ĂN RAU HAY ĂN THỊT
quang_tam 24.10.2008 19:37:12 (permalink)
0
Copy từ link : http://phattuvietnam.net/dd/viewtopic.php?t=2778
ĂN RAU HAY ĂN THỊT
Mỹ Đức Phạm Kim Dung


Giống như đôi mắt là cửa ngõ tiếp xúc và tiếp thu những cái hay của vũ trụ bên ngoài, cái miệng của chúng ta cũng vậy.
Trước hết nhờ cái miệng mà ta có phương tiện truyền thông giao tiếp với mọi người. Khi vừa lọt lòng mẹ, nếu em bé cứ im lặng, bà mụ thường vỗ vào mông em bé mấy cái để em đau mà khóc to lên. Nhờ đó mà người ta biết tình trạng sức khỏe của em. Cũng ngay ngày mới chào đời và những ngày sau đó, nếu em bị đói hay bị đau, em đã biết dùng miệng để khóc báo động cho mẹ em.

Tục ngữ Việt Nam có câu " con không khóc thì mẹ không cho bú" là thế. Lớn lên với cái miệng này, người ta biết nói lời yêu thương, chia sẻ, cảm thông, hay lời cay đắng, thù hận, chia rẽ. Ở những người có tài hùng biện thì cũng qua cái miệng người ta diễn đạt những tư tưởng mới lạ hay hô hào quần chúng thực hiện những chuyện đội đá vá trời, làm thay đổi và ảnh hưởng đến cuộc đời của bao nhiêu triệu triệu sinh linh có khi không chỉ ở trong một nước mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác. Cụ thể như cái miệng của thánh Gandhi đã giúp dân Ấn Độ dành lại độc lập dân tộc, của Mussolini, trùm phát xít Ý, của Hitler, của Lenin, trùm cộng sản đã gây bao thương tang tóc cho nhân loại....

Nếu nói mắt đem đến cho chúng ta những tinh hoa của thế giới để tăng trưởng kiến thức và các giá trị tinh thần cho con người, thì cái miệng là "cửa khẩu" đem đồ ăn từ, bên ngoài vào nuôi sống cơ thể con người. Ăn uống đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển cơ thể vật lý của chúng ta. Ở những nước nghèo, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, gần như người dân trong cả nước suốt đời quay cuồng, tranh đấu để kiếm miếng ăn nuôi thân. Điển hình như người dân nước ta. Vì vậy, trong văn chương bác học và bình dân Việt Nam có biết bao nhiêu tục ngữ, ca dao nói đến cái ăn. Từ lâu lắm rồi ăn uống đã nhanh chóng trở thành cái khoái thứ nhất trong tứ khoái của loài người. Không ai có thể sống mà không ăn uống ngoại trừ những bệnh nhân phải nuôi bằng ống dinh dưỡng kể cả những người đang sống đời sống thực vật. Tức là cơ thể vẫn còn vài hoạt động cơ bản như tiếp nhận được đồ ăn qua ống truyền vào và bài tiết ra nhưng đã hôn mê rất sâu, trí óc không hoạt động nữa. Từ ngàn xưa, ngành y khoa của nhiều nước đã cố công tìm ra nhiều cách ăn uống để giúp con người sống lâu và sống khỏe. Các đầu bếp khắp nơi cũng gia công tìm tòi những kỹ thuật và kỹ xảo nấu nướng để đem đến cho người người những món ăn ngon và độc đáo hơn. Cho đến gần cuối thế kỷ thứ 20 nhiều người và nhiều chuyên gia dinh dưỡng vẫn tin rằng thực phẩm tuyệt hảo cho con người là các loại thịt, cá. Cũng chính vào gần cuối thế kỷ 20 này, khi ngành y khoa hiện đại của các nước giầu mạnh như Mỹ, Nhật...phát hiện ra ba chứng bệnh gây tử vong cao nhất cho người dân của họ là ung thư, tim mạch và tiểu đường thì các quan điểm về dinh dưỡng hoàn toàn thay đổi. Và đó chính là mục đích của bài viết này.

