Truyện của RAYMOND FEDERMAN
meocon_thongminh93 02.11.2008 08:21:56 (permalink)
MỘT CHUYỆN VẮN TẮT
VỀ NHỮNG CUỐN SÁCH ĐÃ LÀM NÊN TÔI
 
Khi tôi lên 11 tuổi, tôi nằm trùm chăn trên giường đọc tất cả sách của Jules Verne với một cây đèn pin nhỏ.Tôi muốn trở thành Michel Strogoff. Tôi tự nhủ, ta cũng thế, một ngày kia ta sẽ được sống những cuộc phiêu lưu lớn, và ta sẽ viết những cuốn tiểu thuyết như tiểu thuyết của Jules Verne. Khi tôi lên 13 tuổi, trốn trong một cái kho thóc, tôi đọc hết những cuốn Fantomas. Tôi muốn được giống như ông ta. Tôi muốn mang một cái mặt nạ. Tôi tự nhủ, một ngày kia ta sẽ phát minh ra một dạ khách sát thủ như Fantomas và cho hắn vào một cuốn tiểu thuyết. Tuổi 15, sách là cuốn Le bossu ou le petit parisien. Tôi muốn làm một chàng ngự lâm quân và phát minh ra la botte de Moinous. Tôi muốn đi ngược lại thời gian và sống cùng thời với Cyrano de Bergerac. Nhưng là cái anh chàng có thật. Tôi tự nhủ, khi nào đến lúc ta sẽ viết như Paul Féval và sách của ta sẽ được đưa lên phim. Tuổi 16 tôi thử đọc Marquis de Sade. Tôi muốn biết lạc thú thật sự nó ra làm sao. Tôi tự bồi dưỡng bằng cách tự mình cho mình hưởng lạc thú một mình. Tôi tự nhủ, một ngày kia có người sẽ bảo là tôi cũng viết sách khiêu dâm như Sade, và tôi sẽ bị tống vào nhà giam. Khi tôi lên 17, tôi đọc cùng lúc J’irai cracher sur vos tombes của Vernon Sullivan, và La Nausée của Jean-Paul Sartre. Tôi tưởng tượng tôi là một anh chàng Đen da trắng hơn là một anh theo chủ nghĩa Hiện sinh. Tôi tự nhủ, một ngày kia tôi sẽ qua Mỹ, và ở đấy tôi sẽ viết những cuốn tiểu thuyết như tiểu thuyết của Vernon Sullivan, chứ không phải như tiểu thuyết của Sartre. Sartre suy nghĩ nhiều quá, tôi tự nhủ. Ông ta làm tôi chán. Tuổi 19, tôi đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Anh. Cuốn Dangling Man của Saul Bellow. Tôi không muốn giống như anh chàng thảm thương kia trong tiểu thuyết không khi nào quyết định được chuyện gì. Tôi thì tôi muốn đút đầu nhảy cỡn vào cái mớ xà ngầu xà túi kia. Tôi tự nhủ, một ngày kia tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết trong đó chúng nó đều là những thằng đút đầu nhảy cỡn vào cái mớ xà ngầu xà túi kia, chứ không phải là một cuốn tiểu thuyết gây chán nản. Tuổi 20, tôi đọc phần lớn là thơ Pháp. Villon Ronsard du Bellay Malherbe La Fontaine Racine Lamartine Vigny Chenier Musset Hugo than ôi! Nerval Gautier Baudelaire Verlaine Rimbaud ah Rimbaud! Mallarmé Lautréamont Corbière Appolinaire Reverdy Péguy và vài người khác và Valéry. Tôi dừng ở Valéry bởi ông là nhà thơ cuối cùng trong tập tuyển thơ ca Pháp mà tôi lấy ra khỏi thư viện công cộng ở Detroit là nơi thời ấy tôi đang làm việc trong nhà máy. Tôi nhận ra làm thơ quá dễ. Toàn công việc cân làm là viết thẳng hàng các câu thơ lên giấy hết câu này qua câu kia nhưng phải cầm chắc là viết hoa chữ đầu tiên của từ đầu tiên của mỗi dòng. Trừ phi là bạn viết như Rimbaud. Tôi tự nhủ, nếu một ngày kia tôi quyết định làm một nhà thơ, tôi sẽ viết Di chúc của tôi như Villon, hay Season in Hell của tôi như Rimbaud. Cũng như cái tập tuyển tôi lấy ra khỏi thư viện kia tôi đã khám phá thơ của Walt Whitman, và tôi tự nhủ, nếu tôi trở thành một nhà thơ viết tiếng Anh, tôi sẽ viết kiểu Walt Whitman. Tuổi 22, tôi chỉ đọc tiểu thuyết chiến tranh. Đặc biệt những cuốn truyện về Thế chiến thứ hai, Tôi tiếc là bấy giờ tôi còn quá trẻ nên không đi chiến đấu trong cuộc chiến ấy, và do đó không hưởng được cái chết vinh quang như Mathieu trong La mort dans l’âme, ở trên đỉnh tháp chuông một giáo đường. Tôi tự nhủ, tôi cũng thế một ngày kia tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết chiến tranh, và trong đó sẽ có những anh lính nhảy dù. Tuổi 23, là Kafka. Toàn bộ sách Kafka. Tôi không coi mình là Gregor Samsa, nhưng tôi rất thích nhìn thấy bộ mặt của ông bố của Gregor khi ông ta nhìn thấy con trai mình biến thành một con bọ khổng lồ. Tôi tự nhủ, ông Kafka này chì thật. Tôi tự hỏi không biết ổng có cười to khi viết truyện không. Và tôi tự nhủ, tôi cũng thế một ngày kia tôi cũng sẽ viết một cuốn truyện khôi hài. Ở tuổi 23½, là khám phá lớn. Cuốn La chartreuse de Parme của Stendhal. Trong tất cả những cuốn tiểu thuyết tôi đã đọc tính đến lúc ấy, Les Liaisons dangereuses của Laclos từng là cuốn đứng hạng nhất. Stendhal tức thời chuyển lên hạng nhất. Tôi tự nhủ , tôi cũng thế một ngày kia tôi cũng sẽ viết một chuyện tình lớn trong đó những người tình có lẽ sẽ không bao giờ gặp nhau. Tuổi 24, tôi đọc tất cả Dostoevsky. Lần này, The Brothers Karamazov đưa La chartreuse de Parme xuống hạng nhì. Trừ mỗi chuyện là sinh nhật tôi năm ấy cô bạn gái tôi cho tôi cuốn L’éducation sentimentale của Flaubert. Tôi không thấy khó khăn gì khi đặt L’éducation lên hạng nhì trong danh sách của tôi. Nhưng tất nhiên là tôi chưa đọc Proust. Tôi tự nhủ, trước khi chết tôi muốn mình đã có viết một cuốn sách lạnh lùng và say đắm như L’éducation. Tuổi 25, tôi tiêu hoá trọn hết Rabelais. Lập tức tôi hiểu rằng Gargantua và Pantagruel là Ubermensch,
  • và thời ấy tôi còn chưa đọc Nietzsche nữa. Tôi tự nhủ, một ngày kia tôi cũng thế tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết tục tĩu trong đó các nhân vật sẽ to hơn sự thật ngoài đời. Tuổi 26, rốt cuộc tôi dám đọc Montaigne. Những luận văn của ông làm tôi hoảng. Tôi đọc hết. Mỗi lần tôi cần phải làm cho đầu óc tỉnh táo, chính Montaigne là người tôi thăm viếng. Tôi tự nhủ, nếu như sau này tôi thấy cần thiết phải thuổng một chút văn, thì tôi sẽ lấy từ những bài Essays của Montaigne. Tuổi 27, lần đầu tiên tôi đọc Shakespeare. Lập tức tôi coi mình là Hamlet. Thế nhưng chết thì tôi lại muốn chết như King Lear, nếu như tôi phải chết, nghĩa là vừa chết vừa thì thầm không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ. Tôi tự nhủ, không thể nào có thể viết hay hơn thế. Không thể nào đi xa hơn. Và thế là tôi nghi có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn được. Tuổi 27½, tôi đọc A Portrait of the Artist as a Young Man. Stephen Dedalus làm tôi bực cả mình. Tôi thấy tình trạng là quá táo bón. Thế tuy nhiên tôi vẫn muốn viết như Joyce. Và đối với Molly Bloom tôi quả có chút cảm tình. Đặc biệt khi Joyce cho ta nghe những gì nàng tự nói với mình trong đầu. Tôi tự nhủ, nếu như một ngày kia tôi kể câu chuyện ở cái trại mà tôi từng phải chịu khổ cùng mình trong thời chiến tranh, tôi sẽ đặt tên nó là A Portrait of the Artist as a Young Man Knee-D ep in Shit, và trong đó sẽ có cả đống những chuyện cứt ỉa và dâm ô. Tuổi 28, tôi lạc vào The Divine Comedy. Tôi đọc sách qua bản dịch. Cũng không sao. Cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng lớn lao viết bằng thơ này đã đẩy ra khỏi vị trí La chartreuse de Parme và L’éducation sentimentale trên danh sách tôi ghi những cuốn tiểu thuyết lớn nhất. Nhưng thứ hạng không cố định. Tôi tự nhủ, khi nào tới lúc tôi cũng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Có thể là về những người bị đày lên những khu di dân trong không gian. Tuổi 29, là Céline. Trọn gói Céline. Có thời gian tôi nghĩ mình là Bardamu. Dù sao, ông ta cũng từng vượt Đại tây dương, ông cũng từng đi ỉa trong những nhà xí công cộng ở New York, ông cũng từng làm việc trong một nhà máy ở Detroit. Ông cũng từng chu du mãi tận cùng đêm tối.[**] Tôi tự nhủ, cái thằng con hoang ấy ghét dân Do-thái – vâng tôi cũng có đọc những tập sách mỏng ông ta viết chống dân Do-thái – nhưng mẹ kiếp ông ta viết quá hay. Tôi phải học cách viết như thế. Tuổi 30, tôi đã đọc hầu hết văn học Pháp để làm luận án tiến sĩ của tôi. Từ thời Trung cổ cho đến nay. Và tôi đã quyết định viết luận văn của mình về Diderot. Tôi thấy dường như tôi suy nghĩ, nói năng, và hành động giống như Jacques le fataliste. Thế nhưng một ngày nọ Godot đi vào cuộc đời tôi. Beckett đã thay thế Diderot trong bài luận văn của tôi. Cái đêm Godot bước vào ngữ vựng của tôi, tôi tự nhủ, một ngày kia tôi sẽ viết một cuốn sách về Thomas Beckett. Vâng, đó chính là điều tôi đã ghi trong cuốn sổ nhỏ màu đen của tôi sau khi tôi xem vở Waiting for Godot. Bấy giờ là ở New York. Tôi nói với Beckett về cái điều tôi đã ghi lại, và ông bảo tôi, Raymond, bạn không thể nghĩ ra được bao nhiêu lần rồi người ta gọi tôi là Thomas. Tuổi 31, rốt cuộc tôi đọc Proust. Toàn bộ La Recherche du Temps Perdu. Tôi mất sáu tháng để đọc cuốn này. Tôi muốn được là ông Swann. Và tôi mê bà Swann. Tôi tự nhủ, làm sao người ta học được cách viết những câu như những câu của Proust. Những câu kiến trúc thật đẹp. Tôi tuyệt vọng không sao có thể viết xong được một câu. Thế mà người ta thường bảo tôi là câu văn tôi không bao giờ dứt. Cũng như sách của tôi. Okay, tôi không thể viết ra hết một danh sách dài tất cả các tiểu thuyết gia và nhà thơ tôi đã đọc, tất cả những nhà văn lớn mà ta cần đọc nếu như ta táo bạo đủ để có thể muốn chính mình trở thành tiểu thuyết gia hay nhà thơ. Không cần phải viết ra danh sách ấy. Các bạn đã đọc rồi. Không có những cuốn sách ấy bạn không thể nào viết những gì bạn đang viết ngày hôm nay. Trước khi tôi bắt đầu viết, tôi muốn nói là viết cuốn sách đầu tiên của tôi, cuốn sách đầu tiên đáng kể, suốt thời gian đọc sách tôi tự nhủ, tôi muốn viết là viết như nhà văn này này. Tôi không thể quyết định tôi muốn viết sách của mình như thế nào. Một ngày nọ tôi bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết đầu tiên đáng kể, và chính cuốn tiểu thuyết ấy đã cho tôi biết tôi phải viết nó như thế nào. Tôi phải quên tất cả những cuốn sách tôi đã đọc để có thể viết cuốn tiểu thuyết ấy. Tôi Ċã phải tự mình viết, chính tôi, chứ không phải những người khác.
     
