Truyện của Bohumil Hrabal
meocon_thongminh93 28.09.2008 08:39:25 (permalink)
 
1:Chiếc đàn đựng thỏ


“Tôi không hề ảo tưởng về mình”. Ông chưởng khế nói rồi tiếp tục đi, một kiểu đi kì quặc tới mức khó chịu. Nhìn ông đi, ta có thể đoán được là vài năm trước ông bị tàu điện chẹt. Nó là cái số không thể tránh được, nên bây giờ ông phải chịu trách nhiệm quản lí một cách chật vật tứ chi bị gãy của mình. Không những chân tay bị gãy, đầu ông cũng bị bẹp nốt. Đầu bẹp nên khi đi ông hơi đánh vẹo cổ sang bên thì mới nhìn được con đường phía trước. Con đường không vênh nhưng mắt ông thì bị đặt sai vị trí. Không những thế, lúc đi ông còn lắc mình kinh khủng. Lắc sang phải rồi lắc sang trái, như người đi cà kheo. Hai tay ông đã bị rút ngắn lại, trông như hai chiếc rễ cây vừa mọc nhú ra đã bị nghẽn đất. Mỗi lần xách bình đi lấy nước khoáng ở giếng Thánh Giôdép trở về, chiếc bình trong tay ông cứ lắc lư chao đảo như chiếc đèn lồng xe ngựa. Có lẽ khi ông về tới nhà, nước đã rải hết dọc đường, chẳng còn giọt nào. Ông sống một thân một mình, không thích tiếp xúc với ai nhưng vẫn thích trang điểm, chải chuốt. Ông thường phải trang điểm khoảng hai giờ đồng hồ rồi mới yên tâm khoác chiếc áo ngoài, kết thúc công việc. Nhiều lần vừa chải chuốt, chăm sóc dung nhan xong ông đã phải tính tới chuyện cởi quần áo đi ngủ. Bởi.vậy ông quyết định: tốt nhất là chỉ trang điểm vào ngày đầu tuần, các ngày sau thì ăn mặc bình thường thôi.
Khi đi lấy nước, muốn vượt từ mép đường đại lộ sang phía bên kia để xuống suối, ông phải tiến hành hàng loạt các động tác phức tạp giống như điều khiển bốn bánh xe để quay đầu một chiếc ô tô vậy. Cụ thể là ông phải lùi vài bước rồi lại tiến lên vài bước, lùi lùi tiến tiến dăm lần để định hướng cho chính xác. Rõ ràng hướng là cái quan trọng nhất trên đời. Lấy được đúng hướng rồi, như con cua chỉ còn bốn cẳng, ông tức tốc vượt qua mặt đường nhựa nguy hiểm, phóng thẳng tới nguồn nước. Mắt ông chỉ nhìn thẳng một hướng giống như ông nhìn qua lỗ thủng nhỏ của chiếc mặt nạ bằng sắt vậy. Khi tới nguồn nước khoáng, ông phải tập trung thị lực cao độ, ngắm khoảng mười lần, có khi tới hai chục lần thì mới định vị được cái chỗ phát ra tiếng nước tí tách.
Ông là người béo, nhiều mồ hôi, nhưng khuôn mặt ông thực là một biểu tượng sinh động của một sự nhẫn nại và cam chịu lớn lao. Ông sống một mình chẳng cần ai, một mình tự do trong một biệt thự nho nhỏ. Người ta đoán là ông có tiền nhưng chẳng chịu thuê người giúp việc. Ông chịu đựng âm thầm, tự làm lấy mọi việc một cách vất vả cực nhục nhưng lại tìm thấy trong nỗi cực nhục này niềm khoái lạc vì đã chiến thắng hoàn cảnh. Tất nhiên đối với ông, đó là chiến thắng vô cùng vĩ đại. Hãy đơn cử việc ông đi mua bánh mì làm ví dụ! Đường ra cửa hàng hợp tác xã khá xa, vì vậy việc ông mua được bánh mì và sữa về nhà quả là một kỉ lục thể thao của bộ môn đi khập khiễng, một chiến công vĩ đại về phương diện tinh thần. Ông không hề giấu giếm chiến thắng bởi vì chính ông cũng không tin nổi là mình làm được điều đó. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình ra cửa hàng bán bánh, đôi khi ông còn bỏ công dọn dẹp trước đoạn đường khởi hành. Trong khi mọi người chúng ta ai cũng yêu thích mặt trời thì ông nhìn mặt trời chẳng khác gì nấm mộ. Mặt trời làm ông chói mắt, không nhìn được gì. Khi có mặt trời trên đầu, ông cứ phải đưa tay lên che mắt, chống chói để khỏi bị sa chân xuống rãnh. Khi đi ông cứ phải dừng chân liên tục, tay giơ chiếc thùng hoặc chiếc túi lên cao chắn nắng. Bạn hãy tưởng tượng mà xem? Dưới chiếc thùng che nắng là một khuôn mặt nhăn nhó đang mò mẫm tìm chỗ đặt từng bàn chân. Từ khuôn mặt ông chỉ phát ra một tia sáng duy nhất bởi vì ông chỉ dùng được một mắt. Giống như người ta bật được chiếc đèn pin le lói giũa đường hầm tăm tối, ông vô cùng sung sướng khi nhìn ra lối mòn và tranh thủ tiến thêm vài chục mét, để rồi khi mặt trời ló ra khỏi đám mây, chiếu sáng, ông lại phải dừng bước, nhắm mắt, tự giác chìm sâu vào bóng tối của mu mắt. Thay phiên nhau mà đi, ông và mặt trời là hai kẻ không thể song hành.
