VÀO ĐỜI
nguyenannhien 24.10.2008 04:06:08 (permalink)
Chương 1

Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
(Nhạc phẩm Vĩnh Biệt Sài Gòn - Nam Lộc)

Cuối cùng rồi cũng đến sân bay Tân Sơn Nhất, vừa ra khỏi cổng máy bay, rời xa những nụ cười dễ thương của các cô tiếp viên hàng không người Nhật xinh xắn, Yên đã cảm được cái nóng của miền nhiệt đới. Cái nóng ùa đến bao phủ lấy Yên nhưng không hề làm cô khó chịu vì nó đồng nghĩa với những kỷ niệm tuổi thơ của Yên, thời trốn ngủ trưa chạy ra ngoài chơi với hàng xóm, mặc kệ cái nóng cháy da khét tóc của Sài Gòn.

Theo dòng người đông đúc, Yên ngập ngừng bước vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Trước khi về rất nhiều người quen đã hù dọa về sự lạnh lùng khó chịu của nhân viên nhập cảnh, nên Yên không vội xếp hàng mà đi một vòng ngắm nghía xem ai có vẻ ‘dễ chịu’ nhất. Ðây rồi, anh chàng này tuy không tươi cười nhưng cũng không có vẻ quạu cọ, mặt mũi nghiêm trang nhưng không hách dịch, còn chịu khó gật đầu chào những người khách du lịch nữa. ‘Người dễ thương’ là đây, hài lòng với sự chọn lựa của mình, Yên xốc lại ba lô, chuẩn bị lại hộ chiếu cùng visa rồi kiên nhẫn đứng vào cuối hàng.
- Trần Việt Yên?
- Vâng.
- Về bao lâu?
- Có thể lâu, nhưng visa chỉ cho một năm thôi?
- Về làm gì?
- Dự định dạy học và làm việc.

Ánh mắt nhìn Yên chăm chú, gật gù:
- Chà, ra trường rồi về làm cán bộ, oai ghê?
Yên bật cười:
- Vâng.
‘Người dễ thương’ lúi húi đóng mộc, đánh vài dòng gì đó vào máy tính rồi trả lại giấy tờ cho Yên, mỉm cười:
- Chúc may mắn.
- Cám ơn. Yên quay đi rồi nhịn không được quay lại nói thêm, ‘Thật lòng cám ơn,’ rồi bước đi trước cái nhướng mày ngạc nhiên của anh chàng.

Gần một tiếng đồng hồ sau Yên mới lấy xong hành lý và qua khỏi thủ tục hải quan cuối cùng của sân bay Việt Nam. Cũng may không bị làm khó dễ gì cả, không biết nhờ tờ hai mươi đô mà me dặn đi dặn lại phải kẹp trong hộ chiếu, hay vì hành lý Yên chẳng có gì đáng nói, chỉ toàn quần áo và sách chuyên môn, hay vì Yên may mắn. Thật sự là để chuẩn bị chuyến đi này Yên đã phải chịu khó ngồi nghe rất nhiều câu chuyện khủng khiếp về hải quan sân bay Tân Sơn Nhất của bạn bè và người thân để học kinh nghiệm, nhưng về rồi thấy họ cũng không có gì ghê gớm lắm, chỉ là không thấy nụ cười thường nở trên môi như ở những sân bay khác mà thôi. Có lẽ lần sau Yên không nên để tiền vào hộ chiếu, vì như thế là hối lộ, nói như Jamie có nghĩa là Yên tạo điều kiện cho thói quen xấu tồn tại, và không sống đúng với nguyên tắc của mình. Chà, thôi để suy nghĩ vấn đề này sau vậy.

Ðang ngơ ngác trước đám đông người đón thân nhân trước cổng ra vào của phòng kính, Yên chợt nghe văng vẳng:
- Tí ơi, Tí à, đây nè Tí.
Yên mừng rỡ quay sang phải để thấy gương mặt tươi roi rói của ông anh họ, vội la lên:
- Quậy!

Rồi hai đứa nhào lại ôm nhau mặc những cặp mắt tò mò của người xung quanh. Quậy nhanh nhẹn đẩy xe cho Yên, vừa đi vừa tía lia trả lời những câu hỏi của Yên:
- Chờ lâu muốn chết, còn hơn chờ chở bạn gái đi chơi nữa. Ba má Quậy ở nhà không đi vì trưa nắng lắm. Dạ không, ở nhà có xe đón rồi anh à. Dà, không cần taxi đâu, có xe rồi chú. Tí nhìn khá hẳn ra, trông giống con gái rồi. Cái gì? Thì giống con gái ta nói giống con gái chứ sao. Phòng trọ đã tìm ra cho Tí rồi, nhưng một tuần sau mới dọn vào được, ba má nói Tí muốn ở nhà cũng được, muốn ở khách sạn đỡ cũng được. À, ở nhà cho vui hả, nhưng nhà chật lắm. Không sao hả? Giỏi, vẫn đơn giản như ngày xưa, tốt. Tới xe rồi nè, xe của ba đó, ổng lâu lâu chở khách nước ngoài đi du lịch, chủ yếu là mấy ông Tây bà Ðầm đi nghiên cứu, trả phí ít nhưng ba vẫn thích đi với họ. Còn thường thì để ở nhà, ai thuê thì cho họ chạy.

