Dân Tộc Tính
lyenson 14.08.2008 14:49:17 (permalink)
Dân Tộc Tính
GS Nguyễn Đăng Thục

 Sau khi hiệp định Genève 20-7-1954 ký kết, đất nước Việt Nam chia hai, gần một triệu người dân miền bắc đã di cư vào nam, cùng với dân miền nam xây dựng một quốc gia Việt Nam không Cộng sản.

Bài Dân Tộc Tính sau đây là diễn văn của Giáo sư Nguyễn Ðăng Thục đọc ngày 9 tháng Ba năm 1955, trong một buổi diễn thuyết tại Sài Gòn, được coi như một tuyên ngôn về Lập Trường Dân Tộc của miền Nam Việt Nam lúc đó.


* * *
Chúng ta đang đòi hỏi một ý-thức để thống-nhất quan-niệm và hành-động. Cái hệ-thống ý thức ấy không phải tìm trong sách vở xa lạ, mà ở tại chính trong bản thân thực nghiệm của dân-tộc, một dân tộc đã dám ngẩng đầu lên phương Bắc để tuyên-bố: "Nam-Việt Chi Quốc, Văn-hiến chi bang" (Bình Ngô Ðại-cáo).

Bởi vì hệ-thống ý-thức mà chúng ta đang đòi hỏi không phải là bất cứ một ý-thức-hệ ngoại-lai nào, mà chính là cái ý-thức-hệ của dân-tộc này, đã sống và đã nhiều phen tranh-đấu để sống là một dân tộc. Bởi vậy mà tôi phải bắt đầu bằng vấn đề Dân tộc tính, trước khi nói về dân-tộc-tính Việt-Nam.

Trước khi vào đề,tôi xin cung kính mà tâm-niệm vong linh các bậc anh-hùng liệt-nữ, đã ngót một thế kỷ nay kể từ Phan Ðình Phùng đã hăng hái hy-sinh hạnh-phúc hay tính mạng cho dân -tộc. Song sự kính phục có ở trong lòng mà tôi cũng không đừng nhận chân một sự thực này là tất cả những vận-động giải phóng dân-tộc, cách mệnh quốc-gia ở Việt-Nam từ trước tới nay, đã tỏ ra thiếu một lý thuyết vững vàng để hướng dẫn hành-động và chống cự với các chủ-nghĩa ngoại-lai mà các ngài cảm thấy không thích- hợp cho dân-tộc. Một chủ-nghĩa gây được lòng tin và đáng được tin cậy , thì cần phải dựa vào một lý-thuyết xác-thực vững vàng. Bằng không thì chủ-nghĩa có thể rơi vào không tưởng vì quá chủ quan. Ðã không tưởng thì dễ thất bại. Sự thất-bại liên tiếp của phong trào dân-tộc Việt-Nam thực đã chứng tỏ điều ấy vậy. Và cũng nhờ có một lý thuyết có hệ-thống chặt -chẽ mà phong-trào cộng-sản đã bành trướng trong khoảng 30 năm từ Âu sang Á .

Ðây, chúng ta muốn kiến-thiết một ý-thức hệ dân-tộc, trước hết chúng ta hãy hỏi xem dân-tộc là gì về phương diện khoa học, nghĩa là xã-hội-học. Ðối với xã-hội-học, dân-tộc-tính có thực hay không? Phải chăng vì ta quá yêu nước ta, quá yêu tiếng ta mà chúng ta đã tạo ra chữ dân-tộc tính? Có người hoài nghi sự thực-tại Dân-tộc-tính, cho là một danh-từ trừu tượng viển-vông của một bọn trí-thức ngồi rồi đã nặn ra trong lúc "trà dư tửu hậu."

Bởi vậy mà trước khi trình bày ý-thức-hệ của dân-tộc Việt-Nam về phương diện sinh-hoạt kinh-tế, chính -trị và văn-hóa, chúng tôi cần xác định ở quan-điểm xã-hội-học cái thực tại dân-tộc. Ðấy là đầu đề câu truyện bữa nay: Các yếu tố tạo ra dân tộc tính.

Dân tộc là gì?

Trước hết nó là một sự cộng đồng chung đụng của một số người. Giữa tất cả các người trong một dân tộc, nếu không có một cái gì chung đụng cộng đồng với nhau thì dân tộc ấy bất thành dân-tộc.

Nhưng sự cộng đồng chung đụng ấy, phải là môt sự cộng đồng bền vững. Một buổi họp chợ đông người hội họp không phải là một cộng-đồng bền vững nay họp mai tan, như thế không có thể là một dân tộc dược.

Người ta còn cho rằng một dân tộc là một cộng đồng về giòng dõi về huyết thống hay về gia-tộc. Nhưng các quốc-gia dân tộc hiện nay trên thế-giới đều pha màu chủng loại khác nhau, huyết tính khác nhau nghĩa là lai giống đi nhiều. Vậy cộng-đồng chủng tộc không cần thiết lắm cho sự thành lập của một dân tộc . Dân-tộc là một cộng đồng của một số người do lịch-sử đã cấu kết nên. Dân-tộc là một sản phẩm của lịch sử. Những đế-quốc ngày xưa như đế-quốc của Tần-thủy hoàng, đế quốc Thành-cát Tư hãn, đế-quốc Nã-phá-luân, đế quốc La-Mã, tuy có sự cộng đồng mà không có thể thành một dân tộc. Bởi vì sự cộng-đồng ấy là một cộng-đồng ô hợp bất thường do những cuộc chinh phục chiến-thắng nhất thời, chỉ chờ sự thất bại của một chiến sĩ là sẽ tan rã.

