KÝ ỨC TUỔI THƠ
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 29 trên tổng số 29 bài trong đề mục
ptuuyen 07.08.2009 16:24:21 (permalink)
               
                KÝ ỨC TUỔI THƠ   (tiếp theo)
     
Sự việc mà bọn tôi mong chờ nhất là được nghe cậu Hòa (cậu của Vân) kể về những gì xãy ra với mẹ và chị tôi. Cậu kéo tôi và Vân lại gần:
-       Hôm xãy ra chiến sự ở Hòa Bình, mọi người chạy hoảng loạn, chị Hai theo một nhóm chạy lên hướng Củng Sơn, dì Liên chạy về ngoại. Sau đó dì với cậu Hòa về Phú Thứ tìm Vân. Làng xóm cháy tan hoang, dì cũng gặp mẹ tôi, cả hai bà mẹ bươi tìm trong đống đổ nát thân xác con mình. Suốt mấy ngày liền hai bà mẹ như điên như dại, khóc hết nước mắt. Sau gặp bà Ký xóm chợ nói thấy hai đứa dắt nhau chạy tìm mẹ trong đạn bom, dưới trời mưa tầm tã không biết sống chết ra sao! Cùng lúc này, mẹ được tin anh Hà. Thế là hai bà mẹ bàn với nhau – dì Liên với cậu Hòa đi lên hướng trên tìm bọn tôi, còn mẹ xuống Thị xã tìm anh Hà.
-       Cậu ơi! Mẹ con đâu?
-       Rồi sẽ gặp mẹ con ạ!
Cậu Hòa quay sang tôi:
-       À! Hơn nữa tháng trước cậu có gặp anh Sơn của con…
Tôi rú lên mừng rỡ:
-       Anh Sơn... anh Sơn...! Trời ơi, cậu gặp anh Sơn con ở đâu?
-       Cậu có gặp…nhưng…
Như linh cảm có điều gì đó, tôi hỏi dồn dập:
-       Nhưng…nhưng sao? Cậu nói đi!
-       Đánh nhau mấy ngày đêm, sau địch tăng cường quân, Cách mạng rút lui. Có một anh Bộ đội bị thương ở bụng được bà con đem về cứu chửa, nhưng vết thương nặng lắm – toác cả bụng, ruột cứ phèo ra, bà con lấy vải mùng rịt chặt bụng lại. Bọn địch săn lùng dữ quá, mà ở đây lại chẳng có thuốc men gì, cuối cùng theo nguyện vọng của anh Bộ đội là đưa anh qua sông để tìm về trạm xá đơn vị. Hôm đó cậu đi ngang qua, biết chuyện vào thăm anh Bộ đội. Anh ngồi trên giường mặt mày xanh méc, chắc là mất nhiều máu lắm, nhìn thấy ngờ ngợ, quen quen. Hỏi ra mới biết là chú Sơn, gặp đôi lần ở Phú Thú. Cậu tình nguyện đưa chú Sơn về trạm xá của đơn vị. Dưới đất, từng tốp lính đang lùng sục, trên trời bọn chuồn chuồn (trực thăng) bay “phạch phạch”. Khúc sông này  sâu, cậu tìm đoạn hẹp và kín lấy ghe chở chú Sơn qua sông. Qua được già nữa sông, chiếc “chuồn chuồn” bổng đâu sà xuống: “cảo…xèo…cảo…xèo”. Bọn chúng phóng rốc két, cả hai nhảy “ùm” xuống nước. Cậu bị thương ở chân tê buốt cả người, nhưng cố ngụp lặn vô được bờ, nhìn lại chẳng thấy chú Sơn đâu. Chiếc ghe dập dềnh trôi xuôi dòng. Con “chuồn chuồn” còn chưa muốn đi, nó quay lại: “cảo…xèo”! Chiếc ghe chìm luôn xuống sông. Vậy là chú Sơn đã hy sinh! Tối đến và những ngày sau bà con ra mò tìm xác nhưng không thấy – tội nghiệp!
Tôi thẩn thờ. “Em chờ gặp anh hoài mà giờ lại nghe được tin này, anh chết thật rồi sao? Nhanh thế anh Sơn! Không, anh không thể chết được! Hồi trước bọn chúng bắn thẳng vào người anh ở ga Gò Mầm mà chưa nhằm nhè gì. Quyết là anh không thể chết được, tôi tin thế!
Ăn trưa xong cậu Hòa định xin phép bác Hiền được đưa hai đứa về nhà. Vân tíu tít như con chim non. Riêng tôi, dù biết được tin mẹ, chị Hai, anh Hà không sao, niềm vui cũng đã rất lớn nhưng lòng tôi lại đau đớn, ngực như có gì chặn lại, khó thở. Tôi hỏi cậu Hòa:
-       Cậu ơi! Cậu có biết đơn vị của anh con ở đâu không?
-       Cậu không biết, ở đâu quãng… Nhưng…!
-       Con muốn đi tìm anh con!
Cậu Hòa an ủi:
-       Bị thương như vậy… Nếu không trúng đạn, anh con cũng khó bơi được. Ruột thế kia…!
Cậu Hòa buột miệng lỡ lời chưa kịp dừng, tôi òa khóc:
-       Anh con không chết! Anh con về đơn vị rồi! Cậu cho con đi tìm anh con…
Trên đường lác đác vài người tản cư quang gánh, bồng bế trở về lại nhà. Nghe chuyện họ góp lời:
-       Tội nghiệp cậu nhỏ. Thất lạc cha mẹ, anh lại thế…
-       À! Cách đây nửa ngày đường có trạm xá, cậu nhỏ thử tới đó hỏi thăm xem, biết đâu Trời Phật phò hộ được gặp anh…
Bác Hiền ôm tôi vào lòng:
-       Để bác hỏi thăm đã, một mình con không đi được đâu!
Cậu Hòa cầm tay tôi ôn tồn:
-       Hai đứa về nhà cậu, rồi để ngớt ngớt bom đạn cậu dẫn đi tìm anh.
Tôi nhớ anh quá! Tôi phải đi tìm để tin là anh không chết dưới sông. Mà anh không thể chết dưới sông như những người chết trôi trên mương dẫn thủy dạo nào được. Anh bơi cừ lắm kia mà! Nhằm nhè gì con sông này, sá gì một đoạn sông nhép mà anh không qua được. Chỉ một “cú” lặn thôi anh nhỉ! Còn bụng bị thương, ruột lòi ra chắc anh đau lắm, rát lắm! Nhức nữa phải không anh? Cứ suy nghĩ miên man như vậy tôi lại càng quyết tâm đi tìm anh. Biết không can ngăn được, bác Hiền đành nói:
-       Thôi! Nếu con đã nói như vậy thì ở đây với bác, mai hai bác cháu ta cùng đi.
Cậu Hòa xoa đầu tôi:
-       Con thật ngoan! Rất dũng khí, có bác Hiền đi là cậu yên tâm.
Vân đến bên cầm tay tôi, đôi mắt đỏ hoe:
-       Vân thương anh Sơn nhưng lại không muốn xa Hà em. Hay là…tụi mình cùng đi!
Bác Hiền đưa tay béo vào đôi má bầu bầu của Vân:
-       Không sao đâu con. Hà em đi vài ngày, gặp anh rồi về với con mà!
-       Mình cũng nhớ Vân!
Chiều hôm đó tôi chia tay Vân.
 
                                          Phạm Tú Uyên  (còn tiếp)
 
      
#16
    ptuuyen 13.08.2009 10:18:24 (permalink)
       
    KÝ ỨC TUỔI THƠ (Tiếp theo)

    TÌM CHA

    Thế là Vân trở về với gia đình, cuộc sum họp thật trọn vẹn. Còn tôi, dẫu rằng biết được tin tức từng người trong gia đình, nhưng nỗi lo lắng, sợ hãi cứ dồn nén trong lồng ngực của đứa trẻ lên tám như tôi. Không biết mẹ tìm được anh Hà chưa? Nơi phố phường người đông như nêm cối, lạc lõng biết đâu mà lần. Còn chị Hai một thân trơ trọi giữa rừng núi mênh mông, giữa xứ lạ người xa! Rồi anh Sơn nữa, với vết thương ấy liệu anh có vượt qua được đạn bom, qua được dòng sông đang cuộn chảy? Anh có kịp về trạm xá, có gặp được ai giúp đỡ hay lủi thủi một mình với vết thương xì ruột bên hông, hay anh đã…? Tôi không dám nghĩ tiếp. Những suy nghĩ mông lung, những lo lắng cứ nhảy múa, cứ chập chờn khiến tôi không sao ngủ được.
    Gà gáy bận hai, phía chân trời ửng hồng. Bác Hiền gái đã chuẩn bị xong cơm nước cho hai bác cháu mang theo đi đường ăn. Tôi mang bị cơm trên vai đi nhanh ra cổng. Chẳng có sự chia tay nào vui cả, hôm qua là Vân, sáng nay chia tay với bác gái, với ngôi nhà. Nơi đã cưu mang tôi trong những ngày lưu lạc. Tôi từ giả con Ve, từ giả dòng sông, hai bác cháu vượt qua bờ bên của con sông rộng đi về phía trước – nơi đó có anh Sơn của tôi.
    Trời vừa đứng bóng, tôi và bác Hiền tìm được trạm xá. Trạm là ngôi nhà tranh chỉ có mái lợp, còn bốn bên trống hươ. Những chiếc võng giăng qua mấy hàng cột, giăng tràn ra các gốc cây bên ngoài. Tôi bồi hồi, háo hức được gặp anh, sẽ kể anh nghe về chuyện con bò Ve sút làm hai đứa chết khiếp,chuyện mẹ xuống Thị xã tìm anh Hà, chuyện chị Hai chạy lên Cũng Sơn, cả chuyện mẹ con bác Trong cháy đen thui khi đang cõng mẹ chạy múp bom! Tôi rón rén đến từng chiếc võng. Ngạc nhiên đến bất ngờ anh Sơn nhá! Bàn tay nhỏ tí, đen thui run run hé từng mép võng. Một chiếc võng, hai chiếc võng… Mặt tôi nóng ran sau mỗi lần luồn qua từng cánh võng. Những chú Bộ đội, những người dân bị thương mặt mày xanh xám đang nằm thim thiếp ngủ. Chiếc võng cuối cùng cũng không có anh! Tôi như khụy hẳn xuống. Tôi mong gặp anh biết bao, anh Sơn ơi! Anh không có ở đây vậy là anh đã nằm lại dưới dòng sông rồi sao? Cô trưởng trạm bảo: “Mé dưới có một trạm”, thế là hai bác cháu lại đi… Cứ thế! Đến ngày thứ ba – những tia hy vọng cứ leo lét dần trong tôi. Bác Hiền khuyên nên quay về. Tôi chưa biết phải làm sao thì từ xa một tốp người đang đi lên, có cả mấy chú Bộ đội và hai người lớn trạc bằng bác Hiền. Năm người cả thảy. Tôi chăm chú nhìn bổng nhảy cẫn lên sung sướng:
    - Anh Thiệu! Anh Thiệu…!
    Chú Bộ đội đi giữa chậm lại nhìn tôi nhíu mày, bỗng khuôn mặt anh dãn ra:
    - Ôi, Hà em! Sao lại ở đây, thế cả nhà đâu?
    Tôi vừa lon ton chạy theo vừa nói:
    - Em đi tìm anh Sơn!
    Bác Hiền đi theo kể vắng tắt những gì xảy ra với tôi cho anh Thiệu nghe. Bác nói:
    - Hiện cháu chỉ có một mình, mà tôi chẳng biết làm sao!
    Anh Thiệu xoa đầu tôi:
    - Anh ở cùng chổ với ba em. Gia đình lên cả trên này rồi, cứ tạm về đó ở đã rồi tính.
    Bác Hiền lấy từ trong cạp quần mấy tờ giấy bạc được xếp phẳng phiu dúi vào tay tôi, bác nói:
    - Con cất đi, thích ăn gì thì mua.Gặp được chú Thiệu ở đây bác mừng lắm! Giờ thì chúc hai anh em đi mạnh giỏi, tôi về.
    Tôi đứng lặng nhìn bác không nói được một câu. Bàn tay cầm mấy tờ giấy tiền còn đang ấm hơi người. Tôi cố ngoẻn miệng cười chào bác nhưng cứ méo xệch.
    Đoàn người tiếp tục lên đường. Anh Thiệu kể rằng: “Trước khi anh Sơn tham gia trận đánh, hai anh có gặp nhau, sau đơn vị rút về anh được tin anh Sơn mất tích trong trận đánh”. Tôi kể tiếp chuyện của anh bị thương như thế nào, người dân đùm bọc ra sao, rồi vết thương trầm trọng, rồi bọn lính truy lùng ráo riết, rồi cậu Hòa chở qua sông bị máy bay bắn chìm ghe giữa dòng… Anh hứa sẽ tìm anh Sơn cho tôi.
    Trong đoàn còn có một chú Bộ đội cở tuổi ba Vân. Tôi thấy quen quen nhưng có vẻ chú ấy nghiêm quá nên tôi không dám hỏi. Anh Thiệu bảo đó là chú Nam, cán bộ đại đội, đã từng nhiều lần về Phú Thứ.
    Đi như vậy hơn hai ngày, chúng tôi đến một khu rừng thưa, anh Thiệu nói với tôi gia đình anh đang ở đây, và mọi người dừng lại đây năm hôm. Tôi nhìn quanh chẳng thấy nhà cửa, làng xóm, chẳng thấy bóng dáng gì là có người cả. Thấy tôi đứng ngẩn người, anh cười:
    - Không chỉ gia đình anh thôi đâu, ở đây có cả một làng đấy em ạ! Họ sống đưới này nè!
    Anh đưa gót chân day day lên mặt đất. Tôi tưởng anh đùa nên định nói một câu gì đó thì bất chợt phía trước cách khoảng vài chục bước chân có hai người…từ dưới đất hiện lên! Rồi bốn chú Bộ đội đi về hướng đó và biến mất! Tôi ngạc nhiên quá sức, anh Thiệu cầm tay tôi vừa đi vừa nói:
    - Dưới này là một căn hầm thật lớn, hình như được xây từ thời pháp thuộc. Dân làng xuống sống hẳn dưới này để tránh đạn bom.
    Hai anh em đến gần một miệng hầm bằng xi măng, có thang bằng cây gỗ, thấy tôi đứng ngập ngừng trên miệng hầm, anh vịn thanh gỗ leo xuống, nói:
    - Em cứ xuống đi, không sao đâu!

