SF thấy bài này cô Cẩm Tuyết trả lời khá đầy đủ hay nên copy mang về và sẵn có search tìm cho Rain bánh khọt đang được đổ trong khuôn đất đặt trên bếp than muh tìm chưa thấy ( thấy hình bánh khọt nì nhìn trước hen ), SF nhớ lâu lâu rùi có qua Bình Quới I thì thấy cô bán hàng đổ bánh khọt như thế ah ăn ngon lắm, còn vì sao có tên bánh khọt thì SF có nhờ hỏi rồi có gì sẽ post lên sau
[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/2997/1CE28333A8664497B4ED1D76D04E3E3B.jpg[/image]
-----------------------------
Bánh khọt là loại bánh bình dân quen thuộc từ vùng Tuy Hoà, Nha Trang vào đến Vũng Tàu, Kiên Giang… miền Nam Việt Nam. Bánh hình tròn giống như bánh bèo nhưng được làm chín bằng cách nướng trong khuôn có láng dầu. Tùy vùng, bánh khọt được cho thêm phần nhân là hành phi, tôm chà bông, tôm nguyên con… như ở Vũng Tàu, ăn kèm với cải, xà lách, rau thơm… chấm nước mắm pha khá ngọt, trong khi đó ở vùng Nam Trung phần VN như Phan Thiết, Bình Thuận… loại bánh này được gọi là bánh căn và nhân chỉ có hành phi hoặc thêm đậu xanh nấu chín… nhưng lại chấm một hỗn hợp khá độc đáo là nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt, đặc biệt có thêm bí sáp vàng hấp chín tán nhuyễn…
1. Khuôn đổ bánh: Làm bằng đất nung hoặc bằng kim loại dày, hình tròn, dạng mâm khay. Trên mặt khuôn có nhiều lỗ trũng tròn đường kính chừng 5 - 6cm và sâu chừng 1cm. Khuôn có nhiều cỡ với đường kính chừng 30cm đổ được 8 - 10 bánh một lần, cho đến cỡ 60cm để cùng lúc có thể đổ nhiều bánh hơn. Khuôn nhỏ thường có nắp đậy. Kèm theo đũa dài, dẹp để lóc bánh. Khuôn đặt trên bếp lửa có mặt lò lớn bằng đường kính khuôn để bảo đảm độ nóng chia đều đáy khuôn.
2. Dầu mỡ láng khuôn:
Tùy thích dùng dầu thực vật hay mỡ động vật, nếu dùng dầu món ăn sẽ nhẹ nhàng, nếu dùng mỡ bánh sẽ béo hơn. Nếu dùng khuôn bằng đất nung phải láng khuôn trước một ngày (nếu là khuôn mới và sử dụng lần đầu): Cho khuôn lên bếp, để vừa lửa, cho dầu mỡ vào ngập mép khuôn, để cho dầu mỡ sôi chừng 5 phút rồi tắt bếp, để khuôn ngâm dầu mỡ qua một ngày. Hôm sau đổ bỏ số dầu mỡ láng khuôn, dùng vải sạch lau kỹ khuôn. Sau mỗi lần đổ bánh, để nguội khuôn, dùng vải sạch lau khuôn, rồi gói kín, để đến lần đổ sau, lại láng qua dầu và sử dụng lại chứ không bao giờ rửa khuôn đất nung bằng nước lạnh. Đây là một kỹ thuật độc đáo của dân gian VN khi đổ bánh khọt bằng khuôn đất, bánh luôn có mùi khác bánh đổ bằng khuôn kim loại. Càng dùng lâu, khuôn đất càng đen bóng và tự tiết ra phần nào dầu mỡ khi đặt lên bếp. Cho nên sử dụng khuôn bằng đất nung sẽ giảm thiểu được tối đa lượng dầu mỡ, làm cho bánh dòn mà vẫn nhẹ nhàng chứ không như dùng khuôn kim loại, luôn phải dùng thật nhiều dầu mỡ.
Dụng cụ dùng để láng dầu mỡ vào khuôn, theo dân gian thường dùng một đọan sống lá chuối chừng 30cm làm dập một đầu, nhúng vào dầu mỡ rồi láng khuôn, vật liệu này được thay mỗi lần đổ bánh và không dây mùi lạ vào bánh, hiện tại người ta hay dùng một cây cọ nhỏ (loại cọ vẽ) để láng dầu mỡ vào khuôn.
3. Phần nhân bánh:
Tùy địa phương, tùy người nhân bánh khọt có thay đổi ít nhiều.
- Hành phi: Hành lá lặt sạch rễ, vỏ củ… rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ. Phi cho hành thơm, xanh… với phân lượng: 1,5 muỗng súp dầu + 1 muỗng súp hành.
- Nếu làm theo kiểu Vũng Tàu, Kiên Giang thì thường có thêm tôm tươi và tôm chà bông: tôm đất hoặc tôm bạc tươi, lột vỏ, ướp trộn với chút tiêu để nguyên con; tôm đất hoặc tôm bạc tươi hấp chín, lột vỏ, giả nhuyển rồi cho vào chảo, nhỏ lửa, đảo đều cho đến khi tôm khô, rời… Để nguội, chà lại qua rây kim loại cho thật tơi bông, sau cùng, cho vào chảo một lần nữa, để nhỏ lửa, đảo đều cho tôm chà bông thật khô mịn; tùy thích cho vào ít màu đỏ thực phẩm sau khi quết tôm cho có màu đỏ tươi.
