KHÁCH VĂN CHƯƠNG Ở
PHƯỜNG KHÁN XUÂN
(Truyện ngắn)
Lầu quán ở Khán Xuân, giáp Tây Hồ mọc lên rất nhiều. Đây là nơi du ngoạn của những người có tiền, những kẻ hào hoa phóng túng, hoặc đang có những u uất chưa cởi được. Những nỗi đau đời cần gặp một người tri kỷ đôi hồi. Những văn nhân có tiếng cũng thường hay đến đây. Có cả những người có tiếng tăm như Chiêu Hổ, Nguyễn Án, người nổi tiếng đặt bút thành văn, hoặc những lão đồ gàn chữ ít nói nhiều, ồn ào quá mức.
Quán Cổ Nguyệt mới dựng lên, mà tao nhân mặc khách đã đông lắm. Nữ chủ nhân tung tích ở đâu, chẳng rõ, tuy không đẹp mê hồn như những kỳ nữ, hoặc có những tài hoa riêng nhở giọng hát mà cách sống buông thả phóng túng như cô Cầm (1). Nàng Xuân Hương nhìn bề ngoài không cuốn hút lắm, nhưng càng nhìn càng ưa, bởi những nét rắn rỏi khác thường trên gương mặt đàn bà, nét dạn dĩ của người từng trải. Nghe đâu Xuân Hương rất hay chữ. Chẳng thế mà ông tri phủ Vĩnh Tường đã chết mê chết mệt về nàng, cưới nàng về bằng được, chấp cả lời dị nghị.
Ông yêu nàng rất mực, thứ gì cũng chiều. Ông đưa nàng du ngoạn ở khắp những danh lam thắng cảnh, nơi ông trị nhậm. Vùng đất của ông sát kề núi Tam Đảo, phía bên kia là thành Tam Đái, một dải đê – đất náu ẩn của cánh đầu trộm, đuôi cướp trên sông, phía bên phải là đám lục lâm, tản mát thì thành một đám cướp nhỏ, tụ hội thì thành Quận Hẻo, Quận He, triều đình đánh dẹp cũng còn khướt.
Từ khi quân Tây Sơn đổ ra Bắc, lối ăn chơi khá hào hoa, họ thường sà vào những nơi đô hội ở băm sáu phố phường, thì cái xóm ăn chơi ở phương Khán Xuân tĩnh lặng hơn. Từ ngày ông phủ Vĩnh Tường mất, miền Tam Đái không được yên ổn, nàng Xuân Hương bị gia đình vợ cả quan phủ ruồng rẫy. Tức khí, nàng bỏ hết, tay nải gió đưa, xuống thuyền về ngay kinh thành, mua một miếng đất, dựng ngay một quán hàng, cũng xênh phách, cũng rượu ngon, nhắm tốt. Cô dốc tiền rủ về được mấy cô đào hát cũng hay hay. Tính nết mau mắn, hay bông đùa, cho nên quán mới khai trương mà đã có nhiều người tò mò lui tới. Người nọ truyền người kia, chẳng mấy chốc mà hoá ra có tiếng.
Rửng mỡ có mấy ông quan thị, gặp buổi nhà Tây Sơn vào thành, vua Lê ốm đau, các cung tần, mỹ nữ hầu hạ quanh vua, loại cao không tới, thấp không xong, rỗi hơi rủ nhau tìm đến Khán Xuân, lúc thuê thuyền chơi trên hồ, lúc vào quán trà dư, tửu hậu, giọng nói eo éo, thơ thẩn phun ra rông rổng toàn thơ con cóc, mà cứ vỗ ngực khen hay. Xuân Hương không thể nhịn cười được khi thấy họ ra đầu đề thi nhau vịnh Quán Trấn Vũ. Một ông đọc :
Xem này Trấn Vũ Quán đông vui
Tấp nập vào ra đến lắm người
Tướng lớn đen xì ông hộ pháp
Hoá vàng đỏ loét lửa ma trơi.