    Phạm Tú Uyên (còn tiếp)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.09.2009 16:19:56 bởi ptuuyen >
    #17
      ptuuyen 16.08.2009 09:35:02 (permalink)

      KÝ ỨC TUỔI THƠ (Tiếp theo)  

      Nghe lời anh, tôi đu người trèo xuống. Hầm được xây bằng đá, rêu bám xanh rì. Nền cũng được lát bằng đá nhưng nhiều chổ đã long tróc, rễ cây len lỏi loằng ngoằng trên vách hầm. Nước trên trần từng giọt lóc chóc rơi xuống người lạnh ngắt. Tôi dò dò từng bước trong ánh sáng lờ nhờ của miệng hầm, của các lổ thông gió. Đường hầm chính rộng chừng bốn sải chân, dài hun hút. Người ta chặt cây rừng đóng lại như những cái sạp bán hàng ngoài chợ, nhưng lớn hơn nhiều. Cả gia đình ở trên đó. Bên trên treo một tấm vải đi mưa để ngăn nước từ trần rơi xuống. Ở đây chủ yếu là trẻ con và người già. Từ đường hầm chính, những đường phụ nhỏ hơn tỏa ra chi chít, tối om om tôi không dám vào. Đang đi, anh Thiệu dừng lại ngồi xuống chiếc sạp gần đó. Trên sạp có người nằm trùm mền, anh đưa tay kéo nhẹ tấm chăn, một bà lảo ốm như con mắm, da nhăn như trái ư khô, hé mắt nhìn hai người. Anh Thiệu hỏi:
      - Bà ơi! Mẹ với em con ở bên này đi đâu rồi?
      Bà lảo gượng ngồi dậy, hắng giọng nói:
      - À! Con mẹ Ty hả? Ba mẹ con nó đi từ sáng…
      Anh Thiệu cám ơn bà, sang ngồi trên sạp kế bên. Kéo tôi sang, anh nói:
      - Đây! Gia đình anh ở đây! Chắc thằng Ngọng theo mẹ lên rẫy đào mỳ rồi. Em cứ nằm nghỉ cho khỏe, anh đi tối sẽ ghé lại.
      Tôi định ngủ một giấc để bù lại những ngày dài đi đường mệt nhọc. Nằm nhìn những giọt nước rơi xuống tấm áo mưa, chạy dài qua góc rơi “tróc tróc” xuống nền hầm xâm xấp nước. Hơi lạnh từ vách hầm toát ra, tôi kéo tấm chăn định đắp lên người thì từ trong ngách nhỏ căn hầm có người đi ra. Ánh sáng lờ mờ nhưng tôi cũng nhận ra chú Nam, chú…”Bộ đội quen quen”! Trong suốt hai ngày đi đường, dù tôi không dám nói chuyện nhưng chú Nam cũng không có vẻ gì “ghê ghê” như tôi nghĩ. Hơn nữa, giờ đây tôi đã gặp gia đình anh Thiệu, lại sắp gặp thằng Ngọng nữa, tôi trở nên dạn dĩ hơn. Tôi gật đầu chào chú:
      - Con chào chú! Chú cũng có gia đình ở đây à?
      Chú Bộ đội khựng lại, chợt nhận ra tôi, chú dừng lại bên mép sạp mỉm cười:
      - À, cậu em! Chú chỉ ghé lại thôi, gia đình chú không có ở đây!
      Thấy chú có vẻ thân thiện, tôi bạo dạn:
      - Con trông chú có vẻ quen quen…!
      - Con ở đâu mà trông chú quen quen?
      - Dạ con ở Phú Thứ!
      - À, ra thế! Chú thỉnh thoảng về đó công tác. Giờ chú phải đi đây, cậu em!
      Nói rồi chú đi thẳng ra cửa hầm, tôi ngã dài xuống sạp nhưng không sao ngủ được, cứ suy nghĩ mông lung. Những hình ảnh cũ mới cứ đan xen vào nhau, nhảy múa, chập chờn - mẹ tìm được anh Hà chưa? Chị Hai đang ở đâu? Rồi náo nức khi được gặp ba, gặp anh Sơn! Anh đã khỏe để về lại đơn vị chưa nhỉ! Anh…có bị làm sao không anh? Tôi cố gạt những hình ảnh thoáng hiện lên trong đầu, tôi nghĩ về Vân, về thằng Ngọng, về những ngày tháng êm đềm đã qua. Nhớ từng trận đánh giặc giả ở Cầu trên,ở ga Gò Mầm, nhớ… Tôi ngồi bật dậy như có ai thọc vô lưng: - “Nhớ ra rồi! Nhớ ra rồi!”
      Tôi nhớ “chú Bộ đội quen quen” gặp ở đâu rồi! Hồi ở Phú Thứ, đôi lần gặp chú đi cùng mấy chú xã đội du kích, có khi đi cùng chú Ngọc chủ tịch. Hồi ở ga Gò Mầm thấy chú… đi xe “ríp” với lính Cọng hòa. Tôi bổng rùng mình: - “Việt gian? Chẳng lẽ chú ấy là Việt gian sao?” Tôi nhất định phải kể chuyện này với thằng Ngọng, với anh Thiệu. Việt gian là rất nguy hiểm, mọi người đều nói thế! Nằm suy nghĩ miên man ngủ lúc nào không hay, khi có người lay mạnh, kéo chăn tốc lên tôi mới choàng tỉnh giấc. Thằng Ngọng đứng sát mép sạp nhe hàm răng vàng khè, nhìn tôi:
      - Ô…Ôi! Hà…Hà em!
      Tôi mừng không kể xiết, ngồi bật dậy, nó ốm quá, xanh mướt cái đầu như to thêm ra. Hai đứa dắt tay nhau ra cửa hầm. Tôi kể đủ thứ chuyện không đầu không đuôi, cứ chuyện nọ xọ chuyện kia. Còn nó quanh đi quẩn lại: “lên nương trồng mỳ với lại về hầm, mà cứ cà cà đến sốt cả ruột! Tôi đem chuyện “ông đeo gương đen” đi xe “ríp” Mỹ hồi gặp ở ga Gò Mầm kể cho nó nghe, nó gãi gãi cái đầu rối lùm xùm như tổ quạ nghĩ ngợi, đôi mắt sáng hẳn lên:
      - Mình…mình……!
      Tôi cáu lên:
      - Mình cái con khỉ! Cậu đừng…cà lăm có được không?
      Mặt nó đỏ rựng lên:
      - Mình…mình…!
      Cố thúc giục nó lại càng cà lăm tợn, tôi dịu giọng:
      - Cậu nhớ ra rồi chứ gì?
      Bổng một bàn tay đặt lên vai tôi:
      - Chào hai chú em! Bạn thân nhau à, gặp ở đây thú vị nhỉ?
      Tôi giật mình quay lại nhìn người vừa nói, chợt cả người tôi lạnh ngắt, lắp bắp:
      - Chú…!
      Ngọng trố mắt chăm chú nhìn người mới đến, thốt lên:
      - Đúng! Đúng! Ông…ông…đeo gương…đeo gương…đen!
      Ngọng nói xong chạy giật lùi ra sau lưng tôi. Khuôn mặt chú Nam như bạnh ra:
      - Chú nói ai đeo gương đen? Chú em nhầm với ai đó rồi! Mà đeo gương đen có gì lạ nào?
      Thằng Ngọng đứng sau lưng nhọn mỏ lên nói:
      - Ngồi…ngồi xe…xe ríp Mỹ!
      Qủa thật chẳng ai dại bằng thằng Ngọng! Tôi không kịp bịt miệng nó lại. Khuôn mặt chú Nam tái hẳn, chú nhìn thật nhanh xung quanh bằng đôi mắt sắc lạnh:
      - Mấy chú em đừng nói dại, tôi đi đánh Mỹ mà lại ngồi xe ríp Mỹ à? Ngu!
      Chẳng biết chú nói bọn tôi ngu hay ai ngu nhưng linh cảm sự nguy hiểm cứ lởn vởn quanh hai đứa. Bọn tôi mong gặp anh Thiệu quá! Chú Nam có vẻ như giận lắm, chú đi nhanh lại miệng hầm và mất hút ở đó. Thằng Ngọng khăng khăng chú ấy chính là ông đeo gương đen ngồi trên xe ríp bước ra, tôi cũng tin hai người là một. Khuôn mặt với cái sẹo phía trước lỗ tai thì không lẩn vào đâu được. Càng tin thì nỗi sợ trong tôi càng lớn. Cả hai đứa quyết định trở lại hầm, không đi đâu hết, chờ anh Thiệu về rồi hay và cũng sẽ không hé lộ bất kỳ ai chuyện này.

      Phạm Tú Uyên (còn tiếp)
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.09.2009 16:26:01 bởi ptuuyen >
      #18
        ptuuyen 19.08.2009 08:50:23 (permalink)

        KÝ ỨC TUỔI THƠ (Tiếp theo) 

        Căn hầm buổi trưa nhộm nhịp hẳn lên, mọi người trở về nói chuyện râm ran. Hai đứa ngồi trên sạp chặp lâu cũng thấy ngứa ngáy đôi chân, tôi rủ Ngọng:
        - Cậu có dây thun không?
        Thằng Ngọng nhanh nhẩu:
        - Ná…ná…!
        Tôi gật đầu, Ngọng đưa tay vào vách hầm kéo bật nhánh rễ sang một bên, lôi ra một bọc nhựa cười “khặc khặc” đắc ý. Tôi thầm công nhận: “thằng này thiệt bài bản và chu đáo”! Trong bọc có hai gọng ná chữ u được bôi máu chim nham nhở, một đùm dây thun. Tôi nhanh chóng làm giàng ná thun, kéo thả đánh “phựt” một tiếng thật êm tai, tròng vô cổ rồi đứng lên:
        - đi bắn chim, Ngọng ơi!
        Thằng Ngọng quàng ná thun vào cổ, hăm hở như thửa nào cả bọn rủ nhau đánh giặc giả. Hai đứa trèo lên miệng hầm. Một chú “Chắc quạch” đang lơ ngơ trên nhành cây gần đó, tôi cúi xuống lượm hòn sạn bỏ vào bọc ná: :phựt” một tiếng khô ấm phát ra, nó reo lên:
        - Nghẻo…nghẻo…rồi!
        Tôi hứng chí ngồi xuống tìm những hòn đá thật đẹp, tròn trịa lận vào cạp quần. Ngọng chạy đến nhặt con “chắc quạch” lấy máu quệt lên gọng ná, tôi lại cho tiếp chú chim nữa lìa cành, nhưng chỉ bị thương, nó sả cánh chao nghiêng, lượn chập chờn trên những bụi cây, hai đứa cứ thế chạy đuổi theo. Có tiếng cu đất “gù…gù” đâu đó rất gần, tôi vểnh tai lắng nghe, Ngọng sè sẹ đi bên cạnh, cả hai dán mắt lên những ngọn cây. Một con cu đất béo núc đang ra sức “gù…gù” trên cháng ba. Tôi đi nhẹ từng bước tiến lại sát gốc mà cu cậu vẫn không hay biết. Viên sạn trong bọc ná được kéo căng ra, thằng Ngọng đi phía sau định nói gì đó nghe “ú ớ”. Tiếng dẫm chân mạnh quá làm con cu đất hốt hoảng vỗ cánh bay mất. Tôi bực mình quay lại định sững cồ với nó, nhưng khi vừa nhìn thấy cảnh tượng trước mắt tôi khựng người chết điếng suýt đánh rơi giàng ná thun – ông Nam không biết từ đâu xuất hiện đang siết cứng cổ thằng Ngọng. Đôi bàn tay ông ta như hai gọng kìm, nó không kêu được cứ “ặc ặc” trong cuống họng, hai chân choài đạp trên mặt đất. Qua giây phút sững sờ, tôi định la làng nhưng ở đây xa hầm quá sợ không ai nghe thấy, mà thằng ngọng mặt nó tím tái, miệng há to, tôi đưa giàng ná thun lên nhắm thẳng vào mặt ông ta, kéo căng “phựt” ông ta rú lên buông cổ thằng Ngọng ra ôm lấy mặt. Ngọng chưa kịp hoàng hồn, tôi la lớn:
        - Chạy! Chạy đi Ngọng ơi!
        Thằng Ngọng có lẽ quá khiếp đảm với chuyện vừa rồi, nó líu quíu chạy được vài bước ngã nhào. Ông Nam một tay ôm mặt dính đầy máu, tay kia đưa xuống hông định rút súng, tôi nhét nhanh viên sạn vô bọc ná “phựt” ông ta lại rú lên. Tôi nhào tới kéo Ngọng chạy. Chạy được một đoạn bổng nghe “đoàng đoàng!” Ngọng đang chạy chợt đứng sựng lại, khụy xuống nó vói theo:
        - Hà…Hà em…!
        Tôi chẳng còn hồn vía đâu mà đứng lại, cứ thế lao về phía trước “đoàng đoàng!” Tôi chạy bất kể đất trời, gai góc, hố hầm, không dám quay đầu lui. Chạy như vậy có lẽ lâu lắm, đến khi không còn sức nữa, người lảo đảo, rừng cây đầy những dây leo, bụi rậm tôi vấp phải rễ cây ngã sóng soài. Mệt quá! Không đủ sức ngồi dậy được. Nghĩ thầm: “Mình chết dưới tay ông ta rồi! Nó bóp cổ mình cho đến khi tái xanh tái xám, đến lúc thè dài lưỡi ra…là ngủm đời! Hoặc nó “đoàng” một phát…” Nghĩ đến đó tôi thấy rợn cả người. Tôi hé mắt ra nhìn, quanh tôi chẳng có ai cả. Tôi lồm cồm ngồi dậy, đầu gối lác một miếng tươm máu mà vẫn không thấy đau: “thằng Ngọng chết rồi! Nó chết bởi tên Việt gian” lỗi này cũng có phần của tôi – tội nó quá! Tôi không thể để nó nằm ngoài rừng như vậy được, không thể để trương phình lên được. Phải nói cho mẹ với anh Thiệu nó biết nhưng phải làm sao đây? Trở về lại hầm quả thật tôi không dám. Có hai đứa biết tên Nam là Việt gian, một chết rồi còn lại tôi, chắc chắn nó không tha! Mà Việt gian là bán nước, bọn chỉ điểm – ai cũng bảo thế nên tôi lo lắm! Tôi đưa tay xoa đầu gối định vịn gốc cây đứng lên chợt nghe thoang thoảng có mùi gì khét như ai đốt nhựa cây, mùi khói của cỏ - không phải, khét nồng như ai đang hút thuốc! Tôi khom người thật thấp lủi nhanh vô lùm cây gần đó cảnh giác, nghe ngóng. Tiếng sột sạt của lá khô, cành cây gãy làm tôi rờn rợn. Tôi đưa tay vạch tán lá trước mặt, mở căng mắt,vểnh tai nghe ngóng. Mùi thuốc lá thoang thoảng, nhưng vẫn lặng im không một bóng người. Tôi toan bò ra núp vào gốc cây to gần đó quan sát cho rõ. Chưa kịp thực hiện ý định thì một bóng người xuất hiện cách lùm cây tôi ngồi ước chừng mười bước chân. Tôi run bắn người: “Ông ta!” Đúng là ông Nam một tay cầm súng, tay kia gạt những cành cây chắn lối. Một bên mặt bê bết máu, con mắt bên trên nhầy nhụa đỏ lòm, tôi suýt reo lên: “ Nó bị lòi một mắt!” Nhìn giống như ác quỉ. Tôi run quá! Đến nước này nó sẽ giết ngay bằng mọi cách nếu phát hiện ra tôi. Khẩu súng trong tay nó vung vung chỉa về phía trước, xoi mói từng gốc cây, bụi rậm. Đang đi bổng nó dừng lại ngó quanh. Tôi đâm hoảng. Phát hiện ra tôi chăng? Tim tôi đập thình thịch, to quá! Có lẽ ở ngoài kia nó nghe mất thôi. Tôi dùng tay bóp chặt lấy ngực, gập người xuống bất lực nhìn nó.

