TÂY BẮC: Những điều cần biết khi đi du lịch Hoà Bình
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 17 bài trong đề mục
venus4t.vns_hnu 17.09.2008 22:15:13 (permalink)
  Các bạn thân mến! Hoà Bình là cửa ngõ Tây Bắc của Hà Nội. Từ Hà Nội bạn theo quốc lộ 6 lên với Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai. Đây cũng là nơi có hai công trình thuỷ điện lớn nhất cả nước và Đông nam á là thuỷ điện Hoà Bình và Sơn La cung cấp nguồn điện năng chủ yếu cho toàn quốc. Bạn đến với Tây Bắc cũng là đến với một vùng văn hoá đa dân tộc trong đó nổi lên những sắc thái văn hoá chủ đạo của dân tộc Mường, Thái, Mông.
        Để thuận tiện cho việc tìm hiểu các địa điểm du lịch, topic này được lập ra nhằm sưu tầm và giới thiệu những thông tin cần thiết trước khi đi du lịch cho tất cả mọi người với kết cấu:

I. Lịch sử hình thành và những tiềm năng văn hoá
II. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
III. Những tour du lịch đến Hoà Bình
#1
    venus4t.vns_hnu 17.09.2008 22:46:19 (permalink)
    I. Lịch sử hình thành và những tiềm năng văn hoá.
    1. Lịch sử hình thành.


          Tỉnh Hòa Bình được thành lập ngày 22 tháng 06 năm 1886 với tên gọi là Tỉnh Mường, tách phần đất có người Mường cư trú từ các tỉnh Hưng Hoá, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc) nên còn gọi là tỉnh Chợ Bờ, đến tháng 11 năm 1886 chuyển về xã Phương Lâm (thuộc huyện Bất Bạt, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây lúc bấy giờ). Tháng 4 năm 1888  được đổi thành tỉnh Phương Lâm do Công sứ Pháp cai trị. Ban đầu tỉnh gồm cả Mộc Châu, Yên Châu và Phù Yên châu (tháng 7 năm 1888 cắt 3 châu này để nhập vào Đạo Quan binh thứ tư, sau này thuộc Sơn La), cùng với vùng có dân tộc Mường thuộc hai châu Thanh Sơn và Yên Lập (tháng 10 năm 1888 cắt hai châu này về tỉnh Hưng Hoá). Ngày 18 tháng 03 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên tỉnh Phương Lâm thành tỉnh Hoà Bình với 6 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thuỷ, Mai Châu và Đà Bắc. Ngày 24 tháng 10 năm 1908, châu Lạc Thuỷ chuyển sang tỉnh Hà Nam, và đến ngày mồng 01 tháng 12 năm 1924, một số xã của Lạc Thuỷ được nhập vào phủ Nho Quan thuộc tỉnh Ninh Bình. Năm 1939, hợp nhất Mai Châu và châu Đà Bắc thành châu Mai Đà.

           Trong kháng chiến chống Pháp, Hoà Bình có 4 huyện là Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Đà. Riêng huyện Lạc Thuỷ vẫn thuộc tỉnh Hà Nam, sau
    này mới trả về Hòa Bình. Ba huyện của Hòa Bình (Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn) thuộc Liên khu 3, từ tháng 11/1949 cho đến 9/8/1950 mới trả về Liên khu 3. Ngày 21/9/1956, huyện Mai Đà chia thành 2 huyện: Đà Bắc ở phía bắc sông Đà. Ngạy tháng 10 năm 1957, huyện Lạc Sơn chia thành hai huyện là Lạc Sơn và Tân Lạc. Đến ngày 17 tháng 04 năm 1959, huyện Lương Sơn chia thành hai huyện là Lương Sơn và Kim Bôi. Ngày 17 tháng 08 năm 1964, huyện Lạc Thuỷ được chia thành hai huyện là Lạc Thuỷ và Yên Thuỷ. Đến ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Hoà Bình hợp nhất với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình.

           Theo nghị quyết Quốc hội khoá VIII kỳ họp thứ 9 ngày 12 tháng 08 năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách thành hai tỉnh là Hoà Bình và Hà Tây. Khi đó, tỉnh Hoà Bình có diện tích là 4. 697 Km2 với dân số 670.000 người, gồm 1 thị xã và 9 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thuỷ, Kim Bôi, Tân Lạc và Yên Thuỷ. Tháng 12 năm 2001, huyện Kỳ Sơn chia làm hai huyện là Kỳ Sơn và Cao Phong.

           Từ ngày 01 tháng 08 năm 2008, 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung đều nằm ở phía bắc của huyện Lương Sơn được tách ra sát nhập vào Thành phố Hà Nội [1]

              Hoà Bình là tỉnh miền núi, tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, có nhiều tuyến đường bộ, đường thuỷ nối liền với các tỉnh Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, là cửa ngõ của vùng núi Tây Bắc, cách thủ đô Hà nội 76 km về phía Tây Nam. Phía Bắc Hoà Bình giáp Phú Thọ và Hà Tây, phía Nam giáp Ninh Bình và Thanh Hoá, phía Đông giáp Hà Tây và Hà Nam, phía Tây giáp Sơn La.


           Hoà Bình có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá lịch sử phong phú có thể phát triển du lịch dưới nhiều hình thức. Cụ thể, 6 dân tộc anh em: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với những nét văn hoá, phong tục tập quán đa dạng, phong phú tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch văn hoá và hiện nay nổi tiếng là khu du lịch Bản Lác – Mai Châu.

