Anh linh thần võ tộc Việt (từ hồi 16)
CDDLT 20.01.2005 18:05:03 (permalink)
Hồi thứ một trăm mười sáu


Thiên hạ Hồng Thiết




Nhà vua nhìn mẹ nuôi, mẹ đẻ đang chiết chiêu đến độ một sống, một chết, mà lòng lo lắng:
- Bất cứ ai trong hai bà mẹ bị tổn thương, cũng là thảm họa cho triều đình? Làm sao bây giờ?
Nhà vua muốn hỏi Định-vương. Nhưng nghĩ lại:
- Thái-sư yêu thương ta vô cùng tận. Nhưng người yêu ta với yêu giòng họ Triệu không thể tách rời. Lưu hậu đã gây ra biết bao thảm họa cho hoàng tộc. Bây giờ bà lại muốn hại Thái-sư, hại cả ta. Ta mà hỏi Thái-sư, ắt người sẽ giải quyết vấn đề thực giản dị: Giết Lưu hậu. Điều này thực ta không muốn. Thôi ta đành nhờ nhị đệ vậy.
Nhà vua hỏi Tự-Mai:
- Nhị đệ, ta phải làm gì để vẹn toàn cho hai Thái- hậu.
Tự-Mai định trả lời, thì tiếng Thông-Mai rót vào tai:
- Thằng cà chớn, nghe đây. Tuyệt đối không ra tay, để Lưu hậu phải dùng Chu-sa ngũ độc chưởng cùng võ công Lĩnh-Nam. Như vậy triều thần mới thực sự tin rằng Lưu hậu là con Lê Lục-Vũ.
Tự-Mai tỉnh ngộ trả lời nhà vua:
- Hoàng huynh đừng lo. Đệ khắc có biện pháp đối phó. Trước hết ta phải trừ mấy tên đầu sỏ kia. Sau đó xin Lưu hậu ngừng tay, và để Lưu hậu nguyên địa vị cũ. Khi chân tay Lưu hậu mất hết, quyền hành không còn, ta chẳng lo gì nữa.
Nhìn trận đấu, Tự-Mai hiểu ý Thông-Mai:
- Xét ra nội công Nga-mi Lý hậu ngang với nội công Hoa-sơn của Lưu hậu. Nếu Lưu hậu muốn thắng Lý hậu, bà phải dùng võ công Đại-Việt hoặc Hồng-thiết công. Ta nên làm thế nào cho Lý phi chiếm được tiên cơ, để Lưu hậu lộ hình tích mới được. Hôm trước Lý hậu bị bại, mình đã bắn sỏi cứu bà. Bây giờ giữa chỗ đông thế này, mình sao có thể ra tay trợ thủ?
Quần thần triều Tống đã nghe truyền tụng rằng võ công của Lưu hậu cao thâm, nhưng chưa một ai kiến thức qua. Bây giờ nhìn tận mắt trận đấu của bà với Lý hậu, họ mới bật ngửa ra rằng:
- Hỡi ơi, từ trước đến nay ai cũng chỉ biết Lý thần phi xuất thân từ phái Nga-mi võ công cực cao mà thôi. Không ngờ Lưu hậu lại là một đại hành gia, võ công kinh thế hãi tục thế kia? Nhưng võ công của Lưu hậu là võ công Hoa-sơn chứ đâu có phải võ công Hồng-thiết với Đại-Việt?
Tự-Mai đến bên Thiệu-Thái, chàng hỏi nhỏ:
- Ông ỉn này. Hôm đại hội Thăng-long, từ mẹ em, cho đến Chu Vân-Nga đều dùng phương pháp nhắc lại những kỷ niệm tình cảm của bọn Lê Ba, Nguyễn Chí, khiến công lực chúng giảm. Vậy nếu như một phụ nữ luyện Hồng-thiết công...
Thiệu-Thái hiểu ý Tự-Mai, chàng nói:
- Đối với phụ nữ cũng thế. Chỉ cần nhắc nhở đến những tình cảm của người chồng với họ, hoặc làm cho họ nổi cơn ghen lên, là chân khí hỗn loạn ngay. Có phải em muốn nhiễu loạn Lưu hậu, để bà lộ chân tướng ra không?
- Đúng vậy.
Trong khi đó, Lưu, Lý hậu vẫn phát những chiêu sát thủ kinh người. Mỗi lần hai chưởng gặp nhau lại bật lên tiếng binh. Dần dà, sau mấy chục chiêu Lý phi có vẻ yếu thế. Cứ ba chiêu bà mới trả lại được một chiêu.
Tự-Mai hỏi nhà vua:
- Đại ca này! Hôm trước, trong tửu lầu Cô-tô, đại ca thấy bài từ của phụ hoàng đề trên bức tranh vẽ Khấu Kim-An. Đại ca nhận ra vì nét chữ hay vì đã thuộc lòng?
Nhà vua thấy giữa lúc sáu người đấu chưởng chí mạng, mà cậu em lại hỏi truyện cũ không ăn nhằm gì tới thực tại, thì hơi khựng lại, nhưng vẫn trả lời:
- Bài từ đó ta thuộc lòng. Nhưng nhị đệ chớ có nhắc tới, Lưu thái hậu sẽ nổi nóng ngay đấy. Trong cung, ai cũng thuộc, nhưng không dám đọc, vì sợ mẫu hậu lên ruột.
Tự-Mai đưa mắt nhìn Lê Văn. Lê Văn hiểu liền, chàng nói sẽ bằng tiếng Việt:
- Có phải anh muốn bảo em ngâm bài từ vua Chân-tông đề tặng Khấu-kim-An để làm giảm công lực Lưu hậu không?
- Đúng thế. Anh không thể ngâm, vì hiện giờ anh là phò mã mà nhắc lại truyện tình của phụ hoàng thì không ổn.
Lê Văn cốc vào đầu Tự-Mai:
- Anh thông minh thế, mà chỉ vì ái tình nó vật mờ người đi nên không nghĩ ra. Lưu hậu là người Việt, biết nói tiếng Việt. Anh cứ ngâm bài từ đó lên bằng âm Việt hay dịch ra tiếng Việt. Như vậy chỉ mình Lưu hậu nghe. Triều thần đâu hiểu gì mà trách anh được?
Tự-Mai năn nỉ:
- Văn đệ giúp ta đi. Muôn ngàn lần cảm ơn.
Lê Văn bật cười:
- Thôi, đã vậy để em làm công việc ấy cho.
Y hướng Lưu hậu nói lớn lên bằng tiếng Việt:
- Tâu Thái-hậu. Thái-hậu không thắng được Lý hậu ư? Xưa kia Lý hậu chẳng theo hầu lão nhân gia ư? Võ công lão nhân gia cao hơn Lý hậu biết bao, mà nay sao vô lực như này? Thái-hậu ơi! Lão nhân gia vốn người Việt, mà leo lên tột đỉnh danh vọng như vậy quá đủ rồi. Nay mọi sự đã bại lộ, lão nhân gia nên rút về hậu cung an dưỡng tuổi già chẳng thú lắm ru, hà cớ còn tranh dành làm gì?
Nghe Lê Văn nói, Lưu hậu nổi nóng:
- Thằng ranh con biết gì mà nói.
Vô tình bà dùng tiếng Việt. Triều thần đều gật đầu:
- Lời Khai-Quốc vương tố cáo, cũng như Sử-vạn Na-vượng khai quả không sai. Thì ra Lưu hậu là người Việt thực. Có điều không biết bà là con Nhật-Hồ lão nhân hay Lê Lục-Vũ?
Lê Văn tiếp:
- Nhớ xưa kia Tiên-hoàng sủng ái Thái-hậu biết bao. Nhưng vãn niên người lại say mê Khấu tiểu thư đến điên đảo thần hồn. Hôm tới Biện-kinh thần nghe nói khắp nơi truyền tụng rằng Tiên-hoàng làm bài từ đề trên bức tranh vẽ Khấu tiểu thư. Tò mò thần chép lại, rồi học thuộc. Nay xin dịch sang tiếng Việt để Thái-hậu chỉnh cho những chỗ khiếm khuyết.
Trọn đời Lưu hậu, được vua Chân-Tông sủng ái cùng cực. Chỉ duy một lần: Cuối đời, nhà vua định phế bà, lập Khấu Kim-An lên thay. Bà hận vô cùng. Cho nên mỗi khi ai nhắc đến truyện này, bà lại lên ruột. Không ngờ bây giờ Lê Văn nói lên giữa triều thần. Bà liếc nhìn y với tất cả căm hận.
Lê Văn đọc lớn:

Giai nhân như sương mờ,
Gót sen đi trong mơ,
Ánh mắt, nụ cười, trời nghiêng, đất lở.
Môi hồng, da tuyết, như vạn bài thơ.


Tự-Mai suýt bật thành tiếng cười, vì Lê Văn dịch tào lao, y chỉ giữ ba phần ý, còn bẩy phần bịa. Nhưng Lưu hậu nghe đến đây khí uất bốc lên đến cổ, bà chửi tục:
- Tiên sư cha thằng ôn vật, có câm đi không?
Lê Văn càng trêu già:
- Ngoài ra Tiên-đế còn làm một bài ca, thần xin dịch sang tiếng Việt, ca cho thái hậu nghe.
Chàng rút hai cái phách trong bọc đánh vào nhau bắt nhịp, rồi cất tiếng hát theo điệu ca trù. Trong khi Bảo-Dân lấy tiêu ra hòa nhịp:

Gót tiên lãng đãng như sương,
Má hồng thu cả bốn phương hoa đào.
Người đâu tá? Hằng-Nga hay tiên tử?
Lạc thiên cung xuống Trung-thổ bấy lâu nay?
Tiếng thanh tao như oanh hót trên cây,
Dù Phi-Yến, dù Tây-Thi phải cúi đầu lùi bước.
Mỹ nhân khả tác kim cung tặng,
Hoa hậu thiên niên bất dị tầm.(1)
Nghìn năm sau, tiếng tài hoa, tiết liệt ai bằng?
Khắp kim cổ luận bàn về tài sắc.
Nếu Kim-An tiên nữ ngự tại cung Hàn trắc,
Thì Hằng-Nga không tử tự cũng khóc hu hu,
Huống chi Lưu hậu chuột chù?


Chú giải.
(1) Hai câu này nghĩa là: Người đẹp đáng làm cung điện bằng vàng cho ở. Hoa hậu đẹp như vậy, khó tìm ở nhân gian.

Sứ đoàn Đại-Việt, dù nghiêm trang như Khai-Quốc vương, dù chân thật như Thiệu-Thái, nghe Lê Văn ứng khẩu làm bài hát theo điệu Ả-Đào để ca tụng Khấu Kim-An, trêu Lưu hậu; đều không ngăn nổi tiếng cười. Vì điệu ca trù do Đào Hà-Thanh mới sáng chế ra gần đây, e rằng Lưu hậu chưa từng nghe qua, chưa từng biết, thế mà y dám bảo dịch từ bài thơ do vua Chân-tông sáng tác, thì còn trời đất nào nữa? Ý tứ trong bài ca-trù vừa ngỗ nghịch, vừa châm biếm. Tuy nhiên giọng ca Lê Văn rất tốt, ai nghe cũng cảm thấy hay. Nhưng mỗi chữ, mỗi lời đó lọt vào tai Lưu hậu như một mũi kiếm đâm trúng tim bà.
Tức quá chân tay Lưu hậu muốn run lên. Bà phóng một chưởng hướng đỉnh đầu Lê Văn như trời long đất lở. Lê Văn vội trầm người xuống tránh, tay chĩa lên một chỉ. Nếu Lưu hậu đánh xuống thì huyệt Thiếu-phủ của bà bị tổn thương. Bà vội biến chưởng thành cầm nã bẻ ngón tay Lê Văn. Yù vọt mình lên cao tránh khỏi.
Nhờ Lưu hậu tấn công Lê Văn, Lý hậu chiếm lại được thế công, bà đánh liền ba chưởng. Lưu hậu phải bỏ Lê Văn quay lại đỡ bình, bình, bình.
Lê Văn biết có kết qủa, chàng tiếp:
- Thái hậu ơi. Thần nghe Tiên-đế sai người dấu Khấu mỹ nhân một nơi, rồi đêm đêm người hội ngộ với nàng... Tình ý nồng nàn vô hạn.
Lưu hậu hét lên:
- Tên ôn con mất dạy, làm gì có truyện đó. Mi... mi mau im mồm đi ngay!
Đến đây chân khí trong người Lưu hậu hỗn loạn, chiêu số rời rạc, Lý hậu đánh liền ba chưởng như trời long đất lở. Bà bị bật lui tới chân cột. Cùng đường, bà phát chiêu Chu-sa ngũ độc chưởng. Bình một tiếng. Lý hậu bật lui liền ba bước. Mùi hôi tanh nồng nặc khắp điện.
Lý hậu vội vận phản Chu-sa độc công, rồi lùi một bước. Lưu hậu trong cơn ghen, quên mất việc dấu chân tướng. Bà đánh liền năm chiêu Chu-sa độc chưởng. Mùi hôi tanh bay khắp điện. Lý hậu thủy chung vừa đỡ vừa lui.
Lê Văn sợ Lý hậu bại, chàng tiếp:
- Hỡi ơi! Khi Tiên-đế sủng ái Khấu tiểu thư, thì Thái-hậu đã già lắm rồi, đó là lẽ thường, lão nhân gia chẳng nên giận dỗi làm gì! Thái-hậu ơi. Bây giờ ai cũng biết lão nhân gia là con gái của đại ma đầu Lê Lục-Vũ, nhũ danh Lê Hồng-Minh hay Kiều-Thu thì còn hy vọng gì nắm trọng quyền nữa.
Lưu hậu chửi:
- Đồ con nhà mất dậy.
Lê Văn càng trêu già:
- Tiên đế thực minh kiến, nên làm bài ca ví Thái-hậu như chuột chù. Chuột chù hôi thối nồng nặc, mà sao Tiên-đế lại ví như vậy kìa? À, chắc trước đây Thái-hậu luyện Chu-sa chưởng nên thánh thể có mùi giống chuột chù chăng? Ôi! nay thời của Thái-hậu hết rồi. Nào Thái-hậu, nào uy quyền, nào mưu chiếm Đại-Việt, nào biến Thiên-hạ thành một nước Hồng-thiết giáo nay thành mây khói. Lui về đi thôi Thái-hậu ơi.
Chàng ca vang cả điện lên:

Trường giáp qui lai hề,
Quyền dĩ khứ.
Trường giáp qui lai hề,
Thời dĩ tuyệt.(2)


Chú giải
(1) Tả-truyện chép: Mạnh Thường-Quân nuôi trong nhà ba nghìn tân khách. Tùy tài năng đức độ, tân khách được phân loại. Loại được ăn thịt, loại được ăn cá, loại chỉ được ăn rau. Một tân khách thuộc loại ăn rau, gõ vào bao kiếm ca:
Trường giáp qui lai hề,
Thực vô ngư.
Nghĩa là:
Gươm dài ơi,
Về đi thôi,
Ăn không cá.
Mạnh-Thường-Quân thay đổi bậc, cho ông ta ăn cá. Ông ta gõ gươm ca:
Trường giáp qui lai hề,
Thực vô nhục.

Nghĩa là:
Gươm dài ơi!
Về đi thôi,
Ăn không thịt.
Mạnh Thường-Quân lại đổi cho ông ta ăn thịt. Ít lâu sau ông ta lại gõ kiếm ca:
Trường giáp qui lại hề,
Xuất vô xa.
Nghĩa là:
Gươm dài ơi!
Về đi thôi,
Đi không xe.
Mạnh Thường-Quân nói với ông:
- Ông thực không biết điều. Ta đã thay đổi bậc cho ông hai lần rồi, mà ông chưa thỏa mãn ư?
Tân khách đó sự thực không tham ăn, y hát như vậy chỉ muốn được tiếp kiến riêng với Mạnh Thường-Quân. Bây giờ được đối diện rồi, ông bầy cho Mạnh Thường-Quân một kế an ninh lâu dài.


Lê Văn buột miệng hát nghêu, đổi đi một chút trêu Lưu hậu:

Gươm dài ơi!
Về đi thôi,
Quyền đã mất.
Gươm dài ơi!
Về đi thôi,
Thời đã tuyệt.


