Lễ hội Việt Nam 2008 ở Đông Kinh
hoaphonglan1911 24.09.2008 18:21:28 (permalink)
Lễ hội Việt Nam 2008 - Đêm trước ngày khai mạc

Nhân dịp kỉ niệm 35 năm quan hệ hữu nghị Việt - Nhật, lễ hội Việt Nam được tổ chức chính thức trong hai ngày 20 và 21 tháng Chín năm 2008 (Thứ Bảy và Chủ Nhật) tại công viên Yoyogi, Đông Kinh, Nhật Bản.
Tuy nhiên chương trình của lễ hội đã bắt đầu khởi động từ chiều ngày Thứ Sáu (19 tháng Chín). Tất cả các quầy hàng tham gia lễ hội đã rất tấp nập khách ra vào mua bán, đặc biệt là các quầy hàng ẩm thực, giới thiệu món ngon Việt Nam.
Ban tổ chức lễ hội hai phía Việt Nam và Nhật Bản cũng khởi động bằng một màn phát biểu + biểu diễn nghệ thuật trong thời tiết giông bão.
Giới săn tin của các tờ báo cũng đội mưa làm tác nghiệp. Nhưng đáng mến phục nhất là những khán giả trụ lại đến tiết mục văn nghệ cuối cùng.
Nhật Bản đón cơn bão số 13 của năm, đúng dịp lễ hội Việt Nam diễn ra tại Đông Kinh. Do ảnh hưởng của bão, dự báo thời tiết sẽ có mưa nặng hạt vào tối ngày Thứ Sáu, và trưa chiều ngày Chủ Nhật, ngày Thứ Bảy khai mạc lễ hội lại được dự báo là có nắng đẹp.
Không quan tâm đến việc thời tiết không ủng hộ, chương trình lễ hội vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, những người quan tâm vẫn đến xem và mang theo dù.
Đúng 18 giờ ngày Thứ Sáu, chương trình "đêm trước ngày khai mạc" bắt đầu trên sân khấu chính ở sân khấu ngoài trời công viên Yoyogi - Đông Kinh. Trên sân khấu, hai hàng nghế, ngồi kín mít mấy chục quan khách hai bên Việt Nam và Nhật Bản. Phía dưới khán đài có một số khán giả bắt buộc và một số khán giả tự nguyện. Lúc này chỉ lất phất mưa nên chưa khán giả nào che ô.
Hai người dẫn chương trình lần lượt giới thiệu từng vị đại biểu, đại biểu đứng lên chào, phía dưới vỗ tay cho đúng phép lịch sự.
Màn phát biểu của các quan chức Việt Nam vẫn luôn là như vậy, các ngài đều bước lên cầm tờ giấy và... đọc. Người viết bài này tự nhủ: thực ra các ngài ấy đâu đến nỗi kém như vậy, phát biểu trong một buổi đêm trước khai mạc đâu đến nỗi quá khó.
Ngài thượng nghị sĩ trưởng ban tổ chức phía Nhật Bản thì ngược hẳn lại. Ông ta không giấy má gì cả, bước lên gào thét với cái micro, chân tay vung ầm ĩ với những lời lẽ đáng nể:
"Các bạn thân mến, Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, tuy nhiên còn khá lạ lẫm đối với nhiều người. Ở đây, tại lễ hội này, có rất nhiều thứ để các bạn tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam. Văn hoá Việt Nam rất đặc sắc, hãy đến đây hàng ngày, đừng bỏ lỡ giây phút nào, trên sân khấu này các nghệ sĩ sẽ cố gắng hết sức chuyển đến các bạn thông điệp văn hoá Việt Nam. Ngoài kia, các quầy ẩm thực Việt Nam, món ăn Việt Nam thuộc vào hàng ngon nhất thế giới, xin hãy thưởng thức từng món một."
Ông ấy đúng là một người hoạt động chính trị có hạng, người nghe không thấy bị nhàm chán và sáo rỗng.
Màn biểu diễn của quan chức kết thúc, các quan ra về, số khán giả bị bắt ngồi xem cũng ra về. Bù vào những chỗ trống đó là những khán giả nhiệt tình thực tâm muốn thưởng thức văn hoá Việt Nam. Lúc ấy trời cũng bắt đầu mưa nặng hạt. Những chiếc dù bắt đầu được giương lên.

