HUYỀN THOẠI VỀ CÂY CẦU
ptuuyen 10.08.2008 22:31:43 (permalink)
   
      HUYỀN THOẠI VỀ CÂY CẦU
 
 
 Một buổi sáng chúa nhật, tôi đang cắt mấy nhánh cây chòi ra của
hòn non bộ. Cu Hải lại gần chăm chú xem:
-         Nhánh cây rớt sập cầu rồi ba ơi!. À, mà cây cầu có từ khi nào vậy
Ba?
-  Thì cây cầu có từ khi ba làm hòn non bộ.
-   Dạ không! lịch sử của nó kìa.
-   À! Con muốn nói là cây cầu đầu tiên của loài người...?
-   Vâng! Cây cầu đầu tiên ấy- ai tạo ra nó?.
Câu hỏi của cậu con trai lớp bảy làm tôi hơi lúng túng. Tôi dừng
tay và thôi không tỉa cành nữa.
       - Cây cầu đầu tiên có từ bao giờ?- Câu hỏi thú vị đấy- Hai cha con ta cùng du lịch một chuyến trở về quá khứ- Con trai nhé!. Cậu con trai ngơ ngác nhìn .
       Cách đây chừng năm mươi ngàn năm đến ba mươi ngàn năm( thời kỳ giữa đồ đá cũ) con người chỉ có những công cụ rất thô sơ để săn bắt, hái lượm. Nơi cư ngụ là những hang động hay dưới một tảng đá nhô ra. Dùng cành cây, da thú dựng, che làm tổ cho mình. Trong cái thế giới nhân tạo nhỏ bé đó không có tuyết, mưa lại kín gió. Được nhen lên ngọn lửa bập bùng suốt ngày đêm. Ở những địa điểm trú chân của người tiền sử đôi khi ta còn nhìn rõ những lổ đào để chôn cột chống đỡ mái, những hòn đá kê làm bếp đốt lửa. Những túp lều cổ xưa ấy từ lâu đã tan thành tro bụi- Ở những góc nhỏ bé của cái thế giới được bàn tay người cải tạo và sắp đặt còn lại đó bao nhiêu vết tích thiêng liêng. Đó là những con dao bằng đá, những miếng đá lửa vỡ vụn, những miếng xương vỡ, tro và than lẫn với cát và đất hợp thành một khối mà không bao giờ thiên nhiên có thể tạo ra một mình được.
      Người tiền sử luôn biết kết hợp chọn nơi trú chân- Dòng suối và  mái ấm của mình. Đàn ông săn bắt, phụ nữ lo việc làm nhà, khâu vá, sinh đẽ, nuôi con, hái lượm.Trẻ con chơi đùa trên những tảng đá, ven bờ suối... những khi suối cạn nước trẻ con, người lớn có thể qua bờ bên kia hái nấm, lượm quả. Nhưng suối rất ít khi không có nước. Khi nước nhiều, muốn qua bờ bên phải đi vòng lên núi thật xa có khi mất hơn cả ngày.
        -Ba ơi! vậy lúc đó mới bắt đầu có cầu hở ba?- Mà ai làm được
        -Đúng rồi! không hoặc chưa ai làm được cả. Muốn làm tốt được việc gì cũng phải có tích lũy kiến thức. Ngay con dao bằng đá dẹp và hơi dài kia muốn có được hình thù đó cũng đã mất hàng trăm năm con ạ!. Ông lão đang ngồi bên bờ suối mài dao kia có thể nữa tháng ông sản xuất được một con dao đẹp. Nhưng để có được điều đó ông đã được truyền lại biết bao thế hệ....
        -Vậy cái cầu chưa ai biết thì đâu có truyền lại được.
        -Đúng vậy! Chưa ai truyền lại thì học từ thiên nhiên. Con hãy xem hòn non bộ nhà mình này- Dòng suối sâu và rộng, cư dân tiền sử ở trong hang động bên này- Muốn sang bờ bên rất khó phải không?
      -Người ta đi vòng lên trên xa...
      -Rồi một hôm mưa gió, có một thân cây ngã- Rất vô tình nằm vắt ngang qua suối
      -A! con hiểu rồi- Chiếc cầu của thiên nhiên. Con hiểu học từ thiên nhiên rồi ba ơi!.
      -Con biết vì sao con hiểu nhanh vậy không?. Vì con đã được tích luỹ kiến thức-  Như ông lão mài dao vậy. Còn ngày ấy chưa ai hiểu cả. Buổi sáng những cư dân ra bờ suối, họ dững dưng với thân cây ngã. Họ vẫn miệt mài leo núi để qua bờ bên kia hái, lượm. Nhưng lũ trẻ thì không dững dưng- Chúng có một trò chơi mới: Leo lên thân cây to đùng rượt bắt nhau. Và rượt bắt như vậy chúng đã sang bờ suối bên kia khi nào không hay. Chúng cũng chẳng mãy may suy nghĩ. Ông lão ngồi mài dao bên bờ suối dừng tay, nhìn bọn trẻ- Thấy chúng bò qua bò lại trên thân cây- Và bên này suối sang bên kia rất nhanh, dễ dàng. Ông suy nghĩ, ông bỏ miếng đá đang mài xuống chân, đi chậm rãi đến bên gốc cây đổ- Trầm ngâm hồi lâu- Cẩn thận ông khom người xuống...bò y như bọn trẻ!. Ông bò trên thân cây từ gốc đến ngọn. Vâng! Ông bò như vậy để xem có thể qua được bên kia như bọn trẻ không- Nhành cây nhỏ ở ngọn không đỡ nổi. Ông ngã lăn, ông ngã lăn chiên bên kia suối- Ông không hề thấy đau, đám trẻ bao quanh, ông bồng từng đứa tung lên cao và ông đưa tay lên miệng làm loa hú vang rừng núi!
      -Giống như Assimet đã tìm ra sức đẩy khi đang tắm...
      -Đúng! rất đúng!. Ông lão mài dao đã phát minh ra cây cầu đầu tiên của nhân loại đấy con ạ!.
      Cu Hải áp mặt vào lưng ướt đẩm mồ hôi của tôi:
       Ba ơi! Chúa nhật tuần sau con sẽ xây lại cây cầu mới cho hòn non bộ, ba nhé!
      -Con ngoan! Chúa nhật ba với con sẽ cùng làm.