        Phạm Tú Uyên (còn tiếp)
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.09.2009 16:31:11 bởi ptuuyen >
        #19
          ptuuyen 20.08.2009 17:03:17 (permalink)

          KÝ ỨC TUỔI THƠ (Tiếp theo)

          Ngồi như vậy chừng như lâu lắm, tôi chờ nghe một tiếng súng. Vẫn yên lặng, chỉ có tiếng bước chân sột sạt dẫm trên lá khô. Tôi hơi quỳ xuống, cúi thấp chồm tới phía trước. Trông tên Nam có vẻ kiệt sức, đi loạng choạng. Nếu ná thun còn đạn, tôi sẽ nhắm thật chính xác vào con mắt còn lại của tên Việt gian. Nó lòi cả hai mắt thì chẳng còn gì để sợ nữa. Nhưng khẩu súng đen ngòm cứ nhè vào hướng tôi ngồi núp mà ve vẫy. Tôi đảo mắt nhìn quanh tìm hòn sạn, chẳng có! Ngoài mấy cục đá bự chảng. Chợt dưới chân có cái gì đó trơn trơn, mát lạnh cứ chuồi qua quẹt lại, tôi toan rụt chân lên thì một cái đầu rắn trườn tới, dọc theo người: “Trời ơi, rắn hổ mang!” tôi điếng hồn, tê cứng cả người. Con rắn dài quá, to hơn cả cổ tay. Từng khoanh vàng mềm mại lướt như trôi qua người. Cái lưỡi thè thè ra trông đến khiếp, mùi tanh nồng phả vào mặt. Tôi không dám cử động, mà cũng không thể cử động được. Hai mắt tôi mở thao láo, toàn thân xanh dờn không một giọt máu. Con rắn hổ chầm chậm ra khỏi bụi đi về phía tên Nam. Tôi đưa mắt nhìn theo: “Ứơc gì nó “đớp” thằng đó một phát nhỉ! Tên Nam nhìn thấy con rắn định chỉa súng bắn, nhưng nghĩ sao lại cúi xuống nhặt lấy khúc cây rồi bỏ đi. Tôi vẫn nằm im thật lâu chừng như nó đi khá xa mới rón rén bò ra khỏi bụi rậm.
          Tôi ra khỏi lùm cây theo đường cũ tìm về căn hầm, về lại nơi thằng Ngọng bị bắn chết. Đi chừng đã mỏi nhừ hai chân mà chẳng thấy căn hầm đâu. Càng đi, cảnh vật, cây cối càng lạ hoắc, dây leo chằng chịt: :Lạc đường rồi!” Tôi đâm hoảng, quày trở lui. Đi như thế không biết bao lâu gặp được cánh rừng thưa. Vừa đói vừa khát cọng với nỗi sợ hãi khiến tôi kiệt sức. Định ngồi xuống thân cây ngã để nghỉ ngơi, bổng có tiếng bước chân nghe rất gần: “Thằng Nam?” Đành bó tay, hết đường trốn rồi! Nó sẽ chỉa mũi súng vào lưng tôi: “Đoàng!” Thế là xong! Như bản năng, tôi ngồi thụp xuống quay lui: “Không phải nó!” Cách chỗ tôi không xa có hai người phụ nữ kỳ lạ - một gì một trẻ không mặc áo, chỉ quấn tấm vải bên dưới, trên lưng mang một bó củ mỳ. Chẳng biết là ai nhưng tôi mừng lắm, như có thêm sức mạnh, tôi nhảy phóc qua thân cây ngã chạy theo. Hai người phía trước đang đi bỗng vụt chạy. Tôi ra sức đuổi, họ lại càng chạy nhanh. Do phải mang nặng trên lưng, hơn nữa, tấm vải quấn quanh bụng vướn víu khó chạy. Hai phụ nữ la lên, tiếng nói nghe lạ lắm, tôi chưa từng được nghe. Vừa chạy tôi vừa gào to:
          - Đừng chạy! Đừng chạy! Con chỉ hỏi thăm đường thôi mà!
          Hai người càng chạy nhanh hơn. Những củ mỳ rơi tung tóe. Từ phía sau có thêm mấy người chạy tới, họ cũng mang củ mỳ trên lưng. Người đàn ông và một đứa nhỏ trạc bằng tuổi tôi. Chẳng cần biết ất giáp gì, đứa nhỏ lao vào đánh tôi túi bụi. Thấy nó hung hăng xông đến đấm đá, tôi chỉ biết gồng người ra chịu trận. Thực ra tôi cũng có thể đánh lại hoặc bỏ chạy. Hoặc hơn thế, với chiếc ná thun trong tay tôi dư sức cho nó thua trận, nhưng tôi đang muốn hỏi thăm đường về lại căn hầm. Sau một hồi đấm đá tơi bời mà không thấy tôi chống trả, chúng xem ra cũng mỏi tay. Người đàn ông đi đến nhìn tôi dò xét. Hai phụ nữ cũng quay lại, họ lượm những củ mỳ quăng ngược lên lưng, rồi nhìn người đàn ông và đứa nhỏ, họ nói gì đó. Người đàn ông tiến đến gần tôi nói một tràng, tôi chẳng hiểu gì lồm cồm bò dậy. Tay chân, mình mẩy đau nhừ, mắt trái bị một cú đấm sưng húp. Tôi cố đứng lên nhìn ông ta, phân bua:
          - Cháu lạc đường, cháu đói bụng cháu không làm gì cả!
          - Mày là người Kinh?
          Chẳng biết người “Kinh” là gì nhưng tôi đoán chắc không xấu như “Việt gian” nên gật đầu bừa
          Có lẽ ông ta cũng hiểu được đôi điều, ông cười cười nhìn đứa nhỏ. Nó rón rén đến gần, đưa tay sờ vào người, vào chỗ sưng húp trên mắt. Người phụ nữ đi đến bụi cây bứt mấy lá gì đó bỏ vô miệng, rồi tới chổ tôi nhả nhúm lá nhai nát bém lên bàn tay, bốc lấy đắp lên chỗ mí mắt sưng. Bà ta làm như vậy tôi cũng thấy được an ủi phần nào. Thằng nhỏ ngập ngừng đến bên, cầm tay tôi nói:
          - Tôi tưởng mày đánh mẹ…!
          - Mình chỉ hỏi thăm đường…
          - Mày về nhà tôi đi. Ăn no cái bụng đã!
          - Nhà bạn gần đây không?
          - Tôi không phải “bạn”, tôi tên Riêng. Mày đi chừng một “khâu rựa” thôi là tới nhà tôi mà!
          Tôi hiểu láng nháng nhưng chẳng hỏi lại.
          Không biết “khâu rựa” của thằng Riêng kiểu gì đi muốn sái cả chân, đờ cả mắt mà làng xóm vẫn bặc tăm. Công nhận đôi chân của nó cứ thoăng thoắc, gùi củ mỳ nặng oằn trên vai nhưng trông cứ như không.
          Đến chừng quá xế trưa, bóng nắng bắt đầu chạy dài chúng tôi về tới làng. Làng của nó chẳng giống quê tôi chút nào, lèo tèo mấy nóc nhà. Người ở bên trên, phía dưới đàn heo nằm phơi bụng, lũ gà đứng trên những thanh gỗ ngang, nghiêng mặt nhìn chúng tôi. Mọi người móc gùi mỳ vào cháng cây, leo cầu thang lên nhà, bọn gà lao tới mổ lia lịa Người đàn bà rút mấy củ quăng xuống cho đàn heo. Tôi theo thằng Riêng leo lên hết cầu thang, ngồi phịch xuống sàn gỗ thở dốc, nó chỉ tay về một hướng xa lơ nào đó, nói:
          - Mày ở dưới kia phải không? Cái chân đó không qua khỏi trái núi đâu!
          Tôi nóng mặt chống chế:
          - Mình đi nhiều ngày rồi, mà bụng luôn thiếu ăn...
          - Tôi sợ đói cái bụng thôi, không sợ đi.
          Hai người phụ nữ tôi gặp đầu tiên - mẹ và chị nuôi của nó. Người đàn ông tên Leo cũng là cha nuôi. Nó bị lạc gia đình khi buôn làng chạy loạn tránh bom, nhà ông Leo cũng có một đứa con bằng tuổi nó bị lạc nên gặp Riêng ông Leo nhận nuôi luôn. Trong nhà, mọi người đang chuẩn bị ăn trưa. Riêng khoe với tôi:
          - Mấy hôm trước làng tôi có con trâu chết, thịt trâu chia còn nhiều lắm, mày sẽ được ăn no cái bụng.

          Phạm Tú Uyên (còn tiếp)
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.09.2009 16:37:32 bởi ptuuyen >
          #20
            ptuuyen 29.08.2009 18:43:27 (permalink)

            KÝ ỨC TUỔI THƠ (Tiếp theo)

            Tôi là đứa trẻ háu ăn. Lâu nay bữa đói bữa no, lúc đói nổ đom đóm mắt, tái xanh tái xám, khi no lưng chén cơm chẳng thấm vào đâu. Nay nghe nhà thằng Riêng còn rất nhiều thịt, mắt tôi sáng trưng, đưa tay xoa xoa cái bụng lép xẹp nhủ thầm: “Mày sẽ không còn réo nữa nhá!” Chẳng đợi đến tiếng gọi thứ hai của mẹ Riêng, tôi đã ngồi xếp bằng ngay ngắn bên cái nia được phủ tàu lá chuối xanh rì. Bếp lửa bập bùng nổ lách tách, nồi củ mỳ sôi sùng sục. Ông Leo với tay lên giàn bếp lấy xuống một xâu thịt…đã bốc mùi! Lớp da vàng cháy chuyển sang màu xám xịt, còn thịt tái méc. Ông ta dùng dao cắt từng lát to tổ chảng. Tôi khều thằng Riêng, thầm thì:
            - Ăn thịt này à?
            - Ừ!
            - Có kho, nấu gì không?
            - Không!
            - Để vậy?
            - Ừ!
            - Mình thấy… nó thu….í!
            Riêng trợn mắt nhìn tôi:
            - Mày không ăn là cái bụng của mày không thiệt lòng, không tốt đâu!
            Tôi chưa kịp nói gì thì ông Leo lấy thêm một xâu gì lòng thòng treo trên vách. Mùi thúi lan tỏa khắp căn nhà, nếu không vì cái lườm mắt và câu nói vừa rồi của thằng Riêng chắc tôi đã chạy ra ngoài rồi, quả thật không thể chịu nổi. tôi lại khều nó:
            - Cái gì thế?
            - Ruột!
            - Để làm gì?
            - Ăn?
            - Ăn!
            - Ừ, chấm với muối!
            - Sao lại có cái món ấy?
            - Mày không biết à? Quý lắm!
            Nó giảng giải:
            - Khi mổ trâu, người ta lấy ruột non cột lại treo lên xà, để dành ăn!
            Tôi lợm giọng, muốn ói quá. Ruột tôi cuộn cuộn như đẩy hết thảy lên trên. Tôi gập người lại, một chút nước gì đó chua lét trào lên miệng, tôi nhổ vội xuống đùi, dẻo quẹo chạy thành sợi như dây cước câu cá. Ông leo đang xắc đùm ruột nhìn thấy tôi mặt mày xanh xám, miệng chảy nước giải chắc tưởng đói lắm, ông ngừng tay, nói:
            - Tao biết cái bụng mày đói lắm rồi!
            Nói xong, ông chồm người tới nồi củ mỳ trên bếp đang bốc hơi nghi ngút bốc một củ để trước mặt tôi, bốc luôn một vốc ruột vừa xắc bỏ vô tô. Ông cười khè khè:
            - Người anh em ăn đỡ một miếng đi. Ăn xong món này đến năm trái núi cũng trèo qua nổi.
            Tôi lúng búng trong miệng, nước miếng trong tứa ra, cổ họng như muốn mở toang hoác, lại sắp ói rồi. Tôi vùng chạy ta ngoài, thằng Riêng vụt theo giữ lại. Nó thầm thì:
            - Tôi biết mày không ăn được cái đó, nhưng mày bỏ chạy không tốt đâu, mọi người nghĩ mày không có cái bụng giống họ!
            Cứ nghĩ đến những món đó đã sởn gai óc rồi chứ đừng nói gì ăn. Tôi nói như van lơn:
            - Có cách gì giúp mình đi, không thể ăn cái món lòng, ruột ấy được!
            - Mày ăn củ mỳ với thịt…
            - Thịt cũng…hôi!
            Nhưng có lẽ thịt…đỡ hơn! Tôi nghĩ thế. Riêng đẩy tôi vô lại nhà, nói gì đó với cha mẹ rồi quay sang tôi:
            - Mày ăn thịt với củ mỳ!
            Một bữa ăn được háo hức chờ đợi tan biến nhanh trong tôi. Ngồi nhìn cả nhà ăn thật ngon lành, loáng cái trên nia lá sạch banh thịt, lòng. Mọi người đứng lên, tôi cầm theo củ mỳ vừa ăn vừa trèo xuống sân.
            Nắng chiều chỉ còn sáng trên ngọn cây. Buôn làng hiu hắt với những sợi khói vương vương trên mái tranh
            Thằng Riêng muốn tôi ở lại chơi với nó đến “con trăng” sau, nhưng không thể được. Tôi còn phải đi tìm anh Sơn, tìm gặp ba, gặp anh Thiệu và cả thăm thằng Ngọng nữa. Giá như đừng có bom đạn chiến tranh, gia đình không lưu lạc mỗi người một phương như thế này tôi sẽ ở chơi không chỉ một “con trăng” thôi đâu! Tôi đã kể nó nghe về Ngọng, về tên “Việt gian” và lấy gọng ná thun khoe với Riêng:
            - Mình dùng cái này bắn lòi mắt tên “Việt gian” để cứu Ngọng đấy!
            Thằng Riêng có vẻ thích, nó ngồi im lặng lắng nghe. Khi tôi kể về gia đình, những năm tháng ấm êm, rồi cả nhà lưu lạc… Nó cầm tay tôi, hai mắt đỏ hoe:
            - Tôi cũng giống mày, giờ không biết cha, mẹ và em ở đâu!