Một ông khác nối vần :
Cây xanh mấy gốc trơ thân cụ
Voi đắp hai con vểnh mấy vòi
Dăm tiếng mõ chiều kêu lốc cốc
Ao chài cá mổ thật tanh hôi. Mấy ông quan thị ngâm nga, anh nọ khen anh kia tài ngang Lý Bạch, Đỗ Phủ, liên tiếp gọi rượu, gọi bà chủ đến đọc thơ cho mà nghe, tay lại còn định bá vai, chộp ngực, Xuân Hương cũng phải chiều, nhưng trong lòng bấm bụng cười thầm. Vốn tài mẫn tiệp, nàng nhẩm ngay được một bài thơ về lũ nửa người nửa ngợm.
Bọn quan thị vừa ra, bỗng có một người dáng thanh tú, đầu vấn khăn nhiễu tam giang chít chữ nhân, mặc áo thụng xanh, thắt đai đỏ, trông rất phong độ… Xuân Hương hơi giật mình. Nàng chưa thấy ai có đôi mắt đen và sáng, vầng trán cao mà nhuần nhị đến như thế. Nàng chủ động cúi mặt chào :
– Đại quan nhân quá bộ vào trong nhà. Tiện thiếp rất vinh hạnh được ngài chiếu cố đến…
Chàng khoảng ngoài ba mươi tuổi, da trắng hồng đầy dáng vẻ hào hoa của một người đã lịch lãm ở đô thành.
Chàng nói :
– Có phải nàng là chủ quán. Nàng chính là Xuân Hương ?
– Thưa ngài vâng ạ.
– Đừng gọi tôi thế, khách sáo quá. Tôi nghe nàng là phu nhân của quan phủ Vĩnh Tường, một vị quan phụ mẫu vào loại vịn vai đời mà sống. và nàng cũng là một bậc nữ lưu tài danh…
– Quan nhân cứ quá khen. Tiện thiếp vốn chỉ được theo đòi dăm ba chữ. Người đời yêu mà đồn đại thêm mà thôi.
– Tôi là Đình Hổ, họ Phạm, bạn bè quen gọi là Chiêu Hổ.
– Ôi chao ! Xuân Hương này hạnh phúc biết nhường nào. Gia thanh của quan nhân đất Hà Thành này ai chẳng biết. Tiện thiếp đã được trộm đọc những áng văn của ngài viết về cách thưởng trà, thưởng lan thật là sành, khiến đọc qua văn biết người, nay mới được thấy mặt.
Nàng đích thân đem rượu đến, rót mời Chiêu Hổ. Cách tiếng xúc của nàng khiến Chiêu Hổ thầm ưng ý. Bọn đàn bà ở trong phủ này, phủ nọ thường làm ra vẻ quyền quý, mà dốt nát hợm mình. Những tiểu thư ở băm sáu phố phường, người thì rụt rè, cổ lỗ, kẻ lại đài các, kiêu sa… Chiêu Hổ lặng ngắm nàng, càng nhìn càng ưa… Chuyện trò ngày một mặn mà. Hai người có vẻ tâm đầu, hợp ý, buổi sơ kiến đã nói gần hết cho nhau, những điều đáng lý phải quen lâu mới nói. Vui chuyện Xuân Hương lại kể đám quan thị vào chơi và đưa cả bài thơ viết dán lên vách cho Chiêu Hổ xem.
Chiêu xem xong, cười ầm lên, cười rất thích thú và nói :
– Bọn này cũng quấy quả nàng lắm nhỉ ?
Xuân Hương nói :
– Mở quán thì phải chiều khách, biết làm sao được, thưa ngài. Xin ngài đừng cho là hỗn. Tiện thiếp cũng đã phải nhịn hết sức mới khỏi bật cười. Cái đám thơ thẩn dở hơi, thân thế dở hám, lũ quan thị ấy, đã khiến thiếp nảy ra một bài thơ.
– Nàng đọc tôi nghe xem nào !