Vậy một quốc-gia Dân-tộc không phải là một biến ảo bất thường mà là một cộng đồng bền vững của một số người đã cùng nhau sinh tử cộng tồn.Nhưng một cộng đồng bền vững chưa đủ tạo ra quốc gia dân-tộc ví như nước Trung Quốc, nước Ấn Ðộ, nước Nga của Nga hoàng. Cái gì phân biệt một cộng-đồng dân-tộc với một cộng-đồng chính thể?

Lãnh thổ và giống nòi

Khi ngươì ta nói đến một dân-tộc, một quốc-gia, ở Việt ngữ thông thường hai tiếng Quốc-gia hay Dân-tộc đi dôi với giang-sơn hay xã-tắc. Giang sơn là núi sông, tượng trưng cho khu vực đất đai, hoàn cảnh địa-lý khí-hậu. Xã-tắc vốn nghĩa xưa là đất với lúa, mà dân nông-nghiệp đã thần thánh hóa để thờ phụng. Phải chăng giang-sơn hay xã-tắc đã là cái hoàn cảnh địa-lý khí-hậu, có biên-giới nhất-định nó đã ảnh-hưởng vào cá tính dân-tộc.

- Thời kỳ mà nhân-loại hãy còn là những bầy dân du-mục, những bộ lạc sống lang thang nay đây mai đó, thì ở giai-đoạn ấy con người đã nhận định được một cái linh hồn chung là cái ý-thức chung của đoàn thể. Cái linh-hồn chung ấy đối với họ lúc bấy giờ có một tính cách thiêng-liêng bao trùm tất cả những ý thức cá-nhân còn chìm trong toàn-thể và hoàn-cảnh. Nhưng vì chưa sống nhất định ở một chỗ nào, cho nên các đoàn thể du mục phải phóng đại ra một đối tượng là con Rồng, là Mặt Trời, là con Gà Trống... để tượng trưng cho cái hồn chung ấy và để phân biệt đoàn thể mình với các đoàn thể khác. Ngay từ thời kỳ này, các bộ lạc du-mục đã ý-thức được cá-tính của mình và đã cố-gắng bảo-vệ lấy. Thời kỳ này hẳn là huyết tính hay chủng-tộc-tính, gia-tộc-tính có đóng vai một yếu-tố để cấu tạo ra cá-tính, đoàn-thể.

Lạc Long Quân với Âu Cơ, một trăm trứng nở ra một trăm con trai, năm mươi theo cha lên núi, năm mươi theo mẹ xuống biển, hay Sơn-Tinh với Thủy-tinh tranh đấu đều là những thần thoại lưu truyền về sự phân-biệt cá tính theo huyết tính, theo giống nòi. Và nếu giống nòi hay huyết tính ngày nay trên thế giới, không còn là một yếu tố quan-trọng trong sự cấu-tạo ra dân-tộc nữa, nhưng ở Việt Nam hai tiếng đồng-bào còn mang nặng tình yêu nước thương nòi, tỏ rằng đối với dân Việt ta, huyết tính vẫn còn là một yếu tố đáng kể trong dân-tộc-tính.
Rồi nhân loại bắt đầu định cư vào một khu vực đất đai nhất định. Ở đấy có những điều kiện thuận tiện để sinh tồn như đất đai phù sa trồng cấy, sông ngòi để giao thông, núi non, biển cả hay sa mạc là những thành trì tự-nhiên để bảo vệ sự an cư lạc nghiệp và từ đấy bắt đầu có văn minh, vì có định cư mới có thể tích lũy và tiến bộ. Từ đấy thì quốc-gia dân-tộc mới bắt đầu lấy biên- giới đất đai để hoạch định lãnh thổ. Và lãnh thổ hay quốc-gia đã dược thần-thánh hóa để biểu thị cụ thể cho cái ý thức đoàn thể, cái ý thức dân-tộc- tính. Ðấy là giang-sơn xã-tắc.

Và bắt đầu từ khi ngưòi ta lấy khu vực đất đai định cư, để làm vũ đài tranh-đấu thì loài người cũng bắt đầu phân chia ra từng đoàn-thể biệt-lập. Sự sinh-hoạt biệt lập trong một khu vực địa-lý đã ảnh-hưởng rất sâu vào tinh-thần của các đoàn-thể, khuôn đúc cho cá tính quốc-gia, cho dân-tộc-tính mỗi ngày một rõ rệt, từ tính cách vật-tổ mơ màng, dân-tộc-tính tiến tới tính cách văn-hóa, chính-trị, kinh- tế.

Bởi vì hoàn-cảnh địa-lý đã đặt cho các phần tử của một đoàn thể định-cư những vấn-đề thực-tế chung phải giải quyết. Muốn lợi-dụng đất phì nhiêu ở các trung nguyên chẳng hạn để trồng cấy thì ít nhất cũng phải đem tất cả tài năng để khai khẩn, biến chỗ đất hoang vu thành đồng ruộng. Rồi chúng ta còn phải đào kinh, dẫn thủy để cho nước thủy triều ra vào tùy theo ý muốn. Tất cả những vấn đề thực tế ấy đòi hỏi ở chúng ta phải thi thố tài ba, nào tổ-chức, nào phát- minh, nào phân-công và hợp-tác với nhau chặt-chẽ góp sức với nhau một cách lâu bền, có sự điều khiển chung công việc cho nhất trí. Luôn luôn sống trên một giải đất có sự xúc-tiếp với nhau trong công việc sinh-nhai, cũng như trong khi nhàn rỗi, chia vui sẻ buồn với nhau, do đấy mà tinh-thần sinh-tử cộng-tồn ngày càng nẩy nở, liên-kết các phần tử thành một khối trăm người như một, muôn người như một.