            Phạm Tú Uyên (còn tiếp)
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.09.2009 16:52:50 bởi ptuuyen >
            #21
              ptuuyen 03.09.2009 16:03:14 (permalink)

              KÝ ỨC TUỔI THƠ (Tiếp theo)

              Nỗi thương cảm trong lòng lại dâng trào, tôi thương nó bơ vơ, nó thương tôi lưu lạc. Hai đứa trẻ cùng cảnh ngộ ngồi với nhau bên đống lửa bập bùng trong đêm. Trẻ con thế đấy! Mau nhớ nhưng cũng nhanh quên, khi tôi gương ná thun bắn “phựt” vô đống lửa, tàn lửa nở hoa bay tứ tán, nó chạy ù lên nhà cầm xuống một vật mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Riêng trịnh trọng đưa lên ngang tầm mắt nói:
              - Đây là cái “nỏ”!
              Tôi tò mò sờ lên cái “nỏ” của nó, sớ gỗ láng tưng, đen bóng giống như chữ “Đ”. Thằng Riêng rút từ trong ống tre ra một cây que như chiếc đũa dài: “À, mũi tên!”. Nó kéo căng sợi dây cài vào chốt sau, đặt mũi tên lên khe nỏ, quỳ xuống nhắm vào khúc củi to đang bén lửa: “phựt” Tiếng nổ thật đanh, khúc cây lung lay hoa lửa lại bay tung tóe. Tôi đến gần đống lửa, mũi tên gim chặt, phần đuôi còn rung nhè nhẹ. Tôi reo lên:
              - Hay quá!
              - Tôi đi săn với cha, bắn cả heo rừng.
              - Giá cái “nỏ” bé bé một tí sẽ vừa tay cậu hơn!
              - Nỏ này của cha tôi mà!
              - Thích ghê!
              Tôi rút mũi tên ra khỏi khúc củi nghĩ thầm: “ Nếu cái này mà găm vào mặt tên “Việt gian” thì chắc là xuyên qua sọ rồi”. Riêng thấy tôi mân mê mũi tên, nó nói:
              - Rồi tôi đẽo cho mày một cái nỏ thật đẹp!
              - Mình sẽ học bắn nỏ.
              - Còn tôi tập ná thun.
              Buổi sang khi thức giấc, mọi người lên rẫy cả. ánh nắng len vào nhà qua kẻ liếp thành từng miếng phẳng, nổi vân những sợi khói từ bếp tỏa ra. Nồi củ mỳ thơm phưng phức cơi tràn nắp vung. Bụng đói cồn cào, tôi bật dậy đi ra phía cầu thang. Thằng Riêng ngồi bên bụi cây Cò ke làm gì đó thật chăm chú. Thấy tôi, nó im lặng phủi tay đứng dậy đi thẳng lên nhà, lát sau bưng xuống rổ củ mỳ. Tôi cúi xuống cầm thanh gỗ đẽo nham nhở hỏi:
              - Bạn làm cái gì đây?
              - Nỏ!
              - Gần xong chưa?
              - Gần!
              - Khi nào?
              - Con trăng sau!
              - ……!
              Tôi chưng hửng, nhìn dáng vẻ miệt mài gọt, đẽo của nó đâm thương quá, ước gì ở đây lâu hơn! Tôi ngồi xuống cạnh, choàng tay qua cổ Riêng, nói:
              - Ừ! Khi nào xong mình sẽ xin bạn.
              - Không đâu, tôi làm cho mày mà!
              - Giờ Riêng cất đi, tụi mình còn phải đi nữa.
              Nó dừng tay đẽo, gác miếng gỗ lên cháng ba gốc Cò ke, chạy lên nhà mang gùi xuống, không quên cầm theo cái nỏ và bó tên. Nó khoe:
              - Mẹ tôi nấu xôi nữa!
              Tôi cắt tàu lá chuối gói thêm mấy khúc củ mỳ cho vào gùi rồi mang lên vai. Thằng Riêng nhìn cười cười:
              - Trông mày giống người của tôi quá!
              Nghe nó nói tôi thấy vui vui, cúi xuống nhìn lại mình. Quả thật, hai đứa chẳng khác gì nhau mấy. Chiếc quần xà lỏn mặc lâu ngày nó như cái lò xo, rút lên tới háng. Chiếc áo rộng thùng thình cũ mèm, dơ cứng phủ quá mông, chẳng thể gọi nó màu gì. Còn tay chân, mặt mũi còm nhom, đen sì. Thấy tôi có vẻ…thích mang gùi, nó lặng lẽ đến cột nhà sàn lấy xuống cái gùi khác to hơn mang vào vai. Thằng Riêng cầm nỏ tôi cầm rựa, hai đứa lên đường.

              Phạm Tú Uyên (còn tiếp)
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.09.2009 16:48:27 bởi ptuuyen >
              #22
                ptuuyen 17.09.2009 16:40:26 (permalink)

                                                 KÝ ỨC TUỔI THƠ  (Tiếp theo)

                Nắng lên khá cao nhưng trong rừng cái lạnh còn se se, cỏ ven đường ướt đẩm hơi sương. Tôi vừa đi vừa nhai củ mỳ. Thằng Riêng quả có đôi chân bằng vàng, nó đi cứ thoăn thoắt. Gặp những lùm gai mây lòa xòa, bụi rậm dây leo chằng chịt nó cứ phăng phăng, tôi theo muốn bở hơi tai. Hai đứa vượt qua những rẫy nương của người vùng cao. Gần trưa gặp một con suối nhỏ, cả hai dừng lại nghỉ. Thằng Riêng lôi từ trong gùi tôi toàn bộ lương thực mang theo: “Vài củ mỳ sống, túm khoai lang xắc khô, đùm xôi cùng củ mỳ chín mà tôi bỏ theo ban sáng. Nó chọn một tảng đá bằng phẳng, mở đùm xôi hai đứa bốc ăn ngon lành. Ăn xong thằng Riêng men theo dòng suối, tôi nằm duỗi dài trên phiến đá, nhìn lên bầu trời qua kẽ lá. Nó đi loáng cái đã quay lại, trên tay một xâu cá trắng ánh bạc còn đang quẫy rật rật. Không nói không rằng, nó lượm hai hòn đá bằng nắm tay ngồi xuống đập “chách chách”. Chẳng hiểu Riêng định làm gì, tôi tò mò nhìn theo. Nó ngồi đập “chách chách” chừng gần bằng thời gian ăn bửa xôi. Đập rồi lại thổi “phù phù”. Không thể đoán là nó đang làm trò gì, tôi cứ căng mắt theo dõi. Không phải đợi lâu, từ chổ thằng Riêng thổi, một làn khói mỏng yếu ớt bay lên. Chưa hết ngạc nhiên, sợi khói to dần rồi bùng lên một ngọn lửa. Không nhịn được, tôi reo đầy thán phục:
                -       Hay quá!
                Riêng ngơ ngác:
                -       Mày nói hay cái gì?
                Tôi đưa tay chỉ vào ngọn lửa đang cháy:
                -       Bạn làm ra lửa hay quá!
                Nó chưng hửng:
                -       Cái lửa này ai cũng làm được mà!
                Vừa nói nó vừa nhặt những thanh củi khô bỏ thêm vô đống lửa, tôi nhanh nhẹn tìm cành cây xiên vào những chú cá.
                Lâu lắm rồi chưa hề được ăn món cá. Trong bụng đủ thứ bà lằng: “Bắp, mỳ, khoai lang, cơm, xôi…” Đôi khi đỡ dạ bằng xoài rừng chua léc, ổi dại bằng ngón chân nhai muốn rớt cả răng. Bụng căng nhưng chừng như vẫn thiêu thiếu, vẫn thấy đói! Mùi cá nướng tỏa ra thơm nức, hai đứa bẻ ăn ngon lành. Tôi góp thêm bữa ăn “món cá nướng” là con “Cà cưởng” và chú “cu đất”. Món này làm không công phu như ở quê, chẳng ướp muối ớt, cuộn lá ổi gì ráo. Vặt lông sơ sài thảy vào đống lửa, các chú căng tròn vàng tươm, mùi thơm muốn toát lỗ mũi. Tôi xé “cu đất” ra làm hai đưa Riêng nửa con. Nó cầm nhai ngang, rau ráu cả xương. Nó ăn giống thằng Ngọng quá! Tôi bần thần: “Ngọng ơi!” Hình ảnh nó trợn mắt, ngáp ngáp, hai chân choài đạp dưới đất cứ ám ảnh mãi trong tôi mỗi khi nghĩ về Ngọng. Không chịu nổi, tôi hét toán lên: “Tao sẽ trả thù cho mày!” Thằng Riêng đang ăn nghe tôi hét, nó giật mình đánh rơi miếng thịt xuống đất. Sợ hãi nhìn tôi toan chạy, tôi kéo nó lại:
                -       Không sao đâu, tại mình thương thằng Ngọng quá!
                -       Giàng ôi! Tôi tưởng mày…bị con ma nó bắt!
                Tôi không nói gì, nhặt củ mỳ bỏ vào gùi. Hai đứa lội qua suối cắt rừng đi tiếp. Thằng Riêng tài thực, đi trong rừng nó như con nai, con sóc, gặp bất kỳ trái, quả nào nó cũng có thể bỏ vô miệng. Một cành cây choài ra đường, trĩu những quả chín, vàng ươm, nó vặt mấy quả quăng vào gùi. Tôi cũng với tay hái hai quả, mật tươm ướt cả tay. Qủa lớn bằng trái chanh, lởm chởm gai như chôm chôm nhưng mềm hơn. Tôi chưa biết phải ăn như thế nào, Riêng bỏ nguyên trái vào mồm – “Thằng này tham ăn thật!” Tôi rủa thầm và từ tốn cắn từng miếng một. Mùi thơm ngọt, hăng nồng lên mũi. Chưa kịp nuốt, bổng đầu lưỡi rồi khắp cả miệng tê rát, nóng và cay như nhai phải ớt. Tôi phun phù phù, chùi lia lịa vào ống tay áo. Thằng Riêng thấy vậy đứng cười như nắc nẻ:
                -       Trái này chỉ mút thôi, không ăn được đâu mà!
                -       Sao không nói trước?
                -       Tưởng mày biết!
                -       Có bị làm sao không?
                -       Không!
                -       Cả miệng nóng rang.
                -       Ừ!
                Đôi môi giựt tưng tưng, tôi đưa tay lên sờ, nó căng như được bơm hơi. Riêng cứ cười khúc khích, tôi nổi cáu:
                -       Cậu còn cười mình được nữa à?
                -       Tôi không cười mày.
                -       Cười ai?
                -       Cười miệng mày thôi mà!
                -       …???
                -       Nó giống lỗ đít con gà sắp đẻ.
                Tôi nhào tới định lấy trái cây còn lại nhét vô mồm nó cho bỏ tức. Thằng Riêng cắm đầu chạy, tôi rượt theo, cứ thế hai đứa chạy gần hết cánh rừng lúc nào không hay. Thằng Riêng đang chạy bổng khựng lại, nó nom nom cái gì đó ngoài bìa rừng rồi ra dấu cho tôi đứng lại. Tôi lom khom nép theo những thân cây đến bên, nhìn theo tay nó chỉ. Ngoài bìa rừng là rẫy trồng mỳ, có hai người đang bẻ lá mỳ bỏ vào gùi, bên cạnh còn hai người nữa – một bộ đội và một đàn bà. Họ đang nói với nhau chuyện gì đó. Những tán lá mỳ xanh mướt che khuất tầm nhìn nhưng tôi vẫn nhận ra họ, tôi reo lên sung sướng:
                -       Anh Thiệu!
                Bất kể những cây mỳ cản lối, những gai góc ken dày, tôi lao về phía trước, Riêng cũng chạy theo sau. Anh Thiệu trố mắt nhìn hai đứa trẻ dân tộc từ trong rừng phóng ra, anh không hề nhận ra tôi. Thằng Riêng đuổi kịp, kéo tôi lại:
                -       Họ không phải người tốt mà!