Ngày nay không một bác sĩ nào ở Mỹ dám khuyên bệnh nhân nên ăn thả dàn nhiều loại thịt, nhiều mỡ, trứng, đường, nhiều phô-ma, nhiều kẹo bánh, uống nhiều rượu... Khoa dinh dưỡng nhi đồng cũng thay đổi nhiều lắm. Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh nên các trẻ em dù chỉ hai hay ba tuổi mà nặng ký hơn mức trung bình là các bác sĩ gia đình đã khuyến cáo một chế độ dinh dưỡng thích hợp để đề phòng chứng béo phì và các bệnh tim mạch sau này. Các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng chứng xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính đưa đến đột quỵ (heart attack) và tai biến mạch máu não (strokes). Nguyên nhân làm các động mạch chủ bị xơ vữa vì người ta ăn quá nhiều mỡ trong các loại thịt. Họ cũng thấy những người bị bệnh thống phong (gout) là những người thường ăn hải sản và thịt bò nhiều khiến lượng acid uric tăng lên và tích tụ ở các khớp gối, khớp xương, gây đau nhức, sưng vù và không đi lại hay cử động dễ dàng được. Trước đây người ta cho rằng chứng rỗng xương, loãng xương (osteoperosis) chỉ xảy ra cho các phụ nữ Á châu bé nhỏ, thiếu dinh dưỡng, sinh nở nhiều.

Nhưng bây giờ ngay tại Mỹ này số quý ông trung niên ngoài 40 tuổi, cao to, khỏe mạnh bình thường và quý lão ông, lão bà khoảng 60 trở lên bị bệnh rỗng xương lên đến con số báo động. Nói một cách nôm na, những người này từ khi sinh ra cho đến khi bị phát hiện các bệnh về xương chắc mỗi người cũng đã ăn đến hàng tạ hay hàng tấn thịt đủ loại và uống hàng tấn sữa. Đã có một số khuyến cáo y tế về các bệnh xương này vì giới hữu trách cho rằng trong những năm sắp tới tử vong do rỗng xương gây ra có thể sẽ đứng hàng thứ tư sau ba bệnh đã nói ở trên. Các nghiên cứu y khoa cho rằng nguyên nhân chính của các bệnh rỗng xương chính là sự tiêu thụ quá nhiều chất đạm động vật. Ở Việt Nam hôm nay, tuy chưa có những nghiên cứu đáng kể nào về các bệnh đáng nói ở trên, nhưng khi gặp một người khoảng 50 tuổi trở lên, người ta có thể hóm hỉnh nói rằng anh hay chị có "3 cao và 1 thấp". 3 cao là cao máu, cao mỡ, cao đường và 1 thấp là tuổi cao, sức khỏe thấp. "Thấp" ở đây cũng có thể hiểu là chiều cao ở người có tuổi thường bị giảm bởi những thay đổi về cấu tạo của xương.

Chúng ta ai cũng biết rằng khi lớn tuổi thì quá trình trao đổi chất (metalbolism) trong cơ thể sẽ bị chậm lại và "3 cao" nói trên đều do thực phẩm đem vào. Hẳn ai cũng đồng ý rằng cái miệng chúng ta không chỉ là một trong những cửa ngõ đón nhận vi trùng mà còn là nơi đem vào những bệnh tật cho cơ thể nếu không biết chọn lọc thực phẩm hằng ngày. Vì vậy các chuyên viên dinh dưỡng đều khuyên người ta, đặc biệt là người lớn tuổi, mỗi ngày nên có chế độ ăn uống nhiều rau quả, củ, trái cây, các hạt đậu (nuts), dùng nhiều chất đạm của đậu nành (soy protein), chỉ nên ăn trứng, thịt nạc trắng (gà và cá) vài lần một tuần mà thôi, thịt đỏ ( heo, bò) cần hạn chế đến mức tối đa cho người trẻ.

