HÓA THÂN CÙNG HOA TRÁI XINH TƯƠI
ptuuyen 10.08.2008 22:53:06 (permalink)
     HÓA THÂN CÙNG HOA TRÁI XINH TƯƠI


Nếu có ai hỏi rằng:"mai kia muốn về đâu, thiên đàng hay
địa ngục?".Qủa thật, tôi chẳng dám chê địa ngục hay thiên đàng. Nơi nào cũng xứng với kiếp phận của đời người- phần tôi chỉ xin làm đời người muôn thuở.  
     Cay đắng, xót xa hay gập gềnh nẻo bước- vui buồn, giận ghét đều giúp con người ta lớn lên và tốt hơn- sẽ cảm nhận hạnh phúc rõ nét hơn. Tuổi thơ tôi đầy bom đạn và xác người. Tôi lớn lên trong nỗi đau của đất mẹ. Tôi trưởng thành khi quê hương còn đầy những vết thương. của cải mang theo là tang cha, bát hương của mẹ! Thân xác các anh hy sinh chưa tìm ra hài cốt- hành trang mang theo chỉ là sự buồn bả, u uất  đấy ư?.
 
     Nào phải vậy đâu!. Đất dưới chân ta đang xanh tốt, cây đời mãi sinh sôi. Thân xác các anh nằm đâu đó trên quê hương mình- thịt xương  hoà vào đất mẹ, đã hoá thân cùng hoa trái xinh tươi. Nên của cải ấy, và cùng hành trang cha anh ban tặng tôi mang theo bên mình làm điểm tựa, là bạn đồng hành- hướng đến tương lai!.
 
     Địa ngục là nơi đọa đày, không một ánh đèn cho lối bước. Đóng cũi tương lai của một kiếp người. Tôi xa rời địa ngục.
 
     Thiên đàng không hợp với tôi. Ở đó hoàn thiện quá! Đẹp đẽ quá! Chẳng  tiếng khóc, tiếng cười- chỉ có sự mãn nguyện. Không lo toan nắng mưa, bão rét- chỉ có sự ấm êm. Đâu có anh nông dân uống bát nước pha lẫn mồ hôi mặn chát của mình, đâu có bà mẹ già tóc bạc nhăn nheo cười móm mém nhìn đứa cháu khóc oa oa bên cánh võng. Tôi yêu vô cùng cuộc sống hôm nay, dẫu còn bộn bề, thiếu thốn.
 
                                                    Phạm Tú Uyên
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.08.2008 10:38:47 bởi ptuuyen >
#1
    ptuuyen 13.08.2008 10:32:07 (permalink)
                                    CÙNG EM

     
    Trời chớm thu, nắng vàng- vàng lắm! Có cả gió heo may- có cả màu xanh lúa thời ngậm sữa. Anh vẫn thích rủ em đi lang thang những chiều dưới bầu trời như thế.
    Em nhìn xa xăm, giá mình được bay anh hỉ? Hai đứa trôi bềnh bồng trên thảm lúa, vui phải biết. Anh đã kịp mơ ước gì đâu- anh đã kịp cùng em đi hết cánh đồng đâu.
    Vậy mà em ra đi thật rồi ư?
    Ngọc Hoa! Bao năm không hẹn mà cùng nhau tìm kiếm- sống bên nhau chưa dài sao em vội xa anh?
    Chiều nay có nắng vàng, có gió heo may- có lúa màu xanh ngậm sữa- em đang trôi bềnh bồng trên kia. Ba mái đầu xanh cùng anh theo em đến cuối cánh đồng.
    Em trở về miền hoa cỏ, phiêu du với hương đồng gió nội. Từng lúc, từng khi, từng ngày, từng phút với anh đều nhớ đều thương. Hành trang em mang theo nhẹ tênh như sương khói- nỗi thương buồn anh còn lại lớn lắm đến lặng người. Ngọc Hoa ơi!
                                         
    Phạm Tú Uyên
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.08.2008 10:34:30 bởi ptuuyen >
    #2
      ptuuyen 15.08.2008 10:25:49 (permalink)
                             BIỂN ƠI!                                                            




                                                                       



      Nếu ai đã từng đến với biển - biển về đêm, dẫu chỉ một lần cũng sẽ nhận ra  rằng: Biển đẹp vô chừng! Tôi không những đến với biển một lần về đêm, mà nhiều - rất nhiều lần. Biển với viền cát trắng xa, dài tít tắp đã đẹp - ở đây không chỉ thế. Chỉ một doi cát nhô ra vừa đủ cho một người đi lang thang và ngồi xuống xây cho mình một toà lâu đài, cùng với một nghìn bước chân lẻ. Cuối doi cát triền phía nam là những gành đá gập gềnh, nhô ra chạy lúp xúp từ trên cao xuống mép sóng - chẳng ngần ngừ lội luôn ra biển khơi - ngụp lặn cùng sóng bạc đầu.
         Đêm, bầu trời đầy sao -thật yên lành! Xa xa là ánh đèn chài, đèn trên những lồng tôm hùm - thắp sáng thêm cho những vì sao. Tôi đi một mình như thế - thật ra không phải chỉ một mình - tôi đi với biển. Tôi đi cùng niềm vui và nỗi buồn! Tôi xây xong toà lâu đài - tôi đến cuối doi cát vừa đủ một nghìn bước chân lẻ, là chỉ còn tôi và biển.
         Không biết đã bao lần rồi tôi lang thang nơi này. Chỉ nhớ rằng cứ mỗi lần buồn, tôi lại ra với biển. Ngày xưa anh bảo thế "biển luôn cảm thông và chia sẻ". Thoạt nghe, nó buồn cười, lãng mạn thế nào ấy. Thật lòng, lúc ấy tôi yêu anh nhiều hơn yêu biển - không có anh, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Lòng tôi vốn hạn hẹp, tình tôi luôn mong manh - tôi nghĩ thế. Bởi tôi có một trái tim yếu đuối, một làn gió đủ thổi nó căng phồng máu nóng. Chính anh đã thổi vào tôi nỗi nhớ nhung, chờ đợi - chính anh đã cho tôi ánh nắng biển khơi cùng sự khát vọng, miệt mài của sóng bạc đầu.
         Tôi loay hoay với tòa lâu đài dở dang. Con sóng bạc đầu miệt mài, cố trườn, cố đua nhau, cố thi nhau ai nhanh nhất vào bờ - ước vọng trườn lên đỉnh cao của mỏm đá - của tận cùng đỉnh núi! Tình yêu và khát vọng tình yêu cũng thế - trong trẻo như pha lê, cố vươn đến vô cùng! Mênh mông như bầu trời đầy sao.
         Lần đầu tiên tôi để dở dang tòa lâu đài. Tôi nghĩ, dành thời gian với sự hỗ trợ của sóng bạc đầu, nhặt thêm vài vỏ ốc, dăm mảnh đồi mồi, từ biệt tòa lâu đài dang dở - anh cũng bảo tôi thế, phải không anh! Kỷ niệm của chúng ta bao giờ mà chẳng đẹp - đẹp nhưng không trọn nên đừng cố hoàn thiện lấy làm gì - càng hoàn thiện càng thấy mênh mông buồn. Nhờ anh, tôi yêu biển - nhờ biển, tôi đóng khung được mối tình chúng ta.
         Một tình yêu duy nhất - không biết có đúng vậy không. Nhưng tôi yêu anh vô cùng. Ngay tại thời điểm này đây, tôi vẫn luôn nghĩ và nhớ về anh - nhớ đến tức ngực, nhớ đến bàng hoàng. Dẫu rằng anh đã xa tôi, hay đúng hơn, ta đã xa nhau. Mà gì thì gì không quan trọng, phải thế không anh? Chỉ một điều duy nhất - anh vẫn là bầu trời của em!

