Các món ngon khi thăm quan Hà Nội
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 29 bài trong đề mục
venus4t.vns_hnu 19.08.2008 13:45:42 (permalink)
        Khi bạn đi du lịch đến một địa phương nào đó thì điều đầu tiên bạn muốn biết ngay về địa phương đó là gì? ND nghĩ chắc chắn rằng ai cũng lưu tâm đến đó là: địa phương đó có những địa điểm du lịch nào? địa phương đó có những đặc sản gì? Đây là hai vấn đề được người du lịch quan tâm nhiều nhất. Vì vậy với topic này,  ND xin lập ra để sưu tầm và giới thiệu về
    CÁC MÓN NGON HÀ NỘI   

       Chúc các bạn có được những thông tin thú vị khi đến với Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.08.2008 13:56:37 bởi ngocdiep87 >
#1
    venus4t.vns_hnu 19.08.2008 13:52:37 (permalink)
    CHÈ SÀI GÒN NƠI HÀ THÀNH*

    Chè Sài Gòn Tôn Đức Thắng.
    Chè là món ăn không thể thiếu với nhiều người mỗi mùa hè tới. Đã quá quen với vị ngọt mát của cốc chè đậu đen, đậu xanh, mấy năm trở lại đây, người Hà Nội bắt đầu làm quen và yêu mến chè Sài Gòn. Vì thế mà hàng chè Sài Gòn đầu tiên ở Hà Nội trên phố Tôn Thất Tùng lúc nào cũng đông khách.

    Nếu như chè Hà Nội nổi tiếng về độ thanh mát của đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ… thì chè Sài Gòn lại là sự hoà trộn sắc màu khá thú vị. Gọi bất kỳ một loại chè nào: hạt lựu, thập cẩm…bạn cũng sẽ nhận được “chén chè” rộn ràng màu sắc rất vui mắt. Chẳng vậy mà chè Sài Gòn trở thành món ăn được giới trẻ rất yêu thích.


    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/143/0E2BB379C4BB4E6C81D6F17D51EC4CCB.jpg[/image]

    Chè Tôn Thất Tùng chủ yếu là điểm hẹn của học sinh, sinh viên vì quán nằm đối diện ngay trường Đại học Y Hà Nội. Cũng chẳng cần sang trọng gì, chỉ mấy chiếc bàn ghế nhựa với một không gian không đến nỗi chật hẹp là thành quán. Các loại đồ ăn được đặt trong những chiếc bát tô thuỷ tinh, xếp ngăn nắp trong một chiếc tủ kính không lớn nhưng sạch sẽ. Màu đỏ của đỗ ngự, màu vàng óng ả của chè ngô, màu xanh non mát rượi của chè cốm, điểm thêm chút trắng đến tinh khiết của nước cốt dừa làm cho bức tranh giải khát mùa hè thêm phần sôi động. Kể ra như thế thì quán này cũng chẳng lấy gì làm đặc biệt. Thế nhưng không gian thoải mái, dân dã ấy lại phù hợp với cách ăn quà vặt đơn giản của học sinh sinh viên, mà cũng mang “văn hoá ẩm thực hè phố” của người Sài thành.
    Chủ nhân của quán chè Tôn Thất Tùng là người Sài Gòn chính gốc. Cô ra Hà Nội lập nghiệp đã 10 năm nay nhưng giọng nói, phong cách người Sài Gòn còn rất rõ. Những món chè mang hương vị thành phố mang tên Bác có vị rất lạ. Cô chủ quán bảo nấu những món chè như thế đều có bí quyết gia truyền, ăn chè Sài Gòn do người nơi khác nấu là biết ngay. Dù nấu có giỏi mấy thì hoặc vẫn bị mặn, bị nhớt hoặc quá ngọt…
    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/143/C30074C4BF654781A943D7781D349107.jpg[/image]

    Trong gần hai chục loại phụ liệu của chè Sài Gòn, tuỳ theo khẩu vị và sở thích của mình mà thực khách có thể yêu cầu chủ quán kết hợp thành món chè đặc biệt. Có người chỉ thích ăn hạt lựu, trân châu, chan thêm ít nước cốt dừa. Có người lại chỉ khoái món chè ngô thơm phức nhưng phải thêm ít cốm…Nói chung, với chè Sài Gòn, mọi người có thể thoả thích lựa chọn một món chè mang phong cách đặc trưng của riêng mình.
    Một điểm thú vị khi ăn chè Sài Gòn ở Tôn Thất Tùng là mỗi bàn có một ca nước lọc nhỏ nhắn vừa đảm bảo vệ sinh lại tiện lợi. Những chiếc cốc uống nước thơm lừng mùi cốm nếp quyện với nước cốt dừa. Nhiều người nhớ chè Tôn Thất Tùng cũng vì cái mùi quyến rũ của…những chiếc cốc ấy.

    [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/143/A1B678B80E2D4F7DBE269632BF877377.jpg[/image]

    Chè không phải là món ăn đắt đỏ, nhưng giá 6000đồng/cốc như ở chè Sài Gòn Tôn Thất Tùng thì lại càng thu hút nhiều người muốn đến thưởng thức. Còn gì thú vị bằng việc chỉ với số tiền nhỏ, bạn có thể thưởng thức một cốc chè mát lạnh, thơm phức.
    Mùa hè đang nóng dần cùng nhịp sống công nghiệp sôi động, những cốc chè Sài Gòn thơm lành, mát rượi càng trở nên thân thiết với người Hà Nội, đặc biệt là các bạn tuổi teen. Hãy cùng để cái nắng hè oi bức lại ngoài kia, tạt vào quán chè Tôn Thất Tùng để nghỉ ngơi và thưởng thức một mùa hè mát lạnh.
    MonngonHanoi.com

    * Tiêu đề ND đặt thêm!

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.09.2008 03:27:45 bởi QVPT >
    #2
      venus4t.vns_hnu 19.08.2008 23:38:42 (permalink)
      BÁNH GIÀY QUÁN GÁNH

      Dù cho chồng rẫy, vợ chê
      Bánh giày Quán Gánh lại về với nhau”
      Câu ca dao trên vẫn luôn được người dân Quán Gánh truyền tai nhau và coi như một phần không thể thiếu trong lịch sử lâu đời của mảnh đất này.


