Tương Lai Việt Nam
thanbao 05.09.2008 04:14:11 (permalink)
Xin phản hồi bài viết của ông Bill Gates: “Hãy làm cho chủ nghĩa tư bản sáng tạo hơn,” bằng một bài “Tương Lai Việt Nam,” để bàn luận thêm và để thấy “chủ nghĩa tư bản sáng tạo” ra sao…? 


Tương Lai Việt Nam (I)



Chính trị là động lực nền tảng
Để phát động các động lực khác

 
Tương lai của Việt Nam sẽ do chính người Việt Nam chúng ta định đoạt, vì trên hành tinh trái đất này đã có nhiều dân tộc bị xóa tên, bị lịch sử đào thải bởi không kịp theo trào lưu tiến hóa chung của nhân loại. Định luật đào thải cũng không từ bỏ một ai, không tha thứ một dân tộc nào nếu những người có khả năng của dân tộc ấy, không nhìn xa trông rộng để tổ chức, để lãnh đạo dân tộc mình trên bước đường đấu tranh sinh tồn, xây dựng và phát triển.

1. Khả Năng Của Dân Tộc Việt

Khả năng tiềm tàng của dân tộc Việt chúng ta đang bộc lộ mạnh mẽ, vì từ ngày lập quốc tới nay, lịch sử Việt Nam chưa từng có:

- nhiều người “du học” khắp thế giới, kể cả những nước cộng sản Đông Âu lúc trước, và học đủ mọi ngành nghề,
- nhiều người có kiến thức, năng lực suy tư, kinh nghiệm lãnh đạo và điều hành quản trị ở các nước dân chủ tiên tiến, hoạt động vì tinh thần quốc gia dân tộc,
- nhiều người có thể di chuyển, liên lạc, sống và nghiên cứu các nền văn hóa, chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới.

Và hầu hết người Việt Nam chúng ta đều nhận thấy:

- nền kinh tế, tài chánh của quốc gia, vùng, hay thế giới thay đổi một cách nhanh chóng theo biến động chính trị,
- chính trị là động lực chính trong việc xây dựng đất nước, và làm những động lực kinh tế, tài chánh, kỹ nghệ… phát triển,
- tình trạng thiếu hụt nhân sự trong thành phần lãnh đạo tổ chức, điều hành quản trị ở nhiều lãnh vực quốc gia của chính quyền Việt Nam hôm nay,
- sự cần thiết thay đổi từ nền tảng của cơ cấu chính trị quốc gia Việt Nam đòi hỏi bằng cách ôn hòa.

Để nhìn về tương lai, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu:

- cách xâm lăng của đế quốc trong quá khứ, sự cai trị hay chi phối của cường quốc hiện tại và tương lai đối với các nước nhược tiểu,
- sự chuyển thời đại của các nước hậu kỹ nghệ,
- sự tiếp xúc văn minh,
- và bài học thành công.

2. Các Hình Thức Xâm Lăng

a. Xâm lăng ngày trước

Thời trước muốn xâm lăng một nước, thì đế quốc phải dùng:

- quân đội, vũ khí, chiến cụ để đánh phá đồn lũy của đối phương, bắt tướng quân mang ra giết, và binh sĩ trai tráng thì họ khai thác sức lao động.
- văn hóa, chủ thuyết tuyên truyền để nhân dân tôn sùng cấp lãnh đạo, và thống thuộc cơ cấu văn hóa nô dịch,
- kinh tế, tức nông phẩm, nguyên liệu, hay kỹ nghệ cần thiết để trói buộc nền kinh tế quốc gia.
Trên đây là ba hình thức mà các nước đế quốc xử dụng để cai trị các nước nhược tiểu thuộc địa, và làm lợi thêm cho đế quốc mẫu quốc.

b. Xâm lăng ngày nay

Ngày nay hình thức xâm lăng hay cai trị các nước nhược tiểu được các nước đế quốc chú trọng vào kinh tế, tài chánh, khoa học kỹ thuật, và môi sinh.

Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng thay đổi và trở thành một loại chiến tranh không đổ máu. Nếu một nước không canh tân cải tiến kịp thời, thì nước đó trở thành một nước tiêu thụ mang dạng “Xuất khẩu công nhân tại chỗ!” Tức là nhân dân nước ấy phải đi làm thuê làm mướn cho nước khác mà không cần lìa xa quê hương, và trở thành một “dân tộc nô lệ tân thời” qua sự cai trị và chi phối về kinh tế, kỹ thuật, tài chánh của các nước cường quốc.

Khi tôi về thăm Việt Nam gặp nhiều người hớn hở thấy các nước tự do đem tiền vào đầu tư, và hỏi tôi về kinh nghiệm nhân viên cao ủy Liên Hiệp Quốc thì nghĩ thế nào? Xin thưa rõ ràng rằng: Đây là việc “hữu ích,” nếu nước ta có nền chính trị hoàn hảo, thì sẽ biến những đầu tư có lợi cho dân tộc cũng có lợi cho phía người xuất vốn. Trái lại, nếu nhóm người lãnh đạo trong chính quyền thiếu khả năng, độc tài và tham nhũng, thì chính quyền sẽ dẫn dắt toàn dân trở thành một dân tộc nô lệ tân thời cho cả khối Đông Nam Á và thế giới!

Vì rằng hệ thống tài chánh thế giới ngày nay đang nằm trong tay số nhà tài phiệt quốc tế với những công ty liên quốc. Giá trị đồng tiền mà chúng ta đang xử dụng, nó không phải là giá trị thực, mà do sự sắp xếp của hệ thống tài chánh thế giới. Nếu chính quyền của nước ta không có khả năng để “tự sống” thì số nợ sẽ chồng chất, và sẽ phải nợ từ thế hệ này sang thế hệ khác, dân tộc ta khó mà thoát kiếp sống nô lệ tài chánh!

Hiện nay trên thế giới đang đương đầu với nhiều vấn đề trọng đại của con người, một trong những vấn đề đó là môi trường sinh sống, tức môi sinh của con người, của sinh vật thảo mộc trên địa cầu. Vì các chất phế thải của kỹ nghệ đã thay đổi, đã tiêu diệt các sinh vật và thảo mộc… và làm thủng màn khí quyển ozone để tia cực tím của mặt trời rọi thẳng xuống mặt đất, làm tăng nhiệt độ địa cầu. Những nước đã có nền kỹ nghệ và bị tàn phá bởi môi sinh… cho nên những cường quốc kỹ nghệ này đã phải chuyển các thiết bị nhà máy tới những nước chậm tiến, như trường hợp Việt Nam để xây dựng và sản xuất. Ngoài vấn đề công nhân rẻ thì các cường quốc kỹ nghệ đã tránh được nạn hủy hoại môi sinh cho đất nước và dân chúng họ.

Các hình thức xâm lăng cũ thì dân tộc Việt Nam còn có cơ hội vùng lên giành lại. Nhưng hình thức xâm lược mới, như tôi vừa nói trên, thì dân ta sẽ vô phương cứu chữa, bởi khi những phóng xạ nguyên tử, các chất độc hóa đã thải ra… và tàn phá, tiêu diệt sinh vật, thảo mộc rồi biến vùng đất phì nhiêu rừng vàng biển bạc của Việt Nam trở thành vùng đất chết, thì họa diệt vong xuất hiện rõ ràng!

Rồi có người nói với tôi, nước ta tuy tiến sau nhưng có cái lợi là ta khỏi cần mò mẫm, tốn công nghiên cứu, phát minh mà chỉ thừa hưởng những sáng tạo và phát minh của các nước văn minh tiên tiến.