Rồi chàng cầm ống tiêu đưa lên miệng mà thổi.
Khí uất trong người Lưu hậu bốc lên, chân khí chạy nhộn nhạo, bà thở hồng hộc, chưởng phát không ra nữa. Bà chỉ vào Lê Văn miệng lắp bắp:
- Tiên nhân cha mày, mày động mồ động mả hay sao mà trêu bà. Bà...
Đến đó Lý hậu cười lớn:
- Thái hậu, người đánh tôi mấy chục chưởng. Bây giờ xin Thái-hậu nhận lại của tôi ba chưởng, gọi là có đi, có lại.
Nói rồi bà phát ra chiêu chưởng nhẹ như gió thoảng qua:
- Một này.
Lưu hậu cảm thấy tay nặng nề, bà từ từ đưa lên đỡ. Bộp một tiếng, bà rung động toàn người, rồi cảm thấy như con dao đâm vào ngực đau đớn vô tả. Lý phi cười nhạt:
- Chiêu thứ nhì đỡ này.
Lưu hậu nghiến răng đỡ, bình một tiếng, khắp người bà như muôn ngàn mũi dao đâm vào. Lý hậu không tha:
- Chiêu thứ ba này.
Lưu hậu cố gắng đỡ, người bà như đeo hàng trăm cân đá. Lý hậu cười nhạt:
- Thôi, thái hậu làm nhục tôi, chia rẽ tình mẫu tử bấy lâu, nay lĩnh hậu quả này thì đừng oán hờn chi cả.
Lưu hậu run lên bần bật:
- Ái, đau chết đi.
Người đàn bà bịt mặt đứng lược trận xẹt tới, phất tay một cái, Lưu hậu bật lùi ba bước, rồi mụ vòng tay lên đỡ chưởng của Lý phi. Bình một tiếng Lý phi cảm thấy như trời long đất lở. Bà bật lùi ba bước, khí huyết trào lên cổ, bà ọe một tiếng, khạc ra một búng máu.
Thuận-Tường la lớn:
- Trần đại ca, mau cứu mẫu hậu.
Dù Thông-Mai đã dặn, nhưng tiếng kêu cứu của Thuận-Tường làm Tự-Mai không tự chủ được, chàng lách mình đến ôm lấy Lý hậu nhảy lùi lại sau, tay vòng một chưởng đỡ chiêu thứ nhì của mụ bịt mặt. Bình một tiếng. Nó cảm thấy cánh tay tê chồn, tai phát ra tiếng kêu vo vo không ngừng.
Mụ bịt mặt không tha, tay mụ vòng lên cao, đánh xuống một chưởng mạnh kinh người. Tự-Mai nhận ra đó là chiêu Loa-thành nguyệt chiếu của phái Mê-linh. Thuận tay chàng phát chiêu Thanh-ngưu ư hà trong Phục-ngưu chưởng. Hai chưởng dương cương gặp nhau, phát ra tiếng kêu lớn. Áp lực làm mọi người muốn nghẹt thở.
Tự-Mai mượn đà, nhảy lùi lại liền ba bước. Vô tình chàng đứng trước Mỹ-Linh. Mỹ-Linh phát nhẹ một chiêu vào lưng Tự-Mai, rồi đỡ lấy Lý thái-hậu.
Tự-Mai được cha, chú luyện tập căn bản cực kỳ vững trãi. Lúc ở trong động Xuân-Đài, chàng với Khai-Quốc vương học được thần công Yên-lãng, nhưng vì không có mật ngữ, nên khi phát lực không mạnh. Đợi đến trận Tản-lĩnh, chàng được Đặng Đại-Khê truyền mật ngữ cho, công lực của chàng tiến vô cùng. Tiếp theo, chàng hút công lực của hai đại cao thủ phái Hoa-sơn, đến đây bản lĩnh chàng ngang với bọn trưởng lão Lạc-long giáo.
Vừa rồi chàng hút nội lực của Sử-vạn Na-vượng, Tào Lợi-Dụng. Đúng ra với công lực tổng hợp, nội công chàng không thua Đại-Việt ngũ long làm bao. Nhưng phàm khi hút nội lực, cần phải có mấy tháng để qui liễm hoà hợp nhau. Vì vậy hiện công lực của chàng chưa đến chỗ tối cao. Thế mà chưởng của người bịt mặt hùng hậu vô cùng. Do đó chàng bị lạc bại.
Người đàn bà bịt mặt lên tiếng:
- Tên ôn con, rõ ràng mi là đệ tử phái Đông-a, thế mà sao mi còn luyện cả nội lực Hoa-sơn, Tản-viên nữa?
Tự-Mai thấy người đó bác học vô cùng, chàng khâm phục chắp tay:
- Tiền bối nhận xét đúng. Tiểu bối có cơ duyên luyên Vô ngã tướng thiền công của công chúa Yên-lãng. Rồi sau đó được hai trong Hoa-sơn thất hùng ban cho ít nội lực. Tuy vậy tiểu bối không thể là đối thủ của tiền bối.
Người đó lạng mình chụp nhà vua. Tây-Sơn đạo sư quát lên một tiếng, chĩa thẳng ngón tay vào chưởng người kia. Người kia biến trảo thành cầm nã bẻ ngón tay lão. Lão biến chỉ thành quyền đập vào cườm tay mụ. Bộp một tiếng, cả hai cùng cảm thấy ê ẩm khắp cánh tay.
Tuy bị đau đớn, nhưng mụ vẫn không ngừng lại. Mụ biến chiêu thần tốc không thể tưởng tượng nổi. Tay bật lên cao, vòng qua vai Tây-Sơn đạo sư, vươn ra chụp nhà vua. Vô tình người mụ sát vào Tây-Sơn đạo sư. Ông vội đẩy một chưởng vào bụng mụ. Ai cũng tưởng mụ sẽ nhảy lùi lại tránh. Không ngờ người mụ di chuyển, vẫn sát vào Tây-Sơn đạo sư.
Thấy nguy hiểm, Tự-Mai vội ôm nhà vua nhảy lùi lại ba bước. Trong khi đó chưởng của Tây-Sơn đạo sư chạm vào ngực mụ. Ông kinh hoàng vội thu kình lực lại, nhưng chỉ được bẩy phần. Còn ba phần trúng ngực mụ đến bình một tiếng.
Lão xấu hổ, vội lên tiếng:
- Bần đạo vô ý, xin tạ lỗi.
Mụ nhảy lùi lại cười khành khạch:
- Người ta đồn Hoa-Sơn ngũ lão đạo cao đức trọng, nào ngờ cái căn bản nhỏ xíu Nam nữ thụ thụ bất tương thân cũng không biết giữ, giữa chốn triều cương thế này, mà người dám trêu ghẹo lão nương ư?
Mụ cười the thé:
- Cái tội trêu ghẹo lão nương, là do đạo sư tự tìm lấy cái chết, chứ lão nương không chủ tâm ác ý đâu.
Tây-Sơn lão nhân chưa hiểu rõ câu nói của mụ, thì mụ chỉ vào tay lão:
- Lão hãy nhìn tay mình thì rõ.
Tây-Sơn lão nhân đưa tay lên nhìn. Bàn tay lão tím ngắt. Lão quát lên:
- Thì ra bọn ngươi thuộc bang Nhật-Hồ.
Lão vung chưởng tấn công mụ. Nhưng chưởng chưa ra, mà tay lão đã
mất hết lực, lão nghiến răng ngồi vận công chống đau.
Trần Trung-Đạo quát lên thực lớn:
- Ngừng tay!
Sáu người cùng nhảy lui lại.
Chàng bước ra xá mụ già bịt mặt:
- Thì ra tiền bối là Bắc-sứ của Hồng-thiết giáo Đại-Việt đấy. Từ lâu võ lâm hằng nghe danh tiền bối như sấm nổ bên tai. Nhưng chưa ai biết dung nhan tiền bối ra sao. Xin tiền bối mở khăn ra cho mọi người được diện kiến.
Mụ cười the thé:
- Về võ công, mi bất quá là tên tiểu mao đầu. Khi lão nương thành danh trên chốn giang hồ, thì mi chưa ra đời. Còn về địa vị quan trường, bất quá mi là viên tướng nhỏ bằng hạt vừng, hạt đậu mà dám xung chàng với ta ư?
Trung-Đạo cười nhạt:
- Tiểu bối dùng lễ võ lâm, mà tiền bối không muốn hiển lộ dung nhan. Vậy tiểu bối xin làm nhiệm vụ của Điện tiền chỉ huy sứ. Mong tiền bối thứ lỗi.
Chàng khoằm khoằm phát chiêu ưng trảo chụp khăn bịt mặt của mụ. Chiêu số chậm chạp, nhưng kình lực mạnh vô cùng. Mụ cười nhạt, xỉa tay vào ngực chàng, nếu chàng không thu tay đỡ thì vỡ ngực ra mà chết. Ai cũng tưởng Trung-Đạo phải thu tay về nhảy lui lại. Nhưng tay chàng vẫn không đổi chiều. Cùi chỏ hơi co lại, đập vào cùi chỏ mụ. Chàng nghiến răng vận công. Bàn tay mụ đánh trúng ngực chàng đếp bộp một tiếng. Trong khi tay chàng chụp trúng chiếc khăn che mặt mụ. Xoạc một tiếng, chàng nhảy lui lại, hít hơi, điều tức.
Triều thần cùng bật lên tiếng ủa rồi ái chà đầy vẻ khủng khiếp. Còn Nong-Nụt thấy mụ, nàng hét lên, núp sau Lê Văn. Ai cũng nhận ra mụ là đạo cô đạo cao, đức trọng, thường ra vào cấm cung từ đời vua Thái-tông, được phong tước Ngọc-Chân huyền quân, phụ trách giảng dạy lễ nghi cho cung nga, công chúa. Lưu thái-hậu không mấy ưa mụ. Mụ chưa từng nói truyện với Lưu hậu bao giờ. Nào ngờ mụ lại là nữ đại ma đầu Nguyễn Thúy-Minh, hay Tăng Tuyết-Minh, vợ Lê Lục-Vũ tức nhiên là mẹ Lê Hồng-Minh tức Lưu hậu.
Họ đưa mắt nhìn người áo đen, áo trắng như muốn hỏi xem chúng là ai?
Lê Văn hỏi Nong-Nụt:
- Tại sao em lại sợ con mụ kia?
Nong-Nụt lấm lét nhìn mụ:
- Chính mụ là người tra khảo, đánh đập em ở Hoàng-thành. Cũng mụ ra lệnh bắt giam, tra khảo Khai-Thiên vương phi. Đại ca mau mau đuổi mụ đi.
Nói rồi nàng nắm lấy tay Lê Văn như cầu lấy sự che chở.
Định-vương hướng Khai-Quốc vương:
- Vương gia! Hôm trước anh em chúng ta đã thỏa thuận tại Khúc-giang rằng: Phàm dân Tống phạm tội trên đất Việt, thì Việt bắt trao Tống xử tội. Ngược lại dân Việt phạm tội trên đất Tống, tống trao cho Việt xử.
Vương chỉ vào Lưu thái-hậu cùng ba thích khách:
- Những người này, vốn là dân Việt. Họ phạm trọng tội với bản triều. Vương gia hiện diện tại đây, xin trao trả vương gia, để vương gia phát lạc.
Khai-Quốc vương hướng vào hai người mặc áo đen và trắng:
- Hai vị tiền bối. Mấy chục năm qua hai vị tung hoành trên suốt một giải Hoa-Nam, lan tới Biện-kinh, danh vang một thủa như vậy đủ rồi. Không còn mấy năm nữa hai vị đi vào tuổi tám mươi. Hai vị nên gác kiếm rửa tay quy ẩn chẳng thú vị lắm ư. Hà cớ còn len lỏi vào chốn bụi trần gây ra cảnh chém giết làm gì?
Vương chỉ vào đám sĩ tử:
- Thái-sư tổ chức Anh-hùng đại hội Biện-kinh vào tháng tám. Lưu thái hậu sợ Thái-sư nắm hết anh hùng thiên hạ, vội bầy ra việc tuyển phò mã, với ý nghĩ rằng anh hùng do Thái-sư nắm được sau này, bất qúa chỉ được phong những chức võ quan bình thường, lại không được tín nhiệm. Sao có thể so sánh bằng phò mã, bằng rể đông sàng của tể thần? Sáng kiến Lưu thái hậu thực cao minh không ai tưởng tượng nổi.
Vương ngừng lại rồi thở dài:
- Thế sao hai vị lại dùng phấn độc bắn vào hạ bộ định hại đám thiếu niên này, rồi định đổ cho Thiên-Thánh hoàng đế với Thái-sư để di họa cho hai vị rằng chủ ý muốn kình chống Lưu hậu, mà đánh thuốc độc? Hai vị, một là Tả-hộ-giáo, một là Hữu-hộ-giáo của Hồng-thiết giáo Đại-Việt, bây giờ lại muốn vu oan cho Hoàng-thượng, cho Thái-sư rằng hai người dùng dư đảng bang Nhật-hồ hại sĩ tử?
Nghe đến đây, mọi người mới biết hai lão áo đen, áo trắng là Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc tức Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn hóa danh. Bất giác triều thần Tống mặt nhìn mặt xấu hổ:
- Thì ra Lưu hậu là người của Hồng-thiết giáo Đại-Việt thực. Còn hai lão Tôn, Lê đúng là hai đại ma đầu Đào, Chu thực.
Lão già áo đen quát lên:
- Nói láo. Bịa đặt. Hai lão phu là con dân Hán, sinh trưởng ở vùng Quảng-Nam Đông-lộ, gia phả đời đời ghi, đâu liên quan gì tới bọn cẩu Việt các người. Người đừng nói láo. Chính tên Triệu Nguyên-Nghiễm ép Hoàng-thượng phóng độc hại thí sinh, hầu phá cuộc tuyển anh tài đất nước. Bây giờ mi nói ngược lại.
Thấp thoáng bóng trắng, mọi người thấy hoa mắt một cái, ánh thép lóe lên. Hai lão áo trắng, đen nhảy lùi lại, mặt tái mét, trong khi khăn che mặt rơi xuống. Mọi người đồng ồ lên: Hai lão chính thị Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ.
Lê Lục-Vũ chỉ bóng trắng:
- Mi... Mi... Mi đánh trộm ta ư? Mi là ai.
Bấy giờ y mới biết bóng trắng xẹt đến rút kiếm của y, rồi vung lên cắt khăn che mặt y với Tôn Đức-Khắc là công chúa Bình-Dương.
Mỹ-Linh chỉ vào mặt lão:
- Tả-hộ-pháp. Người tự chối bỏ tổ tiên mình thì tùy ý người. Nhưng người nhục mạ giòng giống Việt của ta thì không được đâu. Ta cảnh cáo cho người biết như vậy cũng đủ rồi. Lần sau ta sẽ cắt lưỡi người.
Lê Lục-Vũ cười nhạt:
- Ta sơ ý bị đánh trộm. Con lỏi kia, người lại đây, ta đấu với nhau trăm chưởng.
Mỹ-Linh đứng giữa triều Tống, nàng mặc quần áo trắng, khăn vàng,
dây lưng vàng, phơi phới như Quan-thế-âm Bồ-tát, khiến ai cũng phải rung cảm trong niềm kính trọng:
- Thái độ uy nghiêm, mà ngôn từ rõ ra một vị công chúa cha mẹ dân, trong khi kiếm pháp thần thông. Thực không khác Phật-bà.
Nàng mỉm cười:
- Lê tả-sứ. Kiếm pháp mà ta học là Long-biên kiếm pháp của tộc Việt xưa, tuy chỉ mới được ba thành, nhưng cũng đủ dạy dỗ cho bọn vong quốc các người. Nào người hãy rút kiếm ra.
Đông-Sơn lão nhân vái Mỹ-Linh:
- Công chúa điện hạ. Xin công chúa ban cho bần đạo được đòi món nợ cũ với tên ma đầu này.
Lão hất hàm hỏi Lê Lục-Vũ:
- Tên họ Lê kia, người có nhớ ra bần đạo là ai không?
Lê Lục-Vũ cười nhạt:
- Ta không cần biết đến bọn vô danh tiểu tốt như mi làm gì. Mi hãy nhìn tên sư đệ Tây-Sơn kia, y sắp chết rồi. Mi muốn chết với y thì tiến ra mà lĩnh Chu-sa ngũ độc chưởng.
Nguyên cách đây mấy chục năm, phái Hoa-Sơn đào tạo được mười ba đệ tử. Đứng đầu là Ngũ-hùng, rồi tới Thất-kiệt. Cả mười ba người danh trấn giang hồ. Võ lâm mệnh danh là Hoa-sơn thập tam thái bảo. Sau người đứng đầu Ngũ-hùng là Đặng Đại-Bằng phản sư môn, theo bang Nhật-Hồ. Trong một đêm y về tổng đàn ăn trộm bí lục võ công, chẳng may bị lộ. Y bị vây đánh, súyt mất mạng, thì giữa lúc đó bọn bang Nhật-hồ xuất hiện. Chúng dùng Chu-sa độc chưởng, khiến cho sư phụ bị thương, rồi đi đến mất mạng. Trong bọn đó có hai tên Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc.
Hoa-Sơn là võ phái phát tích ra Tống triều, vì vậy danh dự rất lớn. Nay chưởng môn bị đồ tử phản bội, rồi bị trúng Chu-sa độc chưởng đến mất mạng, thì còn nhục nhã gì bằng? Vì vậy người trong phái âm thầm ngậm hờn, không công bố ra ngoài.
Từ đấy Hoa-sơn ngũ hùng chỉ còn có bốn. Cả bốn người ngày đêm luyện võ, trả thù cho sư môn, vì vậy họ nổi tiếng, được đời tặng cho danh hiệu Hoa-sơn tứ lão. Hôm nay, ngay giữa triều nghi, kẻ thù xuất hiện, hỏi sao Hoa-sơn tứ lão ngồi im được?
Đông-Sơn lão nhân hướng vào Định-vương:
- Xin vương gia cho bần đạo mượn kiếm, để tru diệt ma đầu.
Định-vương vẫy tay, một thị vệ cung kính cúi đầu dâng kiếm cho Đông-Sơn lão nhân. Lão cầm kiếm vòng một vòng, rồi nói với Lê Lục-Vũ:
- Chu Bội-Sơn. Người hãy rút kiếm ra.
Lục-Vũ lạng người đến bên một thị vệ, y đã đoạt được kiếm. Y quát lên một tiếng, tay phóng chưởng tấn công. Sứ đoàn cùng bật lên tiếng:
- Võ công Khúc-giang.
Nhưng trong chưởng lại có mùi hôi tanh nồng nặc. Đông-Sơn lão nhân xỉa kiếm vào giữa chưởng của Lục-Vũ. Lục-Vũ không đỡ kiếm của ông, mà đưa kiếm vòng lên cao. Lối đánh của y giống như hai người cùng chết. Đông-Sơn lão nhân vòng kiếm thành quả cầu bạc, thế là hai người cùng lẫn trong làn kiếm quang.
Kiếm của Đông-Sơn lão nhân vừa mau, lại vừa tinh diệu. Trong khi kiếm của Lục-Vũ thì chậm chạp, thô kệch, nhưng hung hiểm lạ thường. Lý Thái-hậu hỏi Thanh-Mai:
- Vương phi, theo vương phi, cuộc đấu kết qủa sẽ ra sao?
- Tâu thái hậu, về công lực thì Lê cao hơn Đông-Sơn đạo sư. Về kiếm pháp, thì Đạo-sư hơn Lê. Hoa-Sơn kiếm pháp vừa dùng kiếm chiêu, vừa dùng kiếm khí. Trong khi Khúc-giang kiếm pháp thì dùng kiếm khí. Vì vậy khó có thể tiên đoán được.
Hai người đấu được trên hai trăm hiệp, thì Lưu hậu nghiến răng chịu đau, lên tiếng:
- Kết thúc đi chứ!
Lê Lục-Vũ cười nhạt một tiếng. Người y quay như cơn lốc. Một tay tung kiếm, một tay phóng chưởng. Đông-Sơn lão nhân cũng vội dùng tay trái đỡ chưởng của y. Ông thấy chưởng của y sao lại không có lực? Chưởng của ông trúng ngực y đến binh một tiếng. Một làn nước đục tung vào người ông. Ông kinh hãi, vội nhảy vọt lên cao tránh, nhưng cũng bị một tia trúng cổ.
Biết là nước độc, ông không đỡ kiếm của Lê, đưa thẳng kiếm vào cổ y với ý định cả hai cùng chết. Nhưng lực không còn, ông lảo đảo như người say rượu.
Mỹ-Linh đã từng chiết chiêu thắng Đông-Sơn lão nhân. Thế nhưng sau đó, gặp lại nàng, ông luôn dùng ngôn từ trân trọng có lợi cho Đại-Việt. Vì vậy nàng sinh cảm tình với ông. Nay thấy ông sắp nguy. Nàng vội quát lên một tiếng, xẹt tới đưa kiếm vào cổ Lê Lục-Vũ. Lục-Vũ kinh hãi, vội lộn về sau hai vòng. Nhưng Mỹ-Linh di chuyển thân mình, khiến kiếm như dính liền vào cổ y. Y lộn đến vòng thứ tám thì chạm phải bức tường. Lòng y nguội như tro tàn. Y chửi thề:
- Con bà nó! Ta thua mi vì mi đánh trộm. Ta không phục.
Khai-Quốc vương cười nhạt:
- Xin lỗi tiền bối, đứa cháu còn nhỏ tuổi có hơi nóng nảy. Nào bây giờ Lê, Tôn tiền bối có còn chối rằng mình không phải là Chu Bội-Sơn với Đào Tường-Phúc không?
Mặt Tôn Đức-Khắc vẫn lỳ lợm:
- Láo!
Quốc-vương lắc đầu:
- Trời ơi, địa vị hai tiền bối cao biết mấy, mà mình làm lại không dám nhận. Như vậy đâu có xứng dáng? Hai vị là con cháu di thần Ngô triều, ẩn thân ở Khúc-giang, một tay giúp họ Tiền dựng triều Ngô-Việt, danh vang một thủa. Hai vị đã được phong tới tước công mà! Ở đây có nhiều người từng đến nước Ngô-Việt tiếp nhận đầu hàng vào thời vua Thái-Tông, đã gặp hai vị. Mới đây Thái-hậu phong chức tước cho hai vị tới quốc công chứ có nhỏ đâu?
Vương chỉ vào đám sĩ tử:
- Tại sao các vị lại hại đám thí sinh nhỏ tuổi vô tội này?
Lê Lục-Vũ lắc đầu:
- Bịa đặt.
Khai-Quốc vương lắc đầu:
- Dầu sao hai vị cũng có vai vế trong võ lâm, hà cớ lại chối như vậy? Việc hạ độc các thiếu niên đã rõ đen trắng. Bên cạnh mỗi y quan đều có chậu nước, và một khăn lau, để sau khi khám bệnh một sĩ tử, thì rửa tay. Rửa xong lau tay. Đầu tiên Lê tiên sinh sai thái-giám Lê Tất bỏ thuốc giải vào các chậu nước, rồi tung phấn độc vào những chiếc khăn. Thế là trước khi khám bệnh, y quan rửa tay, thuốc giải ngấm vào, tiếp theo lau tay. Phấn độc vào tay, mà y quan vô sự. Khi y quan mó vào người sĩ tử, phấn độc dính vào người họ. Họ bị trúng độc.
Tất cả đám thiếu niên cùng mở to mắt ra kinh ngạc như muốn ăn tươi nuốt sống hai lão Lê, Tôn. Họ cùng thét lên:
- Mau cùng nhau giết hai tên ma đầu báo thù.
Rồi chia nhau vây kín xung quanh hai lão. Lưu hậu thấy chỉ mấy câu ngắn ngủi, Khai-Quốc vương biến đám sĩ tử thành kẻ thù của Tôn, Lê, mà không đụng chạm đến bà. Bà cũng sinh hoang mang. Bà đưa mắt nhìn hai lão:
- Có việc đó ư?
Lê Lục-Vũ cười nhạt:
- Tên ôn con Lý Long-Bồ kia nói láo đấy. Thái-hậu đừng tin nó.
Định-vương lắc đầu:
- Hai người đừng chối vô ích. Cô gia đã thẩm vấn thái giám Lê Tất rồi. Hai người không chối được đâu. Nhất là những gì các người làm trên đường từ Khúc-giang về đây.
Tôn Đức-Khắc hỏi:
- Trên đường từ Khúc-giang về đây ư? Chúng thần chưa từng làm gì phạm pháp cả.
Khai-Quốc vương ung dung:
- Được, cô gia nói thực ra hết để hai vị khỏi chối. Hai vị được chỉ dụ Thái-hậu đến Khúc-giang cùng Dư Tĩnh đánh thuốc độc Định-vương cùng tùy tùng. Nhưng hai vị qúa khinh địch. Hai vị gia làm ẩn sĩ bái kiến cô gia. Hai vị quên mất tiện thê cùng Tự-Mai là con một bác học về võ công hiện đại. Chỉ liếc nhìn tướng đi, hơi thở, tiện thê cũng như Tự-Mai, đã nhận ra chân tướng võ công hai vị ngay.
Tôn Đức-Khắc hất hàm hỏi Tự-Mai:
- Bằng vào động tác gì huynh đệ nhận được chân tướng bọn ta?
Tự-Mai chau mày, chàng định biến hai lão thành trò cười cho thiên hạ. Nhưng chợt nhớ lại bây giờ mình đã thành đại thần, thành phò mã, thành nghĩa đệ của hoàng đế. Chàng khoan thai đáp:
- Nhị vị quốc công khảo sát kiến thức của cô-gia đấy ư? Để cô-gia nói cho nhị vị nghe. Khi nhị vị bước qua thanh gỗ làm cầu xuống thuyền. Tôn quốc công đi bằng đầu ngón chân. Thân thể Tôn quốc công đâu có nhẹ? Trong khi thanh ván rất mỏng. Thế mà mỗi bước đi của Tôn quốc công không làm cầu rung rinh. Như vậy võ công Tôn quốc công thuộc võ công Cửu-chân, luyện đến trình độ tuyệt cao, trên khắp Đại-Việt không ai sánh kịp. Khi quốc công bưng chung trà uống, lòng bàn tay đỏ lòm, thì rõ ràng quốc công luyện Chu-sa ngũ độc chưởng đến trình độ tối cao. Trong võ lâm Đại-Việt làm gì có người nào ngang tuổi với quốc công mà bản lĩnh Cửu-chân, Hồng-thiết cao như vậy ngoài Đào Tường-Phúc thuộc di thần Ngô-Việt, phản Ngô-Việt theo Hồng-thiết giáo?
Chàng chỉ Lê Lục-Vũ:
- Còn Lê quốc công. Khi quốc công dùng ngón tay gõ vào mạn thuyền xin yết kiến Khai-Quốc vương. Quốc công chỉ khẽ gõ, mà tiếng trầm vang đi rất xa. Đó là thủ pháp võ công Khúc-giang. Lòng bàn tay quốc công cũng đỏ lòm, rõ ràng quốc công luyện Chu-sa ngũ độc chưởng. Ngang tuổi với quốc công không có ai thuộc phái Khúc-giang, bản lĩnh cực cao mà theo Hồng-thiết giáo ngoài Chu Bội-Sơn. Cho nên sứ đoàn thản nhiên tiếp hai vị. Tưởng hai vị biết Cái sứ đoàn biết hai vị. Hóa ra hai vị không biết gì cả.
Chàng cười lớn:
- Nhưng lúc ấy sứ đoàn chỉ biết hai vị là cao nhân võ lâm Đại-Việt, đồng thời cũng là đại ma đầu của Hồng-thiết giáo mà không biết hai vị làm đại thần bản triều.
Hai lão Tôn, Lê nghe Tự-Mai nói, bất giác mồ hôi đầm đìa ra áo vì kinh hãi:
- Đáng chết. Quả thực hôm đó mình khinh thường sứ đoàn Đại-Việt toàn bọn con nít. Nào ngờ...
Tự-Mai dơ tay làm hiệu bắt chước cử chỉ của Hoàng-đế nói với Tào Lợi-Dụng hôm trước, mà chàng đã thấy:
- Hai vị khinh thường sứ đoàn, lại khinh thường của túi khôn Trung-nguyên là hoàng thúc, với Phạm Trọng-Yêm cùng sự kinh kịch của Minh-Thiên đại sư, Đông-Sơn đạo sư. Cho nên khi hai vị ngồi trên nóc điện bị khám phá ra. Dù hai vị đã hóa trang, nhưng hoàng thúc liếc qua cũng biết hai vị là Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc. Hai vị kinh ngạc ư? Hai đại hành gia ẩn thân trong hoàng cung, trong khi hoàng thúc là Thái-sư mà không biết thì còn ra cái gì nữa?
Sự thực trước đây Định-vương, Minh-Thiên, Đông-Sơn đạo sư tưởng Lê, Tôn là hai cao thủ thuộc bang Nhật-Hồ gửi vào kiềm chế Lưu hậu. Cho tới khi Định-vương, Khai-Quốc vương kết thân, hợp tác ổn định Bắc-biên Đại-Việt. Khai-Quốc vương mới lộ Định-vương mới biết. Hôm nay nhân muốn hạ phe Lưu hậu xuống, Tự-Mai đề cao Định-vương lên, y nói như vậy.
Thấy hai lão kinh hãi, Tự-Mai tiếp:
- Hai vị quên rằng dù bản lĩnh độc công hai vị tài giỏi đến đâu chẳng qua cũng không bằng sư phụ hai vị là Nhật-Hồ lão nhân. Mà Nhật-Hồ lão nhân bị Thân đại ca đánh bại. Hôm ấy Thân đại ca hiện diện, nhưng hại vị không đề phòng. Cho nên Dư Tĩnh pha thuốc mê vào món gà nấu ngũ vị hương, Thân giáo chủ biết liền. Giáo chủ dùng Thiền-công tung ba viên thuốc giải tan thành bột rơi xuống món gà ngũ vị hương. Thành ra khi hai vị thấy Dư an phủ sứ làm không nên việc, mới giả làm lộ hình tích, rồi tung Di-hồn phấn, cùng Nhuyễn-cân tán một lần nữa.
Hai lão Tôn, Lê mặt nhìn mặt, kinh hãi:
- Đáng chết thực, tại sao mình không thấy cái sơ hở đó nhỉ?
- Chưa hết, khi các vị tung thuốc. Sứ đoàn truyền nhau vận Thiền-công hóa giải. Trong khi đó Thân giáo chủ giả rót rượu cho Khai-Quốc vương, trao thuốc giải cho Định-vương. Khai-Quốc vương khuyên Định-vương cùng sứ đoàn giả mê man, để biết sự thực.
Lê Lục-Vũ lắc đầu:
- Ta không tin.
Tự-Mai bèn thuật chi tiết cuộc đối thoại của hai lão Tôn, Lê cùng Dư Tĩnh, rồi chàng móc trong túi ra chiếc hộp nhỏ, trong hộp có tượng Quan-âm bằng ngọc xanh. Quần thần nhận ra ngay, đó là lệnh bài tuyệt mật của Lưu hậu. Ai cầm tượng đó, mà nói gì, truyền lệnh gì coi như lệnh của Lưu hậu. Chàng nói:
- Dư an phủ sứ thấy tượng này của hai vị đưa ra, lập tức líu ríu tuân theo.
Lục-Vũ hỏi:
- Huynh đệ bảo Thiệu-Thái luyện được bản lĩnh Hồng-thiết tối cao, sao y bị lão phu cầm từ suốt từ Khúc-giang đến hồ Động-đình mới thoát được.
Tâm tính Thiệu-Thái hiền hậu, dễ tha thứ. Từ hôm chàng được tôn làm giáo chủ Lạc-long giáo, vẫn có ý tìm ra tông tích Ngũ-sứ cùng Tả, Hữu hộ pháp để kéo họ về chính đạo. Trên đường từ Khúc-giang đi Trường-sa, chàng được Bảo-Hòa báo cho biết hai lão Tôn, Lê chính là Đào, Chu lĩnh Tả, Hữu hộ pháp. Nhưng chàng bị Khai-Quốc vương bắt phải giả ngây, giả dại trúng độc. Chàng bị hai lão khinh thị, uất ức chồng chất vừa mới nguôi, bây giờ hai lão hiện diện, đã không hành lễ với chàng, lại còn xỉ mạ người Việt, hỏi chàng chịu sao nổi?
Chàng bước ra chỉ hai lão:
- Hai vị phạm tội đại bất kính biết bao lần, bản nhân vì đại kế phải lờ đi. Bây giờ hai vị vô phép nữa, bản nhân dùng giáo quy đối với hai vị đấy.
Hai lão cười:
- Thực vô lý hết sức, khi chúng ta phải gọi một con lợn ụt ịt thế kia bằng giáo chủ. Nếu người có bản lĩnh thắng được hai chúng ta...
Thiệu-Thái điên tiết lên, chàng vỗ hai tay vào nhau, hất hàm:
- Hai người hãy vận công đi. Chúng ta đấu Hồng-thiết độc công.
Kể từ khi giáo chủ Xích-trà-Luyện lên làm giáo chủ, đã cho đại hội các trưởng lão, rồi ra luật như sau: Nếu một giáo chúng nào tự thấy bản lĩnh mình hơn giáo-chủ, tả hữu hộ giáo, ngũ sứ cùng trưởng lão, đều có thể thách giao đấu. Nếu thắng, sẽ đương nhiên thay thế vào chức vụ kẻ bại. Ngược lại, những chức sắc lãnh đạo, tự thấy võ công mình thấp kém, có thể xin rút lui. Giáo chủ sẽ cho tuyển người thay thế.
Từ ngày học Chu-sa độc chưởng, chưa bao giờ Thiệu-Thái xử dụng đến, vì nó quá bá đạo ác độc. Nay hai lão Tôn, Lê công khai thách thức, chàng mới xử dụng lần đầu. Tuy khi luyện, Đỗ Lệ-Thanh cho chàng hấp độc dược không nhiều. Nhưng sau đại hội Lộc-hà, chàng đã hút độc tố cứu hàng vạn giáo chúng. Rồi sau này chàng cứu cho bang chúng bang Trường-giang, Nhật-hồ lại hút thêm độc chất nữa. Thành ra khi chàng vừa vận công, lập tức độc tố chuyển động mạnh đến không tưởng tượng nổi.
Chàng hướng Lê Lục-Vũ phát chiêu Nhân-ngưu câu vong trong Mục-ngưu thiền chưởng, miệng hô:
- Chu hữu hộ giáo đỡ chưởng thứ nhất này.
Lê Lục-Vũ cũng vận Hồng-thiết công phát chiêu trong Khúc-giang chưởng. Hai đại cao thủ cùng vận hết mười thành công lực. Chưởng chưa ra hết mà mọi người đều cảm thấy nghẹt thở. Rầm một tiếng, chưởng phong khiến nhiều người bị đẩy bay ra xa, màn trướng trong điện đứt rơi xuống ào ào.
Lê Lục-Vũ chưa hề biết Mục-ngưu thiền chưởng. Lúc đầu y thấy phảng phất như Phục-ngưu thần chưởng. Sau khi hai chưởng giao nhau, y mới thấy trong một chiêu biến hóa, lại có kình lực âm nhu, dương cương lẫn hóa giải. Khi y nhận ra, thì đã trễ, người y bay bổng về sau, lưng y chạm vào tường đến bình một tiếng. Y nhăn nhó, đau đớn, chân tay như mất hết lực.
Mỹ-Linh sợ Thiệu-Thái giết chết hai tên Tôn, Lê, thì hỏng hết mật kế của Khai-Quốc vương. Nàng vẫy tay ra hiệu cho Thiệu-Thái lui lại, rồi cười trong như sương mai:
- Biểu huynh, truyện nội bộ Lạc-long giáo không nên đem ra làm phiền Tống triều.
Nàng nói với hai lão Tôn, Lê:
- Vừa rồi Lê hữu sứ đã lĩnh một chiêu của giáo chủ. Hồng-thiết giáo nay đổi thành Lạc-long giáo, nên giáo chủ chưa nỡ đẩy chất độc vào người hữu sứ. Bằng không...
Lê Lục-Vũ nghĩ thầm:
- Cô công chúa này nói đúng. Vừa rồi gã con lợn kia mà đẩy chất độc vào ta, e giờ này ta đã chết rồi.
Mỹ-Linh tiếp:
- Hai vị được đủ mọi nết: Võ công cao, kiến thức quảng bác. Nhưng hai vị mắc phải tật khinh địch, nên bị chú hai tôi cho mắc bẫy mà không biết.
Rồi nàng thuật chi tiết việc sứ đoàn giả trúng độc lên đỉnh Thiên-đài, theo giòng sông Tương vào Tương-đài, vượt hồ Động-đình đến Tam-sơn một lượt. Cuối cùng nàng kết luận:
- Chúng tôi giả trúng độc, nên mới được xem vở tuồng mười trưởng lão bang Nhật-hồ bị người ta bắt trước mặt hai vị, khiến hai vị hóa điên hóa khùng. Hỡi ơi, hai vị tài trí biết bao, nhưng nào ngờ bị trẻ con làm cho mê mê tỉnh tỉnh.
Lê Lục-Vũ hỏi Mỹ-Linh:
- Công chúa! Công chúa có thể cho hai lão phu biết kẻ nào đã làm anh em lão phu điên đầu từ Khúc-giang tới Trường-sa?
Mỹ-Linh mỉm cười:
- Tôi biết, nhưng không dám nói ra. Hai vị suy nghĩ kỹ, thì hiểu liền chứ có khó gì đâu?
Nghe Mỹ-Linh nói, Lê Lục-Vũ tỉnh ngộ:
- Tượng Phật bằng ngọc ta khám phá ra bị mất tại Tỷ-qui, mà nay ở trong tay tên Trần Tự-Mai, vậy ắt việc thổi tiêu dụ ta đuổi theo liên quan đến tên này.
Khi đã nghi Tự-Mai, lão đưa mắt nhìn sứ đoàn Đại-Việt, bất giác lão nhận ra Tự-Mai, Lê Văn, Tôn Đản, Thuận-Tông, Thiện-Lãm trong đám bầy kế bắt bọn trưởng lão bang Nhật-hồ. Bát giác lão rùng mình:
- Tên Lý Long-Bồ quả thực mưu trí trùm hoàn vũ. Y thấy ta khinh thường y. Y càng giả ngây, giả dại thêm. Vợ chồng y cùng sứ đoàn vờ bị trúng độc, trong khi đó y sai bọn trẻ con âm thầm thi hành qủy kế hại ta. Hỡi ôi, đáng lẽ ta phải biết ngay lúc đầu mới phải chứ? Quái thực, trong bọn chúng còn một phụ nữ tấu nhạc trên hồ Động-đình nữa, thị là ai?
Lưu thái-hậu, cũng như triều đình nghe cuộc đối đáp giữa sứ đoàn Đại-Việt với hai lão Tôn, Lê, mắt họ như sáng ra. Bây giờ họ mới hiểu thực lực trong bóng tối của Lưu hậu đáng kinh khiếp, mà sứ đoàn Đại-Việt lại vượt xa hơn.
Tôn Đức-Khắc hỏi Khai-Quốc vương:
- Tham dự vào việc bắt mười thị-vệ, chức tới Nhập-nội đô-tri đem đi mất có tất cả bẩy thủ phạm. Hiện diện tại dây sáu tên, đều thuộc sứ đoàn. Lão phu muốn biết mười thị vệ đó vương gia giam họ ở đâu, mau đem thả họ ra.
Khai-Quốc vương mỉm cười không trả lời.
Tào Lợi-Dụng hướng Khai-Quốc vương:
- Thế tử! Thế tử nói rằng trên đường sang Tống, sứ đoàn tuyệt đối không xử dụng võ công. Thế ra lời nói của Thế-tử là dối trá, là khi quân đấy!
Khai-Quốc vương biết Tào đang phân vân không biết nên về phe Lưu hậu hay nhà vua. Nay y hỏi câu đó, có nghĩa muốn nghiêng theo Lưu hậu. Vương nói với Tôn, Lê:
- Cô gia công nhận trong bẩy người bắt mười trưởng lão bang Nhật-hồ có sáu người hiện diện tại đây. Nhưng cô gia không hề ra lệnh cho họ. Từ đầu đến cuối cô gia đi cạnh hai vị, nếu cô gia ra lệnh, ắt hai vị đã thấy. Người ra lệnh cho họ hành sự là Định-vương.
Tôn Đức-Khắc cau mày:
- Hỡi ơi! Đường đường là đấng trừ quân, mà lại cúi đầu tuân lệnh một chức quan nhà Tống thì còn hy vọng gì ngửa mặt nhìn tộc Việt?
Tự-Mai quát lên:
- Tôn quốc công! Người chẳng là đại thần Tống triều đấy ư? Người là đại thần, mà sao nói năng vô pháp vô thiên như vậy?
- Phò mã bảo lão phu vô pháp, vô thiên. Vậy lão phu vô pháp, vô thiên ở chỗ nào?
Tự-Mai thấy lão Tôn không gọi mình là huynh đệ nữa, mà gọi là phò mã, như vậy lão tỏ ra trọng vọng mình rồi. Y nói:
- Chúng tôi là em kết nghĩa với Khai-Quốc vương. Khi Định-vương, Khai-Quốc vương kết bạn. Khai-Quốc vương truyền cho chúng tôi rằng: Trong khi ở Tống, phải nhất nhất tuân lệnh Định-vương. Vì vậy Định-vương sai chúng tôi bắt mười tên khâm phạm thuộc dư đảng bang Nhật-hồ, đương nhiên chúng tôi phải tuân theo. Sau khi bắt họ, chúng tôi nhờ Thân giáo chủ trị dứt Chu-sa độc cho họ. Họ đã cải tà quy chính, trở lại với bang Hoàng-Đế rồi.
Y nhìn nhà vua:
- Tâu hoàng huynh, xin hoàng huynh ban chỉ ân xá cho mười vị Nhập-nội đô tri về vụ họ nguyên thuộc dư đảng bang Nhật-hồ. Đệ sẽ cho họ xuất hiện, hầu triều đình biết sự thực .
Nhà vua gật đầu:
- Khi họ cải tà quy chánh theo bang Hoàng-Đế, thì tội cũng tan theo. Trẫm thuận ân xá cho họ.
Tự-Mai hô lớn:
- Các vị xuất hiện đi thôi!
Từ ngoài điện, mười thị vệ tiến vào. Họ quỳ gối hành đại lễ:
- Bọn thần kinh cẩn tạ ơn bệ hạ ân xá.
Họ đến trước Lưu hậu rập đầu liền bốn lần:
- Thái hậu. Đa tạ Thái-hậu trọng đãi anh em thần bấy lâu. Bây giờ đã đến lúc bọn thần tỉnh ngộ, xa lánh Hồng-thiết ma kinh, quỷ kinh hại người, đi chữa bệnh cho dân để xám hối. Thần xin Thái-hậu nhận ở đây mấy lậy, rồi từ giã.
Bây giờ Lưu hậu mới tỉnh ngộ. Bấy nhiêu chứng cớ, bà không cãi được nữa. Bà đưa mắt nhìn quần thần một lượt rồi nói với Định-vương:
- Thái-sư! Khi Tiên-đế tại thế đãi Thái-sư không bạc. Từ hồi ta thính chính, một lòng tôn kính, trọng vọng thái sư. Nay sao Thái-sư lại nỡ chia rẽ tình mẹ con ta? Thái-sư bầy ra vụ Lý phi là sinh mẫu hoàng nhi cùng Huệ-Nhu. Con ta đẻ đứt ruột ra, bây giờ Thái-sư bảo chúng là con Lý phi, thì còn trời đất nào nữa?
Bà run run hỏi nhà vua:
- Hoàng nhi! Ta có còn là Thái-hậu chăng? Hoàng nhi có dám truất phế ta chăng?
Nhà vua được Lưu hậu nuôi nấng dạy dỗ từ nhỏ. Hơn mười năm qua, tuy ông làm vua, mà thực quyền trong tay bà. Ông tuân phục bà đã quen, nay thấy bà hỏi, nhà vua đáp:
- Tâu mẫu-hậu! Muôn ngàn lần hoàng nhi không dám bất hiếu với mẫu-hậu.
- À! Như vậy ta vẫn là Thái-hậu. Hoàng nhi ngồi trên ngai vàng, uy quyền quán Thiên-hạ, mà để cho mẫu hậu đau đớn như thế này sao?
Nhà vua hướng Thiệu-Thái:
- Thân giáo chủ! Xin Thân giáo chủ mở lượng từ bi, trị đau đớn cho mẫu hậu. Trẫm nguyện báo đáp.
Thiệu-Thái tâu:
- Hoàng thượng ban chỉ, muôn ngàn lần thần không dám chối. Hồng-thiết thần công của thần chỉ có thể giải Chu-sa ngũ độc chưởng cũng như Nhật-hồ độc chưởng. Còn trường hợp của Lưu Thái-hậu. Lưu thái-hậu dùng độc chưởng đánh Lý thái-hậu, rồi bị Lý thái-hậu đẩy chất độc trở về. Muốn giải độc tố đó, phải do chính Lý thái-hậu hóa giải trước. Nội công Lý thái-hậu là nội công Nga-mi, nếu Lý thái-hậu không trị cho Lưu thái-hậu, Bệ-hạ có thể nhờ một cao thủ phái Nga-mi nào ra tay cũng được. Sau đó, thần sẽ dùng Hồng-thiết thần công đẩy hết độc tố Chu-sa trong người Lưu thái-hậu.
Định-vương tiếp lời Thiệu-Thái:
- Tâu Hoàng-thượng, Thân giáo-chủ tâu thực chứ không dám khi quân đâu.
Rồi vương thuật lại việc Nhật-Hồ, Đặng Trường, Đỗ Xích-Thập bị người của phái Đông-a dùng phản Nhật-hồ độc chưởng đẩy vào người như thế nào hôm đại hội Thăng-long cho nhà vua nghe. Nhà vua đưa mắt nhìn Lý thái-hậu. Mặt Lý thái-hậu lạnh như tiền, bà từ từ lắc đầu:
- Ta không trị cho con gái Nhật-Hồ ma đầu.
Lưu hậu đau qúa, người bà run lên bần bật, rồi không chịu nổi, bà hét lên be be như con dê bị chọc tiết. Nhìn cảnh của Lưu hậu, nhiều người cảm thấy thỏa mãn trong lòng:
- Con ma đầu này, bấy lâu sai thủ hạ dùng Chu-sa độc chưởng khống chế quần thần, mụ đâu biết cái đau đớn người ta phải chịu? Bây giờ mụ bị quả báo cho đáng kiếp.
Cách đây ít lâu, Lê Thiếu-Mai đã vào cung trị bệnh cho Lưu hậu. Bà tỏ ra biết trọng hiền tài, lưu giữ nàng ngủ lại trong đêm, truyện trò rất tương đắc. Nay thấy bà đau đớn, lương tâm thầy thuốc không nỡ, nàng móc trong bọc ra hai viên thuốc rồi tiến ra nói:
- Tâu thái hậu. Thần xin dâng Thái-hậu hai viên thuốc tạm trấn thống.
- Đa...đa... tạ... vương phi.
Thiếu-Mai vung tay, hai viên thuốc bay đến trên đầu Lưu hậu thì vỡ tan thanh bụi chụp xuống người bà. Bà rùng mình một cái, cơn đau biến mất. Tính cương cường trở lại, bà thở dài:
- Ta nghe hồi đại hội Thăng-long, Nhật-Hồ lão nhân cùng đám trưởng lão bị phái Đông-a dùng phản Chu-sa độc chưởng đẩy chất độc trở lại người. Hồng-Sơn đại phu đã dùng Ma-túy hoàn để trấn tĩnh cơn đau cho họ. Sau này người sửa chữa đi đôi chút, thêm vào hai vị Đào-nhân, Viễn-chí thành Đào-chí hoàn. Đào-chí hoàn mạnh hơn Ma-túy hoàn nhiều. Có đúng vậy không? Dường như hai viên mà vương phi vừa tung vào người ta, thì một viên là Đào-chí, một viên là Ma-túy thì phải.
- Tâu Thái-hậu đúng vậy.
Lưu thái-hậu bật ra tiếng khóc, nói với Định-vương:
- Dù ta là con của Nhật-Hồ lão nhân, thì ta vẫn là người Tiên-đế sủng ái. Ta là người Hán hay người Việt, chưa phải là vấn đề quan trọng. Việc trước mắt, ta hỏi Thái-sư: Khi Tiên-đế tại thế chẳng từng phong ta làm Hoàng-hậu đấy ư? Tiên-đế di chiếu lại ủy thác con côi cho Thái-sư, cùng ba vị quốc công là Đinh Vị, Phùng Thừa, Tào Lợi-Dụng. Trong chiếu chả tuyên rằng ta buông rèm thính chính đấy ư? Nay Phùng, Đinh không còn tại triều. Hiện diện chỉ có Thái-sư với Tào quốc công. Tại sao Thái-sư lại hại ta?
Định-vương chắp tay:
- Thần không hề hại Thái-hậu. Vì Thái-hậu muốn biến Trung-nguyên thành một Thiên hạ Hồng-thiết giáo, thần phải bảo vệ công nghiệp tổ tiên. Thái-hậu đang định vu vạ cho Lý thái-hậu, rồi ban chỉ giết chết. Thần không muốn Hoàng-thượng ký chiếu chỉ, thành người sát hại mẫu-thân, một tội đại bất hiếu, mà chưa một ông vua nào dám phạm. Hơn nữa trong bóng tối Lê Lục-Vũ, Đào Tường-Phúc đang có âm mưu sát hại Hoàng-thượng, nên bất đắc dĩ thần phải đem sự thực tâu với Hoàng-thượng.
Vương ung dung tiếp:
- Dù thần có nhu nhược, không làm việc này chăng nữa cũng không được. Vì đại sư Minh-Thiên, đạo sư Tây-Sơn, Đông-Sơn phiền trách, lại thêm các đại thần yêu cầu thần đứng ra đảm trách việc bảo vệ sự nghiệp của tổ tiên.
Lưu hậu nhìn quần thần một lượt, rồi nói lớn:
- Hơn mười năm qua, ta buông rèm thính chính, có gì qúa đáng chăng? Này Thái-sư, thời Tây-Hán, Lã thái-hậu cầm quyền, dâm đãng cùng cực, sát hại giòng họ Lưu, đổi niên hiệu, đổi triều đại. Đến thời Đông-Hán, Mã thái-hậu chứa gian nhân dâm ô kể sao cho siết. Gần đây đời Đường, Võ hậu ác chất như non, hại chồng, hại con, giết người trung lương, hại hoàng thân, đưa ngoại thích cầm quyền, cướp ngôi nhà Đường. Những điều này ắt Thái-sư biết chứ?
Bà nhìn quần thần một lượt, rồi tiếp:
- Ta buông rèm thính chính, mà kỷ cương bản triều không hề phạm tới. Lã, Mã, Võ hậu dùng ngoại thích, hại hoàng thân. Còn ta. Ta trọng dụng Thái-sư, kể từ khi bản triều lập lên, chưa một vị hoàng thân nào được phong chức tước lớn, trao trọng quyền bằng Thái-sư. Ta trọng Thái-sư vì Thái-sư là hoàng tử được vua Thái-tông sủng ái, rèn luyện thuật trị nước. Cũng vì Thái-sư là người Tiên-đế ủy thác con côi. Ta nhận biết ngay Thái-sư nhất tâm nhất trí phù trì cho hoàng nhi. Ta đâu có nghi ngờ, có đố kị Thái-sư? Về ngoại thích, ta không dùng một ai cả. Ta xuất thân nghèo khó, làm nô bộc cho Lưu Đình-Mỹ. Cho nên khi đắc thế, ta phong cho chủ cũ một chút chức quan nhỏ để đền đáp công ơn. Hỏi trong lịch đại Trung-thổ có một nữ lưu nào vượt hơn ta chăng?
Bà quay lại nhìn Yến Thù, Vương Khâm-Nhược:
- Hại vị đại học sĩ! Người làm việc gần ta nhất người biết đó. Ta trọng người, trọng Phạm Trọng-Yêm. Nhất là ta bỏ ra ngoài vấn đề Yến đại học sĩ là người Việt... Chỉ vì trọng văn tài ba vị. Ai cũng nói từ đời Đường đến nay, hơn ba trăm năm, chưa bao giờ học phong thịnh như vậy. Nhưng đâu có ai biết rằng chính ta trợ giúp, khuyến khích, ban nhiều quyền cho các vị, các vị mới thành công.
Bà nhìn Trương Sĩ-Tổn:
- Trong mười năm ngắn ngủi, ta làm cho quốc sản tăng gấp bội, mà không tăng thuế. Khắp bốn phương không có nạn binh đao, Man-di, Nhung-địch quy phục. Trong triều không gian thần. Ai cũng phải công nhận đó là mười năm thịnh trị hiếm có trong lịch đại Thiên-hạ. Bước cuối cùng ta định đánh chiếm Đại-Việt, Chiêm-thành, Lão-qua, Xiêm-la, Đại-lý, rồi tiến lên chiếm Khất-đan, Tây-hạ, thống nhất thiên hạ nữa là đúng ước vọng của đức Thái-Tổ, Thái-Tông. Sau đó hợp với Tây-phương giáo chủ, dùng Hồng-thiết kinh ban bố hạnh phúc cho dân.
Nghe bà nói, quần thần đều kinh hãi về hùng tâm của bà. Nhưng có điều bà sau khi thống nhất, bà muốn bỏ Nho-học, cai trị thiên hạ bằng Hồng-thiết kinh, thì không ai chấp nhận cả.
Bà đi quanh điện, khi đến bên nhà vua, bà nhìn nhà vua:
- Này hoàng nhi. Việc hoàng nhi với Huệ-Nhu là con ta, hay con Lý phi chưa cần bàn đến. Hãy chỉ nên biết rằng hoàng nhi là giọt máu của Tiên-đế. Tiên đế có sáu hoàng tử. Ta là Hoàng-hậu. Hoàng nhi do ta sinh ra, mới được lên ngôi. Chứ nếu hoàng nhi do cung nữ Lý tu-nghi sinh ra, e bắc thang lên trời thì dễ, chứ việc nối ngôi vạn vạn lần không được. Có đúng thế không?
Nhà vua cúi đầu:
- Quả như mẫu hậu phán.
- Ta là Hoàng hậu, thì bất cứ người con nào của Tiên-đế sinh ra, ta vẫn có toàn quyền đem về nuôi, dạy kia mà? Giả như hoàng nhi do Lý phi sinh ra, mà ta cướp đem về nuôi là sự thực đi. Chỉ nguyên dưỡng dục cù lao chín chữ, cũng nặng hơn công sinh thành nhiều. Đấy là nói về lẽ chính đạo. Còn nói về tình riêng, công ta nuôi nấng dạy dỗ, phù trì hai mươi năm qua, ta có đáng làm mẹ hoàng nhi không?
Thình lình bà lạng người chụp nhà vua, rồi nhảy vèo đứng giữa Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc và Nguyền Thúy-Minh. Mọi người kêu thét lên, nhưng không kịp nữa.
Lý hậu, Lê Văn, Tôn Đản, Tự Mai cùng chụp Lưu hậu, thì bị Lê, Tôn, Nguyễn vung chưởng đẩy lui.
Định-vương phất tay, Nam, Bắc-Sơn đạo sư, Minh-Thiên đại sư rồi Trần Trung-Đạo, Trần Bảo-Dân vây bọn Lê Lục-Vũ vào giữa.
Lưu hậu cười nhạt. Bà để tay lên đầu nhà vua:
- Tất cả đứng im, bằng không ta nhả chưởng lực liền


<bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2005 04:22:03 bởi NuHiepDeThuong >
#1
    CDDLT 20.01.2005 18:06:26 (permalink)
    Hồi thứ một trăm mười bẩy