            Bên cạnh đó, du lịch cảnh quan, sinh thái ở Hoà Bình cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển với hồ sông Đà hùng vĩ, rừng nguyên sinh Thượng Tiến (Kim Bôi), rừng Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu), rừng Phu Canh (Đà Bắc), Suối Ngọc – Vua Bà (Lương Sơn)… Ngoài ra, tỉnh Hoà Bình còn nổi tiếng với suối nước nóng Kim Bôi, Lạc Sơn, có núi cao, hồ lớn, khí hậu điều hoà tạo điều kiện cho du lịch nghỉ dưỡng phát triển. Trên địa bàn tỉnh có nhiều đền chùa nổi tiếng như chùa Tiên (Lạc Thuỷ), đền Bờ (trên hồ sông Đà)… là nơi thuận lợi cho phát triển du lịch.

        Với vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng, Hoà Bình còn có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như tổ chức hội thảo, hội nghị, nghỉ cuối tuần… là nơi kết nối các tua, tuyến du lịch với các tỉnh lân cận và miền Bắc. [2]


    1. Tham khảo từ nguồn của http://vi.wikipedia.org.
    2. Tham khảo từ nguồn: http://www.most.gov.vn

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 17.09.2008 23:23:50 bởi venus4t.vns_hnu >
    #2
      venus4t.vns_hnu 04.10.2008 21:56:48 (permalink)
      2. Những lễ hội, phong tục tập quán phục vụ du lịch.

      HỘI ĐỀN BỜ[1]

      Năm nào cũng vậy, cứ sau dịp Tết Nguyên đán, khách thập phương từ khắp trong Nam, ngoài Bắc lại nô nức trẩy hội Đền Bờ cầu may và vãn cảnh sông nước hồ thuỷ điện Hoà Bình. Năm nay, theo đoàn khách hành hương, chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ lễ lạt để đi trẩy hội. Cảng Bích Hạ là điểm đầu tiên của chuyến hành hương. Con đường xuống bến tàu đã được bê tông hoá, dễ đi hơn.
      Con tàu hai tầng khá tiện nghi của Công ty Du lịch Hoà Bình đưa chúng tôi rời bến, lướt sóng trên lòng hồ mênh mang. Mặt trời lên đỉnh núi, mặt nước như dát bạc, lấp loá theo gợn sóng lăn tăn. Từ trên thuyền, chúng tôi được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên đẹp huyền diệu, cảm thấy lòng thư thái, nhẹ nhàng. Hai bên bờ hồ là những khu rừng phòng hộ xanh mát. Làng, bản bà con dân tộc Mường, Dao thấp thoáng trong nắng mai. Tháng Giêng, nước hồ trong xanh. Mùa này, mực nước thấp để lộ ra những vách đá với những hình thù kỳ lạ. Những hòn đảo nhỏ lô nhô tô điểm cho cảnh sắc như một vịnh Hạ Long thứ hai.
       
       
                   
                                         Phong cảnh hồ Hoà Bình
       
      Sau gần 2 giờ, tàu cập bến Đền Bờ. Dòng người từ muôn phương đổ về, đền Chúa Thác Bờ đông đúc, nhộn nhịp. Tương truyền rằng, Đền Bờ gắn liền với chuyến đi dẹp giặc phản loạn đèo Cát Hãn của vua Lê Lợi vào năm 1431. Bà Đinh Thị Vân, người Mường ở Hào Tráng và một bà người Dao ở Vầy Nưa đã đứng ra lo liệu quân lương, thuyền mảng giúp vua vượt qua con thác dữ. Khi hai bà mất, vua truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền thờ trên núi đá đoạn ngang giữa Thác Bờ xưa. Gần khu Thác Bờ tại xã Hào Tráng trước đây còn có bài thơ chữ Hán của Lê Lợi khắc trên vách đá với giọng văn hào sảng, chan chứa tình vua - dân:
       
      Gập ghềnh đường hiểm chẳng e xa
      Dạ sắt khăng khăng mãi đến già
      Lẽ phải quét quang mây phủ tối
      Lòng son san phẳng núi bao la
      Biên cương cần tính mưu phòng thủ
      Xã tắc sao cho vững thái hoà
      Ghềnh thác ba trăm lời cổ ngữ
      Từ nay xem chẳng nổi phong ba
       
                    
                                       Những sản vật của địa phương
       
      Khi công trình thuỷ điện Hoà Bình được xây dựng, chính quyền và nhân dân địa phương đã dựng lại ngôi đền tại hai địa điểm mới thuộc xã Vầy Nưa, Đà Bắc và xã Thung Nai, Cao Phong. Nhân dân địa phương thường gọi là đền “Chúa Thác Bờ”. Dân trong vùng thường xuyên hương khói và mở hội vào ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm. Ngôi đền có 38 pho tượng lớn, nhỏ, trong đó có 2 pho tượng đồng là tượng thờ chính. Tấm bia khắc bài thơ của vua Lê Lợi được di chuyển về Bảo tàng Hoà Bình để lưu giữ.
       
