ÁNH MẮT MỘT NGƯỜI LÍNH
Quãng Nhẫn 14.10.2008 04:13:04 (permalink)
ÁNH MẮT MỘT NGƯỜI LÍNH


  1
 Tháng 6 năm 1980 tôi xách mấy ăng- gô thuốc kháng sinh hạng nặng từ Vinh vào  Đà Nẳng cho một người quen làm nghề buôn thuốc tây. Vừa nhận ra tín hiệu, xác định đúng là người cần giao hàng, thì Công an ập tới, tóm gọn. Nằm ở trại tam giam 2 tuần, sang đến đầu tuần thứ 3, người ta gọi lên lấy khẩu cung lần nữa. Lần này họ hỏi mấy câu chiếu lệ, rồi đưa ra một tờ khai đã viết sẳn. Thấy tôi định đọc lại trước khi ký, người sỉ quan đeo quân hàm trung úy nhát gừng nói: "Không cần đọc đâu, ký vào là thả ra ngay, có người lo rồi".
  
  Quá quen với những tình huống này, nên tôi không có gì lấy làm ngạc nhiên, thời ấy mấy ông trùm thuốc tây có thế lực tiền bạc rất mạnh, chiếc vòi bạch tuộc của họ vươn ra dài lắm. Trước lúc được thả, tôi xin trại giam cấp cho một cái giấy chứng nhận. Họ hỏi để làm gì, tôi nói làm giấy thông hành đi đường.
  
  Có cái giấy chứng nhận vừa ở trại giam ra, đóng dấu đỏ chót là như một tấm bùa hộ mệnh hay đáo để, chỉ cần chìa cho các Ông tài xế xe đò xem qua, là được ngay một chổ ngồi đàng hoàng, khỏi mất tiền, đôi khi lại còn được bao ăn nữa. Thời đó cứ có dính líu đến tù tội, là dân đen lại coi là người của mình. Nhất là mấy người từ trại học tập cải tạo vừa mới được thả ra. Dân ngoài Bắc thì coi khinh họ, nhưng dân trong Nam thì ngược lại, mấy người ấy đi đến đâu, cũng được thông cảm, kính trọng, và luôn luôn nhận được sự giúp đở rất tận tình.
   
  Tôi chìa cái giấy chứng nhận ấy ra, rồi ghé tai ông tài xế xe đò tuyến Đà Nẳng- Huế nói nhỏ: " Vẫn đang còn bị quản thúc, tối nay có mối ở Thuận an đi". Ông tài xế đá lông nheo một cái, hất đầu lên hướng ghế trước.
  
   Khi xe chuẩn bị lên đèo Hải vân, thì bị một nhóm quân nhân chặn lại và gửi một người bạn của họ quá giang ra Bắc. Xe chật cứng người , trên trần cũng cồng kềnh bao bì của những người buôn chuyến. Nhưng tài xế cũng đành phải nhận, dù chú lơ biết chắc chắn không có được thêm một đồng cắc nào. Người lính bước lên xe trong sự nhăn mặt, lắc đầu của hành khách. 
 
Người lính gầy gò như bộ xương, thùng thình trong bộ đồ Tô châu bạc phách, làn da tái xám, hổn hển trèo lên, len vào cuối xe. Đôi mắt của anh ta rất khác lạ. Hình như toàn bộ sinh lực để tồn tại đã tụ dồn vào đôi mắt ấy. Nó vừa long lanh, vừa chói sáng, vừa vững vàng, tự tin như thể được kết tinh từ một nghị lực siêu phàm nào đó.
  
Xe chuẩn bị chuyển bánh, thì anh ta đề nghị được chuyển lên ngồi phía trước. Mọi người thì thào, " đúng là công thần... được voi đòi tiên " . Anh thều thào nhỏ nhẹ " Xe xóc thế này, tôi có thể chết lúc nào không biết, xin bà con thông cảm, tôi có chuyện gấp ..."  
  
Tôi được ưu tiên ngồi bên bác tài, là người biết nghề thuốc nên chỉ thoáng qua thể trạng của anh ta, biết là anh ta nói thật, nên đồng ý đổi chổ. .. Và hình như đó là định mệnh đã an bài cho chuyến xe  đầy huyền thoại .

