Bệnh đau đầu
Như Ý P 26.10.2008 22:22:15 (permalink)
Sống bình thản với bệnh nan y:
 Tự chữa bệnh đau đầu
Monday, April 03, 2006

 

(Tiểu Huyền)

Khi bị một chứng bệnh khó chữa (tiếng Hán Việt là nan y), cuộc đời thường nhật của chúng ta và của những người thân kế cận sẽ thay đổi rất nhiều. Bệnh tật có lẽ là một loại khổ lớn hạng nhất trong các thứ khổ ở đời, một thứ tai nạn không ai muốn gặp. Nhưng khi bị nan y, nếu người bệnh biết cách sống sao cho tâm họ có được sự bình thản, thì họ đã có tới nửa phần hy vọng vượt qua được cơn bệnh dữ. Nếu tinh thần sa sút, bi quan trước cơ thể đau yếu, thì phần thoát hiểm sẽ bị giảm đi khá nhiều.
Trong thời hiện tại, với nền y khoa tân tiến và sự phát triển của đời sống tâm linh, nhiều người bị nan y vẫn sống được cuộc đời bình thường của họ. Cũng có những người đặc biệt, biết hưởng hạnh phúc tự tâm, hơn cả thời kỳ họ còn chưa bệnh. Ðó là những con người có khả năng dạy cho chúng ta nhiều bài học quý giá, đầy minh triết. Không phải chỉ có các thánh nhân, các tu sĩ đạo hạnh mới làm được như thế, mà ngay trong cuộc đời quanh ta, có nhiều con người bình thường đã sống được như vậy, khi tâm thức họ được chuyển hóa thật sự trong cơn bạo bệnh.
Trong mục này, chúng tôi sẽ chọn đăng một số lời giảng dạy của nhiều bác sĩ và tác giả Âu Á có thẩm quyền về những phương cách sống với các bệnh nan y, cũng như những kinh nghiệm của nhiều người đã có cuộc sống hòa bình, an vui sau khi bị bệnh nan y - thứ tai họa ngẫu nhiên, chẳng ai muốn gặp, chẳng ai mời, nhưng cứ tới kỳ là nó đến! (T.H.)

TỰ CHỮA ÐAU ÐẦU

Tiến Sĩ Joan Borysenko viết về kinh nghiệm của chính bà, đã nhờ thiền quán mà hết bệnh đau đầu (migraine) trong cuốn sách “Minding the body - Mending the mind” xuất bản năm 1988 như sau:
“Khi tôi 24 tuổi, đang làm luận án tại trường y khoa Harvard, tôi sống bằng cà phê và thuốc lá, buổi tối thì dùng thuốc ngủ. Lúc nào tôi cũng mệt mỏi muốn rã rời vì gia đình đang tan vỡ, và tôi không có thì giờ cho thằng con trai nhỏ của tôi. Tôi là một con người lúc nào cũng muốn sự hoàn hảo và nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được mọi chuyện để đi tới thành công. Tôi bị bệnh nhức đầu kinh niên từ lâu, hệ thống tiêu hóa rất dở nên hay bị táo bón, đau bụng và ói mửa. Trong hai năm học cao học, tôi đã bị sưng phổi tới bốn lần, và cao áp huyết là bệnh di truyền trong gia đình tôi...”
May mắn cho Joan Borysenko, bà có một người bạn tập thiền, coi như một thú tiêu khiển có ích lợi. Anh ta so sánh buổi tập thiền như một kỳ nghỉ hè mi-ni, trong đó, anh có thể rũ bỏ hết mọi bận tâm của mình, và có lại sự tươi mát để đối phó với các vấn đề mới. Bà Borysenko viết:
“Trước đó, tôi nghĩ thiền là chuyện của các tu sĩ sống ở trong hang động... nhưng tôi cũng theo bạn, cứ thử tập xem sao... Mấy tuần lễ sau, khi tôi đang ngồi làm việc với cái kính hiển vi, tìm hiểu về các tế bào cancer, tôi bỗng cảm thấy nhức phía sau con mắt bên phải, bắt đầu sợ ánh sáng và buồn ói... những triệu chứng khi sắp lên cơn nhức đầu (migraine). Tôi liền thí nghiệm bằng chính cơ thể mình.”
“Tôi trở về văn phòng, kéo màn cửa xuống hết và đóng cửa ra vào. Tôi ngồi trên ghế, thư giãn bắp thịt từ chân lên đầu. Tôi đổi lối thở bình thường (thở với bộ ngực đang căng thẳng) sang phép thở thư giãn - thở bằng bụng. Và tôi bắt đầu ngồi thiền. Sau thời ngồi tĩnh lặng đó, tôi có cảm tưởng như thân tâm đều được rửa sạch, giống như mặt đất sau cơn mưa. Tôi chạy sang phòng thí nghiệm, khoe ngay với bạn bè: “Tôi vừa làm xong một thí nghiệm quan trọng nhất đời tôi” - và từ đó, cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi...”
Sau đó bà Borysenko cùng một số bác sĩ lập ra phòng chữa bệnh thân tâm (Mind/Body clinic) tại nhà thương New England Deaconess, chữa nhiều bệnh kinh niên bằng thiền quán, dinh dưỡng và yoga... Y viện giúp nhiều ngàn người khỏi bệnh hoặc sống một cách dễ chịu, thoải mái hơn với các bệnh nan y của họ.
Theo Joan Borysenko, cái đau đớn nào cũng có thể chia ra làm hai phần: đau thể chất và thái độ của ta đối với cái đau.
“Tỷ dụ như trong cơn đau đầu của tôi (Joan): Cái đau thể chất thật dữ dội, làm cho tôi muốn ói mửa, không thể chịu nổi. Lớp dưới cái đau thể chất là thái độ của tôi khi đó: “tôi không biết bao giờ cơn đau mới dứt? Tôi trở nên bứt rứt, khó chịu vì sẽ lại phải bỏ sở về nhà nằm, cơ sự này thật đáng giận! Tôi cũng cảm thấy ân hận đã để cho mình bị cái bệnh này tấn công hoài!...” Những ý nghĩ, cảm xúc đó làm cho cái đau thể chất tăng lên rất nhiều. Sự lo âu cũng làm cho tôi ói mửa nhiều hơn - và cái vòng luẩn quẩn giữa đau - lo lắng - đau làm cho tôi thật khổ sở, đau đớn... Thái độ của mình đối với cái đau rất quan trọng.”
“Thái độ có hại nhất cho người bị đau là họ làm cho chỗ đau căng thẳng (về thể chất cũng như tinh thần), để mong đẩy được cái đau đi! Sự chống đối, muốn đánh đuổi cái đau kia chỉ làm cho nó đau hơn, và làm cho người bệnh thêm khó chịu. Càng chống lại mạnh mẽ, cái đau càng gia tăng cường độ... Ðiều bạn cần làm là hãy nhận diện cái đau, và chấp nhận nó một cách bình tĩnh, nếu có thể thì thư giãn, đừng gồng lên chống cự hay đánh đuổi nó nữa. Bước đầu tiên là tập có ý thức về cơ thể, về tâm thần của chính mình (Awareness of yourself, physically and mentally).”
Joan Borysenko đề nghị cách trị đau bằng hơi thở có ý thức như sau:
“Bạn nhắm mắt lại, thở bằng bụng (hít vào tới bụng, thở ra từ bụng lên). Khi thở, ý thức mình đang bị đau - cái đau thể chất và cái đau tinh thần như lo âu, sợ hãi, phiền não, mặc cảm v.v... Ðừng bỏ qua, hãy nhìn sâu vào cái đau. Nó sẽ thay đổi, vô thường y như mọi chuyện khác.”
 