    Ma trướng nan giải



    Lưu hậu hỏi Định-vương:
    - Thái-sư, bây giờ Thái-sư định sao đây?
    Định-vương hỏi ngược lại:
    - Thần cũng xin Thái-hậu cho biết tôn ý?
    - Ta chẳng có ý gì mới mẻ hết. Chúng ta hãy làm lại. Thái-sư vẫn là Thái-sư. Ta vẫn là Thái-hậu. Lý thần phi được tôn là Thái-hậu thì vẫn là Thái-hậu. Ta không kể tới việc Thái-sư phản ta. Thái-sư cũng không thể phân biệt ta là người Hán hay người Việt. Ta không động đến người của Thái-sư, thì Thái-sư cũng không nên động đến người của ta.
    Duẫn-Thăng, Duẫn-Tín, Duẫn-Thành bước ra nói lớn:
    - Tâu Thái-hậu, thế còn cái chết của phụ vương chúng thần? Cái chết của Chiêu-Thành thái tử? Bọn Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Khiếu Tam Bản, Sử-vạn Na-vượng thuộc dư đảng Hồng-thiết giáo, kẻ thù truyền kiếp của bản triều, đương nhiên thành đại thần ư?
    Lưu hậu quát lên:
    - Ranh con, ta không nói truyện với bọn người.
    Bà nói với Định-vương:
    - Nếu Thái-sư bức bách quá, ta cùng chết với hoàng nhi. Cái tội thí chúa, tội sát hại Thái-hậu đương nhiên Thái-sư lĩnh cả. Sử sách muôn đời ắt ghi việc đó.
    Định-vương lắc đầu:
    - Dĩ nhiên Thái-hậu vẫn là Thái-hậu, thần không thể thay đổi. Nhưng tha cho những tên đại ma đầu, muôn ngàn lần không được.
    Vương hỏi nhà vua:
    - Thần xin bệ hạ ban dụ về số phận những tên giặc Hồng-thiết này.
    Mặc dù bị Lưu hậu khống chế, nhà vua hướng vào Định-vương nói:
    - Hoàng-thúc! Trẫm nghĩ kỹ rồi. Hoàng-thúc cứ dùng thị vệ giết hết bọn ma đầu này đi. Tuy nhiên Hoàng-thúc không nên đụng đến Thái-hậu. Nếu như Thái-hậu hại trẫm, Hoàng-thúc nên lập một tôn thất lên thay. Sự nghiệp muôn đời của tổ tiên, hạnh phúc trăm họ không thể vì trẫm mà để giang sơn này thành giang sơn Hồng-thiết.
    Lưu hậu tuyệt không ngờ nhà vua lại can đảm như vậy. Bà cười nhạt:
    - Thôi được. Bây giờ ta đề nghị thế này. Ở đây có ba vị tiền bối võ lâm của Hồng-thiết giáo. Chúng ta cho họ một cơ hội. Hoàng nhi nghĩ sao?
    - Xin mẫu hậu tuyên chỉ.
    - Thái-sư dùng người của Thái-sư đấu với họ. Hễ người của Thái-sư thắng, thì Thái-sư muốn băm vằm mổ xẻ thế nào tùy ý. Còn như họ thắng, Thái-sư phải để họ thư thả ra đi.
    Bà chỉ vào Nguyễn Thúy-Minh:
    - Vị nữ quan này đã thờ tới ba đời vua. Xin Thái-sư cử ra một người nữ đấu với bà. Thái sư nghĩ sao?
    Định-vương Nguyên-Nghiễm là người tài trí nhất triều Tống thời bấy giờ, gì mà ông không hiểu ý Lưu hậu. Ông nghĩ thầm:
    - Bấy lâu nay dư đảng bọn Hồng-thiết giáo ẩn tàng trong triều, hậu cung, tung hoành gây ra không biết bao nhiêu vụ án kinh khủng. Chúng như bóng ma bóng quỷ, khi ẩn, khi hiện, khiến ai ai cũng sợ chúng. Bây giờ Lưu hậu cùng ba người này với bọn Sử-vạn, Khiếu đều bị lộ hình tích. Mười trưởng lão Nhật-hồ đã cải tà quy chánh. Hoàng thượng đã nắm quyền, ta không còn sợ chúng nữa. Nhưng Lưu hậu là con của Nguyễn Thúy-Minh với Nhật-Hồ, ta mà giết mụ, thì đời nào Lưu hậu chịu? Như vậy ta khỏi cần cử người ra đấu với mụ. Còn hai tên ma đầu Lê, Tôn ta không thể tha thứ cho chúng.
    Chợt nhớ ra một điều, vương đưa mắt nhìn Tào Lợi-Dụng:
    - Tên ma đầu này xu phụ theo Lưu hậu bấy lâu, không biết bây giờ y có chịu trở về với chính đạo không? Chi bằng ta sai y đấu với bọn Tôn, Lê. Nếu y thắng, ta cũng mở cho y một đường sống. Còn y bại, coi như ta mượn tay bọn Hồng-thiết giết dùm.
    Vương hỏi lại Lưu hậu:
    - Tâu Thái-hậu, vậy thì bản triều đành tuân chỉ dụ Thái-hậu dành cho đám ma đầu này một cơ hội. Thần xin cử ra ba người đấu với họ. Nếu họ thắng hai trận, họ có thể rời khỏi đây. Còn như họ bại, thần xin Thái-hậu trao họ cho Hình-bộ xử tội.
    - Được! Trận đầu Tôn Đức-Khắc xuất thủ. Không biết bên Thái-sư ai sẽ ra tay?
    Tự-Mai nghe Lưu thái hậu, Định-vương đối đáp, nó kinh hãi:
    - Hai người này cơ tâm không chừng. Định-vương thì coi như bên mình là triều đình, còn đám người theo Lưu hậu là ma đầu. Ngược lại Lưu hậu lại coi Định-vương là phe phái mà thôi.
    Định-vương đưa mắt cho Tào Lợi-Dụng:
    - Tào quốc công! Quốc công hiện là võ quan cao cấp nhất ở đây. Quốc công từng thờ tới ba triều. Trong trận đánh tổng đàn bang Nhật-hồ, mình quốc công giết một lúc năm đệ tử của bang chủ Đỗ- Ngạn-Tiêu. Vậy hôm nay quốc công hãy trổ thần uy thu thập viên Tả-hộ-pháp của Hồng-thiết giáo Đại-Việt cho triều đình biết tài quốc công.
    Tào Lợi-Dụng đã suy nghĩ kỹ:
    - Bấy lâu nay ta theo Lưu hậu, áp chế Lý hậu. Bây giờ nhà vua có tha cho ta, thì liệu Lý hậu để ta yên không? Nguyên cái tội ta dính vào việc hoán chúa, rồi khi quân bấy lâu, luật bản triều không thể tha. Mới đây, con ta phạm tội áp chế lương dân, ắt y bị chết chém, còn ta bị cách chức chứ chơi sao? Chi bằng một liều ba bẩy cũng liều, ta tránh né giao tranh với đám Hồng-thiết, để người của Định-vương với Lưu hậu đối chọi. Ta liệu bên nào thắng sẽ buông câu thủ lợi.
    Nghĩ vậy y chắp tay vái Định-vương:
    - Thái-sư! Như ban nãy Thái-sư đã ban chỉ dụ cho thế-tử Lý Long-Bồ rằng mấy vị đây vốn người Giao-chỉ, nên để Giao-chỉ bắt họ trị tội. Ta chẳng nên xen vào việc của họ.
    Y nói với Khai-Quốc vương:
    - Thế tử! Ba vị đây vốn là người Việt. Đúng ra Nam-bình vương phải xử lý họ. Nhưng Nam-bình vương ở xa, thế-tử hiện diện, mong thế-tử hành động cho.
    Trong sứ đoàn thì Khai-Quốc vương, Thanh-Mai thuộc loại đạt nhân, coi lời nói Tào Lợi-Dụng là lẽ thường. Thiệu-Thái, Tự-Mai, Tôn-Đản đều không mấy nhậy cảm với những tên gọi Giao-chỉ, Đại-Việt. Riêng Mỹ-Linh, nàng vốn tự hào cái gốc Việt của mình, về lẽ chính danh Đại-Việt. Cho nên ngay trong đêm ở trên chùa Sơn-tĩnh nghe sứ đoàn Tống nhục mạ tộc Việt, nàng không tự chủ được, đã ra tay. Mới ban nãy đây, Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc tự nhận là người Hán, nhục mạ tộc Việt, nàng không tự chủ nên rút kiếm chỉnh đốn chúng.
    Bây giờ thấy rõ ràng nhà vua, Định-vương đều đồng ý coi Đại-Việt là một nước ngang hàng với Tống, nhận quốc danh Đại-Viêt, niên hiệu Thuận-Thiên. Thế mà Tào Lợi-Dụng vẫn coi chú mình là thế-tử, ông mình là Nam-bình vương, nước mình là Giao-chỉ... Nàng không nhịn được nữa, bước ra ôn tồn lên tiếng:
    - Tào quốc-công. Quốc-công là tể thần, cầm đầu võ ban, mà ngôn từ thiếu suy nghĩ, thiếu cẩn trọng như vậy ư?
    Tào Lợi-Dụng cười nhạt:
    - Quận-chúa bảo lão phu thiếu cẩn trọng ư? Lão phu thiếu cẩn trọng ở chỗ nào?
    - Mới cách đây nửa giờ, Thiên-Thánh hoàng đế, Thái-sư cùng các tể thần nghị sự về chính sách Nam-thùy đã đưa đến kết luận, công nhận quốc danh Đại-Việt. Thế mà quốc-công cứ một điều Giao-chỉ, hai điều Giao-chỉ. Hoàng-thượng cũng như triều đình công nhận niên hiệu Thuận-Thiên của hoàng đế Đại-Việt, mà quốc công cứ một điều Nam-bình vương, hai điều Nam-bình vương. Như vậy là khi quân, phạm thượng, tội đáng chết chém.
    Nàng ngừng lại một lúc rồi tiếp:
    - Tại sao tôi nói quốc-công thiếu suy nghĩ? Nếu như quốc-công coi ông nội tôi là Nam-bình vương, nước tôi là quận Giao-chỉ, thì người Hán, người Việt đều là dân Tống. Việc bắt bọn Hồng-thiết gốc Việt, thuộc nhiệm vụ triều Tống, mà quốc-công là tể thần võ ban, phải ra tay. Chứ có đâu chúng tôi phải chế ngự họ?
    Mọi người đều im lặng, lắng nghe Mỹ-Linh lý luận. Ai cũng khâm phục trong lòng:
    - Cô công chúa này, kiếm thuật thần thông, mà văn học thực không tầm thường.
    Mỹ-Linh tiếp:
    - Quốc-công hành xử nhiệm vụ tể thần đi. À, chắc quốc-công sợ Chu-sa độc chưởng phải không? Nếu đúng vậy thì Quốc-công cứ nói thực, Thái-sư sẽ sai người khác làm. Còn Quốc-công nên đeo mặt nạ da trâu, để khi triều kiến, khi ra đường, người ta khỏi nhận được mặt, rồi chỉ chỏ: Kià ông Tào mật nhỏ như mật chuột nhắt.
    Bị khích, bị chế diễu, Lợi-Dụng quát lên:
    - Lão phu sợ Chu-sa độc chưởng bao giờ. Được, lão phu sẽ bắt tên Tôn Đức-Khắc cho quận-chúa xem.
    Mỹ-Linh vẫn không tha:
    - Ôi! Tôi không tin. Miệng Quốc-công nói thế mà trong lòng phát run rồi.
    Tào Lợi-Dụng hất hàm nói với Tôn Đức-Khắc:
    - Người chuẩn bị đi. Ta sắp ra tay đây.
    Tôn Đức-Khắc cười nhạt:
    - Tào quốc công bị mắc mưu khích tướng của con nhỏ kia rồi. Quốc-công ơi, người với lão phu đều là bạn đồng liêu, bấy lâu nay được Thái-hậu trọng dụng. Bây giờ Thái-hậu bị Triệu Nguyên-Nghiễm mưu phản, mà Quốc-công không biết vì chúa xả thân thì chớ, còn quay giáo lại chống người cùng hội cùng thuyền ư?
    Tào Lợi-Dụng nghe Tôn-đức-Khắc nói, y quát lên:
    - Ta không đồng liêu với bọn ma quỷ các người.
    Tôn Đức-Khắc lắc đầu:
    - Bấy lâu nay, anh em lão phu dưới quyền sai phái của Quốc-công, làm không biết bao nhiêu truyện kinh thiên động địa, mới dựng lên kỷ cương này. Quốc-công đều biết rõ anh em lão phu theo Hồng-thiết giáo rồi mà, có phải bây giờ Quốc-công mới biết đâu?
    Bách quan hiện diện đa số bị Tôn, Lê, Khiếu, Sử-vạn dùng Chu-sa độc chưởng khống chế. Trong tâm tưởng, họ cho rằng chúng tuân chỉ Lưu thái-hậu. Tào Lợi-Dụng chỉ a dua theo bà mà thôi. Bây giờ nghe Tôn nói, họ mới biết rõ Tào mới thực sự là người nhận chỉ dụ trực tiếp từ Lưu hậu hành sự.
    Tôn Đức-Khắc tiếp:
    - Việc Sử-vạn Na-vượng ám toán Sở-vương, cùng Chiêu-Thành thái tử; Thái-hậu đâu có ban chỉ cho Quốc-công? Chính Quốc-công ban lệnh cho y hầu lập công với Thái-hậu mà.
    Tào Lợi-Dụng hiểu ngay ý Tôn-đức-Khắc: Y cố tình moi móc tội trạng, để Tào sợ tội, phải theo Lưu hậu, chống lại Định-vương. Tào sợ quá miệng nói không ra hơi:
    - Ta đâu có chủ trương việc này. Ta nhận chỉ dụ của Thái-hậu.
    Lưu hậu quát lên:
    - Tào quốc công! Người nên biết những việc người tự ý làm tuy gây oán thù với một vài người tôn thất, nhưng người lại có đại công khuông phò Tiên-đế cũng như với Hoàng-thượng. Tại sao người không dám nhận? Nếu người không giết Sở-vương với Chiêu-Thành thái tử, làm sao Tiên-đế được ngồi vào chính vị? Làm sao Hoàng-thượng được lên ngôi bảo tộ. Công người lớn như vậy mà không dám nhận ư? Hồi người xuống tay hai vụ này, Tiên-đế còn là một hoàng tử, ta chỉ là thị nữ hầu hạ người... thì làm sao ban chỉ dụ cho người? Người hãy nhận thưởng công lao này đi.
    Tôn Đức-Khắc tiếp:
    - Còn nữa, việc Chương-hoài hoàng-hậu, Chương-mục hoàng hậu do ai ám toán? Khi hai hoàng hậu băng hà, người tím bầm lại có phải thế không? Có phải trong thiên hạ chỉ Thất-sát chưởng của phái Liêu-Đông đánh vào người ta, mới bị tím bầm phải không? Trong triều này không một ai biết chưởng đó ngoài Quốc-công.
    Đám hoàng tộc nghe Tôn nói đều kinh hãi. Trước đây, vua Thái-Tông cưới con gái thứ tám của Trung-nghĩa quân Tiết-độ sứ Phan Mỹ cho hoàng tử thứ ba tức Chân-Tông sau này. Khi mới nhập cung đã được phong Lã-quốc phu nhân. Niên hiệu Đoan-củng thứ nhì tháng năm (Kỷ-Sửu, 989) tự nhiên bà lăn đùng ra băng hà, người tím ngắt, năm đó mới hai mươi hai tuổi. Sau khi vua Chân-Tông lên ngôi, truy phong cho bà làm Chương-hoài hoàng hậu.
    Còn Chương-mục hoàng hậu, là con gái thứ nhì của Tuyên-huy Nam-viện sứ Quách Thủ-Văn. Niên hiệu Hàm-hóa thứ tư (Qúy-Tỵ, 983) vua Thái-tông cưới cho hoàng tử thứ ba (Chân-Tông) bấy giờ mới được phong Tương-vương. Khi Chân-tông lên ngôi, bà được phong hoàng hậu. Niên hiệu Cảnh-đức thứ tư (Đinh-Mùi, 1007) bà bị gian nhân đánh một chưởng chết, bấy giờ mới ba mươi hai tuổi. Khi bà chết, người cũng bị tím bầm lại.
    Sau hai vụ án, trong triều cũng như nội cung, không sao tìm ra thủ phạm. Dần dà truyện đi vào lãng quên.
    Nhờ Quách hậu băng, bấy giờ Lưu quý phi mới được phong làm Hoàng-hậu, nay là Thái-hậu.
    Bây giờ nghe Tôn Đức-Khắc nói, triều thần mới vỡ lẽ: Lưu hậu được cao thủ Hồng-thiết giáo núp trong bóng tối đưa vào làm phi tần cho đệ tam thái tử của vua Thái-tông. Họ giết con trưởng, con thứ để con thứ ba lên ngôi vua. Đạt được bước thứ nhất, họ tiến xa hơn. Họ giết hai hoàng hậu, để Lưu hậu lên thay. Rồi họ cướp con của Lý phi, làm con bà, đưa lên ngôi, sau đó giúp bà nắm quyền. Giai đoạn trót, định đưa quyền vào các cao thủ Hồng-thiết giáo, tiến tới cướp ngôi vua, lập ra nước Hồng-thiết giáo.
    Định-vương dùng Lăng-không truyền ngữ nới với Khai-Quốc vương:
    - Nhị đệ! Cứ như tên ma đầu này nói, thì ra có sự liên hiệp giữa Tào Lợi-Dụng với Hồng-thiết-giáo từ lâu. Hồng-thiết-giáo muốn lập lại triều đại cai trị dân bằng Hồng-thiết kinh rồi tiến tới hợp với Hồng-thiết giáo Tây-vực thành Thiên-hạ Hồng-thiết. Giáo chúng tôn giáo này bị ma kinh, quỷ kinh làm cho mất đi cái bản thiện đã đành. Còn Tào Lợi-Dụng, không biết y có âm mưu gì? Chắc chắn không phải chỉ với chút danh vọng. Nhị đệ nghĩ sao?
    Khai-Quốc vương đáp:
    - Đệ cũng không tìm ra được lý do để trả lời thỏa đáng. Có lẽ phải bắt y, tra khảo, mới hy vọng. Khắp triều thần không ai đủ bản lĩnh bắt Tào.
    - Ta nghĩ ngoài Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, hiện không ai địch nổi y. Nhị đệ giúp ta được không?
    - Cũng được, nhưng e triều thần không phục, vì đại ca phải nhờ tới Đại-Việt. Tốt hơn hết đại ca tuyên bố tha tội cho Tào, để Tào yên tâm bắt bọn Hồng-thiết thì hơn.
    Định-vương vẫy tay ra hiệu cho mọi người im lặng:
    - Tôn, Lê, các người đừng hòng bịa truyện vu hãm công thần. Tào quốc công thờ đã ba đời vua, lăn vào chỗ chết bao phen có đâu theo các người làm truyện vô đạo như vậy. Các người nói gì thì nói, cô gia cũng không tin.
    Từ sáng đến giờ, Tào Lợi-Dụng bị Trần Trung-Đạo, rồi Tự-Mai, rồi Tôn Đản làm cho bó chân, bó tay, y không được trổ hết bản lĩnh, uất ức chồng chất. Nghe Định-vương nói, y quát lên một tiếng phóng chưởng tấn công Tôn Đức-Khắc. Chưởng chưa ra, mà mọi người muốn ngộp thở. Tôn Đức-Khắc cười nhạt một tiếng, rồi lách mình sang một bên, y phát một chiêu chưởng đánh cắt ngang chưởng của Tào Lợi-Dụng. Hai chưởng chạm nhau, tạo thành cơn gió lốc, kình lực làm mọi người phải bật lui.
    Tự-Mai nhận ra Tôn Đức-Khắc xử dụng võ công Cửu-chân. Còn Tào Lợi-Dụng dùng võ công Liêu-đông. Cứ mỗi khi hai chưởng đụng nhau, lại bật lên tiếng bùng. Cả hai lảo đảo lui lại.
    Thoáng nhìn trận đấu Khai-Quốc vương nói với Định-vương:
    - Đại ca thấy thế nào?
    - Có thể nói đây là trận đấu sinh tử, nhưng dường như cả hai đều không dùng hết sức. Có lẽ họ định mưu đồ gì chăng? Ta nghĩ họ cùng dò dẫm bản lĩnh của nhau.
    - Tình thế hiện tại, đại ca định xử trí ra sao?
    - Huynh muốn giết chết năm đại ma đầu, nhưng vẫn duy trì Lưu hậu. Hiền đệ nghĩ xem, với bản lĩnh Hoa-sơn tứ lão, có thể giết được bọn này không?
    - Khó lắm. Đúng ra công lực Hoa-sơn tứ lão ngang với chúng, nhưng chúng xử dụng độc chưởng, e khó kiềm chế. Hơn nữa hiện Đông, Tây nhị lão bị trúng độc mất rồi.
    Từ đầu đến cuối, Bảo-Hòa trong lớp áo cung nữ. Thông-Mai trong lớp áo thị-vệ. Cả hai đã được Khai-Quốc vương ủy thác việc điều động sứ đoàn để phá vỡ tất cả hệ thống quyền lực còn sót lại của Lưu hậu cùng bọn chủ xâm lăng Nam-thùy. Hai người luôn dùng Lăng-không truyền ngữ khi thì ra lệnh cho năm trẻ, khi thì thỉnh ý kiến Khai-Quốc vương, khi thì bàn với Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo. Bây giờ phải quyết định một việc trọng đại, Bảo-Hòa truyền âm rót vào tai Khai-Quốc vương:
    - Việc trước mắt cậu định giải quyết ra sao? Chúng ta giúp Định-vương bắt bọn này hay để họ thanh toán lẫn nhau?
    - Cháu phải nên nhớ rằng, Tống là nước lớn, Nho-học thịnh. Trong tâm bất cứ người nào cũng coi vua họ là con trời. Con trời thì phải cai trị Thiên-hạ. Chẳng cứ Lưu hậu, khi một người Hán sinh ra, quyền vào tay họ. Họ cũng muốn đánh chiếm hết các nước lân bang... Cho nên phương pháp phòng ngự của Đại-Việt ta là phải sao cho trăm họ một lòng. Sao cho nước giầu dân mạnh, mới mong họ để yên.
    - Cháu hiểu rồi. Chính Định-vương cũng mưu đồ đánh chiếm Đại-Việt. Vì vậy ông ta mới tổ chức những toán tế tác gửi sang mình. Cũng may cậu thiết kế làm cho ông ta cảm thấy kinh sợ. Thế nhưng trên đường về Tống, ông ta cũng không bỏ mộng đó. Cậu lại thiết kế khiến cho ông ta cướp ngôi vua. Trong nhất thời ông ta định làm thực. Song khi gặp Phạm Trọng-Yêm. Yêm khuyên ông ta chỉ nên làm Chu-công mà thôi. Tuy vậy ý tưởng cướp ngôi cũng bị thủ hạ mật tấu lên Lưu hậu. Thế là ông ta với Lưu hậu lâm vào thế thù nghịch. Vì vậy ông ta phải liên kết với cậu để chống bà.
    - Đúng thế! Ông ta rất tinh khôn. Cậu kết bạn với ông, nhưng cả hai vẫn để quốc-sự lên trên. Ta giúp ông diệt bang Nhật-hồ, Trường-giang, khiến cho lực lượng ông với Lưu hậu thăng bằng, ông mới quyết tâm lật đổ bà. Nhưng ông ta gặp phải trở ngại: Ông sợ dư luận không dám giết bà. Dù gì bà cũng là người của vua Chân-tông sủng ái. Bà nhận di chiếu cùng ông phụ chính nhà vua, bà là Thái-hậu. Thiên-Thánh hoàng-đế cũng không muốn giết bà vì nghĩ đến công lao nuôi dưỡng.
    - Cháu hiểu ý cậu. Cậu muốn duy trì Lưu hậu, trong khi bà mất hết chân tay. Thế là trong triều phe mạnh là Hoàng-tộc cùng Định-vương kình chống với phe yếu của Lưu hậu. Có như vậy họ mới để mình yên.
    - Cậu muốn giết hai tên Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn hầu trừ hậu họa, bởi chúng muốn dựa thế Tống về Đại-Việt mình lập nước Hồng-thiết giáo. Còn mụ Nguyễn Thúy-Minh, ta không nên giết mụ. Để Lưu hậu còn có người trợ giúp. Cháu làm đi.
    - Cháu sẽ làm như cậu muốn.
    Thình lình Lưu hậu lại run lên bần bật, rồi không chịu đựng nổi, bà hét be be:
    - Đau quá! Giết ta đi.
    Tuy vậy tay bà vẫn nắm lấy sau lưng nhà vua.
    Bảo-Hòa hỏi nhỏ Thiếu-Mai:
    - Với công lực của Lưu hậu, phải bao nhiêu viên Ma-túy hoàn bà mới tê liệt?
    - Nếu bắn tan thành bụi, e phải mười viên. Nhưng nếu bắn vào huyệt, chỉ cần bốn viên cũng đủ.
    Tuy nhà vua bị Lưu hậu kiềm chế, nhưng ông không nỡ để bà đau đớn. Ông nói với Thiếu-Mai:
    - Vương phi! Xin vương phi bắn thuốc cứu Thái-hậu.
    Đêm trước Thiếu-Mai đã trị bệnh cho Lưu hậu. Bà đối với nàng bằng tất cả tình cảm chân thành. Cho nên, dù biết bà là đại ma đầu, y-đạo khiến nàng không nỡ để bà đau đớn, nàng định ứng lời nhà vua, tung thuốc cứu bà, thì có tiếng Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai:
    - Lê tiểu thư! Vì sự nghiệp đất nước, xin tiểu-thư bắn thuốc vào huyệt Khúc-trì, Dương-lăng-tuyền làm cho bà tê liệt, hầu Tự-Mai cứu nhà vua.
    Thiếu-Mai nghĩ thầm:
    - Ta là cô gái Việt. Phụ thân ta chống Hồng-thiết giáo cùng cực. Lưu hậu ở vị thế cao sang, uy quyền tuyệt đỉnh. Bà lại là con Nhật-Hồ lão nhân đúng ra bà phải ganh ghét ta. Thế mà bà nhờ ta trị bệnh, tức giao tính mệnh cho ta. Muôn ngàn lần ta không thể hại bà... Nhưng còn Đại-Việt? Ta phải làm sao bây giờ? Thôi được, ta để Văn đệ làm.
    Nghĩ vậy nàng chỉ Lê Văn:
    - Tâu hoàng thượng! Thần không mang theo nhiều thuốc. Chỉ xá đệ mới còn.
    Bảo-Hòa vốn cực kỳ thông minh, nàng lại chơi thân với Thiếu-Mai. Nghe Thiếu-Mai đối đáp với nhà vua, nàng hiểu liền. Nàng nói với Lê Văn:
    - Văn đệ! Dùng chỉ pháp bắn bốn viên Ma-túy hoàn vào huyệt Kiên-ngung, Dương-lăng-tuyền của Lưu hậu. Gấp! Gấp! Gấp.
    Lê Văn đang mải mê nói truyện với Nong-Nụt, nghe Bảo-Hòa truyền lệnh, chàng không kịp suy nghĩ rằng tại sao lại phải bắn thuốc vào người Lưu hậu, và bắn vào những huyệt đó kết quả sẽ đi về đâu? Chàng vội móc túi, lấy bốn viên Ma-túy hoàn bắn vào người bà. Bốn viên thuốc hướng Lưu hậu bay tới. Hai viên trúng huyệt Kiên-ngung làm hai cánh tay bà tê liệt, bà buông nhà vua ra. Tiếp theo hai viên trúng huyệt Dương Lăng-tuyền, hai chân bị tê, bà lảo đảo muốn ngã xuống.
    Thiếu-Mai xẹt tới đỡ bà. Trong khi đó nhanh như chớp, Tự-Mai lạng người chụp nhà vua, rồi nhảy lùi lại. Lê Lục-Vũ phản ứng rất nhanh, lão phát ưng trảo chụp lưng Tự-Mai. Trong khi Nguyễn Thúy-Minh dùng Cầm-long công nắm vào sườn chàng. Tự-Mai vòng tay lại sau phát chiêu Thái-cực quyền tên Lam tước vỹ phong tỏa chiêu ưng trảo của Lê Lục-Vũ. Trong khi đó chiêu cầm long công đã bao phủ mạn sườn. Chàng nghĩ thầm:
    - Thôi, mạng ta cùng rồi.
    Có tiếng quát thanh thoát, rồi một bóng trắng lướt tới, ánh thép lóe lên, xỉa vào hông Tự-Mai. Nếu Thúy-Minh tiếp tục chụp Tự-Mai, thì chính bàn tay mụ tự đập vào kiếm, e đứt rời. Kinh hoàng mụ vội bật ngửa tay lại bắt kiếm, thì thanh kiếm như con rắn co lại bật đến vèo vào huyệt Thái-dương mụ. Mụ vội nhảy lùi lại sau. Nhưng khi chân mụ vừa chạm nền điện, thì mũi kiếm theo mụ như bóng với hình, chĩa vào huyệt Đản-trung giữa ngực. Quá sợ hãi mụ hét lên be be, lăn người xuống điện liền bốn vòng, rồi bật dậy. Tưởng thoát nạn, nhưng mụ cảm thấy đau nhói ở bụng dưới. Mũi kiếm thủy chung vẫn chỉ vào người mụ. Biết có tránh nữa cũng không thoát, mụ chửi bằng tiếng Việt:
    - Tiên sư cha nó! Ta vì chậm tay, bị mi chiếm tiên cơ, nên thua mi. Mi giết ta đi cho rồi.
    Bấy giờ mụ nhìn lại kẻ kiềm chế mình thì chỉ là một thiếu nữ tươi như hoa, nét mặt phảng phất giống Quan-thế-âm bồ tát. Mụ cười nhạt:
    - Mi đường đường là công chúa Đại-Việt, mà lại ra tay đánh trộm ta ư? Ta không phục. Mà...ừ nhỉ, tại sao mi biết xử dụng Long-biên kiếm pháp, trong khi nội lực lại là nội lực Thiếu-lâm.
    Mỹ-Linh thấy Thiếu-Mai để Lưu hậu ngồi vào chiếc ngai vàng đặt bên trái Lý thái-hậu. Biết Lưu hậu bị kiềm chế rồi, nàng thu kiếm về, chắp tay tạ lỗi:
    - Xin tiền bối miễn chấp. Vãn sinh chỉ muốn cứu nghĩa đệ, bị hai vị ra tay vây đánh mà thôi. Chứ vãn sinh không chủ ý vô lễ với các vị.
    Diễn biến xẩy ra như vậy, mà Tôn Đức-Khắc, Tào Lợi-Dụng vẫn chiết chiêu với nhau. Hai người đang ở cửa điện. Khai-Quốc vương dùng lăng không truyền ngữ ra lệnh:
    - Thông-Mai coi chừng Tôn Đức-Khắc. Bảo-Hòa giám sát Lê Lục-Vũ, bằng không chúng bỏ chạy, e khó bắt lại được. Còn Thanh-Mai canh chừng Nguyễn Thúy-Minh, Thiệu-Thái canh chừng Tào Lợi-Dụng. Hễ thấy chúng bỏ chạy, hoặc tấn công Lý thái-hậu hoặc Hoàng-đế thì phải ra tay kiềm chế liền.
    Quả nhiên vương vừa dứt lời, Thông-Mai, Bảo-Hòa chưa kịp thi hành lệnh thì Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, bỏ Tào Lợi-Dụng cùng vung chưởng đánh vào ba thị vệ đang đứng chặn ở cửa, rồi tung mình chạy ra sân. Đám thị vệ canh gác ngoài sân điện chưa được lệnh nên không giám cản hai lão. Cả triều thần cùng dương mắt lên nhìn.
    Khai-Quốc vương hô lớn:
    - Thông-Mai, Bảo-Hòa mau đuổi theo.
    Nhưng hai lão chạy đã khá xa.
    Hai lão chạy đến cuối sân thì có hai người mặc quần áo nâu, đầu chít khăn từ trên một cây nhảy xuống chặn đường. Còn lơ lửng trên không, hai người đó đã vung chưởng đánh chặn trước mặt chúng. Chưởng phong cực kỳ hùng hậu. Cả hai lão kinh hoàng, vội lộn một vòng về sau. Nhưng hai người kia còn nhanh hơn, đẩy hai chưởng nữa tiếp theo. Chưởng đánh xuống sân bật lên tiếng rầm, cát bụi bay tung. Sân lủng xuống hai hố sâu chỉ cách chân Lê, Tôn có hơn thước.
    Lê, Tôn đều là những cao thủ số một của Tống, nhưng trọn đời hai lão chưa từng gặp ai có công lực mạnh như vậy. Hai lão chưa đứng chân xuống đất, thì hai chưởng nữa lại đánh tới sau lưng. Hai lão lộn liền bốn vòng, thì hai người kia cũng đánh tiếp bốn chướng nhanh như sét nổ. Đến đây thì Bảo-Hòa, Thông-Mai đã đuổi kịp. Hai người xuất chiêu chặn trước mặt chúng.
    Trong khi đó, hai người kia nhìn nhau cùng bật lên tiếng cười, rồi khoanh tay lơ đãng nhìn trời.
    Một trong hai người nói với Bảo-Hòa, Thông-Mai bằng giọng đầm ấm:
    - Bọn ma đầu thì dù võ lâm Tống hay Việt cũng có nhiệm vụ tru diệt. Song đây thuộc Hoàng-thành, hãy đợi chỉ dụ của Hoàng-thượng .
    Nhưng Bảo-Hòa đã phát chiêu Ác-ngưu nan độ, nàng vận cộng nửa âm, nửa dương, tấn công Tôn Đức-Khắc. Trong khi Thông-Mai xuất Thiên-vương chưởng tấn công Lê Lục-Vũ. Nghe tiếng người bịt mặt, cả hai vội thu nội lực, phát hư chiêu.
    Hai lão Lê, Tôn vừa hết kinh hoàng đã bị tấn công, vội quát lên một tiếng xuất chưởng đỡ. Nhưng hai lão đỡ vào quãng không. Tức quá lão Tôn chửi tục:
    - Con bà nó, rõ ràng mi là thị vệ cùng cung nữ mà cũng dám đem thân ra chịu chết ư?
    Thông-Mai cười hô hố, rồi phát chiêu Lôi-đả ân-tặc hướng hai lão, chiêu này như sét nổ ngang trời, trong khi đó chàng lại vận đủ mười thành công lực. Tôn Đức-Khắc kinh hãi vội phát chưởng đỡ. Ầm một tiếng, cả hai lảo đảo lui lại. Y cười nhạt:
    - Mi, mi xử dụng Thiên-vương chưởng. Thì ra mi là người Việt. Tiếc thay cho mi, luyện đươc bản lĩnh vô địch, mà lại đi làm thị-vệ cho Tống.
    Thông-Mai vỗ hai chưởng vào nhau:
    - Võ công cao hay thấp, không cần bàn đến trong trường hợp này. Ta dám tự hào rằng từ nhỏ đến giờ chưa từng làm gì hại đến thanh danh người Việt là được. Vừa rồi mi đưa ra lời đe dọa, vì vậy ta phải chứng minh cho mi biết rằng lời đe dọa đó không làm cho ta sợ hãi. Thế thôi.
    Lão Tôn quay lại hỏi hai người bịt mặt:
    - Tôn giá là ai? Dường như tôn giá là người Việt thì phải. Một vị dùng võ công Khúc-giang, một vị dùng võ công Sài-sơn. Tại sao giữa người Việt với nhau, tôn giá không bênh lão phu, mà lại giúp Tống?
    Hai người nhìn nhau, rồi cùng mỉm cười không trả lời.
    Định-vương chỉ mặt Tôn, Lê:
    - Bọn mi là qủy sứ, thì võ lâm thiên hạ ai cũng muốn trừ bọn mi.
    Thị vệ dùng cung nỏ chĩa vào hai lão. Họ chỉ chờ mệnh lệnh của Trung-Đạo hay Vương-Văn là buông tên.
    Định-vương đến trước hai người bịt mặt chắp tay xá:
    - Hai vị tiền bối giá lâm Hoàng-thành, mà tiểu vương không biết trước để nghinh tiếp, thực vô phép. Mong hai vị thứ lỗi.
    Một người bịt mặt đáp lễ:
    - Chính hai gã thôn phu này mới là người phải tạ lỗi với vương gia về tội đột nhập Cấm-thành. Song vì mải theo dõi bọn đại ma đầu ẩn ẩn, hiện hiện mưu hại Thiên-Thánh hoàng đế, nên không kịp xin phép vương gia.
    Tự-Mai, Lê Văn hộ tống nhà vua ra tới nơi. Thoáng nhìn hai người bịt mặt, Tự-Mai lạng người đến trước mặt một người, miệng kêu lớn:
    - Ngô sư bá.
    Người đó mở khăn bịt mặt, mọi người cùng bật lên tiếng ồ, vì ông là Ngô Quảng-Thiên.
    Lê Lục-Vũ cười nhạt:
    - Ngô đại ca. Ngô đại ca quên mất lời nguyền kết bạn rồi hay sao, mà trong lúc bọn đệ bị nguy khốn, đại ca không giúp đỡ còn gây khó dễ?
    Ngô Quảng-Thiên cười nhạt:
    - Chu hiền đệ! Người còn dám gọi ta là đại ca nữa ư? Người còn dám nhắc đến lời kết nghĩa ư? Ta hỏi người: Vì ai mà nước Ngô-Việt bị diệt? Vì ai mà hàng vạn anh hùng chuẩn bị khởi nghĩa ở Hổ-môn mất mạng? Người vốn là Hữu hộ pháp của Hồng-thiết giáo, coi những gì là nhân nghĩa, trung hiếu, như một thứ hủ lậu cần diệt bỏ, mà nay còn mở miệng ra hỏi ta ư?
    Ông chắp tay hướng Định-vương:
    - Đa tạ vương gia đã phóng thích gia đình của lão phu. Hiện tất cả đều an toàn về tới Đại-Việt. Song trọn đời, lão phu đã nguyện tìm hai tên ma đầu Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc để đòi món nợ năm xưa. Xin vương gia cho phép lão phu tính tội hai tên ma đầu này.
    Ai cũng biết Ngô Quảng-Thiên thuộc giòng dõi vua Ngô-Quyền, oai danh một thủa. Tổ tiên ông đã cùng hai di thần triều Ngô là họ Đào, họ Chu lập ra triều Ngô-Việt. Sau Tống Thái-Tông mang sai sứ sang dụ vua Ngô-Việt đầu hàng thì vẫn để cho làm vua như cũ. Triều đình chia làm hai phe. Phe Việt quyết chiến, phe Hán nghị hàng. Cuối cùng phe nghị hàng thắng thế, rồi bị Tống tung phục binh bắt hết.
    Ngô Quảng-Thiên cùng với hai sư đệ Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn bỏ quan về ẩn ở sơn dã. Anh hùng tộc Việt vẫn ấm ức vì bị mất nước. Họ tìm đến ba người bàn định kế sách phục quốc. Nhưng Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc trong lúc phẫn hận vì vong quốc, đã theo Nhật-Hồ lão nhân. Hai người tưởng có thể dùng Hồng-thiết giáo tái lập nước. Nhật-Hồ lão nhân trao cho hai người làm Tả, Hữu hộ pháp, tức chức vụ tối cao trong giáo, chỉ dưới có lão mà thôi.
    Chu, Đào du thuyết khắp vùng Ngô-Việt, Lưỡng-Quảng, giáo chúng theo rất đông. Khi hai người cùng Ngô Quảng-Thiên đại hội anh hùng ở Hổ-môn bàn kế sách khởi binh. Chu thuyết phục mọi người dùng Hồng-thiết giáo làm chủ đạo phục quốc. Anh hùng các nơi không phục. Chu, Đào bèn nảy ra ý định đầu hàng Tống. Dùng Tống diệt hết anh hùng thiên hạ, cuối cùng một mình Hồng-thiết giáo đứng lên cầm cờ đại nghĩa.
    Cho nên khi đại hội khởi binh đang diễn ra, Tống đem thiết kị tới diệt anh hùng. Nhóm Hồng-thiết giáo với Chu, Đào quay lại cùng binh Tống đánh người đồng đạo. Võ công Ngô Quảng-Thiên tuy cao, nhưng sau khi thoát vòng vây thiết kị, công lực cạn, ông bị trúng Chu-sa độc chưởng của Đào Tường-Phúc. Tống đem cả gia đình ông về an trí ở Biện-kinh, trong khi đó giam lỏng Ngô Cẩm-Thi ở Khúc-giang với hy vọng tìm ra kho tàng cùng di thư thời Lĩnh-Nam.
    Khi Khai-Quốc vương cùng với Định-vương kết huynh đệ. Vương xin nghĩa huynh phóng thích gia đình Ngô Quảng-Thiên. Trong bao năm bị cầm tù, Ngô Quảng-Thiên vẫn ngày đêm luyên công, chờ ngày giết hai tên sư đệ phản bội. Vì vậy, ông đưa gia đình về Đại-Việt. Ông được Thân Thiệu-Thái giải Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Ông bèn trở lại Biện-kinh tìm Chu, Đào thanh toán món nợ cũ.
    Ngô Quảng-Thiên chắp tay xá Định-vương một xá:
    - Vương gia! Xin vương gia cho biết hai tên Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn có còn là đại thần Tống triều không? Nếu chúng còn là thần tử Tống triều, thì lão phu có đánh chó cũng nể chủ nhà. Bằng như chúng không còn dính dáng gì với Tống triều, lão phu sẽ thẳng tay tru diệt ma vương quỷ dữ.
    Định-vương đáp lễ:
    - Ngô lão sư hỏi câu đó thực tỏ ra là một đại tôn sư võ học. Hai tên này thuộc Hồng-thiết giáo, tiềm ẩn làm gian tế trong bản triều. Tội ác của chúng cao như núi. Nếu lão sư tru diệt chúng, cũng như giết một con thú vậy.
    Ngô Quảng-Thiên hướng vào mọi người nói lớn:
    - Chư vị anh hùng, danh sĩ! Hôm nay lão phu xin vì ân nghĩa của Định-vương diệt trừ bọn nửa người nửa ma ẩn ẩn hiện hiện quanh đây.
    Lão vẫy tay gọi Tôn Đản:
    - Đản nhi, lại đây.
    Tôn Đản vội chạy tới chắp tay hành lễ:
    - Xin lão sư dạy dỗ.
    Ông xoa đầu Tôn Đản:
    - Người còn nhỏ tuổi, mà đã tỏ ra có khí phách anh hùng, lại nhất tâm nhất chí với Cẩm-Thi. Hôm nay, ta hứa gả Cẩm-Thi cho người.
    Tôn Đản mừng rỡ vô cùng. Chàng quỳ gối lạy bốn lạy:
    - Nhạc phụ.
    Ngô Quảng-Thiên lắc đầu:
    - Không được! Con phải lập lại: Bố.
    Tôn Đản cung kính:
    - Bố!
    Ngô Quảng-Thiên để cho Tôn Đản lạy, rồi nói:
    - Có một người Việt, kiến thức rất rộng. Trước đây vì yêu nước, theo Hồng-thiết giáo, rồi bị cái vạ Chu-sa độc chưởng suốt bao năm không thoát được. Vừa rồi, hoàng đế Đại-Việt, võ lâm tộc Việt khoan dung, cho trở về đời sống lương thiện. Lại được giáo chủ Lạc-Long giáo để giữ chức trưởng lão như cũ, tin tưởng, kính yêu. Thế nhưng vì nhớ quyền lực của ma kinh, quỷ quyền, y tái lập ma giáo. Người như vậy có đáng tru diệt chăng?
    - Thưa bố phải giết không tha.
    Mọi người đều ngơ ngác, vì những điều ông nói, không liên hệ tới Chu Bội-Sơn, cùng Đào Tường-Phúc.
    Ông hất hàm:
    - Con mau lôi cổ tên ma đầu đó ra cho mọi người thấy mặt.
    Tôn Đản dạ một tiếng, rồi lạng mình tới chụp một tên thị vệ. Tên thị vệ trầm người tránh khỏi, vọt lên cao, tay phóng xuống một chưởng. Chưởng lực cực mạnh, mùi hôi tanh bốc ra nồng nặc. Tôn Đản phát một Lĩnh-Nam chỉ chĩa lên không. Chỉ lực xuyên qua làn chưởng. Mọi người bật lên tiếng kêu lớn. Tên thị vệ hét be be. Y đành nhắm mắt chờ chết.
    Nhưng Tôn Đản đã biến chỉ thành cầm nã phất qua đầu y. Mặt nạ rơi xuống. Sứ đoàn cùng bật lên tiếng kêu:
    - Trưởng lão Lê Đức.
    Thiệu-Thái quát:
    - Lê trưởng lão. Thế này là thế nào?
    Lê Đức cười nhạt:
    - Tên ôn con chưa ráo máu đầu kia! Mi ngu như lợn. Ta đường đường là trưởng lão Hồng-thiết giáo, tuổi trên bẩy mươi, có đâu lại bỏ giáo theo mi nhỉ? Chỉ có người ngu như mi mới tin tưởng ta quy phục mà thôi.
    Thiệu-Thái nghĩ lại xấu hổ vô cùng. Chàng bảo Lê Đức:
    - Lê trưởng lão. Người vẫn trung thành với Mã-Mặc, Lệ-Anh, vậy bản nhân cũng bỏ giáo quy Lạc-Long, mà xử người bằng giáo qui Hồng-thiết giáo. Nếu người thắng được ta, thì mới mong rời khỏi đây.
    Ngô Quảng-Thiên xua tay ngăn Thiệu-Thái:
    - Thân giáo chủ khoan hãy xử tội trưởng lão Lê Đức.
    Ông nói với Định-vương:
    - Khải vương gia, tên này tuy là người Việt, nhưng y giả làm thị vệ, ẩn ẩn náu náu hầu trợ giúp cho Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn mưu hại Thiên-Thánh hoàng đế. Vì vậy y phạm tội với Tống. Xin vương gia quyết định về y.
    Định-vương nói với Tự-Mai:
    - Phò mã! Còn một trưởng lão Hồng-thiết giáo cũ đi với Lê Đức, ẩn trong lớp áo thị vệ. Phò-mã hãy bắt y trị tội một thể.
    Tự-Mai cúi đầu:
    - Tuân chỉ hoàng-thúc.
    Rồi chàng phát chiêu Phong-đáo sơn đầu đánh vào một tên thị vệ khác. Tên này phát chiêu Ác-ngưu nan độ đỡ. Bình một tiếng, cả Tự-Mai lẫn tên thị vệ đều lảo đảo lùi lại. Các võ quan triều Tống la lên kinh ngạc. Vì họ đã thấy võ công Tự-Mai cao thâm khôn lường, vừa rồi chàng phát chiêu chưởng với tất cả bình sinh công lực, mà vẫn chỉ ngang tay với viên thị vệ.
    Qua một chiêu, Tự-Mai nhận ra y là Đỗ Xích-Thập, chàng nhỏ nhẹ:
    - Thì ra Đỗ tưởng lão đấy, người hãy mở mặt nạ ra cho mọi người thấy chân tướng đi.
    Tên thị vệ lột mặt ra ra, qua nhiên y là Đỗ Xích-Thập. Ngô Quảng-Thiên cười nhạt:
    - Lê, Đỗ. Các vị là những cao thủ kỳ tài của Đại-Việt. Trong đại hội Thăng-long, Khai-Quốc vương vì thương tài các vị, nên khuyên Thân giáo chủ lấy nhân đức trị bệnh cho các vị, để các vị về với chính đạo. Nào ngờ các vị âm thầm liên kết với Nhật-Hồ lão nhân tái lập Hồng-thiết giáo. Lão sai hai vị sang Tống với nhiệm vụ trợ giúp cho con gái lão mưu thí Thiên-Thánh hoàng đế, lập Thiên-hạ Hồng-thiết giáo. Thế nhưng trong bóng tối, Khu-mật viện Đại-Việt biết hết, nhờ ta theo dõi hai người. Bây giờ các người hãy chịu trói đi thôi.
    Định-vương hỏi Lưu hậu:
    - Thái-hậu có còn chối mình không phải con gái Nhật-Hồ lão nhân nữa chăng? Thái-hậu có còn chối việc chuẩn bị làm truyện đại nghịch chăng?
    Mặt Lưu hậu xám như tro. Bà cười nhạt:
    - Ta có giết hoàng-nhi chẳng qua cũng vì đại nghĩa Hồng-thiết giáo. Thái-sư nên nhớ, ai chống Hồng-thiết giáo đều là thú vật, là ma quỷ, là bất trung; cần phải tru diệt. Hoàng nhi chống Hòng-thiết, cũng không thể khoan thứ. Việc đã như thế này, Vương gia hãy xử dụng luật võ lâm với họ, chẳng nên dùng quân sĩ.
    Định-vương nói với Vương Văn, Trần Trung-Đạo:
    - Xin hai đại tướng quân bắt giặc.
    Trung-Đạo cung tay nói với Đỗ Xích-Thập:
    - Đỗ tiền bối. Tuân chỉ dụ của Thái-sư, buộc lòng tiểu tướng phải dùng võ công với tiền bối.
    Xích-Thập không biết Trung-Đạo là ai. Y tưởng chàng là một võ quan Tống, nên khinh thường:
    - Lại đây! Lại đây, ta cho mi thưởng thức Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.
    Nói rồi y phát chiêu Ác-ngưu nan độ. Chưởng phong cực kỳ trầm trọng. Trung-Đạo nghĩ rất nhanh:
    - Tên này võ công cao thâm khôn lường. Công lực y không kém gì sư phụ. Ta khó mà thắng y bằng võ lực. Vậy phải dùng kế mà giết y. Nhân y tưởng ta là người Tống. Nhân nội công Đông-a hơi giống nội công Thiếu-lâm. Đã vậy ta dùng võ công Thiếu-lâm, rồi thình lình dùng phản Chu-sa độc chưởng cho y biết thân.
    Chàng phát chiêu Kim-cương chưởng của phái Thiếu-lâm, đánh cắt ngang vào chưởng của Xích-Thập. Những người hiện diện, không ai hiểu ý Trung-Đạo, ngoài Thanh-Mai, Tự-Mai.
    Định-vương thấy chưởng phong của Trung-Đạo ngang với chưởng phong của Xích-Thập, vương đưa mắt cho Minh-Thiên đại sư, rồi nói nhỏ:
    - Sư phụ, thực xấu hổ. Trong hàng ngũ võ quan của triều đình có nhân tài như Trung-Đạo, Vương Văn. Thế mà lâu nay đệ tử nào có biết. Nếu không nhờ Khai-Quốc vương sang sứ, có lẽ họ mai một tài năng trong bóng tối.
    Minh-Thiên gật đầu:
    - Như vương gia thấy, Trạng-nguyên Địch Thanh đấu ngang tay với Nguyễn Chí. Mà bản lĩnh Nguyễn Chí thua Xích-Thập một bậc. Thế mà Phiêu-kị đại tướng quân đấu ngang tay với Xích-Thập. Như vậy bản lĩnh người hơn Địch trạng nguyên nhiều.
    Định-vương hỏi sẽ:
    - Sư phụ! Tại sao Phiêu-kị đại tướng quân lại biết xử dụng Kim-cương chưởng của bản phái?
    Minh-Thiên mỉm cười:
    - Vương gia lầm rồi. Vương gia có nhớ hồi sang Đại-Việt không? Bần tăng thấy Khai-Quốc vương xử dụng Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng, cũng lầm với Kim-cương chưởng, bởi vì nội công Tiêu-sơn với Thiếu-lâm giống nhau.
    - Đa tạ sư phụ khai sáng. Đệ tử hiểu rồi, nội công Đông-a lại xuất phát từ nội công Tiêu-sơn. Nên Trần Tổng-lĩnh nhân thấy Xích-Thập tưởng mình là người Hán, người tương kế tựu kế, để cho y khinh thường. Rồi thình lình dùng võ công Đông-a.
    - Đúng thế. Trần thí chủ trí lự tuyệt vời.
    Trong khi đó Vương Văn đã khai chiến với Lê Đức. Vương Văn dùng võ công Không-động. Trong khi Lê Đức dùng võ công Hồng-thiết giáo.
    Các ứng sinh phò-mã cùng kéo ra sân xem cuộc đấu. Hầu hết họ đều là nhữmg thiếu niên ưu tú bậc nhất của các gia, các phái trong Thiên-hạ. Trước khi đến kinh, họ những tưởng mình là bậc nhất, khó ai địch nổi. Vừa rồi trong điện, họ thấy võ công của Tôn Đản, Tự-Mai, Lê Văn thì cho rằng đây là những kỳ tài, chắc không quá ba người. Bây giờ nhìn trận đấu của bốn cao thủ, họ đều tự nhủ: Ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác.
    Khai-Quốc vương ghé tai Thiệu-Thái nói mấy câu. Chàng kính cẩn cúi đầu dạ một tiếng, rồi đến phía sau Địch Thanh, Tôn Tiết, Trương Ngọc dùng lăng không truyền ngữ nói:
    - Ba vị đại huynh đừng quay lại. Tiểu đệ tuân chỉ dụ của Khai-Quốc vương trục độc tố Chu-sa độc chưởng cho ba vị, để lát nữa đây, ba vị ra tay thình lình, kiềm chế một số ma đầu ẩn thân trong lớp áo thị vệ.
    Ba người nghe nói, mừng không tả xiết. Thiệu-Thái đứng ngang với Địch Thanh, rồi nắm tay y, vận công thúc Thiền-công đẩy vào huyệt Nội-quan. Chỉ lát sau, Địch Thanh thấy chân khí hoàn toàm lưu thông. Y khẽ gật đầu tỏ ý tạ ơn. Thiệu-Thái lại trị cho Tôn Tiết, Trương Ngọc.
    Chàng di chuyển đến phía sau Tây-Sơn, Đông-Sơn lão nhân, nói rất nhỏ:
    - Nhị vị đạo sư, tiểu bối tuân chỉ Khai-Quốc vương trị độc cho hai vị.
    Rồi chàng nắm tay hai ông. Lát sau, người hai ông tiết ra mùi hôi tanh khủng khiếp, bao nhiêu đau đớn biến mất. Hai ông nháy mắt ra hiệu như để thay lời tạ ơn.
    Trong khi đó trận đấu giữa Trung-Đạo với Xích-Thập vẫn tiếp tục. Thình lình Xích-Thập lui lại ba bước, rồi y phát ra một chiêu rất thô kệch, mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra. Mọi người cùng kêu lớn:
    - Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.
    Trung-Đạo vận phản Chu-sa độc chưởng, phát một chiêu Kim-cương chưởng. Chàng tiến lên đánh vào giữa chưởng của Xích-Thập. Xích-Thập cùng bọn Tôn-đức-Khắc, Lê-lục-Vũ cười thầm:
    - Cho tên chệt mất mạng.
    Hai chưởng chạm nhau đến bộp một tiếng, Trung-Đạo lùi liền ba bước. Xích-Thập nhảy lùi lại, y cười rộ:
    - Trần tướng quân, người trúng Chu-sa độc chưởng của ta rồi. Mau ngồi xuống vận công, rồi bái ta làm sư phụ, ta sẽ ban cho thuốc giải, bằng không người sẽ đau đớn đến chết đi sống lại trong bốn mươi chín ngày rồi chết.
    Trung-Đạo ôm tay, vờ trúng độc người run chàng lên lật bật:
    - Ôi đau chết đi được.
    Đúng lúc đó Lê Đức đang đấu đấu với Vương Văn. Vương Văn muốn thắng y, mà không nổi, vì chàng mới được Thanh-Mai dạy phản Chu-sa độc chưởng đêm qua, chàng luyện mà chưa thành. Vì vậy chàng úy kị độc chưởng của y, cho nên trận đấu kéo dài.
    Trung-Đạo giả bị trúng Chu-sa chưởng, chàng nghiêng bên Đông, ngả bên Tây. Từ từ đến gần Lê Đức tìm cách khống chế y để giúp sư huynh.
    Việc làm của chàng không ai biết được, ngoài sứ đoàn. Tự-Mai nghĩ rất nhanh:
    - Tam ca đã đẩy độc chưởng trở về người Xích-Thập, nhưng công lực người không hơn y, nên độc tố còn ở bàn tay y. Ngược lại đại ca công lực hơn Lê Đức lại không biết phản Chu-sa độc chưởng. Bây giờ nếu tam ca đánh Lê Đức một chưởng, y vung tay đỡ, công lực y thấp hơn tam ca, ắt độc chất nhập vào người y. Còn đại ca đánh Xích-Thập để đẩy chất độc tụ ở tay vào người hắn thì hắn mới bại. Ta phải xui hai người đổi địch thủ mới được.
    Chàng hô lớn:
    - Đại ca, tam ca. Đổi ngựa.
    Giữa lúc đó Xích-Thập hướng một chưởng đánh vào lưng Vương Văn để giúp Lê Đức. Vương Văn bỏ Lê Đức, vung chưởng đánh Xích-Thập. Trong khi Trung-Đạo hét lên be be như người điên chàng xuất chưởng đánh Lê Đức.
    Lê Đức thấy Trung-Đạo bị trúng Chu-sa độc chưởng, y không coi chàng vào đâu. Tay trái y phát một chưởng nhẹ vào lưng chàng, định đẩy chàng ngã. Khi chưởng của y vừa ra, Trung-Đạo vận phản Chu-sa độc chưởng phát chiêu Đông-hải lưu phong của phái Đông-a.
    Lê Đức một đời xảo quyệt, chuyên lừa người, không ngờ bây giờ y bị Trung-Đạo lừa lại. Chưởng của chàng ụp lên người y đến binh một tiếng. Y bật lui lại ba bước, lảo đảo muốn ngã. Tuy vậy y vẫn vận Chu-sa độc chưởng phản công một chiêu, nhưng công lực giảm phân nửa. Chưởng của y giao nhau với chiêu Phong-ba hợp bích. Y cảm thấy như muôn ngàn mũi dao đâm vào tạng phủ. Y nhảy lùi liền ba bước.
    Trung-Đạo nổi danh là người có võ công, mưu trí trong Côi-sơn tam anh, kinh nghiệm chàng có thừa. Thấy Lê Đức nhảy lùi lại, chàng đánh theo chiêu Mãn-phong hải nộ. Đây là chiêu trấn môn của phái Đông-a. Chiêu đầu như lớp sóng tràn tới, thì chiêu thứ nhì đã tiếp theo. Cứ như vậy năm chiêu liền.
    Cứ mỗi chiêu Trung-Đạo đánh ra, Lê Đức lại phải nghiến răng đỡ. Đến chiêu thứ năm, y lăn tròn người xuống đất tránh. Nhưng y không đứng dậy được nữa, y nằm dưới đất hét lên be be:
    - Đau chết đi thôi! Ối, đau chết.
    Ngoài sứ đoàn không ai hiểu rại sao! Rõ ràng Trung-Đạo bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, đau đớn khốn khổ, đi đứng không vững, thế mà thình lình lại phát chưởng như núi lở băng tan đánh Lê Đức đến thân tàn ma dại thế kia.
    Tiếng kêu của Lê Đức bị tiếng chưởng lực của Phụ-Quốc (Vương Văn) chạm vào chưởng Xích-Thập át đi. Mọi người nhìn lại; hai người đang đấu với nhau từng chưởng. Phụ-Quốc dùng võ công Không-Động. Thình lình chàng phát ra một chiêu Đông-a chưởng. Xích-Thập không đề phòng, y bị bật lui liền ba bước. Nhưng Phụ-Quốc đánh theo liền hai chưởng nữa, rồi chàng lùi lại ôm tay mỉm cười.

