Điểm sách “Hai mặt sáng-tối của Y học hiện đại”
Asin 22.01.2005 18:38:35 (permalink)
Y học là một trong những ngành khoa học đạt được nhiều thành tựu lớn và bước những bước tiến dài trong lịch sử khoa học. Không thể phủ nhận được những tiến bộ của khoa học ứng dụng trong việc chữa trị bệnh, nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng đời sống và càng ngày khoa học Y học càng đi sâu vào bản chất của bệnh ở mức độ phân tử. Thế nhưng, không phải như thế là mọi việc đều ngã ngũ. Mức độ phức tạp của bệnh tật và mức độ phân hoá trong các phương thức chẩn đoán cũng như cách thức điều trị bệnh dường như càng tăng lên theo với mức độ phát triển của Y học hiện đại.

Y học hiện đại trong vài thập niên cuối cùng gần đây đang chuyển hướng từ y học điều trị sang y học dự phòng; có nghĩa là chuyển hướng từ việc điều trị cho một cá thể bệnh nhân ở bệnh viện sang điều trị cho cả một cộng đồng theo một nguyên lý rất lý trí và logic là “phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”. Và lý thuyết này lại hàm chứa một nguyên tắc “thà đánh nhầm còn hơn bỏ sót”. Tại sao lại như vậy? Và có đúng như thế hay không?

Về phương diện thông tin đại chúng thi thoảng đọc trên một tít báo quảng cáo về một phát hiện mới, hoặc quảng cáo về một thành tựu y học vĩ đại mới…nhưng sau đó thì lại công bố là thiếu sót, là sai lầm. Tại sao có sự bất cập như vậy, tại sao lại có sự tiền hậu bất nhất nhiều khi đến mức dối trá như thế?

Cuối cùng vẫn là quay lại điểm mấu chốt trong lĩnh vực sức khoẻ là chỉ có một mối quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân thông qua “con bệnh”. Dân gian có câu “hữu bệnh tắc cầu”, và không chỉ ở Việt Nam thôi mà ngay cả xứ Tây phương cũng không khác gì hơn. Giới thầy thuốc được coi là tầng lớp thượng lưu, được kính trọng với danh xưng riêng biệt bác sĩ/doctor; và khi Việt Nam còn trong tay thực dân, các bác sĩ còn được có danh xưng “Quan”-quan đốc. Điều đó để nói lên uy quyền của người bác sĩ như thế nào. Thế nhưng với những bất định của khoa học y học, vả lại thầy thuốc cũng là con người, cho nên sai sót là điều không thể tránh khỏi, và cuối cùng thì người “thọ nạn” là bệnh nhân. Thế thì bất công quá, có phương thức nào để có thể cải thiện được quyền lợi của bệnh nhân không?

Để có các câu giải đáp cho hàng loạt những vấn đề hóc búa đó, “HAI MẶT SÁNG-TỐI CỦA Y HỌC HIỆN ĐẠI” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành vào cuối tháng 10/2004 vừa qua có thể là một trong những cuốn sách làm hài lòng bạn đọc.

Đọc bản thảo từ tác giả để góp ý, tôi không thể không khâm phục tác giả đã dũng cảm và phải nói là liều mình đi vào một trong những vấn đề gai góc nhất của giới nghiên cứu y học hiện nay, đó là chất vấn là tính xác thực, tính khả tín và khả thi của một số phương án, chiến lược thực hành trong y khoa. Bản thân người viết bài này là một người làm lâm sàng, tức là từng lăn lộn với bệnh nhân, từng đánh vật với con bệnh, giành giật mạng sống cho bệnh nhân; từng thành công và cũng từng mắc phải sai lầm phải trả giá không ít; và cũng lại dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học dù mới là chập chững. Thế nhưng một điều không dễ dàng là dù có biết sai lầm, biết mình sai lầm, biết đồng nghiệp mình sai lầm, biết những thông tin khoa học có thể là sai lầm nhưng không mấy khi được nói ra một cách thành thật. Có thể là vì sợ mất danh dự, có thể là vì “nồi cơm bát gạo” mà cũng có thể là vì vấn đề tế nhị. Nếu không nói là đầu tiên thì tôi nghĩ Nguyễn Văn Tuấn cũng là một trong những người nói tiếng Việt đi tiên phong trong việc chất vấn, đặt vấn đề ngược lại với những trào lưu ý tưởng, phương thức thực hành đang hiện hành trong nền y học tân tiến của thế giới; tiên phong dám “vạch áo cho người xem lưng”. Làm được như vậy phải là con người có bản lĩnh và tự tin. Như tôi đã từng nhận xét đâu đó về cuốn sách đầu tay của tác giả viết về Chất độc màu Da cam (cũng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành vào trung tuần tháng 7/2004), tác giả là một chuyên viên cao cấp về nghiên cứu Y khoa, đương chức ở một trong những Viện nghiên cứu Y khoa hàng đầu thế giới; tác giả được đào tạo căn bản và nhận học vị cao nhất về các chuyên ngành cần thiết trong công việc nghiên cứu Y khoa. Chính vì thế tác giả đã sở đắc được một thứ “vũ khí” lợi hại để có thể có đủ can đảm bước vào một lĩnh vực mà giới chuyên môn cho là gai góc và “tự biến mình thành một con cừu đen” (black sheep). Vì quả thực, chẳng ai dám dại dột đi nói ngược lại những điều mà các “chuyên gia đầu ngành” đã “ấn ký”, trào lưu hiện hành đang gây ấn tượng.