                                                 Phạm Tú Uyên

Đã mang vào thư viện

Chúc vui
<bài viết được chỉnh sửa lúc 21.10.2008 05:11:32 bởi Ct.Ly >
#1
    ptuuyen 11.11.2008 08:33:09 (permalink)
    Thật là một ngày vui khi biết tin "Huyền thoại về cây cầu" được vào Thư viện. Rất cám ơn anh, chị!
     
                                           Phạm Tú Uyên
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2008 08:34:30 bởi ptuuyen >
    #2
      ptuuyen 30.07.2009 18:20:02 (permalink)
       
                       NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI CÓ TỪ BAO GIỜ ?
       
       
      -         Ba ơi! Câu này con thấy không ổn, vì vừa rồi xem phim “Rô-bin-xơn”, ông ta sống một mình nơi hoang đảo, nhưng vì kiên nhẩn lao động mà một mình có thể làm được mọi việc.
      Tôi dừng tay cuốc, quay lại nhìn cậu con trai đang học lớp bảy, ngồi dưới gốc cây đọc sách:
      -         Câu gì thế con?
      -         Dạ, “nếu sống đơn độc, con người sẽ mãi chỉ là một con vật!
      -         Đúng vậy con ạ! Thật ra câu chuyện của anh chàng Rô-bin-xơn đâu có như cuốn sách của Đề-phô kể lại. Nguồn gốc của cuốn sách đó là cuộc đời của một anh thủy thủ vì tội đã lôi kéo các bạn trên tàu nổi loạn, bị đưa ra đày ở một hòn đảo hoang vắng giữa đại dương. Rất nhiều năm về sau, khi có những nhà du lịch đến đảo hoang đó, thì người chủ nhân độc nhất sống ở đảo đã trở thành một người dã man thật sự rồi. Anh ta không nói được nữa và giống một con thú hơn là người.
      Tôi định tiếp tục xới luống rau thì cu Hải đặt cuốn sách đang xem xuống gốc cây, đến bên tôi:
      -         Sao Rô-bin-xơn lại không nói được ba nhỉ?
      -         Vì anh ta không có nhu cầu giao tiếp. Sự biến dạng của thanh quản, của xương hàm do quá trình lao động đơn độc khiến anh ta mất dần tiếng nói.
      Cậu con trai ngồi xuống giũ giũ mấy bụi cỏ sau làn cuốc. Ngước nhìn tôi:
      -         Con nhổ cỏ với ba nhá?
      -         Con ngoan! Hai cha con ta cùng làm cho vui.
      Cu Hải vuốt mấy cọng cỏ trên tay, ngần ngừ hỏi:
      -         Ba ơi! Ba có biết ngôn ngữ từ đâu mà có không?
      -         Ngôn ngữ từ đâu mà có à?
      Tôi gác cán cuốc trên vồng khoai lang, ngồi xuống nhìn cậu con trai đùa:
      -         Khi con ngồi đọc sách một nơi ba xới cỏ một nẻo, khi đó ngôn ngữ chưa xuất hiện. Lúc hai cha con ta cùng làm một công việc thì…ngôn ngữ xuất hiện!
      Cu Hải phụng phịu:
      -         Ba lại đùa con rồi!
      Tôi hắng giọng:
      -         Ba đùa cho vui đấy. Muốn biết được điều này, chúng ta lại bắt đầu trở về với quá khứ xa xưa, con nhé!
      Cậu con vui hẳn lên, nhích lại ngồi gần tôi:
      -   Lại một chuyến du lịch thú vị, ba nhỉ?
      -         Năm 1924 những nhà khảo cổ họcLiên Xô cũ đào ở trong hang Kích cô-ban gần Xim-phê-rô-pô-li tại Crưm, tìm được những bộ xương của người thượng cổ. Vì tìm được ở thung lũng Nê-ăng-déc nên các nhà bác học gọi tên người thời đó là người ”Nê-ăng-déc-tan”. Trải qua hàng chục vạn năm tiến hóa, anh ta đã khác xa Người-Vượn trước kia rồi.
      -         Vậy đã đứng thẳng hay còn…đi lòm khòm ba nhỉ?
      -         Chưa hoàn toàn thẳng như chúng ta nhưng cũng đã đỡ rồi con ạ. Từ chổ đi bằng bốn chân tiến lên dùng hai chân và đứng thảng để di chuyển là cả một quá trình tính bằng chục vạn năm!
      -         Thật kinh khủng!