Ăn như thế rất giống cách ăn chay của đạo Phật. Giống nhưng không phải là ăn chay vì ăn chay theo tinh thần Phật giáo là chỉ ăn rau củ, trái cây, ngũ cốc; có thể uống sữa, ăn trứng và phô ma nếu cần và thích; nhưng tuyệt đối không ăn thịt, cá dù là những con sứa (jelly fishes), hải sâm (sea cucumbers) hay một vài động vật khác không có máu đỏ.

Những lời khuyên về dinh dưỡng nói trên là những bước đột phá của y khoa trong nghiên cứu dinh dưỡng cho con người (không còn xem thịt động vật là nguồn dinh dưỡng tuyệt hảo nữa) và đưa con người trở về gần với thiên nhiên hơn để sức khỏe tốt hơn.

Cách ăn chay của đạo Phật mới thật là đem thiên nhiên vào cơ thể. Theo đạo Lão, ai biết sống hợp với vũ trụ là sống hợp với lý đạo tự nhiên, người đó sẽ sống lâu, sống khỏe, sống an lạc. Vậy chúng ta thử xét xem ăn rau quả có thể đem đến cho ta những lợi ích gì.
#1
    quang_tam 24.10.2008 19:42:11 (permalink)
    0

    NHỮNG ÍCH LỢI CỦA ĂN RAU QUẢ VỀ PHƯƠNG DIỆN VẬT CHẤT

    1-Sức Khỏe Tốt. Trẻ Lâu. Ngăn Ngừa Ung Thư Các Loại, Các Bệnh Tim Mạch, Xốp Xương, Rỗng Xương, Các Bệnh Truyền Nhiễm Và Đau Nhức.

    Khi nói đến ăn chay nhiều người thường nghĩ là chỉ ăn rau quả sẽ mất nhiều sức khỏe, cơ thể sẽ suy dinh dưỡng, yếu đuối rồi kiệt sức và chết; còn nếu sống thì chỉ sống lay lất mà thôi. Trong thực tế đã có nhiều vận động viên điền kinh, thể thao trong các giải Olympics hoặc các cuộc tranh tài thể thao thế giới khác là người ăn chay trường. Albert Einstein, nhà khoa học và cha đẻ của thuyết tương đối cũng là người ăn chay, không ăn thịt. Các tăng sĩ Phật giáo khắp nơi trên thế giới từ bao thế kỷ qua là những người sống vui, sống khỏe mà chỉ ăn rau quả.

    Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ai cũng thấy ngày nay có nhiều người ăn rau quả nhưng sống khỏe mạnh, làm việc bình thường như mọi người khác trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong lịch sử loài người chưa ai chết vì chỉ ăn rau quả mà không ăn thịt cá. Nhưng nếu trong một thời gian dài chỉ ăn thịt cá mà thôi hoặc chỉ ăn thịt cá và rất ít rau quả, người ta sẽ chết vì các chứng suy nhược cơ thể do thiếu các vitamins, hoặc chết vì bệnh loét và ung thư tá tràng và trực tràng vì thiếu các chất xơ trong việc tiêu hóa và bài tiết. Ai cũng biết để phòng ngừa táo bón và bệnh trĩ, người ta phải ăn nhiều rau quả mỗi ngày. Rau quả cung cấp chất xơ mà người ta không tìm thấy trong thịt cá, trứng sữa. Và ai cũng biết rau và trái cây là nguồn cung cấp dồi dào nhất các loại vitamins, khoáng chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Trứng và sữa cũng chỉ có một số vitamins mà thôi, không đáp ứng được các nhu cầu cần thiết của cơ thể. Đối với loài vật, có nhiều loài không ăn thịt như trâu, bò và ngựa là những con vật rất gần gũi với đời sống nông nghiệp của chúng ta bao ngàn năm nay. Ngạn ngữ Việt Nam có câu "khỏe như trâu", "làm như trâu", "làm thân trâu ngựa" để chỉ sức dẻo dai, chịu đựng gian khổ của những con vật này, những con vật suốt đời chỉ ăn cỏ mà thôi.