    _________________________
    Chú thích của người dịch:
  • Siêu nhân – như trong Thus Spake Zarathustra của Nietzsche.
    [**]Ám chỉ Le voyage au bout de la nuit của Louis-Ferdinand Céline.
     
    ---------------------------
  • “Một chuyện vắn tắt về những cuốn sách đã làm nên tôi” dịch từ bản tiếng Anh “A Short History of the Books That Made Me” – trên FEDERMAN’S BLOG [the laugh that laughs at the laugh…] ngày 19/9/2005.
    #1
      meocon_thongminh93 02.11.2008 08:35:58 (permalink)




      A chuyện ấy làm bà ngạc nhiên bà thân yêu...






      Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên
       
      Thưa Bà, bà ngạc nhiên thấy một người Mỹ như tôi nói tiếng Pháp giỏi đến thế, và phát âm không một chút lạc giọng. Hãy cứ cho là tôi có khiếu về ngôn ngữ và khi tôi còn trẻ tôi từng được cấp một học bổng học môn ngôn ngữ ở Sorbonne. Nhưng mà không, chuyện không có thật đâu. Tôi trêu bà đấy, thưa Bà. Bà thấy đấy, tôi sinh ở Pháp, ngay tại Paris này đây. Vâng tôi là người Pháp nhưng tôi sống ở Mỹ từ khoảng mười năm nay. Tôi từ Pháp đi hồi mười tám tuổi để học cho xong môn học của mình, là môn văn chương và triết học, tại Đại học Columbia ở Thành phố New York.
      Ồ bà biết một chút tiếng Anh, nếu vậy thì có lẽ một ngày kia chúng ta sẽ có thể cùng nhau ngồi nói chuyện thân tình bằng ngôn ngữ của Shakespeare.
      Vâng bà thấy đấy, tôi qua bên ấy để học và tôi đã thích nước Mỹ đến độ tôi ở lại luôn. Đây là một đất nước tuyệt vời bà biết đấy. Bà có từng đến đó bao giờ chưa?
      Chưa đến. A, nhưng bà đang dự kiến năm tới làm một chuyến du lịch bên đó. Ồ, bà và chồng bà... A vậy ra bà đã có chồng. Tôi thì tôi tin bà... Dù sao bà cũng sẽ thấy là nước Mỹ đẹp vô cùng. Vậy thì tuyệt đối tôi phải cho ông bà số điện thoại của tôi ở New York và khi ông bà đến tôi sẽ đưa ông bà đi xem cái thành phố kỳ lạ này. Tôi sẽ đưa ông bà đi một vòng lớn ở Manhattan, và ông bà sẽ thấy cái thành phố này nó đẹp như thế nào với những tòa nhà cao lên tới trời xanh.
      Đâu có, người ta phóng đại cái hung bạo trên đường phố New York đấy. Nó cũng như khắp các thành phố lớn, khắp những nơi dân rất đông và những người nhiều sắc tộc rất khác nhau xô đẩy nhau ngoài đường. Chuyện không tránh được. Nhưng bà sẽ chẳng có vấn đề gì ở New York, tất nhiên là trừ trong một số khu vực, ban đêm, nhưng ở đấy thì ta đừng nên đi một mình, chứ gì.
      Tôi thì tôi ở gần Riverside Drive. Đây là một góc rất rất ư là đẹp của thành phố. Sát ngay Đại học Columbia là nơi tôi từng học, như tôi đã có nói với bà. Học lấy bằng tiến sĩ. Và còn là nơi tôi từng dạy học một thời gian trong Phân khoa Văn chương So sánh. Vâng bà thấy đấy, tôi xưa nay ưa so sánh chữ nghĩa, như người ta vẫn gọi, chắc chắn là do cái khiếu ngôn ngữ của tôi. Tôi làm bà cười rồi. Bà thấy đấy tôi vốn ưa chọc ghẹo.
      Không bây giờ tôi không còn dạy nữa. Tôi để hết thì giờ cho chuyện viết lách. Tôi là người viết tiểu thuyết.
      A, ông bạn Jean-Louis Laplume của tôi có cho bà biết tôi là nhà văn, nhà văn Mỹ. Vâng đúng thế, tôi viết chủ yếu là bằng tiếng Anh, nhưng khi nào thấy muốn đôi lúc cũng viết bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên tôi phải thưa với bà rằng viết bằng một ngôn ngữ khác ngôn ngữ của ta không phải là chuyện dễ, hoàn toàn không dễ khi ta dung nạp những từ không phải của ta, những từ kháng cự ta bởi chúng với ta là xa lạ. Nhưng chúng ta đi đến chỗ yêu những từ đó, và biến chúng thành của ta. Hơi giống như một mẹ gà mái mất đàn gà con của mình và nhận nuôi một con vịt con. Không cần biết bộ lông vàng và cái mỏ dẹp của nó mẹ gà vẫn dạy nó bươi móc trong cát và kiếm giun đất để ăn. Bà ạ, thưa Bà, tôi đây tôi cũng đã học cách kiếm ăn kiểu như thế những từ tiếng Anh trong cái tôi viết, nhưng chắc chắn là không bao giờ quên tiếng mẹ đẻ của mình.
      Chẳng hạn, như Gilles Deleuze từng giải thích rất rõ, sự sáng tạo một bút pháp trong một ngôn ngữ ngoại quốc đi qua nhiều chặng đường khác nhau mà chặng thứ nhất là một sư giải biến ngôn ngữ mẹ bấy giờ trở thành biến động, bắt đầu nói ấp úng, nói lắp bắp, trở thành một thứ ngôn ngữ khác, để tiếp đó đổ ra một ngôn ngữ mới, một cú pháp mới. Ấy, đó là cái đã xảy ra với tôi, và cuốn tiểu thuyết tôi hiện đang...
      A Jean-Louis còn nói với bà về cuốn tiểu thuyết mà tôi đang viết. Cuốn tiểu thuyết mì sợi. Vâng đúng như thế, Thời gian của Mì sợi! Đây là một câu chuyện rất buồn cười bà biết đấy, và cùng lúc rất nghiêm chỉnh, chính là do cái cú pháp mới mà tôi đang phát minh kia.
      Nhưng không đây thật ra không phải là một cuốn tiểu thuyết về mì sợi, ấy chỉ là do người viết cuốn sách ấy chỉ ăn mì trong nguyên một năm trời giam mình trong căn phòng anh ta ngồi viết cuốn tiểu thuyết của mình, nơi anh tự phong tỏa, như chính anh nói về hoàn cảnh của mình.
      Không, bà không hiểu rồi, không phải tôi là người ăn mì sợi, mà là người viết tiểu thuyết trong cuốn tiểu thuyết mà chính tôi đang viết. Nếu điều này với và có vẻ phức tạp ấy là bởi cái tôi hiện đang làm ấy chính là cái người ta gọi là một cuốn tiểu thuyết ở vực thẳm.
      Nó là vậy, chính xác là vậy, như Les Faux-Monnayeurs của André Gide. A tôi thấy ra, thưa Bà, là bà biết rất rõ văn học của nước bà. Nhưng xin bà cho tôi biết, bà làm gì ngoài đời.
      Ồ, bà làm cho một nhà xuất bản. Bà ở trong ngành xuất bản!
      Bà là... không không đúng thế, bà là Giám đốc văn học! Thế thì tôi rất vui được làm quen với bà, thưa Bà. Một nhà văn thì lúc nào cũng sung sướng được gặp một người nào đó, nhất là một bà duyên dáng như bà đây, làm việc trong ngành xuất bản. Ấy bây giờ tôi mới hiểu ra tại sao Jean-Louis đã thu xếp cho chúng ta người này ngồi cạnh người kia trong bữa ăn này. Anh ta tử tế biết bao. Anh biết tôi không quen nhiều người ở Paris, ấy là tôi muốn nói những người cùng nghề với chúng ta, và anh chắc hẳn muốn tôi nói với bà về cuốn tiểu thuyết của tôi. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ không làm bà chán với những câu chuyện tôi kể trong bữa ăn này. Chúng ta ở đây là để thưởng thức bữa ăn ngon này. Bà không thấy rượu nho này là ngon tuyệt sao. Đây là rượu Saint-Emilion, bà biết đấy, và năm sản xuất rất tốt đấy. Này nhé, tôi xin tự cho phép uống mừng sức khoẻ bà. Nhưng nếu bà muốn có lẽ chúng ta cũng có thể bàn bạc về cuốn tiểu thuyết của tôi một cách nghề nghiệp hơn một lần khác vậy.
      Trong văn phòng của bà! Ở Nhà xuất bản Tình Điên. Vậy là thưa Bà, bà làm tôi sung sướng quá. A vui lòng tất nhiên. Bà quả là quá tốt bụng. Tôi rất lấy làm biết ơn bà. Bà thấy không bà tử tế như thế làm tôi thấy lúng túng. Bà xem tôi rất cảm động và phấn chấn. Có chứ tôi chắc chắn sẽ có mặt ở đó, và chúng ta sẽ có thể bàn riêng về tác phẩm của tôi. Và biết đâu được, là từ đây đến đó bà sẽ có mặt trong cuốn tiểu thuyết của tôi.
      Thế thì đồng ý, chúng ta sẽ hẹn nhau trong văn phòng của bà thứ Tư tới, mười giờ ba mươi. Tôi sẽ ghi cái hẹn ở đây. Nhưng xin bà cho tôi biết, mọi người có mặt hôm nay ở đây, họ có phải đều là nhà văn hay nhà xuất bản cả?
      A quả thế. Mọi người đều là nhà văn tiếng tăm lớn, và cái ông ngồi kia ấy là ông tổng biên tập ở nhà xuất bản... không đúng thế! Đối diện với ông chính thị là Ông Gaston Gallimard. Vậy ra chung quanh tôi ở đây ai nấy ngon lành cả. Tôi sẽ phải lựa lời ăn tiếng nói đây.
      Tôi xin lỗi, thưa Bà thân mến, bà có thể vui lòng đưa giùm tôi lọ muối. Món thịt bò rôti thật là ngon, nhưng cần cho vào một nhúm muối. Bà có thấy như vậy không? Cám ơn bà.
      Bà hiểu không, ở Paris tôi biết rất ít người trong giới văn học. Dù sao Mỹ mới chính là nơi tôi tham gia trong giới viết lách.