         Biển bảo rằng: "nên đóng khung một mối tình" và tôi đã làm thế. Em đang "ôm" khung hình chúng ta và bắt đầu đi một nghìn bước chân lẻ để đến doi cát triền phía nam cùng vài vỏ ốc và dăm mảnh đồi mồi.

         Men theo gành đá nhấp nhô - đứng xa xa cứ tưởng rằng biển dìu tôi trên sóng. Và tôi như tưởng mình đang rất gần với bầu trời đầy sao lấp lánh trên mặt biển.
                                                                                Phạm Tú Uyên        
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.11.2008 16:36:18 bởi ptuuyen >
      #3
        ptuuyen 26.10.2008 08:45:30 (permalink)
         
         
         
         
          BỨC TƯỢNG ĐƯỢC KHẮC TỪ VIÊN PHẤN
         
         
         
                                                          tùy bút                                                  
         
             Xuân Hải là một rẻo đất của sự cố gắng choài ra thêm ít, từ đoạn cuối những nhánh núi của dãy Trường sơn chạy dài xuống cực nam Trung bộ. Muốn vươn thêm nữa để ngữa mặt cùng sóng gió biển Đông. Qua khỏi địa phận thành phố Qui Nhơn- trên đỉnh đèo Qui Nhơn Sông Cầu là thấy ngay Xuân Hải.
             Nó đẹp lắm, đẹp đến nao lòng. Tôi nhận ra điều này vào một buổi chiều cuối tháng giêng khi nắng chạy dài theo bước đi, đọng lại muộn màng trên những đồi cát trắng nhấp nhô. Con đường mới mở, ngổn ngang những đất và đá, duỗi dài theo rẻo đất đến gần Quốc lộ 1 và ngăn cách bởi giòng sông. Chiều tháng giêng nắng vàng tươi. Ở đây nắng chiều đi nhanh quá! Công nhân vừa rời khỏi công trường  nắng đã trường xa tít tắp trên những đụn cát. Bóng nắng nhạt nhoà không sáng nỗi những bờ bụi, những rặng dương liễu lúp xúp, cằn cỏi cao chưa quá đầu người. Tôi lững thững đi như vậy. Cái xách nhỏ trên vai chứa hai bộ đồ và chuyến hành trình ba trăm cây số từ Quảng Nam.
         
             Tôi được công trình sắp xếp ăn ở tại nhà anh Lê. Có thể nói nhà anh đẹp và hiện đại nhất nhì Xuân Hải. Nhà nằm biệt lập trên một đồi cát, xây theo kiểu biệt thự, công trình  tốn gần nửa tỉ bạc sau ba vụ trúng tôm sú. Anh trước đây làm ở phòng thủy sản huyện Sông Cầu, nghỉ hồi thời kỳ còn bao cấp. Về đây mua đất lập nghiệp. Với con mắt nhà nghề, anh chọn vùng này có thể phát triển tôm sú và đầu tư đào, đắp đìa. Lúc mới đến, vùng này còn hoang sơ, nghèo và lạc hậu. Cư dân trong vùng sống bằng nghề sông biển - sông thì mò tôm bắt ốc, biển bơi thúng chai quanh quẫn bờ. Sống lây lất dưới những mái nhà sơ sài, tạm bợ. Anh đến mang cho họ một làn sinh khí mới. Từ nếp nghĩ, cách làm ăn và may mắn với vài vụ tôm được mùa, đìa nhỏ dần rộng ra, một đìa nở thành hai, nhà cửa cũng dần kiên cố.
             Được được nghỉ hai ngày để...đi lang thang! Tôi trèo lên một đồi cát, một núi cát trải dài song song cùng con đường. Trèo lên đồi cát quả thật không dễ, phải mượn từng cành cây, bụi cỏ, và hơn mươi phút trèo lên tụt xuống  mới tới được đỉnh. Trước mặt, một màu xanh ngút mắt của biển. Gío khơi lồng lộng, những con sóng xếp tầng, bạc đầu đuổi nhau lấp lánh dưới nắng mai. Xuôi theo triền đồi chạy dài ra bờ sóng, điểm tô với cát trắng là những vạc xanh của cỏ, bụi cây dại, xương rồng và dương liễu - không đủ cao, không đủ lớn, chỉ mấp mô, nhấp nhô hiền lành đến hoang sơ. Đằng sau lưng tôi là xóm làng thưa thớt chạy dọc tuyến đường. Những ngôi nhà mới xây nằm ẩn bên rặng dừa cũ kỹ, xô lệch bởi nắng gió biển khơi. Trước mặt, cạnh gốc dương già cỗi, sần sùi là một túp lều, hay gần như một túp lều. Có lẽ dùng cho ai đó tránh nắng, được lợp bằng những tàu lá dừa. Tôi khom người chui vào, nằm duỗi dài trên nền cát mịn, trắng tinh. Tôi đảo mắt nhìn quanh, quả thật chổ này làm không hẳn chỉ làm cho ai đó tránh nắng. Góc lều có một cái bàn! Được ghép bằng hai mảnh ván vào cháng ba của thân cây dương, tôi hiếu kỳ nhổm dậy: “Ái chà! Lại có cả bảng viết nữa”. Lòng tôi bổng dưng xúc động, một sự trào dâng không tên cứ xâm chiếm hồn tôi. Giữa bộn bề gió cát00, cô quạnh cùng tiếng rì rào của sóng biển, giữa khoảng mênh mông, sâu rộng ấy lại có sự bình yên đến lạ lùng! Tôi đưa tay sờ lên mặt bảng – gọi là bảng bởi còn những nét chữ mờ của phấn viết lưu lại, và phải thật dễ tính mới có thể gọi là bảng. Bởi nó được ghép bằng những mảnh nhỏ tấm nhựa dùng đóng trần nhà, và được đóng thẳng luôn vào mặt bàn. Dấu vết để lại là những nét chữ nghệch ngoạc,  trong sự chồng chéo, thô vụng – chắc là của bàn tay bé thơ suốt ngày ngụp lặn cùng sò, ốc có cả nét tròn trịa, hiền lành: “Chị bận. Chúa nhật đến học nghe”. Tôi bổng như trở thành một chàng thi sĩ lãng du, ngồi mơ mộng giữa trời đất mênh mông. Tiếng phi lao cùng sóng biển rì rào đệm cho những câu ghép vần ê a của các em nơi này. Ngồi nghĩ ngợi mông lung chán chê, tôi nhảy “ùm” vào biển xanh.
         