Do đấy mà người ta có thể hy-sinh được tính-mạng để bảo-vệ lấy giang sơn, nghe theo tiếng gọi của sông núi. Vậy lãnh thổ thực là một yếu-tố trọng-đại để cấu tạo ra một dân-tộc, để hun đúc nên một dân-tộc-tính.

Nhà sử học Michelet viết: "Không có một nền tảng địa-lý thì dân-tộc vẫn là động cơ của lịch-sử hầu như đi trên không trung, lơ lửng như trong bức tranh tầu không đất đứng. Và chúng ta nên nhận thức rằng đất đai không chỉ là sân khấu cho hoạt động của đoàn-thể vì những thức-ăn, vì khí-hậu thủy-thổ mà thôi, nó còn ảnh hưởng người ta bằng trăm đường ngàn lối. Tổ nào chim ấy."

Gần đây nhà sử học Camille Julian cững viết: "Sự khai thác một khu rừng rậm, việc làm khô ráo một cánh đồng lầy, cũng quan-trọng cho sự định đoạt của một xã-hội, quan-trọng ngang với một cuộc cách-mạng chánh-trị hay là một tác-phẩm văn-chương."

Trên đây mới nói tới hai yếu-tố cấu-tạo ra dân tộc tính là yếu-tố huyết-tính hay là chủng tộc và yếu tố lãnh thổ hay địa-lý. Nhưng cả hai yếu-tố ấy cũng chưa đủ tạo nên dân-tộc-tính, tuy đều là yếu -tố cần thiết.

Thực vậy, chủng-tộc không đủ làm cho dân-tộc Việt-Nam nay còn là Việt-Nam vì rằng trong số hàng trăm giống Việt ở phía nam sông Dương Tử cùng thờ chung một vật Tổ là con Rồng, thì hầu hết đã bị đồng hóa với dân Tầu, đều đã bị Tầu hoá hoàn toàn, riêng chỉ có giống Lạc-Việt này là còn tồn tại cho tới ngày nay.

Còn yếu tố địa-lý, cộng đồng lãnh-thổ, tuy là điều kiện căn-bản để tạo nên tinh-thần quốc-gia , hay một dân-tộc-tính, và riêng đối với dân-tộc Việt Nam yếu-tố địa-lý, cộng-đồng lãnh thổ, khởi kỳ-thủy ở lưu vực sông Nhị Hà, Thái Bình ngoài Bắc Việt thực đã đóng góp một vai trò quyết-định cho sự bảo tồn nền độc-lập của dân-tộc Việt-Nam đối với các cuộc xâm-lược của quân Nguyên, quân Tống, quân Minh, quân Thanh.

Nhưng lãnh thổ cũng không đủ để quyết-định dân-tộc tính. Yếu-tố lãnh thổ chỉ mới là điều kiện cho dân-tộc hoạt-động, xây-dựng, biểu-hiện dân-tộc-tính ở các cách thức tổ chức sự cộng-đồng sinh-hoạt về thực-tế và tinh-thần. Lãnh thổ không phải là một vật thần bí. Nó chỉ tượng trưng cho một cái gì cao-siêu hơn, ấy là tinh thần đoàn kết và thống nhất.

Tổ chức kinh tế chánh trị

Thực vậy, lãnh-thổ cộng-đồng mới chỉ là điều kiện cho một hệ thống kinh- tế chung thống nhất. Sự liên-hệ về sinh-hoạt kinh tế phần lớn do điều kiện giao thông thuận tiện. Giao-thông bắt đầu là đường thủy, là sông ngòi, cho nên ở xã-hội định-cư nông-nghiệp phần nhiều người ta họp chợ bên sông, cũng như người ta lập làng, lập ấp ở hai bên bờ sông. Có lãnh-thổ rồi mới có phân công trong sự sản xuất và tích lũy. Có tích lũy rồi mới có tiến bộ, câu phương ngôn: "Có an cư rồi mới lạc nghiệp" rất xác đáng. Nhưng quốc-gia dân-tộc không phải là một mớ người ô hợp. Và lãnh-thổ hay chủng-tộc không phải là một định mệnh thần bí thiêng liêng. Chúng ta nên nhớ bao giờ loài người cũng đóng vai chủ-động trên mặt đất, cũng tự làm lấy lịch-sử của mình. Sở dĩ loài người khác với bầy cầm thú, là vì ở chỗ ta tuy cũng phải thích-ứng điều-hoà với hoàn cảnh địa-lý, khí hậu để sinh-hoạt, nhưng người ta dã tiến-bộ từ bầy cầm thú đến bộ-lạc, đến quốc-tộc dân-tộc. Sự tiến-bộ ấy là nhờ sự biết sáng tác ra công-cụ, kỹ-thuật, biết tổ-chức đời sống chung, biết phân công hợp tác. Trong sự tổ-chức đời sống, về tinh thần cũng như thực tế, loài người tỏ ra khác với cầm thú ở chỗ biết ý thức, đã tự mình làm chủ được hoàn cảnh, tự mình làm lấy lịch-sử và tiến bộ không ngừng. Ðấy là văn-hoá tính của nhân loại.