                                               Phạm Tú Uyên  (còn tiếp)



                                             


                #23
                  ptuuyen 08.10.2009 08:55:22 (permalink)
                                          
                                          KÝ ỨC TUỔI THƠ  (Tiếp theo)

                  Tôi đâm ra bối rối: “sao anh Thiệu dửng dưng với mình nhỉ?” Người đàn bà trông quen quen: “Ô! Bác Tư, mẹ Ngọng!” Tôi chưa kịp lên tiếng, mẹ Ngọng nói to:
                  -       Đứa nào đi trước giống thằng Hà em, phải không?
                  Tôi sung sướng hét lên:
                  Con! Hà em đây bác Tư ơi!
                  Bác Tư, cả anh Thiệu chạy về phía tôi:
                  -       Trời đất! Sao mới có hôm qua mà em lạ hoắc thế?
                  Bác Tư ôm tôi vào lòng, bác khóc:
                  -       Bác nhận con qua linh cảm thôi, còn thằng Ngọng…
                  Tôi chợt nhớ ra điều quang trọng nhất, bèn hỏi:
                  -       Ngọng sao rồi bác?
                  Anh Thiệu kéo tôi ngồi xuống tán cây mỳ tránh nắng, nói:
                  -       Em ngồi xuống đây đi. Ngọng bị thương nặng lắm nhưng đã qua khỏi nguy hiểm rồi, bác sĩ nói thế!
                  -       Từ hôm qua đến giờ lo cứu chữa thằng Ngọng xong mọi người đổ xô tìm cháu.
                  Tôi bồn chồn:
                  -       Nó bị bắn trúng chỗ nào vậy anh?
                  -       Giờ thì em kể cho anh với mẹ nghe buổi trưa hai đứa đi đâu, và ai bắn Ngọng?
                  Tôi đinh ninh một điều rằng: “Khi gặp anh tôi sẽ kể hết những gì đã xảy ra” nhưng giờ lại đâm ra lúng túng, không biết phải bắt đầu từ đâu. Đang loay hoay với những hình ảnh rời rạc được chắp nối dần thì phía dốc rẫy một người chống gậy đi lên. Với cái dáng đi ấy, với con người đó tôi không bao giờ quên được. Tôi run bắn lên, toan chạy nhưng chẳng hiểu sao tay chân cứ cứng đơ. Tôi chỉ tay về hướng người đang đi lên, thều thào:
                  -       Tên…tên Nam!
                  Anh Thiệu và bác Tư ngạc nhiên nhìn tôi. Thằng Riêng ngồi bên chờ hóng chuyện, thấy tôi hốt hoảng nó chưa hiểu ra, nhưng có vẻ đoán được sự nguy hiểm khi “người lạ” đến. Nó chụp lấy cái “nỏ” với ống tên rồi kéo tay tôi:
                  -       Người này xấu à? Hay nó là tên “Việt gian” mày kể?
                  Tôi gật đầu, Riêng nói:
                  -       Đi!
                  Tôi chụp tay anh Thiệu quay qua bác Tư:
                  -       Đừng nói con đang ở đây, đừng nói gặp con!
                  Bác Tư trố mắt ngạc nhiên, anh Thiệu dường như đoán ra sự việc Ngọng bị thương và tôi bỏ chạy có liên quan đến ông Nam. Anh gật đầu nhìn hai đứa đi tới chỗ mấy người dân tộc bẻ lá mỳ. Thằng Riêng đặt tay lên vai tôi nói:
                  -       Mày đừng có sợ!
                  Tôi lom khom nhìn qua tán lá, nói khe khẻ:
                  -       Nó là…thằng “Việt gian”!
                  -       Tôi bắn nó!
                  -       Giờ thì không được.
                  Riêng đứng thẳng người, nói:
                  -       Được mà!
                  -       Không! Để anh Thiệu xử, bạn không được để lộ.
                  Nó không nói gì, nhìn mấy người bẻ lá mỳ tuôn một tràng tiếng lạ hoắc rồi quay sang tôi:
                  -       Người ta cho đó, bẻ đi!
                  Tôi chẳng có hồn vía đâu bẻ lá. Thằng “Việt gian” đang đứng nói chuyện với anh Thiệu, “nó” hươ hươ tay nói gì đó rồi chỉ về hướng hai đứa. Tôi lạnh toát xương sống khi “nó” dợm chân bước tới. Anh Thiệu định cản hay sao ấy. Thằng Riêng rút mũi tên cầm tay, nói với người đàn ông bẻ lá mỳ, ông ta cầm cái rựa đi theo. Riêng nhìn tôi trấn an:
                  -       Tôi nghe lời mày rồi mà! Tôi chỉ không cho nó vô đường này thôi.
                  Nói rồi người cầm “nỏ” kẻ cầm rựa băng băng đi ra. Thằng Riêng quả lanh lợi và thông minh thật! Nó và người đàn ông tiến thẳng tới nhóm người đang đứng nói gì đó, tên “Việt gian” có vẻ nghĩ ngợi rồi đi về phía bìa rừng. Đợi “nó” đi thật xa tôi mới lò dò chui ra khỏi rẫy mỳ. Bác Tư nhìn thấy hỏi ngay:
                  -       Ông ta nói đi tìm cây thuốc gì đó chữa mắt, sao con lại sợ?
                  -       Thế không nói gì nữa à? Có…nói tìm con không?
                  -       Không! Chỉ nói bị cây đâm vô mắt.
                  -       Con bắn vô mắt ông ta đấy!
                  Bác Tư há hốc miệng:
                  -   Sao lại thế con ơi!
                  Tôi chưa kịp trả lời anh Thiệu đến cầm tay tôi:
                  -       Có liên quan gì đến Ngọng bị thương? Em kể hết cho anh nghe.
                  -       Tại “nó” bóp cổ Ngọng!
                  -       Sao lại bóp cổ Ngọng?
                  Tôi bắt đầu từ chuyện ở dưới hầm, chuyện ông ta “ ngồi trên xe “ríp” Mỹ ở ga Gò Mầm, rồi ông tái mặt như thế nào khi thằng Ngọng nhận ra, rồi bọn tôi rượt theo con cu đất, rồi ông bóp cổ… Tôi nhất nhất kể lại. Anh Thiệu và bác Tư chăm chú lắng nghe. Nghe xong, như phát hiện được điều gì, anh Thiệu vụt đứng phắt dậy, nói:
                  -       Con phải báo cáo gấp chuyện này cho đơn vị, thằng Ngọng có thể bị nguy hiểm. Má đưa Hà em về hầm dùm con!
                  Anh quay sang tôi:
                  -       Em nhớ đừng để ông Nam thấy và không được nói chuyện này với ai nghe.


                                                         Phạm Tú Uyên  (còn tiếp)


                  #24
                    ptuuyen 14.10.2009 17:52:23 (permalink)
                                             KÝ ỨC TUỔI THƠ  (Tiếp theo)

                    Anh dặn xong đi nhanh xuống đồi và mất hút vào cánh rừng thưa. Thằng Riêng đề nghị cho nó cùng theo tôi về tới hầm trú, tất nhiên là tôi rất vui.
                    Bác Tư nôn nóng về với thằng Ngọng nên bác đi như chạy. Thằng Riêng có vẻ buồn, tôi hỏi gì nó cũng không nói, chỉ ầm ừ cho qua chuyện, nhưng tôi muốn nó vui. Gợi chuyện hoài mà nó vẫn câm như hến, tôi đâm ra bực mình, gắt:
                    -       Cậu ngậm hột thị à?
                    Nó há miệng ngơ ngác:
                    -       Không có mà!
                    -       Sao cậu không nói?
                    -       ……
                    -       Giận mình hả?
                    -       Không, giận tao!
                    -       …???
                    -       Tao…phải xa mày mà!
                    Trong tôi như có một cái gì đó chạy rần rần khắp người. Tôi dừng lại cầm tay nó, đôi bàn tay khô cứng, nhỏ và đen xám. Tôi bóp thật mạnh: - “Riêng ơi! Xa cậu, mình cũng rất nhớ! Biết không?” Tôi nghĩ vậy nhưng không nói được lời nào. Môi rung rung, ngực như có tảng đá đè. Có lẽ thằng Riêng cũng tâm trạng như tôi, nó siết chặt đôi tay định nói gì đó, bác Tư đi phía trước thúc:
                    -       Nhanh lên hai đứa!
                    Sắp gặp được thằng Ngọng rồi lại phải chia tay với Riêng, tôi đang vui buồn lẫn lộn. Mảnh rừng có căn hầm đang ở trước mặt. Bỗng anh Thiệu xuất hiện, có thêm một chú bộ đội nữa. Anh nói gì đó với chú bộ đội rồi đi đến bên tôi và Riêng:
                    -       Em không phải về hầm nữa, cũng khoang đến thăm Ngọng…
                    Tôi trố mắt ngạc nhiên chưa kịp hỏi vì sao, anh xoa đầu tôi nói tiếp:
                    -       Để bảo vệ an toàn cho em, em phải đi theo anh Kim.
                    -       Nhưng em cần thăm Ngọng…
                    -       Rồi em sẽ được thăm nhưng không phải bây giờ.
                    Tôi bối rối đưa mắt nhìn Riêng, anh Thiệu nói luôn:
                    -       Cả cậu bé này cũng đi với em.
                    Thằng Riêng tái mặt:
                    -       Cán bộ bắt tao à?
                    Anh Thiệu cười, kéo hai đứa lại gần nói:
                    -       Không có bắt em đâu mà! Đi với Hà em rồi vài hôm nữa anh đưa “cậu bé tốt bụng”về nhà. À! Hà em đến đó sẽ có tin vui.
                    Nghe anh nói có tin vui tôi sướng đến tê người, chạy đến níu tay anh:
                    -       Anh nói đi, Anh Sơn phải không? – Hay em gặp ba?
                    -       Gần như vậy. Em đến đó khắc biết!
                    Nói xong anh đi với bác Tư về hướng căn hầm. Tôi tần ngần nhìn theo. Anh Kim bảo:
                    -       Ta đi thôi các em!
                    Nói xong anh Kim đi trước, tôi kéo tay Riêng nối gót theo sau. Quả thật, lời nói úp mở của anh Thiệu dù gây cho tôi nhiều thắc mắc, đưa vào lòng tôi những nghĩ ngợi mông lung, nhưng dẫu gì thì đó cũng là niềm vui. Niềm vui tột cùng trong tôi, niềm vui không thể dấu trong lòng được, nó toát ra từ ánh mắt, tiếng cười, từ dáng đi, điệu nói. Tôi sắp gặp ba hay anh Sơn đây? Với ai thì trong tôi cũng đang rộn ràng, lâng lâng sung sướng. Từ ngày xa nhà đến nay không biết bao tháng, bao ngày. Đói khát, hiểm nguy cứ rập rình từng bước chân. Nẻo đường loạn lạc, đi tìm cha, tìm anh giờ đây rực lên, ửng hồng phía trước. Tôi bước đi như con chim sáo. Thằng Riêng không hiểu vì sao anh Thiệu lại bắt nó đi theo tôi cùng anh bộ đội, nhưng thấy tôi vui, cười nói líu lo nên nó cũng bớt nghĩ ngợi. Hơn nữa, cùng đi với tôi đó là điều mà lòng nó muốn. Khi tôi nói “sắp được gặp cha” nó nhảy cẫng lên ôm lấy tôi, nó reo mừng như niềm vui này là của nó vậy. Đây là lần đầu tiên thấy thằng Riêng biểu lộ tình cảm, và đã gây cho tôi một cảm xúc khó tả: - “Riêng ơi! Cậu thật tốt với mình” Tự nhiên tôi nghĩ đến và thương nó quá! Cha mẹ và em nó giờ ở đâu? Sống chết ra sao? Nó buồn, đau lòng như tôi đã từng tan nát ruột gan khi nghe anh Sơn bị chết trên dòng sông. Nghĩ thế nên tôi không nhảy chân sáo nữa, miệng thôi cười, đi chầm chậm bên Riêng:
                    -       Mình với bạn lại đi bên nhau, thích nhỉ?
                    -       Ừ, thích!
                    -       Rồi bọn mình hỏi tìm cha mẹ và em bạn.
                    -       ……
                    -       Bạn đừng buồn. Sẽ gặp mà…!
                    -       Họ chết cả rồi!
                    -       Sao lại nghĩ thế, mình tin là vẫn còn sống và đang tìm bạn đấy!
                    Niềm hy vọng dù le lói vẫn tốt gấp ngàn lần hơn để nó tắt ngấm. Tôi đã biết như vậy khi nghĩ về anh Sơn. Có vẻ lời tôi nói làm nó vui hơn, khuôn mặt lại rạng rỡ. Dường như trong tâm - từ phía chân trời xa lắc lơ nào đó, hiện lên hình ảnh mẹ cha và đứa em thân yêu của nó.
                    Bọn tôi cùng anh Kim vượt qua một trái đồi trọc, mọc đầy những bụi cò ke và hoa sim tím. Đến một hẻm núi, con suối róc rách dưới chân, bên kia bờ có một chòi gác nằm vắt vẻo trên cháng ba của cây cầy đại thụ. “Giá mình được leo lên đó nhỉ!” Chú bộ đội gác lại ngồi trên tảng đá dưới gốc cây nhìn chúng tôi đến. Anh Kim lội qua suối nói chuyện với chú bộ đội, đưa tay ngoắc hai đứa:
                    -       Qua đây đi mấy em, gần tới rồi!
                    Bọn tôi chào chú bộ đội rồi nhanh chân chạy theo anh. Vào sâu trong hẻm núi một đoạn, anh Kim chỉ tay lên triền núi phía trước, tôi nhìn theo tay anh thấy thấp thoáng mấy gian nhà tranh, nhưng dưới chân núi, đá dựng đứng, cây rừng ken dày, kín mít không một lối đi. Quanh co thêm một lúc, khi những gian nhà tranh ẩn hiện bên trên, mé đường có một lối rẽ mòn, khúc khủy.  anh nói: “Hai em lên đi, có người đợi ở đó!” Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng tôi vẫn rất bất ngờ với thông tin anh Kim báo. Tôi như chơi vơi, như đang mơ:
                    -       Anh nói…ba em chờ?