Đã vậy, ông chưởng khế già này không bao giờ chịu để người khác giúp mình. Có ý định giúp ông, cứ thử đụng vào tay áo ông làm hiệu mà xem! Ông sẽ tự ái, đứng sững lại và cự tuyệt như con nhím xù lông. Khuôn mặt ông khi ấy sẽ méo hẳn đi vì giận dữ. Lúc đó, tốt nhất là bạn hãy giật lùi một quãng, hoặc chạy ra xa một đoạn rồi hãy quay lại nhìn. Khuôn mặt trước đó có vẻ thờ ơ, đần độn thì lúc này lại vừa như đe doạ vừa như khoan khoái, hạnh phúc – thứ hạnh phúc bí hiểm của những người tật nguyền xấu số. Gì thì gì, ông chưởng khế không thèm đưa tay cho ai dắt. Ông là người không biết đầu hàng cái gì, kể cả bản thân.
Hãy xem ông đi kiếm rau, cắt cỏ về nuôi thỏ. Ông đi, tay giương cao chiếc sọt về phía mặt trời chắn nắng mà nhìn cho rõ cỏ. Chân ông quỵ xuống nhưng đầu gối sắp chạm đất thì nó lại bật lên như được buộc với sợi dây vô hình và giật từ trên cao. Khi gặp cỏ, toàn thân ông võng xuống, mặt ông đau đớn như đang bị lương tâm cắn rứt. Nhìn ông bứt cỏ cho thỏ, người ta nghĩ ngay tới Rôxcônhicôp [1]  trong cơn suy sụp tinh thần đã ôm lấy mặt đất để cầu xin tha tội. Có điều ông chưởng khế của chúng ta tuy phủ phục xuống như Rôxcônhicốp nhưng chẳng cầu xin gì mà chỉ đưa tay sờ cỏ. Chạm được vào cỏ, ông nghiến răng giận dữ giật cả một vốc to. Khi cỏ đứt rồi, ông quay đầu, điều chỉnh thị giác cho trúng sọt, thận trọng thả cái thành quả lao động của mình vào sọt. Kết thúc nắm cỏ thứ nhất, ông lại quay đầu, đưa tay trở lại như chiếc cần cẩu, mò tiếp nắm cỏ thứ hai... Mỗi lần phải đứng lên ông đều bị mất thăng bằng, cứ ngã dúi dụi, phải tìm chỗ tì đầu gối một lúc rồi mới nhổm lên và đứng được bằng hai chân.
“Ngài là người duy nhất tôi thấy đã chiến thắng bản thân một cách tuyệt đối!” Một lần khi thấy ông đang vật vã trong đám cỏ tìm cách đứng dậy, tôi đã nói với ông như vậy. Nghe có tiếng người, ông ngơ ngác hướng mặt về phía tôi để xác định vị trí đã phát ra tiếng nói rồi mới  chậm rãi quay mình. Ông quay rất lâu, thận trọng như một cỗ máy nghiên cứu khoa học. Ngay sau đó tôi nhận ra cái nhìn của ông. Một cái nhìn thẳng băng, lạnh lẽo như sợi dây thép. “Ta không hề ảo tưởng trước lòng tốt của người đời!” Ông trả lời rồi tiếp tục ngỏm dậy, sau đó mang sọt cỏ về nhà. Nhìn sọt cỏ và ông di động tôi nghĩ tới cỗ máy thám hiểm mặt trăng đang tự động vận hành.
Tôi nhớ là hôm qua cánh thợ điện đã đào rãnh hai bên đường để đặt dây cáp ngầm. Vậy mà ông chưởng khế không biết nên cứ bước đi tự nhiên như mọi khi. Hỏng rồi! Từ xa tôi đã trông thấy ông đang ung dung đặt chân vào khoảng không trong lòng rãnh. Bàn chân ông chưa chạm đáy hào, tức là chưa chạm lớp gạch xây phủ kín dây cáp thì cả cơ thể ông đã lăn veo xuống, mặt đập vào sọt cỏ. Ông cựa quậy một lát rồi nằm yên, rền rĩ như một cỗ máy trước hội đồng thanh lí. Nhưng ông chưởng khế rất hiểu mình và rất hiểu tình thế. Ông biết nếu không cố đứng dậy, nếu thiếu ý chí một chút thôi là coi như đi tong. Máy gạt sẽ chôn ông hoặc sẽ xúc ông đi cho vào bãi thải sau làng, nằm với những đống củi mục và vỏ sắt tây. Chính vì vậy ông cố đứng dậy, leo bằng được lên khỏi rãnh rồi tìm đường về nhà. Trên đường về nhà, biết tôi vẫn lởn vởn quanh ông, ông đánh giá tôi rất cao vì tôi đã hiểu tính ông, đã mặc ông, không can thiệp, giúp đỡ. “Cảm ơn!” – Ông lên tiếng cảm ơn tôi một cách chân thành rồi đưa tay sờ cổng, bước vào con đường nhỏ trồng hai hàng thông non. Ông bước nhanh, những cành thông nhọn cào xước cả mặt nhưng ông không tỏ ra cáu kỉnh. Ông tỏ ra chiều chuộng bầy thông non. Ông thích mùi thơm đang toả ra từ những búp lộc xanh sáng, trông như những đầu ngón tay vừa ló ra khỏi chiếc găng bị thủng. “Tôi có thể vào cùng ngài được không?” Tôi hỏi. “Xin mời ngài, để ngài thấy là tôi không ảo tưởng trước người đời”.
Thế là tôi bước theo ông già đi vào ngôi nhà của ông.