Hai đứa ngồi yên ổn trong xe xong thì mồ hôi Yên của thấm ướt chiếc ao thun đen. Cô ngồi thu hai tay trước bụng, cố ghìm những tiếng la muốn bật ra khỏi miệng và thu chân lại để khỏi làm phản xạ ‘thắng’ khi Quậy lách xe ‘một cách vô trật tự’ giữa những làn xe đông đúc. Chao ôi, Sài Gòn đông dân như vậy ư, bây giờ là hai giờ trưa mà còn vậy, không biết vào giờ cao điểm sẽ ra sao. Ðường phố khác thời Yên còn ở đây lắm, rộng hơn, nhưng cũng ít cây xanh hơn. Trên đường không còn xe đạp và xích lô nữa, mà chỉ toàn xe máy, và khá nhiều xe hơi. Hẻm vào nhà dì dượng đây rồi, cũng cây đa đầu đường, và tượng Ðức Mẹ cuối đường, rẽ phải là vào nhà. Kìa, cây bàng từ nghĩa trang mọc chỉa sang vẫn còn đó, những kỷ niệm ngày xưa ồ ạt hiện về.



Yên ngồi bó gối trên giường, nghiêng đầu làm quen với bé Nhi con chị Thảo:
- Nhi mấy tuổi rồi, đi học chưa, chà, Nhi ngoan quá chừng, hỏi gì cũng vâng dạ hết.
Quậy la làng:
- Nó mà ngoan, hãy đợi đấy!
Thấy con bé mắc cỡ Yên nạt Quậy:
- Ðược cái ăn hiếp cháu không hà, ông đó, ngày xưa cũng tại mấy người Tí mới dữ như bây giờ, chứ không người ta thục nữ thấy mồ.
Mấy ông anh họ cười phá lên. Dượng Năm gật gù:
- Ðây mới là con Tí của dượng, hồi nãy bước vào dượng nhận không ra.
Anh Thế chọc:
- Hắn đẹp gái ra ba há, kiểu này không dám chở hắn ngoài đường, mắc công bạn gái thấy ghen chết cha luôn.
Anh Thanh thì nháy mắt:
- Ổng nhát gan thì kệ ổng đi, anh xung phong chở Tí. Anh đang cần một vài người hiểu lầm anh đây.
Yên cười:
- Cho Tí bốn tháng thôi, sau bốn tháng sẽ tự chạy xe một mình, khỏi cần làm kỳ đà cản mũi mấy ông anh họ đáng yêu, đẹp trai. Với lại, Tí cũng muốn được ‘tự do thong thả’ chớ bộ.
Cả nhà ‘à’ lên một tiếng, dì Năm cười:
- Cho tụi bây chết, tưởng ăn hiếp được con nhỏ à, nó là cháu ruột má đó. Nè Tí, cái áo con cho dì mặc ra Huế thăm ông ngoại là hết xẩy, ấm phải biết. Ở Sài Gòn nóng nên chẳng có áo ấm nào ra hồn cả, lần nào ra đi lễ sớm cũng lạnh tận xương.
- Tí mới ra trường làm gì có tiền mà sắm quà mọi người nhiều vậy – Quậy bảo – à, nhưng riêng cho Quậy thì không sao, càng nhiều càng tốt vì Quậy đang tuổi dậy thì cần được chăm sóc vẻ bên ngoài.
Chị Thảo cười đến chảy nước mắt:
- Cái thằng ăn với nói, mặt dày hết chỗ, thôi cho Tí nó tắm rửa rồi đi ngủ, con nhỏ ngáp đến sái quai hàm rồi kìa.



Dì Năm đi chợ về mua cho Tí một bịch bánh cuốn để ăn sáng, thêm bịch chè đậu nước dừa, một đôi dép nhựa mang trong nhà, và một cái quần short dài tận đầu gối.
- Ủa, dì Năm mua quần cho con làm chi cho tốn tiền. Con có mang quần áo về mà. Yên ngạc nhiên hỏi.
Quậy đi ngang nghe vậy tủm tỉm cười rồi cóc đầu Yên:
- Thiệt tình tui sợ bà luôn, con gái gì mà ngủ dang chân dang tay đến khiếp. Bà già tui là ‘o Huế’ chính tông mà, đời nào chịu nổi cảnh đó, sáng sớm phải chạy ra chợ kiếm cái quần cho bà liền đó.
Nói rồi nó tỉnh bơ cười ha hả biến vào phòng tắm, bỏ mặc Yên đỏ mặt đứng bối rối. Dì Năm cười:
- Cái thằng vô duyên tệ, kệ hắn nói chi thì nói con, mình sống cứ tự nhiên là được.
Ai biểu nhà dì Năm nhỏ xíu, Yên ngủ ké với bé Nhi trên gác xép, cái mùng hai dì cháu cách những cái mùng của mấy ông anh họ chỉ vài bước chân. Dì Năm tế nhị không nói sợ Yên mắc cỡ, ngờ đâu thằng quỷ Quậy lại nói toạc ra vậy. Yên nhìn dì cười xòa, nhón tay lấy bịch chè rồi ra trước sân nhà, chỗ cây bàng ngồi chơi. Yên cắn đít bịch chè rồi mút từ từ như những ngày còn nhỏ, cảm giác thoải mái lại tràn về trong cô. Ngày xưa những tháng hè me hay cho cô sang nhà dì Năm chơi, cũng được bịch chè đậu dì cho mỗi ngày, cũng dưới gốc bàng xanh lá này mà Yên cùng các anh họ bày trò quậy, hết tạt lon đến nhảy lò cò, hết năm mười đến bắn bi. Chao ôi là vui.