                                                               Phạm Tú Uyên  (còn tiếp)


                    #25
                      ptuuyen 01.11.2009 17:00:58 (permalink)
                                  KÝ ỨC TUỔI THƠ  (Tiếp theo)





                      Hỏi xong tôi mừng đến nỗi trơ mắt nhìn anh, chẳng nói được tiếng cám ơn. Anh mỉm cười đi nhanh và khuất vào khúc quanh hẻm núi. Hai đứa men theo lối mòn leo lên. Mấy gian nhà tranh thấy đó mà đi hoài vẫn không tới. Tôi nôn nóng, muốn mình có được đôi cánh như con chim bay vù lên với ba, sà vào lòng: “Con nhớ ba quá, ba ơi!” Chặng đường dài lưu lạc giờ sắp kết thúc, ba đứng ngay cửa đợi tôi. Không! Ba cũng mong gặp tôi như tôi luôn nhớ ba. Người sẽ ra ngoài đầu triền núi đón thằng con út. Nghĩ thế nên tôi leo lên mệt bở hơi tai nhưng vẫn cố tình lẩn khuất vào những tán cây, bụi rậm. Thật bất ngờ ba nhé! Con sẽ “hù” ba từ phía sau lưng! Ngôi nhà hiện ra, sân là một vuông đất gập gềnh, lổm nhổm những tảng đá, những gốc cây. Bốn gian nhà tựa lưng vào vách núi. Mé trái gian chính có một người mặc đồ bộ đội, ngồi trên phiến đá giữa sân, nghiêng lưng về hướng bọn tôi. Thằng Riêng đi sau, nhéo vô hông, nói:
                      -       Ba mày kìa!
                      Tôi ngồi thụp xuống dụi dụi mắt, đôi mắt đỏ hoe. “Ba ốm và lưng còng nhiều quá! Mấy năm rồi không gặp…” Tôi định đi thật nhẹ đến bên ba, ôm vòng vào người và nói: “Ba ơi! Thằng Hà em của ba nè!” Tôi dợm bước trèo lên bật đá, chợt người đó đứng dậy. Cánh tay phải để trần, băng trắng toát nơi bả vai: “ba bị thương?” Tôi đau nhói như có ai đè vào ngực. Chẳng thể chần chừ được, tôi nhảy tót lên mép sân. Riêng dừng lại bên gốc cây, dường như nó khóc. Nghe tiếng động, người đó quay lui:
                      -       Các cháu tìm ai?
                      Tôi chưng hửng, ấp úng không nên lời:
                      -       Dạ… Dạ cháu tìm ba…
                      -       Hai cháu đi nơi khác tìm thử xem, chú ở đây gần mười ngày rồi có thấy ai đâu, chỉ có vài đứa trẻ con…
                      Tôi chới với, lạnh ngắt cả người, đôi chân bủn rủn, trước mắt mọi cái như tối sầm lại, đôi tai lùng bùng, chợt có tiếng ai đó gọi như reo:
                      -       Hà em đó phải không?
                      Như vừa tỉnh cơn mê, một bóng người từ trong nhà lao ra. Một đứa trẻ con trạc bằng tuổi tôi và Riêng. Tôi ngạc nhiên và bất ngờ quá đỗi:
                      -       Đức…lỳ!
                      Đúng là Đức lỳ thật rồi, chính nó chứ không thể là ai khác. Tôi lao tới, hai đứa ôm chầm lấy nhau:
                      -       Sao cậu ở đây?
                      -       Mình tới hôm qua.
                      Đức lỳ đưa tay chỉ Riêng vẫn còn đang đứng bên gốc cây:
                      -       Ai đấy?
                      Tôi lại kéo tay Riêng đến bên Đức lỳ:
                      -       Chuyện dài lắm, từ từ rồi kể - ba mình đâu?
                      -       Bác ở “cứ”!
                      -       Sao lại…ở “cứ”, mà “cứ” là cái gì?
                      -       Thì “cứ”…là “cứ” chứ còn cái gì nữa! Bác Ba được anh Thiệu báo là đã gặp cậu, bác sai mình đến đón - được chưa?
                      Nghe Đức lỳ nói tôi mừng rơn:
                      -       Giờ về “cứ ba” đi!
                      -       Hồi sáng thì thế, còn giờ không đi nữa. Ở đây “chơi” vài ngày! Anh Thiệu với mấy chú nói vậy. Tôi rất nóng lòng gặp cha nhưng cũng đành phải nghe theo. Ba đứa kéo nhau ngồi xuống một tảng đá to dưới gốc cây giữa sân. Tôi kể nhảy cóc chuyện nọ xọ chuyện kia, bắt đầu từ dạo Đức lỳ quyết tâm đi trả thù. Khi đó bổng dưng nó biến mất, chẳng ai biết đi đâu. Cở tuổi đó “sẫy nhà ra bơ vơ” nên mọi người đều cho rằng nó lưu lạc chốn nào, không biết sống chết ra sao với một thân trơ trọi, rồi cũng quên đi với những lo toan hằng ngày. Nhưng nó thì đi đường của nó, cứ nhắm hướng núi mà phăng lên. Đói no, ấm rét cũng một bận như tôi, nay ổn rồi. Nó gặp được cha tôi, thế là cha đưa nó về ở chung với “anh nuôi” của đơn vị. Đức lỳ “quản lý” cả một đoạn suối, chuyên bắt ốc, cá, hái nấm, lặt rau nuôi quân đánh giặc, ban đêm còn được đi học nữa. Giờ trông nó lanh lợi, hoạt bát hẳn lên. Nó bảo: “Nếu chăm chỉ lao động và học tập sẽ được vô trường Thiếu sinh quân”. Nhưng xem ra chuyện học không khoái bằng bắt cá dưới suối, trường Thiếu sinh quân không hấp dẫn bằng được làm cậu bé liên lạc, được làm anh du kích, anh bộ đội! Tôi nhìn thấy mình chẳng bằng góc nó. Suốt ngày chỉ biết ham chơi: bắn chim, tắm mương… Thời gian lưu lạc có lớn lên đôi chút nhưng vẫn còn là trẻ con. Tôi biểu lộ sự khâm phục với nó, nó cười xè:
                      -       Đã ở trên này ai mà chả vậy! Cậu mới cừ, chỉ với giàng ná thun mà dám bắn lòi mắt thằng “Việt gian” có súng!
                      Thằng Riêng nãy giờ ngồi bên cạnh lắng tai nghe tôi và Đức lỳ nói chuyện, nó góp lời:
                      -       Tao cũng ghét “Việt gian” lắm! Nó kêu máy bay bắn xuống buôn làng tao… Tao sẽ trả thù cho cha mẹ và em tao, tao cũng trả thù dùm “thằng Ngọng” nữa.
                      Thế là ba đứa lại xoay quanh chuyện thằng Ngọng bị thương, chuyện thằng “Việt gian” tìm giết tôi:
                      -       Gặp cậu chắc chắn nó giết!
                      -       Trả thù mày bắn lòi mắt nó mà…
                      -       Nó giết để giữ bí mật chuyện “Việt gian” của nó.
                      Tôi ngẫm nghĩ, chợt nhớ lời anh Thiệu: “Thằng Ngọng có thể bị nguy hiểm!” Tôi nhìn chằm chằm vào Riêng rồi lại quay sang Đức lỳ:
                      -       Đúng rồi!
                      -       Cái gì đúng?
                      -       Không tìm được mình…
                      -       Mày lên núi cao không tìm được đâu mà!
                      Tôi nói không kịp thở:
                      -       Nó sẽ quay lại giết Ngọng!
                      Cả hai tròn mắt nhìn tôi, đồng thanh:
                      -       Làm sao bây giờ?
                      Tôi ấp úng:
                      -       Mình chưa biết!
                      Ba đứa lại ngồi bàn đến sự an nguy của Ngọng. Đức Lỳ đưa ra kế hoạch:
                      -       Mình phục kích…bắt sống nó!
                      -       Bắt cái củ khoai từ! Nó to con, lại có súng…
                      Thằng Riêng rụt rè:
                      -       Tao bắn…sau lưng bằng nỏ.
                      -       Khó lắm! Mình bị nó lùng thiếu điều đái trong quần…
                      Bàn tán râm ran nhưng cũng chẳng đi đến đâu. Bỗng Riêng như phát hiện ra điều gì:
                      -       Mình bắt nó…như săn heo rừng!
                      Bọn tôi ngạc nhiên, nó nói tiếp:
                      -       Mỗi người cầm vũ khí núp một góc, chính giữa lối đi đào cái hố, che lá rồi bỏ mồi lên trên…
                      -       Khùng! Thằng “Việt gian” mà đào hố, bỏ mồi…nhử heo!


                                                       Phạm Tú Uyên  (còn tiếp)
                      #26
                        ptuuyen 04.11.2009 15:29:11 (permalink)

                                            KÝ ỨC TUỔI THƠ  (Tiếp theo)


                        Riêng tiu nghỉu, ngồi dí dí ngón chân trên đất. Tôi vụt đứng dậy:
                        -       Có mồi rồi!
                        Đức lỳ kéo tay tôi ngồi xuống:
                        -       Lại khùng nữa!
                        -       Cậu khùng thì có, mồi là thằng Ngọng!
                        Đức lỳ và Riêng chưng hửng, nhưng chợt hiểu ra:
                        -       Ừ, đúng đó! Sao không nghĩ ra hè, chắc chắn nó sẽ tìm đến Ngọng. Bọn mình phục kích ngay trạm xá.
                        -       Chơi một trận…ngon lành!
                        -       Cả ba đứa!
                        -       Có vũ khí thứ thiệt.
                        -       Tao nỏ!
                        -       Tao có dao găm!
                        -       Tao ná thun!
                        Thỏa thuận với nhau nhanh chóng, khí thế đang sôi sục tôi bỗng đâm lo:
                        -       Nhưng…anh Thiệu dặn mình phải ở đây!
                        Đức lỳ…lỳ thế mà cũng bối rối. Nó có vẻ bực bội, đi đi lại lại quanh tảng đá. Thằng Riêng ngạc nhiên nhìn chúng tôi:
                        -       Nhưng mình có đi luôn đâu mà!
                        Đức lỳ bồn chồn, thòng một câu thăm dò:
                        -       Xong rồi về lại đây, đừng cho anh Thiệu biết!
                        Tôi hơi ngần ngừ, nhưng nghĩ đến Ngọng vừa thoát chết lại sắp gặp nguy hiểm và, căm thù thằng “Việt gian” đến xương tủy, tôi đáp luôn:
                        -       Y chang! Giả đò đi bắn chim, “khử” nó xong, tối về ai mà biết!
                        Phương án được đưa ra, cả ba nhất trí: Tên “Việt gian” biết mặt tôi nên không được ra mặt, phải thường xuyên núp trong bụi rậm gần trạm xá, Đức lỳ cũng không ló mặt vì sợ anh Thiệu thấy. Còn Thằng Riêng, do cả bọn cho rằng anh Thiệu không nhớ mặt, hơn nữa nó đã biết tên Nam nên được đi thăm dò công khai. Nói là làm, ba đứa nhanh chóng xuống núi. Đức lỳ chạy nhanh vào nhà, chớp mắt đã phóng ra với cái túi vải mang trên vai, hông đeo lủng lẳng lưỡi lê có bao hẳn hoi, trông oai ra phết. Nó móc từ trong bị ra một nắm khoai lang dai (khoai lang nấu chín xắt lát phơi khô làm lương thực) chia cho tôi và Riêng ăn đi đường.
                        Vùng này Đức lỳ là Thổ địa. Ngóc ngách rừng, suối nào mà không in dấu chân nó. Nó dẫn hai đứa lội qua mấy con suối cạn đi đường tắt đến trạm xá. Mỗi lần qua suối tôi đều mò tìm những hòn sạn lớn hơn ngón tay cái, nhét đầy hai bọc túi áo. Những hòn sạn tròn trịa, trắng đục lạo sạo trong ngực, reo lên theo từng bước nhảy. Tôi kiểm soát lại giàng ná thun – đều an toàn. Trận đánh sắp tới không còn đơn giản là trò chơi trẻ con nữa. Quả thật, giờ không còn là trò chơi đánh giặc giả như thuở nào. Không còn hể cứ thua là giơ tay đầu hàng rồi rủ nhau nhảy ùm xuống mương tắm một trận, hoặc bị “địch” bắn đau…có đứa khóc ré lên chạy về méc mẹ! Lần này nếu có sơ sẩy điều gì là chết như chơi. Ba đứa ngu ngơ, ăn chưa no, lo chưa tới, làm sao đối đầu được với con sói nham hiểm, độc ác – tên “Việt gian” đầy thủ đoạn điên khùng.
                        Băng qua một cum rừng nhỏ, Đức lỳ đi chậm lại:
                        -       Sắp tới rồi!
                        Thằng Riêng hào hứng xốc lại gùi lương thực trên vai, tay mân mê cây nỏ. Nghĩ đến những chuyện sắp xảy ra đôi chân tôi tự nhiên bủn rủn, mồ hôi tươm ướt trán: - Sợ chăng ? Tôi phân vân tự hỏi như vậy. Vâng, tôi sợ chết! Tôi không phải nhát gan nhưng thật sự tôi sợ nếu chết đi sẽ không còn gì cả - sẽ không bao giờ được gặp ba, không được nhìn mặt anh Sơn và nghe anh kể về những trận đánh, về chuyện “ôm đùm ruột” bơi qua sông. Chỉ rán thêm vài ngày nữa thôi. Ba với anh đang đợi tôi ở “cứ”… Rồi sẽ không thấy mặt chị Hai, anh Hà, không được nằm vào lòng, hít mùi chua nồng nhưng thơm ấm của mẹ. Rồi muôn đời không còn thấy nhỏ Vân nữa. Rồi còn thằng Ngọng, Đức lỳ, Riêng… Càng nghĩ, tôi thấy bước chân mình như chậm hơn, tay chân lạnh toát. Thằng Riêng dừng lại đợi, thấy bộ dạng tôi, nó hỏi:
                        -       Mày bị đói bụng à?
                        Đức lỳ quay lui, đưa tay sờ lên trán:
                        -       Có thể kiệt sức hoặc trúng gió.
                        Nói xong nó mở miệng túi vải, lôi ra một cái chai nhỏ, lớn hơn ngón chân cái. Bên trong còn lưng nữa chai nước màu vàng, đặc sánh, nói:
                        -       Mật ong đấy! Mày ngậm một tí là khỏe ra ngay.
                        Tôi lúng túng đưa tay đẩy lui:
                        -       Không, mình không mệt!
                        Riêng bỏ gùi xuống móc ra mấy củ mỳ, đưa mỗi đứa một củ:
                        -       Ăn đi! Ăn no rồi đánh giặc!
                        Ba đứa ngồi xuống vệt cỏ bên đường mòn gần bìa rừng. Mặt trời đã ngã về tây, những tia nắng không còn mạnh mẽ, nó yếu ớt, hiền lành. Hơi sương từ cỏ cây tỏa ra lành lạnh, tôi nhẹ kéo cổ áo lên, co vai lại nhìn Riêng và Đức lỳ:
                        -       Trời về chiều nhanh quá! Không chừng nhá nhem chẳng thấy đường…mà đi.
                        -       Bây giờ lơ mơ một tí là hỏng như chơi.
                        -       Tao thề với Giàng sẽ bắn thằng “Việt gian” để trả thù cho Ngọng, cho cha mẹ với buôn làng tao.
                        -       Nhất định rồi! Cả nhà tao chết vì giặc, tao đâm lưỡi lê này vào ngay tim nó.
                        Miệng đắng nghét, đầu hơi váng nhưng nghe hai đứa bạn quyết tâm chắc cú, dứt khoát khiến mặt tôi nóng bừng. Lòng tôi vẫn thấy như in hình ảnh bác Trong cõng mẹ chết cháy thê thảm trên hiên nhà, làng xóm cháy tan hoang. Những xác người trôi trên mương dẫn thủy trương phình, tôi nhớ hình ảnh Ngọng bị bóp cổ, đôi chân choài đạp lên đất, hai tay cào cào trong không khí…
                        Đức lỳ nhét lại chai mật ong vào túi vải, rút ra một tờ giấy gấp tư, chìa sang tôi nói như reo:
                        -       Hà em ơi! Quên mất, cậu có thư của bác ba!


