TRẦN VĂN KHÊ : THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
Thanh Vân 17.09.2008 14:28:25 (permalink)

Hồi ký Trần Văn Khê tập 2 - Đất khách quê người
 
 
Trần Văn Khê: Thân thế và sự nghiệp
Trần Quang Hải
 
 
 
Cái khó nhứt của tôi là viết về cha tôi , một người rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu nhạc Việt Nam và Á châu . Nếu viết khen nhiều hơn chê thì thiên hạ sẽ cho là thiên vị, là người trong nhà khen lẫn nhau . Dù ai có muốn nói gì, nghĩ gì, đối với tôi không quan trọng . Tôi viết về cha tôi cũng như tôi đã viết về nhiều nhạc sĩ, ca sĩ khác . Tôi chỉ ghi những gì tôi biết về cha tôi với một cái nhìn khách quan tối đa . Nhân dịp Lễ Các Người Cha (Father's Day), tôi ghi lại một số hình ảnh của một người cha, một người thầy và một nhà nghiên cứu âm nhạc đã mang lại cho nền âm nhạc Việt Nam những hào quang rực rỡ chói sáng trên thế giới mà chưa có ai có thể làm được cho tới ngày hôm nay.
I. Thời thơ ấu
 
Đêm rằm tháng 6 âm lịch năm Tân Dậu (1921), chú bé Trần Văn Khê chào đời trong một gia đình bốn đời nhạc sĩ .
Cụ cố Trần Quang Thọ trước kia là nhạc công Triều đình Huế . Ông nội là Trần Quang Diệm, tục danh là Ông Năm Diệm, biết đàn kìm, đàn tranh nhưng chuyên đàn tỳ bà theo phong cách Thần kinh . Cha là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là Ông Bảy Triều biết đờn nhiều cây, mà đặc biệt nhứt là đờn độc huyền (đàn bầu), và đờn kìm (đàn nguyệt). Với đờn độc huyền, Ông Bảy Triều đã bắt chước tiếng đào thán, tiếng ca nỉ non, nũng nịu của một người con gái, và ông đã chế ra cách lên dây đờn kìm mà ông gọi là «dây Tố Lan», thuộc hò nhì, lấy chữ xự làm hò mà dây Tồn cao bằng giọng hò trầm, thường dùng để đờn Văn Thiên Tường và Tứ đại oán, mà giới tài tử trong Nam đều biết và còn sử dụng . Người cô thứ ba Bà Trần Ngọc Viện, tục gọi là Cô Ba Viện, trước dạy nữ công tại trường áo tím, năm 1926 vì để tang Cụ Phan Châu Trinh nên bị sa thải , về Vĩnh Kim lập gánh hát Đồng Nữ Ban, toàn diễn viên con gái, con nông dân vùng Vĩnh Kim, Đông Hòa, Long Hưng, đàn tranh rất hay và đã truyền ngón cho Trần Văn Khê trong những bài Nam Xuân, Nam Ai .
Cụ cố ngoại là Nguyễn Tri Phương, đã làm đến chức Khâm sai Kinh Lược Nam Kỳ, tuyệt thực tử tiết khi Pháp chiếm thành Hà Nội lúc Cụ đang giữ chức Tuyên sát đồng sức Đại thần miền Bắc . Ngoại tổ là Nguyễn Tri Túc, lúc sinh thời đã nuôi rất nhiều nhạc sĩ danh tiếng vùng Cần Đước, Vĩnh Kim để cho hai người con là Nguyễn Tri Lạc và Nguyễn Tri Khương học các thứ đờn . Ông Nguyễn Tri Khương, cậu thứ năm của Trần Văn Khê mà cũng là thầy dạy Trần Văn Khê đánh trống nhạc lễ và trống hát bội, đã sáng tác nhiều bản nhạc theo truyền thống như «Yến tước tranh ngôn», «Phong xuy trịch liễu» mà Trần Văn Khê đã ghi âm vào dĩa hát CD OCORA số C 56005. Mẹ là Nguyễn Thị Dành không được Cha cho học nhạc, nhưng thường thích nghe hòa nhạc trong gia đình .
 
Trần Văn Khê và thân mẫu (1924)
 