      Những người trong gia đình thì có. Những bà dì, ông cậu, những anh chị em họ. Vả chăng tôi trở về Pháp hầu như mỗi năm cũng là để thăm họ. Tôi rất yêu mến gia đình mình, nhất là bên phía mẹ tôi. Bên phía đó ai nấy đều rất tử tế với tôi sau chiến tranh, khi tôi bị bỏ lại mỗi một mình ở tuổi mười bốn. Nhất là dì Rachel của tôi. A dì Rachel của tôi. Một ngày nào đó tôi phải kể cho bà nghe về dì mới được. Cuộc đời dì đúng là như một cuốn tiểu thuyết. Dì quả là một người đàn bà kỳ diệu.
      Cha mẹ tôi ấy à? Không, như bà thấy đấy, tôi không còn cha mẹ nữa. Cha tôi và mẹ tôi cũng như hai chị tôi đều đã mất tích trong chiến tranh. Một tai nạn đau đớn cho họ.
      Vâng ta có thể bảo thế. Một tai nạn bất hạnh trong chiến tranh.
      Ồ rồi người ta cũng quen thôi bà biết đấy. Người ta quen sống không có người khác, và cái hao hụt lớn nhất của ta, nỗi đau tủi nhục nhất của ta ấy chính là khi ta cảm thấy mình không còn đau được nữa. Rốt cuộc rồi ta cũng tự xoay trở được khi cần. Cuộc sống nó hơi giống một trận đấu quyền Anh. Vấn đề là phải đứng vững cho dù bị nhiều cú đấm. Tôi nghĩ chính Marc Aurèle là người có lần nói, sống đòi hỏi nghệ thuật của võ công chứ không phải của vũ công, chịu đánh, đứng vững, đó chính là cái đáng kể, không cần phải làm những bước đẹp mắt.
      Ấy thế thưa Bà, trong cuộc đời tôi đây, một thân một mình sau khi cha mẹ mất, tôi sống hơi giống một người đấu võ không chịu phải ngã gục trên võ đài cuộc đời, nhất là ở nước Mỹ là nơi cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là đối với một nhà văn... từ chối những thỏa hiệp, một nhà văn đi tìm không phải sự phồn vinh mà là hậu thế. Bà thấy đấy nước Mỹ rốt cuộc là một đất nước rất phản-trí thức và các nhà văn không phải lúc nào cũng được kính trọng. Viết văn đúng ra được coi như một trò tiêu khiển, một thứ giải trí, một trò vui chơi.
      Chẳng hạn nếu có người nào đó hỏi ta làm gì ngoài đời và ta trả lời, tôi là nhà văn, ấy thế lập tức người ấy sẽ bảo ta, vâng nhưng ngoài cái ấy ra thì ông làm gì, nghề nghiệp của ông là gì, y như là sự kiện dùng thì giờ vào chuyện viết lách không đủ để chứng minh sự hiện hữu của mình.
      Thế nhưng với tôi viết là một yêu cầu sâu xa và chủ yếu. Bà thấy đấy, đời đôi khi có những tai biến không sao ta chữa lành được. Dù có làm gì ta cũng không bao giờ thoát ra cái khủng khiếp ấy mà cũng không nói được chuyện gì khác hơn, là điều thưa Bà, phải nhìn nhận thôi, gây ra một bức bách đáng tiếc cho một nhà văn. Và chính đây là điều tôi luôn đề cập trong cái mình viết. Có thể nói, chính cái thiếu ấy, lỗ hổng ấy, khoảng trống to lớn ấy trong tôi điều khiển công việc của tôi và làm nên tính khẩn trương của nó. Đó là điều những người Mỹ không phải khi nào cũng hiểu ra. Nhất là những người Mỹ bị ám ảnh bởi sự thành công. Nhưng xin bà đừng tưởng tượng là tôi sống trong tuyệt vọng. Trái lại. Không ai biết làm xiếc trên dây hay hơn tôi giữa một tình trạng tuyệt vọng quá mức và tình yêu điên cuồng đối với cuộc sống.
      Và quả thật cái tôi viết nằm giữa tuyệt vọng và cuồng say với cuộc sống. Giữa lửa đen và lửa trắng, nếu ta có thể nói. Giữa nước mắt và tiếng cười. Thế tuy nhiên đôi khi tôi tự hỏi một ngày kia tọi có sẽ tự giải thoát khỏi những chuyện buồn trong con người mình, và việc đem những chuyện kia ra kể có sẽ giúp tôi cởi bỏ chúng, hay đúng ra chính sự chán ngấy kể chuyện sẽ giải phóng cho tôi.
      Bà mỉm cười. Nhưng chính bà cũng nên biết, bởi bà là giám đốc ban văn học, rằng tác phẩm tiểu thuyết lúc nào cũng là một hình thức thu hồi quá khứ, ngay cả khi quá khứ ấy cần được bóp méo để có vẻ thực. Sự kiện nối kết quá khứ trong những gì ta viết không có nghĩa hiểu nó như nó thực sự từng là, mà đúng ra là làm chủ những kỷ niệm như chúng đang nung nấu ngay cái khoảnh khắc hiểm nghèo của sự sáng tạo.
      Bà thấy không, những gì tôi viết rốt cuộc chỉ là một sự trộn lộn những kỷ niệm với những dối trá, nhưng tất nhiên tất cả những dối trá tự chúng có một chút sự thật, và ta phải lắng nghe chúng. Cuộc đời, như một chiếc áo khoác cũ, lúc nào cũng có một lớp vải lót hư cấu hơi bị rách nát một tí.
      Tôi hi vọng không làm bà thấy chán.
      Vâng, tất nhiên, bà hoàn toàn có lý, để cho một câu chuyện có sức thuyết phục nó cần phải có vẻ thật. Nhưng sự có vẻ thật thì không nhất thiết là cái có thật và sự thật thì không phải lúc nào cũng có vẻ thật.
      Ồ nhưng bà xem tôi đã cho phép mình đi quá xa rồi. Tôi xin lỗi vậy. Tôi rất ân hận. Tôi không muốn làm bà buồn lòng vì những chuyện riêng tư thế này. Nhất là tôi không muốn cho bà cảm tưởng là tôi không thấy hạnh phúc ở Mỹ. Và tôi cũng hoàn toàn không có ý định nói với bà về tác phẩm của tôi hôm nay, chúng ta sẽ nói chuyện thứ Tư tới, có phải vậy không? Tốt hơn ta hãy nói về bà.
      Bà ở đâu ở Paris, thưa Bà?
      Ô trong quận 16! Đường Belles-Feuilles.
      Vâng tôi biết. Khu phố rất đẹp. Và tên đường cũng đẹp biết bao. Vậy thì bà sống giữa những chiếc lá đẹp, quả là rất thích hợp với bà, bà, vị giám đốc ban văn học, bà không thể nào có một địa chỉ hay hơn thế.
      A bà thấy lúng túng khi nói về mình. Xin bà đừng bảo tôi là bà nhút nhát. Không không phải thế đâu. Đúng ra là bà cảm thấy e sợ. Bà cho rằng cuộc đời bà không hay lắm so với cuộc đời tôi. Nhưng đâu có, mọi cuộc đời đều hay, mọi cuộc đời đều có mặt huyền bí của nó. Tôi tin cuộc đời bà cũng có cái chút bí ẩn của nó, vấn đề chỉ là biết khảo sát nó. Vả lại khai phá, ấy cũng là công việc của các nhà văn, hay còn hay hơn nữa là khai thác những bí ẩn. Nhưng bà biết rõ chuyện này hơn tôi, chứ gì nữa, chính vì bà là người quyết định chuyện văn học.
      Vâng xin đồng ý, tôi không cố nài, tôi thấy rõ bà là một phụ nữ vô cùng nhạy cảm. Bà muốn tôi kể cho bà nghe về nước Mỹ, vâng vậy thì ta hãy nói về nước Mỹ.
      Nước Mỹ, ấy như bà thấy đấy, đó là một đất nước tôi biết rất rõ bởi vì trong suốt mười năm vừa qua không những tôi đã sống ở New York, mà còn sống cả ở Chicago, ở San Francisco, ở Los Angeles, và ngay cả ở Détroit. Vâng tôi biết rất rõ Détroit, thành phố thú vị và dễ chịu theo cách của nó, thành phố xe hơi, tất nhiên rồi, những chiếc xe hơi trang nhã và tiện nghi hấp dẫn. A, cái thú có được một chiếc xe Mỹ!
      Ồ, bà không thích những chiếc xe Mỹ to đùng, bà thấy chúng kềnh càng. Vâng nhưng bà thấy đấy ở Mỹ do không gian rộng và những khoảng cách xa giữa các thành phố chúng tôi cần có những chiếc xe lớn chạy nhanh và đầy đủ tiện nghi. Không gian rộng, đó có thể chính là cái đập vào mắt nhất ở xứ chúng tôi. Mọi thứ đều lớn, mọi thứ đều rộng, đường phố, đường dài, các thành phố. Và chắc chắn là nhà cửa cũng thế, nhà nào cũng bảy tám phòng, và phòng thì rộng mênh mông. Trong nhà người ta xê dịch thoải mái.
      Chẳng hạn căn hộ của tôi ở New York, ấy nó có bốn phòng, và phòng tắm hầu như cũng lớn bằng cái phòng ăn mà chúng ta hiện đang ngồi ăn trong lúc này đây. Hơn thế tôi sống một mình trong căn hộ này.
      Không tôi không có vợ, dù sao cũng là chưa. Tôi chưa gặp được người phụ nữ lý tưởng, người phụ nữ có thể chấp nhận những cái ngông của tôi và chịu đựng những đặc tính riêng của tôi. Còn tôi, bà biết đấy, tôi có những cái ngông và đặc tính riêng, vả cũng như mọi nhà văn khác, loại người dùng đầu óc và thể xác sáng tạo ra cái mà người ta gọi là văn học. A văn học, nó có thể gây bao nhiêu đau khổ cho những ai xả thân vì nó. Nhưng bà thấy chưa tôi lại hăng lên một lần nữa rồi.
      Bà quả là quá tử tế. Bà bảo là tôi đầy sự hăng say. Bà thấy tôi thú vị nhưng đồng thời cũng sâu sắc. Bà làm tôi cảm thấy được tâng bốc. Tuy nhiên tôi hy vọng bà nhìn nhận nơi tôi cái khía cạnh hơi tinh nghịch. Ta không bao giờ nên tự cho quá trịnh trọng. Bà thấy đấy cái mà tôi trách cứ nhất nơi các nhà trí thức, nhất là các trí thức ở Pháp, ấy là họ chỉ quan tâm đến những nỗi khốn khổ lớn của nhân loại, lúc nào cũng muốn giải thích cho chúng ta những nỗi đau của nhân loại. Thế sao lại không quan tâm cả đến những con cá đỏ nhỏ bé chẳng hạn, vì chúng nó cũng thuộc về sự sáng tạo, đôi khi hẳn chúng nó cũng biết đau khổ.