Tới nơi, tôi giật mình: Giữa sân có một chiếc đàn dương cầm màu đen nhãn hiện Petrof đứng phơi sương, phơi gió. Chiếc đàn hơi nhỏ. Có điều kì cục là tuy không có người chơi, chiếc đàn vẫn vang lên tiếng nhạc. Một bản nhạc đặc biệt. Các sợi dây đàn chuyển động có vẻ lộn xộn. Ngay sau đó là một âm thanh lảnh lót như tiếng còi. Hộp đàn lại còn có cả vết máu khô. Vết máu làm tôi nhớ tới tiếng còi vừa phát ra. Nếu ban đêm, trên đường về nhà mà nghe tiếng nhạc ấy tôi sẽ cho rằng đó là tiếng đàn cú ăn đêm. Định thần một lát, tôi nhận ra cái tiếng đàn nghe như tiếng khóc lóc kia lại xen lẫn với tiếng chân chim cào vào các sợi dây đàn. Ngay lúc đó tôi thấy cạnh cây thông già gần đó còn có một chiếc chuồng thỏ. Lũ thỏ trong ngăn chuồng đang nằm yên sưởi ấm cho nhau. Dường như sau bữa rau, chúng tỏ ra hài lòng, cùng nhau tận hưởng cái không khí dễ chịu của buổi sáng mùa hè lộng lẫy. Tôi lên tiếng: “Ngài chưởng khế ơi! Dạo tôi Mỹ, chỉ mất có một đô la mà được xem một trò chơi nhớ đời. Một chiếc máy bay lên thẳng kéo một chiếc dương cầm tương tự thế này lên khỏi mặt sân chừng 500 mét. Một hồi trống vang lên. Thế là máy bay cắt dây cho chiếc đàn rơi xuống. Một tiếng nổ vang lên. Đó là âm nhạc kiểu Mỹ đấy. Tiếng nhạc thoát ra từ chiếc đàn dương cầm ngân vang phải tới mươi phút mới im. Từ bụng đàn bật tung ra nào dây đàn, chốt đàn, các phím đàn bay tung toé. Năm nghìn khán giả, trong đó có tôi đều hết hồn”.

Từ chiếc dương cầm của ông già lại vang lên một tiếng huýt dài. Ông già lắng tai nghe với vẻ mặt khoan khoái. “Cái gì thế?” Tôi hỏi. Ông già liền nâng nắp đàn lên. Hóa ra trong đàn dương cầm đầy thỏ. Phần lớn là thỏ loại choai choai, có khoảng chục con đã thịt được. Chúng dạt ra hai bên làm thành hai đám vì lũ thỏ đực lộng quyền. Đám thỏ yếu tỏ vẻ hốt hoảng, còn lũ thỏ đực khoẻ mạnh thì tỏ ra kiêu hãnh vì chiến thắng. “Chúng chẳng khác gì loài người – ông chưởng khế bình luận – Có chiến thắng thì cũng đến lượt vào nồi cả, chết cả. Chúng cắn nhau tranh giành địa vị nhưng rồi đều bị thiến tuốt. Tôi chỉ chừa lại một con. Sau khi thiến ít ngày là thịt. Thỏ mà thiến thì thịt mềm đi nhiều. – Ông già tiếp tục kể – Ông tính coi, nếu không có đàn thì bầy thỏ của tôi biết lấy gì tiêu khiển. Mà chiếc này tôi chỉ mua với giá 50 cuaron. Người ta đã định chở ra bãi rác cửa làng Thánh Vôichêch rồi đấy.” Ông chưởng khế nói rồi đóng sập nắp đàn xuống. Tôi góp chuyện: “Ông có chiếc chuồng thỏ tuyệt vời đấy. Nhưng ông biết không, ở chỗ tôi một hôm có người xách hộp đàn viôlông vào công viên. Thấy thế, lũ trẻ con chạy bám theo. “Ông ơi, chơi cho chúng cháu một bản nhạc nào đó đi!” Người đàn ông liền mở hộp đàn, gọi: “Pepich mến yêu của ta!” Thế là từ trong hộp đàn một con thỏ nhảy vọt ra ngoài gặm cỏ. Gặm nhấm no nê nó lại nhảy vào trong hộp đàn cho chủ xách về nhà. Hỏi ra mới biết, ông này định mua nó về giết thịt nhưng không đủ can đảm cắt tiết nên đã giữ lại nuôi…”
“Thế là đời lão ấy bắt đầu xuống dốc rồi – Ông chưởng khế nói – Tạm biệt ông nhé! Ra ngoài ông nhớ đóng hộ tôi cánh cổng, được không?”. Ông già nói rồi gõ ngón tay vào nắp đàn Petrof. Ra gần cổng tôi phải quay đầu lại nhìn vì cảm thấy như bị ai lấy dây thép chọc vào lưng. Quả vậy, phía trong, ông chưởng khế già đang đứng phơi nắng lên chiếc đàn màu đen, tay cầm chiếc sọt che bộ mặt méo và nhìn thẳng vào tôi như đang phóng một thứ tia bức xạ có sức xuyên tường. Thứ ánh sáng phát ra từ con mắt ông dễ có thể làm tôi cháy áo, bỏng da giống như ánh sáng thấu kính. Rất lạ là cái năng lượng huỷ diệt này tại sao lại có thể phát ra từ cái hốc mắt chứa một thứ chất lỏng đùng đục thay cho con ngươi của ông già tật nguyền và không hề chiến bại này. Một lần tôi đã vô tình hỏi ông: “Ông là ai?” Ông đã nghiêng mình chào tôi rồi trả lời: “Tôi là người đã trót quên không chết”.