Trần Văn Khê chẳng những được may mắn sanh trong một gia đình mà hai bên nội ngoại đều là nhạc sĩ , mà lại được «thai giáo» một cách rất đặc biệt. Nhà phía bên nội ở gần lò heo, nên người cậu thứ năm làÔng Nguyễn Tri Khương đã xin phép nội tổ được đem mẹ Trần Văn Khê về dưỡng thai trong miếng vườn riêng có trồng nhiều thứ hoa đẹp lại xa lò heo, không nghe tiếng heo kêu la khi bị thọc huyết . Mỗi ngày ông lại thổi sáo và đàn tranh cho người em gái là thân mẫu Trần Văn Khê nghe mỗi sáng, trưa, chiều . Mắt không xem hát bội, không xem đá gà, chỉ thường đọc những sách như «Nhị Thập Tứ Hiếu», «Gia Huấn Ca». Sau khi chào đời, mỗi ngày Trần Văn Khê vẫn tiếp tục được nghe đàn sáo của cậu Năm Nguyễn Tri Khương, và cậu Mười Nguyễn Tri Ân cũng là người thổi ống tiêu rất hay .
Sau khi cúng thôi nôi, được ông nội rước về ở gần Ông và hàng ngày nghe ông đờn tỳ bà, cha đờn độc huyền, cô đờn tranh, chú bé đã sống trong một không khí đầy nhạc . Khách tới, ông nội đờn bài Lưu Thủy, để cho chú bé Trần Văn Khê nhảy cà tưng trong tay người cô hay người khách, cho thấy chú bé biết theo nhịp , hễ ông đờn mau, thì nhảy mau, ông đờn chậm thì nhảy chậm .
Sáu tuổi đã biết đờn kìm (đàn nguyệt) , đờn mấy bản dễ như «Lưu Thủy», «Bình Bánvăn», «Kim Tiền», «Long Hổ Hội» .Bảy tuổi đã tập cho các chị diễn viên gánh Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện hát bài «La Madelon» để chưng màn đầu cải lương . Tám tuổi biết đờn cò. Mười hai tuổi biết đờn tranh và đánh trống nhạc, biết cùng với người anh họ, anh Ba Thuận, con của cậu Năm Khương chơi trò làm chai, xô giàng, khai xá, đề phang .
 
Nhưng Trần Văn Khê lại bị mồ côi rất sớm. Ba tuổi ông ngoại qua đời . Năm tuổi đến phiên ông nội . Mẹ mất năm 9 tuổi, và năm sau 10 tuổi cha từ trần . Cô Ba Viện nuôi ba anh em Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Trần Ngọc Sương đến ngày khôn lớn. Tuy mới lên 10 tuổi, mà cô ba đã lo việc đào tạo con người cho cháụ Trước hết phải biết đi xe đạp, phải đa.p đi lần từ nhà ra ngả ba chim chim, rồi đi đến Xoài hột, rồi tới Mỹ Tho cách nhà 14 cây số. Phải biết lội . Hàng ngày cô nhờ mấy anh em bà con tập cho lội lần đến lúc bỏ bập dừa lội sang sông, cô mới cho tắm sông . Rồi cho học võ Thiếu Lâm với anh Ba Thuận, với mấy thày dạy võ trong vùng . Cho học để tự vệ, để khỏi sợ ma, mà không cho đi đấu . Cô lại mua cho một cây đờn kìm nhỏ vừa tay như bên Châu Âu con nít phải đờn violon 2/4 để khỏi hư ngón . Lúc nào đờn chơi, cô cũng nghe và vừa sai là sửa liền .
II. Thời kỳ học tập
 
Sơ học
 
10 tuổi đậu Tiểu học . Sang Tam Bình Vĩnh Long nhờ người cô thứ năm nuôi . Đến Tam Bình , Trần Văn Khê được học chữ Hán trong ba năm với Nhà thơ và nhà nho Thượng Tân Thị và trong kỳ Sơ học năm 1934 tại Vĩnh Long được đậu Sơ Học có phần Hán Văn . Cả tỉnh chỉ có Trần Văn Khê và Nguyễn Trọng Danh được đâ.u bằng chữ Hán .
Trung học
Vào trường trung học Trương Vĩnh Ký năm 1934, được cấp học bổng. Năm nào cũng đứng đầu lớp, và năm thứ tư học Pháp văn với ông Champion, được chấm đậu kỳ thi tuyển một học sinh xuất sắc nhứt trong năm đệ tứ để được du lịch trên chiếc xe lửa xuyên Việt năm 1938 từ Saigon đến Hà nội, ghé qua Phan Thiết, Tourane (Đà Nẳng), Nha Trang, Huế. Thêm một cái may trong đời học sinh là được học Việt văn và Hán văn với Giáo sư Phạm Thiều .
Đậu tú tài phần nhứt năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941, và nhờ vậy được Giải thưởng đặc biệt của Đô Đốc Decoux, để đi viếng cả nước Cao Miên (Kampuchea) xem Chùa Vàng, Chùa Bạc tại Nam Vang, viếng Đế Thiên Đế Thích và trên đường vềViệt Nam, ghé Hà Tiên. Nhờ thầy Phạm Thiều giới thiệu, được nhà thơ Đông Hồ tiếp đãi trong một tuần, dẫn đi xem thập cảnh mỗi nơi được nghe một bài thơ hay do thi sĩ Đông Hồ đọc để vịnh cảnh đẹp .
Trong lúc học tại trường trung học Trương Vĩnh Ký, đã cùng Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường, và dàn nhạc của học sinh trong Câu lạc bộ học sinh mang tên là Scola Club của Hội SAMIPIC (Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ) . Trần Văn Khê chỉ huy hai dàn nhạc đó, vừa phối khí dàn nhạc dân tộc có chen đàn Tây như mandoline, ghi-ta (guitar), vừa diễn trong khuôn khổ dàn nhạc Scola Club, những bài hát Tây loại «Les Gars de la Marine», «Sunset in Vienna», vv…làm trưởng ban tổ chức lễ Ông Táo trước ngày lễ nghỉ vào dịp Tết Ta, Tổng thư ký hội Thể Thao, và giữ tủ sách của trường trong ba năm Tú Tài .
Được học bổng của chánh phủ thuộc địa, lại được bổng đặc biệt của hội SAMIPIC , Trần Văn Khê ra Hà Nội học y khoa .
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9