“Khi bạn bắt đầu nhận biết nó, cái đau hình như gia tăng lên. Xin ráng tiếp tục thở bằng bụng và theo dõi cái đau bằng tâm bạn. Bây giờ bạn tưởng tượng có thể mang cái đau theo hơi thở vào, thở ra; giống như bạn đang theo dõi hơi thở từ mũi tới bụng. Tưởng tượng bạn hít vào một hơi với tình thương đầy ắp (tưởng tượng lại khi bạn cho con bú chẳng hạn). Bạn nhẹ nhàng, cẩn trọng, mang hơi thở đầy tình thương đó gửi tới chỗ đau. Khi thở ra, bạn tưởng tượng như cái đau đang tan rã và theo hơi thở đi ra ngoài. Tiếp tục thở như vậy, đừng nghĩ gì tới kết quả hết... Chỉ thở và quan sát, không phản ứng cũng không xét đoán gì. Tôi cam đoan bạn sẽ kinh nghiệm được sự thuyên giảm của cái đau, cũng như những lo âu về nó trong chính bạn.”
 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=41938&z=6
#1
    Như Ý P 26.10.2008 22:26:27 (permalink)


    Điều trị đau đầu căn nguyên mạch máu thần kinh
    Thu, 25 Sep 2008 11:22:00











    Tại các phòng khám chuyên khoa thần kinh hoặc phòng khám đa khoa, tỷ lệ bệnh nhân đến khám vì đau đầu tương đối phổ biến. Đau đầu thường có rất nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất là đau nửa đầu căn nguyên mạch hay còn gọi bệnh migraine.


    Bệnh migraine tần suất gặp 18% ở nữ giới, 6% ở nam giới, 4% ở trẻ em. Tần suất thường gặp nhất ở độ tuổi 25 – 55. Theo báo cáo của WHO năm 2001, migraine được xếp trong số 20 nguyên nhân hàng đầu gây thương tật, và nó sẽ là vấn nạn lớn toàn cầu.
     