                   
                                              Đặc sản cá lòng hồ nướng
       
      Đến trẩy hội Đền Bờ, du khách không chỉ được tưởng nhớ bà Chúa Thác Bờ, cầu an khang, thịnh vượng, thưởng thức cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình mà còn được tìm hiểu những sản vật của địa phương như: măng đắng, lặc lày, chuột hun khói... và thưởng thức món cá nướng thơm phức. Nhiều loại cá đặc sản như: cá dầm xanh, cá lăng, trắm, chép... đã làm hài lòng những du khách sành điệu. Năm nay, hội được tổ chức quy củ hơn. Cơ sở hạ tầng đền Bờ từng bước được nâng cấp, không diễn ra cảnh chen lấn, lộn xộn. Môi trường được giữ gìn, ANTT được đảm bảo. Đây là tuyến du lịch sinh thái -văn hoá-tâm linh hấp dẫn. Nhất là khi hồ Hoà Bình đã được đưa vào điểm du lịch trọng điểm quốc gia.
                                                                               H.Thư, C.Lệ

      [1] Venus sưu tầm từ nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2008 21:59:23 bởi venus4t.vns_hnu >
      #3
        venus4t.vns_hnu 04.10.2008 22:03:25 (permalink)
        LỄ MỤ THỐ CỦA NGƯỜI MƯỜNG [1]

         
        Mâm cỗ chuẩn bị làm Lễ Mụ thố Là người con của vùng đất Mường Bi, tôi nhớ thời thơ ấu, bố, mế thường kể cho tôi nghe về áng mo “Đẻ đất, Đẻ nước” nổi tiếng, được học hát thường rang, bọ mẹng, được đắm mình vào các ngày hội của bản, của Mường. Thế nhưng trong ký ức đó, tôi không bao giờ quên không khí thành kính đầy ý nghĩa của lễ vía mụ Thố.
        Một lễ nghi chỉ được tổ chức cho người già lúc ốm đau bệnh tật. Gia đình sợ vía của người già đi xa mất, mọi người tổ chức làm vía cho người già để cầu mong sức khoẻ. Trở về với Mường Bi hôm nay, một lần nữa tôi được hoà mình vào nghi lễ trang trọng này.
         
        Bao giờ cũng vậy, trước khi tổ chức lễ vía mụ Thố, mỗi một gia đình người Mường thường nhờ ông Mo chọn ngày lành tháng tốt để làm vía. Ngày lành tháng tốt đến người con dâu cả trong gia đình đội nón chống gậy cầm ớp khọ đi xin gạo, xin vải của hàng xóm. Số gia đình người con dâu vào xin gạo tương ứng với thứ tự ngày hôm đó. Nếu là ngày mùng 3 cô đi xin gạo vào 3 nhà, ngày mùng 5 sẽ vào 5 nhà. Lúc này, người con dâu không khác gì ăn xin, song dù ít nhiều không quan trọng, điều quan trọng hơn cả là sự đùm bọc thương yêu nhau của xóm giềng đối với người già.
         
        Cùng lúc đó, người con trai trưởng trong gia đình là chồng cô đi vào rừng tìm cây si mọc ở nơi cao ráo đem về. Trong nghi lễ này không thể thiếu cành si bởi trong đời sống tâm linh của đồng bào Mường hình tượng cây si được tôn vinh như một vị thần có sức sống kỳ diệu. Và theo quan niệm của đồng bào, cây si truyền sức sống mạnh mẽ kỳ diệu cho những người cao tuổi để họ luôn có sức khoẻ không gặp ốm đau bệnh tật sống lâu trăm tuổi.
         
        Đối với người Mường, bữa ăn thường ngày rất đơn giản, đạm bạc, nhưng bất kỳ ngày lễ, Tết hay nhà có công có việc, mâm cỗ được chuẩn bị khá tỉ mỉ. Khi  những tia nắng cuối ngày khuất dần sau núi cũng là lúc gia đình tổ chức lễ Mụ Thố. Ngay trong lễ mụ Thố, điều nhận thấy đó là công việc bếp núc cỗ bàn hầu hết do người đàn ông đảm nhận. Đây cũng là thói quen lâu đời của người Mường. Còn người phụ nữ chỉ đảm nhận tiệc chay trong buổi lễ. Đồ xôi, gói bánh, từ hái rau hay ở  vóng trong phụ giúp.
         
        Nhận được lời mời họ hàng thân thích, anh em hàng xóm mang theo một gói cơm hoặc một bát gạo, một chai rượu đến với ý nghĩa để góp lễ mời vía người ốm ăn gọi là làm “cấp”.
         
        Cỗ cúng trong ngày lễ mụ Thố thường được sắp đặt 5 mâm. Trên các mâm cúng đều có xôi, rượu, vải, tiền đặt lễ, đồ chay. Thế nhưng trong 5 mâm thờ đó, mỗi mâm thời vị thần khác nhau. Mâm đầu tiên có một cái vai lợn đùi trước, một lá thịt đầu thăm, đĩa muối và bát nước canh. Mâm này dâng lên tổ tiên ông mo. Mâm thứ 2 thờ ông hộ gốc kéo si, bà hộ lộc kéo sang. Hai vị này ngự ở cửa liền đến Nam Chu nơi đình chân vua Pán quán vua trời. Mâm thứ 3 thờ ông Kem cầm sổ trạng, mâm thứ tư thờ vua Pua sang nàng mụ thêm già. Hai vị này ngự tại vòm si hoa, cành si thơm, bờm si ngọt. Mâm thứ năm thờ hai Pua sang nàng mụ, vị này cũng ngự tại vòm si hoa, cành si thơm, bờm si ngọt. Mâm cỗ đặt thứ tự từ ngoài vào trong ở vị trí trang trọng nhất trên sàn. Bên cạnh các mâm cúng là 1 cái rá đựng cành si và các vật dụng làm lễ khác như cuốc, nón, quần áo.
         
        Trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường, thầy Mo có vai trò hết sức quan trọng. Ông là nhân vật có quyền năng thông quan với thế giới thần linh. Vì thế một trong những người không thể thiếu trong lễ mụ Thố là ông Mo. Khi các mâm cỗ đã sắp đặt đầy đủ, thay mặt cho gia đình, thầy mo khăn áo chỉnh tề thắp hương rồi khấn. Phải năm trời không thuận, đất không lành, người già ốm lắm đau nhiều, hôm nay họ hàng con cháu có lòng đức, lòng đạo, lòng thảo, lòng nhân, soạn lên mâm vía lễ mụ thố, cầu mong giữ vía cho người già mạnh khoẻ trở lại, sống xa già lâu cùng con cháu họ hàng”. Sau khi trình bày lý do xong, ông mo tiếp tục khấn để mời mụ thố về. Dân gian tương truyền, nhà mụ trú ở gốc cây si trên trời cao nên thầy mo phải lên trời đi tìm mụ về. Dâng đủ 10 “thông” cơm chay, 10 “thông” cơm rượu. Con cháu ngồi dưới vái lạy mời các thần và mụ thố. Sau đó, thầy Mo gieo quẻ âm dương. Khi công việc thuận lợi, bà mụ xuống chứng giám, ông Mo thay mặt bà mụ đội nón tay cầm mảnh vải viết lên sổ trạng xin được thêm số, thêm phận cho người già đang đau ốm.
         
        Viết sổ trạng xong, người nhà một sợi dây được buộc vào cành si để tiến hành nghi lễ kéo si, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong buổi lễ này. Trước khi kéo, ông Mo tiếp tục khấn. Con cháu ở đâu hãy lại đây! Cầm dây kéo cây si dậy. Cho hồn người mạnh mẽ trở lại, để người sống lâu nghìn năm trăm tuổi. Buổi nào cây si đổ, người mới đổ. Chỗ nào cây si héo người mới héo. Con cháu hỡi, con cháu hà, ta cùng kéo cây si dậy! Để cây si mãi chắc gốc bân cành. Để người sống lâu ngàn năm. Để người sống lâu trăm tuổi. Dậy dậy si hỡi! Dậy dậy si hà. Lúc này con cháu cùng xúm vào cùng kéo, mỗi nhịp kéo mọi người lại đồng thanh “ hò....hơ” cho đến khi cây si dựng vưng chắc mới thội.
         
        Cây si được dựng lên vững chắc, ai nấy trong gia đình cảm thấy trong lòng  thư thái. Người già trong nhà thì cảm thấy yên lòng, yên dạ, tinh thần sảng khoái như được tăng hêm sinh lực. Làm lễ xong ông Mo tuyên bố kéo si đã lành, xanh lá gốc, lá ngọn con cháu hãy cùng mời ông bà uống rượu, ăn uống no say. Con cháu bê mâm cơm vía đến cho người già ăn gọi là ăn lấy vía.
         
        Trong không khí hân hoan của bà con và gia đình làm lễ, ông Mo cho phép mọi người ăn cơm, uống rượu cần để hưởng phúc, hưởng  lộc của thần linh. Không ồn ào, náo nhiệt như những lễ hội khác, lễ vía mụ Thố gần gũi với đời sống tâm linh của người Mường. Ngày nay, nghi lễ này vẫn được tổ chức ở khắp các bản mường khi gia đình nào có người già yếu.
         
        Được đắm mình vào lễ mụ, tôi càng hiểu thêm tâm hồn và lẽ sống của đồng bào Mường. Nghi lễ này còn thể hiện sự gắn kết hoà đồng giữa thiên nhiên và con người. Con người vun đắp cho cuộc sống, thiên nhiên thêm tươi, thêm đẹp. Thiên nhiên tạo ra môi trường sống trong lành cho con người.
         
                                                                                   Hải Yến(Đài PT - TH Hoà Bình)
        [1] Venus sưu tầm từ nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 04.10.2008 22:12:21 bởi venus4t.vns_hnu >
        #4
          venus4t.vns_hnu 05.10.2008 22:07:20 (permalink)
          HỘI SÊN BẢN, SÊN MƯỜNG CỦA NGƯỜI THÁI HOÀ BÌNH