Nghe kể hồi nhỏ Yên giống con trai lắm, cũng tóc cắt ngắn chải bảy ba, cũng mặc quần đùi, ở trần, suốt ngày chạy theo mấy anh và Quậy, dang nắng đen thui. Các anh chơi gì thì Tí chơi nấy, được cưng nhất những cũng hay bị trêu nhất nên mồm miệng Tí lanh khủng khiếp, có thể trả đũa một lúc đến mấy cái miệng mà. Ngày xưa ở chỗ hàng rào kia là bụi xương rồng, Tí và Quậy tập xe đạp té vào đó bị xương rồng đâm đầy hai tay và đầu gối, lấy cả tuần không hết dằm. Cuối đường hẻm ngay cua quẹo kia hồi đó có một cái ổ gà to tướng, Tí đạp xe theo anh Thanh đòi đi mua cà rem, trúng ổ gà bị té trầy hai đầu gối máu chảy lênh láng làm anh Thanh sợ đến tái mặt. Vết sẹo ấy bây giờ vẫn còn, Tí vừa rờ vết sẹo ở gối vừa cười một mình. Chợt giật mình nghe tiếng Quậy cất lên:
- Mơ mộng gì đó Tí, trưa ăn xong thay đồ sẵn, Quậy đi làm về ghé ngang đón Tí sang xem phòng trọ luôn nghen. Bà chủ nhà này kỹ tính lắm, phải gặp Tí rồi mới đồng ý cho thuê. Ðược cái bà rất dễ thương và nghiêm trang, nên Tí nếu ở được chỗ đó sẽ thoải mái lắm. Bye nghen, Quậy đi làm đây, trưa gặp.



Chương 2
The only way to have a friend is to be one
Ralph Waldo Emerson

Tranh liếc nhìn đồng hồ rồi luyến tiếc chào tạm biệt mấy đứa nhỏ. Nếu không lỡ hẹn với bà chủ nhà tương lai chắc Tranh đã ở lại ăn trưa và chơi cả buổi chiều với tụi nó. Chị Hà đưa Tranh ra tận cửa:
- Trưa nắng mà em về dễ bị cảm lắm đó.
- Dạ, em quen rồi chị. Ngày xưa đi học bằng xe đạp từ Thủ Ðức lên quận 1 còn được nữa mà.
- Ừ, công nhận nhìn em mảnh mai như tiểu thư con nhà, ai ngờ lại mạnh khoẻ dẻo dai đến vậy.
- Con gái miền biển mà chị. Nheo mắt đùa chị Hà, Tranh cười chào rồi rồ máy xe đi.

Tranh quen với chị Hà trong một dịp tình cờ đến thăm trường mù Nguyễn Ðình Chiểu, lúc ấy chị Hà là sinh viên năm cuối trường Ðại Học Xã Hội và Nhân Văn, hay đến trường vào cuối tuần để thực tập và làm thiện nguyện. Sau khi ra trường chị về Mái Ấm Hoa Hồng này trụ luôn cho đến bây giờ đã được năm năm. Cứ Chủ Nhật nào rảnh Tranh cũng chạy qua chơi với tụi nhỏ ở Mái Ấm, bên cạnh đó phụ chị Hà những việc văn phòng lặt vặt như viết thư xin bảo trợ, trả lời email bên nước ngoài, coi sổ sách kế toán, vv.

Mãi nghĩ ngợi lung tung Tranh đến nhà trọ lúc nào không hay. Bước vào trong cô hơi bất ngờ khi thấy một nam một nữ đang ngồi nói chuyện với bà Thủy, chủ nhà. Thấy Tranh, bà tươi cười:
- Cô Tranh đến rồi à, vậy tốt quá. Cô Yên đây cũng là người đang muốn ở trọ chỗ này. Cô ngồi nghỉ để tôi đi lấy nước.

Nói rồi không đợi Tranh kịp phản ứng, bà quầy quả bỏ ra nhà sau để lại ba người nhìn nhau. Cô gái chủ động đứng lên đưa tay ra cho Tranh bắt, nhanh nhẹn nói:

- Mình tên Yên, năm nay 26 tuổi, từ Mỹ về đây làm việc một thời gian.

Trong đầu Tranh vang lên hai chữ, ‘Việt Kiều.’ Suốt thời gian làm sinh viên Tranh đã ở trọ chung với rất nhiều người, loại nào cũng có, nhưng chưa bao giờ có ‘Việt Kiều’ hết, không biết có dễ chung đụng không đây. Cái nắm tay của Yên ấm và chắc làm Tranh thấy cảm tình ngay, vội trả lời:

- Vậy chị xưng chị với em được rồi. Em tên Tranh, mới 24 tuổi rưỡi thôi. Hy vọng chị em mình ở với nhau vui vẻ.