         
              Công việc mà tôi nhận làm là quản lý vật tư cho bộ phận xây mương, cống thoát nước, mái Taluy. Suốt ngày làm bạn với sắt, thép, ciment, cát, sạn, đá...Với cái nắng khủng khiếp, chói chang của vùng cát trắng, cùng những con người khô quắc queo bởi cuộc sống công trình.
              Thật lòng, tôi chẳng ưa thích gì công việc này, nó đơn điệu và tẻ nhạt. Nhưng với khối lượng lớn vật tư và hơn một trăm công nhân làm việc, đã khiến tôi bị lôi theo dòng xoáy. Tuyến đường từ chân đèo Quy Nhơn – SôngCầu đến giáp sông, kề QL 1 gần mười km. Ở hai đầu, dân cư từ các nơi đổ về buôn bán sầm uất. Qủa thật, con đường mở ra, lập tức bộ mặt nơi đó thay đổi nhanh chóng. Cách đây không lâu, vùng Xuân Hải gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, dù rằng chỉ cách TP Qui Nhơn bằng chiều dài một con đèo nhỏ. Nhiều cụ già chưa hề biết Quy Nhơn nó ra làm sao, và cũng chưa hề đến thị xã Tuy Hòa!
             Những đụn cát khổng lồ bị con đường cắt đôi lăm le muốn lấp lại. Gió biển lồng lộng xốc cát thổi bay như mù sương. Công nhân đã quen, trưa ngủ trong lều luôn xoay đầu theo hướng gió. Cát có mặt khắp nơi, tóc tai, quần áo, cả trong bữa ăn. Chén cơm sột sạo với cát trắng, mọi cái đều trắng, chỉ da người là đen sần, cháy nám.
             Ban ngày, công việc và nắng gió, đêm về yên bình đến lạ, không một tiếng ồn, chỉ rì rào thông reo. Phố xá như đã lùi vào cổ tích. Bên kia con sông rộng – đèn xe trên QL1 di động ngoằn ngoèo, ẩn hiện như ma trơi. Tôi men theo những thân dừa cao lêu đêu, ra bờ sông, những đìa tôm của anh Lê sáng trưng ánh điện. Anh Lê và bé Huyền đang từ đìa về nhà:
            - Nguyên đấy à ?
                 - Dạ, định dạo ra đìa coi hai cha con anh chăm tôm. Sẵn...tập bơi thúng chai!
                 - Ừ! Huyền đi với chú con.
                 - Dạ, thôi khỏi anh.
            Trời cuối tháng hai, về đêm vẫn còn se lạnh của rét “Nàng Bân”, cái lạnh của mùa xuân mang đầy sức sống khiến lòng người trở nên bao dung, tâm hồn thêm rạo rực cùng đất trời, hoa cỏ. Tôi hát khe khẻ:
                 - Chú hát hay ghê!
            Tôi giật mình quay lại:
                - Sao Huyền không về với ba ?
                - Huyền sợ chú bơi thúng chai lỡ không...vào bờ được!
           Cô bé thật buồn cười. Lật thúng không sợ, lại đi sợ...không vào bờ được! Tôi đi chậm lại:
                - Bé sống ở đây có thấy...buồn không ?
                - Dạ, lúc mới về buồn lắm ạ! Giờ thì không rồi.
           Trời đêm đầy sao. Xa xa trên sông, nhìn những đốm sáng mỏng manh của ghe câu, Huyền buột miệng:
                - Giống như những ngôi sao bị rơi xuống nước, chú nhỉ?
           Tôi ném hòn cuội xuống đìa tôm, không một âm thanh vọng lại, chỉ nghe tiếng rì rào của phi lao:
                - Sau này bé làm chi?
                - Huyền sẽ đi dạy, mẹ cũng muốn thế.
           Chợt nhớ đến căn lều trên đồi cát: “Ừ! Lâu rồi mình không ghé lại”. Chẳng hiểu sao, lòng thấy vui vui:
               - Chú cũng thích…
               - Thích gì cơ?
               - Làm cô giáo hay lắm nhỉ?
               - Dạ!
               Tôi lật ngửa thúng chai kéo xuống mép nước, Huyền lấy cây dầm trên bờ:
        - Chú ở đây cho đến khi con đường xong chứ?
        - Có thể là vậy, một năm hoặc lâu hơn.
        - Rồi lại đi, buồn ghê chú nhỉ!
        - Leo lên thúng kẻo ướt, cô bé!
               Huyền nhẹ nhàng bước vào thúng chai như một chú mèo con, tôi đẩy ra xa. Nước dập dềnh bên mạn thúng lấp lánh như ánh bạc, tôi đùa:
        - Chú sẽ đưa cô bé đi...nhặt sao rơi, Huyền ạ!
        - Ôi! Huyền cứ tưởng...
        - Tưởng gì?
        - .....
        Tôi ngoáy nhẹ mái dầm, thuyền thúng lướt ra xa
        - Quê chú cũng ở biển à?
        - Biển rất xa, nhưng quê chú bão lụt liên miên.
        - Chắc quê chú đẹp lắm! Ở đây xơ xác quá phải không chú? Tuy thế, Huyền rất yêu nơi này
        - Chú cũng yêu nơi này!
        - Vì sao ạ?
        - Chú không biết!
        - Huyền cũng không biết.
         
         
          Còn một tuần nữa tôi lại phải ra đi. Gần năm tháng gian lao cùng gió cát, cùng cái nắng rát mặt cháy da. Giả biệt nơi này, tôi vào Thị trấn Sông Cầu nhận công việc mới: “Kè chắn sóng (Tam Giang, Sông Cầu). Đến một nơi mới, công việc có vẻ thuận lợi và môi trường tốt hơn. Nhưng sao tôi không thấy bồn chồn, hồ hởi, sao tôi cứ như hụt hẫng một cái gì. Tôi chẳng hiểu và chẳng biết nữa.
           Sáng nay ra công trường lòng cứ thấy nao nao. Từng tảng đá lắp dần vào mái Taluy, những bàn tay chai sạn, những khuôn mặt đen cháy của anh em công nhân cứ thoăn thoắt. Núi cát nhường dần  từng bước đi của con người. Tôi xách xe đi dọc theo tuyến đường. Những xóm làng ven đường im ắng, hiền hòa trong nắng mai, bọn trẻ con nghịch cát dưới gốc dừa, trai tráng đã ra đi từ nửa đêm, giờ sắp vào bờ, phụ nữ làm công việc tiếp theo: - đem những con cá câu được ra chợ bán. Tôi dựng xe bên vệ đường, đi về phía biển. Mặt trời đã lên cao khỏi đồi cát, ánh nắng vàng tươi. Vài cụm hoa dại tim tím nép mình bên phiến đá. Tôi đến chân đồi cát. Tôi cũng chẳng biết đến đây làm gì, leo lên đồi cát để làm gì! Có phải tôi lãng mạn quá chăng? – Không biết! Dường như chỉ hiểu rằng: - “tôi đang nợ một cái gì đó!”. Có lẽ sống ở nơi mênh mông trời biển, con người trở nên mơ mộng, lãng mạn? Đường dốc lên đỉnh đồi vẫn thế, vẫn phải bám vào từng bụi cây dại. Gần một trăm năm mươi ngày, thời gian quá ngắn ngủi  để có thể làm đổi thay cảnh vật, nhưng lòng tôi, khoảng thời gian ấy không phải là đó với đây, nó xa xăm như trở về ký ức. Bên sườn đồi, những bụi xương rồng nở hoa vàng nhạt. “Lớp học” im ắng, gió từ biển khơi lồng lộng, túp lều vẫn nép mình bên cội dương già. Tôi như người cũ trờ về chốn xưa, lòng rộn ràng, tò mò và e ngại. Tôi khom người chui vào lều. Căn lều vẫn mênh man gió trời, nhưng lòng tôi như ấm lại. Tôi lấy từ trong túi áo ra một hôp phấn đặt lên bàn, phần quà của lớp, của những em bé chưa một lần được cắp sách đến trường – “Sao lại quên mua gói kẹo nhỉ”. Tôi nghĩ thầm và mỉm cười. Có lẽ “tiết học trước” là tập đọc nên trên “bảng” còn rất rõ một bài thơ: “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây…” dù rằng gió biển đã mài mòn bụi phấn. Tôi với tay lấy hộp phấn trên bàn rút một viên chui ra khỏi lều. Bẻ cành gai lưỡi long, đứng tựa gốc dương già gọt viên phấn – phần quà “cô giáo”. Hình hài cô gái với áo dài trắng ôm cặp đang bước ra từ viên phấn. Tôi đặt “bức tượng” vào hốc cây dương ngay cạnh bàn cùng hộp phấn. Lòng bổng thấy nhẹ nhàng: - “ Thôi, chúc điều tốt lành đến với các em, những bông hoa tim tím nở từ khe đá, những đóa hoa xương rồng đang khoe sắc giữa bạt ngàn gió cát.
                      