      -         Khi trông thấy người Nê-ăng-déc-tan chúng ta không còn hoài nghi “người hay vượn?” Đúng là người nhưng còn nhiều nét giống vượn vì anh ta có cái trán thấp và thụt về phía sau, đôi mắt sâu hóm, răng cửa nhô ra trước. Hàm dưới của người Nê-ăng-déc-tan chưa thích ứng với việc nói thành tiếng. Với cái trán và cái hàm ấy anh ta chưa thể suy nghĩ và nói như chúng ta được… Nhưng anh ta cần phải nói. Lao động tập thể buộc anh ta phải nói. Muốn cùng chung sức lao động với nhau, người ta cần phải thỏa thuận là phải làm gì. Như vậy không thể đợi cằm và hàm phát triển rồi mới tập nói. Mà muốn cằm và hàm phát triển cần thêm cả ngàn năm sau!
      Cu Hải liếng thoắng:
      -         Con đoán là anh ta phải dùng mọi cách để phát biểu ý mình, kể cả toàn thân. Phải không ba?
      -         Con thông minh đấy! Đáng lẽ nói: “cho tôi” anh ta đưa hai bàn tay ngửa, về phía trước. Đói? Anh ta há miệng. Gọi người khác anh ta vẫy tay… Thậm chí có lúc còn phát ra âm thanh “é…é…” để buộc người khác chú ý.
      -         Đọc sách con còn biết vào thời ấy người tiền sử không những chỉ hái, lượm mà còn săn cả những con thú lớn ba ạ!
      -         Thức ăn không phải chỉ hái lượm hoa quả, nhu cầu cần có cả thịt. Bằng chứng là quanh những bộ xương người tiền sử còn có rất nhiều xương những động vật, có cả xương voi Ma mút. Con thấy đấy! Làm thế nào mà  người đi săn thời tiền sử với vũ khí thô sơ như vậy đã thắng những con voi Ma mút khổng lồ đó?
      -    Họ có thể đào hầm, đặt bẫy
      -         Đúng rồi! Họ còn đốt cả cánh rừng để đuổi con voi khổng lồ sa xuống đầm lầy. Nếu họ không dùng ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ bằng điệu bộ thì làm sao hàng trăm mũi lao cùng một lúc được phóng thẳng tới con vật, làm sao cả đoàn người nhất tề tiến lên nếu không có sự chỉ huy, những quy ước được quy định trước bằng điệu bộ.
      Cu Hải gật gật đầu, đưa mắt nhìn về xa xăm. Tôi nói:
      -         Ngôn ngữ bằng điệu bộ của loài người  bắt đầu từ đó, từ cuộc sống bầy đàn…
      -         Ba ơi! Thế tiếng nói đến khi nào mới có?
      -         Thực ra tiếng nói không có sẵn để con người lúc đó học. Một tiếng kêu the thé cùng với động tác nhảy cỡn lên để báo hiệu vui mừng. Hoặc một nhóm mười người đang hè nhau kéo tảng thịt đùi của con voi Ma mút. Không thể dùng động tác tay để ra hiệu cùng kéo được, buộc anh ta phải “hự, hự” trong cuống họng để mọi người nhịp nhàng kéo tảng thịt về hang.
      -         Giống như mình hô “dô ta”…
      Nhưng rồi cậu con trai nhíu mày ra vẻ suy nghĩ, dè dặt nói:
      -         Nhưng con vật nó cũng kêu như vậy mà ba! Con khỉ nó”khẹc! khẹc” con chó “gâu gâu”…
      -         Đúng rồi! Nhưng đó là tiếng kêu. Tuyệt nhiên khỉ chẳng thể nào “gâu gâu” hoặc con chó lại bắt chước  “khẹc khẹc”. Con biết đấy, do cấu tạo xương hàm lúc ấy chưa thích ứng nói được thành tiếng, người cổ đại cố phát ra những âm thanh để diễn đạc con vật mà anh ta vừa hạ được – quá trình dài cả hàng nghìn năm con ạ! Điều này, con vật không bao giờ làm được. Hơn thế, trong quá trình lao động, trong quan hệ bầy đàn, giữa rừng rậm hay trong bóng đêm, ngôn ngữ điệu bộ trở nên hạn chế, đôi khi mất tác dụng. Thế nên họ phải bằng mọi cách phát ra những âm thanh quy ước. Đó là tiếng nói sơ khai của loài người!
      -         Có phải từng bầy đàn có những âm thanh quy ước khác nhau không ba?
      -         Đúng rồi con!
      -         Vậy là con hiểu vì sao có tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc…
      Tôi lườm cậu con trai lém lỉnh, mắng yêu:
      -         Thôi, vào nhà tắm rửa cho tôi nhờ!
       