Các dân tộc muốn phát triển, muốn sống còn trên mặt địa-cầu này thì hẳn rằng đời sống kinh-tế không có thể để cho lộn xộn ô hợp, kẻ nọ tranh cướp kẻ kia, vô trật-tự, vô kỷ-luật, công tư lẫn lộn.

Một thời xa xăm trong những bộ lạc công-cộng nguyên-thủy thì đoàn thể chỉ mới là một gia-tộc vật-tổ hay là một thị tộc nhà Lang trong đó những tác dụng chính của đoàn thể như chánh trị, văn hóa, kinh-tế còn lẫn lộn với nhau chưa phân-hóa, và chủ quyền bấy giờ còn có tính cách mơ màng, thần-bí.

Nhưng rồi chẳng bao lâu những đoàn thể đó càng ngày càng bành-trướng, chủ-quyền cũng phân hóa dần dần, đời sống kinh tế cũng được tổ chức, và quyền lợi công với quyền-lợi tư đã có những luật lệ nghiêm chỉnh định-đoạt. Cái lịch trình tiến-hóa ấy đã được quan niệm phân-minh từ hơn hai ngàn năm nay ở quyển sách Hệ từ, mà rất phù hợp với ý kiến của các nhà xã hội học hiện đại.

"Có trời đất rồi muôn vật mới nẩy nở.
Có muôn vật rồi mới có phân biệt nam nữ.
Rồi mới có vợ chồng. Rồi mới có cha con, gia đình.
Rồi mới có lệ vua tôi Rồi mới có giai cấp trên dưới.
Từ đấy người ta mới đặt ra lễ nghĩa kỷ luật."

Vậy kỳ-thủy trong sinh hoạt kinh-tế chung đụng đã nẩy ra có sự phân công để tăng gia sản-xuất. Tuy sự phân công ấy đà bắt đầu có từ thời-kỳ du-mục nhưng mới chỉ phân công theo Nam giới và Nữ giới, rất sơ sài. Chỉ khi nào bắt đầu định-cư vào một lãnh thổ, một khu vực đất đai nhất định thì sự phân-công và tổ chức mới trở nên phức-tạp. Nhưng sự phân-công vốn để trả lời cho nhu cầu đoàn-thể, chứ không có ngụ ý phân chia giai cấp, quí tiện, để rồi tranh đấu một mất một còn.

Nếu thực sự có sự tranh-đấu giữa người với người để tiêu diệt lẫn nhau theo đúng nghĩa: "Người là lang sói với người" thì nhân loại còn làm sao mà trưởng thành quốc-tộc, dân-tộc? Thì đâu còn là dân-tộc-tính?

Trái lại dân tộc đã luôn luôn biểu dương cái ý thức và sứ-mệnh lịch-sử của nó. Bên trên sinh hoạt kinh tế cộng đồng càng ngày lễ-nghĩa càng phát-triển, càng ngày tổ-chức chính-trị càng trở nên phức tạp và cần thiết. Khi nói đến cái ý-thức của một quốc-gia dân-tộc thì người ta nghĩ ngay đến cách thức tổ chức đời sống chung, tức là chế độ chính-trị và xã-hội kinh-tế của nó. Vậy điều kiện thiết yếu của một dân-tộc là điều kiện tổ-chức đời sống chung. Ðiều-kiện này đòi có sự tổ-chức chủ-quyền để điều hành nhất-trí quyền lợi kinh tế. Tổ chức chủ-quyền chính-trị và kinh tế là chế độ và triều đại.

Chế-độ và triều đại đã dóng một địa vị trọng-yếu trong việc củng-cố cho cái ý-thức quốc-gia dân-tộc. Nhà xã-hội-học Frazer, trong cuốn tìm hiểu về nhừng nguyên-do thần-bí của quân-chủ có viết :

"Sự trung thành với nhà vua là một liên-hệ chính-trị cơ bản ở nước Pháp dưới chế-độ xưa, cũng như tất cả các dân-tộc Âu-tây. Dân-tộc đồng nhất với chế-độ quân-chủ, bởi một hiện-tượng tương-tự như hiện-tượng đã chuyển-dịch cho các đế-vương đầu tiên ở Ai Cập tất cả thế lực do các tín ngưỡng cổ xưa đã biểu lộ tất cả thế-lực thần-bí của vật-tổ." Frazer (Les origines magiques de la royauté).

Hẳn rằng chế-độ sinh-hoạt kinh-tế, chánh-trị đều là những yếu-kiện, những động-cơ thúc-đẩy nhân-loại trong lịch-trình tiến-hóa. Nhưng phải chăng đấy là nguyên-lý tạo ra dân-tộc ? Nước Gaulle lẫn lộn nhiều thị-tộc đã thống nhất thành một quốc gia sau cuộc chinh-phục và đô-hộ của Ðế-quốc La-Mã. Song phải chăng cuộc chinh-phục và thống-nhất ấy chỉ tựa vào võ-lực và sức mạnh thống trị? Ngoài sức mạnh thống trị, phải chăng cuộc đô hộ của La Mã không mang lại cho đất Gaulle một nền văn-hóa La Hy làm nguyên-lý thống nhất của dân-tộc Pháp.