    Cơ thể con người hằng ngày cần một số năng lượng để có thể sinh hoạt bình thường. Rau và trái cây không cung cấp đủ số năng lượng đó. Vì thế người ăn chay đã tìm năng lượng cần thiết đó ở gạo, ngũ cốc, và nhất là ở đậu nành. Từ bao ngàn năm trước, người Nhật, Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam đã biết chế biến đậu nành thành nhiều loại thực phẩm lành mạnh như đậu phụ, đậu hũ, tàu hũ ky(phù chúc), sữa đậu nành, xì dầu, các loại tương để rồi từ đây qua bàn tay khéo léo và sáng tạo, các bà nội trợ ở các nước trên đã nấu thành bao món ăn ngon, bổ khác nhau. Có thể nói đậu nành là nguồn chính cung cấp chất đạm (protein) nhiều nhất cho chế độ ăn rau quả. Mỹ là nước trồng đậu nành nhiều nhất trên thế giới nhưng trước đó đậu nành được xem như một loại đồ ăn cho gia súc. Tuy phương tây chỉ biết đến đậu nành là thực phẩm bổ dưỡng cho con người vào thế kỷ 20 nhưng chính các nghiên cứu của họ gần đây cho biết đậu nành đem rất nhiều ích lợi cho phụ nữ như có thể giảm thiểu nguy cơ ung thứ vú và tử cung tới mức tối đa; giảm hoặc không hề bị những cơn nóng bừng (hot flash), chứng u sầu (depression), sự bần thần khó chịu, mỏi mệt... của quý bà khi đến tuổi mãn kinh. Ở một số phụ nữ khác, ăn nhiều đậu nành giúp cho làn da tươi sáng, mịn màng. Quý ông nếu ăn đậu nành, nguy cơ bị ung thư nhiếp hộ tuyến giảm đáng kể. Trong đậu nành có các chất protease inhibitores, phytates, phytosterols, saponins, phenolic acids, lecithin, chất béo omega-3, đặc biệt là hai chất insoflavones và chất genistein. Tất cả những chất nói trên đem đến cho người thường ăn những lợi ích sau đây:

    1-ngăn ngừa sự phát triển các tế bào ung thư;

    2-chống ốc xy hóa (antioxydant), bảo vệ các tế bào bình thường không bị nguy hiểm vì sự tấn công của các chất gây ra ung thư;

    3-ở phụ nữ, các chất trên giúp ngăn cản sự gia tăng của chất estrogen trong buồng trứng gây ra bởi thặng dư chất béo trong cơ thể, nhờ vậy giảm nguy cơ ung thư vú và tử cung;

    4-ở quý ông, các chất trên cũng làm giảm số lượng androgens (tạo nên bởi số lượng lớn chất béo trong cơ thể). Nếu lượng androgens giảm, nguy cơ bị ung thư nhiếp hộ tuyến cũng giảm theo;

    5-giảm bệnh xốp xương và loãng xương vì các nghiên cứu cho biết càng ăn nhiều protein động vật, cơ thể càng mất nhiều calcium trong quá trình tiêu hóa;

    6-chất béo omega-3 trong đậu nành (tốt hơn omega-3 trong dầu cá và trứng) giúp ngăn ngừa sự phát triển các bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não, xơ cứng động mạch, cao áp huyết và làm giảm cholesterol. Lượng cholesterol trung bình của ngưỡi ăn rau quả là 133, trong khi lượng trung bình của người ăn thịt là 210. Nên nhớ rằng omega-3 trong dầu cá và trứng là những chất dễ gây xáo trộn chất insulin rồi gây ra tiểu đường;

    7-chất lecithin là một hóa chất khác rất đặc biệt của đậu nành. Ngoài cộng dụng cải thiện hệ tuần hoàn, tăng cường khả năng đề kháng (hệ thống miễn nhiễm) của cơ thể, chất này còn là chất nuôi dưỡng tế bào não, hệ thần kinh tốt nhất và giúp gia tăng trí nhớ;

    8-chất genistein còn chống lại bệnh sưng khớp xương, bệnh đau nhức ở bắp thịt và khớp xương. Người ăn đậu nành gần như không bao giờ bị bệnh thống phong (gout).