                                                   Phạm Tú Uyên
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.07.2009 18:28:47 bởi ptuuyen >
      #3
        ptuuyen 19.10.2009 16:24:38 (permalink)
             
              CÂU CHUYỆN VIẾT TIẾP NGÀY HÔM QUA
                     
                                                       Truyện ngắn
         
         
         
        -   Anh vừa có truyện ngắn mới đăng, đọc xong cho ý kiến nha!
        -   Dạ! Nhưng trả công em chi đây?
        -   Tặng cô bé…một hạt dẻ!
        -   Ơ… Sao lại hạt dẻ?
        -   Hạt dẻ dành cho cô bé lọ lem!
        -   Ở đâu anh có?
        -   Của…cô tiên!
        -   Thật sao? Anh tin có cô tiên à?
        -   Có chứ! Khi tin cuộc sống là tuyệt diệu, là hạnh phúc lúc ấy em sẽ tin có cô tiên.
        -   Vậy hạt dẻ là điều ước ư?
        -   Đúng thế! Hạt dẻ là điều ước!
        -   Vâng! Em xin nhận! Giờ phải đi rồi, đi thăm nhỏ bạn. Tạm biệt anh!
        Tôi tắt máy tính, đi lại bàn xách túi trái cây mua từ sáng đem vào bệnh viện thăm Hương. Hương là chị bà con vừa là bạn, đang xạ trị. Do phát hiện sớm nên bịnh không đến nỗi nghiêm trọng lắm. Thế mà nó ủ rũ, xanh xao trông như…sắp chết tới nơi. Tôi đặt túi trái cây lên bàn, nhìn giường bên cạnh trống không, quay sang hỏi Hương:
        -   Người đàn ông nằm đây…đi rồi à?
        -   Ừ, mới đi!
        Chăn màn, đồ dùng vẫn còn đó… Hèn gì nhỏ Hương chẳng sợ…
        -   Tội nghiệp ông ta! Người nhà không có ai sao?
        -   Ở miền Trung vô đây, có mẹ… Ông đang ở giai đoạn cuối.
        -   Lần trước vô đã thấy ốm lắm rồi. Vậy là xong…một kiếp người!
        Hương nhổm dậy, dí tay vào người tôi:
        -   Nói cái gì ghê thế? Mày tưởng ông ấy chết hở?
        -   Chứ mày…vừa nói “đi”!
        -   Là đi dạo đó “bà” ạ!
        Tôi thở phào:
        -   Trời đất! Tao cứ tưởng…
        -   Bác sĩ bảo ông ấy không còn sống được bao lâu nữa, thế mà lúc nào cũng vui vẻ. Trừ những lúc đau đến ngất lịm, còn ra ông ấy làm việc và đi dạo. Dường như ông ta là họa sĩ!
        Lần trước vào thăm Hương, thấy ông nằm im lìm, bẹp dí và mong manh như chiếc lá sắp rơi. Tôi không biết rõ về căn bệnh này nhưng nghe nói đau đớn lắm! Lúc đó, lúc vào thăm Hương lần trước, tôi nghĩ ông đang ngủ. Nhiệt độ trong phòng đủ mát thế nhưng nơi trán lấm tấm mồ hôi. Hương bảo: “Ông đang đau đấy!” Lạ thật, đau mà như ngủ!
        -   Ông ta kỳ lắm cơ!
        Tôi giật mình quay lại:
        -   Gì?
        -   Ông Hòa ấy!
        -   Hòa nào?
        -   Ông nằm giường này này…
        -   Ừ!
        -   Ai cũng cho rằng ông ta sắp chết.
        -   Ừ!
        -   Nhưng chính ông lại bảo “sẽ khỏi bệnh!”
        Tôi gườm gườm Hương:
        -   Còn mày, ai cũng bảo không sao thì mày lại…làm như sắp chết!
         