      Mà kể cũng lạ thật, chỉ từ một thứ gạo nếp trắng trong mà bao nhiêu loại bánh ngon đã được làm ra. Cũng từ thứ gạo nếp ấy, bánh chưng, bánh giày đã đi cùng dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Sự tích bánh chưng, bánh giày đã trở thành câu chuyện kể truyền từ đời này sang đời khác. Bánh chưng và bánh giày luôn đi thành cặp trong những ngày lễ tết để thờ cúng tổ tiên. Bánh chưng thì không có gì phải nói rồi, vậy bánh giày thì sao?

      Bánh giày là loại bánh có thể nói là dân dã và quen thuộc đối với mỗi người dân. Bánh chưng thì chỉ đến Tết ta mới thấy nhiều chứ ngày thường thì chỉ có bánh giày mà thôi. Bánh giày bán quanh năm, là thứ quà ăn chơi của các bà, các chị. Nó được dùng để ăn sáng, ăn khi lỡ bữa… Mà cứ khi nào nhắc đến bành giày, người ta lại phải nói đến bánh giày Quán Gánh. 

      Để làm ra một chiếc bánh giày Quán Gánh người thợ làm bánh phải bỏ ra nhiều công sức. Bánh giày là loại bánh chỉ để được trong ngày nên thợ làm bánh phải thức từ 2h sáng để làm ra những mẻ bánh mới, thơm ngon cho ngày hôm sau. Gạo dùng làm bánh cũng không được tùy tiện đâu nhé. Phải là thứ gạo nếp Hải Hậu trắng, đều hạt vo kỹ, đồ thành xôi. Khi xôi còn nóng phải giã thật nhuyễn, rồi nặn thành từng chiếc. Nói thì đơn giản nhưng khi chứng kiến cảnh giã bánh thì bạn mới thấy thấm thía được sự vất vả của người thợ. 

      Những chiếc bánh trắng tinh, nằm e ấp trong lần lá chuối xanh mướt mượt mà. Bánh giày Quán Gánh có ba loại khác nhau: bánh chay, bánh ngọt và bánh mặn. Mỗi loại lại có một hương vị khác nhau rất đặc biệt. Bánh ngọt thì dẻo thơm quyện cùng nhân đỗ xanh xào đường ngọt sắc. Bánh mặn thì thơm lừng mùi hạt tiêu, béo béo của thịt ba chỉ, bùi bùi của đỗ xanh. Bánh chay thường được ăn kèm với giò hoặc chả. Miếng giò hồng hồng đặt giữa kẹp bánh trắng cộng thêm lá xanh tạo nê bức tranh đẹp chỉ muốn ngắm nhìn mà không nỡ ăn. 

      Bánh giày Quán Gánh ngày nay đã có mặt trên khắp các nẻo đường Hà Nội. Những hàng bánh giày xuất hiện trên phố như một nét chấm phá cho ẩm thực Hà thành. Bánh giày còn xuất hiện ngày càng nhiều  trong những bữa tiệc đám cưới, những buổi tiệc quan trọng… Người thợ làm bánh nay cũng đã bớt đi nhọc nhằn bởi sự hỗ trợ của những công cụ hiện đại hơn. Thế nhưng bánh giày Quán Gánh vẫn không bị mất đi nét riêng vốn có của một thứ bánh quê bình dị mà độc đáo.
      MonngonHanoi.com

      #3
        venus4t.vns_hnu 20.08.2008 22:54:51 (permalink)
        THƠM NGON CHÈ XOÀI - CARAMEN NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (HÀ NỘI)

        *****************

                Dân teen thường bảo nhau: "Muốn ăn chè xoài, lên Hàng Than là ngon nhất!" Đó là cách nói ngắn gọn của địa chỉ số 2 Nguyễn Trường Tộ, quán "Chè xoài -  caramen".

                Phố Nguyễn Trường Tộ là một con phố khá nhỏ trong khu phố cổ Hà Nội, kéo dài từ Hàng Than đến bờ hồ Trúc Bạch. Ở đây có khá nhiều đồ ăn ngon như bánh bao chiên, bún cá, bún ốc lọ, tàu phớ, chim sẻ rán, trứng cút lộn và tất nhiên, không thể không kể đến caramen, chè xoài và sữa chua nếp cẩm…

               Dừng xe ở quán chè số 2 Nguyễn Trường Tộ, món đầu tiên thực khách hay gọi là món chè xoài. Chè xoài được làm từ xoài tươi xay, để lạnh và rưới một chút sữa nguyên kem lên trên. Dùng thìa nhỏ xắt một miếng chè xoài, cảm nhận vị thanh mát của xoài tươi xay, vị béo ngậy, ngọt ngào của sữa, ta có thể ăn mãi không chán… Chè xoài là món đặc biệt, chỉ ở đoạn phố Nguyễn Trường Tộ - Hàng Than mới có.


                Tiếp theo bạn nên gọi món caramen. Caramen được bày trên đĩa, màu vàng óng, sóng sánh lớp cà phê nâu phủ bên trên… vừa mềm mại, vừa béo ngậy vị của trứng, đăng đắng vị của cà phê, khiến cho ta quên đi cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ…

                Cuối cùng, nên gọi món sữa chua nếp cẩm. Sữa chua đánh đá, cho thêm xôi nếp cẩm. Vị thanh mát của sữa chua hòa quyện với vị thơm bùi của nếp, mát lạnh của đá xay…Chầm chậm thưởng thức từng hạt nếp cẩm, cảm nhận vị dẻo dính ngọt bùi, khi ngẩng đầu lên, đã thấy thời gian trôi thật nhanh, và cảm giác mệt mỏi dường như tan biến hết.
        Mặc dù không gian khá nhỏ và không cầu kỳ trong cách trang trí như những nơi khác, nhưng quán "Chè Xoài "lại thu hút được nhiều sự chú ý của dân teen.

        công thức cầm tay

        Nguyên liệu:

                4 lòng đỏ trứng gà, 2/3 chén đường, 2 chén nước sinh tố xoài, 1 thìa nước chanh, ½ chén nước cốt dừa, ½ chén kem tươi, Vỏ quế, xoài tươi, dừa tươi, dừa nạo khô

        Thực hiện:


                Cho trứng, đường vào tô, dùng máy đánh trứng đánh nhuyễn cho đường tan hết. Đặt bát trứng lên chảo nước nóng đun nhỏ lửa, dùng máy đánh trứng đánh tiếp cho đến khi hỗn hợp sệt lại thì nhấc khỏi bếp, đánh thêm khoảng 1 phút nữa cho nguội hẳn. Đổ nước sinh tố xoài, nước cốt dừa và kem tươi vào, dùng thìa khuấy đều, nhẹ tay.