Nghe xong câu nói đã có chiều thân mật, Xuân Hương mỉm cười đọc :
QUAN THỊ Mười hai bà mụ ghét chi nhau
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu,
Rúc rích thây cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Đố ai biết được vông hay trốc
Còn kẻ nào hay cuống với đầu
Thôi thế thì thôi, thôi cũng được
Ngàn năm càng khỏi tiếng nương dâu… Vừa nghe xong, Chiêu Hổ, vốn sành thơ bất ngờ kêu thốt lên :
– Trời ơi, hay quá ! Hay quá ! Xin nàng cho nghe thêm một lần nữa.
Xuân Hương rất mừng được Chiếu Hổ khen, nàng đọc lại. Bấy giờ xem ra nàng có vẻ bẽn lẽn. Nghe rồi, Chiêu Hổ thừ ra ngắm nàng. Ông lại hỏi :
– Chắc là nàng còn có nhiều bài thơ khác nữa ?
– Cũng có, nhưng không nhiều lắm.
– Cho tôi xem được không ?
– Nếu được bậc danh gia chỉ giáo thì Xuân Hương tôi vinh hạnh biết chừng nào.
Nàng vào trong nhà lấy tập thơ chép tay ra, đưa cho Chiêu Hổ. Chiêu Hổ định xem ngay, nhưng nàng ngăn lại, nói :
– Xin quan nhân đem về nhà hãy xem, mấy khi thiếp có được cuộc gặp gỡ như thế này.
Chiêu Hổ nhìn nàng, âu yếm nói :
– Nếu có một nữ sĩ tài sắc làm bầu bạn trong thời buổi nhiễu nhường này, chắc là tôi còn đến…
Xuân Hương rót rượu mời Chiêu Hổ, nàng cũng nhắp đôi chút để tiếp ông, rồi hỏi :
– Vừa rồi, Hải Thượng Lãn Ông từ Nghệ An ra làm khuấy động kinh thành về tài thuốc lẫn tài văn. Thiếp có đọc
Thượng Kinh Ký sự, rất chú ý đến những bài thơ. Ý tiên sinh như thế nào ?
– Đó là một ông già đáng trọng, nghề thuốc là đại danh y.
Thượng Kinh Ký sự ghi chép, nhận xét thế là giỏi. Nhưng thơ thì chán lắm.
– Theo quan nhân, thì tài ở trong nước này như thế nào ?
– Tôi ít đọc thơ và thú thật ít giao du với các thi nhân. Ông Nguyễn Du em ông Nguyễn Khản ư ? Ông Phan Huy Ích, ông Ngô Thì Nhậm ư ! Tài của họ ghê gớm đấy chứ, nhưng họ còn mải vào đường chính trị. Tôi có đọc
Sơ kính tân trang của Phạm Thái, mối tình thật đẹp nghĩ mà thèm, thơ thế mới hay, còn như
Chiến tụng Tây Hồ phú, chẳng qua họ Phạm thích nhà Lê ghét nhà Tây Sơn mà cãi chầy cãi cối thôi…
Xuân Hương nhìn Phạm Đình Hổ đắm đuối, lòng nàng đang xao xuyến.
Chiêu Hổ về đọc thơ Xuân Hương. Ông trăn trở suốt đêm không ngủ. Nữ sĩ có tài ở nước Nam này đếm trên đầu ngón tay. Thơ của nàng chẳng giống một ai trước nàng, cùng thời với nàng và sau nàng cũng thế ! Ông suy nghĩ lâu lắm. Mà con người thì có vẻ đanh đá, bất cần đời, lật ngược tôn ti trật tự giữa đàn bà với đàn ông, giữa sang và hen, giữa thực và ảo, càng đọc càng hay, càng phục.