Xin thưa, theo lý thuyết thì đúng, nhưng chỉ đúng về phương diện vật chất, khoa học kỹ thuật. Chớ chưa phải là đáp số của sự tiến bộ thuộc về khả năng và truyền thống lãnh đạo tổ chức của con người. Các dân tộc nhược tiểu chậm tiến đều chưa phát triển được khả năng điều hành đòi hỏi “Liên Thuộc Tính” (Interpersonal), và khả năng lãnh đạo thì ngoài liên thuộc tính, đòi hỏi thêm “Sáng Tạo Tính” (Creative).

Việt Nam chúng ta tiến sau các nước văn minh kỹ nghệ phương Tây cả một khoảng cách vài ba thế kỷ, nên nước ta thiếu nhiều nhân tài ở các lãnh vực điều hành quản trị và lãnh đạo. Khoa chính trị Tây phương cho thấy, ở thời đại kỹ nghệ thì nước họ có nhiều nhà máy, và việc sản xuất hàng loạt đã có đủ hay dư thừa vật dụng cho dân, bởi đó kỹ nghệ đã tạo ra tâm lý dư thừa, không thèm khát hay thiếu thốn. Nhờ tâm lý dư thừa, các sinh họat kinh tế, chính trị… mới phát triển trong ổn định và thịnh vượng.

Ngược lại, nước ta có tâm lý tiết kiệm vì thiếu thốn đủ thứ, và bệnh xã hội tham nhũng là do tâm lý thiếu thốn mà ra. Khi người Pháp chiếm nước ta, thì dân tộc ta cũng đang sống trong thời đại nông nghiệp, và rồi cái xã hội nông nghiệp đó đã kéo dài cho tới hôm nay, với cơ cấu tổ chức hàng dọc. “Trên bảo dưới không nghe” là một ví dụ điển hình cho cơ cấu một chiều! Cho nên nước ta thiếu những người có khả năng lãnh đạo và điều hành của một xã hội kỹ nghệ.

Mấy thập niên vừa qua đất nước Việt Nam đi thụt lùi, vì tình trạng dân chúng sống ở nông thôn không thay đổi. Vì dân số gia tăng mà kinh tế đã không có điều kiện phát triển, cho nên đời sống nông dân càng ngày càng nghèo khổ xác xơ! Tôi đã từng thấy những túp lều xiêu vẹo, thấy những bữa cơm nghèo vô vị mà người ta cố nuốt để sống, rồi lấy chén vục nước sông mà uống! Chỉ có bộ mặt của vài thành phố lớn là có chút ít thay đổi nhờ tiền viện trợ nước ngoài. Nhà cửa của quan chức, hoặc gia đình có thân nhân ở hải ngoại gởi tiền về, thì thấy xây cất lộng lẫy khang trang.

Trong khi thế giới ngày nay, Hoa Kỳ và nhiều nước Tây phương đã giã từ thời đại kỹ nghệ để bước sang thời đại tín liệu từ những thập niên 1950. Tại các nước này, “giới nghèo thật sự” như ngày trước đã giảm hẳn, không còn đa số. Nhờ sự mở rộng sinh hoạt dân chủ, nên chính trị tại những nước này đã không còn bị lệ thuộc vào văn hóa, vào giai cấp, vào tuyên truyền… Họ không còn đấu tranh giữa giàu và nghèo, thượng lưu hay hạ lưu, hoặc quan điểm giữa tư bản và xã hội chủ nghĩa.

Ví dụ: Hoa Kỳ đang ở thời đại kinh tế tín liệu, tức là sản xuất các “sản phẩm trí thức” bao gồm những chương trình điện toán, điện ảnh, giáo dục, dược phẩm, y khoa, khoa học kỹ thuật… là những sản phẩm không cần nhiều đến nguyên liệu vật chất, mà cần đến sự sáng tạo của trí óc. Các sản phẩm trí thức của nước này đã lên đến một phần ba tổng số tiền thu nhập quốc gia, và số thu này sẽ gia tăng cao hơn trong những năm tới.

(Còn tiếp)

Phạm Văn Bản
Lynnwood, ngày 29 tháng 08 năm 2008
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.09.2008 04:20:07 bởi thanbao >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9