Mặt trời vẫn dãi nắng xuống chiếc chuồng thỏ sau lưng ông. Trong chuồng, lũ thỏ cái đang tựa hông vào nhau cho ấm. Chúng có vẻ rất hài lòng vì đã sinh hạ được trước mắt mình một đàn con trẻ, khoẻ, dáng vẻ đầy kiêu hãnh. Đàn con của chúng khi nào lớn lên, nếu gặp may sẽ được chuyển sang sống trong chiếc đàn dương cầm Petrof.

Hết
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.10.2008 22:48:26 bởi Thanh Vân >
#1
    meocon_thongminh93 28.09.2008 08:45:46 (permalink)
    2:Đôi mắt kim cương
     
    Một hành khách đang định đặt chân lên bậc cửa toa tàu thì thấy có ai đó túm vai giật lại. Trên sân ga là một người đàn ông đã già.
    - Ông ơi! Xin lỗi vì làm phiền! Ông đi Praha phải không? – Người đàn ông hỏi.
    - Đi Praha, – ông khách đi tàu gật.
    - Vậy thì xin ông làm ơn cho con gái tôi – cháu Vedunca, đi cùng. Tới Praha sẽ có người đón cháu.
    Người đàn ông nói rồi đặt vào tay vị khách bàn tay của một cô gái chừng mười sáu tuổi.
    Người điều hành sân ga thổi còi. Một bà hướng dẫn viên giúp cô gái bước vào toa tàu rồi đưa tay ra hiệu cho con tàu chuẩn bị chạy. Người điều hành nâng vòng cáp tín hiệu lên cao.
    Ông bố chạy theo toa tàu nhắc nhở:
    - Vedunca, chúc con mọi việc tốt đẹp! Có thế nào thì gửi điện ngay về cho bố, con nghe rõ không?
    - Bố, con nghe rồi, – cô gái kêu to. – Con sẽ điện.
    Con tàu lướt qua bảng tín hiệu, ông khách dẫn cô gái đi dọc hành lang toa tàu để chọn một cupê nào đó. Cầm tay cô gái ông khách cảm thấy rất lúng túng. Ở một cupê gần đó đang vang lên tiếng cười và tiếng một người đàn ông kể chuyện: “Lúc chưa cưới nhau, vợ tôi định mua cho tôi một chiếc áo sơ mi. Nhưng vào cửa hàng rồi cô ấy lại quay ra vì không biết cỡ nào thì vừa. Ra đến cửa cô ấy chợt nhớ ra điều gì đó, lại chạy vào bảo người bán hàng: “Tôi nhớ lúc cầm tay anh ấy thì cổ tay to ngần này này!” Cô bán hàng đo chu vi cái cổ tay mà vợ tôi vẽ để suy ra cỡ áo sơ mi. Tính toán xong cô ấy bảo “Số 40”. Các vị thử hình dung xem, cỡ bốn mươi! Khi tôi mặc vào thì chiếc áo tụt xuống, lùng nhùng như một cái váy. Hoá ra cô ấy nhớ nhầm, không phải cổ tay…”
    Cửa cupê bật mở, từ bên trong chạy vọt ra một người hói trán. Ông hói trán vừa cười vừa kêu: “Cái ông này, đồ chết tiệt!” Ông hói không nhịn được cười nên cứ bám chặt tay vào quả đấm cửa cho khỏi ngã. Một lát sau ông hói trở vào. Giọng kể chuyện cũ lại tiếp tục vang lên: “Để tôi kể nốt nhé! Nếu như vợ tôi tặng áo sơ mi cho tôi vui trong dịp lễ thánh Mikulac thì trong dịp Noel tôi cũng làm cho cô ấy một miềm vui bất ngờ. Trước Noel, tôi vào cửa hàng thời trang, bảo: “Tôi muốn mua cho vợ một chiếc mũ đẹp. Đấy, cái nằm sau cửa sổ ấy”. Bà bán hàng bảo: “Xin phép hỏi, số bao nhiêu ạ?” Lúc đó tôi chả biết vợ tôi đội số bao nhiêu cả nên tôi trả lời: “Bà ạ, có một lần chúng tôi cãi nhau, tôi đã cho vợ chưa cưới của tôi một cú đập, vụt từ trên cao xuống, nên tôi vẫn còn nhớ rõ cỡ đầu của cô ấy.” Người bán hàng đưa ra một loạt mũ. Tôi cứ đặt lòng bàn tay vào đáy mũ, vừa đo vừa tính toán, cuối cùng tôi quyết định: “Thưa bà, đúng nó đấy”. Tôi mua chiếc mũ về, gói kín rồi treo trên cây thông Noel. Khi vợ tôi đội vào thì nhìn đằng sau giống như đang đội một cái bô.”
    Ông khách hói trán lại quay ra, bịt mùi xoa vào miệng rên rỉ. Ông đẩy cô bé sang bên, nhô người ra ngoài mà kêu: “Cái lão ấy đúng là đồ chết tiệt”.
    Ông khách được uỷ thác kèm cô gái quyết định bước vào theo người hói trán.
    - Thưa các vị, – bước vào cupê, cô gái lên tiếng tự giới thiệu, – tên tôi là Vedunca Kritova. Tôi đi Praha. – Cô gái đưa tay khua khua phía trước và chạm tay vào mái tóc xoăn của người đang kể chuyện tếu.
    - Tôi là Krasa Emin, – người tóc xoăn vội lên tiếng.
    - Tôi là Vaslav Kohautech, – ông hói trán cũng tự giới thiệu.
    Người đàn ông dẫn cô gái định vứt chiếc cặp lên giá hành lí nhưng lại đụng vào cái đầu hói.