Như đọc được ý nghĩ của Tranh, chàng trai bên cạnh Yên nói ngủng ngẳng:
- Tranh đừng ngại, ‘Việt Kiều’ này giản dị ‘củ khoai’ lắm, có lẽ phải nhờ Tranh giúp đỡ Yên nhiều chuyện, nhưng anh dám bảo đảm với Tranh là con nhỏ này không có ‘chảnh chẹ lemon question’ đâu.

Yên cười phá lên, giọng cười sảng khoái không chút giả tạo:
- Ðây là Khiêm, anh họ của Yên đó. Tranh chỉ cần ngồi nghe Khiêm quảng cáo về Yên mười lăm phút thôi là Tranh sẽ hết muốn ở chung với chị luôn.

Vừa lúc bà Thủy từ bếp lên với ly nước tắc đá, thấy ba người vui vẻ nói cười bà mừng:
- Tốt quá, tui đang lo cái vụ cho ở trọ này, tại họ hàng cứ nói ra nói vô làm tui sợ. Nào là dân ở trọ phá phách, vắt chanh bỏ vỏ, ở không đàng hoàng lại phá làng phá xóm. Mà tui đâu có ở chung với mấy cô để kiểm soát, do đó tui mới đòi gặp mặt rồi mới đồng ý đó chứ. À, còn một cô nữa vì bận việc nên không đến được. Nhưng hai cô yên tâm, người ta là cô giáo dạy Cao Ðẳng, bảo đảm đàng hoàng lắm.

Tranh phì cười:
- Dì nói làm con liên tưởng đến truyện ‘Phòng Trọ Ba Người’ của Nguyễn Nhật Ánh, chỉ khác là tụi con toàn con gái.

Bà Thủy chợt nghiêm mặt:
- Tui không dám ra luật lệ này nọ vì các cô trưởng thành hết rồi, nhưng mong các cô giúp tui ăn ở sao cho hàng xóm đừng phiền hà là được. Ở đây dân tình hiền lành lắm, tui nghĩ chắc các cô sẽ rất yên tâm.

Tranh và Yên đồng loạt dạ ran rồi nhìn nhau cùng phá lên cười, lòng mừng rỡ vì có người bạn chung nhà hợp ý.

Chương 3
‘When your heart is in your dreams, no request is too extreme.’Jimmy Cricket

Hai giờ rưỡi trưa, trời nóng như đổ lửa xuống căn phòng nhỏ dài khoảng tám mét, rộng khoảng ba mét rưỡi. Sáu chiếc quạt máy thổi phù phù từ hai bên tường không làm dịu đi cái nóng hầm hập tỏa xuống từ mái tôn. Nguyên mừng thầm là mình đã mặc áo thun trắng và quần jean, chứ nếu cứ mặc bộ đồ cô đi dạy ban sáng thì chắc cô đã ngất đi vì ngột. Ngồi ở bàn cuối lớp, Nguyên thầm xấu hổ khi thấy đám nhỏ học sinh và Yên tỉnh bơ không tỏ vẻ mệt nhọc gì. Tụi nhỏ chăm chú lắng nghe Yên, cô có lối giảng bài rất thu hút, chốc chốc lại xốc cái quần jean hơi rộng lưng lên, kéo chiếc áo thun hơi ngắn xuống che rún, những động tác mà ở người khác sẽ làm Nguyên vô cùng khó chịu, nhưng ở Yên chúng tự nhiên làm sao.

Tuy đã được Yên giới thiệu sơ về lớp học tình thương này, nhưng Nguyên vẫn cảm thấy ngạc nhiên khi gặp chúng. Mười tám em cả trai lẫn gái, từ chín cho đến mười sáu tuổi, học lực từ lớp ba đến lớp năm. Chúng có vẻ tinh nghịch nhưng rất lễ phép, đứng lên nghiêm chỉnh chào hai cô theo tiếng hô của lớp trưởng. Sau bài tự giới thiệu rất ngắn gọn và hấp dẫn của Yên, chúng thích thú nhận bộ sách Let’s Go bài học và bài tập mới tinh và hồ hởi lập lại những chữ cái đầu tiên Yên viết lên bảng. Phải công nhận Yên có khả năng điều khiển lớp học rất giỏi, chú bé ngồi bàn đầu với những câu hỏi linh tinh chọc cười các bạn đã ngừng phá sau nửa tiếng học đầu nhờ đoạn đối thoại ngắn với Yên:
- Em tên gì?
- Dạ em tên Nghĩa.
- Nghĩa, tên hay quá. Em nói chuyện rất có duyên.
- Dạ…
- Cô rất thích những học sinh vui tính như em, vì như vậy lớp học bớt căng thẳng. Nhưng, Yên ngừng nói và nháy mắt với Nghĩa, cô mong trong suốt giờ học em chỉ làm cả lớp cười ba lần thôi, còn lại thì em chỉ có thể nói chuyện trong giờ ra chơi, đồng ý chứ?