Cũng như đất Giao Chỉ đã bị nhà Hán đô-hộ hàng mười thế kỷ. Các bộ-lạc thị-tộc sống trên đất Giao Chỉ bấy giờ dưới quyền thống trị của nhà Hán đều đã đoàn-kết lại thành một khối thống nhất. Nếu sức mạnh thống-trị và chế-độ có thể thống-nhất được thì sao Giao Chỉ không thấy sát-nhập vào bản đồ Trung Quốc, như Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam chẳng hạn và dân Giao Chỉ sao không đồng hóa vào với dân Tầu như Mãn, Mông, Hồi, Tạng mà lại thống nhất thành một khối là dân tộc Việt-Nam ở trên một quốc-thổ biệt lập với Trung Quốc là Ðại Cồ Việt?

Vậy chế-độ chánh trị với sức mạnh võ-lực không đủ để tiêu-diệt được cá-tính độc-lập của dân-tộc Việt Nam. Bởi vậy mà sau những cuộc khởi nghĩa kế-tiếp tuy thất bại luôn, nhưng nuôi được cái tinh-thần bất-diệt của một đoàn-thể, muốn sống riêng biệt, độc-lập, tự-do để tự mình tổ-chức lấy đời sống chung của mình. Rồi mãi tới Ðinh Bộ Lĩnh, người đã thống nhất được thập nhị sứ-quân, nước Việt Nam mới trưởng thành là một quốc-gia độc lập. Nhưng cũng chính vì cái tinh-thần văn-hóa Trung Hoa nó đã dạy cho dân VIệt biết cách tổ chức nền thống-nhất của mình. Xem thế đủ biết chế-độ chính-trị biểu-thị cho ý chí sống chung của đoàn-thể hơn là một nguyên lý cấu tạo ra dân tộc.

Nhưng cái tinh-thần quốc-gia dân-tộc ấy, trải qua các giai đoạn lịch sử về trước, nếu có biểu-thị ra dưới hình-thức trung-quân và trung-thành với triều-đại thì chỉ vì các nhà vua ấy, các triều-đại ấy đã tượng trưng ở thời đại ấy cho cái ý chí của đoàn-thể như là hiện-thân của những nguyện-vọng chung, như thế-lực của tâm hồn chung hợp thành cái nguyên-lý chính-thức của chủ-quyền quốc-giaa dân-tộc. "Duy thiên âm trất hạ dân": Chỉ có trời ngầm xuống ở nhân-dân.

Hội-nghị Diên-Hồng dưới triều Trần đã chứng-minh nhà vua không dám vũ đoán tự-quyết về vận-mệnh đoàn-thể. Nhà vua lưỡng lự muốn hàng địch, mà nhân-dân thì quyết đánh, kết cục ý-chí của nhân dân đã vạch đường cho triều-đại phải tuân theo.

Như vậy thì nhà Nước với chế-độ chính-trị kinh-tế không tạo nên được tinh-thần dân-tộc. Quyền lợi kinh-tế có thể là một động-cơ để đoàn-kết, để bảo vệ lấy quyền sống thực tế. Nhưng nó cũng lại là động-cơ để chia rẽ, bởi vì lòng ích-kỷ bản nhiên của con người "Giầu ghen khó ghét."

Cộng đồng quyền-lợi thực không phải nguyên lý tạo nên các phong-trào giải phóng dân-tộc liên tiếp diễn ra trên thế giới kể từ sau cuộc thế-giới đại-chiến 14-18 đến nay. Năm 1923, đã xẩy ra một việc chưa từng thấy ở lịch-sử chính-trị và ngoại giao quốc-tế. Hội-nghị quốc-tế Lausane chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với chính phủ Hy Lạp một hiệp ước trao đổi từng khối lớn nhân-dân của nhau. Dân Hy Lạp ở Thổ trở về đất Hy và Thổ ở Hy trở về đất Thổ. Sau đấy thì từng vạn người dân Cơ Ðốc vốn sinh sống ở đất Thổ từ trước năm 1914 đã trở về Hy Lạp hết. Nền kinh tế ở Thổ do đấy mà bị đảo lộn, vì tất cả nền nội-thương ở Thổ và một phần lớn ngoại thương nữa, trước năm 14-18 vốn ở trong tay khối dân Hy Lạp ấy cả. Các nhà lãnh đạo Chính-phủ Quốc-gia Thổ lúc ấy tuy biết trước sự tai hại về quyền lợi kinh tế sẽ xẩy ra như thế, nhưng vì tinh thần dân-tộc đòi hỏi, bắt-buộc họ phải quyết-định sự trao đổi ấy bất cứ bằng một giá nào, để kiến thiết lại một quốc gia độc-lập hoàn-toàn. Do đấy chúng ta thấy sự cộng-đồng quyền-lợi kinh-tế phải ở sau sự cộng-đồng ý-thức quốc-gia dân-tộc.

Và sự cộng-đồng quyền-lợi kinh tế không đủ khiến cho dân Ấn Ðộ từng khối lớn nhân dân nổi lên phong trào bất hợp tác. Trong hàng ngũ có đủ các tầng lớp người bất phân giai cấp, nào là trí-thức, nào là vô-sản, lao-động, nông-dân, thương gia, công chức, học-sinh, nam phụ lão ấu, một lòng đoàn-kết đứng trên quyền-lợi vật-chất để hưởng-ứng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ-quốc.