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2005 04:23:53 bởi NuHiepDeThuong >
    #2
      CDDLT 20.01.2005 18:07:25 (permalink)
      Hồi thứ một trăm mười tám


      Mối hận ba mươi năm




      Đến lượt Xích-Thập hét lên be be, tay ôm ngực:
      - Chết! Đau chết đi thôi.
      Đỗ, Lê quằn quại một lúc rồi bò đến trước Lưu hậu rập đầu binh binh:
      - Thái-hậu, xin Thái-hậu cứu anh em thần. Anh em thần tuân chỉ của giáo chủ sang đây hành sự trợ giúp Thái-hậu mà ra nông nỗi.
      Lưu hậu lắc đầu:
      - Ta vô dụng mất rồi. Ta có còn quyền gì nữa đâu? Chính ta cũng đau đớn như các người, phải khuất thân cầu kẻ hèn hạ cứu cho mới thoát khỏi tai kiếp.
      - Xin Thái-hậu truyền cho tả, hữu sứ hút độc tố cứu... cứu anh em thần.
      Lưu hậu lạnh lùng hỏi:
      - Ta cứu cho hai người thì hai người báo đáp ta gì đây?
      Xích-Thập nói:
      - Tâu Thái-hậu, giáo chủ nói rằng người sẽ cho thần làm vua Đại-Việt. Còn Lê trưởng lão làm vua Chiêm-thành. Khi thần lên ngôi vua, nguyện cắt hết 207 khê động cùng các đảo ngoài khơi Nam-hải dâng cho Thiên-triều, đời đời tu cống xưng thần, mãi mãi chịu sắc phong, không dám xưng niên hiệu, cùng đặt quốc hiệu.
      Lưu hậu lắc đầu:
      - Chưa đủ.
      - Thần xin chịu binh dịch, cho con sang làm con tin.
      - Vẫn chưa đủ.
      Xích-Thập rên lên:
      - Thần mở rộng cửa cho binh Thiên-triều vào trấn đóng, cùng bỏ ý định bắt Lão-qua, Chiêm-thành, Chân-lạp tu cống. Hàng năm đến Biện-kinh chầu.
      Lưu hậu tươi nét mặt nói với Định-vương:
      - Vương thấy chưa? Trong khi vương hạ thể đi kết huynh đệ với Lý Long-Bồ trong tư thế ngang nhau. Còn ta, ta thu phục được những biên thần như thế này, cương vực Nam-phương mở rộng, không tốn một mũi tên, một giọt máu.
      Định-vương cười nhạt:
      - Thái-hậu bị ma kinh, quỷ ám nên minh mẫn mờ đi rồi! Thái-hậu ơi, tên ma đầu này uy không còn, thân danh tàn tạ, y có quyền gì đâu? Nay y sắp chết, Thái-hậu cứu y thì bảo y làm trâu, làm chó gì y chăng nghe theo?
      Lưu hậu cười nhạt:
      - Thái-sư chờ đi.
      Bà quay lại bảo Xích-Thập đang nằm bò dưới đất, hai tay ôm lấy giầy bà, tỏ ra cực kỳ tôn kính:
      - Được. Người nhớ lấy lời.
      Lưu hậu vẫy tay cho Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ:
      - Nhị vị tả, hữu sứ. Xin nhị vị cứu cho hai trưởng lão.
      Tôn, Lê đến bên Đỗ Xích-Thập. Hai người nắm lấy tay y, rồi vận công hút độc tố. Nhưng hút đến ba lần, Đỗ vẫn đau đớn như thường.
      Khai-Quốc vương cười:
      - Tôn, Lê. Hai vị nên biết rằng Hồng-thiết tâm pháp chỉ hút được nọc Chu-sa thôi. Chứ khi hai vị Đỗ, Lê đánh người, rồi bị người dồn độc tố trở lại thì vô dụng. Hồi đại hội Thăng-long, chính Nhật-Hồ lão nhân nào có hút được độc tố cho Đỗ trưởng lão đâu? Rút cục Đỗ trưởng lão phải xin Côi-sơn đại hiệp thu lại chân khí Đông-a, rồi Thân giáo chủ mới hút được độc tố ra.
      Vương chỉ Trung-Đạo, Vương-Văn:
      - Hai trưởng lão dùng Chu-sa độc chưởng đánh Phiêu-kị, cùng Trấn-quốc đại tướng quân, rồi bị hai vị đó đẩy độc tố trở lại mà thành nông nỗi. Vậy hai trưởng lão phải xin Hoàng-thượng ban chỉ dụ cho nhị vị đại tướng quân thu hồi chân khí. Sau đó mới xin Thân giáo chủ trị cho.
      Đỗ Xích-Thập, Lê Đức cùng nghĩ rằng: Nếu mình là trưởng lão Lạc-long giáo, thì Thiệu-Thái phải nghĩ tình, xin với nhà vua ân xá, ban chỉ dụ cho Vương Văn, Trung-Đạo thu hồi chân khí. Đổi lại Thiệu-Thái sẽ trị bệnh một số quan Tống triều. Hai người lại bò đến trước Thiệu-Thái rập đầu binh binh. Lê Đức nói:
      - Thuộc hạ tội đáng muôn thác, xin giáo chủ ban phúc cứu trị. Từ nay về sau, thuộc hạ nguyện làm thân trâu ngựa đền ơn giáo chủ. Thuộc hạ sẽ xuất lĩnh giáo chúng đi tiên phong giúp triều Lý tranh dành lại 207 Khê-động. Sau đó thống nhất tộc Việt đòi lại vùng đất Nam sông Trường-giang.
      Xích-Thập nói:
      - Đòi đất thế nào được, chúng ta phải diệt triều Tống, chia Trung-nguyên thành quận huyện mà cai trị.
      Định-vương hỏi Lưu hậu:
      - Thái-hậu có nghe ma đầu Xích-Thập nói không?
      Mặt Lưu hậu xám lại như tro, bà quay đầu nhìn đi chỗ khác.
      Lạc-long giáo gốc từ Hồng-thiết giáo. Khi Thiệu-Thái nhận chức giáo chủ, chàng cùng Thanh-Mai, Bảo-Hòa duyệt lại các điều giáo luật. Trong giáo luật cũ có khoản: Bất cứ trong hoàn cảnh nào. Đệ tử bản giáo cũng không thể để cho người ngoài giết hay làm nhục giáo hữu trước mặt mình. Thấy điều này duy trì tình đoàn kết trong giáo. Thiệu-Thái đồng ý giữ nguyên.
      Bây giờ tuy hai gã Đỗ Xích-Thập, Lê Đức phản chàng. Nhưng dù sao chàng cũng không thể để cho chúng bị nhục quá đáng. Chàng đưa mắt hỏi ý kiến Thanh-Mai. Thanh-Mai hiểu ý Thiệu-Thái, nàng tiến lên chĩa ngón tay điểm vào huyệt Đại-trùy của Đỗ, Lê. Hai người bị tê liệt, ngồi ngay như pho tượng, không còn biết đau đớn gì nữa.
      Lưu thái-hậu hỏi Định-vương:
      - Thái-sư, thì ra Vương Văn, với Trung-Đạo đều là người phái Đông-a. Thái sư đưa họ vào triều để mưu đồ thoán nghịch đó ư?
      Định-vương cười nhạt:
      - Tâu Thái-hậu, Trấn-quốc đại tướng quân Vương-Văn nguyên là Đô-đốc vùng Động-đình, Tương-giang. Phiêu-kị đại tướng quân Trần Trung-Đạo nguyên là Tư-mã Kinh-châu. Cả hai vị đều đo thi tuyển, rồi đem sức hãn mã lập công từ thời Tiên-đế đến giờ. Ba năm trước đây, chính Thái-hậu ban chỉ thăng chức cho hai vị mà. Thần không hề nâng đỡ hai vị này đến một lần.
      Vương nói lớn:
      - Tiên đế trí lự rộng như trời, như biển. Vì vậy người coi tất cả dân trong Thiên-hạ đều là con đỏ. Chẳng thế mà người biết Yến đại học sĩ vốn là người Việt, người vẫn dùng. Không những dùng, mà con tín cẩn nữa. Khi tuyển Vương, Trần, người biết hai vị là đại cao thủ võ lâm gốc Việt. Người tin dùng đặc biệt. Ý người muốn noi gương vua Quang-Vũ nhà Hán, trọng dụng Nghiêm-tử Lăng, Đào Kỳ, tước phong tới vương. Chính vì lẽ đó, hôm nay mới khiến hai vị trừ quân Việt, Xiêm tới đây kết hiếu.
      Vương chắp tay xá Lưu hậu:
      - Tiên đế biết rất rõ Thái-hậu là người Việt. Người vẫn sủng ái. Hơn nữa sủng ái nhất, phong làm Hoàng-hậu. Khi băng hà người còn để di chiếu trao cho Thái-hậu dự triều chính. Thái-hậu là người Việt, cớ sao lại bỉ thử hai vị Vương, Trần vì cái gốc Việt?
      Vương chỉ Xích-Thập, Lê Đức:
      - Hai tên ma đầu này, tuân lệnh sư phụ là Nhật-Hồ lão nhân sang đây mưu hại Thiên-tử. Với Chu-sa độc chưởng của y, nếu không nhờ phản Chu-sa độc chưởng của hai vị Vương tướng quân, Trần tướng quân, hỏi ai kiềm chế nổi chúng?
      Tôn Đức-Khắc cười nhạt:
      - Hai tên Vương, Trần này chẳng qua là gian tế của phái Đông-a tiềm ẩn trong triều, điều này không ai có thể chổi cãi. Còn hai lão phu, rõ ràng vì Tiên-đế, vì Thái-hậu, suốt bao năm lập công với triều đình, lòng dạ anh em lão phu sáng như trăng rằm. Thế mà nay Thái-sư muốn hại Thái-hậu, nên đổ cho hai lão phu biết bao tội lỗi lên đầu. Bây giờ Thái-sư lại muốn dùng tên đại phản nghịch Ngô-Việt để giết hai lão phu. Tuy nhiên, hai lão phu nào có sợ gì.
      Nói rồi y vẫy Ngô Quảng-Thiên:
      - Tên nghịch tặc kia, lại đây! Lại đây để lĩnh Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.
      Quần thần không ít thì nhiều đều đã nghe nói về bản lĩnh xảo quyệt, gian manh của đệ tử Hồng-thiết giáo. Bây giờ họ mới thấy tận mắt, nghe tận tai. Rõ ràng từ sáng đến giờ hai tên Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc không dấu diếm thân phận ma đầu của mình. Cũng chính chúng tự nhận việc sát hại Sở-vương, Chiêu-Thành thái-tử, cùng các vị hoàng hậu, cung tần. Thế rồi lúc nãy chúng lại đem tình đồng bào Việt ra trách Ngô Quảng-Thiên. Bây giờ chúng trở giọng gọi ông là nghịch tặc, rồi xưng là trung thần.
      Người bịt mặt đi cùng với Ngô Quảng-Thiên chỉ tay vào mặt Tôn Đức-Khắc:
      - Khoan! Không vội. Ta với mi có món nợ lớn. Mi phải trả ta trước đã.
      Hiện trường không biết ông ta là ai. Nhìn kỹ: da hồng mọng như trái táo, nhưng râu tóc bạc như cước, thì biết tuổi lão đã cao. Lão bảo Ngô Quảng-Thiên:
      - Này Ngô lão đệ, lão đệ có biết tên Tôn Đức-Khắc này nợ nần ta ra sao không?
      - Đệ hoàn toàn không biết.
      - Y chính là người đã thu dụng Lê Ba vào Hồng-thiết giáo. Chính y cùng Lê Ba ám hại ta. Ta thành người tàn tật bấy lâu. Vì vậy không thể đích thân trả thù. Ta ngậm đắng nuốt cay tìm một thiếu niên anh tài, truyền hết bản lĩnh cho y, để để diệt chúng.
      Nói rồi lão mở khăn bịt mặt ra. Mọi người đều bật lên tiếng kinh hãi. Bởi mặt lão người không ra người, quỷ không ra quỷ. Mũi lão bị cắt mất, hóa cho nên mặt bằng phẳng. Mắt bên trái mất con ngươi, cả lông mi, lông mày đều không có. Môi trên, môi dưới bị mất một miếng, thành ra miệng trên méo sang trái. Miệng dưới méo sang phải. Má trái có ba thẹo dài như ba cái đũa nổi lên cao theo chiều miệng, mũi ra tai. Má phải có hai thẹo chéo nhau. Song chỗ da còn lại thì đẹp vô cùng. Chứng tỏ xưa kia lão là một mỹ nam tử.
      Tôn Đức-Khắc cười ha hả:
      - Thì ra Phan Nam. Ta tưởng mi nát thây trong thung lũng Thần-đầu. Nào ngờ mi còn sống. Mi sống hay chết cũng thế thôi. Lại đây, lại đây, ta cho mi thưởng thức thêm ít đau khổ nữa. Ta sẽ lấy lưỡi mi, để mi không còn nói được.
      Nghe đến Phan Nam, sứ đoàn cũng như Hoa-sơn tứ lão đều bật lên tiếng kinh ngạc. Bởi ba mươi năm trước, lão là một đạo sĩ thuộc phái Sài-sơn. Võ công, y-thuật của lão cao thâm khôn lường. Lão đi giữa chính, tà. Đối với phái Tiêu-sơn lão kết thân với Vạn-Hạnh thiền sư. Đối với phái Đông-a lão kết thân với chưởng môn Trần Trí-Đức. Đối với Hồng-thiết giáo, lão kết thân với giáo-chủ Nhật-Hồ cùng tả, hữu hộ giáo Chu Bội-Sơn, Đào Tường-Phúc. Lão chính là sư phụ của Hồng-sơn đại phu, tức sư huynh của Lê Ba. Lão hành sự rất kỳ bí như con rồng khi ẩn khi hiện.
      Thế rồi tự nhiên lão mất tích. Lê Ba có vai vế cao nhất trong phái Sài-sơn đứng ra triệu tập môn hộ tôn Hồng-sơn đại phu lên làm chưởng môn. Nào ngờ bây giờ lão xuất hiện, kể tội Tôn Đức-Khắc tức Đào Tường-Phúc hợp với Lê Ba hại lão.
      Thiếu-Mai, Lê Văn đến trước lão quỳ gối:
      - Thái sư phụ.
      Phan-Nam để cho hai người hành lễ, rồi cười:
      - Hai trẻ được lắm. Ta theo dõi hành trạng chị em con từ lâu. Thực không hổ đệ tử của Phù-Đổng Thiên-vương.
      Hai chị em Thiếu-Mai đứng cạnh Phan Nam, hầu hạ lão.
      Phan Nam đeo mặt nạ trở lại, rồi vẫy tay gọi một thị vệ:
      - Người lại đây. Khi dạy võ cho người, ta bắt người tuyên thệ phải giết tên Lê Ba với Đào Tường-Phúc. Hôm đại hội Thăng-long, người đã giết Lê Ba rồi. Bây giờ người giết tên Đào Tường-Phúc cho ta.
      Sứ đoàn cũng như người của Định-vương đều biết tên thị vệ ấy là Trần Thông-Mai rồi. Còn lại không ai biết lý lịch chàng ra sao. Bây giờ thấy chàng ứng lời lão già, ai cũng đều ngạc nhiên.
      Thông-Mai chỉ vào mặt Tôn Đức-Khắc:
      - Tên Đào Tường-Phúc kia. Khi mi bị quan quân nhà Lê truy nã phải ẩn náu ở trang Yến-vĩ sương-sen. Mi tằng tịu với con điếm già Anh-Tần, bị chồng nó là thầy lang họ Trần bắt được. Mi định giết ông ta. Ông ta cầu cứu với ông nội ta. Ông nội ta ra tay trừ diệt ma đầu. Mi bị trúng chiêu Phong-ba hợp bích đến thổ máu miệng, xương ngực bị vỡ, tay trái bị gẫy. Mi lết đến núi Sài-sơn nhờ Lê Ba trị, nhưng y thuật Lê không tới. Sư phụ ta thương tình cứu trị cho mi. Mi thề độc vĩnh viễn rời bỏ Hồng-thiết giáo. Nào ngờ... nào ngờ.
      Thông-Mai dừng lại cho mọi người theo kịp, rồi tiếp:
      - Nào ngờ sau khi khỏi bệnh, mi cùng Lê Ba âm mưu biến phái Sài-sơn thành một nhánh Hồng-thiết giáo. Mi với Lê Ba khuyên sư phụ ta nhập Hồng-thiết giáo. Sư phụ ta không những từ chối, mà còn mắng chửi mi. Thế là đi tới dụng võ. Mi với Lê Ba liên thủ đấu với sư phụ ta. Khi lão nhân gia bị trúng Chu-sa độc chưởng, mi khoét mắt, cắt môi, rạch mặt rồi đem bỏ vào rừng cho thú ăn thịt. Mi đâu ngờ sư phụ ta dùng nội công tự trị bệnh, dùng cây cỏ tự cứu thương. Lão nhân gia âm thầm tìm dịp trả mối hận này. Ta được người thu làm đệ tử, với mục đích giết mi với Lê Ba để đòi nợ. Lê Ba đã đền tội. Hôm nay tới mi.
      Dứt lời chàng vận chiêu Thiên-vương chưởng đánh thẳng vào mặt Tôn Đức-Khắc. Tôn Đức-Khắc thấy chàng còn trẻ, y tỏ vẻ khinh thường. Y phát chiêu chưởng Cửu-chân đỡ. Võ công Cửu-chân thiên về dương cương. Võ công Sài-sơn thuộc âm dương hợp nhất. Hai chưởng gặp nhau phát ra tiếng bùng lớn. Cả hai cùng lảo đảo lui lại.
      Đám võ quan triều Tống đều biết công lực Tôn Đức-Khắc ngang với Tào Lợi-Dụng, hiện trong triều không ai đấu ngang tay được với y. Nay họ thấy Thông-Mai còn trẻ, mà dường như công lực ngang với Tôn, họ đều kinh hãi tự hỏi:
      - Sao đất Việt nhiều nhân tài thế?
      Tôn Đức-Khắc là một thiên tài võ học. Tuổi y lại đi vào bẩy mươi, công lực cao thâm không biết đâu mà lường. Y thấy rõ ràng Thông-Mai dùng võ công Sài-sơn, nhưng dường như nội công lại hơi giống Đông-a. Y chưa biết chàng là con Trần Tự-An, vì vậy y đấu cầm chừng để dò xét.
      Trong thuật chiến tranh Hoa-Việt, thường nói: Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất thù. Nghiã là : Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng. Thông-Mai biết Tôn rất rõ, trong khi y không biết rõ về võ công của chàng. Vì vậy trận đấu kéo dài đến trăm chiêu. Thình lình y lui lại phát chiêu trong Thiết-kình phi chưởng. Trong chưởng có mùi hôi tanh khủng khiếp. Mọi người hô lớn:
      - Coi chừng Chu-sa độc chưởng.
      Thông-Mai đã vận phương pháp phản Chu-sa từ trước. Chàng thản nhiên đỡ. Bộp một tiếng chàng thối lui một bước. Tôn Đức-Khắc thấy chàng trúng một Chu-sa độc chưởng, y đánh liền ba chiêu. Chàng thản nhiên đỡ. Cứ sau mỗi chiêu chàng lùi một bước. Sau khi đánh liền mười chiêu, Tôn Đức-Khắc nhảy lui lại cười gằn:
      - Tên ôn con. Mi trúng liền mười chiêu độc chưởng. Mau mau qùi xuống bái ta làm sư phụ. Ta sẽ ban thuốc giải cho.
      Thông-Mai đưa tay lên nhìn, rồi thình lình chàng thét lớn:
      - Ối! Đau chết đi được.
      Chàng ngồi xuống vận công, chân tay run rẩy. Cả triều Tống đều thất vọng. Họ thấy Thông-Mai còn trẻ, công lực đến chỗ siêu việt, mà bỗng chốc bị trúng Chu-sa độc chưởng, đến vô lực như Tây, Đông-Sơn lão nhân.
      Lê Thiếu-Mai móc trong túi ra viên thuốc trao cho Thông-Mai:
      - Thuốc giải đây. Sư thúc mau nuốt đi.
      Thông-Mai bỏ viên thuốc vào miệng nuốt, rồi vận công. Nhưng chàng lại hét lên:
      - Đau chết đi được.
      Tôn Đức-Khắc cười nhạt:
      - Gã Hồng-Sơn tưởng đâu bắt chước chúng ta chế thuốc giải. Nhưng, độc chưởng Chu-sa ta đã đổi đi rồi. Ngay thuốc của Nhật-Hồ lão nhân cũng vô ích.
      Y nói trong niềm tự đắc:
      - Thiếu niên kia. Người hãy qùy gối bái ta làm sư phụ. Ta hứa sẽ truyền Chu-sa độc chưởng cho người. Người sẽ cùng ta trở về Lưỡng-Quảng lập lại nước Ngô-Việt.
      Thông-Mai run run bò lại trước Tôn Đức-Khắc. Chàng rập đầu:
      - Sư phụ! Đệ tử nguyện qui phục.
      Tôn Đức-Khắc kiêu hãnh nhìn Phan Nam:
      - Tên đui mù kia! Mi thấy chưa? Mi có muốn lĩnh độc chưởng thì lại đây mà lĩnh.
      Đám văn võ quan triều Tống thấy Thông-Mai hèn hạ, đều tỏ vẻ khinh bỉ, không ai muốn nhìn. Tôn Đức-Khắc móc trong túi ra hộp thuốc, y đổ lấy một viên trao cho Thông-Mai:
      - Thuốc đây, người hãy nuốt đi, rồi vận công cho hết đau.
      Thông-Mai bỏ thuốc vào miệng nuốt, rồi ngồi vận công. Phút chốc chàng rùng mình đứng dậy:
      - Đa tạ sư phụ.
      Tôn Đức-Khắc chỉ Tào Lợi-Dụng:
      - Tên họ Tào tiềm ẩn trong triều đã ba đời. Nhưng không rõ y mưu đồ gì? Chính y hại Sở vương, Chiêu-Thành thái tử cùng chư vị hoàng hậu. Bây giờ truyện đổ bể, y đổ cho Hồng-thiết giáo ta. Vậy người hãy khống chế y, bắt y phải khai ra sự thực, hầu minh oan cho Thái-hậu, cho ta với sư thúc Lê Lục-Vũ.
      Thông-Mai vâng một tiếng rồi phát chưởng tấn công Tào Lợi-Dụng. Tào Lợi-Dụng đã biết võ công Thông-Mai. Y phát Huyền-âm chưởng chống lại. Hai chưởng chạm nhau, vèo một tiếng. Cả hai cùng rung động toàn thân. Gờm gờm nhìn nhau.
      Thông-Mai dùng Thiên-vương chưởng, Lợi-Dụng dùng Huyền-âm chưởng. Chàng nghĩ thầm:
      - Trong Lĩnh-Nam vũ kinh nói rõ: Liêu-Đông chưởng là chưởng pháp tối cổ của Trung-quốc. Nhưng nội công lại phát xuất từ nội công Long-biên, tức nội công Lĩnh-Nam. Võ công Cửu-chân khắc chế võ công Trung-nguyên. Nhưng trong võ công Lĩnh-Nam, võ công Tản-viên đứng đầu. Tôn Đức-Khắc dùng võ công Cửu-chân, thắng các cao thủ Trung-nguyên, nhưng đối với Tào Lợi-Dụng lại vô hiệu là thế. Bây giờ ta dùng võ công Tản-viên để thắng y.
      Thuận tay chàng phát chiêu Tứ-ngưu phân thi. Chưởng của chàng chạm vào chưởng Lợi-Dụng. Bình một tiếng, y bị bật lui liền ba bốn bước. Thông-Mai vốn kinh nghiệm chiến đấu, chàng đánh liền chiêu Thanh-ngưu ư hà, rồi chuyển sang chiêu Ngưu thực ư dã.
      Không ai hiểu tại sao chàng lại biết xử dụng Phục-ngưu thần chưởng tinh vi như vậy, ngoài Ngô Quảng-Thiên với Bảo-Hòa.
      Ngày nọ, chàng vào hầm đá, chép hết bộ Lĩnh-Nam võ kinh. Thấy Phục-ngưu chưởng tinh diệu, chàng luyện thử, nhưng không kết quả, vì thiếu mật ngữ. Từ hôm sang Trung-nguyên, đi cạnh Bảo-Hòa. Bảo-Hòa khuyên chàng luyện Phục-ngưu chưởng, rồi đọc mật ngữ cho chàng. Không khó nhọc, chàng luyện thành.
      Thông-Mai đánh đến chiêu thứ bốn mươi, thì Lợi-Dụng chỉ còn thở hồng hộc. Chàng chập hai tay vào nhau, rồi hô lớn:
      - Xin anh linh Sở vương, Chiêu-Thành thái tử cùng chư vị hoàng hậu nhìn tên gian thần đền tội.
      Chàng dáng xuống một chưởng như sét nổ. Lợi-Dụng lật ngửa hai bàn tay lên đỡ. Bộp một tiếng, bốn chưởng dính vào nhau. Thế là hai người đấu nội lực.
      Nội lực của Thông-Mai là nội lực Đông-a. Sau chàng luyện thêm nội lực Sài-sơn. Hai nội lực không dung hòa được với nhau. Vì vậy trong trận Lộc-hà chàng thua Lê Ba, thân mẫu chàng phải xuất hiện, hy sinh tính mệnh cứu con. Sau khi giết Lê Ba, phụ thân chàng giúp chàng phép hợp nhất hai nội lực, cùng dạy chàng phản Chu-sa độc chưởng. Cho nên nay nội công chàng không thua phụ thân làm bao.
      Tuy nhiên nội lực Tào Lợi-Dụng đã đến độ bậc nhất Trung-nguyên. Vì vậy khoảng ăn xong bữa cơm, hai người vẫn đứng im, bất động. Lát sau trên đầu hai người đều bốc lên một làn hơi trắng mờ mờ.
      Bảo-Hòa đứng ngoài nói một câu bâng quơ:
      - Lĩnh-Nam chỉ pháp.
      Thông-Mai chợt tỉnh ngộ, chàng đưa tay trái ra, ngón chỏ chĩa thẳng vào mắt Tào Lợi-Dụng. Nhưng khí lực chàng dồn hết vào tay phải, thành ra tay trái vô lực. Khó nhọc lắm tay trái chàng mới hướng được vào mặt Tào. Tào Lợi-Dụng kinh hoảng, y định đưa tay trái lên gạt tay Thông-Mai, mà vô lực.
      Ngón tay Thông-Mai cứ mỗi lúc một gần mắt Tào. Kinh hãi quá, chân khí Tào hỗn loạn, y bật lùi lại một bước, rồi miệng phun máu vào mặt Thông-Mai. Thông-Mai né đầu tránh khỏi, nhưng má trái chàng cũng bị mấy giọt trúng phải. Chàng tung một chưởng vào ngực Tào. Người Tào bay bổng lên cao, rồi rơi xuống. Y quằn quại mấy cái, rồi không ngồi dậy được nữa.
      Thông-Mai ngồi xuống vận công.
      Ba người con Sở vương chạy ra trói Tào lại.
      Lát sau Thông-Mai đứng dậy, đưa hai tay ra: Bàn tay chàng tím bầm. Chàng nói với Tôn Đức-Khắc:
      - Sư phụ, đệ tử bị trúng Huyền-âm độc tố. Xin sư phụ dùng Thần-công chu-sa hút chất độc cứu đệ tử.
      Tôn Đức-Khắc cười ha hả:
      - Hài nhi, người đừng sợ. Cái thứ Huyền-âm độc tố này ta đâu có coi ra gì.
      Tôn Đức-Khắc, đưa mắt cho Lê Lục-Vũ, rồi cả hai tiến tới. Mỗi người
      cầm một bàn tay chàng để vào ngực, hút chất độc. Cả hai cười lớn, nói với mọi người:
      - Chúng ta được Nhật-Hồ lão nhân ưu ái truyền Hồng-thiết tâm pháp, nhưng vì nội lực chúng ta thuộc Cửu-chân, Khúc-giang. Trong khi nội lực Hồng-thiết không đủ, nên chưa thể hút độc tố như lão nhân gia, mà chỉ có thể tự giải Chu-sa độc chưởng. Tuy nhiên chúng ta tự luyện thành, bằng cách hai người liên thủ cũng kết quả như lão.
      Lê Lục-Vũ cười khành khạch:
      - Những ai hiện diện tại đây mà bị trúng Chu-sa độc chưởng, nếu chịu qui phục Hồng-thiết giáo, cũng sẽ được trục hết độc tố như đệ tử của Tôn huynh đây.
      Mặt y dương dương tự đắc.
      Triều thần Tống thấy thái độ hiên ngang của Thông-Mai lúc đầu đều tỏ vẻ khâm phục. Song sau khi thấy chàng trúng Chu-sa độc chưởng, hèn nhát lạy đối thủ tôn làm sư phụ thì khinh rẻ ra mặt. Bây giờ họ thấy chàng bị trúng Huyền-âm độc chưởng, rồi phải nhờ chúng hút độc tố cho, tất cả đều chán ngấy, buông lời nguyền rủa:
      - Đồ hèn hạ.
      Nghe tiếng nguyền rủa, Thông-Mai lạnh lùng cười nhạt. Hai lão Tôn, Lê vẫn tiếp tục hút độc tố cho chàng.
      Thình lình cả Tôn, Lê thét lên, rồi cùng nhảy lùi trở lại sau mấy bước, hai tay ôm lấy bụng, mặt nhăn nhó tỏ ra cực kỳ đau đớn. Cả hai hét lên chỉ vào mặt Thông-Mai:
      - Đồ hèn hạ! Đồ lưu manh. Đồ xảo trá.
      Thông-Mai cười khành khạch:
      - Hai đại ma đầu. Bây giờ mi phải lạy ta, tôn ta làm sư phụ, hay ta phải lạy mi đây?
      Chàng nói với Phan Nam:
      - Sư phụ! Tuân lệnh sư phụ, đệ tử đã dùng gậy ông đập lưng ông với hai tên ma đầu, rửa hận ba mươi năm cho sư phụ.
      Chàng xòe tay ra cho mọi người xem. Trong kẽ ngón tay chàng có hai viên thuốc. Chính là viên thuốc Thiếu-Mai với Tôn Đức-Khắc trao cho. Chàng chỉ vào mặt Tôn, Lê nói:
      - Bọn mi bị ta dùng trí đả bại, chắc không hiểu tại sao. Như vậy khi chết đi vẫn còn ấm ức. Để ta nói cho bọn mi biết.
      Chàng nghiêm mặt lại:
      - Chính Hồng-thiết kinh đã giúp ta thắng bọn mi. Hồng-thiết kinh chẳng tự hào về xảo quyệt, lật lường đó sao? Hai người tụng hàng ngàn, hàng vạn lần Hồng-thiết kinh, nổi tiếng ma đầu bậc nhì thiên hạ, mà bị ta dùng gậy ông đập lưng ông đến thân tàn ma dại.
      Chàng cười rung động cả không gian lên:
      - Bọn mi phải biết rằng, sư phụ ta ngậm đắng nuốt cay, để chờ ngày giết hai mi, cùng tên Lê Ba, người ban lệnh cho ta phải chính tay giết bọn mi. Ta còn trẻ, công lực có hạn, trong khi công lực bọn mi đạt tới chỗ tối cao, làm sao ta giết bọn mi một lúc cho nổi? Cho nên ta phải dùng trí.
      Chàng xòe bàn tay ra trước mặt Tôn Đức-Khắc:
      - Ta là con trai lớn của Côi-sơn đại hiệp. Bố ta chế ra phản Chu-sa độc chưởng. Điều này khắp thiên hạ đều hay. Ta biết mi học Hồng-thiết tâm pháp, mà luyện chưa thành, khi muốn trị độc cho ai, phải dùng trung Đơn-điền mới hút được. Cho nên khi đấu với mi, ta dùng võ công Đông-a ắt mi đề phòng. Vả dùng võ công Đông-a thắng mi, thì phụ lòng sư môn. Mi nhớ chứ, ta dùng Thiên-vương chưởng, cho mi không đề phòng, rồi khi mi vận độc công, ta vận phản Chu-sa độc chưởng.
      Chàng ngừng lại cười rung động cả quảng trường, rồi tiếp:
      - Cứ mỗi chiêu mi đánh ra, ta đẩy độc tố trở lại người mi. Đúng ra ta đẩy mạnh thêm một chút, ắt mi đau đớn như hai tên Đỗ Xích-Thập, Lê Đức kia rồi. Ta chỉ đẩy sao cho độc chất tới vai mi thôi, rồi giả trúng độc, rên rỉ. Quả nhiên sự việc đúng như ta tiên liệu. Mi trúng kế. Ta vờ lạy, tôn mi làm sư phụ, khống chế tên Tào Lợi-Dụng cho mi. Khi đấu chưởng với Tào, ta vờ bị trúng độc. Bọn mi huênh hoang ra cái điều trị khỏi độc tố cho ta, để kéo những người quanh đây theo bọn mi. Ta chỉ đợi có thế, đẩy chất độc Huyền-âm vào Nhâm-mạch bọn mi. Bây giờ trong cơ thể bọn mi, vừa có độc tố Huyền-âm, vừa có độc tố Chu-sa, không còn ai có thể trị cho mi được nữa.
      Nói dứt, chàng đến trước Phan Nam quỳ gối rập đầu:
      - Sư phụ! Đệ tử đã khống chế hai tên đại ma đầu. Xin sư phụ phát lạc chúng.
      Phan Nam hướng vào mọi người:
      - Nếu lão phu giết chết hai tên này, có ai phản đối chăng?
      Một thí sinh ứng tuyển phò mã bước ra:
      - Tôi phản đối.
      Mọi người nhìn lại thì ra Triệu Tiết.
      Triệu Tiết vốn là sư huynh công chúa Huệ-Nhu. Suốt mấy năm qua, y thầm yêu trộm nhớ nàng. Vì vậy y luôn săn đón bên cạnh. Nhưng Huệ-Nhu không hề chú ý đến y. Nàng coi y như các sư huynh, sư đệ khác. Trong trận Tản-lĩnh, Tiết bị Tự-Mai đánh cho thập tử nhất sinh. Đau đớn hơn nữa, Huệ-Nhu lại có tình với Tự-Mai.
      Khi về Trung-nguyên, y tự an ủi rằng Tự-Mai ở bên Đại-Việt, muôn ngàn lần Huệ-Nhu không thể làm vợ y được. Mối hy vọng của y gần như hình thành, khi Lưu hậu mở võ đài tuyển phò mã. Y nhờ Địch Thanh giúp sức bằng cách thắng các anh hùng thiên hạ, rồi cuối cùng trong trận đấu với y, Địch vờ xẩy tay thua. Kế hoạch định xong, thì Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn lại xuất hiện, rồi Huệ-Nhu được đặc cách gả cho Tự-Mai.
      Tuy Tiết vừa được Thiệu-Thái trị Chu-sa độc phấn cho. Nhưng lòng ghen tương làm lương tri mờ đi. Y thấy Thông-Mai là anh Tự-Mai, võ công vô địch, hạ luôn một lúc ba đối đầu ghê ghớm của triều đình. Y bước ra vái chàng:
      - Trần đại hiệp. Tiểu bối Triệu Tiết, đệ tử phái Hoa-sơn xin được hỏi đại hiệp mấy câu. Không biết đại hiệp có chịu trả lời cho không?
      Thông-Mai đã biết rõ uẩn khúc vụ Triệu Tiết, Huệ-Nhu. Chàng thản nhiên như không biết:
      - Triệu huynh đệ hỏi đây là nhân danh triều đình? Hay nhân danh phái Hoa-sơn?
      - Tiểu bối nhân danh con dân Đại-Tống mà thôi.
      - Xin huynh đệ cứ hỏi.
      - Đại hiệp đến Trung-nguyên không có phép của biên cương đại thần. Như vậy rõ ràng tiền bối khinh thị luật lệ Đại-Tống, coi Trung-nguyên không người. Chắc trong lòng tiền bối nghĩ: Ta có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất, ta muốn đi là đi, muốn ở là ở, việc gì phải xin phép bọn biên thần? Đó phải chăng là võ đạo Đại-Việt?
      Nó đưa mắt nhìn triều thần, thấy các quan như có vẻ đồng ý với nó. Nó tiếp:
      - Lại nữa, vụ án Hành-Nam, mấy trăm mạng bị giết, cả đến chó mèo, gà vịt cũng không tha. Người ta nói cũng do tiền bối ra tay. Tiền bối ơi! Dù chúng là dư đảng bang Nhật-hồ, đáng lý tiền bối phải cáo quan bắt chúng. Nhưng đây tiền bối giết như chà kiến cỏ. Đó phải chăng là võ đạo Đại-Việt?
      Thấy mọi người lắng nghe, nó dõng dạc:
      - Quan chức bản triều định rằng Thị-vệ thuộc hàng tam phẩm. Tam phẩm không phải dễ gì mà trèo lên được. Thế mà tiền bối hiên ngang mặc y phục Thị-vệ. Như vậy rõ ràng tiền bối không coi phép nước tôi ra gì? Đó phải chăng là võ đạo Đại-Việt? Xin tiền bối trả lời cho.
      Tuy cùng là con của Côi-sơn đại hiệp, tính tình ngang tàng, trên đầu không có ai. Nhưng Thanh-Mai, Tự-Mai theo bổn sư Tịnh-Huyền lâu năm, thâm nhiễm Phật-giáo, vì vậy hai chị em hành xử mọi việc đều uyển chuyển. Còn Thông-Mai, vì biến cố gia đình, chàng phải ra đi trong niềm bi phẫn, lại gặp sư phụ Phan Nam chứa chất hận thù. Vì vậy tính tình chàng cứng ngắt. Nghe Triệu Tiết hạch hỏi, chàng nghĩ rất nhanh:
      - Những điều tên ôn con này hạch ta, thực đúng không sai chút nào. Hẳn có người dùng Lăng-không truyền ngữ mớm nó đây. Ta nhất định không chịu hèn. Ta nhận cho chúng nể mặt.
      Chàng nói lớn:
      - Trần mỗ là con nhà hiệp nghĩa, thấy bọn ma đầu hại dân, thì bất cứ giá nào cũng phải giết. Khi ở Đại-Việt, mỗ nghe tin bang Nhật-hồ, Trường-giang giết hại lương dân, mỗ chẳng cần biết luật lệ cho phép hay không, mỗ vượt biên sang chinh phục chúng. Nếu Tống triều cho rằng mỗ có tội, thì mỗ chịu. Vả xưa nay, võ lâm hành hiệp tức thế thiên hành đạo, những gì là nguyên tắc, luật lệ lôi thôi, quẳng mẹ nó vào thùng rác cho rồi.
      Chàng cười nhạt:
      - Sau khi bang Nhật-hồ hồi tỉnh lương tri, biến thành bang Hoàng-đế. Bang Trường-giang qui thuận triều đình. Ai cũng tưởng ác qủi Hồng-thiết tuyệt chủng. Nào ngờ dư đảng còn hoành hành ở Hành-Nam. Điều này làm mỗ suy nghĩ: Không chừng còn nhiều ma đầu luyến tiếc thời giết người, hại dân, tiếp tục tác ác. Vậy cần phải làm theo Khổng-tử.
      Triệu Tiết hỏi:
      - Tiền bối giết người không gớm tay thì tự mình nhận đi. Đừng đem bậc chí thánh, chí nhân ra làm bia che búa rìu dư luận nữa.
      Thông-Mai nổi máu ngang tàng, chàng hừ một tiếng:
      - Mỗ hành sự quang minh chính đại, sợ đếch gì dư luận của bọn ngu phu ngu phụ. Bạn nhỏ, bạn có biết khi Khổng-tử cầm quyền ba ngày, ngài giết gian thần Thiều Chính-Mão. Đệ tử hỏi: Thầy là bậc chí nhân, sao lại giết người?. Ngài trả lời: Sát nhất nhân vạn nhân cụ, nghĩa là giết một kẻ gian, vạn kẻ gian sợ. Cho nên mỗ giết dư đảng Nhật-hồ ở Hành-Nam, khiến cho vạn dư đảng khác sợ. Ai muốn trả thù cho chúng thì cứ tìm mỗ. Mỗ đi không đổi họ, ở chẳng thay tên. Mỗ là Trần Thông-Mai, đệ tử phái Sài-sơn thuộc nước Đại-Việt.
      Chàng móc trong túi ra cái thẻ bài:
      - Khi mỗ đến Biện-kinh, nghe tin dư đảng Hồng-thiết giáo Đại-Việt hợp với dư đảng bang Nhật-hồ Trung-nguyên, mưu tổ chức cuộc tạo phản. Mỗ tìm gặp Thái-sư trình bầy cho người rõ. Không ngờ người cũng biết hết chi tiết, và ra tay trước rồi. Người nhờ mỗ khuất thân đóng vai Thị-vệ, để âm thầm hộ giá hoàng-đế. Vì vậy huynh đệ bảo mỗ giả Thị-vệ là vô phép. Khi mỗ cần hộ giá hoàng-đế, dù mỗ có mặc phẩm phục của Tể-tướng cũng cứ được đi, xá gì cái phẩm phục Thị-vệ.
      Triệu Tiết thấy Thông-Mai nói ngang cành bứa, nó đành im lặng.
      Quách Quỳ thấy Triệu Tiết vấn nạn Thông-Mai, nó cũng bước ra hỏi:
      - Trần đại hiệp, tiểu bối Quách Quỳ xin đại hiệp trả lời cho mấy câu.
      - Huynh đệ cứ hỏi.
      - Tiền bối coi bọn Hồng-thiết giáo là ma, là quỷ. Thế mà vừa rồi tiền bối quỳ gối bái lạy Tôn Đức-Khắc làm sư phụ. Dù là mưu kế, nhưng lễ bái sư đã có. Như vậy y cũng thành sư phụ tiền bối rồi. Vừa bái sư xong, tiền bối lại phản sư môn, như thế là chính nhân quân tử ư?
      Thông-Mai chỉ xuống sân:
      - Huynh đệ là người Tống. Tống dùng Nho làm chủ đạo. Nho mới nói đến chính nhân quân tử. Còn mỗ, mỗ là người Việt. Chủ đạo của tộc Việt lấy thiện nhân, lấy tương thân, tương thuận ăn ở với nhau. Tuy sau này Phật, Nho có truyền vào Đại-Việt, những cũng biến thành Nho-Việt, Phật-Việt. Vì vậy mỗ đếch cần biết cái gì là chính nhân quân tử của Nho. Mỗ chỉ biết hành xử sao cho đúng với thiện nhân là được rồi. Người hãy coi, kìa là chỗ mỗ quỳ gối lạy ma đầu. Người có thấy khi mỗ lạy, chân mỗ viết chữ bất nghĩa là không đúng. Như vậy lễ bái sư coi như vô hiệu.
      Mọi người nhìn xuống sân, quả có chữ bất rất lớn.
      Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ đã được Thanh-Mai điểm huyệt khiến thân thể cứng đơ. Tuy nhiên chúng vẫn tỉnh táo, nói năng được. Tôn Đức-Khắc nói với Phan Nam:
      - Ta tưởng mi đào tạo được tên học trò siêu quần, thoát chúng thế nào, hóa ra chỉ là tên tiểu tử giáo hoạt. Ta tuy bại, nhưng không phục.
      Dù sao Phan Nam cũng là đại tôn sư võ học, nổi danh y đạo, võ đạo một thời. Ông bảo Thông-Mai:
      - Con hãy giải huyệt cho chúng, để chính tay con dùng võ công giết chúng.
      Thình lình có tiếng nói rất lớn:
      - Ôi! Đối với bọn đại ma đầu Hồng-thiết, bàn tay đẫm máu hàng trăm vạn người, mà cũng đạo đức với chúng ư? Giết con bà chúng đi cho rồi, cần gì phải đòi chúng phục hay không phục. Không lẽ khi giết con chó điên cũng hỏi nó có phục không, rồi mới giết hay sao? Vương gia, chúng ta xuất hiện thôi.
      Thấp thoáng, ba người từ bụi hoa gần đó xuất hiện. Một người mặc phẩm phục vương tước Tống triều, hai người mặc y phục nông dân Đại-Việt: Một người đầu chít khăn, quần áo nâu. Một người quần áo xanh đầu đội mũ vải. Cả hai nông dân đeo mặt nạ da người.
      Thiên-Thánh hoàng đế hướng người mặc phẩm phục vương tước, bật lên tiếng kêu:
      - Bá phụ.
      Định-vương gọi lớn:
      - Đại huynh.
      Duẫn-Thăng, Duẫn-Tín, Duẫn-Thành chạy lại quỳ gối:
      - Phụ vương.
      Thì ra người mặc phẩm phục vương tước là Sở-vương.
      Thanh-Mai, Thiệu-Thái, Bảo-Hòa, Mỹ-Linh đều đưa mắt nhìn Sở-vương. Cả bốn cùng dụi mắt, tưởng mình nằm mơ, vì Sở-vương chính là hòa thượng Thượng-Quán có biệt tài trồng hoa ở chùa Sơn-tĩnh. Hồi đại hội tế Lệ-hải Bà-vương xong, bốn người theo đại sư Huệ-Sinh lên chùa Sơn-Tĩnh, đã thấy ông đang trồng hoa. Nào ngờ ông lại là Sở-vương cao quý vô cùng của triều Tống.
      Mỹ-Linh chắp tay hành lễ:
      - A-Di Đà-Phật ! Thì ra đại sư nguyên là hoàng thúc tước phong Sở-vương sao? Đại sư không làm hòa thượng nữa ư?
      Sở-vương chỉ vào Phan Nam:
      - A-Di Đà-Phật ! Cô gia bị bọn Nhật-hồ ám hại, nên phải mượn người thế thân nằm trong màn giả bệnh. Còn chính mình ngậm đắng nuốt cay mười năm qua, bỏ Tống sang Đại-Việt tìm đại y sư Hồng-Sơn trị bệnh. Hồng-Sơn đại phu sợ cô gia ở trong Vạn-thảo sơn trang e bị lộ hình tích, sẽ nguy đến tính mệnh. Người nhờ vị tiền bối đây trị cho cô gia. Để che mắt bọn Nguyên-Hạnh, cô gia thế phát quy y rồi xin thọ giới sa di. Sau khi khỏi bệnh, cô gia xin các vị chủ trì công đạo, tiêu diệt bọn ma quỷ trong hoàng cung.
      Ông cười với Mỹ-Linh như cười với con cháu:
      - Công chúa! Hồi giỗ Lệ-hải Bà-vương cũng là ngày bần tăng khỏi bệnh, rồi gặp công chúa trên chùa Sơn-tĩnh.
      Sở-vương đến trước Hoàng-đế vái một vái:
      - Hoàng thượng! Xin Hoàng-thượng ân xá cho thần tội giả chết. Nếu thần không giả chết thì không thể qua mặt được bọn ma đầu Hồng-thiết giáo.
      Những biến chuyển xẩy ra dồn dập, nhà vua từ kinh ngạc này, đến kinh ngạc khác. Ông không ngờ Sở-vương, Định-vương âm thầm tổ chức cuộc diệt phe đảng Lưu hậu cẩn thận, chi tiết đến thế: Một người giả chết, một người giả đi sứ, nhưng đều đến Đại-Việt tìm hậu thuẫn bảo vệ sự nghiệp tổ tiên. Hoàng-đế đáp lễ:
      - Hoàng bá còn tại thế, thực... hạnh phúc cho triều đình.
      Sớ-vương chỉ tay vào mặt Lưu hậu:
      - Con ma nữ này an trí không biết bao nhiêu người trong phủ thần. Khi thần điều tra ra manh mối kẻ ám hại mình, cùng Chiêu-Thành thái tử, chư vị hoàng hậu, con ma nữ này biết hết. Y thị sai người trộn thuốc độc mưu giết thần.
      Vương chỉ vào một người bịt mặt mặc áo xanh:
      - Giữa lúc đó, vị này xuất hiện, âm thầm cứu thần khỏi chết. Thần mới tương kế tựu kế giả liệt dường, để con ma nữ này yên tâm. Trong bóng tối thần sang Đại-Việt. Mới đây thần trở về Trung-thổ cùng với Định-vương, Khai-Quốc vương bàn tính phương lược diệt tụi Nhật-hồ.
      Người bịt mặt áo xanh hỏi người bịt mặt áo nâu:
      - Đại huynh nghĩ mình có nên đường đường chính chính dùng võ công giết bọn này chăng?
      Người áo nâu cau mặt:
      - Huynh nói lạ! Huynh thử nghĩ xem, chúng có còn tư cách của cầm thú không mà dùng võ đạo với chúng. Tội chúng quá nặng nề. Đệ nghĩ, chẳng nên giết chúng. Giết chúng. Giết chúng mau chóng, chẳmg hóa ra giải thoát cho chúng ư?
      - Vậy huynh nghĩ xem nên xử chúng như thế nào?
      Hiện diện có gần nghìn văn võ Tống triều cùng sứ đoàn. Họ thấy Phan Nam, Ngô Quảng-Thiên, Thông-Mai đã ngang tàng, coi họ như không có. Họ đã lấy làm khó chịu. Bây giờ hai ông này còn ngang tàng hơn. Hai ông coi như không biết tới Hoàng-đế. Hơn nữa, ngay tại Hoàng-thành, mà bàn nhau xử tội nhân, như vậy còn trời đất nào nữa?
      - Đệ có cách.
      Người bịt mặt áo nâu nói với Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản:
      - Nếu ta giết người trong khi người bị điểm huyệt, thì e có kẻ bất phục. Vậy ta sẽ giải khai huyệt đạo, và đánh người ba chưởng. Sau ba chưởng, dù người chết hay sống, cũng được ân xá.
      Ông hất hàm cho Thanh-Mai:
      - Giải huyệt chúng.
      Thanh-Mai líu ríu tiến đến vỗ lên đầu Sử-vạn, Khiếu. Hai người rùng mình đứng dậy. Người áo nâu hất hàm nói với Sử-vạn:
      - Người xuất chiêu đi.
      Sử-vạn Na-vượng đưa mắt cho Khiếu Tam Bản, rồi cả hai cùng hít hơi vận đủ mười thành công lực đánh vào người áo nâu. Chưởng phong trầm trọng, mùi hôi tanh nồng nặc bốc ra. Mọi người đều bị bật lui lại sau.
      Người áo nâu hít hơi đẩy ra một chưởng hướng Sử-vạn Na-vượng. Chưởng của y đổi chiều đánh vào chưởng của Khiếu Tam Bản. Bình một tiếng. Sử-vạn, Khiếu đồng bật lui liền bồn bước. Khí huyết đảo lộn, tai phát ra tiếng kêu o o không ngừng.
      Người áo nâu tiếp:
      - Một chiêu. Còn hai chiêu nữa.
      Sử-vạn, Khiếu nhìn nhau, mỗi người cùng rút trong bọc ra hai thanh nga mi kiếm. Chúng quát lên, rồi hướng người áo nâu bổ xuống. Người áo nâu chìa ngón tay ra. Bốn chỉ veo, veo khiến bốn thanh nga mi kiếm cùng vuột tay chúng bay lên cao. Trong khi đó ông phát hai chưởng. Chưởng phong như sét nổ, khiến cây, cỏ, hoa xung quanh bị áp lực bật rễ bay tung lên cao. Những người hiện diện đều muốn nổ tung lồng ngực.
      Sử-vạn, Khiếu vội phát hai chưởng chống lại. Bình, bình, hai người bay tung lên cao. Nhanh như chớp người áo nâu hướng tay lên không móc một cái, bốn thanh nga mi kiếm rơi vào tay ông. Ông bắt lấy, rồi quay tay một cái, bốn thanh kiếm hướng Sử-vạn, Khiếu đang chơi vơi trên không. Hai tên bị kiếm tiện đứt chân. Chúng kêu thét lên như con lợn bị chọc tiết.
      Trong khi người Sử-vạn, Khiếu còn quay tròn trên không. Người áo nâu vọt lên cao, bắt lấy bốn thanh kiếm. Ánh kiếm lóe lên, bốn tay của Sử-vạn, Khiếu lại bị tiện đứt. Đến đây chúng vẫn chưa rơi xuống đất. Ông vung tay một cái, thân xác chúng lại bị tung lên cao. Ông chĩa hai ngón tay, bốn chỉ phát ra êm đềm hướng đầu Sử-vạn, Khiếu.
      Hai ma đầu rơi xuống đất như hai khúc gỗ: Chân, tay đã bị tiện đứt. Con ngươi mắt lòi ra ngoài. Máu trên người chúng chảy ra xối xả.
      Nhanh nhẹn, Thiếu-Mai, Lê Văn lạng người tới điểm vào các yếu huyệt cầm máu cho Sử-vạn, Khiếu, rồi băng bó chân, tay cho chúng. Trong khi chúng la hét thảm thiết.
      Thiếu-Mai móc trong bọc ra hộp thuốc trao cho Vương-Văn:
      - Đại tướng quân. Tôi đã điểm huyệt trấn thống, cầm máu, cùng băng vết thương cho chúng. Tuy nhiên phương pháp điểm huyệt chỉ có hiệu lực hai giờ. Sau hai giờ chúng sẽ đau đớn vô cùng. Đây là thuốc trấn thống, xin đại tướng quân cho chúng uống. Sáng, trưa, chiều, mỗi lần hai viên. Sau năm ngày, vết thương sẽ lành, không sợ chúng chết nữa.
      Người mặc áo nâu nói lớn:
      - Hai ma đầu. Từ nay người bị mù mắt, què chân, cụt tay sống như thú vật. Như vậy để bọn mi có thời giờ sám hối. Bây giờ bọn mi mới thấy cái đau đớn, khốn khổ của hàng vạn người bị bọn mi hành hạ dở sống, dở chết.
      Ông chỉ vào Tôn, Lê hỏi người bịt mặt áo xanh:
      - Hai tên này huynh tính sao?
      Người mặc áo xanh chưa kịp trả lời thì Phan Nam đã nói:
      - Phái Sài-sơn ta nổi danh y học. Vậy hãy dùng thuốc mà trị chúng.
      Lạ thay, người áo xanh ngang tàng là vậy, mà líu ríu tuân theo lệnh Phan-Nam. Ông nói với Tôn Đức-Khắc:
      - Ta cũng đánh mi ba chiêu. Nếu sau ba chiêu mà mi vô sự, ta tha cho mi rời khỏi đây.
      Ông hất hàm ra lệnh cho Lê Văn. Lê Văn tiến tới vỗ vào huyệt Đại-trùy giải khai huyệt đạo cho Tôn Đức-Khắc. Y rùng mình một cái, rồi vọt mình đứng dậy. Người áo xanh nói:
      - Ta phát chiêu thứ nhất đây.
      Ông vung tay. Mọi người nhận ra đó là chiêu Lôi đả ân-tặc thuộc Thiên-vương chưởng của phái Sài-sơn. Ai cũng ngạc nhiên sao chiêu này không lấy gì làm dũng mãnh cho lắm.
      Tôn Đức-Khắc vận một chiêu chưởng Cửu-chân tên Loa-thành nguyệt chiếu đỡ. Chưởng phong cực kỳ trầm trọng. Ai cũng nhận ra chưởng của y mạnh hơn chưởng của Sử-vạn nhiều. Xùy một tiếng, hai chưởng gặp nhau. Người mặc áo xanh lùi một bước. Còn Tôn tiến lên một bước.
      Người mặc áo xanh đếm:
      - Một chiêu.
      Tôn Đức-Khắc thấy người mặc áo xanh dùng một thứ nội công âm nhu phát Thiên-vương chưởng, dường như không làm gì được mình. Y phấn khởi phát chiêu thứ nhì. Chiêu này y vận Chu-sa độc. Người kia lại phát chiêu Thiên-vương chưởng bằng âm kình. Xùy một tiếng, ông lại lùi hai bước, trong khi Tôn tiến lên hai bước. Người mặc áo xanh đếm:
      - Hai chiêu. Còn một chiêu nữa.
      Tôn Đức-Khắc thấp thỏm mừng thầm. Y phát chiêu thứ ba vẫn là võ công Cửu-chân. Người áo xanh vẫn xuất chiêu Thiên-vương chưởng đỡ. Xùy một tiếng. Tôn Đức-Khắc tiến lên ba bước, trong khi người mặc áo xanh lùi ba bước. Ông đếm:
      - Ba chiêu. Người có thể rời khỏi đây được rồi.
      Tôn Đức-Khắc cười ha hả một tràng dài. Y hỏi người áo xanh:
      - Người là ai?
      Người áo xanh lắc đầu không trả lời. Tôn Đức-Khắc nói lớn:
      - Có còn ai muốn lĩnh Chu-sa độc chưởng của ta không? Bằng không ta đi đây.
      Chưa ai kịp trả lời, thì y đưa tay lên dụi mắt, rồi xòe bàn tay ra nhìn vào, rồi lại đưa tay lên dụi mắt.
      Thông-Mai cười nhạt:
      - Mi mù rồi.
      Tôn Đức-Khắc kinh ngạc:
      - Ta mù ư?
      Thông-Mai cười lớn:
      - Mi ngu quá đi. Trong thời gian ngồi ở núi Thần-đầu luyện công trị thương. Sư phụ ta đã chế ra nội công âm nhu, rồi dùng nội công đó luyện Thiên-vương chưởng với dược liệu. Chưởng này có thể đẩy thuốc bổ vào người ta mà trị bệnh, nhưng cũng có thể dùng để trị tội bọn ác bá như mi.
      Chàng vẫn cười:
      - Vừa rồi sư huynh ta đánh chiêu thứ nhất, đã dùng thần công âm nhu đẩy Ma-hoàng, Quế-chi, Xuyên-khung vào Túc-dương-minh vị kinh. Mà kinh này chạy qua mắt. Do vậy mắt mi bị ba dược vị đó phá tan các mạch máu. Mi trở thành mù rồi.
      Ai nghe Thông-Mai nói cũng rùng mình kinh khủng.
      Đến đó Tôn Đức-Khắc ngã ngồi xuống. Hai tay rũ ra như người vô lực. Thông-Mai tiếp:
      - Chiêu thứ nhì, sư huynh ta đẩy vào kinh Thủ-thái-dương của mi bốn viên Hủ-cân phá cốt hoàn. Loại thuốc này cũng do sư phụ ta nghiên cứu chế đặc biệt dành cho mi. Sau khi thuốc vào người mi, một khắc sau gân cốt chân tay hóa ra mềm xèo. Mi không què cụt, mà cũng giống như què cụt.
      Mọi người hướng Phan Nam lấm lét nhìn lão, trong lòng nghĩ thầm:
      - Lão này nghĩ ra biện pháp trả thù quá kinh khủng. Thực tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả.
      Thông-Mai tiếp:
      - Mi biết chiêu thứ ba sư huynh ta làm gì mi không? Người đẩy vào Nhâm-mạch mi ít bột Hủ-mạch-tán. Nhâm mạch thông qua lưỡi. Vì vậy lát nữa đây lưỡi mi sẽ cứng như miếng da khô, mi không nói được nữa. Mi sẽ thành tên câm, mù, què.
      Chàng dõng dạc:
      - Mi sống như cục gỗ. Đúng ra sư huynh ta định dồn thuốc cho mi điếc nữa. Nhưng sư phụ ta muốn để tai mi còn, hầu hằng ngày nghe được những lời thống mạ của thiên hạ.
      Đến đó Tôn Đức-Khắc ú ớ trong miệng, chứng tỏ y câm.
      Người áo nâu chỉ tên Lê Lục-Vũ nói với Ngô-Quảng-Thiên:
      - Ngô tiền bối. Tên này để tiền bối phát lạc.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2005 04:25:49 bởi NuHiepDeThuong >
      #3
        CDDLT 20.01.2005 18:08:25 (permalink)
        Hồi thứ một trăm mười chín