Nghĩa ngập ngừng, không hiểu rõ ý cô giáo lạ lùng này. Yên ôn tồn giải thích:
- Tại vì em mà làm các bạn cười nhiều quá thì sẽ không ai nghe cô giảng, mà cô rất tự tin là mình giảng hay và những gì cô dạy các em rất có giá trị. Do đó, em phải giúp cô giúp các bạn học những điều cô muốn dạy, được không?
- Dạ được, chú bé cười thật tươi, và từ giây phút đó chăm chú cuối xuống tập bài học theo dõi lời Yên.

Nguyên vừa quan sát Yên dạy vừa viết lại những nhận xét của mình xuống cuốn sổ tay. Mười tám em không phải là nhiều nhưng cũng không là ít cho một lớp ngoại ngữ, nhất là lứa tuổi các em hơi cách xa nhau, sẽ khó để chúng làm việc trong nhóm đây. Thêm nữa, các em nhỏ sợ anh chị lớn nên chẳng dám phát biểu nhiều, trong khi các em lớn sợ quê trước đám nhỏ nên không dám phát âm to. Chà, làm cách nào để khắc phục vấn đề này đây. Tiếng Anh của Yên đủ để dạy nghe và nói; thêm nữa, cô chắc chắn đã có ít nhiều kinh nghiệm sư phạm trong việc dạy tiếng Anh, nhưng như nhiều người nước ngoài khác, Yên thiếu kiến thức về cấu trúc âm vị cũng như văn phạm. Không sao, Nguyên và Yên có thể dễ dàng bổ sung cho nhau trong những mặt này.

Chẳng mấy chốc hai tiếng học đầu tiên cũng qua mau. Yên đứng chào từng học sinh ở cửa lớp, gọi tên từng đứa và dừng những em mình quên tên lại để hỏi cho rõ. Cô cười khanh khách trước lời trêu chọc của Nghĩa, vỗ vai Dung như thể bạn bè, và nhường bước cho Trung như nhường một người trưởng thành. Quan sát Yên và đám học trò, Nguyên tự hỏi phải chăng đây là phong cách sư phạm của Mỹ, nếu vậy thì môi trường giáo dục ở bên ấy thật là thích thú.



Nguyên mở tủ lạnh lấy chai nước suối thì thấy mẩu giấy của Yên viết cho mình được cài ở cửa tủ đá.
Cám ơn Nguyên đã đi dạy với Yên. Có Nguyên ngồi cuối lớp Yên thấy yên tâm và tự nhiên với học trò hơn. Nhờ Yên quảng cáo Nguyên là cô giáo trường Cao Ðẳng nên tụi nó mới chăm chú lắng nghe Yên đó chứ! Thú thật là tụi nó làm Nguyên khớp lúc đầu lắm, may mà chúng ngoan như cô Thanh đã quảng cáo.
À, Nguyên có vẻ mệt sau buổi dạy, chắc vì trời nóng quá mà Nguyên thì quen ngủ trưa, đúng không? Hay là mình đổi giờ dạy để Nguyên đỡ mệt hơn. Có gì cho Yên biết nghen. Hy vọng mình có dịp gặp nhau khoảng nửa tiếng trong tuần để mình bàn thêm về lớp học.
Bye Nguyên
Y.

Nguyên mỉm cười đọc lại mẩu tin ngắn thêm lần nữa rồi cẩn thận kẹp chúng vào cuốn sổ tay khi nào cũng mang theo bên mình. Yên quả là chu đáo vào nhạy cảm, việc Nguyên cần ngủ trưa vào mệt mỏi mà cũng nhận ra được. Thật là xấu hổ, người ta Việt Kiều không mệt thì thôi, mình ở đây từ nhỏ mà không chịu được thì quả thật là tiểu thư. Cũng vì ba mẹ cưng mình quá. Không được, mình phải chịu khó tập tự lập và cứng rắn hơn, nhất định không đổi giờ vì mình. Hai giờ thứ Bảy mỗi tuần là thời gian tiện nhất cho tất cả mọi người, không thể chỉ vì mình mà đổi. Nhất định Nguyên sẽ làm được mà. Kiên quyết hất đầu như tuyên chiến đối thủ vô hình, Nguyên lên lầu chuẩn bị đi dạy lớp buổi chiều.

CHƯƠNG 4

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không
Truyện Kiều – Nguyễn Du


Yên đánh ba vòng Hồ Con Rùa, chạy lên chạy xuống con đường Phạm Ngọc Thạch thêm hai lần nữa mới tìm ra quán cà phê nơi Tính hẹn. Cái thằng, hẹn chi chỗ khó tìm vậy không biết. Dắt chiếc Wave đỏ dính đầy bụi đường của mình vào cuối hàng xe, đi ngang hàng hàng lớp lớp A còng, Spacy, và Piagio, Yên bây giờ mới hiểu cái nhìn lạ lùng khi nãy của anh chàng giữ xe. Chắc hắn ta không hiểu con nhỏ này là loại người nào, điều mà Yên để ý thấy người ở Việt Nam có thói quen làm ngay từ cái nhìn đầu tiên, đó là phân loại người ‘giàu nghèo, có học ít học, dân chơi dân hiền, vv.’ Với Yên nhiều người đã rất khó làm được điều đó. Cô phì cười nhìn xuống cái quần tây xám ủi thẳng tưng, áo sơmi trắng vạt ngang dài quá lưng quần, đôi giày boot được đánh láng bóng. Ngược lại với bộ cánh ‘hơi bị lịch sự’ là cái khăn buộc đầu và chiếc xe Wave dính đầy bụi. Cũng may Yên mới đi dạy về, nếu thấy Yên trong bộ quần áo hàng ngày dám anh chàng kêu mình gửi xe chỗ khác lắm.