         
        Sài Gòn mấy hôm nay hay mưa. Tôi cũng chẳng biết ghét hay thích nó nữa. Đi ngoài đường mà gặp mưa thật bực mình. Đó là chưa kể kẹt đường, ngập xe… Nhưng về đêm, ngồi một mình trên gác, xa xa bên ánh đèn đường vàng vọt từng sợi mưa rơi nghiêng sao thật buồn. Buồn đến nhớ quay quắt một cái gì đó chẳng rõ tên. Tôi nhìn sang bàn máy, nick anh bật sáng:
        -   Chào cô bé! Khỏe không?
        -   Chào anh! Buồn gần chết!
        Gõ xong tôi vội đính chính:
        -   Buồn ngủ í. Em đọc chuyện của anh rồi, hay lắm! Anh bảo: không nên đi tìm tình yêu ư?
        -   Anh cho là như thế. Tình yêu như chiếc bóng, nó sẽ không dừng lại nếu ta rượt đuổi. Mở rộng lòng mình, sống tốt, sống thật trọn ven với những gì mình có – anh tin tình yêu sẽ đến…
        Tôi nôn nóng:
        -   Anh đã và đang làm thế?
        -   Vâng!
        -   Thế…đến chưa?
        Tôi ngồi chờ câu trả lời, anh xin lỗi bận việc phải đi gấp. Tôi thả người ra ghế:
        -   Bực mình!
        Chúng tôi gặp rồi quen nhau trên diễn đàn văn học gần nữa năm nay. Anh viết truyện và làm thơ. Anh bảo: Anh rất mến tôi. Tôi hỏi vì cái gì khi hai người chưa hề gặp nhau! Anh nói: Đôi khi mến nhau chẳng vì một cái gì lớn lao cả, nhưng quan trọng hơn là phần phía sau – tình bạn có được bền lâu, gắn kết không tùy thuộc vào tính chân thực, đồng cảm và sẻ chia. Khuôn mặt không làm nên tình bạn! Có lần anh bảo: “Thúy ơi! Khi nào anh xuất bản được tập truyện đầu tiên, anh sẽ đích thân đem đến tặng em”. Tôi luôn đợi ngày ấy, tôi luôn dõi theo anh, dõi theo từng truyện ngắn của anh. Tôi mến anh? – Điều ấy tất nhiên rồi! Anh đã cho tôi nhiều. Đúng hơn, từ khi biết và quen anh tôi đã sống tốt hơn, lạc quan hơn. Tôi không dối lòng mình rằng: Mỗi lần lên diễn đàn nếu không gặp anh tôi thấy nhớ, thấy thiếu một cái gì đó không rõ nét. Tên anh quen thuộc, thân yêu đến độ xuất hiện trong tôi mỗi ngày.
        Tôi lại vừa đọc xong truyện ngắn “Lời nguyền” của anh. Tôi vội hỏi:
        -   Sao lại có lời nguyền độc ác thế anh?
        -   Nó vốn thế mà lại!
        -   Chẳng lẽ các anh viết truyện muốn tạo ra gì cũng được sao?
        -   Không ai tạo ra sự bế tắc cả. Trong truyện, chàng trai bị một lời nguyền: “Nếu được người con gái nào yêu, chàng sẽ bị ngàn kim đâm da thịt”. Nhưng cắt da, xẻ thịt có thấm vào đâu. Sẽ thật sự khủng khiếp hơn nếu con người không có tình yêu! Chàng trai đang chờ nỗi đau xé thịt của lời nguyền – không gào thét, không giãy giụa…
        -   Kết thúc câu chuyện thật đau lòng!
        -   Không đau lòng đâu, cô bé! Em chẳng thấy ư? Chàng trai đang mỉm cười đấy! Chính tình yêu diệu kỳ, mầu nhiệm, và sự thủy chung sắt đá giúp chàng vượt qua lời nguyền.
        -   Vâng! Em hiểu ra rồi! Anh đang làm gì đấy?
        -   Anh đang nghe mưa rơi…
        -   Em nhìn mưa qua cửa sổ, mưa buồn ghê anh ạ!
         