    - Như cứt ấy! Ông không cẩn thận được à?
    - Ôi, xin lỗi ông.
    - Có người bị đánh à? – Cô gái cất tiếng tò mò hỏi. – Vâng, tôi ngồi ngay đây. Dạo trước tôi vẫn thường mang thư ra thùng thư bưu điện. Con đường đến thùng thư tôi thuộc như lòng bàn tay. Có mấy thằng khốn nạn trong phố trêu tôi, đẩy chiếc thùng lại gần nhà tôi làm tôi bị vấp đầu vào góc thùng, chảy máu. Vậy là đã hai lần tôi phải dùng cái gậy trắng của mình kéo thùng thư trở lại chỗ cũ.
    - Cô ngồi xuống đây, cạnh cửa sổ này này, – người hói trán lên tiếng mời đưa khăn lau kẽ mắt. – Ngồi cạnh cửa sổ mà thưởng thức phong cảnh.
    Cô gái sờ chỗ ngồi rồi lại sờ cửa sổ. Cô đưa bàn tay ra ngoài như muốn kiểm tra xem trời có mưa hay không. Cô kêu lên:
    - Bên ngoài trời nắng đẹp quá!
    Hành khách trong cupê nín lặng.
    - Người trên sân ga lúc nãy là cha cô phải không? – Người đàn ông dẫn cô gái hỏi lại.
    - Bố tôi đấy, – cô gái gật đầu. – Thưa các ông, bố tôi là người rất may mắn. Trong vùng ai cũng phải ghen tị với bố tôi mặc dù ông chỉ làm nghề trồng vườn. Các ông biết không? Có lần chở hoa quả đi bán, bố tôi chẹt phải một bà hàng xóm tên là Dimatrcova. Bà ta vốn đã khập khiễng từ trước. Những người thù ghét bố tôi sung sướng ra mặt. Bố tôi phải ra toà, hoặc phải đi tù hoặc phải nuôi bà ấy suốt đời. Nhưng ơn Chúa, khi phiên toà đang xử thì bà Dimatrcova xồng xộc chạy vào, không phải chống gậy, hối hả như định vòi tiền vậy. Bà ấy hôn tay bố tôi và cảm ơn bố tôi vì xe bố tôi đã chẹt bà một cú rất hay. Vì nhờ cú chẹt ấy mà sau ít ngày bà hết thọt. Bà chỉ tiếc là bố tôi không chẹt bà sớm lên khoảng ba mươi năm. Nếu sớm thế thì bà đã kiếm được tấm chồng.
    - Ông bố tuyệt vời! – Người đàn ông tóc xoăn xuýt xoa.
    - Tuyệt vời, đúng không? – Vedunca cười và đưa tay ra ngoài cửa sổ. Con tàu đang đi vào khúc đường vòng. Ánh mặt trời chuyển dần từ cupê sang phía hành lang.
    - Mặt trời lặn mất rồi! – Cô gái tiếc rẻ.
    Hành khách nhìn nhau lắc đầu ái ngại.
    - Còn bố của ông là người thế nào? – Vedunca vừa hỏi vừa đặt tay lên đầu gối người tóc xoăn.
    - Bố tôi về hưu đã mười lăm năm rồi. Ông về hưu sớm vì ông có trái tim lớn nhất Châu Âu, – người tóc xoăn nói. – Trái tim to lắm, giống như cái thùng, đội phồng cả ngực lên…
    - Ông nói đùa… – Người hói trán nghi ngờ.
    - Nếu đúng thế thì hay thật, – Vedunca kêu lên.
    - Đúng thế đấy. Cha tôi đã thoả thuận với các giáo sư là sau khi ông chết, ông hiến trái tim mình cho trường Y khoa, – người tóc xoăn tiếp tục kể. – Nhiều người nước ngoài biết tin, muốn mua con tim ấy nhưng cha tôi đã từ chối vì ông là một người yêu nước. Nhưng vì con tim vĩ đại ấy mà cha tôi không dám tắm biển, không dám ngồi đu bay công viên, thậm chí ngồi tàu tốc hành.
    - Tôi biết, – cô gái tiếp lời, – làm như thế là để giữ cho trái tim nổi tiếng đó khỏi bị vỡ đúng không? – Cô gái nói rồi sờ soạng tìm tay của người đàn ông tóc xoăn. Cô xiết chặt tay ông nói. – Những người cha như cha của ông và cha của tôi lẽ ra không nên từ giã cõi đời này. Họ sẽ không ra đi đâu.
    - Vâng, – người đàn ông tóc xoăn nói, đôi mắt bừng sáng. – Thỉnh thoảng tôi có theo cha tôi vào trường Y khoa. Cha tôi cởi hết quần áo. Sau đó các giáo sư dùng bút xanh, bút đỏ đánh dấu be bét lên da.
    - Đúng rồi, đúng rồi, – Vedunca mừng rỡ. – Bởi vì màu chì đỏ là màu động mạch, màu xanh là tĩnh mạch.
    - Vâng, – người đàn ông tóc xoăn nắm bàn tay cô gái, tiếp tục câu chuyện. – Sau đó người ta chở cha tôi vào một gian phòng lớn. Các sinh viên xúm quanh cha tôi. Giáo sư thì cầm chiếc thước dài chỉ vào mình cha tôi như chỉ vào bản đồ và giảng giải rất lâu. Ông giáo sư lại ấn ngực một sinh viên vào một cái máy tăng âm. Chẳng có vấn đề gì cả, tim chàng sinh viên đó vang lên như có đánh trống hay như các nhân viên đường sắt đi ủng qua hành lang tàu này vậy. Nhưng khi ông ấn ngực cha tôi thì…
    - Ồ, đúng rồi, thì nghe như một cơn bão đang lùi xa dần phải không? – Cô gái nói như reo lên. – Giống như đá lở hoặc đang đổ khoai tây vào hầm. À, hoặc như Emil Ghilen đang đệm đàn hát, đúng không?