Khẽ mỉm cười một mình Yên bước về quán cà phê W. Ðến gần trước cửa Yên bỗng ngại ngùng không muốn bước vào. Tính hẹn chi ở cái quán lạ lùng quá thể, bên trong cửa toàn lố nhố con trai. Thanh niên gì mà trưa trờ trưa trật đã ra quán ngồi đồng, hình như bên trong chẳng có một bóng con gái nào cả. Không biết mình có đi nhầm chỗ không? Quán có kiến trúc thật lạ lùng, Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta, quái dị hết biết. Nằm ở trên còn đường Duy Tân lãnh mạng đã từng đi vào bản nhạc bất hủ của nhạc sĩ Phạm Duy, quán này làm con đường xấu hẳn đi! Tần ngần mãi Yên lấy điện thoại ra gọi Tính, ‘ông ở đâu vậy, làm ơn ra ngoài cho tui gặp, chứ trong quán toàn con trai tui biết đường đâu mà mò.’ Chỉ hai phút sau nó đã xuất hiện trước cửa, mừng rỡ ôm chầm lấy Yên, vỗ vỗ lưng cô vài cái đau điếng người. Nỗi vui gặp lại thằng bạn cũ làm Yên quên hết sự bực mình, để nó nắm tay kéo vào trong và làm lơ trước hàng chục cái nhìn trân trân bất lịch sự, lòng tự nhủ, ‘kệ cha lũ vô công rồi nghề.’ Yên bỗng giựt mình khi nghe tên mình được gọi khe khẽ, ‘Trần Việt Yên.’ Quay nhanh qua bên trái Yên thấy một ánh nhìn quen quen, nhưng trong chốc lát chẳng thể nhớ ra ai. Gật đầu cười chào, nghĩ rằng chắc anh bạn nào dạy chung trung tâm, Yên tiếp tục theo Tính về bàn của nó.

Màn giới thiệu ồn ào rồi cũng qua mau, Yên vui vẻ bắt tay các bạn của Tính rồi quay sang nắm tay Vân, thân mật nói:
- Hồi đám cưới Tính và Vân thì Yên đang học ở xa nên không dự được, tiếc ghê. Nhìn hình đám cưới Yên cứ tấm tắc với tụi bạn sao Tính kiếm đâu ra người vợ xinh vậy không biết.
- Ê, bảy năm không gặp mà vẫn không quên đâm chọt người ta. Người như Tính đốt đuốc tìm không ra đó nghen. Thằng bạn nổi xung bào chữa.
Nheo mắt nhịn cười, Yên đá lông nheo với Vân:
- Sao tìm ra được, đặc biệt quá mà tìm sao ra, heng?
Cả đám phì cười trước dụng ý quá rõ ràng của Yên. Quả thật nhìn vào ai cũng nghĩ Tính may mắn. Vân trắng trẻo, xinh xắn, cao ráo, và đặc biệt rất ít nói. Tính đen như dân xứ biển, thấp hơn vợ, và miệng thì láu táu không ngừng. Nhưng Yên biết đằng sau vẻ ngoài không đặc biệt đó là một cái đầu khá siêu và một trái tim cực kỳ tốt. Tính học rất giỏi, ngày xưa thường xuyên được các bạn gái năn nỉ học nhóm chung trong những lớp khoa học tự nhiên tại trường đại học cộng đồng. Tính và Yên thân hồi còn chung hội học sinh Việt Nam thời trung học, nó hơn cô hai lớp. Năm cô vừa lên đại học là lúc nó quyết định qua miền Ðông hai năm làm nghề nail. Nó bảo kiếm đủ tiền sẽ quay về học tiếp, chứ học kiểu này nản quá. Hết năm nay qua năm khác Tính vẫn chưa kiếm ‘đủ’ tiền, đến khi Yên ra trường rồi thì nó tuyên bố không học nữa. Cũng phải thôi, lương Yên làm cả tháng chưa chắc bằng nó trong một tuần. Bây giờ lại thêm vợ con đùm đề, làm sao mà dứt bỏ được để quay về thực hiện ước mơ xưa.