                                                  Phạm Tú Uyên  (còn tiếp)
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.12.2009 09:59:28 bởi ptuuyen >
                        #27
                          ptuuyen 05.11.2009 09:20:29 (permalink)



                                     KÝ ỨC TUỔI THƠ 

                                                  (Tiếp theo và hết)


                          Tôi sung sướng hét lên, nhào tới ôm chầm lấy Đức lỳ, chộp nhanh tờ giấy từ tay nó. Không thể diễn tả nổi vui sướng của tôi lúc này đâu; nó chạy rần rần khắp cả người, nó lâng lâng tưởng như mọi cái chung quanh tan nhòa, biến mất. Tôi chưa vội đọc, áp lá thư vào ngực để nghe niềm sung sướng trào dâng. Chợt có mấy tiếng súng nổ nghe gần lắm. Đức lỳ chạy ra bìa rừng rồi phán đoán:
                          -       Nổ từ hướng trạm xá, có chuyện rồi!
                          Tôi nhét vội lá thư của ba vào túi áo đựng đầy đạn sỏi, cài khuy nút cẩn thận rồi bước nhanh ra bìa rừng. Thằng Riêng đưa mắt nhìn bọn tôi như muốn nói: “Chạy tới đó thôi!” Đức lỳ lao ra trảng rừng thưa xen lẫn đồi cỏ tranh. Vừa chạy vừa gọi:
                          -       Chạy tới trạm xá anh em ơi! Nó bắn thằng Ngọng rồi!
                          Tôi vụt theo. Thằng Riêng cầm nỏ phóng lên trước. Ba đứa cắm cổ chạy về hướng trạm xá. Chạy một đoạn tôi la lớn:
                          -       Chạy tảng ra! Chạy tảng ra!
                          -       Sao lại tảng?
                          Tôi nhớ hồi chơi giặc giả, mỗi lần rượt đuổi “địch” không ai lại chạy dồn đống mà đuổi – nó “câu” lại một cục đất, trật thằng này cũng trúng đứa kia. Nghĩ thế nên gào tiếp:
                          -       Lỡ thằng “Việt gian” bỏ chạy lên đây gặp bọn mình…
                          Đức lỳ…nổi máu lỳ:
                          -       Chắc gì nó…chạy hướng này!
                          -       Nó chạy như heo rừng thôi, không biết được đâu mà!
                          Tôi chạy tạt qua mé trái, Riêng thấy thế tách về bên phải, Đức lỳ ở giữa, cứ thế mà chạy trên đồi cỏ tranh. Nắng chiều vàng rực, gió lao xao làm gợn sóng cỏ tranh như đồng lúa quê nhà. Ba đứa mãi miết chạy, tôi và Riêng chạy hai bên tuy ít tranh nhưng những bụi cây lùm bùm lại vướn lối. Đức lỳ bị tranh che tới ngực, nó cứ lúp xúp giữa đồi tranh mênh mông. Đang chạy loằng ngoằn với những lùm cây vướn lối, tôi quay nhìn ngang, chẳng thấy Đức lỳ đâu, nhìn lui không có. Bên kia bóng dáng Riêng cũng biến đâu mất. Tôi đâm chột dạ: Rơi hố bẫy hay…bị trăn quấn, cọp vồ? Toan lên tiếng gọi thì thấy trên đồi cỏ tranh nơi Đức lỳ vừa chạy, từng mảng tranh rạp xuống, bóng người lồm cồm, nhấp nhô. Tôi khủng khiếp thét: “Trời ơi! Trăn quấn Đức lỳ rồi!” Chẳng còn nghĩ được điều gì, tôi lao tới chỗ Đức, tiếng ú ớ, tiếng quẫy xuống đất thình thịch. Chưa rõ ra sao nhưng chắc chắn Đức đang bị nạn. Tôi mò tìm khúc cây hoặc hòn đá cầm tay nhưng chẳng có gì. Hoảng quá tôi khóc thét lên: “Đức ơi! Riêng ơi!” Tiếng ú ớ, tiếng vật lộn rõ lên rồi bỗng dưng im bặt! Im lặng đến ghê rợn. Tôi đứng chết điếng, tê dại cả người. Chợt từ chỗ Đức lỳ bị nạn vụt đứng lên một con người. Nếu là một con trăn hay một con cọp chồm tới có lẽ tôi ít kinh ngạc hơn. Tôi đứng sững như trời trồng, bóng người cao lớn tiến nhanh tới, nó cầm trên tay lưỡi lê sáng loáng của Đức lỳ, nơi kẽ rảnh lưỡi lê còn đỏ lòm máu tươi. Tôi chỉ thốt lên được một tiếng: “Nam!” - Đúng nó là thằng “Việt gian”. Khuôn mặt đằng đằng sát khí, tôi bất kể hiểm nguy lao thẳng vào nó. Nó rít lên:
                          -       Thằng chó chết, tao sẽ bằm nát mày ra.
                           Như một phản xạ, tôi chụp giàng ná thun đang đeo nơi cổ - không kịp nữa rồi! Nó đưa lưỡi lê đâm thẳng vào ngực tôi. Quả thật khi nghĩ người ta có thể nghĩ được nhiều thứ trong một khoảnh khắc, nhưng lúc này đây tôi chẳng nghĩ được gì. Tôi chỉ thấy máu của Đức loang trên lưỡi lê, chỉ thế thôi. Tôi nhìn trừng trừng vào nó không hề sợ hãi. Nó đang đâm tới ngực tôi bỗng khựng lại một tẹo, hơi nẫy người ra sau nhưng bàn tay cầm lưỡi lê vẫn đâm tới, tôi thấy đau nhói nơi ngực. Thế là mày chết thật rồi Hà em ơi! Mà thật lạ, lúc này thì những hình ảnh lại xuất hiện trong tôi. Này là ba, ba đang vẫy tay đón tôi. Còn mẹ, anh Hà, chị Hai… Rồi anh Sơn nữa, anh đang bơi trên sông, nhỏ Vân mặt mày tái méc đứng khóc… Rồi thằng Ngọng, thằng Riêng, Đức lỳ… Nó đâm thêm nhát nữa ngay nơi nó vừa đâm, nó muốn giết đến hai lần. Tôi bậm môi: “Tao chết thì mày cũng chết!” Không để nó kịp đâm, tôi lao vào ôm chặt cánh tay cầm lưỡi lê. Mũi lê theo sức đâm “phập” vô ngực đau nhói. Lại một luồng gì đó nong nóng chạy dài xuống bụng. Tôi ôm chặt cánh tay nó cắn thật mạnh. phía sau lưng tên “Việt gian” thằng Riêng đột ngột xuất hiện, nó giáng một cú bổ bằng bán nỏ xuống đầu tên Nam, thằng “Việt gian” buông lê lảo đảo, tôi chụp lấy lưỡi lê thọc vào bụng nó đến tận cán. Một dòng máu phọt ra đỏ lòm cả tay, tôi rùng mình để nguyên lưỡi lê trên người nó, luống cuống thụt lui, chùi lia lịa bàn tay dính đầy máu vào đũng quần. Sực nhớ đến Đức lỳ, tôi lao đến chỗ nó, nó nằm im lìm bên bãi cỏ tranh bị giày nát. Mặt mày bầm tím, máu thấm đẫm chiếc áo sơ mi sờn rách, tuột hết khuy: “Nó chết rồi sao?” Tôi đưa tay sờ lên mũi, không nghe động tĩnh gì. Tôi cúi xuống áp tai vào ngực, tiếng đập thoi thóp, đứt quãng tôi reo lên: “ Đức lỳ còn sống Riêng ơi!” Tên “Việt gian” bị Riêng đập bán nỏ ngay đỉnh đầu, tôi lụi một lê vô bụng nó nằm quay lơ, dang tay víu nạm cỏ tranh. Ở lưng nó, phần đuôi mũi tên dựng đứng lên trời, tôi ngạc nhiên nhìn Riêng:
                          -       Sao lại có mũi tên ở đây?
                          -       Tao bắn khi nó…sắp đâm mày.
                          Nói rồi thằng Riêng kể lại sự viêc mà nó trông thấy: Khi tôi còn đang vướn víu với mấy lùm cây, nó phát hiện một bóng người chạy lom khom phía chân đồi tranh, kêu nhưng cả hai đứa đều không nghe, nó ngồi xuống kéo dây nỏ lắp tên nhưng loay hoay thế nào mà căng mãi dây nỏ vẫn cứ tuột. Lúc lắp được tên vào thì mất tiêu bóng người đang chạy lên đồi. Nó nhìn thấy tôi, định kêu thì bất ngờ tên “Nam” đứng bật dậy, thằng Riêng nói tiếp:
                          -       Tao luồng dưới cỏ tranh đến sau lưng và “phựt” mũi tên cắm gần lút nửa khi nó "thọc" lê vào ngực mày.
                          Ngay lúc đó, từ dưới đồi có mấy người chạy lên. Tôi nhận ra trong đó có anh Thiệu và anh Kim. Tôi vẫy tay gọi rối rít, mọi người chạy xô đến. Anh Thiệu hỏi qua mọi việc rồi cho khiêng Đức lỳ và tên Nam về trạm xá. Anh Kim cầm súng đi phía sau. Đang đi, tôi thấy mọi người như chao đảo, đất trời bỗng tối sầm lại và dường như có ai đó gọi í ới tên tôi.
                          Mặt trời sớm mai trên rừng đồi thật đẹp. Nắng vàng tươi, hiền hòa trải rộng những đồi xa. Đây đó, vài khe sâu còn cựa mình chưa muốn dậy. Hơi sương loãng dần, đọng lại và rồi co lại trên đầu ngọn cỏ như những hạt ngọc lung linh. Tôi ngồi dưới gốc cây giữa sân trạm xá từ lúc những chú chim non háu đói đòi mẹ cho ăn sau một đêm đẫy giấc. Tôi ngất không lâu. Có lẽ do đói và khát, do kiệt sức vì suy nhược nhiều hơn là do hai vết đâm vào ngực. Mọi người cho rằng tôi…có phúc ba đời! Mà cũng phải công nhận một điều: Hai lần đâm “chí mạng” của thằng “Việt gian” vào ngay ngực, vào ngay một điểm nơi có quả tim, nơi hằng cất giữ những ảnh hình thân yêu nhất trong tôi. Cái túi áo “bộ đội” lèn đầy những viên sỏi, được gài nút cẩn thận và đã trở thành tấm giáp chở che, nên mũi lê căm thù của nó bị chặn lại, vừa đủ rạch một đường nông, không xuyên qua lồng ngực. Hơn nữa, mũi tên ghim vào lưng và cú đập ngay đỉnh đầu tên “Việt gian” của thằng Riêng cũng góp phần rất lớn để giành lấy mạng sống của tôi. Lá thư ba gửi được tôi cất vào túi, bị lưỡi lê đâm qua. Chính lá thư đã cản mũi lê nhọn hoắc - chính ba đã gì chặt lấy cái vật nhọn chết người để cứu đứa con trai út phải không ba? Lá thư ướt đẩm máu không đọc được nhưng con đoán biết ba viết gì cho con rồi ba ạ! - Thật nhiều những lời yêu thương, thật nhiều những mong nhớ! Con còn biết cả việc má tìm được anh Hà, và đang ở nhà bác Thi dưới Tuy Hòa. Rồi anh Sơn vừa mới xuất viện xong liền xung phong tham gia chiến đấu. Chị Hai nữa chứ! Chị chạy tít mù lên Phú Bổn… Công nhận ba “cừ” thật đấy! Ba ở trên này mà biết hết mọi việc xảy ra của gia đình mình (những điều này anh Thiệu kể lại con đấy ba ạ!). Tôi miên man suy nghĩ, bồn chồn mong ngày chóng qua, mong sức khỏe mau bình phục. Không thể gặp ba trong tư thế ốm xanh và vết thương nơi ngực như thế này, ba nhỉ? Anh Thiệu bảo: “Ba đi công tác về sẽ qua đây đón con, Đức lỳ và cả thằng Riêng nữa – thích quá ba ạ. À! Còn chuyện thằng Đức lỳ mới tức cười làm sao – khi đó nó chỉ chăm bẳm đi cho nhanh đến trạm xá nên không phát hiện thằng Nam. Tên “Việt gian” chỉ cần luồn dưới cỏ tranh là tóm gọn cậu ta ngay. May mà nó không thấy con và thằng Riêng. Đức lỳ bị một vết đâm vào vai, nhưng nó ngất là do “thằng kia” bóp cổ! Giờ đỡ nhiều rồi. Còn thằng Ngọng, lẽ ra giờ nó có thể ngồi dậy hoặc đi dạo vài bước như lời cô y sĩ nói, nhưng nó không thể làm điều ấy được. nó nằm bẹp dí là do nó bị thương thêm lần nữa. Số là thế này: Các anh bàn nhau đưa ra phương án “kiểm tra cuối cùng” thằng Nam - nó là ai? Và tóm tại trận để tâm phục, khẩu phục! Anh Kim cùng anh Thiệu phục kích thật kỹ. Tên Nam vào trạm xá. Lúc đó trạm vắng nhưng cũng có vài bệnh nhân nằm gần Ngọng nhưng họ không biết “màn kịch” diễn ra. Thằng “Việt gian” đến quầy xin thuốc uống và rửa mắt xong nó đi ngang qua giường Ngọng nằm, đánh rơi những viên thuốc xuống sàn nhà trạm xá, rơi cả trên giường Ngọng. Nó loay hoay nhặt từng viên thuốc bé tí. Một tay nhặt thuốc một tay kín đáo kéo chéo mền ép chặt mũi và miệng Ngọng. Tội nghiệp thằng Ngọng, nó có biết gì đâu, đang nằm ngủ lơ mơ tự nhiên ngột không thở được. Đằng này anh Thiệu và anh Kim căng mắt nhìn vẫn không thấy có hành động gì khác lạ. Đến khi thằng Ngọng choài, quẫy, mặt mày tím tái, hai anh phóng ra, tên Nam biết bại lộ nên vụt chạy. Anh Thiệu bắn mấy phát đạn cảnh cáo nhưng thằng “Việt gian” lủi mất tiêu! Giờ thì nó được “chuyển” lên bệnh viện cấp cứu rồi ba ạ. Nghe nói cấp trên cần nó sống để hỏi cung gì đó, con chả biết. Nhưng theo con “đòm” một phát cho xong đời bọn Việt gian!
                          Mặt trời lên khá cao, thằng Riêng đi đâu đó về, một tay cầm nỏ tay kia xách con gà rừng béo núc, nặng trì cả đôi vai vốn còm nhom của nó. Riêng cười thật hồn nhiên:
                          -       Mỗi ngày tao sẽ đem về một con gà rừng cho mọi người cùng ăn.
                          -       Vài hôm nữa ba đến, bạn cùng đi với mình và Đức lên chỗ ba nha!
                          -       Tao đi, nhưng phải về báo với cái nhà tao đã. Sáng mai tao về rồi lại lên đây với mày!
                          Hai đứa dắt nhau vào trạm thăm Ngọng và Đức lỳ. Anh Thiệu đến báo một tin vui: “Các em rất dũng cảm vây bắt tên Việt gian. Các bác, các chú sắp xuống thăm và sẽ có quà cho từng đứa” Anh quay sang tôi cười tủm tỉm: “Ba em cũng tới, có cả…thằng Sơn sếu vườn nữa, Hà em ạ!” Tôi bất giác đứng thẳng người, đưa mắt nhìn Riêng, Ngọng, Đức lỳ. Cánh mũi phập phồng ửng đỏ.