“HAI MẶT SÁNG-TỐI CỦA Y HỌC HIỆN ĐẠI” có thể nói là một dạng sách bán chuyên môn-bán phổ thông, bán khoa bảng-bán quần chúng. Sách dày 364 trang không kể bìa, in khổ A5. Nội dung gồm phần mở đầu và 17 bài viết chủ yếu mổ xẻ những vấn đề thuộc “hậu trường” của nền y học hiện đại trong đó có hai nhóm đối tượng chính được đề cập đến: nhà nghiên cứu y khoa/bác sĩ điều trị, bệnh nhân/người tiếp cận thông tin. Để có thể mổ xẻ và phương thức mà tác giả đã mổ xẻ các vấn đề như thế nào thì khoảng một phần tư cuốn sách được dành để nhận định về y học hiện đại và phương thức tiếp cận thông tin này; phần còn lại của cuốn sách là phần để minh hoạ- phân tích, đánh giá lại một số thông tin y học được giới khoa học chuyên gia công bố và lưu hành, mà chủ yếu là đặt lại vấn đề của mục đích chẩn đoán bệnh trong quần thể dân cư.



Tuy có thể dễ dàng tách bạch hai chủ điểm nhưng đan xen trong những bài nặng tính lý thuyết, cũng có chứa những minh hoạ; và trong những bài chủ yếu là minh hoạ cũng có xen phần lý thuyết. Cho nên theo thiển ý của chúng tôi, tác giả đã nhắm vào đối tượng bạn đọc khá rộng rãi, từ tầng lớp khoa bảng cho đến tầng lớp bạn đọc phổ thông. Chính vì đối tượng rộng như vậy nên những vấn đề nặng tính chuyên môn đã được tác giả cố gắng diễn dịch dưới những ngôn ngữ bình dân, tuy nhiên vẫn chứa đựng được đầy đủ tính khoa bảng và học thuật. Đây là điểm mạnh nhưng theo chúng tôi có lẽ cũng là một trong những điểm yếu của cuốn sách. Ngầm hiểu ý của tác giả là “biết mà không nói là đại bất nhân, nói mà không hết là đại bất nghĩa”, chính vì muốn nói cho hết nên tác giả đã cố gắng gom cả lý thuyết chuyên ngành và thực hành lại làm cho giới bạn đọc phổ thông sẽ phải gặp không ít khó khăn khi đọc những bài viết về phương pháp, học thuật. Ngược lại với đối tượng là chuyên ngành, dù những thông tin này có tính hệ thống và kết dính (coherent) cao, nhưng có thể lại chưa đủ sâu. Lẽ đã hẳn, chỉ cần chủ đề mà tác giả đã nêu ra thôi, giới khoa học đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức và giấy mực để bàn thảo. Biết đâu, đó cũng là ý đồ của tác giả, gợi ra cho mọi người cùng đặt tư duy, đào sâu và cùng bàn luận.