Người bạn ngồi cạnh Tính hỏi Yên:
- Nghe Tính bảo Yên về đây sống luôn hả?
- Ðâu có, một thời gian thôi, sau đó không biết sẽ ra sao. Tương lai Yên còn muốn qua Lào và Campuchia nữa.
- Trời đất, đi gì mà dữ vậy. Xin lỗi cho Thứ tò mò chút, Yên làm gì ở đây?
- Yên đi dạy.
- Yên dạy ở đâu?
- Trung tâm V. đó Thứ.
Thanh, anh trai Vân xen vào:
- Yên cho anh làm học trò với, Yên dạy Anh Văn phải không?
- Xin lỗi anh, Yên chỉ dạy học trò dưới mười bốn tuổi, Yên sợ người lớn lắm.
- Chao ôi, sao mà Yên kì thị tuổi tác vậy, anh thì lại không thể học giáo viên nam hay giáo viên lớn tuổi.
Cả đám lại phá lên cười làm những bàn bên cạnh quay sang nhìn, trong đó có cả ánh mắt quen quen. Khuôn mặt nhìn nghiêng làm Yên chợt nhớ ra, ‘a, người dễ thương ở sân bay ngày nào.’ Hình như biết được Yên đã nhận ra mình, anh chàng khẽ mỉm cười chào rồi quay lưng lại tiếp tục chơi game. Yên hơi ngạc nhiên nhận ra trong bộ thường phục anh chàng trông khác hẳn ngày hôm trước, hiền hơn và cũng trẻ hơn.

Câu chuyện rôm rả một hồi rồi Yên xin phép về để còn dạy ca chiều. Tính hẹn gặp lại vào cuối tuần vì tuần sau vợ chồng nó về Mỹ rồi. Yên đồng ý nhưng ra điều kiện:
- Làm ơn kiếm cái quán dễ thương một chút nghe huynh. Chỗ này thấy ghê quá, Yên tính bỏ về rồi đó.
Thanh cười:
- Ðây là nơi đóng đô của các đại gia và Việt Kiều, đặc biệt là những người về thường trực ba bốn tháng một lần đó. Thanh dẫn Tính vào cho biết đó thôi.
- Ôi, đại gia tiểu gia gì cũng được, Yên ngại mấy chỗ này lắm, lần sau hẹn quán bò bía bột chiên hay kem gì đó, vừa ăn uống ngon miệng vừa tha hồ tán dóc. Vậy nghe, Yên về trước đây, đến giờ dạy rồi.

Nói rồi Yên khoác túi xách vội vã bước ra cửa, không để ý đàng sau có người lẩm nhẩm hoài mấy chữ, ‘dạy Anh Văn tại trung tâm V.’



CHƯƠNG 5

Một phần tư thế kỷ, một phần ba cuộc đời
Ngước lên chờ tiếng gọi, đi giữa dòng nhân gian
Tuổi 25 – Nguyễn An Nhiên


Tranh nhìn đồng hồ rồi tăng ga hối hả chạy về nhà. Hôm nay cô hẹn giúp Nguyên dịch một số văn bản tiếng Anh. Tối qua Nguyên mang vẻ mặt đau khổ sang phòng nói lỡ nhận lời người bạn nhưng bận việc đột xuất làm không kịp. Tám giờ tối nay phải nộp cho toà soạn mà bây giờ đã gần ba giờ chiều rồi, không biết hai chị em có dịch kịp không nữa. Dắt xe vào sân Tranh hơi ngạc nhiên thấy hai chiếc xe máy lạ đậu bên cạnh xe Nguyên và Yên, chẳng lẽ Nguyên quá lo lắng nên đã ‘điều động’ thêm vài người bạn đến giúp. Mỉm cười một mình Tranh tự nhủ Nguyên đúng là Nguyên, chu đáo khủng khiếp. Bước vào nhà chưa kịp tháo găng tay và nón, Tranh giật mình vì tiếng la ‘Surpriseeeeeeeee.’ Cô giơ tay ôm ngực chỗ trái tim, mặt tái đi trong tiếng cười ồn ào của bạn bè lúc này đang hát bài ‘Happy Birthday’ trong khi Yên từ trong bếp đi ra với cái bánh sinh nhật và ngọn nến sáng lung linh. Nhìn quanh Tranh thấy ngoài Nguyên và Yên còn có Khiêm, chị Hà, và hai người cô gái lạ mặt nữa. Tranh lúng túng nhìn quanh hết nói ‘cám ơn,’ ‘em ngạc nhiên ghê,’ rồi hấp tấp đứng lên đi lấy dao và đĩa cắt bánh.
Thấy vậy Nguyên cười bảo:
-Ngồi xuống đi cô bé, hôm nay là sinh nhật của em mà. Chúc em thêm tuổi thêm niềm vui, bớt nỗi buồn, và mãi mãi dễ thương.
Yên đặt bánh giữa bàn, kéo Tranh đến cạnh mình rồi nhắc:
-Tranh thổi nến đi, nhớ nói lời nguyện ước nữa nhé.
Mọi người im lặng khi Tranh nghiêm trang chắp hai tay trước ngực, thầm thì lời nguyện ước. Cô mở mắt ra rồi thổi phù một cái tắt 25 ngọn nến lung linh. Cả bọn vỗ tay cười trong khi chị Hà la to:
-Xin tuyên bố bữa tiệc nhỏ bắt đầu, chao ôi đợi con bé mà bụng mình đánh lô tô luôn.