                
        Gần mười năm tôi trở lại nơi này. Những chuyến xe qua lại ngày đêm, dững dưng trên đường thiên lý. Phố xá mọc lên, sự đổi thay cũng dễ xóa nhòa ký ức. Mười năm quá dài cho một đoạn đời. Hai bên đường, nhà cửa mọc lên san sát. Bên phía biển, các khu công nghiệp lô nhô ống khói, chạy dài thẳng tắp những tường rào. Tôi nhìn mỏi mắt…đồi cát năm xưa - không còn nữa! Phải thế thôi, mọi chuyện đã đi vào cổ tích. Cuộc sống vốn thế mà.
        Tôi ghé thăm gia đình anh Lê. Ngôi nhà vẫn thế, sân vườn vẫn thế, có khác chăng là sự vắng lặng, im lìm:
        - Các cháu đâu cả anh?
        - Tụi nó đi hết rồi, thằng Long ra trường về làm cho khu công nghiệp.
        - Cháu Huyền?
        - À! Nó dạy trên Sông Hinh
        - Xa vậy! Em cứ tưởng…Ngày xưa Huyền có nói.
        - Ở đây cũng có trường, nhưng nó tình nguyện dến vùng sâu vùng xa. Sao chú đi biệt thế, nó mong hoài, nhất là khi ra trường.
        Tôi lúng túng không giải bày được gì:
             - Mọi cái cứ trôi đi, nhanh thật. Về đây em cứ ngỡ như hôm qua, chắc cô bé và cu Long lớn lắm anh nhỉ - cô giáo rồi mà!
        Anh Lê chỉ hai tấm hình lồng khung để trên tủ:
        - Hình tốt nghiệp đó!
             Tôi nhìn theo hướng tay anh, bổng dưng người tôi gai ốc nổi khắp mình, tôi bàng hoàng ngồi xuống ghế: - “Sao lại ở đây? Là Huyền đấy ư! Là cô giáo với lớp học “túp lều” với những em học sinh dầu giải nắng mưa đấy ư! Tôi bần thần:
        - Tượng ai khắc đẹp ghê anh?
        À! Chuyện “ly kỳ” của con huyền đó – “Chợt nhớ ra điều gì, anh Lê đến sau ngăn “bức tượng” lấy ra một phong thư đưa cho tôi:
        - Con Huyền gửi cho chú hồi mới đi dạy kìa, lâu rồi tôi cũng quên.
        Tôi bồi hồi cầm lá thư trên tay: - “Huyền ơi, chú xin lỗi!”
         Lá thư đã về tay người nhận, một sự đón nhận không hẹn trước. Bì thư ngã màu theo thời gian: - “Huyền mong tin từ khi chú đi, khi đậu Đại học, khi ra trường, khi đi dạy. Giờ ngồi viết thư cho chú, Huyền thấy vui vì được nói chuyện cùng chú, và tin rằng một lúc nào đó chú sẽ ghé lại, sẽ đọc những dòng này. Ngày mai Huyền lên Sơn Hòa…làm cô giáo. Mọi người bảo: “Dạy ở đây tốt hơn, sao lại lên trên núi?” Nhưng Huyền nghĩ có lẽ ở nơi đấy cần hơn, – Giống như Xuân Hải ngày trước, phải không chú? Những “học trò” trên đỉnh đồi năm nào giờ cũng đã học cấp hai, trường lớp khang trang. Cô bé Huyền ngày xưa đã trưởng thành, duy chỉ “tượng cô gái” vẫn ngây thơ, trong sáng.
        Chú ơi! Ngày đó, khi lên đồi dạy các em, Huyền bất ngờ nhận được món quà. Chú không hình dung được là Huyền ngạc nhiên đến mức nào đâu, suốt thời gian dài, niềm vui trong suy nghĩ vu vơ. Cuối những năm Đại học Huyền mới tin chắc rằng: “Đó là của chú!” Bởi không hiểu sao, khi cầm bức tượng Huyền luôn nghĩ đến chú, và nhớ chú, lại…nhìn tượng cô gái…!
         
        Trời đã về chiều. Bóng nắng vẫn nhạt nhòa, tôi nhìn về hướng đồi cát. Đồi cát cùng túp lều - ở đó có tiếng ê a đọc bài, có lời cô giáo giảng, có âm thanh viên phấn miết trên bảng, trong mênh mông biển trời. Nhưng trong tôi lại rõ ràng, lại êm đềm một nỗi nhớ. Và rồi tất cả bước vào ký ức. Huyền ơi!
                                                                        
                                                  Phạm Tú Uyên                                                                   
                                                                          
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.12.2008 08:09:53 bởi ptuuyen >
        #4
          ptuuyen 11.11.2008 09:09:53 (permalink)
              MỘT ĐOÁ HOA NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO
           
           Còn hơn một tuần nữa là đến ngày Nhà Giáo. "Bức tượng được khắc từ viên phấn" là món quà cho em. Chúc những điều tốt lành, cô giáo Huyền ạ!
           