                Đổ hỗn hợp kem vào khuôn kim loại cỡ 18x27 cm, đậy nắp lại và làm lạnh trong vòng 3 tiếng hoặc cho đến khi hỗn hợp kem lạnh hoàn toàn.
        Chuyển kem trở lại tô, dùng máy đánh trứng ở tốc độ nhanh nhất đánh tiếp cho hỗn hợp nhuyễn, đặc lại như bột là được. Đổ kem vào khuôn kim loại làm lạnh trong 5 tiếng hay để qua đêm càng tốt. Khi ăn múc kem ra vỏ quế, cho vài lát xoài cắt mỏng, một ít dừa tươi, dừa khô nạo lên trên.
        MonngonHanoi.com
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.08.2008 22:56:54 bởi ngocdiep87 >
        #4
          venus4t.vns_hnu 23.08.2008 23:45:57 (permalink)
          Ô MAI ĐẶC SẢN HÀNG ĐƯỜNG - HÀ NỘI

          ***************

          Như một nét đặc trưng, khi ra xứ Hà thành ai ai cũng muốn mang về một ít ô mai phố Hàng Đường để làm quà cho người thân như mang một chút nắng xuân, một tí làn gió mát lạnh về nhà để nhớ về Hà Nội thân thương.
          Đến Hà Nội, nhất là vào dịp tiết trời sang xuân, người ta thường tranh thủ tìm kiếm một nhành đào Nhật Tân để kịp về trang trí nhà trong ngày tết. Trong sự bận rộn ấy, người ta cũng tìm đến thú vui dạo chợ tết, nhất là các dãy phố như Hàng Đường, Hàng Buồm, Ngõ Gạch, phố Huế... để chọn các loại ô mai đón khách đến chơi nhà. Nổi tiếng vào bật nhất về đặc sản ô mai Hà thành có thể kể đến cơ sở Hồng Lam (số 11 Hàng Đường) hay Gia Lợi (số 8 Hàng Đường). Đây là những địa chỉ có đầy đủ các loại ô mai như mơ gừng, mơ cay, mơ cam thảo, mơ chua cay mặn ngọt, mơ mặn ngọt...

          Ô mai đặc sản hàng Đường. Ảnh: Flickr
          Ô mai là một loại mứt, còn được gọi với cái tên quen thuộc là xí muội. Nguyên liệu chính để chế biến ô mai là các loại trái cây đặc trưng của vùng như mơ, mận, me, cóc, đào, sấu, trám, quất, khế, xoài, mít... Nhưng, để có màu sắc và hương vị đặc trưng mang phong cách riêng, mỗi cơ sở chế biến đều có những bí quyết "độc chiêu" mang tính gia truyền. Để có sản phẩm ô mai ngon và bắt mắt, người làm cũng phải thực hiện khá nhiều công đoạn cần đến sự cẩn thận và tinh tế. Trước hết, người ta phải chọn loại quả ngon, tươi tốt không bị sâu, giập... sau đó các loại trái sẽ được rửa sạch, ướp muối, phơi khô và hấp sấy...
          Công đoạn kế tiếp là quá trình sao tẩm và chế biến thành phẩm sau cùng. Cũng từ các loại quả ấy, nhưng mỗi loại có thể chế biến nhiều món có hương vị hấp dẫn khác nhau, có loại chua, có loại ngọt, có vị vừa cay - chua - mặn - ngọt hòa lẫn vào nhau để khi thưởng thức, người ăn sẽ mãi không quên. Đôi khi chính những điều giản dị ấy đã trở thành những kỷ niệm đẹp, để rồi người ta vẫn thường ví tuổi ngây thơ là độ tuổi ô mai, là vậy.

          Ô mai tắc. Ảnh: Dactrung
          Không chỉ xuất hiện trong dịp Tết, du khách có thể tìm thấy món đặc sản này ở những con phố chuyên bán trong dịp tham quan vùng đất Kinh Bắc. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hồ Gươm, Văn Miếu quốc tự giám, đền Quán Thánh... khi đến với Hà Nội du khách sẽ có dịp tìm hiểu về cuộc sống thường nhật, những thói quen, thú vui tao nhã của người dân xứ Hà thành. Để khi quay về nhà, trong hành lý, du khách không quên mang theo một tí chua - cay - mặn - ngọt của vị ô mai để thêm nhớ thương về miền đất thủ đô.
          Ẩm thực Hà Nội
          St từ: monngonhanoi.com


          #5
            venus4t.vns_hnu 24.08.2008 23:00:00 (permalink)
            Chả nhái là món đặc sản dân dã của ruộng đồng miền Bắc. Món ăn ngon, giàu chất đạm, được rất nhiều người ưa thích. Nói đến chả nhái không thể không nhắc đến làng Khương Thượng (Hà Nội) - ngôi làng đã mấy chục năm nổi tiếng với nghề làm chả nhái.

                    Nhái sau khi làm sạch, được chế ra thành nhiều món khác nhau mà người làng Khương Thượng quen gọi với những cái tên nghe dân dã đến… ngượng người. Nào là món trải chiếu, món quần đùi, quần dài và cả món… mà ngôn ngữ hiện đại gọi là “nuy”.
                    Món trải chiếu chính là món chả nhái, món ngon nhất nhưng cũng cầu kỳ nhất. Những con nhái nhỏ băm cả thịt lẫn xương, cho vào cối đá giã nhuyễn, rồi trộn với gia vị, sả ớt, lá chanh,.. Mỡ để sôi thật già rồi mới thả chả vào rán, miếng chả vừa chín tới phồng to, vàng ươm, mùi thơm thật hấp dẫn.