    Các nhà bảo vệ súc vật ước tính trung bình một người Mỹ từ 5 tuổi đến năm 75 tuổi ăn khoảng 3.640 con gà. Chỉ tính trung bình một con khoảng gần 1kg thôi, thì một người Mỹ cả đời ăn khoảng 3,000 kg thịt gà, chưa kể các loại thịt khác và hải sản. Còn người Việt Nam thì sao? Nước ta vốn nghèo. Khi ở Việt Nam ít ai có cơ hội ăn nhiều thịt thỏa thích. Người Việt cũng mới qua Mỹ ở tối đa là 33 năm tính đến thời gian này. Cứ cho trung bình một người Việt khoảng 70 tuổi ở Mỹ 33 năm ăn khoảng 1,000kg thịt cá đủ loại và một người Việt độ 70 tuổi ở trong nước ăn khoảng 100kg thịt cá đủ loại thì vẫn thấy số thịt cá người ta ăn dù Mỹ hay Việt cũng nặng hơn số trọng lượng cơ thể rất nhiều. Người Mỹ nặng 220 pounds (khoảng 100kg) là qúa béo rồi. Người Việt cân nặng khoảng 85 kg cũng xem là quá mập rồi. Trong cơ thể con người, tế bào thần kinh khi bị lão hóa thì không có tế bào thần kinh khác thay thể. Tất cả các tế bào còn lại đều được thay thế khi già lão và bị hủy diệt. Xem thế thì cơ thể con người sau khi cha mẹ sinh ra cho đến khi trưởng thành và chết phần lớn phát triển do vay mượn từ thịt cá. Đúng như lời kinh sám hối đức Phật dạy, người ta không thể nhớ hết, đếm hết số lượng động vật người ta đã sử dụng để trưởng dưỡng thân thể này:

    "...Ví như thây ướp hằng còn
    Từ xưa chất để nên hòn núi cao
    .......
    Xét ra thì thịt xương này,
    Lại là xương thịt muôn thây tạo thành...."

    Có nhiều người Mỹ hay nhiều thanh thiếu niên Việt Nam sinh ra hoặc lớn lên tại Mỹ không có cảm xúc gì khi ăn miếng thịt heo, bò dọn trên đĩa vì không nhìn thấy toàn cảnh con vật bị chế biến thành đồ ăn như thế nào. Nhưng nếu nhìn thấy cả con heo quay, cả con chim cút hay bồ câu dọn trong tô, trên đĩa thì họ rất xúc động không muốn ăn nữa và thường tự hỏi những con vật đó có tội lỗi gì mà bị như thế. Đó là những điểm sáng lóe lên từ lòng từ bi trắc ẩn với muôn loài và là khởi điểm hình thành những hội bảo vệ súc vật ở Mỹ và thúc đẩy nhiều người Mỹ ăn rau quả. Điều này cũng lại rất đúng với lời kinh Phật từ xưa:

    "....Cũng có lúc lòng lành bất nhẫn
    Nghe tiếng kêu hối hận giật mình
    Máu me ràn rụa thân hình
    Mắt trộng cảnh thảm động tình xót xa
    Con nguyện hứa thứ tha tất cả
    Lòng dặn lòng cải hóa tự thân
    Học đòi theo bậc triết nhân
    Tạm dùng rau trái nuôi thân qua ngày...."