        Lục tổ Huệ Năng



        Ngô Quảng-Thiên vẫy Tôn Đản:
        - Đản nhi. Người nghĩ sao?
        - Theo con, bố nên mang tên này về Khúc-giang, ta đóng cũi rồi đem đi khắp chợ cho dân chúng phỉ nhổ hơn là cho y tàn tật hay chết. Tội y cao như núi, mà cho y chết mau chóng, chẳng hóa ra ban phúc cho y ư?
        Ngô Quảng-Thiên cười dòn:
        - Người hay thực.
        Ông túm cổ áo Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc rồi đưa mắt ra hiệu cho Thông-Mai, Bảo-Hòa:
        - Tiên cô! Trần thiếu hiệp! Ra tay đi, rồi chúng ta chuồn chứ !
        Thông-Mai dạ một tiếng, chàng phát chiêu Thiên-vương trấn thiên hướng Lê Đức. Áp lực chưởng làm mọi người nghẹt thở, nhảy lui lại. Ầm một tiếng, người Lê Đức bẹp dí xuống đất như một miếng chả trứng, máu me tung tóe.
        Minh-Thiên, Mỹ-Linh bật lên tiếng than:
        - Ối! A-Di Đà-Phật tội qúa. Tội qúa!
        Người người nhìn tình trạng Lê Đức đều kinh hoảng. Đám võ quan đưa mắt như nói với nhau:
        - Than ôi! Chưởng kia ai mà đỡ cho nổi. Hèn gì có tên Thiên-vương chưởng.
        Quảng-Thiên hất hàm cho Bảo-Hòa:
        - Tiên cô. Tiên cô là chưởng môn phái Tản-viên, xin tiên cô thanh lý môn hộ cho.
        Ánh mắt Bảo-Hòa sắc như dao cau. Nàng nói với Thiệu-Thái:
        - Anh cả. Xích-Thập là cao nhân phái Tản-viên, y cũng là trưởng lão Lạc-long giáo. Nhưng nay y bỏ Lạc-long giáo, y chỉ còn địa vị đệ tử phái Tản-viên. Em là chưởng môn, em phải thanh lý môn hộ.
        Thiệu-Thái định lên tiếng cản, thì tay phải Bảo-Hòa phát chiêu Ác-ngưu nan độ hướng Xích-Thập. Bình một tiếng, thân hình y vỡ làm năm sáu mảnh bay bổng lên cao.
        Mỹ-Linh lấy hai tay bịt mắt không dám nhìn. Còn Minh-Thiên niệm:
        - Đức Phật từ bi xin xá tội cho Thân tiên cô.
        Mặc Minh-Thiên, Mỹ-Linh thương hại Đỗ. Bảo-Hòa phát tiếp chiêu Ngưu tẩu như phi, nàng vận công ba-âm, bẩy-dương hướng vào mấy tảng thịt Xích-Thập trên không đang rơi xuống. Vèo một tiếng, người Xích-Thập vỡ làm hàng nghìn mảnh bay tung ra bốn phía.
        Phan Nam hướng vào nhà vua cùng bách quan:
        - Tâu bệ hạ. Kính thưa các vị văn võ Tống triều.
        Tất cả mọi người cùng im phăng phắc nghe lão nói.
        Lão vận nội lực âm nhu, nên tuy lão nói nhỏ, mà âm thanh truyền đi rất xa:
        - Hồng-thiết Hoa-Việt đều xuất phát từ Tây-vực. Khởi đầu tôn giáo này do bộ Hồng-thiết-kinh. Mà Hồng-thiết-kinh xuất thế từ hai tên ma quái Mã-Mặc, Lệ-Anh viết ra, rồi truyền bá khắp nơi trong vùng Tây-vực. Người mang Hồng-thiết giáo về Đông-phương, là Nhật-Hồ ma đầu. Trong thế gian này, người ta chỉ biết y xuất thân con nhà danh gia. Nhưng gốc tích đích thực của y ra sao thì ít ai biết rõ.
        Lão ngừng lại, đưa mắt cho Định-vương, Khai-Quốc vương cũng như bách quan. Người người đều nhìn nhau, ngụ ý: Quả đúng như lão nói, bản thân Nhật-Hồ ra sao, nào ai biết?
        Phan Nam tiếp:
        - Nhật-Hồ là con một Nho-gia tên Tử-Hoàng. Tử-Hoàng có làm chức quan nhỏ dưới thời Ngô. Lão bị điên, tìm đến phái Sài-sơn của lão phu trị bệnh. Bệnh thuyên giảm. Sau lão có tội bị đầy đến vùng Phong-lĩnh, rồi chết ở đó. Lão có ba con, đều di truyền chứng điên. Chính lão phu từng điều trị cho cả ba.
        Nhật-Hồ lão nhân đã xuất hiện ở Trung-quốc, Đại-Việt, không ai mà không nghe tên. Người ta chỉ biết lão là nhân vật kỳ tài võ học, cực kỳ xảo trá mà chưa ai biết rõ thân thế lão. Nay nghe Phan Nam thuật, họ đều lắng tai nghe.
        Phan Nam tiếp:
        - Con cả của Tử-Hòang bị điên khùng, rồi chết. Thứ nhì là con trai, cũng bị bệnh điên. Lão phu trị cho, những thỉnh thoảng vẫn lên cơn đôi lần. Nhật-Hồ là con thứ ba của Tử-Hoàng, hồi nhỏ y cũng bị điên, rồi khi lớn lên giảm bớt. Tử-Hoàng gửi y sang Trung-quốc trị bệnh. Bệnh thuyên giảm. Y lưu lạc tới Tây-vực, gặp giáo chủ Hồng-thiết giáo Xích Trà-Luyện được thu làm đệ tử rồi truyền bộ ma-kinh Hồng-thiết. Ma-kinh viết bởi hai người điên, nay truyền cho Nhật-Hồ vốn có tố tính điên, vì vậy y luyện tập mau thành công.
        Lão ngừng lại, nhìn mọi người, rồi tiếp:
        - Khi về Đại-Việt, để dấu kín giòng giống điên khùng của mình. Y ra lệnh cho bộ hạ giết chết chị gái, giết chết ba cháu gọi bằng chú, năm cháu gọi bằng cậu. Rồi y kết nạp giáo chúng. Y tổ chức Hồng-thiết giáo Đại-Việt giống hệt Hồng-thiết giáo Tây-vực. Trên hết y làm giáo chủ. Dưới có tả-hữu hộ giáo, ngũ-sứ cùng mười trưởng lão. Suốt mấy chục năm qua bên Trung-quốc cũng như Đại-Việt, Đại-lý, Lão-qua, Chân-lạp, Chiêm-thành, Xiêm-la chúng gây ra không biết bao nhiêu tội ác.
        Phan Nam đưa mắt nhìn Thân Thiệu-Thái:
        - Trong đại hội Thăng-long, đáng lẽ quần hùng nhân lúc chúng đại bại, giết lão Nhật-Hồ cùng đám trưởng lão, thì lại đem nhân nghĩa, từ-bi ra ân xá cho chúng. Di-Lặc Bồ-tát còn cho y qui y. Quần hùng quên mất rằng phàm khi luyện Hồng-thiết tâm pháp, không bao giờ có thể trục ma tính ra được. Bởi vậy, trong khi giáo chủ Lạc-long giáo đi sứ, ở nhà Nhật-Hồ lão nhân phá giới, tổ chức lại Hồng-thiết giáo. Lão gửi tên Đỗ Xích-Thập, Lê Đức sang giúp Nguyễn Tuyết-Minh mưu khuynh đảo Tống triều. Cũng may Định-vương, Khai-Quốc vương biết trước, nên phá vỡ kế hoạch của chúng.
        Ông vẫy tay gọi Mỹ-Linh:
        - Công chúa. Trong bọn đầu lĩnh Hồng-thiết giáo Trung-quốc theo Lưu Trí-Viễn, nay xương cùng thịt hóa ra tro bụi cả rồi. Bọn Đại-Bằng với Trường-giang thất quỷ chưa luyện Hồng-thiết tâm pháp, thì sự cải tà quy chính có thể tin được. Trong đám ma đầu Đại-Việt đã luyện Hồng-thiết tâm pháp, thì Tả, Hữu hộ pháp chúng ta đã trị hôm nay. Trong Ngũ-sứ, tên Nguyễn San chết từ lâu. Tên Sử-vạn, Khiếu hôm nay thành người tàn tật. Còn Bun-Thành với Nguyễn Tuyết-Minh, chúng hiện diện tại đây. Lão phu dành cho công chúa tru diệt chúng.
        Định-vương chắp tay hướng Phan Nam:
        - Tiền bối! Xin tiền bối cho biết Bun-Thành là ai? Cô gia thành thực cảm tạ.
        Phan Nam thở dài:
        - Hỡi ơi! Vương gia là Thái-sư, anh hùng có thừa, minh mẫn quán thế mà không biết y là ai ư?
        - Cô-gia kính cẩn nghe lão sư dạy dỗ.
        - Vương gia không biết cũng phải. Trên thế gian này chỉ có Nhật-Hồ lão nhân, vợ y là Tuyết-Minh, con y là Hồng-Minh tức Lưu hậu biết Bun Thành là ai mà thôi. Ngay bọn Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ cũng không biết nữa. Chính y là người thay Nhật-Hồ lão nhân khuynh đảo Tống triều. Y là một đại thần.
        Cả triều Tống đều ngơ ngác, họ nhìn mặt đồng liêu, để tìm ra tên ma đầu Bun Thành, nhưng không có chút ánh sáng hé lộ.
        Phan Nam móc trong bọc ra bình thuốc trao cho Thông-Mai:
        - Con lột mặt nạ tên Bun Thành ra cho mọi người biết.
        Thông-Mai tiến đến bên Tào Lợi-Dụng, chàng nhắc y lên, rồi mở chai thuốc chà vào mặt y.
        Ai ai cũng tự hỏi:
        - Không lẽ là Tào Lợi-Dụng ! Vô lý chi thậm.
        Thông-Mai chà một lúc, mặt Tào thay mầu, biến dạng, phút chốc, đổi hẳn, hiện ra một khuôn mặt khác. Bây giờ trên từ nhà vua, cho đến Định-vương cùng quần thần mới hiểu tại sao Tào Lợi-Dụng lại ẩn thân trợ giúp cho Nhật-Hồ gây biết bao án mạng trong Hoàng-cung để đạt được việc đưa Lưu hậu vào cung đình nhà Tống.
        Tào Lợi-Dụng hướng Lưu hậu:
        - Thái-hậu! Sự đã ra thế này, mong Thái-hậu chu toàn cho một cố mệnh đại thần đã thờ ba đời vua.
        Lưu hậu cúi đầu xuống:
        - Ta cũng khó tránh khỏi họa sát thân thì làm gì được để cứu người?
        Phan Nam móc trong bọc ra viên thuốc. Lão nắm lấy tay Mỹ-Linh bỏ thuốc lên. Phút chốc viên thuốc tan vào làn da nàng. Lão nói:
        - Lão phu tặng công chúa viên thuốc này, có thể chống được mọi thứ độc của Hồng-thiết kinh, hầu công chúa trị con ma đầu Nguyễn Tuyết-Minh.
        Phan Nam, Ngô Quảng-Thiên, hai người bịt mặt, Thông-Mai, Bảo-Hòa đưa mắt nhìn nhau. Sáu người tung mình hướng chân Hoàng-thành, rồi vọt lên cao, vượt ra ngoài.
        Quần thần nhà Tống đã biết Thông-Mai là anh Thanh-Mai, Tự-Mai. Còn Bảo-Hòa trong lớp áo cung nữ, không ai biết rõ chân tướng nàng. Tuy nhiên họ cũng biết nàng là cô gái Việt, ẩn thân trong cung để diệt dư đảng bang Nhật-hồ. Chỉ những người đã từng sang Đại-Việt cùng Định-vương cũng như dự trận Tản-Viên, thấy mùi hương thơm từ người nàng bốc ra, thì biết nàng là Bảo-Hòa, chưởng môn phái Tản-viên.
        Minh-Thiên, Đông-Sơn lão nhân cúi nhìn những miếng thịt nhỏ bằng hạy ngô, hạt đậu của Đỗ Xích-Thập, cả hai đưa mắt nhìn nhau. Minh-Thiên than:
        - Hôm đại hội Thăng-long, tiên cô mới luyện loại Phục-ngưu thần chưởng này, mà đã thắng Phạm Hổ, Phạm Trạch. Hôm ấy tiên cô đánh vào cái cột. Thớ gỗ bị tan ra như bột bay tung lên. Ai cũng kinh hoảng. Nhưng tưởng đâu như vậy là hung dữ cực điểm. Không ngờ nay cô luyện xong, sát thủ đến như thế này, hỏi thân thể con người làm sao chịu nổi?
        Minh-Thiên hỏi Đông-Sơn lão nhân:
        - Lão nhân có nhận ra người áo nâu với áo xanh là ai không?
        Đông-Sơn lão nhân gật đầu:
        - Đại-sư không đoán ra ư? Làm gì có người thứ hai, mà sai quận chúa Thiếu-Mai, thế-tử Lê Văn như sai trẻ nít ngoài Hồng-Sơn đại phu? Làm gì có người hất hàm truyền lệnh cho vương phi Khai-Quốc ngoài Côi-Sơn đại hiệp?
        Trong khi đó Triệu Tiết, Quách Quỳ xem thi thể Lê Đức. Hai đứa mặt nhìn mặt mà phát run. Vì ban nãy chúng nghe Lưu hậu dùng Lăng-không truyền ngữ xui chúng chất vấn Thông-Mai. Bà hứa sau đây sẽ dùng quyền, gả công chúa Huệ-Nhu cho chúng. Bây giờ thấy thi thể Lê Đức xẹp lép như con khô mực, chúng rùng mình nghĩ lại:
        - Nếu Thông-Mai đánh chúng bằng chưởng này, thì còn gì là đời.
        Sở-vương vẫy tay gọi Mỹ-Linh:
        - Công chúa. Phải chăng công chúa là đệ tử của Bồ-tát Huệ-Sinh?
        - Thưa vương gia vâng.
        - Như vậy công chúa là Phật-tử thuận thành? Người theo Phật như công chúa, dù giết con sâu, cái kiến cũng không nỡ. Vậy đối với tụi ma qủi thì sao?
        - Đa tạ vương gia ban khen. Theo Phật, thì tru diệt ma vương qủi dữ là có Phật tính.
        - Được. Nếu như có kẻ nào mưu đưa Khai-Thiên vương cùng toàn gia người vào con đường chết nhục nhã. Nó có phải ma quỷ không?
        - Thưa vương gia nhất định y là quỷ dữ cần tru diệt.
        - Công chúa có biết ai ra lệnh cho tên Hoàng Văn bắt giam vương mẫu, làm nhục có thừa không?
        - Tiểu nữ không biết. Xin vương gia khai sáng cho.
        - Sau đại hội Thăng-long, vương mẫu bị bắt mang sang Biện-kinh, giam trong Hoàng-thành bị tra khảo về kho tàng. Nay tuy vương mẫu đã được giải thoát. Nhưng công chúa có biết ai chủ động không?
        - Xin vương gia chỉ dẫn.
        - Chỉ dẫn thì lão phu sẵn sàng. Song công chúa có thể rửa nhục cho vương mẫu không? Nếu công chúa không rửa nhục cho vương mẫu, thì ta e phụ vương sẽ không thể ngồi tại vị.
        Mỹ-Linh hiểu ngụ ý của Sở-vương: Nếu vương đưa tên kẻ thù ra, mà nàng không giết y, ông sẽ công bố vụ vương mẫu bị nhục với thiên hạ. Tuy là Phật-tử, giết con sâu, cái kiến cũng không nỡ. Nhưng nay trước sự sống còn, an ninh của phụ vương cùng các em, khiến Mỹ-Linh cương quyết:
        - Tiểu nữ quyết không tha cho kẻ đó.
        Sở-vương chỉ Nguyễn Tuyết-Minh:
        - Con ma đầu kia! Mi có can đảm hãy ra nhận việc mình làm đi.
        Nguyễn Tuyết-Minh cười nhạt:
        - Ta chính là Tuyết-Minh. Hóa danh trong Hồng-thiết giáo thành Nguyễn Thúy-Minh. Ta là sứ giả Hồng-thiết giáo Đông-phương. Chính ta ra lệnh cho Cổ-loa hầu Hoàng Văn bắt Triệu Liên-Phương giam dưới hầm Cổ-loa. Sau này cũng chính ta với Sử-vạn Na-vượng bắt y thị mang sang đây cùng giam với con nha đầu Nong-Nụt.
        Hôm gặp Lê Văn, Nong-Nụt nói rằng nàng bị bắt giam trong Hoàng-thành, bị một mụ già tra khảo cùng vương phi Triệu Liên-Phương. Lê Văn, Tự-Mai với mọi người trong sứ đoàn cứ cho rằng mụ đó là Lưu hậu. Ban nãy khi Nguyễn Thúy-Minh mới xuất hiện. Nong-Nụt đã nói cho Lê Văn nghe rằng chính mụ tra khảo nàng. Lê Văn mới vỡ lẽ, nhưng chàng im lặng, vì sợ nói tới vụ đó làm nhục thân mẫu Mỹ-Linh. Bây giờ Sở-vương nói toẹt ra, sứ đoàn mới tỉnh ngộ.
        Sợ mụ nói hết những điều nhục nhằn của vương mẫu. Mỹ-Linh nghĩ rất nhanh: Ta phải giết con ma nữ này. Nàng rút kiếm ra, hất hàm:
        - Bắc-sứ Hồng-thiết giáo. Kẻ gây oán phải lĩnh nghiệp. Hôm nay ta muốn dùng võ công gỡ nghiệp cho người.
        Nói rồi nàng tà tà đưa kiếm vào cổ y thị. Nguyễn Tuyết-Minh không coi Mỹ-Linh vào đâu. Y thị rút kiếm quay một vòng như chớp nhoáng, rồi đẩy vào ngực nàng. Mỹ-Linh kinh ngạc vô cùng, vì Thúy-Minh xử dụng Mê-linh kiếm pháp, đúng là chiêu Hoa khai thiên môn, mà nàng chuyên dùng để kiềm chế đối thủ. Nếu đối thủ nhảy lùi, nàng sẽ di chuyển theo. Trước đây, từ Đinh Hiền cho tới Đông-Sơn lão nhân cùng các cao thủ Hồng-thiết giáo, đều bị nàng kiềm chế bằng chiêu này. Mới hồi nãy, chính nàng cũng kiềm chế Thúy-Minh, y thị lạc bại, mà không chống nổi.
        Thông thường bất cứ cao thủ nào bị kiềm chế bằng chiêu Hoa khai thiên môn cũng bị lạc bại. Chỉ người học 72 chiêu trấn môn mới hóa giải nổi bằng chiêu Nhật mộ mang mang. Theo chiêu này, nàng nhảy lùi lại ba bước, kiếm quay ba vòng, rồi đâm thẳng vào đối thủ.
        Choang một tiếng. Cả hai cùng bật lui ba bước.
        Vừa rồi hai người ra tay nhanh quá, những cao thủ hạng nhất cũng chỉ thấy hai vòng kiếm quang bao phủ khắp thân mình, rồi cả hai bật tung trở lại.
        Bây giờ họ mới có dịp vỗ tay hoan hô.
        Mỹ-Linh thấy rõ đối thủ xử dụng Mê-linh kiếm pháp, nhưng bằng nội lực âm-nhu Long-biên pha lẫn với nội lực Hồng-thiết giáo. Trong khi nàng xử dụng nội lực Long-biên đã được pha lẫn với Vô-ngã tướng thiền công. Khi hai kiếm giao nhau, nội lực Hồng-thiết truyền độc tố sang người nàng. Vô-ngã tướng thiền công phản ứng hóa giải đi.
        Nguyễn Thúy-Minh cười lên the thé:
        - Con nha đầu kia! Ta nghe nói hôm đại hội Thăng-long, mi đả bại Đông-Sơn lão nhân. Ta không tin trên đời có người thắng nổi lão với Đặng
        Đại-Bằng. Thì ra mi học được nội lực âm-nhu cùng 72 chiêu trấn môn của Long-biên kiếm pháp. Ta hỏi mi: Kể từ khi Lệ-Hải bà vương qua đời, kiếm pháp này đã tuyệt tích. Thế mi học ở đâu?
        Mỹ-Linh khoan thai đáp:
        - Ta là chưởng môn phái Mê-linh, dĩ nhiên phải biết Mê-linh kiếm pháp, điều này đâu có gì lạ mà người phải thắc mắc.
        Thúy-Minh lắc đầu:
        - Ta không tin phái Mê-linh còn giữ được học thuật này. Được, ta muốn lĩnh mấy cao chiêu của người.
        Nói rồi mụ lao người tới như điện xẹt, kiếm đánh ra chiêu Hoa khai nguyệt mãn, chiêu này có đến 36 biến hóa, nên ánh kiếm lóe như tia chớp, rồi biến thành quả cầu. Mỹ-Linh tiến lên một bước, đẩy vào giữa quả cầu của Thúy-Minh bằng chiêu Hoa mãn sơn hoang.
        Hai người quấn lấy nhau. Đứng ngoài, chỉ những cao thủ bậc nhất mới phân biệt được ánh kiếm của Mỹ-Linh với Thúy-Minh. Còn ngoại giả, chỉ thấy hai quả cầu bạc lấp lánh.
        Minh-Thiên than:
        - A -Di Đà-Phật. Tự nhiên sao sát nghiệp lại tràn ngập không gian thế này?
        Đông-Sơn lão nhân đứng bên Định-vương, Khai-Quốc vương. Ông chỉ chiêu này, chiêu kia để phân giải cho hai vương. Định-vương lo lắng:
        - Trận đấu này khó có thể chấm dứt an toàn, ít nhất một trong hai người tử thương. Đạo-sư có cách nào giúp công chúa Bình-Dương không?
        Đông-Sơn lão nhân đáp:
        - Theo bần đạo nghĩ, khi xử dụng kiếm pháp Mê-linh rất hao tốn nội lực. Vì vậy từ chiêu thứ hai trăm trở đi, công chúa sẽ chỉ còn thiền công. Trong khi Thúy-Minh chỉ còn Hồng-thiết công. Bấy giờ bần đạo tùy nghi giúp công chúa, hy vọng thắng y thị.
        Từ ngày học được bí quyết trấn môn Long-biên kiếm pháp đến giờ, Mỹ-Linh chỉ gặp một mình Đông-Sơn lão nhân là đối đầu với nàng được sáu trăm chiêu, cuối cùng nhờ Minh-Không, Huệ-Sinh trợ giúp, nàng thắng lão. Sau đó sư phụ Huệ-Sinh giảng cho nàng yếu chỉ Thiền-công, nên dù có đấu lại với Đông-Sơn nàng cũng thắng lão trong vòng trăm chiêu. Bây giờ nàng gặp Nguyễn Thúy-Minh, cùng xử xụng một thứ kiếm pháp, cùng một thứ nội công. Chỉ khác nội công của Thúy-Minh pha nội công Hồng-thiết giáo. Trong khi nội công nàng pha lẫn Vô-ngã tướng thiền công.
        Định-vương hỏi Khai-Quốc vương:
        - Nhị đệ. Huynh nghe nói Long-biên kiếm pháp đã tuyệt tích. Mới đây công chúa Bình-Dương có cơ duyên học được. Nhưng sao con ma nữ này cũng biết xử dụng?
        - Tuyết-Minh trước đây xuất thân là đệ tử phái Mê-Linh. Nên y thị học được kiếm pháp phái này cũng như mật ngữ yếu quyết trấn môn. Sau y thị phá giới làm vợ của Lê Lục-Vũ. Mà Lục-Vũ giữ bộ Lĩnh-Nam vũ kinh trong tay. Vì vậy Lục-Vũ trao cho vợ luyện tập. Tuyết-Minh tuy có mật quyết, mà không hiểu thuật ngữ nên biến hóa nên kém linh hoạt. Nhưng Nhật-Hồ, Lục-Vũ cũng như y thị đều là thiên tài võ học, chúng hợp nhau chế ra phương pháp nối liền các chiêu lại, giống hệt như mật quyết cổ. Kìa đại ca nhìn xem, những biến hóa không hoàn toàn giống nhau.
        Đến đó hai người phải ngừng lại, vì Mỹ-Linh, Thúy-Minh cùng tung người lên cao như con hạc. Ở trên không họ chiết chiêu với nhau nhanh như chớp.
        Quả như Đông-Sơn lão nhân tiên đoán. Đấu được trên ba trăm chiêu, công lực hai người đều vơi, kiếm chiêu dần dần chậm lại, thành ra nội công âm nhu gần như hết hiệu lực. Vô-ngã tướng thiền công của Mỹ-Linh phát ra tối đa. Trong khi nội lực Hồng-thiết của Thúy-Minh lên đến độ cao nhất. Kiếm chiêu hai người trở thành chậm chạp. Song mỗi khi kình lực hai kiếm giao nhau, cả hai lại bật lui liền hai bước.
        Đấu được trên trăm chiêu nữa, thình lình Thúy-Minh đẩy một chiêu thẳng vào giữa ngực Mỹ-Linh. Chiêu này không nằm trong Mê-linh kiếm pháp. Mỹ-Linh chĩa kiếm ra đỡ, thì Thúy-Minh đổi hướng, khiến hai mũi kiếm dính vào nhau. Rõ ràng mụ muốn đấu nội lực.
        Minh-Thiên nói nhỏ với Khai-Quốc vương:
        - Nguy tai, công chúa Bình-Dương tuổi còn nhỏ, công lực không làm bao. Trong khi Thúy-Minh tuổi đi vào bẩy mươi, công lực cao thâm khôn lường. Vương gia có cách nào giúp công chúa không?
        Đến đây Mỹ-Linh bật lui một bước.
        Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn nhìn trận đấu, chúng lo lắng cho bà chị, nhưng không biết làm sao. Không lẽ nhảy vào hai người đánh một?
        Lát sau thanh kiếm của Mỹ-Linh dần dần cong lại. Cứ trình độ này, kiếm của nàng sẽ bị gẫy. Biết nguy hiểm, nàng dùng tay trái, chĩa ngón trỏ, từ từ đưa lên phóng một Lĩnh-Nam chỉ vào người Thúy-Minh. Tuy chỉ lực không mạnh, nhưng Thúy-Minh kinh hoảng vung tay phát chưởng đỡ. Mụ bị chỉ đẩy lui hai bước. Kiếm Mỹ-Linh lại thẳng ra.
        Chợt Lưu hậu lên tiếng:
        - Công chúa Bình-Dương! Người có biết rằng vị tiền bối đang đấu với người đã ra lệnh cho Hoàng Văn bắt mẫu thân người bỏ vào hầm Cổ-loa làm cây thuốc cho các vị trưởng lão thuộc hội đồng giáo vụ trung ương không? Hồi đầu Liên-Phương bị bắt. Nhưng sau nàng thấy làm cây thuốc cho các trưởng lão thực hạnh phúc hơn vào Niết-bàn. Vì vậy tuy được cứu ra rồi, về phủ Khai-Thiên sống với chồng, nàng chẳng thấy gì là sung sướng nên trốn đi tìm các trưởng lão. Chứ có ai ra lệnh bắt y thị đâu.
        Thấy Lưu hậu bịa đặt quá đáng, Mỹ-Linh muốn nổi đóa. Nhưng bản tính thuần hậu, cơn nóng giận chỉ thoáng qua mà thôi. Tuy vậy nàng vẫn nghĩ: Nếu không giết Thúy-Minh, thì tính mệnh phụ vương cùng chị em nàng khó bảo toàn.
        Người tập Thiền cần nhất giữ cho tâm trong sáng, thiền công mới phát ra được. Mỹ-Linh luyện Vô-ngã tướng thiền công, một loại thiền tối cao trong kinh Phật, bởi vậy phải bỏ ra ngoài ngã tướng tức cái ta trước. Khi bỏ ra ngoài ngã tướng thì lập tức không còn phân biệt ta với người, vì vậy nhân tướng biến đi. Khi nhân tướng mất, đương nhiên không còn nhiều nhân tướng tức chúng sinh tướng nữa. Đến đây, ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng biến đi, thì đâu còn hỷ, lạc, ái, ố, sầu, bi nữa? Thế là thọ giả tướng cũng biến.
        Đây Mỹ-Linh rút kiếm với ý định bảo vệ danh dự cho song thân tức ngã tướng cực mạnh. Nàng muốn giết chết Nguyễn Thúy-Minh để tuyệt hậu hoạn thì đối tượng Thúy-Minh thành nhân tướng. Khi đã có nhân, ngã tướng đương nhiên có chúng sinh tướng. Rồi Lưu hậu nói mấy câu, khiến nàng nổi giận, hóa cho nên Thọ tướng sinh ra. Vì vậy Thiền-công của nàng giảm dần.
        Lưu hậu thấy nói mấy câu kết quả, bà tiếp:
        - Giờ này Liên-Phương về Đại-Việt, tuy làm vương phi, mà hằng đêm trốn ra ngoài gặp các trưởng lão để hưởng hạnh phúc.
        Mỹ-Linh tức ứa gan, công lực giảm giảm thực mau. Nàng lùi liền hai bước.
        Minh-Thiên dùng Lăng-không truyền ngữ nói với Tự-Mai, Lê Văn, Tôn Đản:
        - Hai thí chủ có cách nào cắt đứt tiếng nói của Lưu hậu không? Nếu bà còn nói nữa, e công chúa Bình-Dương nguy mất.
        Tôn Đản chợt nảy ra một kế. Chàng nói sẽ vào tai Lê Văn.
        Lê Văn móc túi lấy ra viên thuốc Hàn-ngọc đơn, chàng tâu với nhà vua:
        - Tâu hoàng thượng. Thần xin bắn viên thuốc này dâng Thái-hậu. Bằng không người lại lên cơn đau bây giờ.
        Thiên-Thánh hoàng đế gật đầu:
        - Đa tạ Lê đệ.
        Nhà vua tâu Lưu hậu:
        - Tâu thái hậu. Lê Văn xin dâng thái hậu thuốc trấn thống, bằng không cơn đau lại tái phát.
        Lưu hậu gật đầu. Lê Văn dùng ngón tay bắn viên thuốc đến véo một tiếng.
        Trong khi thuốc bay tới, Lưu hậu ngồi im không tránh né. Bà thấy nói mấy câu làm rối loạn tâm tư Mỹ-Linh có kết quả. Bà tiếp:
        - Này công chúa Bình-Dương. Ta nghĩ rằng...
        Đến đó viên thuốc Hàn-ngọc đơn trúng huyệt Á-môn của bà. Bộp một tiếng, huyệt đạo bị phong tỏa. Lập tức bà cứng lưỡi, không nói được nữa. Bà định gượng gạo đứng dậy nhiễu loạn Mỹ-Linh, thì Khai-Quốc vương đưa mắt cho Lê Văn:
        - Lê đệ, mau dâng Lưu hậu hai viên thuốc trấn thống vào huyệt Dương-lăng-tuyền.
        Lê Văn được Khai-Quốc-vương mở đường. Chàng bắn Hàn-ngọc đơn. Véo, véo thuốc trúng huyệt Dương-lăng-tuyền Lưu hậu. Dương-lăng-tuyền là huyệt nằm ngay dưới gối. Huyệt này thống lĩnh toàn thể gân trong con người. Bị trúng hai viên Hàn-ngọc đơn vào đây, Lưu hậu ngã ngồi xuống đất. Lê Thiếu-Mai vội chạy đến đỡ bà.
        Tôn Đản biết với bản lĩnh Lưu hậu, muốn phóng thuốc vào người bà, e khó hơn bắc thang lên trời, vì vậy chàng xui Lê Văn tâu với nhà vua. Lưu hậu, cũng như nhà vua, tuyệt không nghi ngờ. Ông vội ban chỉ cho Lê Văn, còn Lưu hậu, bà không tránh né, vì vậy Lê Văn mới thành công.
        Tuy đã khống chế được Lưu hậu, nhưng Mỹ-Linh vẫn mê trận, muốn giết Thúy-Minh, vì vậy chân khí của nàng từ từ giảm.
        Minh-Thiên dùng Lăng-không truyền ngữ hỏi Tôn Đản:
        - Tiểu thí chủ! Không biết công chúa Bình-Dương có thuộc Thiền-sử Trung-quốc không?
        - Thưa đại sư, dù thiền sử Hoa, hay Việt, chị cháu cũng thuộc làu.
        Minh-Thiên tiếp:
        - Bần tăng đọc một bài kệ của Lục-tổ, thí chủ nhắc lại thực lớn để giúp công chúa.
        Nói rồi ông đọc. Tôn Đản đọc theo thực lớn:

        Bồ-đề bản vô thụ,
        Minh kính diệc phi đài.
        Bản lai vô nhất vật,
        Hà xứ nhạ trần ai.


        Minh-Thiên đọc bằng âm Quan-thoại. Tôn Đản nhắc lại bằng âm Hán-Việt. Vì vậy ngoài sứ đoàn, Mỹ-Linh, Thúy-Minh ra không ai hiểu Tôn Đản đọc gì.
        Đây là bài kệ nổi tiếng bậc nhất trong thiền-sử Trung-quốc. Phàm ai đã theo Phật-giáo, đều thuộc làu. Cho nên khi họ nghe Tôn Đản đọc, chẳng ai hiểu chàng đọc với mục đích gì.
        Bài kệ lọt vào tai Thúy-Minh, mụ ngơ ngác:
        - Tại sao thằng ôn con lại đọc bài kệ của Lục-tổ Huệ-Năng làm gì vậy?
        Thúy-Minh là một trong những đại ma đầu của Hồng-thiết giáo. Giáo chúng Hồng-thiết giáo tự cho mình là chính đạo. Còn các tôn giáo khác thuộc loại tà ma hết, cần phải tru diệt. Y thị được Nhật-Hồ lão nhân sai phát triển giáo chúng tại Đại-lý. Đại-lý lấy Phật-giáo làm quốc giáo. Cho nên y thị nghiên cứu rất kỹ tất cả những biến chuyển Phật-giáo Trung-quốc, Đại-Việt, Đại-lý. Vì vậy giai thoại truyền y bát của Ngũ-tổ cho Lục-tổ y thị thuộc làu.
        Nay nghe Tôn Đản đọc bài kệ của Lục-tổ, tích cũ hiện ra trong trí nhớ Thúy-Minh. Phật-tính tràn ngập khắp người mụ, vì vậy ma tính Hồng-thiết từ từ giảm, công lực mụ yếu dần.
        Trong khi đó Mỹ-Linh chợt trở lại với chân tâm mình:
        - Chết thực. Ta là đệ tử của Bồ-tát, mà quên mất yếu chỉ Thiền-tông. Trước đây nhờ sư phụ nhắc nhở, ta mới thắng Hoàng Văn, rồi sau cũng người giúp ta, ta mới thắng Đông-Sơn lão nhân. Bây giờ ta đi vào đường sân, si thì sao công lực phát ra cho được?
        Tích cũ về thiền sử đời thứ năm, thứ sáu của phái Thiếu-lâm cùng hiện ra trong tâm Mỹ-Linh, Thúy-Minh:
        " Bồ-đề Đạt-ma là tổ thứ hai mươi tám dòng thiền Tây-trúc qua Lĩnh-Nam hoằng dương đạo pháp, rồi tới Trung-thổ. Ngài diện bích chín năm tại núi Tung-sơn, sau truyền tâm-ấn cho Huệ-Khả ( 486-593 ). Huệ-Khả truyền cho Tăng-Sán ( 606 ). Tăng-Sán truyền cho Đạo-Tín ( 580-674 ) . Đạo-Tín truyền cho Hoằng-Nhẫn ( 601-674 ) . Hoằng-Nhẫn truyền cho Huệ-Năng ( 638-713 ). Bài kệ trên của tổ Huệ-Năng. Cuộc truyền tâm ấn của ngũ tổ Hoằng-Nhẫn cho lục tổ Huệ-Năng là một giai thoại kỳ thú, mà Minh-Thiên muốn đem ra giúp Mỹ-Linh đánh bại Thúy-Minh.
        Cuộc truyền tâm ấn như sau:
        Một hôm ngũ tổ Hoằng-Nhẫn gọi tất cả đệ tử trong chùa lại dạy rằng:
        Ta nói cho các người biết. Trong kiếp sống thì sinh tử là lẽ lớn. Thế mà các người chỉ đi tìm cái phước điền, chứ không tìm cách thoát khỏi bể khổ. Các người u mê về lý tính thì phúc điền có đạt chăng nữa cũng không cứu được các người. Các người hãy trở về với chân tâm, tự xét chân tâm, tìm lấy cái gốc chân tâm. Tự chân tâm sinh ra gốc của nó, và ánh sáng Bát-nhã. Mỗi người làm một bài kệ trình ta xem. Nếu người nào kiến tính giác ngộ được, ta sẽ truyền y bát để trở thành lục tổ của dòng Thiền-tông.
        Sư Thần-Tú vốn người học rộng, biết nhiều, lại là học trò giỏi nhất của Hoằng-Nhẫn; ông trở về phòng làm một bài kệ. Đêm đó ông viết bài kệ của mình ở hành lang chùa, bầy tỏ sở kiến. Bài kệ như sau:
        Thân thị Bồ-đề thụ,
        Tâm như minh kính đài.
        Thời thời cần phất thức,
        Vật xử nhạ trần ai.
        Nghĩa là:
        Thân tại gốc Bồ-đề,
        Tâm như đài gương sáng.
        Thời thời cần lau sạch.
        Đừng để nhuốm bụi trần.
        Canh ba, tổ Hoằng-Nhẫn gọi Thần-Tú vào bảo đường hỏi rằng:
        - Có phải bài kệ viết ở hành lang là do nhà ngươi làm không?
        Sư Thần-Tú đáp:
        - Chính là đệ tử làm. Đệ tử không dám hy vọng được làm lục tổ. Chỉ mong sư phụ xét xem đệ tử có chút ánh sáng trí tuệ nào không.
        Tổ Hoằng-Nhẫn đáp:
        - Nhà ngươi kiến giải trong bài kệ ấy; là chưa thấy được gốc của tính, mới đến cửa Bồ-đề chứ chưa nhập vào Bồ-đề được. Nhà ngươi kiến giải như vậy mà muốn vào Vô-thượng Bồ-đề thì chưa tới. Muốn đạt Vô-thượng Bồ-đề phải hiểu tại ngoài lời nói, để nhận thức cái gốc của chân tâm. Gốc của chân tâm là bất sinh bất diệt, không lời nào nói ra được. Bất cứ lúc nào, ý nào cũng tự nó hiện ra mà có. Tất cả đều không. Một là chân tất cả đều là chân. Muôn vàn cảnh giới đều là như như. Cái ý thức về như như ấy là chân thực. Nếu nhà ngươi kiến giải được như vậy, thì mới có tự tính Vô thượng Bồ-đề. Sau đây nhà ngươi suy nghĩ vài ngày, làm một bài kệ khác, đưa trình ta xem. Nếu tỏ ra nhập được vào cửa Bồ-đề thì ta truyền tâm ấn cho.
        Thần-Tú tở về, mấy ngày sau tinh thần hoảng hốt không làm được bài kệ nào.
        Cách đó mấy ngày, có chú tiểu đi qua chỗ dã gạo, miệng đọc bài kệ của Thần-Tú. Bấy giờ có nhà sư Huệ-Năng, vốn người Việt xin vào tu ở chùa Thiếu-lâm từ lâu. Vì sư không biết chữ, nên được giao cho công việc dã gạo. Tuy vậy sư nghe ngũ tổ giảng kinh, thì hiểu thấu đáo ngay. Nay nghe chú tiểu đọc bài kệ của Hướng-Tú. Huệ-Năng thấy ngay bài kệ đó chưa hiện ra gốc của tính. Ông làm một bài kệ khác như sau:
        Bồ- đề bản vô thụ,
        Minh kính diệc phi đài.
        Bản lai vô nhất vật,
        Hà xứ nhạ trần ai?
        Nghĩa là:
        Bồ-đề chẳng có gốc,
        Minh kính cũng không đài.
        Xưa nay nào có vật,
        Đâu nơi nhuốm trần ai?
        Yếu chỉ của Thiền-tông là kinh Kim-cương, Lăng-già, Bát-nhã. Tất cả đều qui về tính không, tức sao bỏ được vọng tâm là ngã tướng. Muốn thế phải dứt được Ngũ-uẩn, Lục-trần, Nhân-ngã tứ tướng. Thế mà bài kệ của Thần-Tú vẫn còn đủ sắc, tướng: Thân là ngã tướng. Bồ-đề là thọ giả tướng. Tâm lại là ngã tướng nữa. Minh kính đài là chúng sinh tướng. Thời thời, phất thức, vật xử là thọ giả tướng. Trần ai là thọ giả tướng. Như vậy là vẫn trần tục.
        Bài kệ của Huệ-Năng làm tổ Hoằng-Nhẫn vui mừng. Hôm sau tổ tới nhà dã gạo, thấy Huệ-Năng đang dã gạo, bèn hỏi:
        - Người học đạo phải thế nào? Nhà ngươi dã gạo trắng chưa?
        Ý tổ hỏi ngoài lời nói: Tâm sáng, nhập vào Bồ-đề, thế đã chuẩn bị nhận y bát chư?
        Huệ-Năng trả lời:
        - Gạo tôi dã sạch lắm. Còn thiếu cái sàng thôi.
        Ý nói rằng: Tâm đã trong, chỉ còn chờ truyền tâm ấn.
        Tổ cầm gậy gõ vào cối ba cái, rồi bỏ đi. Ý nói canh ba Huệ-Năng lên bảo đường gặp ngài. Canh ba Huệ-Năng lên phòng tổ, được tổ giảng yếu chỉ kinh Kim-cương, Lăng-già, rồi truyền y bát.


        Giai thoại truyền y bát của chưởng môn đời thứ năm cho đời thứ sáu ở chùa Thiếu-lâm cùng thoáng hiện ra trong tâm tư Mỹ-Linh với Thúy-Minh. Với Thúy-Minh, Phật-tính tràn ngập người mụ, vì vậy ma công, quỷ tính Hồng-thiết giảm dần. Công lực của thị biến từ từ.
        Còn Mỹ-Linh, nàng tỉnh ngộ, vội bỏ ra ngoài Ngũ-uẩn, Lục-căn, nhân ngã tứ tướng cũng biến theo. Đơn điền trống không, Vô-ngã tướng thiền công mạnh vô cùng. Chân khí Thúy-Minh truyền vào người nàng như nước chảy. Nàng vội dùng Thủ-tam âm kinh lọc lấy chính khí đưa vào đơn điền, dùng Thủ-tam dương kinh đẩy chất độc trở lại người đối thủ.
        Nguyễn Thúy-Minh thấy Chu-sa độc công cuồn cuộn tràn vào người Mỹ-Linh, mụ mừng thầm:
        - Con nhỏ này phải chết.
        Mụ đưa mắt nhìn Đông-Sơn lão nhân ý muốn nói: Mi thua nó, mà ta thắng nó, thì mi còn thua ta xa.
        Nhưng mụ thấy chân khí tuôn ra mỗi lúc một mạnh, y như nước sông chảy vào biển. Phút chốc chân khí trong người mụ vơi hẳn đi đến phân nửa. Trong khi chất độc đọng ở tay trở nên trầm trọng.
        Biết có sự bất ổn, mụ kinh hoàng vội thu liễm chân khí lại. Lập tức chân khí ba kinh dương của Mỹ-Linh theo chân khí của mụ tấn công cơ thể mụ như vũ bão. Mụ tự biết nếu mụ thu nữa, thì tạng phủ nát ra mà chết. Quá kinh hãi mụ lại thúc chân khí ra phản công.
        Nhưng khi chân khí mụ trở về cơ thể, chất độc nặng chĩu ở tay đã về theo mất rồi. Mụ cảm thấy như có con dao đâm vào giữa tim, đau nhói một cái, rồi hai, ba cái nữa tiếp theo.
        Kinh hoàng, mụ định thu kiếm về, thì Mỹ-Linh chĩa ngón tay ra kẹp cứng kiếm của mụ. Tay phải nàng tung kiếm mình lên cao, rồi phóng hai chỉ liên tiếp, điểm vào huyệt Khúc-trì của Thúy-Minh. Lập tức cánh tay mụ tê chồn. Nàng bắt lấy kiếm mụ, lại điểm vào huyệt Đản-trung trước ngực mụ. Toàn thân mụ bị tê liệt.
        Thân mẫu Tự-Mai, Lê Văn cũng từng bị cái nhục nhã như thân mẫu Mỹ-Linh. Dù Khai-Quốc vương cố tình che dấu, nhưng bọn Hồng-thiết giáo đem công bố ra ngoài, vì vậy hai bà phải tìm cái chết, để chu toàn danh dự cho chồng con. Trường hợp thân mẫu Mỹ-Linh lại khác. Dù bà có chết đi chăng nữa, thì Khai-Thiên vương cùng tất cả các con sẽ bị cách hết chức tước, bắt bỏ họ Lý, rồi về dân dã. Khi ở dân dã, kẻ thù cũ sẽ tìm đến, tha hồ mà làm nhục. Chung cuộc vẫn đi vào chỗ chết. Cho nên dù nàng là Phật-tử, có muốn tha cho mụ Tuyết-Minh cũng không được. Vì vậy Mỹ-Linh quyết giết mụ hầu tuyệt hậu hoạn.
        Nàng chĩa ngón tay điểm vào huyệt Ấn-đường mụ. Huyệt này nằm phía trên trán, giữa hai lông mày. Nếu nàng điểm trúng, ắt mụ bị thủng sọ chết liền.
        Sợ Mỹ-Linh giết Thúy-Minh, e gây ra mối thù bất công đái thiên giữa Lưu hậu với triều Lý. Trong khi Thiên-Thánh hoàng đế không thể hạ Lưu hậu. Như vậy e bang giao Tống-Lý gặp khó khăn. Định-vương kêu lớn:
        - Công chúa, xin dung tình.
        Nghe tiếng Định-vương, Mỹ-Linh chuyển tay sang bên cạnh, chỉ kêu véo một tiếng, xén đứt một mớ tóc Thúy-Minh. Tóc mụ rơi xuống lả tả.
        Định-vương xá Mỹ-Linh:
        - Công chúa! Tuyết-Minh là tội phạm của bản triều. Xin công chúa để Hoàng-thượng xử y.
        Vốn hiền lành, Mỹ-Linh chắp tay:
        - Tiểu nữ xin trao y thị cho Thái-sư phát lạc.
        Trung-Đạo truyền thị-vệ trói y thị lại. Nhưng bỗng y thị thét lên hãi hùng như con lợn bị chọc tiết, khiến mọi người muốn chói tai:
        - Ái! Ái! Đau quá! Đau quá, giết ta đi, giết ta đi.
        Tuy kêu gào mà người mụ vẫn ngồi bất động, vì bị điểm huyệt.
        Nhà vua nói với Mỹ-Linh:
        - Công chúa! Xin công chúa giải cái đau đớn cho bà.
        Mỹ-Linh chắp tay:
        - Xin bệ hạ khoan dung. Bà dùng thần công Chu-sa mưu hại thần. Nhưng trong khi đấu nội lực, công lực bà thấp, độc tố chạy ngược trở lại hại bà, chứ thần không biết xử dụng độc công.
        Nhà vua hỏi Lê Thiếu-Mai:
        - Vương phi, cầu vương phi ra tay trị cho bà Thúy-Minh. Trẫm xin hậu tạ.
        Lý thái-hậu đứng dậy chỉ vào mặt Thúy-Minh với Lưu hậu:
        - Hai con ma đầu thấy chưa? Bọn mi cùng tên Nhật-Hồ khả ố mưu giết ta, mưu thí Hoàng-thượng để cướp ngôi vua, tội đáng lăng trì cả họ. Nhưng Hoàng-thượng một lòng nhân từ cầu xin Lê vương-phi trị bệnh cho bọn mi. Bọn mi hãy mở mắt ra để thấy cái đê hèn của mình.
        Thiếu-Mai chắp tay hướng nhà vua:
        - Tâu bệ hạ, cái đau đớn của bà Thúy-Minh cùng Lưu thái-hậu, thần không trị được. Phàm khi dùng Chu-sa độc chưởng đánh người, mà người dùng phản Chu-sa độc đánh lại, không thầy thuốc nào trị nổi. Muốn trị, phải do người đánh thu hồi chân khí, rồi nhờ người luyện Hồng-thiết tâm pháp hóa giải Chu-sa độc. Vậy muốn trị cho Lưu thái hậu, phải đích thân Lý thái hậu thu chân khí Nga-mi. Còn Nguyễn Tuyết-Minh phải do công chúa Bình-Dương thu Vô-ngã tướng thần công. Cuối cùng nhờ giáo chủ Lạc-long giáo hóa giải độc tố Hồng-thiết.
        Nói rồi nàng vỗ tay vào gáy Lưu hậu, giải độc Hàn-ngọc đơn cho bà. Bà rùng mình nói với nhà vua:
        - Hoàng nhi, ta nuôi dưỡng, phò tá hoàng nhi mười tám năm qua. Bây giờ hoàng nhi để ta đau đớn như thế này sao?
        Nhà vua quay lại nhìn Lý thái-hậu. Tự-Mai, công chúa Huệ-Nhu đang khoanh tay đứng cạnh hầu bà. Ông muốn cầu mẹ đẻ cứu mẹ nuôi. Nhưng ông biết vô ích, vì thù hận hai người chồng chất quá cao. Không biết nghĩ sao, nhà vua đến trước Lý thái-hậu quỳ gối:
        - Mẫu hậu, hôm nay là ngày mẫu tử trùng phùng. Xin mẫu hậu mở rộng lượng hải hà.
        Lý thái-hậu thở dài một tiếng, bà đỡ nhà vua dậy, rồi đến trước Lưu thái-hậu.
        Tự-Mai đang đứng cạnh công chúa Huệ-Nhu, bỗng chàng nghe tiếng Khai-Quốc vương dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai:
        - Phải theo sát cạnh Lý hậu, bảo vệ bà.
        Tự-Mai vội di chuyển theo Lý hậu. Lý hậu trợn mắt nhìn Lưu hậu, rồi để tay lên huyệt Bách-hội Lưu hậu, vận công hút lại nội lực Nga-mi. Khoảng nhai dập miếng trầu, Lưu hậu rùng mình một cái, bà lạnh lùng đứng dậy chắp tay hướng Lý thái hậu:
        - Đa tạ.
        Tiếng tạ vừa dứt, lập tức bà tung vào ngực Lý thái-hậu một chiêu Hoa-sơn chưởng bằng tất cả bình sinh công lực. Mọi người kêu thét lên kinh hoàng, vì hai người đứng quá gần nhau, dù có ai muốn ra tay can thiệp cũng không kịp. Chiêu đó mà đánh trúng Lý hậu ắt bà vỡ ngực mà chết.
        Tự-Mai không nghĩ ngợi, nó xẹt người vào giữa Lưu, Lý hậu, đưa lưng đỡ chưởng của Lưu hậu, rồi vòng tay ôm lấy Lý thái hậu, tung mình nhảy ra xa liền bốn bước để giảm bớt áp lực đè trên người. Lưu hậu quyết không tha, bà đổi chiêu, vọt mình theo, đánh một chiêu khác.
        Thấy Tự-Mai lâm nguy, Mỹ-Linh quát lên một tiếng thanh thoát, nàng phát chiêu Tiêu-sơn chưởng, đỡ chưởng của Lưu hậu để cứu sư đệ. Bình một tiếng, Lưu hậu bật lui liền hai bước, tai bà phát ra tiếng vo vo. Bà lạnh lùng mắng Mỹ-Linh:
        - Con mọi! Ai bảo mi xen vào việc của ta.
        Mỹ-Linh chắp tay:
        - Xin Thái-hậu rộng dung, thần chỉ muốn cứu nghĩa đệ Tự-Mai mà thôi.
        Tự-Mai đã đặt Lý hậu cạnh Thanh-Mai. Lý hậu vuốt tóc Tự-Mai:
        - Hảo phò mã. Người lại cứu ta một lần nữa.
        Trong khi đó mụ Nguyễn Tuyết-Minh vẫn thét lên lanh lảnh. Lưu hậu bảo nhà vua:
        - Hoàng nhi! Đúng như Thái-sư nói, vị này là mẫu thân ta. Mong hoàng nhi cứu bà. Ta...
        Bà nói đến đây tự nhiên bốn răng cửa của bà rơi xuống. Bà cảm thấy hàm răng ngứa ngáy, bà nghiến răng vào nhau, thì ôi thôi cả hai hàm răng đều rụng hết. Bà nhả hết răng xuống bàn tay, lạ lùng: Chân răng vàng khè, hôi thối vô cùng, chứ không có máu.
        Bà quay lại nhìn mẫu thân, thì Nguyễn-tuyết-Minh cũng đang ở trong trường hợp tương tự. Cảm thấy trên mặt ngứa ngày, bà lấy vạt áo lau, thì lạ chưa, nước vàng ướt đẫm vạt áo. Kinh hãi, bà nhìn sang mẫu thân, thì Nguyễn Tuyết-Minh còn kinh khủng hơn, chân tay nứt ra nhiều vệt, nước vàng chảy đầm đìa.
        Thấy lưng, rồi ngực ngứa ngáy, bà đưa tay gãi, thì lại thấy nước vàng chảy ra. Bà chỉ mặt Lý thái-hậu:
        - Con tiện tỳ kia, thì ra mi vờ thu hồi chân khí, rồi đẩy thuốc độc vào người ta. Mi thực tàn ác.
        Thiếu-Mai chạy lại cầm tay Lưu hậu lên ngửi, rồi lại cầm tay Thúy-Minh lên xem. Chợt nàng hiểu hết mọi sự. Nàng nói với Lưu hậu:
        - Tâu Thái-hậu, cả Thái-hậu lẫn tiền bối Tuyết-Minh đều bị trúng một thứ độc tố cực kỳ ác độc. Như Thái-hậu biết, Lý thái-hậu không hề đụng vào người tiền bối Tuyết-Minh. Vì vậy việc Thái-hậu trúng độc bắt nguồn từ nguyên do khác, chứ không phải Lý thái-hậu hại Thái-hậu.
        Trong khi đó nước vàng tiếp tục chảy ra khắp người Tuyết-Minh với Lưu hậu. Cả hai lảo đảo muốn ngã. Nhà vua gọi đám cung nữ:
        - Các người mau đỡ Thái-hậu.
        Lê Văn dơ tay ngăn lại:
        - Tâu bệ hạ, độc chất này cực kỳ lợi hại. Ai đụng vào, sẽ cũng bị nứt thịt như Thái-hậu.
        Tuyết-Minh với Lưu hậu đã ngồi xuống bãi cỏ.
        Mọi người ngơ ngác, không ai hiểu sao. Chợt Minh-Thiên đến trước mặt Mỹ-Linh. Ông nói:
        - Xin công chúa cho bần tăng xem bàn tay công chúa, dường như công chúa cũng bị trúng một thứ độc với thái hậu.
        Mỹ-Linh đưa tay ra:
        Bàn tay nàng vàng khè. Thiệu-Thái kinh hoảng hỏi:
        - Mỹ-Linh, có sao không?
        - Không, em không cảm thấy có gì khó chịu cả.
        Thiệu-Thái nắm tay Mỹ-Linh xem xét, chàng sờ đến đâu, bàn tay Mỹ-Linh bớt vàng đến đó, thoáng một cái, bàn tay nàng trở lại bình thường.
        Định-vương hỏi:
        - Phải chăng công-chúa đã dùng độc chất truyền vào người Tuyết-Minh với Thái-hậu?
        Mỹ-Linh lắc đầu:
        - Khải vương gia, thần là Phật-tử thuần-thành, đâu có làm việc ác đức này?
        Địch Thanh vốn không ưa Mỹ-Linh. Y muốn khơi hố chia rẽ nàng với triều Tống. Y nói:
        - Công chúa. Rõ ràng công-chúa đẩy ngược Chu-sa độc về người tiền bối Thúy-Minh. Rối ban nãy, công chúa phát chưởng cứu Trần phò mã, cũng nhân đó đẩy chất độc vào người Lưu thái-hậu. Bàn tay công chúa dính đầy chất độc thế kia, công chúa chối không nổi đâu.
        Sở-vương vẫy tay cho Địch Thanh im lặng, rồi chỉ vào Tuyết-Minh :
        - Địch Trạng-nguyên không nên đắc tội với công chúa. Khi ta cùng lão sư Phan Nam chuẩn bị tới đây đã bàn với nhau làm sao giết con ma đầu này. Chúng ta biết với lòng nhân, đức hiếu của hoàng thượng, người sẽ cứu chúng. Vì vậy lúc Phan lão sư rời đây, người vỗ vào bàn tay công chúa Bình-Dương ba viên thuốc và nói rằng: Giúp công chúa tru diệt con ma đầu Tuyết-Minh. Ai cũng tưởng đó là thuốc chống Chu-sa chưởng, chứ đâu ngờ đâu đó là thuốc kịch độc.
        Định-vương hỏi:
        - Đại huynh! Thuốc kịch độc, thế sao công chúa Bình-Dương lại không việc gì?
        - Dễ hiểu, một mình thuốc đó thì không sao. Nhưng khi hợp với độc tố Chu-sa, nó sẽ thành thứ thuốc giết người. Phan tiền bối với ta đã bàn: Người tặng công chúa Bình-Dương viên thuốc. Còn ta khích công chúa đấu với Tuyết-Minh. Trong lúc đấu, Tuyết-Minh dùng Chu-sa độc chưởng. Tất nhiên công chúa dùng phản Chu-sa đẩy chất độc trở lại người thị. Nhân đó độc chất trên tay công chúa cũng đi theo vào người Tuyết-Minh. Lập tức độc chất này hợp với Chu-sa độc trong người thị, giết thị.
        Ông chỉ vào người Lưu hậu:
        - Đúng ra chúng ta đâu có muốn hại con ma đầu này. Nhưng trời không dung y thị. Thị lấy oán trả ân, ám toán Lý thái-hậu, công chúa Bình-Dương ra tay cứu Lý thái-hậu, đỡ chưởng của thị, thế là thị lãnh hết quả của nhân mình gây ra.
        Đến đây tóc Tuyết-Minh với Lưu hậu rơi xuống lả tả, hai mắt ứa nước vàng, dường như đã mù. Người người nhìn nhau kinh hãi.
        Mỹ-Linh nói với Thiệu-Thái:
        - Anh! Anh thử hóa giải chất độc cứu hai vị này lấy phúc.
        Nhà vua cũng tuyên:
        - Xin thế-tử ra tay tế độ.
        Nghe Mỹ-Linh nói, cùng chỉ dụ của nhà vua. Thiếu-Thái tiến đến nhìn Lưu hậu, rồi chàng để tay lên đầu mụ, vận khí hút độc tố. Phút chốc nước vàng không ứa ra nữa. Chàng lại hút cho Tuyết-Minh.
        Xong việc chàng nói với Thiếu-Mai:
        - Lê sư tỷ, tôi đã hút hết chất độc trên người hai tiền bối. Xin sư tỷ xem có cứu được tính mệnh hai vị không?
        Thiếu-Mai chạy lại, quan sát hai người, nàng lắc đầu:
        - Hai vị này tuy thoát chết, nhưng trở thành mù lòa, tai thì điếc đặc, trong khi da sần sùi, còn lưỡi cứng như cá khô, không nói năng thành tiếng, cho đến võ công cũng mất hết.
        Nàng gọi cung nữ:
        - Độc chất trên thân hai vị này đã hút ra hết. Các người mang hai vị này về dưỡng bệnh.
        Cung nga xúm vào đỡ hai người đi.
        Sở-vương chạy lại ôm lấy nhà vua, ông bất chấp lễ nghi, reo lên:
        - Ha, ha... ta đã diệt xong mầm mống bọn Nhật-hồ trong triều.
        Rồi ông cười lên ha hả:
        - Sướng thật. Sướng quá! Ta sướng nhất trần ...
        Chợt ông im bặt, mắt trợn ngược. Định-vương nói:
        - Xin đại huynh buông hoàng thượng ra.
        Nhưng Sở-vương vẫn im lặng. Kinh hãi, Định-vương chạy lại gỡ anh ra: Chân tay ông cứng đờ, mắt trợn ngược.
        Lê Văn lạng người đến bắt mạch Sở-vương. Chàng lắc đầu:
        - Hoàng thúc cực lạc, nên đã về Tây-phương rồi.
        Có tiếng chim ưng réo trên không. Thiệu-Thái ngước mắt nhìn lên, nhận ra đó là cặp chim ưng của Khu-mật-viện Bắc-biên, chàng hú ba tiếng gọi chúng. Một con đáp trên tay chàng. Còn một con bay lượn đề phòng. Thiệu-Thái mở ống tre dưới chân lấy thư ra trao cho Khai-Quốc vương. Vương liếc qua, rồi cất vào túi.
        Định-vương nhìn lên cao: Trời đã về chiều. Từ xưa, các vua Tống thiết triều từ giờ Mão đến giờ Tỵ là cùng. Đây là lần đầu tiên kéo dài tới giờ Thân. Trên từ vua cho tới bách quan đều quên cả đói. Vương tâu nhỏ mấy câu với Thiên-Thánh hoàng đế.
        Hoàng-đế dõng dạc tuyên chỉ:
        - Trẫm nhờ Thái-sư cùng Yến đại học sĩ tiếp sứ đoàn Đại-Việt cho trẫm. Trẫm hoàn toàn thuận những điều Khai-Quốc vương, với hoàng thúc đã cam kết ở Khúc-giang.
        Nhà vua nói lớn:
        - Kể từ hôm nay, Đại-Việt là Đại-Việt. Tống là Tống. Hai nước ngang nhau. Nhưng theo lễ giáo cổ, em phải cống anh. Vua Trung-quốc vua Lĩnh-Nam đều là con vua Đế-Minh. Nhưng vua Lĩnh-Nam là em, vua Trung-quốc là anh. Vậy hằng năm, Đại-Việt nên sai sứ sang triều cống để giữ tình giao hảo. Bách quan phải tuyệt đối tuân theo. Những ai cố ý gây thù hận Hoa, Việt đều đem tru lục. Bãi triều.