Lại như ở Việt Nam trải qua ngót một thế kỷ nay, sự cộng-đồng quyền-lợi không thể giải thích cho bao nhiêu hiện tượng hy-sinh tính mạng cho Tổ Quốc, bị tù tội, bị lao-lung của khắp các từng lớp xã-hội Việt Nam kẻ giầu cũng như người nghèo, kẻ học-thức cũng như người thất học.

Vậy thì ngoài sự cộng-đồng quyền-lợi kinh-tế còn có những yếu-tố tâm lý, động-cơ tinh-thần phức-tạp tập hợp lại để cấu tạo ra cái thực tại xã-hội là dân-tộc, cái ý-thức quốc-gia đứng ở trên ý-thức giai-cấp. Những nhà chủ-trương giai-cấp đấu tranh vì quyền-lợi kinh-tế cộng-đồng cũng phải thừa nhận cái thực tại Dân-Tộc-Tính, như Horrabin chẳng hạn, tác-giả cuốn "Ðịa lý kinh-tế sử đại quan" xuất bản 1929 ở Luân-đôn: "Chúng tôi thừa nhận thực tại của Dân-tộc tính. Và nếu không có bằng chứng gì khác nữa, thì những biểu thị của dân Ái Nhĩ Lan và dân Ấn Ðộ cũng xác nhận cho cái thực tại ấy vậy." (La Revol. Prol. Ed tr. 67)

Và đứng trước cái sự kiện lịch-sử hiếm có ngày nay đang diễn ra ở trước mặt là từng khối người bất phân tín-ngưỡng hay giai-cấp, gần một triệu lũ lượt bỏ mồ mả tổ tiên để mạo hiểm vào đây. Ðể tìm cái chi? Quyền lợi chăng? Quyền lợi còn phải có công trình khai-thác. Vả chăng có ngu chi mà bỏ quyền-lợi sẵn có để đi tìm một quyền lợi viển vông ở phương xa đất lạ? Không, cái việc di dân khổng lồ còn đang tiếp diễn chỉ vì một lý-do, một động cơ giản-dị là: Dân-tộc-tính truyền thống của dân Việt, vượt lên trên tất cả quyền-lợi nhỏ nhen.

Ngôn ngữ và tâm lý chung

Ngoài nhừng yếu-tố kể trên như huyết-thống, lãnh-thổ, chế-độ kinh-tế và chánh-trị, đều là những yếu tố thiết yếu để tạo-thành cái thực tại xã-hội là Dân tộc, còn một loại yếu-tố đặc-biệt thiết-yếu nữa là yếu-tố tâm-lý chung và ngôn ngữ. Muốn cùng nhau chung sống trong một đoàn thể thì ít nhất cũng phải cảm-thông được với nhau; ngoài tình đồng-bào còn phải giao-dịch trao đổi với nhau về tư tưởng và tình tự. Nào phải chỉ có sự trao đổi tinh thần giữa người sống mà thôi. Còn phải truyền tử nhược tôn, thế hệ này truyền lại gia-bảo tinh-thần cho thế hệ sau nữa. Ðây là sứ mệnh của văn-tự ngôn-ngữ. Ngôn-ngữ quả thật là một lợi khí để cho người nọ người kia hiểu nhau. Có hiểu nhau rồi mới hợp-tác, mới có sự đồng-tình nhất trí trong hành động của đoàn thể. Các nhà xã-hội-học thuộc về lập trường Duy-tâm hay Duy-vật, thảy đều công-nhận ngôn ngữ là một điều-kiện tối thiết-yếu cho sự sinh-hoạt và tiến hoá của xã-hội nhân-loại. Ðối với dân tộc, tiếng nói mẹ đẻ lại càng thiết-yếu để thống nhất ý-chí, thông-nhất nhân-tâm. Nhưng tiếng nói mẹ đẻ có phải là yếu tố quyết-định cho sự tồn-tại của dân-tộc hay không ? Ðây là vấn-đề đã gây lên hai bên bờ sông Rhin một cuộc khẩu chiến kịch-liệt giữa lý thuyết Quốc-gia Ðức với lý thuyết Quốc-gia Pháp. Nhà tư-tưởng Ðức là Fichte, lên tiếng lấy ngôn ngữ làm tiêu-chuẩn của dân-tộc-tính. Ông căn-cứ vào những triết-gia như Bacon, Vico và Leibnitz đều chủ-trương cái yếu-tố giản-tiện của lịch sử một dân-tộc là tiếng nói. Trong những bài diễn-thuyết cho dân-tộc Ðức, ông định-nghĩa một dân-tộc-tính như sau:

"Những kẻ nói cùng một thứ tiếng là một đoàn thể mà tạo-hóa đã liên-kết với nhau bằng những sợi giây phức tạp và vô hình."

Cùng một chủ-trương ấy, Rohr trong Hàn lâm viện Ðức, về tiếng nói mẹ đẻ có trả lời câu hỏi "Một dân tộc là gì?": -- "Chúng tôi gọi một dân-tộc cái bản ngã chung mà tính cách riêng biệt thì căn cứ vào tiếng nói, vào chính cái phương-tiện tinh-thần nó đã tạo ra cái quan-niệm của chúng ta về thế-giới và về nhân-loại, sự tranh đấu của dân-tộc Ðức là sự tranh-đấu cho ngôn-ngữ. Những biên-giới dân-tộc ngày nay trước hết đi theo với biên giới ngôn-ngữ. Kẻ nào cho con cái mình trưởng-thành ở một tiếng nói ngoại-quốc thì ấy là đã làm quà con cháu mình cho một dân-tộc khác. Vận-mệnh của ngôn-ngữ chính là vận-mệnh của dân-tộc."