Điều khá lý thú là tác giả đã đề cập đến tính “dối trá” trong cách trình bày các dữ kiện khoa học dưới dạng thống kê, mặc dù tác giả không thẳng thừng nói ra như vậy. Lấy một thí dụ trong bài “Ung thư vú, vấn đề thông tin Y khoa”, khi công bố về lợi ích của chương trình khám nghiệm ung thư vú, các khoa học gia có công bố rằng qua một nghiên cứu cho thấy những người tham gia chương trình khám nghiệm ung thư vú thì tỷ lệ tử vong do ung thư vú giảm 25% so với những người không tham gia vào chương trình này. Và trên các phương tiện truyền thông đều được nói như vậy. Thế nhưng một thực tế đến nực cười là theo tác giả đã chỉ ra sự khác biệt tuyệt đối giữa hai nhóm chỉ có 1 người trên đơn vị 1000 người (tr. 328). Hoặc khi nói đến con số tử vong, tác giả đã trích dẫn cho thấy với 16000 phụ nữ được theo dõi trong 5 năm, có 5 người bị tử vong vì ung thư vú và có 3 ở nhóm dùng HRT và 2 ở nhóm không dùng HRT! (tr. 189). Và còn rải rác nhiều nơi khác trong sách tác giả có chỉ ra những cách đưa thông tin tương tự (tr. 314, 346-348). Hoặc cũng một nơi khác trong bài ung thư vú, khi nhận định về con số, giới truyền thông “rêu rao” cứ 100 người phụ nữ da trắng (Mỹ) thì có 10 người bị ung thư vú (10%), nhưng tác giả chỉ ra rằng thông tin này có đúng nhưng không đủ là với một điều kiện “nếu”- nếu người đó phải sống cho tới 85 tuổi và không hề bị chết trước bởi các bệnh khác, thì xác suất cho người này mắc ung thư vú là 10% (tr. 345-346). Thật là một sự thực lạ lùng đến độ khó tưởng tượng!

Điểm cốt lõi mà tác giả nêu ra và bàn luận mà tôi cho là linh hồn của cuốn sách là ở điểm sàng lọc chẩn đoán bệnh ở cấp vĩ mô tức là chẩn đoán bệnh cho một cộng đồng. Tác giả nêu ra một số trường hợp đó là chẩn đoán ung thư vú, chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến, chẩn đoán HIV/AIDS. Vốn dĩ từ khi ngành dịch tễ học lâm sàng (từ đang được dùng hiện hành ở Việt Nam để chỉ ngành clinical epidemiology) được phát triển và áp dụng rộng rãi, tử khi trào lưu được chuyển hướng từ y học chữa trị cá thể sang xu hướng y học dự phòng thì các khái niệm, công cụ dùng để chẩn đoán hàng loạt đó cũng phát triển ồ ạt. Phải nói rằng là bất cứ một ngành chuyên khoa riêng biệt nào cũng có đầy dẫy các nghiên cứu về các phương thức dùng để sàng lọc và nhận dạng bệnh. Trên một nguyên tắc “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, giới khoa học gia bằng mọi cách để làm thế nào với một hoặc một nhóm các “công cụ chẩn đoán” có thể tóm bắt được nhiều đối tượng có thể để điều trị dự phòng nhiều nhất. Dựa trên nguyên tắc đó người ta đưa ra thuật ngữ độ nhạy (sensitivity) và đặt chỉ tiêu là “muốn tóm bắt càng nhiều đối tượng khả nghi thì công cụ chẩn đoán đó phải có độ nhạy càng cao”. Thế nhưng theo tác giả thì vấn đề đặt ra thì đúng nhưng cách trả lời lại không nhằm vào câu hỏi!

Để minh hoạ điều này của tác giả, chúng tôi trích diễn dịch lại theo ý tác giả đã trình bày trong đoạn đầu ở trang 337, về khả năng quang tuyến xác định ung thư vú dưới dạng biểu đồ.




Nhìn vào biểu đồ đó ta có thể hiểu nôm na độ nhạy là nếu đưa 8 bệnh nhân ung thu vú đi chụp X-quang, thì có 7/8 người (0.875 hay 88%) trong số này, phim X-quang xác định đúng là có ung thư. Thế nhưng theo ý tác giả, điều nghịch lý trong câu trả lời này là ở chỗ nếu đã biết là bị bệnh rồi thì cần gì phải làm xét nghiệm? Tính nguy hiểm của sự hiểu lầm này là sẽ có một tỷ lệ lớn những người không ung thư mà bị chẩn đoán là ung thư, coi như đưa họ vào một “bản án” tử hình không nên có (ở đây là 70/992=0.07 hay 7%); ngược lại cũng sẽ có một số bệnh nhân bị bỏ sót khi không xác định là có bệnh, do Xquang bỏ sót (theo ví dụ này là 1/8 người, 12.5%). Về mặt vĩ mô thì sự sai sót là cho phép, thế nhưng đứng về mặt đạo đức và về phương diện cá nhân, một tính mạng là một tài sản vô giá.