         
        Gần hai tháng, tôi với anh không gặp nhau. Do năm học cuối nhiều bận rộn nên tôi cũng ít lên diễn đàn. Lâu lâu tạt qua thấy vắng tên anh, nỗi nhớ cứ mênh mông. Đêm nay lại mưa - ghét quá! Nó chẳng giúp tôi được gì cả, cứ gợi buồn - nẫu cả ruột! Tôi định tắt máy bỗng nick anh sáng lên:
        -   Chào em! Anh xin lỗi!
        Tôi lao tới bàn, khuôn mặt đỏ rựng lên. Vén lại mái tóc, khẽ mắng: “Gì vội thế, rõ vô duyên!” Tôi muốn phạt anh nên ngồi vào bàn nhưng chưa chịu trả lời. Anh tiếp:
        -   Vì bận công chuyện cô bé ạ! Nếu không gì thay đổi anh sẽ phải đi xa…
        Tôi hốt hoảng:
        -   Đi đâu vậy anh?
        -   Người ta đưa anh…du học!
        Tôi thở phào, nhưng vẫn nghèn nghẹn ở cổ:
        -   Thế…khi nào đi?
        -   Đang lo thủ tục. Khi nào sắp đi anh sẽ báo.
        -   Vậy thì…
        -   Gì em?
        -   Dạ không!
        Tôi muốn nói rằng: Tôi sẽ tiễn anh! Nhưng không nói được. “Sao lại thế, Thúy ơi!” – Tôi gõ vội nhưng…ơ kìa!
        -   Chúc em vui!
        Và đèn bật tắt! Tôi đứng phắt dậy nhưng rồi lại thả người rơi phịch xuống ghế - tôi khóc! Khóc tức tưởi. Thề sẽ…phạt anh một tháng không liên lạc. Ngoài trời vẫn đang mưa.
         
        Nhỏ Hương gần xong đợt xạ trị, dì Bốn nhắn tôi vào xem nó có cần gì không. Hơn nữa, nó cũng cần được động viên. Tôi xách xe vào bệnh viện. Trời cứ mưa tầm tầm. Hương ra cửa đón tôi, lần đầu tiên khuôn mặt nó tươi tỉnh, cười nói huyên thuyên, tôi phán:
        -   Gì thế Hương? Mày vui quá tao cũng đâm lo…
        -   Tao…hết bịnh!
        -   Bác sĩ nói à?
        -   Ừ! Với lại…anh Hòa!
        -   Hòa nào?
        Hương đưa mắt sang giường bên cạnh, tôi nhìn theo chợt bối rối khi gặp ánh mắt người đàn ông, Ông ta vẫn đang nằm trên giường mỉm cười chào tôi. Tôi bước lại gần Hương:
        -   Chào chú!
        -   Anh chứ! Tao gọi anh chẳng lẽ mày…kêu chú?
        Tôi lườm Hương. Dường như trong mắt nó đang có…ánh mặt trời! Chả thế mà nó rất vui. Niềm vui là liều thuốc bổ mà lại. Nghĩ thế, tôi cỡi mở hơn:
        -   Dạ…chào anh!
        -   Bạn cô, cô Hương vui tính ghê!
        -   Dạ, còn em…khô như đất cục í.
        Tôi kéo Hương ngồi xuống giường nhưng nó lại lôi tôi ra ngoài hành lang, tôi kê ngay:
        -   Mày định…ở lại “điều trị” tiếp phải không?
        Hương chưa kịp trả lời, tôi khom người áp tai lên ngực nó:
        -   Gì thế?
        -   Xem tim đập ra sao. “Ôi! Rộn ràng…lãng đãng!”
        Mặt Hương ửng đỏ:
        -   Đừng…nói bậy! Tao rất khâm phục anh ấy. Tuần trước tưởng đã “đi” rồi. Nằm ọp đâu hơn mười ngày, khỏe ra được một tí anh ấy lại vùng dậy, lại đi dạo, lại vẽ, lại viết… Bác sĩ đang theo dõi, có vẻ như cơ thể anh ta…có vấn đề!
        Tôi cũng bị cuốn theo câu chuyện, vội hỏi:
        -   Vấn đề gì?
        -   Sức sống của anh ta thật kỳ lạ - bác sĩ bảo thế!
        -   Ừ! Có những người hay thật!
        Tôi vòng tay qua vai Hương siết mạnh:
        -   Hương tạo cho mình một ý chí sống…như anh Hòa…
        Chợt trong phòng có tiếng gọi đứt quãng: “Hương…ơi!” Tôi và Hương cùng chạy vào. Khuôn mặt anh Hòa lấm tấm những mồ hôi đang ngồi dựa lên thành giường. Thấy bọn tôi vào anh cố gượng cười:
        -   Anh định gửi mail cho người bạn mà không cách nào gõ xong địa chỉ, phiền em…
        Nói xong anh đưa tay ôm lấy ngực, xương hàm bạnh ra cố gìm cơn đau.Tôi bước trờ tới đỡ chiếc laptop thay Hương:
        -   Anh Hòa nằm cho khỏe rồi nói địa chỉ, em gửi cho.
        Anh ái ngại nhìn tôi muốn nói lời cám ơn, tôi liếc nhanh qua màn hình. Bức thư vỏn vẹn có mấy dòng – anh định báo tin rằng: “có tin vui cần nói, tìm hoài mà không găp!” Qua cơn đau, anh chống tay ngồi dậy, nói khẽ:
        -   Em gửi: dong…@...
        Tôi lạnh toát cả sống lưng:
        -   Địa chỉ này ư?
        -   Vâng! Bạn anh…!
        Tôi run run tì người vào thành giường. Thấy tôi đứng im, anh nhắc:
        -   Dong…
        Tôi bàng hoàng:
        -   Anh Phú!
        Anh nhìn thẳng vào tôi và ngồi bật dậy:
        -   Em đấy ư Đông?
        Không thể kìm được sự trào dâng đang bị dồn nén trong lòng, tôi bậc khóc. Anh đến bên cầm tay tôi, đôi bàn tay nhỏ nhắn nằm gọn trong tay anh. Tôi để yên cho lòng mình dịu lại:
        -   Anh đau lắm phải không?
        -   Không sao! “Lời nguyền” đang chuẩn bị…xé thịt anh đấy, cô bé ạ!
        Bên kia giường, nhỏ Hương tròn xoe mắt nhìn hai người. Ngoài trời, mưa đã tạnh, những tia nắng xuyên vào phòng, dù mỏng nhưng rực rỡ, ngập tràn.
         