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2005 04:29:40 bởi NuHiepDeThuong >
        #4
          CDDLT 20.01.2005 18:09:27 (permalink)
          Hồi thứ một trăm hai mươi


          Ngổn ngang trăm mối bên lòng
          (Đoạn-trường tân thanh)


          Thuyền sắp rời hồ Động-đình vào sông Tương. Thanh-Mai liếc nhìn Lê Văn, thấy mặt y buồn rười rượi, nàng biết cậu em vốn hiếu động nay ngồi im trầm tư vì phải xa Nong-Nụt, nhớ nhung chồng chất mà thành. Muốn phá cái yên lặng, nàng nháy sư huynh Trần Bảo-Dân một cái. Bảo-Dân cất tiếng hát:
          Nàng về xứ Thái xa xôi,
          Để thương, để nhớ, để tôi phải buồn.
          Lê Văn nắm tay Bảo-Dân:
          - Đại ca ơi, không phải em nhớ Nong-Nụt mà thôi đâu. Em buồn vì nhiều chuyện. Chuyện thứ nhất là chị Thiếu-Mai lấy chồng phải theo chồng ở lại Biện-kinh làm vương phi Yên-vương. Từ đây quan sơn cách trở, khó mà gặp nhau. Đại ca biết chứ, trong nhà chỉ có chị Thiếu-Mai với em, nay chị ấy đi lấy chồng, em trơ trọi một mình, buồn chết đi được. Chuyện thứ nhì, đại ca biết chứ, bọn em kết thành Thuận-Thiên thập hùng. Nhưng Thuận-Tông, Thiện-Lãm tính như ông cụ non không hợp với em. Em với Tự-Mai, Tôn Đản phá trời đã quen, nay vắng Tự-Mai em thấy thiếu thiếu một cái gì ấy. Muốn phá, muốn nghịch, không có ai hưởng ứng.
          Thanh-Mai định phân giải đôi lời với Lê Văn, thì trên trời có tiếng chim ưng réo. Thiệu-Thái hú lên một tiếng gọi nó xuống. Chàng lấy thư trong ống tre dưới chân chim trình cho Khai-Quốc vương. Vương liếc qua, rồi bỏ vào túi.
          Vương vào khoang lấy bút viết một lúc mấy tờ thư xong trao cho Thiệu-Thái một lá:
          - Cháu sai chim ưng Bắc-biên mang về cho mạ mạ.
          Vương biết bức thứ nhì, thứ ba rồi hỏi Thiệu-Thái:
          - Mấy cặp chim ưng của mình có thể bay sang Đại-lý, Xiêm-la không?
          - Thưa cậu được.
          - Đây, cháu cho chim ưng mang thư này đến phủ Ngô-quốc quận vương ở Liễu-châu cho Tự-Mai. Thư này cho Trấn-Nam vương Đoàn Huy. Thư này cho lão sư Rát-ta-na xứ Xiêm.
          Thiệu-Thái gọi ba cặp ưng xuống, bỏ thư vào ống tre dưới chân chim, hai tay tung nó lên cao. Ba cặp chim lượn một vòng, rồi hướng phương Nam bay vào đám mây trắng.
          Sau khi Định-vương phá vỡ âm mưu của Hồng-thiết giáo Đại-Việt giúp Lưu hậu tổ chức cuộc chính biến định giết Thiên-Thánh hoàng đế, tiêu diệt hoàng tộc nhà Tống, tái lập một triều đình dùng Hồng-thiết kinh thay Nho trị dân... Uy tín Định-vương lên cao. Vương được cải phong làm Yên-vương. Nhưng vương nhất tâm nhất chí phù trợ cho nhà vua. Vì vậy vương để nhà vua cùng quần thần lo chính sự. Vương chỉ cố vấn giải quyết những vấn đề khó khăn.
          Cuộc tuyển rể đông sàng cho mười bẩy giai nhân vẫn tiếp tục. Sau khi tuyển xong, Lý thái-hậu truyền làm lễ thành hôn cho công chúa Huệ-Nhu với Tự-Mai. Vì những công lao đã lập với triều Tống, Tự-Mai được phong:

          Thái-tử thiếu bảo,
          Đồng bình chương sự,
          Tả kiêu vệ đại tướng quân,
          Ngô quốc quận vương.


