Giun Chỉ
Như Ý P 04.10.2008 22:17:03 (permalink)



Đồng bằng sông Cửu Long: Không có thuốc trị giun chỉ

Tue, 02 Sep 2008 11:50:00

Hai bệnh nhân “bìu voi” đến Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ điều trị. Tuy nhiên, bệnh viện phải cậy đến các đơn vị y khoa Tây nguyên và Khánh Hòa mới có thuốc cho bệnh nhân.


Theo các tài liệu và thực tế ghi nhận của ngành y tế, từ trước đến nay tại vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân bị giun chỉ, và vùng này cũng không phải vùng dịch tễ có giun chỉ lưu hành. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa trung ương (ĐKT.Ư) Cần Thơ đã có hai trường hợp được xác định bị bệnh “bìu voi” do giun chỉ đến điều trị. Cả hai trường hợp đều đã được điều trị thành công.
Trường hợp đầu tiên là L.V.D., 39 tuổi, bị bìu to từ năm 12 tuổi, đã điều trị nhiều nơi không hết. Bệnh nhân phải sống độc thân với cái bìu nặng 25kg, cho đến khi cố gắng một lần nữa đến khám tại khoa niệu - Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ và đã phát hiện giun chỉ.
Trường hợp thứ hai là T.H.N., 47 tuổi, cũng bị “bìu voi" từ năm 16 tuổi. Sau 31 năm sống chung với “bìu voi” tình cờ đọc báo thấy nói Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ đã phẫu thuật thành công một trường hợp “bìu voi”, bệnh nhân tìm đến khoa niệu - Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ xin được khám. Bệnh viện đã khám, xét nghiệm xác định là “bìu voi” do giun chỉ.
Cả hai trường hợp trên đều được xét nghiệm máu lúc 23g đêm và đều phát hiện ấu trùng giun chỉ. Chúng tôi phối hợp với bộ môn ký sinh trùng khoa y, Đại học Y dược Cần Thơ để tìm loại thuốc điều trị. Do bệnh rất hiếm nên hầu như các bác sĩ đều chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh giun chỉ mà chỉ biết qua sách vở, tài liệu.
Muốn điều trị bệnh giun chỉ phải có thuốc DEC (Diethylcarbamazine) và Albendazole. Chúng tôi liên hệ với các nhà thuốc, bộ môn ký sinh trùng khoa y - Đại học Y dược TP.HCM và những đơn vị này đã trả lời không có thuốc DEC. Rất may, chúng tôi liên hệ với khoa y Đại học Tây nguyên và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, hai đơn vị này đã giúp chúng tôi có được cơ số thuốc điều trị cho hai bệnh nhân.
Sau khi điều trị nội đủ liều theo phác đồ của Tổ chức Y tế thế giới, xét nghiệm hết ấu trùng giun chỉ. Được sự giúp đỡ của khoa ngoại niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, các bác sĩ khoa ngoại niệu Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ đã phẫu thuật thành công “bìu voi” và tái tạo bộ phận sinh dục cho bệnh nhân thứ nhất. Đến nay anh rất yêu đời và đã có người yêu đang chờ ngày cưới. Riêng trường hợp thứ hai, sau khi đã có kinh nghiệm ca thứ nhất, chúng tôi chủ động phẫu thuật cắt “bìu voi”, tái tạo bộ phận sinh dục và bệnh nhân cũng đã bình phục, ra viện.
Từ hai trường hợp bệnh nhân được phát hiện đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi đặt vấn đề xem xét lại vùng dịch tễ có giun chỉ ở VN. Nghiên cứu thực tế cho thấy VN là nước nằm trong bản đồ dịch tễ có giun chỉ, tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng, một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên như Khánh Hòa, và chiếm khoảng 6% dân số trong vùng. Còn các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đều không phát hiện giun chỉ, đó cũng là lý do không tìm ra thuốc DEC để diệt ấu trùng giun chỉ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian vừa qua.
Với kết quả hai trường hợp “bìu voi” do giun chỉ, chúng tôi rất mong các nhà dịch tễ học, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Viện Sốt rét - ký sinh trùng trung ương giúp tìm hiểu vấn đề này, đây cũng là vấn đề giúp bảo vệ sức khỏe người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.





700.000 người mắc bệnh
Tại VN, số người bị nhiễm giun chỉ khoảng 700.000 người, chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, một số tỉnh Tây nguyên, miền Trung.
Giun chỉ thường sống ký sinh trong hạch bạch huyết và cuộn lại với nhau như chỉ rối, ấu trùng giun chỉ thường lưu thông trong tuần hoàn máu.Giun chỉ trưởng thành có thể sống hàng chục năm; con đực dài 25-40mm, ngang 0,1mm; con cái dài hơn 60-100mm, ngang khoảng 0,2mm.
Giun chỉ đực và giun chỉ cái sống trong hạch bạch huyết, sau giao hợp, giun chỉ cái đẻ ra ấu trùng. Ấu trùng từ hệ thống bạch huyết di chuyển vào máu và thường xuất hiện nhiều vào ban đêm ở máu ngoại vi (từ 20g-3g sáng). Do chúng sống trong các hạch bạch huyết nên gây tổn thương, viêm tắc hệ bạch huyết và tổ chức, để lại những di chứng hết sức nặng nề như: phù chân voi, bìu voi, da phù nề, phồng rộp...
Bệnh lây truyền từ người này qua người khác do muỗi đốt.


BACSI.com (Theo TTO)
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9