                                                    Tú Uyên
          #5
            ptuuyen 15.11.2008 14:30:18 (permalink)
                                    NỒI BÁNH CHƯNG VÀ MẠ
             
             
                      Ba mươi năm trước, tôi là cậu học trò xứ Quảng ra Huế học. Cứ đêm đêm, nhất là vào mùa mưa, đạp chiếc xe lọc cọc đến Nhật Lệ ăn bánh chưng. Ngày ấy, với túi tiền còm của sinh viên, món ăn đầy hương vị quê nhà mà lại rẻ, chỉ có món bánh chưng.
                      Hàng bánh chưng O Tư ở Nhật Lệ ngon có tiếng ở Huế. Gọi là hàng nhưng thực ra chỉ là cái quán nhỏ, được che vài tấm tôn thòi lòi trước hiên ngôi nhà cũ kỹ, buồn buồn như đêm mưa xứ Huế. Người ta sẽ không ao ước gì hơn khi ngoài trời cứ mưa rả rích, lê thê, gió lạnh từng cơn mà chui vào trong quán, tìm một góc khuất nào đó, nhâm nhi chiếc bánh chưng nóng hổi, thơm lựng mùi gạo nếp, mùi lá bánh..
                      Suốt bốn năm đại học, tôi là khách quen của O Tư. Lúc đó, O đâu quãng 40 tuổi, bằng tuổi mẹ tôi ở quê. Nỗi cơ cực của những người nghèo khó, dù thành thị hay nông thôn cũng có cái giống nhau, tất bật, lam lũ và như già trước tuổi. Con lớn của O cũng cỡ trang lứa tôi, đằng sau thêm một bầy nhóc…bốn tên! Mẹ tôi ở quê còn có mảnh vườn rộng cùng dăm sào ruộng lúa. Một đàn gà sinh sôi, một bầy lợn nái, rau rác còn hái được quanh vườn – O Tư vỏn vẹn một nồi bánh chưng!
            Tôi ngồi thu mình trong góc quán. Ngoài trời mưa cứ tê tê, rả rich.  Mùa đông xứ Huế khỏi nói, lạnh thấu tim gan. Lâu lâu, tiếng rao “hột vịt lộn” văng vẳng từ xa nghe sao thảng thốt. O Tư phong phanh chiếc áo cánh “chỉ huy” mấy đứa con khi quán đông khách. Mà phải công nhận một điều là lúc ấy ở Huế hàng bánh chưng của O ngon đặt biệt. Màu lá bánh xanh rì, căng cứng dưới lạt buộc. Bánh được lột ra, màu xanh nhạt của lá chuối in lên những hạt nếp no tròn, đều đặn sắp lớp vuông vức. Hơi nóng từ bánh tỏa ra quẩn quanh, đậm đặc trong cái lạnh tê buốt ngoài trời. Chỉ đơn giản cùng một chén xì dầu với trái ớt cay thót đầu lưỡi là ấm lòng đêm đông, sau những buổi học khuya của sinh viên chúng tôi. Hương vị ngọt bùi của nhân đậu xanh, béo ngậy từ thịt ba chỉ tan nhừ, quyện với nếp thơm “Bà Bầu” hạt nhỏ, đều rưng rức làm tôi như quên đi cái lạnh tái tê đang chờ mình trên đường về! Sau miếng bánh cuối cùng được đưa vào miệng, và như chờ sẵn, O Tư đưa ngay cho tôi ly nước chè xanh nóng hổi. Thỉnh thoảng, O lại dúi vào tay tôi một cặp bánh: - “Con đem về ăn sáng”. Tôi thương O và nhớ mẹ ở nhà, còm cõi một nắng hai sương lo cho tụi con ăn học.
            Nỗi cơ cực của những bà mẹ. Tấm lòng yêu thương, sự hy sinh đươc thấm sâu trong từng đứa con – Con của O ngoan và học giỏi. Nồi bánh chưng ngày ngày bốc khói, lớn dần lên cùng sự nhọc nhằn, gian khó.
             
            Bao năm dài không trở lại Huế - bốn năm đại học, ngần ấy thời gian của tuổi trẻ cũng đủ in đậm những yêu thương vào ký ức! Tôi trở lại Huế, lòng bỗng nao nao. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là O Tư, không biết O ra sao trong cuộc sống, có còn ở Nhật Lệ nữa chăng? Vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống bao cái phải lo toan, sự đổi thay nào ai biết trước. Xong công việc, sáng hôm sau tôi vô Thành nội. Đường Đoàn Thị Điểm những hàng cây đại thụ rợp bóng, thâm nghiêm. Trời se lạnh, cái lạnh thường làm lòng người nhiều suy tư – trở về dĩ vãng: Tôi đang như thế! Ngày xưa và hôm nay bổng mất dần khoảng cách. Tôi như tưởng mình đang đi trong thời xôn xao trai trẻ, như mới hôm qua. Đến ngã tư, ngoặt qua Nhật Lệ, bức tường rào trường Nguyễn Huệ vẫn thế, vẫn rêu phong, hàng đại thụ trầm mặc tỏa bóng cả con đường. Bước chân tôi tự nhiên như chùn lại, bâng khuâng. Có cái gì đó náo nức, lại như e dè, như xao xuyến đang trổi dậy trong lòng. Dường như đó là sự xúc động: Tôi đang thấy chính mình ba mươi năm trước.
            “Ôi! Hàng bánh chưng vẫn còn”, tôi reo lên bước nhanh qua đường. Ngồi trong quán, trước khay bánh chưng là một bà lão tóc bạc trắng, nét mặt trông quen nhưng…”Chẳng lẽ là O Tư đây sao? Tôi bước vô quán: -“Cho con cặp bánh” Và ngồi xuống chiếc bàn kê trong góc mà ngày xưa tôi vẫn thường ngồi. O quay lại: - “Không thể là ai khác, O Tư đây rồi” Vẫn dáng vẻ ấy, vẫn chiếc áo cánh… có khác chăng tóc đã trắng như bông. Hương vị bánh chưng vẫn thế, chén nước chấm xì dầu dằm ớt vẫn thế, một ly chè xanh bốc khói khi tôi vừa ăn xong: -“Thằng Long đấy phải không, răng con đi mô mà bặt tin rứa?”. Tôi ứa nước mắt: - “O Tư! Sao O nhận ra con?”. “Răng không nhận được hỉ, O ngồi ở đây mấy mươi năm rồi, cuộc sống đi qua từng ngày một…”.
            Ngôi nhà khang trang hơn xưa, nhưng lại vắng lặng, im lìm. Chỉ còn hai vợ chồng O, thỉnh thoảng vài đứa cháu về thăm. Các con đều trưởng thành, được học hành đến nơi đến chốn, có người là Tiến sĩ đang giảng dạy tại Huế: -“O ơi! O đã cùng nồi bánh chưng đi suốt quãng đường từ bé thơ cho đến lúc trưởng thành của con cái. Nỗi nhọc nhằn, cơ cực hằn sâu trên gương mặt, nằm trọn vẹn trên mái tóc bạc trắng – trắng như những hạt nếp trắng ngần mà O đang sãy. Tôi chạnh lòng nhớ đến mẹ. Người đã hy sinh cả một đời cho những đứa con – giờ không còn nữa!
             