          Ý Yên-vương muốn để Tự-Mai cùng công chúa tổng trấn Bắc-thùy, đối phó với Khất-đan. Nhưng đại hiệp Trần Tự-An đề nghị với Thiên-Thánh hoàng-đế rằng: Khi triều đình Tống-Việt đã nhất tâm muốn tạo hoà bình, thì Việt không cần đại quân trấn Bắc. Tống cũng chẳng nên đặt trọng binh ở Nam-thùy. Tuy nhiên cần phải có người có uy của Việt mới mong diệt hết bọn người Việt muốn gây thù với Hoa, mà không ai có thể dị nghị. Ngược lại người đó cần có chức tước bao trùm Nam-thùy Tống, mới mong ước thúc bọn tham quan chủ gây chiến. Người đó không ai ngoài công chúa Huệ-Nhu với phò mã Tự-Mai.
          Tống-đế lập tức truyền bãi trọng binh ở Nam-thùy, cùng một lúc, Đại-lý, Đại-Việt, Lão-qua, Xiêm-la cũng rút quân ở biên giới Tống.
          Triều đình cử phò mã cùng công chúa tổng trấn Nam-thùy, toàn quyền tùy nghi giải quyết mọi xích mích giữa Tống với Đại-Việt, Đại-lý. Tất cả trọng binh ở Nam-thùy được đưa lên Bắc-thùy chống với Khiết-Đan.
          Bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính được đặt dưới quyền phò mã.
          Thiên-Thánh hoàng đế ban chỉ dụ cho phò mã, công chúa cùng bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính : Tuyệt đối tránh xung đột với Đại-Việt, tôn trọng những gì Yên-vương với Khai-Quốc vương đã cam kết với nhau.
          Nhà vua ủy cho Yên-vương tiễn Khai-Quốc vương và sứ đoàn Đại-Việt về nước.
          Cũng trong dịp lễ cưới của Tự-Mai, Thiên-Thánh hoàng đế làm lễ tấn phong Lê Thiếu-Mai làm Yên-vương vương phi. Theo đề nghị của Yên-vương, Hoàng-đế ban chỉ ân xá trên toàn quốc. Tuy nhiên theo luật Tống, thì có ba tội không được ân xá là: Mưu phản, hành thích Hoàng-đế, làm gian tế cho ngoại bang. Vì vậy bọn Tào Lợi-Dụng cùng bọn Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản được ân xá tội tru di tam tộc, mà chỉ bị chém cả nhà.
          Sau lễ, bốn đại tôn sư Đại-Việt: Ngô Quảng-Thiên, Phan Nam, Trần Tự-An, Hồng-Sơn theo lời mời của đại sư Minh-Thiên, cùng nhau lên núi Tung-sơn thăm chùa Thiếu-lâm. Còn sứ đoàn Đại-Việt lên đường về cố quốc. Sứ đoàn đi ba ngày mới tới Kinh-châu, rồi dùng thuyền đến Nam-ngạn.
          Khai-Quốc vương hỏi Bảo-Dân:
          - Nhị sư huynh! Nếu như thuyền xuôi giòng ra biển, rồi về Thiên-trường, phải mất bao nhiêu ngày?
          Bảo-Dân tính toán một lúc, rồi đáp:
          - Từ đây ra biển mất khoảng ba ngày. Từ biển về Thiên-trường mùa này có gió Bắc thổi, thuyền xuôi Nam rất mau, nên mất khoảng năm ngày nữa mà thôi.
          Thanh-Mai thấy chồng đăm chiêu, nàng hỏi:
          - Có truyện gì vậy? Chim ưng đưa thư của ai tới đấy? Hôm rồi, trong sân Hoàng-thành, kể từ lúc chim ưng mang thư tới, em thấy dường như anh không an tâm...
          Hơn ai hết, Thanh-Mai hiểu chồng mình: Dù trong nguy nan đến đâu, vương cũng thản nhiên như không. Hôm ở trong vườn ngự uyển Hoàng-thành, sau khi vương nhận tin của chim ưng mang tới, tuy sắc mặt bình thường, nhưng vương trở thành trầm tư. Hôm nay tin tới, khi đọc, trán vương hơi nhăn lại. Thanh-Mai đoán hẳn có biến cố gì quan trọng lắm.
          Nghe Thanh-Mai hỏi, vương đáp gọn lỏn:
          - Thư của chị An-Quốc.
          Trả lời vương phi xong, nét mặt của vương hiện ra vẻ cương quyết. Vương nói với Phụ-Quốc:
          - Đại sư ca gọi mọi người vào họp.
          Mọi người tề tựu. Vương khoan thai nói:
          - Có nhiều biến cố trầm trọng tại quê nhà. Trong khi ta đi sứ thì Nhật-Hồ lão nhân lại qui tụ đệ tử, tái lập Hồng-thiết giáo, nhưng thực lực của y không mạnh. Có nhiều giáo chúng chỉ huy các đạo không theo lão. Họ vẫn trung thành với Lạc-long giáo. Phụ-hoàng ta đau nặng, tạm ủy thác cho Khai-Thiên vương nhiếp chính. Nhưng anh hùng thiên hạ lại không chịu tuân chỉ anh ta mới khổ. Vì vậy mười đạo quân phải trao cho các vương, mỗi vương thống lĩnh một đạo.
          Vương-phi kinh hãi:
          - Thực nguy quá, nếu khi anh chưa về mà phụ hoàng băng hà rồi, thì đương nhiên sẽ có chiến tranh lớn.
          Thuận-Tông hỏi:
          - Sư tỷ, tại sao lại có chiến tranh?
          Thanh-Mai đưa mắt cho Tôn Đản, ý nàng muốn Đản giải thích cho Tông. Tôn Đản giảng giải:
          - Tông phải biết rằng các vị vương Vũ-Uy, Dực-Thánh, Đông-Chinh, Vũ-Đức hiện đều cầm trọng quyền cả. Trước đây Hoàng-thượng phong cho tất cả các vương đều làm Thái-tử. Vì vậy vương nào cũng muốn làm vua. Mãi cho đến đại hội Thăng-long, quần hào tôn anh cả lên làm thủ lĩnh Đại-Việt, các vương mới tạm bỏ mộng. Nay anh cả đi vắng, các vương có coi Khai-Thiên vương ra gì đâu? Nếu Hoàng-thượng băng hà, nước một ngày không thể không có vua cầm quyền, đương nhiên các quan phải tôn Khai-Thiên vương lên kế vị. Các vương sẽ không chịu, đem quân tranh ngôi vua. Cuộc chiến tranh tương tàn không thể tránh nổi.
          Tôn Đản ngừng lại cho Thuận-Tông, Thiện-Lãm theo kịp, rồi chàng tiếp:
          - Cứ như chim ưng báo, thì Dực-Thánh vương được trao cho hai đạo Quảng-thánh. Mỗi đạo hơn vạn người. Vương lại thống lĩnh thủy quân. Thủy quân các trấn thì vương không sai phái được, nhưng ba hạm đội Động-đình, Bạch-đằng, Âu-cơ, mỗi hạm đội hai vạn người, rất thiện chiến, lưu động mau chóng. Trước đây vương đã đi đêm với Lưu hậu để sau này vương cướp ngôi, được Lưu hậu phong chức tước cho. Bây thời cơ đến, thủy bộ của vương cộng chung tới tám vạn quân, trong bóng tối lại được bọn Nhật-Hồ hỗ trợ, chắc chắn vương sẽ làm phản.
          Chàng nói với Khai-Quốc vương:
          - Em nghĩ trong phép dùng binh, ai ra tay trước sẽ chiếm được tiên cơ. Anh nên tìm cách nào đó mật truyền lệnh cho các Đô-đốc chỉ huy hạm đội, cùng tướng chỉ huy đạo Quảng-thánh bề ngoài giả tuân phục Dực-Thánh vương. Nếu như vương làm loạn thì không tuân lệnh. Hoặc giả cứ tuân lệnh, rồi đợi khi lâm trận thì hành động ngược lại.
          Khai-Quốc vương đưa mắt cho vương phi, như cùng thông cảm với nhau điều gì, lát sau vương gật đầu:
          - Lời Tôn đệ bàn thực phải. Về tướng chỉ huy, thì đạo Quảng-thánh trước do Đinh Thịnh chỉ huy. Trong khi ta vắng nhà Đinh Thịnh mới được tân thăng vào trấn vùng Nghệ-an, Đàm quý phi xin cho em là Đàm An-Hòa thay thế. Hoà được thăng làm Hữu Kiêu-vệ đại tướng quân. Ta vô lực với tên này rồi.
          Vương nhìn vương phi:
          - Còn thủy quân, từ sau đại hội Thăng-long, phái Đông-a không bị nghi ngờ, trái lại được tín cẩn. Cho nên ta lấy cớ hầu hết tướng thủy quân là đệ tử Đông-a, ta thăng người chỉ huy thủy đội Thăng-long là Đoàn Thông, đệ tứ sư huynh của Thanh-Mai lên chức Đô-đốc thống lĩnh hạm đội Động-đình, các sư đệ đều đã biết cả rồi. Ta lại thăng sư đệ Vũ Minh, con trai sư thúc Vũ Anh chỉ huy thủy đội Thiên-trường làm Đô đốc thống lĩnh hạm đội Âu-Cơ; ta cũng thăng sư đệ Phạm Tuy con trai sư thúc Phạm Hào đang chỉ huy thủy đội Thần-phù lên làm Đô đốc thống lĩnh hạm đội Bạch-đằng. Nếu bây giờ ta viết thư cho họ, bảo không tuân lệnh Dực-Thánh vương, truyện lộ ra, có thể tứ sư huynh với hai sư đệ bị hại. Vậy Thanh muội ngầm viết thư cho nhị sư thúc Vũ Anh, để người dùng hệ thống tế tác Đông-a mật lệnh cho ba đô đốc thì hơn .
          Lê Văn đề nghị:
          - Sư huynh. Em nghĩ dù các vương có khởi loạn, nhưng với sự hiện diện của anh, thì họ khó thành công. Em đề nghị chúng ta phải phi ngựa bất kể ngày đêm trở về ngay mới kịp.
          Bảo-Hòa tiếp lời Lê Văn:
          - Việc các vương tranh ngôi thì mình không đáng sợ. Đáng sợ là bọn Hồng-thiết giáo nhân đó nổi loạn mới nguy. Chúng ta đã thấy cái gương triều Tống thì rõ. Nhật-Hồ lão nhân lợi dụng cuộc tương tranh giữa bang Nhật-hồ với triều đình, giữa Lưu hậu với Yên-vương, để mưu cướp quyền. Bên Đại-Việt ta ắt lão cũng làm tương tự. Cái nguy là mọi hành động của chân tay lão bên Tống lão không nắm được, trong khi ta lại hiện diện tại đương trường. Ta mới thắng lão. Ngược lại, bây giờ lão đang ở đương trường, còn ta lại ở xa.
          Nàng gay gắt hơn:
          - Từ trước đến nay cháu vẫn không đồng ý với các vị đại sư Minh-Không, Huệ-Sinh cũng như một số các vị cho rằng bọn Hồng-thiết giáo dù sao cũng là người Việt, nên trong đại hội Lộc-hà, đáng lẽ thẳng tay tru diệt chúng đi, thì lại trị bệnh cho chúng, rồi xin ông ngoại ban chỉ ân xá cho chúng. Cháu thì cháu nghĩ rằng, vì chúng bất tài, ngu dốt, lại vô tư cách, trong hương đảng, ngoài anh hùng hào kiệt đều coi chúng như con sâu cái kiến, dơ bẩn. Vì vậy chúng mới kết hợp với nhau thành một đảng cướp, dùng độc tố khống chế thiên hạ. Nay tuy được ân xá, trở về với làng xóm, chúng lại hiện nguyên hình là những tên ngu dốt, không có tài kiếm sống, cho nên chúng phải tái lập lại Hồng-thiết để có oai quyền, để ăn trên ngồi trốc, để nhân danh xã tắc muốn giết ai thì giết. Lần này trở về, cậu nên thẳng tay giết chúng không tha. Tha chúng tức là có tội với dân với nước.
          Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn cử tọa một lượt. Cao nhất là Bảo-Dân, thấp nhất là Lê Văn , mặt đều đằng đằng sát khí dường như đồng ý với Bảo-Hòa. Bảo-Hòa tiếp:
          - Bây giờ chúng ta phải về khẩn cấp. Cháu đã thư cho phái Tản-viên chuẩn bị sẵn, hễ thấy bọn Hồng-thiết là thẳng tay tàn sát. Phái Tản-viên là hậu duệ của Thánh, mà đệ tử của ngài không tru ma diệt quỷ thì ai sẽ làm chuyện đó?
          Khai-Quốc vương thở dài:
          - Bảo-Hòa luận đúng, ta muốn dùng chim ưng truyền thư tới các tôn sư. Khổ một điều trước đây ta nhờ các tôn sư đi du thuyết khắp tám vùng tộc Việt hầu thống nhất đất nước. Nay các vị lại không ở nhà.
          Vương tính đốt ngón tay:
          - Quốc-trượng với Hồng-sơn đại phu thì đang ở chùa Thiếu-lâm. Sư bá Đặng Đại-Khê đang thay ta du thuyết ở Đại-lý. Sư thái Tịnh-Huyền, Tịnh-Tuệ hiện du thuyết bên Xiêm. Sư bá Minh-Không đang du thuyết ở Chân-lạp. Sư bá Thân Thiệu-Anh đang du thuyết ở Chiêm-thành. Đại-Việt ngũ long vắng nhà cả.
          Mỹ-Linh bàn:
          - Cháu nghĩ tuy Đại-Việt ngũ long vắng nhà, nhưng cũng còn nhân vật bậc nhì cũng đủ sức kiềm chế chúng. Chú thử nhờ họ xem.
          Vương tỏ vẻ cương quyết:
          - Đành vậy.
          Vương viết thư, rồi trao cho Bảo-Hòa. Vì chim ưng của Bảo-Hòa thuộc Bắc-biên, nên chúng chỉ có thể đưa thư về cho Thiệu-Cực, rồi Thiệu-Cực sai chim khác chuyển tiếp đến nơi nhận.
          Thư gửi đi rồi, vương truyền lệnh:
          - Bây giờ đến chúng ta. Bảo-Hòa, cháu nghĩ chúng ta nên về bằng đường nào cho tiện?
          - Thưa cậu, bọn Hồng-thiết giáo rất sảo quyệt. Nếu như ta đang trên đường về, mà chúng nổi loạn, ắt chúng phái nhiều đạo quân cản trở, khiến ta chậm bước. Ta có vượt qua được các đạo quân này, ắt cũng mất nhiều thời gian. Trong khi đó ở nội địa, chúng đã thành công. Vậy ta phải chia làm nhiều ngả mà về. Hàng ngày ta dùng chim ưng liên lạc với nhau.
          Tôn Đản bàn tiếp:
          - Theo em biết thì dường như anh định nhân dịp này tiêu trừ hết mầm mống bọn Hồng-thiết giáo thì phải. Hồi trước đại hội Thăng-long, anh không muốn diệt chúng, vì sợ ta mất đi những tinh hoa của đất nước. Còn bây giờ Nhật-Hồ lão nhân có làm phản, nhiều lắm một nửa giáo chúng theo y, còn một nửa vẫn trung thành với Lạc-long giáo. Tại sao anh lại sai chim ưng truyền tin đến cho các đại tôn sư ở Xiêm, Chiêm, Lão-qua, Chân-lạp, Đại-lý để cùng tận diệt chúng? Giữa hai quyết định, có đạo lý gì khiến anh thay đổi?
          - Dễ hiểu. Trước đại hội Thăng-long, các võ phải chia rẽ trầm trọng, các nước thuộc tộc Việt không nước nào chịu nước nào. Bên trong thì các tôn sư một nửa ủng Lê, một nửa ủng Lý. Bên ngoài thì Lưu hậu, Định-vương đều muốn diệt Đại-Việt, cho nên ta cần giữ tài lực Hồng-thiết giáo để chống ngoại bang, vì vậy ta mở cho họ con đường sống.
          Vương nhìn mây trôi trên trời:
          - Nay thì khác. Các võ phái là một khối, nạn ủng Lê, ủng Lý không còn. Bên ngoài các nước thuộc tộc Việt thống nhất. Phía Bắc, Lưu hậu không còn. Yên-vương là bạn ta, trong khi Hồng-thiết giáo được ân xá mà còn nổi loạn, thì có nghiã là chúng không thể sửa đổi. Khi không thể sửa đổi thì chỉ có một đường duy nhất là giết hết.
          Bọn Tôn Đản đồng công nhận quyết định của Khai-Quốc vương đúng đạo lý.
          Tuy vấn đề khẩn cấp, nhưng từ nãy đến giờ nghe Bảo-Hòa, Tôn Đản, Mỹ-Linh kiến giải sự việc như những người kinh lịch nhất. Vương mừng thầm, vì trong chuyến đi vừa qua, chúng đã thu được nhiều kinh nghiệm, tầm con mắt mở rộng. Vương tuyên chỉ:
          - Bảo-Hòa luận đúng. Nhật-Hồ lão nhân là con cáo già. Ta ước tính, nếu chúng nổi loạn, ắt chúng không nổi ở Thăng-long. Tại Thăng-long chúng sẽ xui các vị vương đem quân vào Hoàng-cung tranh ngôi vua với Khai-Thiên-vương. Trong khi đó chúng tìm cách ngăn đường tiến quân của Bắc-biên về. Còn chúng, chúng sẽ nổi loạn ở phía Nam. Ba mục tiêu chính, chúng phải chiếm là tổng đường phái Đông-a, Vạn-thảo sơn trang và Vạn-hoa sơn trang. Ta đã thư cho ba nơi đề phòng rồi. Trong khi đó ta lệnh cho Ngô An-Ngữ tuần tiễu cẩn thận Trường-yên.
          Vương nói với Bảo-Dân:
          - Sư huynh cùng Khấu sư tỷ với Thanh-Mai lấy thuyền vượt biển về giúp An-Ngữ trấn Trường-yên. Vì ta sợ quân của Đàm Toái-Trạng với lực lượng Hồng-hương thiếu niên quá đông đảo. Sư huynh Ngô An-Ngữ không đương nổi. Bằng như khi sư huynh về tới nơi, chúng đã nổi loạn rồi, thì lấy lực lượng Thiên-trường giải vây cho Trường-yên, rồi đánh trở xuống Nam bắt tay với lực lượng của Vạn-hoa và Vạn-thảo.
          Vương nói với Thông-Mai:
          - Đại huynh cùng Bảo-Hòa, Lê Văn giả trang lẻn về Thăng-long, ẩn ở trong Hoàng-thành, để đề phòng bọn Hồng-thiết giáo ám hại hoàng tộc. Trong trường hợp các vương làm phản, ắt họ dồn hết gia tướng, gia binh công thành, phủ đệ của họ bỏ trống. Sư huynh với Bảo-Hòa điều khiển hệ thống tế tác của Đông-a, của Khu-mật viện đánh chiếm phủ đệ của họ, hầu gây hoang mang cho gia tướng, gia binh các vương.
          Vương nói với Thuận-Tông, Thiện-Lãm:
          - Hai em trở về nắm vững lực lượng Phong-châu, Thượng-oai. Nếu Thăng-long có biến thì cùng Thiệu-Cực kéo quân về ngay. Khi về tới sông Hồng sẽ có thủy quân của ba hạm đội chở vào Thăng-long.
          Vương nói với Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Tôn Đản:
          - Còn chúng ta với Ngô tiểu thư thẳng đường về Đại-Việt. Chúng ta làm cái bia cho bọn Hồng-thiết giáo theo dõi.
          Cơm chiều xong, mọi người âm thầm lên đường trước. Khai-Quốc vương từ biệt Tư-mã Trường-sa rồi cùng Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Tôn Đản, Ngô Cẩm-Thi lấy ngựa thẳng đường về Nam.
          Một hôm sứ đoàn về tới Nam-quan, ngựa đang phi như bay thì từ phía trước có đám bụi bốc lên. Mỹ-Linh tinh mắt, nàng la lớn:
          - Có đoàn người đang đuổi theo một kị mã.
          Tôn Đản hô mọi người dấu ngựa vào sau ngôi đền, rồi núp vào bụi cây chờ đợi. Công việc vừa xong thì đoàn người ngựa đuổi nhau đến gần. Kị mã phi phía trước dường như bị thương, y nằm trên lưng ngựa, tay ra roi. Còn đám đuổi phía sau tất cả chín người, được điều khiển bởi một phụ nữ già.
          Đoàn người tới gần, Thiệu-Thái nhận ra đám người đuổi thuộc Hồng-thiết giáo Đại-Việt, vì chúng choàng khăn đỏ ở cổ. Thình lình kỵ mã phía trước ngồi thẳng người dậy, tay y vung ra sau. Bốn mũi phi trùy từ tay y tung ra. Đám kỵ mã không tránh kịp, bốn người bị trúng phi trùy ngã lộn xuống ngựa.
          Mụ đàn bà quát lên một tiếng, tay mụ phóng về trước một viên thép sáng loáng. Viên thép trúng chân ngựa kị mã phía trước. Ngựa đang phi mau, bị hụt chân, ngã lộn đi. Kị mã vọt mình lên cao, y đáp xuống đất an toàn. Đám kị mã phía sau vừa đuổi kịp, chúng bao vây kị mã phía trước lại.
          Núp trong bụi cây, Thiệu-Thái nhận ra mụ đàn bà là trưởng lão Lạc-long giáo tên Ngô Bách-Vân, còn kị mã phía trước tên Đào Nhất-Bách. Nhất-Bách nhìn lên trời, thấy cặp chim ưng của Thiệu-Thái, y tự nhủ:
          - Đôi chim ưng này dường như của giáo chủ với tiên cô Bảo-Hòa chưởng môn. Như vậy ta không sợ bọn này nữa.
          Chàng cất tiếng cười ha hả:
          - Mụ Bách-Vân kia! Bình thường ta có coi mụ ra gì đâu. Hôm nay ta bị trọng thương, mụ lấy số đông bao vây ta. Ta dù có chết cũng không phục.
          Ngô Bách-Vân nói nhỏ nhẹ:
          - Đào sư đệ. Người đường đường là trưởng lão bản giáo. Thế mà giáo chỉ của giáo chủ ban ra, người không tuân hành. Sư đệ ơi! Người to gan lớn mật quá đi. Tuy vậy giáo chủ cũng khoan dung đại độ tha cho sư đệ. Người sai ta đi mời sư đệ về yết kiến người. Vậy mà từ sáng đến giờ sư đệ giết mất hơn mười anh em bản giáo. Bây giờ người bị thương nặng, ta đem sư đệ về thôi.
          Nói rồi mụ vung tay một cái, lập tức người Nhất-Bách bao trùm trong đám bụi trắng. Nhất-Bách định nhảy vọt lên tránh, nhưng y đã kiệt sức, nên người vừa lên khỏi mặt đất, lại rơi xuống, y hít phải đám bụi trắng, thân hình lảo đảo rồi ngã ngồi xuống.
          Ngô Bách-Vân ra lệnh:
          - Đào trưởng lão bị trúng phấn độc, phải hai giờ mới cử động được. Các người đỡ trưởng lão lên mình ngựa cho ta.
          Mụ lại chỉ vào bốn giáo chúng vừa bị Nhất-Bách giết:
          - Các người đào lỗ chôn bốn người tuẫn giáo rồi hãy đi.
          Bốn giáo chúng đỡ Nhất-Bách đặt nằm trên lưng ngựa rồi lấy vũ khí hì hục đào lỗ.
          Khai-Quốc vương đưa mắt cho Thiệu-Thái, chàng dùng thượng thừa khinh công vọt ra vỗ tay lên đầu Nhất-Bách một cái, rồi trở về chỗ cũ. Bước chân Thiệu-Thái nhẹ quá, thành ra mụ Bách-Vân cùng bốn giáo chúng đang mải đào lỗ mắt nhìn đi chỗ khác, không thấy chàng. Song Nhất-Bách thì y nhìn rất rõ có người đã hút độc tố cứu y. Vì từ khi luyện Mục-ngưu thiền chưởng, cơ thể Thiệu-Thái đã thay đổi quá nhiều, nên y không nhận ra chàng. Y nghĩ thầm:
          - Người này là ai, mà nội công hùng mạnh muốn hơn Thân giáo chủ, bản lĩnh hút độc tố cũng không kém. Trông dáng rõ ra còn trẻ, khuôn mặt như ngọc, phong lưu tiêu sái khác phàm. Thiếu niên như vậy mà sao ta không từng nghe qua bao giờ? Hay y là sư huynh, sư đệ của giáo chủ?
          Nhất-Bách nghĩ đến đây y rùng mình một cái, rồi ngồi dậy. Ỷ có người trợ thủ, y cất tiếng cười ha hả.
          Mụ Bách-Vân quay lại, thấy Nhất-Bách khỏe mạnh, dường như thuốc không làm gì được y. Mụ sa sầm mặt lại hỏi:
          - Đỗ đệ. Người tuy chống được Mê-hồn phấn, nhưng người không thể thoát được tay ta hôm nay đâu.
          Nói rồi mụ vung tay định chụp Nhất-Bách. Khai-Quốc vương đưa mắt cho Tôn Đản. Tôn Đản nhặt viên sỏi búng đến véo một cái, trúng huyệt Khúc-trì Bách-Vân. Cánh tay mụ trở thành tê liệt. Mụ ngoác mồm ra chửi:
          - Đứa nào đánh...
          Ý mụ định chửi: Đứa nào đánh trộm. Nhưng tiếng trộm chưa ra khỏi miệng, thì véo, véo hai tiếng nữa. Một viên sỏi trúng huyệt Hạ-quan, mồm mụ cứng đơ, không mở ra được. Một viên trúng huyệt Dương-lăng-tuyền, hai châm mụ tê liệt. Mụ ngã ngồi xuống bằng hai gối, giống như quỳ trước mặt Nhất-Bách vậy. Bốn giáo chúng còn lại kinh hoàng, chưa biết phản ứng sao, thì bốn viên sỏi bay ra. Kẻ bị trúng huyệt Hoàn-khiêu, người bị trúng huyệt Phong-thị, chân bị tê liệt, ngã lỏng chỏng xuống đất.
          Nhất-Bách vội hướng bụi cây hành lễ:
          - Không biết cao nhân nào đã cứu tại hạ. Đào Nhất-Bách phái Tản-viên xin muôn vàn cảm tạ. Tại hạ thân bị thương không hành lễ được. Xin cao nhân khoan thứ cho.
          Thiệu-Thái từ bụi cây bước ra, chàng hỏi Nhất-Bách:
          - Nhất huynh! Thiệu-Thái đây. Cái gì đã xẩy ra?
          Nhất-Bách kinh hãi, y há hốc miệng ra:
          - Giáo chủ... Giáo chủ thay đổi quá nhiều, thuộc hạ không nhận ra. Sao... sao giáo chủ lại muôn phần đẹp đẽ như thế này ?
          - Tự tôi luyện khô-thiền, nên cơ thể dần dần trở thành gầy.
          Nhất-Bách cung tay đáp:
          - Thuộc hạ nhận được lệnh của sư tỷ chưởng môn Bảo-Hòa bảo phải triệu tập đệ tử, cùng liên lạc với Khu-mật-viện Bắc-biên hầu đề phòng bọn Nhật-Hồ làm loạn. Sau khi anh em tề tựu đầy đủ trên Tản-lĩnh, thì có chỉ dụ của vua Bà Bắc-biên cho biết bệnh tình Hoàng-thượng trầm trọng, trong triều thì Tể- tướng Lý Đạo-Nghĩa đột nhiên không bệnh mà từ trần. Các vương cùng triều thần lại không nghe lệnh Khai-Thiên vương. Vua Bà triệu tập thuộc hạ phải xuống động Giáp họp khẩn cấp. Thuộc hạ vừa xuống đến chân núi thì gặp Ngô Bách-Vân cùng trăm giáo chúng Hồng-thiết. Bách-Vân truyền lệnh của Nhật-Hồ lão nhân cho đệ tử.
          Đến đây Nhất-Bách mệt quá, y ngừng lại thở hổn hển. Thiệu-Thái vội đỡ y ngồi dựa dưới gốc cây, rồi để tay lên huyệt Bách-hội, dồn chân khí sang người y. Lát sau, y cảm thấy khoẻ mạnh, khoan khoái vô cùng. Y tiếp:
          - Bách-Vân cho biết Nhật-Hồ lão nhân trở lại giang hồ. Lão truyền giáo chúng các nơi khởi binh đồng loạt. Lão sai đệ tử xuất lĩnh anh em phái Tản-viên thình lình đánh chiếm động Giáp, rồi dàn quân ra biên giới đề phòng quân Tống tràn qua. Thuộc hạ không tuân, vì bản giáo nay là Lạc-long giáo, chứ không còn là ma giáo quỷ giáo nữa. Thế là mụ cùng đám giáo chúng bao vây tấn công thuộc hạ. Thuộc hạ chạy ngược lên Bắc. Y thị đuổi theo. Dọc đường đám giáo chúng bị thuộc hạ giết dần, cho đến nay chỉ còn bốn tên. Tuy nhiên thuộc hạ cũng bị thương trầm trọng.
          Biết Thiệu-Thái chưa thể ứng phó trong trường hợp này. Khai-Quốc vương vẫy mọi người đồng xuất hiện. Vương đưa mắt ra hiệu cho Mỹ-Linh. Nàng xoa lên cằm Bách-Vân một cái, giải khai huyệt đạo cho y thị. Khai-Quốc vương hỏi Bách-Vân:
          - Ngô trưởng lão. Bây giờ Ngô trưởng lão định sao đây?
          Ngô Bách-Vân cúi đầu xuống:
          - Khải vương gia. Trong đại hội Thăng-long năm trước, Hoàng-thượng ân chỉ đại xá thiên hạ, vì vậy anh hùng không thể giết Nhật-Hồ lão nhân. Trong khi Thân giáo chủ vắng nhà, lão tái xuất hiện rồi dùng Nhật-Hồ độc chưởng khống chế tiểu nhân, nên lão truyền lệnh gì, tiểu nhân đâu dám không tuân theo?
          Ngô Cẩm-Thi vỗ vai Bách-Vân:
          - Phu nhân. Cho đến giờ phút này, mà phu nhân vẫn còn dối trá vương gia nữa ư? Phu nhân ơi! Nếu như phu nhân bị Nhật-Hồ lão nhân khống chế bằng độc chưởng, thì phu nhân vẫn có thể dùng thuốc để sống qua ngày, chờ Thân giáo chủ về giải cứu kia mà. Thuốc giải của Hồng-thiết giáo Đại-Việt, các trưởng lão đều biết chế cả. Phu nhân là trưởng lão đương nhiên phu nhân biết chế chứ?
          Biết đã đến đường cùng, không hổ là một đại ma đầu, Ngô Bách-Vân vẫn chối:
          - Cô nương nói thì dễ, nhưng khi đứng trước Nhật-Hồ lão nhân, tính mạng như treo sợi tóc, hỏi ai dám chống mạng lệnh lão?
          Mụ quay lại nói với Khai-Quốc vương:
          - Xin vương gia cho tiểu nhân đới tội lập công. Tiểu nhân nguyện đi tiêng phong dẫn đường cho vương gia tiêu diệt bọn Hồng-thiết giáo.
          Tôn Đản tự hiểu thân thế Khai-Quốc vương cao quý biết mấy, người không thể hỏi cung nữ ma đầu này. Còn chàng thì chưa đủ kinh nghiệm đối phó với y thị. Phải chi có Thanh-Mai, Bảo-Hòa đây thì thừa sức bắt y thị khai hết những bí mật về Hồng-thiết giáo. Chàng đưa mắt cho Ngô Cẩm-Thi. Ngô Cẩm-Thi hiểu ý Tôn Đản, nàng nói với Thiệu-Thái:
          - Thân huynh. Mụ này là trưởng lão Lạc-long giáo, nay đã phản giáo đi với ma đầu Nhật-Hồ để hại dân. Vậy đại ca để tiểu muội giết thị quách đi cho rồi.
          Thiệu-Thái định lên tiếng ngăn cản Cẩm-Thi, nhưng chàng chợt thấy mắt Cẩm-Thi nháy mấy cái. Động tâm linh, chàng vờ thở dài:
          - Sự việc đã như thế này, thì tùy Ngô tỷ tỷ định đoạt.
          Ngô Cẩm-Thi túm áo mụ Ngô Bách-Vân xách lên, đưa vào khu vườn gần đó. Nàng rút kiếm ra chỉ vào mặt Bách-Vân:
          - Ngô phu nhân, người có gì muốn nói trước khi về với thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh không?
          Ngô Bách-Vân bở vía, mụ năn nỉ:
          - Tiểu thư, xin tiểu thư dung tình, tôi xin khai hết.
          - Phu nhân nói đi.
          - Nhật-Hồ lão nhân định tổ chức cuộc nổi dậy, để lão lên làm vua. Trước kia thì Vũ Nhất-Trụ cản trở, vì quyền trong tay Lê Ba. Ngược lại bây giờ Nhất-Trụ lại hân hoan vô cùng. Y cho rằng chẳng bao lâu nữa lão chết. Y là đại đệ tử, đương nhiên lên kế nghiệp. Cuộc nổi dậy tổ chức rất chi tiết. Trước hết họ xui chư vương nổi loạn, rồi nhân đó xen vào, cướp quyền. Họ đã đánh thuốc độc Hoàng-thượng.
          Khai-Quốc vương, Mỹ-Linh cùng kêu lên tiếng ái chà.
          - Họ biết rằng trước khi ngự trù dâng lên món gì, đều có ngự-y nếm trước, cho nên họ không dùng thứ thuốc làm chết người. Họ biết Hoàng-thượng thích hoa huệ, nên họ bỏ vào thức ăn một thứ thuốc không hương, không sắc, không vị. Ngự-y nếm vào thấy như thường. Nhưng Hoàng-thượng ngự vào, khi về tẩm thất ngửi mùi hoa huệ. Hương hoa huệ với thứ thuốc trong cơ thể Hoàng-thượng, sẽ thành chất độc. Thứ chất độc này làm Hoàng-thượng nhức đầu. Cứ như vậy Hoàng-thượng trúng độc ngày càng nặng. Trong vòng bốn mươi ngày thì trúng phong, bán thân bất toại. Trong khi bán thân bất toại, Hoàng-thượng vẫn ăn phải chất độc, ngửi mùi hoa huệ, thế là băng hà.
          Mỹ-Linh hỏi:
          - Kể từ lúc trúng độc đến lúc băng hà khoảng bao nhiêu ngày?
          - Vũ Nhất-Trụ nói từ bốn mươi đến sáu mươi ngày.
          - Phu nhân có biết họ bắt đầu đánh thuốc độc từ bao giờ không?
          - Từ hôm tết Nguyên-đán.
          Mỹ-Linh kinh hoảng:
          - Như vậy hôm nay đã bốn mươi ngày rồi.
          Cẩm-Thi dục:
          - Phu nhân tiếp cho.