          Hội Xên bản, xên mường mở vào mùa hoa ban nở là hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, trai gái tìm hiểu, tâm tình qua tiếng hát, tiếng đàn. 
               Hàng năm, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, mùa xuân về, hoa ban nở trắng núi, trắng rừng Tây Bắc. Truyền thuyết của người Thái kể rằng: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại vừa có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác lại có tật gù lưng. 
               Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu, rồi bươm bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.Chàng Khum, khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Đi mãi hết mường này, bản khác, cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết tự năm nào. 
               Vào dịp hoa ban nở người Thái ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) mở hội Xên bản, xên mường có tên là hội Hoa ban, quy mô hội to hay nhỏ còn tùy thuộc vào thời. Hễ năm nào nghe tiếng sấm rền từ phía thượng nguồn sông Mã, thì năm đó ắt có đại hạn, mọi người phải lo tích nước để làm mùa cũng như cho sinh hoạt đời sống, lại phải chuẩn bị phương tiện như cuốc, thuổng, gàu... để đào mương, đào giếng chống hạn, thì Xên bản, xên mường năm ấy chỉ tổ chức nhỏ và đơn sơ. Người ta mổ ít lợn, gà làm lễ tế thần để cầu mưa, "rửa lá lúa" (xua đuổi thần trùng). Các cuộc vui chơi, đàn hát coi như bị xếp lại. Các ngã đường dẫn vào bản đều có buộc cành cây xanh-dấu hiệu "cấm người ngoài vào bản, kiêng người ngoài lên thang"- rong một số ngày "kiêng kỵ". Nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm và có cài lá xanh. Không khí sinh hoạt của bản trong những ngày này chùng xuống, đượm vẻ lo âu, buồn tẻ. Ngược lại, hễ nghe tiếng sấm đầu năm rền ở phía thượng nguồn sông Đà, thì mọi người đều phấn khởi, tươi vui. Họ tin rằng năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, triển vọng mùa màng sẽ bội thu, thóc ngô đầy bồ, đầy kho, mọi người khỏe mạnh, ít ốm đau. Trẻ già cùng rủ nhau ra suối tắm, giặt, gội đầu. Những đồ dùng nấu ăn hàng ngày như nồi, chõ đồ xôi cũng được đem ra cạo rửa. Và tất nhiên, hội Xên bản, xên mường của năm đó cũng được tổ chức lớn hơn, rộn rịp hơn. 
               Ngày thứ nhất, hội Xên bản, xên mường mở đầu bằng đám rước, tiếp theo là lễ hiến sinh cúng thần. Đám rước diễn ra từ nhà tạo mường ra đình. Dẫn đầu đám rước là các chức sắc trong mường với trang phục đẹp may bằng the, lụa, có cờ, lọng, chiêng trống, kèn, sáo, nhị đi kèm. Tiếp đến, các cụ già đội khăn đỏ, mặc áo tơ tằm vàng, quần chàm sẫm, thắt lưng xanh. Một số cụ mang theo cả cung nỏ. Một con trâu mộng to béo, được tắm rửa sạch sẽ, da đen bóng được dắt theo, đôi sừng trâu bọc giấy màu lấp lánh, ở giữa trán và hai bên mông có dán giấy trắng cắt hình hoa ban to như miệng bát. Đi sau, cùng là những những chàng trai trong bản, mặc áo đỏ viền xanh, quần vàng, đội mũ chóp sơn dầu, chân quấn xà cạp đen đến tận đầu gối, đeo gươm hoặc giáo bên vai. 
               Tại đình, vị "đẳm già" - thầy mo có uy tín - áo thụng xanh, mũ đuôi én đỏ, quần chàm, đi hài, bước ra trước hương án làm lễ cầu thần. Lát sau, vị "đẳm già" cầm chiếc chuông nhỏ rung lên một hồi báo hiệu là đã cầu thần xong và lệnh cho dắt con trâu mộng ra làm lễ hiến sinh. Trâu được dắt đến nơi bãi rộng cạnh đình để mổ thịt. Từ lúc này, các trò vui của nam nữ thanh niên bắt đầu. Họ tổ chức múa xòe quanh nơi mổ trâu theo nhịp chiêng trống, và cuộc vui chơi kéo dài cho đến khi pha xong thịt trâu mới chịu dừng. Khi những mâm cỗ được dọn lên, thì chiêng trống cùng các nhạc cụ khác lúc này cũng được chuyển về đình. Từng đôi nam nữ luân phiên hòa tấu cho tới lúc hạ cỗ. Đêm đến, nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát cho đến khuya mới chia tay. 
               Ngày thứ hai là ngày thi bắn súng hỏa mai và cung nỏ. Ngày thứ ba là ngày vui chơi tập thể, đó là ngày hội tự do, sôi động nhất, có người tham gia đông đảo nhất. Ai thích trò chơi gì thì hãy nhập cuộc vào các nhóm: ném còn, ca hát, thổi kèn, sáo, thi chim hót, thi trâu béo... (tục lệ ở đây kiêng thi vật và cấm trâu bò húc nhau trong những ngày này). ở những bản đông người, người ta chia cuộc vui chơi thành hai nơi: một ở đầu bản, một ở cuối bản để tránh tập trung quá đông một chỗ. 
               Đối với nam nữ thanh niên, đêm hội cuối cùng là đêm vui nhất, để lại nhiều kỷ niệm nhất. Dưới ánh trắng, màu trắng của hoa ban ánh lên trên nền xanh thẫm của rừng, tạo nên một vẻ đẹp thanh khiết. Giữa khung cảnh đầy thơ mộng ấy, cuộc thi hát giao duyên hòa cùng tiếng kèn, tiếng sáo giữa nam nữ diễn ra từ lúc trăng lên và kéo dài cho đến tận khuya. Họ tặng cho nhau những tấm phà (hoặc váy thêu công phu), vòng đeo tay bằng bạc, trầu cau và những chai rượu nếp mang hương vị của rừng, của suối. Từ cuộc vui này, có bao nhiêu mối tình chớm nở và có bao nhiêu đôi nên vợ nên chồng.Tiếp theo hội là một số ngày kiêng kỵ. Nhà nào nhà nấy đều đóng kín cửa, cài cành lá xanh, người trong nhà nghỉ đi rừng, đi rẫy và không tiếp khách lạ.

          venus sưu tầm từ nguồn: http://www.cinet.vn.