                    Đùi nhái cuộn với các loại gia vị và lá chanh rồi tẩm bột chiên giòn (món “quần đùi”), nhái tẩm ướp rán nguyên cả con (món…"nuy"), nhái tẩm bột chiên giòn cả con (món “quần dài”) là những đặc sản truyền thống mà nhà làm nghề nào ở Khương Thượng cũng lưu giữ được. Các món rán giòn ăn cả xương, nhai kỹ giòn tan trong miệng, ngọt và thơm.
                    Ngoài ra, mỗi nhà lại tự chế biến thêm các món cho phong phú thêm sự thưởng thức của thực khách, như các món lẩu nhái, nhái xào sả ớt, nhái om măng... Mỗi món mỗi vị ngon đậm đà. Có lẽ vì các món nhái đặc sản quá hấp dẫn mà dù đường vào làng quanh co, quanh co nhưng thực khách vẫn nườm nượp đến với làng Khương Thượng,
                    Trước kia làng có rất nhiều nhà làm nghề nhưng giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cửa hàng nhà chị Hà Khuê, với nghề làm chả nhái gia truyền hơn 70 năm nay, là có khách ăn đông nhất. Gọi là cửa hàng cho oai chứ chị làm chả nhái và bán luôn tại nhà, chỉ phục vụ những nhóm khách ăn từ 6 người trở lên. Khách mua về cũng rất đông, nhiều buổi xếp hàng chật cả ngõ.
                    Nếu bạn muốn thưởng thức món chả nhái đặc biệt của Hà Khuê bạn phải đến đúng giờ (nhà chỉ bán từ 10h sáng đến 1h chiều). Chị làm chả nhái ngon nhất làng, và có món nhái om măng, móc mật đặc biệt, không nhà nào sánh kịp...
            ND st từ: monngonhanoi
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.08.2008 23:01:53 bởi ngocdiep87 >
            #6
              venus4t.vns_hnu 26.08.2008 21:58:42 (permalink)
              ND tự sự: Ai đã từng gắn bó với Hà thành chắc hẳn không thể nào quên cái se se lạnh đặc trưng của mùa thu nơi đây! Mùa thu Hà Nội thơ mộng đưa hồn người vào cõi mộng du! Không khí hối hả dường như trầm lắng lại để tâm hồn con người thả theo sự huyền ảo của sương mờ bảng lảng Tây Hồ, Bảy Mẫu... Vào những hôm khí trời lành lạnh, ta thong dong đạp xe ra Tây Hồ thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng nhưng cũng rất dân giã thì còn gì bằng!
              **************

              BÁNH TÔM HỒ TÂY - HÀ NỘI.

              Ai đã từng đến Hà Nội chắc sẽ háo hức được một lần tìm đến bánh tôm nóng Tây Hồ, để có dịp thưởng thức thứ đặc sản có một không hai của đất này. Chỉ cần một lần thế thôi cũng đã thành ấn tượng. Bởi một lẽ ăn bánh tôm Hồ Tây đâu chỉ phải là ăn để mà ăn mà còn để ngắm trời, ngắm đất, ngắm người, ngắm cảnh.

              Thưởng thức bánh tôm trong khung cảnh hoàng hôn mùa hạ thì thật tuyệt. Con tôm nước ngọt Hồ Tây vừa chín tới phổng phao màu hồng lựu nằm trên mặt chiếc bánh vàng ươm, nhai cứ ròn tan như miếng bánh đa vừa nướng.



              Vị tôm ngọt mà thơm cộng với cái giòn và ngậy của bánh, chấm với nước mắm dấm chua cay, phảng phất hương cà cuống ruộng đồng ven đô cho ta cái cảm giác ngọt tê dịu dàng nơi đầu lưỡi. Cứ thế nhai tan một miếng, nhấp một hơi bia lạnh, hít thở qua hơi gió thoảng qua đượm mùi mỡ béo ngậy và thơm từ lò bếp lọt ra mà thả lòng mình thanh thản tận hưởng bánh và gió hồ mát rời rợi, để rồi lục tìm trong trí nhớ thấp thoáng đâu đó câu chuyện huyền tích Trâu Vàng lạc mẹ đã đầm mình làm nên sóng nước Hồ Tây hôm nay.




              Cuộc sống có nhiều thay đổi, hình thức bán hàng và cách thưởng thức bánh tôm ngày nay cũng khác xưa, nhưng bánh tôm Hồ Tây vẫn giữ được nguyên vẹn hương vị cổ truyền của nó, để cho bất cứ ai muốn thưởng thức cũng phải bất ngờ cảm nhận được mùi vị ngon lành của bánh tôm rất nóng, rất ròn, rất thơm ngậy với thứ nước chấm pha có nghề với đủ vị mặn, ngọt, chua, cay.

              Thanh Hằng
              ND sưu tầm từ: monngonhanoi
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 26.08.2008 22:00:02 bởi ngocdiep87 >
              #7
                venus4t.vns_hnu 28.08.2008 00:12:42 (permalink)
                ND87:Nếu bạn đến Hà Nội vào mùa hạ, bạn sẽ thưởng thức gì? Chắc bạn không bỏ qua những chiếc kem nổi tiếng Tràng Tiền?
                ***************

                KEM TRÀNG TIỀN

                        Kem Tràng Tiền từ lâu đã nổi tiếng với hương vị đặc biệt làm say lòng không biết bao thế hệ người Hà Nội. Những ai một lần đến Hà Nội và được thưởng thức kem Tràng Tiền thì khó quên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng rất riêng của Hà Nội - vừa đứng vừa ăn kem!
                        Kem Tràng Tiền từ lâu nổi tiếng với các hương vị như kem đậu xanh béo ngậy khi ăn vào tan chảy từ từ trong miệng cho đến kem sôcôla, cốm, sữa... ngọt lịm, thơm ngon. Từ khi ra đời năm 1958 đến nay, kem Tràng Tiền luôn giữ được sự tin yêu của khách hàng nhờ vào chất lượng và hương vị riêng của mình. Mặc dù nổi tiếng nhưng giá kem Tràng Tiền rất rẻ, mọi người ai cũng có thể thưởng thức.
                    Cửa hàng kem Tràng Tiền không bao giờ vắng khách, đông nhất là vào chiều tối. Mỗi buổi chiều người ăn kem chen nhau xếp hàng mua kem kéo dài từ trong ra tận ngoài đường. Người bán làm việc luôn tay nhưng vẫn không kịp phục vụ cho các thượng đế. Có người đến sau hết kem phải tiu nghỉu ra về mà lòng đầy tiếc nuối.