    Sẽ không thể nào có được công bằng thực sự nếu con người chỉ tranh đấu và thực hiện bình đẳng giữa người và người. Mạng sống của loài vật cũng cần phải tôn trọng và bảo vệ vì chúng cũng biết đau đớn, oán hận khi bị giết hại, hành hạ; biết yêu thương, tri ân khi được đối xử tử tế. Lấy sanh mạng của những con vật ngu khờ, yếu đuối hơn mình để nuôi dưỡng cơ thể cũng giống như người ỷ quyền lực áp bức, hà hiếp người cô thế. Thử tưởng tượng nếu có một loại sinh vật thông minh, khỏe mạnh hơn loài người ở một giải thiên hà nào đó thích ăn thịt loài người chúng ta và họ sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại hơn chúng ta để bắt chúng ta ăn thịt. Chúng ta sẽ kinh hoàng, đau thương, thù hận đến thế nào. Sát sanh, gián tiếp hay trực tiếp, là một trong những ác nghiệp tạo nên duyên khởi trùng trùng khiến người ta trôi nổi trong luân hồi. Những người có nghiệp sát sanh nặng thường sống trong những khu vực chiến tranh và chịu hậu quả của chiến tranh dưới nhiều hình thức. Họ cũng có thể bị những chứng bệnh nan y, trầm kha hoặc sức khỏe yếu kém để chịu những nỗi thống khổ về thể xác và tinh thần. Người có sát nghiệp nặng cũng hay bị những tai nạn thảm khốc, bất đắc kỳ tử và chết không toàn thây. Có người nghĩ rằng ăn thịt cá không phải là sát sanh vì chỉ đi chợ mua thôi. Xin nhớ rằng nếu không có cầu sẽ không có cung. Không có người cần thịt cá thì sẽ không có lò sát sinh. Lò sát sinh là nơi trực tiếp lấy đi sinh mạng súc vật. Người tiêu thụ là động cơ gián tiếp thúc đẩy hoạt động của lò sát sinh. Cả hai bên đều chia sẽ sát nghiệp với nhau rồi tùy theo nhân duyên mỗi cá nhân mà cái quả của nghiệp sát thay đổi. Từ xưa ngạn ngữ Trung Hoa đã có câu:

    "...Xưa nay trong một bát canh
    Oán sâu như bể, hận bằng non cao.
    Muốn hay nguồn cội chiến tranh
    Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh..."

    Ngày nay người Mỹ gọi cách nấu ăn hoàn toàn bằng rau quả là humanese cuisine và ăn chay là humanese diet, tạm dịch là cách nấu ăn nhân bản/ cách ăn nhân bản. Điều này rất phù hợp với lời nói của Khổng Tử về bản chất nhân hòa, từ ái của con người "nhân chi sơ, tính bản thiện". Cũng có người cho rằng nấu ăn rau quả mà còn lấy tên những món đồ mặn để gọi là tâm còn tham tưởng đến cá thịt. Điều này không đúng. Mỗi món ăn là một một nghệ thuật, một quá trình sáng tạo tích lũy kinh nghiệm của cả một địa phương trong một nước. Tổng hợp các món ăn uống của một nước được gọi là văn hóa ẩm thực. Những chữ "văn hóa ẩm thực" cho thấy một lịch sử nấu nướng và ăn uống lâu dài bao gồm nhiều thế hệ của một dân tộc. Mà cách nấu chay thì không được phổ biến nhiều như cách nấu đồ mặn nên các bà nội trợ ở khắp nơi dùng tên món mặn để gọi thiết nghĩ vì hai lý do sau đây. Trước hết, mỗi món chay cũng cần có một tên gọi để phân biệt. Sau nữa, vì nấu chay không có chiều dài sáng tạo như nấu các món mặn nên các bà nội trợ nhìn món mặn mà làm ra món chay để đáp ứng nhu cầu trước mắt của người ăn đồng thời biểu lộ tài khéo léo của mình.
    #2
      quang_tam 24.10.2008 19:45:20 (permalink)
      0
      NÊN AN RAU QUẢ THẾ  NÀO ĐỂ CƠ THỂ KÊ KHOẺ MẠNH?

      Một khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể phải bao gồm thực phẩm có chất đạm(protein), các loại vitamins và muối khoáng, chất bột (carbonhydrate), chất xơ, một ít chất béo không bão hòa và một ít chất đường. Trung bình một người cần khoảng 2,000 calories lấy từ thực phẩm để có đủ năng lượng cho các hoạt động hằng ngày.. Người mới bắt đầu ăn rau quả củ thuần túy thường có cảm giác lúc nào bụng cũng nhẹ, mau đói và thường thích ăn lặt vặt suốt ngày vì cơ thể chưa hoàn toàn thích ứng với việc thay đổi chất đạm động vật bằng chất đạm thực vật. Điều này sẽ nhanh chóng chấm dứt tùy theo cơ thể mỗi người và mỗi tuổi.