Điều mà một người làm công tác chẩn đoán cũng như bệnh nhân muốn biết là với khi một người bị nghi là ung thư (chưa biết có bị bệnh hay không) đi chụp X-quang, phim X-quang xác định người này bị ung thư thì khả năng cho người đó đúng bị ung thư là bao nhiêu phần trăm. Theo tác giả câu trả lời là 7/(7+70)= 0.09 hay chỉ có 9 %! Con số này rất thấp và hầu như là không có giá trị cao trong việc dùng để xác định bệnh.

Thế nhưng ngay trong cả giới chuyên ngành, nếu được hỏi nếu chụp X-quang xác định là dương tính thì khả năng bị ung thư sẽ được nhận câu trả lời là 88%!

Ấy thế mà gần đây, giới chuyên môn tại Việt Nam lại đang rầm rộ khuyến cáo phụ nữ nên nên tích cực tham gia chương trình khám X-quang để chẩn đoán sớm ung thư vú. Điều gì sẽ xảy ra cho ‘một nửa thể giới với món quà thiên nhiên tuyệt tác’ này??

Hiểu được diễn dịch này, bạn đọc có thể dễ dàng tự suy luận trong các vấn đề khác mà tác giả đề cập đến như xác định nhiễm HIV/AIDS, ung thư tiền liệt tuyến, cholesterol và bệnh tim/tử vong, vấn đề về y học thực chứng, tư vấn bệnh nhân.

Tuy rằng phát hiện của tác giả về vấn đề này không phải là mới, vì các ngành khoa học khác đã ứng dụng từ lâu; và lý thuyết này đã được Linh mục Thomas Bayes đề xuất từ thế kỷ XVIII còn gọi là định lý Bayes. Thế nhưng ít ra trong lĩnh vực mà tác giả đang nghiên cứu và trong giới nghiên cứu y khoa Việt nam có lẽ tác giả là một trong những người mạnh dạn chất vấn và đi tiên phong trong qui trình cải tổ nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, tác giả còn đặt vấn đề bị hiểu nhầm do cố tình hoặc do thiếu hụt kiến thức khi giới khoa học nói đến mối tương quan (association, correlation) và quan hệ nhân quả. Vấn đề này được tác giả mổ xẻ trong bài viết về cholesterol cũng như có đề cập đến trong bài viết tổng quan về nghiên cứu y khoa (Những tiêu chí cần thiết để đánh giá bằng chứng y học, tr. 64-75). Tóm tắt lại ý của tác giả bằng một ví dụ cụ thể và nôm na như sau: Các yếu tố nguy cơ là tang chứng, vật chứng của một vụ trộm do một tẻn trộm (căn nguyên) để lại. Vấn đề là khi xác định có tang chứng thì có khả nghi một mối liên quan cao đến một tên trộm cụ thể nào đó, nhưng vấn đề cần phải xác định có đích thực có phải của đúng tên trộm này hay không; chứ tang chứng vật chứng chưa thể là điều kiện đủ để quy kết nguyên nhân là của kẻ trộm nhất định nào đó.

Muốn tìm đến một mối liên hệ nhân quả, người ta phải tiến hành làm thực nghiệm trên con người sống, mà những thí nghiệm này nhiều khi không bao giờ thực hiện được vì lý do đạo đức. đặc biệt một khi đã nghi ngờ nó có hại. Một thí dụ về thực nghiệm như chính Louis Paster đã chứng minh tác dụng của vaccine dại khi tự cho mình nhiễm virus dại. Hoặc Robert Koch đã chứng minh là mình đã tìm ra được vi trùng lao bằng cách tự cho mình nhiễm Lao.

Trải suốt các bài viết, tác giả đã chỉ ra đầy dẫy những sai lầm về kiến thức, về nhận định về suy luận về diễn dịch số liệu của giới khoa học và giới thầy thuốc khi tiếp cận thông tin y học và xử lý thông tin; trong khi đó thì bệnh nhân lại không hề hay biết gì mình lại là một “nạn nhân” vô tình của một kết cục bất định trong nghiên cứu y học, nạn nhân của sự thiếu hụt kiến thức một cách vô tình hay cố ý đó, và họ lắm khi trở thành một người “đẽo cày giữa đường” vì mỗi thầy thuốc một ý, mỗi một chuyên gia một phách.