                                                             Phạm Tú Uyên
                                                         Huế chớm đông 2008
                                                             
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 15.12.2008 08:05:26 bởi ptuuyen >
            #6
              ptuuyen 19.11.2008 17:20:34 (permalink)
                                                 NHẤT TỰ SƠN


                                                                      Tùy bút


               
                   Nhất Tự Sơn là một hòn đảo nằm trong vịnh Xuân Đài, thuộc xã Xuân Thọ, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Có người cho rằng: Núi đảo hình chữ “nhất”, người địa phương thì bảo: Trên núi có một ngôi chùa, có mộ bà Vãi!  Hình chữ nhất thì đúng rồi – thiên nhiên dùng bút lông vạch ngang một đường trên nền biển xanh. Diện tích đảo chừng 5 hét ta, đỉnh núi chạy thẳng từ Bắc sang Nam, hai đầu vách núi hiểm trở, thẳng đứng. Trên lưng chừng núi có một ngôi mộ, không biết đã có từ bao giờ. Những ngày lễ tết, đôi khi rằm, dân cư trong vùng vẫn ra thắp hương, và đồn rằng ”còn có vết tích một ngôi chùa” – người dù có trí tưởng tượng phong phú cỡ nào cũng khó hình dung đó là vết tích – Một tảng đá tương đối bằng phẳng, mỗi bề chừng 3m, một số đá nhỏ “giựt tam cấp”, nằm trên đỉnh phía Bắc - là ngôi chùa nên phải có Sư hoặc Vãi, và thế, hiển nhiên ngôi mộ của bà Vãi là hợp lý hơn!
              Điểm đặc biệt của Nhất Tự Sơn mà không một nơi nào có được: Đường thiên nhiên…vượt biển ra đảo! Thật ra, Nhất Tự Sơn như một tấm bình phong nằm ngoài biển, cách bờ chừng 300m, che chắn sóng gió cho làng Mỹ Hải và Mỹ Thành. Tấm bình phong đảo tạo nên hai luồng sóng bên Bắc, bên Nam xô vào. Hai con sóng hai phương ập xéo đến thành “sóng chọi rồng”. Từ tháng chín trở đi “sóng chọi rồng” trở nên kỳ vĩ, khởi đầu từ trong đất liền một cột sóng “ùn” lên, càng lúc càng lớn và cao, có thể tưởng đó như chiếc đầu rồng – con rồng sóng uốn éo trườn ra đảo, va vào gành đá hóa thân thành bụi nước tung mù trắng xóa. Những “con rồng” ấy mang đá, cát đắp thành đường nối liền từ bờ ra đảo. Khi nước triều xuống, ẩn hiện một con đường, người dân có thể qua lại dễ dàng thậm chí có lúc đường đi hoàn toàn khô ráo!
              Đảo như một khu vườn nguyên sinh. Sườn phía Tây bờ dốc thoai thoải, Bằng lăng, Trắc…mọc nhiều. Sườn bên Nam vách đá hiểm trở có vô số mai vàng, có những cội mai cổ thụ, thân sần sùi, khúc khủy, gân guốc, tháng năm chống chọi với gió bão. Người dân trong vùng từ ngàn xưa luôn xem đảo như vị thần trấn giữ biển Đông, nên giữ gìn, bảo vệ dù một tảng đá, cành cây! Chỉ một cơn “áp thấp” ngoài khơi xa, sóng biển đã xô vào gành đá tung bụi nước trắng mù cao trên 3m. Mặt đảo hướng đông phong cảnh cực kỳ ngoạn mục. sự xâm thực của sóng, của bảo tố, gió biển mài mòn, khoét sâu vào lòng núi những hang động hun hút sâu, nhiều ngóc ngách, có thể chứa hàng trăm người! Thời chống Mỹ, hang Dơi là nơi trú ẩn của bộ đội và du kích địa phương. Muốn vào hang Dơi phải trầm mình xuống nước, lặn một hơi dài như ống “cổ cò”. Bên trong hang, ánh sáng nhờ nhờ từ những lỗ thông trên vách núi.
              Mùng năm, ngày tết hoặc những ngày lễ lớn, khách từ Tuy Hòa, Quy Nhơn về đây rất đông. Chiêm ngưỡng một cảnh quan thiên nhiên còn đang sơ khai. Đứng từ xa nhìn về Nhất Tự Sơn, hai bên ghe, thuyền, lồng tôm hùm ken nhau san sát – du khách “đi” qua đảo trên con đường mấp mem sóng nước cứ ngỡ như đoàn người đang đi trên mặt biển!
               
                              Phạm Tú Uyên
               
                                                                                 
                                                                                 
                                                                                                                                                                                                                    
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2008 08:25:02 bởi ptuuyen >
              #7
                ptuuyen 19.12.2008 09:27:43 (permalink)
                                        MỐI TÌNH CỦA BIỂN
                 
                                                           Tùy bút Phạm Tú Uyên
                 
                 
                 