Khi xe từ đỉnh đèo Hải Vân từ từ xuống dốc, độ chừng mươi phút sau, chợt Bác tài hô to "... Báo (tên chú lơ xe ) xe mất thắng rồi..."

Mọi người chưa kịp hiểu ra cái thông tin khủng khiếp đó, thì chú lơ xe đang bám tòng teng ở cửa sau đã lao xuống đường mất dạng.
    
Nổi khủng khiếp bao trùm cả xe khi mọi người chợt hiểu ra đìều gì đã xẩy ra: Xe lao nhanh và cà roàn roạt vào vách núi. Chợt có tiếng anh lính ấy hô to như khẩu lệnh " Bác tài cài số 1, cạ sát vào vách núi ". Khẩu lệnh vừa dứt thì bác tài cũng vừa nhảy ra khỏi tay lái và lao xuống một tán cây bên lề vực. Anh lính rã rệu trước kia bỗng nhiên nhanh như một tia chớp nhảy sang ghế lái cầm lấy vô lăng, và bình thản thực hiện những thao tác kỹ thuật mà chỉ có những tay lái lành nghề mới hiểu nỗi. Xe giật lên khự khự chao đảo rồi áp sát vào vách núi, cạ toé cả lửa. May mắn đến một đoạn cua, chiều dốc hơi bằng, chiếc xe được đánh hơi ngang và đổ nghiêng xuống như có một tay thần thánh nào đó nâng đỡ, trượt dài độ mươi mét rồi nằm lại bên bờ vực thăm thẳm.
 
Mọi người thoát chết trong gang tấc, tiếng gào khóc, rên rỉ mãi vẫn còn chưa dứt. Mấy bà buôn chuyến vừa chui ra khỏi xe đã vội quì xuống chắp tay khấn vái ..." Nam mô Đại từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát ...."
 
Anh lính loạng choạng tiến về phía trước không một lời, ngồi bệt xuống lề đường thở hổn hển và nhanh chống vẫy một chiếc xe khác xuôi về dưới đèo.
  
Khi mọi chuyện đã qua, mọi người vừa hoàn hồn, tỉnh táo nhận ra sự sống của họ được cứu là nhờ vào người lính gầy gò ốm yếu và bệnh hoạn ấy. Họ quay tìm ân nhân để tạ ân và thăm hỏi, thì chẳng thấy bóng dáng đâu nữa. Mọi người xì xào, cho là Bồ Tát hiển linh cứu nạn.
   
2
Người đàn ông, gầy như mắc áo, nước da thâm sịt, mái tóc bạc trắng phau không còn một cọng đen, ngồi trước mặt tôi chính là anh lính thủa nào trên đèo Hải vân, dù đã gần 30 năm nhưng tôi không thể nào nhầm lẫn được. Vì ánh mắt kia, ánh mắt kỳ lạ phi thường ấy, tôi không thể nào quên: "Tháng 7 năm 1980, anh còn nhớ chuyến xe trên đèo Hải Vân không ?"  - tôi chắc chắn hỏi.
Nhìn thẳng vào mắt tôi anh ta hỏi lại: "Sao anh biết chuyện đó, lâu lắm rồi anh nhắc tôi mới nhớ, anh cũng là hành khách trên chuyến xe ấy à ?"
- Vâng! tôi là người nhường chỗ cho anh. Hôm đó mọi người tìm anh không thấy, ai cũng nói anh là Bồ Tát hiễn linh, xong việc là thăng về Nam hải. Hình như người ta tìm anh để viết bài về sự dũng cảm của người lính.
- Dũng cảm gì đâu, cũng là vì sự sốngcòn của chính mình. Khát vọng phải sống để về quê cho kịp nhìn Mẹ lần cuối , đã giúp tôi có đủ sức lực tự tin làm chuyện ấy. Cũng may mắn thôi, lần đó gấp quá tôi phải đi, chứ không tôi tìm gã tài xế tẩn cho nó một trận.