Giải pháp của vấn đề mà tác giả đưa ra đó là trường phái Y HỌC THỰC CHỨNG (Evidence Based Medicine, EBM), như tác giả đã trình bày trong bài viết (tr. 10-24) và một bài bổ sung (tr. 25-55). Vấn đề cốt lõi của trường phái y học thực chứng này là thầy thuốc được đào tạo để trang bị kiến thức y học, kiến thức y học là một khoa học cho nên nó luôn động và chứa những yếu tố bất định. Qua thời gian người thầy thuốc có thể thu thập được kinh nghiệm, nhưng đó vẫn là ý kiến chủ quan dù vẫn là quý giá. Kinh nghiệm đó có thể là tiền đề cho một chiều hướng mới trong thuật chữa trị tuy nhiên nó cần được lượng hoá và khách quan hoá. Do đó ngoài kinh nghiệm bản thân, người thầy thuốc cần phải luôn cập nhật bằng chứng khoa học trong chuyên ngành của mình. Vì bệnh tật trong một cuộc sống đa tương tác và đa nhân tố, cho nên khó có thể mà có một nguyên nhân-một phương thuốc đặc trị như các bệnh nhiễm trùng trước đây. Ngay cả bệnh nhiễm trùng đơn thuần như cúm, người ta đã biết nó hàng mấy thế kỷ, thế mà y học hiện đại vẫn cứ phải bó tay. Cho nên các phương thức điều trị ngày nay nó không còn bị bó buộc theo một quy tắc cứng nhắc nào, và cũng thay đổi theo từng quan điểm của nhóm điều trị, người điều trị. Điều đó đã đặt bệnh nhân vào một vị thế khó khăn là họ không được có một phương pháp điều trị tối ưu theo sự thoả thuận mà hoàn toàn phó mặc vào quan điểm của thầy thuốc. Cho nên Y học Thực chứng ra đời cũng nhằm thay đổi mối quan hệ đó. Như tác giả đã trình bày, người bệnh nhân cần phải được thông báo thông tin bệnh trạng từ thầy thuốc. Họ phải ý thức được những diễn tiến nào đang xảy ra, thầy thuốc đang nghĩ gì và tìm giải pháp nào. Nếu có nhiều giải pháp điều trị thì họ cần đợc hiểu rõ để tự lựa chọn cho mình một phương án thích hợp nhất, “bởi vì nếu bác sĩ và bệnh nhân không hiểu thông tin về chẩn đoán, không có được những dữ kiện thật thì lí tưởng thoả thuận giữa họ chỉ là một sự thoả thuận mù quáng, chứ không phải thoả thuận sáng suốt” (tr. 52). Và cũng theo tác giả “vấn đề là không phải tìm cách để tránh rủi ro (mà không thể nào tránh khỏi), nhưng phải học cách sống với hiểm nguy một cách sáng suốt” (tr. 100).

Phải công minh mà nói đây thực là một công trình tâm huyết của tác giả. Với kiến thức nghiên cứu y khoa của mình, tác giả đã mạnh dạn vươn đến những chuyên ngành khác, tuy nhiên nó không nằm ngoài phổ kiến thức của tác giả là dịch tễ học lâm sàng. Vì vấn đề này gần như là còn mới mẻ trong cộng đồng người Việt của chúng ta, cho nên nó không chỉ khó tiếp thu đối với đối tượng phổ thông mà cũng không dễ dàng gì cho giới chuyên môn. Chính vì thế mà chúng tôi nghĩ, tác phẩm sẽ có giới hạn về mặt số lượng độc giả. Để bù lại tác giả đã cố gắng lặp lại vấn đề bằng cách minh hoạ cụ thể cho mỗi trường hợp, tất cả cũng chỉ xoay quanh chủ đề giá trị chẩn đoán của các tiêu chí xác định bệnh trong cộng đồng.

Tính dày công của tác phẩm còn thể hiện ở số lượng tài liệu tham khảo. Hầu như mỗi bài viết đều có phần tài liệu tham khảo, mỗi phần trích dẫn đều có chỉ rõ dữ kiện đã được trích từ đâu- điều này vẫn còn chưa được phổ biến ngay cả trong giới khoa bảng Việt Nam. Nhờ vậy, bạn đọc sẽ dễ dàng truy tìm tài liệu gốc, và đặc biệt cho đồng nghiệp Việt Nam muốn nghiên cứu, muốn đối chứng, có các tài liệu để tra cứu.