      A, tôi làm bà cười rồi. Đúng thế đấy. Nhưng mà chúng ta hãy nghiêm chỉnh trở lại và xin bà cho phép tôi tiếp tục một chút những gì tôi vừa nói ban nãy về không gian ở Mỹ. Hẳn là vì cái lý do không gian đó mà khi một người Mỹ đến châu Âu, ngay cả đến Pháp, và khi anh ta đi vào một căn hộ anh ta lập tức có cảm tưởng chật chội, hơi bị o ép. Vâng, bà thấy không, ngay cả trong căn hộ rất xinh đẹp này của Ông Laplume, ấy tôi đây tôi cũng phải nhìn nhận là tôi có cảm tưởng, tôi nói sao đây nhỉ... hơi bị tù hãm, vâng nó là thế, hơi bị compressé.[1] Ta có thể nói như thế chăng, compressé, bà chắc hiểu cái tôi muốn tìm cách diễn tả.
      Không, ta không thể nói như thế, từ ấy không dùng theo cách như thế trong tiếng Pháp, hoặc nữa là trong nghĩa đó. A bà thấy như thế nào đôi khi tôi lẫn lộn hai thứ ngôn ngữ trong người tôi, hai thứ ngôn ngữ chơi cút bắt trong người tôi và thường cùng nhau chơi tôi những quả đích đáng. Dù sao thì bà cũng đừng tưởng tượng là tôi không thấy thoải mái ở đây, nhất là ngồi cùng với bà, thưa Bà, đang nói chuyện một cách thật là thích thú. Trái lại, tôi cảm thấy rất dễ chịu, cho dù là, vừa ban nãy khi tôi cần đi... Ồ tôi xin lỗi, ta không nên đề cập đến chuyện này trước bàn ăn.
      Thật là kinh khủng cái lối thoải mái, thư dãn tự nhiên kiểu Mỹ đôi khi làm ta mất đi le sens de la bienséance,[2] như ngày xưa người ta vẫn nói ở thế kỷ mười bảy. Mười năm lưu đày trong cái xứ hãy còn hơi hoang dã đã biến tôi gần như thô lỗ trước bàn ăn. Hy vọng bà tha lỗi cho tôi.
      Dù sao, đối với tôi cái quyến rũ hơn cả ở nước Mỹ ấy chính là không gian. Vâng không gian. Nhất là khi người ta mạo hiểm về miền tây, về bầu trời miền tây. The big sky,[3] như ở đó người ta vẫn nói. Này nhé, nếu người ta bảo tôi tìm cho ra một chữ diễn tả nước Mỹ hay nhất, tôi sẽ không nói tự do, như người ta vẫn thường nói quá nhiều lần, không cái từ sáo kia không cắt nghĩa đúng hơn cái đất nước này, mặc dù thật ra tự do chiếm ngự khắp nơi ở Mỹ. Không đây không phải là cái nói lên đặc trưng của Mỹ. Cái đặc trưng của xứ này ấy nó chính là không gian. Vâng không gian chính là...
      Ồ xin lỗi! Tôi không nhìn thấy anh Jean Louis ạ. Thôi cám ơn tôi ăn món rôti này quá nhiều rồi, món này quả là ngon phi thường. Xin anh cho tôi gửi lời ca ngợi chị nhà. Cái này thì vâng tôi sẽ uống thêm một ly rượu nho tuyệt hảo này. Cám ơn, đủ rồi xin cám ơn. Vâng mọi chuyện trôi chảy tuyệt diệu. Anh đã cho tôi ngồi cạnh một bà cực kỳ kiều diễm đến độ tôi đột nhiên ba hoa không thua Anh chàng Ba hoa[4] của Louis-René des Forêts. Chúng tôi đang có một cuộc nói chuyện tuyệt vời. Có phải vậy không?
      Và anh biết không, chúng tôi đã hẹn nhau để bàn về cuốn sách của tôi vào thứ Tư tới tại văn phòng của Bà đây. Cuốn tiểu thuyết về mì sợi, cuốn sách mà...
      Chính thế, vâng vâng hẹn lát nữa, tôi sẽ đến nói chuyện với anh và chị nhà và cám ơn anh chị đã giới thiệu tôi quen với một con người đầy thiện cảm như thế.
      Anh chàng thật là đáng yêu!
      A, anh ấy xuất bản ở nhà bà. Nhà xuất bản Tình Điên. Và tiểu thuyết mới nhất của anh được trao Giải Goncourt. Nếu tôi biết trước như thế. Thế mà tôi chưa đọc cuốn ấy. Tôi tuyệt đối phải đọc nó mới được. Dù sao tôi sẽ hiểu hơn vì sao.
      Nhưng ta hãy tiếp tục câu chuyện. Vậy thì tôi xin nói, thưa Bà, không gian. Nhưng khi ta nói về không gian ở Mỹ ta cũng nên xem xét ý niệm chuyển động. Vâng sự chuyển động, và điều tôi thưa với bà bây giờ là tôi dựa trên một kinh nghiệm cá nhân của tôi bởi lẽ tôi xê dịch rất nhiều trên đất nước này, từ Bờ biển Đông đến Bờ biển Tây, như lúc nào người ta cũng khuyên đám trẻ làm. Go west young man,[5] đấy ở đó người ta thường nói với tôi như thế, bởi vì miền tây là nơi diễn ra những cuộc phiêu lưu lớn, miền tây là nơi người ta làm giàu ở Mỹ, như điện ảnh Hollywood đã cho chúng ta thấy rõ.
      Chuyển động, đó là cái đáng kể nhất ở xứ chúng tôi, và qua chữ chuyển động tôi không chỉ muốn nói chuyển động vật chất hay địa lý, tôi muốn nói chủ yếu chuyển động xã hội và kinh tế. Tôi xin giải thích. Ở Mỹ nếu người ta có can đảm và điều kiện người ta có thể chuyển dịch theo chiều ngang cũng như theo chiều đứng, nghĩa là từ góc này đến góc kia của đất nước, từ bắc xuống nam, từ đông qua tây, hay ngược lại, vậy là theo chiều ngang, và từ một tầng lớp xã hội hay kinh tế này đến tầng lớp xã hội hay kinh tế khác, vậy là theo chiều đứng.
      Chắc chắn, đúng như thế, bà nghĩ có lý, chuyện này ở Pháp cũng có thể được, nhưng không phải cho mọi người, không phải ở cùng mức độ, bởi lẽ ở Pháp tôi có cảm tưởng phần lớn con người ta thường bị phong tỏa trong giai cấp xã hội của mình, trong gia đình mình, ngay cả trong khu phố mình, trong nghề nghiệp mình, trong giáo dục hay thiếu giáo dục của mình, nói tóm là trong cái mình thừa kế, trong khi ở Mỹ theo một nghĩa nào đó chúng tôi ai nấy đều là người từ nơi khác cắm dùi ở đây, hay nói đúng hơn là những người mất gốc, chúng tôi tự do di chuyển tới đâu chúng tôi muốn và như thế chúng tôi có thể tận dụng tốt hơn những thời cơ xã hội và kinh tế trước mắt chúng tôi. Vả chăng không phải tình cờ mà người ta gọi Mỹ là the land of opportunities.[6]
      A bà không đồng ý! Bà cho là tôi hơi quá khái quát. Này nhé tôi thì tôi nghĩ nếu như ngày xưa tôi ở lại Pháp sau chiến tranh, thì trong cuộc đời tất tôi sẽ không đi xa lắm. Tôi không tin tôi có thể thoát khỏi cái bất hạnh lớn đã xảy đến cho tôi. Chính nước Mỹ đã cho phép tôi trở thành con người tôi ngày nay, cho tôi cơ may làm một con người như ai. Tôi sẽ có thể làm được gì ở đây khi không có gia đình, không học vấn, không một phương tiện nào, bị những biến cố chung quanh xô đẩy ra khỏi môi trường xã hội, một thân một mình trên bờ vực tương lai?
      Tất nhiên, Bà thân mến, ta không thể tiên đoán tương lai cũng không thể nhìn nó ngược trở lại, nhưng dù sao vẫn phải nhìn nhận là tương lai luôn đến hơi ở dạng trá hình. Nếu tương lai đến trần trụi, ta sẽ sững sờ trước cái chúng ta nhìn thấy. Chính do vậy mà tôi vẫn thường cứ tự hỏi nếu cứ ở Pháp thì tương lai của tôi nó sẽ ra sao. Chắc hẳn sẽ là một trò hóa trang, một tấn kịch bi hài.
      Nhưng này nhé nếu bà cho phép tôi sẽ xin đưa ra một thí dụ rõ ràng hơn, thí dụ của một người bạn, một người bạn dân Pháp cũng qua sống bên ấy sau chiến tranh như tôi. Anh ta cũng mất hết cả gia đình trong thời chiếm đóng. Một bi kịch rất lớn và rất đau khổ cho anh ta.
      Không, không phải trong một trận bom, mà là bị đưa đi đày. Anh là dân Do thái, bà hiểu rồi. Ấy anh chàng đến Mỹ tuyệt đối không có bất cứ cái gì trong tay – không một xu, không gia đình, không bạn bè, không học vấn. Trước chiến tranh cha mẹ anh rất nghèo. Tôi nghĩ cha anh là thợ may và mẹ anh đi làm công việc nội trợ cho người ta để lấy tiền nuôi con cái. Vậy thì ngay lúc đặt chân lên nước Mỹ anh đã buộc phải làm việc trong nhiều năm liền trong một nhà máy ở Détroit. Thật ra tôi gặp anh ta chính là trong thành phố này. Tôi thì hồi ấy tôi chơi nhạc jazz và tôi du lịch nhiều nơi hết thành phố này qua thành phố khác với ban nhạc nhỏ của tôi.
      A bà ngạc nhiên. Vâng chuyện này với bà có vẻ như không thật, nhưng tôi thì quả tôi từng là nhạc sĩ jazz trước khi trở thành nhà văn. Tôi chơi saxophone. Ténor và alto.[7] Vả chăng bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn chơi, với đám bạn bè, không phải chơi chuyên nghiệp, chỉ là chơi cho vui thôi.
      Ở Mỹ, như bà thấy đấy, con người có thể làm bất cứ gì mình muốn nếu mình có một chút tài và một chút tham vọng.
       