    - Đúng thế đấy, – người đàn ông tóc xoăn ngạc nhiên.
    - Thật là những người quý hoá! – Vedunca mừng rỡ. – Tôi sung sướng vì được ngồi cùng các quý ông. Còn ai có những ông bố nổi tiếng nữa không?
    Đoàn tàu chạy dọc theo con đường nhựa. Hành khách đều nhìn ra ngoài cửa sổ. Xa xa trên đại lộ có một tấm biển quảng cáo vẽ hình một trái tim màu xanh rất lớn. Từ trái tim xanh ấy chảy ra hai dòng suối trắng. Phía dưới bức tranh là một dòng chữ: Podebrady – Thành phố trong trái tim ta.
    Không khí trong cupê trở nên bí hiểm.
    - Chắc rồi giáo sư Vônđơratrếch sẽ không thể chờ đợi lâu được, – người đàn ông tóc xoăn phá vỡ không khí im lặng. – Ông ta sẽ dùng dao mổ để lấy ngay trái tim đặc biệt đó ra.
    - Tất nhiên rồi, – cô gái bật cười. – Thế là có ngày một trái tim người Séc sẽ trở nên nổi tiếng.
    - Nhưng chẳng có ai sánh được với cha cô, – người hói trán nói rồi đứng dậy rút chiếc cặp khỏi giá hành lí.
    - Ông nói rất đúng. Các ông phải sống cùng bố tôi thì mới biết. Các ông ạ! Bố tôi nhảy rất tuyệt! – Vedunca đập tay khẳng định. – Vào ngày hội làng, bố con tôi rủ nhau ra một góc để nhảy, lập tức cả làng cầm tay nhau thành vòng tròn bao quanh bố con tôi. Bố tôi có thể lĩnh xướng và nhảy một mình. Có lần xảy ra mọt chuyện. Khi đó tôi còn bé tí. Lúc đó dàn nhạc đang chơi bài Xanh Trắng, là bài hát cổ động bóng đá. Làng tôi có đội bóng mặc áo xanh, mang cờ xanh, tất cả đều màu xanh giống như câu lạc bộ Xlavie. Bố tôi đến ra lệnh “Chơi bài Đỏ Trắng!” Nhưng rồi một vị cảnh sát bước đến bảo dàn nhạc “Không được chơi bài Đỏ Trắng!” Bố tôi liền rút tờ một trăm cuaron đưa cho dàn nhạc. Ông cảnh sát quát “Không được chơi Đỏ Trắng!” Thế là hai người bắt đầu cãi nhau rồi hằm hè nhìn nhau. Bố tôi là người kết thúc chuyện cãi vã. Uỵch, bố tôi đấm vào mũi viên cảnh sát. Nhưng phải nói để các ngài biết trước một điều là: viên cảnh sát vốn là người xấu giai. Nguyên do là vì cái mũi của ông ta bẩm sinh đã bị vẹo sang bên phải. Bị đấm, máu mũi chảy ra. Nhưng bố tôi không thèm nhìn. Đấm xong ông lại tiếp tục nhảy, ông nhảy điệu Đỏ Trắng, nhưng lại hát như thế này này: “Xanh trắng mến yêu ơi! Ta mang màu xanh trắng, ta yêu màu trắng xanh…” Làng xóm tôi rỉ tai nhau “Lão Krisơ chuyến này chuốc vạ vào thân rồi”. Nhưng bốn tháng sau khi bố tôi phải ra hầu toà, ông cảnh sát tốt số ấy đã tìm đến nhà, bảo bố tôi rằng: Rất cảm ơn vì quả đấm ấy. Nếu biết thì ông ấy đã đặt một khoản tiền cho bố tôi đấm. Bởi vì nhờ quả đấm ấy, mũi ông ta vẹo sang trái, có nghĩ là nằm ngay ngắn giữa mũi như mọi người… Thế rồi một cô gái nhà giàu phải lòng ông ta, ít lâu sau là đám cưới. Bây giờ cứ vào dịp hội làng, bố tôi lại được ông ta tặng một ổ bánh côlác, còn mùa đông thì thay cho thư cảm ơn, ông ta biếu bố tôi một thùng rượu.
    - Ai mà đoán được, – ông hói trán lẩm bẩm, – một quả đấm vào mũi mà làm nên hạnh phúc trăm năm.
    Ông khách hói trán vừa nói vừa mặc áo khoác vào người.
    - Thế bố của ông làm nghề gì? – Vedunca hỏi.
    - Cô gái đáng yêu ơi! Bố tôi không còn sống nữa, – người hói trán trả lời. – Đó cũng là một ông bố tuyệt vời. Chỉ đến bây giờ tôi mới biết bố tôi quý giá đến nhường nào. Bố tôi làm than, ca đêm… Cứ sáng sớm nghe cánh cửa mở ken két là mẹ tôi ra nhà tắm đổ nước nóng vào thùng, để sẵn cho bố tôi. Bao giờ bố tôi cũng vào sân quẳng xuống đất món lộc nghề nghiệp.
    - Nó là cái gì vậy? – cô gái hỏi.