                                                        Phạm Tú Uyên
         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.10.2009 16:35:05 bởi ptuuyen >
        #4
          ptuuyen 23.10.2009 15:20:10 (permalink)
           
                                   TƯƠNG TƯ
           
                                                          Truyện ngắn
           
           
           
             Ngồi một mình trên gác xép, bóng đèn compac không đủ sáng cả căn phòng. Ngoài trời cứ mưa tê tê. Mấy cơn bão liên tiếp đổ vào miền trung. Tôi xót xa nghĩ đến mẹ và em. Ngôi nhà dựng lại với sự nhặt nhạnh vương vãi sau bão, buồn đến rơi nước mắt. Tôi rút một điếu thuốc châm lửa, sợi khói như tơ vương, mịn màng bay lên lan nhẹ trên trần nhà thấp lè tè. Từ góc khuất, chú thằn lằn quen thuộc bò ra, nằm yên lặng, trầm tư như một triết gia. Chú nằm nhìn tôi đọc sách, viết lách. Đôi khi đọc lén cả những bức thư u uất mà người ta gửi cho tôi. Chú chứng kiến tất cả vui buồn, giận ghét trong căn phòng này. Một lần, căn phòng có hai người cãi nhau, thằn lằn nhất định không ra, núp đâu đó nghe lén. Tôi mong nó làm sao, mong như mong một trợ thủ. Giờ đây, lòng đang nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ những lo toan khắc khoải ngoài quê – chú thằn lằn nhìn tôi chia sẻ. Rồi tôi lại nhớ cô bé học trò chiều nay - một chút hương vị thật nhẹ len êm vào người. Tôi mỉm cười vu vơ nhìn lên trần, con thằn lằn khẻ động đậy. Tôi nhắm mắt:
          -         Sao anh lại dạy toán nhỉ?
          -         Ơ… Thì tôi chuyên…toán mà!
          -         Lẽ ra anh nên…dạy văn.
          Tôi khựng lại, không biết có sự cố gì trong chuyên môn chăng. Tôi thòng một câu thăm dò:
          -         Lâu nay tôi vẫn dạy toán…
          -         Nhưng tụi bạn em lại gọi “thầy” là nhà thơ!
          Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Cô bé lục trong cặp lôi ra mấy tờ giấy báo được cắt vuông vức. Tôi liếc nhanh: “Mấy bài thơ đăng báo của tôi”…
          Gió thổi mạnh, những hạt mưa bay qua cửa sổ làm đứt quãng đoạn “phim” ban chiều. Sực nhớ, tôi lôi từ trong túi ra một tờ giấy học trò gấp tư, hai câu thơ được viết nắn nót:
          "Anh ạ, toán khó quá
          Bé thích ngồi làm thơ!”
          Tôi vuốt phẳng để lên trên cuốn sách giữa bàn, lấy viết ghi thêm hai câu bên dưới:
          Ơi chao! Cô bé lạ
          Bé tí mà mộng mơ!
          Tôi ngã ra sau ghế, chú thằn lằn dường như đang ngủ. Mong mày có một giấc ngủ bình yên đầy mộng đẹp.
          Tình bạn giữa tôi và thằn lằn gắn kết thật ngẫu nhiên. Hai bên không hẹn mà cùng nhau tìm kiếm, kiếm tìm sự sẻ chia, đồng cảm. Tôi tin rằng nếu một mai phải xa nhau chắc là tôi rất nhớ nó. Nó hiểu tôi cũng như tôi từng hiểu nó. Đêm nay trời mưa, thằn lằn đã ngủ, tôi lại miệt mài trên những trang viết.
           