       
      --------------------
      Trích dịch từ nguyên tác La fourrure de ma tante Rachel do tác giả cung cấp. La fourrure de ma tante Rachel (Paris: Circé, 1996 – al dante / Léo Scheer. 2003) là một truyện kể viết xong năm 1995, trong đó người thuật chuyện (Raymond) vừa kể chuyện đời mình cho một người nghe chuyên nghiệp (Federman) vừa khai phá không gian tự do giữa cái có thật và cái tưởng tượng, không gian tiểu thuyết trong đó những kỷ niệm [cuộc đời lang bạt thất tán sau chiến tranh của một cậu bé Do thái từ hoàn cảnh sống trốn tránh ở một miền quê nước Pháp đến khi trở thành nhà văn ở Mỹ] được gợi lại trong những trò chơi văn chương, những gương mặt bịa đặt đặt bên cạnh những người có thật như L.-F. Céline, Francis Ponge, Max Jacob, Charlie Parker, Serge Doubrovsky, Diderot vân vân – tất cả được sắp xếp trà trộn thoải mái nhưng nhịp nhàng làm thành những khúc ứng tấu tuyệt vời. Trích đoạn trên là một phần của một chương trong đó tác giả / nhân vật trò chuyện / độc thoại với một bà giám đốc nhà xuất bản. Tác giả cuốn tiểu thuyết mì sợi trong truyện kể cũng như tác giả cuốn truyện kể được trích dịch ở đây tha hồ tung hoành... Và đâu đây người đọc nghe tiếng dội câu nói của Stephane Mallarmé: "Tout ce qui s’écrit est fictif"[8] – một trong những câu Raymond Federman trích làm đề từ cho La fourrure de ma tante Rachel.
       