    Tuy bệnh đau đầu rất hay gặp và không khó chẩn đoán, nhưng đau đầu migraine thường dễ chẩn đoán nhầm là đau đầu do căng thẳng, đau đầu do viêm xoang, hoặc đau đầu từng cụm. Do đó việc điều trị thường ít hiệu quả.
    Sinh lý bệnh của cơn đau migraine phức tạp, liên quan tới một số yếu tố chính: Sự di truyền gen dễ bị tổn thương. Ảnh hưởng của các kích hoạt. Kích thích tận cùng các dây thần kinh cảm giác. Sự phóng thích các peptides thần kinh. Giãn mạch máu.
    Ngoài ra, các dạng biến thể của migraine như migraine mạn tính (đau đầu khởi phát trên 15 ngày/tháng, kéo dài 3 tháng); đau đầu liên tiếp mỗi ngày, không thành cơn rõ rệt, đau có tính chất luân hồi mà nguyên nhân chủ yếu là do lạm dụng các thuốc hoặc bệnh nhân có kết hợp trạng thái lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ...
     
    Điều trị
    Đau đầu migraine là sự rối loạn thần kinh mạch máu, vì vậy vấn đề điều trị migraine không chỉ là kê đơn thuốc. Cần có kế hoạch điều trị tốt bao gồm từ giao tiếp tốt với bệnh nhân, giáo dục bệnh nhân. Kiểm soát các yếu tố gây khởi phát cơn, theo dõi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân và đặc biệt sự lựa chọn các thuốc cắt cơn và phòng ngừa hợp lý. Các thuốc điều trị đau đầu nói chung và đau đầu migraine nói riêng hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại biệt dược khác nhau.
    Điều trị đau đầu migraine bao gồm điều trị cắt cơn và điều trị phòng ngừa cơn (điều trị nền).
     
    Các thuốc điều trị cắt cơn
    Thuốc cắt cơn đau đầu migraine gồm các thuốc đặc hiệu và các thuốc không đặc hiệu. Nguyên tắc điều trị cắt cơn là phải điều trị sớm ngay từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.
     
    Các thuốc đặc hiệu
    Ergotamine tartrat: đây là dẫn chất cựa lúa mạch, thuốc cắt cơn cổ điển. Liều dùng tối đa có thể lên 4mg/ngày. Hiện nay có dạng xịt mỗi lần xịt vào một bên mũi. Tối đa 4 lần xịt/ngày.
    Nhóm triptans thuộc nhóm chất đồng vận tiết serotonin của thụ thể 5HT 1B/1D. Cơ chế tác dụng làm co mạch trực tiếp (gắn kết bới 5HT1B), ức chế các neuropeptides (gắn kết 5HT1D) và giới hạn dẫn truyền đau.
    Chỉ định dùng các thuốc này khi thuốc nhóm trên thất bại. Dùng cách xa mọi dẫn chất cựa lúa mạch (phải ngừng trên 24 giờ).
     
    Các thuốc nhóm triptans hiện có
    - Sumatriptan (1991): suminat, imigrane 25/50/100mg.
    - Zolmitriptan (1997): zomig viên 2,5mg.
    - Naratriptan (1998): amerge naramig viên 2,5mg. Uống ngay từ khi bắt đầu cơn, có thể nhắc lại sau 4 giờ nếu các triệu chứng tái xuất hiện. Không vượt quá 2 viên/ngày.
    - Rizatriptan (1998): Ritza 5/10mg.
    - Almotriptan (2001): Axert.
    - Eletriptan (2002): Relpax.
    - Frovatriptan (2002): Frova.
    Các thuốc không đặc hiệu.
    - Thuốc giảm đau thông thường: nhóm acetaminophen (paracetamol), aspirin.
    - Thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs).
    - Thuốc giảm đau không chứa opioid.
    - Thuốc giảm đau có chứa opioid.
    - Thuốc chữa triệu chứng: chống nôn.
    - Nằm nghỉ trong phòng tối yên tĩnh.
    Điều trị nền, phòng ngừa cơn đau đầu migraine
    Chỉ định khi có trên 1 cơn mỗi tuần hoặc đau đầu ảnh hưởng tới đời sống nghề nghiệp và xã hội của người bệnh. Cần lưu ý bên cạnh dùng các thuốc cần điều trị toàn diện, điều chỉnh các yếu tố phát động bệnh, đó là các yếu tố tâm lý, ăn uống (một số chất dễ gây cơn đau đầu như socola, phomat), tiếng động, ánh sánh, khí hậu, thuốc lá, gắng sức mạnh... kết hợp tâm lý liệu pháp, thư giãn, châm cứu.
    Các thuốc điều trị phòng ngừa
    - Dihydroergotamine (seglor 5mg hoặc tamik 3mg) uống mỗi ngày 2 viên trong thời gian 10 – 12 tuần.
    - Nhóm thuốc chẹn beta (propanolol) dùng khi không có chống chỉ định với các thuốc nhóm này. Các thuốc chẹn beta khác có thể dùng lopressor, seloken, corgard, tenermine.
    - Nhóm thuốc chẹn canxi (flunarizin, sibelium).
    - Thuốc chống trầm cảm.
     
    Cần lưu ý, đau đầu migraine là một loại đau đầu có cơ chế căn nguyên mạch máu thần kinh. Việc điều trị đòi hỏi phải đúng chuyên khoa, vì nếu sử dụng thuốc không đúng sẽ dẫn đến thất bại trong điều trị. Cần điều trị đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian có như vậy mới tránh được những biến thể của đau đầu migraine làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và công việc.
    BACSI.com (Theo SK&ĐS) 
     
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9