- Rồi anh có về kịp không ?
- Vẫy xe ra đến Đồng hới , thì kiệt sức , cái bệnh sốt rét nó lại hành, cố gắng lắm nhưng cơ thể không tuân theo ý muốn của mình, đành chịu. Người ta đưa tôi vào bệnh viện Việt-Cu ba  điều trị, vừa tỉnh lại, tôi lao ra quốc lộ 1 vẫy xe, về đến quê thì  Bà Già đã mất hơn 1 tuần rồi.
- Sau đó anh có trở lại Đà Nẵng nữa không? Chuyện anh cứu chuyến xe ấy, người ta thêu dệt thành một huyền thoại ly kỳ lắm, có người còn đem cả lễ vật lên đèo tạ ơn Bồ tát hiển linh nữa đấy.
- Người đời mà,  cái gì ảo ảo thì dễ thuyết phục hơn là sự thật . Tôi không trở lại đơn vị nữa, vì bệnh quá nặng, và Mẹ mất, để lại mấy đứa em còn quá dại. Lên huyện đội trình diện, mất hết quyền lợi, nhưng không mang tiếng là hèn nhát, đào ngũ. Sau đó cưới vợ, sinh được hai cháu. Quê tôi nghèo lắm, đủ ăn đủ mặc đã là khó, chứ đừng nói chi chuyện học hành tử tế, thế là vay mượn tiền bạc làm một chuyến sang đây, nộp đơn vào trại tỵ nạn, đi làm chui  kiếm tiền nuôi các cháu ăn học. Thế mà thấm thoát đã cả chục năm dư rồi đó. Bệnh tôi thế nào hả Bác sĩ ?
- Đáng lý ra bệnh chẳng có gì nghiêm trọng, nhưng vì phát hiện quá muộn nên bệnh đã di căn vào ổ bụng, hơn nữa tình trạng thể lực của anh quá tệ, vì vậy có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
- Thời gian đâu mà đi khám bệnh , cứ nghĩ sẽ bị trục xuất về trong nay mai, nên cứ hùng hục kiếm được đồng nào hay đồng ấy, suốt ngày đêm úp mặt vào chảo dầu, quăng chảo xuống là chỉ mong được có chỗ ngả lưng, đôi khi cả tháng không thấy ánh mặt trời, thì mong chi đến chỗ bác sĩ.
- Sức khỏe là trên hết, có sức khỏe mới làm nên việc lớn chứ !
- Việc lớn gì đâu, chỉ mong gia đình có chỗ trú mưa , con cái học hành có công ăn việc làm, thoát khỏi cảnh đói nghèo như mình khi xưa là mãn nguyện rồi. Cũng đã hòm hòm tất cả, giờ mới nghĩ tới mình thì đã muộn.
Gửi tiền về, xây được cho vợ cái nhà hai tầng, mình đi lâu quá, vợ nó theo người khác ,nghe nói bà ấy cũng hạnh phúc với người giá nghĩa sau này lắm. Thằng lớn tốt nghiệp Đại học đã lập gia thất, công việc nhàn rỗi, thu nhập ổn định. Con út có bằng thạc sĩ Y khoa, nghe nó khoe cũng có chút thành tích trong nghề. Thế là ổn, có làm sao cũng đỡ phải ân hận.
- Anh đừng lo, Y học hiện đại giờ có nhiều phương pháp kỳ diệu lắm. Ung thư tiền liệt tuyến không phải nghiêm trọng lắm đâu. Mà anh là người rất giàu nghị lực mọi chuyện tất sẽ tốt đẹp thôi !
- Hết rồi, nghị lực chỉ tồn tại và có được khi phía trước có một mục tiêu đích thực và khẩn cấp cần phải đạt đến. Mục đích của đời tôi đã đạt, dù chưa thật hoàn mỹ, nhưng không còn gì để muốn hơn được nữa. Phía trước chỉ còn lại một con đường phẳng lỳ, trống vắng và vô nghĩa. Chắc không cần chữa trị nữa đâu ?
- Anh phải quay lại đây, tôi có người bạn là chuyên viên khối u rất giỏi, tôi sẽ giới thiệu cho anh
- Có cần thiết không?
Anh vừa nói vừa đứng dậy, ánh mắt thanh thản đến kỳ lạ , một sự thanh thản viên mãn thực sự, chứ không phải sự thanh thản giả tạo của sự buông xuôi .
   
 Thuận Nghĩa
   Huế 1982
Hamburg 2008
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.10.2008 04:15:49 bởi Quãng Nhẫn >
#1
    NongHuyenSon 14.10.2008 09:26:37 (permalink)
    Truyện hay và súc tích.  nhé. Tuy nhiên, tác giả có thể đổi cái tựa khác không? Cái tựa này nhàng nhạt làm sao ấy.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9