                        Chị Ngân - người có hơn 10 năm bán kem tại đây cho biết: "Ở đây mỗi ngày chúng tôi sản xuất khoảng 25.000 - 30.000 que kem. Một mẻ kem có đến vài nghìn chiếc (tùy thuộc vào thời điểm trong ngày). Trong những ngày hè, nhiều khi chúng tôi sản xuất không kịp phục vụ người tiêu dùng. Không chỉ người Hà Nội mới thích ăn kem mà nhiều người ngoại tỉnh và cả người nước ngoài có thói quen cứ có dịp đi qua phố Tràng Tiền là ghé ăn kem". Hạnh - một nhân viên bán hàng khác cho biết thêm: “Người đến ăn kem rất đa dạng, từ những cô cậu nhỏ tuổi, các bạn học sinh, sinh viên cho đến những người lớn tuổi, mọi ngưòi đều thích kem Tràng Tiền”.
                        Không có bàn ghế, người ăn kem ở phố Tràng Tiền chỉ có thể đứng nhấm nháp tận hưởng vị ngọt mát lạnh của kem tan nhanh trên đầu lưỡi. Ấy vậy mà tại đây lúc nào khách ra vào cũng nườm nợp không ngớt, có người còn “nghiện” món này, ngày nào không ăn là không chịu được (!?).

                        Lan - sinh viên trường ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội cho biết: “Mỗi ngày em đều đến đây để ăn kem và mỗi lần ăn đến 2 cái. Nhiều khi bận việc không đến ăn được cảm thấy thiếu thiếu”. Theo Lan, kem Tràng Tiền không chỉ ngon ở hương vị riêng mà còn một điểm đặc biệt là vừa đứng vừa ăn, làm cho kem Tràng Tiền khác với các nơi khác. Hà - cô bạn đi cùng Lan cho rằng: “Vào mùa hè, có những ngày tại đây không còn chỗ đứng, mọi người chen nhau vào mua kem. Và chỉ thích mua kem Tràng Tiền. Có lẽ không nơi nào người mua và ăn kem đông như tại đây. Nó đã trở thành một thói quen của người Hà Nội”.

                        Kem Tràng Tiền không chỉ "quyến rũ" người dân Hà Nội mà khách du lịch khi ghé thăm thủ đô cũng không thể cưỡng lại được "sức hút" của loại thức ăn đơn giản nhưng rất hấp dẫn này. Julie Gaunt, cô bạn 22 tuổi đến từ nước Anh đã thốt lên "Good, very good" khi được hỏi về cảm giác của cô khi đang đứng thưởng thức kem Tràng Tiền cùng với mọi người. "Vô tình khi đi ngang qua cửa hàng kem, người hướng dẫn du lịch có giới thiệu về kem Tràng Tiền. Tôi rất tò mò và đã vào xếp hàng mua kem sau đấy đứng thưởng thức cùng mọi người. Kem rất ngon và “cách” ăn kem ở đây rất đặc biệt”, Julie Gaunt nói. Theo Julie Gaunt thì sau đó ngày nào có thời gian là cô lại ra đây ăn kem.

                ND87 sưu tầm từ: monngonhanoi.
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 28.08.2008 00:18:29 bởi ngocdiep87 >
                #8
                  venus4t.vns_hnu 28.08.2008 23:34:57 (permalink)
                          Đã quen ăn bánh cuốn ở Hà Nội, nếu ta đi ăn bánh cuốn ở một nơi nào khác, sẽ thấy mình trở thành người khó tính từ lúc nào không biết nữa. Bởi vì dù có thiên vị hay không thì bánh cuốn Hà Nội, mà lại là bánh cuốn Thanh Trì thì không thể chê vào đâu được.
                          Người Hà Nội sành ăn nên ngay từ cái bánh cuốn cũng phải thật cầu kỳ chu đáo. Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon, thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng. Tráng bánh phải thật mỏng, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái.
                  Trong thúng, bánh được xếp thành từng lớp gối nhau trên những tàu lá chuối xanh màu ngọc thạch, sắc trắng pha những đốm nhân màu hồng sậm của thịt và màu nâu của mộc nhĩ nổi bật lên một cách hiền lành. Khi ăn, bánh được bàn tay người bán nhẹ nhàng bóc từng lớp mỏng tang rồi cuộn lại,bày trên những chiếc đĩa khiêm nhường.         Bánh thơm dịu, êm êm được dầm vào trong chén nước mắm nhỏ xíu xinh xắn rồi đưa lên miệng, ta sẽ thấy cả một sự kết hợp nhịp nhàng. Mùi thơm của bánh và nhân quyện lẫn cái vị chua cay mặn ngọt của nước chấm, lại thêm vài giọt tinh cà cuống nữa thì thật là tuyệt. Với cách bán hàng như thế, chỉ một cái thúng đội trên đầu, các bà, các cô vùng Thanh Trì đi khắp các ngõ phố rao bán. Người bán lại chiều khách và luôn sẵn sàng đặt thúng bánh xuống bên vỉa hè hay trong ngõ phố cho mấy bác xích lô, mấy chị bán hàng ăn. Bán như thế, ăn như thế, nhưng ngon, thật ngon và không lẫn với bất cứ thứ bánh cuốn nào.

                          Xa khi ăn bánh cuốn Thanh Trì người ta thường thêm vài miếng đậu rán thật nóng, thật phồng. Tuy nhiên ngày nay có thể do ăn bánh cuốn như thế thanh nhã quá nên người ta đã điểm vào một vài miếng chả rán hay thịt quay ba chỉ giòn tan. Một thứ mềm mà thanh, một thứ thì nục nạc mà giòn, ngậy, béo tạo ra một mâu thuẫn nhưng cũng cho cái vị là lạ.