    - Đó là một cục than rất to mà người thợ mỏ nào cũng lấy trộm về nhà cho vợ. Tất cả đều phải khâu vào lần trong túi áo khoác một cái túi to để đựng. Sau đó bố tôi vào nhà cởi áo. Mẹ tôi thì đặt ấm cà phê lên bếp. Bố tắm sau ngồi vào ăn một tảng bánh mì. Ông thường nhúng bánh vào cà phê cho dễ nhai. Sau đó ông thay quần áo, đi giày sạch, uống rốn cho hết cốc cà phê, ông không có thói quen bỏ thừa. Xong xuôi ông đội mũ lên đầu rồi ung dung ra quán Ngôi sao xanh đánh bài với bạn bè mình. Khoảng giữa trưa, tôi mang đồ ăn ra quán cho ông. Ông ăn trưa rồi tiếp tục chơi bài, đến bốn giờ chiều ông mới về nhà, nằm lăn ra sàn, như ông vẫn quen giải thích là “nằm cho giãn gân cốt”. Ngủ no mắt, ông lại dậy đi ca… Nhưng có một lần mẹ tôi chuẩn bị nước nóng cho ông mà…
    Con tàu chạy chậm dần. Ông hói trán đưa tay cho Vedunca, nói:
    - Cô gái! Chúc cô thật nhiều may mắn. Bây giờ tôi phải xuống đây. – Ông khách nói rồi bước ra hành lang.
    Con tàu dừng hẳn.
    Vedunca sờ soạng tìm chốt cửa. Cánh cửa sổ nâng lên cao. Vedunca thò cổ ra ngoài sân ga, kêu to:
    - Ông ơi, kể nốt cho tôi nghe nào!
    Người hói trán đến bên cửa sổ tiếp tục kể:
    - Mẹ tôi đổ nước vào thùng nhưng cha tôi không về, mặc dù bà nghe thấy tiếng động cửa. Khi nước lạnh rồi, mẹ tôi sốt ruột đi tìm xem cha tôi đâu. Bà mở cửa. Chỉ có chiếc tẩu thuốc của bố tôi rơi xuống chân bà.
    Con tàu từ từ chuyển bánh. Ông khách hói trán phải chạy bám theo cửa sổ để kể nốt: “Mẹ tôi cầm chiếc tẩu oà khóc. Bà cầm chiếc áo, không kịp mặc, chạy đến mỏ. Bố tôi bị sập hầm… Bạn bè trong mỏ đã đến nhà báo tin, nhưng họ sợ… Họ đặt chiếc tẩu của bố tôi vào cánh cửa rồi bỏ chạy… Cô biết không, mẹ tôi không ngủ tí nào, suốt một tuần liền. Rồi tôi tỉnh giấc đã thấy bà lửng lơ trên cao, chân không chạm đất, lúc tôi đi ngủ, bà còn dọn dẹp, bà đi nằm hẳn hoi… Vậy mà…” – Ông khách hỏi trán kêu to rồi đứng lại thở dốc.
    Vedunca quay lại phía sau gọi với:
    - Ông ơi, tha lỗi cho tôi nhé! Tha lỗi cho tôi vì tôi vẫn còn bố. Bỏ qua cho tôi nhé!
    Con tàu đã chạy tới đoạn đường vòng, mang luôn ánh nắng từ cửa sổ sang phía hành lang.
    Một lúc sau, người đàn ông được uỷ thác dẫn Vedunca lên tiếng:
    - Còn bố tôi thì làm nghề thuộc da. Vì vậy bố tôi mắc một thứ bệnh mà ta quen gọi là bệnh nấm đen. Cứ mỗi năm bệnh viện lại cưa của bố tôi một đoạn chân. Cuối cùng bố tôi phải dùng xe tay ba bánh. Ông rất thích trồng hoa hồng. Hồng của ông lan kín các bức tường của xưởng thuộc da. Đó là thứ hồng màu vàng, rất hiếm, nhiều người vẫn gọi là hồng thống chế. Ông nhớ đến từng nụ hoa và chỉ ông mới có quyền được hái. Ông thường đem hồng tới nhà thờ hoặc tặng cho các cô gái. Khi người ta mở đường giao thông xuyên qua các bức tường, hoa hồng vàng của ông bị đào đi, tan nát. Ông ốm một trận tưởng chết. Nhưng rồi ông lại tìm được niềm vui khác. Ông ra đoạn đường vòng nguy hiểm để giúp đỡ các lái xe. Đó là đoạn đường rất hay xảy ra tai nạn. Thoạt đầu ông điều khiển xe qua lại bằng tay, sau đó ông khâu mấy lá cờ để phất. Ông ở đó từ sáng đến tối, kể cả những ngày mưa. Tôi đã phải gắn vào xe đẩy cho ông một chiếc ô. Cứ thế suốt tám năm liền. Khi ông mất, có đến hàng trăm ô tô lượn quanh mộ ông để vĩnh biệt. Các lái xe đều nhớ ông. Còn đoạn đường vòng, nơi ông điều khiển giao thông thì rải đầy hoa hồng, cao tới ngần này.
    - Cao ngần nào? – Vedunca hỏi.
    - Ngần này, – Người đàn ông trả lời, cầm tay cô gái nâng lên cao một đoạn rồi nói tiếp: – Khi bố tôi qua đời, đoạn đường vòng đó lại tiếp tục xảy ra tai nạn như tám năm trước đó. Cuối cùng người ta phải đổ bê tông, đặt ở đó hai chiếc gương lồi cực lớn.
    - Lạy chúa! Ông cũng có một người cha tuyệt vời! – Cô gái kêu lên xúc động. – Một người cha đã hoá thân thành một chiếc gương.