      Ở người tuổi trẻ, cơ thể khỏe mạnh tình trạng trên có thể kéo dài đến một năm rưỡi hay hai năm. Ở người lớn tuổi hơn, quá trình trao đổi chất trong cơ thể đã chậm (slow metalbolizers) thì trong khoảng vài tháng. Điều quan trọng nhất là phải ăn đủ các chất đạm đậu nành (soy protein). Nếu ăn không đủ chất protein của đậu nành, người ta phải tìm nguốn protein khác thay vào. Nói cách khác, nếu không đủ chất đạm ở đậu nành, người ta sẽ ăn rất nhiều tinh bột để bù vào số lượng chất đạm bị thiếu. Người ta sẽ ăn nhiều cơm, xôi, bánh mì, mì, bánh ngọt, các loại, chè, các loại bánh cổ truyền của người Việt như bánh bao, bánh nậm, bánh bèo, bánh tráng, bánh giò....Họ cũng có thể ăn nhiều chất có đường khác. Và sẽ lên cân rất mau. Sau đây là một chút kinh nghiệm giúp cho việc ăn rau, củ, quả thuần túy được dễ dàng lúc đầu. Nên nhớ ăn uống chỉ là một thói quen. Thường khó thay đổi một thói quen nhưng không phải là không đổi thay được.

      1-Ăn đủ loại rau, quả, củ khác nhau.

      2-Ăn ít chất bột (carbonhydrate). Số lượng chất bột này phải tự giới hạn. Chẳng hạn mỗi bữa chỉ ăn từ 1-2 chén cơm hay 1 ổ bánh mì.

      3-Ăn đủ lượng protein cần thiết bằng cách ăn nhiều đậu phụ hấp, luộc, nướng, đậu hũ với nước đường hoặc không đường, đậu nành tươi luộc, hấp, xào để có đủ protein không làm đói bụng mau. Trung bình mỗi ngày có thể ăn đến khoảng 1/2 miếng đậu phụ trắng bán ở chợ Việt Nam hay 2/3 hộp đậu phụ của Nhật hay Đại Hàn. Nếu bạn là người ăn chay bình thường thì nếu cần và nếu thích có thể uống sữa, ăn phô-ma, ăn yogurt, vì đó là nguồn cung cấp chất đạm rất cao. Bạn cũng có thể ăn trứng nếu thích. Nhưng đây chỉ nên cho giai đoạn đầu làm quen với chế độ ăn rau quả. Về lâu, về dài, ăn trứng không tốt ở nhiều khía cạnh khác. Nếu là một olvo-lactose vegetarian (người ăn rau quả mà không thể uống sữa tươi và không được ăn trứng, ăn phô-ma), bạn có thể uống sữa đậu nành, sữa hạt mè đen hay trắng (dưới dạng nước hay bột), ăn phô-ma làm bằng đậu nành(soy cheese) hoặc các loại egg substitute hoàn toàn không có trứng.

      4-Ngoài các bữa chính mỗi ngày nên ăn thêm vài bữa phụ (snacks) trong ngày với các loại đậu hạt là nguồn chất đạm, vitamins và chất muối khoáng rất tốt (hạt bí, hạt dẻ, hạt điều, hạt hướng dương, hạt đậu nành, đậu phụng, hạnh nhân, walnuts, hazelnuts, macadamia, pecans....) hoặc các loại bánh làm hoàn toàn bằng hạt mè đen hay hạt mè trắng. Các loại hạt cũng giúp no lâu hơn trái cây. Ngoài đậu nành, các loại hạt trên còn được chế biến thành các loại nước uống tuyệt ngon dưới dạng chất lỏng hay bột. Các loại đậu khác như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu kidneys, đậu lentils, đậu Hòa Lan, bắp... cũng hạn chế vì có nhiều tinh bột.