                 
                    Kè chắn sóng Tam Giang – Mỹ Hải vào giai đoạn hoàn thành. Con đường dài gần 1,5km. Khởi đầu từ đoạn cuối hạ lưu sông Tam Giang, ôm trọn thôn Dân Phước, che chắn hơn nghìn hộ dân khỏi nguy cơ bị sóng biển mang đi. Con đường không dừng lại ở đó, men theo chân núi, trải dài đến Mỹ Thành, hòa vào QL1 dưới chân dốc Găng – một con dốc “dữ tợn” của huyện Sông Cầu (Phú Yên). Con đường đi ngang trước đảo Nhất Tự Sơn, thế là dự án Khu du lịch được mở ra. Tôi về Nhất Tự Sơn vào những ngày tháng chín.
                   Mùa mưa ở miền biển thật buồn, nhất là những nơi xóm làng còn nghèo, còn hoang vắng! Buồn hơn nữa khi một bên là biển, một bên là làng chài dưới chân núi. Dưới màn mưa trắng xóa, núi đá thâm u, cây rừng trầm mặc, những hàng dừa rũ rượi, ngã nghiêng theo từng cơn gió. Bốn tháng mùa mưa như thế này mà biến một vùng hoang sơ, cây cối, gai góc um tùm thành một khu du lịch : có nhà nghỉ, bến bãi, cầu tàu, nhà hàng, vườn thú thì quả thật…như mơ! Trời vừa tạnh, tôi lang thang qua khỏi bãi Lổ Sâu, con đường ngoằn ngoèo một bên biển một bên núi. Đi chừng hơn hai trăm mét là đến đầu thôn Mỹ Thành, nơi dẫn qua đảo Nhất Tự Sơn. Thủy triều đang rút nên con đường ẩn hiện dưới những đợt sóng “chọi rồng”. Từng cột nước được sóng tạo trồi lên, kéo dài “chạy” uốn khúc qua bên đảo. Tôi định xắn quần lội qua:
                  -  Chú qua giờ này ướt hết, sóng thế kia…
                  Tôi quay lại, một cô gái mặt áo mưa phủ kín để lộ khuôn mặt bầu bầu:
                  -  Sóng đẹp ghê!
                  -  Chưa đẹp đâu chú, khi nào có gió mạnh kìa!
                  -  Nhà…bé ở đâu?
                  Cô bé chỉ tay về phía dốc nghịch ngợm:
                  -  Ở đây nhà nào…cao nhất là nhà cháu.
                  Thấy tôi có ý định muốn qua đảo, cô bé liếng thoắn:
                  -  Sóng không chỉ làm ướt đồ đâu, nó xô chú ngã đấy! Tốt nhất chú đi bằng thúng chai.
                  Tôi bối rối nhìn quanh:
                  -  Chú đứng đây đợi!
                  -  Chú đợi nước rút ư? Hai giờ nữa mới đi được, cháu sẽ chở chú qua đảo.
                  -  Cô bé ?
                  -  Dạ, cháu là dân biển mà!
                  Tôi phụ cô gái khiêng chiếc thúng đang úp gần đó xuống mép sóng:
                  -  Chú leo lên đi.
                  Một đợt sóng ập vào, hai người nhảy vội vào thúng, chiếc thúng chòng chành rồi nhẹ nhàng lướt sóng thẳng hướng ra đảo:
                  -  Chú tên Nguyên, cô bé tên gì?
                  -  Dạ, cháu là Huyên.
                  -  Huyên đang đi học chứ?
                  -  Cháu…thi rớt!
                  -  Sang năm thi lại?
                  -  Dạ…
                  Thúng sắp cập vào gành phía bắc của đảo, Huyên ngoáy mái dầm, thuyền thúng đứng yên:
                  - Chỗ này sâu lắm à chú.
                  Tôi đưa tay khoáy khoáy vào những con sóng dập dềnh bên mạn thúng, màu nước biển xanh thẩm:
                  - Rất tốt!
                  - Tốt gì cơ?
                  - À! Ý chú muốn nói ở đây nước sâu rất tốt.
                  - …
                  - Ở đây tàu nhỏ có thể vào được Huyên nhỉ?
                  - Dạ được chú ạ!
                  Tôi trèo lên bờ tạm biệt cô bé Huyên, chiếc thuyền thúng lại nhẹ nhàng trở về làng. Mưa lất phất gió thổi mạnh, ngôi nhà của anh em công nhân được lắp ghép bằng gỗ nằm nép mình bên gốc Bằng lăng cổ thụ. Trên đảo chỉ có những lối mòn nhỏ, men quanh co theo chân bờ sóng cây cối, dây leo mọc chằng chịt. Trong trại vọng tiếng đàn của Thế Hà, nhạc sĩ đang công tác tại nhà Văn hóa trung tâm: “Nghe dân gian kể lại, bao linh thiêng đồn rằng chuyện huyền thoại giống thật, sóng chọi rồng giống rồng… Nhất Nhất Nhất Tự Sơn, yêu cái tên luôn thèm gọi…”. Tiếng đàn, giọng hát trong chốn rừng núi thâm u, ướt sủng nước mưa, nó trầm trầm đậm đặc như từ cây cối, đất đá, hơi núi phát ra: “…thăm bà Vãi lên đỉnh cao tháng năm nắng mưa dãi dầu. Đá xếp tầng đùa biển, biển xanh sóng bạc đầu…”. Tôi không muốn đứt đoạn nguồn cảm hứng của Thế Hà nên theo lối đường mòn vào sâu trong đảo.
                     Một chuyến tàu ra bãi Ôm gồm năm người: Giám đốc Công ty, tôi, nhạc sĩ Thế Hà, lái tàu và một người dân địa phương. Trên đường về ghé lại bãi Than. Cái tên bãi Than đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – đá toàn một màu đen xám của than đá. Từ những tảng đá to bằng ngôi nhà đến hòn nhỏ cỡ nắm tay, được sóng biển khoét, bào mòn thành những “tác phẩm” kỳ diệu.
                     Tàu được thả neo cẩn thận, ngoài biển Đông đang có áp thấp nhiệt đới. Tôi và Thế Hà vô bờ sau cùng. Mọi người quần áo ướt sủng nước, một con sóng đưa thuyền thúng và cả bọn chúng tôi lên bờ cát, líu víu những rau muống biển, sóng đập vào gành bãi Than tung bọt trắng xóa. Anh Cự dân địa phương, người đen nhẻm, rắn chắc trạc bốn mươi tuổi lo lắng nhìn chúng tôi:
                  - Nếu các anh ở đây lâu sợ khó ra lại thuyền, sóng lớn dữ quá!
                Anh Việt Giám đốc Công ty du lịch nữa đùa nữa thật:
                  - Nếu không chèo được, mọi người…sẽ bơi!
                Nỗi e ngại sóng to bão lớn không còn làm chúng tôi bận tâm, phong cảnh nơi đây đã thật sự cuốn hút nhóm người mới lần đầu đặt chân lên bãi Than. Nhạc sĩ Thế Hà hát nghêu ngao: “Ra vũng Sứ không thấy sứ ngồi vũng Me không thấy me – A! Đây rồi chân đứng trước vũng Chào, vũng La sao đẹp thế, thấy vũng nào xinh cũng xinh – Bãi Ôm đang đợi tình ta…”. Chợt anh Sự đưa tay lên miệng làm loa gọi: “Mọi người nên về thôi, biển có bão nguy hiểm lắm!” Giọng anh mất hút trong từng đợt gió rít, tiếng ầm ào của sóng. Ngoài khơi thấp thoáng hai chiếc tàu cá đang thẳng hướng bãi Than, tôi quay sang anh Cự:
                  - Hình như tàu đang vào chỗ mình?
                Anh Cự không trả lời, vừa chạy vừa hú gọi mọi người trở về tàu. Hai chiếc tàu mới đến thả
                 neo ngoài xa, những người đứng trên tàu vẫy gọi rối rít. Tôi chưa hiểu chuyện gì, anh Cự và mọi người quay trở lại, như một người chỉ huy:
                  - Tất cả về thuyền, áp thấp đã mạnh lên thành bão, ở đây rất nguy hiểm. Trong làng cử hai chiếc tàu đi tìm chúng ta…
                Qủa thật chúng tôi chưa thấy sự nguy hiểm đang ở hướng nào, khoảng cách một trăm mét bơi ra thuyền cũng dễ! Sóng, gió dù đang gào thét, những bãi đá lởm chởm nhe ra như răng cá sấu cũng chưa đủ làm chúng tôi sợ, chỉ cần ra tàu, một loáng là về tới bờ, mọi người nghĩ vậy nên chẳng ai lo lắng. Thúng chai được kéo xuống nước, một con sóng ập tới “ào” mọi người ngã nhào, thúng chai to là thế mà sóng “quăng” lên gần cuối bãi cát. Cứ quăng lên dội xuống vài lần, không thể đi bằng thúng ra tàu, chúng tôi quyết định cùng bơi ra. Một trăm mét thì chẳng có gì, nhưng anh Cự lại không yên:
                  - Gió đang thổi rất mạnh, chếch Tây Nam, các anh đừng để bị đừa vô gành đá, có mấy vụ kiểu này rồi, dập tan hết…!
                Giám đốc Việt là người bơi ra đầu tiên, tự tin lắm, mà anh bơi cũng cừ, theo sau hai người nữa – rồi tất cả cùng lao xuống biển. Hơn năm phút ngụp lặn, sóng biển nhồi lên dìm xống bọn tôi đã mệt phờ mà tàu thì vẫn còn xa, chợt Cự hét thất thanh:
                  - Vô lại bờ - tất cả vô lại bờ!
                  Mọi người chưa hiểu điều gì thì đã thấy anh cố sức quay lui. Đang loay hoay chưa biết có nên bơi tiếp hay theo lời anh thì một con sóng dữ dội lôi vút tôi lên ném “ào”. Những tiếng la thét, tiếng gió gào, tiếng sóng – mớ âm thanh hổn độn không phân biệt được, nhưng bản năng sinh tồn khiến tôi cảm nhận được mối hiểm nguy đang cận kề. Tôi dùng hết sức mình cố tránh những con sóng, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Vách đá lởm chởm lờn vờn bên cạnh, chỉ một tích tắc, chỉ một cái lơi tay, chỉ một rủi ro dù  nhỏ nhất cũng đủ làm tôi tan xác! Thấp thoáng trong những đợt sóng còn có hai người nữa đang cố vượt qua vùng nguy hiểm. Tôi định hướng thật chính xác khu vực bãi cát, nhoài người lặn một hơi dài – trận đánh cuối cùng, được “ăn cả”, “ngã”…tùy trời! Vừa ngút hơi ngoi lên khỏi mặt nước người tôi bỗng nhẹ tênh, sự bất lực – vâng! Tôi hoàn toàn bất lực, con sóng khủng khiếp nâng tôi lên cao. Chẳng lẽ đơn giản thế này thôi ư? Tôi sẽ bị đập tung vào gành đá lô nhô ở bãi Than. Trong ầm ào của trời biển dường như có cả tiếng người, “ào” cuối cùng con sóng cũng đến đích của nó -  tôi nằm gọn trong đám rau muống biển xác xơ, Giám đốc Việt đang lồm cồm ngồi dậy bên cạnh, Thế Hà xa hơn cuối bờ cát giáp gành đá, thật may!
                   Mọi người lại ở điểm xuất phát. Phương án được đưa ra: anh Cự một mình bơi ra lấy dây thừng, chúng tôi bơi theo dây và tất cả nhanh chóng về tàu. Hai chiếc tàu đánh cá của dân vẫn đang thả neo, mọi người bớt lo lắng khi thấy chúng tôi bơi ra an toàn. Thế là thoát nạn, cả bọn thở phào nhẹ nhỏm. Anh Hòa cho tàu chạy áp sát chúng tôi:
                  - Bình yên cả chứ?
                  - Mỏ neo bị dính đá không kéo lên được, chắc phải cắt bỏ.
                   Anh Việt hét trả lời và cho Long lái tàu nổ máy. Máy vừa nổ anh lại mũi mở dây neo, bên kia Hòa hét lên: “Khoan mở!”. Nói xong anh quăng sợi dây thừng sang bảo cột chặt. Sợi dây được quấn sơ sài vào mũi tàu, còn dây neo thả rơi như sợi chỉ mong manh, mất tăm vào biển  cả dậy sóng. Chiếc tàu rùng mình hướng mũi ra khơi, bên anh Hòa vẫn chạy song song cùng chúng tôi, bổng như có điều gì đó không bình thường trên tàu. Chiếc tàu khựng lại chòng chành chao nghiêng, tàu anh Hòa vượt lên, tiếng kêu thất thanh từ dưới hầm tàu: “Chết máy!”. Tôi ngồi phía mũi, sợi dây thừng được anh Việt quấn lỏng lẻo tuột ra, khúc dây còn lại trườn dưới chân, tôi lao tới chụp sợi dây vòng nhanh vào cột mái ở mạn tàu, chiếc tàu lắc mạnh mọi người ngã nhào. Sợi giây trong tay căng cứng, tôi quấn thêm mấy vòng nữa rồi cột lại – thoát nạn! Anh Việt đứng tái méc không biết do lạnh hay khiếp đảm vì sự cẩu thả vừa rồi. Chỉ trong chớp mắt tôi đã cứu được một bàn thua trông thấy – chiếc tàu sẽ bị gió và sóng kéo vèo vèo, đập tan tành trên vách đá! Tay tôi bị toét một đường dài giờ mới thấy rát, nhạc sĩ Thế Hà đập tay lên mạn thuyền: “Mũi hòn Cỏ thương nhớ ai, bãi lỗ Sâu bấy lâu mong chờ…”
                     