Theo nhà lãnh-tụ quá-khích quốc-gia thì tiếng mẹ đẻ, thứ tiếng mà chúng ta suy-nghĩ, thứ tiếng mà chúng ta dùng để phản-ứng lại một cách tự nhiên với những việc xẩy ra hàng ngày ra bên ngoài, tiếng nói ràng buộc chúng ta vào một nền văn-hóa và tục-lệ truyền thống, tiếng nói nó khuôn đúc tâm-hồn chúng ta hẳn là một tiêu chuẩn quyết-định dân-tộc-tính. Sự thực thì luôn luôn và bất cứ ở nơi nào, hễ công dân có trường hợp tỏ bầy ý muốn một cách tự-do thì nó sẽ phát biểu về vấn đề dân-tộc-tính bằng tiếng mẹ đẻ. Chính tiếng mẹ đẻ hơn là tiếng sinh ngữ khác đã tạo ra ý-thức dân-tộc, cái ý-thức nó quyết định ý-chí của người ta muốn làm công-dân của một dân-tộc nhất-định nào. Phải chăng cũng vì một ý-tưởng động-cơ ấy mà cách đây 30 năm học-giả Việt-Nam ngoài Bắc trong bầu không khi thất vọng về chính-trị đã phải đề-cao truyện Kiều để cố bảo-vệ lấy quốc-hồn, quốc-túy:

"Truyện Kiều còn tiếng ta còn
Tiếng ta còn nước ta còn."

Ðấy là đề cao triệt để ngôn-ngữ vậy. Nhà xã-hội học tuyên-bố về ngôn-ngữ rằng: "Không thể có ở đâu một tiếng nói thống nhất, ngoài nơi nào đã có một dân tộc, hay là ngoài nơi nào đã thấy có một dân-tộc có ý thức về sự thống nhất quốc-gia dân-tộc."

Nhưng ở thế-giới hiện nay có những dân nói cùng một thứ tiếng mà hợp thành hai dân-tộc như Anh Mỹ chẳng hạn, lại cũng có thể như nước Thụy-Sĩ gồm bốn thứ tiếng nói khác nhau. Và tiếng nói là sản-phẩm của lịch sử xã-hội như Meillet đã nhận xét: "Mỗi một tiếng nói là một sản-vật của một lịch trình tiến hóa trong ấy có những ảnh hưởng phức tạp. Tiếng nói, hơn là một chế độ, tập tục xã-hội khác, đòi phải giải-thích bằng lịch sử."

Vậy thì tiếng nói thay đổi tùy theo thời đại và địa-phương. Nó không phải là nguyên-lý đẻ ra sinh hoạt dân-tộc. Nó phải dựa vào sinh-hoạt để chứng minh và nó phát-xuất tự cuộc sinh-hoạt của dân-tộc.

Bởi vì ngôn-ngữ không có miên-tục tính, thay đổi với thời gian và không-gian như thế, cho nên ở bên này sông Rhin, nhà triết-gia Renan đại-diện cho tinh thần dân-tộc Pháp đã lấy thuyết tâm-linh về dân-tộc-tính để trả lời thuyết ngôn-ngữ về dân-tộc-tính của thuyết gia Ðức như sau:

"Một dân tộc là một linh hồn,
một nguyên lý tâm linh."

Cái linh-hồn ấy thuộc về quá-khứ và hiện-tại. Quá khứ là của chung dân-tộc gồm cả một gia-tài kỷ-niệm vinh-quang hay tủi-nhục. Hiện tại là một nguyện vọng chung, một mối đồng tâm cùng nhau sinh tử cộng tồn, một ý-chí chung để tiếp tục làm vẻ vang rạng tỏ cái hương hỏa bất phân tổ-tiên để lại. Một dân-tộc cũng như một cá thể là kết quả của một dĩ-vãng xa-xăm của bao nhiêu sức cố-gắng, bao nhiêu nỗi hy-sinh, bao nhiêu lòng tận trung báo quốc. Thờ phụng tổ tiên là một trong những hành vi chính-đại để ghi nhớ công ơn người đã tạo tác cho ta. Một quá khứ vẻ vang, những danh nhân lịch sử, một vinh-quang chân-chính, đấy là tất cả vốn liếng xã-hội làm nền móng cho cái ý-tưởng quốc-gia dân-tộc.

Lấy linh-hồn chung của dân-tộc như Renan đã tuyên bố, kể thì cũng quá trừu tượng thật, nhưng dân tộc mà sở dĩ tồn tại, và biết bao con dân đất nước trên thế giới đã nỗ lực hy-sinh tất cả để bảo-vệ Tổ-Quốc tự-do độc-lập là vì người ta tin vào Tổ-quốc như một cái gì thiêng-liêng, bất diệt, vô cùng linh động vượt quá giới hạn của không gian và thời gian.

Cho dân tộc có một linh-hồn mà bảo là chủ-quan không xác thực thì tức là muốn phủ nhận địa-vị chủ-động của loài người trên mặt đất.