      La fourrure de ma tante Rachel từng được xuất bản ở Đức (Der Pelz meiner Tante Rachel, Faber and Faber, Leipzig, 1997, bản dịch của Thomas Hartl) và ở Mỹ (Aunt Rachel’s Fur, FC2, Normal / Tallahassee, 2001 – do Federman và Patricia Privat-Standley chuyển từ nguyên tác tiếng Pháp). 
      _________________________
      Chú thích của người dịch:
      [1]compressé: nén, siết, nhưng trong trường hợp trên, như tác giả nhận xét, người Pháp không dùng từ này.
      [2]có nghĩa tinh thần lịch sự, ý thức làm hợp với lề thói. Tác giả đã để nguyên tiếng Pháp trong bản tiếng Anh của mình.
      [3]Trời đất bao la.
      [4]Le Bavard - tiểu thuyết
      [5]Tiếng Anh trong nguyên tác tiếng Pháp: Hãy đi về miền tây hỡi người bạn trẻ.
      [6]Tiếng Anh trong nguyên tác tiếng Pháp: đất của những cơ hội.
      [7]giọng cao và giọng trầm.
      [8]Tất cả những gì ta viết ra đều là tiểu thuyết.
      #2
        meocon_thongminh93 02.11.2008 13:57:25 (permalink)
        MỘT ĐOẠN Ở TRẠI PHÂN
         