                          Ngoài kia, trên ngọn cây chú chim non chấp chới bay theo mẹ dưới ánh nắng rực rỡ sớm mai.
                           
                                        Đà Nẵng - Tuy Hoà mùa mưa 2009
                           
                                                        Phạm Tú Uyên
                           
                                                            HẾT


                                                                                         

                                                                                          

                           
                           
                          <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.12.2009 10:04:11 bởi ptuuyen >
                          #28
                            ptuuyen 14.12.2009 09:45:31 (permalink)
                             
                                            BIỂN ƠI! 
                                                              Truyện ngắn            
                                     
                                 Ban ngày, công việc và nắng gió, đêm về yên bình đến lạ, không một tiếng ồn, chỉ rì rào thông reo. Phố xá như đã lùi vào cổ tích. Bên kia con sông rộng – đèn xe trên QL1 di động ngoằn ngoèo, ẩn hiện như ma trơi. Tôi men theo những thân dừa cao lêu đêu, ra bờ sông, những đìa tôm của anh Lê sáng trưng ánh điện. Anh Lê và bé Huyền đang từ đìa về nhà:
                                - Nguyên đấy à ?
                                     - Dạ, định dạo ra đìa coi hai cha con anh chăm tôm. Sẵn...tập bơi thúng chai!
                                     - Ừ! Huyền đi với anh, con.
                                     - Dạ, thôi khỏi anh!
                                Trời cuối tháng hai, về đêm vẫn còn se lạnh của rét “nàng Bân”. Cái lạnh của mùa xuân mang đầy sức sống khiến lòng người trở nên bao dung, tâm hồn thêm rạo rực cùng đất trời, hoa cỏ. Tôi hát khe khẻ:
                                     - Anh hát hay ghê!
                                Tôi giật mình quay lại:
                                    - Sao Huyền không về với ba ?
                                    - Huyền sợ anh bơi thúng chai lỡ không...vào bờ được!
                               Cô bé thật buồn cười. Lật thúng không sợ, lại đi sợ...không vào bờ được! Tôi đi chầm chậm:
                                    - Bé sống ở đây có thấy...buồn không ?
                                    - Dạ, lúc mới về buồn lắm ạ! Giờ thì không rồi.
                               Trời đêm đầy sao. Xa xa trên sông, nhìn những đốm sáng mỏng manh của ghe câu, Huyền buột miệng:
                                    - Giống như những ngôi sao bị rơi xuống nước, anh nhỉ?
                               Tôi ném hòn cuội xuống đìa tôm, không một thanh âm vọng lại, chỉ nghe tiếng rì rào của phi lao. Tôi lật ngửa thúng chai kéo xuống mép nước, Huyền lấy cây dầm trên bờ:
                            - Anh ở đây cho đến khi con đường xong chứ?
                            - Có thể là vậy, một năm hoặc lâu hơn.
                            - Rồi lại đi, buồn ghê anh nhỉ!
                            - Leo lên thúng kẻo ướt, cô bé!
                                   Huyền nhẹ nhàng bước vào thúng chai như một chú mèo con, tôi đẩy ra xa. Nước dập dềnh bên mạn thúng lấp lánh như ánh bạc, tôi đùa:
                            - Anh sẽ đưa cô bé đi...nhặt sao rơi, Huyền ạ!
                            - Ôi! Huyền cứ tưởng...
                            - Tưởng gì?
                            - .....
                            Tôi ngoáy nhẹ mái dầm, thuyền thúng lướt ra xa
                            - Quê anh cũng ở biển à?
                            - Biển rất xa, nhưng quê anh bão lụt liên miên.
                            - Chắc quê anh đẹp lắm! Ở đây xơ xác quá phải không anh? Tuy thế, Huyền rất yêu nơi này
                            - Anh cũng yêu nơi này!
                            - Vì sao ạ?
                            - Anh không biết!
                            - Huyền cũng không biết.
                             
                             
                              Còn một tuần nữa tôi lại phải ra đi. Gần năm tháng gian lao cùng gió cát, cùng cái nắng rát mặt cháy da. Giả biệt nơi này, tôi vào Thị trấn Sông Cầu nhận công việc mới: “Kè chắn sóng Tam Giang, Sông Cầu”. Đến một nơi mới, công việc có vẻ thuận lợi và môi trường tốt hơn. Nhưng sao tôi không thấy bồn chồn, hồ hởi, sao tôi cứ như hụt hẫng một cái gì. Tôi chẳng hiểu và chẳng biết nữa.
                               Sáng nay ra công trường lòng cứ thấy nao nao. Từng tảng đá lắp dần vào mái Taluy, những bàn tay chai sạn, những khuôn mặt đen cháy của anh em công nhân cứ thoăn thoắt. Núi cát nhường dần  từng bước đi của con người. Tôi xách xe đi dọc theo tuyến đường. Những xóm làng ven đường im ắng, hiền hòa trong nắng mai, bọn trẻ con nghịch cát dưới gốc dừa, trai tráng đã ra đi từ nửa đêm, giờ sắp vào bờ, phụ nữ làm công việc tiếp theo: - đem những con cá câu được ra chợ bán. Tôi dựng xe bên vệ đường, đi về phía biển. Mặt trời đã lên cao khỏi đồi cát, ánh nắng vàng tươi. Vài cụm hoa dại tim tím nép mình bên phiến đá. Tôi đến chân đồi cát. Tôi cũng chẳng biết đến đây làm gì? Leo lên đồi cát để làm gì? Dường như chỉ hiểu rằng: - “tôi đang nợ một cái gì đó!”. Có lẽ sống ở nơi mênh mông trời biển, con người trở nên mơ mộng, lãng mạn? Đường dốc lên đỉnh đồi vẫn thế, vẫn phải bám vào từng bụi cây dại. Gần một trăm năm mươi ngày, thời gian quá ngắn ngủi  để có thể làm đổi thay cảnh vật, nhưng lòng tôi, khoảng thời gian ấy không phải là đó với đây, nó xa xăm như trở về ký ức. Bên sườn đồi, những bụi xương rồng nở hoa vàng nhạt. Gió từ biển khơi lồng lộng, túp lều vẫn nép mình bên cội dương già. Tôi như người cũ trờ về chốn xưa, lòng rộn ràng, tò mò và e ngại. Tôi khom người chui vào lều. Căn lều vẫn mênh man gió trời, nhưng lòng tôi như ấm lại. Tôi lấy từ trong túi áo ra một hộp phấn đặt lên mặt bàn chông chênh của những thanh gỗ. Phần quà của “lớp”, của những em bé mà tôi chưa một lần được gặp. Có lẽ “tiết học trước” là tập đọc nên trên “bảng” còn rất rõ một bài thơ: “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây…” dù rằng gió biển đã mài mòn bụi phấn. Tôi với tay lấy hộp phấn trên bàn rút một viên chui ra khỏi lều. Bẻ cành gai lưỡi long, đứng tựa gốc dương già gọt viên phấn. Hình hài cô gái với áo dài trắng ôm cặp đang bước ra từ viên phấn. Tôi đặt “bức tượng” vào hốc cây dương ngay cạnh “bàn” cùng hộp phấn. Lòng bỗng thấy nhẹ nhàng: - “ Thôi, chúc điều tốt lành đến với các em, những bông hoa tím nở từ khe đá, những đóa hoa xương rồng đang khoe sắc giữa bạt ngàn gió cát.
                                                                    *      *   
                                                                       *
                             Gần mười năm tôi trở lại nơi này. Những chuyến xe qua lại ngày đêm, dững dưng trên đường thiên lý. Phố xá mọc lên, sự đổi thay cũng dễ xóa nhòa ký ức. Mười năm quá dài cho một đoạn đời. Hai bên đường, nhà cửa mọc lên san sát. Bên phía biển, các khu công nghiệp lô nhô ống khói, chạy dài thẳng tắp những tường rào. Tôi nhìn mỏi mắt…đồi cát năm xưa - không còn nữa! Phải thế thôi, mọi chuyện đã đi vào cổ tích. Cuộc sống vốn thế mà!
                            Tôi ghé thăm gia đình anh Lê. Ngôi nhà vẫn không thay đổi, sân vườn vẫn vậy, có khác chăng là sự vắng lặng, im lìm:
                            - Các...em đâu cả...?
                            - Tụi nó đi hết rồi, thằng Long ra trường về làm cho khu công nghiệp.
                            -  Huyền?
                            - À! Nó dạy trên Sông Hinh
                            - Xa vậy! Em cứ tưởng…
                             - Ở đây cũng có trường, nhưng nó tình nguyện đến vùng sâu vùng xa. Sao chú đi biệt thế, nó mong hoài, nhất là khi ra trường.
                            Tôi lúng túng không giải bày được gì:
                                 - Mọi cái cứ trôi đi, nhanh thật. Về đây em cứ ngỡ như hôm qua, chắc cô bé và cu Long lớn lắm anh nhỉ - cô giáo rồi mà!
                            Anh Lê chỉ hai tấm hình lồng khung để trên tủ:
                            - Hình tốt nghiệp đó!
                                 Tôi nhìn theo hướng tay anh, bỗng dưng người tôi gai ốc nổi khắp mình, tôi bàng hoàng ngồi xuống ghế: - “Sao lại ở đây? Là Huyền đấy ư! Là cô giáo với lớp học “túp lều”, với những em học sinh dầu giải nắng mưa đấy ư! Tôi bần thần:
                            - Tượng ai khắc đẹp ghê anh?
                            À! Chuyện “ly kỳ” của con huyền đó – “Chợt nhớ ra điều gì, anh Lê đến sau ngăn “bức tượng” lấy ra một phong thư đưa cho tôi:
                            - Con Huyền gửi cho chú hồi mới đi dạy kìa, lâu rồi tôi cũng quên.
                            Tôi bồi hồi cầm lá thư trên tay: - “Huyền ơi, anh xin lỗi…!”
                             Lá thư đã về tay người nhận, một sự đón nhận không hẹn trước. Bì thư ngã màu theo thời gian: - “…Huyền mong tin từ khi anh đi, khi đậu Đại học, khi ra trường, khi đi dạy. Giờ ngồi viết thư cho anh, Huyền thấy vui vì được nói chuyện cùng anh, và tin rằng một lúc nào đó anh sẽ ghé lại, sẽ đọc những dòng này. Ngày mai Huyền lên Sông Hinh…làm cô giáo. Mọi người bảo: “Dạy ở đây tốt hơn, sao lại lên trên núi?” Nhưng Huyền nghĩ có lẽ ở nơi đấy cần hơn, – Giống như Xuân Hải ngày trước, phải không anh? Những “học trò” trên đỉnh đồi năm nào giờ cũng đã học cấp hai, trường lớp khang trang. Cô bé Huyền ngày xưa đã trưởng thành, duy chỉ “tượng cô gái” vẫn ngây thơ, trong sáng.
                            Anh! Ngày đó, khi lên đồi dạy các em, Huyền bất ngờ nhận được món quà. Anh không hình dung được là Huyền ngạc nhiên đến mức nào đâu, suốt thời gian dài, niềm vui trong suy nghĩ vu vơ. Cuối những năm Đại học Huyền mới tin chắc rằng: “Đó là của anh!” Bởi không hiểu sao, khi cầm bức tượng Huyền luôn nghĩ đến anh và, nếu nhớ lại…nhìn tượng cô gái…!”.
                             
                            Trời đã về chiều. Bóng nắng vẫn nhạt nhòa, tôi nhìn về hướng đồi cát - đồi cát cùng túp lều. Ở đó có tiếng ê a đọc bài, có lời cô giáo giảng, có âm thanh viên phấn miết trên bảng trong mênh mông biển trời. Nhưng trong tôi lại rõ ràng, lại êm đềm một nỗi nhớ. Và rồi tất cả bước vào ký ức. Huyền ơi! 
                             
                                                                Phạm Tú Uyên
                                                                                           
                             
                             
                            #29
                              Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 29 trên tổng số 29 bài trong đề mục
                              Chuyển nhanh đến:

                              Thống kê hiện tại

                              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                              Kiểu:
                              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9