Non cao ai đắp mà cao
Sông sâu ai bới ai đào mà sâu ?

Vô ý-thức hay ý-thức, nhân-loại cũng tự làm lấy lịch-sử của mình, cho nên dù thuyết tâm-linh của Renan có quá trừu-tượng đi nữa, chúng ta cũng không có thể phủ-nhận được yếu-tố tâm-linh về Dân-tộc-tính.

Giữa hai thuyết Dân-tộc-tính trên đây , một của Ðức, một của Pháp, một đằng căn cứ vào điều kiện khách quan là ngôn-ngữ, một đằng căn cứ điều kiện chủ quan là tâm-linh, thì có thuyết thứ ba là thuyết truyền-thống của dân-tộc Việt mà người anh-hùng nhà Lý đã thu vào bốn câu thơ bất hủ :

Nam quốc sơn-hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư .
Núi Sông Nam có Vua Nam-Việt
Trên sổ trời riêng biệt phân minh
Sao người xâm phạm, nghịch binh ?
Chớ coi người sẽ tan tành hư không.

Ðây Lý Thường Kiệt đã lấy Sơn-Hà Xã-Tắc làm yếu-tố quyết-định cho dân-tộc -tính. Sơn Hà Xã Tắc đây không phải là Núi Sông vật hình mà là Sông Núi có hồn, theo tin tưởng truyền-thống của dân Việt. Và Xã-Tắc không phải chỉ là tổ-chức hình-thức lễ-nghi mà là cả một biểu tượng về đất đai lúa thóc tức là thần thánh hóa tổ-chức cộng đồng sinh-hoạt kinh-tế của dân nông-nghiệp. Như vậy Sơn-Hà Xã-Tắc thực biểu-thị cái ý-niệm Dân-tộc-tính do sự tổng hợp yếu-tố tâm linh với yếu-tố vật-thể, điều-kiện chủ-quan với điều-kiện khách-quan đã tạo nên.

Họ Lý tin vào Sơn-Hà do mệnh Trời ngầm định, nhưng không quên "Có trời mà cũng có ta."

Không quên cái ý-chí quật-cường, cái vai trò chủ-động của nhân-dân Việt, cho nên Ông tin chắc đánh tan những quân xâm-lược. Bắc cự Tống, Nam phạt Chiêm-Thành, tây chinh Mường mán.

Nhờ có một tin tưởng thần-bí vào Sơn-Hà Xã-Tắc, vào Dân-tộc-tính linh-động, vào chủ-quyền Quốc-gia như vậy, nên tướng sĩ nhà Lý đã mở một thời kỳ võ công oanh-liệt của nước nhà. Và hơn thế nữa, binh pháp Việt-Nam lại còn được người Tầu qua học hỏi, bắt chước. P. Pasquier trong sách "L'Annam d'autrefois" phải khen rằng: "Nước Nam biết dùng lính làm ruộng trước nước La-Mã thủa xưa."

Vậy Dân-tộc-tính đâu phải một vật không linh-động? Dân-tộc ý-thức sứ-mạng lịch sử của nó, ý-thức vai tuồng chủ-động của nó biểu-hiện ra thời gian và không gian bên ngoài, nào vật tổ, nào lãnh thổ, nào văn hóa, nào quốc học, nào kinh-tế chính-trị. Cái ý-thức ấy tồn-tại như André Siegfried trong Hàn Lâm Viên Pháp đã nhận định:

"Trong tâm lý các dân-tộc có một căn bản bất biến nó luôn luôn biểu hiện ra. Về nhiều điểm chúng ta còn giống với tổ-tiên Gaulois của chúng ta, và những đặc tính mà sử-gia Tacite thời La-Mã đã ghi nhận được ở các dân Man-di hay các dân Do-Thái đương thời thì cũng còn nhận thấy được ở dân Ðức, dân Do-Thái ngày nay. Tuy nhiên phải có những sự thích ứng." (L'Âme des peuples)

Cái ý-thức ấy manh-nha nẩy nở tự bên trong sâu thẳm tâm-hồn các phần-tử nhân-dân để phóng đại ra bên ngoài ở các biểu hiện. Rồi lại từ các biểu hiện cụ thể ấy phản-chiếu vào trong tâm-hồn để lại phóng đại ra những chiến-công oanh liệt của tướng sĩ, những chí-khí dũng-mãnh của sĩ-phu, những hành-động phi thường, khảng khái của tất cả anh-hùng dân-tộc.

"Thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc."

Trần Bình Trọng

Như vậy dân-tộc nào phải vô hồn?

Hồn của nó nằm trong Dân-tộc-tính, mọi sợi giây truyền-thống bất tuyệt, nối quá khứ với hiện-tại, kể từ vật tổ Rồng Tiên đến Hồn Sông Núi, đến Sơn Hà Xã Tắc, cho đến hồn nước ngày nay ở miệng nhà cách-mệnh Quốc Gia Phan Bội Châu:

"Chứa chan Máu-Quốc, Nước vẩn vơ hồn."

Hồn nước, cái ý-thức truyền-thống khi tiềm-tàng khi biểu-lộ, từ cá-nhân thông với núi sông vũ-trụ, một dòng bất đoạn bất phân nối quá-khứ với hiện-tại và tương lai, đây là Dân-tộc-tính, và Dân-tộc-tính ấy có thật.

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9