                                                       Phạm Tú Uyên

                                                              (còn tiếp)
                         
                                                                                                                             
                 

                <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.12.2008 09:48:06 bởi ptuuyen >
                #8
                  ptuuyen 10.01.2009 09:02:58 (permalink)
                                   CON KHÔNG VỀ ĐƯỢC MẸ ƠI!



                            Vậy là tết này con không về được rồi mẹ ơi! Con biết những ngày này mẹ đang đỏ mắt ngóng chờ chị em tụi con, con biết nỗi quạnh hiu, trống vắng của ngôi nhà trong những ngày cuối năm. Hàng xóm chắc đang rộn ràng sửa sang, dọn dẹp nhà cửa. con biết…!
                            Cầm duy nhất tấm vé xe đò trong tay - trời Sài Gòn cuối  tháng chạp cái lạnh cũng se sắt nhưng tay con ướt đẩm mồ hôi. Tấm vé không hề vô tri khi đang nằm trong tay, nó là cầu nối để chúng con về bên mẹ, gia đình mình lại vang lên tiếng nói cười. Mấy ang thóc nếp của vụ gặt hồi tháng bảy mẹ để dành tết gói bánh chưng, nồi bánh chưng sẽ sôi sùng sục, ánh lửa rực hồng trong đêm đông có làm khô đi giọt nước mắt vừa long lanh nơi gò má nhăn nheo, cơ cực tháng năm của mẹ.
                            Một tấm vé duy nhất cho em con. Con biết mẹ sẽ bảo rằng: “Đàn gà choai qua tết sẽ bán được, mấy con vịt để dành giổ ba chắc không dùng hết, lúa vẫn còn…” Nhưng qua tết sẽ là những ngày giáp hạt, mẹ sống thế nào khi không có tụi con bên cạnh
                           Con vừa đưa em con ra bến xe. Chiếc xe đò dững dưng lăn bánh. Chuyến xe cuối năm mang những người thân xa quê về với gia đình, mang em con về với mẹ. Con đứng chơ vơ giữa dòng người xa lạ, sự mong ước tột cùng của con là được về bên mái ấm gia đình, được ngồi bên mẹ, được thắp lên bàn thờ ba một nén nhang, được quây quần bên mâm cơm cúng ông bà chờ đón giao thừa…Thế mà cũng không làm được – mẹ! Sự tủi thân cứ chực trào lên khóe mắt. Con đạp xe lang thang trên phố về lại nhà trọ, một thân trơ trọi, lủi thủi trong căn phòng lạnh vắng hơi người. Xí nghiệp cho nghỉ tết là bọn bạn con đã khăn gói về quê cả. Con biết mình không thể…liều mua hai vé xe được, dù rằng con đã náo nức từ đầu tháng chạp lận mẹ ạ! Chị em con nhớ mẹ, nhớ quê vô cùng, muốn về sà vào lòng mẹ, muốn hít thật sâu mùi cháy nồng cơ cực một đời của mẹ. Mùng bảy em con sẽ vào học lại. Một tuần của lúc này nó không đơn thuần là bảy ngày, nó là nỗi xót xa, tủi thân, là nỗi nhớ của đứa con xa quê, không về nhà được vào những ngày cuối năm. Sáng sớm mai em con sẽ về tới nhà. Em nhớ lau dọn bàn thờ ba và thắp dùm chị nén nhang.
                            Con không về được…Mẹ ơi!

                                                                          Phạm Tú Uyên
                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.01.2009 09:22:17 bởi ptuuyen >
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9