Mờ sáng hôm sau, ông đã cầm tập thơ của Xuân Hương, gọi cáng đến phường Khán Xuân, Xuân Hương đêm qua trằn trọc ngủ không yên. Cái dáng người phong nhã, uyên bác đã làm cho nàng xiêu lòng, mặc dù tang ông phủ Vĩnh Tường vẫn chưa hết. Nàng là người ghét lễ giáo nhất. Sao tất cả cứ ràng buộc người ta vào nghi thức. Con trở cha phải đúng ba năm, sau ba năm nối tang thì lại cũng không được phép lấy chồng, lúc đó người con gái đẹp cũng hoá ra kẻ lỡ thì… Như Xuân Hương cũng thế, được ông Phủ yêu quý là thế, nàng rất biết ơn, song cái cảnh ban ngày thì ông phủ là của công đường, ban đêm thì của bà cả, phận lẽ mọn hẩm hiu. Đường đường một vị quan lớn, ông Phủ vẫn luôn giữ nền nếp gia phong, tôn ti trật tự. Ông vẫn ngồi ăn cơm với bà cả, còn mình nhận làm lẽ vẫn cứ phải đôn đốc coi sóc quân hầu, đầy tớ. Mấy năm chung **ng, ông Phủ đến với nàng cứ lấm lét như người vụng trộm. Có buổi biết ông đang say mê thơ phú với nàng, bà cả lại bịa ra một việc gì đó, cho người triệu ông về để định liệu công việc, thế là ông lại đứng dậy ra về…
Chiêu Hổ, xem ra là một người vừa nghiêm trang vừa phóng túng. Cái nhìn đắm đuối bữa qua, nhất là ông cứ đau đáu ngắm nàng, khiến Xuân Hương chợt có ý vừa nghiêm túc vừa phá phách. Nàng chua chát nghĩ rằng, chắc vị quan nhân cũng rất mến mộ văn chương và cũng có bề háu gái... nhưng ta nào đã bao giờ có tình yêu ! Nàng nghĩ thế. Nếu như một cuộc tình ngắn ngủi với một người đáng dâng hiến thì cũng hay lắm chứ !... Còn cái tang ông Phủ ư ! Đã yêu thì làm sao mà ngăn được...
Thấy Chiêu Hổ đến, Xuân Hương bối rối, rộn ràng hẳn lên. Nàng biết mình đã yêu. Buổi sáng quán không có khách. Xuân Hương cho gọi trà cùng uống ở đầu hồi, rồi lại bắt con hầu đem rượu ngon ra uống. Chiêu Hổ lấy tập thơ của Xuân Hương ra, nhìn trước nhìn sau, không thấy ai, ông nắm lấy tay nàng mà nói :
– Không ngờ Chiêu Hổ này lại được là người đầu tiên đọc tập thơ này. Đọc rồi cứ ngẫm nghĩ rằng, nàng sống chắc là khổ lắm ?
Xuân Hương cảm động, không rụt tay về. Nàng nói :
– Làm sao quan nhân biết ?
– Thơ chính là tiếng nói tự đáy lòng mà thốt ra, giấu nổi ai đâu. Bây giờ tôi mới hiểu những lời mà trong đám tao nhân, mặc khách đàm tiếu về nàng.
Xuân Hương cảm thấy dễ chịu. Nàng thấy Hổ cũng là người thành thực, nàng hỏi :
– Người đất Long Thành nói gì về thiếp ?
– Họ truyền tụng thơ nàng, nhiều người chép tay. Người thí phát khùng lên, không chịu nổi, cho là thơ dâm ô, trác táng… không những họ ghét nàng, ghét thơ nàng, mà ghét cả ai ca tụng và chép thơ nàng nữa.
– Còn quan nhân thì sao ?
– Sao nàng còn phải hỏi ? Làm được một bài thơ hay đã khó, huống chi tự mình lại đặt được một lối thơ riêng không giống bất cứ người nào !
Xuân Hương cảm động lắm. Chiêu Hổ đã đoán nhận ra những nét giao cảm. Ông ngắm nhìn nàng, cái nhìn đắm đuối của người tài gặp người đẹp. Bất chợt ông nói :
– Chúng ta là những người đi khác luồng những người đang sống. Người thì hám quan chức, kẻ thì hám tiền tài. Chúng ta sống bằng chữ nghĩa, vương giả với chữ nghĩa; hợm mình, kiêu bạc bằng chữ nghĩa, cho nên người đời nhìn ta bằng những con mắt nửa trọng, nửa ghét, nửa muốn chơi, nửa muốn hại… Ngay cả đám văn chương rởm, tưởng là ở phía chúng ta, mà kỳ thực lại là lũ ong tay áo, nàng thấy thế nào ?