          - Nhật-Hồ lão nhân rất sợ mười đạo Thiên-tử binh. Tướng chỉ huy các
          đạo này đều do Khai-Quốc vương đào tạo. Vương lại ra lệnh: Trong khi vương vắng nhà các tướng chỉ tuân lệnh của đại sư Huệ-Sinh với Tạ Sơn. Lão nghĩ cách làm sao cho các đạo binh đánh lẫn nhau. Có như vậy lão mới hy vọng chiếm được kinh thành Thăng-long.
          Khai-Quốc vương gật đầu, tỏ ý hiểu mưu của Nhật-Hồ lão nhân:
          - Đối với vấn đề này, lão làm cách nào để các đạo binh đánh nhau?
          - Lão biết các vị thân vương đều muốn làm vua. Vì vậy vị nào cũng khuất thân tuyển các cao thủ, cùng chiêu mộ giáp binh, để mai sau dùng đến. Lão cho những cao thủ Hồng-thiết giáo mà đời chưa biết đến âm thầm ứng tuyển vào phủ thân vương. Thành ra hiện những gia tướng trong phủ các thân vương đều là đệ tử Hồng-thiết giáo. Những gia tướng nào không phải của Hồng-thiết giáo sẽ bị Hồng-thiết giáo gây cho bị nghi ngờ, rồi bị giết. Hoặc họ dùng Chu-sa độc chưởng khống chế.
          Mỹ-Linh lắc đầu rùng mình.
          - Đám gia tướng dần dần chiếm được lòng tin của các thân vương. Họ xui các thân vương thu dụng đám trưởng lão Lạc-long giáo. Hiện mỗi thân vương đều có một trưởng lão cầm đầu gia tướng. Nhật-Hồ lão nhân lệnh cho đám gia tướng trong phủ thân vương khích bác, đánh lẫn nhau, hầu chia rẽ các thân vương. Các trưởng lão thì bầy mưu cho các thân vương tranh cạnh, tìm dịp chiếm ngôi vua.
          Mỹ-Linh hỏi:
          - Ai khuyên Hoàng-thượng trao các đạo binh cho thân vương?
          - Dực-Thánh vương. Khi Hoàng-thượng lâm bệnh. Vương tâu rằng: Khai-Quốc vương vắng nhà, mà mười đạo binh giao cho Thái-tử thiếu phó, Phiêu-kị đại tướng quân Dương Bình e nguy quá. Dương Bình tuy là người trung thực, võ công vô địch, nhưng dầu sao cũng là đại đệ tử của Hồng-sơn đại phu. Thảng hoặc có lòng nào thì mình trở tay không kịp. Để đề phòng, nên trao cho mỗi thân vương lĩnh một đạo.
          Mỹ-Linh ngắt:
          - Phân chia những đạo nào cho ai?
          - Hai đạo Ngự-long giao cho Khai-Thiên vương. Hai đạo Quảng-thánh giao cho Dực-Thánh vương. Hai đạo Quảng-vũ giao cho Vũ-Đức vương. Hai đạo Bổng-nhật giao cho Đông-Chinh vương. Hai đạo Đằng-hải giao cho Vũ-Uy vương.
          Khai-Quốc vương kinh hãi hỏi:
          - Thế còn Cấm-quân, cùng Thị-vệ thì giao cho ai?
          - Không thay đổi. Thị-vệ vẫn do Tả-kim-ngô thượng tướng quân, quản Khu-mật viện Tạ Sơn trực tiếp. Cấm-quân thì trao cho Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa.
          Tôn Đản hỏi:
          - Đối với các phái, Nhật-Hồ lão nhân có mưu đồ gì không?
          - Có lẽ có, nhưng lão nhân gia không cho tôi biết. Riêng phái Tản-viên, lão sai tôi tìm cách khống chế. Thảng hoặc khống chế không được, thì ít ra cũng làm cản trở việc tiếp viện cho vua Bà Bắc-biên. Lão nhân gia cho rằng Bắc-biên ở xa xôi, quân sĩ lại ô hợp, chỉ cần chiếm được Thăng-long rồi ban một tờ chỉ là xong.
          Khai-Quốc vương bảo Thiệu-Thái:
          - Cháu giải khai huyệt đạo cho Ngô phu-nhân cùng mấy giáo chúng này. Ta phải trở về Thăng-long khẩn cấp, trước khi Nhật-Hồ lão nhân phát động cuộc phản loạn.
          Vương nói với Ngô Bách-Vân:
          - Ngô phu nhân. Nếu quả đúng như lời phu nhân nói, phu nhân theo Nhật-Hồ lão nhân chẳng qua vì bị khống chế. Cô gia tạm tin như vậy. Bây giờ phu nhân hãy cùng cô gia dẹp loạn. Mọi việc xong xuôi, Thiệu-Thái sẽ giải độc chưởng cho phu nhân.
          Mọi người cùng lên ngựa phi như bay, chỉ mấy giờ sau về tới gần núi Tản. Xa xa có đám bụi bay lên mờ mịt. Mỹ-Linh tinh mắt, nàng nói lớn:
          - Phía trước có một đạo quân đang đi cùng chiều với chúng ta. Trên đầu có mấy đoàn chim ưng bay theo hộ tống, trinh sát. Dường như là quân của khê động, vì họ mặc y phục mầu xanh.
          Tôn Đản, Cẩm-Thi vọt ngựa lên trước. Hơn khắc sau, hai người đã nhìn rõ đạo quân đó ước khoảng hơn nghìn người. Tuy là quân khê động, nhưng hùng tráng vô cùng. Đám chim ưng đang bay lượn, thì một đội hơn mười con tách khỏi hàng bay là là trên đầu Tôn Đản, rồi chúng ré lên như báo động. Đạo quân dường như nhận biết có người phi ngựa sắp tới. Một toán mười người đi sau cùng dừng lại, dàn ngang ra đường, người chỉ huy cỡi trên bành voi cầm cờ phất phất ra hiệu cho Tôn Đản, Cẩm-Thi dừng vó.
          Tôn Đản hỏi:
          - Anh em thuộc Khê-Động nào?
          - Phong-châu. Đản, đằng ấy không nhận ra tớ sao? Tớ là Hoàng Tích đây.
          Nói rồi Hoàng Tích tung mình khỏi bành voi, nắm tay Tôn Đản. Tôn Đản nhận ngay ra y là người tranh chức châu trưởng Phong-châu hồi trước. Tôn Đản ôm chầm lấy Hoàng Tích, chàng nói theo lối Bắc-cương:
          - Ôi, đằng ý nhớn thế này rồi à. Mình nhận không ra, tưởng ông tướng nào?
          Hoàng Tích mở bầu rót rượu mời Tôn Đản, Cẩm-Thi:
          - Thuận-Tông trở về, suốt ngày kể chuyện đi sứ, nghe hoài mà không chán. Bà chị đây hả? Thuận-Tông khen bà chị hết lời, nào xinh đẹp, nào võ công cao, nào văn hay chữ tốt.
          Tôn Đản, Cẩm-Thi bưng rượu uống, đó là thứ rượu nấu xong cho vào bình ngâm dưới suối, vì vậy hương thơm ngào ngạt.
          Cẩm-Thi nói:
          - Chúng tôi thuộc sứ đoàn sang Tống, trên đường hồi quốc. Các vị mau chuẩn bị đón Khai-Quốc vương. Người sắp tới. Hoàng Tích ra hiệu cho một thanh niên, tuổi khoảng hai mươi, dáng người hùng vĩ, da ngăm đen. Anh ta cầm tù và rúc lên một hồi, rồi nói:
          - Xin hai vị chờ một lát, châu trưởng của chúng tôi sắp tới.
          Từ phía trước đạo quân, một kị mã quay ngựa trở lại, y chính là Lê Thuận-Tông. Tôn Đản hỏi:
          - Thuận-Tông, đem quân đi đâu đây?
          Lê Thuận-Tông thấy Tôn Đản, Cẩm-Thi thì mừng rỡ ra mặt:
          - Em được chỉ dụ của mạ mạ bảo tập hợp bản bộ quân mã Phong-châu tiến về Thăng-long. Tình hình nguy lắm rồi. Anh cả đâu?
          - Ta đây. Ta muốn gặp vua Bà.
          - Em đi tiên phong. Đạo thứ hai của Hà Thiện-Lãm. Đạo thứ ba của Nùng Tồn-Phúc. Mạ mạ với anh Thiệu-Cực đi sau cùng.
          Tôn Đản trao mụ Ngô Bách-Vân với bốn giáo chúng cho Hoàng Tích. Hoàng Tích sai mấy kị binh đem bỏ vào cũi mang về Thăng-long.
          Mỹ-Linh hỏi:
          - Tình hình ra sao, mà Bắc-biên phải kéo quân về như vậy?
          - Mạ mạ cho biết dường như Hoàng-thượng bệnh tình cực kỳ trầm trọng. Hoàng-thượng ban chiếu nhường ngôi cho Khai-Quốc vương. Nhưng nay Khai-Quốc vương đi vắng, thì Dực-Thánh vươngtạm nhiếp chính. Thái giám lĩnh chỉ tuyên gọi các vương vào nghe chiếu chỉ. Vừa lúc đó sư phụ về tới, người nhập tẩm thất trình bầy âm mưu tạo phản của Dực-Thánh vương có từ lâu, nay trao quyền cho vương thì vương không ngần ngại gì mà không cướp ngôi vua. Hoàng-thượng vội giữ chiếu chỉ đó lại, ban một chiếu chỉ mới, triệu Khai-Thiên vương vào trao quyền. Khai-Thiên vương vừa tiếp quyền thì được tin chư vương tụ quân định làm loạn. Vương phải điều hai đạo Ngự-long vào trấn trong thành. Việc vừa êm, thì chư vương xin vào thành thăm bệnh Hoàng-thượng. Các vương dẫn võ sĩ cùng quân theo nhập Hoàng-thành. Quan tổng lĩnh Cấm-quân Lý Nhân-Nghĩa bắt các võ quan cùng chư quân ở ngoài vì sợ có biến. Các vương thì lấy lý do sợ Khai-Thiên vương dùng phục binh giết, nên phải mang theo người hộ vệ.
          Khai-Quốc vương cau mặt:
          - Như vậy Khai-Thiên vương có lý. Còn chư vương lo sợ bị Khai-Thiên vương hại cũng không phải là điều qúa đáng. Những việc trầm trọng như thế, tại sao Khu-mật viện không báo cho ta biết gì cả?
          - Em nghe mạ mạ nói: Mấy hôm nay, người phụ trách điều khiển chim ưng của Khu-mật viện là Nguyễn Duệ với đội ưng-binh, đã bị Dực-Thánh vương bắt giam. Vương ép Duệ sai chim ưng mang tin giả cho anh cùng mạ mạ. Duệ cùng ưng-binh đập đầu vào cột đá tự tử, thành ra không còn chim báo tin tức nữa. Bây giờ chỉ còn chim ưng của Vạn-hoa sơn trang với Trường-yên là xử dụng được. Nhưng mấy hôm nay các nơi này cũng không có tin tức gì. Tin cuối cùng của Khu-mật viện Trường-yên báo cho mạ mạ biết, các vương đem quân vây kinh thành khẩn cấp lắm. Khai-Thiên vương cầu cứu với mạ mạ, nên mạ mạ kéo quân về, mục đích khoa trương thanh thế cho các vương sợ mà lui quân.
          - Có tin gì về các phái cùng Vạn-hoa, Vạn-thảo không?
          - Em không biết nữa.
          Khai-Quốc vương ra lệnh:
          - Em từ từ đem quân đi sau. Tuyệt đối cấm giao tranh. Bây giờ chúng ta dùng chim ưng liên lạc với nhau. Thiệu-Thái sai chim ưng truyền tin cho Thông-Mai, Bảo-Hòa rằng: Tuyệt đối nghe chỉ dụ của Hoàng-thượng, phải luôn ở cạnh người.
          Vương nói với Mỹ-Linh, Tôn Đản, Cẩm-Thi:
          - Chúng ta phải thay y phục, hoá trang để không bị cản đường, hầu về Thăng-long cho mau. Còn Thiệu-Thái, từ khuôn mặt đến hình thể đều thay đổi thì không cần.
          Vương bảo Nhất-Bách:
          - Huynh trở về tuyển lấy nghìn đệ tử trung kiên, sao âm thầm về Thăng-long liên lạc với chưởng môn Bảo-Hòa, hợp cùng đệ tử Đông-a, khống chế đinh thự các vương, các tướng nổi loạn. Nhất là chặn đường rút lui của các đạo binh phản loạn.
          Nhất-Bách trở về Tản-lĩnh.
          Năm người dùng ngựa phi như bay. Chiều hôm đó, xa xa đã nhìn thấy kinh thành Thăng-long. Thiệu-Thái truyền lệnh cho chim ưng bay lên trên thành tuần thám. Chàng đứng lên trên lưng ngựa quan sát, bỗng chàng kêu lớn lên:
          - Nguy quá, đang có cuộc giao tranh hỗn loạn.
          Chàng chỉ cặp chim ưng bay lượn, cùng giải thích những động tác của nó. Khai-Quốc vương truyền lệnh:
          - Cháu cho chim ưng tuần thám, tìm cho chúng ta một ngả không có quân cản đường, để vào thành dễ dàng.
          Thiệu-Thái cầm cờ phất, gọi chim ưng về, rồi hú lên ra lệnh. Bốn cặp chim ưng bay lượn một lúc, rồi chúng trở về dẫn đường. Chàng nói:
          - Cuộc giao tranh đang diễn ra ở cửa Đại-hưng. Còn cửa Quảng-phúc, Tường-phù đều có quân vây. Chỉ cửa Diệu-đức là không có quân.
          Cẩm-Thi hỏi:
          - Cửa Quảng-phúc ở vào phía nào?
          Mỹ-Linh đáp:
          - Phía Bắc, ngay bờ sông Hồng.
          Mỹ-Linh cau mày thắc mắc:
          - Lạ thực, Dực-Thánh hiện làm Đô-đốc thống lĩnh thủy quân. Vương đem quân vây kinh thành, mà sao không xử dụng thủy quân đánh vào cửa Bắc? À, có lẽ thủy quân chống vương rồi.
          Trời chập choạng tối, năm người tới bờ sông Hồng. Một cảnh tượng làm mọi người chú ý quan sát: Các chiến thuyền dàn ra thành một hàng dài giữa sông. Trên chiến thuyền đèn đốt sáng chưng.
          Ngô Cẩm-Thi hỏi:
          - Chị Mỹ-Linh, em nghe nói mỗi hạm đội chỉ có mười chiến thuyền lớn, mười chiến thuyền trung và ba mươi chiến thuyền nhỏ. Đây thuộc phạm vi trấn nhậm của hạm đội Động-đình. Những chiến thuyền trên sông này ắt thuộc hạm đội Động-đình mới phải. Chỉ một hạm đội mà sao chiến thuyền nhiều thế kia?
          Tôn Đản quan sát một lúc, chàng đếm chiến thuyền rồi nói:
          - Dường như tất cả ba hạm đội đều tụ về đây cả.
          Chàng rút trong bọc ra chiếc pháo thăng thiên, đánh lửa châm vào ngòi, vận sức tung lên trời. Chiếc pháo thăng thiên nổ đánh đùng một cái, rồi toả ra hình bông sen sáng rực trên không.
          Lập tức từ chiến thuyền giữa sông có chiếc pháo thăng thiên nổ tung trên không, hiện ra hình con chim ưng. Tôn Đản reo lên:
          - Đô đốc Đoàn Thông hiện diện ở đây.
          Một chiến thuyền trung từ từ tiến vào bờ. Đoàn Thông đứng trên nóc chiến thuyền. Chàng cung tay hành lễ quân cách với Khai-Quốc vương:
          - Chào mừng vương gia. Vương gia về vừa đúng lúc. Nếu vương gia về chậm chút nữa e đại cuộc hỏng hết.
          Thuyền ghé bờ, Khai-Quốc vương vẫy mọi người bỏ ngựa xuống thuyền. Vương hỏi:
          - Sư huynh, tình hình ra sao?
          - Bệnh tình Hoàng-thượng thế nào, không ai rõ, vì tẩm cung bị Khai-
          Thiên vương phong tỏa. Các vương lấy lý do đó cáo với quốc dân rằng Thiên-vương làm phản, nên các vương phải đem quân về cứu giá, vây kinh thành. Riêng Dực-Thánh vương ra mặt làm phản. Vương bắt Nguyễn Duệ cùng đội ưng binh để truyền chiếu chỉ cùng lệnh giả, nhưng Duệ cùng ưng binh tự tử. Trong khi đó vương ban lệnh cho thần dùng hạm đội Động-đình phong tỏa sông Hồng ngăn không cho quân Bắc-biên cũng như quân Trường-yên, Thanh-hóa về tiếp cứu Khai-Thiên vương.
          Thuyền ghé soái thuyền, Đoàn Thông mời sứ đoàn lên soái thuyền. Vừa an tọa, Đoàn Thông trình tiếp:
          - Dực-Thánh vương được chính Nhật-Hồ lão nhân, cùng Vũ Nhất-Trụ, Đặng Trường, Hoàng Văn trợ giúp. Trong khi vương đem quân vây kinh thành, thì giáo chúng Hồng-thiết chặn đường tiếp viện từ Trường-yên về cứu Thăng-long. Đúng lúc đó nhị sư huynh Bảo-Dân, sư tỷ Khấu Kim-An, cùng sư muội Thanh-Mai về tới. Ngũ sư đệ Ngô An-Ngữ trao quyền tổng trấn Trường-yên cho sư muội. Sư muội truyền quân sĩ vùng Trường-yên chuẩn bị chờ vương gia về còn tiếp cứu Thăng-long.
          Khai-Quốc vương gật đầu hài lòng. Vương hỏi:
          - Thế sao hạm đội Âu-Cơ với Bạch-đằng cũng hiện diện ở đây?
          - Trước khi khởi loạn mấy ngày chính Dực-Thánh vương chuyển lệnh cho đô đốc chỉ huy hạm đội Âu-Cơ là sư đệ Vũ Minh; đô đốc chỉ huy hạm đội Bạch-đằng là sư đệ Phạm Tuy. Lệnh nói rằng hai sư đệ phải đem hạm đội về Thăng-long khẩn cấp. Khi hai hạm đội về tới Thăng-long, Dực-Thánh vương lệnh cho hạm đội Động-đình đổ bộ lên đánh cửa Bắc, hạm đội Âu-Cơ đổ bộ lên đánh cửa Đông, hạm đội Bạch-đằng đổ lên đánh cửa Tây. Cửa Nam thì do Đông-Chinh vương, Vũ-Đức vương công phá. Còn chính vương thì tổng chỉ huy công thành.
          - Nhưng sao sư huynh lại án binh bất động?
          - Sư phụ hiện vắng nhà, nên sư thúc Vũ Anh thay thế. Người mới nhận được thư của vương gia bảo phải đề phòng bọn Nhật-Hồ làm loạn. Người cho tập họp đệ tử, trải ra từ Thiên-trường tới Trường-yên. Thanh muội nhờ sư thúc liên lạc với Phạm Tuy, Vũ Minh bảo hai người cứ đem quân về Thăng-long, nhưng chỉ nghe lệnh của vương gia hoặc Thanh muội. Vì vậy cả ba hạm đội dàn ra giữa sông. Dực-Thánh vương phải đổi kế hoạch. Chính vương đánh cửa Tây, bỏ trống cửa Bắc, Đông-Chinh vương đánh cửa Nam, Vũ-Đức vương đánh cửa Đông.
          Có quân báo:
          - Đô đốc chỉ huy hạm đội Âu-Cơ, Bạch-đằng xin yết kiến Khai-Quốc vương.
          Khai-Quốc vương đưa mắt cho Tôn Đản. Chàng hiểu ý ông anh:
          - Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, thì chỉ người thân nhất mới đáng tin cậy. Đoàn Thông tuy là sư huynh của Thanh-Mai; chỉ huy hạm đội Âu-Cơ là đệ tử của sư thúc Vũ Anh; chỉ huy hạm đội Bạch-đằng là đệ tử của sư thúc Phạm Hào. Nhưng cả ba đều là người cầm trọng binh dưới quyền Dực-Thánh vương. Cần phải đề phòng.
          Chàng ra hiệu cho Thiệu-Thái, Mỹ-Linh đứng hầu phía sau vương. Còn chàng với Cẩm-Thi ra ngoài xem xét tình hình. Thấy đô đốc Vũ Minh, Phạm Tuy đứng ngoài chờ lệnh. Tôn Đản hỏi:
          - Hai vị đô đốc định bái kiến Khai-Quốc vương có truyện gì, xin cho biết trước.
          Phạm Tuy chìa ra mảnh giấy nhỏ, chàng nhận ra ngay đó là bút tích của Thanh-Mai:
          Lệnh cho đô đốc Phạm Tuy phải án binh bất động trên sông Hồng, tuyệt đối tránh giao tranh, hợp với đô đốc Đoàn Thông, Vũ Minh chờ lệnh Khai-Quốc vương điều động .
          Tôn Đản yên tâm mời hai người vào. Hai người hành lễ với Khai-Quốc vương, rồi trình lệnh của vương phi Thanh-Mai. Khai-Quốc vương hài lòng:
          - Mời hai sư đệ ngồi. Hai vị nhận được lệnh của sư tỷ Thanh-Mai từ bao giờ?
          Vũ Minh trình:
          - Anh em thuộc hạ nhận được lệnh của Dực-Thánh vương mang quân về Thăng-long. Nhưng trong khi đang đi đường, thì có sứ giả của phụ thân xin yết kiến rồi mật truyền lệnh này cho. Vì vậy anh em thuộc hạ mới án binh bất động, không tuân lệnh Dực-Thánh vương đánh Thăng-long. Bây giờ gặp vương gia đây, anh em thần xin tuân chỉ vương gia.
          Mỹ-Linh hỏi:
          - Các vị có tin tức gì về Vũ-Uy vương không?
          Đoàn Thông đáp:
          - Khải công chúa, hơn tháng trước đây, Vũ-Uy vương được chỉ dụ mang đạo quân Đằng-hải vào tuần phòng biên thùy Chiêm-thành. Hiện vương vẫn đóng quân ở Nghệ-an.
          Khai-Quốc vương ra lệnh:
          - Sư đệ Vũ Minh cho các chiến thuyền cập bến, dàn quân đối diện với quân của Vũ-Đức vương. Sư đệ Phạm Tuy đổ quân, dàn đối diện với quân của Dực-Thánh vương. Còn sư huynh Đoàn Thông dùng hạm đội tuần trên sông, rồi chở quân của Bắc biên, dàn ra ở cửa Bắc. Ta dùng chim ưng của Phong-châu, Thượng-oai liên lạc với nhau. Nhớ không được tin những lệnh gì truyền miệng, chỉ tin vào bút tích của cô-gia mà thôi.
          Vừa lúc đó quân báo:
          - Có đạo quân rất hùng tráng kéo cờ Thượng-oai vừa đến Bắc ngạn.
          Khai-Quốc vương bảo Đoàn Thông:
          - Sư huynh cho thuyền nhỏ đón lạc hầu Hà Thiện-Lãm đến gặp cô gia ngay.
          Một lát Hà Thiện-Lãm cùng Lưu Tường, Vi Chấn tới. Khai-Quốc vương nhận ra Lưu, Vi là hai thiếu niên dự tranh châu trưởng với Thiện-Lãm hồi trước. Hai người ước hẹn với Thiện-Lãm rằng hễ ai thắng thì làm châu trưởng. Người bại phải làm phó, cùng hợp tác làm cho châu thêm hùng mạnh.
          - Lực lượng sư đệ có bao nhiêu?
          - Em có đoàn hổ trăm con, đoàn báo trăm con, chim ưng trăm con, cùng mười thớt voi. Binh sĩ không quá nghìn.
          - Được rồi, em đem lực lượng sang sông rồi vào thành, đóng tại trung ương chuẩn bị tiếp ứng các mặt. Nhớ tránh giao tranh. Em dùng thần ưng giúp chúng ta liên lạc.
          Vương lấy ra mấy phong thư trao cho Thiện-Lãm:
          - Em truyền thư này vào Hoàng-thành cho Khai-Thiên vương, báo ta đã về. Còn ba phong này mời các vị Dực-Thánh, Vũ-Đức, Đông-Chinh vương phải bỏ quân ở ngoài, vào thành họp với ta.
          Vương bảo Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Tôn Đản, Cẩm-Thi:
          - Chúng ta theo cửa Bắc vào thành.
          Tôn Đản dẫn hơn mười chiến sĩ thuộc hạm đội Động-đình đi trước. Một chiến sĩ cầm cờ, có chữ Phụ-quốc thái úy, tả tướng quốc. Một người cầm cây cờ có chữ Khai-Quốc vương. Đến cửa Bắc, thấy quân sĩ phòng vệ uy nghiêm, chàng hướng lên gọi lớn:
          - Chư quân mau gọi tướng trấn cửa Bắc ra gặp ta.
          Viên đội trưởng lùi xuống, một lát thì Dương Bình với Lê Văn cùng lên cổng thành. Lê Văn thấy Tôn Đản thì reo lên:
          - Anh năm. Anh cả đâu?
          Tôn Đản chỉ về sau:
          - Anh cả sắp tới.
          Dương Bình lắc đầu:
          - Thế mà Dực-Thánh vương bảo Khai-Quốc vương bị vua Bà Bắc-biên cho quân phục, dùng tên bắn chết rồi.
          Vương truyền lệnh phát pháo mở cổng thành, lát sau Khai-Quốc vương tới. Vương lệnh cho Dương Bình:
          - Dương huynh nhớ nhé: Quân của Phong-châu sẽ qua sông tiếp ứng trấn cửa Đông. Dương huynh cho họ vào, ta đặt họ dưới quyền Dương huynh.
          Vương vào thành, đạo binh Thượng-oai hùng hổ vào theo. Cổng đóng lại. Đạo quân Thượng-oai dàn ra mau chóng trấn trung ương, phòng tiếp ứng các nơi.
          Một người từ điện Giảng-vũ phi ngựa tới, cùng với đội thị vệ. Y chính là Tả kim ngô thượng tướng quân Tạ Sơn, quản Khu-mật viện. Phía sau Tạ Sơn có hai người mà vương nhớ nhung ngày đêm: Sư phụ Minh-Thiên, đạo sư Nùng-Sơn tử. Vương cảm thấy mừng run lên được. Vương vội xuống ngựa hành lễ:
          - Sư phụ! Nùng đạo trưởng.
          Hà Thiện-Lãm thấy Nùng-sơn tử, vội nhảy khỏi bành voi:
          - Sư phụ. Lão nhân gia vẫn thường mạnh chứ?
          - Ta vẫn mạnh. Con đem quân về tiếp ứng đấy ư? Sao chậm thế? Anh em phái Tản-viên do Nhất-Bách thống lĩnh hơn nghìn cao thủ về tới hôm qua. Tất cả tản vào dân chúng quanh Thăng-long chờ khi dẹp loạn xong, bắt hết dư đảng Hồng-thiết giáo.
          Huệ-Sinh nắm tay Khai-Quốc vương:
          - Vương gia yên tâm. Tất cả đều tốt đẹp. Tạ sư đệ sẽ trình với vương gia
          Khai-Quốc vương hỏi Tạ Sơn:
          - Sư đệ. Trông sắc diện sư đệ có hơi mệt. Tình hình ra sao?
          - Lê Văn theo Thông-Mai với quận chúa Bảo-Hòa về tới đây đã hai ngày. May nhờ đại sư huynh Dương Bình tổng trấn Thăng-long, các vị ấy mới được vào thành. Đại hiệp Thông-Mai với quận chúa Bảo-Hòa hiện ngày đêm ở cạnh Hoàng-thượng. Em cho Lê đệ theo đại sư huynh Dương Bình tuần phòng kinh thành. Tuy các vương làm loạn, nhưng nhờ có sư phụ với Nùng đạo trưởng giúp đỡ, nên hệ thống tế tác của Khu-mật viện không bị xáo trộn. Sở dĩ quân các vương còn hung hăng, vì Khai-Thiên vương thiếu quyền, thiếu niềm tin của chư tướng.
          Vương hỏi Dương Bình:
          - Dương huynh là tổng trấn Thăng-long. Dương huynh cho ta biết tình hình phản loạn và tình hình phòng vệ.
          - Trước kia thì cả mười đạo quân do thần thống lĩnh. Sau vì Hoàng-thượng bị bệnh, người mới chia cho mỗi thân vương chỉ huy hai đạo. Hai đạo Ngự-long trao cho Khai-Thiên vương. Hai đạo Bổng-nhật trao cho Đông-Chinh vương. Hai đạo Quảng-vũ trao cho Vũ-Đức vương. Hai đạo Quảng-thánh trao cho Dực-Thánh vương. Hai đạo Đằng-hải trao cho Vũ-Uy vương. Khi các vương làm phản thì dùng các đạo quân trực thuộc này công thành.
          Thiệu-Thái hỏi:
          - Như vậy hai đạo Ngự-long hiện thủ phía trong thành. Ai chỉ huy hai đạo Ngự-long? Còn Cấm-quân với Thị-vệ ra sao?
          - Hai đạo Ngự-long do Tả-kiêu vệ đại tướng quân Lý Huyền Sư chỉ huy, hiện đạo Tả Ngự-long trấn cửa Quảng-phúc chống với hai đạo Bổng-nhật do Đông-Chinh vương công hãm. Đạo Hữu Ngự-long phòng cửa Đan-phượng, Đại-hưng chống với hai đạo Quảng-thánh do Dực-Thánh vương công hãm. Còn đạo Cấm-quân do Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa chỉ huy trấn cửa Phi-long, Tường-phù chống với Vũ-Đức vương và hai đạo Quảng-vũ do Đô-thống Nguyễn Khánh chỉ huy. Thị-vệ thì do Tả kim ngô thượng tướng quân Tạ Sơn quản Khu-mật viện chỉ huy, trấn đóng các cung điện.
          Huệ-Sinh nói:
          - Thiên-tử binh có mười đạo, thì hai đạo đóng ở Nghệ-an, sáu đạo đặt dưới quyền chư vương. Chư vương dùng quân này làm nỗ lực chính tạo phản. Mỗi vương lại được Hồng-thiết giáo, Nguyên-Hạnh viện cho một hai đạo quân nữa. Nguyên-Hạnh theo Nhật-Hồ lão nhân, được lão phong làm trưởng lão. Trong thành chỉ có hai đạo Ngự-long, hợp với Cấm-quân, Thị-vệ. Đúng ra các vương chiếm được thành ngay ngày đầu. Nhưng nhờ hệ thống tế tác của Khu-mật viện hiệu nghiệm, nên thủy-quân không theo làm phản, thành ra cửa Bắc hóa thành phên dậu trấn thành. Kể ra, muốn đánh tan các đạo quân của chư vương, ta cần quân các trấn, thủy quân. Nhưng Khai-Thiên vương chưa đủ uy gọi quân các trấn với thủy quân cứu viện. Bây giờ Vương-gia về đây thì dẹp phản loạn dễ dàng. Nhưng bần tăng đang tìm kế vẹn toàn sao cho không đổ máu.
          Khai-Quốc vương biết sư phụ mình trí tuệ vô biên, mà đức từ bi hỷ xả thực hiếm người theo kịp. Vương ghé tai sát vào người sư phụ. Huệ-Sinh tủm tỉm cười dặn dò vương một lúc. Vương nghe xong kính cẩn chắp tay:
          - Đa tạ sư phụ cứu khổ cứu nạn.
          Có quân báo:
          - Đạo binh Phong-châu hơn nghìn người, mười thớt voi, trăm hổ, trăm báo, hơn trăm chim ưng vừa qua sông, đang chờ lệnh vương gia ở cửa Bắc.
          Khai-Quốc vương bảo Lê Văn:
          - Em ra đón Thuận-Tông vào, bảo ta truyền cho y giúp Lý Nhân-Nghĩa trấn cửa Đông. Nhớ tránh đổ máu.
          Một lát, có tiếng voi rống, hổ gầm, beo tru, rồi trên trời một đoàn chim ưng bay rất đẹp. Lê Thuận-Tông ngồi trên bành voi cùng mấy thiếu niên ngang tuổi, trong đó có Hoàng Tích. Chàng cung tay hành lễ với Khai-Quốc vương:
          - Em về trễ, mong anh cả tha tội.
          Rồi chàng theo Lê Văn dẫn quân về cửa Đông.
          Tạ Sơn trình sẽ với Khai-Quốc vương:
          - Có tin Dực-Thánh vương bị Vũ Nhất-Trụ kiềm chế. Đô-thống Nguyễn Khánh chỉ huy hai đạo Quảng-thánh theo bọn Nhật-Hồ. Đông-Chinh vương cũng bị Phạm Trạch kiềm chế. Y bắt giam Vũ-kị đại tướng quân Quách Thịnh. Rồi chính y mang quân, giả lệnh Đông-Chinh vương công thành.
          Khai-Quốc vương nói nhỏ với Tạ Sơn, Tôn Đản, Cẩm-Thi mấy câu, rồi ra lệnh:
          - Dương huynh vẫn tổng chỉ chỉ huy phòng ngự. Hà Thiện-Lãm đem bản bộ quân mã trấn cửa Diệu-đức . Còn quân của Lê Thuận-Tông cho trấn cửa Phi-long, Tường-phù. Lê Văn trấn cửa Quảng-phúc. Ta với Bình-Dương, Thiệu-Thái vào vấn an Hoàng-thượng đã.
          Vương cùng hai cháu dùng khinh công hướng cung Long-thụy. Đám vệ sĩ, cùng binh tướng đạo Ngự-long thấy chúa tướng đồng cúi rạp người xuống hành lễ. Vương tới cửa cung Long-thụy, hai thị vệ kính cẩn:
          - Xin vương gia dừng bước. Hoàng thượng ban chỉ bất cứ ai muốn vào vấn an phải do tiên cô Bảo-Hòa dẫn đường.
          Y lui vào trong, lát sau Bảo-Hòa ra, nàng quên cả hành lễ với cậu:
          - Cậu về mau, bằng trễ e không gặp lại ông ngoại.
          Vương bước vào tẩm thất. Trong tẩm thất hiện diện đủ ba vị hoàng hậu Tá-quốc, Lập-nguyên, Lập-giáo, cùng Đàm quý phi. Lại có cả đệ nhị đệ tử của Hồng-Sơn đại phu là Hoàng-Giang cư sĩ đang chẩn mạch cho Thuận-Thiên hoàng đế. Khai-Thiên vương ngồi sau long sàng. Thông-Mai ngồi sát bên Hoàng-đế.
          Khai-Quốc vương quỳ gối:
          - Phụ hoàng. Hoàng nhi đã về đây.
          Thuận-Thiên hoàng đế mở mắt ra nhìn vương, rồi ngài cầm lấy tay vương:
          - Vương nhi về kịp, ta mừng lắm.
          Tiếng nói của ngài rất yếu ớt.
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 03.02.2005 04:33:01 bởi NuHiepDeThuong >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9