        Như tôi nói, tôi chỉ là một thằng thanh niên ngây thơ yếu đuối khi tôi đến trại. Nhưng khi tôi từ trại đi, ba năm sau, toàn bộ công viêc vất vả kia đã làm tôi lớn đủ mọi mặt.
        Được, bây giờ tôi mô tả tình hình ở trại đúng như trại ấy cái thời tôi sống ở đó và làm việc ở đó, cách nay sáu chục năm.
        Đây là trang trại của một gia đình nông dân đông người, với một đàn bò cái đông con, lên tới hơn ba chục, một con ngựa duy nhất, còn heo, dê, cừu, gà tơ, thỏ, vịt, và cả những con ngỗng và gà tây mái thì đầy đàn, và khắp nơi chung quanh nhà thì mênh mông bao nhiêu là những cánh đồng ngút ngàn. Còn có một khu rừng thuộc trang trại là nơi chúng tôi đốn củi để đốt lò sưởi. Đất đai tài sản của gia đình Lauzy được coi như một trang trại giàu có thời bấy giờ, với hai kho thóc, và mọi thứ dụng cụ cần thiết cho chuyện làm đất, nhưng ngôi nhà chính thì nó không được rộng lắm. Vậy nên nhà không có phòng cho riêng tôi, trừ phi là tôi ngủ trong kho thóc chung với mấy con bò cái, là việc lão già vẫn thường gợi ý khi lão nổi cơn tam bành với tôi.
        Nếu không như thế thì tôi ngủ trong một góc bếp dưới một cái cầu thang hẹp dẫn lên tầng mái nơi chúng tôi dự trữ lúa mì và yến mạch gặt được. Tôi ngủ trong góc phòng trên một cái giường xếp mà họ gọi là giường-cũi. Ở tầng mái trên kia có chuột, vô số những con chuột to lông xám với những bộ râu mép dài. Ban đêm những con chuột bẩn thỉu kia bò xuống phòng bếp để kiếm ăn, làm như toàn bộ thóc lúa ở tầng mái trên kia không đủ cho chúng. Thế là tôi, co rúm người trên cái giường hẹp của tôi, tôi nghe tiếng chân chúng lướt đi trên tường nhà và chạy trong bếp. Trong số đó có những con còn chạy lông nhông cả trên giường tôi nằm y như chúng muốn gặm luôn dái tai tôi hay đầu mũi tôi. Tôi sợ vô cùng. Tôi lúc nào cũng khổ vì chứng sợ chuột. Đừng quên rằng hồi đó tôi chỉ là một thằng bé dân Paris rụt rè và sợ sệt không một chút xíu kinh nghiệm sống ở nông thôn. Trong căn hộ thảm hại của chúng tôi ở Montrouge không có chuột, mà chỉ có vài con chuột nhắt con nào con ấy dễ thương, và hàng tấn gián, nhưng chuột thì lại là một chuyện khác, quả tôi sợ chúng lắm. Ngay ngày hôm nay cũng thế. Bạn biết đấy, nếu một con chuột chạm vào bạn, nó có thể nhiễm độc bạn bằng đủ thứ bệnh chết người.
        Anh có sẽ kể chuyện anh cho chúng tôi nghe hay không đây?
        Anh đã bị cô Josette phá trinh hay sao?
        Tôi đang kể đến đấy. Đừng giục tôi như thế.
        Buổi tối, khi đến giờ đi ngủ, Josette đến chỗ góc bếp dưới cầu thang để làm giường cho tôi, tôi đứng ngay sau lưng chị ta và khi chị cúi người xuống để tấn mớ chăn nệm, tôi thấy một phần cặp đùi to đùng của chị dưới chiếc váy. Cảnh tượng này quả đã kích thích tôi. Phải nói thêm, để cho câu chuyện kể đâu đó đàng hoàng, cho dù đôi khi tôi cũng có bẻ cong chút ít sự thật các sự kiện, phải nói là Josette lúc nào cũng mặc những chiếc váy rất ngắn. Tôi có thể nhìn thấy đùi của chị hầu như đến tận cặp mông trông rất hấp dẫn, tròn đầy và trắng bóc, và tôi thì mỗi đêm tôi rửa mắt như thế. Nhưng tôi chưa bao giờ đụng tới người chị. Tôi không dám, tuy nhiên tôi chắc chắn là chị biết tôi nhìn chị.
        Sống trong trại người ta học vô cùng nhanh. Người ta cũng già nhanh hơn. Tôi muốn nói là thân xác bạn già nhanh hơn tuổi bạn, và cho dù cái củ dương của tôi lúc nào cũng vổng lên, đầu óc tôi tiến triển vẫn không nhanh bằng thân xác tôi. Phải mất một thời gian hai thứ đó mới ăn khớp được với nhau, và bởi vậy nên tôi cho rằng chỉ sau vài tuần lễ ở trại lúc nào tôi cũng thấy động dục khi tôi đứng một mình với Josette.
        Thế là mỗi đêm khi chị ta làm giường cho tôi tôi đứng sau lưng chị, động cỡn tưng bừng, nhưng tôi chưa bao giờ đụng tới chị. Tôi quá rụt rè. A quả là thời ấy tôi quá rụt rè. Và tôi cũng sợ nữa. Thế nên tôi chưa bao giờ dám đụng đến chị. Nghĩa là, trừ một lần.
        Nhưng trước khi tôi kể cho bạn nghe chuyện xảy ra như thế nào, trước tiên tôi phải trở ngược về cái cảnh tôi đã được nhìn thấy hai ngày trước buổi tối mà rốt cuộc tôi đã dám mó vào cái đít của Josette.
        Buổi chiều hôm ấy là vào mùa hè, tôi còn nhớ bởi vì ngày hôm ấy đúng là một lò lửa, tôi đang làm việc ngoài đồng, cắt cỏ khô hay những việc lắt nhắt đại loại như thế, thì bỗng cái dụng cụ tôi dùng bị gãy, tôi không còn nhớ được dụng cụ ấy thuộc loại gì, một cái mai, một cái cào, một cái liềm, chẳng có gì quan trọng lắm. Thế là tôi phải trở về trại để lấy một cái khác.
        Thật tình, tôi cần phải nêu lên đây, hoặc có lẽ tôi đã nêu lên rồi, là khi trời nóng quá, thì lúc nào buổi chiều lão già tai ác kia cũng ngủ một giấc trưa trong kho thóc. Thế là hôm đó tôi làm việc một mình ngoài đồng.
        Trong bữa ăn Josette bảo là chị sẽ rửa chén bát vào buổi chiều, và vì thế mà chị không thể nào ra đồng làm việc với tôi, như thỉnh thoảng chị vẫn làm.
        Tôi phải nhìn nhận Josette là một phụ nữ làm việc cù đày phi thường. Chị lo việc trại chu đáo, cho dù lão già không phải lúc nào cũng rất tử tế với chị. Lúc nào cũng chửi mắng chị và rờ mó đít chị. Dù sao, khi lão già ngủm, chị và chồng chị, khi anh chàng từ Đức trở về nhà, sẽ thừa hưởng trang trại này. Tôi không biết chị có nghĩ đến chuyện này không, nhưng lão già không cho chị thoải mái bao giờ. Chị làm công việc nô lệ vất vả ngang bằng với những việc tôi làm trong nhà và ngoài đồng.
        Tôi rất thích khi có chị làm việc ngoài đồng với tôi. Khi chị cúi người xuống tôi ngắm cái mông to tướng của chị. Có một thứ lần nào chị làm cũng kích thích tôi. Khi chị mắc tiểu chị chỉ việc đứng hoài như thế mà đái từ đầu đến đuôi, dang hai chân thật rộng. Như thế. Đứng thẳng ở giữa đồng. Chị có thể làm như thế là bởi trong những chiếc quần lót chị mặc dưới cái váy có một cái lỗ hở, một lỗ hở ở chính giữa hai chân chị, và chính do đó mà chị có thể cứ đứng thẳng người như thế mà đái. Tôi biết chuyện này là bởi khi chị giặt mấy cái váy trong của chị chị đem phơi trên dây phơi áo quần bên ngoài nhà, và thế là tôi có thể đến gần để quan sát chúng.
        Nhưng ta hãy trở lại với những gì tôi thấy được chiều hôm ấy. Tôi về đến sân, và tôi đi vào nhà kho chứa các dụng cụ để lấy một món, nhưng tôi để ý thấy một chiếc xe đạp dựng sát tường gần nhà bếp. Tôi nhận ra chiếc xe ngay tức khắc vì đã từng nhìn thấy nó nhiều lần trước đây. Đây là chiếc xe đạp của người phát thư. Hôm ấy phải là thứ năm, bởi lẽ người phát thư chỉ ghé mỗi tuần một lần, thứ năm. Thường thường những người trong trại hay mời ông ta một ly khi ông đem thư đến nhà, và Josette thì thường hay mời ông một ly rượu vang hay rượu bã nho. Và ngày hôm ấy trời rất nóng. Vậy nên tôi nghĩ là Josette đã mời ông phát thư vào nhà để ông giải khát một chút.
        Tôi sắp trở ra đồng làm việc lại thì đột nhiên tôi tự nhủ, này có lẽ tôi cũng nên kiếm cái gì trong nhà bếp uống cho mát chứ. Vậy là tôi đi về hướng nhà bếp, và khi tôi đi ngang qua cửa sổ tôi nhìn thấy cái gì thế này, ông phát thư cái quần tây tụt xuống, quần lót thì cuộn lại dưới bàn chân ông, và cái đít nhổng lên trời, đang dồn hết sức tới bến với Josette. Còn chị, thì chồm tới trước trên cạnh bàn, cái váy tốc lên để lộ nguyên con cái đít to tướng trắng bóc. Ông phát thư chơi chị theo kiểu lắp đít, như người ta vẫn gọi đúng tiếng lóng xưa của Pháp. Đó là những gì tôi nhìn thấy buổi chiều hôm ấy qua cửa sổ nhà bếp. Nhưng họ không nhìn thấy tôi. Họ quá bị cuốn hút vào cái khoái lạc buổi chiều bí ẩn của mình.
        Anh có vào nhà bếp không?
        Bạn không điên đấy chứ. Đâu có, tôi đâu vào. Tôi đã bảo bạn là họ không nhìn thấy tôi. Tôi chỉ còn nước vừa đi vừa chạy và trở lại làm việc, nhưng tôi cảm thấy có gì rất lạ trong mình. Tôi không biết vì sao, nhưng tôi buồn. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy con người giao cấu. Với loài vật thì tôi thấy hoài, thấy đủ hết các loài, nhưng một người đàn ông và một người đàn bà đang giao hợp, thì đây là lần đầu tiên. Nó gây nơi tôi một cảm giác lạ lùng. Tôi không biết nói ra làm sao đây. Một cảm giác kỳ lạ. Nó chẳng kích thích tôi chút nào. Nghĩa là không kích thích ngay lúc đó. Có bị kích thích chăng là sau này khi tôi diễn lại cảnh tượng ấy trong đầu mà thôi. Nhưng khi đứng một mình cắt cỏ khô trên đồng, tôi cảm thấy bấn loạn, bối rối, bị lạc mất trong thâm tâm. Tôi không biết nghĩ gì đây. Tôi còn thấy hơi giận là Josette đã làm như thế với ông phát thư. Có lẽ là tôi ghen.
        Ok, bây giờ thì ta trở lại, hay nói đúng hơn là tiến tới, cái buổi tối mà rốt cuộc tôi đã dám mó cái đít của Josette và xin chị ấy nếu có thể...
        Thôi, bạn biết là tôi muốn nói gì rồi.
        Đấy là hai ngày sau hôm xảy ra sự việc người phát thư.
        Đấy là buổi tối, lão bô ngáy trong phòng ngủ của lão. Lúc nào lão cũng đi ngủ đúng giờ lũ gà mái ngủ. Bấy giờ, như thường lệ Josette đến dưới cầu thang để mở cái giường-cũi của tôi ra. Tôi đi theo chị, và khi chị cúi xuống tôi không thể nào cưỡng lại được, tôi đưa bàn tay luồn dưới váy của chị từ phía sau, và tôi sờ cái mông của chị.
        Tối hôm đó, tôi còn nhớ rất rõ, chị không mặc quần lót, thế nên tôi đã có thể đặt bàn tay mình lên cặp mông của chị. Chị ngoảnh lại, mặt đỏ bừng.
        Thoạt đầu tôi tưởng chị sắp tát cho tôi một bạt tai ngay vào mặt. Tôi lùi một bước và tôi đưa cánh tay lên che mặt, nhưng chị không nhúc nhích. Chị đứng đấy ngay bên cạnh giường tôi nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi không biết cái nhìn ấy là một cái nhìn ngạc nhiên, giận dữ, sửng sốt, kinh ngạc vì nhận ra sự khéo tay của tôi hay chỉ là một cái nhìn dò hỏi. Một cái nhìn muốn nói, muốn gì đây...?
        Bấy giờ tôi phải đã mười lăm tuổi, nhưng tôi không có khiếu lắm khi phải đoán những tín hiệu mà phụ nữ dùng mắt để gửi cho ta. Thế là, đúng như một thằng bé trai tân ngu ngốc là tôi đây, tôi nói với chị, không suy nghĩ, mà cứ nói một mạch trong khi mặt mày đỏ bừng, Nếu ông phát thư làm được thì tại sao không là tôi?
        Tôi thề với bạn, đây đúng là những gì tôi nói với chị, nếu ông phát thư làm được thì tại sao không là tôi, và lần này chị ta thật sự đỏ bừng mặt, nhưng chị không nói một lời nào. Chị chỉ đưa một ngón tay lên môi, và đã hướng cánh tay chỉ về phía phòng ngủ của lão già để cho tôi hiểu là tôi cần phải im mồm lại. Rồi chị đi qua trước mặt tôi và đến chỗ bồn rửa bát để rửa bát đĩa. Chị còn chưa làm xong giường cho tôi nữa.
        Tôi cảm thấy mình thật là ngốc và thật là đệt. Thế là tôi đi nằm và cố tìm cách ngủ, nhưng tôi sợ là sáng hôm sau người ta sẽ đuổi tôi. Tôi nghe tiếng Josette loay hoay làm việc trong bếp. Chị sắp xếp bát đĩa, rồi sau đó chị tắt đèn. Tôi chìm sâu dần vào giấc ngủ, vừa than cho số phận của mình, lòng cứ lo sợ những gì có thể sắp xảy ra ngày hôm sau, thì đột nhiên tôi cảm nhận có một bàn tay đã luồn vào dưới tấm chăn và đang mân mê con cu tôi cho tới khi nó căng cứng và...
        Được rồi không cần gì phải đi xa hơn vào các chi tiết, thế nhưng sau buổi tối đáng nhớ kia, Josette thường xuyên đến vuốt ve tôi dưới đống chăn trước khi tôi ngủ. Nhưng chị không bao giờ lên giường nằm với tôi, và tôi không bao giờ dám đòi chị làm thế. Chúng tôi không bao giờ nhắc đến những gì xảy ra buổi tối. Không bao giờ. Trong ngày chúng tôi cùng ở bên nhau như hai người xa lạ. Vài ba chữ chúng tôi nói với nhau dính dáng đến trang trại, nhưng ban đêm, trong những buổi hưởng khoái lạc, cả hai chúng tôi đều buông mấy tiếng rên xiết nhỏ kín đáo. Tôi cho rằng chị cũng cảm thấy lạc thú khi đem lạc thú đến cho tôi.
        Thế là hầu như đêm nào cũng vậy, khi lão già rút vào phòng mình, Josette quỳ cạnh giường tôi, hoặc là ngồi trên mép giường, và dùng bàn tay chị để cho tôi khoái lạc, y như một người mẹ xoa dịu cái buồn của thằng con mình bằng cách vuốt ve và hôn để ru con ngủ, trừ mỗi chỗ là Josette không hôn tôi bao giờ. Không bao giờ. Chưa bao giờ chị hôn miệng tôi. Và tôi tôi cũng chưa bao giờ vuốt ve cặp vú to của chị.
        Toàn bộ đầu óc tôi đều dán chặt vào một bộ phận duy nhất trên thân thể chị. Cái bộ phận huyền bí, tôi tăm và lông lá ấy, mà người Pháp gọi là la chatte.[1]
        Khi Josette lúc lắc anh anh có xuất tinh ra giường không?
        Sau đó hẳn là nhớp nháp lắm nhỉ.
        Chỉ lần đầu mà thôi. Sau đó lúc nào Josette cũng đem đến một miếng giẻ nhỏ để tôi dùng lau chùi. Chị ấy rất là ân cần và tử tế khi đem khoái lạc đến cho tôi.
        Đôi khi chị ở nán lại lâu hơn một chút, chị ngồi bên mép giường sau khi rút bàn tay dưới tấm chăn ra. Tôi nghĩ chị ngồi nán lại như thế, bên cạnh tôi, khi chị cảm thấy buồn, bởi lẽ lão già khốn kiếp kia đối với chị thật là ác độc. Tôi rất thích được chị ngồi nán lại im lặng như thế sát bên cạnh tôi. Chúng tôi không nói gì. Không bao giờ. Đôi khi bàn tay tôi lạc dưới váy chị đi vào giữa hai chân nhưng chỉ trong một lúc ngắn mà thôi. Bấy giờ chị đẩy tay tôi ra và đứng dậy không nói một lời. Ở trại chúng tôi không bao giờ chào nhau buổi sáng hay buổi tối. Trên nguyên tắc chữ đầu tiên tôi nghe từ lão già là một chữ tục tĩu. Nhưng không bao giờ nghe Josette nói gì. Trong ngày, chị xa cách và bận rộn với công việc của mình.
        Bây giờ tôi mới nhận ra cái lạ lùng của tình huống đó, ấy là chúng tôi rất gần gũi, rất thân mật trong một khoảnh khắc ngắn ngủi vào buổi tối và suốt cả ngày thì lại gặp nhau như hai người làm công chăm chỉ trong những công việc nặng nhọc của trang trại. Thế nhưng trong bóng đêm và trong lặng lẽ của nhà bếp, Josette lúc nào cũng tắt đèn trước khi đến gần giường tôi, chúng tôi đã có thể đi đến chỗ đẩy lùi nỗi buồn và nỗi tuyệt vọng của mình bằng cách người này giúp người kia quên.
        Tôi biết là tôi buồn và tuyệt vọng, nhưng Josette cũng buồn và tuyệt vọng. Tôi cảm thấy như thế. Lão già quá ác độc với chị, và cũng rất thô bạo với chị nữa.
        Cho đến ngày chồng chị từ Đức trở về, tôi không biết gì về anh chàng này. Nhưng khi hắn ta về đến nhà, tôi hiểu Josette quả là khốn khổ với hắn. Hắn cũng độc ác, cũng thô bạo và dung tục với chị như lão già. Tôi từng nhiều lần nhìn thấy hắn đánh chị.
         