                          Bánh cuốn Hà Nội ngày nay có nhiều loại và đã trở thành món quà sáng rẻ mà ngon. Có loại ăn nguội, có loại ăn nóng, có loại có nhân thịt, có loại không nhân... mỗi thứ cho một khẩu vị riêng. Song ngời ta vẫn nhắc đến bánh cuốn Thanh Trì như một sản phẩm của nghệ thuật ẩm thực dân dã.
                  ND87 sưu tầm từ: monngonhanoi


                  #9
                    venus4t.vns_hnu 30.08.2008 22:51:02 (permalink)
                    CHẢ CÁ LÃ VỌNG

                            Chả cá Lã Vọng là tên của một đặc sản Hà Nội. Đây là món cá tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên
                            Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng 'Chả Cá' được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng
                    - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá - biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn.

                    Cách làm

                    Cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Đặc biệt nhất và cũng vô cùng hiếm hoi là chả làm từ cá Anh Vũ, bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ). Không có cá lăng thì có thể dùng đến cá nheo, cá quả, nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng. Thịt cá được lọc theo kiểu lạng từ hai bên sườn, thái mỏng, ướp với nước riềng, nghệ, mẻ, hạt tiêu, nước mắm theo một phương cách bí truyền đặc biệt ít nhất 2 giờ đồng hồ, rồi kẹp vào cặp tre (hoặc vỉ nướng chả có quết một lớp mỡ cho đỡ dính). Người nướng phải quạt lửa, lật giở đều tay sao cho hai mặt đều chín vàng như nhau. Chuẩn bị ăn, người ta mới mang những kẹp chả nướng đã chín trút vào chảo mỡ sôi đặt trên bếp than hoa đặt trên bàn ăn, cùng với rau thì là và hành hoa cắt khúc. Thường người ta không dùng dầu ăn vì nhiệt độ thấp hơn và cá kém thơm hơn.

                    Chả phải ăn nóng. Khi ăn, gắp từng miếng cá ra bát, rưới nước mỡ đang sôi lên trên, ăn kèm với bánh đa nướng hay bún rối, lạc rang, rau mùi, húng Láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi lên rồi tra thêm chút tinh dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường. Một số khách nước ngoài không ăn được mắm tôm thì thay bằng nước mắm, nhưng nước mắm ít nhiều khiến món chả cá bị giảm hương vị.
                    Có hai cách ăn phổ biến:

                    Cho cá đã nướng vào chảo mỡ, bỏ hành và rau thì là vào. Khi rau chín tái thì gắp ra ăn với bún, rau thơm, đậu phộng rang và mắm tôm đã pha chế theo cách cho một ít bún vào bát, cho rau và một vài miếng chả cá lên trên, rắc ít lạc rang, rưới chút mắm tôm rồi trộn ăn. Khi ăn mùi mắm tôm quyện với vị ngọt của cá, mùi rau và vị bùi của lạc rang. Do có nhiều mỡ nên khi ăn phải kèm theo cuống hành tươi chẻ nhỏ ngâm qua dấm pha loãng.Cho chả cá, hành và rau vào bát, rưới nước mỡ đang sôi và dùng ngay, có thể ăn kèm với bánh đa nướng. Cách ăn này làm vừa đủ ăn nếu không cá sẽ nguội, mất ngon. Ngoài hai cách trên, một số người có thể cho cả bún vào chảo và đảo nhanh với cá, thì là, hành hoa sau đó trút ra bát ăn. Ăn cách này rất nóng ngon nhưng hơi nhiều mỡ.
                    Món này có thể nhắm với rượu mạnh và hợp với tiết trời lạnh. Với trời nóng thì, để cho đỡ ngán, thực khách thường uống bia.

                    Patricia Schultz đã đưa món Chả cá Lã Vọng vào cuốn "1.000 nơi nên biết trước khi chết" (1000 Places to See Before You Die).
                    Cuối năm 2003, hãng tin Mỹ MSNBC đã rút gọn lại và đặt nhà hàng Chả cá Lã Vọng Hà Nội ở vị trí thứ 5 trong 10 nơi nên biết trước khi chết cùng với 9 địa danh, lễ hội nổi tiếng khác trên thế giới.
                    ND sưu tầm từ: monngonhanoi.com
                    #10
                      lang thang 31.08.2008 13:56:53 (permalink)
                      Cảm ơn bạn đã sưu tầm bài viết hay, nghe quảng cáo chả cá Lã Vọng đứng hạng 5 trong 10 nơi phải nên đến trước khi chết liệu có đúng không nhỉ? Chỉ để đến HN và ăn món chả cá thì chắc món này phải cực...cực ngon.
                      #11
                        venus4t.vns_hnu 02.09.2008 23:31:43 (permalink)
                        THỊT CHÓ NHẬT TÂN
                        ************


                                Ở Hà Nội, Nhật Tân nổi tiếng với món thịt chó. Nơi đây thực khách đến ăn thịt cầy không ngồi ghế mà ngồi chiếu. Chính cái vẻ bình dân cộng với tài chế biến của các đầu bếp chuyên gia về thịt cầy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của vùng đất Nhật Tân.
                                Bước chân vào quán và ngồi bệt xuống một mảnh chiếu nào đấy và bắt đầu gọi. Bắt đầu có lẽ nên là món nướng. Món này phải ăn ngay khi còn nóng chứ khi nguội ngắt rồi thì hỏng bét. Một đĩa thịt thái mỏng chừng hai đến ba đốt ngón tay được dọn ra hương thơm thoang thoảng của thịt vừa nướng xong dâng lên mũi.