      5-Đồ ăn chay thường không mùi vị vì không dùng nước mắm nên nhiều người thường thấy nhạt nhẽo. Khi nấu ăn có thể dùng một chút chao để nêm đồ ăn hoặc làm nước chấm để đồ ăn có vẻ "nặng mùi" giống đồ mặn.

      6-Ngoài các loại bột nêm thông thường làm từ rau, củ, quả, có một loại gia vị không hình tướng nhưng làm đồ ăn tăng thêm hương vị đặc biệt. Đó là gia vị "tình thương". Hãy gửi đến những món rau quả bạn đang nấu tất cả tấm lòng thương yêu, trân trọng, lời cảm ơn thiết tha, ân cần cùng với những lời chú nguyện chân thành. Những món ăn bạn nấu sẽ đem đến người ăn những cảm giác thú vị và thoải mái. Xin nhớ rằng năng lượng tỏa ra từ một người hay một sinh vật có những ảnh hưởng đặc biệt đến môi trường chung quanh. Điều này hôm nay đã được các khoa học gia Nhật thí nghiệm và chứng minh là đúng. Đó chính là lý do vì sao tại các già lam, tự viện ở Trung Hoa ngày xưa người đứng nấu bếp không phải là những người bình thường thích làm công quả như ở các chùa Việt Nam mà phải là các thiền sư đã chứng ngộ.

      7-Nếu thích đồ ăn có mùi tanh giống như cá tôm, có thể dùng các loại rong biển khô, tươi để nấu nướng.

      8-Quân bình âm dương cho các loại rau quả ăn hằng ngày rất quan trọng. Theo Osawa, người Nhật đã phát sinh ra cách ăn gạo lứt, muối mè được nhiều người khắp nơi biết đến, trong rau, củ, quả chỉ có gạo lứt, đậu đỏ, cà rốt, bí đỏ, mè đen, quả lêkima( quả trứng gà hay quả ô ma ở Việt Nam) là dương mà thôi. Tất cả các loại rau quả khác đều là âm tính , hoặc có dương tính nhưng rất thấp. Cho đến nay khoa học tây phương chưa chứng minh được điều này. Nhưng trong thực tế, những người ăn chay trường lâu ngày, vì chỉ ăn rau quả, nên thường thấy trong người mát mẻ, dễ chịu, ít khi khó chịu vì thời tiết nóng nực, có người còn dễ bị lạnh nữa. Có thể đây là ảnh hưởng của âm tính do rau quả đem đến. Bầu, bí, mướp, các loại cà, măng ăn nhiều trong người dễ uể oải. Riêng những người bị đau khớp, phong thấp không nên ăn cà pháo, cà tím, cà bát vì làm tăng thêm đau nhức và nhức mỏi. Có thể uống trà gừng hoặc uống nước gừng đun sôi hằng ngày vì gừng không chỉ là một một loại gia vị mà còn là một vị thuốc giúp quân bình âm dương và nóng lạnh trong cơ thể rất tốt. Gừng cũng có tác dụng sát trùng, tẩy độc, làm êm dịu bao tử, giúp không bị say sóng, nôn mửa.

      Tài Liệu Tham Khảo

      Quan điểm ăn chay của đạo Phật, Tâm Diệu, 1998.
      Nghi thức Tụng niệm, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, 1978
      Ăn chay-Sát sinh và Quả báo, Tịnh Tông Học Hội, 2008.
      http://www.happycow.net
      http:www.goveg.com
      www.TryVeg.com ; www.TopTenUSAsites.com www.VeggieConnection.com
      http:www.ChooseVeg.com http://www.lifedynamix.com

      MỸ ĐỨC PHẠM KIM DUNG
      (Việt Báo Thứ Tư, 9/10/2008, 12:02:00 AM)

      Bạn muốn nấu các món chay, rất dễ dàng:
      Năm Mươi Món Ăn Chay, Recipe by Chân Thiện Mỹ & Mrs. Apple
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9