        _________________________
        [1]"La chatte" chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ. Trong bản tiếng Anh của Raymond Federman, tác giả cũng để nguyên tiếng Pháp.
        #3
          meocon_thongminh93 02.11.2008 14:07:17 (permalink)
          TRỞ VỀ TỪ CONSTANTZA
           
          tôi từ Rumani trở về — đại hội nhà văn — trong đám nhiều người có Semprum — Robbe-Grillet — Deguy — và khoảng một trăm những nhà văn khác từ 27 nước — đại hội ở Constantza — ở đây người ta nói mọi thứ ngôn ngữ cùng một lúc — không tệ — nhưng những nhà thơ không sao dung hòa được thơ với chính trị — họ đã làm những cố gắng vô nhân để đạt tới việc này — họ còn chẳng nói tới thể truyện — không bọn họ ở đại hội này thảy đều là các nhà thơ — thế nên tôi, tôi cải trang làm nhà thơ và đã tham dự — điều này cho thấy người ta cóc cần như thế nào trên Biển đen — Semprum đã chiếm giải Ovidius [đã dự kiến] Robbe-Grillet nhận được một huy chương bạc vì đã đánh đổ những biên giới với những cái viết của mình — Deguy không có gì — Federman cũng thế — nhưng Deguy và Federman với Robbe-Grillet và Semprum đã đi ăn trưa với ông Tổng thống Rumani — chúng tôi thậm chí đã toa moa* với ổng, ông Tổng thống ấy, trong khi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp — rất thân thiện — rượu vang thì thật supe — chúng tôi có nói chính trị tất nhiên — ai nấy chúng tôi đều bảo Bush là một thằng ngu — một thằng chăn bò ở Texas cần phải lãnh một cú shoot-out** — không tránh được — a tôi quên không nói với bạn là trong bữa ăn trưa với Tổng thống Rumani, có mặt cả ngài tổng giám mục Rumani — trong y phục chính thống tất nhiên — ngài không nói tiếng Pháp cũng chẳng nói tiếng Anh — hai thứ tiếng sử dụng trong bữa ăn trưa này — vậy nên vị cha xứ khốn khổ này là người nghe đúng hơn là người nói — nhưng ngày hôm trước đó — khi 100 nhà văn ở đại hội được mời dùng bữa trưa tại nhà ăn tập thể mênh mông trong khu nhà ở của tổng giám mục — ngài đã đọc đủ thứ kinh cầu nguyện cho chúng tôi, đi sau là một dàn đồng ca nam thanh niên mặc áo thụng đen với những giọng ca ngọt ngào hát nhạc cho chúng tôi nghe — quả là rất cảm động — thức ăn khá ngon — và ruợu nho cũng thế — nhưng không ngon bằng những thứ người ta dọn trong bữa ăn trưa của Tổng thống — ở đấy mới thật là rượu vang số dách — à tôi quên không nói với bạn là Deguy và tôi, chúng tôi cũng có nhận một huy chương — trông nó giống như bằng bạc nhưng tôi không chắc — cần phải đem đi kiểm chứng đã — dù sao tôi cũng đã được tiếp đón đàng hoàng ở Rumani là nơi người ta bảo tôi rằng ba cuốn tiểu thuyết của tôi xuất bản bằng tiếng Rumani bán rất chạy — và quả thật là một nhà xuất bản ở Bucarest giờ đây sắp cho dịch cuốn “Fourrure de ma tante Rachel” — bạn nhớ nhé — phải nói chuyện này cho đám người Pháp biết vì đám này cứ tiếp tục không biết cha Federman là ai
           
          Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp Retour de Constantza của Raymond Federman.
           
          —————————————
          * toa moa (tiếng Pháp: tutoyer) có nghĩa gọi anh và xưng tôi cách thân mật: anh anh tôi tôi.
          ** shoot-out: tiếng Anh trong nguyên tác: có nghĩa một trận đấu súng phải chấm dứt bằng một bên thua một bên thắng, như những trận đấu giữa các tay súng miền Tây xưa, giữa những nhóm tội ác, hay giữa bọn tội phạm và viên chức thi hành luật pháp (theo Tự điển Random House Unabridged Dictionary, Second Edition – Newly Revised and Updated, 1993). Người dịch thiết nghĩ định nghĩa trên áp dụng trong trường hợp này thật là... đẹp.
           
          #4
            meocon_thongminh93 02.11.2008 14:14:48 (permalink)
            TRỞ VỀ TỪ CONSTANTZA
             
            tôi từ Rumani trở về — đại hội nhà văn — trong đám nhiều người có Semprum — Robbe-Grillet — Deguy — và khoảng một trăm những nhà văn khác từ 27 nước — đại hội ở Constantza — ở đây người ta nói mọi thứ ngôn ngữ cùng một lúc — không tệ — nhưng những nhà thơ không sao dung hòa được thơ với chính trị — họ đã làm những cố gắng vô nhân để đạt tới việc này — họ còn chẳng nói tới thể truyện — không bọn họ ở đại hội này thảy đều là các nhà thơ — thế nên tôi, tôi cải trang làm nhà thơ và đã tham dự — điều này cho thấy người ta cóc cần như thế nào trên Biển đen — Semprum đã chiếm giải Ovidius [đã dự kiến] Robbe-Grillet nhận được một huy chương bạc vì đã đánh đổ những biên giới với những cái viết của mình — Deguy không có gì — Federman cũng thế — nhưng Deguy và Federman với Robbe-Grillet và Semprum đã đi ăn trưa với ông Tổng thống Rumani — chúng tôi thậm chí đã toa moa* với ổng, ông Tổng thống ấy, trong khi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp — rất thân thiện — rượu vang thì thật supe — chúng tôi có nói chính trị tất nhiên — ai nấy chúng tôi đều bảo Bush là một thằng ngu — một thằng chăn bò ở Texas cần phải lãnh một cú shoot-out** — không tránh được — a tôi quên không nói với bạn là trong bữa ăn trưa với Tổng thống Rumani, có mặt cả ngài tổng giám mục Rumani — trong y phục chính thống tất nhiên — ngài không nói tiếng Pháp cũng chẳng nói tiếng Anh — hai thứ tiếng sử dụng trong bữa ăn trưa này — vậy nên vị cha xứ khốn khổ này là người nghe đúng hơn là người nói — nhưng ngày hôm trước đó — khi 100 nhà văn ở đại hội được mời dùng bữa trưa tại nhà ăn tập thể mênh mông trong khu nhà ở của tổng giám mục — ngài đã đọc đủ thứ kinh cầu nguyện cho chúng tôi, đi sau là một dàn đồng ca nam thanh niên mặc áo thụng đen với những giọng ca ngọt ngào hát nhạc cho chúng tôi nghe — quả là rất cảm động — thức ăn khá ngon — và ruợu nho cũng thế — nhưng không ngon bằng những thứ người ta dọn trong bữa ăn trưa của Tổng thống — ở đấy mới thật là rượu vang số dách — à tôi quên không nói với bạn là Deguy và tôi, chúng tôi cũng có nhận một huy chương — trông nó giống như bằng bạc nhưng tôi không chắc — cần phải đem đi kiểm chứng đã — dù sao tôi cũng đã được tiếp đón đàng hoàng ở Rumani là nơi người ta bảo tôi rằng ba cuốn tiểu thuyết của tôi xuất bản bằng tiếng Rumani bán rất chạy — và quả thật là một nhà xuất bản ở Bucarest giờ đây sắp cho dịch cuốn “Fourrure de ma tante Rachel” — bạn nhớ nhé — phải nói chuyện này cho đám người Pháp biết vì đám này cứ tiếp tục không biết cha Federman là ai
             
            Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp Retour de Constantza của Raymond Federman.
             
            —————————————
            * toa moa (tiếng Pháp: tutoyer) có nghĩa gọi anh và xưng tôi cách thân mật: anh anh tôi tôi.
            ** shoot-out: tiếng Anh trong nguyên tác: có nghĩa một trận đấu súng phải chấm dứt bằng một bên thua một bên thắng, như những trận đấu giữa các tay súng miền Tây xưa, giữa những nhóm tội ác, hay giữa bọn tội phạm và viên chức thi hành luật pháp (theo Tự điển Random House Unabridged Dictionary, Second Edition – Newly Revised and Updated, 1993). Người dịch thiết nghĩ định nghĩa trên áp dụng trong trường hợp này thật là... đẹp.
             
            #5
              meocon_thongminh93 02.11.2008 14:24:13 (permalink)
               
              CON SÂU
              [Một câu chuyện thương tâm]
               
              Cái rắc rối với hai kẻ ngu đần khởi sự quậy rối tung từ đầu tới cuối trên Thiên đường, tất nhiên, tôi muốn nói đến Adam & Eve, là ở chỗ họ đã chọn không đúng trái táo. Hai kẻ ngu đần trần truồng ấy đã chọn trái táo bự nhất, bóng loáng nhất, đẹp nhất trên cây. Thay vì nhặt một trái táo nhỏ, một trong những trái táo bé hơn, một trong những trái táo ít khêu gợi hơn cả, một trong những trái chỉ lơ lửng treo trên cây không xía vào chuyện người khác, hai kẻ ngốc nghếch kia lại cố với tới cái cây có trái táo bự nhất, bóng loáng nhất, mọng nước nhất, mà không nhận ra là có một con sâu, một con sâu mập mạp to lớn sống trong trái táo ấy.
              Con rắn hèn hạ kia, tất nhiên, nó biết là có một con sâu mập mạp to lớn nằm trong trái táo khi nó đưa cái lưỡi nọc độc của mình chỉ vào trái táo bự nọ đang lơ lửng trên cây, và thì thầm với Adam, trái đó đó, vâng cái trái bự nằm trên cao kia, chính là trái ngươi muốn đó. Hay chính Eve là người đã đưa tay ra nắm giật trái táo? Eve hay Adam, bây giờ không thành vấn đề. Vâng, trái đó đó, con rắn hèn hạ bảo, vì nó biết ngay từ đầu là bên trong trái táo bự kia có một con sâu mập mạp to lớn. Một con sâu ngọ nguậy như một con rắn. Vâng, một con sâu bắt chước con rắn bên trong trái táo. Một con rắn tự biến thân thành hình thù một con sâu nằm trong trái táo. Một con sâu biểu tượng của con rắn.
              Mọi chuyện khởi sự như thế đó, với con rắn, trái táo, và con sâu nằm trong trái táo. Và Adam & Eve, hai tên cù lần kia, đã nuốt nguyên con sâu khi ăn trái táo. Hay đúng hơn, ta phải nói, là Adam & Eve đã nuốt cái con rắn biểu tượng khi ăn trái táo. Và bởi thế nên giờ đây quanh chúng ta mọi thứ đang quậy rối tung.
               
              1996
               
              -----------------------------
              Dịch từ nguyên tác tiếng Anh của Raymond Federman: The Worm.
               
              #6
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9