Nói như thế không phải tất cả các bài viết đã có trích dẫn đầy đủ, ví dụ trong bài viết Loãng xương và Lão hoá (tr. 161-186) có thể là vì lĩnh vực nghiên cứu chính của tác giả, nên tác giả có một kiến thức tổng quan khá vững vàng khi trình bày vấn đề. Vì vậy mà bài viết chứa một lượng thông tin khá dồi dào nhưng số lượng tài liệu tham khảo lại không tương xứng, có nhiều thông tin được nêu trong bài nhưng không đưa nguồn trích dẫn. Và rải rác trong một số bài viết cũng không có trích dẫn (tr. 272, ví dụ về lượng dioxin trong máu trong một nghiên cứu).

Một điểm khác, như tác giả tự nhận là xa Việt Nam đã khá lâu, nên tiếng Việt của tác giả đã có thể không còn lưu loát nữa. Nhưng phải nói thật khó khăn lắm mới tìm ra được vài lỗi nhỏ như ‘dóc dáng’(tr. 163, đúng là vóc dáng); còi cọc (tr. 226, đúng ra là còi xương); cục bưới (tr. 325, đúng là cục bướu) hay lá lách bị phình ra (tr. 245, đúng hơn là sưng lá lách), và những câu văn không thuần Việt nhưng không đến nỗi trúc trắc, khó hiểu.

Về cấu trúc trình bày nội dung, chúng tôi thiết nghĩ để có trình tự kết dính và logic hơn, các bài tổng quan về kiến thức nên đưa lên trên; như hai bài Thống kê trong Y khoa, và Chẩn đoán và vấn đề thông tin xác suất nên đưa lên đầu; sau đó là các loạt bài minh hoạ; các bài về Y học Thực chứng, mối quan hệ bệnh nhân-thầy thuốc nên để xuống sau cùng.

Một số vấn đề rải rác trong một số bài chưa được minh hoạ rõ ràng, như đã nêu ở trên, trong bài Ung thư vú, tác giả có ghi xem biểu đồ (tr. 337) nhưng lại không thấy biểu đồ ở đâu. Trong phần diễn giải ở trang 346 về nguy cơ ung thư vú. : “có 4 phụ nữ bị ung thư và độ tuổi 30 và 13 người bị bệnh vào độ tuổi 40…đến 85 tuổi tổng số người bị ung thư vú là 99 trường hợp…” Chúng tôi nghĩ ở bảng 1 trang 347 nên gộp các nhóm tuổi lại thành đơn vị 10: dưới 20, độ tuổi 20, độ tuổi 30 v.v…thì sẽ dễ hình dung hơn, vì không phải độc giả nào cũng có khiếu đọc và diễn dịch con số.

Cuối cùng cũng là phần cuối của cuốn sách, chúng tôi mong đợi một phần kết luận của tác giả sau khi đã dẫn dắt độc giả qua một “mê lộ khoa học”, chắc hẳn tác giả cũng muốn độc giả phải lưu lại trong đầu một vài nội dung cốt yếu và một vài lời khuyên thiết thực bằng kinh nghiệm nghiên cứu y khoa thâm niên của tác giả. Nhưng chúng tôi hơi thất vọng là đã không tìm thấy. Điều này không phải là thiếu sót nghiêm trọng nhưng nếu có thì cuốn sách sẽ được hoàn hảo hơn, và bạn đọc cũng sẽ đỡ tốn công hơn khi muốn tóm lược lại những điều mình đã đọc qua.

Tuy thế những thiếu sót nhỏ đó không làm giảm đi giá trị của cuốn sách, “Hai mặt sáng-tối của y học hiện đại” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn là một điểm son nữa của tác giả đóng góp vào lĩnh vực nghiên cứu Y học của Việt Nam. Dù sách được ấn hành dưới dạng phổ thông, nhưng nó rất có ích cho các đồng nghiệp y khoa, những người làm công tác nghiên cứu, sinh viên y khoa cần phải suy ngẫm, động não và có thể đây là một khơi ngòi cho một tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn y khoa trong nước khi đọc cuốn sách. Một cuốn sách không thể bỏ qua cho những ai có quan tâm và nhiệt tâm đối với sự phát triển của y học hiện đại, đối với những vần đề còn nhiều nghi vấn trong những thực hành y khoa hiện đang áp dụng.

Theo: Tạp chí y khoa
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9