          Sáng ghé tòa soạn lấy ít tiền nhuận bút cộng với lương tháng rồi định ghé ngân hàng gửi về cho mẹ. Trời Sài Gòn sáng trong. Hàng me bên đường đã bắt đầu thay lá. Tôi hít thật đầy buồng phổi cái không khí trong lành sớm mai. Với khoản tiền ít ỏi này nhưng mẹ sẽ làm được nhiều việc trong cơn túng bấn, mẹ nhỉ? Tôi hát khe khẻ, đi loanh quanh trước khi đến ngân hàng. Tôi không triết lý nhưng bao giờ cũng vậy – đang vui, thế nào cũng có nỗi buồn động đậy bên lưng. Tôi bị tai nạn thật vô duyên. Vô duyên như thằng cha say rượu đi xe máy tông vào tôi. Tôi đã thấy nó từ xa, đi lảo đảo như chiếc lá mất phương hướng, tôi cố nép sát vào lề, nhưng ác nỗi nó lại nhè vào người đứng yên mà đâm. Chân tôi bị toát một miếng, máu chảy lênh láng. Những người đi đường bảo rằng chân bị gãy. Tôi đau lắm! Trời ạ, thế này sao gửi được tiền cho mẹ, làm sao đi dạy chiều nay? Hình như sau đó tôi ngất và không biết gì.
          Một tuần trong bệnh viện, thời gian quả là dài đối với tôi. Một thân một mình với đôi chân “xác ướp”. Tất nhiên là không dám báo với mẹ. Hai thằng bạn “chí cốt” luôn ghé thăm, còn “cô ấy” dẫu biết nhưng vẫn bặt tăm! Âu đó cũng là sự “gạn lọc”. Tôi mỉm cười bâng quơ nhìn cánh quạt quay tít mù. Trần phòng bệnh viện sạch bong và láng tưng. Trong thâm tâm, tôi nhớ con thằn lằn cùng căn phòng trọ thân yêu quá. Tôi tin nó buồn, nhớ và mong tôi hằng đêm.
          Xuất viện là tôi về ngay. Căn phòng bảy ngày vắng chủ bụi bám, giăng đầy mạng nhện. Tôi đi xa trở về mới có bảy ngày mà ngỡ như “Từ Thức trở lại hang xưa, người thương đâu tá…”Việc đầu tiên là tôi bật bóng đèn, ngồi xuống ghế ngã dài ra sau. Nhìn lại những thân yêu sau mấy ngày xa vắng. Tôi châm điếu thuốc. Khói tỏa như một màn sương mù gợi nhớ xa xăm. Tôi đăm đăm nhìn trần nhà, tịnh không một động tĩnh. Bóng dáng con thằn lằn biền biệt. Chẳng lẽ thời gian dễ dàng phân ly, thời gian dễ nhạt nhòa kỷ niệm thế sao? Khoảng các nào giữ được thủy chung… Tôi chờ gặp nó, cố nhắm mắt cho lòng thôi u uất, định lê đôi chân “xác ướp” ra ngoài. Tôi chống tay đứng lên. Trên bàn bài thơ dang dở của cô bé học trò nheo mắt nhìn tôi, tôi toan nhặt lên thì trời ơi – con thằn lằn! Con thằn lằn nằm trên trang viết bên cạnh. Nó chết khô trên trang viết của tôi. Có lẽ thằn lằn đã kiệt sức, đã vô vọng trong đợi chờ. Nó buông mình rơi. Rơi không như chiếc lá, nó rơi như mũi tên, cắm phập trong mỏi mòn, hờn trách. Tôi gục xuống bàn, hai giọt nước mắt chưa kịp lăn qua mi đã đọng xốn xang, tê buốt.


                                                Phạm Tú Uyên

           
           
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.10.2009 15:30:16 bởi ptuuyen >
          #5
            Ct.Ly 30.10.2009 18:53:00 (permalink)
            #6
              ptuuyen 31.10.2009 16:14:04 (permalink)

              Rất cám ơn Ct.Ly. Thât là môt ngay vui khi biết cả bốn truyện ngắn đã được đưa vào thư viện.
                                         PTU
                                           
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9