ năng là ở quy mô xã hội, tuy người ấy dạy cho những người học cụ thể; người học trả công cho người dạy thông qua lệ phí, học phí đóng cho nhà trường hoặc cơ sở đào tạo, tức là thông qua những “đại lý” của ngành giáo dục và đào tạo; những dạng thức “báo đền” trực tiếp (quà biếu, tiền bạc…) đều là dấu hiệu “có vấn đề”.
            Sự học trong đời sống hiện đại đã vận hành theo nguyên tắc lợi ích, đã được thể chế hoá ở quy mô toàn xã hội như vậy, thiết tưởng ta cũng nên hiện đại hoá quan niệm về quan hệ thầy trò. Đó chỉ nên xem là quan hệ chuyển giao tri thức và kỹ năng giữa con người với nhau, một sự chuyển giao đã được tổ chức thành những thiết chế xã hội. Những tri thức hoặc kỹ năng được chuyển giao đó không phải là vốn riêng, sở hữu riêng của người “giao” (= người dạy) mà là vốn chung, sở hữu chung của cộng đồng (nhân loại, dân tộc).
            Quan hệ tình cảm giữa lớp người “giao” và lớp người “nhận” là có, có một cách tự nhiên, nhưng không nên thần thánh hoá vai “thầy” và chế định ra những bổn phận quá đáng cho vai “trò”.
            Những quan niệm thông tục cũ, từng được đúc vào những mệnh đề như “nhất tự vi sư bán tự vi sư” (= người dạy cho mình một chữ hay nửa chữ, mình cũng phải xem là thầy), cần được coi như những định kiến hạn hẹp. Ngay khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn”, vốn là châm ngôn của Nho học, cũng không diễn đạt đúng tinh thần “vừa dạy kiến thức vừa làm hình thành nhân cách” của nhà trường hiện đại.
            Trong đời sống hôm nay, học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời; ai cũng phải học và ai cũng có thể truyền thụ cho người khác được ít ra là một vài hiểu biết hay kỹ năng nào đó. Vậy mà, mỗi người chuyên làm nghề dạy học chỉ có thể “làm thầy” ở một môn học nào đó, trong một thời điểm nào đó, và cũng phải thường xuyên cập nhật những cái mới trong chuyên môn của mình thì mới duy trì được vai trò nghề nghiệp của mình; tức là trong thực chất, khả năng “làm thầy” thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp. Ở đời sống hiện đại, có rất ít bậc thầy đúng nghĩa; ở đời sống hiện đại, không tồn tại thánh hiền.
            Quan hệ thầy trò ngày nay, thiết nghĩ, nên đặt trên một quan niệm thoáng như thế.

            -----
            (1) Phan Khôi (1931), Hán học ở bên Pháp (Cảm tưởng sau khi đọc bức thư luận học của người bạn ở Paris) // Đông Tây, Hà Nội, s. 74 (23.5.1931), s. 75 (27.5.1931), s. 76 (30.5.1931). Xem: Phan Khôi , Tác phẩm đăng báo 1931 // Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn và Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2006 (sách đang in).
            (2) Phan Khôi (1931), Thầy trò đời nay với thầy trò đời xưa // Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.98 (3.9.1931). Xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1931 // Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn và Trung tâm VH&NN Đông Tây, Hà Nội, 2006 (sách đang in).
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.08.2008 15:36:30 bởi Chân Trời Mới >
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9