[url]TIỂU SỬ PHƯƠNG TRIỀU
Viet duong nhan 26.10.2008 06:44:15 (permalink)
TIỂU SỬ PHƯƠNG TRIỀU



Phương Triều
Sanh tại Sa-đéc. Dạy học (Trung học tư thục Cộng Hòa, đường Trương Minh Giảng, Sài-gòn).
Gia nhập làng báo Sài-gòn năm 1959. Khóa 23 Trường Bộ Binh Thủ Ðức.
Sĩ quan Báo chí Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa (1967-1975).
Ðịnh cư tại Hoa Kỳ ngày 19 tháng 4-1994, theo diện HO 23.

Ðã xuất bản:


  • Còn Nhớ Còn Thương (Tập truyện, Sông Hậu xb, Sài-gòn 1966)
  • Tiếng Hát Hoàng Hôn (Tập truyện, Sông Hậu xb, Sài-gòn 1969)
  • Sầu Hương Phấn (Tập truyện, Sông Hậu xb, Sài-gòn 1972)
  • Thơ Phương Triều (Thơ, Tình Thương xb, California 1995)
  • Trăm Bài Thơ Xuân (Thơ, Lê Huỳnh xb, Minnesota 2000)
  • Xóm Mộ (Thơ, Lê Huỳnh xb, Minnesota 2001)
  • Giọt Sữa Ðất (Thơ, Lê Huỳnh xb, Minnesota 2002)


Sẽ xuất bản:
- 39 Tác Giả Viết Về Phương Triều
- Kỷ Niệm Văn Nghệ Sĩ, Ký Giả và Thân Hữu (Tập I)
- Chuyện Tào Lao


***
 


BẰNG HỮU VIẾT VỀ PHƯƠNG TRIỀU

· LÊ TAM CA

Phương Triều khởi đầu nghiệp cầm bút của ông năm 17 tuổi (1958) bằng những bài thơ. Nhưng ông sống với ngòi bút bằng những bài báo. Đã đi lính, đi tù “cải tạo”, Phương Triều tới Mỹ cách đây ít lâu, lại trở về với thơ. Thơ ông giản dị và trong sáng – pha chút dí dỏm của Tú Xương, Tú Mỡ. Mỗi bài thơ là một câu chuyện nhỏ, và thường là tự truyện. Tự truyện của Phương Triều xem ra cũng là truyện của một thế hệ: những người ở lứa tuổi trên 50 hôm nay, mấy ai không trải qua một tuổi thơ mơ mộng hão huyền

...Đam mê theo bè bạn

Tưởng tượng mình bơ vơ!

Tiếp đó là tuổi thanh niên, làm sao tránh khỏi cái vòng “kim cô” quân dịch, để phải tiêu hết khoảng thời gian sung mãn nhất của một đời người vào chiến tranh, và (theo số phận của những người chiến bại) trong tù ngục. Nhưng, thơ Phương Triều, ngay trong những bài mở đầu hoặc rải rác những câu mang vẻ khinh bạc, vẫn ẩn chứa một niềm lạc quan, một tin tưởng dù mong manh vào tình người, vào cuộc đời.

(Tạp chí THẾ KỶ 21, tháng 3.1995)

===============

NHẬT HỒNG

...Từng ấy nhịp đập của con tim trong nức nở nghẹn ngào, hòa với hơi thở của hồn Mẹ Việt Nam đứt đoạn trong thương đau, đã được Phương Triều như gợi lên, như hằn xuống trong hồn thơ của anh vốn là một nhà thơ, một người lính, một anh tù cải tạo, một chú H.O., được trở về từ trong cõi chết...
Bên cạnh đó, người đọc thơ anh cũng còn bắt gặp được những hình ảnh thân thương, đã đi vào tiềm thức không làm sao quên nổi, đó là hình ảnh của những cậu bé, cô bé ngày xưa trong tuổi học trò non dại thơ ngây, đầu hớt miểng vùa, răng sún, thường hay chơi trò nhà chòi lá chuối, đám cưới với hoa lồng đèn, hoa giấy, cờ lau, tán u, nhảy cò, nhảy dây... mà cái tuyệt khéo của anh là đưa được những tiếng mộc mạc này vào trong thơ một cách có duyên và cảm động.