Đưa tay nhón cái chả giò, Tranh mỉm cười nhìn về phía hai cô gái lạ mặt. Cô gái tóc tém, mang mắt kiếng, chủ động bắt tay Tranh:
-Trâm tên là Trâm, là bạn của Yên. Nghe Yên nhắc đến Tranh nhiều lắm mà hôm nay mới có dịp gặp mặt.
-Hi, mình là Khanh, bạn của Trâm, hôm nay lần đầu được gặp mọi người vui lắm. Cô gái bên cạnh Trâm nhoài người ra bắt tay Tranh, nụ cười rộng đầy ấn tượng như của Julia Robert. Chị Hà ở đầu bàn bên kia nói với sang:
-Nghe nói Trâm và Khanh mới về nước chơi, có cần gì thì nói để tụi chị làm chủ nhà tiếp cho chu đáo nhé.
Khanh cười nheo nheo mắt:
-Dạ cám ơn chị, nếu được một anh đẹp trai dẫn em đi đây đi đó thì tốt quá.
Cả bọn cười ầm, Yên đá đá chân Khiêm:
-Ừm à, có cơ hội mà không lên tiếng hả người anh em của ta.
Khiêm chưa kịp trả lời đã bị Trâm bạo dạn nhảy vào:
-Không được, hôm bữa Yên nói ‘để dành’ em họ Yên cho Trâm mà. That’s not fair.
Cả đám bật cười khiến Khiêm đỏ mặt tía tai, lật đật đưa hai tay lên trời:
-Cho Khiêm đầu hàng, hôm nay mình thiểu số rồi.

Thấy bộ dạng Khiêm tội nghiệp quá Tranh vội chuyển đề tài:
-Em mở quà ra nghen, nhìn đẹp quá nên không thể đợi đến lúc mọi người về được.

Cô cẩn thận mở từng món quà, xếp gọn giấy hoa qua một bên rồi mới mở xem quà bên trong hộp. Quà chị Hà là cuốn sách mới ra ‘Hoa Hồng trong Cặp Sách’ dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Nguyên tặng cô cuốn tự điển ‘The Essential Dictionary of the Difficult Words’ mà cô tìm đã lâu, không hiểu sao Nguyên biết cô cần nó. Cuốn sách này ở Việt Nam không có. Như hiểu được thắc mắc của Tranh, Nguyên bảo, ‘Chị nhờ em chị lúc đi công tác ở Sing mua giùm. Chị nghe em hỏi Yên hôm bữa nên biết em cần. Chị mua cho em để chị xài ké nữa.’ Quà Khanh là sáu cây viết màu có mực lung linh rất đẹp, còn Trâm thì tặng cô một xách tay nhỏ vải kaki trông thật bụi bặm. Món quà cuối cùng là một cuộn giấy tròn, Tranh cẩn thận trải ra trên sàn nhà rồi lấy chén sạch chặn bốn góc. Mọi người chồm lại xem và ồ lên khen ngợi.
-Chao ơi, nét chữ đẹp quá, viết theo kiểu thư pháp đây mà.
-Ừ, mực pha kiểu gì mà có màu óng ánh trông hay ghê.
-Thơ hả, em đọc đi Tranh.
Tranh xúc động ấp hai bàn tay lên má rồi nhìn Yên cười:
-Chị đọc nghen, thơ chị mà chị đọc sẽ hay hơn.

Khẽ gật đầu Yên nhắm mắt lại, im lặng một chốc rồi cất giọng ngâm:

Một phần tư thế kỷ
Một phần ba cuộc đời
Hai lăm dài năm tháng
Theo từng bước chân đi

Một phần tư thế kỷ
Một phần ba cuộc đời
Đã biết mình chưa nhỉ
Hay vẫn còn phân vân

Ngày xưa mẹ tuổi ấy
Đã tay bế tay bồng
Ngày nay mình người lớn
Xin chọn đời lang thang

Một phần tư thế kỷ
Một phần ba cuộc đời
Ngước lên chờ tiếng gọi
Đi giữa lòng nhân gian

Yên ngừng một hồi lâu mà vẫn chưa ai cất tiếng. Tranh đứng dậy đi vòng qua bàn giơ hai tay ôm lấy Yên.
-Cám ơn chị, không ngờ có một người xa lạ lại có thể hiểu em hơn bản thân mình.
Quay sang mọi người cô nói:
Cám ơn mọi người, cám ơn các anh chị. Đây là lần đầu tiên em cảm thấy sinh nhật có ý nghĩa như vậy.

Chị Hà đứng dậy phá vỡ không khí nghiêm trang:
-Ôi con nhỏ mu khóc, sinh nhật phải cười lên nhiều chứ. Mà nè, Yên nó chỉ cho em sống có 75 tuổi thôi đó nghen.

Câu nói làm Tranh cười phì, lắc lắc đầu chịu thua chị Hà. Trong lúc mọi người dọn dẹp để chuẩn bị ra quán cà phê theo lời mời của Trâm và Khanh, Yên kéo tay Tranh nói:
-Thơ là chị làm, còn thư pháp là tác phẩm của Khiêm đó nghen. Chị làm sao viết được như vậy. Hắn học thư pháp gần sáu năm rồi đó. Hắn nắn nót viết bài thơ hết cả ngày trời, hình như bỏ gần kí lô gam giấy đó em.

Tranh nhìn về phía Khiêm tỏ vẻ cám ơn, anh chàng hiền lành gật đầu rồi phụ Nguyên bưng bàn xếp vào góc. Và hình như một nốt nhạc nào ngân lên trong tim Tranh.

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9