          #5
            venus4t.vns_hnu 05.10.2008 22:16:18 (permalink)
            ĐỘNG TAM TOÀ PHÚ LÃO

                    Nói đến Hòa Bình là nhắc đến công trình thủy điện Sông Đà, suối nước khoáng Kim Bôi, bản làng dân tộc Mường mang bản sắc văn hóa đa dạng: 
                                                            Ăn cơm lam
                                                            Uống r­ượu cần
                                                            Trâu treo mõ
                                                            Chó leo thang

                   Và còn nữa, một quần thể thắng cảnh chùa Tiên Phú Lão đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận năm 1989. Trong tất cả hang động tạo thành khu thắng cảnh, động Tam Tòa được xem là động hùng vĩ và kỳ ảo nhất. Động Tam Hòa nằm trong địa phận xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội 149 km nếu đi theo quốc lộ 64 qua dốc Cum, muốn nhanh hơn đi tắt từ Tân Mai - Sơn Tây, chặng đường chỉ còn vỏn vẹn 110 km. Một ngõ khác không kém phần hấp dẫn như­ng chỉ dành cho khách có sức khỏe, ­ưa mạo hiểm, tiện đường tham quan thắng cảnh Hương Sơn - Hà Tây sau đó qua thung Mơ, vượt núi tìm đến động.
                   Cửa động Tam Tòa lộ thiên giữa sườn núi Rộc Đản, nhìn từ xa tưởng như­ rất gần, nh­ưng muốn đến động phải v­ượt qua hai chặng đường, một con đường mòn quanh co theo sườn đồi để đặt chân rồi đến chân núi. Chặng đường còn lại cam go hơn vì dài đến 430m, dốc lại đứng ít nhiều làm chùn bước khách lữ hành. Như­ng thiên nhiên là liều thuốc trợ lực vì càng lên cao khách càng thỏa lòng bởi cảnh vật: "Cỏ cây chen đá lá chen hoa". Thỉnh thoảng có những khúc quanh xuất hiện những bụi tre, bóng mát phủ cả khoảng đất bằng phẳng vừa tiện làm chỗ nghỉ chân vừa nhìn ngắm vùng trung du bát ngát, những bản làng dân tộc Mường hiền hòa hay dòng sông Rộc Bếch lung linh ánh bạc. Xa hơn nữa, núi tiếp núi, mờ ảo dưới lớp khói lam trải dài đến vô tận.
                   Nối liền cửa động là một hang luồn khá rộng rãi dài 16m được chắn giữa một án thờ lớn chia ra làm 3 bậc, biểu tượng cho Tam Tòa: thờ đệ nhất Thượng Thiên (Ngọc Hoàng Thượng Đế), đệ nhị Thượng Ngàn (Bà Chúa trấn giữ núi rừng), đệ tam Thoái Phủ (tổ tiên sinh ra con cháu Lạc Hồng). Động có dạng hình chữ Y, có tổng chiều dài 450m chia làm 3 tòa, 12 cung trong đó có 3 cung vì đường vào hiểm trở ch­ưa cho phép khách vào. Cung thứ nhất đến cung thứ tư­ tập trung một hang lớn nằm bên trái điện thờ, vòm cao trên 40m và bề rộng suýt soát 35m, mỗi cung mỗi phong cảnh thạch nhũ đầy lý thú.
                   Nếu cung thứ nhất là rừng hoa sen được thời gian điêu khắc những đường nét tinh xảo, thì cung thứ hai những lớp thạch nhũ trắng tinh sắp lớp như­ đám mây trôi bồng bềnh. Cung thứ ba vô số quả đào lớn nhỏ được treo ngược từ vòm hang, luôn nhỏ nước tí tách. Kỳ diệu nhất là chiếc đàn đá với hàng trăm thanh đá mỏng manh ở cung thứ tư­, mỗi lần có người gõ vào, tiếng đàn ngân nga, gợi lên một hình ảnh lễ hội văn hóa vùng Tây Nguyên, tựa tiếng đàn Trư­ng tuyệt diệu. Vòng lại điện thờ, một ngách nhỏ bên phải đ­ưa khách đến cung thứ năm. Đặc điểm của hang này là những cây kim cương phủ đầy hoa đá. Một số hoa đá bằng nắm tay, áp sát đèn pin vào một phía, hoa sẽ hắt lên ánh sáng vàng đục, nhìn thấy cả đường vân lờ mờ trong lòng đá.
                   Theo một cầu thang bằng cây, khách đi lên tầng hai và đi vào hang Bạch Tuyết là những cung cuối cùng của động. Quả bất ngờ khi cùng một động nh­ưng các hang nhũ mang màu sắc vàng sậm, còn hang Bạch Tuyết lại khoác màu trắng tinh khiết lấp lánh vô số những hạt thủy tinh đeo bám trong đá. Các nhũ hình thì muôn hình vạn trạng, nơi thì hàng trăm mảnh đá có hình l­ưỡi gư­ơm lơ lửng trên vòm, còn chỗ khác là bãi chông mọc từ nền đá trổ lên. Ở cuối hang, cụm hàm cá mập gồm một hang sâu hun hút được che chắn bởi hàng chục cột thạch nhũ hình tháp cài thế răng lược bên ngoài, trông như­ cuống họng loài thủy quái. Tuy hang không lớn như­ng ấn tượng nhất, bởi sự hoàn hảo của từng tác phẩm tạo hình. Điều này ít nhiều gây cho khách vừa thích thú qua các tuyệt tác thiên nhiên, vừa suy tư­ về một sức mạnh huyền bí nào đó tạo nên khung cảnh ngoài sức tưởng tượng con ngư­ời.
                   Từ nhiều năm qua, động Tam Tòa cùng với thắng cảnh trong quần thể như­ động Tiên, đền Mẫu và di chỉ khảo cổ thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình", luôn hấp dẫn nhiều đối tượng khách có nhu cầu du lịch, thám hiểm, khảo cổ, nghiên cứu. Hơn thế nữa đã trở thành truyền thống, cứ đầu xuân khi chùa Tiên Phú Lão và chùa Hương - Hà Tây cùng mở hội là dịp những đoàn khách nô nức qua lại, trước là hành hương tìm về đất Phật sau là vui chân quá bước viếng cảnh.
                    Nên chăng ngành du lịch địa phương cần đầu tư­ một số cơ sở hạ tầng, vừa để khai thác kinh doanh du lịch, vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của khách khi có lòng đến với thắng cảnh. Một trạm tiếp đón khách tư­ơm tất, một nhà hàng phục vụ ăn uống, một con đường lên núi được xây bậc thang tạo sự an toàn cho khách du lịch... là điều thật không quá đáng so với tầm vóc danh thắng nổi tiếng vùng Tây Bắc.
             