(Tuần báo MAI, California, tháng 2.1995)

===============

NGUYỄN VĂN BA


Trước 1975, Phương Triều là khuôn mặt quen thuộc trong giới báo chí và văn nghệ ở thủ đô Sài Gòn. Anh làm thơ hai năm 1957 - 1958 khi còn học chung lớp với Lâm Tường Dũ, rồi gia nhập làng báo từ năm 1959 và trở thành ký giả chuyên nghiệp. Đầu tiên Phương Triều viết cho bán tuần san Bình Dân của nhà văn Phú Đức, sau đó lần lượt viết và cộng tác với các tuần và nhựt báo: Ngày Mới, Nghị Luận, Nước Nam, Tia Sáng, Trắng Đen, Tiếng Chuông, Dân Chúng, Tiếng Việt, Tiếng Dân, Dân Nguyện, Dân Chủ, Việt Nam & Thế Giới Thời Báo...

Anh còn là Sĩ quan Báo chí Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa (từ 1967 đến 1975 –Thời gian này anh kiêm nhiệm Thư ký Tòa soạn Tuần báo Hoa Tình Thương của Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ). Kể từ khi gia nhập làng báo năm 1959, Phương Triều bỏ hẳn việc làm thơ, cho tới cuối năm 1994, khi tới định cư tại Minnesota theo diện HO 23, anh làm thơ trở lại do sự khuyến khích của bạn bè. Được biết sau 30-4-1975, Phương Triều bị bắt đi cải tạo nhiều năm ở miền Bắc. Đối với cá nhân tôi, anh Phương Triều là một đồng hương, chúng tôi có cùng quê quán Nha Mân thuộc tỉnh Sa-đéc. Ngoài điểm chung ấy, anh còn là một đàn anh trong chữ nghĩa và văn chương mà tôi ái mộ ngay từ khi đọc những dòng chữ đầu tiên của anh xuất hiện trên báo chí hải ngoại.
Anh không nhận mình là thi sĩ hay nhà thơ, chỉ nói là mình viết phóng sự bằng thơ, nhưng tôi thấy thơ anh rất mượt mà, mới hơn ba năm ở hải ngoại mà anh đã làm trên dưới một ngàn bài thơ. Nhà văn Viên Luông ở Cali gọi Phương Triều là “nhà thơ bị ma nhập”. Phương Triều cũng không nhận mình là văn nhân. Văn anh nắm bắt những vấn đề đơn giản và thật gần gũi với đời sống của người Việt Nam bình dân, bộc trực, giản dị, nhưng không vì thế mà kém phần sâu sắc về tâm lý. Loạt bài “Chuyện Tào Lao” của anh được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt.

(tháng 1.1998)

=================

HỒ HUẤN CAO

... Có dễ, trên tất cả, là nỗ lực thể hiện ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hàng ngày, rất dân dã của người miền Nam, trong khá nhiều bài thơ của ông. Sự kiện đáng kể này, nơi tiếng thơ Phương Triều, được coi là con đường nghịch chiều, nếu so sánh với những tác giả đi trước, đồng thời, hay đi sau, thường có thói quen biểu dương trí thức bằng những ngôn ngữ triết học, thần bí qua thơ văn của họ. Không bao giờ nhận mình là nhà thơ, nhưng đứng từ góc độ chân thật tới mủi lòng, thơ Phương Triều là điểm đứng chênh vênh giữa hai cực tự trào và xót xa thân phận luân lạc.

(Đài VOA – Xuân Tân Tỵ 2001)

 
____________
Nguồn : MGP
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.10.2008 06:55:30 bởi Viet duong nhan >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9