(Nguyễn Trung Kiên - nguồn Áo Trắng)
Nguyễn Trung Kiên (1973 - 20 )
Chính quán: Hà Nội, Trú Quán: Hồ Chí Minh
Trung Kiên cho biết anh viết Đôi dép vào tháng 12-1997 và bài này sau đó đã được giải 2 chương trình "Tiếng thơ sinh viên" 1998 của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (giải 1 là bài Không đề của Trần Đình Thọ). Cảm hứng viết Đôi dép bắt nguồn từ cuộc tranh luận "rách việc" với một người bạn, rằng khi người ta mang dép thì chiếc bên nào sẽ mòn trước... Đôi dép được viết khi Kiên chưa có người yêu và đang mơ tưởng về một tình yêu chung thủy.
Đôi Dép Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng biến thành thơ
Hai chiếc dép gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia
Bài thơ đôi dép cho tới giờ hiện vẫn có rất nhiều dị bản, nhưng bài thơ trên vẫn là bài thơ thông dụng nhất trên net. Bài thơ Đôi Dép ở trên được đề là của tác giả Nguyễn Trung Kiên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa ai biết Nguyễn Trung Kiên là ai (là tác giả hay là người sưu tầm) Nhiều người biết đến bài thơ Đôi dép phần lớn cho rằng bài thơ này là Khuyết Danh. Vì Khuyết Danh cho nên nó có nhiều dị bản. Theo một số người thì bài thơ trên còn có 3 khổ nữa nhưng không phổ biến nên ít người biết. 3 khổ thơ đó như sau:
"Cuộc đời ta mãi mãi chẳng xa lìa
Mất một chiếc, chiếc kia vào sọt rác
Hay cố lê bên những gì phế thải
Sống âm thầm nơi xó góc tối đen
Rồi ngày kia buồn chán không ánh đèn
Chiếc còn lại cũng ra đi vĩnh viễn
Ngày ra đi không một người đưa tiễn
Nhưng vui lòng vì gặp lại chiếc kia
Một nơi xa hai chiếc chẳng chia lìa
Vì đã thoát khỏi cảnh đời ô trọc
Không hơn thua ghét ghen hay lừa lọc
Bước song hành một dạ đến ngàn thu "
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.10.2008 00:00:29 bởi Trường Phi Bảo >