            venus sưu tầm từ: http://www.cinet.vn


            #6
              Minh Xuân 21.03.2009 15:31:54 (permalink)
              Phía Tây Bắc Hòa Bình là khu vực núi đá vôi với một loạt địa điểm du lịch có tiếng. Những điểm như suối nước nóng Kim Bôi, Bản Lác của người Thái ở Mai Châu thì nhiều người biết. Còn khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến đường vào rất khó khăn, không tiện cho du lịch.
              Giáp với giáp Sơn La (Mộc Châu) có khu Hang Kia - Pà Cò, diện tích rộng, đi lại tương đối dễ. Từ Mai Châu lên đến chợ Pà Cò đi khoảng 50km. Chợ Pà Cò họp phiên chủ nhật, mang bản sắc một phiên chợ vùng cao.
              Từ chợ Pà Cò qua một con dốc cao vào đến bản của người H'mông (người Mèo), ở độ cao trên 1000m.

              Bản Hang Kia.
               
              Bản này nằm lọt trong hai thung lũng núi đá vôi của Khu bảo tồn thiên Hang Kia - Pà Cò. Khu này có phong cảnh đẹp, đặc biệt mùa xuân hoa mận nở trắng rừng, rất nên thơ.

              Hoa mận ở Pà Cò.
               
              Rừng Pà Cò có thảm thực vật rất độc đáo, với nhiều loài cây quí hiếm như Thông năm lá (Ngũ trâm tùng), Thông đỏ, Dẻ tùng, cùng nhiều loài phong lan.

              Đỉnh Pà Cò.
               

              Thông năm lá (Ngũ trâm tùng). Loài quí hiếm, chỉ có ở Việt Nam. Các loài Ngũ trâm tùng có tán thưa, gọn, thích hợp làm cây thế.
               

              Thạch bế hồng, loài cây độc đáo chỉ có ở Bắc Việt và Vân Nam Trung Quốc.
               
              Phong cảnh rừng thông núi đá ở Pà Cò đẹp không kém gì những bức tranh thủy mặc của Trung Quốc.
              #7
                hoangau 21.03.2009 22:34:38 (permalink)

                Bà con hay đi du lịch, biết đây biết đó nhiều, cho hoangau hỏi điều này nha: Có phải người Mèo gọi con mèo là con kinh không? (Vì người Kinh gọi nó là con mèo mà !)
                #8
                  Minh Xuân 22.03.2009 02:33:18 (permalink)

                  Trích đoạn: Ct.Ly


                  Trích đoạn: hoangau

                  Bà con hay đi du lịch, biết đây biết đó nhiều, cho hoangau hỏi điều này nha: Có phải người Mèo gọi con mèo là con kinh không? (Vì người Kinh gọi nó là con mèo mà !)


                  Đọc bài viết của Hoàng gấu xong, sis Lý muốn " đập chuông " quá

                  Hoa Ngâu chưa rõ đó thôi. Người H'Mông gọi Mèo không phải là Kinh, mà là Cua. Có thành ngữ nói về người H'Mông là "Lý ông Mèo", tương ứng với thành ngữ người Kinh là "Ngang như Cua", nói về những câu hỏi kiểu như trên của Hoa Ngâu .
                  Sau đây cũng là một chuyện về "Lý ông Mèo" mà Minh Xuân từng nghe ở Pà Cò:
                  Một xe ô tô đi đâm phải ngựa của ông Mèo. Ngựa chết, ông Mèo bắt đền. Lái xe xuống xe lập biên bản:
                  Hôm nay ngày giữa tháng , xe đâm vào ngựa, xe chết ngay , ngựa dãy dụa một lúc mới chết. Tính về giá trị xe hơn ngựa 10 lần. Vì thế bên xe đền cho bên ngựa 1 triệu đồng. Bên ngựa đền cho bên xe 10 triệu đồng”.
                  Ông Mèo xem biên bản xong bảo:
                  Thế này thì thôi, tao đem ngựa của tao về thịt, mày đem xe của mày về mà thịt , không phải đền bù gì nữa”.
                  Lái xe đợi ông Mèo mang ngựa đi một lúc, lên xe nổ máy đi tiếp, không mất đồng nào.
                   