Xuân Hương sững sờ, nhìn Chiêu Hổ đắm đắm. Nàng biết không cưỡng nổi mình nữa. Nàng rót rượu cho Chiêu Hổ, nhưng ông đã cầm tay nàng kéo về lòng mình mà nói :
– Tôi chắc nàng cũng đơn thương độc mã như tôi… và ông ôm ghì lấy nàng.
Xuân Hương nhìn ra, khẽ đẩy tay ông, mặc dù nàng thấy ấm áp, nàng khẽ nói, giọng rất dịu dàng :
– Đừng, quan nhân, em ngại lắm ! Em đang có tang chồng !
Nhưng Chiêu Hổ đời nào lại buông nàng ra…
Cuộc đi lại giữa hai người ngày càng dầy. Xuân Hương thầm khấn trời xui khiến mình trở lại đất Long Thành để có những giờ phút trước đây mình chưa bao giờ có. Trong số đông bài bác, chửi rủa thơ nàng, thì có một số người khác hết sức mến mộ… Nàng thấy ngay ở quán rượu của nàng, đã có lần những cuộc cãi lộn và cái thói hiếu thắng của đám sĩ phu, đã có lần xuýt nữa gây ra ẩu đả… Nhiều người đến quán rượu chỉ để xem mặt nàng, mong xướng hoạ với nàng… Quán của nàng đông hơn các quán xung quanh. Trò đời, hơn ai một chút là dễ bị kẻ mất phần ganh ghét, huống hồ nàng lại giành của họ cả tài lẫn danh. Nàng bất chấp. Có Chiêu Hổ là nàng có tất cả… Tuy nhiên, nàng cũng biết người, biết của, khéo chiều. Những ai mến mộ đến với nàng bao giờ nàng cũng tiếp đãi rất ân cần chu đáo. Đối với khách văn chương, có thú chơi tao nhã, nàng lấy tiền rượu, tiền nhắm với chút ít lời lãi… Bởi thế, quán của nàng lúc nào cũng đầy khách, từ sáng sớm đến tận khuya.
Dạo này quan Tổng trấn Bắc Thành đang ra sức thay mặt triều đình vỗ về dân chúng, chiêu mộ sĩ phu Bắc Hà… Lòng người vẫn còn tiếc nhà Lê, song với cái đám sĩ tử vẫn không thích nhà Tây Sơn thì có dịp ra làm quan, để kiếm lấy một thế đứng trong giới thượng lưu. Nghe nói Chiêu Hổ cũng là một trong những người được quan Tổng trấn trọng tài và lưu ý. Cuộc đi lại ngắn ngủi khiến cho Xuân Hương như một người hụt hẫng, nhất là từ khi
Vũ trung tuỳ bút được văn nhân Bắc Hà coi như một áng danh văn, Chiêu Hổ ít khi lui tới đến nàng. Ông hay giao du với những đám nhà giàu sang, quyền quý. Nghe đâu, ông Tổng trấn đã dâng sớ lên nhà vua, tuyển ông vào quốc sử quán… ông càng ra sức giữ tiếng. Hồ Xuân Hương nghĩ chua chát, nhưng chẳng nói ra… Quán của nàng, sau một thời lui tới của kẻ sĩ, giờ đây vắng dần… Đám tao nhân mặc khách ít đi, thì cái đám phàm phu, tục tử lại sa đà. Nàng phó mặc cho đám quản gia, người giúp việc lo liệu tất… Nàng đã hết tang ông Phủ, về quê lo giỗ chạp, cát tang chu tất rồi mới trở lại với phường Khán Xuân. Nàng buồn lắm. Thơ của nàng hình như cũng trĩu nặng một nỗi buồn riêng :
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non;