                                Khoan hãy gắp thịt vào bát vội mà hãy lấy một lát giềng thái mỏng, vài lá mơ bỏ vào bát sau đó kẹp với miếng thịt và chấm nhẹ vào bát mắm tôm. Miếng thịt nướng thơm lừng có chút vị cay nồng nồng của giềng và vị hơi chát của lá mơ đệm thêm vị mặn của mắm có pha chút chua của chanh và cay của ớt thấm dần trong miệng làm hơi đau đau hai bên mang tai vì sự kích thích khẩu vị. Thịt nướng là cứ phải thịt thái hơi mỏng và pha thêm một ít mỡ mới ngon. Xin bạn chớ có tham mà ăn nhiều quá, hỏng mất những món sau đấy nhé. Nếu là đúng kiểu thì phải nhấp một tợp rượu thứ rượu nếp trắng đục như sữa, hơi ngọt và vị men nhẹ nhàng nhưng coi chừng say lúc nào không biết.
                                Món thịt hấp được gọi ngay khi món nướng đã vơi vơi. Từng miếng thịt nạc được bao quanh một miếng da mỏng đều tăm tắp mười miếng như một, mười đĩa như một và mười bữa như một không bao giờ sai cũng sẽ vơi nhanh như người anh em của nó là món nướng.
                                Vị thịt nạc ngọt lừ lừ cùng men rượu ngan ngát sẽ làm cho bạn thêm hào hứng với cuộc trò chuyện với người cùng đi. Bẻ vài mẩu bánh đa, thứ bánh làm từ bột gạo nướng vàng phồng rộm thơm lừng này luôn đi kèm với các món và xúc với dựa mận. Dựa mận được nấu nhừ nghi ngút khói mà xúc với bánh đa, ăn lúc tiết trời hơi se se lạnh của mùa thu thì thật không biết tả bằng từ ngữ nào cho chính xác.

                                Nếu nãy giờ các món có vẻ hơi đậm thì ta hãy gọi thêm bát xáo măng ăn với bún cho hài hoà khẩu vị. Vị ngọt của nước xáo, vị giòn tan của măng có sự hoà hợp thú vị đến lạ lùng. Thật là sai lầm nếu không kể đến các món khác như lòng hấp, dồi nướng, bởi đã có câu sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không. Mùi thơm ngậy lan từng kẽ răng, và cảm giác dai dai khi nhai trong miệng cũng là sự khoái khẩu đáng yêu của món ăn này.
                        ND sưu tầm từ: Monngonhanoi

                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 02.09.2008 23:32:55 bởi venus4t.vns_hnu >
                        #12
                          venus4t.vns_hnu 02.09.2008 23:39:41 (permalink)
                          BÁNH CỐM HÀNG THAN
                          **********

                                  Nhắc đến phố cổ Hà Nội người ta không thể quên Hàng Than, con phố nhỏ có nhiều nhà hàng bánh cốm. Mỗi độ thu sang hương cốm say lòng du khách. Với những bí quyết riêng, món đặc sản này không thể thiếu trong gói quà gửi người xa xứ, cưới hỏi, giỗ chạp.
                                  Người Hà Nội xưa đã nghĩ ra nhiều cách để thưởng thức cốm, cốm luyện với thịt nạc, giã ra, rán lên làm chả ăn với cơm gạo tám thơm. Cốm xào với đường kính trắng, giữ được lâu đến hàng tuần. Lọc bột đao pha đường trắng rồi thả hạt cốm vào, đun lửa sôi lên thành ra món chè cốm để ăn tráng miệng vừa ngọt lại vừa thanh… Cuối cùng, ông tổ dòng họ Nguyễn Duy ở phố Hàng Than mới nghĩ thêm ra cách đem sấy khô hạt cốm, chế ra món bánh cốm.
                                  Cũng gạo nếp với đậu xanh nhưng hương vị bánh cốm hì lại khác với bất kỳ loại bánh nào. Cốm làm từ gạo nếp non, nhân gồm đậu xanh và dừa. Cả vỏ và nhân bánh đều được xào lẫn với đường, khi thưởng thức bánh khó mà biết rõ được phần nào ngon hơn.
                                  Chế biến từ cốm để trở thành bánh cốm, quy trình không kém công phu. Cốm dùng làm bánh phải là dạng cốm già, nghĩa là lúa cắt ở thời điểm hạt đã chắc xanh, vì cốm non khi vào đường sẽ tan hết, không dùng làm vỏ bánh được. Việc rang, giã, sàng, sẩy giống như quy trình sản xuất cốm non. Cốm làm xong sấy khô, đựng vào chum vại,hoặc đóng gói thật kín cho khỏi ẩm.

                                  Khi đem làm bánh mới đổ vào nồi hay chảo.Thường cứ 1 kg cốm đong khoảng 1,3 lít nước, trộn cho hạt cốm mềm, rồi pha tỷ lệ một đường một cốm, đặt lên bếp đun và đảo đều tay, khi gần được thì thêm ít giọt nước cất từ hoa bưởi, nhờ có tinh hoa bưởi mà bánh cốm có hương vị đặc biệt. Cái khéo là ở khâu đun cốm, nếu non thì bánh nhão, quá lửa thì bánh có mùi khét. Bí quyết để có được bánh cốm ngon, thơm hoàn toàn dựa vào thói quen và kinh nghiệm.Thứ nữa là khâu làm nhân bánh, muốn bánh ngon, dứt khoát phải chọn thứ đỗ vàng lòng, xanh vỏ. Đậu xanh được chọn là đậu ngon của vùng Thái Bình, Hà Bắc, Sơn La, còn các loại khác có thể dùng được nhưng chất lượng bánh không ngon và để lâu sẽ bị thiu. Có đỗ rồi, ta đem xay, ngâm, đãi vỏ để nấu tựa nấu cơm, cơm đỗ phải vừa chín tới,không nát không sượng, thật thơm và tơi, người làm bánh thường gọi là “xuê”. Đỗ đã “xuê” được cho vào cối giã mịn, rồi lại ngào đường với nước, cứ một kg đỗ thêm 1,2 kg đường kính, đun nhỏ lửa cho đến khi đỗ đạt độ khô dẻo thì cho thêm các thứ phụ gia, như mứt sen trần, dừa nạo, nước hoa bưởi… đảo đều rồi đem gói.Người ta chia nhân thành từng viên, rồi dùng thứ cốm đã nấu bọc ra ngoài. Dùng lá chuối non, hoặc giấy ni-lông gói lót để giữ thành bánh cho vuông. Tiếp đến gói vỏ ngoài cũng bằng lá chuốixanh, bẻ cho góc cạnh đều nhau, đặt nhãn hiệu ngoài cùng, rồi lấy lạt giang đã nhuộm đỏ buộc thành hình chữ thập, sau đó lại buộc 5 chiếc một cho tiện việc mua bán, chuyên chở.
                                  Theo khảo sát của Hà Nội Mới, hiện cả dãy phố Hàng Than có đến mấy chục cửa hàng làm và bán bánh cốm, đều dùng chữ “Ninh”. Nhưng Nguyên Ninh là hiệu bánh cốm gia truyền, được nhiều người ưa chuộng.