- Dừa khô nạo, dùng từng ít một, cho vào chút nước nóng, vắt lấy nước cốt dừa.
- Đậu xanh cà (dạng nửa hột): luộc vừa chín, đổ ra rổ rá cho ráo, nguội.
- Mỡ gáy heo sau khi cắt nhỏ hột lựu, thắng mỡ lấy mỡ nước, giữ phần tóp mỡ lại để làm nhân.
4. Phụ gia ăn kèm:
Xà lách, cải bẹ xanh… cây nhỏ, lặt để nguyên lá. Các loại rau thơm như tía tô, ngò gai, húng cay, dấp cá… Đu đủ xanh bào sợi, ngó sen (thân cọng sen) hoặc ngó súng… tước vỏ ngoài, cắt khúc ngắn 5cm chẻ nhỏ làm 4 hoặc làm 5. Hoặc tùy thích chọn: cà rốt, củ cải trắng… gọt vỏ xắt sợi.
5. Nước chấm:
Tùy chất luợng nước mắm, gia giảm trong khoảng 1 phần nước mắm + 4 hoặc 5 phần nước lọc, thêm đường tùy khẩu vị (nếu là miền Nam, thường pha khá ngọt; còn ở miền Trung thường mặn hơn và có thêm vị chua của chanh giấm); tỏi ớt băm tuỳ ý. Nếu làm theo vùng Bình Thuận, Phan Thiết: Dùng một ít bí sáp, gọt vỏ, cắt miếng nhỏ, nấu với ít nước cho mềm, tán nhuyển. Sau khi pha nước mắm, thêm vào ít bí cho hỗn hợp sệt lại.
6. Pha bột đổ bánh:
Tính phân lượng bằng khối lượng chứ không dùng bằng trọng lượng vì chất luợng bột khô tùy địa phương sẽ không giống nhau. Cứ 1 chén bột gạo + 1/10 chén bột năng + 2 chén nước. Bột năng làm cho bánh có độ trong và dẻo. Sau khi trộn đều bột và nước, để qua 20 phút cho bột nở ra, cần phải đổ thử để xem độ mềm cứng của bánh. Muốn bánh cứng hơn, để lắng bột, múc bỏ bớt nước trong; muốn bánh mềm hơn, thêm ít nước; muốn bánh ít dẻo, bớt bột năng hoặc thêm bột gạo. Luôn khuấy bột đều tay trước khi đổ vào khuôn.
7. Đổ bánh:
Cho khuôn lên bếp, để lửa vừa cho nóng đều khuôn, láng dầu đều vào các lổ khuôn, nếu dùng khuôn kim loại lượng dầu mỡ phải cho nhiều hơn khuôn đất. Châm bột đều và nhanh tay vào lổ khuôn và cho bột tràn ra ngoài lổ khuôn một ít. Đây là một kỹ thuật đổ bột thoạt nhìn giống như vụng về nhưng thực sự phần bột tràn này sẽ làm cho viền bánh rất giòn trong khi phần trong bánh chín tới lại mềm chứ không cứng. Để khi ăn miếng bánh cho hai vị dòn mềm trộn lẫn với nhau. Nếu dùng khuôn nhỏ, đậy nắp lại sau khi đổ bột, bánh sẽ chín trong vòng 6 - 8 phút cho một mẻ bánh, khi bánh chín sẽ lóc ra khỏi khuôn dễ dàng, tùy thích để cho bánh nám đáy nhiều hay ít, dùng đũa hoặc kẹp dẹp lóc và gắp bánh ra. Nếu dùng khuôn kim loại lớn và sử dụng nhiều dầu mỡ thì không cần dùng nắp đậy.
7 bis. Đổ bánh tùy loại nhân:
- Nếu đổ theo kiểu Vũng Tàu: láng dầu, cho một con tôm vào giữa mỗi lổ khuôn rồi mới châm bột vào. Sau khi lóc bánh ra, trét một lớp mỏng hành phi lên bánh, rắc lên ít tôm chà bông.
- Nếu đổ theo vài vùng ở Rạch Giá, Kiên Giang: khi bột đổ vào khuôn hơi khô mặt lại, cho vào chừng một muỗng cà phê đậu xanh hột đã nấu chín và ít nước cốt dừa, để cho đến khi bánh chín hẳn mới lóc ra.
- Ở vài vùng như Nha Trang, Bình thuận: sau khi lóc bánh chỉ trét một lớp hành phi với ít tóp mỡ.
8. Trình bày món ăn:
Dọn bánh, các thứ rau để nguyên lá, nước chấm, rau củ ăn kèm, ớt tươi cắt lát hoặc băm nhuyễn để tùy thích cho thêm vào nước mắm… mỗi thứ một dĩa vừa đủ. Cách ăn thông thường mà nhiều người cho rằng rất ngon là… dùng tay để bốc: trải một lá xà lách lên một lá cải, thêm ít lá rau thơm, đặt vào 1 - 2 bánh, cho rau củ bào vào giữa rồi cuốn tròn lại cả rau lẫn bánh và chấm nước mắm. Hoặc tùy thích xé nhỏ rau, cho vào tô với bánh rồi chan nước mắm vào và dùng đũa, dĩ nhiên.
CẨM TUYẾT (Chuyên viên gia chánh)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.11.2008 00:34:34 bởi sunflower >