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Ngán nỗi Xuân đi Xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tý con con. Cái đám quan thị bữa nọ bị nàng chọv cho vẫn còn thù. Sau biến đổi liên miên, có đứa có điền trang lớn ở ngay khu Mười ba trại. hắn cho gia nhân đến đốt quán. Xuân Hương một đêm trắng tay… Cái mà nàng giữ lại chỉ còn có một chút bạc trắng… Dạo này đang đeo đuổi nàng lại có Tổng Cóc. Nhà gã giàu, cũng là một kẻ biết ăn chơi. Tổng Cóc người đất lúa, lấy lúa mà lo quan chức, khao cử mua danh vọng, mua ruộng; nay thả chim, mai mở hội chải, đỡ đầu cho một đêm hát ả đào trên sông… Vì thế bè bạn gọi đùa là Tổng Cóc. Gã lại đen đúa khó coi, người lại ngắn, nên có người ác miệng gọi là Tổng Cóc, và thế là thành tên, Tổng Cóc xấu người tốt bụng lại chết mệt Hồ Xuân Hương. Cóc hay lân la ở quán của nàng, nhiều lần bị đám văn nhân sĩ tử trêu chọc. Nhưng Tổng Cóc đem tiến, đem tre gỗ của mình dựng lại quán cho nàng, lại xui gia nhân đem đến năm mươi lạng bạc để nàng làm vốn, nàng rất cảm kích… Gần đây Tổng Cóc lại cầu hôn… Hàng quán ế ẩm. Văn chương dạo này cũng ít người ham hố bàn luận như lúc trước. Thương nhân mọc lên như nấm. đám quan lại theo triều Nguyễn từ miền trong ra, thường bận bịu về việc quan lại tiết kiệm, ít ném tiến qua cửa sổ như các quan chức thời Tây Sơn. Quán Văn Chương của Hồ Xuân Hương kém hẳn các quán rượu có hầu gái non do mấy mụ Tú Bà từ đâu mới đến mở quán là ô nhiễm cả phường Khán Xuân, vốn xưa nổi tiếng là xóm phong lưu hơn là xóm nguyệt hoa… Xuân Hương buồn lắm. Tổng Cóc vẫn đeo đẳng da diết. Thân phận lỡ thì biết làm sao. Tứ cố vô thân, làm ăn hụt hẫng thua lỗ, bạn cũ tình xưa đều chểnh mảng, biết làm thế nào. Xuân Hương những hôm vắng khách chỉ ngồi ở chiếc bàn buổi đầu tiên Chiêu Hổ gặp nàng mà uống rượu một mình. Nàng sợ hãi đến không cả giở đến những bài thơ của mình, đặc biệt là những bài thơ xướng hoạ với Chiêu Hổ, mà nàng coi như báu vật thiêng liêng nhất của đời nàng.
Nàng nhượng lại quán, định đi một cuộc ngao du sơn thuỷ, rồi sau này ra sao thì ra. Quán nàng đóng im ỉm. Quen lệ, Tổng Cóc nhớ Xuân Hương, đem gia nhân đến chơi, thấy quán cũ phá đi, người không còn đâu nữa… Chủ mới là một mụ béo phị đang hối hả dựng quán mới. cái lầu cổ nguyệt đơn sơ nhìn ra Hồ Tây, phía trước có vườn có cây cảnh, có chỗ ngồi thưởng nguyệt ngâm thơ đã bị phá đi cả…
Tổng Cóc dẫm chân than thở :
– Ta chỉ chậm chân một chút mà lỡ hết việc… Nhưng ta nhất quyết phải tìm, tìm cho được nàng…
Và lập tức con người hào hoa, tâm thần ấy làm một cuộc truy lùng, theo dấu vết của một bóng người ông hằng mến mộ… Cuộc truy đuổi lúc xuống thuyền, lúc lên bộ cũng long đong, trớ trêu như duyên phận của hai người.
NGÔ VĂN PHÚ
1994.
__________________