                          ND sưu tầm từ: monngonhanoi.
                          #13
                            venus4t.vns_hnu 22.09.2008 00:15:16 (permalink)
                            ND giới thiệu thêm về CỐM LÀNG VÒNG

                                   Các bạn thân mến! Mỗi khi thu về, người Việt ta lại được thưởng thức món cốm xanh làm từ lúa nếp non! Món cốm gợi cho ta nhớ về những cánh đồng quê yên ả với hương nồng nồng thoảng bay trong gió cùng tiếng sáo vi vu đưa ta về cõi mộng. Nói đến cốm chẳng ai không biết đến Cốm làng Vòng - Hà Nội. Làng Vòng hiện thuộc về quận Cầu Giấy. Đối diện với làng Vòng là hàng loạt các trường đại học lớn của Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư Phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...
                                   Vào độ thu về, cả làng Vòng thình thịnh tiếng giã cốm cung ứng cho thị trường. Nếu bạn có dịp ghé thăm Hà Nội vào dịp này, ND mời bạn đến ngõ nhỏ Đa Lộc hoặc đối diện Đại học Sư Phạm Hà Nội là một ngách nhỏ bên cạnh toà cao ốc HITC bạn có thể đến làng Vòng để thưởng thức món Cốm nổi tiếng cả nước.
                            *******************

                            MÓN QUÀ MÙA THU





                            “Đây mùa thu tới mùa thu tới
                            Với áo mơ phai dệt lá vàng”

                                    Những câu thơ của Xuân Diệu vang lên, báo cho ta biết thu đã về. Không chỉ có lá vàng, nắng đổ, thu đến còn mang theo mùi hương nồng nàn của hoa sữa và những món quà của thiên nhiên…
                            Cốm xanh – hồng đỏ: thắm duyên đôi lứa.  “Ờ, mà lạ thật, chẳng riêng gì mình, sao cứ đến đầu thu thì người Hà Nội nào, ở phiêu bạt bất cứ đâu đâu cũng nhớ ngay đến cốm Vòng? Chưa cần phải ăn làm gì vội, cứ nghĩ đến cốm thôi, người ta cũng đã thấy ngất lên mùi thơm dịu hiền của lúa non xanh màu lưu ly đặt trong những tàu lá sen tròn cũng xanh muôn muốt màu ngọc thạch!...” Những câu văn bất hủ trên của Vũ Bằng đã miêu tả một cách đẹp nhất về cốm Vòng.


                                    Ăn cốm chỉ cần nhẩn nha nhúm một dúm nhỏ xíu, bỏ vào miệng và nhấm nháp từng hạt, từng hạt cốm dẻo dẻo, thơm thơm là cái thú của bất kỳ người Hà thành nào mỗi độ thu về. Thế nhưng đấy chỉ là một trong vô vàn những cách thưởng thức cốm. Người ta ăn cốm với chuối chín trứng cuốc. Vị ngọt sắc của chuối chín hòa vào cái vị thanh thanh của cốm khiến người ta thích thú. Hay làm chả cốm, trứng rán cốm…để thay đổi khẩu vị. Những món mặn làm từ cốm tuy ăn cũng có hương vị riêng nhưng không làm toát lên vẻ đẹp thanh mảnh, tao nhã của thứ quà thời trân chỉ có riêng ở mảnh đất nổi tiếng hào hoa, thanh lịch này.

                                   
                                    Khi nhắc đến cốm, người ta không thể không nhắc đến hồng. Cốm xanh – hồng đỏ như tình duyên đôi lứa đang yêu: đằm thắm mà dữ dội. Chả thế mà khi mùa thu về - cũng là mùa xây tổ ấm, nhà trai lại mang đến nhà gái mâm cốm xanh với hồng đỏ làm lễ hỏi.



                                    Cốm Vòng ăn với hồng chín thật đúng vị. Hồng chín mọng, đỏ lừ, bóc ra cắn một miếng, thấy vị ngọt tứa ra đầy miệng. Hồng nhuyễn vào với cốm, hồng thì như tan ra trong miệng còn cốm thì thấm đẫm vị ngọt của hồng, ăn lại dẻo dẻo, bùi bùi. Quả là món ngon “thất quỷ thần sầu”. Thế nhưng trước khi ăn thì hãy ngắm nhìn một chút để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho con người khi thu đến.


                                    Nhìn những hạt cốm xanh trong nằm e ấp trong tàu lá sen xanh mướt ta đã thấy nao lòng. Nhưng khi nhìn thấy bên cạnh cốm xanh là những quả hồng chín đỏ mọng thì ai cũng phải thốt lên: “quả là đôi lứa xứng đôi”. Hai sắc xanh – đỏ của cốm và hồng hòa quyện vào nhau nư âm dương hòa hợp, như cặp bằng - trắc trong thơ lục bát, đẹp đến lạ thường. Cõ lẽ bởi sự ăn ý của cốm với hồng như thế mà mỗi khi thu về người ta lại mang cốm và hồng tới nhà người yêu thương để xin kết thành đôi lứa…

                            ND sưu tầm từ: monngonhanoi
                            <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.09.2008 00:17:25 bởi venus4t.vns_hnu >
                            #14
                              hocinternet 24.09.2008 15:53:28 (permalink)
                              CỐM LÀNG VÒNG
                              Lâu lắm rồi mình vẫn chưa có dịp trở về HN để thưởng thức lại món ăn khoái khẩu thời thơ ấu này, nhớ quá đi thôi những kỉ niệm xưa.
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 29 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9