Tiết mục đầu tiên là màn biểu diễn múa. Những cô thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp lả lướt trong những bộ quần áo dân tộc giống như trong những vở chèo cổ. Người Việt xem còn thấy thích huống chi là người nước ngoài.
Màn biểu diễn gây xúc động nhất là của các em học sinh mù trường Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều khán giả người Nhật đã cảm động rơi nước mắt khi nhìn thấy 9 nghệ sĩ mù biểu diễn với các nhạc cụ dân tộc trên sân khấu.
Các em học sinh mù không những đàn hay hát giỏi mà còn tỏ ra rất tôn trọng khán giả và quyết tâm thực hiện thành công phần biểu diện của mình. Sau tiết mục biểu diễn chung cả chín người, đến tiết mục hát song ca một nam một nữ, sự cố nho nhỏ xảy ra với em bé gái. Những người hỗ trợ kĩ thuật chưa kịp đưa micro cho em gái trong tiết mục song ca, mà bài hát đã sắp phải bắt đầu, em gái đó không hề la lối bắt ai đó phải đưa micro cho mình, em biết tiết mục trước em đánh đàn tranh (đàn thập lục) nhất định người ta phải trang bị micro phía trước, em liền quờ tay ra phía trước rồi loay hoay lấy được chiếc micro thì vừa lúc nhân viên hỗ trợ nhìn thấy, chạy lại đưa cho em chiếc micro không dây.
Tình huống khác, đó là cậu bé chơi đàn bầu. Trong tiết mục đọc tấu đàn bầu, cậu bé đó là nhân vật chủ đạo. Không hiểu sao cái giắc cắm âm thanh từ hộp đàn của cậu lại giở chứng giữa chừng, cậu không nghe thấy tiếng đàn của mình phát ra loa. Không hề lúng túng, cậu vừa cắm lại cái giắc, vừa đuổi theo từng nốt nhạc, các bạn khác vẫn đang phụ hoạ theo tiếng đàn của cậu.
Người xem tuy không đông, nhưng tiếng vỗ tay tán thưởng thì kéo dài mãi không thôi.

Theo nhận xét chủ quan của người viết bài này: Các em học sinh mù khiến người ta cảm mến bao nhiêu thì màn biểu diễn của ba ca sĩ nổi tiếng Mỹ Linh, Lam Trường, Hiền Thục khiến người ta thất vọng bấy nhiêu.
Người giới thiệu nói Mỹ Linh là một "diva" của Việt Nam ("diva" là gì, người viết phải hỏi bạn bè mãi mới hiểu), có lẽ giọng hát của Mỹ Linh xứng đáng được như vậy. Tuy nhiên, cách mà Mỹ Linh và Hiền Thục xuất hiện trên sân khấu thì người ta không nhận ra được đó là người Việt Nam. Người viết hơi cổ hủ một chút, suy nghĩ chủ quan rằng: những người hát hay thường ăn mặc kín đáo, chỉ có người hát dở thì mới phải khoe thứ này thứ khác để làm phân tâm người nghe hát. Ví dụ như những giọng hát Tường Vi, Thu Hiền, Thanh Hoa, Khánh Ly, Thanh Tuyền, hay trẻ như Phi Nhung, họ đều ăn vận kín đáo khi biểu diễn.
Vậy thì một "diva" làm sao lại không thể ăn vận kín đáo, nhất lại là đang chở văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Hiền Thục thì vận một chiếc váy không thể ngắn hơn, khoe cặp giò lụa nuột nà, khiến lão xích lô già cũng phải nuốt nước bọt đánh "ực".
Mỹ Linh thì vận chiếc váy đủ dài nhưng cũng đủ trễ để khoe đôi tray trần, đôi vai trần, và đôi toà thiên nhiên trần một nửa, khiến người xem muốn mửa.
Họ - những người nổi tiếng - họ sợ kém hở hang hơn các nghệ sĩ nước ngoài hay sao?
Tuy nhiên, khán giả vẫn dành cho họ những tràng pháo tay sau mỗi bài hát mà họ thể hiện.

Phần biểu diễn cuối cùng là của 4 cô gái người Nhật Bản - nhóm nhạc Green Green. Mặc dù người xem không còn nhiều, mưa càng nặng hạt hơn, nhưng 4 cô gái vẫn thực hiện đủ 3 bài hát mà họ đã đăng ký từ đầu. Đáp lại giọng hát mượt mà và tinh thần trách nhiệm của họ, những tiếng vỗ tay lại vang lên át cả tiếng mưa rơi và tiếng gào rú của gió bão.

Đêm trước ngày khai mạc đã thành công tốt đẹp!




Màn biểu diễn múa hấp dẫn



Các em học sinh trường mù Nguyễn Đình Chiểu



Trời mưa thì kệ trời mưa, tấm lòng khán giả thật là mến thương



Bốn cô gái Green Green biểu diễn đến cùng



Giới săn tin cũng sẵn sàng nghênh chiến


 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9