    Hành khách trong cupê nhìn nhau gật gù tán thưởng rồi quay đầu nhìn ra cửa sổ. Con tàu đang tiến gần vào một thị trấn. Ở một góc đường có hai chiếc gương tròn khổng lồ phản chiếu toàn bộ khúc đường vòng mà các lái xe không nhìn thấy trước. Mọi người trong cupê im lặng.
    - Lúc ở gần ga, tôi thấy bố cô gầy quá! – Ông khách được uỷ thác dẫn cô gái lên tiếng rồi ho húng hắng.
    - Đúng thế thật, – cô gái thừa nhận, – Nhưng nếu ông gặp bố tôi cách đây mười năm thì… mập như con gấu Bắc Cực. Nhưng sau đó tim bố tôi to ra, gan có vấn đề rồi dạ dày. Mẹ tôi bảo: Đó là kết quả của lối sống vô chính phủ. Bác sĩ khám, kê đơn thuốc và bắt bố tôi phải ăn kiêng. Nhưng bố tôi là người nhẹ dạ, thích ăn uống nên bệnh tật cứ như cũ. Một bà lang trong làng bảo bố tôi: Nếu ông thiếu ý chí như vậy thì chỉ có cách là khi nào ông gây chuyện rắc rối về pháp luật cứ khai hết cho cảnh sát. Nghe vậy, bố tôi thực hiện ngay, thậm chí rất may mắn. Cảnh sát trói bố tôi lại. Bố tôi nằm trong vòng dây, đọc cho cảnh sát chép tất cả các tội trạng ẩu đả của mình và kí tên rất đậm. Bố tôi nhận án nửa năm tù. Những người ghét bố tôi đều rất hả hê: Chuyến này thì con báo Krisơ không còn quấy phá ta nữa. Nửa năm sau bố tôi ra tù, người trở nên thanh mảnh, vóc dáng như chàng sinh viên. Ngay ngày hôm sau bố tôi tổ chức ở quán Vòng Hoa một cuộc họp báo, chiêu đãi tất cả và tuyên bố: “Thưa những người anh em quý mến! Một nhà tù chân chính thì còn tốt hơn tất cả các loại nhà nghỉ mát trên đời này. Các người xem đây! Tôi còn đem về được 2000 curon và tất nhiên tôi khoẻ như cá vậy.” Bố tôi phanh áo ra, có ý khoe bộ ngực để những người láng giềng ngốc nghếch hiểu rằng cuộc đời không thể quật ngã được lão Krisơ. À, thưa các quý ông, nếu các ông không cảm thấy bị xúc phạm thì tôi xin mời các ông về nhà tôi chơi, đến làng Hơratran. Thứ Năm tuần nào làng tôi cũng tổ chức khiêu vũ. Các ngài đến nhảy với tôi cho vui. À, nhưng phải sau hai tháng nữa hãy đến, tính từ ngày hôm nay, chờ hai tháng nữa, được không?
    - Đến nhảy với cô? – Người đàn ông tóc xoăn giật mình.
    - Vâng với tôi. Bởi vì tôi đã lớn rồi. Bác sĩ nói với tôi rằng khi nào tôi tròn mười sáu, ông sẽ mổ cho tôi ngay. Ca mổ đó sẽ tiến hành trong tuần này đây… Rồi sau đó tôi sẽ nhìn thấy, bằng mắt mình… cái thế giới tươi đẹp này. Tôi sẽ trông thấy mọi người, mọi vật, thấy phong cảnh và thấy cả những việc mình đang làm lâu nay. Có thể là mấy chiếc giỏ mây mà tôi đang đan sẽ hiện ra rất đẹp, đúng không? Các ông ơi! Thế giới này phải vô cùng tươi đẹp, đúng không?
    - Cô nghĩ thế à? – Người đàn ông mỉm cười, hỏi.
    - Chắc chắn rồi. Nó phải đẹp lắm chứ. – Vedunca gật đầu. – Ở Viện mắt cũng có một đứa con trai sẽ chữa như tôi. Tên nó là Lutvich. Trước khi đến viện, nó yêu thế giới này kinh khủng, vì nó đã được trông thấy một lần rồi. Nó yêu đến mức dùng bút sắt rạch một đường dưới mi mắt để nhìn. Bác sĩ chạy đến bảo: “Này, hãy kiên nhẫn! Nếu cháu cứ làm thế thì có ngày cháu sẽ chẳng còn hi vọng nhìn thấy thế giới tươi đẹp này nữa đâu”. Chính bác sĩ cũng công nhận là tươi đẹp đấy. Còn Lutvich thì bảo: Nếu nhìn thấy thế giới này thì nó chẳng ao ước một điều gì nữa. Nói xong, nó lại rạch thêm một nhát nữa. Chỉ có máu chảy chứ không có chuyện nứt da thành mắt được… Bây giờ nó với tôi đang cùng nhau đan giỏ, nhưng nó rất hay bỏ việc vì nó nhớ thế giới vô cùng. Nhớ tới mức cứ chạy vòng quanh nhà như một con chó… Ôi, thế giới này chắc là rất đẹp phải không các ngài? Đẹp như trái tim của cha ngài, một trái tim to như chiếc giỏ. Nó phải đẹp như cha của ngài – một người đã biến thành hai cái gương tròn trên đoạn đường chết chóc. Các ngài ơi! Hai tháng nữa tôi sẽ nhìn thấy. Các ngài hãy đến chỗ tôi khiêu vũ để ăn mừng nhé!
    Cánh cửa cupê trượt sang bên.
    - Vé tàu! Xin kiểm tra vé! – Bà soát vé bước vào, vừa nói vừa ngáp một cách buồn chán.
     
    Hết
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9