                   
                  #9
                    Minh Xuân 05.08.2009 12:49:23 (permalink)
                    Bạn tuusacqui đừng bực mình. Mọi người nói chuyện vui thôi.
                    Theo tôi thì Mông hay Mèo bắt nguồn từ gốc từ Miêu, hay Mun. Người H'mông thuộc tộc Miêu, là tộc người phương Bắc trong dân Bách Việt. Miêu, hay Mun chỉ màu đen, là màu tượng trưng của phương lạnh. Từ này hoàn toàn không có nghĩa là con Mèo.
                    Vì người H'mông ở vùng núi cao nên không nuôi mèo. Mèo không chịu được lạnh.
                    #10
                      hoangau 07.08.2009 00:35:42 (permalink)

                      Trích đoạn: tuusacqui


                      Trích đoạn: hoangau

                      Bà con hay đi du lịch, biết đây biết đó nhiều, cho hoangau hỏi điều này nha: Có phải người Mèo gọi con mèo là con kinh không? (Vì người Kinh gọi nó là con mèo mà !)


                      thua ông này.
                      ...



                      Nè, hong phải ông đâu nha ! đó !


                      Trích đoạn: tuusacqui
                      ...
                      Gọi như ông này chắc mình phải xách chai lên chùa ở mất



                      Xách chai lên thì mới được "tửu" thôi, còn "sắc" thì tính chuyện xài của chùa hay sao hở bạn tửusắcquỉ ?


                      Trích đoạn:
                      ... người H'mong, người Mông, người Mèo đều là một... Ở những nơi giao thương với các vùng khác, hay là khu du lịch ông gọi họ là Mèo họ quen ko nói, chứ ông vào những bản ở xa đường cái, ông gọi họ là Mèo cẩn thận ko còn cái răng nào mà kêu đâu. Người Mèo khái tính, lòng tự tôn họ lớn lắm đấy, chứ không thuần như người Thái hay các dân tộc khác đâu ...  (tuusacqui)

                      ... Theo tôi thì Mông hay Mèo bắt nguồn từ gốc từ Miêu, hay Mun. Người H'mông thuộc tộc Miêu, là tộc người phương Bắc trong dân Bách Việt. Miêu, hay Mun chỉ màu đen, là màu tượng trưng của phương lạnh. Từ này hoàn toàn không có nghĩa là con Mèo...  (Minh Xuân)



                      Còn theo tôi thì, hic, thà mang tên là Mèo còn hơn là ... Mông , hic hic ...
                      #11
                        Bách Việt 18 20.11.2009 22:50:44 (permalink)
                        Tên gọi người Mèo bắt nguồn từ Miêu (Mieo) chỉ tộc người Tam Miêu gốc ở Quí Châu. Người Mèo có những đợt di cư lớn sang nước ta và Lào khi nổi dậy và bị đàn áp ở quê hương Quí Châu của họ.
                        Có điều lạ: Tam Miêu là một bộ tộc được ghi trong cổ thư là có từ đời Hạ, bị Hạ Vũ đuổi khỏi Trung Hoa vì lý do bất phục. Vậy nếu gốc người Tam Miêu ở Quí Châu thì Trung Hoa của nhà Hạ ở đâu? Chắc chắn không thể ở bên bờ sông Hoàng Hà được vì cách quá xa vùng Quí Châu, nhất là với trình độ phát triển của thời nhà Hạ (hậu kỳ đồ đá sang đồ đồng).
                        Kỳ lạ hơn nữa là thời Nghiêu Thuấn (trước cả thời nhà Hạ) đã có địa danh Giao Chỉ. Giao Chỉ là Bắc Việt Nam. Vậy Nghiêu và Thuấn đóng đô ở đâu mà từ tận sông Hoàng Hà đi ra được Giao Chỉ ở Bắc Việt? Lịch sử Trung Quốc đầy rối rắm, mâu thuẫn, chứa đựng một sự lừa gạt tinh vi, nhập nhèm giữa lịch sử Hán và Việt. 
                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.11.2009 22:53:12 bởi Bách Việt 18 >
                        #12
                          venus4t.vns_hnu 25.11.2009 22:40:49 (permalink)
                          Mời bạn Bách Việt 18 và các mem tham khảo thêm về tên gọi của dân tộc H mông và nguồn gốc tộc người ở đường link sau nhé!
                          http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=558550

                          #13
                            Minh Xuân 05.01.2010 10:41:54 (permalink)
                            Ngày 16 và 17 tháng 1/2010 ở xã Pà Cò (Mai Châu - Hòa Bình) sẽ có lễ hội Tết của người H'mông với nhiều trò chơi truyền thống như ném còn, thi trang phục, đẩy gậy, làm bánh dày, ...
                            #14
                              Thanh Vân 05.01.2010 17:31:18 (permalink)

                              Ngày xưa, tức trước 75 , Thanh Vân cũng chỉ biết vùng dân ở miền núi, có tên là Mường, Mán , Mèo chứ khg mang nhiều tên như bây giờ

                              Cho nên có dịp lên saPa, thấy giới thiệu nhiều sắc dân quá, đến y phục cũng khác hơn xưa nhiều,

                              Có thể dân tộc ở miền núi ở vùng Lâm Đồng khác với dân tộc ở vùng núi, Lào cai, Sapa .
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 17 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9